TUẦN HUẤN-NHỤCThiên tùy-bút của tác-giả Trần-tuấn-Kiệt, thuật lại thời-điểm 1972 khi ông còn là tân khóa-sinh trường Bộ-binh Thủ-đức Cả chục chiếc xe nhà binh GMC chở 800 Tân Khóa Sinh vừa xấn vào sân cỏ rộng lớn Vũ Đình Trường thì cả bầy Huynh Trưởng đã nhào tới sủa ỏm tỏi : - Chào mừng Đàn Em đến Thủ Đức! Toàn tiếng la chứ không có tiếng nói: - Đàn em nầy quờ quạng yếu đuối quá! - Hít đất ! Vào thế ! - Vào thế ! - 20 cái đi ông ! Bên kia thì : - Ông nầy nghe ông ! Nhảy xổm vào thế ! - Vào thế ! Đàn anh quánh thế phủ đầu đàn em khiếp đảm. Cứ : - Ông nầy nghe ông ! Là có : - Vào thế ! Ỏm tỏi cả Vũ Đình Trường rộng lớn ! Không con chim nào dám lởn vởn lanh quanh! Bỗng tiếng thét rùng rợn : - Bên trái làm chuẩn, bốn hàng ngang, mười hàng dọc! Nhìn trước! Thẳng! Đám đàn em lụi cụi đứng dậy quẩy bọc xắc-ma-ren, túi vải lớn đựng quần áo và vật dụng gia tài lên vai dớn dác lăng xăng xếp hàng. Đám huynh trưởng lại hè nhau hét : - Ông nầy xếp hàng vào đây! - Ông kia xếp hàng sau lưng! - Đàn em còn quờ quạng lắm! - Ba mươi giây coi ông! - Nghiêm! - Thao diễn... Nghỉ! - Nghiêm! Nghiêm! Thao diễn! Nghỉ! Cứ nghiêm nghỉ như vậy, mà xẹt xẹt ba mươi giây đám huynh trưởng đã chia 800 khóa sinh làm thành 4 khối hình chữ nhật, tức là 4 Đại Đội hay một Tiểu Đoàn và là một khóa học huấn luyện thành Sĩ Quan cấp bậc nhí nhất trong hàng ngũ sĩ quan : Chuẩn Úy. Và vẫn thường hay có chữ Sữa theo sau chữ Chuẩn Úy vì tuổi lính còn non choẹt. - Đàn em chuẩn bị? - Sẵn sàng! - Ba lô? - Lên! - Đằng trước, chạy đều. Bước! - Một! Một! Một Hai Ba Bốn! Một! Tiếng đếm Một của đàn anh rơi vào chân bên trái của đàn em nhịp xuống. Sân Vũ Đình Trường sân cát, đường vòng quanh hình bầu dục dài được trải nhựa. Tiếng rầm rập của giầy bốt đàn em đang nện xuống theo nhịp chạy quân hành. Đây khúc ca vang trong quân trường đầy hào hùng, Vai ghé vai ta thi tài trong tình quân ngũ. Đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm Một hai ba bốn, một hai ba bốn... Đám đàn em vừa khệ nệ cái xắc-ma-ren vừa thở phì phò vừa chạy vừa ca. Con đường vòng quanh thật dài. Con đường tương lai binh nghiệp nhắm chừng còn dài hơn gấp bội ! Rầm rập! Rầm rập! Một Hai Ba Bốn! Một Hai Ba Bốn! Thở! Thở! Nóng! Nóng! Mồ hôi chảy! Vòng thứ nhất, tuổi trẻ còn gân! Vòng thứ hai, tiếng ca nhỏ lại. - Đàn em quờ quạng! Đàn em đàn bà! Ca to như huynh trưởng nè! Năm, mười ông, hai ba chục ông huynh trưởng vừa hét vừa la. Thủ Đức chỉ có dăm câu đầu môi thuộc lòng : - Quờ quạng! - Ba mươi giây! - Hét to như huynh trưởng nè ông! - Làm cho huynh trưởng coi! - Ông hổng có tự tin hả ông? - Ông nầy nghe ông! - Cứ nghe : Ông nầy nghe ông, là biết có chuyện! Vòng thứ ba, đàn em bá thở đàn em té lụi đụi. Có ông té thiệt, có ông té vờ. Tui cũng vờ mà té. Hổng té trước cũng té sau. Nằm đó thở, hí hí mắt coi tình hình có êm dịu? Đám huynh trưởng, vài người chạy trước đoàn quân, hai ba gã chạy song song, vài gã chạy sau lưng. Hễ có đàn em nào té cái đụi là có huynh trưởng tới liền nạt nộ : - Đàn em giả bộ hả? Đứng lên coi! Đàn em yếu đuối! Đứng lên! Có thằng đàn em bẽn lẽn cười cười đứng lên chạy tiếp. Có thằng đàn em phì phò sôi nước bọt trợn con mắt. Huynh trưởng ngó ngó thấy còn sống thì huynh trưởng tiếp tục chạy theo đoàn quân. Đoàn quân theo số vòng sân tăng lên, số đàn em rơi rụng cũng tăng theo. - Đứng lại! Đứng! - Nghiêm! - Thao diễn... Nghỉ! Lại tiếng thét: - Đàn em đó nghe! Đàn em yếu đuối! Huynh trưởng nè! Huynh trưởng chạy 80 vòng cũng chưa mệt! Đàn anh cũng xạo dữ! - Tan hàng! - Cố gắng! Đám đàn em tản ra nằm dài hai bên đường nhựa, phì phèo thở. Chưa đủ ba mươi giây thì có tiếng thét : - Đại đội! Tập hợp! - Bên trái làm chuẩn! Nhìn trước! Thẳng! Huynh Trưởng đưa một đại đội hai trăm thằng đàn em về doanh trại, mở đầu cho Tuần Huấn Nhục. Đó chỉ mới là Chào Sân. Sân Đại Đội 34, sân đất hình chữ nhật, bốn Trung Đội xếp thành hàng chữ U, có cái đáy ngang dài gấp đôi hai cái nét xổ xuống, mỗi Trung Đội vậy là có 50 cái đầu húi cua đang ngơ ngác ngỡ ngàng chờ cơn giông đến. Cơn giông đến ngay tức khắc : - Trung Đội Một ! Nghe lệnh tôi ! Bên trái làm chuẩn ! Ông đứng bên tay trái của đoàn quân được một huynh trưởng đẩy vào một vị trí cố định bèn đưa thẳng cánh tay trái lên, để mấy con gà tử mị còn lại nhìn theo điểm chuẩn ấy mà xếp hàng. - Bốn hàng ngang, mười hai hàng dọc. Nhìn trước ! Thẳng ! Bây giờ nhơn qua nhơn lại là mới có 48 chàng tuổi trẻ đẹp trai, còn dư hai em ! Hổng lẽ Quân Đội gửi về lại với cha mẹ ? Hông ! Huynh Trưởng Thủ Đức chơi nhét hai em đó vào sau lưng hai hàng cuối. Tuổi trẻ nào cũng có chỗ đứng để phụng sự tổ quốc. - Bên trái ! Quay ! Đàn em quính quíu, đàn em xoay trái. Có đàn em quíu hơn nữa, đàn em xoay qua... phải ! Huynh trưởng nhào tới nạt nộ liền : - Đàn em quờ quạng hả ? Đàn em không biết phải trái hả ? Bước ra đây coi ông ! Huynh Trưởng muốn đàn em đưa tay phải lên rồi la lớn : Đây là tay phải ! Rồi đưa tay trái lên : Đây là tay trái ! Hai chục lần đi ông !! - Tuân lệnh ! Đây là tay phải của tôi ! Đây là tay trái của tôi ! Đây là tay phải của tôi ! Đây là... Đây là...!! Tự nhiên trong buổi chiều vàng hanh nắng dưới bóng râm của tàn cây bã đậu, có chàng tuổi trẻ vung tay thề nguyện phải trái với quê hương. - Trung Đội Hai ! Nghe lệnh tôi ! - Trung Đội Ba ! Nghe lệnh tôi ! - Trung Đội Bốn ! Nghe lệnh tôi ! Xẹt xẹt ! Ba mươi giây, 6 Huynh Trưởng hướng dẫn đã xấp xếp Đại Đội thành hình chữ U đối diện nhau, nhìn về cùng một hướng! Hướng kỷ luật ! Trên bục gỗ cao có ông Huynh Trưởng quân phục chỉnh tề ủi hồ bóng loáng, uy nghi thẳng người thế nghiêm, hai tay thả dọc bên hông, hai ngón tay cái duỗi thẳng theo hàng chỉ của ống quần, trong khi bốn ngón tay kia nắm lại. Huynh Trưởng đôi giày láng cón, lấy tay quơ quơ thấy được phản xạ lung linh. Năm Huynh Trưởng kia cũng cùng một nhân dáng uy nghi nể vì. Huynh Trưởng trên bục thót bụng, ưỡn ngực thét lớn, người rung rinh : - Đại Đội ! Theo lệnh tôi ! Hàng sau bước lùi hai bước ! Bước ! Vậy thì đoàn quân đã được mở rộng khoảng cách, để : - Hít đất vào thế ! - Vào thế ! -Một ! Xuống - Lên ! - Hai ! Xuống Hai trăm con người rạp trên sân cát, nhấp nhổm cái mông, học bài Nạn Chung ! Chiều tàn tàn, chiều chưa tối. Huynh Trưởng dẫn đàn em đi ăn nhà hàng. - Rầm Rập ! Rầm Rập ! - Một Hai ! Một Hai Ba Bốn ! Tuần Huấn Nhục, đàn em không biết đi ! Đàn em phải chạy đều khi di chuyển trong doanh trại. Doanh trại rộng rãi và đẹp đẽ, nhiều hàng cây bã đậu mọc đều thẳng tắp hai bên những con đường trải nhựa sạch sẽ, có vô số khóm hoa tươi sắc màu như an ủi cho đời binh nghiệp bớt khô cằn hơn. Huynh Trưởng hướng dẫn là Đại Huynh Trưởng. Còn Siêu Huynh Trưởng thì sắp sửa rời trường đi nhận đơn vị nên mặt ông nào ông nấy như cái bánh bao, đầy vẻ suy tư lo âu. Nhất là những ông chọn đơn vị tác chiến thì thư tình, di chúc viết tá lả phòng ngừa cho những trường hợp tệ nhất ! Còn đâu những tuần về phép, mặc đồ vàng, giầy láng bóng, dây biểu chương vắt vai, đưa em vào quán nước kể chuyện tình thơ ! Siêu Huynh Trưởng đi đứng phất phơ, chẳng buồn phạt ai ! Đại Huynh Trưởng thì như con diều đang lên, thả nút chặn khắp nẻo đường doanh trại khi chiều về, chận các khóa đàn em đang thả rong xuống Khu Gia Binh uống cà phê cà pháo để kiểm soát quân phục và quân phong hay để phạt chơi chơi vậy hà ! Phân biệt nhau là màu bảng tên trên áo và màu khăn Tiểu Đoàn. Di chuyển trong doanh trại không được đi một mình. Phải nhập bọn hai người trở lên. Người đi trước có nhiệm vụ đếm nhịp và chào kính khóa đàn anh hay sĩ quan cơ hữu. Trên hai người thì phải có người đi ngoài hàng làm nhiệm vụ đó . Tới Nhà Ăn. - Đại Đội theo lệnh tôi ! Nón ? Tất cả đồng thanh thét to : - Xuống ! Cúi xuống cho đều, đặt nón sắt ngay trước mũi bàn chân mình. Cúi xuống không đều hả ? : - Nón ? - Lên ! Cúi xuống, cúi xuống cho đều hả ? Đứng lên, đứng lên cho đồng hả ? Cũng vẫn là Cúi Xuống Đứng Lên chục bận. Huynh Trưởng biểu : Làm vậy ăn cơm ngon hơn ! - Một hàng dọc ! Đằng trước ! Bước ! Lên bậc tam cấp phải chào nhà hàng một cái, tỏ lòng cám ơn Nhà Bếp công khó lửa củi. Công em chụm củi nấu khoai Khơi thêm lửa bếp tro tàn bay xa Mắt em ướt thấm vành mi Vì tro tàn ấy hay là vắng anh ? Một hàng dọc đi vào. Im lặng tuyệt đối ! Im lặng tuyệt đối ! Không hả ? Cả bọn lãnh đủ. Lại Nạn Chung ! Nhiều dãy bàn dài, thức ăn dọn sẵn. Những băng ghế ngắn vừa đủ bốn người, đặt dưới gầm bàn. Mọi người vào hết, vẫn còn hướng mặt về cuối phòng. Đứng đó ! Thế nghiêm ! Đợi ! - Đại Đội theo lệnh tôi ! Tiếng thét của ông Huynh Trưởng như tiếng gầm sấm sét, ông nào cũng có buồng phổi to ! - Hàng bên trái làm chuẩn ! 1,3,5,7 ! Hàng lẽ ! Bên phải ! Quay ! - Hàng chẳn ! Bên trái ! Quay ! Xẹt ! Xẹt ! Huynh Trưởng đã hóa phép cho đàn em đối diện nhau qua mâm thực phẩm. Đàn em sáng giờ đói bụng muốn xỉu. Bị chạy Một Hai Ba Bốn, bị bò lết, bị nhẩy xổm, bị nhảy dựng, bị vào thế tối tăm mặt mũi. Nay, trước mặt, món đồ xào lòng heo nức nở, món canh mướp ngọt lịm vô ngần, mùi tiêu sọ xay nhuyễn bức lên rụng mũi. Vậy mà ! Huynh Trưởng vẫn chơi cái tình vờ : - Ghế chuẩn bị ? - Ghế sẵn sàng ! - Ghế ? - Ra ! Bốn chú đàn em mặt mày bơ phờ, thò ra mỗi người hai cánh tay, tổng cộng là 8 nhẹ nhàng khiêng cái băng ghế ra. Không một tiếng động nha ! Không một cái kẹt nha ! Mà một hàng ghế đó phải thẳng thớm nha ! Một cái rẹt của tiếng ghế hả ? Thì : - Ghế chuẩn bị ? - Ghế sẵn sàng ! - Ghế ? - Vô ! Lại khởi sự từ đầu ! Hai trăm đàn em khốn khổ nín thở làm hài lòng Huynh Trưởng. Để : - Chân trái bước tới một bước ! Bước ! Hai trăm cái chân trái đồng loạt bước qua băng ghế. Không một tiếng động à nha ! Tiếng động hả ??? - Chân phải bước tới một bước ! Bước ! Vậy là hai chân đã lọt được vào giữa cái ghế và cái bàn có buổi cơm hấp dẫn đang mời mọc. Đừng đàn em nào quờ quạng làm rầm rầm ngheo ! Phải trở lại từ đầu thì gõ hoài từ đây đến sáng cũng chưa hết chuyện ăn cơm ! - Ngồi ? - Xuống ! - Đứng ? - Lên ! Lại còn cái lấp lửng giễu cợt đứng lên ngồi xuống dăm ba lần, để chắc chắn đàn em phục tùng Huynh Trưởng, phục tùng kỷ luật nhà binh ! - Mời đàn em dùng cơm ! Hai trăm con người hớn hở đồng thanh hét to : - Mời Huynh Trưởng dùng cơm ! Bữa cơm đầu ! Bữa cơm trần ai ! Như nhiều bữa cơm đời, trệu trạo không trôi ! Gọi là tuần huấn nhục, chứ thật sự nó kéo dài gần cả tháng. Không ngày nào giống ngày nào, vì hôm nay có thể bị hít đất thì ngày mai có thể bị nhảy xổm. Chỉ có điều giống nhau là : Ngày nào cũng bị phạt từ sáng sớm đến tối mịt. Có nhiều đàn em bị phạt ô vờ tham - over time - nữa, gọi là dã chiến. Huynh Trưởng suốt thời gian đó, chỉ trao tặng đàn em chữ : Phạt ! Đàn em suốt thời gian đó, chỉ nghiền ngẫm mỗi một chữ : Chịu ! Hoét ! Hoét ! Hoét ! Tiếng tu huýt hoét lên õm tỏi, trời chưa sáng, sương còn e lệ chưa tan. Huynh Trưởng đã hùng hổ rần rộ xông vào 4 phòng ngũ của 4 Trung Đội đánh thức đàn em dậy : - Tập hợp ! Tập hợp ! - Hoét Hoét ! Hoét Hoét ! Giấc ngũ không mộng mơ, giấc ngũ vùi vì mệt mỏi của ngày hôm qua hao tổn thể lực bị mấy cái họng oang oang của Huynh Trưởng dựng đầu dậy. Đàn em hoảng hồn, đàn em mất vía, đàn em mắt nhắm mắt mở chạy ra tập hợp. Cũng giọng thét vang uy quyền : - Đại Đội ! Theo lệnh tôi ! Đằng trước chạy đều ! Bước ! Cũng con đường trãi nhựa bao quanh Vũ Đình Trường, con đường chạy bộ tập thể dục buổi sáng của tất cả Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức ngay từ ngày đầu tiên mới vô mãi cho đến ngày cuối cùng mãn khóa. Con đường thật phẳng thật đẹp thật mát, con đường đó chỉ đến ngày mãn khóa mới trở thành con đường tình tự, đôi tình nhân tay nắm, bước bên nhau lần cuối giã từ. Con đường mà thân quyến các Tân Chuẩn Úy trầm trồ khen ngợi, chứ không biết rằng bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống trong bao nhiêu tháng ngày để con đường láng bóng hơn. Còn thì, con đường đó là con đường sửa soạn cho thanh niên tuổi trẻ chập chững bước vào trách nhiệm, phụ gánh gồng Tổ Quốc cùng đàn anh. Rầm Rập ! Rầm Rập ! Một Hai Ba Bốn ! Quân trường đổ mồ hôi Một ! Chiến trường bớt đổ máu Cố lên ! Cố lên ! Dù nhọc nhằn ! Đem mồ hôi pha máu hồng, viết thành sử xanh Một Hai Ba Bốn ! Một Hai Ba Bốn ! Từng Đại Đội, từng Đại Đội tiếp nối nhau đếm nhịp chạy đều, giọng quân ca trầm hùng trong buổi sáng tinh mơ nghe vòng vọng như sóng thủy triều cuồn cuộn ngân nga. Bao nhiêu con chim mê ngủ bổng giật mình thức giấc, kêu quát một tiếng ngạc nhiên rồi vỗ cánh bay mất. Hai vòng Vũ Đình Trường đối với tuổi trẻ bây giờ dể dàng như giấc hiu hiu. Mồ hôi ra tí xíu ! Đoàn quân về lại sân Đại Đội. Vẫn như thường lệ, Huynh Trưởng hướng dẫn không biết nói, chỉ biết hét: - Đàn em đó! Ngưng chút để thở : - Đàn em có 30 phút làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Tan hàng ! - Cố gắng ! Đàn em túa ra thật lẹ, cố gắng cho thật nhanh vì đàn em biết sau 30 phút tự do phù du nầy, thì Cơn Bão Sẽ Đến. Cơn bão đến, cơn bão thịnh nộ dử dằn ! Cơn bão quát : - Nghiêm ! Âm "iêm" vang vọng xa xa... treo trong không khí, lọt vào lổ nhĩ, đàn em cứng mình ưởn ngực không dám phì phò thở. - Ông nầy nghe ông ! Âm "ông" kéo dài gần bằng âm "iêm", đàn em mất vía, đàn em muốn nhắm mắt lại để đừng thấy tai họa giáng xuống đầu mình. - Ông bước ra đây, trình diện Huynh Trưởng coi ông ! - Tân Khóa Sinh Tám Mõ Lết, số quân 123456 trình diện Huynh Trưởng. Chờ lệnh ! - Ông nói nhỏ quá ông! Ông đang ngâm thơ hả ? Ông lại trình diện gốc bã đậu 20 lần coi ông ! Ông hét cho lá đổ coi ông ! Năm, sáu đàn em đang xúm quanh cây bã đậu trợn mắt hét to, mong cho lá đổ. Lá bã đậu xanh mun, cuối xuống nhìn đàn em, ái ngại ! - Huynh Trưởng kêu đứng nghiêm, mà ông nhúc nhích hả ông ? Trùm poncho đi ông ! Đàn em ba lô, nón sắt, trùm nguyên cái poncho, vác súng leo lên mô đất cao, cùng với năm bảy ông đứng sẳn, tay bắt súng chào, làm tượng đá chơi vơi giữa trời trưa chiếu nóng. Anh một đời đứng nghiêm Canh em giấc ngũ Anh một đời yên lặng Ngắm mi em cong Anh một đời lở dở Nhìn bước em đi Anh còn ở lại Tượng đời bơ vơ. - Ông hít đất kiểu gì kỳ vậy ông ? Đàn em ma giáo hả ? Đàn em đưa súng lên trời, chạy 20 vòng sân Đại Đội : Tui không ma giáo nữa đi ông ! Đàn em tham gia vào bảy, tám ông đang sòng sọc hai tay cầm khẩu súng đưa lên khỏi đầu, chạy vòng vòng sân Đại Đội : Tui không ma giáo nữa ! Tui không ma giáo nữa ! Nếu ma giáo được, tui xin chơi liền ! - Đàn em biết chào tay hông ông ? Chào như Huynh Trưởng nè ! Người đứng thẳng, ngực ưởn ra, bụng thót lại. Tay phải duỗi thẳng về bên phải, tạo góc 90 độ ở nách. Gấp khúc tay từ khuỷu đến bàn vào ngay đuôi chân mày, ngón cái xếp lại, bốn ngón kia thẳng ra. - Sao mu đàn em cong cong vậy ông ? Đàn em là thục nữ hả ? Đàn em lại đập tay vô cây bã đậu cho nó thẳng ra đi ông : Tui không phải là thục nữ đi ông ! Thân cây bã đậu nhiều mục gai lổm chổm, nhưng với thời gian, một khoảng bóng loáng hiện ra, không một mục gai nào mọc lên nổi. Ít nhất những khóa đàn anh đã dọn dẹp được giùm một số nhăn nhó của cuộc đời. - Bốp ! Tui không phải là thục nữ ! - Bẹp ! Tui không phải là thục nữ ! - Thụt ! Tui thì yêu thục nữ ! - Đàn em hổng biết đếm hả ông ? Đàn em cầm que diêm này đo hết sân Đại Đội cho Huynh Trưởng coi coi ông ! Đàn em nhập bọn với bảy tám ông khác đang lết lết tẩn mẩn đo sân cát Đại Đội bằng que diêm quẹt. - Tân Khóa Sinh Lê Dử Dội, số quân... trình diện Huynh Trưởng. Xin nói ! - Nói đi ông ! - Thưa Huynh Trưởng, đàn em đo được mười ngàn lẻ sáu que diêm. - Đàn em đo quờ quạng ! Hồi đó Huynh Trưởng đo, đâu phải mười ngàn lẻ sáu đâu ông ? Đo lại đi ông ! Thiệt tình ! Đến bây giờ, tui cũng vẫn còn tin là mười ngàn lẻ sáu, nhưng ai biết được ai đo thật ai đo vờ ! Vậy thì trên sân cát Đại Đội, cảnh tượng thật um xùm kẻ khóc người la, kẻ phân trần với gốc bã đậu về giới tính của mình, người chạy vòng quanh hứa hẹn, ông thì trầm ngâm đứng lặng giữa trời, còn đa số là đang đứng nghiêm chết lặng đợi mở hàng học bài Chịu Chung. Có nhiều lần bị quần thê thảm, tui liếc con mắt lén nhìn Huynh Trưởng : Tao nhớ mặt mầy rồi ! Mai mốt gặp ở đâu, tao quánh mầy thấy tía ở đó ! Như đến phiên tui được chọn làm Huynh Trưởng hướng dẫn khóa đàn em, tui cũng thấy nhiều cái liếc mắt hăm dọa như thế ! Nhưng Huynh Trưởng vẫn uy nghi đứng đó, thẳng người hai tay thả dọc bên hông, bàn tay nắm lại, hai ngón cái duỗi ra theo đường chỉ ống quần. Nón nhựa Huynh Trưởng sáng bóng, khoảng cách từ chóp mũi đến vành nón là ba ngón tay trỏ, giửa và áp út khép lại, nên mặt Huynh Trưởng phải kênh lên để thấy đường, tạo ra dáng phong nghiêm chi lạ. Huynh Trưởng vẫn gầm lên : - Đại Đội theo lệnh tôi ! Nghiêm ! Huynh Trưởng muốn quê hương và đất nước chỉnh tề theo thế Nghiêm cùng Huynh Trưởng. Nhưng rủi thay...!!! Huynh Trưởng hôm nay kẻ mất người còn. Huynh Trưởng đi vào lòng đất mẹ như bài tập quân hành ngày xưa. Huynh Trưởng chạy xong con đường Vũ Đình Trường đầy bóng mát lẫn khổ đau bằng những bước nhiệt thành của tuổi trẻ. Mờ trong bóng chiều Một đoàn quân thấp thoáng ! Huynh Trưởng còn ở lại. Huynh Trưởng bùi ngùi !
HÀNH-TRÌNH THỦY-QUÂN LỤC-CHIẾN Tác giả : Phạm Văn Bình Tháng Giêng xuôi quân ra Huế Cố đô hoang vu điêu tàn Bãi học chiều em vắng bóng Tóc thề đã quấn khăn tang Tháng Hai về trấn ven đô Chong mắt hỏa châu giữ cầu Gió thoảng vào hơi rượu mạnh Qua làn sương ánh đèn màu Ba-lô lên vai tới miền Tây Ðô Quê hương em xanh xanh ngợp bóng dừa Ðêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm Ngọt trái sầu riêng nay lúc giao mùa Bây giờ trời mây vào Hạ Mẹ em bận đi lễ chùa Em cầu nguyện cho chiến sĩ... Chiến trường sớm nắng chiều mưa Tháng Năm theo vì sao biếc Hoa phượng nở quanh sân trường Ngày xưa những tờ nhung nhớ Bây giờ phong thư gói quà Tháng Sáu anh vẫn miệt mài Hành quân chưa về thăm em Ðừng khóc ve sầu mùa Hạ Ta thì xa vẫn chưa quên Sang Thu mưa ngâu Nước mù bay mau Ô hay ta sao Trong lòng vẫn sầu Tráng sĩ chưa về Vườn sau sông ấy Người đứng đầu sông Người cuối sông này Bây giờ còn đâu huyền thoại Hằng Nga của em bé thơ Tất cả bầu trời thơ ấy... Ai làm tháng Tám cằn khô Tháng Chín ta về Cửu Long Vú sữa căng, lòng mẹ hiền Anh đi cho đồng quê thắm Tặng em này chiến công đầu Về Cà Mâu Một sớm Thu Gởi cho em Lời gió thương mây Lời chim nhớ rừng Lời ta chờ nhau Cuối năm mùa Đông đan áo Cuối năm trời gió lạnh về Thiên hạ đua may áo cưới Ta thì hẹn đến năm sau Hoa mai nở đầy Em đang chờ đợi Mười hai tháng dài Dài ước mơ say Nhớ má cho hồng Nhớ môi cho ngọt Anh về cùng em Vui đón giao thừa
HÀNH QUÂN Tác giả : Linh Phương Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn Đù má nhiều khi buồn hết biết Lo mãi sau này cụt mất chân Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ Tóc tai dài thượt giống người rừng Kinh Kha vác súng qua Dịch Thủy Thề chẳng trở về với tay không Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ Uống rượu say chửi đổng dài dài Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ "Hận kẻ bạc tình" trên cánh tay Chiều qua sém chết vì viên đạn Du kích bên sông bắn tỉa hù Cũng may gặp phải thằng cà chớn Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng Xinh đẹp như con gái Sài Gòn Ta nổi máu giang hồ hảo hán Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân Mai mốt này đây nơi trận tuyến Gặp ta, em bắn chớ ngại ngùng Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa Đời nào đạo lý với bao dung Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
BƯU-THIỆP VƯỢT TUYẾN Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link là hoạt động tương tế nhân đạo giai đoạn 1956 - 1965 giữa hai chính thể Bắc và Nam Việt Nam, có bản chất là sự duy trì lợi ích bưu chính khu vực dân sự trong bối cảnh quốc gia phân liệt và chỉ tạm hoãn khi nội chiến bùng nổ. Cứ những điều khoản Hiệp định Genève được chính thức công bố vào ngày 21 tháng 07 năm 1954, lĩnh thổ Quốc gia Việt Nam tạm chia thành hai vùng tập kết quân sự ở hai miền, mà ở đó tồn tại hai chính thể biệt lập nhau và có quyền lợi quốc tế ngang nhau, lấy vĩ tuyến 17 làm địa giới chờ kì tuyển cử thống nhất năm 1956. Ban đầu thành phần gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc) và Quốc gia Việt Nam (Nam), nhưng kể từ năm 1955 Quốc gia Việt Nam được Việt Nam Cộng hòa thế chỗ. Trong giai đoạn 1954-6, tình hình thương mại, giao thông và đặc biệt bưu chính giữa hai miền vẫn thuận lợi, bất chấp trào lưu di cư vì vấn đề ý thức hệ diễn tiến dồn dập hàng ngày. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 1956, mối tương tác giữa hai chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa có xu hướng lạnh nhạt dần. Tới hết năm 1956 thì giới tuyến tạm thời Bến Hải tự động phong tỏa theo tiêu chí đáo hạn việc thi hành Hiệp Định, đồng nghĩa vấn đề tuyển cử thống nhất trở nên bất thành. Từ thời điểm này, cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa đều không chính thức công nhận nhau, dẫn tới các tuyến thương mại, giao thông và bưu chính từ nghẽn mạch đến đứt hẳn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình li tán ở hai miền và một phần nhỏ những người không may bị kẹt tại địa phận đối phương vì nguyên nhân công tác hoặc du lịch, chính phủ đôi miền liền ký tắt một nghị định thư cho phép duy trì một đơn tuyến bưu chính thông qua bưu cục Bến Hải - địa điểm gần nhau nhất giữa đôi bên, đồng thời lại có sự giám sát của Ủy hội Quân sự Quốc tế. Do đã lường trước sự khác biệt ý thức hệ giữa hai chính thể, nên ngay từ đầu hình thức thư tín được chọn là bưu thiếp bởi yếu tố súc tích dễ kiểm soát. Theo quy ước đặc biệt, công dân đôi miền ở mọi chức nghiệp và giai cấp đều có đầy đủ thẩm quyền gửi thư cho thân nhân bên kia giới tuyến (nếu có). Nội dung thư trao đổi chỉ được phép thông báo tình hình gia đình và thăm hỏi tình hình phía còn lại, tuyệt nhiên không được đả động các chủ đề tế nhị như chính trị, an ninh, tài chính, kinh tế, kĩ thuật và quốc phòng tại nơi mình định cư. Về phía cơ quan bưu chính cũng phải duy trì bộ phận chuyên kiểm duyệt nội dung những lá thư này để đảm bảo không phương hại gì tới lợi ích quốc gia, đồng thời đề phòng đối phương do thám tình hình quốc vụ hoặc tiến hành chiến tranh mật mã gián điệp. Các thư vượt tuyến sau khi thông qua khâu kiểm duyệt ở địa phương được đem tập kết tại bưu cục Vĩnh Linh (Bắc) và Gio Linh (Nam) đợi lệnh chở vào khu phi quân sự. Sau đó, sĩ quan biệt phái đôi miền tiến hành kiểm tra lần cuối trước khi đóng thành bưu kiện để tiện trao đổi lẫn nhau. Quá trình này thường mất ít nhất hai tháng mới tới tay người nhận, trường hợp cá biệt có thể lâu hơn chút do bất ổn giao thông. Loại hình bưu thiệp vượt tuyến trong bối cảnh phân li đôi miền tuy vậy mà khá đơn sơ : Kích thước 10x14 cm ; mặt sau để trống cho người gửi biên thư ; mặt trước nửa trên in kí tự BƯU-THIẾP kèm dư đồ Việt Nam thống nhất chính giữa, nửa dưới chia hai nửa - mỗi nửa đề NGƯỜI GỬI và NGƯỜI NHẬN kèm dấu bưu chính mỗi miền. Ngoài nội dung thăm hỏi, mọi kí hiệu hoặc hình thù lạ đều tuyệt cấm. Đồng thời, cư dân đôi miền cũng hoàn toàn không được phép kí gửi bưu phẩm cho thân nhân biên kia giới tuyến. Ngoài ra, bề mặt thư cũng không dán tem bưu chính hay đính quốc hiệu quốc huy quốc kì miền nào, thực thể địa danh lớn nhất được quy định là "Nam Việt"/"Nam Bộ" và "Bắc Việt"/"Bắc Bộ". Chương trình trao đổi thư tín này hầu như tự kết thúc vào năm 1965 - tức là chỉ ít lâu sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, khi Việt Nam chính thức lâm tình trạng chiến tranh toàn diện giữa hai miền. Nhưng dù sao, do nghịch cảnh phân liệt lĩnh thổ sau Hiệp định Genève, vấn đề thông tin liên lạc giữa thân nhân các gia đình li tán trở nên vô cùng bức thiết, việc duy trì được phương tiện bưu thiệp đơn tuyến đã phần nào giải tỏa được nỗi đau chia cắt, đồng thời tránh việc phải thông tin qua nước trung gian rất phiền phức và tốn kém thuở bấy giờ. Hơn nữa, đây đáng coi là thành tựu lớn về mặt kĩ thuật trong bối cảnh lãnh chiến trước khi Việt Nam thực sự tiến tới Ngày Thống Nhất. Vả chăng, chương trình nhân đạo này cũng khác xa tình hình hai miền Đức và Cao Ly cùng thời, nghĩa là những khu vực không hề hiện diện vấn đề trao đổi thư tín dân sự.