Gần đây thấy có bạn gái hỏi xin bộ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, tất nhiên là bản dịch quốc ngữ phổ thông. Theo tôi được biết, đây là công trình dịch thuật tương đối đồ sộ của Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa Việt-nam Cộng-hòa giai đoạn 1972-4 (những năm nay chính phủ Việt Nam Cộng Hòa duyệt chi ngân sách rất lớn để chấn hưng văn nghệ và học thuật), và nhìn chung cho tới thì điểm 2020 vẫn chưa có dịch phẩm nào xuất sắc hơn. Cũng phải kể thật, quãng chục năm nay vua Thánh Tổ nhà Nguyễn nổi lên là nhân vật lịch sử được cả học giới cổ văn gốc Kinh và Champa quan tâm nghiên cứu nhất. Cái gây hứng khởi nhất cho họ là số lượng tư liệu lớn cũng như mức phổ quát trong cuộc đời nhân vật này, mặc dù xét về tuổi đời và cả những năm cầm trị lại tương đối ngắn. Bản thân Thánh Tổ đế là người năng đọc sách, hay chữ và phải nói rằng có cá tính phức tạp, cho nên những ưu điểm này chắc chắn còn hấp dẫn thêm sự quan tâm của công chúng trong những thập niên tới - khi mà trình độ độc giả nói chung tăng hơn. Vậy, tôi mạn phép công bố lại những đoạn ngắn trong bộ đại điển trên - cái mà tôi đã đưa rải rác lên nhiều kênh suốt mấy năm qua. Tất nhiên sẽ có những tranh cãi gay gắt, nhưng chí ít, đây là những kí thuật đã sống cùng văn học nước nhà hai thế kỉ nay. Cũng hi vọng rằng những nỗ lực nhỏ này sẽ góp phần giảm bớt tâm lí cực đoan trong cộng đồng độc giả Việt Nam về tiền nhân (mà thường, tâm lí này sản sinh do tình trạng đọc tài liệu sơ cấp và cũng không bận tâm suy xét gì). Vì suy cho cùng, chúng ta là hậu thế, không thể thay người xưa xét đoán hoàn cảnh họ. ĐỌC SÁCH ĐỂ MỞ LÒNG VỚI THA-NHÂN CHỨ KHÔNG PHẢI MIỆT-THỊ
Mùa hạ, tháng Năm. Vua thấy mùa hạ trời nóng quá, làm một bài văn gọi là Phép ngày nắng làm mát đưa cho bầy tôi. Đọc đến câu "há chẳng biết trách người, chỉ biết thứ cho mình", dụ rằng : Trẫm trước vì nóng nực, nằm không ngủ được, lặng nghĩ cách giải nhiệt, lâu chưa nghĩ được, nhân nghĩ đến quân dân làm việc chạy vạy ở ngoài đường, cả ngày phơi nắng, chịu sao cho được. Nghĩ đến việc ấy, tự nhiên thấy toàn thân mát mẻ. Vả lại, thường tình người ta chỉ biết đầy đủ một mình, còn người khác vui buồn thì không quan tâm đến chút nào. Thế cho nên tự quên lỗi của mình mà chỉ chăm chăm trách người. Phàm người làm vua giàu có bốn biển, nếu chỉ cầu cái thích của mình thì lo gì chả được, nhưng nghĩ đến nhân dân cùng túng và người góa bụa sống không được thỏa thuê chỉ cốt thỏa thích ý muốn của mình, chẳng qua chỉ làm lụy cho mình mà làm đau đớn cho thiên hạ, nào có ích gì ? Trẫm sở dĩ suy bụng ta ra bụng người, mà không dám phóng túng, là chính vì thế đấy. Bọn ngươi nên thể ý trẫm, phàm mình ở cảnh yên vui nên nghĩ đến người ta khó nhọc, mà biết điều vui không nên cùng cực, lòng muốn không nên phóng túng, thì có thể khiến người ta không oán mà mình được hưởng yên vui lâu dài. Lại dụ bộ Công rằng : Gần đây các công việc kiến trúc, đều là việc không đừng được mà phải làm chứ không phải lấy những việc không gấp mà làm phiền sức dân. Nay đến tiết mùa hạ, nóng bức tuy vốn không làm gấp, lúc làm lúc nghỉ có giờ, nhưng tình đối với đồng bào, không lúc nào không nghĩ đến. Vậy hạ lệnh cho các người giám tu chuyên biện xem xét công trình mà khiến cho khó nhọc và nghỉ ngơi đều nhau. Phàm lúc đang trưa nóng nực, thì tạm cho người ứng dịch nghỉ ngơi, khỏi đến nỗi mệt mỏi, để vừa lòng trẫm. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Mùa hạ, tháng Sáu. Vua dụ Nội các rằng : Tháng 6 phải hành quân là việc bất đắc dĩ. Trước đây, ta sai Tướng quân, Tham tán thống lĩnh đại quân đi đánh giặc, quân trẩy hàng mấy ngàn dặm, lại gặp trời nóng, chính là lúc nên giữ gìn sức khỏe. Nay tính đường đi, đã gần đến tỉnh thành Quảng Ngãi. Vậy truyền dụ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận : Phàm các điếm ven đường, đều nên vát thêm mỗi điếm 200 dân phu trả tiền công thuê. Một khi đại quân trẩy qua thì đài tải gồng gánh khí giới thay thế để binh sĩ và ngựa được no đủ, sung sức mới mạnh mẽ hơn. Lại truyền dụ cho Tướng quân, Tham tán : Khi đến tỉnh thành Quảng Ngãi, nên chia đại quân làm 2 đợt ; kéo đi cách nhau 1 ngày, thì quãng đường qua đò đi ngược mau hơn. Đến lị sở Bình Thuận lập tức hội lại tiến quân, đến được sớm ngày nào càng hay ngày ấy. Tuy thế, cũng liệu sức mà đi, bất tất phải chăm thúc giục lắm. Đối với tướng lĩnh, binh sĩ, thường nên yên ủi hơn lên, lấy đại nghĩa khuyến khích, để họ được vui vẻ quên mệt nhọc, thì dẹp thừa được nghịch tặc đó. Sau đó, vua sai thị vệ bưng cho một mâm bánh thạch. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Lê Văn Trình, người xã Mỹ Anh, huyện Quỳnh Lưu, là người thuần cẩn, thờ cha mẹ có hiếu hạnh. Mẹ thường bị chứng đau bụng, hơn một năm không khỏi, thầy thuốc nói chắc là ăn lầm phải thịt công, phải có cái dạ dày con nhím mà uống thì mới khỏi. Trình vào rừng kiếm mãi không được, một hôm cầu đảo ở đền đêm nằm mộng thấy thần mách rằng : "Người có hiếu hạnh cho ngươi một con nhím ở phía Đông đền". Ngày mai quả nhiên bắt được con nhím ở đây đem về làm thuốc cho mẹ uống, bệnh mẹ mới khỏi. Đầu năm Minh Mệnh, cha Trình bị thổ phỉ bắt giam ở trong núi, đòi chuộc 150 lạng bạc. Trình vét hết cửa nhà được 90 lạng, vào núi xin chuộc, bọn giặc thấy số bạc không đủ muốn chém người cha. Trình kêu khóc xin chết thay cha. Bọn giặc cảm là người có hiếu, tha cho. Về nhà rước cha đến tránh ở phủ thành, buôn bán để phụng dưỡng. Sau cha chết, Trình làm nhà tranh ở mộ một năm, khi hết tang, lại dốc hết gia tài, rước linh cữu cha về làng táng tế đủ lễ, không có suy tị gì với anh em, người làng đều khen ngợi. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Mùa thu, tháng 9. Triệu tú tài Bắc Thành là Phạm Đình Hổ về kinh. Vua từng bảo Phan Huy Thực rằng : "Trẫm thức khuya dậy sớm chỉ nghĩ đến việc cầu người hiền, mà những kẻ hiền lương phương chính từ trước tới nay chưa thấy cử được người nào, hay là người hiền bị bỏ sót ở nơi thôn quê mà chưa biết chăng ? Khanh là người Bắc Hà, có ai là người học rộng, nết tốt được người tôn phục như Phạm [Quý] Thích, khanh đã biết thì đề cử, trẫm sẽ bổ dụng". Thực thưa rằng : "Những bậc túc nho lão sử ở Bắc Hà thì rơi rụng hầu hết. Hoặc có người mới tiến thì thần đi làm quan lâu ngày cũng không biết được". Vua nói : "Trước kia trẫm đi Bắc tuần nghe tiếng Phạm Đình Hổ, đã cho triệu vào yết kiến, nhưng Hổ nói có bệnh xin về, chẳng biết y học hạnh ngày thường như thế nào ?". Thực thưa : "Hổ là người cứng rắn, giặc Tây Sơn mấy lần gọi không chịu ra, thần lúc bé có cùng học chỉ biết qua như thế, ngoài ra không được rõ". Vua nói : "Người ấy tiết tháo đáng khen, nên triệu vào để dùng, đấy cũng là ý lấy năm trăm cân vàng mà mua bộ xương ngựa". Liền sắc cho quan Bắc Thành tuyên chỉ triệu vào, cấp thêm 20 lạng bạc làm lộ phí. Khi Hổ đến, cho yết kiến ở điện Cần Chánh, thung dung hỏi rằng : "Ngươi bao nhiêu tuổi ?". Hổ thưa : "Thần gần sáu chục mà sức vóc đã kém, mới nghe có lệnh triều đình sợ hãi khôn xiết, chỉ sợ không đủ sức làm việc". Vua hỏi : "Thấy ngươi là danh sĩ cho nên triệu đến để phòng lúc hỏi han thôi". Bèn cho làm Hàn lâm viện Biên tu, rồi thăng Thừa chỉ và ban mũ áo đại triều. Vua dụ bộ Lễ rằng : "Hổ có tính cương trực, không xu nịnh kẻ quyền quý, nên đặc biệt hậu đãi để khuyên người khác sau này". 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Vua dụ Nội các Trương Đăng Quế rằng : Khanh có giỏi cưỡi ngựa không ? Trẫm khi trẻ tuổi vốn hay cưỡi ngựa, cứ mỗi lần cưỡi thì thấy gân sức khoan khoái. Lâu nay không ngồi yên ngựa, thịt đùi lại nở ra nên bây giờ cưỡi ngựa không nhanh nhẹn bằng lúc tuổi trẻ nữa. Cho nên mỗi tháng một lần phải cưỡi ngựa cho khỏi lười biếng. Người quý ở siêng năng chịu khó, nếu cứ nhàn rỗi yên vui thì gân sức yếu đi, khi gặp việc còn làm gì được ? 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Lại dùng viên phải cách Phan Huy Thực làm Lang trung bộ Lễ. Dụ rằng : Phan Huy Thực năm trước hơi biết siêng năng, được thăng đến hàm nhị phẩm, ơn nước thực trọng hậu. Gần đây tuổi già hay ốm, làm việc tầm thường, lại hay lầm sót, thậm chí đồ thờ tôn miếu không biết xem xét, đến nỗi phát ra cái án vàng giả, cho phải cách bãi, thực cũng đáng tội. Lại nghĩ án ấy, người coi giữ tự ăn trộm, thực chỉ vì chức giữ đồ thờ, sơ suất không xem xét mà bị lỗi, còn có thể tha. Nay đặc cách gia ơn, nếu biết cảm khích cố gắng, trẫm tất lại cất nhắc, nếu vin cớ là già ốm, không làm gì được, thì tự cam ruồng bỏ, chứ không phải trẫm không thương đến tôi tớ lâu năm. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Hiệp biện đại học sĩ kiêm tổng đốc Bình Phú là Vũ Xuân Cẩn vào chầu. Vua thấy ông mày râu trắng xóa, bèn hỏi tuổi và hỏi vận dụng còn được khỏe mạnh không, ông thưa rằng : Hạ thần nay đã sáu mươi tám tuổi. Ở tỉnh thời thường đi xem binh sĩ dân chúng đốn cây chặt củi, nên có thể trèo leo lên xuống núi khe mà không biết mệt. Vua dụ rằng : Trẫm ở trong cung cũng thường đi bộ, tập giờ lâu mà không biết mỏi. Thế mới biết người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh, cứ ngồi yên mà lười biếng thì ngày một thêm yếu, không kể tuổi già hay trẻ vậy. Lại dụ hoàng tử rằng : Ta xem các con ngày nay không bằng ta lúc còn trẻ tuổi. Trước kia ta theo đức Thế Tổ Cao hoàng đế dừng xa giá tại Gia Định, lúc xa giá ra trận, ta thường ở lại để coi giữ địa phương. Trời rét như cắt mà ta mặc áo đơn, cưỡi thuyền đi lại trên mặt biển mà không biết lạnh. Các con tuổi mới trên dưới ba mươi mà không chịu nổi nóng lạnh, sau này đến năm sáu bảy chục tuổi làm sao mạnh mẽ được vậy. Ta nay hằng nghĩ đến tự cường, không dám để mình nhàn hạ quá. Các con nên theo ý ta, không mưu đồ sự an nhàn vui vẻ vậy. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Quan bảo hộ nước Chân Lạp là Nguyễn Văn Thoại thượng sớ xin hồi hưu, nhưng không được vua chuẩn hứa. Ngay sau đó, vua xuống chỉ dụ đại lược rằng : Trẫm thấy khanh là người nắm vững tình hình biên giới nhất nên mới giao phó cho khanh trọng nhiệm đó. Trẫm được biết, gần đây giữa khanh và các vương có nhiều chỗ bất hợp, có lẽ vì vậy mà khanh xin hồi hưu. Trẫm khuyên khanh nên nghĩ kĩ. Trong lúc ở phiên quốc đang có nhiều vấn đề phức tạp và tế nhị, hiện chưa có người thay thế, khanh nên thể lòng dạ trẫm, lấy nhân nghĩa làm căn bản, không nên để ý vào những truyện hiềm nghi vụn vặt. 【Thánh Tổ Nhơn hoàng đế thực lục】
Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức bị bệnh, dâng biểu xin do đường biển về quê nhà ở Gia Định để được trọn cái ý nguyện "cáo chết quay đầu về núi", lại nói rằng vợ chết chưa chôn, con thì ở nơi tang mẹ, mình ốm không người săn sóc, lời rất khẩn thiết. Vua sai Phạm Đăng Hưng mang dụ chỉ đến an ủy lưu lại, nói rằng : Trẫm xem lời khanh tâu bày, bất giác khiến người sụt sùi rơi lệ. Khanh từ khi lên chức Hiệp biện đại học sĩ đến nay, việc quan yếu quân quốc giúp đỡ được nhiều, trẫm đương thiết tha tin cậy hết lòng mến yêu. Khanh người trung thành sáng suốt, há không lượng lòng trẫm mà vội xin đi ! Còn như vợ chết, tình nhà ai không có lòng cảm lứa đôi, nhưng cũng có thể ở trong cái tình thế không thể làm sao được thì dùng lễ mà nén đi. Vả lại bệnh nặng khí suy, tất phải được tĩnh dưỡng. Vậy cho khanh tạm nghỉ công việc bộ, yên tâm điều trị, thuốc men thích nghi, tin rằng người tốt thì trời giúp, khó gì tật bệnh chẳng khỏi, mà cứ muốn xa vượt sóng gió, khiến người không yên tâm. Nếu cho phương Nam là xứ nóng có thể trừ được bệnh rét, thì cũng phải đợi bệnh lui khí mạnh, xin nghỉ về thăm nhà, đi đường bình thản, há chẳng là tốt hơn sao. Như khanh nói là sợ sương gió bất ngờ nên muốn quay đầu về núi, thì khanh là đại thần của nước, há vì một việc nhỏ ấy mà không được thỏa sở nguyện sao ! Điều ấy lại khiến người rất không hiểu được. Nói tóm lại, khanh phải yên tâm tĩnh dưỡng, tất được khí vượng thân mạnh, không nên lấy việc nhỏ nghĩ quẩn trong lòng. Chính nên tự giữ lấy thân vàng ngọc chờ trông thấy tuổi bảy tám mươi yên lành mạnh khỏe, để yên lòng mong mỏi của trẫm là phải. Bèn cho tạm nghỉ công việc hai bộ Lại-Lễ để tĩnh dưỡng điều trị, lại đem nhân sâm nhục quế ban cho. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Thống chế Tiền phong là Phạm Văn Lý ốm khỏi vào yết kiến. Vua triệu lên điện cho ngồi, dụ rằng : Vừa rồi khanh ốm nặng, trẫm lấy làm lo. Nay đã lành, trẫm rất vui mừng. Nhưng xem thần sắc chưa được bình phục hẳn, hãy cho ở nhà điều dưỡng. Thờ vua còn lâu dài, bất tất phải miễn cưỡng đi lại vội. Khi Phạm Văn Lý lui ra, vua quay lại bảo Binh bộ Lê Đăng Doanh rằng : Phạm Văn Lý tài không hơn khanh, nhưng mạnh dạn làm việc, trong lúc nguy cấp gian nan không từ. Những người như thế cũng không dễ có nhiều đâu. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Phái viên thuyền Nam Hưng sang Quảng Đông công cán về nói : Tổng đốc nhà Thanh là Lâm Tắc Từ kháng cự quân Hồng Mao, hai bên đều có người chết người thương, chửa rõ bên nào được. Vua dụ thị thần rằng : Binh thuyền nước Hồng Mao bất quá mấy chiếc, Lâm Tắc Từ đem quân toàn tỉnh đánh, sao lại không đánh nổi ? Hơn nữa, quân Hồng Mao vượt biển mà đến, trông lương thực vào đâu mà có thể chống nhà Thanh lâu được ? Há rằng chúng có tay trong hưởng ứng, có chỗ trông cậy mà dám thế ư ? Chẳng qua chúng dở cái thói ngoan ngạnh kiệt hiệt ấy ra để tỏ ý khinh lờn đó thôi. Nước Đại Thanh trước kia với một lữ quân lấy được thiên hạ, binh lực lúc đó sao hùng thế, bây giờ sao lại hèn yếu thế ? Lòng trẫm thực lấy làm bất bình cho nước Thanh. Xét ra nước Hồng Mao trước kia vì buôn bán mà đến, sở dĩ gây thành mối binh đao là bởi cái cớ Lâm Tắc Từ khám xét thuốc phiện, tịch thu thuyền và hàng hóa của họ mà sinh thế thôi. Trẫm nghe, các hoàng tử Phiên vương và đại thần văn võ bên triều đình Thanh đều hút thuốc phiện, cửa thành và hàng chợ cũng công nhiên bày bán la liệt. Nước mình như thế còn trách gì nước ngoài ? Vả trẫm cũng nghe, cái dọc tẩu thuốc phiện của Lâm Tắc Từ nạm toàn vàng ; thế thì mình tự tác ác, thân đã chẳng chính còn chính người sao được ? Nay lại mượn việc đó trị tội người, gây ra bao nhiêu việc. Việc khi còn nhỏ không cẩn thận, tràn lan ra đến chỗ không thể ngăn được nữa ; từ đấy về sau còn chưa biết sẽ như thế nào. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Cho Hộ bộ Lang trung Vũ Trọng Đại quyền lĩnh chức Bố chính Quảng Yên. Đại vào bái từ, vua dụ : Tỉnh Quảng Yên đường biển xa rộng, giặc biển chưa yên, mà ở tỉnh lính ít lương cũng ít, không nên đặt ra nhiều đồn bảo. Khanh nên xét tình hình, trù nghĩ cho thỏa đáng mà làm, để xứng đáng sự ký thác một phương diện. Đại đến tỉnh, liền thân mang binh thuyền đi tuần biển và xét lại các đồn bảo. Khi vừa mới đến vũng Chàng Ngọ ở Vân Đồn, nhân gió Đông Nam nổi lớn, một chiếc thuyền ô trong chuyến đi ấy bị chìm vỡ, tổn thất nhiều súng lớn khí giới, bị phạt giáng hai cấp. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Chưởng cơ lĩnh Vệ úy Hậu vệ dinh Hổ oai là Võ Khánh có tội bị miễn chức. Khánh đi thú ở Thanh Hoa, thường xưng có tật để tránh việc. Vua nghe, sắc cho bộ Binh tư hỏi. Trấn thần tâu rằng : Khánh từ khi đến thú đến giờ nói là có tật ở chân, nên chưa từng sai khiến việc gì. Vua dụ rằng : Kẻ hèn nhát Võ Khánh kia là con của người dũng cảm tài năng kiệt trung tận tiết là quốc công Võ Tánh. Tánh ở thành Bình Định, biết giặc vẫn sợ mình nên cam lòng cố chết giữ thành, cho nên đại binh thẳng tiến lấy được thần kinh, khôi phục nghiệp cũ. Tánh đem thân chết theo thành, quân giặc vì thế mà mỏi mệt phải vỡ. Xem như thế thì Trương Tuần, Hứa Viễn cũng không sánh được. Bởi vậy Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta luận công cho tập ấm, Khánh mới được dự vào bậc trên, đáng lẽ phải cảm khích phát động lương tâm để mong không hổ đến cha, không ngờ Khánh quen thói ăn ngon mặc tốt, khó bảo làm gì. Nhưng trẫm còn nghĩ đến công người trước mà yêu thương, năm ngoái đã cất làm Chưởng cơ, cho lĩnh binh đi thú, để được kịp thời gắng sức làm việc. Nay cứ lời tâu của trấn thần thì cũng đáng than thở thực. Nó đã cam chịu thấp hèn, khó bề thúc đẩy, vậy cách chức Chưởng cơ lĩnh Vệ úy Hổ oai hậu vệ, vẫn để nguyên hàm tập ấm khinh xa đô úy. Bèn hạ lệnh triệt về để phụng thờ Võ Tánh. Khánh ở thú sở lại sai riêng vệ binh đi Nghệ An, bị giặc giết chết. Giao cho bộ Binh nghị xử, tội đáng xử sung quân, nhưng bộ thần thấy Khánh là con công thần xin cách hàm tập ấm khinh xa đô úy, tạm miễn tội sung quân để toàn di thể của công thần mà còn người thờ, đợi sau này có người nào nên cho tập ấm sẽ xin định đoạt. Vua dụ rằng : Lời bàn của bộ, lời nghiêm nghĩa chính, rất hợp ý người ; nhưng nghĩ đến công lao trung liệt của cha Khánh, lòng trẫm không nỡ. Vậy gia ơn đổi giáng làm kiêu kị đô úy. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Định Viễn công Bính kêu thợ làm mũ đến để bắt thợ chế mũ phường trò. Nhưng vì trời mưa lụt, thợ mũ không đến được, ông Bính tức giận sai bắt người thợ mũ vào đánh đòn đến nỗi không đứng lên được. Việc xảy đến tai vua nghe được, bèn triệu ông Bính vào khiển trách rằng : Ngày trước em đã bắt con người ta đem vào làm con hát, khi ấy đức hoàng khảo quở phạt, anh đã hết sức van xin. Nhưng đức hoàng khảo chẳng vì tình thân mà bỏ phép nước nên đã đưa em ra đánh đòn. Nay em có tội thì ai là người van xin cho em đây ? Bằng đem chiếu luật mà trị tội, thì tình cốt nhục sao đành, thế là lỗi ở anh không giáo dục được em. Trên đã mắc tội với tổ khảo, dưới lại có lỗi với thần thứ, sử sách chép đến ngàn đời sau, người ta sẽ bảo anh là kẻ thế nào ? Ôi những bậc hoàng thân quốc thích, đã không phải khó nhọc về chính sự, chỉ lấy ngâm thơ đọc sách làm vui, bằng chẳng biết giữ gìn pháp độ, mà chỉ cậy thế ức hiếp người, coi rẻ trăm họ, thì cùng với ai mà giàu sang vậy ? Vả chăng, việc làm mũ phường trò là vô ích, mà phải bách xúc người ta trong khi mưa lụt, có đáng không ? Thôi nhưng lần này trẫm hãy tạm khoan thứ, nếu sau này còn trái lời trẫm, thì pháp luật không dung thứ được nữa. 【Thánh Tổ Nhơn hoàng đế thực lục】
Nguyễn Cư Tuấn trước làm cai bạ Quảng Trị, nhân có việc sách nhiễu hối lộ đến hơn 900 quan tiền, đến nay thành án, đáng xử tử. Vua cho là phạm tội trước khi có lệnh ân xá, gia ân miễn cho tội chết, xử tội lưu và chuẩn đổi làm đồ 6 năm, truy một nửa tang trả cho dân. Con Cư Tuấn là Cư Sĩ mười bốn tuổi xin thay hành dịch cho cha. Vua ngờ là có sự xúi bảo, sai nó đọc trầm tờ trạng, nó đọc không sai chữ nào. Bèn cho thay. Thế rồi lại cho người dò xét mấy lần, đều thấy Cư Sĩ đeo xiềng xích, không có vẻ hối hận gì cả. Vua khen, xuống chiếu dụ rằng : Cư Tuấn là con công thần Nguyễn Cư Trinh, tuy Tuấn làm mất thanh danh gia đình, nhưng Cư Trinh thực có cháu xứng đáng. Trẫm nghĩ đến kẻ công thần và thương người con hiếu, vậy tha tội cho. 【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】
Chút kỉ niệm đối với Minh Mệnh chánh yếu : Thực ra bộ Minh Mệnh này được nhóm chuyên viên Phủ Quốc Vụ Khanh trích từ chính điển Đại Nam thực lục. Cũng dễ hiểu đây là phần dày nhất trong toàn bộ thực sử về các hoàng đế Nguyễn triều. Điều đó cũng chứng minh sức hấp dẫn của nhân vật lịch sử Thánh Tổ đế đối với ngay người đương thời, và cho mãi các thế hệ về sau. Trên trang cá nhân của bạn Trường An (tôi không biết nguyên danh) - một tay bút trẻ Sì phố thì phải - cực kì mê nhân vật này. Nàng cho hẳn loạt bài gom nhặt những diễn ngôn và hành động lịch sử của vị hoàng đế. Vì nói cho đúng, ở bối cảnh An Nam quốc vừa nồi da nấu thịt xong, quốc thổ còn đầy dẫy nguy nan, thì việc xuất hiện một hoàng đế tài hoa (và giản dị nữa là chuyên cần) như thế là vô cùng quý báu. Cho nên chính điểm này làm động lòng cả các học giả Champa có thâm niên - mặc dù như ta đều biết, Minh Mệnh đế bị đóng đinh trong sử kí là nhân vật có "công đầu" tàn sát hoặc hủy diệt văn minh Champa, trong khi hoàng khảo Gia Long lại được người Champa vị nể bởi đã xếp cho họ sự tự trị vừa phải... Bản thân tôi cũng có quen một cô bạn tên Xuân, tu nghiệp sinh Hán ngữ ở Đức. Cô này cùng một cậu bạn thân làm viện sĩ Hán Nôm thường hay tranh cãi tới mức đập bàn đập ghế về nhân vật lịch sử Minh Mệnh đế. Điểm cộng có, điểm trừ có, nhưng họ phải thừa nhận là quá hấp dẫn. Cho nên, tôi dám tin rằng, từ những năm sau - khi dư luận đọc Việt Nam bớt cái thói kì thị tiểu nông đi, dứt khoát sự hiểu đúng và hiểu sâu về Minh Mệnh đế sẽ càng ngày phổ cập hơn. Người ta không thể sờ vòi mà đoán cả con voi được, đó là điều đương nhiên !
Tôi biết một chỗ thích hợp hơn để đăng cái này. Bảo đảm 100% người ở luôn "hiểu đúng" như ý bạn mong muốn.
Minh mệnh chính yếu năm 2010 còn được in lại mà, hơn 2.000 trang. Diễn đàn cũng có dự án text hóa nữa.
Nói chung thì vua chúa cũng như thường dân, có điểm tốt có điểm xấu. Với vua chúa thì khó phân biệt công tội hơn vì còn dựa theo quan điểm nào. Ở HN có miếu cô Son, thỉnh thoảng tôi vẫn đi qua. Tôi thắc mắc câu chuyện cô Son và vua Minh Mạng có được ghi chép trong chính sử không hay chỉ trong dã sử, truyền khẩu. Bạn nào đã đọc Minh Mạng chính yếu, Đại Nam thực lục có thể cho câu trả lời không? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link