Sách scan Quê Hương Tôi - Tràng Thiên

Thảo luận trong 'Thư Viện Sách Scan' bắt đầu bởi silence00, 5/7/15.

Moderators: Zhiqiang
  1. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Tôi rất thích quyển này có hai bài về "chửi" rất hay tôi tìm ebook trên internet không có nên hôm nay rảnh chụp hết cuốn sách này lên với hy vọng ai đó sẽ đánh máy và làm ebook cuốn này, tổng cộng là 225 file ảnh chụp bằng iPhone 4S

    [​IMG]

    Download: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Last edited by a moderator: 5/7/15
  2. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Sách hay mà chưa rõ chất lượng chụp thế nào. Để xem nếu ocr được thì mình quăng lên Wiki cho bà con soát. 500MB vãi quá.
     
    Zhiqiang and Ban Tang Du Tử like this.
  3. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Đây thực là một cuốn rất hay. cute_smiley20
     
  4. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Mỗi file ảnh của iPhone độ phân giải khá cao trung bình là 2MB, có thể zoom được. Nếu bật HDR thì còn nặng hơn nữa, chụp khá tốn thời gian.
     
  5. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Đã thử và gần như không thể làm gì :(. Bạn chụp để sách cong và chụp 2 trang với độ phân giải của iphone 4 thì quá mờ. May ra đả tự thì có thể tàm tạm. bạn cái Camscan vào chụp có lẽ sẽ cho chất lượng tốt hơn.
     
  6. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Tôi thấy vẫn zoom được chữ. chép được. Nếu bạn nào đủ kiên nhẫn thì đánh máy đưa lên trong thời gian tới.
     
  7. dongtrang

    dongtrang Lớp 5

    Vì bài này mà @silence00 chịu khó chụp nguyên cuốn sách. Khâm phục


    Chửi

    Võ Phiến

    Hồi tiền chiến, báo chí có kể câu chuyện một người ngoại quốc nghiên cứu về lối chửi nhau của các dân tộc, đến Việt nam, nhân đọc một đoạn văn của Thanh Tịnh, đã nhắn hỏi và được Thanh Tịnh cung cấp cho tài liệu. Nhà khảo cứu nhận rằng tài liệu rất quí báu, lối chửi ở Việt nam rất xuất sắc, đã gửi biếu Thanh Tịnh một món quà (hình như là cái máy chụp hình?) để đền ơn.

    Hiện thời nghe nói linh mục Trương đình Hòe đang soạn một luận án tiến sĩ ở Pháp về ý nghĩa của cái chửi Việt nam.

    Trong cuốn Ngôn ngữ và thân xác vừa xuất bản, Nguyễn văn Trung cũng có nghiên cứu về vấn đề chửi tục. Ông mở đầu: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt nam.”

    Hay ra làm sao? Không thấy ai phân tích. Vả lại, cái hay cái đẹp là chuyện thẩm mỹ; sự nhận định, thưởng lãm, có thể chủ quan. Kẻ yêu thì cho là hay, người không thích lại chê dở. Chờ cho dứt khoát hãy còn lâu.

    Cái nhiều dễ chứng minh hơn. Và nguyên một cái nhiều ấy đã mang nhiều ý nghĩa. Nếu Nguyễn văn Trung đã so sánh với các dân tộc trên thế giới và nhận thấy người Việt chửi nhiều, thì thôi, không còn gì để biện luận nữa; đó là sự thực khách quan, chửi là một đặc điểm của dân tộc.

    Vấn đề chỉ còn là tìm hiểu đặc điểm ấy.

    *

    * *


    Chửi là một cách xung đột bằng lời. Và chỉ bằng lời thôi, chứ không phải bằng những lý luận do lời nói phô diễn ra. Do đó chửi nhau khác với cãi nhau.

    Hai kẻ cãi cọ cố thắng địch bằng lý lẽ. Dĩ nhiên khi đôi bên đã to tiếng, mặt mày đã sưng sỉa lên, thì giá trị luận lý của những câu cãi thường không thể xuất sắc. Lúc bấy giờ mỗi người chỉ có tình cảm sôi sục hoành hành, chứ lý trí không còn sáng suốt bình tĩnh để đi sâu vào những suy luận tinh tế nữa. Dù sao, nội dung một cuộc cãi nhau cũng là lý luận; kẻ thua cuộc là kẻ “bí". Để khỏi bí, người cãi phải lắng nghe, theo dõi lời lẽ của đối phương, hầu tìm cách bắt bẻ.

    Chửi nhau thì, trái lại, không cần nghe gì ở đối phương cả. Cơ sự đã bùng nổ, mạnh bên nào nấy chửi, lấy hơn. Kết thúc cuộc chửi lộn, không ai thua vì bí. Thua ở đây có nghĩa hoặc là không đủ hơi sức để tiếp tục nên phải ngừng lời trước, hoặc là phải lãnh những lời nặng của đối phương mà vốn liếng hiểu biết của mình ít oi không cho phép trả lại những đòn nặng tương đương.

    Như thế, một trận chửi lộn giống như một trận đánh lộn. Một đàng vung tay vung chân vung cây vung gậy đập loạn xạ xuống kẻ thù; một đàng đập loạn xạ bằng lời. “Đò bò. Đồ chó. Quân súc sinh. Đ. mẹ mày. Ị vào mặt mày" v.v... Đó là những đòn quất xuống, mong cho kẻ địch bị đau, không mong kẻ địch phải bí. Việc thiết yếu trong trận chiến này là đánh thật mạnh và làm thế nào để chịu đựng nổi những cú đánh của đối phương. Đánh được mạnh hay không là tùy thuộc cái vốn kiến thức chuyên môn của kẻ chửi. Để chịu đòn, người ta cố gắng để khỏi phải nghe tiếng nói kẻ thù; hoặc bịt tai lại, hoặc chửi to và liền hơi để lấp lóng. Trong trường hợp không chửi lại, người ta phớt tỉnh, làm lơ, tỏ vẻ như không hề nghe thấy tiếng chửi của đối phương, như những tiếng đó không ăn nhằm gì, không đụng chạm và làm tổn thương mình chút nào.

    Phương thức tấn công cũng như phương thức phòng vệ của chửi lộn cho thấy nó gần với chiến tranh, mặc dù phương tiện của chửi lộn là lời nói vốn có công dụng giúp cho hiểu nhau. Trong tấn công, những câu mà người chửi văng rakhông chứa đựng một lý sự gì. Hoặc ngắn ngủi, cộc lốc như: “Đồ chó đ... Đồ ăn c...”, hoặc dài dòng văn tự như “Cha năm đời mười đời thằng đẻ ra bố đứa nào lấy con vịt của bà, nó mà không đem trả thì bà đào mả ông bà ông vải nó lên, bà bắt nó chui vào váy bà, bà bắt nó liếm 1... bà”, những lởi lẽ như thế cũng không nhằm phân giải một sự thực nào, một lẽ phải trái nào cả. Tác dụng của nó là tác dụng tàn phá, gây đau đớn, như đạn, như mìn. Cuộc trao đổi giữa đôi bên là trao đổi những thứ như vậy: càng nhiều càng tốt, hỏa lực càng mạnh càng hay. Trong phòng vệ, thì bịt tai là khiên, là mộc, là áo giáp, mũ sắt, là công sự, phòng tuyến v.v... Trong một cuộc chửi lộn, có kẻ nói qua người nói lại, nhưng rõ ràng không có đối thoại. Cãi nhau thì phải vểnh tai nghe, chửi nhau phải vít tai lại. Trong trường hợp này không cần biết gì về ý nghĩ của đối phương nữa, không cần đếm xỉa đến lập trường của họ: Giữa đôi bên, tuyệt đường tương thông.

    *

    * *

    Giữa hai người, một khi có sự xích mích phải dùng lời lẽ để giải quyết, sự việc diễn tiến qua nhiều chặng đường trước khi đến chỗ chửi nhau.

    Trước hết, đôi bên có thể bình tĩnh, hòa nhã. đối chiếu quan điểm trong một cuộc thảo luận có tính cách xây dựng, nhằm đi đến cảm thông, dàn xếp.

    Nếu quan điểm bất đồng, không dàn hòa được, bấy giờ là khởi đầu của xung đột. Lời lẽ được sử dụng dần dà đi xa mục đích biện giải mà nhằm công dụng gây tổn thương; người ta nói mát, nói cạnh, nói khoé, nói kháy, nói bóng nói gió, nói khích, người ta chế giễu, châm chọc. Đó là những hoạt động phá rối, du kích. Nếu không chấm dứt, nó dẫn tới xung đột trực diện: cãi vã om sòm. Cuối cùng chửi nhau. Đến đây là biện pháp mạnh rồi. Là hành hung, là bạo động. Và bạo động (bằng ngôn ngữ cùng vậy) gây cảm tưởng khiếp sợ, ghê tởm. Nghe lời chế giễu, nói cạnh nói khóe, lắm khi thấy thích thú nếu gặp được những đối thủ thông minh, láu lỉnh. Ở đây, còn có sự biểu diễn của lý trí. Trái lại, chửi nhau thì chỉ còn tranh đua ở mức độ tàn nhẫn.

    Đi đôi với lời lẽ, ở mỗi giai đoạn có những điệu bộ tư thế tương xứng. Khi chế nhạo, nói mát v.v..., người ta có thể cười mỉa, cười khẩy, giọng nói có thể ôn tồn, ngọt ngào mặc dù giả tạo. Bất chợt tìm được câu hài hước thú vị, chính kẻ nói có thể phát ra cười thực tình. Người ta còn thưởng thức được cái hay ho, còn khinh khoái, thỉnh thoảng còn vượt được lên trên sự tức giận.

    Trong khi cãi vã, hai bên đương sự có lúc tức tối, có lúc tỏ thái độ kinh ngạc, có lúc làm ra vẻ khinh thị, mỉa mai v.v... Biểu lộ của con người hãy còn linh động, phong phú.

    Nhưng đến độ chửi nhau thì cả con người đơn giản chì còn là phẫn nộ ngùn ngụt. Trong những trận thư hùng như thế diễn ra ngoài đường ngoài chợ, thường trông thấy những đối thủ xắn váy, xắn quần, chổng mông, vỗ vào chỗ kín đôm đốp, mắt long lên sòng sọc, người chồm tới, miệng gào nổi gân cổ... Tư thế của chiến sĩ ở trận tiền.

    Vậy chửi là hình thức xung đột mạnh nhất bằng lời.

    *

    * *

    Thi sĩ Paul Valéry có ý nghĩ ngộ nghĩnh về chuyện chửi rủa. Theo ông, sở dĩ bị chửi rủa xỉ vả mà thấy đau, ấy là vì ta chỉ nhìn có một phần con người đang làm nhục ta: cái phần bên ngoài lúc hắn đối diện hành hung ta. Hãy hình dung lúc chưa gặp ta, hắn một mình hậm hực, hì hục bấu xé băm vằm một kẻ thù tưởng tượng, một hình ma. Trông thấy trọn vẹn hắn, là trông thấy một tên khùng. (Qui voit donc tout l'insulteur, voit un fou.)

    Thiết tưởng chỉ cần trông một nửa con người đang chửi, chửi theo lối Việt nam, cũng thấy được cái gì khá lạ lùng, lý thú.

    Xin tưởng tượng hai người đối mặt nhau, xướng lên những câu thế này:

    “Mẹ mày, cả nhà mày ra đường bị gà nó mổ mất dái từ già đến trẻ.

    — Con khỉ trù, chó nó ăn mất cu, chết đi thành con ma trơi bay dọc đường xó chợ.

    — Đ. mẹ mày.

    — Tao ỉa vào đầu lâu hoa cái nhà mày.

    — Tiên sư mày, tao chẻ xương mày ra.

    — Đồ chết tiệt, mày đi ra đường xe nó đè, thuyền nó chìm v.v...”

    Ý nghĩa những câu ấy đại loại là:

    1/ Nêu lên những nhận định rất bất lợi về giá trị của đối phương (Đồ chó đéo, đồ đĩ điếm, con khỉ trù v.v...)

    2/ Nêu lên những tai họa mong xảy đến cho phương (Bị gà mổ mắt dái, chó ăn mất cu, xe đè, thuyền chìm v.v...)

    3/ Nêu lên những hành động bạo tàn mà ta muốn tự mình thực hiện đối với chính kẻ địch và những người thân yêu của hắn (Chẻ xương ra, đ... mẹ nhà nó, ị vào mồm, đào mả tiên sư v.v...)

    Hà tất ngồi một mình tưởng tượng chẻ xương hay ị vào mồm, một kẻ vô hình mới là khùng? Gặp mặt nhau, cách nhau gang tấc, có thể túm lấy người ta để chẻ xương để ị vào mồm mà không hề túm lấy, chỉ đứng cách xa kê khai những ước muốn, những hành vi mình mong làm, kê khai nhiệt liệt hàng giờ như vậy, đó cũng là một cảnh tượng khác thường chứ, không sao?

    Khi chửi, tình cảm trong lòng là thứ tình cảm ngùn ngụt của lúc lâm trận, tư thế bên ngoài là tư thế hầm hầm của chiến đấu, dự tính của hành động là những dự tính cực đoan ác liệt; tuy vậy rốt cuộc bạo động thực sự không xảy ra, tổn thương cụ thể không hề có.

    Bảo chửi là hành hung thì quá đáng: kẻ chửi chưa có hành động hung dữ. Nhưng bảo chửi chỉ là ước muốn điều dữ cho kẻ khác thì lại không đủ: kẻ chửi đã đi quá sự ước muốn suông. Hắn đã thét to sự ước muốn đó vào mặt kẻ thù. Như vậy tuy không gây tổn hại cụ thể trên thân xác kẻ thù, hắn cũng làm cho đối phương đau đớn. Không thực hiện hoàn toàn nhũng ước muốn độc hại, nhưng hắn đã đi tới nửa con đường thực hiện.

    Bởi không ra tay làm được những điều mình mong muốn cho nên người chửi thường ước mong quá trớn. Trong một trận chửi, có thể nghe kê khai liên tiếp các việc: nào là đ. mẹ kẻ địch, đút c... vào mồm kẻ địch, nào là bắt kẻ địch liếm 1... mình v.v... Giá có thể xông tới thực hiện lấy một chuyện thôi trong bấy nhiêu chuyện thì đã đủ hả giận rồi. Chính vì không làm một chuyện nào cả nên mới ao ước nhiều đến thế.

    Một phần vì không phải đánh nhau bằng chân tay gậy gộc, không nhằm một cái đích xác thịt cụ thể; mà đánh nhau bằng lời nên được tha hồ vung vít vào những mục tiêu rộng lớn. Một phần khác vì đánh bằng lời, bằng tưởng tượng, không thỏa mãn được ước muốn, nên người chửi có xu hướng đi quá xa: sau khi giày xéo đối thủ, hắn còn xâm phạm tới tất cả những gì là quí trọng thân yêu nhất của đối thủ. Việc đụng chạm tới mồ mả, tổ tiên kẻ thù, có lẽ là do đó.

    Nguyễn văn Trung cho rằng “lời chửi thiết yếu bao hàm một niềm tin tôn giáo dựa trên đạo thờ tổ tiên, vì giả sử một ngày kia người Việt không còn thờ ông bà ông vải, khấn vái, cúng giỗ, thì đã hẳn lúc đó lời chửi sẽ không còn ý nghĩa, tác dụng gì nửa,” và “người ta không thể chửi tục nếu không dựa trên một số niềm tin có tính chất tôn giáo.”

    Thật vậy chăng? Nói những câu như “Đồ mất dạy, mày cứ há hốc mồm ra thì ông ị vào!” hay “Mày khôn hồn cút đi, không có tao ị vào mặt bây giờ” thì cần gì phải dựa trên một số niềm tin tôn giáo? Không thờ ông bà ông vải tưởng cũng cứ đòi làm dơ mồm kẻ khác được, đâu có sao. Và không thờ ông bà ông vải, bị kẻ khác đòi làm dơ mồm mình tưởng vẫn chịu một tác dụng đau lắm, đâu phải không tác dụng gì.

    Trong chửi rủa, có những hành động bạo tàn muốn nhằm vào đối thủ, có những hành động bạo tàn muốn vượt quá đối thủ nhằm tới thân nhân họ, cũng như có những tai họa mong được do ta gây ra, có những tai họa mong quỷ, thần, gà, chó, xe cộ v.v..., những rủi ro huyền bí gây ra. Như vậy việc chửi rủa có biểu lộ sự tín ngưỡng của dân tộc, và những ai muốn tìm hiểu về tín ngưỡng Việt nam có thể tìm hiểu được một phần qua các câu chửi cũng như qua nhiều phong tục khác; nhưng chửi không đến nỗi thiết yếu bao hàm tín ngưỡng, không đến nỗi không tín ngưỡng không chửi được.

    Không có tín ngưỡng, quyền lực của kẻ đánh đá bằng mồm sẽ bị giảm sút đi nhiều. Chỉ có vậy thôi. Và như thế kẻ chửi thiệt thòi tội nghiệp: không ra tay đánh thực mà chỉ đánh gió, hắn nên được đền bù bằng cách tha hồ loạn đả lung tung cho hả.

    *

    * *

    Chửi là đi nửa con đường hành hung. Điều làm chúng ta thắc mắc là tại sao lại chỉ đi có nửa đường? Tại sao chọn dừng lại đó?

    Bảo rằng gây đau đớn cho đối thủ đến như thế là tột độ, rằng như thế ta đủ trọn vẹn hả giận rồi, nhất định không đúng. Vậy tại sao không thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

    Đến đây, bất giác nghĩ đến một nhân vật lừng danh khắp Á đông: ả Q.

    Ả Q., trong suốt cuốn chính truyện, không thấy có kẻ thân, chỉ thấy người thù, nếu chẳng ra hẳn là thù hằn thì cũng ghét bỏ khinh bỉ ả. Đối với mỗi hạng đối thủ, ả Q. có thái độ khác nhau. Thằng Đôn Oắt Tì và lão già Vương Xồm coi bộ yếu kém, nên vừa gặp nhau ả Q. khiêu khích và vung tay sấn ngang tới hành động. Còn quan tú “Tây Giả Cầy" với quan cử, thì ả chỉ đối phó bằng cách chửi “con mẹ nó." Có một lần ả chửi thành tiếng: “Thằng trọc... con lừa," và bị thằng Tây Giả cầy đập cho mấy cây ba-toong lên đầu, vì vậy để bảo đảm an ninh, ả Q. ưa chọn cách chửi thầm trong bụng. Ả Q. có biết câu “quân tử động khẩu bất động thủ,” nhưng xử sự linh động: gặp kẻ yếu thì ả vui lòng làm tiểu nhân mà gặp phải kẻ mạnh hơn mình, ả đề nghị làm người quân tử.

    Như vậy, cái gì ngăn chặn một người chửi rủa đi thẳng tới hành động ấy là sự nguy hiểm.

    Nét tâm lý ấy ở ả Q., theo lời ông Giản Chi thì nó tiêu biểu cho cái mà người phương bắc nước Trung hoa gọi là "phạp". Phạp là ươn hèn.

    Ở đời, những kẻ khỏe mạnh, không e ngại vũ lực, thường không chịu ngừng mãi ở thái độ quân tử. Vì thế hạng khỏe chửi không phải là hạng vai u thịt bắp; thực vậy, hiếm khi trông thấy cảnh tượng một người đàn ông vạm vỡ chửi bới dai dẳng. Trái lại, chửi rủa ác độc và dông dài thường thường là sở trường của phái yếu.

    Thế gọi là phạp? Nhận xét phũ phàng quá. Nhất là khi chửi rủa đã được nhận làm một đặc điểm của dân tộc. Bởi vậy, nên đề nghị một cách giải thích khác. Thiết tưởng chửi có thể coi như hình thức xung đột khôn ngoan của một dân tộc khôn ngoan.

    Các va chạm trong cuộc sống một khi không thể thu xếp ổn thỏa, được giải quyết hoặc bằng cách nhịn nhục cho qua hoặc kết thúc bằng vũ lực. Nhịn nhục thì bề ngoài êm thấm đấy, nhưng bên trong nó đầu độc con người do niềm uất hận bị đè nén. Ả Q. đánh nhau thua mãi, về sau không dám đánh ai nữa, mỗi lần tức giận đành cứ quắc cặp mắt im lặng nhìn kẻ thù: sự suy đốn tinh thần của ả có thể một phần do đó mà ra. Nuốt lịm cơn giận, đó không phải là phản ứng thuận với tự nhiên. Trong tự nhiên, con người, cũng như con thú khi bị tấn công đe dọa, cơ thể tự động chuẩn bị để tức khắc đối phó: tim đập mạnh, hơi thở gấp, huyết quản trong phổi căng lên, dưỡng khí được hít vào máu, chất đường được rót vô máu nhiều hơn, máu dồn ra các bắp thịt, bắp thịt co lại, sẵn sàng hành động. Nếu hành động bị chận, các năng lực vừa huy động mà phải kìm hãm không dùng tới nó trở lại phá phách làm ta khó chịu, cáu kỉnh. Ta cáu kỉnh, giận dữ, thì các hạch thượng thận bị kích thích, chất thận tuyến tố (adréaline) tiết ra nhiều, huyết áp cao, mạch máu căng v.v... Cơn giận là cái gì độc hại; giận không nên nuốt; nuốt giận, tất sinh ra bệnh hoạn. Nổi tam bành lên mà được đập nhau một trận mới hả. Nhưng đập nhau thì nhiều khi hỏng việc hết, cho nên để cứu vãn tình vợ chồng trong gia đình người ta đập tạm bát, đĩa, ly, cốc v.v...

    Cái cần lúc bấy giờ là cần một hành động mạnh, thật mạnh, có tác dụng giải toả. Những ràng buộc của cuộc sống trong xã hội văn minh không cho phép chúng ta mỗi lúc mỗi bạo động, sự dồn nén làm phát sinh nơi chúng ta nhiều chứng bệnh thần kinh. Bà Laura Archera Huxley nghĩ ra mấy cách chữa bệnh rất ngộ. Bà mách chúng ta mua ở tiệm bán đồ thể thao một trái banh về treo sẵn trong nhà, lúc nào có điều giận ai, có chuyện bực mình, cứ vô phòng mà đấm liên hồi kỳ trận vào trái banh ấy. Bắp thịt co lại đòi hành động? Cứ cho nó hành động. Chất thận tuyến tố kích thích? — Đập cho dữ vào, nó sẽ hết kích thích. Đập banh xong, tâm hồn sẽ thư thái, đời sẽ tươi sáng. Bà L. A. Huxley lại mách ta nhúng chân vào một thùng nước nóng, úp mặt vào một thau nước thật lạnh, rồi cứ thế thổi vào thau nước cho nổi bong bóng lên, càng uất ức càng thổi. Không thét mắng những lời cộc cằn vào kẻ thù, hãy thổi xuống nước, bong bóng sẽ nói thay lời, tha hồ nói mà không xúc phạm ai, không gây đổ vỡ. Nếu uất hận quá, vừa thổi bong bóng vừa khóc cũng được, càng hay.

    Chửi là một biện pháp đại khái giống như đấm trái banh, như thổi bong bóng nước, vào những lúc cơ thể đòi hỏi phải lảm một cái gì thật hung dữ mà hoàn cảnh, quyền lợi, không cho phép làm như thế. Chỉ giống đại khái. Thực ra thổi bong bóng so với chửi cũng như chửi bới so với đánh đấm chém giết. Có lẽ nhờ chửi, hay chửi, mà người bình dân Việt nam bị thiệt thòi, áp bức, lại không mang nhiều ẩn ức trong tâm hồn, có thể lập được quân bình tinh thần, bớt cay đắng.

    Giữa bọn trẻ chơi ngoài đường, thỉnh thoảng có những cuộc xung đột không cân sức, đứa lớn đánh, đứa nhỏ chửi; lớn càng đánh, nhỏ càng chửi. Vì yếu nên phải chọn chửi, Nhưng chửi là phản ứng can đảm của kẻ yếu.

    Nếu cả đôi bên mạnh yếu cùng thỏa thuận dùng chửi để thay thế cho cuộc đấu lực thực sự, thì đó quả là khôn ngoan. Và dân tộc Việt nam khôn ngoan đã sử dụng chửi như một biện pháp giải tỏa, trau dồi nó thành nghệ thuật.

    Thực vậy, xem truyện xem phim nước người, nhất là các nước Âu Mỹ thấy họ đánh đấm nhau nhiều quá, dễ dàng quá, như thể trẻ con. Cứ có chuyện xích mích, bên nầy văng qua một lời, bên kia văng lại một lời thô tục, thế là đánh nhau. Nguyên do một phần bởi tính khí, một phần có thể bởi vốn liếng từ ngữ chửi rủa của họ nghèo nàn quá. Trong cuộc chiến đấu bằng lời mỗi bên vừa tung ra mấy món thì đã sạch kho hoả lực rồi, cuộc chiến này bế tắc, đành phải leo thang lên hình thức chiến đấu của đám tiểu nhân.

    Trái lại, người Việt có thể kéo dài cuộc chiến bằng mồm rất lâu, có thể tăng cường nó lên nhiều mức độ. Hơn nữa, chúng ta có những câu chửi dài, có vần, có điệu, tiết tấu nhịp nhàng, âm thanh dìu dặt. Những câu chửi như thế có tác dụng trấn ủy, làm nguôi dịu. Một cơn giận được đưa vào âm vận là đã chịu tuân theo một thứ kỷ luật. Cũng như một niềm vui biểu diễn bằng khiêu vũ, một xúc động được biểu hiện trong câu nhạc, câu thơ. Vui mà nhảy cỡn lên là cái vui hoang dại đột ngột. Giận mà thét lên “Đồ chó!" là cái giận phá hoại, nhưng giận một đứa trộm gà mà đã dông dài kể tội nó: “bắt con gà vàng khoan cổ con gà nổ khoan lông, nó nấu nồi đồng, nó nấu nồi đất, nó ăn lật đật v.v...” thì vần ấy điệu ấy xoa dịu cơn giận, sẽ làm cho nó ngoan ngoãn, hiền lành. Trong tiểu thuyết và ngoài xã hội chúng ta, có những người đàn bà hoặc tức hàng xóm hoặc giận con cháu, ban đầu lồng lên thét chửi, rồi lần lần vừa chửi vừa chải đầu gỡ tóc, vừa chửi vừa quét nhà, vừa chửi vừa lặt rau... Cơn giận cứ thế tự kết thúc.

    Ở địa vị của một dân tộc mà người này có thể bới mả tam đại người kia, chẻ xương róc thịt người kia, và ngược lại, hai bên được phép băm vằm lẫn nhau thỏa thích hàng giờ mà rốt cuộc không ai sứt mẻ gì, ở địa vị như thế trông xuống những dân tộc cứ hễ lời qua tiếng lại vài câu là xông tới đấm đá, đâm chém nhau, chúng ta thấy họ sao mà nông nổi, rồ dại!

    Không ai biết trong lịch sử tục lệ chửi bới đã tránh cho dân tộc ta được bao nhiêu cuộc ẩu đả, bao nhiêu vụ lưu huyết, đã cứu được bao nhiêu ức triệu nhân mạng. Thật đáng tiếc, vì chúng ta ước ao có chút ít số liệu rõ ràng trong tay khi nêu cao một đặc điểm của dân tộc. Dầu sao, không còn nghi ngờ gì nữa: chửi bới, khi thực hiện một cách đứng đắn, theo đúng tinh thần lề thói Việt nam, khi hai bên tham dự đều biết tôn trọng qui tắc của cuộc chơi, không bốc đồng xé rào tiến tới hành động, thì một trận chửi có tác dụng thật lốt đẹp. Trong cuộc đụng độ ấy có mức độ ác liệt đủ giải tỏa uất hận, đủ thỏa mãn những bản năng hung bạo trong người, mà khỏi gây kết quả khốc hại. Cái chửi Việt nam, nó như một cuộc chiến tranh trong đó đạn mã tử được bắn thả cửa, nhưng bắn nhịp nhàng theo điệu nhạc quân hành. Bắn không để giết người mà đề xoa dịu cân não mình.

    Dân tộc ta chửi hay. Cái hay ở đó chăng?


    IV. 1968
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/7/15
  8. viettran_ru and superlazy like this.
  9. dongtrang

    dongtrang Lớp 5

    Link này là của sư phụ @sadec1 . Bản này đẹp có thể số hoá được.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  10. dongtrang

    dongtrang Lớp 5

    Thêm bài này của Võ Phiến cho đủ bộ

    Chửi tục


    Người Việt chửi nhiều (điều dễ nhận thấy), chửi hay (điều chúng ta đã thử tìm một lối giải thích). Người Việt Nam lại còn chửi tục.

    Chửi mắng nhau thì có lẽ ở đâu cũng có, dân tộc nào cũng làm. Nhưng chửi mà được tục tĩu như người Việt Nam là chuyện hiếm. Chắc phải hiếm lắm, cho nên ông Nguyễn Văn Trung mới coi đó là dân tộc tính của chúng ta (1), là cái nó phân biệt chúng ta với những dân tộc khác.

    Vì sao mà người Việt có thói chửi bới tục tĩu hơn tất cả thiên hạ dưới bầu trời này? - Vì chúng ta thanh lịch, ông Nguyễn Văn Trung bảo thế (2).

    Tóm tắt lại, ý kiến có vẻ bất ngờ, kỳ quặc. Nhưng ông Nguyễn đã giải thích một cách rành rẽ, lý thú. Có lẽ ông Nguyễn là người đầu tiên có cái sáng kiến đem chuyện chửi tục của người Việt Nam ra phân tích tìm hiểu ý nghĩa sâu xa như thế. Sự thành công của ông khuyến khích chúng ta góp thêm vào vấn đề một vài suy nghĩ.

    *

    **

    Trong truyện Tàu ngày xưa, hai tướng gặp nhau giữa trận tiền, nhiều khi họ hỏi tội nhau, nhiếc móc nhau qua lại một hồi, rồi mới giục ngựa xông tới xáp chiến. Đọc những câu hỏi tội và nhiếc mắng ấy, thấy trong đó rõ ràng có lý sự, tuy rằng trình bày nặng lời. Đó chưa phải là chửi. Nhưng thỉnh thoảng có những trường họp một bên đóng cửa thành cố thủ, bên kia khiêu khích, cho quân sĩ kéo đến dưới chân thành lón tiếng gọi tướng đối phương ra mà chửi suốt ngày. Điều hết sức đáng tiếc là các truyện không chép rõ quân sĩ đã chửi như thế nào, chửi những gì, trong khoảng thời gian dài như thế. Tôi có cảm tưỏng nếu góp nhặt được đầy đủ những câu chửi trong trưòng hợp này, chúng ta có hy vọng tìm thấy ở quân sĩ Trung Hoa một cái gì gần gũi với dân tộc tính Việt Nam.

    Bởi vì chửi bới, càng kéo dài và càng có xu hướng thay thế cho ẩu đả, nó càng thêm tục tĩu.

    Thực vậy, đã không mong ăn thua nhau bằng sức mạnh, đã quyết định lấy chửi làm đánh, lấy lời đè bẹp đối phương, lấy ngôn ngữ làm vũ khí, thì tự nhiên chúng ta phải sử dụng tới cái thứ ngôn ngữ phũ phàng, ác độc nhất, thứ vũ khí nặng nhất, lợi hại nhất. Một dân tộc không chuyên đánh nhau không có cơ hội luyện tinh khí giới. Dân tộc ta có môn chiến đấu bằng lời, cho nên kho từ ngữ tục tĩu được phong phú dồi dào, điều ấy không làm sao chúng ta không tạo ra được những tiếng chửi hiệu nghiệm nhất, dữ dội nhất: những tiếng tục?

    Tất cả mọi người hẳn đều đồng ý rằng tục xấu hơn thanh, rằng gửi đến đối thủ không nên chọn thanh mà cần chọn tục. Trên màn bạc, trong tiểu thuyết, các nhân vật Pháp cũng chửi bằng những tiếng: salaud, merde, couillon, con v.v... Đại khái không xa với dân tộc tính Việt Nam. Có điều người Âu Tây thô lỗ cộc cằn, họ không dừng lại lâu la ở giai đoạn đấu tranh này. Sau những trao đổi mấy lời ngắn ngủi như thế, nếu không có một bên nhượng bộ, tất họ nhào vào nhau đấm đá, y hệt những kẻ tiểu nhân. Đo đó, kho từ ngữ tục của họ nghèo nàn. Cũng do dó, thiết tưởng cái gì làm ra dân tộc tính Việt Nam không nằm trong bản chất tục tằn của lời chửi rủa, mà ở nơi cái mức độ tục tằn của nó. Để làm nhục đối phương, thiên hạ cùng theo một lối ấy, không ai nghĩ khác; duy dân tộc ta đi xa hơn vì chúng ta chửi kỹ hơn. Nếu các chàng cao bồi Mỹ không tính rút súng, nếu các tráng sĩ Tàu không rút gươm, mà quyết định tranh hùng bằng cách chổng mông tru tréo hàng giờ, người ta dễ có cảm tưởng họ tức khắc biết chửi tục. Bấy giờ việc trau dồi những tiếng tục tằn sẽ thay thế cho việc thao luyện tác xạ, cho việc mài gươm dưới trăng. Như thế, xét cho cùng, lại có thể nói dân tộc tính biểu hiện ở cái quan niệm khôn ngoan của người Việt Nam về chửi rủa hơn là ở trong lời chửi tục. 

    *

    * *

    Nghĩ như vậy, may ra câu chuyện về người Việt được giản dị, dễ hiểu chút ít.

    Ông Nguyễn Văn Trung cho rằng chuyện tục đối với người Việt Nam ta là chuyện quan trọng lắm, là "điểm gay go nhất liên quan đến ngôn ngữ về thân xác." Ồng đã dành trọn chương sách "Ngôn ngữ tục" để nghiên cứu về truyện tiếu lâm, về những câu tục giảng thanh, về văng tục chửi tục, về lối thơ Hồ Xuân Hương v.v... (Nhân tiện, chúng tôi để ý thấy những khi Hồ Xuân Hương nói đến "bàn son" hay "quân ngà" bà không dùng những lời tục tĩu, mà chỉ gợi lên những ý nghĩ tục tĩu. Trong nhiều trường hợp, các câu đố tục giảng thanh cũng vậy. Ngay cả các chuyện tiếu lâm, lắm khi người kể không cần dùng đến các chữ tục tằn - bao giờ kể chuyện ở chỗ đông người hay trước mặt phụ nữ, người ta vẫn tránh như thế - mà người nghe đều hiểu ra chỗ tục ngụ ở trong. Như vậy ở đây cái tục nằm trong nội dung câu chuyện chứ không phải trong lời nói, nó nêu ra mối tương quan giữa tư tưởng và thân xác hơn là giữa ngôn ngữ và thân xác). Sau khi nhận xét người Việt nói đến cái tục quá nhiều, ồng Nguyễn bảo "đối với người Việt, nhất là ở nông thôn, cái tục không mặc một ý nghĩa luân lý. Cái tục thuộc lãnh vực mô tả, nhận xét thực tại có thế nào thì nói thế (...) Do đó, những cơ quan sinh dục, những sinh hoạt bài tiết, đối với nông dân, không phải là tục, theo nghĩa thô tục, lạ lùng, đối lập với cái thanh lịch. Họ coi đó là những cử chỉ tự nhiên, những cơ quan ai cũng có nên không ngần ngại gọi bằng những tên thật của chúng. Và khi gọi như thế, họ chỉ nhằm mô tả thực tại có thế nào nói thế, chẳng khác nào nói bức tường trắng, cánh đồng xanh."

    Người Việt, nhất là người nông dân Việt, trong cách giải thích ấy, có vẻ quá độc đáo và trở nên khó hiểu.

    Thật vậy, nếu xem những sinh hoạt bài tiết, sinh lý, cũng là chuyện tự nhiên như mọi cử chỉ khác - nhảy nhót, nói cười, ăn uống v.v... - thì tại sao lấy đó làm đề tài tiếu lâm, tại sao nói đến những cái đó lại khúc khích cười lý thú? Nếu xem cơ quan sinh dục cũng như những cơ quan khác, tại sao chỉ hướng những món ấy về địch thủ mà không dành cho những kẻ thân yêu tôn kính? Nếu người nông dân Việt coi việc đút c... vào mồm cũng không khác cho ngón tay cái vào mồm ngậm chơi thì họ đã không đòi làm như thế đối với kẻ thù. Nếu họ quan niệm tiếng c..." thốt ra chỉ nhằm mô tả, như nói tường trắng đồng xanh, thì "trỏ c..." với ai đã không có nghĩa là miệt thị người ấy. Nếu phải có một ý thức đạo đức thật cao, một trình độ thanh lịch rất tế nhị mới có thể sử dụng cái tục trong chửi tục thì tha hồ gặp hạng người thanh lịch tế nhị ở đầu đường xó chợ. Nếu người thanh lịch thường có thói đòi đút c... vào mồm, ị vào mồm kẻ khác, thì những câu như thế không làm chúng ta giận nhau và đã không phải chỉ dùng vào những lúc vạn bất đắc dĩ.

    Vả lại, chính ông Nguyễn cũng khen người Việt, nhất là người Việt ít học (hẳn là có nông dân trong ấy), tế nhị vì không gọi trực tiếp các tên tục chỉ thị các cơ quan, các sinh hoạt bài tiết, sinh lý, mà gọi tránh đi hay dùng chữ Hán thay thế: âm hộ, cửa mình, chỗ ấy, của quý, đi đồng, ăn nằm với nhau v.v...

    Như thế, ngưòi Việt đã thanh lịch vì không ngần ngại mô tả bằng những tiếng tục, rồi người Việt lại thanh lịch vì ngần ngại né tránh các tiếng tục. Người Việt rắc rối dữ vậy sao?

    Sự thực, vấn đề đã rắc rối ngay từ khi lấy cái tục làm đặc tính của dân tộc. Có quả thực so với các dân tộc khác, chúng ta đề cập tới cái tục, cái sinh lý, nhiều hơn cả? Tôi không được rõ trong văn học Cao Miên, Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn có chuyện tục chăng, chứ như ở Trung Hoa thì người ta có vẻ không hề thua mình. Trong thơ văn Việt, dù khi phải tả đến thiếu nữ tắm khỏa thân hay nói đến chuyện trai gái chung chạ ở chỗ chơi bòi như trong truyện Kiều chúng ta cũng không dừng tới thứ ngôn ngữ trực tiếp như trong Tây sương ký:

    (...) Tha cho nhau tội lần khân,

    Tôi mở dần khuyết áo, cởi lần dây đai...

    (...) Mày xanh lồ lộ vẻ xinh!

    Nõn nà bộ ngực xuân tình đầy vơi!

    Trong Hồng lâu mộng, lúc Bảo Ngọc mới lớn lên, một hôm ngủ trưa, lần đầu mộng thấy gần gũi với gái, và xuất tinh ướt quần, cô Tập Nhân thay đồ cho cậu ta, trông thấy, hỏi, cậu ta thú thực rồi đòi Tập Nhân cho được thử để biết việc, cô gái không từ chối; việc gì việc ấy được trần thuật thản nhiên, với một thái độ hồn nhiên lành mạnh như chưa từng thấy ở sách Việt nào trước đây. Nhưng Tây sương ký với Hồng lâu mộng đều là sách thanh nhã, không phải chỗ để chúng ta đến tìm kiếm chuyện tục tĩu. Tìm cái ấy, hãy tìm trong Nhục bồ đoàn, trong Kim Bình Mai v.v..., ở đấy có cả thơ phú mô tả cặn kẽ chỗ kín của đàn bà con gái. Đây mới "thuộc lãnh vực mô tả".

    Bên cạnh những tác giả Trung Hoa ấy, Hồ Xuân Hương chẳng qua là một cô em gái có hơi nghịch ngợm nhưng vẫn cả thẹn.

    Trí thức nước Tàu như thế, hạng bình dân xứ họ cũng không thua bình dân xứ mình. Lời nói đầu cuốn Dân gian tiếu thoại của Tân Sinh xuất bản xã cho biết đã phải bỏ đi nhiều truyện quá thô bỉ, đọc tới phát lộn mửa. Những truyện ấy đại khái có lẽ không nhường loại tiếu lâm ở ta.

    Còn nhớ ông Hoài Thanh có lần nhận định về cá tính dân tộc Việt so với dân tộc Trung Hoa cũng chú ý đến chỗ người Tàu viết tục hơn ta.

    Nếu lại đem so sánh với văn chương Âu Mỹ gần đây thì nhất định là chúng ta kém xa trong việc đề cập trắng trợn đến vấn đề sinh lý. Bên Tây phương ngày nay, có hạng khai thác câu chuyện sinh lý một cách thô bỉ, có hạng tiến đến cái tục với thái độ đứng đắn, lành mạnh. Nói chung phong trào thật rầm rộ. Bên cạnh những H. Miller, D.E. Lavvrence, A. Moravia, E. Caldwell v.v..., thi sĩ Hồ Xuân Hương của chúng ta lại càng có dáng rụt rè, thẹn thò quá cỡ.

    Tạm thời rời bỏ chuyện văn chương ngôn ngữ trong chốc lát, có thể nhận thấy trong lãnh vực hội họa điêu khắc người Tây phương đã chiếu lên thân xác con người một cái nhìn thật thanh lịch, nhìn khắp các bộ phận trên thân người như nhìn tường trắng đồng xanh, nhìn để chỉ tìm ra cái đẹp, không một dụng ý thô tục. Và như thế từ xa xưa. Trong khi ấy con mắt nghệ sĩ của chúng ta vẫn né tránh thân người. Tại sao vậy? Còn như hiện thời thì đùi, vú, háng, mông, tràn ngập bao vây quần chúng Âu Mỹ ra sao, ai nấy đều rõ. Hiện tượng ấy, có nước từng đưa ra quốc hội cứu xét, có nước từng đưa ra tòa án phân xử, hoặc có nơi mời các nhà giáo dục, hoặc có nơi rước các nhà đạo đức nghiên cứu, kết cục lắm khi dẫu không cho là thanh lịch cũng không hề lên án là thô tục.

    Câu chuyện về cái tục càng lúc càng gợi thêm nhiều điều phức tạp. Đối với thân xác con người, mỗi dân tộc có một lối quan tâm riêng, một cách quyến luyến say mê riêng cũng như một niềm e sợ riêng. Phát giác ra những mối bận tâm của người Việt đối với thân xác mình là chuyện thật hay. Nhưng bảo rằng dân tộc ta đã chú ý bận tâm đến nó hơn người thì e không lấy gì làm chắc đâu.

    Duy xét riêng vấn đề chửi bới, nếu chúng ta đã chửi nhiều hơn thiên hạ thật thì chúng ta có chửi tục tằn hơn cũng là dĩ nhiên. Và chửi tục chỉ có ý nghĩa, có hiệu nghiệm, khi cả kẻ chửi lẫn người nghe đều cho cái tục là xấu.

    *

    **

    - Cái tục tự nó có gì xấu? Sinh hoạt sinh lý: ăn uống, bài tiết, ăn nằm, tại sao xấu? Cơ quan sinh dục: cái này, cái nọ mà xấu hả? Dóc tổ. Chỉ có hạng trưởng giả, hay: đạo đức giả, mới đặt điều che đậy, bảo những cái đó là xấu, chứ người bình dân Việt Nam đâu có ngượng vì những cái đó.

    - Vâng. Nhưng cái ấy, việc ấy, tự nhiên lắm, đâu có gì tồi tệ, đáng ghét bỏ. Người ta còn ham nữa là khác. Mặt khác, người dân lao động quả có nhiều dịp vận dụng thân xác, phô bày thân xác, nên có thể có một quan niệm về thân xác lành mạnh hơn các tầng lớp trên. Người chài lưới lặn ngụp dưới nước hàng ngày, họ làm việc giữa trời nước mênh mông, xa cách thôn xóm xã hội, họ quen khỏa thân cho tiện. Người làm nghề đốt than trên núi cao rừng rậm, để khỏi vướng víu, cũng hay khỏa thân. Những hạng người đó không hay đỏ mặt vớ vẩn như một tiểu thư khuê các lỡ để sổ chiếc cúc áo.

    Tuy vậy, những người lao động ấy cũng không đạt tới cái mức hồn nhiên đến nỗi không cho các bộ phận sinh dục là "xấu", hoạt động sinh lý là "xấu". Nhất là khi họ trở về với tập thể, xóm làng. Bấy giờ không ai tưởng tượng; có thể làm ái tình trước mắt mọi người, cũng không ai chịu kẻ khác hếch của quý vào mặt mình mà không giận, dù đó chỉ là việc tự nhiên, bộ phận tự nhiên.

    Để cho có ổn định, trật tự, xã hội từ trước tới giờ vẫn phải chấp nhận một số ước lệ. Những cấm kỵ xung quanh vấn đề sinh lý cũng chỉ là ước lệ, nghĩ cho cùng phần nhiều vô lý. Áo mũ xênh xang thực vô lý, nghi tiết quy định từng bước tới bước lui trong lễ lạc thực vô lý. Nhưng vứt bỏ hết áo mũ, xóa hết mọi bó buộc lễ lạc đi, vị đại sứ nước này lõa lồ tồng ngồng chạy đến ra mắt quốc trưởng nước kia, những cam kết giữa các quốc gia sẽ giảm tính cách trọng hệ nghiêm chỉnh; một vị quan tòa không che đậy thân thể đứng ra tuyên bố một án tử hình sẽ làm cho tội nhân bớt cái cảm tưỏng phải chết vì một nền công lý thiêng liêng. Tạo hóa đâu có làm gì để ngăn ngừa, trừng phạt sự dâm ô công khai hay tội loạn luân? Nhưng sau mười hay mười hai nghìn năm chung sống với nhau thành xã hội có kỷ cương, loài người đã dần dần tự bày đặt ra cho mình nhiều trói buộc, gán cho nó những ý nghĩa bí ẩn.

    Chuyện sinh lý, chẳng những nó vô tội, lành mạnh, lại cần thiết; nhưng nó liên quan tới những bản năng mãnh liệt. Trong khi đang diễn ra các sinh hoạt xã hội, để giữ gìn kỷ luật, ai nấy ngầm đồng ý kéo một lá màn che khuất bản năng lại, đẩy lui nó ra phía sau hậu trường, giả vờ quên nó đi: che những cơ quan vô tội ấy, những hoạt động vô tội ấy. Như thế, lâu ngày, người ta đâm giật mình khi lỡ trông thấy phơi bày những cái ấy. Sự sợ hãi đối với bản năng cũng hóa thành một bản năng. André Maurois nhại một kiểu nói trong Kinh Thánh: "Huyền thoại bắt đầu là huyền thoại, nghĩa là tiếng nói, ngôn từ, lời lẽ; rồi thì nó hóa nên xác thể. Huyền thoại nhập vào thân xác con người." Thèm cái sinh lý, là bản năng; nhưng sau hằng mấy trăm thế hệ kế tiếp nhau sống trong kiêng kỵ, cái kiêng kỵ sinh lý cũng là một bản năng nữa.

    "Thẹn thò không còn là của triều đại Victoria, của Thiên Chúa giáo nữa, nó là của con người." Tưởng có thể nói thêm: nó cũng không là riêng của giai cấp trưởng giả hay của giai cấp bình dân.

    Như vậy, khi người Việt chửi tục, việc chửi ấy có thể cơ sở trên quan niệm cho cái tục là xấu. Đó cũng là thiên hạ thường tình, không có gì làm tăng hay giảm tính cách thanh lịch của người Việt, kể cả người Việt bình dân.

    *

    **

    Cái tục là cái xấu. Chúng ta nghĩ thế nhưng chúng ta không tránh cái tục bằng tránh cái cười. Tại sao lạ vậy?

    "Chúng ta" nói đây là bao gồm cả người Việt và người Hoa. Tôi đã có lần để ý rằng ở Á Đông người trí thức rất ngại cười cợt. Xã hội chúng ta không phải là một xã hội rầu rĩ khắc khổ. Không đâu, chúng ta cũng cười đùa ầm ĩ lắm. Ca dao, tục ngữ, tiếu lâm, câu đối v.v... đều biểu lộ tính nghịch ngợm. Người Trung Hoa có câu tục ngữ "Nhược yếu tinh thần hảo, phạn hậu tiếu tam tiếu", họ khoái cười, họ chủ trương cần cười. Thế nhưng họ không cho phép cái cười len vào địa hạt văn học nghệ thuật; họ không có hí họa, không có tiểu thuyết trào phúng, không có sách triết học nghiên cứu về cái cười, không dùng giọng giễu cợt nhạo báng trong khi biện luận v.v... Đó là thái độ của trí thức Trung Hoa cho đến khi tiếp xúc với Tây phương. Có thể kể đến tên những cuốn Nho lâm ngoại sử, Lão tàn du ký... của thế kỷ 17, nhưng so với truyện hài hước bên Âu châu, dụng ý hoạt kê ở đây không đáng kể.

    Sinh hoạt hồn nhiên ngoài xã hội: tha hồ cười; trong văn nghệ trí thức: nín cười. Văn học dân gian, truyền khẩu, gần với sinh hoạt hồn nhiên, nên vui vẻ. Tác phẩm của nho sĩ thì một mực nghiêm chỉnh. Đôi bên thỉnh thoảng có một cơ hội gặp nhau, bên nào vẫn giữ đặc tính bên nấy. Chẳng hạn trên sân khấu: bổn tuồng do văn sĩ viết ra chỉ có hùng tráng bi ai, quần chúng muốn vui vẻ bèn thêm vào những vai hề (sửu sinh hay xú sinh) nói bông lơn tự do. Hề ra hề tuồng ra tuồng, từ thế kỷ nọ sang thế kỷ kia văn sĩ không buồn tìm cách đưa những câu pha trò nọ vào bổn tuồng chính thức để cho sự kết hợpp được khéo léo, hợp lý.

    Ở Việt Nam cũng vậy. Tuồng "pho", tuồng "thầy", của nho sĩ viết ra thì bao giờ cũng nghiêm chỉnh. Tuồng "đồ" của dân gian lại cười cợt ầm ĩ. Hát bộ, nói chung của nho sĩ, nên nghiêm trang chững chạc. Hát chèo, của dân gian, nên vui vẻ trào lộng. Mà ngay trong những vở chèo, phần chính bản, do một kẻ học thức nào đó viết ra lại cũng đĩnh đạc đứng đắn, còn cái cười là do nghệ nhân tự ý đem vào trong khi diễn xuất. Cái phần thêm thắt ấy nhiều lắm, quan trọng lắm: vở Lưu Bình trò, bản nôm thực ra chỉ có 479 câu, mà trên sân khấu nó được kéo dài tới trên nghìn câu. Vì phần thêm thắt quan trọng nên nó làm ra đặc tính của chèo: chèo là trào lộng.

    Sự tách bạch giữa đôi bên rất phân minh , tách bạch đến thành ra thế đối chọi. Và cũng như bên Tàu, trải qua hàng nghìn năm tiếng cười của quần chúng không lan nổi sang tầng lớp thượng lưu, mặc dù tiếng cười vốn dĩ có đặc tính lan rộng, lôi cuốn.

    Trong bộ môn truyện, người Việt không có tác phẩm thành văn nào nổi tiếng về tính cách khôi hài. Truyền khẩu thì ngoài những truyện tiếu lâm có lẽ xuất hiện từ xa xưa, đến thế kỷ 18 có một số chuyện về Trạng Quỳnh và Trạng Lợn. Các tác giả bộ Lịch sử văn học Việt Nam xuất bản ở Hà Nội cho rằng vào thời kỳ này ở Thăng Long thương mại đã phát triển, hạng thương nhân giàu có đông đảo thù nghịch với phong kiến và chế giễu phong kiến đang lâm tình trạng suy đồi. Như thế, các nho sĩ Việt Nam, khi thì họ bị nông dân nhạo báng, khi thì họ bị thương nhân nhạo báng. Còn họ, họ không nhạo báng ai cả, lúc thịnh cũng như hồi suy.

    Từ cuộc sống đến văn nghệ, từ nền văn học dân gian đến nền văn học của nho sĩ, cái tục cũng bị hạn chế dần dần như cái cười. Nhu cầu sinh lý không hề bị coi nhẹ, nhất là ở người Tàu, bậc sư trong nghề hưỏng thụ cảm giác. Xã hội chúng ta đầy những thê thiếp; trong văn chương truyền khẩu chúng ta tha hồ nói chuyện tục tĩu.

    Thế nhưng nghệ sĩ Trung Hoa và Việt Nam không vẽ phụ nữ khỏa thân, không làm thơ ca tụng những vú ngực mông đùi, như Baudelaire chẳng hạn (trừ trường họp Hồ Xuân Hương với dụng ý nghịch ngợm).

    Thật là ngộ nghĩnh, một dân tộc sống thân thiện với bản năng, quý chuộng thể xác, có những nhân vật như Kim Thánh Thán cực tả nỗi khoái trá được bổ quả dưa bằng con dao sắc giữa buổi trưa hè, được đóng cửa buồng lấy nước nóng ngồi rửa những mụn ghẻ nước mọc ở chỗ kín, như Lâm Ngữ Đường ngần ngại không muốn làm tiên, chỉ vì tiên không có làn da để mỗi lúc nổi cơn ngứa được mạnh tay gãi cho sướng..., một dân tộc như vậy khi cầm bút lại chỉ đưa vào thơ những người con gái có mắt liếc môi cười, mặt hoa, mày liễu, mà không có vú, đưa vào tranh những cảnh trang nghiêm, những con người áo xống lụng thụng rườm rà. Tranh thủy mặc của họ loại bỏ sắc màu, bỏ luật viễn cận, không quan tâm tới những rực rỡ huy hoàng của cảnh sắc, những khối thể lồ lộ trên thân người v.v..., không một chút nồng nàn đối với thế giới khả xúc, xa cách các dục vọng ồn ào. Và thơ cũng như tranh...

    Từ cuộc sống hồn nhiên của dân gian đến cuộc sống có ý thức của triết nhân nghệ sĩ, chúng ta mỗi lúc mỗi nén thêm tiếng cười và nén thêm dục tình. Nỗ lực văn hóa của chúng ta như là một nỗ lực kìm hãm, từ chối cái cười và cái tục. Tìm hiểu đặc điểm dân tộc, có thể không chú ý đến chỗ ấy sao? Nếu những phát lộ hồn nhiên phô bày dân tộc tính, thì thiết tưởng chiều hướng cố gắng của văn hóa cũng biểu hiện dân tộc tính.

    Nhưng có phải là kìm hãm, chối từ? Hay chỉ là một chuyện phân chia ranh giới: đây là khu vực tự do, tha hồ nghí ngố đùa giỡn lố lăng, tha hồ gãi soàn soạt tùy thích, hoặc bổ dưa, hoặc ngủ với gái đẹp; nhưng một khi sang đến khu vực bên kia thì liệu mà chỉnh đốn tư cách tác phong. Trong việc thành lập gia đình, người Âu Tây đòi hỏi ở người vợ cả sắc đẹp lẫn đức hạnh, đòi một người ấy phải thỏa mãn những khao khát của giác quan đồng thời phải giữ vững giềng mối luân thường. Người Tàu xưa kia chọn hầu thiếp như chọn đồ chơi, chỉ cốt đẹp đẽ, xinh xắn; vợ cả mới thuộc về khu vực nghiêm chỉnh của cuộc sống đạo đức, vợ cả không hưởng những mơn trớn mê ly nhưng được hưởng sự tôn kính họng vọng.

    Nhờ sự phân chia minh bạch như vậy bản năng không bị trấn áp, nó không phải thỉnh thoảng vùng lên nổi loạn một phen, con người không mang ẩn ức ngấm ngầm, cuộc sống xã hội được quân bình. Lại một điểm khôn ngoan nữa, lần này chung cho cả ta và Tàu?

    Dù cắt nghĩa thế nào, trong thái độ chúng ta đối với cái tục và cái cười cũng còn một điểm đáng lưu ý: giới nho sĩ hình như sợ cái cười hơn nhiều. Các tác giả Kim Bình Mai, Nhục bồ đoàn v.v... đều là những kẻ sĩ, cũng như Hồ Xuân Hương là một kẻ sĩ. Có thể nói trong quan niệm trước kia, tiểu thuyết không được xem như một bộ môn văn nghệ chính thống, người kể chuyện ở Trung Hoa không tự cho là mình đang làm việc đứng đắn, hoạt động cho học thuật, mà chỉ là giải trí. Cũng như có thể nói Hồ Xuân Hương khi vịnh cảnh đánh đu, chơi cờ người v.v... không nghĩ mình trước thư lập ngôn, không hề có ý gom góp những bài thơ đó vào một sưu tập để cho ấn hành. Như vậy những tác phẩm tục tĩu vừa kể không nằm bên phía khu vực văn học nghệ thuật, mà ở bên phía sinh hoạt "hồn nhiên".

    Nhưng dù sao cũng không thể tìm được ở ta và Tàu một nho sĩ tên tuổi nào chịu nhúng tay vào một công ữình hoạt kê quan trọng khả dĩ so sánh với các tác phẩm tục tĩu vừa kể.

    Cái tục nó chẳng ra gì, đã dùng để văng vào mặt kẻ thù. Cái cười, ai ngờ chúng ta còn coi là tệ hơn.

    3-1959
     
    teacher.anh, silence00 and superlazy like this.
  11. damxuanhoang

    damxuanhoang Lớp 1

    bản PDF được chỉnh sửa chút cho dễ đọc.
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  12. duckhai2691

    duckhai2691 Lớp 3

    Bác có thể cho em xin luôn cái bìa cuối và trang thông tin áp cuối của sách này luôn không ạ, nếu được xin bác gởi vào địa chỉ [email protected].

    Xin chân thành cám ơn bác trước ạ
     
    Mr. Zed thích bài này.
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    @duckhai2691 : cuốn này đã được soát lỗi trên wiki và đang được nhóm Happiness làm ebook. Bạn chờ ebook nhé. :)
     
    Mr. Zed and lichan like this.
Moderators: Zhiqiang

Chia sẻ trang này