Tên sách : VIỆT-NAM DANH-TƯỚNG YẾU MỤC Tác giả : VƯƠNG QUANG NHÀ IN THẠNH-THỊ-MAU SAIGON Rue d’Espagne, 186 SAIGON Năm xuất bản : In lần thứ nhứt, September 1928 ------------------------ Nguồn sách : scmn-vietnam.blogspot.com Đánh máy : Linh2017 Kiểm tra chính tả : Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 3/11/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả VƯƠNG QUANG và nhà in THẠNH-THỊ-MAU SAIGON đã chia sẽ với bạn đọc những kiến thức quý giá. Ghi chú : Nhằm lưu giữ vết tích xưa của tiếng Việt, nhóm làm ebook sao y các phương ngữ của sách gốc in năm 1922. MỤC LỤC TỰA I. Tên các nhà vua, từ đời Đức Gia-Long đến Đức Bảo-Đại II. Câu chuyện cấm đạo III. Hai chị em bà Trưng IV. Quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt V. Giặc Ngụy Khôi (tục kêu là Mả-Ngụy) VI. Hậu quân Võ-Tánh VII. Nguyễn-huỳnh-Đức VIII. Phan-thanh-Giảng Mấy lời nói của soạn-giả sau khi soạn xong quyển sách nhỏ nhen nầy
TỰA Thầm nghĩ : Ở về buổi phong trào mới mẻ nầy, mà lại là về phong trào sách vở thì những nhà ưu-thễ mẫn thời, những nhà văn-sĩ trứ danh, ai cũng huơ ngọn bút ái-quốc để truyền bá cái tư-tưởng cao xa, để diều dắc đồng bào lên con đường văn-minh tấn-bộ ! Mừng thay cho vận mạng nước nhà, song trái lại, buồn thay cho buổi hậu vận tương lai. Vì sao lại mừng ? Vì sao lại buồn ? Xin giải : Mừng là vì hiện giờ ở xứ ta nảy sanh chẳng biết bao nhiêu những sách vở và tiểu thuyết. Buồn là vì những nhà văn-sĩ ở nước ta, hiếm vị viết sách vì nghĩa-vụ, vì tấm lòng ái-quốc, phần đông là vì bã danh lợi. Than ôi ! những vị ra viết sách hoặc viết tiểu-thuyết là những nhà nhiệt-tâm ái-quốc, lấy bút làm gươm, lấy văn chương làm khí-giải để nâng đỡ cái trình-độ của dân, trên đối với bốn ngàn năm tổ quốc, dưới đối với hai mươi lăm triệu đồng bào ! thế thì một nhà tác giả là một nhà có quan hệ cho quốc-gia, có phần lớn lao cho xã-hội ! Thầm xét : Nước Việt-Nam ta tuy là một nước chịu quyền bảo-hộ của nước Pháp, song le hồn nước vẫn còn tỉnh táo, lẽ đâu cứ một giấc mộng hồn, không người đánh tỉnh ? Song tức vì dân ta trước kia rất nên lầm lộn, truyện sử nước mình không xem, chỉ xem những chuyện Tàu, nào là Tam-quốc, Tây-du, chớ chẳng chịu học hỏi những truyện sử nhà mình, có nhiều người cũng da vàng máu đỏ, cũng con Tiên cháu Rồng, mà thử hỏi họ : nào ai là ông tổ sáng lập nước nhà, nào ai là bực anh hùng chí sĩ cạnh tranh với Tàu ; thì chỉ bơ ngơ báo ngáo, chẳng biết đâu mà trả lời ; nghĩ có buồn chăng ? Những nhà độc-giả ở nước ta thì như thế, còn những nhà tác-giả thì thường dùng những câu văn nhảm nhí, những giọng nỉ non phù trầm, để xiêu lòng những bạn mày xanh, để đánh đổ tinh thần người phụ-nữ ! Than ôi ! Độc-giả cũng thế, mà tác-giả cũng thế, biểu sao hồn nước chẳng lu mờ, đồng bào chẳng ám muội ? Hôm nay tôi chẳng quản sức kém tài hèn, câu văn sơ siễn lượm lặt những câu văn rơi thừa và soạn những lịch-sử của các đấng vĩ-nhơn anh-kiệt, chép thành quyển sách nhỏ nhen nầy, mong rằng đồng-bào Việt-Nam nên biết lịch-sử của các bực anh hùng chí-sĩ nước Việt-Nam, cho khỏi mang câu « Mồ cha chả khóc, khóc đống mối, mồ mẹ chả khóc, khóc bối bòng bong ». Nay kỉnh, Năm Mậu-Thình, ngày giáp tuất Soạn-giả cẩn chí ------------- Mấy lời nói của soạn-giả sau khi soạn xong quyển sách nhỏ nhen nầy Mình là hạng người đầu xanh tuổi trẻ, trí học còn non nớt, mình chẳng dám ra mặt một anh văn-sĩ viết văn : hôm nay mình soạn đặng quyển sách nhỏ nhen nầy là cũng nhờ lúc nhỏ thầy mình có dạy và cũng nhờ xem đặng mấy cuốn sử-ký, nên mình thỏ thẻ viết ra ít bài nầy để đồng bào mình xem giải muộn. Mà mình cũng xin thú thật rằng mình viết quyển sách nầy chẳng phải vì bã lợi danh, mình viết ra là vì lòng mình quá ư xót cảm cho mấy đấng trung thần ở nước mình ; mình viết ra là mong cho đồng bào mình đừng quên mấy đấng trung thần ấy : thì mình cũng có chúc hân hoan ! Vì : anh hùng nước mình mình biết, sự tích nước mình mình hay ! Thì có chi quí bằng ? Song mình viết rồi quyển sách nầy, thì tấm lòng mình lại càng tê-tái, sanh ra một cái ác cảm nặng nề ! Mối ác cảm nầy chẳng chi lạ cho bằng mối ác cảm triều-đình xưa và thời đại nầy, đấng trung thần đời trước với các vị ái quốc bây giờ ! Than ôi ! nước Việt-Nam cũng là nước Việt-Nam, giòng Hồng-Lạc cũng giòng Hồng-Lạc, trải mấy ngàn năm tổ quốc, nước Việt-Nam há đổi lại nước chi ư ? giòng Hồng-Lạc há đổi lại giống nào ư ? Mà than ôi ! đấng trung thần thuở xưa thì khác hẳn với tấm lòng ái quốc bây giờ. Đấng-trung thần xưa kia nếu yêu nước bằng máu bằng gươm, thì liều thân sống, quyết báo đáp ơn vua, lo tròn nợ nước, không tham bã sang giàu, không mến mồi phú quí, quyết một thân sống thừa mà báo đáp ơn trọng của quốc gia ; đó là đang khi nước nhà rối loạn. Còn trong lúc thái bình, thì lo cai trị muôn dân, lấy chữ thanh liêm làm gốc, bởi hưởng thọ hoàng ân, phải lều thân mà trị nước. Đó là nói về các đấng trung thần thuở xưa, bây giờ nhắc tới mấy tay ái quốc hiện thời. Một dãy đất liên tiếp Trung Nam Bắc mà lại chia ra xứ Nam-kỳ là thuộc-địa, Trung Bắc kỳ là bảo-hộ. Trung Bắc kỳ thì có quan chánh Khâm-sứ, Nam-kỳ thì có quan Tổng-thống Toàn-quyền. Trên nửa là quan Toàn-quyền Đông-pháp (Gouverneur Général). Trung Bắc là xứ bảo-hộ vì còn cái ngôi « HOÀNG-ĐẾ ». Vua ta là đức Bảo-Đại Hoàng-Đế còn đang du học bên Pháp, cụ Tôn-thất-Hân đang quyền Nhíp Chánh. Đây lại nhắc đến mấy tay ái quốc ở nước ta. Ngoại trừ cụ Tây-Hồ Phan-châu-Trinh đã mất, những công nghiệp cụ làm trong lúc cụ còn sanh tiền, nên ta nói cụ là một nhà chí-sĩ, cụ vì nước nhà điên đảo, vì dân quốc yếu hèn, cụ phải xa cửa lìa nhà, cách biệt quê hương, lưu linh khi nước Nhựt, khi nước Tàu, để dân quốc ta đặng mở mang, nước nhà ta đặng tỉnh táo. Công nghiệp ấy thật đáng cho ta sùng bái, đáng tôn trọng cụ là nhà nhiệt tâm ái quốc. Cụ Sào-Nam cũng thế. Chỉ có ông Nguyễn-an-Ninh bước đường còn dài, sự thế còn lắm nỗi gay go ; mình cũng cầu chúc cho ông Ninh bước đường cho vén khéo, để lo cứu vớt anh em thanh-niên còn đang trông ngóng. Ông Ninh còn đó, non nước còn đây, ta ráng đợi coi công nghiệp ông sẽ làm thể nào ? Ngoại trừ ba ông trên kia, mình chẳng muốn nói nữa, song phận sự mình đã là soạn, thì ngòi viết mình phải cho minh chánh, nên hễ ai phải mình khen, ai quấy mình chê. Dưới đây mình lấy ngòi bút minh chánh của mình để kích-bác những bọn lường dân dối nước, bọn giả-minh ái-quốc yêu dân. Mình cũng biết câu : Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi ; song hễ ai có tịch thì nên sửa đổi, chớ mình chẳng dám nói nhiều ; sợ câu : bứt dây thì động rừng. Nhắc đến hai chữ Ái-quốc ở nước mình, làm cho mình bắt não-nề, dân mình đã yếu, nước mình đã hèn, mà bị mấy ông Ái-quốc (!) giả dối làm cho dân sẽ hư, nước phải mất. Than ôi ! nghề Ái-quốc là nghề để kiếm tiền ; nên có nhiều bọn ngưu đầu mã viện giả mặt thương dân, giả mình mến nước, để lo cho vinh thân phì gia, no lòng ấm cật ; có lẽ mấy năm sẽ tới đây, bọn nầy sẽ làm cho tuyệt nòi tuyệt giống thì chớ. Thôi, nói lắm bắt nhàm. Soạn giả cẩn chí VƯƠNG-QUANG