Phật Giáo Phật Lục - Trần Trọng Kim <1000QSV1TVB #0449>

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi Thu VO, 5/10/19.

Moderators: mopie
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0449.Phật Lục.PNG

    Tên sách : PHẬT-LỤC
    Soạn giả : TRẦN TRỌNG-KIM
    Nhà xuất bản : EDITIONS LE-THANG
    Năm xuất bản : In lần thứ hai
    ------------------------
    Nguồn sách : Thư viện Quốc gia Việt Nam Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Đánh máy : Amovo

    Kiểm tra chính tả : Đoàn Duy Nam,
    Nguyễn Đăng Khoa, Trương Thu Trang

    Biên tập chữ Hán – Nôm :Trần Tú Linh

    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 02/10/2019

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn Soạn giả TRẦN TRỌNG-KIM và nhà xuất bản LE-THANG
    đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.

    MỤC LỤC

    MẤY LỜI NGỎ CÙNG ĐỘC-GIẢ

    LỜI MỞ ĐẦU

    I. THÍCH-CA MẦU-NI PHẬT 釋迦牟尼佛

    II. THẬP ĐẠI ĐỆ-TỬ 十大弟子
    1) XÁ-LỊ-PHẤT 舍利弗 (Sariputra)
    2) MỤC-KIỆN-LIÊN 目犍連 (Maudgalyayana)
    3) ĐẠI-CA-DIẾP 大迦葉 (Maha Kacyapa)
    4) TU-BỒ-ĐỀ 須菩提 (Subhuti)
    5) A-NA-LUẬT 阿那律 (Anuruddha)
    6) PHÚ-LÂU-NA富樓那 (Purna)
    7) CA-CHIÊN-DIÊN 迦旃延 (Kotyayana)
    8) ƯU-BA-LI 優波離 (Upali)
    9) RA-HẦU-LA 囉喉羅 (Rahula)
    10) A-NAN-ĐÀ 阿難陀 (Ananda)

    III. CHƯ PHẬT 諸佛
    1) A-DI-ĐÀ PHẬT 阿彌陀佛
    2) DƯỢC-SƯ LƯU-LY-QUANG PHẬT 藥師琉璃光佛

    IV. CHƯ BỒ-TÁT 諸菩薩
    1) DI-LẶC BỒ-TÁT 彌勒菩薩
    2) QUAN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT (PUSA)觀世音
    3) ĐẠI-THẾ-CHÍ BỒ-TÁT 大勢至菩薩
    4) VĂN-THÙ BỒ-TÁT 文殊菩薩
    5) PHỔ-HIỀN BỒ-TÁT 普賢菩薩
    6) ĐỊA-TẠNG BỒ-TÁT 地藏菩薩

    V. THẾ-GIAN VÀ THẾ-GIỚI
    1) THẾ-GIAN
    a) Lục đạo
    b) Tam giới

    2) THẾ-GIỚI
    a) Ở trong không-gian
    b) Ở trong thời-gian

    VI. SỰ THỜ-PHỤNG VÀ CÁCH BÀI-TRÍ CÁC TƯỢNG TRONG CHÙA
    1) ĐIỆN THỜ PHẬT
    2) NHÀ BÁI ĐƯỜNG
    3) NHÀ HÀNH-LANG
    4) NHÀ TĂNG-ĐƯỜNG

    PHẦN PHỤ THÊM : MẤY CẢNH CHÙA LỚN Ở BẮC-KỲ
    1) CHÙA HÒA-GIAI
    2) CHÙA BÀ-ĐÁ
    3) CHÙA LIÊN-PHÁI
    4) CHÙA BẰNG
    5) CHÙA PHẬT-TÍCH
    6) CHÙA BÁCH-MÔN
    7) CHÙA BÚT-THÁP
    8) CHÙA CÓI
    9) CHÙA ĐỌI
    10) CHÙA TÂY-PHƯƠNG
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/10/19
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    ĐỌC TRỰC TUYẾN

    EBOOK
     

    Các file đính kèm:

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    MẤY LỜI NGỎ CÙNG ĐỘC-GIẢ

    PHẬT-LỤC là sách nói về truyện nhà Phật. Sách này không phải là sách bàn về lý-thuyết cao-siêu của đạo Phật, mà cũng không phải là sách nói về lịch-sử rất phức-tạp của đạo Phật.

    Đạo Phật sâu rộng vô cùng, không thể lấy cái học-thức thô-thiển và cái ý-kiến tầm-thường mà bàn luận cho tinh-tường được.

    Song vì chúng tôi thấy nhiều người tuy nói là tín-đồ nhà Phật, nhưng ngoài mấy câu kinh câu kệ và sự đi đến chùa lễ-bái để cầu phúc cầu đức ra, hỏi đến Phật, đến Bồ-tát là thế nào, thì chưa hầu dễ đã có mấy người biết rõ mà nói được. Thậm chí đến cách bài-trí ở trong chùa, thấy có tượng thì gọi là tượng Phật, tượng Thánh mà thôi, chứ không biết đích-xác là ngôi tượng nào thờ vị nào, và bày ra như thế là có ý-nghĩa gì.

    Chúng tôi thấy thế, cho nên mới làm ra quyển sách nhỏ này, nói lược qua mấy cái đại ý về đạo cứu-thế của nhà Phật cùng cái ý-nghĩa thờ-phụng chư Phật và chư Bồ-tát ở trong chùa, để giúp thêm cho sự hiểu-biết của các tín-đồ và họa may có bổ-ích được một đôi chút cho những người muốn biết đại khái đạo Phật là thế nào chăng.

    Cái mục-đích sách PHẬT-LỤCnày chỉ thiển-cận như thế thôi. Nhưng lúc làm, chúng tôi cũng đã kê-cứu cẩn-thận và có nhờ ông NGUYỄN TRỌNG THUẬTtìm giúp các điển-tích để tránh khỏi sự sai lầm.

    Vậy xin có lời cảm tạ ông THUẬT, và mong rằng cái việc làm này, tuy nhỏ mọn, nhưng cũng không đến nỗi vô ích cho sự Phật-học của nước nhà.

    T.T.K

    *


    LỜI MỞ ĐẦU

    Chữ Phật佛 là tiếng gọi tắt chữ Phật-đà佛陀 dịch theo âm chữ phạm Bouddha. Lấy cái nghĩa chân-đế真諦 là cái nghĩa chân-thực tuyệt-đối [1] mà xét, thì Phật là hoàn-toàn chân-tính, chân-như bất sinh, bất diệt, độc nhất vô nhị ở trong vũ-trụ. Cái chân-tính ấy thường gọi là Pháp-thân [2], tức là phần sáng tỏ thiêng-liêng, vạn vật nhờ đó mà có, rồi chung qui lại quay về đó. Theo cái nghĩa chân-đế ấy thì chỉ có một Phật chứ không có hai, nhưng lấy cái nghĩa tục-đế俗諦 là cái nghĩa luân-chuyển tương-đối [3] của sự báo-ứng biến-hóa mà người ta có thể hiểu biết được mà xét, thì Phật là giác-giả覺著, tức là cái danh-hiệu để gọi những bậc có trí-tuệ cực minh-triệt [4], cực cao-siêu, hiểu thấu hết thảy mọi sự mọi vật ở trong vũ-trụ. Những bậc ấy đã chứng được cái pháp-thân chân-thực, vượt qua khỏi cuộc luân-hồi biến-hóa, và lại đem sự hiểu biết của mình mà tuyên truyền ra để tế-độ chúng sinh, cứu vớt các giống hữu tình [5] ở chốn hôn-mê, đưa sang bến giác-ngộ yên-lặng.

    Theo cái nghĩa « tục-đế » ấy, thì Phật không phải là cái danh-hiệu để gọi riêng một vị nào, nhưng để gọi chung hết thảy những bậc đã tu thành chính quả viên-mãn, không sót chút gì là mờ-đục ngại-trở và không mắc tí nào vào trong sự biến-hóa vô-thường nữa.

    Vậy theo « chân-đế », thì ở trong vũ-trụ chỉ có một pháp-thân, mà theo « tục-đế » thì cái Pháp-thân biến hiện ra nhiều báo-thânứng-thân cho nên mới nói rằng từ đời vô-thủy đến nay có Hằng-hà sa số Phật. [6]

    Nay theo lịch-sử thì người đã thành Phật và đã sáng lập ra đạo Phật là đức Thích-ca mầu-ni. Khi Ngài đã đắc đạo rồi, Ngài đem đạo-lý dạy người ta biết bởi đâu mà có thế-gian và vạn vật, và tại sao mà có sự khổ-não ở đời, rồi Ngài chỉ bảo cho mọi người tự mình nên lấy cái bản-tính sáng-suốt mà phá tan cái mờ-tối, để giải-thoát ra ngoài luân-hồi sinh tử. Đến khi ngài diệt độ, nghĩa là Ngài đã về chỗ chân-như yên-lặng rồi, các đồ-đệ làm tượng Ngài thờ như lúc sống. Bởi vậy mới thành ra có sự thờ-phụng ở các chùa.

    Về sau dần dần số tín-đồ nhiều ra, đạo-lý mỗi ngày một mở rộng. Trong số tín-đồ, có phái tu theo cái nghĩa tiểu-thặng, cố tu-hành để giải-thoát lấy mình ; có phái tu theo cái nghĩa đại-thặng, lấy lòng từ-bi bác-ái mà tu-hành, không những là để cứu mình mà lại còn lo cứu người. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người, đại-thặng là cỗ xe lớn chở được nhiều người. Dùng sang nghĩa bóng là nói một phái tu lấy tự giác, tự lợi [7] ; một phái tu để tự giác giác tha [8]. Cái nghĩa của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng khác nhau là thế.

    Phái Tiểu-thặng tuy cũng nhận có nhiều Phật khác, nhưng chỉ riêng thờ một đức Thích-ca mà thôi. Phái Đại-thặng thì không những thờ đức Thích-ca và đức A-di-đà, mà lại thờ cả các vị Bồ-tát, là những bậc đã tu đắc đạo, nhưng chưa được viên-mãn [9] như chư Phật. Các vị Bồ-tát đều có công-đức lớn ở lại trong thế-gian mà tế-độ chúng sinh. Vì thế, sự thờ-phụng và đạo-lý của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng có nhiều chỗ không giống nhau.

    Đạo Phật ở nước Việt-nam ta, thuộc về phái Đại-thặng, cho nên ta cần phải biết rõ danh-hiệu và sự tích của chư Phật và chư Bồ-tát cùng các vị thần thánh thờ ở trong các chùa.

    Sách này chia ra làm năm mục : Mục đầu nói về Phật-tổ là đức Thích-ca mầu-ni Phật cùng thập đại-đệ-tử ; mục thứ hai nói về chư Phật ; mục thứ ba nói về chư Bồ-tát ; mục thứ tư nói về thế-gian và thế-giới ở trong không-gian và thời-gian ; mục thứ năm nói về các tượng và cách bài-trí ở các chùa. Sau cùng phụ thêm một mục nói mấy cảnh chùa lớn và cổ ở Bắc-kỳ. Chủ-đích là dùng lời giản-ước và rõ-ràng mà bày tỏ những điều các tín-đồ cần phải biết trong đạo Phật, để tránh khỏi những sự lầm-lẫn về đường tín-ngưỡng.

    [1] Tuyệt-đối : Cùng tột, không có gì sánh ngang được.
    [2] Pháp-thân : Cái thân thuần là lý, không có sắc, không có tướng.
    [3] Tương-đối : Sánh ngang cái nọ đối với cái kia.
    [4] Minh-triệt : Sáng suốt.
    [5] Hữu-tình : Giống sinh vật có cảm-giác.
    [6] Hằng-hà sa số : Số cát ở sông Hằng, nghĩa bóng vô-số.
    [7] Tự giác tự lợi : Biết lấy cho mình, lợi lấy cho mình.
    [8] Tự giác giác tha : Biết cho mình rồi làm cho người biết.
    [9] Viên-mãn : Toàn vẹn.
     
  4. nhanpro54cdt

    nhanpro54cdt Mầm non

    Sách của Trần Trọng Kim hay, mang tính khách quan và tổng quát. Mình rất thích sách cũ ntn, vì độ chân thật của nó. Cảm ơn người đăng rất nhiều!
     
    Hamilk and Thu VO like this.
  5. HrXmasNo1

    HrXmasNo1 Mầm non

    Trang thứ 50 phần 1.a. Lục đạo viết thiếu về A-tu-la và phần Quỷ đói vị dính vào phần đó. Nhờ ban biên tập sửa lại cho hoàn chỉnh ạ.
     
    Thu VO thích bài này.
  6. moreshare

    moreshare Lớp 8

    Cảm ơn bạn đã chia sẻ :)
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/7/20
    Thu VO thích bài này.
Moderators: mopie
: 1000qsv1tvb

Chia sẻ trang này