Chính trị Tham vọng bá quyền - Noam Chomsky

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi tudonald78, 27/7/20.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. tudonald78

    tudonald78 Lớp 11

    Tham vọng bá quyền

    Tác giả: Noam Chomsky
    Dịch giả: Trịnh Lữ
    Bìa mềm: 232 trang
    Ngôn ngữ: Tiếng Việt
    Nhà xuất bản Tri thức - 12/2006
    Tủ sách Tri thức mới
    Số hóa: tudonald78

    [​IMG]
    LỜI NGƯỜI DỊCH

    Nếu được phép, tôi sẽ đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này là TRÍ THỨC PHẢI LÀM GÌ? Rồi thêm vào một tiểu đề với cỡ chữ nhỏ hơn: Để Xây Dựng và Bảo vệ Dân chủ. Và có lẽ tôi sẽ nài nhà xuất bản thêm một giòng nhỏ hơn tí nữa: Những bài học từ hiểm họa bá quyền hiện nay của Hoa Kỳ.

    Tôi tin rằng khi đọc hết cuốn sách này với tinh thần của một người ham học và nặng lòng với cả quá khứ lẫn tương lai của quê hương, bạn có thể sẽ đồng ý với tôi về cái đầu đề nói trên. Rồi chắc rằng, cũng như tôi, bạn sẽ vội vàng giới thiệu nó với mọi người; bởi lẽ cũng như tôi, bạn sẽ thấy rằng những gì bạn học được hoặc vỡ nhẽ ra từ những câu chuyện trong cuốn sách này thật quan trọng và cần thiết với tất cả chúng ta.

    Đây không phải là những bài luận thuyết hàn lâm về chính trị, mà là những câu chuyện sinh động đầy ắp thông tin và phân tích khúc triết của hai trí thức Mỹ nói với nhau về những vấn đề của chính nước Mỹ, có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề của thế giới, trong đó có Việt Nam. Không có gì hay và bổ ích bằng những hội thoại tức thời và không có dàn dựng gì như thế. Chúng giúp ta hiểu được chính sự Mỹ sâu sắc hơn rất nhiều những bài giảng thông thường. Có lẽ đây là phần tri thức rất cần cho chúng ta, đặc biệt là hiện nay, khi quan hệ Việt-Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới. Và khi đã hiểu thêm về người, ta cũng sẽ hiểu thêm về mình, những vấn đề của mình, những việc mình cần phải làm. Ấy là cái giá trị rất đặc biệt của cuốn sách này.

    Noam Chomsky là một nhà khoa học thực chứng nghiêm cẩn, nhưng cũng là một con người nhân văn lí tưởng không bao giờ chịu thỏa hiệp và đầu hàng với cái xấu, và nhiều xác tín của ông về tương lai có vẻ xuất phát từ giả định “nhân chi sơ tính bản thiện” – một giả định có lẽ đang bị tất cả chúng ta nghi vấn. Nhưng ông bắt chúng ta phải nhớ lại lòng trung thực và dũng cảm của mình, và quan trọng hơn, nhớ ra trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đặt câu hỏi. Trách nhiệm thực chứng mọi vấn đề. Trách nhiệm nói lên sự thật. Trách nhiệm phải vượt thoát và biết khinh bỉ căn bệnh vô cảm vốn là mảnh đất mầu mỡ nhất của cái xấu và tội ác.

    Cuốn sách này cũng khiến ta hiểu ra rằng muốn có dân chủ thực sự, nền giáo dục và cơ chế chính trị của một quốc gia phải có ý thức và mục đích đào luyện nên những trí thức và công dân có tư tưởng tự do và độc lập, có trách nhiệm, can đảm, và khả năng cải biến xã hội, chứ không phải chỉ để sản xuất ra một hàng ngũ “tay sai đắc lực” cho thế lực bá quyền thống trị hoặc một lực lượng lao động mù quáng chỉ có kĩ năng tinh xảo và mong muốn đáp ứng có hiệu quả nhu cầu ốc vít tay quay trong bộ máy làm tiền khổng lồ của xã hội toàn cầu hóa hiện đại.

    Bài Giới thiệu của David Barsamian và phần nói về Dự án Bá quyền Mỹ ở cuối sách sẽ giúp bạn hiểu thêm về bối cảnh rất đáng chú ý của cuốn sách này, tôi không cần phải nói gì thêm.

    Một vài tiêu đề như “Ngôn ngữ song hành” hoặc “Tự vệ tri thức” có thể được dịch khác đi để phản ánh nôm na hơn chủ đề của những chương này, nhưng tôi đã quyết định để nguyên như vậy, vì chúng là những khái niệm đáng được có mặt trong từ vựng chính trị đương đại của tiếng Việt.

    Để bạn đọc tiện tra cứu, tôi vẫn giữ nguyên tên tiếng Anh của các nguồn tài liệu, nhất là trong phần CHÚ THÍCH đánh số theo từng chương xếp ở cuối sách. Còn với những chi tiết là hiển nhiên với người Mỹ mà chưa chắc đã hiển nhiên với người Việt thì tôi có giải thích ngay ở dưới trang, đánh số liên tục chứ không theo từng chương.

    Tôi xin tri ân sâu sắc nhà xuất bản Tri Thức đã chấp nhận cuốn sách này vào Tủ sách Tinh Hoa của mình. Quả thực, hằng số hiển nhiên nhất của tri thức nhân loại có lẽ là tính sống động và cấp thiết của nó. Và nhà sách Tri Thức đã thấy rõ cái hằng số này trong những tác phẩm viết về chính trị của Noam Chomsky. Hy vọng chúng ta sẽ có thêm những tác phẩm khác nữa của ông được dịch và giới thiệu ở Việt Nam.

    Hà Nội, ngày Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (1/8/2006).

    Trịnh Lữ​
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 21/8/20
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408

Chia sẻ trang này