Tuỳ bút - Biên khảo G Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Học_T.1)-UBKHXHVN,1968

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 17/11/15.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    0059. Nghien Cuu Ngon Ngu Hoc.bia.jpg

    TỔ NGÔN NGỮ HỌC
    ỦY BAN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT-NAM

    NGHIÊN CỨU NGÔN NGỮ HỌC

    TẬP I

    VẤN ĐỀ GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG
    CỦA TIẾNG VIỆT



    NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
    HÀ NỘI - 1968
    Những người tham gia:
    - Nguồn sách: @tducchau
    - Đánh máy, soát lỗi lần 1: @tducchau , @Ban Tang Du Tử , @Mot_sach09 , @lichan , @heoluoisusu , @hanhdb , @4DHN , @teacher.anh , @bun_oc , @tamchec .
    - Biên tập và hiệu đính: @tducchau , @teacher.anh.
    - Kỹ thuật vi tính: @Rafa , @tamchec
    - Tạo eBook: @tamchec

    Nghiên cứu ngôn ngữ học gồm những bài nghiên cứu về những vấn đề ngôn ngữ của ta, chủ yếu là về tiếng Việt. Những bài này sẽ in thành nhiều tập. Tập 1 gồm những bài nghiên cứu về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một vấn đề có tầm quan trọng lớn trong lĩnh vực ngôn ngữ của ta hiện nay.
    Mục lục
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thực hiện: theo dự án “EBook cho Thư viện” của diễn đàn TVE-4U.ORG, tháng 11-2015.
    TVE-4U_Slg_fullsize_distr.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/15
    Lamani, Rafa, rito_1522 and 9 others like this.
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    HOÀNG PHÊ

    VỀ VẤN ĐỀ

    GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT


    "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó..."

    Hồ Chủ tịch




    Trước Cách mạng tháng Tám, trong lĩnh vực văn hóa, Đảng ta nêu nhiệm vụ "tranh đấu về tiếng nói" thành một "nhiệm vụ cần kíp", chủ trương "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói" của dân tộc [1].

    Sau Cách mạng tháng Tám, chính giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở trong giai đoạn gay go nhất, đồng chí Trường Chinh kêu gọi "gây một phong trào Việt hóa lời nói và văn chương", "kiên quyết bảo vệ tiếng mẹ đẻ" [2]. Và gần đây, giữa lúc tiếng súng chống Mĩ cứu nước đang nổ rền khắp Nam, Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại nhắc mọi người phải "giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta", vì "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tức là góp phần chống Mĩ cứu nước trên mặt trận văn hóa" [3].

    Như vậy, "bảo vệ tiếng mẹ đẻ", "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" là một công tác không thể thiếu được trong toàn bộ công tác cách mạng của chúng ta. Dù những khi phải tập trung sức lực chống ngoại xâm, như trong kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và trong chống Mĩ cứu nước hiện nay, cũng không một lúc nào chúng ta chểnh mảng việc đó.

    Theo đường lối nói trên của Đảng, những người nghiên cứu ngôn ngữ ở nước ta cũng nhận thức rằng: "Bảo vệ tính chất trong sáng của tiếng Việt, làm cho nó mỗi ngày một giàu đẹp, chính xác thêm, đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân Việt-nam, đặc biệt là các nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà báo" [4] và trong mấy năm nay rải rác đã có không ít bài nghiên cứu đề cập đến những khía cạnh khác nhau của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt [5].

    Từ đầu năm 1966, sau bài phát biểu về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vấn đề càng được chú ý hơn, và không chỉ trong giới ngôn ngữ học. Nhiều người, trong đó có những nhà văn, nhà báo đã nói những suy nghĩ và những băn khoăn của mình về vấn đề này [6].

    Cách mạng tháng Tám mở ra một giai đoạn phát triển mới của tiếng Việt: giai đoạn nó được nâng lên địa vị ngôn ngữ nhà nước của một dân tộc độc lập, tự do, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, phạm vi sử dụng của tiếng Việt được mở rộng một cách không hạn chế. Ngày nay, đông đảo nhân dân ta dùng tiếng Việt hàng ngày trong những lĩnh vực hoạt động, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ đối với mình. Do đó mà cũng không khỏi nảy sinh hiện tượng khá phổ biến là nói, viết không được tốt, ảnh hưởng đến sự trong sáng, sự phát triển lành mạnh của ngôn ngữ. Mọi người đều thấy cần chống những hiện tượng ấy.

    Nhưng đi cụ thể, đi sâu hơn nữa thì nảy ra những vấn đề. Trước hết, có vấn đề đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ. "Trong việc dùng từ và đặt câu... điều then chốt là phải phân rõ cái đúng với cái sai, cái làm giàu đẹp thêm tiếng Việt với cái "làm hư" tiếng Việt... Nhưng ai cũng thấy việc ấy không phải dễ" [7]. Thật vậy, trong ngôn ngữ, thế nào là đúng, sai, tốt, không tốt? Có nhiều trường hợp rõ ràng, nhưng cũng có những trường hợp không rõ ràng. Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt là một câu hỏi không dễ trả lời, và đúng là "có nhiều quan niệm trong sáng khác nhau, do đó có nhiều cách đánh giá khác nhau" [8]. Vậy nên quan niệm như thế nào để không ngăn cản “mỗi người viết văn… có lấy cái phong cách, cái vẻ riêng của mình” [9]? Lại còn có khía cạnh khoa học của vấn đề: làm thế nào để khi giải quyết vấn đề ngôn ngữ tránh được sai lầm của chủ nghĩa chủ quan, tránh được "cái tình trạng chỉ dựa vào cảm tính" [10], mà không dựa vào sự nghiên cứu khoa học?

    Như vậy, có nhiều vấn đề, mà chung qui là: nên hiểu thế nào là "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"? Thế nào là "trong sáng", thế nào là "giữ gìn"? Rõ ràng là cần phải nghiên cứu cơ sở lí luận, nội dung, phương hướng của việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ chúng ta.

    Vấn đề rất lớn và phức tạp. Dưới đây chỉ xin trình bày một số suy nghĩ bước đầu và chưa phải toàn diện.


    *
    * *

    Đề ra việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tức là thừa nhận rằng trong ngôn ngữ có cái "đúng" và có cái "sai", cái "tốt" và cái "không tốt", và thừa nhận con người có thể tác động một cách tự giác và tích cực đến sự phát triển của ngôn ngữ. Thừa nhận như vậy có cơ sở hay không? Câu hỏi này nhiều người có thể cho là thừa. Nhưng đây chính là một vấn đề quan điểm cơ bản, và trong ngôn ngữ học hiện đại, không phải là không có những ý kiến khác nhau rất nhiều.

    Cho nên cũng cần khẳng định rõ ràng quan điểm của chúng ta. Đó đây, có những nhà ngôn ngữ học cho rằng một "nguyên tắc cơ bản" là "trong ngôn ngữ không có cái gọi là tốt và xấu (hay là đúng và sai, hợp ngữ pháp và không hợp ngữ pháp)", và nếu nghĩ rằng trong ngôn ngữ có cái đúng, cái sai, thì đó là một quan niệm "không những không đúng đắn, sai lầm và vô ích, mà còn là hết sức có hại" [11]. Quan niệm này chỉ là “sản phẩm phụ của những địa vị xã hội nào đó”. Cho nên nhà ngôn ngữ học “quan sát tất cả các hình thức ngôn ngữ một cách vô tư” [12] và “sẽ không đứng về phía nào cả”, bởi vì ngôn ngữ học là khoa học, mà nói khoa học tức là “dựa trên sự quan sát hiện tượng và không đề nghị một sự lựa chọn nào hết” [13], cũng tức là hoàn toàn không can thiệp vào sự phát triển của sự vật. Quan điểm trên đây từ mấy chục năm nay là quan điểm phổ biến trong giới ngôn ngữ các nước tư bản. Nó đã nảy sinh trong hoàn cảnh có sự phản ứng chống lại việc dạy ngôn ngữ ở nhà trường theo lối kinh viện chủ nghĩa, tách rời ngôn ngữ sinh động của nhân dân, chống thái độ bảo thủ, hẹp hòi, "thuần túy chủ nghĩa" trước những hiện tượng mới trong ngôn ngữ, chống chủ nghĩa chủ quan trong việc đánh giá và nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ. Nhưng nếu chống chủ nghĩa chủ quan mà lại rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, thì vẫn là sai lầm. Không thể vì phản đối sự đánh giá chủ quan đối với các hiện tượng ngôn ngữ mà phủ nhận mọi sự đánh giá. Sự thật là trong hoạt động ngôn ngữ, mỗi người nói riêng và xã hội nói chung, dù tự giác hay không, đều có đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ, phân biệt giữa đúng và sai, tốt và không tốt. Ngay cho rằng trong ngôn ngữ không có cái đúng và cái sai cũng đã là một sự đánh giá rồi, đánh giá rằng cái gì cũng "được", cũng đúng, không có cái gì là "sai" cả. Vì có đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ, nên mới có sự lựa chọn cách diễn đạt và có sự sáng tạo trong lời nói, mới có thái độ khác nhau đối với những hiện tượng mới trong ngôn ngữ. Một hiện tượng ngôn ngữ cuối cùng được chấp thuận hay không, được giữ lại và củng cố, hay bị bỏ đi, hoặc bị thay thế là thông qua sự đánh giá của xã hội.

    Trong những vấn đề ngôn ngữ cũng vậy, nếu vin vào lẽ cần phải khách quan, mà đi đến thái độ khách quan chủ nghĩa thì là hoàn toàn sai lầm. Không thể coi "ngôn ngữ là một hệ thống chỉ biết có trật tự của bản thân nó" [14]. Không thể "để mặc ngôn ngữ", như có người đã nêu thành một đường lối, đề tên như vậy cho một quyển sách của mình [15]. Có lúc người ta quên cái chân lí đơn giản sau đây: chính con người tạo ra và sử dụng, thì cũng chính con người phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ. Xã hội và khoa học phát triển, thì tác dụng của con người đối với cái sản phẩm ấy của mình cũng từ không tự giác dần dần trở thành tự giác, và ngày càng tự giác hơn, tích cực hơn. Cho nên nghiên cứu về ngôn ngữ thì phải biết đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ, tuyên truyền cho một sự đánh giá đúng đắn, hướng dẫn sự đánh giá của xã hội, đứng về phía những hiện tượng tích cực mà đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực. Như có người đã nói: “Những nhà ngôn ngữ học phải là những người thực tiễn; không những chỉ sưu tầm các từ ngữ, mà còn phải can thiệp vào quá trình phát triển của ngôn ngữ; phải giải thích quá trình ấy, đoán trước chiều hướng phát triển, đấu tranh dũng cảm cho cái mới. Nói chung, phải nắm lấy ngôn ngữ!” [16]. Đó thật ra là điều mà Mác và Enghen đã nói từ lâu: "Lẽ dĩ nhiên, đến lúc nào đó, con người sẽ hoàn toàn kiểm soát cả cái sản phẩm ấy" (chỉ ngôn ngữ) [17].

    Như vậy, vấn đề không phải là nên hay không nên đánh giá, mà là nên đánh giá như thế nào. Đây đúng là vấn đề mấu chốt, mà cũng là vấn đề khó khăn nhất. Trước cùng một hiện tượng ngôn ngữ, sự đánh giá có khi không nhất trí: có người cho là đúng, tốt, hoặc ít nhất là “được”; có người cho là sai, không tốt, “không được”. Có những cách nói tương đối phổ biến, nhưng lại bị một số người không phải ít phản đối. Đúng, sai như thế nào, lắm lúc làm chúng ta rất phân vân. Sự đánh giá không nhất trí, vì thường dựa trên những căn cứ khác nhau. Nó chịu ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý, văn hóa, xã hội phức tạp, và không phải lúc nào cũng dựa trên những hiểu biết về ngôn ngữ. Có khi sự đánh giá chỉ dựa trên những “thị hiếu” ngôn ngữ cá nhân, hoàn toàn chủ quan, Chúng ta thường thích một cách nói này hơn một cách nói khác, nhưng hỏi lý do tại sao thì lắm khi rất khó trả lời. Ai cũng ít nhiều quan tâm đến ngôn ngữ, “nhưng kết quả kì cục… là trong lĩnh vực này, hơn ở đâu hết, nảy sinh những ý nghĩ vô lí, những định kiến, tưởng tượng, ảo tưởng… Nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học trước hết là vạch ra và làm tan những cái đó…” [18]. Đúng như vậy. Nhưng vạch ra và làm tan các thứ định kiến là nhằm để đi đến xây dựng một sự đánh giá khách quan hơn, dựa nhiều hơn trên những hiểu biết về ngôn ngữ, về qui luật, yêu cầu, điều kiện, chiều hướng phát triển của ngôn ngữ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kì mà ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ, không những cần đánh giá đúng đắn rất nhiều hiện tượng ngôn ngữ mới, mà lắm khi còn cần “đánh giá lại” nhiều hiện tượng ngôn ngữ cũ nữa.

    Nên căn cứ vào đâu để đánh giá những hiện tượng ngôn ngữ, và trước hết là để phân rõ đúng và sai?

    (Còn tiếp...)

    [1] Xem Đề cương văn hóa Việt-nam (1943), trong “Về công tác văn nghệ”. Hà-nội, 1952, tr.5-6

    [2] Xem T.Tr (Trường Chinh): Hãy gây một phong trào Việt hóa lời nói và văn chương, báo “Sự thật”, ngày 19-12-48. (In lại, có sửa chữa chút ít, dưới đầu đề “Hãy gây một phong trào Việt hóa lời nói và văn của chúng ta”, trong Trường Chinh: Tăng cường công tác báo chí của chúng ta. Hà-nội, 1963, tr.48-52)

    [3] Xem Phạm Văn Đồng: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tạp chí “Học tập”, 1966, số 4.

    [4] Lưu Vân Lăng, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Tư: Khái luận ngôn ngữ học (những bài giảng ở Trường Đại học Tổng hợp Hà-nội và Trường Đại học Sư phạm Hà-nội), Hà-nội, 1961, tr.83.

    [5] Ở đây không thể nêu tất cả những bài đó. Đáng chú ý là những bài của Hồng Giao: Vài ý kiến về tiếng Việt hiện thời, tập san “Nghiên cứu Văn Sử Địa”, 1957, số 26; Đào Thản: Phấn đấu cho ngôn ngữ trong sáng và chính xác hơn nữa, tập san “Nghiên cứu Văn học”, 1960, số 7; Hoàng Tuệ: Mấy điều suy nghĩ trong sự liên hệ với Việt ngữ (nhân đọc bài “Tiếng nói của Đảng là tiếng nói của nhân dân”), tập san “Nghiên cứu Văn học”, 1961, số 6; Nguyễn Văn Thạc: Mấy nhận xét về cách mượn từ tiếng Hán, tạp chí “Văn học”, 1963, số 5; những bài của Hoàng Tuệ, Nguyễn Lân, Nguyễn Tăng, Hoàng Phê trong tập “Viết thế nào cho đúng”, Hà-nội, 1965; Hoàng Phê: Tình hình tiếng Việt và mấy nhiệm vụ cấp bách, tập san “Nghiên cứu Văn học”, 1960, số 2, v.v…

    [6] Xem những bài của Nguyễn Văn Huyên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nam Trường và Hoàng Lê, Hoàng Văn Hành, Quang Đạm trong tạp chí “Văn học”, 1966, số 3 và số 4; của Tô Hoài, Chế Lan Viên trong báo “Văn nghệ” ngày 2-2-1966 và ngày 11-3-1966.

    [7] Quang Đạm: Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt-nam, tạp chí “Văn học”, 1966, số 4, tr.60.

    [8] Chế Lan Viên: Làm cho tiếng nói trong sáng, giàu và phát triển, tạp chí “Văn học”, 1966, số 3, tr.29

    [9] Nguyễn Tuân: Về tiếng ta, tạp chí “Văn học”, 1966, số 3, tr.26.

    [10] Hoàng Tuệ: Mấy điều suy nghĩ… tr.55.

    [11] R. A. Hall (R. A. Hol): Leave your language alone! (Hãy để mặc ngôn ngữ của bạn!), Nữu-ước, 1950, tr.6 và tr.28.

    [12] L. Bloomfield (L. Blumfil) : Language (Ngôn ngữ), bản in ở Luân-đôn, 1955, tr.22.

    [13] A. Martinet (A. Mactinê): Eléments de linguistique générale (Nguyên lí ngôn ngữ học đại cương), in lần thứ hai, Pari, 1961, tr. 9 – 10.

    [14] F. de Saussure (F. đơ Xôxuya) : Cours de linguistique générale (Bài giảng ngôn ngữ học đại cương), in lần thứ hai, Pari, 1922, tr.43.

    [15] R. A. Hall: tác phẩm đã dẫn.

    [16] Lời một nhân vật – giáo sư ngữ văn – trong truyện dài Эаноза của Обухова. Dẫn theo B.B.Bиноградов (V.V.Vinôgrađôp): Ьусская яечь, ee изучeниe и вопросы речевой культуры (Tiếng Nga, việc nghiên cứu nó và những vấn đề trau dồi lời nói), tạp chí Вопросы языкознaния (Những vấn đề ngôn ngữ học), 1961, số 4, tr.9.

    [17] C. Mác – F. Enghen: Hệ tư tưởng Đức. C, Mác – F, Enghen: Toàn tập (bản tiếng Nga), in lần thứ hai, tập 3, Mạc-tư-khoa, 1955, tr. 427.

    [18] F. de Saussure : tác phẩm đã dẫn, tr. 21 – 22.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/11/15
    Rafa, tamchec, tducchau and 4 others like this.
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Có khi chúng ta đi tìm căn cứ của cái đúng ở trong lô-gích: hình như cái gì "hợp lí" là đúng. Nhưng thế nào gọi là "hợp lí" trong ngôn ngữ? Ngôn ngữ có cái "lí" riêng của nó, không đơn giản, khác cái lí thông thường. Trong tiếng Việt, nói mười một nhưng lại không thể nói "hai mười một", "ba mười một", mà lại phải nói hai mươi mốt, ba mươi mốt. Bất, vô đều có nghĩa phủ định: bất ngờ, bất công, vô lễ, vô cớ, v.v.., nhưng bất thình lình lại nghĩa như thình lình, còn vô khối lại nghĩa như khối (còn vô khối = còn khối). Cùng là chạy nhưng trong chạy giặc, chạy nạn thì lại có nghĩa là chạy để tránh, mà trong chạy gạo, chạy thầy thì lại có nghĩa là chạy để tìm! Chỉ dựa trên cái lí thông thường, làm sao xác định được cái đúng, cái sai ở đây?

    Có khi chúng ta đi tìm căn cứ của cái đúng ở trong dĩ vãng, trong sách. Trước kia, ngày xưa, nói như vậy, hiểu như vậy, thì bây giờ cũng phải nói vậy, hiểu như vậy mới là đúng, khác đi là sai. Hình như nghĩa theo gốc, theo từ nguyên mới là nghĩa "đúng" nhất của một từ. Nhưng ngôn ngữ đâu có đứng nguyên một chỗ, nó phát triển không ngừng. Tiếng Việt ngày nay không thể giống tiếng Việt thời Nguyễn Du, càng không thể giống tiếng Việt thời Nguyễn Trãi. Nếu hiểu theo thời Nguyễn Trãi thì ngặt, phải có nghĩa là "nghèo":

    Quân tử hay lăm bền chí cũ,
    Chẳng âu ngặt chẳng âu già [1]

    Còn nghèo thì lại có nghĩa là “nguy, khốn, ngặt”:

    Khi bão mới hay là cỏ cứng,
    Thuở nghèo thì biết có tôi lành [2]

    Đểucáng ngày xưa chỉ những hạng người lao động. Theo quan điểm của chúng ta ngày nay thì chẳng có gì đáng khinh. Nhưng từ lâu rồi "đểu cáng" đâu còn có nữa cái nghĩa phu gánh thuê và phu cáng, như Việt-nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức đã giải thích? Trong ngôn ngữ, cái quá khứ chỉ có thể giúp chúng ta hiểu rõ thêm cái hiện tại, chứ không xác định được cái hiện tại. Enghen đã từng nói rằng phải hiểu một từ "theo cái nghĩa mà nó đã có trong quá trình phát triển lịch sử của việc sử dụng nó trong thực tế", chứ không thể hiểu "theo cái nghĩa mà đáng lẽ nó phải có theo nguồn gốc từ nguyên của nó" [3].
    Có khi chúng ta đi tìm căn cứ của cái đúng trong một ngôn ngữ nước ngoài. Có người dựa theo ngữ pháp của một tiếng nước ngoài để phân tích, đánh giá một câu của tiếng Việt: đó là một sai lầm ấu trĩ. Nhưng nếu với những từ mượn, mà dựa theo "từ nguồn gốc" trong tiếng nước ngoài để xác định âm và nghĩa của nó thì sao? Có người cho rằng “có nhiều chữ Hán, tục đọc sai lầm như huyễn đọc ảo..., thống kế đọc thống kê, ủy mĩ đọc ủy mị...nay... [cần phải] cố gắng sửa lại" [4]. Và người ta cho rằng nói thống kê, thông qua, ảo tưởng, trú ngụ là "sai", phải thống kế, thông quá, huyễn tưởng, trụ ngụ mới "đúng"! Sự máy móc dựa vào tiếng Hán đã làm đảo ngược đúng, sai thực tế trong tiếng Việt. Sự thật là khi chúng ta mượn một từ của tiếng nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” ra một từ mới của ta: từ của Tiếng Việt này sẽ có một “đời sống” riêng của nó, có thể có những biến đổi về âm, nghĩa, cách dùng, như những từ khác của tiếng Việt, theo yêu cầu của tiếng Việt, và có khi theo những con đường phức tạp và đầy mâu thuẫn, kết quả làm cho mối liên hệ giữa nó với "từ nguồn gốc" trong tiếng nước ngoài chỉ có thể ngày càng bớt chặt chẽ đi (bản thân "từ nguồn gốc" này trong tiếng nước ngoài cũng có thể có những biến đổi, theo một con đường phát triển khác hẳn). Hủ hóa là một từ mới mượn gần đây của tiếng Hán. Bên cạnh cái nghĩa" hư hỏng, biến chất, sa đọa" dựa trên nghĩa trong tiếng Hán ("thối nát"), nó nhanh chóng có thêm một nghĩa mới: "có quan hệ nam nữ bậy bạ, bất chính". Nghĩa mới này là nghĩa thường dùng hiện nay; nó có liên hệ với nghĩa cũ, nhưng là một nghĩa không hề có trong tiếng Hán. Dùng hủ hóa trong tiếng Việt với nghĩa như vậy, phải chăng là sai? Tìm hiểu nguồn gốc của một từ mượn có thể giúp ta hiểu sâu thêm về âm hoặc nghĩa của từ, nhưng nếu muốn dựa vào đó để "uốn nắn" lại âm, nghĩa, cách dùng hiện tại của từ thì là một việc làm nhiều khi vô ích và trái lịch sử.
    Chúng ta trở lại vấn đề: vậy nên căn cứ vào đâu để đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ, để phân rõ đúng và sai, trong sáng và không trong sáng?
    Trong đời sống hàng ngày, khi vợ chồng, mẹ con, bạn bè thân thiết nói chuyện với nhau, chắc ít ai nghĩ đến cái "đúng", cái "sai" trong ngôn ngữ. Nhưng khi một nhà văn sáng tác truyện, một nhà khoa học viết sách, một thầy giáo giảng bài, một cán bộ chính trị nói trước quần chúng đông đảo, thì vấn đề đúng hoặc sai, trong sáng hoặc không trong sáng của ngôn ngữ phải được đặt ra. Tại sao vậy? Tại vì trong những trường hợp này, chức năng của ngôn ngữ đã được nâng cao, ngôn ngữ được dùng làm một công cụ văn hóa. Ngôn ngữ được sử dụng ở đây không phải chỉ để diễn đạt những cái chỉ có ý nghĩa nhất thời, nói rồi có thể quên đi giữa đôi ba người, mà là để diễn đạt đời sống văn hóa tinh thần, những tư tưởng, tình cảm quý giá, những gì quan trọng, có thể cần nói cho nhiều người, những người đó có thể ở gần mà cũng có thể ở xa, có thể là quen biết mà cũng có thể là không hề quen biết, có thể thuộc thế hệ đương thời mà cũng có thể thuộc thế hệ mai sau. Chức năng công cụ văn hóa đòi hỏi ngôn ngữ phải có tính thống nhất, tính toàn dân, khắc phục những sự sai khác bất tiện giữa các địa phương, các lớp người, các nghề nghiệp, đồng thời phải có tính ổn định, khắc phục những biến đổi bất thường và không cần thiết. Nó cũng đòi hỏi ngôn ngữ phải được nâng cao, đủ phong phú và tinh xác để có thể diễn đạt mọi tư tưởng tinh tế, diễn đạt mọi tình cảm tế nhị. Khi ngôn ngữ đã được nâng lên thành ngôn ngữ toàn dân thống nhất, ổn định, tinh xác, phong phú, làm công cụ văn hoá của dân tộc thì đó là ngôn ngữ văn học (ngôn ngữ tiêu chuẩn) dân tộc, như vẫn thường gọi, hay đúng hơn là ngôn ngữ văn hóa [5]; ngôn ngữ văn hóa dân tộc có hệ thống chuẩn mực [6] của nó; chuẩn mực trong ngôn ngữ là cái được mọi người hoặc ít nhất một số người khá đông thừa nhận, số khá đông ấy không nhất thiết phải là đa số, nhưng phải gồm số lớn những người có uy tín và ảnh hưởng về mặt văn hóa, được coi là mẫu mực về mặt ngôn ngữ. Như vậy, cái chuẩn mực là cái nếu tạm thời chưa được đại đa số thừa nhận, thì phải càng ngày càng được nhiều người thừa nhận hơn, có triển vọng sẽ được mọi người hoặc đại đa số thừa nhận. Cho nên xác định chuẩn mực của ngôn ngữ, thì phải nhìn cái hướng phát triển [7]. Chuẩn mực có thể chỉ phương tiện ngôn ngữ (âm, từ…), mà cũng có thể chỉ quy tắc. Nghĩa là chúng ta nói có, những âm, những từ chuẩn mực, cũng như nói có những phát âm, cách dùng từ chuẩn mực. Như vậy, chuẩn mực xác định cách phát âm, cách dùng từ, cách kết hợp từ, đặt câu; có chuẩn mực ngữ âm, chuẩn mực từ vựng, chuẩn mực ngữ pháp, chuẩn mực tu từ. Chuẩn mực là căn cứ của cái đúng. Nó bảo đảm tính thống nhất và tính ổn định của ngôn ngữ văn hóa.

    Ngôn ngữ văn hóa hình thành và phát triển do đòi hỏi của sự hình thành và phát triển của nền văn hóa dân tộc, và do hoạt động ngôn ngữ có ý thức của con người. Ngôn ngữ văn hóa biểu hiện sự tự giác của con người trong việc sử dụng ngôn ngữ, ý thức trau dồi lời ăn tiếng nói, hướng tới cái mà con người cho là hay, đẹp, trong sáng trong ngôn ngữ, ý thức nắm ngôn từ và can thiệp vào sự phát triển của nó. Khái niệm sự trong sáng gắn liền với khái niệm ngôn ngữ văn hóa. Nói sự trong sáng của tiếng Việt, tức là nói sự trong sáng của tiếng Việt văn hóa. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt gắn liền với sự xây dựng và phát triển tiếng Việt văn hóa, và là một mặt - quan trọng, chủ yếu - của việc xây dựng và phát triển tiếng Việt văn hóa. Có xác định những chuẩn mực của tiếng Việt văn hóa thì mới có cơ sở không những để phân rõ đúng và sai, mà còn để phân rõ trong sáng và không trong sáng trong tiếng Việt. Và ngược lại, muốn xác định tốt những chuẩn mực của tiếng Việt văn hóa thì phải chú ý đầy đủ yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm sao cho những chuẩn mực của tiếng Việt văn hóa không những bảo đảm tính thống nhất và tính ổn định, mà còn bảo đảm tính trong sáng của nó. Như vậy, chuẩn mực là
    khái niệm trung tâm trong vấn đề giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ.

    Chuẩn mực ngôn ngữ là một khái niệm phức tạp, đầy mâu thuẫn. Sực xác định và tồn tại của chuẩn mực phụ thuộc không những vào yếu tố "bên trong" ngôn ngữ, đặc điểm kết cấu, truyền thống lịch sử, quy luật phát triển nội bộ của mỗi ngôn ngữ, mà còn phụ thuộc khá nhiều vào những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ: vào đặc điểm phát triển của xã hội, điều kiện tồn tại của mỗi ngôn ngữ văn hóa, thành phần của những người nắm ngôn ngữ văn hóa. v.v... những yếu tố này có ảnh hưởng lớn đến sự đánh giá của xã hội đối với các hiện tượng ngôn ngữ. Cần nghiên cứu chuẩn mực của ngôn ngữ một cách toàn điện. Nhưng đến nay, trong lí luận ngôn ngữ học, vấn đề này chưa được nghiên cứu mấy.

    Chuẩn mực là cái gì ít nhiều có tính chất bắt buộc. Yêu cầu đối với mọi người sử dụng ngôn ngữ văn hóa là phải theo các chuẩn mực, không được vô cớ đi chệch. Nhưng “mức độ bắt buộc và phạm vi tác động của các chuẩn mực” [8] không như nhau. Có những chuẩn mực xác định những đặc trưng cơ bản của một ngôn ngữ, những chuẩn mực này vững chắc nhất, lâu bền nhất, được mọi người thừa nhận, phạm vi tác động rất rộng, mức độ bắt buộc rất cao: có thể gọi đó là những chuẩn mực đặc trưng của ngôn ngữ. Bên cạnh, hay nói đúng hơn là trên cơ sở những chuẩn mực đặc trưng, có những chuẩn mực xác định những đặc điểm của bản thân ngôn ngữ văn hóa, xác định cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ của ngôn ngữ văn hóa. Có thể gọi đó là những chuẩn mực văn hóa. Chuẩn mực văn hóa được những người hoạt động văn hóa, và trước tiên là các nhà văn hóa lớn, xây dựng một cách có ý thức. Nói, viết tiếng Việt mà sai chệch những chuẩn mực đặc trưng của tiếng Việt thì lời nói câu văn không phải Việt-nam nữa. Còn nếu sai chệch những chuẩn mực văn hóa, thì lời nói câu văn dù có vẻ rất Việt-nam, vẫn bị đánh giá là "không tốt", "không văn hóa". Quan niệm như vậy thì biết nói và biết nói “tốt” là hai việc khác nhau. Ai cũng học để biết nói, một cách tự nhiên, từ ngày còn ở trong nôi, nhưng muốn biết nói "tốt", biết sử dụng ngôn ngữ văn hóa, thì phải khó khăn hơn, phải qua học tập, thường bắt đầu là ở nhà trường, phải có công phu trau dồi lời nói, phải nắm được các chuẩn mực của ngôn ngữ văn hóa, có ý thức tự giác trong việc vận dụng các chuẩn mực. Trong hệ thống chuẩn mực, như ở trên đã nói, chuẩn mực đặc trưng là cơ sở, sai lệch chuẩn mực đặc trưng thì chuẩn mực văn hóa cũng mất chỗ dựa. Lời nói câu văn mà đã không Việt-nam thì đâu có cơ sở để thành lời nói câu văn “tốt”. Cho nên điều quan trọng trước tiên là phải tôn trọng các chuẩn mực đặc trưng của tiếng Việt. Đó là yêu cầu sơ đẳng. Rải rác trong một số sách nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt của một số học giả người nước ngoài, có thể nhặt những câu thí dụ ngô nghê, không Việt-nam, đại loại như:
    - Chúng ta đi xem lễ. Họ họ đều vui, ta ta cũng thích.
    - Công việc đó tôi đã đã nói rồi. [9]
    Người nước ngoài khó nắm được sâu sắc, toàn diện những chuẩn mực đặc trưng của tiếng Việt. Một sai lầm dễ mắc là dựa theo một kiểu tạo từ, kết hợp từ hoặc đặt câu nào đó của tiếng Việt, rồi suy rộng ra một cách máy móc: dựa theo những kiểu “người người đều vui”, “ai ai cũng thích, “tôi thường thường đi chợ”, mà tưởng rằng có thể nói “họ họ đều vui”, “ta ta cũng thích”, “tôi đã đã nói rồi”. Nhưng dù sao, sai lầm này ở người nước ngoài cũng không đáng chê trách lắm. Đáng chê trách hơn là người Việt-nam chúng ta lại đi viết những câu văn không được Việt-nam kia! Thí dụ:
    - Đang lúc ấy, phóng ngựa đến, tên quản lí Phi lip... (Sách).
    - Đây là Hoàng, em ruột của Toàn, người mà đã biết... (Sách).
    - Nguyên nhân chính đưa đến thắng lợi là được sự soi sáng bởi nghị quyết của Trung ương. (Báo).

    Thật ra, đã là người Việt-nam, nói tiếng Việt hàng ngày từ nhỏ, thì ai mà không nắm được những chuẩn mực đặc trưng của tiếng Việt? Khó mà nghe có những lời nói “không Việt-nam” ở miệng những người dân Việt-nam bình thường. Những câu không Việt-nam thường chỉ gặp dưới ngòi bút của một số người có văn hóa, ít nhiều có làm quen với một ngôn ngữ nước ngoài. Tiếng Việt văn hóa là tiếng Việt đã được nâng cao: nói nâng cao nghĩa là dựa trên những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt, giữ gìn phát huy những cái tốt vốn có, khắc phục những cái không tốt. Nhưng có khi chúng ta hiểu sự nâng cao thành một sự "gia công" giả tạo, thậm chí đôi khi, ít hay nhiều, có ý thức hay vô ý thức, chúng ta dựa vào những chuẩn mực của một ngôn ngữ văn hóa nước ngoài nào đó mà chúng ta quen thuộc, thoát li những chuẩn mực đặc trưng riêng của tiếng Việt (nếu có thể nói như vậy). Ngôn ngữ văn hóa mà không dựa vững chắc trên cơ sở ngôn ngữ thường ngày của nhân dân thì có nguy cơ thành giả tạo và què quặt, có thể đầy rẫy những từ ngữ và lối nói không tự nhiên, "bác học", khó hiểu. Một ngôn ngữ văn hóa như vật thật ra chỉ là công cụ văn hóa trong tay một nhóm trí thức thượng lưu; đối với quần chúng lao động bình thường, nó khó hiểu, khó nắm, khó sử dụng. Là công cụ văn hóa, nhưng nó lại làm cho văn hóa trở thành "xa lạ" với người dân bình thường. Thời phong kiến, ở nước ta, giai cấp thống trị không dùng tiếng Việt, tiếng nói của dân tộc, của nhân dân, mà dùng tiếng Hán làm công cụ văn hóa, độc quyền trong tay chúng, trong suốt hàng bao thế kỉ. Thảng, hoặc có dùng đến tiếng Việt, thì đó lại là một thứ tiếng Việt lai Hán. Để xướng danh những người thi đỗ, đáng lẽ nói rất đơn giản: “Đỗ đầu cử nhân là Đào Vân Hạc, hai mươi ba tuổi, quê làng Đào-nguyên, tỉnh Sơn-tây", thì ngày xưa người ta nói:
    Cử nhân đệ nhất danh Đào Vân Hạc! Niên canh nhị thập tam tuế, quán tại Sơn-tây tỉnh, Đào-nguyên xá! [10]
    Muốn cho quần chúng nhân dân làm chủ văn hóa, nhanh chóng nâng cao trình độ văn hóa của mình, thì không những phải dùng ngôn ngữ dân tộc làm công cụ văn hóa, mà còn phải dân chủ hóa ngôn ngữ văn hóa, làm cho nó gần ngôn ngữ thường ngày của nhân dân. Vì vậy, yêu cầu chống "bệnh dùng chữ" - như Hồ Chủ tịch thường nhắc _ , "dân tộc hóa lời nói và câu văn" [11], "giữ gìn bản sắc tinh hoa, phong cách của tiếng ta"Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, là xuất phát từ lòng yêu dân tộc, yêu nhân dân, yêu tiếng mẹ đẻ, và từ yêu cầu của cách mạng tư tưởng và văn hóa ở nước ta hiện nay. Chúng ta quan niệm một tiếng Việt rất "Việt-nam", dễ nghe, dễ hiểu đối với người dân Việt-nam bình thường và dễ làm rung động trái tim của họ. Cho nên vấn đề nghiên cứu, nắm vững, tôn trọng, giữ gìn, phát huy những đặc trưng của tiếng Việt là vấn đề phải được đề ra hàng đầu.

    Nhưng mặt khác, một ngôn ngữ văn hóa, dầu gần ngôn ngữ thường ngày bao nhiêu, cũng vẫn khác ngôn ngữ thường ngày: nó là ngôn ngữ đã được nâng cao, nghĩa là đã khắc phục những cái gì có tính chất thuần túy địa phương và những cái gì có tính chất ngẫu nhiên, nhất thời, tùy tiện, cẩu thả trong ngôn ngữ thường ngày. Trong ngôn ngữ thường ngày, có người nói:

    - Bên cạnh anh ta là một đống hái và liềm để rất vô tổ chức.

    - Giờ có nhiều anh em thợ đi học..., họ học giờ nhanh lắm [13].

    Những cách nói như vậy tuy cũng Việt-nam đấy, nhưng không hoàn toàn hợp với chuẩn mực của tiếng Việt văn hóa hiện đại [14]. Trong tiếng Việt văn hóa hiện đại, cách nói thông thường là:

    - Bên cạnh anh ta là một đống hái và liềm, để rất lộn xộn.

    - Bây giờ có nhiều anh em thợ đi học...

    Chúng ta quan niệm một tiếng Việt trong sáng phải là một tiếng Việt không những rất "Việt-nam", mà còn rất "văn hóa". Nói, viết một cách giả tạo là không tốt; nhưng nói, viết một cách dễ dãi, tùy tiện cũng là không nên. Cần giản dị, tự nhiên, nhưng tự nhiên không phải có nghĩa là tự nhiên chủ nghĩa. Trong nhiều cách nói, hằng ngày nghe trong quần chúng, chúng ta phải biết chọn những cách nói tốt nhất, giản dị, rõ ràng, trong sáng, đẹp, và đôi khi còn phải biết trau dồi chút ít cho nó tốt hơn nữa, có như vậy mới nâng cao được ngôn ngữ của chúng ta. Nếu chỉ toàn "nói sao viết vậy" thì chưa hẳn đã tốt. Cần tôn trọng những chuẩn mực đặc trưng, nhưng trên cơ sở đó, lại cần xây dựng những chuẩn mực văn hóa.

    Mặt khác, ngay khi sử dụng ngôn ngữ thường ngày, cũng nên chú ý tránh tùy tiện, cẩu thả. Tuy rằng giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ văn hóa bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định, nhưng khoảng cách ấy không phải là một bức tường. Cái tùy tiện, cẩu thả trong ngôn ngữ thường ngày có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ văn hóa. Cho nên cũng cần trau dồi cả ngôn ngữ thường ngày, nâng nó lên gần ngôn ngữ văn hóa.

    Chuẩn mực là cái gì có tính chất bắt buộc, thì đồng thời cũng có tính chất ổn định. Đã là chuẩn mực, thì tức là được nhiều người - nếu không phải là mọi người - thừa nhận, trong một thời gian không phải ngắn. Ngôn ngữ được nâng lên thành ngôn ngữ văn hóa, làm công cụ giao tiếp giữa toàn dân tộc qua các địa phương và các thế hệ, thì càng đòi hỏi chuẩn mực phải có tính ổn định cao. Nhưng mặt khác, ngôn ngữ văn hóa cũng lại phát triển không ngừng, do yêu cầu phát triển của xã hội và tư duy; sự đánh giá của xã hội đối với các hiện tượng ngôn ngữ cũng thường có thay đổi, nhất là trong những thời kì xã hội có biến đổi lớn. Do đó, tính ổn định của chuẩn mực cũng chỉ là tương đối. "Trong lịch sử ngôn ngữ văn học [ngôn ngữ văn hóa] nói chung có hai xu thế phát triển mâu thuẫn với nhau: 1) chiều hướng muốn giữ và củng cố những chuẩn mực đang tác động, và 2) chiều hướng sửa đổi những chuẩn mực đã hình thành [15]. Chuẩn mực là cái quen dùng [16], mà thói quen thì không dễ gì vứt bỏ. Ngôn ngữ dựa vào thói quen của hàng vạn, hàng triệu người. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, tính bảo thủ là phổ biến, không ít người trong các lĩnh vực khác thì mạnh bạo đổi mới, nhưng trong lĩnh vực này thì lại nệ cũ, thích cổ. Chuẩn mực khi đã hoàn thành thì thường có sức sống mạnh mẽ, mà nó càng sống lâu bao nhiêu thì sức sống dai của nó càng tăng thêm bấy nhiêu, nó càng bám rễ sâu vào thói quen của các lớp người, các thế hệ. Những chuẩn mực đặc trưng vì thế là những chuẩn mực rất vững chắc. Nhưng chuẩn mực mới lại có sức mạnh của cuộc sống. Chuẩn mực mới hình thành, suy đến cùng là do đòi hỏi của cuộc sống phát triển không ngừng, và ở đây cũng vậy, cuối cùng cuộc sống thắng, cái cũ bị đẩy lùi, cái mới phong phú hơn được củng cố, nhưng nhiều khi phải trải qua một thời gian đấu tranh giằng co, trong thời gian ấy cũ, mới cùng tồn tại, và sự đánh giá của xã hội không nhất trí. Cái cũ ở đây thường không rút lui một cách đơn giản: nó thường cố bám lấy trận địa của nó, chỉ nhường từng miếng đất một, cố thủ trên những miếng đất cuối cùng, và cũng có những miếng đất trên đó mới và cũ giằng co kéo dài,"chưa ai thắng ai": như vậy cái cũ là chuẩn mực trong một số trường hợp, cái mới là chuẩn mực trong một số trường hợp khác, và có những trường hợp cũ và mới đều là chuẩn mực. Mề đay, thông ngôn trước đây là những từ thông dụng, và đã có lúc chúng ta có nói đến những "mề đay cứu quốc" [17]. Ngày nay, huân chương, phiên dịch được dùng phổ biến; nhưng riêng khi nói về địch, ngụy thì mề đay, thông ngôn cũng vẫn còn được dùng. Trước kia lính là từ thông dụng, nhưng từ khi có thêm bộ đội, thì có sự phân biệt: bộ đội của ta, lính của địch, ngụy. Tuy vậy, trong những trường hợp nào đó, lính lại vẫn có thể được dùng để chỉ cả bộ đội của ta nữa, như khi nói "đời người lính", "lính cụ Hồ" (có thể nói "bộ đội cụ Hồ"). Ngày xưa, để tỏ lòng tôn kính, chúng ta nói Nguyễn tiên sinh, Trần tướng công; sau Cách mạng tháng Tám, một dạo chúng ta còn nói Huỳnh bộ trưởng, Võ đại tướng. Ngày nay mà nói như vậy rõ ràng là cổ, kiểu cách. Nhưng trừ một trường hợp: chúng ta có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cũng có thể nói Hồ Chủ tịch, nhưng thường nói Hồ Chủ tịch hơn, cách nói này đối với chúng ta đã quen quá rồi, nó vừa tỏ dược lòng kính yêu của chúng ta đối với lãnh tụ dân tộc, vừa có vẻ tự nhiên và gần gũi; và vì vậy cách nói Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành màu sắc trang trọng đặc biệt.

    Trong đấu tranh giằng co giữa cái cũ và cái mới, cũng có khi cái cũ rút lui, nhưng chờ có dịp lại xuất hiện: phu nhân, ái nữ là những từ đã cũ lắm, chúng ta hầu như đã quên đi, nhưng một lúc nào đó, do đòi hỏi của "phép lịch sự" ngoại giao, những từ mà ít ai còn ưa ấy bỗng dưng được nhắc đến.

    Trong ngôn ngữ, cái mới cũng thường không hình thành một cách đơn giản. Không phải tất cả những cái gọi là "mới" đều có sức sống, có những cái sinh ra chỉ để mà chết yểu. Chủ nghĩa tu chính, hỏa tiễn, thủy quân lục chiến, phụ nữ ba đảm nhiệm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, để rồi nhường chỗ cho chủ nghĩa xét lại, tên lửa, lính thủy đánh bộ, phụ nữ ba đảm đang. Có khi trong cùng một trường hợp mà có nhiều cái mới được tạo ra, cùng tồn tại một thời gian, cho đến lúc nào xã hội có sự đánh giá, lựa chọn. Nhà giữ trẻ, nhà gởi trẻ, nhà trẻ hay nhóm giữ trẻ, nhóm trẻ, đó là những tên gọi khác nhau hiện nay để chỉ cùng một tổ chức mới ở xã hội chúng ta [18]. Cùng là vùng bị địch tạm chiếm đóng, mà cho đến nay có khi chúng ta gọi là vùng địch tạm chiếm, có khi gọi là vùng bị tạm chiếm, và cũng có người gọi đơn giản hơn: vùng tạm chiếm.

    Như vậy, do có đấu tranh giằng co giữa cái cũ và cái mới, cũng như do có sự tồn tại của nhiều cái mới được tạo ra cùng một lúc, nên trong ngôn ngữ, bên cạnh những chuẩn mực đã rõ ràng (và đây là phần lớn), bao giờ cũng có, ít hoặc nhiều, những chuẩn mực còn chưa rõ ràng, những trường hợp mà xã hội còn đang lưỡng lự trong việc lựa chọn. Trong những trường hợp này, hoạt động ngôn ngữ tự giác của con người có thể có tác dụng tích cực. Giữa nhà giữ trẻ, nhà gửi trẻ, nhà trẻ thì nhà trẻ tốt hơn vì gọn hơn (so sánh với vườn trẻ). Giữa vùng địch tạm chiếm, vùng bị tạm chiếm, vùng tạm chiếm, thì vấn đề có phần phức tạp, vì ở đây có người có thể cho rằng cái “gọn” hơn không hẳn đã là cái tốt hơn: nói vùng tạm chiến phải chăng có thể hàm một cái nghĩa không được rõ ràng?

    (Còn tiếp...)

    [1] Nguyễn Trãi: Quốc âm thi tập, Hà-nội, 1956, tr. 39.

    [2] Như trên, tr.119.

    [3] F.Enghen: Lutvich Fơbách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (C. Mác – F. Enghen: Tuyển tập, tập II, Hà-nội, 1962, tr.616. Chúng tôi có dịch và chữa lại một đôi chỗ - H.P.

    [4] Hoàng Thúc Trâm: Hán - Việt tân từ điển, Sài-gòn, 1951, Phàm lệ, tr.14.

    [5] Gọi là "ngôn ngữ văn học" thì dễ lầm là ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học ("ngôn ngữ nghệ thuật"). Sự thật là các nhà văn, ở nước nào cũng vậy, có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Nhưng ngôn ngữ văn hóa không chỉ được dùng trong văn học, mà còn được dùng trong khoa học, trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa khác (hiểu theo nghĩa rất rộng) của con người. Những lĩnh vực này ngày càng phát triển, ngày càng thêm quan trọng trong đời sống của xã hội hiện đại. Vì vậy, dùng "ngôn ngữ văn hóa" thỏa đáng hơn. Trong ngôn ngữ học các nước ngoài, cũng có người dùng "ngôn ngữ văn hóa", hoặc "ngôn ngữ văn minh", để chỉ ngôn ngữ - dùng làm công cụ văn hóa - của một dân tộc đạt đến trình độ văn minh tương đối cao.

    [6] Trước nay nhiều người gọi là "tiêu chuẩn". Nhưng tiêu chuẩn thường là cái "căn cứ" để đánh giá, để nhận xét ("tiêu chuẩn của chân lý"...), dùng "tiêu chuẩn" ở đây nghĩa sẽ không rõ ràng. Có người dùng "mẫu mực" như Lê Xuân Thại, Hồng Dân trong các bài trong tập này. Nhưng mẫu mực dễ hiểu lầm là "gương mẫu", "mô phạm". Chúng tôi đề nghị dùng chuẩn hoặc chuẩn mực, nếu không tìm được từ khác tốt hơn.

    [7] Phụ âm đầu p - (trong pin, pô-pơ-lin, a-pa-tít v.v...) là một hiện tượng mới trong tiếng Việt hiện đại. Nhìn cái hướng phát triển thì phải thừa nhận nó là chuẩn mực của tiếng Việt văn hóa hiện đại, mặc dầu hiện nay có thể số đông trong nhân dân ta, nhất là ở nông thôn và trong lớp người già, không phát âm p mà chỉ phát âm b ("a-ba-tít", "bô-bơ-lin").

    [8] B.B.Bиноградов (V.V.Vinôgrađôp): Изучeниe русского литера тунoго языка за пocлeднee дecятилeтие в CCCP (Việc nghiên cứu tiếng Nga văn học – tiếng Nga văn hóa – trong mười năm lại đây ở Liên-xô), Mạc-tư-khoa, 1955. Dẫn theo B.Г.Кocтoмaров (V.G.Côxtômarôp): Культурa языкa и peчи в cвeтe языкoвoй пoлитики (Trau dồi ngôn ngữ và lời nói dưới ánh sáng của chính sách ngôn ngữ), trong tập “Язык и cтиль” (“Ngôn ngữ và phong cách”), Mạc-tư-khoa, 1965, tr. 46.

    [9] L.C. Thompson (L.C. Tomxơn): A. Vietnamese Grammar. (Ngữ pháp tiếng Việt), Xitơn, 1965, tr. 151-152.

    [10] Ngô Tất Tố: Lều Chõng, Hà Nội, 1961, tr.262.

    [11] Trường Chinh, bài đã dẫn. Tăng cường công tác báo chí…, tr.52.

    [12] Phạm Văn Đồng, bài đã dẫn, tr.10.

    [13] Nhặt trên sách báo.

    [14] Trong phong cách văn học (nghệ thuật) cho phép dùng những câu như vậy, nhưng chỉ trong lời của nhân vật, và một cách cũng rất hạn chế.

    [15] B. Havaranek (B. Havranêc). Dẫn theo B.Г.Кocтoмapoв: tác phẩm đã dẫn, tr. 45.

    [16] Những cái "quen dùng" không nhất thiết là chuẩn mực. Có cái "quen dùng" mà vẫn bị đánh giá là "sai". Trong ngôn ngữ có cái sai của số đông.

    [17] Như trong nghị quyết của Hội nghị cách mạng Bắc-kì, ngày 20-4-1945 về "Tiến tới tổng khởi nghĩa". Xem Chặt xiềng. Hà Nội, 1960, tr.36.

    [18] Trên cùng một số báo “Nhân dân”, ngày 1-6-1961, mà có bài thì dùng nhà giữ trẻ, nhà gửi trẻ, nhà trẻ, nhóm trẻ, có bài thì dùng nhóm giữ trẻ, nhà giữ trẻ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/11/15
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Vì có những hiện tượng phức tạp nói trên, nên ranh giới giữa chuẩn mực và không chuẩn mực, giữa đúng và sai là một ranh giới tương đối. “Mọi ranh giới trong tự nhiên và trong xã hội đều di động và qui ước đến một mức nào đó” [1], lời ấy của Lênin cũng hoàn toàn đúng ở đây. Bởi vì quan hệ giữa cái chuẩn mực và cái không chuẩn mực, giữa cái đúng và cái sai là một quan hệ biện chứng. “Phép biện chứng cũng không biết có những hard and fast lines [đường phân ranh giới dứt khoát], không biết có cái “hoặc thế này hoặc thế kia” vô điều kiện và ở đâu cũng đúng..., bên cạnh cái “hoặc thế này... hoặc thế kia” nó cũng biết có cái “vừa là thế này...vừa là thế kia”[2]. Vì thế, “không nên xem những mặt đối lập là chết, cứng đờ, mà là sinh động, có điều kiện, hoạt động, chuyển hóa lẫn nhau” [3]. Cái đúng trong ngôn ngữ là cái đúng sinh động. Đúng, sai là có điều kiện. Cái đúng trong trường hợp này, hoàn cảnh này có thể không đúng trong trường hợp khác, hoàn cảnh khác; cái đúng hôm qua có thể là không còn đúng nữa hôm nay. Và ngược lại, cái không đúng ở chỗ này có thể là đúng ở một chỗ khác. Bệnh sính nói chữ là không tốt, và có ai kiên quyết chống cho bằng Hồ Chủ tịch, nhưng chính Hồ Chủ tịch đôi khi cũng nói “chữ”: “Thực túc thì binh cường, cấy nhiều thì khỏi đói” [4]. Nói chữ thường là không nên, nhưng “nói chữ” như Hồ Chủ tịch, thật đúng chỗ, đúng lúc, thì lại tốt.

    Chuẩn mực có tính tương đối, nên chỉ tác động đến một số hiện tượng nhất định, trong những điều kiện nhất định; nếu đem tuyệt đối hóa, áp dụng cho mọi hiện tượng cùng loại hoặc trong mọi phong cách thì khó tránh sai lầm. Trong tiếng Việt hiện đại, có hiện tượng gọi là “nói tắt”. Đánh giá hiện tượng này phải xét trường hợp cụ thể, và cũng phải tùy theo phong cách. Người cận thị mà nói thành người cận thì không nên nhưng cửa hàng kính cận, kính viễn mà đổi thành cửa hàng kính cận thị, kính viễn thị, thì vị tất đã cần thiết. Mi-li-mét là tên gọi chính thức của đơn vị chiều dài 1/1000 của mét; nhưng không phải bất cứ lúc nào cũng phải nói đầy đủ “mi-li-mét”, mà không thể nói gọn hơn: li. Đại bác 105 mi-li-mét, trong nhiều trường hợp, có thể nói đại bác 105 li, thậm chí đại bác 105. Lời sau đây của một chiến sĩ, nói đang giữa một trận đánh:

    - Trăm linh sáu đấy… Tám mốt đấy… đạn bốn mươi li… lại năm bảy li…[5].

    mà nếu chữa cho “đầy đủ” hơn:

    - Một trăm linh sáu mi-li-mét đấy…tám mươi mốt mi-li-mét đấy…đạn bốn mươi mi-li-mét… lại năm mươi bảy mi-li-mét…

    thì sao khỏi trở thành không hiện thực? Hiện tượng “nói tắt” phát triển nhiều hơn trong ngôn ngữ hằng ngày, trong khẩu ngữ, và thường từ đó mà vào trong ngôn ngữ văn hoá. Ngôn ngữ văn hoá, với những phong cách của nó, sàng lọc, tiếp thu những từ, ngữ nói tắt cần thiết; nhưng mặt khác, cũng cần ngăn ngừa sự “xâm nhập” của những từ, ngữ “nói tắt” do cẩu thả như phê tự phê (phê bình tự phê bình), cũng như những từ, ngữ “nói tắt” có thể dễ dàng gây hiểu lầm, như tuyên bố (kết hôn).

    Không nên xem chuẩn mực ngôn ngữ thành một cái gì cứng đờ, nên tránh những sự đánh giá cứng nhắc về những hiện tượng ngôn ngữ. Có lần, nhận xét về một bài báo nào đó, Lênin cho rằng viết “Πapa лeт[para let = vài năm] là không đúng tiếng Nga”. Theo Lênin, từ para trong tiếng Nga có nghĩa là “một cặp, một đôi”, đem dùng với nghĩa là “vài ba” như trong para let là không đúng. Nhưng về sau, chính Lênin lại đã nhiều lần dùng từ para với cái nghĩa “vài ba” như vậy, để diễn đạt những ý “vài ngày”, “vài tháng”, v.v… [6]. Cái nghĩa này của từ para đã được dùng phổ biến, và Lênin không câu nệ, đã thay đổi ý kiến của mình.

    - Trong lời nói sinh động hàng ngày, luôn luôn có những chuẩn mực cũ bị phá hoại, những chuẩn mực mới xuất hiện và dần dần được củng cố. Cái đúng cũ nhường chỗ cho cái đúng mới. Cái đúng mới ấy không phải là một cái gì thoát li cái đúng cũ, nó hình thành trên cơ sở cái đúng cũ, nó là cái đúng cũ, nó là cái đúng cũ phát triển thành sinh động hơn, phong phú hơn. Mặt khác, trong cái đúng mới, có một số yếu tố thoát thai từ trong những cái gọi là “không đúng” cũ, bởi vì cái mới có khi nảy sinh dưới hình thức một sự đi chệch chuẩn mực. Chính trong những cái gọi là “không đúng”, ngày nay có những yếu tố chuẩn bị cho cái đúng nào đó của ngày mai. Những yếu tố ấy là những yếu tố tích cực, cần phân biệt với những yếu tố tiêu cực, với những cái không đúng thật sự. Cho nên giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ thì phải bảo vệ những đặc trưng của nó, bảo vệ những chuẩn mực sẵn có, cái đúng sẵn có, đấu tranh chống những hiện tượng sai lệch chuẩn mực một cách vô cớ, do cẩu thả hoặc do thiếu những hiểu biết cần thiết về ngôn ngữ. Do thường nói phát triển đảng, kết nạp đảng viên mà có người nói thành kết nạp đảng, phát triển đảng viên. Do quả phụ nghĩa là đàn bà goá, mà có người nói nhầm là goá phụ. Đó là những hiện tượng sai lệch chuẩn mực không tốt. Nhưng cũng cần phân biệt những hiện tượng này với những cái mà chúng ta cho là “sai”, nhưng kỳ thật đã được xác định từ lâu rồi. Nhân dân ta từ lâu nói làm tròn nhiệm vụ, tiếp thu phê bình, và nói như vậy không có gì là không tốt, bất tiện. Nhưng gần đây, trên báo chí có xu hướng muốn chữa lại là làm trọn nhiệm vụ (cho rằng “trọn” mới “có nghĩa”), tiếp thụ phê bình (cho rằng tiếp thụ mới đúng, theo như trong tiếng Hán). Một sự uốn nắn như vậy dầu có thực hiện được cũng không mang lại một lợi ích gì thiết thực.

    Một mặt khác, cũng là quan trọng, không thể thiếu, của việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, lại phải ủng hộ những cái mới tích cực, “ủng hộ những chuẩn mực mới đã chín muồi ở nơi nào mà sự bảo thủ vô lý ngăn cản nó xuất hiện” [7]. Ở đây, đúng như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, đòi hỏi người nghiên cứu và người sử dụng ngôn ngữ “phải chủ động, tích cực, nhạy cảm” [8]. Sự nhạy cảm rất là cần thiết, để vừa kịp thời đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, vừa kịp thời phát hiện và ủng hộ những hiện tượng tích cực. Nhưng cái tiêu cực và cái tích cực trong ngôn ngữ không phải lúc nào cũng dễ phân biệt; đôi khi phải chờ sự thử thách của thời gian, của cuộc sống, chớ không thể vội vàng kết luận. Không thể “để mặc ngôn ngữ”. Nhưng nếu tuyệt đối hoá những chuẩn mực sẵn có, khe khắt với bất cứ sự đi lệch nào, định chuẩn mực một cách chủ quan , vội vàng, cứng ngắc, gò ép, thì sẽ ngăn cản sự hình thành những chuẩn mực mới, ngăn cản sự phát triển của ngôn ngữ, và như thế cũng là sai lầm.

    Nhiều chuẩn mực cùng song song tồn tại là điều không thể tránh. Đó cũng là điều kiện cần thiết để cho chuẩn mực mới có thể hình thành, cho ngôn ngữ có thể phát triển. Những hình thức đồng nghĩa cùng tồn tại nói chung là điều kiện có lợi, là biểu hiện sự phong phú, khả năng dồi dào của ngôn ngữ. Để diễn đạt cùng một ý, có thể có nhiều cách nói khác nhau, mỗi cách thích hợp với một hoàn cảnh riêng. Cùng một ý “thống nhất Tổ quốc” nhưng tuỳ trường hợp chúng ta có thể nói thống nhất Tổ quốc, thống nhất đất nước, thống nhất Nam-Bắc, thống nhất nước nhà hay đơn giản hơn: thống nhất (như trong đấu tranh thống nhất, ngày thống nhất, v.v…). Có người băn khoăn không biết nên viết Tổ quốc ta hay viết Tổ quốc của ta, quân và dân miền Bắc hay quân, dân miền Bắc? Phải chăng nói Tổ quốc của ta thì “thừa” (thừa của), còn nói thống nhất không thôi thì thiếu? Nhưng ngôn ngữ chúng ta dùng đâu có phải là thứ “ngôn ngữ xác định như một đại số” [9]? Không nên hiểu sự “thừa, thiếu” trong ngôn ngữ như sự thừa thiếu trong toán học. Nếu theo phép giản hoá trong đại số mà viết gọn lại cái câu sau đây:

    Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! [10] thành:

    Sao mà đời tù túng, chật hẹp, bần tiện thế!

    thì đúng vẫn đúng, nhưng còn gì là câu của nhà văn!

    Bên trên cái đúng, cần phải đạt đến cái hay, mà muốn vậy thì phải có nhiều cách nói khác nhau, để cho người sử dụng ngôn ngữ có quyền lựa chọn. Chính sự lựa chọn ấy biểu hiện cá tính, biểu hiện phong cách.

    Nhưng lắm khi người sử dụng ngôn ngữ cảm thấy hình như ngôn ngữ vẫn nghèo nàn. Bởi vì một ngôn ngữ dù giàu có, phong phú bao nhiêu, cũng làm sao mà phong phú cho bằng thế giới, đời sống, tư tưởng, tình cảm con người, những cái mà ngôn ngữ phải diễn đạt, diễn tả! Cùng một ý, nhưng thường có nhiều khía cạnh khác nhau. Lắm lúc con người cảm thấy phải tìm, phải nghĩ ra một cách nói mới để diễn đạt cho thật đúng, cho sát, cho tốt với những ý nghĩ, tình cảm của mình, nghĩa là phải sáng tạo.

    Người nào sử dụng ngôn ngữ cũng đều ít nhiều có sáng tạo. Trong ngôn ngữ thường ngày, sáng tạo thường là tự phát, do đòi hỏi nhất thời của việc diễn đạt tư tưởng, tình cảm ngay trong một lúc nào đó. Trong ngôn ngữ văn hóa, sự sáng tạo thường có ý thức hơn, là kết quả của một công phu suy nghĩ, tìm tòi, nhiều khi không phải chỉ trong chốc lát.

    Ngôn ngữ văn hóa xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ thường ngày, qua một quá trình lựa chọn, sàng lọc; nhìn khía cạnh ấy, thì so với ngôn ngữ thường ngày, hình như ngôn ngữ văn hóa có phần nào “nghèo nàn” hơn. Nhưng do chức năng của nó, do nó được sử dụng trong mọi hoạt động văn hóa, hoạt động trí tuệ của con người, trong rất nhiều phong cách khác nhau, để diễn đạt rất nhiều cái mà ngôn ngữ thường ngày không thể và không cần diễn đạt, nên về mọi phương diện đều phải đòi hỏi nó phải phong phú hơn ngôn ngữ thường ngày gấp bội.

    Ngôn ngữ văn hóa là ngôn ngữ dùng trong văn học-nghệ thuật và trong khoa học. Phong cách nghệ thuật đòi hỏi tính sinh động phong phú, phong cách khoa học đòi hỏi tính chính xác cao. Để đáp ứng những đòi hỏi ấy, ngôn ngữ văn hóa phải có những cách diễn đạt phong phú, đa dạng, tinh tế hơn những cách diễn đạt của ngôn ngữ thường ngày. Ngôn ngữ văn hóa là ngôn ngữ đã được nâng cao do sự sáng tạo có ý thức của con người có văn hóa, những sáng tạo này trước hết nhằm nâng cao tính sinh động và tính chính xác của ngôn ngữ.

    Tiếng Việt được sử dụng từ lâu trong thơ ca. Nhưng chỉ từ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, nghĩa là từ hơn nửa thế kỷ nay, nó mới dần dần được sử dụng trong khoa học cũng như trong mọi lĩnh vực khác của đời sống văn hóa. Dùng trong nhiều phong cách mới mẻ và phải diễn đạt nhiều nội dung mới, phong phú và đang mỗi ngày một phong phú thêm, tiếng Việt văn hóa đang chuyển mình mạnh từ mấy chục năm nay và trước mắt chúng ta. Nó đã và đang cải tiến nhiều cách diễn đạt cũ, tự tạo thêm và tiếp thu nhiều cách diễn đạt mới, trở thành uyển chuyển hơn, sáng sủa hơn, giàu đẹp hơn. Nó không những giàu thêm rất nhiều về từ, mà - quan trọng hơn nhiều - còn giàu thêm về kiểu tạo từ và về cách dùng từ; cách kết hợp từ cũng mạnh bạo hơn, vị trí của từ trong câu trở lên linh hoạt hơn, bên cạnh lối nói thuận, những lối nói đảo cũng được dùng nhiều hơn; nó cũng giàu thêm về kiểu câu và bên cạnh những câu đơn giản thường là ngắn gọn, nó cũng dùng nhiều hơn những câu phức hợp, theo những kiểu khác nhau. Sau đây chỉ là một ít thí dụ về những cách dùng từ và những kiểu câu mới trong tiếng Việt văn học hiện đại:

    - Hà-nội mit tinh lớn trong những ngày chống Mĩ.

    - Đâu cần thanh niên
    , đâu khó có thanh niên.

    (Khẩu hiệu của thanh niên)

    - chủ nghĩa xã hội, thống nhất tổ quốc, lý tưởng cộng sản, thanh niên anh dũng tiến lên!

    (Khẩu hiệu của thanh niên)

    - Mặt y tối sầm những lo âu [11]

    - Là một thế hệ anh hùng của một thời đại anh hùng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thanh niên ta cũng xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng, với sự giáo dục và chăm sóc ân cần của Hồ chủ tịch [12].

    Mặt khác tiếng Việt hiện đại cũng đang cố gắng “chuyên hóa”- nếu có thể nói như vậy- một số cách diễn đạt, phân biệt với một số cách diễn đạt khác, tạo ra những kiểu “đối lập” trước không hề có, vươn tới một tính chính xác cao hơn, có thể không cần thiết trong phong cách thường ngày hoặc phong cách nghệ thuật, nhưng rất cần thiết trong phong cách khoa học và một số phong cách khác [13]. Đây là một yêu cầu lớn trong sự phát triển của tiếng Việt văn hóa hiện đại. Trong tiếng Việt thường dùng trật tự của từ để diễn đạt các quan hệ ngữ pháp. Có những kiến trúc hoàn toàn giống nhau về hình thức, nhưng diễn đạt những ý khác nhau. Chúng ta so sánh:

    - Bà mẹ Suốt là một bà mẹ anh hùng (bản thân bà mẹ là một anh hùng) và Bà mẹ Suốt là một bà mẹ chiến sĩ.
    -
    Anh ấy có thể tin được (người ta có thể tin anh ấy được) và Anh ấy có thể làm được, hoặc Tôi có thể tin được.

    Có những nhà văn viết:

    - Liên về chợ [14] (Liên đi chợ về)

    - Mười hai giờ trưa có kẻng về đồng [15] (nghỉ việc đồng về nhà).

    Về chợ, về đồng không thể nói là không hợp chuẩn mực. Trong tục ngữ có: Mong như mong mẹ về chợĐi chợ thì chớ ăn quà, về chợ thì chớ rề rà ở trưa.

    Những cách nói trên đây có thể có sự tế nhị về ý, uyển chuyển về lời, cần cho văn học - nghệ thuật, nhưng lại thiếu chính xác cần cho khoa học. Làm sao giải quyết mâu thuẫn ở đây? Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy lúng túng trong vài cách diễn đạt: tiếng Việt văn hóa hiện đại có cho phép nói: Mai tôi sẽ đến tìm hoặc sẽ gọi điện thoại cho anh, hoặc : Học tập, thi đua với những người tiên tiến hay không, hay là nhất thiết phải nói: Mai tôi sẽ đến tìm anh hoặc sẽ gọi điện cho anhHọc tập những người tiên tiến, thi đua với họ? Vấn đề đặt ra là: làm sao cho ngôn ngữ của chúng ta uyển chuyển hơn nữa? Rõ ràng là do đòi hỏi phát triển của tiếng Việt văn hóa hiện đại, có nhiều chuẩn mực mới đang hình thành, đang phải được xây dựng. Tiếng Việt văn hóa đang được hướng tới một sự trong sáng mới, một sự trong sáng cao hơn, một sự trong sáng không chỉ chuộng hình thức, mà còn chuộng nội dung, không chỉ theo nền nếp cũ, mà còn có sáng tạo, không đơn điệu mà phong phú, không cầu kỳ mà giản dị, không ngưng đọng mà phát triển. Khái niệm trong sáng của ngôn ngữ là một khái niệm có tính lịch sử. Xã hội thay đổi, đời sống con người thay đổi, thì yêu cầu đối với ngôn ngữ và do đó cả quan niệm về sự trong sáng của nó cũng đổi khác. Quan niệm của chúng ta ngày nay về sự trong sáng của tiếng Việt không giống như quan niệm trước đây vài ba chục năm càng không thể giống như quan niệm trước đây một vài thế kỉ.

    Chúng ta quan niệm sự trong sáng của tiếng Việt là một sự trong sáng ngày càng được nâng cao, cho nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta đồng thời coi trọng tất cả những cố gắng nhằm làm cho nó giàu đẹp thêm. Những cố gắng đó trước hết là những cố gắng phát hiện và phát huy những cái hay, đẹp vốn có của tiếng Việt, là những sáng tạo dựa trên vốn cũ của ngôn ngữ dân tộc. Những sáng tạo như vậy làm tăng sức sống của tiếng Việt. Chuẩn mực ngôn ngữ không phải là những cái “khuôn” cứng rắn. Trong phạm vi tuân theo các chuẩn mực, người sử dụng ngôn ngữ có một tự do rất lớn: tự do lựa chọn những cách diễn đạt của ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ nào cũng có những cách, những khả năng diễn đạt rất phong phú. Vì vậy nên nhiều người cùng sử dụng chung một ngôn ngữ, mà cách diễn đạt cụ thể ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. “Những khả năng của sự diễn đạt cá nhân là vô tận. Ngôn ngữ là một công cụ diễn đạt hết sức uyển chuyển, có thể nói là uyển chuyển nhất… Ngôn ngữ sẵn sàng… thể hiện cá tính của người nghệ sĩ” [16]. Vận dụng các chuẩn mực, phát hiện những khả năng diễn đạt tiềm tàng của ngôn ngữ để tạo nên những giá trị diễn đạt mới, nhiều khi bất ngờ, đó là sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo.

    Trong ngôn ngữ sáng tạo không nhất thiết là tạo ra những từ mới. Dưới ngòi bút của những nhà văn có tài, có những từ rất thường được dùng một cách rất sáng tạo, như từ không trong câu sau đây:

    Họ chẳng có một tí gì. Đồ đạc không. Hòm xiểng không. Đồ ăn thức đựng không. Một cái bát nhỏ ăn cơm cũng không nốt [17].

    Đôi khi, có những sáng tạo táo bạo, vượt ra ngoài những chuẩn mực hiện có:

    - Kha nhìn bức tường dựng đứng. Ít ra là tám chín thước cao [18].
    - Hiên ngang Cu-ba [19].

    Thật ra ngay những sáng tạo như thế, phân tích kỹ, thường cũng không phải là hoàn toàn thoát li những chuẩn mực hiện có của ngôn ngữ, Nguyễn Du cũng đã từng viết:

    Râu hùm, hàm én, mày ngài
    Vai năm tấc rộng, than mười thước cao.

    (Truyện Kiều)

    Nhưng dù sao những cách diễn đạt trên đây cũng khác lạ những cách diễn đạt thông thường, và cũng có thể coi là hiện tượng đi chệch chuẩn mực hiện có. Nhưng sự đi chệch này là có ý thức, có cân nhắc, có lí do. Nếu sáng tạo mà chưa thành công thì ít nhất cũng là một thí nghiệm. Chúng ta có thể tán thành hay không, nhưng nói chung không nên phản đối, vì đây là một mặt quan trọng của sáng tạo nghệ thuật, miễn là nghiêm túc thì cần được trân trọng. "Tất nhiên, không có những nhà văn nào mà hoàn toàn không đi chệch các chuẩn mực, những nhà văn như vậy sẽ đáng chán vô cùng. Khi mà con người đã được bồi dưỡng để biết cái chuẩn mực, thì con người cũng bắt đầu cảm thấy được tất cả cái hay đẹp của hiện tượng đi chệch chuẩn mực một cách có lý do ở các nhà văn giỏi " [20].

    Có những sáng tạo thành công được nhiều người bắt chước, thành phổ biến, được xã hội chấp nhận và trở thành chuẩn mực mới. Vùng trời mà Hồ Chủ tịch dùng thay cho không phận, Hội chữ thập đỏ mà Hồ Chủ tịch đã dùng thay cho Hội hồng thập tự [21] đang ngày càng được dùng phổ biến là một thí dụ.

    Nhưng cũng có những sáng tạo thành công mà không phổ biến. Đó là "những từ ngắn ngủi, sản sinh ra với sự cần thiết nhất thời và chết đi khi sự cần thiết đó không còn nữa; nó không phải là những từ "chết trong trứng", nó đã sống một lúc và có thể hồi sinh cùng với hoàn cảnh tạo ra nó" [22]. Đó còn là những cách kết hợp từ, cách đặt câu, gắn liền với một hoàn cảnh nhất định. Nguyễn Du đã viết:

    Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
    Nách tường bóng liễu bay ngang trước mành.

    (Truyện Kiều)

    Mặc dầu sau này nách tường cũng được các nhà văn khác dùng:

    Hoa mai vàng… nở bên nách tường lối đi… [23], nách tường vẫn không được dùng phổ biến và không thành chuẩn mực. Cũng vậy, hiên ngang Cu-ba không thành chuẩn mực. Chính vì những từ ngữ, cách nói này không thành phổ biến, không thành chuẩn mực, nên chúng giữ được cái giá trị mãi mãi của chúng; mỗi lần gặp lại chúng, người ta vẫn cảm thấy chúng là mới, là sáng tạo.

    Bất cứ một sáng tạo thành công nào trong ngôn ngữ cũng đều đáp ứng những đòi hỏi thực tế của việc diễn đạt tư tưởng, tình cảm, và không mâu thuẫn với những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ.

    Nhưng dù với những nhà văn rất lớn, phần thật sự sáng tạo cá nhân trong lĩnh vực ngôn ngữ cũng không là bao so với phần sử dụng ngôn ngữ "theo như đã có sẵn", nghĩa là gần như lặp lối nói mà mọi người đã thường nói và đang nói hằng ngày. Sự sáng tạo thường chỉ thể hiện một số từ, ngữ nhất định nào đó, như những bông hoa điểm trên một bức tranh mà cái nền làm bằng những câu, lời thông thường.

    Ngoài sự sáng tạo, một nguồn quan trọng làm giàu thêm cho ngôn ngữ là sự vay mượn của các ngôn ngữ nước ngoài. Tiếng Việt không những vay mượn nhiều từ, mà còn vay mượn nhiều cách diễn đạt của tiếng Hán, tiếng Pháp, v.v…, và sự thật không nên phủ nhận là sự vay mượn đó đã góp phần quan trọng làm cho nó giàu đẹp thêm, trong sáng thêm.

    Lĩnh vực văn hoá, văn học, khoa học là một lĩnh vực không những có sự kế thừa trong nội bộ dân tộc, mà còn có sự giao lưu giữa các dân tộc, sự giao lưu này ngày càng rộng rãi hơn. Ngôn ngữ văn hoá là công cụ văn hoá của dân tộc thì đồng thời cũng là công cụ giao lưu văn hoá giữa các dân tộc. Giữa ngôn ngữ văn hoá của các dân tộc, sự tiếp xúc ngày càng nhiều, vay mượn giữa các ngôn ngữ là hiện tượng không những tất nhiên, mà còn là cần thiết, nhìn về yêu cầu của chức năng công cụ văn hoá cũng như của chức năng công cụ giao lưu văn hoá của ngôn ngữ. Nhưng vay mượn chỉ có thể là một biện pháp bổ sung để làm giàu đẹp một ngôn ngữ, chứ không thể là biện pháp chủ yếu. Trong vấn đề ngôn ngữ cũng vậy, phải nêu cao tinh thần tự cường dân tộc, tinh thần tự lực cánh sinh, và đây cũng là vấn đề đường lối cơ bản xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc. Chỉ nên vay mượn khi nào thật sự cần thiết, sau khi sử dụng và phát huy đầy đủ cái vốn sẵn có. Vay mượn là để bổ sung cho sáng tạo, và ngay trong vay mượn cũng cần có "sáng tạo ": phải vay mượn một cách có chọn lọc, cân nhắc, vay mượn một cách thông minh, dựa trên yêu cầu thực tế và khả năng tiếp thu của ngôn ngữ mình mà vay mượn, và "dân tộc hoá", đồng hoá yếu tố vay mượn, biến cái của người thành cái của ta. Chỉ sự vay mượn như thế mới là hợp lí và mới có tác dụng tốt đối với sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Nếu coi vay mượn là biện pháp thứ nhất, biện pháp chủ yếu để làm giàu ngôn ngữ, và nếu vay mượn một cách máy móc, sống sượng, ào ạt thì tác dụng có thể ngược lại : sự sáng tạo bị hạn chế, khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ không được phát huy, chuẩn mực của nó bị đảo lộn, sự trong sáng cũng như sức sống của nó bị giảm sút; sự giàu thêm chút ít về lượng sẽ không bù được cho sự nghèo đi về chất, và ngôn ngữ sẽ trở thành nghèo nàn, què quặt. Tiếng Việt "chính thức" trong vùng Mỹ-ngụy ở miền Nam đang lâm vào cái tình trạng đó. Trong bài "diễn văn" ngắn của tên "bộ trưởng quốc gia giáo dục" chính quyền ngụy Sài-gòn, thấy đầy dẫy những từ Hán-Việt không cần thiết: Vui mừng thập bội, cử chỉ đầy ưu ái, thanh niên hiếu học, lòng tri ân, giao hoàn, sự hợp tác huynh đệ, dụng cụ tân tiến, sự hiện diện, nhận chân giá trị, v.v…[24]. Điều đó cũng không đáng lấy làm lạ, vì có bao giờ những kẻ bán nước lại có thể thật sự yêu tiếng mẹ đẻ, để biết trân trọng giữ gìn nó?

    Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc làm tích cực nhằm bảo vệ và phát triển ngôn ngữ dân tộc của chúng ta.

    Nó là một việc làm tự giác, dựa trên lòng yêu nước và yêu quý tiếng mẹ đẻ, trên nhận thức cách mạng rằng con người có quyền và có khả năng làm chủ cái công cụ ngôn ngữ của mình, trên quyết tâm làm cho tiếng Việt phát triển tốt hơn nữa. Việc làm này còn dựa trên những hiểu biết khách quan, khoa học về ngôn ngữ, về tiếng Việt, về điều kiện, yêu cầu, chiều hướng phát triển của nó. Ở đây, vừa có vấn đề đường lối, quan điểm, vừa có vấn đề khoa học, kiến thức. Không có đường lối quan điểm đúng thì đặt sao được đúng vấn đề, nói gì đến giải quyết vấn đề? Nhưng không có kiến thức khoa học thì khi giải quyết những vấn đề cụ thể, khó tránh khỏi lúng túng và mâu thuẫn, khó quán triệt được đường lối, quan niệm đúng.

    Quyết định là đường lối. Đường lối của chúng ta, ở đâu cũng vậy và ở đây cũng vậy, là đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin, và ở đây cũng vậy cần đấu tranh trên hai mặt, chống hoặc đề phòng hai khuynh hướng sai lầm: khuynh hướng khách quan chủ nghĩa, để mặc ngôn ngữ phát triển một cách "tự nhiên", và khuynh hướng chủ quan, gò sự phát triển của ngôn ngữ theo những yêu cầu chủ quan của mình. Khuynh hướng chủ quan dẫn đến cái gọi là "chủ nghĩa thuần tuý" trong ngôn ngữ, với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng đều là phiến diện.

    Xác định được đường lối, quan điểm đúng, thì tránh được chủ nghĩa khách quan. Nhưng muốn tránh chủ nghĩa thuần tuý, thì có đường lối quan điểm đúng rồi, lại còn phải có những hiểu biết đầy đủ, khoa học, có cái nhìn toàn diện. Vấn đề ngôn ngữ rất phức tạp, tiếng Việt của chúng ta lại chưa được nghiên cứu nhiều. Cần tìm hiểu, học tập, nghiên cứu tiếng Việt của chúng ta nhiều hơn nữa, để có cơ sở vững chắc giải quyết tốt những vấn đề ngôn ngữ mà cuộc đấu tranh cách mạng hoàn thành giải phóng cả nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đề ra cho chúng ta.

    [1] V.I.Lênin: Bệnh ấu trĩ (bệnh “tả khuynh”) trong phong trào cộng sản. Xem V.I.Lênin: Tuyển tập, quyển II, phần II, Hà-nội,1959, tr. 364.

    [2] F. Enghen: Phép biện chứng của tự nhiên (bản tiếng Pháp), Pari, 1952, tr.214.

    [3] V.I. Lênin: Bút ký triết học, Hà Nội, 1963, tr. 118.

    [4] Trong bài “Gửi các nhà nông”. Xem Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Hà Nội, 1960, tr. 221.

    [5] Nguyễn Khải: Họ sống và chiến đấu, Hà Nội, 1956, tr. 18.

    [6] Xem Эp. Xaнпиpa (E. Khanpira): Д. Э. Poзeнтaдь, Кyльтypa peчи (Đ.E.Roozental, Trau dồi lời nói) (Giới thiệu và phê bình sách) trong “Boпpocы кyльтypы peчи” (“Những vấn đề trau dồi lời nói”), tập 6, Mạc-tư-khoa, tr. 231.

    [7] Л. В. Щepбa: Избpaнныe paбoты пo языкoзнaнию и фoнeткe (Tuyển tập về ngôn ngữ học và ngữ âm học), Lêningrat, 1958, tr. 66.

    [8] Phạm Văn Đồng: bài đã dẫn, tr.10.

    [9] J.Vendryes (J.Vendriet): Le langage (Ngôn ngữ), in lần thứ ba, Paris, 1950, tr. 182.

    [10] Nam Cao: Sống mòn, Hà-nội, 1963, tr. 203.

    [11] Nam Cao: tác phẩm đã dẫn, tr. 201.

    [12]Nhân dân”: 26-3-67, xã luận.

    [13] Năm 1948, đồng chí Trường Chinh, trong bài dẫn (tr. 50) đề nghị phân biệt chủ nghĩa đế quốc với đế quốc chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội với xã hội chủ nghĩa, coi một đằng là danh từ, một đằng là tính từ. Có thể nói, sự “đối lập” đó ngày nay đã thành chuẩn mực. So sánh: xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

    [14] Nam Cao: tác phẩm đã dẫn, tr. 222.

    [15] Nguyễn Địch Dũng: Quê hương. “Tuyển tập văn Việt-nam 1945 – 1960”, tập I, Hà-nội, 1960, tr. 101.

    [16] Ed. Sapir (E. Xapia): Le langage (ngôn ngữ, dịch từ tiếng Anh) Pari,1953, tr. 102, 107

    [17] Nam Cao, tác phẩm đã dẫn, tr.151

    [18] Nguyễn Đình Thi: Xung kích, in lần thứ tư, Hà-nội, 1960, tr. 70.

    [19] Tên một tác phẩm của Thép mới (Hà nội, 1963).

    [20] Л.В.Щepбa (L.V.Secba) : Cпopныe вoпрocы Рyccкoй гpaммaтики ( Những vấn đề tranh luận trong ngữ pháp tiếng Nga ). Dẫn theo B.Г.Кocтoмapoв – A.A. Лeoнтьeв (V.G.Côxtômarôp – A.A. Lêonchiep): Нeкoтopыe тeopeтичecкиe вoпpocы кyлвтypы peци ( Một số vấn đề lí luận về trau dồi lời nói ), tạp chí Boпpocы aзыкoзнaния (Những vấn đề ngôn ngữ học) 1966, số 5, tr. 9.

    [21] Hồ Chủ tịch đã đầu tiên dùng vùng trời trong một lệnh thưởng huân chương quân công, kí ngày 7-8-1964 (xem "Nhân dân", 8-8-1964), và đã đầu tiên dùng Hội chữ thập đỏ trong thư gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam, ngày 17-11-1961 (xem " Nhân dân", 17-11-1964 ).

    [22] A. Darmesteter (A. Đacmextơte): La vie dé mots ( Đời sống của các từ ), in lần thứ 14, Pari, 1923, tr.116.

    [23] Nguyễn Tuân: Xuân nở trên dòng Gianh và sông Tuyến, trong tập ký tự và bút kí Tuyến Lửa, Hà nội, 1966, tr. 11 – Thí dụ về nách tường là mượn của đồng chí Bùi Khắc Việt (xem bài của Bùi Khắc Việt trong tập này).

    [24] Xem "Văn hoá nguyệt san" (Sài-gòn), tập XII, quyển 5, (tháng 5-1963), phần phụ trương, tr. XVIII - XIX.
     
    Rafa, chis, tran ngoc anh and 4 others like this.
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    LÊ XUÂN THẠI


    MẪU MỰC [1] VÀ PHÁT TRIỂN


    Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thực chất là một cuộc đấu tranh về hai mặt: đấu tranh cho việc nói và viết đúng mẫu mực và đấu tranh cho tiếng Việt phát triển lành mạnh. Hai mặt đấu tranh đó liên quan chặt chẽ với nhau bởi vì mẫu mực của ngôn ngữ và sự phát triển của ngôn ngữ không thể tách rời nhau được.

    Chúng ta viết và nói đúng mẫu mực tức là dùng tiếng Việt đúng với ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt văn học hiện đại. Người Việt chúng ta có lẽ không ai đến nỗi nói "nồi đồng" thành ra "nồi tồng", nói "cái bơm" thành "cái pơm". Chỉ những người nước ngoài (hoặc một người dân tộc thiểu số anh em nào đó) do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ mới vấp phải những lỗi như thế khi nói tiếng Việt. Nhưng ở một số địa phương miền Bắc vẫn còn nói "nòi ruột" chứ không nói "lòi ruột", "lẫn lộn" thì nói thành "nẫn nộn", nói "ruyệt binh" chứ không nói "duyệt binh", người Nghệ-Tĩnh không phân biệt thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng v.v... Từ nay về sau còn cần phải tiếp tục uốn nắn cách phát âm cho những người này. Không những cần phải phát âm đúng mà còn phải dùng từ đúng với ý nghĩa, với màu sắc tu từ mà xã hội qui định. Về ngữ pháp cũng vậy, muốn diễn đạt tư tưởng, chúng ta phải nói thành câu, nhưng không được đặt câu tuỳ tiện mà phải theo đúng qui tắc chung. Qui tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ có tính chất khái quát, tính chất trừu tượng, và mỗi qui tắc chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Nếu không chú ý đến điều đó thì có thể nói và viết sai mẫu mực. Tiếng Việt có kiểu cấu tạo từ nhà + danh từ. Như nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà triết học, nhưng lại không nói "nhà nhạc, nhà hoạ". Nếu một người nước ngoài nào đó mà chưa học tiếng Việt một cách thấu đáo, thì có thể từ khuôn mẫu cấu tạo từ nói trên mà đi đến chỗ sai. Cách gọi tên của người Việt-nam chúng ta là: từ chỉ quan hệ xã hội đặt trước họ và tên: anh Nguyễn Văn Ba, ông Lê Đình Bốn v.v..., hoặc đặt trước tên: anh Ba, ông Bốn v.v..., chứ không có lối kết hợp từ chỉ quan hệ xã hội với riêng từ chỉ họ: "anh Nguyễn", "ông Lê". Nhưng trong thực tế chúng ta lại quen nói : Bác Hồ, Bác Tôn, Cụ Huỳnh. Có thể nói rằng cách gọi như thế là không mẫu mực được không? Mẫu mực lắm chứ. Cho nên mẫu mực không những bao gồm những cái hợp qui tắc chung, mà còn bao gồm cả những cái ngoại lệ được xã hội quen dùng nữa.

    Nói và viết phải đúng mẫu mực, nhưng mẫu mực không ngăn cản ngôn ngữ phát triển. Chưa nói đến việc sáng tạo thêm những mẫu mực mới, cứ dựa trên những mẫu mực cũ cũng có thể phát triển được tiếng nói của chúng ta. Những ví dụ sau đây có thể chứng minh được điều đó:

    Có thể dựa vào những khuôn mẫu cấu tạo từ sẵn có để cấu tạo nên rất nhiều từ mới. Tiếng Việt có một hệ thống khuôn mẫu cấu tạo từ rất hoàn chỉnh của mình. Có một số khuôn mẫu không còn (hoặc còn rất ít) khả năng sinh sản (như khuôn mẫu cấu tạo từ lấp láy) nhưng hiện nay tuyệt đại đa số từ tiếng Việt vẫn ra đời theo khuôn mẫu sẵn có (khuôn mẫu cấu tạo từ ghép). Về mặt cú pháp cũng vậy, trong khuôn khổ các qui tắc sẵn có vẫn có thể tạo nên nhiều cách diễn đạt mới. Qui tắc vốn có của tiếng Việt là tính từ đặt sau động từ để phụ nghĩa cho động từ: hát hay, cày giỏi, v.v... nhưng trước kia vẫn chưa có cách nói như: làm tốt, xây dựng mới, sửa chữa lớn, đi thăm hữu nghị, v.v... Bây giờ thì các cách nói đó đã xuất hiện, nhưng cái kiểu kết hợp thì không có gì mới. Từ khi có yếu tố sự ra đời để danh hoá hoạt động và tính chất, cách diễn đạt của tiếng Việt ta được phong phú thêm:
    Bộ đội được nhân dân ủng hộ à Bộ đội được sự ủng hộ của nhân dân.
    Châu Á thức tỉnh đã làm đế quốc Mĩ run sợ àSự thức tỉnh của châu Á đã làm đế quốc Mĩ run sợ
    Mặc dầu thế ta vẫn thấy kết cấu cú pháp của loại thứ hai chỉ là loại kết cấu cũ - kết cấu cụm từ chính phụ : danh từ + của + danh từ, chứ không là loại kết cấu mới.

    Nhưng không phải tất cả mọi cái được sáng tạo ra trên cơ sở mẫu mực cũ đều trở thành cái mẫu mực. Chỉ có những cái được xã hội công nhận, được xã hội quen dùng thì mới là cái mẫu mực. Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ công cụ, đồng âm với từ chỉ hành động, động tác liên quan tới việc sử dụng công cụ đó :
    Cày ( động từ ) và cày ( danh từ )
    Cuốc ( động từ ) và cuốc ( danh từ )
    Quạt ( động từ ) và quạt ( danh từ )
    Bơm ( động từ ) và bơm ( danh từ )

    Cũng có người dựa vào qui tắc đó rồi từ cái từ chỉ công cụ là đèn pin mà đặt ra động từ là "pin" (với nghĩa là "bấm đèn pin"; hoặc từ danh từ bom mà đặt ra động từ "bom" ( với nghĩa là thả bom. Ví dụ : "hôm qua máy bay Mĩ đến bom ở vùng này "). Động từ " pin " và " bom "được một số người dùng , nhưng chưa được đông đảo người trong xã hội dùng, chúng chưa phải là những mẫu mực. Nhiều danh từ khác của tiếng Việt cũng biến thành động từ hoặc tính từ, như "thịt một con lợn" ; "sao anh triết lí đến thế?" ; "anh Ba tâm lí lắm". Các động từ như thịt, tâm lí, triết lí đã trở thành mẫu mực. Nhưng hiện nay có một số danh từ được một số người dùng làm động từ như "cơ sở" , "văn nghệ" không trở thành mẫu mực: "Chúng tôi cơ sở trên những sự thực vừa xảy ra để đi đến kết luận" hoặc : "Nào các đồng chí, thử văn nghệ lên một bài xem sao".

    Như trên đã nói, có thể dựa vào mẫu mực cũ để phát triển ngôn ngữ. Nhưng kết cấu của ngôn ngữ gồm nhiều mặt, nhiều hệ thống liên hệ chặt chẽ với nhau, và ràng buộc lẫn nhau. Trong tiếng Việt cũng vậy, không phải chỉ có một khuôn mẫu cấu tạo từ, không phải chỉ có một kiểu cấu tạo câu mà có nhiều kiểu cấu tạo câu. Do đặc điểm này của kết cấu nên trong sự phát triển của ngôn ngữ đã đẻ ra hai tình trạng đáng chú ý sau đây:

    1) Một số hiện tượng này của ngôn ngữ ra đời do tác động của hệ thống này, một số hiện tượng khác ra đời do tác động của hệ thống khác. Không có hệ thống nào có tính chất tuyệt đối, bao trùm tất cả. Ví dụ: hiện nay trong tiếng Việt, để chỉ người đứng đầu một đơn vị, một tổ chức, có một số từ cấu tạo theo kiểu Hán: hiệu trưởng, bộ trưởng, viện trưởng v.v…; bên cạnh đó lại có một số từ cấu tạo theo kiểu từ ghép tiếng Việt: trưởng ban, trưởng họ, v.v… Chúng ta không nên dựa vào kiểu cấu tạo từ tiếng Việt để đặt ra câu hỏi: "Vì sao không nói: trưởng hiệu, trưởng bộ, trưởng viện?". Cũng không nên dựa vào kiểu cấu tạo từ tiếng Hán để đặt ra câu hỏi: "Vì sao không nói: ban trưởng, họ trưởng?"

    2) Có khi một sự vật mới ra đời trong xã hội, nó được mang nhiều tên khác nhau. Đó là vì một số người đặt tên cho nó theo kiểu kết cấu này nhưng một số người khác lại đặt tên theo kiểu kết cấu khác. Người đứng đầu một cửa hàng có thể gọi là trưởng cửa hàng, nhưng nhiều khi người ta vẫn gọi là cửa hàng trưởng [2]. Cũng có thể là trong một thời gian trước đây thường dùng một số từ theo kết cấu tiếng Hán, bây giờ muốn cho Việt-nam hơn, người ta lại sáng tạo ra những từ khác cùng nghĩa nhưng theo kiểu cấu tạo tiếng Việt. Tuy nhiên, không phải từ cùng nghĩa theo kiểu cấu tạo từ tiếng Việt ra đời là có thể lập tức đẩy từ Hán - Việt vào “viện bảo tàng” ngay được. Có khi "chúng song song tồn tại" ngay trong một câu văn của tác giả:

    "Tôi thường nghĩ đến Vích-to Huy-gô; có lẽ trên đời ít có những thi sĩ nào làm nhiều bài thơ trung bình tốt như Huy-gô, nhưng cũng ít có thi sĩ nào trong văn học Pháp có được nhiều bài thơ thành tựu hơn Vích-to Huy-gô; nếu cần kể nhà thơ lớn nhất của văn học Pháp, thì phải kể Vích-to Huy-gô" [3].

    "Cuối tháng 5-65 trên đường vào hoả tuyến khu bốn, tôi đã dừng lại ở phòng bưu điện Sầm-sơn, trước khi qua phà Ghép. Lúc này tôi đã viết bài lục bát "Em choàng lưới mũ cho anh", nói vợ chuẩn bị hành trang cho chồng đi vào tuyến lửa. Có câu thơ "Một người chiến đấu với hai tâm hồn" [4].
    Dĩ nhiên là chúng ta khuyến khích xu hướng dùng từ theo kiểu cấu tạo từ Việt-nam, nhưng cũng không thể vì thế mà vội vàng đi đến kết luận là các từ như cửa hàng trưởng, thi sĩ, hoả tuyến hiện nay không còn tính chất mẫu mực nữa.

    Chúng ta có thể phát triển ngôn ngữ trong khuôn khổ mẫu mực cũ. Nhưng đó chỉ là một mặt của sự phát triển. Sự phát triển của ngôn ngữ còn có một mặt khác sâu sắc hơn tức là sự thay đổi, sự phát triển của kết cấu ngôn ngữ. Về ngữ âm chẳng hạn, tiếng Việt chúng ta có một hệ thống âm vị riêng với một số lượng âm vị nhất định. Nhưng hiện nay ta đã thấy trong hệ thống âm vị đó xuất hiện những âm vị mới như nguyên âm o dài ( cái xoong, cái boong tàu). Trong hệ thống khuôn mẫu cấu tạo từ tiếng Việt, chúng ta thấy bên cạnh các khuôn mẫu cấu tạo từ lấp láy, từ ghép, v.v... đã xuất hiện khuôn mẫu cấu tạo từ theo lối thêm phụ tố:

    Phụ tố cái: cái đẹp, cái hay, cái thương, v.v...
    Phụ tố sự: sự thức tỉnh, sự cướp bóc, sự ủng hộ, v.v...
    Phụ tố phó: đại đội phó, tiểu đoàn phó, tiểu đội phó, v.v...

    Về cú pháp cũng vậy, có nhiều kiểu câu phức hợp ra đời. Công thức "nếu như.....thì..." ngoài cái công dụng chỉ điều kiện ra, gần đây còn dùng để nối hai ý song song có liên quan với nhau. Ví dụ:

    "Nếu như trong chiến đấu, ý chí kiên cường đánh địch và quyết thắng địch trở thành lẽ sống của mỗi tập thể và cá nhân anh hùng Việt-nam, thì trên mặt trận sản xuất, tinh thần đó cũng được biểu hiện sâu sắc: xung phong, dũng cảm, gương mẫu và sáng tạo trong lao động sản xuất" [5].

    Kiểu đặt thành phần phụ sau danh từ với giới từ với để chỉ thuộc tính của sự vật cũng là một kiểu mới trong tiếng Việt:
    " Chừng nào thì xuất hiện cây đước với vòm lá xanh rì của nó, chừng nào thì rễ đước bắt đầu bén đất bệ tháp Hồ Gươm!" [6].

    “Trên sân khấu là khung cảnh êm ả của một bản miền ngược với một túp lều lá cọ, một cái sân đất và đầu ngõ, một cây bưởi” [7].

    Nhưng sự phát triển của kết cấu ngôn ngữ có liên quan gì đến kết cấu đồng đại không? Có. Và nó đã biểu hiện ra dưới các mặt sau đây:

    1. Mâu thuẫn giữa kết cấu ngôn ngữ đồng đại với nhu cầu giao tiếp và diễn đạt của xã hội là nguyên nhân của sự phát triển. Nhu cầu giao tiếp và diễn đạt của xã hội ngày càng tăng, đòi hỏi phải có một công cụ tinh vi hơn, tế nhị hơn, phong phú hơn, chặt chẽ hơn, chính xác hơn, nhưng kết cấu đồng đại của ngôn ngữ không hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó, vì thế nó phải phát triển. Như chúng ta đã biết, trong tiếng Việt trước đây ý bị động và chủ động nhiều khi không được rõ ràng. Sau này người ta đã dùng yếu tố bị, được, v.v...để chỉ ý bị động. "Tôi được biết" (chỉ ý bị động) khác nghĩa với "tôi biết" (chỉ ý chủ động).

    2. Kết cấu đồng đại quyết định con đường phát triển của ngôn ngữ. Sự phát triển không được đối lập với đặc tính của kết cấu đồng đại. Tiếng Việt chúng ta thường dùng hư từ hoặc trật tự của từ để biểu thị quan hệ ngữ pháp, chứ không dùng lối biến cách, biến ngôi như trong tiếng Nga. Do đó ta không lấy làm lạ khi thấy số lượng hư từ trong tiếng ta ngày càng nhiều.

    3. Chất liệu để cấu tạo nên những hệ thống mới, những yếu tố kết cấu mới phần nhiều dựa trên những chất liệu đã có sẵn trong kết cấu cũ. Ví dụ: Giới từ của là do danh từ của bị hư hoá về ý nghĩa mà có. Yếu tố sự lúc đầu là một danh từ có nghĩa là việc, nhưng qua quá trình phát triển, nó không còn giữ gìn ý nghĩa cũ khi đứng trước động từ và tính từ. Nó đã trở thành một phụ tố để cấu tạo nhiều danh từ (sự hiểu biết, sự thương, sự nhớ, sự hống hách, v.v...).

    Cần phải chỉ ra rằng, sự phát triển của kết cấu là do nhu cầu giao tiếp và diễn đạt của xã hội. Vì vậy sớm hay muộn nhu cầu sẽ đẻ ra cái mới trong kết cấu của ngôn ngữ. Nhưng không phải hễ có nhu cầu là có cái mới lập tức ra đời, điều đó chứng tỏ mặt hạn chế, mặt ràng buộc của kết cấu đồng đại. Rõ ràng là ta cần một hệ thống đại từ nhân xưng trung tính, thế nhưng cho mãi tới nay hệ thống đó vẫn chưa ra đời. Rõ ràng là trong cú pháp tiếng Việt còn có những cách nói để có thể gây ra hiểu lầm, nhưng chúng ta cũng chưa có cách gì khắc phục được tốt. Nếu gặp câu: “Sau đó, ban chỉ huy phái ngay hai anh trinh sát cùng đi với tôi trở lại ngay chỗ cũ”, ta có thể hiểu theo hai ý khác nhau. Câu này có thể có nghĩa là: “Ban chỉ huy phái hai anh trinh sát cùng với tôi trở lại chỗ cũ”. Và nếu hiểu theo nghĩa là: “Ban chỉ huy phái hai anh đã đi trinh sát với tôi trở lại chỗ cũ”, thì cũng khó mà bắt bẻ được.

    Ngôn ngữ văn học phát triển bằng con đường tự sáng tạo ra những yếu tố mới, ngoài ra còn phát triển bằng cách khôi phục lại sự sống cho một số yếu tố cổ xưa đã bị lãng quên đi trong một thời gian dài của lịch sử, hoặc bằng cách thu nhận thêm những yếu tố tích cực trong kho tàng tiếng địa phương và tiếng nước ngoài.

    Tiếng Việt chúng ta rất lâu đời. Có những từ ngữ đã vắng mặt từ lâu, nay lại xuất hiện. Từ ti trước đây đã một thời gian dài không dùng đến, nay chúng ra dùng để chỉ một loại tổ chức của ta như ti văn hóa, ti giao thông. Cần, kiệm, liêm, chính là những từ mượn của nước ngoài, nhưng đứng về mặt lịch sử mà xét thì nó cũng là những từ cũ. Thế nhưng, Hồ Chủ tịch đã dùng các từ đó với nội dung rất mới, rất cách mạng. Điều đáng tiếc là chữ viết của chúng ta ra đời quá muộn nên nhiều từ ngữ cổ xưa đã bị đắm chìm trong bóng tối của dĩ vãng. Vì thế việc khai thác “vốn cổ” về tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn!

    Tiếng địa phương cũng là một nguồn cung cấp cho tiếng Việt văn học. Người ta đã nói rất nhiều về vấn đề dùng từ địa phương. Ở đây cần phải phân biệt hai vấn đề: vấn đề dùng từ địa phương trong lời nói và vấn đề ngôn ngữ văn học thu hút những yếu tố tích cực của tiếng địa phương. Hai vấn đề này liên quan với nhau nhưng không phải là một. Để cho nhân vật của mình đượm màu sắc địa phương nhà văn, nhà thơ có thể đưa vào tác phẩm của mình một số từ địa phương, nhưng những từ địa phương đó có khi không bao giờ được nhập vào kho từ vựng của tiếng Việt văn học. Tố Hữu viết:

    Rứa là hết, chiều nay em đi mãi,
    Còn mong chi ngày trở lại, Phước ơi”​

    hoặc:

    Răng không cô gái trên sông,
    Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài...”

    Tuy vậy, các từ răng, rứa, chi của tiếng địa phương miền Trung cũng vẫn không được mang “nhãn hiệu” ngôn ngữ văn học. Hai từ “nghỉ” (nó) và “nhằm” (đúng) trong Truyện Kiều cũng không hề nhờ cậy vào thiên tài của Nguyễn Du để biến thành từ của ngôn ngữ văn học, điều đó đã được lịch sử chứng minh. Nhưng kho từ vựng tiếng Việt văn học cũng thu hút một số từ ngữ địa phương để được phong phú thêm. Các từ: ác ôn, cây vú sữa, bưng biền, cây mù u, v.v...trước đây vốn là của tiếng địa phương miền Nam, ngày nay đã được mọi người trong toàn quốc quen dùng. Nói chung, tiếng Việt văn học không tiếp nhận từ kho tàng tiếng địa phương những cái mình đã sẵn có, vì như thế là làm một việc thừa. Tiếng Việt văn học chỉ tiếp nhận ở đó những cái mình còn thiếu, những từ ngữ sinh động và có sức sống.

    Tiếng Việt của chúng ta vay mượn khá nhiều ở tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Hán. Nhưng sự tiếp thu những yếu tố của tiếng nước ngoài vẫn bị sự hạn chế của những kết cấu tiếng Việt. Tiếng Hán cung cấp cho chúng ta rất nhiều yếu tố cấu tạo từ: thủy (lính thủy), trường (súng trường), hữu (bạn hữu), v.v... Lúc vay mượn từ của tiếng Hán, ta thường mượn cả khối hoàn chỉnh của chúng. Nhưng cũng có khi chúng ta chỉ vay mượn các yếu tố cấu tạo từ và khuôn mẫu cấu tạo từ của tiếng Hán để sáng tạo ra những từ riêng biệt của ta: tiểu liên, trung liên, đại liên, bán dẫn, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, giảng viên, phát thanh viên, v.v...

    Chúng ta cần phân biệt ba loại hiện tượng:

    Loại thứ nhất: gồm những từ nước ngoài tuy có xuất hiện trong lời nói của một số người, nhưng hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt để thay thế. Việc dùng các từ ấy là một sự lạm dụng từ nước ngoài. Những từ thuộc loại này không làm cho tiếng Việt phong phú thêm, mà chỉ làm cho tiếng Việt thiếu trong sáng. Vì vậy tiếng Việt văn học không thể chấp nhận chúng, và chúng không thể là những cái mẫu mực.

    Loại thứ hai: gồm những từ được phép xuất hiện trong lời nói khi cần thiết, nhưng vẫn không được “nhập tịch” vào kho từ vựng tiếng Việt văn học. Tú Xương viết:

    Cống hỉ, mẹc-xì thông thạo cả
    Không đi Tàu tớ cũng tếch sang Tây”​

    Các từ cống hỉ, mẹc-xì, đều không phải là từ tiếng Việt văn học.

    Loại thứ ba: Những từ nước ngoài được nhập vào kho từ vựng tiếng Việt văn học. Những từ này biểu thị khái niệm mới mà trong tiếng Việt chưa có từ nào để diễn đạt, hoặc về ý nghĩa nó tương đương với từ tiếng Việt, nhưng màu sắc tu từ của nó lại khác. Đó là những từ như: độc lập, tự do, hạnh phúc, quân đội, chính phủ, đảng, tổ chức, kỉ luật, ô-tô, xích lô, xô viết,v.v...

    Gần đây chúng ta cố gắng thay thế một số từ nước ngoài bằng từ thuần Việt, như vùng trời (thay cho không phận), vùng biển (thay cho hải phận), sân bay (thay cho phi trường), máy bay (thay cho phi cơ), v.v... Đó là một chiều hướng rất tốt, nhưng không phải vì thế mà từ nay về sau chúng ta không còn tiếp tục vay mượn từ nước ngoài nữa.

    *
    * *

    Càng yêu quí tiếng Việt bao nhiêu, chúng ta càng phải nói và viết cho đúng mẫu mực của tiếng Việt. Càng yêu quí tiếng Việt bao nhiêu, chúng ta càng phải làm cho nó giàu có hơn, trong sáng và đẹp đẽ hơn. Đó không phải là một công việc dễ dàng, chỉ cần một vài tháng hoặc một vài năm là xong. Đó là một công việc phải làm thường xuyên và đòi hỏi sự cố gắng chung của cả xã hội.


    [1] Mẫu mực: trước nay thường dùng tiêu chuẩn.

    [2] Trong danh sách những người ứng cử đại biểu quốc hội khoá ba tại Hà-nội - "Nhân dân", 7-4-1964/

    [3] Xuân Diệu: Mấy vấn đề thơ ca chống Mĩ cứu nước hiện nay.

    [4] Xuân Diệu: Tác phẩm đã dẫn.

    [5] Lê Thanh Nghị: Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.

    [6] Anh Đức: Bức thư Cà-mau.

    [7] Hồng Hạnh: Mùa thi.
     
    Rafa, tducchau and chis like this.
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    HỒNG DÂN

    VỀ QUAN HỆ GIỮA MẪU MỰC NGÔN NGỮ
    VÀ SỰ SÁNG TẠO CỦA CÁ NHÂN


    Hiểu biết đúng đắn mối quan hệ giữa mẫu mực ngôn ngữ và sự sáng tạo của cá nhân là điều rất cần thiết để chúng ta thấy rõ thêm trách nhiệm của mình đối với tiếng nói dân tộc trong khi nói năng, viết lách.

    Chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ là một hiện tượng tồn tại và phát triển theo những qui luật khách quan, và vì thế người dùng ngôn ngữ cần nói và viết theo đúng những mẫu mực mà xã hội đã công nhận. Nhưng ta sẽ sai lầm, nếu vì những lẽ đó mà phủ nhận vai trò sáng tạo của cá nhân đối với ngôn ngữ.

    Mẫu mực của một ngôn ngữ là tổng hợp những qui tắc sử dụng ngôn ngữ ấy trong một thời kì nhất định. Nó được rút ra từ thực tế hoạt động ngôn ngữ của con người, được tập thể xã hội công nhận và tuân theo trong khi nói năng, viết lách. Nhưng mẫu mực ngôn ngữ không phải một khi đã hình thành thì không thay đổi gì, trái lại nó luôn luôn phát triển để phong phú thêm, tinh tế hơn, phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội, của yêu cầu thông báo, yêu cầu tư duy. Những sự thay đổi này phải là do con người tạo ra. Cái mới ra đời từ trong lời nói của một người hay một số người, nếu được xã hội thừa nhận, sẽ trở thành cái mới của ngôn ngữ, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ giàu có hơn, tinh tế hơn. Thực tế dùng ngôn ngữ của con người là muôn màu muôn vẻ, phong phú hơn rất nhiều những qui tắc, những mẫu mực đã có của ngôn ngữ. Chính từ thực tế muôn màu muôn vẻ đó đã hình thành và hoàn thiện thêm những mẫu mực mới của ngôn ngữ. Tuy nhiên, mặc dù các mẫu mực của ngôn ngữ ngày càng được bổ sung thêm những mẫu mực mới, nhưng điều chắc chắn là thực tế dùng ngôn ngữ của con người bao giờ cũng phong phú hơn số lượng các mẫu mực của một ngôn ngữ. Mặt khác mẫu mực ngôn ngữ cũng không cứng nhắc. Độ dài của một mét, khối lượng của một lít, sức nặng của một ki-lô-gam,... trong tiêu chuẩn đo lường cũng là những “mẫu mực”, nó có tính chất cố định và chính xác đến cao độ. Mẫu mực ngôn ngữ không phải như thế, nó có những cái tương đối ổn định, lại có những cái có thể biến đổi. Nếu như những “mẫu mực” trong đo lường là những tiêu chuẩn có tính chất tuyệt đối thì những mẫu mực trong ngôn ngữ chỉ là những tiêu chuẩn có tính chất tương đối, nó không phải là những khuôn vàng thước ngọc bắt buộc mọi người phải theo trong mọi hoàn cảnh và mọi thời gian.

    Từ những điều đã nói trên đây, chúng ta thấy rằng không thể nào không thừa nhận khả năng vượt ra ngoài mẫu mực, khả năng xây dựng những mẫu mực mới, nói khác đi là khả năng tự do sáng tạo của mỗi người trong khi dùng ngôn ngữ.

    Nhưng một vấn đề khác lại đặt ra là: nói rằng cá nhân có tự do sáng tạo trong khi nói và viết, vậy cái tự do này có phải là một thứ tự do tuyệt đối hay không, có gì hạn chế cái tự do ấy không?

    Chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ là chức năng thông báo. Mẫu mực ngôn ngữ phải tương đối ổn định mới có thể làm cho ngôn ngữ bảo đảm tốt chức năng ấy của nó. Nếu như mẫu mực ngôn ngữ thay đổi quá nhanh chóng, quá tùy tiện, thì không còn ai có thể hiểu người khác nói gì, viết gì thì ngày nay chúng ta không thể hiểu được thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v..., và con cháu của chúng ta mai sau cũng không thể nào hiểu hết được chúng ta. Nếu vin vào quyền “tự do sáng tạo” mà làm hỗn loạn mẫu mực ngôn ngữ, làm cho người khác không thể hiểu mình định nói hoặc viết cái gì, thì điều đó chỉ có nghĩa là phá hoại chức năng thông báo của ngôn ngữ. Xã hội không thể nào chấp nhận cái “sáng tạo” kiểu ấy.

    Ngôn ngữ là một kết cấu hoàn chỉnh, có tính hệ thống rất chặt chẽ. Cá nhân có tự do sáng tạo, nhưng không thể có cái tự do phá vỡ tính hoàn chỉnh, tính hệ thống của kết cấu ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, một sự thay đổi dù nhỏ cũng có thể lan rộng vì sự loại suy của người dùng. Ví dụ: trong tiếng Việt, để tạo ra những danh từ trừu tượng, chúng ta thêm vào trước các động từ và tính từ yếu tố sự (hoặc việc, cuộc,...) như:

    phê bình – sự phê bình;

    trong sáng – sự trong sáng;

    học tập – việc học tập;

    đấu tranh – cuộc đấu tranh; v.v…

    Đây là một cách mới để tạo ra từ mới trong tiếng Việt. Phần lớn động từ hoặc tính từ tiếng Việt có khả năng trở thành danh từ nhờ cách cấu tạo từ này. Do cách tạo từ mới đó, tiếng Việt cũng có thêm cả cách diễn đạt mới.

    Ta nói:
    1. Đồng chí phê bình đã giúp tôi tiến bộ.
    2. Sự phê bình của đồng chí đã giúp tôi tiến bộ.

    Rõ ràng cách nói thứ hai là kết quả của cách tạo từ mới nói trên. Điều này chứng tỏ là cái mới ra đời ở bộ phận này nhiều khi có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của ngôn ngữ.

    Nhưng sự sáng tạo từ mới trên đây nằm trong hệ thống cấu tạo từ tiếng Việt. Nếu ai muốn sáng tạo mà không theo hệ thống ấy, nói “trong sáng sự”, “phê bình sự”, v.v..., thì rõ ràng người ấy không phải là nói tiếng Việt.

    Do đó, ta thấy rằng chức năng thông báo của ngôn ngữ, tính hệ thống của ngôn ngữ là những nhân tố hạn chế khả năng tự do sáng tạo của người dùng ngôn ngữ khiến cho cái tự do ấy không thể là một cái tự do tuyệt đối.

    Hoạt động ngôn ngữ của con người một mặt phải tuân theo các mẫu mực của ngôn ngữ dân tộc mặt khác góp phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ. Phải tuân theo các mẫu mực của ngôn ngữ dân tộc là điều rất quan trọng, việc đó có tác dụng duy trì và củng cố các mẫu mực của ngôn ngữ dân tộc bảo đảm tốt chức năng thông báo của nó. Ngôn ngữ ngày càng phát triển để giàu đẹp hơn; chính sự sáng tạo của người dùng ngôn ngữ có tác dụng tích cực đối với sự phát triển ấy. Chúng ta có tinh thần trách nhiệm đối với tiếng nói của dân tộc, vì thế trong hoạt động ngôn ngữ của chúng ta không thể thiếu hai mặt ấy. Đánh giá công lao của các nhà thơ, nhà văn đối với ngôn ngữ chủ yếu là đánh giá trên hai mặt đó.

    Trong mối quan hệ giữa mẫu mực ngôn ngữ và sáng tạo cá nhân, mẫu mực ngôn ngữ giữ vai trò chủ đạo. Cái mới ra đời phải dựa trên nền tảng những mẫu mực sẵn có của ngôn ngữ. Ta hãy lấy ví dụ về cách nói: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét đó là một cách nói “có chỗ khá mới đối với cách nói thông thường, cách nói cổ truyền của tiếng ta” [1]. Trong sáng là một tính từ. Trong lời nói hằng ngày, ta thường nói cái gì trong sáng (theo công thức đặt câu chủ ngữ + vị ngữ), chứ ít khi nói sự trong sáng của cái gì (danh từ hóa một tính từ và phụ thêm một định ngữ cho danh từ ấy).

    Vì vậy, so với nói “tiếng Việt trong sáng”, nói “... sự trong sáng của tiếng Việt” là một cách nói mới, nhưng vẫn là một cách được xây dựng trên nền một mẫu mực sẵn có của tiếng ta: danh từ + của + danh từ (như chính sách của Đảng, tấm lòng của nhân dân, v.v...). Chính vì vậy mà Thủ tướng nói: “Nhưng nhất định phải dùng cách nói đó. Nghĩa là tiếng ta phải có những đổi mới, đó là điều tất yếu, vì đời sống tư tưởng và tình cảm ngày nay, nhất là trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật có nhiều cái mới. Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao bảo đảm sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tính hoa của nó” [2]. Nếu không dựa “trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta”, không dựa trên nền những mẫu mực đã có của tiếng ta thì không thể nào xây dựng nên những mẫu mực ngôn ngữ mới mang ý nghĩa sáng tạo chân chính. Cho nên vai trò chủ đạo của mẫu mực ngôn ngữ không những chỉ là điều có tính chất nguyên tắc mà còn là chỗ dựa, là tiêu chuẩn để đánh giá cái sáng tạo.

    Cái mới ra đời trong ngôn ngữ không những là để đáp ứng với yêu cầu phát triển của việc thông báo cũng như của tư duy, mà nhiều khi còn là do yêu cầu của cái đẹp trong cảm thụ nghệ thuật nữa. Nguyễn Trung Thành viết:

    - ... đứng lên sừng sững trang nghiêm như một lời hỏi tội [3].

    Nhà văn so sánh tư thế đứng với một lời hỏi tội. Đó là một hiện tưởng mới mẻ. Người đọc và người nghe cảm thấy hay và đúng. Nếu chỉ dựa vào yêu cầu của thông báo, yêu cầu của tư duy mà bỏ qua yêu cầu của cái đẹp trong cảm thụ nghệ thuật thì khó có thể thấy sự so sánh trên đây là sáng tạo đầy gợi cảm. Tuy nhiên, yêu cầu của cái đẹp trong cảm thụ nghệ thuật không hề mâu thuẫn với yêu cầu của việc thông báo, yêu cầu của tư duy, vì rằng những cái mới ra đời do yêu cầu của cái đẹp trong cảm thụ nghệ thuật cũng chỉ nhằm làm cho ngôn ngữ đẹp hơn, tinh tế hơn, phong phú hơn, làm tốt hơn chức năng thông báo của nó.

    Hiện nay, trong các tác phẩm văn học cũng như chính trị, các bài báo cũng như các bài nói trên đài phát thanh, có khá nhiều hiện tượng ngôn ngữ mới lạ. Khi đưa ra những cái mới lạ này, các nhà hoạt động chính trị, các nhà văn, nhà thơ, các nhà báo,... đều có ý thức về sự sáng tạo, đều muốn góp phần tích cực của mình vào việc làm giàu hơn và đẹp hơn tiếng nói của dân tộc. Đây là một biểu hiện rất tốt về tinh thần trách nhiệm của những người cầm bút đối với tiếng Việt. Nhưng không phải vì thế mà mọi hiện tượng mới lạ trong việc dùng ngôn ngữ đều được xem là sáng tạo cả, đều có tác dụng làm cho tiếng Việt của chúng ta giàu đẹp hơn. Sẽ được xem là sáng tạo những hiện tượng ngôn ngữ mới lạ nào có tác dụng nêu gương, phục vụ tốt hơn cho chức năng thông báo của ngôn ngữ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tư duy và yêu cầu mĩ cảm, đồng thời được tập thể xã hội thừa nhận.

    Những cái mới lạ trong việc dùng ngôn ngữ của cá nhân mà được xem là sáng tạo có thể chia làm hai loại:

    Một là, những hiện tượng được mọi người xem là đúng, là hay và noi theo trong khi nói năng, viết lách, do đó trở thành những mẫu mực mới của ngôn ngữ. Trong thực tế tiếng Việt có rất nhiều ví dụ về loại này. Những từ như vùng trời, vùng biển, v.v..., từ khi được Hồ Chủ tịch dùng thay cho các từ mượn của tiếng Hán không phận, hải phận, v.v..., đã được mọi người công nhận, đã trở thành những mẫu mực mới trong từ vựng tiếng Việt. Những sáng tạo loại này có tác dụng rất lớn trong việc làm cho ngôn ngữ giàu có hơn, phát triển hơn.

    Hai là, những hiện tượng được mọi người xem là đúng là hay trong ngữ cảnh mà người nói hoặc người viết đã dùng, nhưng không được họ noi theo, và do đó không trở thành những mẫu mực mới của ngôn ngữ. Trong hoạt động ngôn ngữ phong phú của mọi người, chúng ta có thể tìm thấy nhiều hiện tượng sáng tạo thuộc loại này. Giữa nhà tù đế quốc, trong một đêm khuya, Tố Hữu nằm nghe tiếng rao đêm của một em bé bán bánh bột lọc từ ngoài đường vắng vọng vào. Nhà thơ làm sao có thể trông thấy em bé ấy được, anh chỉ nghe tiếng rao của em xa dần xa dần... Tố Hữu viết:

    Tiếng em bước trên đường đêm nhỏ nhỏ.

    Ai cũng thấy rằng từ bước nhà thơ dùng ở đây là rất hay và đúng, có tác dụng gợi cảm rất lớn lao.

    Từ chạy được dùng với nghĩa chạy trốn trong câu sau đây cũng có thể được người đọc cho là sáng tạo trong dùng từ:

    “Chiếc máy bay địch bị trúng đạn, chỉ chạy được một đoạn đã nổ tung” [4].

    Thường thường những sáng tạo loại này có tác dụng đặc biệt về mĩ cảm. Nhưng nói chung chưa thấy ai nói theo các hiện tượng ấy, vì thế mà nó chưa trở thành hoặc không thể trở thành những mẫu mực mới của ngôn ngữ.

    Để xác định hiện tượng mới lạ nào trong ngôn ngữ là sáng tạo, nhiều khi phải có thời gian. Xã hội công nhận ngay là sáng tạo khi Hồ Chủ tịch dùng chữ thập đỏ thay cho hồng thập tự, vì việc thay thế này được đặt vào trong một hệ thống: chữ thập ngoặc, chữ thập lửa, v.v... và có tác dụng rõ rệt trong việc làm cho tiếng Việt trong sáng hơn, tinh tế hơn. Vì thế, chữ thập đỏ đã nhanh chóng trở thành một mẫu mực mới trong từ vựng tiếng Việt. Nhưng không phải mọi hiện tượng mới lạ ra đời là giá trị của nó được xác định ngay. Ví dụ: về lí luận, người ta thấy rằng vị trí của các thành phần phụ làm trạng ngữ trong câu tiếng Việt tương đối tự do. Nhưng thói quen đặt câu của người Việt-nam lại đã dành cho nó một vị trí tương đối cố định; thông thường ta nói:

    Hôm qua, tôi đi Hà-nội.

    chứ ít khi nói:

    Tôi, hôm qua, đi Hà-nội.

    Vì thế, trong điều kiện bình thường mà viết những câu như:

    - Ông Lâm là một cán bộ tốt, theo tôi.

    - Ông Lâm, tại Hà-nội, đã công tác một cách rất có kết quả,

    thì người Việt-nam nghe rất chướng tai vì nó không hợp với đặc điểm của tiếng nói dân tộc. Trong tương lai, cách đặt câu như thế có thể trở thành mẫu mực hay không, điều đó còn phải chờ đợi; nếu vội vàng xem nó là một mẫu mực mới là không đúng.

    Trong ngôn ngữ, lĩnh vực để cá nhân có thể sáng tạo được không phải quá chật hẹp.

    Sáng tạo về từ là hiện tượng được thấy khá nhiều trong các thứ tiếng. Điều này không có gì là khó hiểu, vì trong ngôn ngữ, so với ngữ âm và ngữ pháp, từ vựng phát triển tương đối nhanh hơn cả. Tạo ra từ mới, phát triển ý nghĩa của từ là những sáng tạo chủ yếu về từ. Trước hết cần phải nói rằng không thể và không nên "sáng tạo" ra những từ có vỏ âm thanh hoàn toàn mới. Muốn tạo ra từ mới thành công cần phải dựa vào các yếu tố cấu tạo từ và khuôn mẫu câu tạo từ sẵn có của tiếng nói dân tộc. Các từ ghép kiểu lứa đôi, nôn nóng, sai sót, v.v... là những từ mới có trong tiếng Việt, nhưng chúng lại có sức sống rất dồi dào. Các từ này được cấu tạo nên bằng những yếu tố lứa, đôi; nôn, nóng; sai, sót,v.v... và theo khuôn mẫu ghép liên hợp của tiếng ta. Việc thay những từ mượn của tiếng Hán bằng những từ mới mà các yếu tố cấu tạo và khuôn mẫu có sẵn trong tiếng Việt, là một việc làm đầy sáng tạo, đòi hỏi nhiều công phu và hiểu biết, chứ không phải "chỉ cần chịu khó dịch ra tiếng Việt một tí" [5] là được, như có người quan niệm. Hồ Chủ tịch đã từng dùng vùng trời, vùng biển, chữ thập đỏ,v.v... thay cho không phận, hải phận, hồng thập tự, v.v... Nhưng Người cho rằng, nếu thay độc lập bằng "đứng một, du kích bằng "đánh chơi" lại là "tếu". Không thể thay độc lậpv.v.. bằng "đứng một"; v.v..., vì trong tiếng Việt không có các yếu tố cấu tạo từ tương ứng để có thể thay cho từ độc lập mà không làm thay đổi ý nghĩa của nó. Gần đây, báo chí ta đã dùng người lái máy bay thay cho từ phi công. Người lái máy bay đối với người Việt-nam dễ hiểu hơn là từ phi công, vì cùng với người lái máy bay, trong tiếng ta đã có người lái đò, người lái ô-tô, người lái máy cày, v.v... Đành rằng một từ tổ (người + lái + máy bay) không chặt chẽ bằng một từ (phi công), nhưng cũng cần thấy rõ ý nghĩa sáng tạo của hiện tượng thay thế đó. Cũng nên đánh giá tương tự việc dùng máy bay đậu trên nước thay cho từ thủy phi cơ. Tuy vậy, không phải là hai hiện tượng này đã hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh nói và viết. Ví dụ:

    - Một chiếc thủy phi cơ đậu trên mặt biển.
    - Một chiếc máy bay đậu trên nước đậu trên mặt biển.

    Rõ ràng là cách nói sau kém hay. Vì thế ta cần suy nghĩ thêm để tạo một từ hay hơn, hoàn chỉnh hơn.

    Mở rộng phạm vi sử dụng của từ cũng được xem là sáng tạo trong từ vựng. Từ sống quả thực là sinh động là ý vị khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng dùng trong câu sau đây:

    - "Dân tộc Việt-nam ta đang sống cuộc chiến đấu sôi nổi những tình cảm lớn của dân tộc".

    Ai cũng thấy cách dùng từ sống như vậy là mới mẻ, là sáng tạo và rất hay.

    Do phạm vi sử dụng của từ mở rộng mà ý nghĩa của từ được phát triển. Cho nên phát triển ý nghĩa của từ cũng là sáng tạo trong từ vựng. Cần phải nhấn mạnh rằng khi sáng tạo nghĩa mới của từ không thể nào bỏ qua mối liên hệ với nghĩa gốc đã có của nó, không thể nào không lấy nghĩa gốc làm nền tảng. Từ kiện tướng trong tiếng Việt trước đây chỉ có nghĩa là "viên tướng khỏe". Mấy năm gần đây nó được dùng trong: kiện tướng thủy lợi, kiện tướng làm phân, kiện tướng đào đất, kiện tướng cải tiến kỹ thuật, kiện tướng bóng đá, v.v..., và ý nghĩa của từ kiện tướng đã được mở rộng. Trong một bài đăng trên báo Nhân dân ngày 1-9-1966, có người đã dùng tỉnh "kiện tướng" diệt máy bay Mĩ. Đến đây ý nghĩa của từ kiện tướng được mở rộng thêm một bước nữa. Nhưng giữa các ý nghĩa mở rộng, giữa ý nghĩa mới và ý nghĩa cũ vẫn có mối liên hệ khăng khít với nhau, mối liên hệ này là khía cạnh ý nghĩa khỏe trong từ kiện tướng. Tuy nhiên cũng có trường hợp người viết và người nói có ý thức mở rộng phạm vi sử dụng của từ nhưng không thể xem là sáng tạo. Ví dụ, có người viết:

    - X. có hơn một lần nhắc đến…(Báo).

    Người Việt-nam ta chỉ nói một lần, và nếu chỉ số nhiều thì nói hai lần, ba lần, nhiều lần..., chứ không nói hơn một lần, hơn hai lần, v.v... Vì vậy, viết hơn một lần theo cách nói của người Pháp (plus d'une fois) là không đúng với thói quen nói năng của dân tộc.

    Còn có thể tìm thấy hiện tượng sáng tạo về từ vựng trong khá nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn như dịch tiếng nước ngoài. có những thành ngữ của tiếng nước ngoài, khi dịch sang tiếng nước ta một mặt giữ được ý nghĩa của nó, một mặt hợp với đặc điểm cấu tạo thành ngữ tiếng Việt, cũng nên xem là sáng tạo. Ví dụ nói vũ trang từ đầu đến chân, vũ trang đến tận răng.

    Có người nghĩ rằng đặt ra những tiếng lóng cũng là sáng tạo. Trên thực tế vẫn có một vài tiếng lóng trở thành từ toàn dân (như từ phớt), nhưng tạo ra tiếng lóng quyết không thể là sáng tạo trong ngôn ngữ. Ý nghĩa của tiếng lóng xa lạ với toàn dân, nó chỉ làm vẩn đục tiếng Việt trong sáng mà thôi.

    So với từ vựng thì ngữ pháp tương đối ổn định hơn, ít thay đổi hơn; vì thế, sự sáng tạo trong ngữ pháp có phần khó hơn và ít thấy hơn. Nhưng ít thấy không có nghĩa là không có.

    Người Việt-nam không ai nói "rất nhà", "rất làng", "cái bàn lắm", v.v... vì danh từ Việt không kết hợp với các từ chỉ mức độ (như rất, lắm, hơi, v.v...). Nhưng người Việt-nam vẫn thừa nhận cách nói sau đây là sáng tạo, là đúng:

    - Một nền giáo dục hoàn toàn Việt-nam.

    (Hồ Chủ tịch)

    - ... một tiếng nói rất Việt-nam mà cũng rất Huế.

    (Hoài Thanh)

    - ... chưa được thơ cho lắm.

    (Xuân Diệu)

    Ở đây ta thấy đằng sau các danh từ Việt-nam, Huế, thơ, v.v... có ẩn ý nghĩa chỉ thuộc tính, phẩm chất, tính chất; cũng như ta nói rất đẹp, rất thông minh, chưa được hay cho lắm, v.v...

    Trong một câu bình thường, chủ ngữ phải đứng trước vị ngữ. Vì thế lối đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ trong văn xuôi [6] là một lối nói mới, sáng tạo, có tác dụng tốt trong việc thông báo tư tưởng, tình cảm và ý chí cũng như trong nghệ thuật. Ví dụ:

    -Giết ai thứ văn chương ấy!

    (Đặng Thai Mai)

    -Hiên ngang Cu-ba

    (Thép mới)

    Trong sự phát triển của tiếng nói dân tộc ta nên học một số cách diễn đạt của tiếng nước ngoài. Những kiểu nói như vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ, v.v... mà ta tiếp thu từ tiếng Hán:

    - Vì vậy tôi mong rằng đồng bào toàn quốc... hết sức vì nước hi sinh.
    (Hồ Chủ tịch)

    - Vì Tổ quốc hi sinh.
    Như đời anh, người thợ.
    (Tố Hữu)

    So với cách nói thông thường của ta: phục vụ nhân dân, hi sinh vì tổ quốc,... là khá mới mẻ, là một sự sáng tạo. Tuy nhiên cách nói đó mới được dùng trong những hoàn cảnh trang trọng, trong những lời thề.

    Nhưng không phải mọi cách đặt câu mới đều có thể xem là sáng tạo. Có người không thấy được phó động từ cho luôn luôn phải đứng sau (trực tiếp hoặc cách quãng) các động từ khác là dạy gửi trong hai câu sau đây, nên đã viết đại khái như sau:

    -Cho học sinh giỏi của trường, cô Xuân đã dạy toán trong suốt tuần vừa qua.

    -Cho ai, anh đã gửi bức thư ấy?

    Lối nói này rất xa lạ với người Việt-nam. Vì thế dù cách đặt câu ấy có mới đi chăng nữa cũng không thể xem là sáng tạo, càng không thể xem là mẫu mực của tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu quả thực cách nói này có là một sáng tạo thì sự sáng tạo ấy hiện nay chưa được xã hội công nhận, phải chờ qua thử thách của thời gian, vội vàng xem nó là mẫu mực ngay thì không thỏa đáng.

    Nhiều người cho rằng trong các thể văn nghệ thuật, người viết có nhiều khả năng sáng tạo ngôn ngữ hơn cả. Ngôn ngữ nghệ thuật là một ngôn ngữ hình tượng; tư tưởng, tình cảm, ý chí của người viết đến với người đọc không phải bằng con đường lí trí trực tiếp mà bằng con đường cảm xúc nghệ thuật. Ở đây, ngoài nhu cầu của sự thông báo và nhu cầu của cái đẹp trong cảm thụ nghệ thuật trở thành một đòi hỏi thường xuyên đối với sáng tạo ngôn ngữ. Đặc trưng này cho phép người cầm bút có khả năng vượt ra khỏi những mẫu mực quá ràng buộc mình trong việc dùng từ, trong cách đặt câu v.v... để xây dựng nên những mẫu mực mới. Vì thế ta có quyền chính đáng đòi hỏi ở các nhà văn và nhà thơ những đóng góp tích cực đầy sáng tạo vào việc làm giàu thêm và đẹp thêm tiếng nói của dân tộc, dù rằng chúng ta vẫn xem trách nhiệm củng cố các mẫu mực của ngôn ngữ trong các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ là rất quan trọng, rất lớn lao.

    Song không phải là ngoài văn thơ ra trong các thể văn khác không thể có sự sáng tạo. Văn chính luận là một thể văn đòi hỏi có tính chính xác cao về ngôn ngữ, nhưng người viết vẫn có thể sáng tạo được. Vấn đề là ở chỗ chúng ta dùng ngôn ngữ như thế nào. Những sáng tạo của Hồ Chủ tịch về ngôn ngữ chủ yếu là ở trong thể văn chính luận đã làm sáng tỏ điều đó. Trong văn chính luận do tính nghiêm túc và trang trọng của nó, người ta hình như không dùng từ khẩu ngữ. Nhưng trên thực tế, nếu như dùng tốt từ khẩu ngữ, bài văn không những không mất tính nghiêm trang, mà còn sinh động hơn. Ví dụ:

    - Các bạn hãy phấn đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi.

    (Hồ Chủ tịch)

    - Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động.

    (Hồ Chủ tịch)

    -... nếu với 25 vạn quân Mĩ và trên 40 vạn quân ngụy mà chúng đã bị thua ta đậm trong mùa khô thì thử hỏi dù chúng có đưa thêm hàng vạn quân vào miền Nam nữa, liệu chúng có thể kiếm chác được cái cóc khô gì ngoài những thảm bại nặng nề và nhục nhã hơn?

    (Trường Sơn)

    *
    * *

    Goóc-ki đã nói rất đúng: "Lịch sử văn hóa dạy chúng ta rằng ngôn ngữ giàu lên một cách đặc biệt nhanh chóng trong những thời đại mà hoạt động xã hội của con người tăng cường đến mức tối đa, nhiều phương thức lao động mới được ứng dụng và các mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt" [7]. Tiếng Việt của chúng ta là tiếng nói của một dân tộc anh hùng đang dốc toàn lực đánh bại đế quốc Mĩ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đang hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang góp phần cống hiến lớn lao vào sự nghiệp chung của cách mạng thế giới. Đặc điểm xã hội của nước ta ngày nay là một nhân tố khách quan quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tiếng Việt, làm cho nó ngày càng giàu hơn, đẹp hơn. Chính lúc này là lúc cá nhân có thể có nhiều sáng tạo đóng góp vào tiếng nói của dân tộc.

    Chúng ta có tinh thần cách mạng triệt để, có lòng yêu nước, yêu tiếng nói của dân tộc sâu sắc. Nếu chúng ta có được những hiểu biết khoa học, chính xác về tiếng Việt, nếu chúng ta biết học tập ngôn ngữ của các nhà văn nhà thơ gương mẫu xưa nay, biết học tập ngôn ngữ của quần chúng, thì nhất định chúng ta sẽ có những sáng tạo và thành công về ngôn ngữ, góp được phần cống hiến quý báu của mình vào gia tài ngôn ngữ giàu đẹp của dân tộc anh hùng chúng ta.


    [1], [2] Phạm Văn Đồng: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tạp chí “Văn học”, 3-1966. Những chữ in nghiêng là do tôi nhấn mạnh, H.D.

    [3] Đài phát thanh Tiếng nói Việt-nam, 13-12-1966.

    [4] Báo Nhân dân.

    [5] Người dọn vườn, - Ước mơ và suy nghĩ, - Tạp chí văn học, 3-1966, tr. 97.

    [6] Trong thơ, hiện tượng này đã có từ lâu. Ví dụ:

    - Lom khom dưới núi tiều vài chú.
    Lác đác bên sông chợ mấy nhà.​

    (Bà huyện Thanh-quan)

    [7] Goóc-ki - Bàn về văn học, tập II, Hà-nội, 1965, tr. 208.
     
    Rafa, tducchau and chis like this.
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    NGUYỄN KIM THẢN


    VẤN ĐỀ NÓI TẮT TRONG TIẾNG VIỆT

    O. Vấn đề nói tắt như nói "y bác sĩ", "chiến kĩ thuật", "tranh thủ", v.v..., gần đây đã được dư luận chú ý [1]. Xung quanh vấn đề này, hiện nay có hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất thì cho rằng những từ dẫn làm ví dụ ở trên không đúng, không phù hợp với thói quen của tiếng Việt. Ý kiến thứ hai thì cho rằng những từ ngữ ấy phù hợp với "nguyên lí tiết kiệm" trong lời nói, cần được khuyến khích. Trong bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu các từ nói tắt trong tiếng Việt và nhân đó, nói qua ý kiến của chúng tôi về vấn đề trên.

    Ở đây, chúng tôi phân biệt từ nói tắt và chữ viết tắt. Từ nói tắt có thể tồn tại trong lời nói, nghĩa là có vỏ âm thanh, có ý nghĩa, có chức năng ngữ pháp như bất kì từ nào khác trong ngôn ngữ. Ví dụ: Việt-minh, Trung-Xô, công thương nghiệp, nông vậnv.v...

    Chữ viết tắt chỉ thuần túy là những dấu hiệu bằng chữ, không thể xuất hiện trong lời nói. Ví dụ:

    VNDCCH (Việt-nam dân chủ cộng hòa)

    MTDTGPMNVN (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt-nam)

    HTX (hợp tác xã)

    v.v... (vân vân)...

    Còn những từ như tranh thủ, trao đổi đã dẫn ở trên không phải là từ nói tắt. Đó là lối nói tắt từ.

    Khi bàn đến những từ nói tắt, chúng tôi sẽ không bàn đến những từ phải nói tắt vì sự cần thiết của câu đối, thơ, ca v.v... vì đó là những hiện tượng nhất thời và không bình thường. Ví dụ: Con cò con vạc con nông...(Ca dao) (nông < bồ nông).

    1. Cho đến nay tiếng Việt đã có những kiểu từ nói tắt như sau:

    1.1. Rút gọn những từ thuần, cấu tạo theo kiểu láy lại, có hai âm tiết, thành từ một âm tiết. Đây là những từ lập thành theo một phương thức nói tắt đặc biệt Việt-nam. Ví dụ:

    Từ trong phương ngôn Từ trong ngôn ngữ văn học
    con ve ve [2] > con ve;
    con se sẻ [3] > con sẻ;
    con trai trai [4] > con trai;
    con le le [5] > con le; v.v...

    1.2 Một số từ hai âm tiết chỉ còn một âm tiết. Những từ này thường ghép theo quan hệ chính phụ. Trong số này, có những từ Việt thuộc loại:

    ban sáng, buổi sáng > sáng;
    mười rằm > rằm; [6]
    máy chữ > máy (ví dụ: đánh máy)

    Ngoài ra có nhiều từ Hán thuộc loại:

    tú tài > tú;
    nghị viên > nghị;
    lí trưởng > lí;
    y học > y;
    Nga-la-tư > Nga; v.v...

    Những từ Việt phần lớn là những từ chỉ thời điểm và công cụ. Trong những từ chỉ thời điểm, yếu tố bị bớt đi là những yếu tố chính có ý nghĩa khái quát, như ban, buổi (rơi vào âm tiết thứ nhất). Trong những từ chỉ công cụ, yếu tố bị bớt đi là những yếu tố phụ, có ý nghĩa cụ thể (rơi vào âm tiết thứ hai). Những từ mượn của tiếng Hán phần lớn chỉ học vị, chức tước, môn học, tên nước, v.v... Trong những từ đó, yếu tố bị bỏ đi nói chung rơi vào âm tiết thứ hai và thứ ba, không kể âm tiết ấy có ý nghĩa hay không hoặc có ý nghĩa như thế nào. Tuy vậy trong một số trường hợp, yếu tố bị bớt lại rơi vào âm tiết thứ nhất. Ví dụ:

    tri huyện > huyện.
    chánh tổng > tổng, v.v...

    1.3. Những từ chỉ những hiện tượng trung gian hoặc chỉ những chỉnh thể do một số sự vật tạo thành cũng thường là những từ nói tắt. Những từ nói tắt này vốn dĩ là một cụm gồm hai ba từ đầy đủ trở lên tạo thành, mà mỗi từ đầy đủ thì thường gồm hai âm tiết.

    Những từ nói tắt này cấu tạo theo hai kiểu:

    1.3.1 Kiểu thứ nhất:

    Trong từ nói tắt, mỗi từ chỉ để lại một từ tố - nói chung là từ tố thứ nhất - hay một âm tiết - nói chung là âm tiết thứ nhất. Tuy vậy có khi yếu tố để lại là từ tố thứ hai hay âm tiết thứ hai. Từ nói tắt thường có hai âm tiết, và nhiều nhất là bốn âm tiết. Ví dụ

    tuyên truyền, huấn luyện > tuyên huấn;
    chỉnh đốn, huấn luyện > chỉnh huấn;
    Hà-nam, Nam-định, Ninh-bình > Hà- Nam-Ninh;
    Việt-nam, Trung-quốc, Liên-xô > Việt – Trung – Xô; v.v…

    Ngoài ra cũng cần phải kể thêm một số từ như sinh hóa, nông hóa, toán lí, hóa lí, v.v…[7]

    1.3.2. Kiểu thứ hai:

    Theo kiểu này mỗi từ để lại một từ tố riêng và ghép với một từ tố chung. Từ bị nói tắt thành một từ có ba hoặc bốn âm tiết. Ví dụ:

    xuất khẩu, nhập khẩu > xuất nhập khẩu;
    công nghiệp, thương nghiệp > công thương nghiệp;
    nhân lực, tài lực, vật lực > nhân tài vật lực.

    1.4. Mấy chục năm trở lại đây, trên báo chí của Đảng, xuất hiện một số chữ viết tắt đặc biệt. Dần dần, do việc cần phải giữ bí mật trong khi nói và viết, các cán bộ của Đảng đã dùng những tên chữ đầu mỗi âm tiết viết tắt đó vào trong lời nói. Vì thế, đến nay ta đã có một số từ mới. Ví dụ:

    CQ = xê-cu (cơ quan);
    TƯ = tê-ư (Trung ương);
    ATK =a-tê-ca (an toàn khu); v.v…

    Sau Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một loạt từ mới, cấu tạo theo kiểu này ra đời. Ví dụ:

    QZ = cu-dét (quốc dân đảng);
    CZ = xê-dét (chiến dịch);
    SKZ = ét-ca-dét (súng không dật); v.v… [8]

    Hiện nay ta còn dùng một số tên chữ để chỉ những đơn vị bộ đội. Ví dụ: A,B,C… (a, bê, xê…). Những từ đó có khả năng sinh sản, và do đó ta có: a trưởng, a phó, v.v…

    1.5. Những năm gần đây, hiện tượng nói tắt đã lan rộng. Thường thấy nhất là hiện tượng bỏ phụ ngữ của động từ. Ví dụ:

    Tăng gia (sản xuất), thoát li (sản xuất), tranh thủ (thời gian), phát biểu (ý kiến), tổ chức (lễ cưới), tuyên bố (kết hôn), xây dựng (gia đình), tìm hiểu (người yêu), cắt đứt (quan hệ yêu đương hay vợ chồng), trao đổi (ý kiến), cải cách (ruộng đất), phát động (quần chúng), v.v…

    Ngoài ra còn có hiện tượng bỏ danh từ chính và tính từ chính. Ví dụ:

    - xí nghiệp quốc doanh > quốc doanh (Ví dụ: quốc doanh văn phòng phẩm Hồng-hà)
    - nhà máy (hay: xí nghiệp) cơ khí > cơ khí (Ví dụ: cơ khí Nam-thái)
    - cá nhân chủ nghĩa > cá nhân
    - tương đối tốt (hoặc: tương đối giàu. v.v...) > tương đối; v.v...

    2. Đối với các từ nói tắt đã nêu lên làm ví dụ ở những điểm 1.1 -1.4, xưa nay, không có ai phản đối cả. Nhưng việc nói tắt từ và những từ nói tắt như:

    -phê (phê bình), phát (phát biểu), hợp (hợp tác xã).
    - khoa phổ, khoa kĩ, phát sáng,
    - y bác sĩ, bộ thứ trưởng, chiến kĩ thuật,...
    - cao xà lá,...

    thì bị nhiều người lên án.

    3. Tại sao vậy? Đó là điều mà người lính công tác ngôn ngữ học cần phải nghiên cứu.

    3.1. Phải nhận rằng hiện tượng từ nói tắt, nhất là những hiện tượng 1.3 và 1.4, là những cái mới, cái phát triển trong tiếng Việt. Tất nhiên không thể nói được rằng trước đây không có hiện tượng từ nói tắt. Khi Nguyễn Du viết:

    Lạ thay thanh khí tương truyền [9]

    thì Nguyễn Du đã nói tắt rồi.

    Nhưng dù sao thì những từ nói tắt như vậy vẫn chưa nhiều, và một điều quan trọng hơn là chúng chưa đi vào ngôn ngữ toàn dân, chưa xuất hiện nhiều trong lời nói hằng ngày. Trái lại, hiện nay, những từ nói tắt đã trở nên rất phổ biến.

    3. 2. Có người cho rằng những từ nói tắt này như rập khuôn những từ nói tắt của tiếng nước ngoài. Không ai phủ nhận được ảnh hưởng qua lại của một thứ tiếng với các tiếng nước ngoài. Nhưng ở ngôn ngữ nào đó có một hiện tượng mới trong ngôn ngữ thì trước hết ta phải giải thích sự ra đời của nó bằng những điều kiện của bản thân ngôn ngữ ấy và của xã hội dùng ngôn ngữ ấy. Trước đây ta đã có những cách nói tắt riêng (đã trình bày ở điều 1.1. và 1.2.). Những điều đó là cơ sở cho chúng ta tiếp thu những cách nói tắt mới (3, 4). Hơn nữa, trong khi làm công cụ thông báo giữa người và người trong xã hội Việt-nam, tiếng Việt còn thu hút thêm một số cách nói tắt mới để làm phong phú cho phép tạo từ của mình. Vì thế, không những ta tiếp nhận những từ nói tắt như:

    văn hóa, giáo dục > văn giáo;
    văn học, nghệ thuật > văn nghệ; v.v...

    mà còn làm cho kiểu tạo từ nói tắt này sinh sôi nảy nở. Những từ nói tắt do chúng ta sáng tạo ra sau đây đã chứng minh điều đó:

    tuyên truyền, huấn luyện > tuyên huấn;
    chỉnh đốn, huấn luyện > chỉnh huấn;
    thiếu niên, nhi đồng > thiếu nhi;
    giao thông, liên lạc > giao liên; [10]
    tiếp tế, vận tải > tiếp vận;
    dân vận, chính quyền, đảng > dân chính đảng;
    công nhân, nông dân > công nông;
    thanh niên, phụ nữ, > thanh phụ, v.v...

    4. Song ý kiến cho rằng “đã công nhận sự phát triển thì phải thừa nhận những từ nói tắt phê, phát, y bác sĩ,v.v...” là không đúng.

    4.1.Ngôn ngữ phát triển theo những qui luật đặc biệt - những qui luật luật nội bộ - của nó. Có qui luật có thể gây nên một sự biến đổi toàn bộ, đồng loạt. Nhưng cũng có qui luật cũng chỉ gây nên một sự biến đổi cục bộ, không đồng thời. Nhân dân - người sáng tạo ra ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ - là người phân xử phạm vi tác động của những qui luật đó. Ta không thể lấy nê “qui luật” này “qui luật” nọ để bỏ qua điều đó. Lấy một vài ví dụ trong tiếng Việt thì đủ rõ. Qui luật chi phối những từ nói tắt trình bày ở điều 1.1. không có tác dụng đốt với mọi từ thuộc loại này, có trường hợp qui luật này và qui luật nọ “giữ nguyên trạng thái cũ”, không phân thắng bại. Vì thế ta có thể nói bươm bướm hay bướm, chuồn chuồn hay chuồn, châu chấu hay chấu, đòng đong hay đòng. Có trường hợp qui luật này thất bại. Những từ như đòng đong, cân cấn, săn sắt, kim kim, chiền chiện, v.v… vẫn còn nguyên là vì thế. Về những từ ghép cũng vậy, ta nói X nhưng không nói “tiến X” (tiến sĩ X), nói Quận He nhưng không nói “Hầu Y”, “Nam Z”, (nói Hầu tước Y,Nam tước Z), v.v... Ta có thể nói Việt - Xô, Việt - Tiệp nhưng không nói “Việt - An”, “Việt – Ru”, “Việt – Bun” (nói Việt-nam - An-ba-ni, Việt-nam – Ru-ma-ni, Việt-nam - Bun-ga-ri).

    Giữa một số ngôn ngữ, có thể có một cách ghép từ nào đó hoàn toàn giống nhau. Nhưng không phải là trong mọi trường hợp cụ thể của từng ngôn ngữ, cách ghép ấy đều có tác dụng như nhau. Ví dụ: tiếng ta và tiếng Hán đều có thể nói phản X (chống X), nhưng ta chỉ nói phản đế, phản phong, chứ không nói phản tu (chống chủ nghĩa xét lại), phản hữu (chống phe hữu), v.v... hơn nữa nếu cho rằng đã có thể nói phản đế, phản phong ắt có thể nói “chống đế, chống phong”, thì sẽ sai lầm. Vì thế ta không tiếp nhận những từ khoa phổ (phổ biến khoa học), khoa kĩ (khoa học kĩ thuật), thổ cải (cải cách ruộng đất), trấn phản (trấn áp phản cách mạng), Mĩ đế (đế quốc Mĩ), v.v... Và chính cũng vì thế nên có những trường hợp ta có thể nói tắt mà tiếng Hán lại không nói tắt được.

    Hán Việt
    vô sản giai cấp chuyên chính chuyên chính vô sản
    tư sản giai cấp tư tưởng thế hệ hệ tư tưởng tư sản
    phong kiến chủ nghĩa đầu não. đầu óc phong kiến

    4.2. Không phải hiện tượng mới nào trong lời nói cũng cần được tiếp nhận ngay vào ngôn ngữ. Trong lời nói, có nhiều hiện tượng tạm thời, hay thay đổi, mang dấu vết của cá nhân hay một tập thể nhỏ bé. Dù những hiện tượng ấy có “mới” chăng nữa, chúng ta cũng phải cân nhắc, phải nghe ngóng ý kiến của số đông người và phải phân tích được bản chất của những hiện tượng ấy. Ví dụ như những từ hợp (hợp tác xã), mậu (mậu dịch), khu cao xà lá (khu cao su, xà phòng, thuốc lá), Bộ tổng (Bộ tổng tư lệnh), ông Liên (Liên-xô),ông An (An-ba-ni), v.v… Chỉ có tính chất khẩu ngữ, hay biến đổi không gây nên một mĩ cảm gì cho người nghe. Vì thế cần phải phê phán hiện tượng này.

    4.3. Rõ ràng là sự ra đời của những từ nói tắt trong tiếng Việt phần lớn thể hiện “nguyên lí tiết kiệm” trong lời nói. Ngôn ngữ là công cụ thông báo quan trọng nhất của loài người. Khi ta thông báo cho người khác biết một ý nghĩ, một sự mong muốn, một cảm xúc thì bình thưởng, ta muốn cho người khác có sự phản ứng (như sự đồng tình, hành động, v.v…) kịp thời, nhanh chóng đối với điều ta thông báo. Vì thế, nói chung, ta muốn cho lời nói tác động nhanh chóng đến cơ quan cảm thụ của người nghe. Số lượng tín hiệu thông báo phát ra vì vậy cần phải ngắn gọn, đủ để thông báo một nội dung nào đó là được. Lời nói thường được hoàn cảnh nói “che chở”. Vì những lí do đó, trong phong cách khẩu ngữ, thường hay có hiện tượng nói tắt. Một điều đáng để ý là những đơn vị mà tần số sử dụng cao (như những tiếng chào hỏi, những câu nói quen thuộc), những từ được khái quát hóa một lần nữa trong ngôn ngữ (như: ăn, đọc, học, viết...), những từ bị hạn chế về mặt kết hợp với từ khác, phát âm ra là người ta đoán được từ đi sau - tức là những từ mà lượng thông tin ít - (như những từ tăng gia, tranh thủ, v.v...), thì thường hay bị nói tắt. “Nguyên lí tiết kiệm” vì thế có tác dụng trong mọi ngôn ngữ. Hãy lấy tiếng Pháp làm ví dụ; người Pháp có những cách nói tắt như sau :

    a) Bỏ một vài âm tiết của từ:

    cinéma > ciné (chiếu bóng);
    automobile > auto (ô tô) v.v...

    b) Bỏ từ tố phụ, giữ từ tố chính:

    Chambre dés députéss > Chambre (Viện dân biểu);
    bas-de-chausses > bas (bít tất ngắn);
    maréchal ferrant >maréchal (người bịt móng ngựa).

    c) Bỏ từ tố chính, giữ từ tố phụ:

    capitaine général > général (tướng);
    ville capitale > capitale (thủ đô).

    d) Vừa bỏ từ tố chính, vừa bỏ một số âm tiết của từ tố phụ:

    chemin de fer métropolitain > métro (xe điện ngầm)

    e) Bỏ phụ ngữ của động từ:

    rapporter (sinh lợi; nguyên văn: mang lại), déposer (lắng cặn; nguyên văn: đặt xuống).

    Ví dụ: cette affaire rapporte (việc này có lợi);
    le vin dépose (rượu vang lắng cặn) [11].

    Tất cả những từ nói tắt và lối nói tắt từ này đã có tính vững chắc và đã vào kho từ vựng ngôn ngữ văn học. Trong lời nói hằng ngày, từ nói tắt lại càng nhiều:

    l’Huma < l’Humanité (báo Nhân đạo);
    mathélem < mathématiques élémentaires (toán học sơ cấp);
    prof < professeur (giáo sư), v.v...

    Cho nên phải giải thích những hiện tượng nói tắt bằng “nguyên lí tiết kiệm” là điều thỏa đáng.

    Song vạn năng hóa “nguyên lí tiết kiệm”, không thấy mặt đối lập của “nguyên lí” này, không thấy tính chất đặc thù của các “qui luật”, các “nguyên lí” thì sẽ đi đến chỗ cực đoan. Quả là “nguyên lí tiết kiệm” có tác dụng trong việc rút gọn lời nói, trong việc rút gọn cấu tạo của từ, trong việc cấu thành hệ thống âm vị. Trong việc đặt từ mới trong ngôn ngữ, v.v... Nhưng người ta còn thấy một khuynh hướng ngược lại, đó là “nguyên lí tăng thêm”. Chẳng hạn như có khi lời nói phải tăng thêm đơn vị cấu trúc lên, có từ tăng thêm âm tiết, có hệ thống âm vị phát triển thêm về mặt số lượng, có những từ hoàn toàn mới, không dựa vào những từ tố sẵn có, được bổ sung vào vốn từ vựng, v.v... Ví dụ: trong tiếng Việt văn học hiện đại, số lượng sáu thanh điệu là kết quả một sự tăng thêm (so sánh với tiếng Mường và các phương ngôn thổ ngữ mới thấy được điều này). Có những từ tăng thêm âm tiết mà không mang thêm sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ gì cả: cướp ăn cướp, quịt ăn quịt, thình lình bất thình lình, đúng đúng đắn, v.v... Ngoài ra, trong lời nói, còn biết bao nhiêu cách nói hay và đẹp (như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, v.v…) cần phải thêm số lượng tín hiệu thông báo. Hơn nữa, ngay trong lời nói, việc nói tắt cũng bị hạn chế, có thể nói “tôi học y” nhưng không thể nói “thạc sĩ y”, “nền y Việt-nam” có thể nói li A, nhưng không thể nói “li Nguyễn Văn A”, v.v... Những từ nói tắt - như ATK, SKZ, v.v... lại không “tiết kiệm” được một âm tiết nào. Xem thế thì đủ biết chỉ thấy một chiều tác dụng của “nguyên lí tiết kiệm” là không đúng.

    Đáng để ý là một trong những người đề xướng ra thuật ngữ “nguyên lí tiết kiệm” trong ngôn ngữ - A.Ma-ti-nê - cũng phải thừa nhận rằng: nguyên lí “économie” [12] (nhiều người vẫn dịch là “tiết kiệm” không phải chỉ là “tiết kiệm”. Ông ta viết: “Économie” bao gồm tất cả: giảm bớt những sự phân biệt vô ích, xuất hiện những sự phân biệt mới, giữ nguyên trạng thái cũ. “Économie” ngôn ngữ học là sự tổng hợp của các “lực lượng tồn tại” [13].

    Như vậy rõ ràng “économie” theo ý của người đề xướng ra thuật ngữ này là “sự tổ chức”, “sự điều tiết” chứ không phải chỉ là “tiết kiệm”. Sự thực trong các ngôn ngữ chứng minh rằng ý kiến của A. Mác-ti-nê là xác đáng.

    4.4.Trong khi giải quyết vấn đề nói tắt, không nên quên rằng ngôn ngữ còn là công cụ của tư duy, rằng ngôn ngữ và tư duy gắn bó khăng khít với nhau. Tư duy càng phát triển, ngôn ngữ càng dồi dào, tinh tế và ngược lại. Một trong những đòi hỏi của tư duy chính xác là phải dứt khoát, tránh mập mờ. Lời nói chính xác cũng đòi hỏi tránh những lối nói nước đôi, không rành rọt có thể hiểu làm nhiều cách. Lối nói tắt từ trình bày ở trên rõ ràng là không thể thỏa mãn được đòi hỏi này. Khi từ thoát li mới mượn vào tiếng Việt thì lượng thông tin của nó rất ít; nó chỉ dùng trong thoát li sản xuất hoặc thoát li gia đình. Nhưng ngay nay nói là “thoát li” thì biết là “thoát li” cái gì? Thoát li quần chúng, thoát li quan hệ, hay thoát li cái gì khác?Tranh thủ đâu chỉ có là “tranh thủ thời gian”? Còn có thể tranh thủ sự đồng tình, tranh thủ sự giúp đỡ, tranh thủ độc lập, tranh thủ hòa bình, v.v… Vì thế, nói trống không như vậy là làm cho lời nói kém rõ ràng và phản ánh một lối suy nghĩ không chu đáo, một lối nói cẩu thả.

    Không những phải tránh sự mập mờ mà còn phải tránh sự hiểu nhầm khi có khả năng tránh được. Nếu lấy nê là “tiết kiệm” mà xóa bỏ sự phân biệt giữa cá nhân /cá nhân chủ nghĩa; khách quan /khách quan chủ nghĩa; xã hội /xã hội chủ nghĩa; bảo tàng /Viện bảo tàng, v.v… thì sẽ có sự hiểu nhầm tai hại. Cũng vì thế phê bình mà nói tắt thành phê thì có thể lẫn với phê phê chuẩn; phát biểu mà nói tắt thành phát thì có thể lẫn với phát trong phát giấy, phát tiền, v.v...

    Nhiều người không tán thành những từ nói tắt loại y bác sĩ, bộ thứ trưởng, v.v... Người nghiên cứu ngôn ngữ không thể vội vàng cho là “bảo thủ”, là “cảm tính”, v.v... Nghiên cứu kĩ thì ta sẽ thấy việc phản đối những từ nói tắt ấy có lí do xác đáng. Đồng chí Quang Đạm có nêu ra rằng theo qui tắc tiếng Việt, hai từ tố đầu phải tạo thành một từ độc lập, như công thương [14], y bác, bộ thứ, chiến kĩ… rõ ràng không có khả năng ấy. Nhưng theo ý chúng tôi điều đó chưa hoàn toàn đúng vì ta vẫn có thể nói hải lục không quânhải lục không phải là một từ độc lập. Theo ý chúng tôi, điều quan trọng hơn là những từ tố đầu đó phải “đối lập” với nhau, nghĩa là phải có tác dụng phân biệt sự vật này với sự vật khác. Công thương có tác dụng phân biệt hai ngành kinh tế; trái lại ybác, bộ thứ, chiến v.v… không có khả năng ấy. Vì vậy có thể kết luận rằng những từ đó không phù hợp với qui tắc tạo từ tiếng Việt, và chính điều đó làm cho những người nhạy cảm về những cái đặc sắc của tiếng Việt thấy ngay sự không thỏa đáng của chúng.

    Ở đây chúng tôi muốn nói thêm về từ tâm sinh lí. Ta không nên vội qui từ này vào cùng một loại với y bác sĩ. Tâm sinh lí, nếu tương tương với từ psycho- physiologique, nghĩa là dùng để chỉ một hiện tượng trung gian, thì ta nên để. Nếu dùng để chỉ chung hai ngành khoa học hoặc hai khía cạnh có liên quan với nhau thì không nên. Trong trường hợp này nên dùng cả hai từ đầy đủ tâm lí (và) sinh lí.

    4.5. Trong ngôn ngữ, nguyên lí suy phỏng đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng không thể vì thế mà quên rằng trong khi dùng ngôn ngữ vào lời nói, người ta rất chú ý đến cái đẹp. Nếu một từ nào đó làm cho người ta liên tưởng đến một từ khác chỉ một sự vật hay một tính chất không tốt, hoặc có thể gây cười thì dù có cần nói tắt, dù là phong cách khẩu ngữ, người ta cũng không thích nói tắt. Chính điều này cắt nghĩa được tại sao nghe đến ba tiếng cao xà lá là người ta có phản ứng.


    [1] Xem: Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Văn học, 1966, số 3; Quang Đạm, Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với người viết báo Việt-nam, Tạp chí Văn học, 1966, số 4; Đinh Trọng Lạc, Giáo trình Việt ngữ, tập III, Hà-nội, 1964, tr. 48-49; Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập I, Hà-Nội, 1963, tr. 253, tập II, Hà-Nội, 1964, tr. 136.

    [2] Phương ngôn Bắc Trung-bộ.

    [3] Phương ngôn Bắc Trung-bộ.

    [4] Ở một vài thổ ngữ Bắc-bộ.

    [5] Ở một vài thổ ngữ Bắc-bộ.

    [6] Ví dụ: mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo (Ca dao). Trong tiếng Việt cổ, rằm có nghĩa là năm(5).

    [7] Ở đây không kể đến những từ mượn nguyên vẹn một số từ nói tắt của tiếng Hán, như: nông vận, dân vận, địch vận, v.v… Cũng không kể đến những từ mượn của tiếng Pháp, đã rút gọn từ Pháp lại, vì trong tiếng Việt những từ đó bao giờ cũng chỉ có một âm tiết. Ví dụ: lốp (enveloppe); lon (galon); nòng (ca-non); v.v…

    [8] Cũng không kể những từ mượn nguyên vẹn một số từ nói tắt của tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Ví dụ: vê-a >VA (végétations adenoïdes); đê-tê-tê < DTT (dichlodiphenyltrichlo metylmetan); na-pan < napalm < aluminium salts of naphthenic and palmetic acids; com-xô-môn < komsômol < kommunisticheskiy soyuz molodyozi, v.v… Đáng chú ý là không bao giờ ta nối âm, mà trái lại, đọc tách bạch tên chữ ra. Ví dụ TƯ không đọc là “tư” mà đọc là “tê-ư”.
    Hiện nay ta còn dùng một số tên chữ để chỉ những đơn vị bộ đội. Ví dụ: A,B,C… (a, bê, xê…). Những từ đó có khả năng sinh sản, và do đó ta có: a trưởng, a phó, v.v…

    [9] Thanh khí <đồng thanh tương ứngđồng khí tương cầu.

    [10] Dùng trong phương ngôn miền Nam.

    [11] Tham khảo S.Ullmann, Précis de sémantique, française Berne, 1952. tr, 289 - 291.

    [12] Chúng tôi cố ý giữ nguyên thuật ngữ này và sẽ dịch ở dưới.

    [13] A. Martinet, Économie des changements phonétiques, Berne. 1955 tr. 97.

    [14] Xem bài đã dẫn ở chú thích (1).
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/11/15
    Rafa, tducchau and chis like this.
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    BÙI KHẮC VIỆT

    VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC DÙNG TỪ ĐÚNG NGHĨA

    Các từ kết hợp với nhau, trước hết căn cứ vào nghĩa, cho nên dùng từ đúng nghĩa là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho lời nói diễn đạt được đầy đủ, chính xác tư tưởng, tình cảm của người nói người viết. Nhưng thế nào là dùng từ đúng nghĩa, sai nghĩa? Cần thống nhất tiêu chuẩn đánh giá cái đúng, cái sai để việc chọn từ, việc phê bình cách dùng từ có căn cứ khách quan hơn. Trong bài này, chưa có điều kiện bàn đến vấn đề dùng từ hợp với phong cách, chúng tôi chỉ nêu lên một số suy nghĩ bước đầu, nhằm trao đổi ý kiến về hai vấn đề:

    1. Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá từ được dùng đúng nghĩa hay sai nghĩa? Đặc biệt, đối với các từ vay mượn của tiếng Hán thì lấy nghĩa trong tiếng Hán hay lấy nghĩa trong tiếng Việt làm căn cứ để đánh giá?

    2. Nếu dùng từ không theo nghĩa thông thường của xã hội thì trường hợp nào là dùng từ sai, trường hợp nào là dùng từ có sáng tạo?

    *
    * *

    Muốn trao đổi tư tưởng, tình cảm bằng ngôn ngữ, người ta phải phát ra các âm thanh, và từ khi có chữ viết thì có thể dùng chữ viết để ghi lại các âm thanh đó. Người nghe hiểu được điều người khác nói, vì xã hội đã qui định thống nhất để mỗi âm thanh hoặc tổ hợp âm thanh có một nghĩa hoặc một số nghĩa nhất định. Âm thanh là cái vật chất, là hình thức tồn tại của từ, nhờ nó mà ngôn ngữ phát triển và truyền từ người này đến người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghĩa của từ là nội dung, là phần tư tưởng tình cảm hay thực tế cuộc sống do âm thanh biểu thị. Tuy trong nhiều trường hợp, không tìm được lí do để giải thích lại sao âm thanh này lại có nghĩa này, nhưng vì từ là sản phẩm của toàn xã hội và được dùng theo truyền thống, nên người ta cứ dùng từ với nghĩa đã có sẵn. Từ được coi là dùng đúng, khi âm thanh của nó tương ứng với nghĩa mà xã hội thường dùng trong một thời kì lịch sử nhất định. Nếu không có căn cứ chính đáng mà tự ý mình gán cho âm thanh những nghĩa không hợp với qui định của xã hội, không hợp với qui luật phát triển của nghĩa từ, làm cho người nghe không hiểu, thì đó là dùng từ sai.

    Nghĩa của từ có thay đổi trong lịch sử, vậy phải lấy nghĩa từng thời kì nào làm tiêu chuẩn? Lấy nghĩa từ nguyên, nghĩa hiện đại, hay nghĩa trong thời gian người ta dùng từ, làm căn cứ?

    Nghĩa của từ phải tương đối có tính chất ổn định, để những người thuộc các thế hệ khác nhau (như ông, cha, con, cháu,..) có thể hiểu được nhau. Nhưng, mặt khác, từ lại là một yếu tố có liên hệ với thực tế xã hội, nên những thay đổi trong thực tế, trong đời sống thực tế, trong tình cảm, ý thức, trong yêu cầu diễn đạt tư tưởng trong tình cảm, ý thức, trong yêu cầu diễn đạt tư tưởng của người ta, ít hay nhiều, sớm hay muộn có ảnh hưởng đến nghĩa của từ. Các từ có thể thu hẹp nghĩa, mở rộng nghĩa, thay đổi nghĩa đến mức khác rất xa với nghĩa từ nguyên (nghĩa ban đầu của từ). Lẩy nghĩa từ nguyên để phê phán cách dùng từ ngày nay, hoặc lấy nghĩa hiện đại của từ làm căn cứ để khen chê cách dùng từ trong thời gian trước đều là trái với quan điểm lịch sử. Ví dụ, ta không thể căn cứ vào nghĩa hiện đại của từ phản động để phê phán cách dùng từ đó cách đây hai mươi năm. Sau Cách mạng tháng Tám, từ phản động còn nghĩa như “phản ứng”, ngày nay (có lẽ vì chịu ảnh hưởng nghĩa từ réaction trong tiếng Pháp, réaction vừa có nghĩa là “phản ứng”, vừa có nghĩa là “phản động”)[1]. Mãi đến năm 1945 - 1946, rải rác còn có thể thấy trên báo Sự thật từ tổ “sự phản động của nhân dân”, với nghĩa như “sự phản ứng của nhân dân”. Ngày nay ta có hai từ để diễn đạt hai khái niệm khác nhau (phản ứngphản động), điều đó chứng tỏ ngôn ngữ ngày càng phát triển đến hoàn thiện hơn, nhưng không vì thế mà căn cứ vào nghĩa hiện đại để kết luận cách dùng từ phản động năm 1945 là sai. Nghĩa của từ là một hiện tượng thay đổi trong lịch sử, cho nên phải lấy nghĩa thông dụng trong giai đoạn lịch sử mà người ta dùng từ để đánh giá dùng sai.

    Vấn đề đánh giá cái đúng, cái sai trong việc dùng từ vay mượn cũng là một vấn đề cần thảo luận. Hiện nay chúng ta dùng từ gốc Hán còn sai nhiều, tình trạng khá phổ biến là dùng nhầm lẫn những từ có âm thanh na ná giống nhau, như bá cáo với báo cáo, v.v... Việc chỉ ra những thiếu sót đó là rất cần thiết và bổ ích để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng có điều cần thảo luận là có nên căn cứ vào nghĩa trong tiếng Hán để phê phán những hiện tượng dùng “sai nghĩa” của người mình không?

    Về vấn đề này, đồng chí Quang Đạm cũng đã phát biểu một số ý kiến. Trong bài “Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt đối với những người viết báo Việt-nam”, đồng chí đã nêu ra và phê bình đúng đắn nhiều trường hợp dùng từ gốc Hán sai nghĩa. Về lí luận, đồng chí cho rằng: “Khi chuyển từ dân tộc này sang dân tộc khác, các từ rất có thể thay đổi ý nghĩa ít nhiều... Nhưng như thế không phải là chúng ta có thể tùy tiện muốn hiểu thế nào cũng được. Đây vừa là vấn đề về sự tìm hiểu tiếng nước ngoài, vừa là vấn đề quan hệ giữa cái quen dùng và cái hợp lí”[2]. Trong phạm vi một phần rất nhỏ của bài báo, đồng chí mới nêu một cách khái quát mà chưa giải quyết vấn đề, nhưng qua đó cũng có thể thấy là quan điểm của đồng chí về từ vay mượn chưa rõ ràng lắm.

    Trong Giáo trình Việt ngữ, tập II, đồng chí Đỗ Hữu Châu đã khẳng định “Các từ vay mượn bị đồng hóa rất mạnh”[3]. Khi bàn về sự chuyển biến nghĩa trong các từ vay mượn, đồng chí đã nói nhiều đến hiện tượng thu hẹp nghĩa. Đồng chí đã phân tích: “Việc giữ lại tất cả các nghĩa của từ vay mượn cũng không cần thiết. Nói chung việc vay mượn xảy ra khi ngôn ngữ thiếu một hình thức để biểu thị một khái niệm (hay một sự vật, một hiện tượng) mới. Như vậy, từ vay mượn thiết yếu để biểu thị các khái niệm mới đó, còn các ý nghĩa khác có trong từ vay mượn đã có trong các từ khác của ngôn ngữ vay mượn rồi. Do đó ta không có lý do gì để phải đưa tất cả ý nghĩa cũ của từ vay mượn vào ngôn ngữ vay mượn” [4]. Đỗ Hữu Châu cũng có nhắc đến hiện tượng chuyển nghĩa và giải thích đó là do nghĩa bị xuyên tạc, chứ chưa đặt từ vay mượn trong toàn bộ hệ thống của ngôn ngữ đi vay để giải thích hiện tượng này.

    Quan điểm của Đỗ Hữu Châu đối với từ vay mượn rõ ràng hơn, về căn bản chúng tôi tán thành. Ngôn ngữ đi vay không bao giờ thụ động cả, trái lại còn chủ động đồng hóa từ vay mượn vào hệ thống của mình, không những chỉ đồng hóa về ngữ âm, ngữ pháp, mà còn cả về ngữ nghĩa nữa. Từ vay mượn có thể giữ nguyên nghĩa của ngôn ngữ gốc, có thể thay đổi nghĩa, và quá trình biến hóa đó diễn ra rất phức tạp. Một số từ được mượn đi, vay lại rất nhiều lần và mỗi lần với một nghĩa khác nhau. Một số khác không phải vay trực tiếp, mà thông qua ngôn ngữ trung gian, và cứ qua mỗi ngôn ngữ thì có thay đổi ít nhiều. Các từ nhập vào bằng đường khẩu ngữ thường thay đổi mạnh hơn, vì nhân dân hiểu và tiếp thu từ vay mượn theo cách riêng của mình. Những từ nhập vào bằng con đường sách vở, thông qua những người biết tiếng nước ngoài, lúc đầu tuy có thể giữ nguyên nghĩa, nhưng khi đã được dùng rộng rãi trong nhân dân thì vẫn tiếp tục phát triển nghĩa.

    Việc tiếp thu nghĩa này, nghĩa kia, việc chuyển nghĩa, đổi nghĩa không chỉ do nhân dân không biết tiếng nước ngoài gây nên, mà trước hết là do hệ thống từ vựng ngữ nghĩa của dân tộc quyết định. Ở ngôn ngữ gốc, từ có thể có nhiều nghĩa, nhưng vào hệ thống mới, nó chỉ giữ lại một hai nghĩa. Từ “poste” trong tiếng Pháp chỉ “trạm trên đường đi”, “nơi đóng quân”, “cương vị”, v.v... Trong tiếng Việt, ta chỉ mượn âm “bốt” với nghĩa “nơi đóng quân của kẻ địch” (còn nơi đóng quân của ta thì gọi là doanh trại), các nghĩa khác ta không vay vì trong hệ thống ngôn ngữ của ta, đã có các từ hoặc từ tổ chỉ các khái niệm đó rồi. Trong một số trường hợp, nghĩa có thể mở rộng. Từ “phân” trong tiếng Hán chỉ có nghĩa là phân người và phân súc vật, nhưng trong tiếng Việt, phân có nghĩa là chất dùng để bón cây nói chung (phân người, phân xanh, phân hóa học). Sắc thái ý nghĩa cũng có thể thay đổi. Trong tiếng Hán “hồng” tương đương với “đỏ” và “hồng” trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt ta đã có từ đỏ, nên từhồngvay mượn vào chỉ có nghĩa là “đỏ phơn phớt”. Hiện nay đã có nhiều người nói đỏ và chuyên chứ không nói hồng và chuyên; nói như vậy rất đúng, không những chúng ta thay một từ vay mượn bằng một từ của tiếng dân tộc mà còn vì trong tiếng ta, màu đỏ thắm mới là màu cờ, tượng trưng cho cách mạng, còn màu hồng thì chỉ phơn phớt đỏ thôi. Cũng có nhiều trường hợp từ thay đổi hẳn nghĩa. “khúc chiết” trong tiếng Hán là “ khúc khuỷu”, trong tiếng Việt là “gãy gọn”.

    Việc từ vay mượn bị đồng hóa và tiếp tục phát triển trong hệ thống của ngôn ngữ đi vay là một chuyện bình thường, hợp với quy luật phát triển chung của tất cả các ngôn ngữ. Do đó ta không nên xuất phát từ nghĩa của tiếng Hán để bắt bẻ khắt khe những hiện tượng thay đổi nghĩa của từ vay mượn gốc Hán. Trong nhiều trường hợp, sự thay đổi nghĩa của từ gốc Hán làm cho ngôn ngữ dân tộc ta phong phú thêm lên. Khi một từ hoặc một từ tố của ngôn ngữ dân tộc trùng nghĩa tuyệt đối với từ Hán, nếu không có sự phân biệt ý nghĩa của hai yếu tố dân tộc và vay mượn, thì sẽ có hiện tượng trùng lặp là một hiện tượng thừa vô ích. Sự thay đổi nghĩa của từ gốc Hán trong trường hợp đó là một biện pháp tốt làm tăng thêm một cách diễn đạt mới. Ví dụ: trong tiếng Việt, ta có thể tạo ra các từ tố nhấn mạnh mà từ cường điệu nhập từ tiếng Hán vào vẫn chỉ có nghĩa như trong tiếng Hán là nhấn mạnh thì ta sẽ có hiện tượng đồng nghĩa tuyệt đối giữa nhấn mạnh cường điệu. Nhưng do từ cường điệu đã đổi nghĩa thành “nhấn mạnh đến mức quá sự thật”, nên hiện nay ta có một từ tố đồng nghĩa với một từ, nhưng khác nhau về sắc thái ý nghĩa (cường điệu tuy đồng nghĩa với bơm to, thổi phồng, nhưng có sắc thái tu từ khác). Hiện tượng đổi nghĩa ở đây làm cho cách diễn đạt được tinh tế hơn, làm cho ngôn ngữ của ta được phong phú hơn. Nhưng việc thay đổi nghĩa của các thuật ngữ chính trị, quân sự, khoa học, vốn gốc là từ vay mượn, như chính phủ, chiến lược, chiến thuật, nguyên tử, đồng hóa, ... là một vấn đề phải thận trọng, bởi vì hệ thống thuật ngữ nói chung rất chặt chẽ, các khái niệm khoa học của các dân tộc thường giống nhau. Số lượng thuật ngữ ta vay mượn ở tiếng Hán lại rất nhiều, nên việc thay đổi nghĩa của các thuật ngữ sẽ gây nên những xáo trộn không cần thiết, những khó khăn cho việc trao đổi văn hóa, khoa học, có khi cả những nhầm lẫn đáng tiếc trong thực tế. Cho nên nhấn mạnh việc dùng thuật ngữ cho đúng với nghĩa trong tiếng Hán là cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta lệ thuộc vào nghĩa của thuật ngữ trong tiếng Hán. Các thuật ngữ vay của tiếng nước ngoài vẫn tiếp tục phát triển trong hệ thống của tiếng Việt: các nghĩa phát sinh của thuật ngữ Việt - nam có thể khác nghĩa phát sinh trong thuật ngữ tiếng Hán.

    Tóm lại, nghĩa từ nằm trong hệ thống ngữ nghĩa của một ngôn ngữ, có giá trị trong hệ thống của nó; cho nên muốn đánh giá một từ vay mượn được dùng đúng hay sai, phải lấy nghĩa của ngôn ngữ dân tộc mình làm tiêu chuẩn. Tất nhiên trong một số trường hợp có thể tham khảo nghĩa của ngôn ngữ gốc, nhưng không thể dựa hoàn toàn vào đó được.

    *
    * *
    Muốn cho nội dung phát biểu được người khác hiểu, nói chung người ta phải dùng từ đúng với nghĩa sẵn có trong ngôn ngữ toàn dân. Nhưng cái đúng trong ngôn ngữ lại không phải là một cái gì tuyệt đối, cứng nhắc đến mức cản trở sự diễn đạt tư tưởng và tình cảm. Trong nhiều trường hợp để biểu đạt một khái niệm mới hoặc để diễn đạt tư tưởng tình cảm, một cách độc đáo, gợi cảm hơn, người ta sử dụng ngôn ngữ có thể khai thác sự phong phú về nghĩa của từ, dùng từ với ý nghĩa sắc thái mới lạ, sáng tạo ra các nghĩa riêng. Nhưng sáng tạo ra nghĩa riêng không phải là việc làm tùy tiện, mà phải dựa vào quy luật phát triển nghĩa của từ. Nói chung nghĩa của các từ thường phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ riêng đến chung, từ cụ thể đến trừu tượng v.v..., nhưng tất cả các nghĩa trong từ đều phải có liên hệ với nhau. Nghĩa riêng do cá nhân sáng tạo phải bắt nguồn từ nghĩa do xã hội dùng. Về phương diện sáng tạo ra nghĩa mới, ta có thể học tập rất nhiều ở Hồ Chủ tịch. Hãy lấy cách dùng từ trunghiếucủa Người làm ví dụ. Trước đây từ trung có nghĩa là “hết lòng thờ vua”,hiếu có nghĩa là “hết lòng thờ cha mẹ”. Hồ Chủ tịch đã mở rộng nghĩa của các từ này và đưa ra khẩu hiệu “trung với nước, hiếu với dân”. Đứng về phương diện ngôn ngữ học mà nói, thì cách dùng từ với nghĩa mới ở đây rất sáng tạo. Hồ Chủ tịch đã dựa vào quy luật phát triển của từ, Người khai thác nghĩa mới nhưng không thoát li nghĩa cũ. Trung hiếu trước đây chỉ cái nghĩa và bổn phận của người bầy tôi với vua, của con đối với cha mẹ, đã được Người mở rộng nghĩa ra để chỉ sự gắn bó và nhiệm vụ của người cách mạng đối với nước, với dân. Tuy nội dung của hai thứ tình cảm đó, trong hai thời đại lịch sử có khác nhau về căn bản, nhưng cái chung làm cơ sở cho việc phát triển nghĩa của hai từ là ở chỗ, đối với mỗi thời đại, phong kiến và xã hội chủ nghĩa, “trung” đều là trung thành tuyệt đối, “hiếu” là cúc cung tận tụy, chăm lo. Như vậy là nghĩa mới do Hồ Chủ tịch sáng tạo ra còn có mối liên hệ với nghĩa thông thường của ngôn ngữ toàn dân. Khẩu hiệu “trung với nước, hiếu với dân”do Người đưa ra nhanh chóng thâm nhập vào dân ta không những do nội dung tư tưởng rất sâu sắc, do nó phản ánh đúng được tình cảm của nhân dân ta, mà còn do cách diễn đạt rất tế nhị nữa. Cùng với nội dung khẩu hiệu, nhân dân ta còn tiếp thu nghĩa mới của từ trung hiếu do Hồ Chủ tịch sáng tạo ra.

    Như vậy người sử dụng ngôn ngữ có quyền tạo ra các nghĩa riêng, và nếu các nghĩa riêng đó cần thiết để diễn đạt tư tưởng tình cảm của nhân dân, lại được sáng tạo ra theo đúng quy luật phát triển của từ, thì có thể trở thành nghĩa chung của ngôn ngữ toàn dân. Tất nhiên, những nghĩa riêng chỉ cần dùng trong một văn cảnh hạn chế, với một sắc thái tu từ nhất định, mà nhìn chung trong hệ thống ngôn ngữ không cần thiết, thì dù có được sáng tạo theo đúng quy luật phát triển nghĩa, cũng sẽ không trở thành nghĩa chung được. Trong những trường hợp đó, giá trị của nghĩa riêng do khả năng diễn tả, gợi cảm của nó trong hoàn cảnh nói năng, trong bài văn, bài thơ quyết định. Hãy lấy cách dùng từ nách trong câu:

    Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng,
    Nách tường bông liễu bay ngang trước mành.
    làm ví dụ, Nguyễn Du đã dùng từ nách để chỉ góc tường, nơi hai cạnh của góc tường giáp nhau, vì căn cứ vào hình dáng, góc trên bức tường giống hình “nách” là chỗ tiếp giáp giữa tay và thân người. Nhờ từ “nách” ta hình dung ra nơi trồng và chiều cao của cây liễu, cảnh vật cũng có thể sống hơn vì bức tường nhân hóa. Sự nhân hóa lại rất tự nhiên, bởi vì trong ngôn ngữ toàn dân đã có dùng đầu tường, chân tường, mặt tường, dựa trên cơ sở đó, Nguyễn Du đã đóng góp thêm một cách nói mới nữa: nách tường. Về sau này thảng hoặc còn có nhà văn dùng từ nách trong từ tổ nách tường, ví dụ Nguyễn Tuân trong tập ký sự “Tuyến lửa” đã viết: “Hoa mai vùng Bảo-ninh gốc to, thân cao tầm với tay, từ ngoài bến vào tới đây, nở bên nách tường, trên lối đi, hương thơm dìu dịu nhẹ nhàng”. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ toàn dân, từ nách chưa có nghĩa là “góc” và từ tổ nách tườngvẫn chỉ là trường hợp dùng từ của cá nhân. Tuy nghĩa đó không được dùng rộng rãi, nhưng trong văn cảnh, nó vẫn có giá trị gợi cảm, đó cũng là một sự đóng góp của nhà văn trong cách dùng từ.

    Trên cơ sở phát triển các nghĩa riêng, người ta có thể tạo ra những kiểu kết hợp từ mới, độc đáo của mình. Trong chuỗi lời nói, các từ phải kết hợp với nhau theo những quy tắc ngữ pháp và ngữ nghĩa nhất định. Nhưng nếu người nói, người viết chỉ bằng lòng dùng những cách kết hợp cũ thì trong một số trường hợp, hình thức diễn đạt sẽ nghèo nàn, dập khuôn. Để làm cho cách diễn đạt gợi được sự chú ý của người nghe, người đọc, trên cơ sở đã sáng tạo ra nghĩa riêng, người ta có thể tạo ra những cách kết hợp từ mới, chưa được dùng trong ngôn ngữ.

    Trong tập tùy bút “Sông Đà” khi nói về ước ao của mình muốn có tấm áp phích tuyên truyền cho Tây-bắc giàu đẹp, Nguyễn Tuân đã viết: “Trong lòng tấm áp-phích đã thu bé lại để in tem, tôi muốn vẽ một con đường vòng vèo, vắt vẻo trên một cái nền lam, một màu lam sâu sắc, chung thủy, nó diễn tả đúng cái chất của triền núi Tây - bắc...”. Màu lam của Tây-bắc rất đậm và bao trùm lên rừng núi suốt từ mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Điều đó gợi cho tác giả liên tưởng đến tấm lòng sâu sắc và chung thủy của đồng bào Tây-bắc; mặt khác, trong ngôn ngữ toàn dân đã có những kiểu kết hợp từ, như màu đỏ chiến đấu, màu đen tang tóc, màu xanh hi vọng, nên tác giả có căn cứ để tạo ra một cách kết hợp mới: màu lam sâu sắc và chung thủy, trong đó những tính từ chuyên dùng chỉ phẩm chất của người, được dùng chỉ tính chất của màu sắc.

    Việc sáng tạo trong cách dùng từ rất đáng hoan nghênh, vì mỗi sự tiến bộ, mỗi sự thay đổi để làm cho ngôn ngữ ngày một phong phú, ngày được hoàn thiện hơn bao giờ cũng bắt đầu từ sáng kiến của một người, sau mới dần dần thành của toàn xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt việc sáng tạo có ý thức, dựa vào qui luật phát triển của nghĩa từ với việc dùng từ một cách tùy tiện, bừa bãi. Ví dụ, có nhà văn viết: “Con bò mẹ vú căng sữa bước đậm đà ở cánh đồng cỏ”. Theo nghĩa đen, đậm đà là hơi mặn (nay ít dùng), trên cơ sở nghĩa đen đó, người ta phát triển nghĩa bóng đậm đà là “ý nhị có duyên, trái với nhạt nhẽo”, trong ngôn ngữ toàn dân ta thường nói câu chuyện đậm đà, ăn nói đậm đà... Bước đi của con bò không có tính chất gì gần giống với tính chất của “muối”, của “câu chuyện” cả nên không thể nói “bước đi đậm đà” được. Đây là trường hợp dùng từ sai.

    Trong các trường hợp dùng từ sai, giữa nghĩa thông thường của ngôn ngữ toàn dân và nghĩa riêng do cá nhân tạo ra không có mối liên hệ biện chứng nào. Ngược lại, trong những trường hợp dùng từ có sáng tạo, nghĩa do cá nhân tạo ra bao giờ cũng bắt nguồn sâu xa từ nghĩa cũ, đều có thể liên hệ hữu cơ với nghĩa cũ trong ngôn ngữ toàn dân.

    *
    * *
    Khi dùng hoặc đánh giá cách dùng từ, ta phải lấy nghĩa mà xã hội thường dùng trong một thời kỳ nhất định, trong hệ thống từ vựng, ngữ nghĩa của dân tộc mình làm tiêu chuẩn.

    Nhưng người sử dụng ngôn ngữ không phải chỉ thụ động tiếp thu những nghĩa đã có sẵn, mà có thể dựa trên cơ sở qui luật phát triển của nghĩa từ, tạo ra những nghĩa mới, những cách kết hợp từ mới, làm cho ngôn ngữ dân tộc mình ngày một phong phú thêm lên.


    [1] Các từ điển xuất bản trước Cách mạng tháng Tám như Việt-nam từ điển của Hội Khai trí tiến đức và Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh đều không có từ phản ứng. Việt-nam từ điển giải thích từ phản động là: hành động trái lại với việc khác: có sức phản động rất mạnh; Hán-Việt-từ điển cũng định nghĩa tương tự như vậy: hành động hoặc vận động trái lại.

    [2] Tạp chí Văn học, số 4 - 1966, tr.67.

    [3] Giáo trình Việt ngữ, tập II, Hà-nội, 1960, tr. 182.

    [4] Sách dẫn trên, tr. 182,190.
     
    Rafa and tducchau like this.
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    NGÔ NGỌC BÍCH TIÊN

    NHÌN QUA VIỆC DÙNG TỪ ĐỊA PHƯƠNG MIỀN NAM [1] TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC GẦN ĐÂY
    Trong hơn mười năm trở lại đây, trong nền văn học Việt-nam xuất hiện một lượng đáng kể những tác phẩm lấy đề tài trong cuộc sống và cuộc chiến đấu ở miền Nam, đặc biệt nhiều là những tác phẩm văn xuôi. Trong các tác phẩm đó, số lượng từ địa phương được sử dụng chiếm một tỉ lệ khá lớn. Đây là một hiện tượng đặc biệt trong việc phát triển ngôn ngữ dân tộc ta. Nhìn chung, trong quá trình phát triển ngôn ngữ dân tộc, tiếng tiêu chuẩn văn học không ngừng thu hút cái tinh hoa của tiếng địa phương để làm phong phú thêm cho vốn từ vựng, làm đẹp thêm cho bản sắc của mình. Nhưng chưa bao giờ như hiện nay, do điều kiện lịch sử đặc biệt, miền Nam và tiếng địa phương miền Nam lại trở lên thân thiết, gần gũi với mỗi người chúng ta đến thế. Đó là một dịp rất tốt để tiếng miền Nam đóng góp phần giàu đẹp của mình vào tiếng nói dân tộc, cũng là một dịp để nhân dân cả nước hiểu thêm tâm hồn người miền Nam qua tiếng nói chất phác, hùng mạnh, giàu chất hài hước của địa phương mình.

    Trong quá trình đóng góp đó, thực tế tác phẩm cho chúng ta thấy rất nhiều hiện tượng phong phú, phức tạp, mặt tích cực xen lẫn mặt tiêu cực, bởi vậy chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số vấn đề cần thiết.

    Về mặt lí luận chung, vấn đề sử dụng từ địa phương trong tác phẩm văn học đã từng được nhiều ý kiến soi sáng. Từ địa phương có một vị trí quan trọng trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật. Nó góp phần đắc lực vào việc cá tính hóa nhân vật, tô đậm màu sắc địa phương, và đứng về phương diện phát triển ngôn ngữ, nó góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng và cách diễn đạt của ngôn ngữ văn học dân tộc. Như vậy việc sử dụng từ địa phương phải có mục đích nghệ thuật và phải có lý do xác đáng, chứ không thể tùy tiện. Bởi vì việc lạm dụng từ địa phương có thể gây hậu quả xấu trong việc phổ biến tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt có hại là làm trở ngại cho quá trình thống nhất và làm trong sáng tiếng nói dân tộc do cách viết chỉ có một địa phương hiểu. Xuất phát từ những quan niệm trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu việc sử dụng từ địa phương miền Nam trong một số tác phẩm văn học gần đây.

    Chúng tôi nhận thấy tiếng địa phương miền Nam có những đặc sắc trong cách diễn đạt, cách dùng từ và điều này được phản ánh khá nhiều qua các tác phẩm.

    Trước hết, những từ chỉ sản vật mà ở miền Bắc không có và không có từ ngữ tương đương, thì rất có thể được thừa nhận, chẳng hạn: hoa lê-ki-ma, trái sầu riêng, cây tràm, cây đước, xe thổ mộ, xuồng ba lá, v.v... Hoặc có những từ mới nảy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ hiện nay ở miền Nam, như đồng khởi, ác ôn, phá banh, v.v...

    Một số thành ngữ, một số từ cố định biểu hiện được cách nói, cách diễn đạt đặc biệt của địa phương cũng có thể có một vị trí thích đáng trong tác phẩm. Ví dụ: để miêu tả vợ Hàm Giỏi to lớn quá so với chồng. Nguyễn Thi trong tác phẩm Người mẹ cầm súng [2] đã dùng ngay cách nói của nhân dân là “lóc nói mà ôm cột dừa[3]. Hay để tỏ ý quyết tâm sống chết với kẻ thù, anh dùng “còn cái lai quần cũng đánh”. Những cách nói địa phương này mang tính chất nhân dân rõ rệt, nó cô đọng, chắc nịch và cũng biểu hiện được tính hồn nhiên yêu đời của con người miền Nam. Cũng như thế, Anh Đức trong truyện ngắn “Đất” [4] đã dùng thành ngữ “bứt nài tháo ống[5] để nói sự chống đối của nhân dân trong ấp chiến lược. Việc dùng những thành ngữ tiếng địa phương như thế để sự diễn đạt được cô đọng, chúng tôi nghĩ là rất tốt.

    Thêm vào đó, những từ ngữ địa phương nêu được hình tượng như chết đứng trong ruột (Người mẹ cầm súng, tr.35), hay những từ có thể thay thế từ Hán - Việt vốn đã được dùng một các phổ biến, như gom thay cho tập hợp trong “chiều về ba người lại báo cáo với ông Chín. Ông Chín gom ý lại, người suy tính rồi hướng dẫn” (Người mẹ cầmsúng, tr. 46) hay nối thay cho liên lạc trong “gần đây vợ chồng mày có nối với cộng sản không? » (Người mẹ cầm súng, tr. 31), thì chúng tôi nghĩ là chúng có khả năng dược dùng một cách rộng rãi.

    Ngoài ra, việc dùng những từ có từ tiêu chuẩn tương đương nhưng trên một khía cạnh nào đó có điểm đặc sắc về âm hưởng, về sắc thái tình cảm thì cũng là tốt. Cùng với những từ ngữ tiêu chuẩn tương đương, nó tạo nên một lớp từ đồng nghĩa có sắc thái gợi cảm và làm phong phú thêm cho vốn từ vựng toàn dân. Chẳng hạn giữa hai từ ầm (miền Bắc) và rùmbeng (miền Nam) thì rùm beng không thể thay thế hoàn toàn cho ầm, nhưng mặt khác, từ rùm beng có sắc thái gợi cảm riêng, do đó nếu dùng hợp lí thì có thể đạt được hiệu quả nghệ thuật tốt. Sắc thái gợi cảm mà từ địa phương ấy có được, có khi là do âm hưởng, có khi là do nó gắn liền với những nét đặc biệt của cuộc sống hoặc tình cảm của địa phương. Người miền Nam dùng từ không phải chỉ để gọi mẹ của mình, mà còn để gọi tất cả những bà mẹ kháng chiến khác một cách âu yếm, thân thiết. Vì thế, không thể đem từ mẹ tiêu chuẩn nhưng trung tính để thay cho từ khi nói về một “bà má Hậu-giang” hay một “má Năm Cần-thơ ”. Cũng như vậy, do hoàn cảnh địa lí đặc biệt, chiến khu ở Nam-bộ là Đồng-tháp-mười, là rừng U-minh; từ bưng biền Nam-bộ là từ chiến khu ở miền Bắc, nhưng làm sao có thể đem từ chiến khu thay thế từ bưng biền, khi nó gắn liền với một đặc điểm lịch sử lớn như vậy?

    Thực ra vấn đề ở đây phức tạp hơn. Đặc sắc của từ địa phương có được không phải chỉ nhờ ở sức gợi cảm hay ở đặc tính của bản thân từ địa phương đó, mà còn do ở tài nghệ sử dụng của nhà văn. Nhà văn là nhà nghệ sĩ của ngôn ngữ với ý nghĩa là nhà văn chọn lọc trong kho tàng từ ngữ toàn dân những từ ngữ đặc sắc, tích cực. Nhưng đồng thời nhà văn cũng đưa vào trong từ ngữ những điểm độc đáo riêng. Do đó chúng ta không loại trừ khả năng có những từ địa phương không có những điểm gì đặc sắc nổi bật ngoài sắc thái địa phương, nhưng nếu nhà văn biết dùng một cách sinh động để đạt một mục đích nghệ thuật nhất định, thì trong ngữ cảnh nó có lí do tồn tại. Điều này nếu tách từ ra khỏi ngữ cảnh hay hình tượng mà phân tích thì dĩ nhiên rất khó thấy.

    Những biểu hiện của những đặc sắc và sự đóng góp nói trên của tiếng địa phương miền Nam còn có thể thấy rõ hơn qua những tác phẩm viết về miền Nam trong những năm gần đây nhất. Các nhà văn miền Nam qua việc kiểm nghiệm hiệu quả của việc sử dụng từ địa phương miền Nam trong tác phẩm, và nhất là qua việc thu nhận và nắm vững cách diễn đạt của ngôn ngữ tiêu chuẩn, đã có những chuyển biến lành mạnh trong việc dùng từ địa phương. Trong các tác phẩm Hoa hướng dương [6], Một truyện chép ở bệnh viện [7], Người miền Nam [8], v.v… các tác giả đã có sự chừng mực, điều độ trong việc dùng từ địa phương. So với Cá bống mú [9] trước đây chẳng hạn, thì trong Hoa hướng dương, Đoàn Giỏi không còn sử dụng từ địa phương miền Nam một cách thiếu chọn lọc trong ngôn ngữ miêu tả nữa, và việc sử dụng trong đối thoại cũng giữ được chừng mực.

    (Còn tiếp...)

    [1] Ở đây chúng tôi không bàn đến việc phân chia tiếng địa phương. Và từ địa phương mà chúng tôi nói trong bài này là từ địa phương dùng trong một số tác phẩm viết về đề tài miền Nam và do một số tác giả người miền Nam viết. Rất có thể một số từ ấy ở địa phương khác cũng có.
    [2] Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà-nội, 1966.
    [3]
    Lóc nói: một loại động vật sống ở chỗ nước cạn, bờ bãi, có đuôi và hai chân trước như thằn lằn. Có nơi gọi là “thòi lòi” hoặc “nóc nác”.
    [4] In trong tập “Truyện ngắn miền Nam”, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1965.
    [5]
    Bứt nài tháo ống (nàiống là những bộ phận trong cái vai cày) – nghĩa đen: trâu bò phá bỏ nài và ống, không chịu mang ách; nghĩa bóng: chống đối, phá phách.
    [6] Của Đoàn Giỏi, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1960.
    [7] Của Bùi Đức Ái, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1963.
    [8] Của Xuân Vũ, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1962.
    [9] Của Đoàn Giỏi, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà-nội, 1955.
     
    Rafa, sun1911 and tducchau like this.
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Để so sánh, chúng tôi đọc năm trang đầu của mỗi tác phẩm và thấy: trong Cá bống mú có 43 từ địa phương, trong đó số từ địa phương dùng trong miêu tả là 31, dùng trong đối thoại là 12. Của trong Hoa hướng dương chỉ có 11 từ địa phương mà số khá lớn lại là những từ không có từ tiêu chuẩn tương đương và không thể thay thế, như áo bà ba, cây tràm, bông quì, v.v… Và nói chung người đọc không bị vấp, bị nghẽn vì gặp phải những từ địa phương hóc húa, và cũng không có cái cảm tưởng rằng tác giả thiên lệch về mặt bộc lộ màu sắc địa phương mà quên mất việc diễn tả tính cách. Ngôn ngữ trong các tác phẩm Một truyện chép ở bệnh viện, Người miền Nam cũng có những ưu điểm tương tự. Đặc biệt là qua những tác phẩm được giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu vừa mới đây, như Sống như Anh của Trần Đình Vân[1] các truyện kí của Anh Đức, Cửu-long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh [2], v.v…, từ địa phương miền Nam đã được sử dụng một cách khá nhuần nhuyễn. Không phải là trong những tác phẩm này không có những trường hợp dùng từ địa phương không đạt, phần khác, việc dùng một số từ quá đặc biệt địa phương mà không chú thích cũng đã gây khó hiểu trong bạn đọc [3]. Nhưng nhìn chung ngôn ngữ trong các tác phẩm này đã có những thành tựu trong việc thu hút những cái đẹp đẽ, phong phú, đa dạng của tiếng miền Nam vào việc diễn đạt tâm trạng, tính cách nhân vật, làm nổi bật được cái tinh thần phấn khởi, lạc quan cách mạng, tính kiên quyết đối với kẻ thù, và tình đồng chí chiến đấu ấm cúng của con người miền Nam. Trong Sống như Anh có sự hòa hợp nhịp nhàng giữa việc sử dụng từ địa phương và tiếng tiêu chuẩn văn học, do đó ngôn ngữ tác phẩm đã là phương tiện đắc lực vẽ nên vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn anh Trỗi, chị Quyên và các đồng chí khác. Trong tác phẩm này, những từ địa phương như: té, má, xe máy, bông gòn,v.v… vẫn được dùng nhưng rất có chừng mực và chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, ngoài ra nhất loại dùng tiếng tiêu chuẩn trong miêu tả, kể chuyện. Điều đó đã tạo nên cái mà nhiều người cho là “đắt chữ, đắt lời” của tác phẩm. Nguyễn Thi với tác phẩm Người mẹ cầm súng đã tỏ ra rất tinh tế và nhạy bén trong việc phát hiện ra cái hay của tiếng địa phương miền Nam. Anh hiểu sâu sắc cái chất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm của tiếng địa phương miền Nam và dùng hòa lẫn nó vào trong cách diễn đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó mà anh đã tạo nên một tính cách điển hình, mang rất rõ dấu ấn của thời đại, của địa phương, như là chị Út Tịch. Những câu đối thoại trong tác phẩm bao giờ cũng được gạn lọc, và chỉ giữ lại từ nào, cách nói nào có thể khắc nổi được tính cách. Đọc suốt tác phẩm ta thấy câu nói nào của chị cũng có duyên, cũng có bản lĩnh, có nhiều câu biểu lộ được trí thông minh của chị — một người đàn bà nông thôn miền Nam trước mặt kẻ thù. Như khi tên quận trưởng vặn chị: - “Gần đây vợ chồng mày có nối với cộng sản không?”, chị liền trả lời — “Vợ chồng tôi nối với cục đất với cái gánh trên vai. Cộng sản làm sao ai biết đâu mà nối!”. Thiệt là hay! Cứ ngỡ như là chị chơi chữ, mà chơi chữ sao mà sinh động, mà hồn nhiên đến thế!

    Nhà văn Anh Đức cũng đạt được những thành công trong việc dùng từ địa phương miền Nam để vẽ nên những tình huống và tính cách một cách điển hình. Trong các truyện ngắn Khói, Đứa con, Đất [4], ngôn ngữ các nhân vật được sử dụng có cân nhắc và đã làm cho chúng ta hình dung được những con người cụ thể, có cá tính. Dù sao thì đến Hòn Đất, quyển tiểu thuyết dài của nền văn học miền Nam chiến đấu, Anh Đức mới thể hiện được hết cái ưu, nhược điểm trong việc sử dụng tiếng nói quê hương mình vào việc xây dựng tác phẩm. Trong tác phẩm nhiều nhân vật này, Anh Đức đã thành công rực rỡ trong việc dựng lên những nhân vật du kích nông dân, và ở đó ngôn ngữ của họ được tác giả chú ý tô đậm cách diễn đạt địa phương để vẽ nên tính cách của người nông dân Nam-bộ thật thà, trung hậu mà anh dũng vô song. Ví dụ như hai nhân vật Ba Rèn và Tư Nghiệp là hai nông dân du kích rất tiêu biểu. Họ có những cách nói làm cho chúng ta hiểu rõ bản chất nông dân của họ, Chú Tư Nghiệp là một tín đồ đạo Phật phá giới, chú vẫn tin Phật nhưng rất trung thành với cách mạng, một lần chú tâm sự: “Tôi tu tại bụng chứ không tu tại miệng. Ăn chay cày ruộng đuối lắm, mà mặt lại xanh dờn, coi kì quá”. Con người của chú như thế nào, qua một câu nói đó, ta cũng có thể hiểu rõ. Tuy nhiên, Anh Đức vẫn còn lạm dụng nhiều từ địa phương và vì vậy làm cho người đọc miền Bắc nhiều lúc khó hiểu. Và điều đó làm cho ngôn ngữ tác phẩm không đạt được đến sự trong sáng hoàn toàn. Do nhu cầu phục vụ trước hết cho người đọc trực tiếp ở địa phương mình, các tác giả đã dùng nhiều từ, ngữ địa phương và hẳn điều ấy đã giúp làm cho tác phẩm càng trở nên gần gũi và thân yêu đối với nhân dân miền Nam. Nhưng mặt khác, cần vươn lên cao hơn cái yêu cầu nhất thời đó của quần chúng, để đáp ứng yêu cầu không phải của một vùng mà của cả nước, không phải của một thời gian mà là lâu dài. Tác phẩm văn học miền Nam là sản phẩm của đồng bào miền Nam, nhưng đồng thời cũng là tài sản quí báu của cả nước. Và điều đó, một lần nữa, làm cho các tác giả cần phải cân nhắc thận trọng trong việc sử dụng từ địa phương của mình trong tác phẩm văn học.

    Trên đây chúng tôi vừa sơ bộ nêu lên những ưu điểm của việc sử dụng từ địa phương miền Nam trong tác phẩm văn học. Việc dùng từ địa phương miền Nam một cách có cân nhắc, chọn lọc thực tế đã góp phần làm cho tiếng Việt văn học thêm phong phú, giàu khả năng diễn đạt, mà đồng thời cũng thêm trong sáng và đẹp đẽ.

    Về một phương diện khác, thành công của những tác phẩm viết về miền Nam trong nhiều năm nay không thể tách rời với những thành công của việc sử dụng ngôn ngữ trong các tác phẩm ấy, trong đó có vấn đề sử dụng từ địa phương. Đứng ở phương diện này mà xét, ta sẽ thấy việc sử dụng thành công từ địa phương miền Nam trong tác phẩm đã tạo nên được sắc thái địa phương đậm đà, hấp dẫn, sinh động; nói rộng hơn là đã tạo nên được tính chân thực của nhân vật, của hoàn cành, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ của tác phẩm.

    Điều đó các nhà văn chúng ta qua một quá trình thể nghiệm nhiều năm, có lẽ đã cảm thấy sâu sắc. Tuy nhiên, cho đến nay, trong việc sử dụng từ địa phương miền Nam trong tác phẩm văn học vẫn còn tồn tại một số vấn đề.

    Tiếng địa phương miền Nam được sử dụng trong tác phẩm văn học bắt đầu từ Nguyễn Đình Chiểu. Đến Hồ Biểu Chánh, nhà văn Nam-bộ nửa đầu thế kỷ XX, thì có nhiều biểu hiện tập trung rất đáng chú ý. Là tác giả của hơn 60 tác phẩm vừa ngắn vừa dài, Hồ Biểu Chánh đã sử dụng ngôn ngữ bình dân Nam bộ một cách mạnh dạn va đã tái tạo một màu sắc địa phương bàng bạc khắp các tác phẩm. Nhưng mặt khác có thể xem ông là đại biểu cho chủ nghĩa tự nhiên trong việc sử dụng từ ngữ địa phương. Ông sử dụng từ ngữ địa phương một cách hoàn toàn không dè dặt và nhiều khi phải nói là hết sức dung tục. Quan điểm của chúng ta không thể giống quan điểm của Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh không hề có ý thức về việc thống nhất và tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ dân tộc. Nhưng thực tế cho thấy rằng cho đến hiện nay, những mặt tiêu cực trong việc sử dụng từ ngữ địa phương trong tác phẩm văn học chưa phải là đã hết. Trong một số tác phẩm, có khi ngôn ngữ của nhân vật còn đầy dẫy những cách nói đặc địa phương, rất khó hiểu; thậm chí còn có hiện tượng lạm dụng cách viết theo cách phát âm địa phương nữa. Trong ngôn ngữ miêu tả của tác giả, từ ngữ địa phương được sử dụng một cách hạn chế và có cân nhắc hơn, nhưng hiện tượng thiếu cân nhắc và thiếu trau chuốt vẫn còn.

    Có nhiều nguyên nhân trong vấn đề này. Một nguyên nhân quan trọng có lẽ là do nhà văn có khi còn chưa coi trọng một cách toàn diện phương pháp điển hình hóa ngôn ngữ. Phương pháp này đòi hỏi nhà văn sử dụng ngôn ngữ không phải theo cách « có sao nói vậy », mà phải chọn lọc, cân nhắc, để cho ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ miêu tả vừa cụ thể, sinh động, lại vừa có tính khái quát cao; làm cho ngôn ngữ tác phẩm đạt đến mức đẹp đẽ, minh xác, góp phần vào việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói dân tộc và tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ. Cũng cần chú ý rằng việc sử dụng từ ngữ địa phương không phải là phương pháp tốt nhất và duy nhất để điển hình hóa nhân vật.

    Nhưng có một nguyên nhân quan trọng khác là do bản thân sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt hiện nay đang đòi hỏi tiếng Việt văn học phải thu hút nhiều từ ngữ tích cực của các tiếng địa phương để làm phong phú thêm cho mình. Nhưng thế nào là một từ ngữ địa phương tích cực, sự đánh giá không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đôi khi, cũng phải qua sử dụng thử thách mới có thể kết luận. Tình hình ấy cho phép nhà văn có thể mạnh bạo trong việc sử dụng từ ngữ địa phương, nhưng cũng do đó mà có thể đi đến chỗ lạm dụng.

    Cho nên về mặt lí luận chung thì dễ thống nhất ý kiến, nhưng “hiện tượng bao giờ cũng phong phú hơn qui luật” (Lênin), do đó vấn đề không phải đơn giản. Chính vì vậy mà càng đòi hỏi nhà văn phải có sự cân nhắc thích đáng trong việc sử dụng tử ngữ địa phương, kết hợp ở đây sự mạnh bạo với sự thận trọng hết sức cần thiết. Nhà văn có một trách nhiệm lớn trong việc trau dồi, góp phần thống nhất, làm trong sáng và phong phú tiếng nói của dân tộc, Từ ngôn ngữ chất liệu của quần chúng, nhà văn cần biết rút ra cái tinh túy và nâng cao nó lên.

    *
    * *

    Về vấn đề tiếng địa phương miền Nam nói chung và vấn đề từ ngữ địa phương miền Nam được sử dụng trong tác phẩm văn học nói riêng, còn cần phải nghiên cứu thêm nhiều nữa. Ở đây chúng tôi chỉ mới nêu lên một số nhận xét bước đầu, chưa phản ảnh hết được những ưu điểm cũng như những khuyết điểm của ngôn ngữ các tác phẩm văn học về mặt này. Trên bước đường tiêu chuẩn hóa tiếng Việt văn học, thế nào chúng ta cũng còn cần phải bàn thêm về vấn đề này.


    [1] Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1965.

    [2] Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1966.

    [3] Một số thí dụ: giả đò (giả vờ): “Út giả đò kêu vô luôn” (Người mẹ cầm súng, tr.47); mảm hơi (thích): “Cả mười hai thằng giặc đều mảm hơi Út và hai cô gái” (Nt, tr.46); nhắm (liệu): “Thím coi nhắm bấy nhiêu đó có đủ đút lỗ miệng không?”, (Anh Đức, Hòn Đất, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1966, tr.115); xỉu (ngất): “Thằng này dở quá, chưa chi đã xỉu rồi” (Nt, tr. 220).

    [4] Đều in trong tập “Truyện ngắn miền Nam”.
     
    Rafa, sun1911 and tducchau like this.
  11. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    NGUYỄN VĂN THẠC

    VỀ VẤN ĐỀ LẠM DỤNG TỪ HÁN-VIỆT

    Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bao gồm nhiều mặt. Thường được nói đến trước tiên và nhiều hơn cả là những vấn đề về từ ngữ, trong đó nổi bật nhất là hiện tượng lạm dụng từ Hán —Việt, cái mà Hồ Chủ tịch thường gọi là tật “nói chữ”. Đến nay chúng ta ai ai cũng tán thành không nên lạm dụng từ Hán — Việt. Nhưng đi sâu vào những chi tiết cụ thể, xác định trường hợp nào là lạm dụng ta thường thấy có chỗ chưa thống nhất ý kiến với nhau. Quan niệm thế nào là "lạm dụng" chưa hoàn toàn rõ ràng. Vấn đề có hay không có những tiêu chuẩn khách quan cụ thể để làm chỗ dựa cho việc tránh mượn và tránh dùng từ Hán—Việt một cách bừa bãi cũng chưa được giải quyết. Càng đi sâu tìm tòi chúng ta càng thấy vấn đề có nhiều phức tạp khó khăn. Dưới đây chúng tôi xin góp vài nhận xét bước đầu trong quá trình tìm tòi chung ấy.

    *
    * *
    Như ta đã biết, do quan hệ lịch sử, hoàn cảnh địa lí và nhiều chỗ giống nhau trong cơ cấu ngôn ngữ, tiếng Việt đã mượn của tiếng Hán một số từ rất lớn. Theo quan điểm lịch đại có thể chia những từ này thành hai nhóm: nhóm Hán - Việt và nhóm Hán-Việt cổ [1]. Hai nhóm này cùng với một số ít từ mượn qua tiếng địa phương của tiếng Hán ở vùng giáp giới với Việt-nam [2], hợp lại thành nhóm từ mượn tiếng Hán trong tiếng Việt tiêu chuẩn hiện đại.
    1.jpg

    Để tiện việc trình bày, ta sẽ gọi đó là nhóm H. Bên cạnh nhóm H có nhóm từ mượn của các thứ tiếng khác (Pháp, Anh. Nga. v.v…) tạm gọi là nhóm K, trong bài này không xét đến. Phần còn lại của vốn từ ngữ tiếng Việt, ta tạm gọi là nhóm V. Cũng cần nói thêm rằng những đơn vị
    được tạo nên trong tiếng Việt hoàn toàn bằng chất liệu Hán – Việt, như tính giai cấp, chủ nghĩa cộng sản, phó phòng, trưởng đoàn, đồng khởi, báo động, thông cảm, tham luận, v.v… hoặc bằng chất liệu hỗn hợp, nửa Hán - Việt, nửa Việt, như: chủ nghĩa theo đuôi, chi nhánh, nòng cốt, nuôi dưỡng, ý nghĩ, cấp bậc, đồng đều, sinh đẻ,v.v… sẽ được xếp vào nhóm V bởi vì xét về toàn bộ, chúng không phải là những đơn vị có sẵn trong tiếng Hán đã đi vào tiếng Việt như một khối, mà chính là đã được tạo ra trong tiếng Việt bằng những thành phần đã mượn từ trước.

    Trong nhóm H những từ Hán—Việt có số lượng nhiều gấp bội, chiếm một tỷ lệ quan trọng không những trong nhóm H mà cả trong toàn bộ vốn từ ngữ tiếng Việt. Việc lạm dụng từ mượn của tiếng Hán rõ ràng không phải vì dễ mượn quá nhiều, dùng quá lạm những từ gốc Hán nói chung, mà chính vì đã tiếp thu thiếu lựa chọn một số từ thuộc nhóm Hán—Việt. Dưới đây, chúng ta sẽ chỉ xem xét những từ của nhóm này trong mối tương quan với các đơn vị nhóm V. Trước tiên, chúng ta chú ý đến những hiện tượng xảy ra trong một số từ ghép. Ta đã biết, nhiều từ ghép của tiếng Hán, và tiếng Việt có kiểu cấu tạo giống nhau. Những từ ghép Hán - Việt đi vào tiếng Việt vẫn giữ lại được kiểu cấu tạo của chúng nhiều nhất trong các kiểu từ mà cả hai thứ tiếng đều có. Phần lớn đó là các từ ghép liên hợp, chi phối, v.v…ví dụ:
    báo cáo, phụ mẫu và giúp đỡ, nền tảng…, đả đảo, đả thông và xóa nhòa, tô hồng…; riêng kiểu từ ghép hạn định thì có sự khác nhau rất rõ ràng: yếu tố xác định đứng trước yếu tố được xác định trong từ nhóm H (hỏa xa, bạch kim, tốc kí,v.v…) và yếu tố được xác định đứng trước yếu tố xác định trong nhóm V (tàu thủy, sổ đen, thi miệng, v.v…). Do tác động của quy tắc ngữ pháp tiếng Việt trong quá trình Việt hóa từ vay mượn, bên cạnh các từ kép này của nhóm H, xuất hiện ngày càng nhiều những đơn vị nhóm V tương ứng với chúng:

    HV
    cao xạ pháo pháo cao xạ
    chỉ huy sở sở chỉ huy
    dân số số dân
    cao điểm điểm cao, v.v…
    Hiện tượng này cũng xảy ra trong một số từ cấu tạo theo lối ghép phụ tố đặc biệt là với các phụ tố chưa hoàn toàn hư hóa, tức là cái phụ tố còn giữ lại ý nghĩa từ vựng rõ rệt đến mức chỉ nhìn vào nó ta cũng biết rằng chúng đã bắt nguồn từ thực từ nào, như tính, chủ nghĩa chẳng hạn.

    HV
    cá nhân chủ nghĩa chủ nghĩa cá nhân
    giáo điều chủ nghĩa chủ nghĩa giáo điều
    xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa xã hội
    giai cấp tính tính giai cấp
    đảng tính tính đảng, v.v…
    Những cặp tương ứng trong các nhóm H và nhóm V tuy cùng là sản phẩm của sự Việt hóa, nhưng chúng không phải đều cùng một loại. Trong một số cặp, ta thấy dần dần có sự đối lập nhau, có phân công với nhau trong cách dùng. Trên sách báo hoặc trong lời nói thông thường hiện nay ta rất hay gặp những trường hợp như: “… Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa…”; “Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội…” (không nói “xã hội chủ nghĩa” như trước kia nữa); “Giờ cao điểm”, nhưng “chiếm lĩnh điểm cao”.

    Ta thấy “chủ nghĩa xã hội”, “điểm cao”, cùng các đơn vị tương tự thuộc nhóm V chỉ làm nhiệm vụ tân ngữ và không thấy làm định ngữ trong câu. Còn các từ nhóm H (xã hội chủ nghĩa, cao điểm) tuy trước đây làm được tân ngữ nhưng gần đây chủ yếu làm nhiệm vụ định ngữ; nhiệm vụ làm tân ngữ nay do đơn vị tương ứng với nó trong nhóm V đảm nhiệm.

    Những cặp tương ứng cấu tạo nên với phụ tố tính (đảng tính - tính đảng, v.v…) cũng có chiều hướng phân công theo hai chức năng, có cơ trở thành hai đơn vị lúc đầu có đối lập phân công nhau trong cách dùng, rồi dần dần trở thành hai đơn vị thuộc hai phạm trù từ loại khác nhau. Song, quá trình phân hóa này hiện chưa hoàn thành. Mặc dù như vậy, hiện nay ta cũng có thể nhận thấy rằng: trong khi các từ thuộc nhóm H còn được dùng với chức năng của tính từ lẫn danh từ, thì các đơn vị nhóm V luôn luôn chỉ được dùng như danh từ. Quá trình này có thể tiếp tục phát triển lên nữa do nhu cầu ngôn ngữ và sự tác động, thúc đẩy có ý thức của những người sử dụng ngôn ngữ để tạo ra sự đối lập giữa các cặp tương ứng đó, tạo ra lí do song song tồn tại của chúng trong ngôn ngữ.


    (Còn tiếp...)

    [1] Có ý kiến không tán thành gọi là “từ Hán - Việt” bởi vì “nó có thể làm cho người ta lầm rằng hai ngôn ngữ Hán và Việt cùng một ngôn ngữ cộng đồng nguyên thủy (như Ấn – Âu, Môn-Khơme v.v…)” và cho là không thỏa đáng vì “không có từ Hi–Pháp, từ Đức - Pháp, từ Hi–Nga v.v...” (xem Nguyễn Kim Thản, “Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt” tập I, Hà-nội, 1963, tr.101). Chúng tôi thấy vẫn có thể dùng “từ Hán - Việt” để gọi một trong những lớp từ mượn của tiếng Hán được, vì thuật ngữ này đã quá quen thuộc, rất khó gây nên sự hiểu lầm hoặc cảm giác “không thỏa đáng” như vừa kể trên.

    [2] Xem Nguyễn Văn Thạc, “Vài nhận xét về từ mượn tiếng Hán”. Tạp chí “Văn học, số 5-1963 (tháng 11), tr.98 và 100”.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/12/15
    Rafa and tducchau like this.
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Ở một số cặp khác, ta thấy tình hình khác hẳn: Sau khi xuất hiện các đơn vị mới trong nhóm V, ta có các cặp tương ứng có quan hệ hoàn toàn đồng nghĩa với nhau; giữa chúng không có sự khác nhau gì về ý nghĩa, sắc thái tu từ hoặc chức năng, cách dùng trong câu. Do đó, một trong hai đơn vị của cặp sẽ bị loại ra khỏi lớp từ tích cực thường dùng:

    HV
    cộng sản đảng đảng cộng sản [1]
    thần kinh hệ hệ thần kinh
    (trưng cầu) dân ý (trưng cầu) ý dân
    tế văn văn tế
    Những từ nhóm H rõ ràng hiện nay không có mặt trong lớp từ tích cực nữa. Các cặp khác thì đang ở trong trạng thái giằng co, hoặc chỉ mới xuất hiện chưa lâu như:

    HV
    chỉ huy sở sở chỉ huy
    xuất phát điểm điểm xuất phát
    cao xạ pháo pháo cao xạ
    chướng ngại vật vật chướng ngại
    giao thông hào hào giao thông
    quyết tâm thư thư quyết tâm
    an toàn khu khu an toàn
    chủ tịch đoàn đoàn chủ tịch ...
    Nếu trong quá trình phát triển sau này giữa chúng cũng vẫn không có gì khác nhau, không sinh ra sự đối lập về một mặt nào đó, thì một trong hai đơn vị sẽ trở thành từ tiêu cực, từ cũ, hoặc dần dần hoàn toàn không được dùng đến nữa. Với chiều hướng phát triển hiện nay, như trên kia đã nói, các đơn vị thuộc nhóm V sẽ được giữ lại và thay thế cho các từ thuộc nhóm H trước đây, mặc dù nhiều khi chúng không phải là một từ hoàn chỉnh, không có tính trọn vẹn, không có kết cấu chặt chẽ như các từ tương ứng của chúng trong nhóm H.

    Hiện tượng lạm dụng từ Hán-Việt sẽ xảy ra ở đây khi chúng ta vì quá thích thú hay câu nệ hình thức chặt chẽ trọn vẹn của từ mà cố giữ lại trong lời nói của mình những từ nhóm H hoàn toàn đồng nghĩa với các đơn vị tương ứng trong nhóm V. Đó là chưa kể có khi còn vì thói quen, vì tật sính nói chữ, vì bệnh sùng bái tiếng nước ngoài, v.v… Tất nhiên, nếu ngày nay chúng ta thích dùng “chỉ huy sở”, “xuất phát điểm”, “chướng ngại vật”, v.v…, sẽ không bị xem là “lạm dụng từ Hán-Việt” một cách nặng nề nghiêm trọng như khi sính dùng “cộng sản đảng”, “dân ý”, “tế văn” v.v…[2]…, nhưng xét cho cùng, chúng cùng chung một tính chất.

    Tuy vậy, không phải bất cứ từ nào trong nhóm H cũng có đơn vị tương ứng như hai trường hợp nói trên. Bên cạnh “công trình sư”, “hợp tác xã”, “thế giới quan”, v.v…, ta không có “sư công trình”, “xã hợp tác”, “quan thế giới”, v.v… Xem ra đó là do tính thuật ngữ, tính thành ngữ của các từ này, hoặc là do yếu tố được xác định của chúng (“sư”, “xã”, “quan”…) không phải là một thành phần độc lập trong tiếng Việt. (Trong tiếng Việt có những từ đồng âm với chúng, nhưng khác hẳn về ý nghĩa: “sư” trong “ông sư”, “nhà sư”, “sư cụ” không liên quan gì với “sư” vừa nói trên; “xã” trong “hợp tác xã” là cùng một chuỗi với “thông tấn xã”, “Tâm tâm xã” v.v…, chứ không trùng với tên gọi của một đơn vị, một cấp hành chính nông thôn trên thôn, dưới huyện; “quan” cũng chỉ tìm được những từ đồng âm khác nghĩa trong “quan tha ma bắt”, hoặc “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” mà thôi).

    (Còn tiếp...)

    [...]



    [1] Trong chuỗi “x + đảng” ta thêm bên cạnh “Quốc dân đảng” đến nay vẫn không có sự tương ứng “đảng quốc dân” xuất hiện và thay thế, xem ra là vì nó đã mất đi nhiều tính chất danh từ chung, được dùng như danh từ riêng.

    [2] Hiện nay “hợp tác xã” là những tổ chức kinh tế, đơn vị sản xuất thuộc chế độ sở hữu tập thể, ở nông thôn hoặc thành phố đều có. “Xã”, “thôn” là những đơn vị hành chính chỉ có ở nông thôn. Vì ở thành phố không có xã, thôn cho nên có thể gọi tắt “hợp tác xã” là “xã” (Xem “Người xã viên yêu “xã”” báo “Thời mới”, 16-2-1967, trang 2 cột 7; “xã” này thường được đặt trong ngoặc kép để phân biệt với ở nông thôn). Ở nông thôn chỉ gọi tắt “hợp tác xã” là “hợp tác” hoặc “hợp” (vùng Khu bốn cũ) mà không gọi tắt là “xã” để tránh hiện tượng trùng âm lẫn nghĩa giữa hai này.



     
    Rafa, tducchau and chis like this.
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Như vậy, ở đây ta sẽ có một bức tranh về những tình hình khác nhau của mối quan hệ tương ứng trong nhóm H và nhóm V vừa nói trên:

    Bảng 1

    HVCác mối liên hệ
    hợp tác xã 0 không có đơn vị tương ứng
    xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa xã hội Có sự khác nhau, đối lập nhau
    cộng sản đảng đảng cộng sản Trùng nhau, có hiện tượng rơi rụng và lạm dụng


    *
    * *
    Cũng vậy, khi đặt các từ Hán-Việt khác, trong quan hệ tương ứng với các đơn vị đồng nghĩa của nó trong nhóm V, ta sẽ có ba trường hợp tương tự:

    Trường hợp thứ nhất: Các đơn vị trong nhóm H và V có quan hệ hoàn toàn đồng nghĩa với nhau, họp thành những cặp đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối) với nhau, như:

    HV
    hi hữu ít có
    hãn hữu hiếm có
    ái quốc yêu nước
    nhược tiểu nhỏ yếu
    phú quí giàu sang
    thất đảm mất mật
    Theo qui luật chung của việc phát triển từ vựng, một trong hai đơn vị của cặp đồng nghĩa tuyệt đối này dần dà bị loại ra khỏi vốn từ vựng tích cực, rơi vào lớp từ tiêu cực, hoặc sẽ hoàn toàn không được dùng đến trong lời nói. Hiện nay thực tế biến đổi của tiếng Việt cho ta thấy rằng những từ bị rơi rụng là những từ của nhóm H.

    Hiện tượng này xuất hiện rất rõ ràng, ngày càng phổ biến và ngày càng mang tính chất tự giác, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám, khi tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của Nhà nước, khi ý thức độc lập tự chủ, tinh thần tự tôn dân tộc ngày càng được nâng cao.

    Sự rơi rụng của những từ Hán—Việt này nói lên rằng chúng đã trở thành những yếu tố thừa trong giai đoạn phát triển mới của tiếng Việt. Sự lạm dụng từ mượn của tiếng Hán xuất hiện ở đây, nếu ta dùng các từ hi hữu, hãn hữu, nhược tiểu, v.v… của nhóm H, hoặc ta sẽ tiếp tục mượn thêm những từ mà trong tiếng Việt hiện nay đã sẵn có đơn vị hoàn toàn đồng nghĩa với nó. Tóm lại, ta sẽ xem là thừa, là lạm dụng những từ nước ngoài nào đi vào tiếng Việt với tư cách là từ đồng nghĩa tuyệt đối, hậu quả của chính sách nô dịch, đồng hóa trước đây của bọn thực dân, xâm lược, và cả những từ nào trở thành từ đồng nghĩa tuyệt đối với các từ tiếng Việt trong quá trình phát triển bình thường của ngôn ngữ. Ở đây ta có thể kết luận rằng, việc loại trừ những từ mượn không cần thiết chủ yếu liên quan với các từ trong nhóm H có giá trị hoàn toàn ngang với các đơn vị tương ứng trong nhóm V. Như vậy việc có hay không có những dấu hiệu của quan hệ đồng nghĩa tuyệt đối có thể dùng làm một tiêu chuẩn cụ thể cho việc tiếp nhận những từ mượn thành công hoặc gạt bỏ những từ mượn không thành công.

    Trường hợp thứ hai: Một số những từ của nhóm H họp với những đơn vị có sẵn của nhóm V thành những cặp tương ứng có quan hệ đồng nghĩa, kèm theo sự khác nhau về màu sắc tu từ, hoặc sắc thái ý nghĩa:

    HV
    tạ thế chết
    phu nhân vợ
    phụ nữ đàn bà
    sinh đẻ
    tích cực hăng hái
    hạnh phúc sung sướng
    Vì có những sự khác nhau đó, nên chúng không thể thay thế được nhau trong mọi trường hợp, giữa chúng có sự “phân công” trong cách dùng. Các từ nhóm H thường được dùng trong không khí nghiêm trang trịnh trọng, thường có màu sắc sách vở, kiểu cách, hoặc thường là những từ biểu thị những khái niệm trừu tượng; các từ trong nhóm V thường gặp trong khẩu ngữ thông thường, có tính chất bình thường, trung tính, hoặc biểu hiện những khái niệm cụ thể hơn so với các từ nhóm H. Đó là vì những từ mượn này đã đi vào tiếng ta theo con đường sách vở, trong ngôn ngữ viết, mang theo màu sắc trang nhã của văn viết. Mặt khác, các từ này đã cùng với Hán văn giữ địa vị ngôn ngữ chính thức trong một thời gian dài dưới chế độ phong kiến nước ta thời Bắc thuộc lẫn thời tự chủ trước đây. Sự có mặt trong ngôn ngữ của các từ đồng nghĩa loại này làm cho lời nói của ta có thể biến hóa sinh động, uyển chuyển hơn, nhiều màu nhiều vẻ hơn, bày tỏ tư tưởng tình cảm được sát đúng, đầy đủ hơn. Tất cả những chỗ khác biệt nhau nói trên tạo nên sự đối lập về tu từ, ý nghĩa và cách dùng giữa các từ nhóm H và các đơn vị nhóm V, làm cho các từ nhóm H có chỗ đứng vững chắc trong tiếng Việt, chúng không phải là những từ thừa. Vì thế ở trường hợp này, chúng ta không thể tìm thấy hiện tượng lạm dụng từ mượn.

    Trường hợp thứ ba: Trong nhóm V không có sẵn và cũng không thể tạo ra hoặc phóng tạo ra một cách thỏa đáng những đơn vị đồng nghĩa tương ứng với các từ nhóm H. Phần lớn các từ Hán-Việt này biểu thị những sự vật, hiện tượng, khái niệm mà đời sống xã hội Việt-nam không có hoặc chưa có, thường là các từ chuyên môn, có tính thuật ngữ rõ rệt, hoặc vốn là các từ dùng trong các ngành chuyên môn, nhưng nay đã trở thành từ của ngôn ngữ thông thường:

    HV
    ảnh hưởng 0
    anh hùng 0
    bán cầu 0
    bán đảo 0
    bách hóa 0
    chiến lược 0
    du kích 0
    tấn công 0
    tự do 0
    Những từ này đã dành được chỗ đứng vững chắc trong tiếng Việt, tuy trong đó có một số vào tiếng Việt chưa lâu. Chúng biểu đạt những khái niệm, sự vật rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, và bên cạnh nó không có những đơn vị nhóm V có thể thay thế được. Chúng đã trở thành thành phần không thể thiếu được của tiếng Việt. Vì thế ở đây cũng không tìm thấy hiện tượng lạm dụng từ mượn.

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/15
    Rafa and tducchau like this.
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Từ những điểm trình bày trên, có thể chia ra trong tiếng Việt ba lớp từ Hán-Việt theo những
    mối liên quan khác nhau với các từ gốc tiếng mẹ đẻ; có thể trình bày như trong bảng sau đây:

    Bảng 2

    Nhóm H Nhóm V Các mối liên quan
    anh hùng 0 Không có đơn vị tương ứng
    phu nhân vợ Có khác nhau về sắc thái ý nghĩa, tu từ v.v…
    (ái quốc) yêu nước Trùng nhau, có hiện tượng rơi rụng và lạm dụng

    Xem ra, cách phân loại này, có thể áp dụng cho các từ mượn của tất cả các thứ tiếng.

    *
    * *
    Qua bảng 1 và bảng 2 trình bày trên, ta thấy tổng quát rằng trong hệ thống từ ngữ tiếng Việt, các từ Hán-Việt có ba tình hình khác hẳn nhau, hoặc là ba loại từ Hán-Việt có số phận khác nhau trong quá trình phát triển của tiếng Việt: Có thể trình bày tóm tắt bằng các ký hiệu sau đây.

    H1 - 0
    H
    2 # V
    H
    3 = V
    Ta cũng thấy có những trạng thái giằng co, có những bước quá độ hiện chưa chuyển hóa xong, nhưng chiều hướng phát triển của chúng đã khá rõ.

    Hiện tượng lạm dụng từ Hán-Việt thường xuất hiện ở một trong ba loại nói trên, tức là khi các cặp tương ứng trong nhóm H và V có giá trị hoàn toàn ngang bằng nhau (nhóm H
    3). Mặt tiêu cực của việc mượn từ Hán-Việt thường biểu hiện ở đây. Còn mặt tích cực của nó, ta thấy rất rõ trong hai loại còn lại. Sự đối lập về mặt ngữ nghĩa, tu từ, ngữ pháp, v.v… hoặc sự đối lập thiếu (không có đơn vị tương ứng) của từ Hán-Việt với một đơn vị tương ứng trong nhóm V nói trên có thể làm chỗ dựa cho việc thu nhận những từ mượn thành công, những từ có thể làm giàu thêm, chứ không trở ngại cho việc phát triển lành mạnh của tiếng ta. Ngược lại, quan hệ đồng nghĩa tuyệt đối giữa các cặp tương ứng ấy có thể xem là một tiêu chuẩn cụ thể để tránh hoặc bỏ những từ mượn lạm dụng. Đương nhiên, những cặp từ đồng nghĩa tuyệt đối trong cùng một ngôn ngữ không nhiều. Nhưng nếu so sánh toàn bộ hệ thống từ vựng của hai ngôn ngữ với nhau (như khi làm từ điển đối chiếu hai thứ tiếng chẳng hạn), thì ta thấy có rất nhiều những từ, những đơn vị có giá trị hoàn toàn giống nhau. Ta tạm gọi đó là những từ đồng nghĩa tuyệt đối tiềm tàng giữa hai ngôn ngữ. Đồng nghĩa tuyệt đối là một hiện tượng không lâu bền đối với những cặp từ cụ thể nhưng lại là một trạng thái phổ biến, thường xuyên của ngôn ngữ. Khi hai ngôn ngữ tiếp xúc với nhau một cách bình thường thì nói chung ngôn ngữ này không mượn của ngôn ngữ kia những cái mà nó đã có. Đó là do tính hệ thống, do qui luật nội bộ của ngôn ngữ quyết định. Nhưng không phải bất cứ ngôn ngữ nào, trong lúc nào cũng phát triển được bình thường. Ngoài những nhân tố bên trong, chủ quan ra, sự phát triển của ngôn ngữ còn chịu ảnh hưởng không kém phần quan trọng của các nhân tố khách quan, phi ngôn ngữ. Lòng sùng bái tiếng nước ngoài, khinh rẻ tiếng mẹ đẻ, cùng những sản phẩm khác của chính sách nô dịch, đồng hóa của bọn phong kiến, đế quốc và thực dân xâm lược đối với các nước nhỏ yếu chậm tiến như ở nước ta trước đây và vùng Mĩ-ngụy kiểm soát ở miền Nam hiện nay, đã nhiều lúc làm cho ngôn ngữ phát triển không bình thường. Trong hàng chục thế kỉ thời Bắc thuộc, tiếng Việt không được xem là ngôn ngữ chính thức của Nhà nước. Địa vị đáng có của nó trong xã hội Việt-nam do tiếng Hán chiếm giữ. Ngót trăm năm dưới ách thực dân Pháp, tiếng Việt luôn bị chèn ép, rẻ rúng. Những điều kiện xã hội đó đã dung túng và thậm chí khuyến khích việc bỏ quên những từ hay lời đẹp của tiếng mẹ đẻ, để thay vào bằng những cái lai căng sống sượng của nước ngoài. Lúc đó khá nhiều những từ đồng nghĩa tuyệt đối tiềm tàng trong hai ngôn ngữ có thể trở thành những từ đồng nghĩa tuyệt đối thực sự trong một ngôn ngữ. Tiếp đó do ý thức tự ti dân tộc, khinh rẻ tiếng mẹ đẻ, tôn sùng tiếng nước ngoài, là sự rơi rụng lãng quên các từ vốn có của tiếng mình. Nếu ta tạm dùng kí hiệu trong ngoặc đơn để biểu thị những từ đã rơi rụng thì ở đây ta sẽ có:

    H = (V)

    Như vậy trường hợp các từ thuộc nhóm H không có địa vị tương ứng có thể là vì trong tiếng Việt vốn không có hoặc đã có nhưng đã bị rơi rụng. Trái lại trong tình hình hiện nay, như trên đã trình bày, hầu hết các từ bị rơi rụng trong cặp đồng nghĩa tuyệt đối H = V là các từ thuộc nhóm H. Ta có (H) = V. Và quá trình này dẫn đến tình hình mới: 0 – V.

    Qua đó, có thể trình bày một cách sơ lược bức tranh về các mối quan hệ và những sự biến chuyển, các bước quá độ vừa nói trên giữa các từ thuộc nhóm H và nhóm V như sau:

    H - 0
    H = (V)
    H # V
    (H) = V
    0 - V
    Sự rơi rụng của một trong hai thành phần của cặp đồng nghĩa tuyệt đối là qui luật phổ biến trong quá trình phát triển từ ngữ, là qui luật nội bộ ngôn ngữ. Nhưng tại sao trong một giai đoạn này hay giai đoạn khác trên bước đường phát triển của ngôn ngữ lại rơi rụng những đơn vị của nhóm này chứ không phải của nhóm kia? Tại sao trong các cặp từ tương ứng đối lập nhau về tu từ, thì trong một giai đoạn nào đó phần lớn các từ nhóm này chứ không phải nhóm kia có màu sắc trang trọng? Muốn trả lời những câu hỏi đó, không thể không xét đến các nhân tố bên ngoài ngôn ngữ, các nhân tố chính trị, xã hội, văn hóa v.v… như điều kiện lịch sử, quan hệ giữa tiếng Hán và tiếng Việt, vai trò và vị trí của tiếng Việt, tiếng Hán cùng những người sử dụng chúng trong xã hội Việt-nam, như ý thức giác ngộ, lòng tự hào tự tôn dân tộc, v.v… Sự đối lập về mặt ngữ pháp của những đơn vị kiểu “xã hội chủ nghĩa” – “chủ nghĩa xã hội” nói trên, mới nhìn hình như chỉ do sự mâu thuẫn về trật tự cú pháp trong hai ngôn ngữ một nguyên nhân thuần túy nội bộ ngôn ngữ gây nên. Thực ra ở đây cũng có tác dụng của nhân tố bên ngoài ngôn ngữ. Giả sử ý thức giác ngộ dân tộc, lòng quí trọng tiếng mẹ đẻ không được nâng cao, nếu ta chỉ một mực tôn sùng tất cả những cái của nước ngoài, mà xem thường xem khinh mọi cái của dân tộc mình, kể cả ngôn ngữ, thì khó lòng xuất hiện được hàng loạt đơn vị mới trong nhóm V bên cạnh nhóm H nói trên, chưa nói đến chuyện chúng có thể đứng vững được trong tiếng Việt cho đến ngày nay. Vì vậy khi nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ, xem xét các hiện tượng bên trong ngôn ngữ, cũng không thể bỏ qua các nhân tố phi ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, sự tác động một cách tự giác của những người sử dụng đối với ngôn ngữ. Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, phương tiện hiện đại như hệ thống nhà trường, báo chí, mạng lưới phát thanh, sân khấu, màn ảnh v.v… để giúp cho việc thực hiện sự tác động tự giác đó. Hiệu quả của sự tác động đó nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào trình độ hiểu biết, nhận thức của chúng ta về các qui luật phát triển ngôn ngữ, và sự nhạy bén trước những hiện tượng giàu sức sống mới xuất hiện trong tiếng nói, và nhất là mức độ phổ biến sâu rộng chính sách ngôn ngữ của Đảng ta trong quần chúng. Có thể có những trường hợp chi tiết cụ thể không thu được hiệu quả như ý muốn, nhưng đó là do ta chưa nắm được đầy đủ qui luật, đặc điểm phát triển của tiếng nói, chưa sử dụng tốt những phương tiện đã có, v.v…, chứ không phải là về căn bản không thể thực hiện sự tác động đó.

    *
    * *
    Để tiếp thu đầy đủ những khái niệm mới, tư tưởng mới trong nền văn minh các nước, đồng thời để tránh hiện tượng lạm dụng từ mượn, ta có thể dùng các cách đặt từ mới, cách dịch ý, phỏng tạo, v.v… để làm cho tiếng Việt có thêm những đơn vị ngôn ngữ tương ứng với các từ biểu đạt khái niệm mới của nước ngoài. Nhưng đó là tránh lạm dụng từ mượn bằng cách tránh mượn từ. Tất nhiên, nếu dùng được những cách đó để tiếp thu những cái mới trong ngôn ngữ nước ngoài, sẽ phát huy thêm được khả năng của tiếng Việt, sẽ động viên được tính tích cực của các yếu tố tạo từ trong tiếng Việt, rất có lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt. Chúng ta cần xem đó là những biện pháp hàng đầu để làm giàu tiếng Việt. Song nhiều khi không thể tránh được việc mượn từ. Bản thân việc mượn từ không phải là một hiện tượng tiêu cực, có hại đến sự phát triển của một ngôn ngữ. Ta chống việc mượn từ bừa bãi, chống lạm dụng từ mượn chứ không phản đối mượn từ, không chống tất cả các từ mượn. Những từ mượn của tiếng Hán đã làm giàu cho tiếng ta và sẽ làm giàu cho tiếng ta hơn nữa, sẽ không trở ngại, mà trái lại còn góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt hơn nữa, sẽ không mâu thuẫn với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nếu trong khi mượn từ và giải quyết vấn đề từ mượn ta nắm vững tiêu chuẩn lựa chọn nói trên.
     
    Rafa and tducchau like this.
  15. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    HOÀNG VĂN HÀNH và HỒ LÊ

    BÀN VỀ CÁCH DÙNG TỪ NGỮ “THUẦN VIỆT” THAY THẾ CHO TỪ NGỮ HÁN-VIỆT [1]

    Hiện nay, hầu như mọi người đều nhất trí rằng dùng từ ngữ “thuần Việt” [2] để thay thế từ ngữ Hán-Việt là một việc cần thiết và có ý nghĩa tiến bộ. Tuy nhiên, khi đi sâu vào những trường hợp thay thế cụ thể, chúng ta vẫn còn lúng túng, vì chưa có được những tiêu chuẩn xử lý thích đáng. Đây chính là chỗ cần tiếp tục nghiên cứu.

    Để nêu ra được những tiêu chuẩn thay thế từ ngữ Hán-Việt một cách đúng đắn, chúng ta cần phải giải quyết hai vấn đề:

    - Vấn đề qui định biện pháp dùng từ ngữ “thuần Việt” để thay thế từ ngữ Hán-Việt;

    - Vấn đề xác định những điều kiện cụ thể cho phép thay thế một từ ngữ Hán-Việt bằng một từ ngữ “thuần Việt”.

    *
    * *
    Biện pháp lâu nay vẫn dùng để thay thế từ ngữ Hán-Việt là sáng tạo ra những từ ngữ “thuần Việt” có quan hệ đẳng nghĩa với những từ ngữ Hán-Việt tương ứng. Sự sáng tạo này có thể là kết quả của sự dịch nghĩa những từ ngữ Hán-Việt, mà cũng có thể là một sự “sáng tạo thật sự” của một bộ phận quần chúng Việt-nam trước khi biết đến những từ ngữ Hán-Việt tương ứng. Những từ ngữ như: vùng trời, hội chữ thập đỏ, v.v… có thể xem là những từ ngữ dịch nghĩa từ không phận, hội hồng thập tự; nhưng những từ ngữ như người đánh cá, người hái củi, v.v…, thì rõ ràng là quần chúng “bình thường” có thể tự tạo ra, mà không cần biết đến những từ ngữ Hán-Việt (thường nhập vào bằng con đường văn chương bác học), như: ngư ông, ngư phủ, tiều phu, v.v… Thật ra, trong nhiều trường hợp, chúng ta rất khó xác định đâu là từ dịch nghĩa, và đâu không phải từ dịch nghĩa; ví dụ: đối với những từ ngữ như yêu nước, bán nước, xe lửa, v.v…, cũng chưa ai đưa ra được chứng cớ nào để liệt chúng vào từ ngữ dịch nghĩa (dịch từ ái quốc, mãi quốc, hỏa xa), hay là vào từ ngữ “tự tạo”. Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Bởi vì, vấn đề có tính chất “từ nguyên học” này hầu như không cản trở gì đến việc nghiên cứu của chúng ta ở đây cả.

    Dù là từ ngữ “tự tạo” hay là từ ngữ dịch nghĩa, tất cả những từ ngữ có khả năng thay thế từ ngữ Hán-Việt đều phải có quan hệ đẳng nghĩa với những từ ngữ Hán-Việt tương ứng. Nghĩa là:

    vùng trời = không phận,
    hội chữ thập đỏ = hội hồng thập tự,
    xe lửa = hỏa xa,
    tàu ngầm = tiềm thủy đĩnh,
    người lái máy bay = phi công,
    cửa mở = đột phá khẩu, v.v…
    Trong những trường hợp này, chúng ta thấy giữa các yếu tố của từ ngữ “thuần Việt” và các yếu tố của từ ngữ Hán-Việt có sự tương đương về ngữ nghĩa, ví dụ: xe – xa, lửa – hỏa, tàu – đĩnh, ngầm – tiềm thủy v.v… Sự tương đương này có thể là một sự tương đương tuyệt đối, tức là yếu tố thuần Việt và yếu tố Hán-Việt hoàn toàn đẳng nghĩa với nhau như: xe – xa, lửa – hỏa, yêu – ái, nước – quốc, v.v…, mà cũng có thể là một sự tương đương tương đối tức là yếu tố “thuần Việt” và yếu tố Hán-Việt chỉ “gần nghĩa” với nhau chứ không hoàn toàn đẳng nghĩa, chẳng hạn: vùng (phận), trời (không), máy bay (phi), người lái (công), ngầm (tiềm thủy) v.v…

    Xét về mặt các yếu tố cấu tạo, thì sự tương đương về ngữ nghĩa nói trên có thể có hình thức đối xứng hoặc không đối xứng. Trong những cặp từ ngữ như: máy bay – phi cơ, sân bay – phi trường, cấp trên – thượng cấp, yêu nước – ái quốc, giàu mạnh – phú cường, bó tay – thúc thủ, v.v… quan hệ giữa các yếu tố tạo thành những từ ngữ ấy mang hình thức đối xứng:

    2.jpg

    Trái lại, trong những cặp từ ngữ như: tàu ngầm – tiềm thủy đĩnh, người lái máy bay – phi công, cửa mở – đột phá khẩu v.v… quan hệ giữa các yếu tố tạo thành những từ ngữ ấy mang hình thức không đối xứng:

    3.jpg

    Tuy nhiên, dù là sự tương đương tuyệt đối hay là sự tương đương tương đối, dù là mang hình thức đối xứng hay không đối xứng, nói chung, sự tương đương về ngữ nghĩa giữa những yếu tố “thuần Việt” và những yếu tố Hán-Việt chính là một điều kiện thuận lợi, hơn nữa, là điều kiện cần thiết để sáng tạo ra những từ ngữ “thuần Việt” có quan hệ đẳng nghĩa với những từ ngữ Hán-Việt tương ứng. Do đó, ở những phạm trù khái niệm nào mà tiếng Việt vốn sẵn có những từ gốc hoặc những yếu tố “thuần Việt làm đơn vị biểu thị, thì ở đó, nói chung, ít cần dùng từ ngữ Hán-Việt, mà nếu đã dùng thì thường cũng có thể thay thế bằng từ ngữ “thuần Việt” tương đương. Ví dụ, vì tiếng Việt có nhiều từ gốc chỉ những hiện tượng tự nhiên (như: cây, chim, sông, núi, v.v…), chỉ quan hệ thân thuộc (như: anh, em, cha, mẹ, v.v…), chỉ đồ dùng (như: dao, tên, xe, thước, v.v…), và chỉ những hoạt động cụ thể tai nghe mắt thấy được (như: chạy, thở, bay, xem, v.v…), nên những từ ngữ Hán-Việt thuộc những phạm trù khái niệm này, nói chung, đều có thể được thay thế bằng những từ ngữ “thuần Việt” tương ứng, như: thảo mộc – cây cỏ, giang sơn – non sông, huynh đệ - anh em, phụ mẫu – cha mẹ, tiêm đao – dao nhọn, hỏa tiễn – tên lửa v.v… Có thể nói rằng muốn thay thế từ ngữ Hán-Việt bằng từ ngữ “thuần Việt” thì thường thường phải thay thế các yếu tố cấu tạo của từ ngữ Hán-Việt bằng những yếu tố “thuần Việt” tương đương. (Dĩ nhiên, ở đây không nói đến việc dùng một loại từ ngữ ngoại lai nào đó thay thế cho từ ngữ Hán-Việt, chẳng hạn: a-xit thay cho cường toan, ốc-xi thay cho dưỡng khí, v.v…, bởi vì, vấn đề chúng ta đang bàn là vấn đề thay thế từ ngữ Hán-Việt bằng từ ngữ “thuần Việt” chứ không phải bằng bất cứ một loại từ ngữ nào khác).

    Chính vì điều có tính chất qui luật nói trên, nên trong đa số các trường hợp chúng ta sẽ không thể sáng tạo được một từ ngữ “thuần Việt” có quan hệ đẳng nghĩa với một từ ngữ Hán-Việt, nếu mỗi yếu tố cấu tạo của từ ngữ Hán-Việt không có một yếu tố “thuần Việt” tương đương. Ví dụ: kinh tế, chính trị không thể có từ ngữ thuần Việt tương ứng, vì tiếng Việt vốn thiếu những yếu tố “thuần Việt” tương đương với kinh tế, chính trị, v.v… Trong tiếng Việt, những từ ngữ Hán-Việt loại này thường là những từ ngữ chỉ những hiện tượng thuộc về tâm lí, tinh thần (như: cảm giác, tri giác, nhận thức, biểu tượng, v.v…), và thuộc về khoa học, nhất là khoa học hiện đại (như: nguyên tử, phân tử, kinh tế chính trị học, giai cấp, qui luật, v.v…). Có thể nói, việc thiếu những từ gốc hay những yếu tố “thuần Việt” làm đơn vị biểu thị đối với những phạm trù khái niệm nhất định là một nguyên nhân bên trong khiến tiếng Việt phải dùng một số từ ngữ Hán-Việt.

    Tuy nhiên, khi nói sự có mặt của những yếu tố “thuần Việt” tương đương với những yếu tố Hán-Việt là điều kiện cần thiết để sáng tạo những từ ngữ “thuần Việt” có quan hệ đẳng nghĩa với những từ ngữ Hán-Việt tương ứng, thì không nên hiểu rằng điều kiện đó đã là đầy đủ. Trong thực tế, không thể nghĩ một cách giản đơn rằng, chẳng hạn, sở dĩ vùng trời tương đương với không phận là vì có vùng tương đương với phận trời tương đương với không. Bởi vì, nếu thế thì không thể giải thích được tại sai một mình có thể tương đương với độc, đứng có thể tương đương với lập, nhưng đứng một mình lại không đẳng nghĩa với độc lập;hoặc hết sức có thể tương đương với tối trong tối quan trọng, tối vô li, v.v… (tối quan trọng – hết sức quan trọng, v.v…) và mới có thể tương đương với tân trong tân kì (mới lạ) nhưng hết sức mới lại không đẳng nghĩa với tối tân. Ở đây, chính là có chỗ khác nhau giữa yếu tố và chỉnh thể. Ý nghĩa của một từ ngữ là ý nghĩa của một chỉnh thể, do vị trí của từ ngữ ấy trong toàn bộ hệ thống từ ngữ quyết định, chứ không phải đơn thuần là con số cộng những ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo ra nó. Sở dĩ vùng trời đẳng nghĩa với không phận, là vì nó được dùng hoàn toàn với ý nghĩa của không phận, chứ không phải vì vùng tương đương với phậntrời tương đương với không. Cũng như vậy, sở dĩ đứng một mìnhđộc lập, hết sức với tối tân không có quan hệ đẳng nghĩa với nhau, chính là vì trong hệ thống từ ngữ tiếng Việt, chúng đã được dùng với những ý nghĩa khác hẳn nhau. Do đó, điều cần lưu ý là trong nhiều trường hợp, không thể dùng lối dịch nghĩa máy móc để thay thế từ ngữ Hán-Việt.

    [...]



    [1] Theo cách hiểu thông thường, từ ngữ Hán-Việt là những từ ngữ gốc Hán, đọc theo âm Hán-Việt. Nhưng khi bàn về cách thay thế từ ngữ Hán-Việt, thì nói chung, người ta chỉ nhằm vào những từ ngữ Hán-Việt hai âm tiết hoặc trên hai âm tiết, bởi vì trong thực tế, hầu như tất cả những từ Hán-Việt một âm tiết (ví dụ: cung, đồng, áo, vụ, ty, bộ, v.v…) đều đã được “Việt hóa” hoàn toàn, và do đó không phải là đối tượng thay thế. Vì vậy, trong bài này, chúng tôi sẽ chỉ nói đến sự thay thế đối với những từ Hán-Việt có từ hai âm tiết trở lên mà thôi.

    [2] Ở đây chúng tôi tạm liệt vào từ ngữ “thuần Việt” tất cả những từ ngữ trong tiếng Việt không phải là từ ngữ Hán-Việt mà cũng không phải là từ ngữ mượn của tiếng các dân tộc khác, ví dụ: nhà, cửa, dao, tên, v.v… Trong số này có cả những từ có mối quan hệ về nguồn gốc với từ Hán như: dao (đao), tên (tiễn), nhưng dù sao, chúng vẫn có thể được xem là từ “thuần Việt” vì tính chất Việt hóa triệt để của chúng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/15
    tducchau and Rafa like this.
  16. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Nhiều lúc, từ ngữ Hán-Việt không được thay thế toàn bộ bằng từ ngữ “thuần Việt”, mà chỉ được thay thế có một phần, nghĩa là chỉ một yếu tố của nó được một yếu tố thuần Việt thay thế mà thôi. Ví dụ: không thay cho phi (không vô sản – phi vô sản), nửa thay cho bán (nửa vũ trang – bán vũ trang), thay cho phạm (tù chính trị - chính trị phạm), giấy thay cho thư (giấy chứng minh – chứng minh thư), v.v… Song, cách thay thế này bị nhiều điều kiện hạn chế. Trước hết, bộ phận không được thay thế trong từ ngữ Hán-Việt phải là yếu tố, có khả năng vận dụng tự do trong tiếng Việt, như: vô sản (trong phi vô sản), vũ trang (trong bán vũ trang), chính trị (trong chính trị phạm), chứng minh (trong chứng minh thư), v.v… Thứ nữa, yếu tố “thuần Việt” dùng để thay thế cũng không phải là yếu tố có thể sử dụng hiệu nghiệm trong mọi trường hợp, chẳng hạn: nửa có thể thay thế cho bán trong bán vũ trang, bán tự động v.v…, nhưng không thể thay thế cho bán trong bán dẫn v.v…; chống có thể thay thế phản trong phản nhân dân, phản dân tộc nhưng không thể thay phản trong phản lịch sử, phản tiến hóa v.v…

    Tóm lại, bằng biện pháp sáng tạo, những từ ngữ có quan hệ đẳng nghĩa với từ ngữ Hán-Việt, chúng ta đã tạo ra được tiền đề, hay nói một cách khác, điều kiện cơ bản để thực hiện việc thay thế từ ngữ Hán-Việt.

    *
    * *
    Nhưng, thế nào là quan hệ đẳng nghĩa? Từ ngữ “thuần Việt” nói chung có khả năng “đẳng nghĩa” với từ ngữ Hán-Việt không? Và trong những điều kiện cụ thể nào thì có thể thay thế từ ngữ Hán-Việt bằng từ ngữ “thuần Việt”? Đây chính là những vấn đề cần đi sâu phân tích hơn nữa.

    Khi nói một từ ngữ “thuần Việt” và một từ ngữ Hán-Việt có quan hệ đẳng nghĩa với nhau tức là thừa nhận rằng:

    - Chúng phải tương đương với nhau về khái niệm.
    - Đồng thời, phải tương đương cả về phong cách và màu sắc biểu cảm [1].

    Khi có đầy đủ những điều kiện này, từ ngữ “thuần Việt” hoàn toàn có khả năng thay thế từ ngữ Hán-Việt.

    Nhưng thường có một số người còn băn khoăn về cái khả năng thay thế ấy trong thực tế. Những băn khoăn này có thể qui vào ba điểm: 1. Liệu từ ngữ “thuần Việt” có đủ tính chất khái quát và trừu tượng như từ ngữ Hán-Việt không? 2. Từ ngữ “thuần Việt” có được những màu sắc tu từ, đặc biệt là màu sắc trang trọng của từ ngữ Hán-Việt không? 3. Dùng từ ngữ “thuần Việt” thay thế từ ngữ Hán-Việt liệu có ảnh hưởng đến tính hệ thống tính hoàn chỉnh trong tiếng Việt hay không? Những điều băn khoăn đó thực ra không phải là thừa, vì nó dựa trên một cơ sở thực tế nhất định.

    Đúng là một số không ít từ ngữ Hán-Việt mang tính chất khái quát và trừu tượng về ý nghĩa nhiều hơn những từ ngữ “thuần Việt” nào đó. Không ai phủ nhận rằng: thiệt hại, thiệt thòi, mất mát có phần ít trừu tượng và ít khái quát hơn tổn thất; tiền của, tiền bạc, của cải cũng ít trừu tượng và ít khái quát hơn tài sản, v.v… Nhưng như thế không có nghĩa là không có những trường hợp từ ngữ Hán-Việt cũng chẳng khái quát và trừu tượng hơn từ ngữ “thuần Việt” nữa, ví dụ: hắc ám, vũ khúc, khuếch đại, thượng cấp, xạ thủ, v.v… thì có gì trừu tượng hơn đen tối, điệu múa, mở rộng, cấp trên, tay súng, v.v… đâu? Hơn nữa, song song với xu hướng “song âm tiết hóa” đang phát triển, và nhất là với cách cấu tạo từ theo quan hệ liên hợp được áp dụng rộng rãi, khả năng khái quát và trừu tượng hóa của bản thân từ ngữ “thuần Việt” cũng được nâng cao rõ rệt, chẳng hạn: xa xôi, nóng nảy, chim chóc, đất đai, làm lụng, v.v…, rõ ràng là trừu tượng hơn xa, nóng, chim, đất, làm, v.v…; và nhà cửa, quần áo, ăn uống, xem xét, v.v… thì lại càng trừu tượng hơn nhà hay cửa, quần hay áo, ăn hay uống, xem hay xét, v.v… Chính vì thế mà có nhiều trường hợp, những từ “thuần Việt” một trăm phần trăm lại hoàn toàn có khả năng thay thế cho những từ Hán-Việt vốn có tính trừu tượng khá cao. Ví dụ: kêu gọi thay cho hiệu triệu. Xét mọi khía cạnh, trên thực tế, tính trừu tượng của kêu gọi không kém gì hiệu triệu. Hơn nữa, trong một số trường hợp, từ “thuần Việt” còn tỏ ra khái quát hơn từ Hán-Việt: ví dụ: xây dựng so với kiến thiết. Xây dựng có ý nghĩa chung hơn và khái quát hơn kiến thiết, vì có thể nói xây dựng thái độ, xây dựng ý kiến, xây dựng Đảng, xây dựng phong trào, xây dựng gia đình, xây dựng tình đồng chí, v.v…, mà không thể dùng kiến thiết để thay thế; trái lại, xây dựng hoàn toàn có thể thay thế kiến thiết trong các trường hợp khác, như: kiến thiết đất nước, kiến thiết thành phố, kiến thiết nhà máy, kiến thiết chủ nghĩa xã hội, v.v…

    Bởi vậy, không nên lo rằng từ “thuần Việt” lúc nào cũng kém trừu tượng, kém khái quát hơn từ ngữ Hán-Việt. Rõ ràng là không nên vin vào tính kém trừu tượng và khái quát của từ ngữ “thuần Việt” một cách chung chung để nghi ngờ khả năng thay thế của từ ngữ “thuần Việt” đối với từ ngữ Hán-Việt.

    Một điểm nữa cần bàn đến là màu sắc tu từ của từ ngữ Hán-Việt và từ ngữ “thuần Việt”. Không ai phủ nhận tác dụng tu từ của từ ngữ Hán-Việt cả, ví dụ: từ phu nhân có màu sắc trang trọng hơn là từ vợ, thổ huyết có màu sắc thanh nhã hơn là hộc máu, khẩu phật tâm xà có màu sắc bác học hơn là bụng nam mô một bồ dao găm, nguyệt, lệ có màu sắc cổ hơn là trăng, nước mắt, v.v… Tuy nhiên, thừa nhận điều này không có nghĩa là gạt bỏ khả năng thay thế của từ ngữ “thuần Việt” đối với từ ngữ Hán-Việt.

    Đặc biệt là chúng ta không nên quá nhấn mạnh đến màu sắc trang trọng của từ ngữ Hán-Việt. Không phải bất cứ lúc nào từ ngữ Hán-Việt cũng có khả năng biểu thị màu sắc trang trọng hơn từ ngữ “thuần Việt”. Nếu thế thì không thể giải thích được, chẳng hạn, tại sao từ kêu gọi lại đang thay thế từ hiệu triệu trong tất cả những trường hợp trang trọng nhất, như trong văn kiện chính thức của Đảng, của Nhà nước, v.v… Và gần đây từ sinh nhật lại được thay thế bằng từ ngày sinh. Bởi vì, màu sắc trang trọng không phải là thuộc tính riêng biệt của từ ngữ Hán-Việt và cũng không phải là thuộc tính cố hữu của nó. Có cả những từ ngữ Hán-Việt rất thông tục, ví dụ: đáo để, tiên nhân, tiên sư, v.v… (dùng trong khẩu ngữ).


    [...]

    [1] Xem: Nguyễn Văn Thạc, Mấy nhận xét về cách mượn từ tiếng Hán, tạp chí “Nghiên cứu văn học”, số 5 – 1963; Hoàng Văn Hành, Tìm hiểu những ý kiến của Hồ Chủ tịch về việc mượn và dùng từ gốc Hán, tạp chí “Văn học”, số 3 – 1966.
     
    tducchau and Rafa like this.
  17. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Cuối cùng, nói đến phạm vi tác dụng của tính chặt chẽ và tính hệ thống của từ ngữ Hán-Việt [1]. Một số người cho rằng, từ ngữ Hán-Việt có tính chặt chẽ, bởi vì nó không dễ bị tách riêng ra từng bộ phận, nhưng nếu thay bằng từ ngữ “thuần Việt” thì một tính chặt chẽ như thế sẽ không còn nữa. Đúng, trong nhiều trường hợp đúng là như vậy, chẳng hạn: bất hợp lí kết cấu chặt chẽ hơn không hợp lí. Và nhờ kết cấu chặt chẽ của nó mà câu văn hay lời nói không bị hiểu lầm. Nói “con số bất hợp lí” thì ai cũng chỉ hiểu có một cách, còn nói “con số không hợp lí” thì người ta có thể hiểu thành hai cách: “con số | không hợp lí” “con số không | hợp lí”. Tuy đó chỉ là trường hợp hãn hữu, những cũng không nên vì thế mà hoàn toàn không đếm xỉa đến kết cấu chặt chẽ của từ ngữ Hán-Việt. Bởi vì, từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy một số trường hợp khác nữa, chẳng hạn: phi vô sản, hàng không mẫu hạm, đại lộ… trong một số ngữ cảnh tỏ ra chặt chẽ hơn là không vô sản, tàu chở máy bay, đường lớn, v.v…

    Tuy nhiên, đó không thể là lí do để chúng ta gạt bỏ khả năng thay thế của từ ngữ “thuần Việt” đối với từ ngữ Hán-Việt. Trong rất nhiều trường hợp, rất nhiều ngữ cảnh, việc thay thế này không trở ngại gì đến chức năng giao tiếp của ngôn ngữ cả (nhất là đến tính chính xác của nó). Thế thì trong những trường hợp và ngữ cảnh ấy, tại sao lại không thể thay thế từ ngữ Hán-Việt được? Hơn nữa, khi nói từ Hán-Việt có tính chặt chẽ, thì không phải để chứng minh rằng từ ngữ “thuần Việt” hoàn toàn không có tính chặt chẽ gì cả. Trái lại, tính không chặt chẽ của từ ngữ “thuần Việt” chỉ là cá biệt, còn tính chặt chẽ của nó mới là phổ biến. Bởi vì, trước hàng loạt từ ngữ thuần Việt, như: máy bay, sân bay, non sông, coi trọng v.v… (tương ứng với phi cơ, phi trường, giang sơn, trọng thị v.v…), không ai có thể phủ nhận tính chặt chẽ về cấu trúc của chúng cả. Rõ ràng chúng là những chỉnh thể, không thể tùy tiện phá vỡ được: máy bay không phải là máy + bay, non sông không phải là non + sông, v.v…

    Một số người cũng cho rằng từ ngữ Hán-Việt thường có tính hệ thống; cụ thể là: nhiều từ Hán-Việt có cùng một yếu tố cấu tạo từ nhất định, và nhờ đó, chúng được sắp xếp thành hệ thống. Dĩ nhiên, ý kiến này không phải là không đúng, ví dụ: cùng một yếu tố có rất nhiều từ: vô căn cứ, vô nhân đạo, vô nguyên tắc,vô trách nhiệm, vô lí, vô bổ, vô ích, v.v...; cùng một yếu tố viên, có rất nhiều từ: giảng viên, học viên, thuyết trình viên, tổ viên, đảng viên, đoàn viên, chi ủy viên,v.v…; cùng một yếu tố , có rất nhiều từ: văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, lực sĩ,v.v… Nhưng nếu lúc nào cũng quá nhấn mạnh vào tính hệ thống ấy một cách không cần thiết để quá dè dặt trong việc thay thế từ ngữ Hán - Việt thì thật là không thỏa đáng. Đành rằng, khi thay văn sĩ, thi sĩ bằng nhà văn, nhà thơ,nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ…vẫn phải giữ nguyên như cũ thì về hình thức, dường như tính hệ thống của yếu tố đã bị “phá vỡ”. Song, suy cho đến cùng, sự “phá vỡ” tính hệ thống đó thật ra không có gì tai hại cả. Chỉ riêng trong thuật ngữ, tính hệ thống kiểu này mới có tác dụng chi phối mạnh mẽ rõ rệt, nhưng đó lại là vấn đề thuộc một lĩnh vực khác mà ở đây chúng ta không bàn đến.

    Chỉ xét đơn thuần về mặt khái niệm của từ ngữ, thì quan hệ đẳng nghĩa giữa từ ngữ “thuần Việt” và từ ngữ Hán - Việt tương ứng có thể biểu hiện ra thành bốn trường hợp sau đây:

    1) Ngoại diện khái niệm hoàn toàn trùng nhau. Nếu dùng hai vòng tròn để chỉ ngoại diện khái niệm của từ ngữ thuần Việt và ngoại diện khái niệm của từ ngữ Hán — Việt thì hai vòng tròn ấy hoàn toàn chồng khít lên nhau, ví dụ: máy bay — phi cơ, sân bay, phi trường, yêu nước — ái quốc v.v... (H.I)

    Vòng tròn chỉ ngoại diện khái niệm của những từ ngữ.

    4.jpg

    Và như thế là về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ “thuần Việt” có “khả năngthay thế từ ngữ Hán —Việt một cách triệt để [2].

    2) Ngoại diện khái niệm của từ ngữ “thuần Việt” lớn hơn và bao trùm ngoại diện khái niệm của từ ngữ Hán - Việt (H.II), ví dụ:
    xây dựng – kiến thiết.Trong trường hợp này, từ ngữ “thuần Việt” cũng có “khả năng” thay thế hoàn toàn từ ngữ Hán—Việt.

    5.jpg

    3) Ngoại diện khái niệm của từ ngữ Hán – Việt lớn hơn và bao trùm ngoại diện khái niệm của từ ngữ “thuần Việt” (H.III), ví dụ: toàn diện –mọi mặt. Trong trường hợp này, từ ngữ “thuần Việt” chỉ có “khả năng” thay thế từ ngữ Hán – Việt trong một phạm vi nhất định.

    7.jpg
    4) Ngoại diện khái niệm của từ ngữ “thuần Việt” và ngoại diện khái niệm của từ ngữ Hán – Việt giao tréo lẫn nhau (H.IV), chẳng hạn: sức mạnh – lực lượng, giữ gìn – bảo vệ, chấm dứt – đình chỉ. Trong trường hợp này, từ ngữ “thuần Việt” cũng chỉ có “khả năng” thay thế cho từ ngữ Hán Việt trong một phạm vi nhất định mà thôi. Hãy lấy cặp từ sức mạnh – lực lượng làm ví dụ: có thể thay sức mạnh cho lực lượng trong lực lượng của tập thể (của đảng, của tổ chức…), nhưng không thể dùng sức mạnh thay cho lực lượng trong“Thế giới hiện nay có hai lực lượng đối địch nhau — lực lượng hòa bình và lực lượng gây chiến”; ngược lại, cũng chỉ có thể nói: "Muốn cử tạ phải có sức mạnh”, chứ không nói:“Muốn cử tạ phải có lực lượng”được.

    6.jpg
    Trên đây là bốn trường hợp của quan hệ đẳng nghĩa giữa từ ngữ “thuần Việt” và từ ngữ Hán - Việt, xét đơn thuần về mặt khái niệm. Song, hai từ ngữ “đẳng nghĩa” về khái niệm, chưa hẳn đã “đẳng nghĩa” cả về mặt phong cách và biểu cảm, hay nói một cách khác, về màu sắc tu từ nói chung. Do đó, khi xét khả năng thay thế của từ ngữ “thuần Việt” đối với từ ngữ Hán - Việt, chúng ta không những phải coi trọng sự tương đồng của chúng về mặt khái niệm mà còn phải chú ý đến cả sự tương đồng hoặc đối lập của chúng về mặt màu sắc tu từ nữa.

    Trước hết, phải xếp về một phía tất cả những từ ngữ “thuần Việt” và từ ngữ Hán - Việt lúc nào cũng chỉ mang màu sắc tu từ trung tính. Ví dụ, những từ ngữ như : máy bay— phi cơ, xe lửa —hỏa xa, xây dựng— kiến thiết, mọi mặt — toàn diện, sức mạnh— lực lượng, v.v… Rõ ràng là những từ ngữ này có thể dùng trong mọi phong cách (phong cách khoa học, phong cách nghệ thuật, v.v…) và hoàn toàn có tính cách trung tính về mặt biểu cảm. Do đó, đối với những từ ngữ này, tiêu chuẩn dùng để xét khả năng và mức độ thay thế chỉ còn là tiêu chuẩn về khái niệm mà từ ngữ biểu đạt.

    Những từ ngữ “thuần Việt” và từ ngữ Hán — Việt tương ứng còn lại sẽ là những từ ngữ ít nhiều có màu sắc tu từ khác nhau. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn về khái niệm của từ ngữ không còn là tiêu chuẩn duy nhất quyết định khả năng thay thế nữa.

    Về mặt phong cách, cần chú ý đến hai phong cách lớn: phong cách khoa học và phong cách nghệ thuật. Có những từ ngữ Hán — Việt đã được dùng quen trong phong cách khoa học, nên không thể tùy tiện thay thế bằng những từ ngữ “thuần Việt” kém chính xác hơn. Ví dụ, trong phong cách khoa học, không phải lúc nào ngôn ngữ cũng có thể thay bằng tiếng nói, vì như thế sẽ rất dễ nhầm lẫn với tiếng nói trong“tiếng nói của anh A, anh B”…; thanh điệu cũng không thể thay bằng giọng, vì cũng sẽ dễ lẫn lộn với giọng trong giọng Nam, giọng Bắc, v.v… Trái lại, trong nhiều trường hợp, phong cách nghệ thuật và các phong cách khác cho phép dùng tiếng nói, giọng... thay thế cho ngôn ngữ, thanh điệu...

    Về mặt biểu cảm, cần chú ý đến những mặt đối lập sau đây:

    Giữa màu sắc cổ và bình thường, ví dụ: nam nhi - đàn ông, nữ nhi - đàn bà, tà dương – mặt trời chiều, cố đô - kinh thành cũ, v.v...

    Giữa màu sắc bác học và bình dân, ví dụ: bách chiến bách thắng- trăm trận trăm thắng, thanh thiên bạch nhật - ban ngày ban mặt, v.v...
    Giữa màu sắc trang trọng và bình thường, ví dụ: phu nhân — vợ, diễn văn — bài nói, đáp từ — lời đáp, phát biểu — nói, v.v...
    — Giữa màu sắc thanh nhã và thô tục, ví dụ: tiểu tiện - đái, hậu môn — lỗ đít,v.v...

    Sẽ không thích đáng, nếu đáng lẽ phải dùng những từ ngữ “thuần Việt” ấy để biểu thị những màu sắc bình thường, bình dân, thô tục, thì lại đi dùng những từ ngữ Hán — Việt, hoặc ngược lại.

    Cuối cùng, về mặt cách thức diễn đạt, cũng có khi vì muốn tránh lặp, chúng ta có thể dùng một từ ngữ Hán —Việt mà trong trường hợp bình thường có thể thay thế bằng một từ ngữ “thuần Việt”,ví dụ:“…Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi no ấm…”(Hồ Chủ tịch).

    Đây cũng là một nguyên nhân giải thích tại sao có một số từ ngữ Hán - Việt và từ ngữ “thuần Việt” hoàn toàn đẳng nghĩa với nhau mà vẫn song song tồn tại trong lời nói, như: giang sơn – non sông, ái quốc – yêu nước,v.v…

    Việc thay thế từ ngữ Hán - Việt "không cần thiết" bằng từ ngữ "thuần Việt" đang là một vấn đề thời sự. Nó là một nội dung quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trên lí luận cũng như trong thực tế, chúng ta có thể khẳng định được rằng xu hướng dùng từ ngữ “thuần Việt” thay thế cho từ ngữ Hán - Việt là một xu hướng tích cực. Thực tế cũng đã chứng tỏ: nhiều từ ngữ “thuần Việt” có khả năng thay thế thực sự cho từ ngữ Hán - Việt; song nếu lúc nào cũng tuyệt đối hóa khả năng đó thì sẽ không tránh khỏi gò ép, cứng nhắc và máy móc.

    Hết.

    [1] Xem thêm: Hoàng Tuệ, Mấy điều suy nghĩ trong sự liên hệ với Việt ngữ, tạp chí “Nghiên cứu văn học”, số 6 – 1961; Đào Thân, Mấy vấn đề về ngôn ngữ hiện nay, tạp chí “Nghiên cứu văn học”, số 5, 1962.

    [2] Nói “có khả năng” thay thế không có nghĩa là nhất thiết hoặc tất yếu phải thay thế trong tất cả mọi trường hợp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/12/15
    chis and tducchau like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này