Tin tức Về sách điện tử và sách giấy

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi mr.buiduytung, 5/12/16.

  1. mr.buiduytung

    mr.buiduytung Lớp 7

    Năm 2015, Tim Parks ra mắt cuốn sách "Where I'm reading from? - The changing world of books" bàn về tương lai của sách.

    Tim Parks là nhà văn, nhà phê bình văn học, và dịch giả tiếng Ý người Anh. Ông hiện là phó giáo sư ngành văn học và dịch thuật tại Đại học IULM, Milan.

    Trả lời phỏng vấn sau khi được trao giải văn học Costa của Anh hồi cuối tháng 1/2012, tiểu thuyết gia lỗi lạc Andrew Miller nhận xét rằng tuy ông cho rằng chẳng bao lâu sau phần lớn các cuốn tiểu thuyết phổ biến nhất sẽ được đọc trên màn hình, ông tin và hy vọng rằng tiểu thuyết văn học sẽ tiếp tục được đọc trên giấy.

    Trong bài phát biểu nhận giải Man Booker cuối tháng 10/2011, Julian Barnes đưa ra lời biện hộ của riêng ông cho sự sống còn của sách in. Jonathan Franzen cũng tuyên bố mình có cùng đức tin.

    Ở trường đại học nơi tôi làm việc, một số giáo sư, cả già lẫn trẻ, sẽ phản ứng với thái độ không chấp nhận được việc một người đọc thơ trên Kindle. Như thế là phạm thượng.

    Họ có đúng không?

    [​IMG]
    Cuộc tranh cãi về sách điện tử và sách giấy vẫn chưa có hồi kết. Ảnh minh họa.

    Về mặt thực tiễn, bảo vệ e-book là việc quá dễ dàng. Chúng ta có thể lập tức mua một cuốn sách dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng ta trả ít hơn. Chúng ta không sử dụng giấy, không chiếm không gian.

    Hệ thống không dây của Kindle đánh dấu trang giúp chúng ta, ngay cả khi chúng ta mở cuốn sách trên một thiết bị đọc khác. Chúng ta có thể thay đổi cỡ chữ theo ánh sáng và thị lực của mình. Chúng ta có thể đổi font chữ tùy theo ý thích.

    Chật cứng trong tàu điện ngầm, chúng ta lật trang bằng cách ấn nhẹ đầu ngón tay cái. Nằm trên giường, chúng ta không gặp vấn đề như phải dùng cả hai tay để đỡ một cuốn sách dày.

    Nhưng tôi muốn đi xa hơn về mặt thực tế tới bản thân trải nghiệm đọc, sự tương tác của chúng ta với văn bản. Những người yêu văn học sợ mất đi điều gì nếu sách giấy thực sự đi vào suy thoái?

    Chắc chắn không phải bìa sách, vốn thường xuyên là một kho lưu trữ những hình ảnh gây hiểu lầm và những lời khen ngợi thái quá một cách vô vị. Chắc chắn không phải cái thú của việc lướt những ngón tay và ánh mắt trên những trang giấy xịn, một điều gần như không đổi bất kể ta đang đọc Jane Austen hay Dan Brown. Hy vọng chất lượng của giấy không phải là thứ xác định chúng ta có đánh giá cao các tác phẩm kinh điển hay không.

    Có phải nó là việc e-book cản trở khả năng tìm các dòng cụ thể bằng cách ghi nhớ vị trí của chúng trên trang giấy? Hay tình yêu với việc viết nguệch ngoạc những ý kiến (khen chê) bên lề?

    Đúng là trong lần tương tác đầu tiên với sách điện tử chúng ta nhận ra những kiểu thói quen ấy không còn dùng được, những kỹ năng phát triển trong nhiều năm giờ không còn phù hợp. Chúng ta không thể dễ dàng lật qua các trang giấy để xem chương sách hiện thời đến đâu thì kết thúc, hay nhân vật này kia sẽ chết bây giờ hay bao giờ.

    Nói chung, e-book không khuyến khích việc duyệt qua cuốn sách, và dù cái thanh ở cuối màn hình hiển thị số phần trăm cuốn sách chúng ta đã đọc ít nhiều cũng cho chúng ta biết chúng ta đã đến đâu, chúng ta vẫn không có cảm giác an tâm về khối lượng vật lý của cuốn sách (những đứa trẻ mới tự hào làm sao khi chúng đọc hết cuốn sách dày cộp đầu tiên trong đời!), cũng không có thú vui tính toán số trang (Bố, hôm nay con đọc những 50 trang). Điều này có thể là một vấn đề đối với các học giả: khó mà đưa ra được một tài liệu tham khảo thích hợp nếu không có số trang.

    [​IMG]
    Không thể phủ nhận những lợi thế của sách điện tử ngày nay. Ảnh minh họa.

    Nhưng những thói quen cũ ấy có là thiết yếu? Không phải chúng thật ra đang làm xao nhãng chúng ta khỏi bản thân văn bản hay sao? Chẳng nhẽ không có thú vui nào khi đọc trên giấy da cuộn mà chúng ta không biết gì về chúng và vẫn sống vui vẻ mà không có chúng?

    Chắc chắn từng có những người than thở về việc mất đi nét chữ viết tay khi ngành in ấn đã làm chữ cái không còn nét cá nhân. Có những người tin rằng độc giả nghiêm túc chỉ ưa chuộng những cuốn sách nghiêm túc được sao chép thủ công.

    Vậy đâu là những đặc điểm cốt lõi của văn học trong vai trò như một phương tiện và một hình thức nghệ thuật?

    Không như tranh vẽ, văn học không có hình ảnh vật lý để chiêm ngưỡng, không có gì thể hiện bản thân trên con mắt theo cùng một cách, với thị giác như nhau. Không như điêu khắc, không có tạo tác nào cho ta dạo quanh và sờ nắm.

    Ta không cần đi đây đi đó để nhìn vào văn học. Ta không cần xếp hàng hay đứng trong đám đông, hay lo tìm cho được một chỗ ngồi tốt. Không như âm nhạc, ta không cần tôn trọng thời gian của nó, chấp nhận một trải nghiệm về một giai đoạn cố định. Ta không thể khiêu vũ với văn học hay hát theo nó hoặc chụp ảnh hay quay phim nó bằng điện thoại của mình.

    Văn học được tạo nên bởi từ ngữ. Chúng có thể được kể hoặc được viết. Nếu được kể, âm lượng và tốc độ và giọng có thể khác nhau. Nếu được viết, từ ngữ có thể xuất hiện theo font này hay font khác trên bất kỳ chất liệu nào. Joyce vẫn là Joyce trong font Baskerville như trong font Times New Roman.

    Và chúng ta có thể đọc những từ ngữ ấy ở mọi tốc độ, ngắt nghỉ lúc nào tùy chúng ta chọn. Ai đó đọc Ulysses trong hai tuần cũng đọc nó không nhiều hơn hay ít hơn ai đó đọc nó trong ba tháng, hay ba năm.

    Chỉ có trình tự của từ ngữ là không được bị xâm phạm. Chúng ta có thể thay đổi mọi thứ về một văn bản ngoại trừ chính những từ ngữ trong đó và thứ tự mà chúng xuất hiện.

    Trải nghiệm văn học không nằm trong bất kỳ một thời điểm của nhận thức, hay bất kỳ sự tiếp xúc vật lý nào với một đối tượng vật chất (thậm chí nằm ít hơn trong việc “sở hữu” những kiệt tác đẹp đẽ xếp hàng trên kệ sách), mà nằm trong chuyển động của tâm trí thông qua một chuỗi từ ngữ từ đầu đến cuối. Hơn bất cứ hình thức nghệ thuật nào khác, văn học là vật chất tinh thần đơn thuần…

    Sách điện tử, bằng cách loại bỏ mọi khác biệt trong vẻ ngoài và khối lượng của thứ chúng ta cầm trên tay và bằng cách khuyến khích tập trung vào nơi chúng ta đang đứng trong chuỗi từ ngữ (trang được đọc xong biến mất, trang tiếp theo xuất hiện), có vẻ như đưa chúng ta gần đến bản chất của trải nghiệm văn chương hơn là sách giấy.

    Chắc chắn nó cung cấp một cách tương tác với những từ ngữ xuất hiện trước mắt chúng ta và biến mất sau lưng chúng ta trực tiếp và khắc khổ hơn cách tương tác mà sách giấy truyền thống cung cấp, không cho chúng ta sự hài lòng khoái cảm như khi chúng ta bao bọc những bức tường trong ngôi nhà mình bằng những cái tên nổi tiếng.

    Như thể chúng ta được giải thoát khỏi mọi thứ không liên quan và gây mất tập trung xung quanh văn bản để tập trung vào niềm vui của bản thân từ ngữ. Trong ý nghĩa này con đường đi từ sách giấy đến sách điện tử cũng giống như khi chúng ta đi từ sách có minh họa dành cho trẻ em sang phiên bản sách chỉ toàn chữ dành cho người lớn. Đây là một phương tiện dành cho người trưởng thành.

    Nguyễn Huy Hoàng (dịch)
     
    Datsmeoton and tran ngoc anh like this.

Chia sẻ trang này