Trà phiếm Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục 錄寔帝皇仁祖聖

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Jannik, 18/8/21.

Moderators: amylee
  1. Jannik

    Jannik Banned

    Vua xem bản vẽ thiên tượng của Tây Dương, bảo viên quản lý Khâm Thiên giám là Trương Đăng Quế rằng :

    Bản vẽ của người Tây Dương cho Thiên Hà là sông thật, thì thực là nói bậy sai lầm. Sông Ngân Hán ngang trời là do nhiều vì sao tụ họp liền nhau, trông có tia sáng rờ rỡ, có hình như con sông, chứ đâu có lý là sông thật ư ?
    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  2. Jannik

    Jannik Banned

    Sai Hộ bộ Biện lý Phan Thanh Giản đến phận núi nguồn Chiên Đàn tỉnh Quảng Nam thuê một ngàn người hộ làm vàng để khai lấy vàng cát.

    Vua dụ thị thần rằng :

    Phan Thanh Giản trước ở Quảng Nam làm phần nhiều không được việc ; đã bị giáng truất, sau lại khởi dụng đến Tam phẩm đường quan ở kinh. Thế mà từ trước đến nay làm việc chỉ là tầm thường, thậm chí đóng ấn vào bản châu phê cũng lại bỏ quên, thế hẳn là triều đình bạc đãi chăng, hay là cam chịu hèn nhát chăng ? Nay phái đi lấy vàng, thử xem viên ấy cố gắng thế nào mà thôi. Vàng cát chẳng phải thiếu, không thế phải thuê dân phu mỗi người một tháng trả 10 quan tiền, có khác gì đem tiền mua vàng không, sau lấy liệu được bao nhiêu ? Thanh Giản đem việc lấy khó khăn tâu lên, chuẩn cho phải đi bộ về kinh, mà bãi việc ấy.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  3. Jannik

    Jannik Banned

    Thuyền đi tuần của quản vệ Phan Công Quý và thuyền giải đồ vật ở kinh phái đi, cùng gặp gió làm hỏng mất 10 chiếc, biền binh chết đuối đến hơn 300 người. Vua vì thế xót lắm, sắc cho quan có trách nhiệm chọn chỗ làm đàn ở bãi biển Thuận An, sắm lễ phẩm tam sinh, cỗ, cơm, vàng bạc và tiền giấy, phái phủ Thừa Thiên là Nguyễn Trọng Tân đến chiêu hồn cho tế một tuần. Các biền binh ở kinh phái đi, người quê nhà gần thì do quản quan chuyển báo cho vợ con thân quyến, người ấy đều đến đàn sở khóc lễ và chuẩn cho chiểu lệ cấp tuất trận vong cấp cho người nhà. Lại sai tỉnh Thanh Hoa ban tế một tuần ở bãi biển.

    Vua dụ thị thần rằng :

    Khoảng năm Gia Long, kinh thành gió bão một ngày đêm, ngói trên nóc nhà đều tan nát. Trẫm suốt đêm không ngủ, đến sáng nhìn thấy trên chỗ ngồi có tấm ván sắp rơi mà không rơi, đó cũng là trời thương. Nay tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hoa có gió dữ như thế, so với trước cũng không kém. Trẫm nhớ năm trước ở Thanh Hoa, Ninh Bình có con xích lân đi qua, nước biển dâng lên dữ, người và súc vật, nhà cửa phần nhiều bị trôi mất, như nay có lẽ cũng gặp con xích lân ấy đi qua chăng ? Người ta nói con xích lân, sừng vẩy nó đều có lửa sáng, đi đến đâu gió mưa theo đến đấy, không biết vật ấy là vật gì ?

    Gặp ngay tin ở Hà Nội nước sông xuống bớt tâu vào, vua mừng nói :

    Cùng một ngày ấy, ở Ninh Bình thì có gió dữ mà ở Hà Nội thì không, nước đại hà lại rút xuống, thực là trời giúp, há chẳng phải sự may ở trong sự không may ư ?

    Vua bèn làm một bài thơ nhan đề là Hà Nội nước xuống, nhân dụ nội các rằng :

    Trẫm gần đây nhân lúc nhàn rỗi, ngẫu nhiên làm hai bài thơ nhan đề là Hà du bất tưởng yểmTrọc thủy cầu châu, đến nay bài ấy chuẩn cho chép ra, đưa tổng đốc Đặng Văn Thiêm, Lê Văn Đức điều họa nguyên vận, nhân tiện phát trạm đệ đi, để bắt chước việc phong nhã của vua tôi nhà Ngu xướng hoạ nối hát với nhau.

    Bọn Thiêm liền họa tiến lên, đều thưởng cho một đồng Phi Long kim tiền hạng lớn. Sai thị vệ Hoàng Bá Bàng đi đến Thanh Hoa, Ninh Bình xét hỏi về tình hình dân bị nạn, đến khi về tâu nói nhân dân thuộc các huyện Hậu Lộc, Tống Sơn, Nga Sơn tỉnh Thanh Hoa bị chết đuối hơn 500 người ; dân thuộc huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình cũng chết hơn 300 người. Vua thương lắm, tức thì ra dụ sai quan 2 tỉnh đều cho tế một tuần, quan tỉnh Thanh Hoa lại tâu xin cứu chữa, chuẩn cho các xã bị tai binh dao tạp vụ năm ấy đều được hoãn lại một năm.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  4. Jannik

    Jannik Banned

    Có thị vệ tự thành Trấn Tây về, đệ dâng một hộp ngọc của tướng quân Trương Minh Giảng. Trong giấy kê khai thổ mục, thổ nhân xin hiến các thứ ngọc 30 viên và hai con chim trĩ xứ man, ngoài ra không có chương sớ.

    Vua không hài lòng, giờ lâu dụ rằng :

    Không ngờ Trương Minh Giảng gần đây lại hồ đồ lỗ mãng không thông sự lý quá đến như thế. Trẫm từ tháng chạp năm ngoái tới nay, nghe tin dân Thổ ở Trấn Tây không yên, mấy lần phi dụ điều quân chuyển lương, ngày không hết việc, rất mong định ngày xong việc, cho quân dân sớm được nghỉ. Thế mà đã hết ba tháng xuân, lại sang đầu mùa hạ, công việc gần xong, mà tướng quân tham tán chưa bàn rút quân, chỉ nói cho to ra, nhọc quân tốn lương phải bận tâm về phương Tây, thường thêm chú ý. Hiện nay châu ngọc còn chẳng thèm nhìn nữa là mấy hòn đá rắn ấy mà có thể động được lòng ư ? Việc ấy về Trương Minh Giảng vô tâm mà làm, thì lỗi ấy còn nhỏ, nếu có tính toán mà làm, thì sẽ coi trẫm là vua thế nào chăng lại lấy các thứ ấy để thử, huống chi trong lúc bắt giặc, cớ sao chăm chú đến việc ấy, để chậm không kịp chờ. Vả lại trẫm sai Trương Minh Giảng đi tìm bắt giặc cướp, đâu từng sai đi tìm châu ngọc mà lại hấp tấp như thế, để cho đẹp lòng trẫm ư ? Việc ấy ở trẫm thực không thể phân tích được, ở Trương Minh Giảng tự biết mà thôi.

    Ngọc và chim trĩ ấy đều cho ném trả và truyền chỉ quở mắng, nên triệu tập những người đem tiến các vật ấy yên ủi và bảo rằng :

    Các thứ ngọc ấy đã dâng trình giúp, hoàng đế đã soi xét lòng thành của các người rồi, vả lại các người thực muốn lấy thế để bày tỏ lòng trung. Nay dân Thổ không yên, tự chịu giết hết, bọn người vốn không can thiệp, duy bọn ngươi đã thông tiếng nói, lại thuộc đường đi. Kẻ có quan chức thì sao không lĩnh quân giết giặc, chiêu phủ những người bị bắt hiếp phải theo, để cho yên phận làm ăn. Kẻ không có quan chức thì cũng nên tìm cách bắt chém bọn giặc. Hoặc hướng dẫn quan quân đánh phá sào huyệt, thì công nào to bằng ? Triều đình tự phải đặc cách ban ơn, thưởng cho tất hậu, càng thấy lòng trung nghĩa chân thật, há chẳng hơn mấy hòn ngọc đấy ư ? Nay được trả về, lại thưởng cho mỗi người 3 đồng Phi Long ngân tiền hạng lớn, bấm đốt và năm, sắp tới tiết ngũ tuần vạn thọ, khi ấy nếu muốn tiến dâng mới được, nay thì chưa nên.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  5. Jannik

    Jannik Banned

    Thự Tham tri Hình bộ là Nguyễn Công Trứ tâu rằng :

    Từ Vĩnh Thanh trở về Nam đến Hà Tiên, đất rất màu mỡ, mà những ruộng cấy lúa được chưa khai khẩn hết. Xin đem các tù phạm an tháp ở đấy.

    Vua dụ rằng :

    Khanh mới biết được một, chưa biết hai. Hà Tiên là chỗ biên thùy, tiếp giáp nước Xiêm, nếu thả cả bọn tù phạm ra đấy, quan sở tại quản thúc có chỗ không chu đáo, một khi chúng trốn đi, ở nước ta thì chúng là người có tội, đến nước khác thì chúng lại là người có công, tệ hại sẽ không nói xiết.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  6. Jannik

    Jannik Banned

    Vua nghe trong kinh thành có tiếng trống, thanh la, sai người hỏi thì là ở phủ đệ hoàng tử Miên Thẩm có diễn trò vui. Vua dụ rằng :

    Các hoàng tử, ngoài những lúc chầu hầu, thăm hỏi và học tập được rỗi, thì lấy thơ văn làm vui, không được đàn đúm với những kẻ hèn mọn diễn kịch chơi âm nhạc. Trước đây phủ Tôn nhân bộ Lễ tâu xin đã chuẩn cho thi hành. Thế mà Miên Thẩm không chịu thận trọng giữ gìn pháp độ, chơi những trò vô ích, có trái với gia huấn. Vậy lập tức phạt 2 năm lương, và trong 3 tháng không cho được theo ban vào chầu mừng. Tả hữu Tôn chính, tả hữu Tôn nhân ở phủ Tôn nhân và viên quyền Nhiếp tả Tôn khanh là Tôn Thất Bạch sơ suất không xem xét, đều phạt 3 tháng lương ; Phó trưởng sử thuộc phủ là Nguyễn Kim Hóa giáng 2 cấp. Lính thuộc hạ của Miên Thẩm biết diễn trò vui cộng 17 người, không nên lưu ở trong phủ, lập tức đuổi ra cho làm lính ở các đội Kỳ võ.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  7. Jannik

    Jannik Banned

    Cho Thượng thư bộ Hình là Nguyễn Công Hoán làm tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Hoán vào bệ kiến từ biệt, vua bảo ngay trước mặt :

    Khanh ở trong kinh lâu ngày, nay bổ ra tỉnh ngoài để hiểu biết tình trạng địa phương. Kể thì muôn việc trên thế giới đều do ở làm việc, chọn gì trong ngoài, khanh biết giữ lòng lo sợ, tuy có tội lỗi cũng là lầm lỡ mà thôi, đi đâu chẳng được ?

    Lại hỏi : "Năm nay khanh bao nhiêu tuổi ?". Thưa rằng : "Thần 45 tuổi". Vua dụ rằng :

    Còn kém trẫm 3 tuổi. Răng đã gần lung lay và rụng chưa ? Trước hoàng khảo khỏe mạnh gấp 10 trẫm, tuổi ngoài 30 đã thấy rụng răng, vì hằng ngày giữ gìn cẩn thận thì khỏe mạnh như thường, vẫn không liên quan đến răng bền hay rụng.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  8. Jannik

    Jannik Banned

    Thị lang Nội các Hoàng Quýnh thấy người Tống Sơn quen biết là Nguyễn Cửu Thành, trong nhà có cuốn thơ, nhận là ngự bút của Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, đem dâng tiến thay. Vua sai bọc bìa, trân trọng cất giữ. Sau đem xem kỹ thì ngờ, bảo thị thần rằng :

    Bút pháp của hoàng tổ ta cứng rắn, người ta vẫn biết. Nét chữ cuốn thơ này hơi yếu, chắc là bản giả.

    Liền đốt đi.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  9. Jannik

    Jannik Banned

    Lúc ấy, gặp khánh tiết vạn thọ, vua dụ nội các rằng :
    Xưa ngày khánh tiết, theo lệ thì có ban yến ẩm vui mừng và kéo cờ, treo đèn, múa bát dật để nêu cao sự trọng đại của ngày lễ, làm cho lòng vui vẻ được phấn khởi thêm.

    Ngày nay giặc Tiêm La tuy đã dẹp yên, mà trộm cướp giặc giã vẫn chưa yên ổn hết. Trẫm đương lúc ngày đêm lo lắng, há lại khuếch trương làm việc an vui sao ? Duy có lễ triều hạ ban yến, là lễ nghi cần thiết quan trọng không thể thiếu khuyết được, mới tiến hành mà thôi, ngoài ra đều chước miễn cả.

    Vua ngự điện Võ Hiển bảo triều thần rằng :

    Ngày nay khí lạnh mùa đông gấp bội so với năm trước, trẫm đêm nằm không ngủ, ngày ngồi không yên, thường ở trong cung dạo bách bộ, hoặc xem sách hoặc làm thơ, vận dụng tay chân chống lạnh, bút viết không khoan khoái. Ngày trước Lương Vũ Đế những đêm trời lạnh, trống canh tư còn làm việc, cầm bút chống lạnh đến nỗi nứt da tay ra, việc đó có thể chứng nghiệm vậy.
    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/8/21
    Xuân Nương thích bài này.
  10. Jannik

    Jannik Banned

    Vua lại dụ rằng :

    Trẫm thường thể tất cho các quan. Đã giáng tờ sắc thời cho trải chiếu ở trên điện để người muốn tâu việc quỳ xuống cho khỏi lạnh lẽo.

    Thế mà khoảng hai năm nay không có ai đến quỳ ở chỗ ấy, trẫm không hiểu vì lẽ gì. Bởi thế mà bữa trước gặp gió mưa, trẫm sai cuộn chiếu đi, thấy ở dưới còn có lớp chiếu bằng mây, mới biết là vì cớ quỳ xuống thời đau đầu gối mà không ai dám quỳ.

    Trước kia lũ ngươi chẳng quỳ mà chẳng nói đến, khiến cho lối đãi bề tôi của trẫm có thiếu sót, lại bây giờ việc nhỏ ngay trước mắt mà thông minh của trẫm còn không nghĩ tới, huống chi là việc khác.

    Vua tôi tình như cha con, việc nên nói thời nói mà chớ ẩn giấu mới phải.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/8/21
    Xuân Nương thích bài này.
  11. Jannik

    Jannik Banned

    Hoàng trưởng tử Trường Khánh Công nhân rỗi đi chơi ở cánh đồng xã Vân Cù, thấy đàn nhạn đậu đông, bắn luôn 20 phát được 14 con. Khi về đem dâng vua, vua khen nói : "Kỹ thuật bắn như thế cũng đã thạo, nhưng nên để ý chọn những người thành thạo cho đi theo tùy súng nạp thuốc, không nên nhẹ dạ nghe những kẻ táo bạo hoặc xảy ra lầm lỡ chăng ?".

    Vua nhân dụ các hoàng tử rằng : "Bọn ngươi cũng biết bơi chứ ? Bắt đầu lấy cái bầu nổi mà bám vào, lâu về sau biết cách thời lựa theo nước mà vận động, bơi hay lặn đều được tự ý. Ta nhớ lúc còn trẻ, một lần đi qua bờ sông, thấy hai đứa trẻ nhà thuyền chài trạc độ mười tuổi, gặp thấy con voi khỏe sang qua bến sông, chúng gọi tên voi mà chửi. Voi tức giận lại húc thuyền, hai đứa trẻ nhảy xuống nước. Ta chắc chúng tất chết, nhưng một lát lại thấy nhô đầu lên chửi voi. Voi xông lại chực đánh, thời chúng lại lăn xuống nước. Một lúc lâu, voi không biết ở đâu mà đuổi rồi bỏ đi. Hai đứa trẻ lên thuyền không chút sợ hãi. Mới biết chúng lội nước quen cũng có sở trường riêng biệt vậy".

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  12. Jannik

    Jannik Banned

    Vua ngự điện Văn Minh, cho triệu đường quan bộ Lễ là Phan Bá Đạt, Phan Huy Thực, Nguyễn Tự, dụ rằng :

    Vừa rồi gặp ngày giỗ Cao hoàng hậu, trước một ngày khí trời lạnh buốt, bộ ngươi tâu xin sai hoàng tử đi làm lễ thay. Trẫm đương nghĩ tự mình đến làm lễ để tỏ lòng hiếu, không nghe lời xin. Chiều hôm ấy trẫm bị cảm hàn, sáng sớm hôm sau khi mới đến bái vị còn thấy mỏi mệt. May nhờ tiên linh phù hộ, được một lát mồ hôi toát ra, khỏi hết cả bệnh. Nhân nghĩ bọn ngươi có lòng thành yêu vua, đặc cách thưởng tiền bát bảo bằng vàng hạng nhỏ, mỗi người một đồng. Đó là thưởng về tấm lòng của các ngươi, không phải thưởng lời nói đâu !

    Vua nhân hỏi Nguyễn Tự xuất thân chân gì, nội các tâu rằng : Cử nhân tỉnh Quảng Ngãi. Vua nói : "Người ấy đi thường lắc đầu, thế là mỗi người có một chứng, không thể chữa được. Như trước đây Trần Đăng Long động nói thì thè lưỡi ra ngoài miệng, cũng là một tật riêng đấy thôi".
    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  13. Jannik

    Jannik Banned

    Tuần phủ Nam Ngãi là Vương Hữu Quang có tội giam vào ngục. Trước đây, nhân mưa rét, vua sai Hữu Quang đến miếu Đô thành hoàng làm lễ cầu tạnh, qua một ngày đêm, trời chưa tạnh, Hữu Quang làm tờ mật tâu rằng :

    Hoàng thượng ta lên ngôi đã vài mươi năm nay, về việc kính trời, thương người làm ruộng, yêu dân, tế thần, chưa từng chút nào quên lãng. Cho nên liền năm mưa gió thuận thời, lúa thóc được mùa, tiểu dân không bị khổ vì khó kiếm ăn, trong nước có cảnh tượng thái bình, thiên hạ đều thấm ơn, cố nhiên không ai nói vào đâu được. Duy có câu nói một khi im lặng, tuy là việc nhỏ, lại không nên không có thực ý cảnh tỉnh. Bởi vì trời đất soi xét không xa, thần minh trông nghe rất sáng. Thần ngày gần đây đến hầu nghe thấy nhà vua nói đùa ở điện Văn Minh và diễn kịch mới ở nhà Duyệt Thị, đấy một lời nói một việc làm ấy đủ làm luỵ đến thánh đức. Cứ ý kiến ngu xuẩn của thần thì mươi ngày nay rét buốt, sắp có mối lo hại đến việc làm ruộng. Dẫu là khí hậu về tiết Thanh Minh còn rớt lại, nhưng lòng trời nhân ái răn bảo, cũng ngụ vào trong ấy. ý thánh thượng chắc đã hối rồi, mà khí rét còn đe dọa như thế, lòng trời giận chưa nguôi, chưa chắc không bởi việc ấy. Xin đốt sách ấy đi để tạ trời đất thần minh. Như thế mà thiên biến không thôi, xin chịu tội chết về việc dối trá.

    Vua phê rằng :

    Hôm vừa rồi, trẫm ở điện Văn Minh, từng nói truyện với bọn Trương Đăng Quế cười về thầy kiện dốt nát, thần bếp thiên tư. Và nói đến việc phường hát đời thịnh trị chế nhạo cả trời đất tiên sư, rất là nhảm bậy. Khi nào lại bắt chước mà biên thành sách truyện bao giờ. Nhưng trên điện đình nên giữ lễ làm trước, không nên nói đùa. Nếu Vương Hữu Quang đem việc ấy mà can ngăn, trẫm cũng nên biết xấu hổ đổi lỗi. Nay nhân mùa xuân rét, lúa bị hại, trẫm lại nhiễm bệnh mà dám báng bổ bừa bãi, đổ cho trẫm nói đùa đến trời đất thần minh, xin đốt sách đi để tạ, thì trong sách có câu nào nói đùa đến trời đất đâu ? Trẫm nói ở trên điện đình, ai cũng tai nghe mắt thấy, thế mà Vương Hữu Quang nói vu bậy như thế, nên bắt phải tâu lại cho rõ ràng.

    Hữu Quang tự nhận là nghe nhầm, xin nhận lỗi. Đình thần cùng bọn đốc, phủ, bố, án đến kinh chúc hỗ, cùng nhau một lời xin đem Hữu Quang cách chức trị tội. Vua bèn sai hội đồng bàn xử. Đến lúc các lời bàn dâng lên, có người bàn xin xử tội chém, có người bàn xin xử tội lưu. Duy có Tham tri Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Thị lang Phan Thanh Giản, Bùi Quỹ bàn khác đi là xin xử nhẹ giáng 2 cấp lưu.

    Vua dụ rằng :

    Vương Hữu Quang làm lễ cầu tạnh không được lại muốn đổ cho người trên. Lại thấy ngày ấy trẫm hơi se mình, dám nói bậy bạ cho là trẫm có tội với trời đất thần minh, sao điêu toa dối bậy quá thế! Vả lại, truyện Quần tiên hiến thọ là thuộc viện Nội Các bọn Nguyễn Bá Nghị soạn ra, dẫu trong ấy trẫm có chỉ bảo một vài câu, nhưng là lời thần bếp, thầy kiện răn bảo đó thôi, có điều gì đùa cợt thần minh đâu, huống hồ dám động đến trời đất ư ? Nay Hữu Quang nói ra câu ấy, nghe thấy thế, làm cho mọi người tức giận chổng ngược tóc lên, giao cho đại thần trong ngoài bàn xử, người xin xử lưu, người xin xử chém, cũng là đáng tội. Mà bọn Công Trứ lại bàn xử nhẹ. Nếu thực có lòng yêu Hữu Quang, nhảy ra để cứu, há có thể thấy lòng riêng mà bẻ được công luận ư ? Trẫm há có thể nghe thiên về lời các ngươi mà trái lời đình nghị ư ? Pháp luật triều đình há lại vì tư ân của bọn ngươi mà đặt ra ư ? Hay là bọn ngươi ghét Hữu Quang mà giả dối nói ra như thế, để thoả nỗi lòng giận của ta, giết ngay Hữu Quang để thoả lòng riêng chăng ? Nếu không thế thì thưởng phạt cốt phải công bằng, bàn bạc phải theo đạo công. Trẫm còn không dám độc đoán, thường theo lời mọi người. Bọn ngươi là người thế nào, dám lấy việc thưởng phạt là việc to của nhà nước để làm kế báo ân báo oán cho tư gia ư ? ý kiến thế nào đều phải lập tức tâu lại. Vương Hữu Quang thì hãy cách chức giam lại.

    Bọn Công Trứ dâng sớ nhận tội, đều nói là một khi ngu tối, kiến thức thấp kém, chứ không dám dụng tâm về bè cứu viện cho nhau.

    Vua dụ rằng :

    Ở trên triều đình không thể nói đến một chữ "tư" được. Bọn ngươi nếu có thực trạng liên kết bè lũ, trẫm quyết giữ phép nghiêm trị, há lại để cho các ngươi được thò ngón ranh ma ra à ? Đã không bè lũ cứu viện cho nhau thì tình cũng khá thương. Nhưng trong ấy cũng nên phân biệt : Phan Thanh Giản cùng Vương Hữu Quang đều là người Nam Kỳ, lâu ngày quen biết, không khỏi có tình diện với nhau, chuẩn giáng Giản một cấp đổi đi nơi khác. Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Bùi Quỹ chẳng qua chỉ phụ họa vào thôi, đều giáng một cấp lưu, không cho lấy công khác khấu trừ, từ nay về sau nên bỏ thói tình diện, giữ một lòng công trung. Từ đời xưa, cái họa bè lũ với nhau tại hại rất lớn, đều nên răn ngừa đấy, chớ nên phụ ý ta dạy bảo đúng lẽ, muốn giữ vẹn thân danh cho các ngươi vậy.

    Bèn cho Thông chính phó sứ biện lý Thương trường Nguyễn Nghị sung là thự Bố chính Quảng Nam, hãy lưu lại ở kinh chúc hỗ. Phan Thanh Giản giáng bổ làm Thông chính phó sứ, biện lý công việc Thương trường.

    Rồi lại xuống tờ dụ rằng :

    Tội của viên can phạm là Vương Hữu Quang trăm miệng cũng không cãi được, các quan trong ngoài hội bàn khép tội xử tử, khép tội đem lưu, thực không quá đáng. Duy ta nghĩ người bề tôi một lời nói lầm lỗi, đem lại tội nặng, lòng trẫm không nỡ làm như thế. Vả lại Vương Hữu Quang làm việc còn có khả quan, duy có tính điên dở nóng nảy, không biết nghĩ kỹ, đến nỗi mắc tội. Phen này bị xiềng xích, hoặc có thể nhân đấy mà thành tài, ngày sau còn là người hữu dụng thì không phí công một phen mài rũa. Huống chi năm nay gặp khánh tiết, không một người nào không thấm nhuần ơn trạch, mà hắn lại là quan to ư ? Vậy gia ơn đổi giáng làm Tư vụ bộ Công, cố sức làm việc chuộc tội.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  14. Jannik

    Jannik Banned

    Vua đi thăm các công sở đóng thuyền, nhiều hoàng tử tước công theo hầu. Vua chỉ thuyền An Dương, hỏi Phú Bình công :

    Thuyền này sao lại làm đằng trước lớn, đằng sau nhỏ, ngươi có biết không ?

    Phú Bình công không nói được, vua bảo rằng :

    Nước biển rất lớn, khác hẳn nước sông, cho nên cá biển phần nhiều đầu to đuôi bé mới vượt sóng được. Cách đóng thuyền đi biển có lẽ cũng làm theo hình cá. Người không quen đi biển thì chẳng biết được

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  15. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ I
    Trường An

    [​IMG]
    Dân thời Minh Mệnh xem ra khá hơn dân thời Vũ Trọng Phụng. Ban đầu là chức dịch ở Nam Định huy động dân đào sông thoát nước, kết quả thu được là nước lụt trôi đi hết, sau Hưng Yên thấy thế làm theo, vua thưởng tiền mà từ dân đến quan tự nguyện không nhận (mà mấy con sông này không được chép tên, chỉ có sông Đào vắt ngang thành phố Nam Định là chút manh mối). Theo đến năm 1834 thì ở Bắc Thành đã có 6 con sông đào, chắc cũng không lớn (sông Hưng Yên gần 2km, huy động 2 ngàn người mà vẫn được gọi là “tiểu công trình”). Nhưng vì vậy mới thuyết phục được đi đào một con sông nhớn khác, và đã bắt đầu có những nơi bỏ đê vì “giữ lại vô ích”.

    Quan quân đánh thành Gia Định, bị vua mắng xối xả chắc đều nghĩ bụng “Thành do cha ngài xây chứ ai !”. Tội nghiệp cái thành, vì sự kiện này mà phăng teo. Nhưng nghĩ, vây 3 năm, diễn đủ trò mà không hạ được, chỉ chực đám trong thành chui ra thì chắc cũng phát khùng. Mà Lê Văn Khôi vốn người Cao Bằng, lại được ban họ Nguyễn Hựu (vốn phải là Nguyễn Hựu Khôi, sau Minh Mệnh ghét nên mới bảo “nó là con nuôi của Lê Văn Duyệt, vậy ta gọi nó là Lê Văn Khôi”). Sách bảo, Duyệt thu phục được Khôi khi bình định đất Thanh-Nghệ (Lê Văn Duyệt chưa bao giờ đến Cao Bằng). Đận ấy, Lê Văn Duyệt được Gia Long sai thảo phạt bọn thổ mục họ Quách, nghe Duyệt đến thì “tự ra hàng”. Đến thời Minh Mệnh, họ Quách lại “nhặt” được Lê Duy Lương, bèn trở giáo làm phản tiếp. Lê Văn Khôi vin cớ phò trợ Lương mà lấy thành Gia Đình, mới bắt mối Nông Văn Vân là anh vợ. Khôi còn có một người em gái làm lẽ của em trai Minh Mệnh, tính ra cũng “người một nhà” cả. Đầu dây mối nhợ ra làm sao mà sau Minh Mệnh truất ngạch tập tước của họ Lê luôn. Sách giáo khoa trước giờ ca tụng mấy người này là “anh hùng khởi nghĩa chống phong kiến áp bức”, nhưng lờ đi cái việc Lê Văn Khôi rước quân Xiêm sang quậy phá Nam Kỳ, suy cho cùng “khởi nghĩa” gì thì cũng chỉ vì tư lợi thôi, dân đen có được miếng bùn nào đâu !
     
    Xuân Nương thích bài này.
  16. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ II
    Trường An

    Lúc này mới thấy xe “thủy hỏa ký tế” (水火既濟車) tức là xe chữa cháy, vậy cái xe “thủy sương” (水霜車) hồi 1826 chắc là xe hơi nước. Nhìn lại lịch sử thì cái xe dùng động cơ hơi nước được tạo ra đầu tiên ở Đông phương, do một tu sĩ Tây dương làm cho vua Thanh chơi.

    Mô hình xe hơi nước vào thời Minh Mệnh có lẽ là thế này :


    [​IMG]

    Còn cái xe cứu hỏa chắc là cái này :

    [​IMG]

    Sau này Việt Nam mà có sản xuất được xe hơi nguyên chiếc thì nên suy tôn Minh Mệnh làm thánh tổ luôn nhể (ờ mà, chữ “xe hơi” là đọc tắt của “xe hơi nước” chớ đâu). Mà vầng, “ta ghét nhất là [bị] nói dối” – cái này cũng đã đoán được.

    ◆ Sai Hộ thành Binh mã Phó sứ Trương Viết Súy đi nguồn Hữu Nguyên chế xe “thủy hỏa ký tế” (Cách làm : Lợi dụng sức nước xô mạnh để máy xoay chuyển, không tốn công sức) và chiểu các bài thuốc súng mới chế theo mà luyện thuốc (bài Hồng Phương, bài Hùng Phương, bài Hộc Phương, mỗi thứ 2 vạn cân). Lại phái các viên ti thuộc các bộ, các viện và người ở các đội thị vệ, kim thương đến xem để suy nghiệm. Lại nói : “Ta thấy trong cung dùng nước phải gánh, xách rất phiền, nhân chế ra cái xe nước, từ đó đỡ được biết bao nhân lực” (Cách thức : Đục một cái lỗ từ phía ngoài tường trong cung thông vào phía trong, hình dạng khuất khúc, trong ngoài không trông thấy nhau. Trong tường để một chiếc chậu đồng lớn. ấn định giờ lấy nước, phía ngoài tường, đẩy xe nước đến rót vào miệng lỗ cho chảy vào chậu ; trong cung, mọi người đều đến nơi đó lấy nước).

    ◆ “Trước giờ, những chỗ đông nhà ở, mùa hè rất sợ cháy. Ta đã chế cái xe chữa cháy, nếu dùng chữa cháy thì đỡ tốn sức mà lửa nào cũng phải tắt”. Rồi sau đem xe ra cho bầy tôi xem (Cách thức : Nước chứa vào trong một cái thùng. Trong thùng làm một cái máy đẩy nước. Lại lấy da cuộn thành một cái vòi tròn mà dài. Khi chữa cháy, 4-5 người kéo xe, một người cầm cái sào dài buộc vòi da vào đầu sào giơ lên ; 4 người theo hai bên xe vặn máy, thì nước trong thùng chạy qua vòi da tuôn lên như mưa).

    ◆ Vua đến khe doành ở Hữu Trạch xem xe “thủy hỏa ký tế”, thấy công trình nhanh chóng, rất hài lòng. Thưởng cho viên trông coi làm xe ấy là Trương Viết Súy kỷ lục 1 thứ và 3 đồng ngân tiền Phi Long hạng lớn. Sai viên kinh doãn chọn chỗ đất ở nơi đó lập miếu thờ chung hai vị thần doành khe và thuốc súng, hàng năm, đến kỳ trọng xuân luyện thuốc súng thì mổ trâu, dê, lợn để tế. Lại sai lập xưởng ở Thái Bình đài, vát 300 lính để theo phương pháp luyện thuốc súng.
     
    Xuân Nương thích bài này.
  17. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ III
    Trường An

    [​IMG]

    Khiến bọn Cai đội Nguyễn Lương Huy, Chủ sự Lý Văn Phức coi quản các thuyền hiệu Định Dương và Thanh Dương đi công cán Hạ Châu, đem theo Cà-lộ và Tú-la (hai người này trước bị an trí ở tấn sở Đà Nẵng), người Bút-tu-kê (Portugal), thả cho về nước.

    Thuyền buôn của người Anh-cát-lợi (England) đến đỗ ở tấn sở Đà Nẵng thuộc Quảng Nam, bắn 9 phát súng chào. Phó vệ úy án thủ hai pháo đài An Hải và Điện Hải là Nguyễn Văn Lượng, Phó vệ úy trú phòng là Cao Văn Điện, vì thấy sắp đến ngày lễ đại tự, không dám bắn súng để đáp lễ. Việc tâu lên, vua dụ quở rằng : “Thuyền ngoại quốc đến, theo lệ, có bắn súng đáp lễ. Huống chi, bắn súng cũng là việc thường, có hại quan hệ gì đến điển lễ cúng tế ? Bọn ngươi sao mà chẳng thông nghĩa lý đến thế !”. Mỗi người đều bị phạt 6 tháng lương. Sắc sai bộ Binh tư hội, và truyền cho hai pháo đài, mỗi đài bắn ngay 3 phát súng để đáp lễ, rồi đến nói với chủ thuyền Anh-cát-lợi rằng : “Vừa đây, viên giữ tấn sở vì thấy quý quốc mới đến, nên chưa dám tự tiện bắn súng đáp lễ. Nay được quan thương bạc truyền sức, mới theo lệ làm”. Sau đó, sai bọn sung biện Các vụ là Nguyễn Tri Phương và Biện lý bộ Hộ là Phạm Thế Hiển xuống thuyền đổi mua võ khí và dặn : “Nên giữ một mực công bình chính trực, khiến sau nó không nói lại gì được mình, để giữ quốc thể. Còn thuế cảng thì đánh theo lệ thuyền Tây dương”.

    Lại nói : “Ta từ nhỏ rất ghét người nói dối. Biết được ai nói dối, thì không hề tha thứ bao giờ. Hôm vừa rồi, xem thấy sử chép vua Thái Tổ nhà Minh có cho dựng một tấm bia ở trong cung, khắc mấy chữ ‘Nói càn bậy thì chém’. Lúc mới ta cũng cho là phải, nay nhân nghĩ : Phàm người nói dối, xét về tình và lý, cũng có nặng nhẹ khác nhau, há nên nhất thiết trị tội cả ? Ta ở trong cung, nghe ở bên cạnh có tiếng ho, hỏi, họ chối là không. Như vậy là họ sợ ta mà phải nói dối, thì có tội gì ! Xưa vua Thuấn hay hỏi và xét đoán, thực nên noi theo. Có điều là những bậc vua chúa, có người xét đoán sáng suốt, có người xét đoán hà khắc ; hay, dở do đấy lại có khác nhau”.

    Vua dụ rằng : “Năm ngoái, tên giặc Khôi làm phản, có nhiều người nhà Thanh a dua, mang lấy tội chết. Nay bọn Khách đáp thuyền này đến đây, lại không có bang trưởng chịu trách nhiệm cam kết bảo đảm. Vậy truyền chỉ cho bọn thuyền hộ : Lần này là lần đầu lầm lỗi, triều đình hãy tạm tha thứ, không nghiêm trách. Từ nay, phải bảo nhau : Nếu là những người có vật lực đi buôn thì mới được đáp thuyền đến trao đổi mua bán, còn cứ chở đến hàng trăm hàng nghìn những quân vô lại du côn, lỡ xảy ra việc lôi thôi thì phạm nhân tất bị xử tử, mà thuyền hộ cũng bị trị tội nặng và của cải trong thuyền đều bị sung công. Nay hạn cho trong tháng Tư, phải quay buồm về, nếu cố ý để hành khách lưu lại kéo lên bờ gây sự, thì thuyền hộ tất bị chém đầu, không tha”.

    “Trận đánh thành này đều đã hết lòng trù tính, hiệu lệnh rất đều, ba quân cùng cố sức xông pha dưới mũi tên ngọn giáo, ai cũng muốn giết hết giặc để tỏ lòng nghĩa phẫn. Ngặt vì thành này hào sâu, tường cao, đánh phá thực khó, mà đánh bằng hỏa yên, hỏa tiễn cũng vô hiệu, cho nên rút cục không thành công”.

    Dòng dõi vua Chiêm Thành là Quản cơ, hàm Vệ úy Nguyễn Văn Thừa, bị tội phải tống giam. Năm ngoái, Đỗ Văn Hoan, người Bình Thuận buôn bán ở Gia Định, gặp khi giặc Khôi làm phản, có gửi y chở giúp người Man, tên là Tiêm Vô (gia nô của Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên trấn thủ Thuận Thành) mang mật thư của giặc dụ tên Thừa chiêu tập bè đảng, chờ khởi sự. Thừa đã nhận lời, âm mưu làm phản. Sau được tin quan quân tiến đánh, tên Khôi liều chết, cố giữ cô thành, Thừa bèn thôi việc mưu phản. Sau, tên Hoan bị người ta tố giác việc này ; quan tỉnh là Hoàng Quốc Điều và Phan Phu liền bắt Hoan giam giữ nghiêm cẩn, rồi tham hặc việc Thừa tư thông với giặc. Vua cho đòi về kinh để xét hỏi, nhưng Thừa nhiều lần cáo ốm, không chịu đi. Bèn cách chức, khóa giam lại và sai Ngự sử Lê Hữu Bản đến hội xét, nhưng Thừa còn giảo trá chối cãi. Sau giao cho bộ nghiêm xét, Thừa chịu thú nhận và xưng ra đồng đảng là Nguyễn Văn Nguyên (con Nguyễn Văn Vĩnh). Liền cho bắt cả để xét xử trị tội.

    Bộ Hộ bàn định rồi tâu : “Minh Mệnh nguyên niên [1820], có lệ định về các thuyền buôn ngoại quốc đi tới các địa hạt : Thành Gia Định cũ thì đánh thuế toàn ngạch ; còn từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, chiếu theo ngạch thuế đánh ở Gia Định, mà giảm dần hoặc 2 phần, hoặc 3 – 4 phần không giống nhau. Đó vì Gia Định là nơi buôn bán sầm uất, còn các hạt khác thì chỗ nhiều chỗ ít khác nhau, nên chiết trung, châm chước, định ra phân số có hơn kém nhau. Nhưng gần đây, từ Bình Thuận trở ra Bắc có đường biển thuận lợi, thuyền buôn qua lại ngày một nhiều, Nam Định và Hà Nội lại không kém gì Gia Định, nếu cứ nhất khái theo như lệ trước, chẳng hóa ra như người đánh dấu vào thuyền để tìm gươm ư ? Vậy xin từ nay, hễ các thuyền buôn ngoại quốc đến buôn bán, thì ở lục tỉnh Nam Kỳ cứ theo như lệ thành Gia Định cũ, tính thước đánh thuế toàn ngạch. Còn về Tả Kỳ (Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận và Khánh Hòa) từ Bình Thuận trở ra, đến Quảng Nam thuộc Nam Trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), về Bắc Trực (Quảng Trị, Quảng Bình) từ Quảng Trị trở ra đến Ninh Bình thuộc Bắc Kỳ, đều chiểu theo ngạch thuế Nam Kỳ, giảm từ 1 đến 10 phần. Đến như Nam Định, Hà Nội và các tỉnh ngoài ở Bắc Kỳ, đều đánh thuế toàn ngạch như Nam Kỳ. Duy Thừa Thiên là nơi kinh đô, sự thể không giống với các hạt khác, xin theo như lệ trước, giảm 4 phần 10 so với Nam Kỳ. Còn đối với Ma-lục-giáp (Malacca), trước đây đánh thuế như ở các xứ Quỳnh Châu, Lôi Châu và Chà-và (Java), nhưng nay Ma-lục-giáp đã là thuộc địa của Anh-cát-lợi, thì xin đánh thuế như các nước ở Tây dương, bắt đầu thi hành từ tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 16 [1835]”.
     
    Xuân Nương thích bài này.
  18. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ IV
    Trường An

    [​IMG]

    “Từ trước, các học trò quen theo lối cử nghiệp cũ, nay đổi dùng văn thức tam trường, cốt để chấn chỉnh lại thói quen của học trò để ngày càng đi vào lối học sâu rộng, đầy đủ đẹp đẽ, thế mà quan trường phần nhiều lại hay câu nệ, thì e rằng những người học rộng tài cao khó lấy gì để tự tỏ mình ra được. Vậy, xin từ nay, phàm các kỳ thi Hương, thi Hội và nha môn các trường học ở trong kinh và ngoài các tỉnh tất cả những phép khảo thí, dạy dỗ và học tập, khi dùng chữ làm văn, không cứ phải trưng dẫn hay lấy chữ ở sách nào, miễn là chiếu ứng và phát huy được ý nghĩa trong bài thì dẫu chẳng phải là chữ ở chỗ ra đầu bài mà là chữ sinh động nghĩ ra, thực có kiến thức, cũng là đều đáng nên để ý phê khen hoặc lấy đỗ, khiến học trò biết đường noi theo đua ganh mài rũa, để cho lớn nhỏ đều thành tài, thu lấy thực hiệu được người giỏi”.

    “Sĩ tử nước ta, kiến văn hẹp hòi, nên lời văn chỉ được thế thôi. Song không những sĩ tử như thế mà cả đến những người dự hàng học quan và các quan trường chấm thi cũng ít người học rộng. Trong quyển thi có một đôi câu hợp lối mới, lại bị quan trường sổ toẹt, thì sĩ tử trông vào đâu để làm khuôn mẫu ? Vả lại, việc trường thi chỉ chọn những người văn học khoa mục sung vào mà còn như thế, thì nay biết chọn đâu được ?”.

    “Xưa, Lý Bạch nhà Đường, biết dịch thư nước phiên, nếu không học thì dịch làm sao được ? Ta muốn đặt bốn dịch quán ở kinh đô, chọn những người am hiểu tiếng nói các nước phiên, hậu cấp tiền lương, sai dạy người trong nước, học tiếng nói và chữ viết các nước, để phòng khi phải thông dịch. Trừ những tiếng nói chim muông, còn thì nên biết cả, để trở thành một nước đại văn minh. Như thế thì việc đối ngoại không lầm lỡ, mà quốc thể tự được tôn trọng”.

    Các lễ tiết hàng năm : Tế Nam Giao, đàn Xã Tắc vào hai ngày ngày mậu, mùa xuân, mùa thu và lễ Nguyên Đán ở liệt miếu, lệ vẫn đốt đèn lồng lớn sáng ngời, từ nay bỏ bớt đi ; duy các miếu, đàn, từ, vũ về các vị trung tự, quần tự, đèn đuốc không bằng những bậc đại tự, thì vẫn theo lệ cũ. Lại, các tiết Thánh Thọ, Vạn Thọ, Nguyên Đán, Đoan Dương ở trước sân cung điện và trước Ngọ môn, lệ có treo đèn lồng, cũng bỏ. Tiết Vạn Thọ hàng năm, vào ngày hôm trước, treo cờ khánh hỉ ở trên kỳ đài, đốt 1000 ngọn đèn đĩa ở phía trước kinh thành ; đến hôm chính ngày lễ, ở Duyệt Thị đường có múa bát dật, hát bội ; ở đài phía Nam thì đốt cây bông, múa bài bông.

    Vua cùng bộ Binh bàn về tình hình nước Xiêm : “Vả, phong tục của họ như : Hàng năm đến dịp lễ ‘Làm phúc’, họ đem vàng bạc chặt ra từng tấc từng phân, vứt cho các quan tranh nhau nhặt lấy, thế thì còn ra lễ nghĩa gì ? Lại còn đem hoa quả tung ra cho mọi người tranh nhau cướp, thậm chí giẫm đạp lên nhau mà chết bẹp. Làm phúc như vậy kể cũng quái gở ! Họ lại nói : Họ có một thứ ngọc, hễ đeo vào người thì không bị trúng đạn. Ta đã lấy ngọc ấy đeo vào cổ một con vịt rồi bắn thử thì nó chết ngay”.

    Đọc đi đọc lại vẫn phì cười. Mường tượng lúc vua nhỏng tai đi hóng truyện, tò mò cho tìm mua về, xong rồi hí hửng đem con vịt ra thí nghiệm. Dzậy mà cũng đem ra khoe được, mà kiểu đó nên mới có cái vạ miệng “Quần tiên hiến thọ”. Nhưng kể cũng lạ, Minh Mệnh chỉ ở Gia Định đến khi 11 tuổi, “tự do” đến 30 tuổi nhưng vẫn bị kèm chặt, bị bảo “hông ưa người Tây”, thế mà truyện bát quái ngũ phương tứ bể nào cũng biết là sao ?
     
    Xuân Nương thích bài này.
  19. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ V
    Trường An

    ◆ Vầng, thế quái nào mà triều đại mở cửa thông thương nhiều nhất, buôn bán thịnh vượng nhất, lại trở thành triều đại “bế quan tỏa cảng” được vậy ?

    ◆ Minh Mệnh đặc biệt chú ý đến quân phòng, nhung phục của người Pháp, hỏi rất cặn kẽ và dựa theo Pháp chế ra một loại ngù đeo vai cho võ quan. Những quan viên này thường nói trộm sau lưng vua : “Chúng mình là sĩ quan của Pha-lang-sa !”. Cái triều đình này thiệt… hài khó tả. Mà thời này vua cũng đã áp dụng đủ thứ của Tây như huân chương (được gọi là “kỷ lục”) để vinh danh chiến công.

    ◆ Vua từng cùng thị thần bàn việc học, nói rằng : “Trẫm từ khi làm thái tử, sau khi vấn an được nhàn rỗi, không làm việc gì, chỉ chăm xem sách. Phàm những sử Hán Đường Tống Nguyên Minh, không bộ nào là không xem ; nhưng tính trẫm không nhớ lâu, nên khi trò truyện, nghĩ đến việc cũ nhà Nguyên nhà Minh, có khi nhớ việc mà quên tên người, trẫm hỏi các khanh, cũng không trả lời được, có lẽ chưa đọc chăng ?”. Quang lộc Tự khanh Phan Huy Thực tâu rằng : “Từ đời Lê trở lại, những người học khoa hoạn chỉ đọc sử Hán Đường Tống làm lối tắt thi cử”. Vua phán : “Từ Nguyên Minh cho đến Đại Thanh có đến sáu, bảy trăm năm. Cứ nay mà xem thì từ Tống trở lên đã thành đời thái cổ rồi, mà kẻ học giả bỏ gần cầu xa là cớ làm sao ?”. Lại quay ra hỏi Thiêm sự Lê Văn Đức, thì họ Lê đáp rằng : “Thần cũng chỉ học văn cử nghiệp mà thôi !”. Vua lại phán : “Văn cử nghiệp khiến lầm người ta đã lâu. Trẫm cho rằng, văn chương vẫn không nhất định. Nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ sáo cũ, lên mặt với nhau, đứng riêng bè đảng, nhân phẩm lấy đấy làm cao thấp, khoa trường lấy đấy làm đỗ hỏng ; học hành như thế, lạ gì nhân tài mỗi ngày một kém ! Nhưng tập tục theo nhau, khó mà sửa đổi, vài năm nữa nên bàn sửa đổi”.

    ◆ (Quá lười tầm tra trích dẫn) Trong Thực Lục có nói, Minh Mệnh hỏi quần thần là tục dựng cây nêu dựa theo điển tích nào, các quan trả lời là chẳng dựa theo gì hết. Thế nghĩa là, cổ tích “Cây nêu ngày tết” đến hồi đó còn chưa xuất hiện. Mà trong truyện có nhắc đến bắp ngô, một giống lương thực chỉ được tìm thấy từ thế kỷ XVI-XVII ; thêm nữa, “con quỷ” được nhắc tới ở đây “bị đuổi ra biển”. Ai đó đã troll người Pháp bằng truyện này, rồi các bạn Pháp cũng rất “ngây thơ” chép lại và truyền bá như thật luôn.


    [​IMG]

    ◆ Vua từng xem sử sách đời Lê, bảo Phan Huy Thực rằng : “Trẫm xem cuối đời Lê Trịnh kỷ cương rối loạn, một việc kiêu binh lại là việc loạn lạ lùng, từ xưa chưa có, thực đáng thở dài. Trẫm từng nghe việc loạn ở nước Phú Lãng Sa, bắt đầu có người yêu quái truyền nói ở trong nước rằng : Phàm loài có miệng răng đầu tóc đều là người cả, sao lại để cho giàu nghèo không đều. Thế là ùa nhau nổi lên cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo để cho đều nhau, dần đến loạn to, so với việc kiêu binh cuối đời Lê việc cũng giống nhau. Nhưng đảng loạn nước Phú Lãng Sa cuối cùng bị diệt mà kiêu binh thì không từng có kết cục, lại như lọt lưới thì lạ thực” (Đây vua nhắc đến Đại Cách Mạng 1789 chăng ?).

    ◆ Trước kia người Phú Lãng Sa là Nguyễn Văn Chấn dâng hai cái ống nhòm bằng đồng của Tây dương, gọi là ống nhòm mặt trời. Vua để một cái ở trong cung, một cái cho Khâm Thiên giám, chưa có ai biết dùng. Vua từng khi rỗi đem xem biết được cách dùng, gọi Phan Huy Thực và Nguyễn Danh Giáp, bảo rằng : “Cái ống nhòm này, để bằng, để lệch, để cao, để thấp, độ số khác nhau, gần thì đo được núi non, xa thì xem được trời đất, rất là diệu kỳ”. Bèn chỉ vẽ cặn kẽ cho họ tự biết suy xét.

    ◆ Bổ người Tây dương là Phú-hoài-nhân làm Chánh thất phẩm thông dịch ti Hành nhân, Tây-hoài-hoa và Tây-hoài-hóa làm Tòng thất phẩm thông dịch ti Hành nhân, mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng, sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không được ra ngoài dạy học trò để truyền giáo (Bọn Hoài-nhân đều là tên họ vua đặt cho). Lại ban súng đạn nhỏ của Tây dương (cũng gọi là “Chưởng tâm lôi”) cho các đình thần.

    ◆ Thuyền buôn Phú Lãng Sa bị gió dạt vào cửa biển Đà Nẵng, xin đem thuyền ấy nộp cho nhà nước. Vua sắc cho Quảng Nam đem bạc kho trả cho đúng giá. Nhân sai Thống chế Nguyễn Tài Năng đốc suất lính và thợ sửa chữa thuyền ấy, đặt tên là thuyền An Dương.

    ◆ Vua lại bảo thị thần rằng : “Người có nước có hai việc sửa đức và thiết hiểm đều không thể thiếu được. Nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến. Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vụng Trà Sơn. Tàu ngoại quốc đến chỉ có thể đỗ ở đấy, mà chướng khí rất dữ, giếng độc hơn mười cái. Trước có tàu Tây dương tránh gió đến đấy, cuối cùng bị nước độc làm hại, do đấy mà nói rằng người ngoại quốc dù có muốn dòm ngó cũng không sao làm được. Hơn nữa do đó ta lại giữ được chỗ hiểm để có thể vận dụng tàu thuyền kia mà”.
     
    Xuân Nương thích bài này.
  20. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ VI
    Trường An

    Tham tri Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành là Nguyễn Công Tiệp dâng mật sớ rằng : “Nhân có sao chổi, ngu dân ở thành hạt bị những kẻ điên cuồng giảo quyệt mê hoặc xui giục, họp nhau làm giặc, xin sớm trừ đi”. Vua nói : “Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, chỉ lo còn một người dân đói rét, mỗi khi gặp tai thương đều để lòng vỗ về. Năm nay được mùa mà giặc cướp lại nhiều, rất đáng than thở”.

    → Được mùa cũng cướp, mất mùa cũng cướp.

    Năm này (1826) có sự kiện Phan Bá Vành dấy binh tạo phản. Vầng, năm nào tháng nào cũng thấy triều đình phát chẩn, mà được mùa một cái là họp nhau làm loạn. Đúng như Minh Mệnh nói khi trước “chỉ ăn rồi làm loạn” (sau này bác nghĩ lại chắc cũng thấy mình tốt quá phí công).

    Cơ mà, bọn Phan Bá Vành là hải tặc chớ chả “nông dân” gì ráo trọi, vì toàn thấy cử thủy binh ra đánh (Trích : Vua nghe tin ấy, dụ quan Bắc Thành rằng : “Giặc chỉ quấy rối ở đường thủy, không dám lên bộ. Nên theo đường thủy mà đánh dẹp mới chóng thành công”). Chưa kể, còn giao kết với quân Tàu Ô (hải tặc người Thanh). Ờ, đến Lê Văn Khôi còn là “nông dân” được thì hông nên kỳ vọng quá vào Việt sử. Đọc bài viết về Phan Bá Vành nửa đêm bò ra cười, cùng một cuốn sử mà phục trình hoang tưởng + xuyên tạc của người viết quá. Vui nhất là xếp Nguyễn Hữu Cầu cùng thời với Phan Bá Vành. Đúng là lừa “dân ngu [sử]” !

    “Nhờ” Phan Bá Vành mà ngộ ra là : “Mất mùa chúng làm loạn, được mùa chúng càng làm loạn to hơn. Mất mùa chỉ có cướp bé, được mùa thì làm loạn to”, hoặc do đã thấy mình bị khinh quá mức rồi, Minh Mệnh thay đổi to lớn từ đây. Ta bắt đầu thấy thái độ của vua khác trước, ra tay chém đinh chặt sắt không gườm.


    [​IMG]

    Mỗi lần Duyệt vào chầu, vua càng đãi hậu hơn lên, từng nói với thị thần là bọn Trần Văn Năng, Tống Phước Lương rằng : “Người ta nói Duyệt tính bướng, nay trẫm xem ra là người trung thuận, cái nghĩa thờ bề trên có sẵn lúc ngày thường. Thì ra cái tính bướng bỗng đã gột sạch, không ngờ lúc tuổi già lại tỉnh ngộ như thế”.

    Tả Tham tri Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành là Trần Nhật Vĩnh có tội phải hạ ngục. Vĩnh trước ở Gia Định, được Tổng trấn Lê Văn Duyệt tin dùng, cậy thế ăn của đút, thậm chí cướp vợ người, dỡ nhà, chiếm đoạt tài sản của người, người ta sợ nó tàn ngược không dám phát giác. Vĩnh đi nơi khác chưa đầy một tháng, nhân dân nộp đơn kiện rất nhiều. Duyệt thụ lý tất cả, già trẻ ai cũng reo mừng. Duyệt đem việc tham tâu lên, giải Vĩnh về để đối chất, xin phái quan kinh về hội xét. Lại làm tờ tâu nhận tội mình tin dùng phải người bậy, xin giao bộ nghị xử.

    Vua bảo bầy tôi rằng : “Duyệt trung thành có thừa, mà thiếu sáng suốt, đã vì kẻ gian lừa phỉnh đem lòng tin cậy thì vua cha ở trên đã nhắc bảo cũng vẫn mê không biết, nữa là liêu thuộc, có ai sửa chữa cho được. Đến lúc biết là lầm, hối không kịp nữa. Trần Nhật Vĩnh xuất thân hèn mọn, không dự khoa cử. Triều đình đã dùng làm đến chức này, mà dám luông tuồng làm bậy, tham lam bẩn thỉu, tội ác đầy rẫy, giá có trăm miệng cũng không thể cãi mà che giấu được, cần gì phải giải về để việc dằng dai ra. Tào thần nhiều người, tự trẫm chọn dùng, lẽ nào lại tự vì kẻ có tội tự chuốc tội lỗi, cần gì phải đợi phái quan kinh”.

    Vua dụ Lê Văn Duyệt rằng : “Trước kia khanh nghe lầm tà thuyết của Trần Nhật Vĩnh, nhiều việc sai bậy, những chương sớ tâu lên có nhiều điều không hợp, trẫm nghĩ công lao ngày trước của khanh mà không trách mắng. Nay khanh đã đến lúc bóng dâu buổi chiều còn biết hối lỗi trước, đem Trần Nhật Vĩnh nghiêm tham trừng trị và tâu xin nhận tội, tình từ thống thiết, trẫm đã thấu hết lòng khanh. Có lỗi mà biết đổi, thánh nhân còn tha, nữa là trẫm đối với khanh. Việc khanh xin nghị xử thì gia ân miễn cho. Vậy ban dụ này ân cần chỉ bảo cho được yên lòng. Từ nay về sau khanh nên càng kính giữ đạo làm tôi, hết lòng công trung, chọn người mà dùng, chọn lời mà theo, không nóng nẩy làm bậy, không riêng nghe một người, để giữ trọn lời khen, tiếng tốt, như thế mới xứng được lòng tốt của trẫm bảo toàn công thần đến vô cùng”.

    → Có lẽ Minh Mệnh nhận xét đúng, lỗi lớn nhất của Lê Văn Duyệt là “thiếu sáng suốt”. Tính khí họ Lê có lẽ giống Gia Long, kiểu người gì cũng tiếp nhận, nhưng lại không xét đoán được người. Lại thêm tính kiêu ngạo cho ý mình là nhất nên trừ phi sai rành rành thì thôi, bằng không thì chẳng chịu nghe ai (người kiêu ngạo thường có thêm thuộc tính thích nghe nịnh). Nên thân tín của Lê Văn Duyệt lại thường là bọn nhân phẩm “có vấn đề”. Đến sau này sự biến phát ra, mới bị đem xử tội dùng người bừa bãi, chứa chấp trong thành toàn là bọn tù bị đưa đi đày, thân tín thì lại toàn bọn thổ mục mà họ Lê “thu lượm” được trên đường hành quân (như Lê Văn Khôi là con nuôi, vốn họ Nông và thuộc sắc tộc thiểu số).
     
    Xuân Nương thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này