Đôi dòng lưu niệm Trên bước đường học tập

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi dzung tve, 24/12/21.

Moderators: amylee
  1. dzung tve

    dzung tve Lớp 1

    #1. Ý nghĩa của việc học, việc đọc, ở đâu?
    Mấy ngày qua có một sự kiện không hay lắm xảy ra. Và tôi là một phần của sự kiện ấy.
    Sức ảnh hưởng của sự kiện này với tôi rất lớn vì đây là lần đầu tiên tôi chủ động "để ruột ngoài da", chủ động viết và chia sẻ suy nghĩ của mình v.v... mà kết quả của sự kiện ấy: tôi cho là không mang niềm vui đến hầu hết những người liên quan.

    Điều đó không khỏi khiến tôi phải có nhiều suy nghĩ. Mở máy lên rồi viết, viết để giải tỏa suy nghĩ của mình. Viết để chia sẻ, để có thêm người nghĩ cùng mình. Để cái điều phải nghĩ sớm được nghĩ cho xong. Để cái điều nghi ngờ lo lắng sớm được làm rõ v.v...

    Tôi xin nêu ra vài ý và sau đó đưa ra một câu hỏi nghi ngờ để những bạn quan tâm nghĩ cùng tôi.
    ---

    Bạn nào đã đọc Trang Tử Nam Hoa Kinh, chắc sẽ đồng ý với tôi rằng tư tưởng của Trang Tử rất "bất thường, hỗn loạn, và dị biệt". Nếu suy nghĩ và hành xử theo tư tưởng ấy ở thời nay thì rất khó được xã hội chấp nhận.
    Chắc bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng không chỉ mỗi cuốn này mà còn nhiều cuốn khác và hầu như cuốn sách nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến người đọc.
    Và chắc bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng người đọc sách rất dễ tin và làm theo sách.
    Là người mới bắt đầu đọc sách được vài năm. Tôi càng hiểu điều này hơn.

    Nếu một người đọc một hoặc nhiều cuốn sách; rồi không chỉ dừng lại ở việc đọc mà còn muốn thực hành những điều đọc được trong sách: Muốn sống và làm theo những gì được dạy trong sách. Sau đó, dành nhiều năm tập trung theo đuổi cái mong muốn ấy.
    Và điều ấy làm họ dần khác biệt với những người còn lại. Và càng ngày sự khác biệt càng lớn.
    Có khi lớn đến mức họ tự nhận: Không còn ai trong cộng đồng, xã hội họ đang sống giống họ và hầu như ai gặp họ hoặc có dịp trao đổi với họ cũng đồng ý vậy.
    Kết quả là: sự quá khác biệt, kì dị, bất đồng, mâu thuẫn, xa lánh, kỳ thị v.v...

    (Viết đến đây thì tôi thấy đầu óc mình đã phần nào được giải tỏa và tôi bắt đầu có một cái nhìn mới, đặt vấn đề theo hướng khác.)

    Trong cuốn Moving Up Without Losing Your Way - The Ethical Costs of Upward Mobility của Jennifer M. Morton.

    Tác giả viết để xã hội hiểu hơn về những khó khăn, trở ngại và cả sự đánh đổi của những "Strivers - những người đang nỗ lực vượt lên số phận". Những điều họ phải đối diện, phải hy sinh phải từ bỏ để có thể tiếp tục hành trình vượt lên trên số phận của họ. Để làm được điều đó rất nhiều người phải đưa ra các quyết định rất khó khăn: Sống xa nhà, xa gia đình, bạn bè, cộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên; từ bỏ nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc sống (tiệc gia đình, cưới hỏi, sinh nhật của anh em họ hàng) để dành ưu tiên cho việc học, việc làm... tìm cách tiếp cận, hòa nhập vào một cộng đồng không gian văn hóa mới để theo đuổi mục tiêu tiến thân trong xã hội. v.v...

    Hòa nhập vào không gian văn hóa mới nghe thì có vẻ đơn giản nhưng cái giá phải trả rất đắt: Đó là sự xa cách với những người, với cộng đồng thân quen của mình. Bởi muốn hòa nhập vào một cộng đồng mới điều đó cũng có nghĩa là bạn phải tin và làm theo những quy chuẩn và giá trị được người trong cộng đồng ấy tuân theo. Những cộng đồng khác nhau thì lại có những quy chuẩn khác nhau, có lúc mâu thuẫn với nhau.
    Một người muốn move từ tầng lớp ít học, move từ tầng lớp lao động (working-class) lên tầng lớp có học, tầng lớp trung lưu (middle-class) thường phải trả những cái giá rất đắt về cảm xúc, tinh thần, tâm lý bởi họ phải phá vỡ các quy tắc của cộng đồng cũ của họ, phải từ bỏ những giá trị mà những người quen của họ tôn sùng để tôn vinh những giá trị mới. Cái giá này tác giả để trong tiêu đề là "Ethical Costs".

    (Viết đến đây thì tôi nhớ đến câu hỏi nghi ngờ ban đầu).

    Tôi không còn suy nghĩ nặng gánh gì lắm. Nhưng tôi nghĩ đây quả thực là một câu hỏi đáng để được nghĩ đến, đáng để được thỉnh thoảng nghĩ đến. Vậy nên tôi vẫn viết nó ra.

    Và nó đây: Ý nghĩa của việc đọc, của việc phổ biến những cuốn sách có thể làm người đọc khác biệt, quá mức khác biệt, dị biệt v.v... ở đâu? (Xin đừng nghĩ rằng tôi cho rằng không nên phổ biến, không nên đọc những cuốn sách ấy).

    (Viết đến đây tôi muốn mở rộng thêm chút nữa): Làm thế nào để giảm thiểu tối đa nhất có thể những nguy cơ tiềm ẩn khiến người đọc, người học phải trả giá?
    Nếu bắt buộc phải trả giá làm thế nào để cái giá phải trả là ít nhất?
    Với những người đã đang và sẽ phải trả giá vì những gì họ đọc, vì những gì họ học...
    Những điều gì sẽ giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn một chút?
    Trong những thứ ấy, tôi có thể làm được gì cho họ, cho tôi, cho chúng ta những người đọc, những người học, những người đang cố gắng vươn lên, những người cũng vì sự vươn lên ấy mà bị xa cách với phần còn lại?

    Rất tiếc tác giả của cuốn sách trên không viết nhiều về điều đó. Chắc vẫn còn đang nghĩ.
    -----d.k.24/12/2021.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/12/21
    amylee and Bilbone like this.
  2. dzung tve

    dzung tve Lớp 1

    #2. Giữa biển khơi tri thức biết tìm ngọn hải đăng của người đọc, người học ở đâu?

    TVE là nơi nhiều người vào tìm đọc sách.
    TVE có lẽ là cộng đồng đọc sách đầu tiên của nhiều người trong đó có tôi và những người giống tôi: Những người mới biết đến việc đọc sách.
    Sách có nhiều loại, cùng một cuốn sách nhưng lại có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Với người có kinh nghiệm kết quả chắc là tốt, với người ít kinh nghiệm, ít trải nghiệm: Tốt hay không điều ấy còn chưa chắc!

    Trên một diễn đàn phượt mà trước đây tôi tham gia có đính một bài: Quy tắc lái xe trên đường mọi thành viên nên đọc.

    Thiết nghĩ, nếu cũng có một bài viết tương tự như vậy trên diễn đàn TVE và mọi diễn đàn chia sẻ sách, chia sẻ ebook thì tốt biết mấy.

    Tuy nhiên, tôi cũng hiểu: Không có sự khác biệt nhiều lắm về nhu cầu, mong muốn của những người phượt: Sự an toàn và trải nghiệm thú vị. Và đi đường thì cũng đã có luật giao thông nên cái bài "Quy tắc lái xe" ấy gần như không bị ai phản đối, nếu có cũng dễ điều chỉnh bổ sung...

    Còn về việc đọc sách, việc học, tri thức: Nó mênh mông quá.

    Nhưng chẳng phải đúng hay sao: càng những nơi biển cả mênh mông, càng những nơi vực sâu thăm thẳm thì con người ta lại càng cần một nguồn ánh sáng, một ngôi sao Bắc Đẩu, một ngọn hải đăng? Thứ định hướng cho ta, giúp ta đi đúng hướng, và giúp ta tìm lại hướng đi đúng: Ai đi rừng đi biển mà chẳng cần thứ ấy?

    Ai, cái gì có thể là những ngọn hải đăng của những người đang vẫy vùng, bươn trải, giữa biển khơi của tri thức, của sách, của vở, của rất nhiều người thầy, của rất nhiều khóa học, và cũng của rất nhiều bọ cạp, hùm beo?

    Biển cả mênh mông, nhiều cá tôm, nhiều cảnh đẹp lung linh nhưng cũng nhiều phong ba bão tố đang rình rập để nhấn chìm những kẻ vô tình tiến thẳng vào đường đi của nó.
    Ai, cái gì là phao cứu sinh, là điện đài radio, là ngọn hải đăng, là đội cứu hộ trên biển của những người đọc sách, của những người đang kiếm tìm tri thức, của những người đang và sắp đắm chìm giữa biển khơi mênh mông của tri thức?

    ///-- viết thêm
    Và chẳng phải rất đáng sợ hay sao? Nếu đi rừng đi biển mà không mang theo la bàn, không mang theo phao cứu sinh, không mang theo các thiết bị thông tin liên lạc?
    ---
    Tri thức ơi hãy trả lời giùm câu hỏi nhỏ của tôi: Từ khi bạn sinh ra. Sức cuốn hút của bạn đã làm chết mê chết mệt biết bao nhiêu con người? Biết bao nhiêu người đã quên lối về vì sắc đẹp của bạn? Và biết bao tâm hồn đã và đang chết ngạt trong tim bạn?
    Tri thức ơi! Có khi nào bạn sẽ nhấn chìm tôi?
    Xin hãy trả lời tôi: Tôi phải làm gì để bạn không làm vậy với tôi và với những người tôi thương yêu?
    --d.k.24/12/2021.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/12/21
  3. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    Hmm, mình nghĩ là nếu mới đọc nên đọc từ từ, đọc từ dễ lên khó, từ truyện tranh, picture book, sách thiếu nhi, rồi lên fiction, non-fic, sau đó mới tới các thể loại tôn giáo, chính trị, triết học. Ngay trong từng thể loại cũng có sách khó sách dễ, cần chọn lọc mà đọc. Chứ mới đầu bập vào mấy cái khó khó dễ điên đầu, nản, và cũng dễ tẩu hoả nhập ma lắm.

    Trong truyện Kỳ thủ, có kể về một ông học cờ vua qua sách, sau thi đấu với đại kiện tướng thì thua, vì tâm lý không vững. Mình nghĩ chuyện đọc cũng thế. Có chút sách vở vào cũng dễ khiến người ta điên lắm. Một là họ nghĩ họ hiểu cả thế giới, nắm càn khôn trong tay, mà trở nên tự cao tự đại. Hai là, họ hiểu sai sách, hay quá tin sách vở, mà quên đi đời sống hằng ngày thiên biến vạn hoá vô cùng.

    Mình nghĩ, ngọn hải đăng bạn cần là một trái tim cầu thị, ham học hỏi, cùng một óc phản biện tốt để tránh xa cạm bẫy từ chính sách vở.
     
    amylee thích bài này.
  4. akatsuki1609

    akatsuki1609 Mầm non

    Giữa rừng sách mênh mông, điều thiết yếu là nên chọn sách của những tác giả nổi tiếng, sách đã vượt qua được thử thách của thời gian và phải lựa sách hợp với trình độ của mình, với niềm yêu thích của mình. Đọc sách thì đừng tin sách 100% mà hãy phải đặt dấu hỏi với mỗi điều mà tác giả đưa ra, tìm kiếm và so sánh với ý của mình.
    Như hiện tại thì tôi đang đọc tủ sách của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, 1 tác giả nổi tiếng về thê loại biên khảo và triết học phương Đông và thấy rất hợp với những kiến thức mà tác giả truyền đạt.
     
    Bilbone and amylee like this.
  5. Utron

    Utron Super Moderator Thành viên BQT

    Cũng không hẳn là phải chọn sách hợp với trình độ của mình đâu bạn. Có điều với sách hay và khó thì cần đọc lại rất nhiều lần, mỗi lần cách nhau từ vài giờ đến vài năm. Mỗi lần đọc lại có thể sẽ thấy tìm thấy những cái hay khác với lần trước theo sự tiến bộ về nhận thức của mình.

    Rất đồng ý với các bạn là đừng tin và làm theo sách 100% mà cần một óc phản biện, biết phân biệt đúng-sai, phù hợp - không phù hợp, hợp lý - bất hợp lý. Hôm trước tôi thử tìm ý nghĩa của "chân lý" theo sách vở thì tìm thấy một bài trích trong Triết học Mác-Lê nin, đọc lên thấy có vài điều bất hợp lý vì họ diễn giải làm người ta hiểu rằng chân lý là cái lý có chân, nó "bước đi" theo trình tự nhận thức của loài người. :) Tuy nhiên trong một số điều kiện, giả thiết (giả sử) định sẵn có thể coi một sự vật, sự việc là tuyệt đối đúng nếu nó sai khác không đáng kể với điều kiện lý tưởng. Lấy ví dụ về sự rơi tự do. Khi xưa Galile nghiên cứu về rơi tự do ở tháp Pisa, một độ cao không lớn, vật dùng để thí nghiệm có sức cản không khí rất nhỏ nên có thể coi như thí nghiệm trong chân không. Và ngay bây giờ trong các trường học cũng có thể dạy sinh viên, học sinh như vậy. Lại tuy nhiên, tuy nhiên với những độ cao rất lớn thì thí nghiệm rơi tự do đó không chính xác nữa vì sức cản không khí tỷ lệ nghich với bình phương vận tốc vật thể, do đó vật thể sẽ có gia tốc không đều đáng kể trong một khoảng vận tốc rất lớn, thậm chí nếu độ cao quá lớn thì vật thể còn chuyển động đều khi sức cản không khí bằng trọng lượng vật thể đó.

    Trở lại vấn đề đọc đi đọc lại một cuốn sách. Hồi tôi còn là sinh viên, hồi học môn kết cấu bê tông đến kỳ thi thời gian ôn thi chỉ có 3 ngày, trong khi cuốn sách dầy cộp, sinh viên thắc mắc là thời gian ôn thi ngắn quá mà sách dầy quá. Thầy giáo nói, các anh chị cứ đọc cả cuốn cho tôi, gồm cả lời nói đầu, cứ đọc vài lần, chỗ nào không hiểu thì hỏi tôi. Và đúng như thầy nói, khi hỏi thi chúng tôi đã trả lời khá trôi chảy khi bị quay đủ kiểu. Ví dụ tôi, phiếu thi của tôi là trình bày về kết cấu dầm, dầm thì thớ trên có ứng suất nén, thớ dưới có ứng suất kéo vì thế cốt thép sẽ chú trọng vào thớ dưới, bê tông chịu nén tốt nên đủ chịu cho thớ trên, rồi từ ứng suất kéo, nén đó tính ra loại thép, số lượng, kích thước thanh thép, dùng loại bê tông có cường độ đủ đáp ứng... Tôi trả lời xong thì đột nhiên thầy hỏi sang kết cấu cột. Vì đã đọc và hiểu về kết cấu này nên cũng phân tích được: cột thì chịu nén dọc trục và nếu xét đến gió, độ mảnh, độ ổn định thì nó còn chịu uốn. Rồi khi nén dọc trục thì lại gây ra ứng suất kéo theo phương ngang. Lý luận về ứng suất kéo, nén để tính thép, bê tông tương tự. Sau mấy chục năm ngẫm lại thấy lời thầy rất thấm. Nếu học vẹt, học thuộc lòng kiểu bậc phổ thông thì không thể học qua đại học, cũng không thể áp dụng cho việc nghiên cứu sau khi ra trường. Phương pháp nghiên cứu này không chỉ bó hẹp trong chuyên môn chuyên ngành được đào tạo mà còn đúng cho mọi lĩnh vực khác.
     
    ngynca and amylee like this.
  6. dzung tve

    dzung tve Lớp 1

    #3. Bài đăng cuối

    //-- Viết thêm 25/12/2021.

    Nếu không thể có hải đăng, nếu không thể có điện đài radio, nếu không thể có đội cứu hộ... Nếu vẫn rất muốn đi hãy thử tìm một người bạn đồng hành để giúp đỡ, bảo vệ nhau khi cần... Nếu không thể tìm thấy bạn đồng hành... mà vẫn muốn đi. Hãy tự hỏi: Mình có thực sự muốn đi? Có thực sự chấp nhận được những nguy cơ rủi ro? Nếu câu trả lời là có: Thì cứ xách ba lô lên và đi.
    Rất nhiều người leo núi vượt biển chỉ bằng đôi bàn tay và mái chèo của họ.
    Họ hoàn toàn có thể có tàu thuyền và các trang thiết bị tối tân nếu họ muốn nhưng không: họ chỉ muốn vượt biển bằng chính đôi bàn tay của họ, để có được cái trải nghiệm thú vị đó. Và nhiều người trong số họ cũng chẳng mang theo phao cứu sinh gì.
    Hành trang càng gọn nhẹ càng tốt bởi càng gọn nhẹ thì mình càng tiết kiệm được nhiều năng lượng, càng bớt được sức lực phải phung phí vào việc mang vác kéo theo những thứ ấy, càng có thêm thời gian và sức lực cho cái mục tiêu chính: Là chuyến đi, là trải nghiệm, là cảm xúc của mình trong chuyến đi. Đó là chia sẻ, là kinh nghiệm được Tori Murden người phụ nữ và người Mỹ đầu tiên đã thành công trong việc một mình chèo thuyền vượt biển Atlantic mà không mang theo các công cụ hỗ trợ.

    Tori kể trong cuốn tự truyện "A Pearl in the Storm: How I Found My Heart in the Middle of the Ocean", của mình như sau:

    Đó là một hành trình không hề dễ. Sau 85 ngày lênh đênh trên biển khi đã đi được 2/3 chặng đường, cô vô tình tiến thẳng vào giữa một cơn bão lớn bởi điện đài radio bị hỏng nên cô không thể cập nhật, nắm bắt được tình hình thời tiết và hướng đi của cơn bão. Suốt đêm ấy, chiếc thuyền bị sóng đánh tứ tung, lật úp, lật ngửa nhiều lần giữa biển cả mênh mông. Tori bị cuộn tròn đánh văng nhiều lần trong khoang thuyền, chỗ ngủ của Tori một không gian rất nhỏ gọn. Những cú va đập làm Tori bị đau, rồi gãy xương. Sau nhiều lần bị sóng đánh vỏ thuyền bị rịa vỡ, nước tràn vào qua khe hở. Tori bị ngập bởi khi ấy chiếc thuyền đang bị lật úp, Tori bị nhốt trong chính khoang thuyền của mình.
    Khi nước ngập đến tận cổ, cô đã nghĩ mình sẽ chết, cũng đúng lúc ấy cô tự hỏi chính mình về quyết định và hành trình của mình: Có gì hối hận không? Không, và cô quay video để ghi lại những hình ảnh có thể là cuối cùng của mình với hy vọng nó có thể đến được tay những người cô thương yêu và điều ấy có thể giúp họ hiểu được những giây phút cuối cùng của Tori. May mắn một lúc sau, một cơn sóng mạnh lại tràn đến, chiếc thuyền lại lật ngửa trở lại. Kiệt sức Tori thiếp đi. Lại càng may mắn hơn, ngày hôm sau, một chiếc tàu hàng đi ngang đã thấy chiếc thuyền bị sóng đánh cho tan tành của Tori, tò mò họ đến gần và Tori được cứu.

    Suốt thời gian nằm viện, và cả khi đã khỏe lại, ý nghĩ sẽ thực hiện lại hành trình đó không nảy sinh xuất hiện trong đầu của Tori. Nhưng một lần tình cờ gặp Muhammad Ali, một câu nói của huyền thoại boxing đã thay đổi tất cả: "You don't want to go through life as the woman who almost rowed across the Atlantic." - Muhammad Ali.

    Sau câu nói ấy, Tori lại chuẩn bị rồi lên đường thêm một lần nữa. Ở lần thứ hai này cô đã cẩn thận kiểm tra thiết bị radio, vỏ thuyền cũng được gia cố cho chắc chắn hơn, khoang ngủ cũng được nới rộng thêm chút nữa, bỏ bớt một số vật dụng mà qua lần thử trước cô đã biết không thực sự cần thiết. Cô thành công và trở thành người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ đầu tiên một mình chèo thuyền vượt biển Atlantic mà không dùng các trang thiết bị hỗ trợ.

    Khi ấy cô 36 tuổi, cô đã chèo tổng cộng 81 ngày, di chuyển 4,767 km, khởi hành từ Canary Islands và kết thúc tại Guadeloupe vào ngày 03 tháng 12 năm 1999. Chiếc thuyền của cô dài 7m, cao 1.2m, rộng 1.8m và nặng 816kg.

    Lúc này (2021) cô đã 56 tuổi và đang làm hiệu trưởng một trường đại học ở Kentucky, Mỹ. Cô cũng là người phụ nữ và người Mỹ đầu tiên trượt tuyết đến Nam Cực, và cô là người phụ nữ đầu tiên trèo Lewis Nunatak, một dải đất cao, một đỉnh núi phủ tuyết ở vùng Nam Cực.

    Cô cũng là người hùng của Dawn Landes, một nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ, người đã viết một bài hát, hát và nói về người hùng của mình trong một bài Ted Talk có tiêu đề "A song for my hero, the woman who rowed into a hurricane."
    ---
    d.k.27/12/2021.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/12/21
    akatsuki1609 thích bài này.
  7. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Đọc đến một lúc nào đó nó sẽ xảy ra tình trạng "Sự đứt gãy có hệ thống!". Bản chất của hiện tượng đó chỉ là tự nó phá bỏ bức tường thành ấu trĩ của bản thân để nhìn ra sự thênh thang của tri thức hoặc sự u tối của bản thân.

    Mọi việc sẽ tốt nên nếu tự mình vượt qua, đừng mong cầu vào sự giúp đỡ của ngươi khác!
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này