Trà phiếm Quyền lực của con trời

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi pho-On, 30/4/25 lúc 22:20.

Moderators: amylee
  1. pho-On

    pho-On Mầm non

    [​IMG]
    Quân sử thần tử thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu...

    Khi Phù Tô nói câu này trước lúc đâm gươm vào cổ tự tử, ông đâu biết rằng ngót 1000 năm sau, học phái Tống Nho đã xem câu nói ấy như một mẫu mực về thái độ mà người thần tử phải có đối với vua của mình.

    Thật vậy, cái mà ngày nay chúng ta nghĩ về những vị vua theo truyền thống Nho giáo là những vị vua toàn quyền. Ông trước hết là đại diện của Trời trước đám thần dân mình, mỗi lời ông nói là mệnh lệnh 'quân bất hý ngôn', mỗi việc ông làm là theo thiên mệnh, ông chính là 'Cửu ngũ chí tôn' - câu mà ai biết Kinh Dịch đều hiểu là chỉ hào 5 Dương quẻ Thuần Càn 'Phi long tại thiên', đắc trung đắc chính.

    Quyền lực của ông - Thiên tử - con trời rất khác xa so với quyền lực của những vị vua xứ sở khác. Chẳng hạn với người Châu Âu, vua chỉ là King - một thủ lĩnh chiến binh, hoặc cao hơn nữa là Emperor - người công dân số một. So với những vị vua này, Thiên Tử thật ngoại hạng, dưới trời không ai không phải là dân của vua. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều là ơn vua...

    Vậy có thật một ông vua theo truyền thống Nho giáo, một ông Thiên tử có toàn quyền như những gì người ta vẫn nói không?

    Chúng ta hãy thử bàn xem.

    Bỏ qua những luận lý về Thiên mệnh, bỏ qua những yếu tố huyền hoặc về tính chí tôn của con trời, chúng ta thấy một người chỉ có thể trở thành vua chỉ bởi 2 cách sau đây: được thừa kế từ cha anh mình, hoặc là giành lấy bằng vũ lực.

    Những vị vua sáng lập triều đại đều là những người giành lấy bằng vũ lực, như Hán cao tổ, Tống thái tổ chẳng hạn, đều trải qua những cuộc chiến với kẻ thù của mình. Đôi khi chúng ta thấy có người đến được ngôi vua qua một cuộc chính biến, tuy họ không sáng lập triều đại mới nhưng cách làm của họ vẫn không ngoài vũ lực, như Minh Thành tổ cướp ngôi cháu mình vậy.

    Điểm chung của những ông vua nhóm này là khoảng cách giữa họ và các triều thần không xa lắm. Vì phần lớn triều thần của họ cũng chính là những đồng chí đã ra công hãn mã giúp họ đến quyền lực.

    Ở những ông vua này, vì thiếu một khoảng cách quyền lực với người dưới, nên cái quyền chí tôn của họ cũng không rõ ràng lắm. Đành rằng họ là tổng tư lệnh tối cao, họ là người hành pháp cao nhất, quan tòa trung ương, giáo chủ quốc giáo nhưng ta dễ thấy trong cách cư xử của họ với cấp dưới, cũng là những đồng chí cũ của họ, khá là bình dân.

    Như Gia Long của ta, lúc làm vua rồi vẫn thích hội họp quần thần bàn chuyện phiếm hơn là ở hậu cung. Hán cao tổ còn tệ hơn, lên ngôi vua ông vẫn thích đá gà hay ngồi lê đôi mách với hàng xóm cũ.

    Ở những ông vua này, trước khi lên đến ngôi vị, họ cũng chỉ những người dân bình thường, hoặc như trường hợp Gia Long, dù xuất thân nhà Chúa, nhưng cũng đã phải trải qua long đong sóng gió. Hơn nữa đám quần thần của họ đều là người quen cũ, ít nhiều thân thiết với vua, do vậy chúng ta ít thấy việc tôn vinh quyền lực quá mức, trong đó đã biến vua thành một con trời - người chí tôn giữa đám thần dân của mình.

    Chỉ ở những ông vua được nối ngôi qua thừa kế, chúng ta mới thấy rõ tính hào nhoáng của quyền lực. Ở đây chúng ta có một Thiên tử đích thật, một vị thần - người trong con mắt của đám lê dân.

    Vì sao lại có điều như thế?

    Trước hết một triều đại đã được thế tập qua vài thế hệ, rất tự nhiên sẽ hình thành niềm tin là triều đại ấy Chính đáng, Chính Danh, xứng với Thiên mệnh được trao cho họ.

    Sau nữa, sau một thời gian dài duy trì quyền lực, trong triều đình ấy tất yếu hình thành một nhóm trung thành, tôn vinh quyền lực của vua, họ có thể là những người trực tiếp nhận ân sủng, bổng lộc của vua, tuy nhiên đôi khi chỉ là những học giả bình thường, nhưng say mê những giá trị của quyền lực thế tập.

    Ngoài ra, như bất kỳ tổ chức xã hội nào khác, càng kéo dài sự tồn tại của mình thì những giá trị truyền thống càng nhiều, chính những điều này trở thành những nghi lễ, chuẩn mực buộc người trong cuộc phải tuân theo nó.

    Mặt khác, vị vua lên ngôi do thừa kế ấy, vốn sống trong cung điện xa rời thần dân, khó tránh được có những khoảng cách với họ. Với toàn thể bá tánh, vua là cái gì cao quý nhưng thật xa lạ, đầy huyền thoại, nhưng cũng rất gần gũi với họ thông qua bộ máy quan chức.

    Vậy những ông vua qua thừa kế ngôi vị này chính là những người đạt gần nhất danh hiệu Thiên tử mà chúng ta đã nói. Họ chính là những người có toàn quyền, đấng cửu ngũ chí tôn, hay Cô gia, Trẫm,.. như họ vẫn tự xưng.

    Nhưng có thật là họ có quyền lực tối cao như vậy không, chúng ta hãy xét xem.
    (còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/4/25 lúc 22:25
    xinhxinh thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này