Văn học nước ngoài TARAS BULBA (Nikolai Vasilievich Gogol)

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi hoi_ls, 8/1/24.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7



    [​IMG]

    VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NƯỚC NGOÀI
    VĂN HỌC NGA


    TARAS BULBA

    Tác giả: Nikolai Vasilievich Gogol
    XUÂN TỬU và ĐỖ TRỌNG THI dịch


    NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC HÀ NỘI - 2000

    Taras Bulba là hiện thân của những đặc điểm cao quý nhất của dân tộc Cossack.

    Hình ảnh Bulba đượm vẻ nghiêm khắc mà lại dịu dàng của mối tình phụ tử. Taras là người cha của các con mình, đồng thời cũng là người cha của tất cả những người Cossack tín phục ông, đã ký thác cuộc đời, tâm hồn và thể xác cho ông, - người chỉ huy kính mến. Khi cầm súng bắn đứa con trai rứt ruột của mình đã phản lại dân tộc, Bulba không những chỉ làm nhiệm vụ của một người lính mà làm nhiệm vụ thiêng liêng của người con của dân tộc Cossack. Tiếng nói của ông già nghiêm khắc còn văng vẳng đâu đây: “Tao đã đẻ ra mày thì bây giờ chính tao lại sẽ giết mày...”.



    ----------------------------------------
    (Trong ebook này, hoi_ls đã đối chiếu với bản tiếng Anh để sửa lại các danh từ riêng đã được các dịch giả phiên âm ra tiếng Việt. Ví dụ: Cô-dắc = Cossack; Dapôrô = Zaporozhe; Ôstáp= Ostap; Ăngđờri= Andrii...)
     
  2. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    CHƯƠNG I


    - Kìa con, ngảnh lại xem nào! Mày lạ quá! Bộ áo thầy cả ấy là cái quái gì thế ? Ở trong viện chúng mày đều ăn bận kỳ cục như vậy cả hay sao?

    Đó là lời lão Bulba đón tiếp hai con trai vừa học mãn khóa ở trường dòng Kiev , hôm nay trở về gia đình. Hai người con vừa trên mình ngựa bước xuống, hai chàng thanh niên vạm vỡ, mắt nhìn hãy còn bỡ ngỡ, như các thanh niên vừa mới ở trường dòng ra. Trên khuôn mặt khỏe mạnh, rắn rỏi, bắt đầu có chút râu tơ, má chưa hề biết mùi dao cạo bao giờ. Thái độ tiếp đón của ông bố làm hai chàng bối rối. Họ đứng im, mặt cúi gằm xuống đất.

    - Khoan! Khoan! Để bố nhìn cẩn thận cái nào! Áo quần gì mà dài thế này? - Ông cụ vừa nói vừa bảo hai con xoay mình - Đánh bộ kỳ quặc thật! Chưa thấy ai ăn mặc như vậy bao giờ! Một đứa thử chạy xem nào, cứ là vướng phải tà áo mà ngã vỡ mặt ra!

    Cuối cùng người con lớn nói:

    - Bố ạ! Bố đừng giễu chúng con!

    - À cái ông tướng này! Tại sao tao lại không giễu chúng mày được?

    - Là thế này... dù bố là bố thật, nhưng nếu cứ cưỡi nữa, tôi sẽ quai cho bố một trận!

    - Sao? Ranh con! Đánh bố mày à? ... - Lão Bulba ngạc nhiên, lùi lại mấy bước, hỏi.

    - Vâng, bố cũng mặc! Tôi mà bị nhục, thì chẳng nể ai cả!

    - Thế mày định đánh nhau với tao như thế nào? Đấm tay không nhé!

    - Gì cũng được.

    - Được! Thì đấm tay không. - Taras Bulba vừa nói vừa xắn tay áo. - Để tao xem mày là hạng người thế nào!

    Thế rồi, hai cha con, đáng lẽ xa cách lâu ngày, nay gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thì lại bắt đầu giã nhau những vố nên thân vào hông, vào lưng, vào ngực, hết tiến lại lùi.

    - Ối làng nước ơi! Ông già này điên hẳn! Mất hết trí khôn rồi?! - Bà mẹ, gầy đét và xanh nhợt, đứng sững trước ngưỡng cửa, chưa kịp ôm lấy hai đứa con yêu - Hai thằng bé vừa chân ướt chân ráo trở về, hơn một năm nay chẳng trông thấy mặt, thế mà ông ấy lại nghĩ ra chuyện đấu quyền với chúng nó.

    Lão Bulba dừng lại nói: “Khá, thằng con đấm khá thật! Nó sẽ xứng danh Cossack (1) đấy! Đáng lẽ tao không nên thử sức với nó mới phải. Thôi, bây giờ thì lại đây con! Hôn bố đi!

    Và người cha ghì con vào ngực.

    - Khá lắm con ạ! Cứ giã cẩn thận người khác như con vừa đánh bố, và đừng tha đứa nào cả! Nhưng dù sao, kể ra quần áo của mày cũng ngộ quá! Dây nhợ gì mà lòng thòng thế? - Rồi ngảnh lại người con trai thứ hai, ông nói: Còn thằng ngốc kia! Mày đứng như phỗng ra làm gì thế? Sao không tới đây thử sức với bố?

    Bà mẹ ôm con hôn:

    - Cái ông này lạ quá! Ai lại thế mới được chứ! Con đánh cha! Sao khéo chọn lúc thế! Con nó vừa phải đi một thôi dài, mệt mỏi (cậu chàng trạc hai mươi tuổi, cao khoảng hai thước). Nó đang thèm nghỉ, đói ăn, thì ông ấy lại bắt nó đấu võ. Thật lạ đời!

    - Tao xem bộ mày ẻo lả lắm! - Bulba nói tiếp - Đừng nghe mẹ mày, con ạ! Đàn bà, con gái thì biết gì! Chúng mày cần được nuông chiều à? Thảo nguyên bao la và một con ngựa hay, đó là những nuông chiều tốt nhất cho chúng mày! Hãy nhìn thanh gươm này: Mẹ các con đó. Tất cả mớ sách vở triết lý người ta nhồi sọ các con, đều là tầm bậy. Tao, tao chẳng cần gì đến bằng cấp, sách vở, lý luận của chúng mày. Những cái của nợ ấy à! Tao thì cứ nhổ toẹt vào. - Rồi như để tỏ ra khinh bỉ hơn, lão già chửi tục: Tốt hơn cả là tuần sau tao sẽ gửi chúng mày vào chiến khu Setch (2), ở đấy học mới ra học, trường mới ra trường. Ở đấy các con mới được rèn luyện để hiểu biết việc đời.

    Tội nghiệp, bà mẹ đôi mắt rưng rưng ngắt lời, hỏi:

    - Vậy ra chúng nó chỉ ở nhà có một tuần thôi ư? Hai con tôi chẳng được chơi bời vài bữa thăm quê nhà? Và tôi cũng chẳng được vui vầy với chúng, hàn huyên đôi chút?

    - Thôi đừng thút thít nữa, mụ ạ! Người Cossack sinh ra không phải để hầu các bà! Mụ thì chỉ muốn giấu con trong váy để rồi ấp như gà! Thôi, có gì ăn thì đem ra đây cho chúng tôi. Đừng bày vẽ bánh trái gì cả. Cứ làm hẳn cho cha con tôi nguyên con cừu hay con dê. Cho chai rượu mật ong kinh niên, và nhiều rượu vodka (3) vào! Đừng có vẽ vời ra thứ rượu nho, ướp hương gì cả, mà cho thứ vodka nguyên chất, nổi tăm lên ấy.

    Bulba đưa hai con vào phòng. Hai cô đầy tớ xinh đẹp, cổ đeo vòng mạ, vụt chạy biến. Có lẽ các cô ấy e lệ vì thấy hai cậu mới về, mặc dầu hai cậu trông cũng bạo ra dáng. Hoặc giả các ả lại giữ đúng tục lệ ngày đó, hễ trông thấy mặt đàn ông thì đàn bà kêu lên một tiếng rồi chạy đi chỗ khác và thẹn thùng kéo tay áo để che mặt.

    Gian phòng bày biện theo kiểu thời bấy giờ, một thời đại chỉ còn lại trong ký ức qua những bài dân ca, những chuyện cổ tích anh hùng mà các ông xẩm mù, râu dài, ở Ukraina thường vừa nhẹ tay kéo một điệu du dương trên cây đàn bandura (4), vừa kể cho bao nhiêu đám đông nghe, theo phong thái của những thời kỳ chinh chiến gay go thuở ấy, thời kỳ đang xảy ra những cuộc đánh nhau giữa nước Ukraina và Hội Liên hiệp đạo giáo (5). Trong phòng, đồ đạc sạch sẽ. Trên tường đá ong, treo đầy những gươm, giáo, roi, lưới chim, lưới cá, súng hỏa mai, một cái sừng gọt trổ rất khéo đựng thuốc súng, một dây cương bằng vàng, và những xích giát bạc. Cửa sổ nhỏ, lồng kính tròn và mờ, loại kính này ngày nay chỉ còn thấy ở những nhà thờ cổ kính. Muốn ngó ra ngoài, phải nhấc một tấm khuôn. Các khung cửa đều sơn đỏ. Trên những tấm giá góc phòng, nào chai lớn, chai nhỏ, be hũ bằng thủy tinh màu sẫm, những bộ cốc bằng bạc chạm và những bộ chén mạ vàng đủ các kiểu: Venice (6), Thổ Nhĩ Kỳ (7), Tscherkessia (8). Những thứ này đã qua bao nhiêu bàn tay, trải bao sương tuyết, ngày nay mới đến tay Bulba. Vào thời buổi can qua lúc bấy giờ, âu cũng là chuyện thường tình. Quanh gian phòng, kê những chiếc ghế dài bằng gỗ dâu. Trong một góc phòng có chiếc bàn lớn, đặt dưới những bức tượng thánh. Phía bên kia là một cái lò sưởi bằng gạch hoa, vừa cao vừa rộng, chỗ lồi chỗ lõm. Đối với hai chàng thanh niên, các đồ đạc ấy thật quá quen thuộc, vì hằng năm họ có về nghỉ hè ở nhà. Họ đi bộ về, vì chưa có ngựa. Phong tục thuở ấy không cho phép học trò đi ngựa bao giờ. Họ đang ở cái tuổi mang chỏm tóc dài, mà bất cứ người Cossack nào có vũ khí cũng có thể kéo tóc họ, không bị tội lỗi gì. Chỉ đến lúc ra khỏi trường dòng, họ mới được bố gửi cho đôi ngựa con để đi đường.

    Nhân dịp hai con trở về, Bulba cho làm tiệc, mời tất cả những võ quan trong đội quân của lão lại. Lúc hai người khách đầu đến - trong đó có tướng Dmitro Tovkatc, bạn đồng đội cũ, thì lão giới thiệu hai con trai như sau:

    - Các vị ngắm hai thằng tướng con của tôi! Tôi sắp gửi chúng vào chiến khu Setch đây!

    Các vị khách tỏ lời khen ngợi Bulba va hai cậu con, tán đồng ý kiến của lão và nói thêm: - Đối với thanh niên mới lớn lên, chẳng có trường học nào tốt hơn chiến khu Setch của người Zaporozhe.

    - Nào! Mời các vị tự nhiên ngồi vào chỗ! Nào các con! Trước hết hãy cạn chén đã. Cầu Chúa ban phước cho các con. Chúc các con sức khỏe. Này, chúc Ostap, chúc Andrii; chúc hai con ra trận luôn luôn mã đáo công thành, chúc hai con đánh tan bọn vô đạo, bọn Thổ, và bọn rợ Tatar (9)…Còn bọn Ba Lan, nếu chúng rắp tâm chống đạo thánh của chúng ta, ta sẽ cho chúng cùng chung số kiếp với bọn kia. Nào! Đưa chén của con đây! Thứ rượu này ngon đấy chứ! Tiếng Latin gọi rượu này là gì nhỉ? Chà, bọn người Latin ngu ngốc! Đến cá rượu horilka (10) nổi tiếng trên thế giới này, nó cũng không hiểu nốt. À, cái thằng cha làm thơ Latin tên là gì nhỉ? Tao chẳng phải là nhà thông thái và chữ nghĩa chẳng biết bao nhiêu, nhưng có phải hắn tên là Horace (11) không nhỉ?

    - Ông già hóm thật! - Người con cả Ostap lẩm bẩm - Bố ấy biết hết, thế mà cứ làm ra vẻ ủ ù cạc cạc!

    Bulba nói tiếp: - Tao chắc chẳng bao giờ ông đốc cho chúng mày được ngửi hơi men. Có phải thế không? Các con hãy thú thật đi! Có phải thỉnh thoảng thầy giáo đã quất vào lưng các con và cả vào mình nữa, có đúng không? Có lẽ vì giỏi quá, các cậu còn được nếm cả mùi cà vạt nữa! Chẳng những được ăn roi vào ngày thứ bảy mà cả vào ngày thứ tư và thứ năm nữa chứ gì?

    Ostap bình thản trả lời:

    - Bố ạ, nhắc lại điều đó làm gì! Chuyện cũ kể chi cho mệt!

    - Bây giờ ai muốn thử sức với tôi nào? - Andrii nói. - Tôi mà bị đứa nào động đến chân lông, tôi mà gặp một tên rợ Tatar, nó sẽ được biết lưỡi kiếm Cossack này!

    - Hay quá, con ạ! Con bố nói chí lý. Thế thì tao sẽ đi với chúng mày. Tao sẽ đi! Chà! Còn chờ gì nữa? Chết già giữa đám ruộng hay trong xó nhà, để giữ dê giữ lợn hoặc để cho vợ ru ngủ à? Đời nào lại thế! Ta là một tráng sĩ Cossack cơ mà! Không có chiến tranh cũng mặc, ta phải đi Zaporozhe chơi một chuyến! Nhất định ta phải vào đạo quân Cossack ở Setch. Lạy Chúa, nhất định đi!

    Bulba càng nói càng thêm hăng máu. Cuối cùng lão nổi cơn lôi đình đỏ mặt tía tai; lão đứng phắt dậy, vừa giậm chân thình thịch vừa cả quyết:

    - Mai sớm chúng ta lên đường! Còn đợi gì nữa? Còn ở đây làm cóc gì? Nào lọ, nào bình, nào nhà cửa, còn có gì mà lưu luyến! Trượng phu này chẳng màng chi!

    Nói xong, lão tướng Bulba đập tan be, hũ, chai, lọ. Bà vợ ngồi trên một tấm ghế; đã từ lâu quen thuộc với những cảnh tượng như thế, bà rầu rầu nhìn chồng. Bà không dám nói gì, nhưng trước cảnh mẹ con ly biệt, bà không thể cầm được nước mắt. Bà buồn bã nhìn hai đứa con vừa mới về, chưa ngồi nóng chỗ đã phải ra đi. Trên khóe mắt và đôi môi mím chặt, hiện ra một nỗi đau buồn vô hạn.

    Lão tướng Bulba vẫn kiên quyết. Tính khí ấy chỉ có thể rèn đúc vào thế kỷ thứ mười lăm, trong chốn hoang vu, nơi khỉ ho cò gáy này của châu Âu, khi mà bọn vua chúa bỏ chạy hết rồi, tất cả miền Nam nước Nga đã bị quân xâm lược Mông Cổ tàn phá ghê gớm. Vì thuở ấy, gặp cảnh nước mất nhà tan, lòng người hóa quật cường; trên đống tro bốc khói của túp nhà vừa bị đốt phá, họ dám đứng trước mặt kẻ thù hung hãn mà dựng lại, quên cả sợ hãi, bất chấp nguy nan. Từ cái tính ôn hòa cố hữu của dân tộc Slav (12) đã bốc lên ý chí chiến đấu và tinh thần thượng võ. Xã hội Cossack cũng từ đó mà ra đời. Họ là biểu hiện của bản chất khoan hậu, quật cường của người Nga. Chính thuở ấy, bên bờ sông và trên những cánh đồng mầu mỡ, hàng ngàn hàng vạn quân Cossack đã đến đóng trùng trùng điệp điệp. Và người thám tử của họ đã có thể đàng hoàng trả lời hoàng đế nước Thổ, khi vua này muốn biết quân số của họ, rằng: “Đếm sao cho xiết? Quân chúng tôi đóng khắp trên thảo nguyên. Mỗi đường rãnh, mỗi mô đất đều có người lính Cossack”. Trải bao nhiêu gian truân đau khổ, đó là tiếng thét của nhân dân, chứng tỏ nguồn sinh lực kỳ lạ của người Slav. Ở những phiên trấn cũ, những xóm làng đầy rẫy người săn bắn, những ông hoàng, ông chúa vẫn đánh giết lẫn nhau, nay dựng lên những thành quách kiên cố, những kuren (13) hùng mạnh cùng một lòng với nhau trước mối thù không đội trời chung chống kẻ xâm lược vô đạo.

    Lịch sử cho ta biết rằng cuộc kháng chiến không mệt mỏi của người Cossack đã cứu châu Âu thoát khói nạn xâm lăng của bọn cướp ô hợp từ châu Á, lúc bấy giờ đang lăm le nuốt chửng cả một vùng. Thuở ấy sau khi đã phế truất những chư hầu và làm chủ nhiều miền rộng lớn, các hoàng đế Ba Lan đã biết lợi dụng người Cossack để bảo vệ đất đai xa xôi. Vì vậy các vua đã khuyến khích người Cossack phát triển tập thể của họ... Xa chính quyền trung ương, các quan thống đốc german (14) do người Cossack bầu lên đã biến những kuren thành đội ngũ, thành từng quân khu. Thực ra, quân họ không lập thành một đội quân thường trực. Trong thời bình đố ai biết được có đội quân trong đó, nhưng trường hợp chiến tranh bùng nổ, hay có lệnh động viên, thì chỉ trong vòng tám ngày, họ sẽ có đủ ngay. Họ cưỡi ngựa, cầm võ khí ra quân, mỗi người chỉ được hưởng của đức vua có một đồng vàng. Chỉ trong nửa tháng họ đã lập thành hẳn một đội quân, nếu tuyển mộ theo lệ thường thì không tài nào có được. Hết chiến tranh, mọi người lại trở về với đồng ruộng hoặc ven sông Dnepr (15) đi buôn, hay đánh cá, hoặc nấu rượu bia, tha hồ vẫy vùng tự do. Người nước ngoài đương thời đã không ngớt lời khen rất đúng tài khéo léo tuyệt vời của họ. Nghề gì người Cossack cũng biết làm: nấu rượu, đóng xe, làm thuốc, làm thợ rèn, thợ nguội và giỏi nhất là uống khoẻ với phong độ của người Nga chính cống.

    Ngoài những người Cossack có tên trong sổ chính - số người này hễ có lệnh gọi lính là đi ngay, - nếu trường hợp cấp bách xảy ra, lúc nào cũng có thể tập hợp rất nhiều quân tình nguyện. Các viên tổng binh cứ đến ngay các chợ đông, giữa xóm làng, đứng lên chiếc xe và gọi lớn: “Này! Mấy tướng rượu thịt kia! Bỏ thùng lại! Ngủ chết bên bếp và phơi thây cho ruồi ăn mỡ đủ rồi đấy! Hãy đi giành lấy vinh quang và danh dự cho nòi giống! Còn các chàng nông dân mục tử kia, những gã mê gái nọ, hãy bỏ cả cày bừa, hãy quên làn váy lụa, để giữ vẹn đức tính thượng võ của các người! Giờ đây đã đến lúc các người ra trổ tài để rạng danh dòng Cossack!”. Những lời hô hào ấy như tàn lửa bắt rơm khô. Thế là nông dân bẻ cày, kẻ nấu rượu đập thùng, anh thợ, chú lái bỏ hàng bỏ họ ra đi. Ai ai cũng ghè vụn chén bát trong nhà rồi lên ngựa. Tóm lại, khí phách quật cường của người Nga đã cháy bùng lên.

    Taras Bulba vốn dòng võ tướng, chỉ biết sống chết trong chiến chinh. Lão nổi tiếng vì tính khí cương trực. Ảnh hưởng của phong tục Ba Lan lúc ấy đã bắt đầu thâm nhập hàng quí phái ở Ukraina. Nhiều người ăn mặc theo họ, xa phí tiệc tùng, thuê mượn bao nhiêu đầy tớ, bao nhiêu người săn chim, săn thú. Nhưng Bulba không ưa lối sống đó. Lão thích cuộc sống bình dị của người Cossack và đã nhiêu lần cắt đứt với bạn bè học đòi thói Warsaw (16), mắng họ là “nô lệ của Ba Lan”. Vốn có bản chất cương cường, lão vẫn tự xem là người bảo vệ cho đạo chính thống.

    Bulba tự ý làm phán quan, đi tuần tra các xóm xem có người kêu ca bọn địa chủ thu tô hà khắc hoặc tăng thuế thổ cư thì lão sai quân Cossack bắt chúng ra trừng phạt. Lão đặt ra lệ: có ba trường hợp phải lấy gươm mà xử: khi bọn quan thuế Ba Lan dám láo xược với các bô lão, đứng trước các cụ mà không bỏ mũ chào; khi bọn chúng dám chế nhạo đạo chính thống, không tôn trọng phong tục xưa, và sau nữa là khi giao chiến với bọn vô đạo Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Tatar, những kẻ mà lão tướng cho là phải diệt trừ, để làm rạng rỡ Thiên Chúa giáo.

    Giờ đây, lão lấy làm vui sướng với ý nghĩ sẽ tự mình dẫn hai con vào chiến khu Setch và có thể tự hào mà nói: “Các ngài xem! Tôi dẫn đến cho các ngài hai tráng sĩ đây!? Hoặc cũng có thể giới thiệu hai con cho các chiến hữu cũ, hoặc chính mắt được thấy con lập công trong nghề gươm giáo, và cả về khoa uống rượu nữa, mà lão vẫn xem là đức chính của người hiệp sĩ. Thoạt tiên lão không định đi theo hai con, nhưng khi lão trông thấy tuổi trẻ phơi phới và vẻ khôi ngô hùng tráng của chúng, thì tinh thần thượng võ trong người bỗng trỗi dậy và lão tướng quyết tâm hôm sau sẽ cùng đi. Tuy lão biết rằng mình có mặt cũng thừa, nhưng chí quật cường đã kêu gọi lão tướng lên yên quất ngựa.

    Lão chạy ra chạy vào, hạ lệnh ầm ỹ sửa soạn đồ đạc, ra thăm chuồng ngựa, lựa chọn ngựa và yên cương, chỉ định những người tùy tùng.

    Rồi lão trao quyền điều khiển ở nhà cho viên phó tướng Tovkatch, lại căn dặn hễ có lệnh của lão từ chiến khu gửi về thì phải hỏa tốc dốc toàn lực đến ngay, không được trì hoàn. Tuy còn chếnh choáng nhưng Bulba vẫn chu đáo, nhớ cả đến việc cho ngựa uống và lấy thóc tốt cho ngựa ăn.

    Vào trong nhà, mệt lử, lão nói: “Này, các con! Ngủ đi. Ngày mai chúng ta sẽ làm theo ý Chúa. Nhưng cấm dọn giường chiếu lôi thôi, mai đây ta sẽ gối đất nằm sương”.

    Thường thì lão tướng Bulba đi ngủ vào lúc hoàng hôn. Lão trải tấm thảm ra đất, sương đêm lạnh nên lão trùm chiếc áo khoác lông cừu, và khi ở nhà thì cứ ngủ cả áo cho được ấm. Thoắt đã nghe tiếng ngáy pho pho.

    Mọi người đều lăn ra sân ngủ cả, đầu tiên là người lính gác, chàng ta đã quá vui chén rượu tiễn mừng hai công tử. Tội nghiệp, chỉ có bà mẹ là không ngủ. Bà đến ngồi cạnh hai đứa con yêu, nằm kề nhau. Bà chải những mái tóc xanh ướt đẫm nước mắt của bà. Bà để cả tâm hồn âu yếm nhìn con, tình mẫu tử dồn cả vào hai khóe mắt, nhìn mãi mà không chán. Bà đã nuôi con bằng dòng sữa của mình, nâng niu với bao nhiêu nỗi lo âu, rồi con lớn lên, cho đến bây giờ chỉ còn đoàn tụ trong chốc lát!

    - Hai con ơi! Hai con yêu quý của mẹ ơi! Mai kia rồi sẽ ra sao? Số phận các con rồi sẽ ra sao? - Bà vừa khóc vừa nói. Nước mắt đọng lại trên những đường nhăn đã làm hoen vẻ đẹp của khuôn mặt trước kia thanh tú biết bao.

    Thật thế, bà mẹ rõ tội nghiệp, cũng như trăm ngàn người đàn bà khác trong thời đại nhiễu nhương này. Thuở còn xuân mơn mởn, bà chỉ được hưởng tình yêu ngắn ngủi trong phút say mê. Rồi người yêu võ sĩ đã chia tay để đi theo cung kiếm, bạn bè và cốc rượu chốn sa trường. Cả năm, người thiếu phụ chỉ thấy mặt chồng vài ngày rồi đằng đẵng mấy thu không biết chồng sống chết nơi nào, biệt vô âm tín. Ấy vậy mà khi được gần nhau, thì lại bị bao điều tủi nhục! Chồng chửi, chồng đánh dập vùi, họa hoằn mới được chồng thương hại vuốt ve.

    Đàn bà thật là một người xa lạ, lạc lõng giữa những người chiến chinh và bộ mặt khắc khổ của cuộc sống hiếu động xứ Zaporozhe. Vì thế, tuổi xuân chóng phai do đời không lạc thú; đôi má hồng tươi, bộ ngực tròn trắng của bà héo hắt đi trong nỗi cô đơn, thiếu thốn tình yêu, để cho cái già sồng sộc đến với những vết nhăn. Bao nhiêu yêu thương, trìu mến, nhiệt tình, đều trút vào con cái. Khắc khoải lo âu, nước mắt đầm đìa, bà thao thức để trông con, như con hải âu mẹ đứng trông đàn chim nhỏ. Người ta bắt mất hai con yêu quí, và giờ đây biết đâu là vĩnh biệt! Biết đâu, vừa giao chiến trận đầu, có tên rợ Tatar sẽ chẳng bêu đầu con bà! Thây phơi đồng nội cho quạ rỉa, hỏi bao giờ còn biết tin đây! Còn bà, bà sẵn sàng hiến cả cuộc đời để giữ lấy từng giọt máu của con. Bà nhìn hai con ngủ say, dằn cơn thổn thức, và nghĩ vẩn vơ:

    - Biết đâu, Bulba thức dậy sẽ hoãn đi một vài ngày. Chẳng qua vì quá chén hôm qua, ông ta mới hối hả như thế!

    Trăng giãi từ lâu trên sân lặng lẽ, xuống những khóm liễu cành dương bên bờ rào. Bà từ mẫu vẫn ngồi kề hai đứa con, đôi mắt ấp ủ nhìn suốt đêm không chớp. Đàn ngựa, biết trời gần sáng, đã nằm xuống bãi không ăn cỏ nữa. Lá liễu trên ngọn cao hất đầu rung rinh, tiếng rì rào như chuyển từ cành nọ sang cành kia. Bà thức trọn đêm cho tới tảng sáng, thức mà không biết mệt, lòng canh cánh ước mong sao cho đêm cứ kéo dài vô tận.

    Con ngựa non hí vang trên thảo nguyên, ánh bình minh đã ửng hồng bầu trời. Bulba tỉnh giấc, đứng phắt dậy. Lão tướng nhớ lại rành ròi những điều đã quyết định tối qua:

    - Này các con! Ngủ chi nửa! Giờ đã tới rồi! Dậy cho ngựa uống đi! Kìa bà già đâu? - Lão gọi vợ - Bà già đâu? Dọn cơm mau! Bố con tôi còn phải đi nhiều!

    Tia hy vọng cuối cùng tắt ngấm. Bà mẹ đáng thương buồn bã kéo lê bước vào nhà. Trong khi bà rưng rưng nước mắt làm cơm thì Bulba còn lo cắt việc, sục sạo chuồng ngựa và tự tay chọn cho hai con những bộ áo quần đẹp nhất. Trong nháy mắt, hai cậu thư sinh đã thay hình đổi dạng. Đôi ủng đỏ, gót bít bạc, đã thay thế cho đôi giầy cũ của nhà tu. Dây lưng mạ vàng, thắt chặt người và giữ cái quần ống rộng bắt nếp, thùng thình, lại còn treo mấy quai da dài đeo bông hoa, điếu hút, và túi thuốc. Thêm một chiếc thắt lưng thêu, thắt ngoài áo chẽn màu đỏ, đựng những khẩu súng lục Thổ Nhĩ Kỳ, khảm bạc. Một lưỡi kiếm dài đeo lòng thòng xuống ống chân. Mặt hai chàng thư sinh chưa pha màu rám nắng nên trông càng thêm trắng, thêm xinh. Bộ ria đen nhánh tăng vẻ đẹp tuổi thanh niên. Dưới chiếc mũ lông cừu màu đen, chóp thêu vàng, hai chàng trông thật oai phong lẫm liệt. Bà mẹ tội nghiệp vừa trông thấy hai con, thì đứng sững nói không nên lời. Đôi hàng lệ ngừng trên mí mắt.

    - Nào! Các con! Xong cả rồi đấy! Đừng bịn rịn nữa - Bulba nói - Bây giờ theo phép đạo xưa, ta hãy ngồi xuống, trước khi khởi hành!

    Mọi người lặng lẽ ngồi trong căn phòng, kể cả mấy gia đinh vẫn đứng hầu bên cửa.

    Bulba nói:

    - Thôi mẹ nó hãy cầu phúc cho hai con đi! Xin Chúa phù hộ chúng được vững vàng lúc ra trận, cho chúng giữ tròn danh dự người hiệp sĩ và bảo vệ đạo Chúa, nhược bằng trái đạo thì đành cam chịu chết, không còn để tăm hơi trên mặt đất này. Hai con hãy xích kề bên mẹ: lời cầu nguyện của mẹ sẽ che chở các con tai qua nạn khỏi, trên cạn cũng như ngoài khơi.

    Trong lúc chia tay, người mẹ già động lòng mẫu tử bèn xiết hai con vào lòng, rồi vừa khóc vừa quàng vào cổ mỗi đứa con một bức ảnh thánh.

    - Cầu Đức Mẹ phù hộ cho các con! Hai con ơi! Chớ có quên mẹ nhé! Cho mẹ biết tin luôn và nhớ rằng... - Lời bà mẹ nghẹn ngào trong cổ.

    Bulba nói:

    - Thôi! Các con! Lên đường!

    Ngựa thắng rồi chờ trước thềm. Bulba nhảy lên con “Tuấn mã”. Con ngựa bỗng chốc phải thồ hơn tạ rưỡi trên lưng, - Bulba vốn người to lớn - nên bực dọc chùn bước.

    Khi thấy hai con đã lên yên, bà mẹ chồm tới người con út còn nặng vẻ bịn rịn; bà bám riết chân đăng, nắm chặt con ngựa như cố liều giữ đứa con lại. Hai người lính Cossack lực lưỡng đỡ nhẹ bà và dắt vào trong nhà. Nhưng khi đoàn người ngựa vượt qua cổng, bà bỗng phóng theo chân họ nhẹ như chân nai và tuy tuổi tác, bà cũng trổ sức mạnh chặn đứng con ngựa lại, rồi ôm lấy con, mà hôn như điên như dại. Người ta lại phải vực bà vào.

    Hai chàng thanh niên Cossack ruổi ngựa đau lòng nuốt thầm giọt lệ, vì sợ lão tướng Bulba. Nhưng chính lão cũng đang cố nén mối xúc động nao nao.

    Trời âm u. Cỏ non xanh rợn, chim hót véo von. Vượt một quãng đường, hai chàng ngoảnh đầu về nếp nhà cố hưong xa khuất chân trời, chỉ còn thấy hai ống khói và mấy ngọn cây cao mà thuở bé, hai chàng thường leo lên lanh như sóc.

    Đồng cỏ rộng vươn dài trước mắt. Đồng cỏ nhắc nhớ cuộc đời thơ ấu, kể từ khi hai chàng bé nhỏ còn lăn tròn trên bài cỏ đượm sương, cho đến tuổi đã biết đứng chờ cô thiếu nữ Cossack nét mày đen nhánh, thoăn thoắt gót sen.

    Phút chốc, chỉ còn thấy cái cần có ròng rọc dựng trên bờ giếng. Cánh đồng họ vừa vượt qua bây giờ lại thành ngọn núi, che khuất nếp nhà cố hương, xóa nhòa cả ngày thơ ấu.

    Tạm biệt cố hương! Tạm biệt trò chơi tuổi trẻ! Thôi tạm biệt!





    -----------------------------------------------------------------------------
    (1) Người Cossack nguyên cũng là những người Nga, đại bộ phận là nông dân không chịu nổi ách phong kiến nên bỏ trốn ra vùng biên giới Nga. Vào khoảng thế kỷ 16-17 họ đã hợp thành một dân tộc, những người Cossack chiến đấu chống những kẻ xâm lược nước Nga (Thổ Nhĩ Kỳ, Tatar, bọn vua chúa Ba Lan). Vốn tiếng “Cossack” có nghĩa là “người tự do”. Họ cũng tham gia tích cực vào các cuộc khởi nghĩa nông dân, trong phong trào này, tầng lớp trên của họ thường phản bội.

    Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc Liên Xô 1941- 1945, những đơn vị Cossack đã lập nhiều chiến công, họ nổi tiếng là những người gan dạ, thiện chiến. (Người dịch).

    (2) Setch: một tổ chức tự trị của người Cossack ở Ukraina tồn tại trong những thế kỷ 16, 17. 18 ở đảo Khortytsia trên sông Dnepr. Khu này gồm nhiều tầng lớp nhân dân võ trang, chủ yếu là nông dân không chịu nổi cảnh áp bức của phong kiến địa chú trốn đến đây đế sống tự do. Sếtch đã anh dũng chiến đấu chống kẻ thù của nhân dân Ukraina như bọn phong kiến Thổ, bọn chúa Tarta ở Crime và bọn vua quan Ba Lan. (N.D.)

    (3) Vodka: rượu mạnh người Nga hay dùng.

    (4) Bandura: một thứ đàn nhiều dây của người Ukraina. Người dùng thường vừa đánh đàn vừa hát.

    (5) Hội Liên hiệp đạo giáo: Đây nói sự liên minh giữa giáo phái La Mã thừa nhận quyền của giáo hoàng ở Vatican và giáo phái tự trị không thừa nhận quyền của giáo hoàng. Thuở ấy hoàng đế Ba Lan cần đến mối liên minh này để tiêu diệt chủ quyền quốc gia cùa dân tộc Ukraina và Belarus. Mưu mô này của bọn vua quan Ba Lan để thực hiện sự liên hiệp đạo giáo đó gây nên một sự phản kháng kịch liệt cùa đông đảo nhân dân Ukraina và Belarus.

    (6) Venice: một thành phố nổi tiếng đẹp của nước Ý, dựng nổi trên những hòn đảo nhỏ giữa biển Adriatic (264.000 dân) (N.D).

    (7) Thổ Nhĩ Kỳ: một nước ở bán đảo Balkan, miền tây nam châu Á (19 triệu dân)

    (8) Tscherkessia: một xứ miền Bắc Kavkaz, bên bờ sông Hắc Hải. (N.D.)

    (9) Tatar: tên chung chỉ những bộ tộc thuộc dòng dõi Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ xưa kia đã lập thành đạo quân của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), có lần đã đánh sang tận Việt Nam ta (thế kỷ 13 đời Trần). (N.D)

    (10) Horilka: một thứ rượu mạnh (vodka).

    (11) Horace: (năm 65-8 trước công nguyên). Nhà thơ Latin Augustus nổi tiếng. Lúc đầu Horace ca tụng chế độ cộng hòa nhưng sau lại trở thành nhà thơ của triều đình vua.

    (12) Slav: giống người ở rải rác từ miền Venezia (nước Ý) đến núi Uran, đông nhất là ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp, Nam Tư, Đức, v.v... (N.D.)

    (13) Kuren: nhà ở chung của người Zaporozhe, đồng thời là một đơn vị quân sự của riêng người Cossack ở Setch do một viên ataman chỉ huy.

    (14) German: thế kỷ 16 là tổng chỉ huy quân đội Cossack được nhân dân bầu lên. Đến thế kỷ 17, German lại có nghĩa là quân cai trị xứ Ukraina tương đương như chức thống đốc. (N.D).

    (15) Dnepr: một sông lớn ở Ukraina, dài 2.146 cây số, chảy qua những thành phố lớn như Smolensk, Kief ... và chảy vào biển Hắc Hải. (N.D.)

    (16) Warsaw: thủ đô của nước Ba Lan. Ở đây, ý nói học đòi theo bọn phong kiến Ba Lan. (N.D.)

     
    Chỉnh sửa cuối: 30/1/24
    tducchau thích bài này.
  3. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    CHƯƠNG II


    Ba người âm thầm ruổi ngựa. Bulba nghĩ tới thời dĩ vãng.

    Lão tướng nhớ đến tuổi thanh xuân, cái tuổi thanh xuân kỳ diệu, mà người Cossack luyến tiếc nhất, vì lão tướng chỉ muốn suốt đời được linh lợi cường tráng. Lão tướng nhớ các bạn cũ và tự hỏi không biết có còn ai ở lại chiến khu nữa không; Bulba buồn rầu bấm đốt những người đã khuất và những người còn sống. Giọt lệ rưng rưng trên khóe mắt, mái đầu hoa râm của lão cúi xuống. Nhưng hai con thì bâng khuâng khác hẳn. Cũng phải nói vài lời về họ: từ tuổi mười hai, hai anh em được vào học trường dòng thánh Kiev , vì thuở ấy mọi người quyền quí đều thấy cần phải cho con cái được học hành ít nhiều, dù học rồi cũng đến chóng quên thôi. Cũng như mọi thanh niên khác được nuôi dưỡng trong tự do phóng túng, lúc mới vào trường họ vụng về và cục cằn, đến trường rồi họ mới dần dần được uốn nắn cho giống nhau. Thằng lớn - Ostap - ngay từ năm đầu đã dám trốn học. Người ta bắt về đánh cho một trận, rồi bắt vùi đầu vào đèn sách. Bốn lần nó đã chôn cuộn sách học vỡ lòng xuống đất, bốn lần người ta phạt roi thật đau rồi lại mua sách khác cho. Nếu bố không dọa bỏ nó vào nhà tu hai mươi năm làm chú bé hầu lễ, không trịnh trọng thề sẽ không bao giờ cho nó được biết chiến khu nếu nó không dốc lòng theo thầy, thì chắc nó đã dám ngỗ nghịch thêm một lần thứ năm nữa rồi! Kể cũng kỳ khôi là chính lão tướng Bulba lại dọa thế và thề thế vì xưa nay Bulba vốn hay chế nhạo mọi học thuyết trên đời và đã dạy con chớ có tin thánh hiền. Từ đó, Ostap quyết lòng học hành chăm chỉ, và trở thành một trò vào hạng khá nhất trường. Thuở ấy, học chẳng phải để hành: những giáo điều, những văn chương thơ phú, những tầm chương trích cú trái ngược với tinh thần của thời ấy, không được đem áp dụng với đời! Nhà bác học cũng dốt như dân thường, vì chỉ biết học những cái viển vông. Mặt khác, cách tổ chức trong trường rất dân chủ, trường là nơi tập trung đông đảo những người đang độ hoa niên, cho nên đã thúc đẩy học sinh tham gia những hoạt động khác hẳn với việc dùi mài kinh sử. Ăn khổ, bị phạt nhịn đói, tuổi phương cương nhiều dục vọng, đó là những điều kích thích chí phiêu lưu mạo hiểm của họ. Ý thức đó sau này sẽ rất phát triển ở chiến khu. Vì thế mà nhân dân Kiev rất lo ngại bọn học trò trường dòng thường luẩn quẩn như mèo đói, trong các đường phố. Bọn hàng rong ngồi quanh bãi chợ hễ thấy cậu học sinh nhà tu nào đi gần quầy hàng đầy bánh kẹo, là phải lấm lét coi chừng, chẳng khác nào gà mẹ giữ gà con. Ngay anh trưởng tràng tuy gọi là đi kiểm soát tư cách bạn bè, cũng có mấy cái túi rộng bên quần, đủ trút cả gánh của bà hàng lơ đễnh. Học sinh trường dòng sống một đời riêng biệt. Họ không được liệt vào hàng thượng lưu chỉ gồm có giai cấp quí tộc Ba Lan và Ukraina. Chính viên tổng trấn Adam Kisel, mặc dầu là người bảo trợ nhà tu, cũng cấm học sinh không được gần lớp quyền quí và bắt học sinh phải giữ qui củ chặt chẽ. Điều dặn sau cũng thừa: vì từ trưởng giáo đến các thầy dòng đều rất sẵn tay roi vọt đối với học trò. Thỉnh thoảng các vị này bắt học sinh phạt roi trưởng tràng, đánh đau đến mấy tuần liền chưa khỏi. Nhiều anh cứng cổ coi trò phạt roi cũng bằng như uống cốc rượu mạnh. Trái lại nhiều chàng thì chua xót cảnh hình phạt nên nếu biết đường là bỏ chạy về chiến khu, chẳng chịu để cho người ta bắt được.

    Ostap dù chăm chỉ học hành cũng không thoát khỏi những trận đòn tàn nhẫn. Vì vậy mà chàng thêm cứng rắn, luyện nên tính kiên cường chẳng hổ danh con người Cossack. Chàng nổi tiếng là quý bạn bè. Tuy ít khi xướng xuất những việc ngỗ nghịch như hái rau, trẩy quả, nhưng có việc mà chàng theo người khởi xướng thì chưa hề phản lại anh em... Dầu bị roi vọt phũ phàng, chẳng chịu thay lòng đổi dạ. Chàng chỉ nghĩ đến giao chiến, đến say sưa và thờ ơ với các thú chơi khác. Trọn nghĩa với kẻ bằng vai, nhưng với tính nết đó thì chàng chỉ nhân đức được theo nghĩa đương thời mà thôi; cho nên chàng cũng mủi lòng khi thấy mẹ hiền rơi nước mắt và đó là điều duy nhất làm cho chàng cúi mặt bâng khuâng. Thằng em, Andrii, thì hoạt bát và giàu tình cảm. Chàng có học nhưng không phải khắc khổ dùi mài như người chậm chạp. Tinh khôn hơn anh, chàng thường cầm đầu những vụ táo bạo, nhưng chàng giàu mánh lới nên ít khi bị phạt. Ostap thì mỗi lần có lỗi đành cắn răng cởi áo, nằm xuống chờ roi, không biết cầu khẩn xin tha.

    Andrii cũng khao khát lập sự nghiệp anh hùng, nhưng lòng còn có nhiều say mê khác. Từ năm mười tám, chàng đã sớm khao khát yêu đương. Hình ảnh người con gái đẹp làm chàng nặng nỗi bâng khuâng. Trong lúc luận bàn kinh sử, chàng mơ màng xây đắp mộng yêu đương: người đẹp có cặp mắt đen nhánh, bộ ngực nở nang, cánh tay ngà ngọc, với cặp áo lồng chặt thân hình đào tơ liễu yếu, khiến cho chàng như ngây như ngất. Chàng giấu bạn bè tất cả những nỗi niềm của một tâm hồn trẻ trung say đắm. Vì thuở ấy, nếu ai chưa lập công trên bãi chiến trường mà đã nặng đường tình ái tức là làm ô danh kẻ trượng phu Cossack. Trong những năm học sau, chàng ít cầm đầu những vụ táo bạo, thường thích lang thang các phố hẻo lánh trong thành Kiev , những phố có nhiều nếp nhà xinh xắn ẩn núp dưới khóm anh đào đầy hoa, làm cho chàng trầm trồ giờ lâu. Có lần chàng vào hẳn khu quý phái nhất thành phố - bây giờ là thành Kiev cũ,- nơi ở của bọn quý tộc Ba Lan và Ukraina, nhà cửa thường xây theo một kiểu kiến trúc cầu kỳ. Một hôm chàng đi qua đó và đang lúc mơ màng thì suýt bị xe của một đức ông Ba Lan đè chết. Tên phu xe với bộ ria mép dữ tợn, quất gọn một roi vào Andrii. Chàng thanh niên nổi giận, điên tiết lên, nắm chặt lấy bánh sau chiếc xe và níu chặt lại. Tên phu xe sợ xô xát bèn ra roi quất mạnh. Mấy con ngựa bứt chạy vụt lên. May mà Andrii vừa rút tay ra khỏi, nhưng lại vấp ngã sấp mặt xuống bùn. Trên đầu có tiếng cười vang giòn. Chàng ngẩng lên và trông thấy một cô gái đẹp tuyệt trần trong cửa sổ một ngôi nhà. Nàng có đôi mắt đen lánh, màu da rạng rỡ như tuyết trắng dưới những tia nắng đầu tiên của ánh dương buổi sáng. Nàng cười ngặt nghẽo, tiếng cười tăng thêm vẻ nghiêng nước nghiêng thành. Andrii ngẩn người, choáng váng, nhìn ngây ngất cô tiểu thư; rồi bất giác chàng giơ tay chùi bùn trên mặt, nhưng lại càng làm cho mặt lọ lem thêm. Người đó là ai mà mỹ lệ đến thế kia? Chàng hỏi thăm những gia đình nai nịt sang trọng đang đứng trước cửa vây quanh một chàng trẻ tuổi gảy đàn. Họ cười cái mặt lọ lem của chàng và không thèm trả lời. Mãi sau chàng mới biết được tiểu thư ấy là con viên tổng trấn thành Koven, vừa dừng chân ở Kiev. Đêm hôm sau, liều lĩnh như bọn học trò ma quỉ, chàng nhảy hàng rào luồn vào trong vườn, trèo lên một cây cao có cành vắt ngang trên nóc. Qua mái nhà, chàng leo lên ống khói và chui tuột vào trong phòng ngủ của tiểu thư. Nàng còn ngồi bên cạnh cây đèn nến, đang tháo đôi hoa tai quý giá. Trông thấy người lạ đột nhiên hiện ra trước mắt, nàng sợ quá đến nỗi không kêu lên được một tiếng. Nhưng khi nhận ra người thanh niên bẽn lẽn, đứng cúi mặt xuống, không dám cử động, khi nhận ra chàng chính là người học trò buổi chiều hôm trước đã ngã sấp xuống bùn ngoài đường phố thì nàng lại không nhịn cười được. Thêm nữa, hình dáng Andrii không có chi là ghê sợ, trái lại bộ mặt chàng lại rất dễ thương. Nàng cười rất lâu, và lại còn cợt nhạo chàng nữa. Người đẹp có vẻ xốc nổi như gái Ba Lan, nhưng đôi mắt tuyệt đẹp lại ngắm nhìn sâu thăm thẳm; cậu học trò không dám cựa và hầu như không dám thở nữa. Vị thiên kim con quan tổng trấn mạnh dạn tiến lại gần, chụp lên đầu Andrii chiếc mũ nạm ngọc, đặt đôi hoa tai vào môi và sẽ đặt lên vai chàng một chiếc khăn quàng cổ bằng tơ trong suốt, có viền thêu vàng...

    Nàng đùa cợt tinh nghịch như con nít, theo tính nết phụ nữ xứ mình, làm cho cậu học trò bối rối trăm phần. Bộ mặt chàng lúc đó thật buồn cười, miệng há hốc, trâng trâng nhìn đôi mắt sáng ngời. Bỗng tiếng gõ cửa khiến nàng giật mình. Nàng ra lệnh cho chàng nấp ngay xuống gầm giường. Rồi khi nỗi lo đã qua, nàng gọi đứa thị tỳ - là một tù nhân Tatar, - bảo nó đưa chàng đi thoát khu vườn cho thật cẩn thận và chỉ chỗ cho chàng vượt qua rào để thoát ra ngoài. Lần ra này anh học trò không được may mắn như lần vào vì bị tên lính gác thức dậy trông thấy, hô hoán ầm lên; bọn tôi tớ của viên tổng trấn tiễn chân chàng bằng gậy gộc làm cho chàng phải chạy một mẻ nên thân. Sau cuộc phiêu lưu này, Andrii thấy đi qua nhà viên tổng trấn thật là nguy hiểm vì gia đình đông lắm. Andrii còn gặp tiểu thư một lần nữa ở nhà thờ. Nàng nhận ra chàng và vui vẻ cười hóm hỉnh như gặp người bạn cũ. Chàng còn thoáng trông thấy nàng một lần thứ hai. Ít lâu sau, viên tổng trấn Koven rời khỏi thành phố. Rồi trong khung cửa trước kia có cô gái Ba Lan với đôi mắt đen nhánh, bây giờ hiện ra mặt nạc của một người xa lạ.

    Chàng cúi mặt bâng khuâng, nhìn bờm ngựa mà nặng vẻ nhớ nhung người xưa cảnh cũ.

    Ngọn cỏ xanh cao vút của thảo nguyên dường như nuốt chửng đoàn chiến sĩ. Thấp thoáng chỉ còn thấy ẩn hiện chiếc mũ đen Cossack.

    Bỗng, như sực tỉnh, Bulba gọi lớn:

    - “Kìa! Có chuyện gì thế hỡi các con? Sao lại im bặt như thầy tu tĩnh tọa. Vui lên nào! Dẹp hết nỗi niềm u uất! Hãy châm lửa mồi điếu thuốc rồi ra roi thúc ngựa phi nước đại, nhanh hơn cánh chim trên thảo nguyên!”.

    Ba người Cossack cúi rạp mình trên lưng ngựa, phi vào trong cỏ rậm. Rồi thì cả đoàn mũ đen của họ cũng khuất nốt. Chỉ còn vết cỏ rẽ tỏ hướng đi vội vàng của họ. Trời hửng sáng. Mặt trời ló ra, tràn ngập ánh nắng ấm áp xuống thảo nguyên. Thê là nỗi buồn rầu man mác vừa ám ảnh họ như có phép mầu phá tan: họ thấy lòng lâng lâng nhẹ.

    Càng tiến sâu vào trong thảo nguyên, họ càng thảy thảo nguyên đẹp. Thuở ấy, tất cả miền Nam nước Ukraina, chạy dài đến tận Hắc Hải mà ngày nay chúng ta thường gọi là nước Nga mới, là một vùng hoang vu và xanh ngắt không có bóng người. Lưỡi cày chưa hề xới qua những khoảng cỏ cày gợn sóng rộng mênh mông đó. Chỉ có giống ngựa rừng là có in vết chân và vẫn núp trong những nơi không ai vào nổi. Cảnh thiên nhiên ở đây thật là đẹp nhất trần gian. Mặt đất tựa như một cái biển xanh lục vàng ánh điểm thêm hàng ngàn màu sắc lộng lẫy. Xen lẫn giữa đám cỏ thân cao và nhỏ, mọc lên cây mua có đủ màu, từ xanh thanh thiên đến tím nhạt. Trái cây kim tước chín vàng; nụ hoa chả ba trắng hình tán, nở rải rác trên nội cỏ. Lại có cả bông lúa mì chín đỏ - nào ai biết từ đâu rơi xuống, - đứng lẻ loi một mình. Dưới bóng cỏ mỏng manh có đàn đa đa chui nấp. Muôn ngàn tiếng chim rộn rã bầu trời. Diều hâu lượn lững lờ, mắt hau háu khát khao tìm mồi trong đám cỏ. Tiếng kêu như xé của một đàn ngỗng trời vang lên đâu đó, trên một hồ nước xa xa, nằm lạc giữa lòng thảo nguyên. Chim âu chập chờn lên xuống, như say sưa tắm gội trong vòm trời xanh ngắt: khi thì lên vút như một chấm đen, khi thì hiện ra chói lọi một màu trắng muốt dưới ánh mặt trời. Chao ôi! Thảo nguyên lạ kỳ! Sao người vô cùng mỹ lệ làm vậy!

    Đoàn kỵ sĩ chỉ dừng lại để ăn cơm. Bọn tùy tùng chừng mười người Cossack, đều xuống ngựa. Họ mở hũ rượu, và lấy bầu thay chén. Họ chỉ ăn bánh mì vói mỡ hay lương khô, và mỗi người chỉ uống một bầu rượu để lấy sức, vì Taras Bulba không cho phép ai được say rượu dọc đường. Xong, đoàn người ngựa lại đi cho đến tối sẩm. Buổi tối, thảo nguyên thay đổi hẳn quang cảnh. Cả cái khoảng rộng mông mênh muôn màu muôn vẻ ấy, đỏ rực trên dưới ánh sáng của những tia nắng cuối cùng. Dần dần, bóng tối chạy dài trên thảo nguyên, và trùm lên một màu xanh thẫm. Rồi thì sương đêm phủ dày hơn. Từng bóng hoa, từng cây cỏ đều bốc hương thơm, ngào ngạt bầu không khí thảo nguyên. Trên nền trời xanh thẳm có những vệt dài đỏ hồng và vàng ánh, tưởng như có ngọn bút khổng lồ của họa sĩ đã điểm lên. Đây đó bồng bềnh những mảnh mây trong nhe, một trận gió heo mát nhẹ vờn ngọn cỏ, vuốt ve da mặt của khách qua đường. Chuột thảo nguyên lông khoang lốm đốm chạy ra ngoài hang, đứng thẳng hai chân và rít lên chí chóe. Tiếng dế kêu càng rền. Có lúc, từ một cái hồ xa xôi nào, vọng lại tiếng kêu của một con thiên nga, nghe sang sảng như tiếng bạc. Muốn ngủ đêm trong thảo nguyên, đoàn người chọn một chỗ tốt để trú quân. Họ nhen lửa, bắc nồi nấu cháo kulic (1).

    Mùi thơm bốc lên bay theo làn gió nhẹ. Cơm chiều xong, họ nằm lăn ra đất, lấy áo tơi đắp mình, đàn ngựa buộc dây tha hồ nhai cỏ. Tinh tú trên trời ngắm nhìn họ ngủ. Muôn nghìn thứ tiếng, vang lên từ đám cỏ dày nhung nhúc sinh vật. Những tiếng ấy càng thánh thót trong đêm khuya càng ru ngủ đoàn du khách. Nửa đêm khuya khoắt, nếu có người thức dậy, thì sẽ thấy thảo nguyên rực lên ánh sáng của muôn vàn đom đóm. Có lúc, một đám cháy bùng lên, sáng ửng chân trời. Đó là những ngọn lác khô trong bụi bờ xa xăm nào đó, hoặc một đống cỏ, đã bốc lửa. Có đàn thiên nga bay về phương bắc, bị ánh lửa hồng rọi vào, người ta tưởng chừng trông thấy những miếng vải đỏ bay lả tả trong nền trời xanh thẳm.

    Đoàn người lại lên đường bình an vô sự. Không có bóng cây, chỉ là khoảng không hùng vĩ của thảo nguyên man rợ! Thỉnh thoảng hiện lên nét xa xăm của khoảng rừng xanh chạy dọc bờ sông Dnepr, Có lần Bulba trỏ một chấm đen nhỏ đang di động trên đám cỏ cao ngất mà nói với hai con: “Chúng mày xem kìa! Có thằng Tatar đang phi ngựa đàng kia!” Họ trông thấy một cái đầu nhỏ, râu đen, đôi mắt xếch ngược, quay lại nhìn họ, mũi đánh hơi như chó săn. Khi nhận ra là đoàn Cossack đi đông thì nó lẩn nhanh như con hươu.

    - Này các con! Thử bắt thằng Tatar xem nào...! Mà thôi, đừng thử sức làm gì, bay chẳng đuổi kịp nó đâu, ngựa nó còn nhanh hon con “tuấn mã” của bố nữa kia! - Tuy vậy Bulba nghĩ cũng nên cẩn thận đề phòng, vì sợ có mai phục. Họ phi nhanh đến một dòng sông nhỏ, là nhánh của Dnepr, gọi là sông Tatarka, rồi nhảy ùm cả người lẫn ngựa xuống nước, bơi đi một quãng dài để làm mất dấu; sang được bờ bên kia, họ lại ung dung rong ruổi.

    Ba ngày, sau khi gặp chuyện đó, họ đã gần tới nơi. Không khí mát lạnh báo hiệu sắp tới con sông. Rồi sông Dnepr hiện ra lấp lánh xa xa, một đường vạch đậm nét nổi bật khỏi chân trời. Con sông dần xích lại. Từng đợt sóng bốc hơi lạnh lên mát rượi. Sau cùng, bức tranh tạo hóa bày ra mà sông choán hết nửa phần. Đến đây, nước không còn bị giam hãm trong thành đá, ào ạt đổ về xuôi như biển cả ầm ấm. Mấy hòn đảo chia dòng nước thành đôi, dồn sóng tràn bờ. Đoàn người Cossack xuống ngựa và leo lên một chiếc phà. Họ đi ba giờ thì đến đảo Khortitz, hiện có doanh trại lưu động của quân Zaporozhe đóng.

    Trên bờ, một đám đông đương cãi lộn với người lái đò. Đoàn Cossack sửa lại yên cương. Bulba nai nịt oai phong lẫm liệt, hiên ngang vuốt râu. Hai con trai của lão tướng cũng tự ngắm toàn thân, nửa mừng nửa lo. Đoàn người lên ngựa tiến vào ngoại ô chiến khu. Vừa vào, họ đã điếc tai long óc vì tiếng năm mươi cái búa dội rền trên hai mươi lăm chiếc đe, lại ngần ấy lò rèn đào dưới đất, phủ cỏ lên trên.

    Những người thợ thuộc da lực lưỡng ngồi dưới mái hiên, đang bào những tấm da bò. Lái buôn trưng bày dưới mái lều từng đống đá lửa, hạt nổ, thuốc súng. Một người Armenia (2) trải ra bán mớ khăn tay rất đẹp, một người Tatar quay xâu thịt cừu nướng; một người Do Thái đương vươn cổ chiết rượu thùng sang chai. Còn người đồng hương (3) đầu tiên mà họ gặp thì đang ngủ lăn ra giữa đường tay chân dang thẳng. Taras Bulba dừng ngựa lại và không ngớt lời khen ngợi: “Thật đáng trang dũng sĩ! Điệu nằm ngang thật!” Thật vậy, đúng là một bức tranh đáng ngắm. Người đó nằm như sư tử, mớ tóc dài quá gang tay xòa trên đất, chiếc quần dạ đỏ rất quí, dính đầy nhựa đen. Thuở ấy người ta vẫn hay cố tình bôi nhọ quần áo để tỏ ý coi rẻ phù hoa. Trầm trồ người hảo hán xong, Bulba cùng tùy tùng tiến vào một con đường hẹp, đầy rẫy những phường thợ đang làm ngay giữa đường; còn bọn buôn lậu đủ các dân tộc thì nhung nhúc ở ngoại ô. Ngoại ô này nghiễm nhiên là chợ phiên cung cấp các thứ đồ ăn, thức mặc cho cả chiến khu mà toàn dân chỉ có biết vui say và chinh chiến. Đi một lúc lâu họ mới ra khỏi ngoại ô, đến ngay giữa những “kuren” lợp gianh hay lợp da theo kiểu Tatar. Một số “kuren” có súng đại bác bảo vệ. Ở đây không còn có hàng rào, không còn có những túp nhà lụp xụp có mái hiên cột chống như ở ngoại ô nữa. Tuy có lũy thành nhưng không có lính canh duy chỉ có một đống gỗ súc chất lên để ngăn phía ngoài; điều đó chứng tỏ ở đây, người ta không phải đề phòng gì. Vài người Zaporozhe lực lưỡng nằm giữa đường, miệng ngậm tẩu thuốc, thản nhiên nhìn họ đi qua mà chẳng buồn tránh bước. Bulba củng hai con cẩn thận tiến vào giữa đám người này.

    Lão nói: “Chào quí vị!”

    Bọn Cossack đáp lại: “Vâng xin chào các ngài!”

    Trên cánh đồng cỏ rộng, người Zaporozhe ở thành từng nhóm nhỏ ăn vận sặc sỡ như tranh. Khuôn mặt họ sạm đen, đeo nặng dấu vết chiến tranh và gian khổ. A ra chiến khu là đây! Đây là cái tổ ấm đã đẻ ra bao nhiêu hiệp sĩ hùng dũng như sư tử! Tinh thần tự do và truyền thống Cossack cũng từ chỗ này mà lan tràn khắp đất Ukraina!

    Đoàn người tiến vào giữa một bãi rộng thường là chỗ họp của hội đồng quân sự. Một người Cossack ở trần, ngồi trên chiếc thùng đang cặm cụi vá áo lót. Xa hơn nữa, một toán chơi nhạc chắn ngang đường, giữa có một chàng Cossack đang nhảy múa. Mũ hất xuống gáy, hai tay giơ cao, anh ta vừa nhảy vừa luôn mồm gào to: “Mau lên! Mau lên nữa! Anh em phường nhạc! Còn em, Thoma! Giữ rượu làm gì, hãy rót mời anh em uống hả hê!” Thoma một mắt sưng húp, luôn tay rót rượu đầy chén, tha hồ cho hết thảy mọi người nhập bọn. Bên cạnh chàng thanh niên có bốn người Cossack già, trước còn nhảy khoan, sau chồm sang bên, đẩy bắn phường nhạc ra, rồi đột nhiên họ thụp xuống nhảy một điệu Cossack. Gót dày bít bạc gõ vang trên bãi. Đất động thình thình và gió xa đưa âm vang tiếng giày. Một người trong bọn nhảy khỏe hơn, kêu to hơn. Mái tóc hắn phất phơ theo gió, ngực rộng phanh trần, nhưng vẫn khoác áo da cừu trên lưng, mồ hôi nhễ nhại.

    Bulba nói với hắn: “Bỏ áo ngoài ra!”

    - Không được! - Người kia trả lời.

    - Tại sao vậy?

    - Không được! Vì hễ tôi mà cởi vật gì là đem gửi chủ quán ráo!

    Chàng ta mất cả mũ, cả dây lưng, cả khăn quàng thêu: gửi ráo vào quán rượu rồi. Đám đông càng thêm người: bọn nhảy múa càng nhiều. Nhác nhìn thấy cảnh tượng càng thêm náo nức. Để ghi nhớ những người hùng mạnh đã sáng tạo ra: lối nhảy ấy được mệnh danh là điệu Cossack.

    Bulba nói:

    - Trời! Giá tao không vướng con ngựa, có dễ cũng nhảy với họ rồi!

    Lúc đó mới gặp những vị Cossack già, mái tóc hoa râm. Cả chiến khu tôn trọng các vị vì những chiến công ngày trước. Các vị đã nhiều lần làm thủ lĩnh chiến khu. Một lát sau, Bulba gặp lại nhiều bạn đồng ngũ thuở xưa.

    Ostap và Andrii chỉ nghe những tiếng gọi nhau:

    - A! Bố đấy à? Petcheritsa? - Chào anh Kozolup!

    - Kìa! Bác Taras! Gió phương nào đưa bác tới đây?

    - Ồ bác, sao bác lại ở đây, bác Doloto?

    - Chào bác Kirdyaga, chào bác Gustui! Ồ bác Remen, ngờ đâu lại còn gặp bác!

    Các trang lão chiến sĩ, từ mọi nơi trong nước Nga rộng lớn kéo về, thân ái ôm chầm lấy nhau, hỏi thăm nhau tin tức bạn cũ.

    - Kasyan thế nào nhỉ? Borodavka, Koloper và Pidsuitok nữa, thế nào nhỉ? - Chỗ này chỗ nọ vồn vã trả lời. Bulba hay tin Borodavka đã bị xử giảo ở Tolopan, Koloper thì bị lột da dưới chân thành Kizikirmen. Còn Pidsuitok thì thủ cấp bị ngâm muối, bỏ vào thùng đem sang tận Constantinople (4).

    Lão tướng Bulba, thảm thiết cúi đầu, nhắc đi nhắc lại:

    “Thật đáng là những trang dũng sĩ Cossack!”




    ---------------------------------------------------------------------------
    (1) Kulic: một thứ cháo nấu bằng bột mì với mỡ.

    (2) Armenia: là một nước cộng hòa trong Liên Xô cũ, ở gần nước Thổ Nhĩ Kỳ và nước Iran (3 triệu dân).(N.D.)

    (3) Đây chỉ người Zaporozhe.

    (4) Constantinople: một thành phố lớn trên eo bể Constantinople (từ Hắc Hải ra Địa Trung Hải) thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. (N.D)

     
    Chỉnh sửa cuối: 30/1/24
    tducchau thích bài này.
  4. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    CHƯƠNG III


    Bulba cùng với hai con vào ở chiến khu đã gần một tuần. Ostap và Andrii rất ít quan tâm đến việc thao luyện quân sự. Ở đây, người ta không thích lý thuyết, không muốn bận tâm vào việc tập tành, mất thì giờ: thanh niên phải học tập rèn luyện ngay trong ngọn lửa chiến đấu và chính vì thế mà họ thường đi giáp chiến luôn. Đối với người Cossack, phải dùng thời giờ trong những lúc không đánh nhau để tập quân sự là một điều chán ngắt. Tuy vậy họ vẫn tập bắn, thỉnh thoảng tổ chức phi ngựa và đi săn trong thảo nguyên. Còn rỗi thì chè chén tiệc tùng. Tính phóng khoáng và sôi nổi của họ như thế đấy. Cuộc đời ở chiến khu là một ngày hội liên miên, một cuộc khiêu vũ ầm ỹ và miên man vô tận. Đố kiếm được một người Cossack làm thợ, mở quán hay buôn bán. Thường họ chỉ say khướt từ sáng đến chiều. Còn một đồng leng keng dính túi, chưa chui hết vào tiệm rượu, thì vẫn còn chè chén say sưa. Tục lệ rượu chè tiệc tùng ấy hình như nó quyến rũ vô cùng. Đây không phải là lối uống tiêu sầu của bọn lưu linh đi tìm lãng quên trong chén rượu, mà chính là biểu hiện của nỗi hoan lạc chan chứa và lôi cuốn nhất. Ai đến đây đều quên lửng mọi nỗi lo phiền. Họ đoạn tuyệt với quá khứ và kết bạn với những con người vui vẻ, cũng tứ cố vô thân, nhưng sống tự do và suốt đời say sưa vui vẻ như họ. Hết thảy đã tạo nên một nỗi vui mừng điên cuồng không có hoàn cảnh nào khác tạo ra được. Những chuyện cũ, những đối thoại, cùng nhau giữa người Cossack thường rất hài hước, đầy ý nhị. Giá tính tình không điềm đạm như người Zaporozhe thì ai nghe cũng phải cười rộ. Ngày nay người ta còn phân biệt người Ukraina với bà con Slav khác của họ ở tính tình điềm đạm ấy.

    Niềm vui ấy bồng bột, nhưng không phải cái vui ở quán rượu trong đó người ta lãng quên mình vào cuộc truy hoan âm thầm trụy lạc. Niềm vui ấy gần giống như cái vui của một bọn học trò cùng trường. Điều khác nhau là ở chỗ: không phải ngồi lắng nghe những lời giảng bài buồn tẻ của thầy giáo, ở đây người ta lao vào những trận xung phong, từng đoàn năm ngàn kỵ binh một; để thay cho cái sân hẹp chỉ vừa đủ chơi bóng, họ có trước mắt cả một thảo nguyên mênh mông vô tận, bờ cõi canh phòng sơ sài. Bên kia biên giới, một cái đầu Tatar giảo quyệt khi ẩn khi hiện đang rình mò, hoặc cặp mắt sắc lẻm dưới nếp khăn màu lục của một gã Thổ Nhĩ Kỳ, đang theo dõi họ. Điều khác nhau nữa là ở chỗ: không phải người khác tụ tập họ đến đây, mà chính họ đã tự nguyện bỏ cha mẹ, rời quê hương, dứt áo ra đi. Ở đây có những người suýt bị bọn độc ác treo cổ, đột nhiên thoát cái chết vô danh và sống trở lại, chà! Một cuộc sống huy hoàng biết mấy! Lại có những người suốt đời không bao giờ giữ được đồng xu nhỏ. Có người coi đồng mười rúp như cả một gia tài nhưng vì gặp bọn Do Thái quyến rũ mà thường không còn một trinh dính túi. Cũng có nhiều học sinh trường dòng không chịu nổi roi vọt, học không nhớ một chữ, cũng đến đây. Nhưng cũng có những học sinh đã từng làu thông thánh hiền kinh sử và biết cả nước Cộng hòa La Mã là gì. Người ta lại gặp ở đây những dũng sĩ Cossack sau này lập chiến công trong quân đội vua chúa Ba Lan; đó là những hiệp sĩ anh hùng sống trong khói lửa mà lẽ sống ở đời chả phải ai trọng thì đến làm tôi mà mục đích là ở chỗ được dọc ngang chinh chiến, (một hiệp sĩ có bao giờ chịu xa rời trận mạc). Cũng có khá đông những người vào chiến khu chỉ cốt để lấy tiếng, được mang danh ta đây là chiến sĩ.

    Vậy thì ai vắng mặt ở đây?

    Hình như cái nước cộng hoa lạ lùng ấy là một nhu cầu của thời đại. Những người ham mê chinh chiến và chiến lợi phẩm (lọ quí, đồ thêu, vàng thoi, bạc nén) không bao giờ sợ thiếu việc. Chỉ những kẻ say mê sắc đẹp là không có hy vọng gì ở đây vì không có khách má hồng nào được lọt vào lòng chiến khu, ngay cả ở ngoại ô nữa.

    Ostap và Andrii rất ngạc nhiên thấy tại sao có lắm người vào chiến khu mà không hề bị hỏi là ai, từ đâu đến, tên họ là gì? Họ đến đó như trở về nhà sau một thời gian vắng mặt. Người mới đến, tới trình diện trước viên thủ lĩnh Koschevoi (1). Viên này thường tiếp khách mới bằng mấy câu như sau:

    - Chào anh! Anh có tin chúa Jesus không?

    - Có, tôi tin. - Khách mới trả lời.

    - Có tin Chúa Ba Ngôi không?

    - Có, tôi tin.

    - Anh có đi nhà thờ không?

    - Có.

    - Thế thì làm dấu đi!

    Khách làm dấu.

    - Thôi, được! Anh ưng đơn vị nào thì vào đơn vị đó.

    Thế là xong nghi thức.

    Cả chiến khu chỉ có một nhà thờ. Cả xứ sẵn lòng bảo vệ nhà thờ đó đến giọt máu cuối cùng, nhưng nhịn đói và chịu khổ hạnh thì chẳng ai ưng.

    Vì lòng tham vơ vét nên ở đây chỉ có người Do Thái (2), người Armenia - và cả người Tatar nữa, - chúng liều đến đây sinh sống và buôn bán ở ngoại ô chiến khu. Người Cossack vốn hào phóng, coi tiền như rác, hễ mua gì thì quen thói bốc trời, một tay vốc được bao nhiêu là họ trao cả cho lái buôn. Tuy vậy, số phận những con buôn tham lam cũng bấp bênh lắm. Chẳng khác nào chúng xây nhà bên núi lửa, vì khi hảo hán Cossack mà thiếu tiền thì họ chẳng kiêng gì chuyện sinh sự phá tan cửa hàng của chúng và thủ luôn cả đồ đạc hàng hóa.

    Chiến khu gồm độ sáu mươi đơn vị hầu như những nước cộng hòa độc lập; hay đúng hơn, giống như những nhà trường ở đấy người ta lo liệu đủ cho học sinh. Không ai để ý bon chen và không hề giữ riêng vật gì. Viên chỉ huy đã lo hết, vì lẽ đó người Cossack gọi vị này là “bố”. Chính ông giữ tiền bạc, lo quần áo, cơm gạo và cả củi lửa nữa. Người Cossack giao phó của cải cho ông. Thỉnh thoảng giữa hai đơn vị xảy ra xích mích, chúng liền kéo đi đánh nhau, hai bên đứng dàn đầy bãi rộng: thế rồi quả đấm rào rào như mưa, mãi cho đến lúc phân cao thấp. Đánh đấm xong, mọi người lại kéo nhau đánh chén. Chiến khu như thế đấy; đối với tuổi thanh niên, nó có sức hấp dẫn lôi cuốn biết bao!

    Ostap và Andrii đem hết bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lao mình vào cuộc sống quay cuồng đó và quên hết quê mẹ, nhà tu, quên hết tất cả những gì bấy lâu xâm chiếm tâm hồn họ. Rồi họ bắt đầu cuộc đời mới. Điều gì cũng làm cho họ ham thích: cuộc sống vui nhộn của chiến khu, phép tắc đơn giản của chính quyền và cả pháp luật ở đây nữa. Người Cossack ăn trộm, dầu chỉ ăn trộm một đồ chơi cỏn con, cũng xem như một vết nhơ cho toàn thể. Người ta trói anh chàng vào một cái cột, đặt bên cạnh một cái dùi rồi bất cứ ai đi qua cũng phải đánh một cái, kỳ cho đến chết. Ai mắc nợ đến hạn mà không trả thì sẽ bị trói vào một khẩu đại bác, kỳ cho đến lúc có người bạn thương tình trả nợ dùm thì mới được tha. Nhưng điều đập mạnh vào tâm trí Andrii hơn cả là hình phạt ghê rợn xử kẻ sát nhân, mà chàng đã tự mắt được trông thấy. Người ta đào một cái huyệt ngay trước mặt kẻ giết người, rồi cứ để còn sống mà xô xuống, đoạn đặt lên mình nó cỗ quan tài đựng xác người thiệt mạng, xong rồi thì lấp đất lên! Andrii nhớ mãi cái hình ảnh khủng khiếp của kẻ sát nhân bị chôn sống nằm dưới cỗ quan tài ghê sợ.

    Chẳng bao lâu, hai chàng thanh niên đã lừng danh trong đám Cossack. Thường thường hai anh em cùng đi với các bạn đồng đội, có khi đi với toàn đội hoặc với vài đội láng giềng để săn bắn các thứ chim, nai, hoẵng, sẵn có rất nhiều trong thảo nguyên. Hoặc họ đi thả lưới đánh cá trong các sông hồ đã dành cho từng đội một. Cá đánh được, toàn đội sẽ hưởng chung. Tuy việc ấy không có gì đặc biệt khó khăn để thử thách hai thanh niên Cossack, nhưng gan dạ và lanh lẹn, hai chàng thường tỏ ra trội trong các cuộc chơi. So với các bạn thanh niên khác, chẳng những là tay thiện xạ, họ lại còn bơi ngược dòng sông Dnepr nữa. Thành tích ấy đã làm cho hai tân binh này được kết nạp long trọng vào hàng ngũ những chiến sĩ Cossack thiện chiến.

    Ý Bulba thì khác hẳn. Lão tướng muốn cho hai con lăn mình làm việc khác. Lão chẳng ưa cuộc đời nhàn tản này, mà phải làm một việc khác thực sự quan trọng hơn. Lão mưu tính nhiều việc, tìm cách lôi cuốn người Zaporozhe đi tới một kê hoạch táo bạo nào đó để rèn luyện các con cho ra trò, cho xứng danh con nhà võ tướng. Bữa đó, lòng xiết bao nôn nóng, lão tướng tìm đến gặp viên thủ lĩnh và nói hắn rằng:

    - Này! Thủ lĩnh ơi! Có lẽ nên để cho bọn Zaporozhe chúng ta đi tiêu khiển tí chút chứ!

    - Không thể đi đâu được! - Viên thủ lĩnh đáp, vừa nói, lão vừa rút cái tẩu ở miệng, nhổ toẹt sang bên cạnh.

    - Sao, hết đường rồi à? Muốn quật bọn Thổ, bọn Tatar thì lúc nào chẳng được?

    - Không, Thổ không đánh, mà Tatar cũng thôi! - Viên thủ lĩnh vừa nói vừa ung dung đưa tẩu thuốc lên môi.

    - Vì sao vậy?

    - Vì sao à? Vì chúng ta đã thề giữ hòa hảo với quốc vương nước Thổ (3).

    - Nó là đứa vô đạo. Chúa và kinh thánh đã dạy ta phải diệt bọn vô đạo cơ mà!

    - Không được! Nếu không có thề bồi hứa hẹn gì thì còn có thể, nhưng bây giờ thì chịu thôi, không thể thế được.

    - Sao? Không thể được à? Ông dám mở miệng nói là không thể được à? Tôi có hai con trai, chúng đều trẻ và khỏe, chúng chưa được xuất trận, ấy vậy mà ông nỡ nói là không thể được. Thế ra người Zaporozhe chúng ta không thể nam chinh bắc chiến nữa à?

    - Đúng thế!

    - Vậy là theo ý thú lĩnh, ta đành tiêu hao lực lượng ta trong cảnh nhàn cư à? Để cho người Cossack chết như con chó, không làm nên sự nghiệp thờ nước và thờ chúa à? Vậy thì chúng ta đến đây làm gì, chúng ta sống mà làm gì kia chứ? Ông là người tai mắt, ông hãy giảng cho tôi nghe: chúng ta sống để làm gì? Và bầu ông làm thủ lĩnh để chơi à?

    Viên thủ lĩnh không trả lời câu đó. Lão vốn là một Cossack cứng cổ. Trầm ngâm một lát, lão nói:

    - Dầu sao, vẫn không thể gây chiến được!

    - Không chiến tranh? - Bulba day lại.

    - Không!

    - Nghĩa là đừng nghĩ đến việc đấm đá gì nữa?

    - Đừng có nghĩ mà vô ích.

    Bulba nghĩ thầm: “Được rồi, bố già này, bố chưa biết tay ta!” Tức khắc, Bulba quyết định đối phó.

    Lão hội ý với vài người bạn, rồi sửa một tiệc rượu, mời mọi người đến dự. Sau đó, mấy anh Cossack hăng rượu đổ cả ra quảng trường của chiến khu, đi thẳng tới trước cái cột cờ, là nơi thường hội họp. Ở đấy có treo chiêng chỉ dùng để triệu tập họp toàn ban lúc cần thiết, người ta gọi là họp hội đồng. Không tìm thấy dùi chiêng vì có người giữ, họ cầm thanh củi đánh chiêng ầm lên.

    Người giữ chiêng, - một anh Cossack trợn mắt cao lớn, con mất độc long lim dim, - chạy tới trước tiên:

    - Ai cả gan đánh chiêng đó? - Hắn la lên.

    - Im mồm! Lấy dùi chiêng ra đây. Đánh đi!

    Mấy viên chỉ huy say rượu, trả lời như vậy.

    Người giữ chiêng bèn móc túi lấy dùi: hắn đã biết trước những chuyện như thế này sẽ kết thúc ra sao rồi. Chiêng kêu vang, người Zaporozhe đổ đến như ong đen nghịt cả quảng trường của chiến khu, sắp thành một vòng lớn. Đến hồi thứ ba thì các nhà chức trách ra: Viên thủ lĩnh tay cầm chiếc chùy là huy hiệu chức vị của mình, viên pháp quan cầm ấn tín của đoàn quân, viên lục sự cầm lọ mực và viên osaul cầm trượng. Đầu lĩnh cùng ba vị chức sắc đi theo ngả mũ, kính cẩn quay về bốn phương cúi chào. Đoàn Cossack đứng hiên ngang, tay chống nạnh.

    Thủ lĩnh hỏi: “Họp để làm gì? Các ông muốn điều chi?”

    Tiếng la ó, tiếng xỉ vả ngắt lời lão.

    - Bỏ chùy xuống đó, trả lại chúng tôi ngay lập tức, bố ơi! Chúng tôi không cần bố nữa.

    Những kẻ không say muốn can ngăn. Nhưng rồi thì kẻ tỉnh cũng như người say đều túm lại đánh nhau túi bụi. Tiếng kêu inh ỏi, cuộc ẩu đả lan khắp. Viên thủ lĩnh muốn phân trần đôi lời, nhưng lão vốn biết dân Cossack này mà hăng máu lên thì có thể bóp lão chết tươi, như mắt lão đã được thấy nhiều lần, trong những trường hợp như thế này, nên lão bèn khúm núm chào mọi người, đặt chùy xuống, lủi vào đám đông, đi mất.

    - Thưa anh em, chúng tôi có phải trả lại huy hiệu không?

    Ba viên pháp quan, lục sự và osaul vừa hỏi vừa đưa sẵn con dấu, lọ mực, trượng, để nộp lại.

    - Không! Mời các ông ở lại. - Mọi người la lớn. - Chúng tôi chỉ hận ông thủ lĩnh thôi. Lão đó chỉ là một mụ già. Anh em cần một người trượng phu đúng mực kia!

    Mấy người Cossack cựu trào hỏi: “Bây giờ cử ai lên thay?”

    - Chúng tôi cử Kukubenko, - một số đáp.

    - Không, không cử Kukubenko! - Bọn người khác nói.

    - Thằng ấy măng quá! Miệng nó còn hơi sữa!

    - Schilo đáng làm thủ lĩnh của chúng ta đấy!

    - Chúng tôi muôn suy tôn Schilo. - Nhiều tiếng khác la to lên.

    - Xếp đi! Xếp Schilo đi! - Bọn người khác la lớn, kèm theo nhiều câu chửi lại: - Cossack gì nó, đồ chó đẻ đã trộm cắp như thằng Tatar. Cho thằng sâu rượu ấy vào bao tải buông trôi sông!

    - Borodaty! Ta bầu Borodaty! - Một nhóm khác gào lên như vậy.

    - Đếch cần nó. Mẹ nó chửa hoang! Cóc cần!

    Bulba nói thầm vào tai một nhóm:

    - Đề cử Kirdyanga đi!

    Đám đông bèn rống lên:

    - Kirdyanga! Kirdyanga!

    - Borodaty! Borodaty!

    - Schilo!

    - Cút đi Schilo!

    - Kirdyanga!

    - Kirdyanga!

    Mỗi người được đề cử, nghe gọi đến tên, liền đứng ra ngoài hàng, để tỏ ra không dự phần cổ động cho cá nhân mình.

    - Kirdyanga! Kirdyanga! - Tiéng gào càng to.

    - Borodat!

    Cuối cùng người ta tranh luận bằng quả đấm.

    Rút cuộc, Kirdyanga thắng!

    Có tiếng la: - Đi tìm Kirdyanga.

    Khoảng mười người Cossack tách khỏi đám đông và tới thẳng nhà Kirdyanga để báo tin lão đắc cử. Có người đứng không vững nữa vì say mềm.

    Kirdyanga là một Cossack lão luyện, khôn ngoan, mưu mẹo.

    Lão đã rút lui về trong kuren mình, hầu như coi việc bên ngoài như gió thoảng.

    Khi thấy có toán Cossack đến nhà, lão hỏi:

    - Các ông cần việc gì?

    - Mời ông theo chúng tôi. Chúng tôi đã bầu ông làm thủ lĩnh.

    - Tôi van các ông. Tôi đâu có xứng đáng vinh dự ấy! Làm thủ lĩnh đâu có đến lượt tôi! Chức vị lớn đó, tôi đâu có làm nổi! Có dễ trong cả chiến khu không còn ai hơn tôi à?

    - Đi! Không một hai gì cả - Đoàn Zaporozhe gào to. Hai người túm lấy tay lão, vừa đi, vừa đấm vào lưng lão, vừa thúc giục ầm lên: “Bố già ơi đừng có mà lủi! Nhận lấy danh dự anh em đã dành cho!” Cứ thế mà lôi lão sềnh sệch đến hội nghị Cossack.

    Mấy người kéo lão tới, hỏi lớn:

    - Này các vị? Các vị có ưng bầu ông Cossack này làm thủ lĩnh không?

    Đám đông đáp: - Có! Tất cả đồng ý!

    Tiếng hoan hô kéo dài vang lừng trên khắp cánh đồng.

    Một trong những bô lão cũ cầm cái chùy lên và trao cho người mới được suy tôn. Theo phong tục cổ, Kirdyanga từ chối. Lão từ chối một lần thứ hai. Và chỉ đến lần thứ ba, lão mới bằng lòng nhận vinh dự ấy. Tiếng hoan hô lại nổi dậy từ trong đám đông và vang xa khắp đồng ruộng.

    Bốn người Cossack râu dài, hoa râm, từ trong đám đông bước ra. (Ở chiến khu làm gì có vị cao niên, vì ở đấy chẳng có ai được chết già). Họ nắm mỗi người một nắm bùn (vì có trận mưa đêm) rồi trát lên đầu viên thủ lĩnh mới. Bùn chảy dòng trên má, làm cho mặt lão Kirdyanga lọ lem. Lão đứng thản nhiên, cảm ơn mọi người về vinh dự đó.

    Cuộc bầu cử ồn ào thế là xong. Không biết kết quả có làm cho người khác vui sướng bằng lão tướng Bulba vui sướng không: chẳng những lão trả thù được viên thủ lĩnh cũ, mà còn bầu được người chiến hữu già, đã từng cùng lão vượt qua bao hiểm nghèo trong nhiều cuộc chiến chinh thủy lục. Mọi người giải tán để ăn mừng cuộc bầu cử. Đúng là một bữa tiệc, Ostap và Andrii chưa từng trông thấy. Các quán hàng bị phá nát, rượu mật, vodka, và rượu bia đổ lênh láng. Quân Cossack lấy hết, chẳng trả xu nào. Mấy người chủ quán vẫn còn mừng, cho là may phúc được thoát thân. Tiếng thét, tiếng hát ca ngợi chiến công oanh liệt kéo dài thâu đêm!

    Sáng trăng suông chiếu trên đoàn người đánh nhạc, tay gảy đàn bandura và balalaika (4). Trăng cũng chiếu rọi xuống những người hát thánh kinh ở nhà thờ, vì tại chiến khu người ta luyện những nguôi này để ca ngợi chiến công của người Zaporozhe cũng như để chúc tụng Chúa Trời.

    Canh tàn, dù người khỏe rượu đến đâu rồi cũng phải say mềm, mệt lử. Một chàng Cossack rơi bịch xuống đất, ngủ lăn như chết. Xa nữa, có người khác, tay đỡ bạn, chan chứa bày tỏ tâm tình với nhau, nước mắt đầm đìa, rồi thì cả hai cùng ngã xuống. Đây, đống người nằm dài thành từng toán, đó, một người đi kiếm mãi một nơi nghỉ cho vừa ý, đã lăn đùng trên một khúc gỗ. Người sau rốt, còn đứng được thì nói lảm nhảm, cuối cùng rượu ngấm đến nơi, hắn cũng lăn ra như bao người khác. Chẳng mấy chốc, cả chiến khu đã chìm đắm trong giấc ngủ miên man.





    ----------------------------------------------------------------------------
    (1) Koschevoi: tổng chỉ huy bầu hàng năm của người Cossack.


    (2) Do Thái: một dân tộc ở Trung Cận Đông, nhiều nhất là ở Israel; ngoài ra họ sống lưu lạc rải rác khắp thế giới, hầu hết nước nào cũng có. Do một thành kiến cổ truyền của bọn phong kiến và tư sản dựng lên, người Do Thái vẫn bị coi là giống người bần tiện, gian dối, bẩn thỉu. Ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, người Do Thái được đối đãi bình đẳng và được hưởng mọi quyền lợi như các dàn tộc khác. (N.D.)

    (3) Thổ: người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay ở nước Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước kia khoảng từ thế kỷ thứ 14 trở đi, họ đã từng xâm chiếm cả một vùng rộng lớn của ba châu: Âu, Á, Phi, lập thành một đế quốc hùng mạnh. Đến thế kỷ thứ 18, trước sức kháng cự mãnh liệt của người Nga, đế quốc Thổ mới bắt đầu thu hẹp lại. (N.D.)

    (4) Một thứ đàn giây, thường là hình tam giác.

     
    Chỉnh sửa cuối: 30/1/24
    tducchau and vinhhoa like this.
  5. sucsongmoi

    sucsongmoi Lớp 8

    Bản tiếng Anh của NXB nào vậy bạn ơi?
     
  6. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    Cũng là ebook mình lượm trên trang Gutenberg thôi bạn ơi. Gửi bạn ebook tiếng Anh trong file đính kèm.
     

    Các file đính kèm:

    sucsongmoi thích bài này.
  7. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    Ebook đã hoàn thành. Mời các bạn xem tại đây:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    amylee and tducchau like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này