Trà phiếm Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục 錄寔帝皇仁祖聖

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Jannik, 18/8/21.

Moderators: amylee
  1. Jannik

    Jannik Banned

    CHÉP VIỆC NHỮNG NĂM MINH-MỆNH
    KÌ VII
    Trường An

    Thông qua những vụ xử án của Minh Mệnh, cùng với dư đảng Tây Sơn còn ghi trong Thực Lục, cho thấy án tru di thời Nguyễn chỉ tính anh em con cháu bên nội, một số trường hợp còn không liên quan tới cháu, mà cháu ở đây là trực hệ chứ không phải cháu họ xa quá hai tầng, riêng đàn bà thì tha hết. So với cái án tru di Nguyễn Trãi thời Lê thì nhẹ hơn nhiều.

    [​IMG]

    Mà đọc mới thấy nhiều “sử gia” bố nháo về việc “tận diệt” dòng giống Tây Sơn. Con cháu Bùi Đắc Tuyên - họ ngoại của vua Quang Toản, còn sống sờ sờ, nghĩa là cái án này không xử bên ngoại. Sau vì dính án che giấu con Nguyễn Nhạc (có thể là cả con trai Trần Quang Diệu), lôi ra nào là “thân thuộc, con gái ngụy” để luận tội, và mềnh đã bảo là không xử con gái mà. Nhưng, ờ, hóa ra Trần Quang Diệu có con riêng, chia buồn với ai tôn thờ cặp uyên ương Xuân-Diệu. Chắc chắn đây là con riêng chứ bằng không chẳng thể nào xử đứa con gái và để lọt lưới đứa con trai, ờ mà, vậy đứa con gái này bị xử vì lý do gì ta ? (*tưởng tượng* Ở trong ngục, chồng bảo vợ : “Chúng ta chết cũng không sao đâu, vì ta có con nối dõi được giấu đi rồi”. vợ : “Á à, lúc tôi còn đang bận đánh nhau phò vua cứu ông, ông lại đi ăn chả bên ngoài, còn có thêm thằng con. *quay sang con gái, nước mắt ròng ròng* Thôi con ơi, thế thì mẹ con ta cùng chết”) Có thể đứa con gái này cũng học võ, có một nhiệm vụ hoặc chức vụ nào đó, gái 15 tuổi thời ấy là lớn lắm rồi.

    Chính Minh Mệnh cũng từng nói “ngay cả dòng dõi Tây Sơn ta cũng không tận diệt” trước khi phát hiện cái nhánh còn sống sót này lén nuôi dòng dõi Nhạc-Diệu. Mà tính khí Minh Mệnh thường ngày có thể rất rộng rãi, miễn là đừng ai qua mặt bác, làm trò qua mặt bác thì… hậu quả kinh khủng lắm. Mà đùa chứ, trong thời Nguyễn thì địa phương trung thành ngoan ngoãn nhất là… Bình Định. Chỗ nào cũng xảy truyện ít nhất một lần, riêng Bình Định yên phăng phắc luôn. Hễ có giặc (như lúc Xiêm xâm phạm) thì quan viên Bình Định lại giơ tay xin đi ngay lập tức, quân sĩ Bình Định còn vô cùng hăng hái nữa cơ.

    Túm lại thì Minh Mệnh có biểu hiện của một SoT [?] điển hình. Dễ nóng đùng đùng nhưng cũng dễ nguôi, những cách xử sự của Minh Mệnh so sánh trước sau nhiều khi… như hai người khác luôn. Giận thì đem hết anh em của tướng giặc ra chém, lúc nguôi thì túm được đứa khác lại lắc đầu “tội của cha anh nó, liên quan gì đến nó”. Nhất là nhiều khi Minh Mệnh chỉ có cái miệng độc địa xỉa xói người ta thôi, chứ án lại giơ cao đánh khẽ (như với Lê Văn Duyệt). Lợi hại nhất là từ đầu đến giờ, chưa thấy ai cãi lại, nói lại được bác. Việc gì bác cũng có thể lôi từ kinh sách 18 đời cho đến thiên văn địa lý, kinh tế chính trị thời sự ra biện hộ được hết.
     
  2. Jannik

    Jannik Banned

    [1840] Canh Tí, Minh Mệnh năm thứ 21, Thanh Đạo Quang năm thứ 20. Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 1.

    Vua thân đến điện Phụng Tiên làm lễ cáo yết. Ngày hôm trước, vua ngự điện Văn Minh, khóc bảo thị thần Trương Đăng Quế rằng : “Ta trước nhân hai lần bị cảm mạo, nằm chiêm bao thấy tiên đế ngự triều, lòng ta khôn xiết thương cảm, muốn rảo lên trước để chầu hầu, lại có ý sợ hãi không yên, không dám tiến lên. Từ đó chứng bệnh liền khỏi. Dẫu là công hiệu về dùng thuốc, nhưng cũng nhờ anh linh của tiên đế ở trên trời ngấm ngầm giúp đỡ, nên mới chóng khỏi được như thế”. Hôm ấy, làm lễ cáo yết xong, vua lại đến cung Từ Thọ lạy hầu.

    Vua ngự điện Văn Minh, sai thị thần là Trương Đăng Quế đọc bài thơ ngự chế và bảo rằng : “Thơ là để rèn luyện linh tính còn hơn các sở thích khác. Nhưng việc học của đế vương khác với thư sinh, dẫu trong khi ngâm vịnh, cũng có ngụ ý làm chủ nước, yêu nuôi dân. Nếu không thế, cũng là một văn sĩ thôi, thì có quý gì ? Ta xem thơ của đế vương đời xưa, duy có Đường Văn Hoàng là hơn cả. Về lời lẽ ý tứ khéo léo, đẹp đẽ, cách điệu mới mẻ lạ lùng, không phải người ta có thể theo kịp. Nhưng ở trong phần nhiều là ý vị về cảnh lâm tuyền, không phải khí tượng đế vương miếu đường, cùng tựa như bọn văn sĩ tranh lạ đua khéo thôi. Còn thơ của Càn Long nhà Thanh phần nhiều ép gượng, bỉ lậu, không đáng nói đến, mà người thị tụng bấy giờ không có một ai sửa nắn lại, đến nay đọc đến, chỉ là cái trò cười. Vì thế, ta mỗi khi trước tác, đều đem bàn với bọn khanh, đó là muốn tham khảo ý kiến của nhiều người. Mà bọn khanh không có nói ý kiến gì lạ, chả biết thơ của ta, quả đã điển nhã có thể truyền cho đời sau được hay không ? Người xưa làm văn không thể thêm được một chữ, không thể bớt được một chữ làm quý, như thơ cổ có câu ‘Tế vũ ngư nhi xuất ; Vi phong yến tử tà’ nghĩa là ‘Mưa lún phún, con cá bơi ra ; Gió hây hẩy, chim én lượn thấp’. Người sau khen là tác phẩm hay hơn cả, tự ta xem ra, chữ ‘xuất’ không bằng dùng chữ ‘thướng’, hai chữ ‘nhi, tử’ cũng là bổ thêm cho đủ chữ, há chẳng là còn có thể bỏ bớt đi được ư ?”.

    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    Xuân Nương thích bài này.
  3. Jannik

    Jannik Banned

    [1831] Tân Mão, Minh Mệnh năm thứ 12, Thanh Đạo Quang năm thứ 11. Mùa xuân, tháng Giêng.

    Sai khắc bản Ngự chế thi văn sơ tập. Trước, lục bộ và Nội các tâu xin xem các bài thơ văn ngự chế từ năm Minh Mệnh thứ 11 trở về trước và khắc bản in làm sơ tập để sáng tỏ nền văn trị, vua không cho. Đến nay lại cùng xin lại, vua bèn cho.

    Vua thân làm bài tựa tập thơ rằng : “Thơ ta làm ra, từ năm Bính Tuất trở về trước, cũng có một đôi bài coi ra còn nhạt nhẽo, rồi cũng mất mát đi. Từ năm Đinh Hợi về sau, gặp việc là cầm bút, thơ ngày một nhiều không nỡ bỏ đi, mới sai chép thành tập, là tạm để làm vui khi rỗi việc đó thôi. Đã có lời xin đem khắc bản in, ta không cho, vì tự nghĩ, những thơ ta làm đó phần nhiều là mình tự dạy mình về đạo kính trời yêu dân, so sánh lúc tạnh lúc mưa để xem thời tiết, không có lời hoa hòe chải chuốt để cho người ta thích nghe. Không như cái học của thư sinh, tìm từng chương trích từng câu mà muốn đua đẹp tranh hay với các văn nhân mặc khách đâu. Vả lại, các bậc đế vương từ xưa làm thơ văn phần nhiều là mượn những kẻ từ thần. Theo ý ta xem thì tuy chốn Hàn lâm Bí các là để thay lời vua nói, dùng vào cáo sắc mệnh lệnh thì được, còn như văn thơ thì vốn là gốc ở lòng phát tự chí, nếu có người làm thay thì không phải là chí của mình, hà tất lại nhận cái hư danh ấy làm gì. Huống chi vua chúa không phải lấy việc hay thơ làm chức vụ. Ngu-Thuấn ngày xưa có làm thơ đâu, mà người ta phải khen Ngu-Thuấn. Thế mới biết thơ văn là một việc thừa đó thôi, việc gì phải khoe tài bằng thơ mà mượn người làm thay làm gì. Cho nên thơ văn ta làm, một chữ một câu đều do tự ý mình, tôi con trong triều đều biết cả. Năm ngoái sáu bộ và Nội các cùng nhau khẩn khoản xin khắc in sơ tập thi văn ngự chế, ta cũng chưa cho. Nay lại xin. Ta nghĩ nếu không cho làm thì phụ lòng mong muốn của người ta mong muốn, mà gần như là kiểu cách. Nước Việt ta vốn có tiếng là nước văn hiến, từ các triều xưa dựng nước cũng đã có nhiều bậc vua chúa tài giỏi, những thơ văn làm ra tất nhiên phải có, mà sách vở không chép, đến nay vẫn thiếu, chỉ có Lê Thánh Tông trước thuật rất nhiều, một vài bài còn lại, người ta đọc lấy làm khoái chá, truyền tụng đến nay, nhưng tiếc là cũng tản mát, không thành tập thành quyển, lại không có bản in để lại. Nay nếu đem những thơ văn ngự chế ban ra thì cũng là một việc hay trong làng văn nghệ nước ta, theo lẽ không có gì là hại, vì thế chuẩn cho làm như lời thỉnh cầu. Hãy đơn cử một việc mà nói : Trẫm hằng ngày lúc nào rỗi việc một chút cũng còn chăm việc thi thư, huống chi những kẻ văn học, lấy đấy mà được hiển vinh, nổi tiếng há lại chẳng lo dùi mài cố gắng sao ? Lấy điều ấy mà biết cảm phát phấn khởi mà đến được chỗ thành công thì tập thơ này cũng có ích cho bọn văn học các ngươi vậy”.

    Vua lại dụ Nội các rằng : “Trong bản ‘Ngự chế văn sơ tập’ có các bài dụ chỉ do tay ta soạn năm trước đặt ở đầu quyển thì cứ thế mà khắc in cũng đủ, bất tất phải làm tựa”.

    Tìm mua thơ văn của Lê Thánh Tông.

    Vua dụ cho Nội các rằng : “Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền đời đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có. Những phép hay chính tốt chép cả ở trong sử sách, lại còn khi rảnh việc thì lấy văn nghệ làm vui, trước tác rất nhiều, tiếng hay phong nhã vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người. Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến. Tuy đời đã xa, lời nói đã mất, văn chương tuy đã tản mát, nhưng ở trong nho lâm chăm học tất vẫn có người trân trọng giữ gìn. Nay trẫm muốn tìm cho khắc in để lại lâu dài muôn đời bất hủ. Vậy ra lệnh cho quan Lễ bộ, tư hỏi Bắc Thành và các trấn Thanh, Nghệ, Ninh Bình phàm những nhà quan lại sĩ dân, ai còn giữ được những tập thơ văn ngự chế về đời Hồng Đức đều đưa đến cho quan sao chép, thu góp lại để khắc in truyền khắp trong nước, để nêu cái tốt đẹp của tiền nhân, lưu một việc hay trong rừng văn nghệ”.


    【Thánh-tổ Nhơn hoàng-đế thực-lục】

    [​IMG]
     
    TRANPHAI and Xuân Nương like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này