Ấn Độ Ta là ai? Ramana Maharshi

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi leho888, 8/12/15.

Moderators: mopie
  1. leho888

    leho888 Lớp 3

    Ramana Maharshi là một bậc giác ngộ rất nổi tiếng người Ấn Độ, cùng thời với Krishnamurti và Osho và được Osho nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm của mình. Phương pháp thiền của Ramana là chú tâm vào câu hỏi "Ta là ai?" để truy cầu Tự tính. Phương pháp này được áp dụng rất rộng rãi ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có cuốn sách nào của Ramana được xuất bản. Các đoạn trích trong ebook này được chọn lọc từ cuốn sách "Ta là ai?"“Ramana maharshi với con đường tự biết mình” - một cuốn tiểu sử về Ramana do giáo sư Nguyễn Đăng Thục dịch.
    Link download: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Trích đoạn cuốn sách Ta là ai?:

    "Tất cả mọi người luôn luôn khao-khát một hạnh-phúc không bị buồn-phiền khuấy-rối. Và rồi mỗi người chúng ta cảm thấy một tình yêu nồng-hậu đối với chính mình, như thế chỉ vì một sự thực này: Hạnh-phúc là bản-tính chân-thật của chúng ta. Như vậy để thực-hiện cái hạnh-phúc lâu bền và không vẩn đục ấy, mà thực ra chúng ta thực-nghiệm hàng ngày khi tinh-thần chúng ta nhập vào giấc ngủ-say, thì cốt-yếu là chúng ta phải tự biết lấy ta. Muốn đạt tới cái biết ấy, có cách hoàn-hảo nhất là tự đặt câu hỏi "Ta là ai?" Ta không phải là thân-thể vật-chất, ta cũng không phải là năm giác-quan (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân) với những tác-dụng của chúng (thị, thính, khứu, vị, xúc). Ta không phải là năm cơ-năng bên ngoài (cơ quan phát-âm và ngôn-ngữ, chân tay cai-quản cử-chỉ và vận-động của thân-thể, hậu-môn bài tiết uế-chất, và cơ-năng sinh-lực đem lại sự thích-thú). Ta cũng chẳng phải năm sinh-lực (chúng kiểm-soát hơi-thở, tiêu-hóa, thâu-hóa, mạch máu lưu-hành, mồ-hôi và bài-tiết). Ta cũng không phải tinh-thần suy-tưởng. Ta cũng không phải trạng-thái vô-thức ngủ-mê, nó chỉ giữ lại được những khuynh-hướng tinh-vi của tinh-thần và nó giải-phóng ta khỏi hoạt-động tác-dụng của quan-năng và của tinh-thần, và không biết có những đối-tượng của tri-giác.

    Kết-quả, sau khi đã gạt bỏ đại-khái tất cả phụ-thuộc vật-lý trên đây với những tác-dụng của chúng, sau khi tự nói: "Ta không phải cái này; không, ta cũng không phải là cái này hay cái kia", thì chỉ còn có một vật xót lại, cô-liêu, là cái Biết thuần-túy. Đấy mới thật là ta. Cái Biết ấy bản-chất nó là SAT (hiện-hữu) CHIT (ý-thức) ANANDA (Cực-lạc).

    Nếu tinh-thần vốn là dụng-cụ để biết và cơ-bản của tất cả hoạt-động giảm đi, thì tri-giác về thế-giới như là thực-tại khách-quan cũng ngừng lại. Năm trường-hợp về tri-giác huyễn-ảo về con rắn lầm ra cái thừng, thì cái thừng trên ấy có huyễn-tượng không được tri-giác là cái thừng. Cũng vậy mà trừ-phi tri-giác về bản tính ảo-hóa của thế-giới là thực-tại khách-quan có mất đi thì chúng ta mới có thể thấy được bản-tính chân-chính của thực-tại.

    Tinh-thần là một năng-lực duy-nhất trong Đại-Ngã (Atman). Nó là môi-giới cho tư tưởng xuất-hiện ở ta. Nếu sau khi đã tiêu-trừ hết tư-tưởng, chúng ta cố tìm kỹ xem có còn lại gì không, bấy giờ chúng ta sẽ thấy rằng tinh thần không còn ngoài tư-tưởng. Vậy thì tư tưởng chính là tinh-thần.

    Thế-giới vật-chất này cũng như thế, không có ở ngoài và biệt-lập với tư-tưởng. Tam giới duy-tâm, vạn-pháp duy-thức (Thế-Thân). Ở trạng-thái ngủ-say chúng ta không có tư tưởng thì cũng không có thế-giới nữa. Ở trạng thái mộng và thức thì tư-tưởng cùng với thế giới lại xuất-hiện. Ví như con nhện tự rút mạng nhện tự trong mình nó ra để rồi lại thu về bản-thân nó, tinh-thần cũng phóng-đại ra thế-giới từ trong tinh-thần ra để rồi lại thu vào chính bản thân của tinh-thần.

    Chúng ta tri-giác thế-giới như là một thực-tại ảo-hóa không khách-quan khi nào tinh thần ta tự đối-tượng-hóa ra bên ngoài và cũng bỏ sự đồng-nhất-tính của nó với Tự-Tại (Self). Khi người ta tri-giác thế-giới cách ấy thì chân tướng của Tự-Tại không được biểu-lộ. Trái lại khi nào người ta thực-hiện được Tự-Tại thì bấy giờ thế-giới không còn hiện ra như là một Thực-Tại khách-quan nữa.

    Nhờ sự cứu-xét đúng-đắn và liên-tiếp kiên-nhẫn về chính bản-tính của tinh-thần, tinh thần biến-hóa ra Cái Ấy có liên-hệ ra cái TA. Cái Ấy chính thực là Tự-Tại. Tinh-thần có thể có được là nhờ nương-tựa vào một cái gì rộng lớn hơn. Tự nó không thể tự-tồn được một mình. Chính cái tinh-thần ấy người ta gọi bằng danh-từ khác là TÍNH, NGÃ, hay Linh-Hồn. Cái tư-tưởng đầu tiên của tất cả tư-tưởng nổi hiện lên trong tinh-thần là cái tư-tưởng nguyên thủy (TA). Chỉ sau tư-tưởng TA ấy phát-sinh mà vô số các tư-tưởng khác mới xuất-hiện. Nói cách khác thì chỉ sau khi nhân-danh đại-danh từ cho ngôi chủ-từ thứ nhất TA nổi lên thì các đại-danh-từ của ngôi thứ hai ANH, nó mới có được ở tinh-thần, chúng không thể đứng không có ngôi thứ nhất được.

    Bởi vì tất cả tư-tưởng khác chỉ có thể thành được sau khi tư-tưởng TA đã phát-sinh, và bởi vì tinh-thần chỉ là một mớ tư-tưởng cho nên chúng ta chỉ có thể chinh-phục được nó bằng câu hỏi "Ta là Ai?". Vả chăng tư-tưởng toàn-diện TA ngụ trong một câu hỏi như thế thì đã phá hủy mọi tư-tưởng khác rồi, kết-cục nó tự phá hủy nó đi hay mai một đi, khác nào que củi dùng để đốt đài hỏa-thiêu, kết-cục cũng bị thiêu nốt vậy.

    Dù trong khi xét-cứu như thế có những tư-tưởng khác nẩy-nở thì ta không nên tìm bổ-túc cho những tư-tưởng ấy, mà trái lại ta phải tự hỏi một cách sâu xa rằng: "Cái tư-tưởng này hiện ra cho ai?" Bất luận các số tư-tưởng hiện ra như thế có nhiều đến mấy đi nữa, nếu chúng ta chuyên-chú tinh-thần tự hỏi ngay chính vào lúc mỗi tư-tưởng đơn-thuần nổi hiện và hỏi xem nó xuất-hiện cho ai, thì chúng ta sẽ thấy ngay nó xuất-hiện ra cho Ta. Nếu bấy giờ chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi "Ta là Ai?" thì tinh-thần liền đổi hướng và tư-tưởng đang nẩy nở sẽ biến đi ngay tại chỗ. Cứ như thế mà chúng ta kiên-nhẫn mãi lên để xét-cứu Tự-Tại thì tự-nhiên tinh-thần có được năng-lực và thế-lực mạnh hơn và lớn hơn để tồn-tại nơi nguồn gốc của nó.

    Chỉ khi nào tinh-thần phô-diễn hoạt-động của trí-thức và giác-quan thì cái thế-giới hình danh sắc-tướng này mới xuất-hiện. Mặt khác, khi nào tinh-thần thu về tâm và ngưng lại tại đấy thì thế-giới hình-danh sắc-tướng mới biến đi. Phương-pháp thúc-ước tinh-thần không cho nó phóng ra và thu nó vào Tâm gọi là nội hướng (Câu kỳ phóng tâm _ Mạnh-Tử ), ngoại-hướng là thả lỏng cho tinh-thần để nó tự trong Tâm phóng ra ngoài.

    Cứ như thế chúng ta thu-hồi được tinh thần vào Tâm thì cái Ngã và cái Ta trung-tâm và vô số tư-tưởng rút cục sẽ biến đi và cái Biết thuần-thúy (Ý-Thức) hay Tự-Tại tồn-tại trong tất cả những trạng-thái của tinh-thần một mình nổi hiện sáng-ngời diệu-minh. Các trạng-thái đó không còn một dấu vết nhỏ nào về tư-tưởng TA, ấy là chân bản-thể của chính mình. Và trạng-thái ấy gọi là Tịch-Tĩnh.

    Cái trạng-thái mong-manh liên-hệ với tồn-tại thuần-túy thì được biết là tư-tưởng của Tuệ. Sự liên-hệ ấy có nghĩa là ngụ-ý lệ-thuộc hoàn-toàn của tinh-thần vào Tự-Tại. Chỉ trạng thái ấy mới gọi được là Tuệ, tất cả quyền-năng tâm-linh của tinh-thần như tiên-tri, thần-giao cách-cảm, thấu-thị không được coi là Tuệ.

    Chỉ Đại-Ngã (Atman) một mình hiện hữu và có thật. Thế-giới, Linh-hồn cá-nhân và Thượng-Đế đều như là ảo-ảnh của kim-ngân trong xà-cừ, tạo-tác tưởng-tượng trong Đại-Ngã. Chúng biểu-hiện cùng một lúc. Sự thực, chỉ có Tự-Tại là thế-giới của Cái Ta và Thượng-Đế. Tất cả cái gì có hiện-hữu chỉ là biểu-hiện của Tối-Cao.

    Cách hữu-hiệu nhất để giảm bớt tinh-thần đi là sự cầu tìm Tự-Tại. Tất cả những cách khác có thể làm cho tinh-thần giảm đi được chỉ là giảm đi bề ngoài, nó sẽ lại nổi-hiện lên.

    Bởi thế mà tinh-thần giảm đi bằng cách Chỉ-định (Pranayama) (Ước-thúc và kiểm soát hơi thở và năng-lực sinh-lý). Nhưng tinh thần chỉ giảm đi chừng nào có sự kiểm-soát hơi thở và năng-lực sinh-lý thôi. Một khi hơi thở và năng-lực sinh-lý không bị ước-thúc nữa thì tinh-thần lại phóng ra lập-tức và hoạt-động qua những năng-lực của những khuynh-hướng tế-nhị tiềm-tàng.

    Nguồn-gốc của tinh-thần và của hơi thở cùng năng-lực sinh-lý là một. Sự thực đa số tư tưởng hợp nên tinh-thần, tư-tưởng TA là tư tưởng nguyên-thủy của tinh-thần và cái ấy chính là cái Ngã. Hơi thở cùng bắt-nguồn ở chính nơi xuất-hiện ra cái Ngã, do đấy khi tinh thần giảm đi thì hơi thở và sinh-lực cũng giảm. Và ngược lại khi bên này bớt đi thì bên kia cũng bớt theo.

    Hơi thở và sinh-lực cũng được coi như là những biểu-hiện thô-sơ của tinh-thần. Cho đến lúc chết tinh-thần vẫn bảo-vệ và duy-trì những năng-lực ấy trong thân-thể. Khi sự sống tắt, tinh-thần ôm-ấp lấy chúng và mang đi. Tuy nhiên trong lúc ngủ-say những sinh-lực ấy vẫn tác-dụng mặc dầu tinh-thần không biểu-lộ. Điều này là do định-mệnh thiêng-liêng tạo nên, có mục-đích để bảo-vệ cho thân-thể, không cho ngờ-vực về trạng-thái ngủ-say với trạng-thái chết. Nếu Tạo-hóa không sắp đặt như thế thì thân-thể ngủ-say nhiều khi sẽ bị đốt sống. Tinh-thần để lại đàng sau như một giám-thị cái sinh-lực biểu-hiện là hơi thở. Nhưng trong trạng-thái thức và trạng-thái xuất-thần Tam muội (Samadhi) khi tinh-thần rút đi thì sinh khí cũng rút đi theo. Bởi lý do ấy mà tinh-thần có khả-năng bảo-vệ và kiểm-soát hơi thở cùng sinh-lực và do đấy mà nó thâm sâu hơn. Phép Chỉ-định (Pranayama) chỉ giúp cho ta làm chủ tinh-thần chứ không làm cho tinh-thần tĩnh hẳn được.

    Cũng như phép Chỉ-định (định-niệm vào hình-tướng), phép Hiện-chú, Hô-danh (nhắc lại những danh-hiệu thiêng-liêng hay những danh-hiệu thần-linh) và phép Tuyệt-thực chỉ giúp chúng ta kiểm-soát được tinh-thần mà thôi. Thực-hành Thiền-định (Dhyana) thì tinh thần tập-trung vào một điểm độc-nhất. Ví như cái vòi con voi luôn luôn động-đậy sẽ ngừng lại nếu người ta buộc nó vào xích sắt, con voi vẫn theo đuổi đường đi của nó mà không tìm kiếm la bà vật gì khác nữa, tinh-thần chúng ta cũng thế, luôn luôn vọng-động, bị lôi cuốn vào tập quen với danh-hiệu và hình-tướng; trong trạng-thái Thiền-định nó sẽ bám chặt vào một điểm duy-nhất.

    Khi nào tinh-thần phân-tán vào vô số những điểm khác nhau, thì mỗi tư-tưởng đặc thù sẽ trở nên hết sức mơ hồ và không có hiệu lực. Trái lại khi nào những tư-tưởng như thế bớt đi cho đến khi tắt hẳn thì tinh-thần định hướng cả vào một chiều và có được sức mạnh và một khả-năng để bảo-tồn. Nó sẽ dễ-dàng đạt được kết-quả hoàn-hảo trên đường cầu tìm Tự-Tại (Atma Vichara).

    Những khuynh-hướng tế-nhị và tiềm-tàng của tinh-thần quan-hệ với đối-tượng thỏa-mãn giác-quan thì xuất-hiện ra vô số, cái nọ nối tiếp cái kia thành hàng lớp trôi chảy như sóng biển quấy động tinh-thần. Tuy vậy, chúng cũng bớt đi dần và sau cùng tắt hẳn bằng phép tiệm-tiến Thiền-định về Tự-Tại. Chúng ta không được ngờ-vực phân-vân, phải kiên-quyết bền-bỉ, cứ tiếp-tục thiền-định.

    Một người dù tội lớn mấy đi nữa nếu y đừng rên xiết: "Tôi là kẻ có tội làm sao giải cứu được?" Và nếu y xua đuổi tư-tưởng tội-lỗi ấy đi mặc dù thực mình là kẻ có tội, nếu y tiếp tục thiền-định vào Tự-Tại, thì y sẽ tự hoán-cải được tâm tính một cách chắc-chắn.

    Chừng nào những làn sóng dục còn tiếp diễn trong tinh-thần, thì điều tối cần-thiết là phải luôn luôn tự hỏi "Ta là Ai?" Chính lúc những tư-tưởng đang hiện ra thì phải tiêu-trừ đi ngay tại nơi xuất-phát bằng cách cầu tìm Tự-Tại.

    Không ham muốn cái gì xa lạ với mình ấy là không tham hay không dục. Không quên hướng vào Tự-Tại là minh-triết, nhưng thực ra vô-dục và minh-triết chỉ là một. Khác nào kẻ mò trai đeo vào người những hòn đá để lặn xuống nước sâu và mang lên khỏi đáy biển những hạt trai, kẻ tầm đạo trên đường vô-dục cũng thế, có thể lặn sâu vào bản-tính mình để thực-hiện Đại-Ngã quý-báu. Chỉ nuôi cái kỷ-niệm bền-bỉ và trầm-tư chân-tướng của Tự-Tại cho đến chừng nào Tự-Tại thể-hiện ra, như thế cũng đủ là kẻ tầm đạo chân-chính. Những tư tưởng vọng-động khác nào những kẻ địch giữ thành. Chừng nào chúng còn giữ được thành chúng sẽ cố tìm cách mở lối thoát. Nhưng nếu chúng ta muốn thì hãy đưa lưỡi kiếm ra mà đón chúng khi nào chúng thò đầu ra, như thế thành trì kết-cục sẽ chiếm được.

    Cái trụ chắc-chắn và có phương-pháp vào Đại-Ngã không để tơ hào tư-tưởng nào nổi hiện ngoài ý-niệm trầm-tư vào Tự-Tại, ấy là thật phó-thác mình cho Thượng-Đế. Trút hết gánh nặng cho Ngài, Ngài sẽ gánh hết vì sự thực quyền-năng của Ngài vô-hạn, điều-khiển, bảo-vệ và kiểm-soát tất cả sự-vật trong thế-giới. Vậy tại sao chúng ta còn buồn-phiền lo-âu với những tư-tưởng đáng tiếc, như nói: "Làm cách này khôn hơn, làm cách kia là dại..." Sao ta không ngoan-ngoãn và vui vẻ phục-tòng quyền-lực tối-cao của Thượng-Đế? Chúng ta như kẻ đang ngồi trên xe lửa đã biết xe chở tất cả gánh nặng mà chúng ta còn ôm trong lòng những hành-lý riêng để thêm bận-bịu chứ không chịu xếp sang bên cạnh cho được ngồi thảnh-thơi.

    Cái gì hoan-lạc thì cái ấy thực là Tự-Tại. Hoan-lạc với Tự-Tại không phải hai vật khác nhau mà là một vật đồng-nhất. Và chỉ Cái Ấy là có thật. Trong vô số sự-vật của thế-giới hiện đại có cái gì có thể gọi là hạnh-phúc chăng, hay chỉ vì ngu-si, dại-dột nên chúng ta tưởng có thể tìm được hạnh-phúc ở đấy. Nhưng trái lại, mỗi khi tinh-thần phóng ra ngoài để tìm kiếm thì nó lại thấy thống-khổ và lo-âu. Thực ra mỗi khi dục-vọng của chúng ta được thỏa-mãn thì tinh thần bấy giờ quay vào nguồn mà cảm thấy hạnh-phúc là bản-tính của Tự-Tại. Cũng như thế mà trong giấc ngủ-say hay ở trạng-thái siêu-thần Tam-muội hoặc bất-tỉnh nhân-sự ... khi vật-dục mong cầu đã đạt được hay vật không ưa-thích đã bị hủy đi thì bấy giờ tinh thần mãn-nguyện quay vào và thích-thú cái lạc thú của Đại-Ngã. Cái lối đi lang-thang ra ngoài đường chính như thế, bỏ rơi Tự-Tại rồi lại trở về, đấy là số-phận bất-tận và nặng-nề của tinh thần.

    Được đứng dưới bóng cây, người ta thấy khoan-khoái để tránh ánh-nắng của mặt-trời thiêu đốt. Một kẻ làm lụng dưới ánh-nắng thì tìm bóng mát dưới gốc cây và lấy làm hoan-hỷ. Nhưng y chỉ ở đấy được một lúc, rồi lại đi lang-thang ra xung-quanh để rồi lại không chịu nổi khí nóng của trời nắng, y chạy như vậy không ngớt, từ bóng mát ra ánh-nắng để rối lại trở về bóng mát. Kẻ nào tầm đạo trên đường tu luyện mà hành-động như thế là kém trí-khôn. Người hiền khôn không bao giờ rời bỏ bóng mát, vì tinh-thần Giác-ngộ không bao giờ có được ở ngoài Đại-Ngã, Tuyệt-đối. Tinh-thần kẻ ngu mê đi vào thế-giới hiện-tượng chịu đau khổ và lo-âu. Bấy giờ nó mới quay về Đại-Ngã, chốc lát được nếm mùi hạnh-phúc. Tuy nhiên, thế-giới hiện-tượng này chỉ là tư-tưởng khi nào trong nhãn-giới không có hình-ảnh thế-giới nữa, nghĩa là khi nào tinh-thần tĩnh-lự, không còn tư-tưởng thì nó mới được hưởng lạc-thú ở Tự-Tại. Trái lại, khi nào thế-giới biểu-hiện, nghĩa là tư-tưởng bắt đầu hoạt-động thì bấy giờ tinh-thần lại cảm thấy đau-khổ và lo-âu.

    Không phải một ý-niệm, một quyết-định hay một cố-gắng của mặt-trời mà kính hiển-vi phản-chiếu nhiệt-lực, mà bông sen nở, mà nước bốc hơi, mà nhân, vật trong xã-hội hoạt-động, mà chính là vì hiện-diện của ánh-sáng mặt-trời. Gần đá nam-châm thì kim động-đậy. Linh-hồn nhân-loại cũng thế, bị chi-phối bởi ba hoạt động là: Sáng-tạo; Bảo-tồn và Hủy-diệt, chỉ vì hiện-diện duy-nhất của đấng Tối-cao. Nó hành động vì nghiệp-báo và yên-nghỉ sau khi đã hoạt-động xong. Nhưng đấng Tối-cao chính Ngài không quyết-định gì, không một động-tác hay một sự việc gì có thể đụng chạm tới bản thể của Ngài. Cái trạng-thái biệt-lập thuần-túy không nhiễm-ố ấy tựa như mặt-trời trên kia không bị những hoạt-động của sự sống chạm tới, hay là tựa như tinh-khí không bị những phẩm-tính phức-tạp của Tứ-đại Giả-hợp ảnh hưởng vào.

    Tất cả Thánh-kinh không trừ Thánh-kinh nào đều tuyên-bố muốn được cứu-độ thì phải khất-phục tinh-thần. Và biết rằng sự kiểm-soát tinh-thần là kết-luận cuối cùng thì người ta không cần phải học thuộc lòng Kinh sách. Một điều yếu-quyết để kiểm-soát tinh-thần là cầu tìm hiểu-biết thật sự về chính mình bằng cách tự đặt câu hỏi "Ta là ai?". Như vậy thì làm thế nào chỉ đọc Thánh-kinh thuộc lòng mà có thể tìm cầu được Tự-Tại? Chúng ta phải thực hiện Tự-Tại bằng con mắt trí-tuệ. Cái gì mà Cái Ta quy chiếu thì ở bên trong ngũ-uẩn: Sắc là năm giác-quan; Thụ là cảm-giác về ngoại-vật; Tưởng là tác dụng biện-biệt của tinh-thần; Hành là tác-dụng của tinh-thần về yêu, ghét, thiện, ác; Thức là tri-năng của tinh-thần và sự-vật. Còn như Kinh sách thì ở bên ngoài (ngoại biểu). Vậy thì cầu tìm Tự-Tại bằng Kinh sách chẳng hóa ra viễn-vông, vì Tự-Tại phải thực hiện bằng cách vượt lên trên ngũ-uẩn.

    Tự hỏi "Ta là ai?", "Ai bị trói buộc?", và biết được chân-tướng của mình thì mới có thể giải-thoát. Giữ cho tinh-thần luôn luôn khuynh-hướng vào nội-tâm và cứ như thế trụ nơi Tự-Tại ấy là con đường Đại-Ngã. Cũng như Thiền-định là trầm-tư vào Tự-Tại, coi như Chân, Thiện, Mỹ. Sự thực đến một lúc nào chúng ta phải quên hết cái gì chúng ta đã học hỏi được.

    Cũng như kẻ muốn thoát sạch hết rác-rưởi đi mà cứ nhìn ngắm trước đã, ấy là việc viển vông, thì kẻ cầu tìm Tự-Tại đáng lý phải xua đuổi ngay những yếu-tố trong tinh-thần hay xếp đặt hiện-tượng che phủ Tự-Tại, kẻ ấy cứ ngồi mà kể lể hay quan-sát tính-chất của hiện tượng thì cũng là điều viễn-vông vậy. Y phải chỉ nhìn nhận thế-giới hiện-tượng liên-quan với y như là một ảo-mộng.

    Ngoài sự dài ngắn khác nhau ra, trạng thái thức và trạng-thái mộng giống nhau như hệt. Tất cả hoạt-động của trạng-thái thức sau khi chúng ta tỉnh mộng thì cũng như trong mộng. Tuy nhiên, trong mộng tinh-thần khoác một hình-thức vật-lý khác, bởi vì những tư tưởng và những hình-danh đồng thời phô-diễn ra ở trạng-thái thức và mộng.

    Không làm gì có hai tinh-thần, một tinh thần xấu và một tinh-thần tốt. Đấy chỉ là khuynh-hướng của một tinh-thần thuộc về hai loại, tốt hay thích-hợp, xấu hay không thích hợp. Khi nào tinh-thần đi đôi với khuynh hướng thích-hợp thì gọi là tốt, trái lại thì gọi là xấu. Có kẻ nuôi trong lòng đầy ý xấu nhưng chúng ta không nên khinh-bỉ họ hay ghét họ. Cảm-tình và ác-cảm, yêu và ghét, cả hai chúng ta đều nên tránh. Và cũng không nên để cho tinh-thần luôn luôn chấp vào sự-vật của tục thế. Nên cố tránh không được can-thiệt vào việc của kẻ khác. Tất cả cái gì xẩy ra cho kẻ khác thì thực ra là món quà cho chúng ta. Và nếu cái chân-lý ấy thực-hiện được thì ai là kẻ từ-chối ai một vật gì? Nếu cái Ngã hiện ra thì tất cả sự vật khác cũng đều hiện ra, nó biến đi thì tất cả đều biến theo. Chúng ta càng nhún nhường bao nhiêu thì càng tốt cho mình bấy nhiêu, nếu chúng ta kiểm-soát được tinh-thần thì bất-cứ ở chỗ nào cũng được cả.

    ***

    Hỏi: Thưa Ngài, con là ai? Làm sao con đạt giải thoát?

    M: Bằng cách tự nghiên cứu liên tục “Ta là ai?”. Ông sẽ tự nhận ra chính mình và đạt giải thoát.

    Hỏi: Con là ai?

    M: Cái Chân ngã hoặc Tự tính không phải là thân này, cũng chẳng phải năm giác quan thông thường hoặc cơ quan hoạt động. Thần thức hoặc chân khí (prāṇa) không phải là nó, cũng như trạng thái ngủ say không mộng, khi người ta không còn nhận thức được gì.

    Hỏi: Nếu con không phải là tất cả những gì nêu trên, vậy con là gì?

    M.: Nếu ông đã loại bỏ được tất cả chúng nó và có thể tự bảo rằng “Chúng không phải là ta” thì cái duy nhất còn sót lại là Chân ngã và đó là Thức (vijñāna).

    Hỏi: Ðặc tính của Thức này là gì?

    M: Nó là “Sat-Cit-Ānanda” [nghĩa là Chân lí – Nhận thức tuyệt đối – A-nan-đà]; trong đó, khái niệm tự ngã biệt tích, không còn một dấu vết. Nó được gọi là “Tịch tịnh” (mouna) hoặc “Ðại ngã” (ātman) hay Tự tính. Nó là cái duy nhất có thật. Nếu bộ ba “Thế giới-Ngã-Thượng đế” còn được xem là ba thành phần cá biệt thì đó vẫn chỉ là Ảo ảnh (māyā)".
     
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này