17 chương 16 - Lemontree123 - Done
-
CHƯƠNG 16
CUỘC ĐẠI SỤP ĐỔ
Thị trường tăng giá không thể tin được vào giữa thập niên 1980 làm cho các nhà đầu tư thu được hàng tỷ đôla lợi nhuận. Không ai làm được tốt hơn George Soros.
Năm 1986, Quỹ Quantum tăng 42,1 % - lên đến 1,5 tỷ đôla, lại càng làm cho thanh danh của Soros thêm lừng lẫy. Thu nhập cá nhân của ông có nguồn từ quỹ là 200 triệu đôla.
Trong hai năm 1985 và 1986, ông thu được một số tiền khổng lồ là 2,5 tỷ đôla cho mình và cho nhóm nhỏ các nhà đầu tư ngoại quốc.
Chỉ số trung bình Dow Jones Công nghiệp tăng lên liên tục, từ 776,92 tháng Tám 1982 lên 2.722,42 tháng Tám 1987. Theo thuyết phản hồi của Soros thì thị trường còn lên cao hơn thế nữa. Chỉ lòng phấn khởi và sự điên cuồng của các nhà đầu tư cũng đủ đưa thị trường tăng lên.
Nhưng trong đầu mình, Soros biết rằng không sớm thì muộn, nếu thuyết phản hồi của ông đúng, thì hiện tượng bust (sụp đổ) của chuỗi Boom/bust sẽ đăng quang, chỉ còn là một vấn đề thời gian mà thôi. Nhưng nó không cần phải xuất hiện ngay.
Trong khi ấy thì Soros xuất hiện trên trang bìa của tờ Fortune ngày 28 tháng Chín đi kèm theo bài báo trong ấy lời của ông được ghi lại là mọi việc chưa bao giờ lại tốt đẹp như lúc ấy, đặc biệt là ở Nhật.
Soros nhận xét trong phỏng vấn cho tờ Fortune đi theo bài báo trang bìa: “Chứng khoán đang lên, lên và vượt ra khỏi các giá trị cơ sở, như thế không có nghĩa là nó phải đổ nhào. Chỉ vì thị trường được đánh giá quá cao không có nghĩa là nó không bền vững. Nếu ai muốn biết các cổ phiếu Mỹ còn được đánh giá cao hơn như thế nào nữa thì hãy nhìn Nhật Bản.” Quan điểm ấy, ông còn lặp lại trên tờ Wall Street Week.
Ngay cả sau khi điều chỉnh để tính đến các đặc tính riêng của kế toán Nhật thì các cổ phiếu Nhật bán tháng Mười 1987 với hệ số lãi trên thu nhập là 48,5, so sánh với các hệ số 17,3 ở Anh và 19,7 ở Mỹ. Soros cho rằng những hệ số cao gấp mấy lần ấy là điềm gở đối với thị trường Tokyo. Ông biết rõ giá đất lên rất cao ở Tokyo, ông biết quá nhiều tiền đang đuổi theo quá ít tài sản. Và ông tin rằng các hệ số cao và cổ tức thấp không thể tồn tại lâu dài.
Ông cũng biết rằng có nhiều công ty Nhật Bản, đặc biệt là các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu của những công ty khác. Một vài công ty ấy đã vay nợ để chi tiền cho các hoạt động trên thị trường chứng khoán, số tiền to lớn chịu rủi ro này trên thị trường chứng khoán làm cho giá trị của những công ty này tăng lên khi thị trường Tokyo lên giá - nhưng cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ lớn nếu mọi việc không suôn sẻ.
Với thuyết phản hồi trong đầu, Soros cảm thấy sự điên cuồng của các nhà đầu tư, bây giờ đã không kiềm chế nổi, có lẽ sẽ tạo ra một hiện tượng nổ vào bên trong của các giá trị chứng khoán Nhật Bản. Vì thị trường Nhật Bản chiếm 36 phần trăm của toàn bộ giá trị chứng khoán trên thế giới, cho nên nó sẽ có ảnh hưởng ở khắp mọi nơi. Soros ngày càng bi quan về thị trường chứng khoán Nhật Bản. “Bây giờ không còn đường rút lui cho thị trường Tokyo. Nhận thức về giá trị đã lan rộng đến nỗi không thể có rút lui có trật tự nữa. Có thể là một sự sụp đổ của thị trường sắp đến gần."
Tuy nhiên, ông đoán rằng thị trường Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng nếu thị trường Nhật sụp đổ, giá trị các cổ phiếu Mỹ còn xa mới đạt đến những mức phi lý như ở Nhật. Trong khi ông thấy ở Wall Street một vài quá trình giống như các quá trình ở Nhật đã dẫn đến những giá trị cực đoan, thì Soros không quá lo lắng về thị trường Mỹ. Do đó, vào mùa thu năm ấy ông chuyển nhiều tỷ đôla tiền đầu tư từ Tokyo sang Wall Street. Ông nói có vẻ lạc quan: “Thị trường Mỹ chỉ gần đây mới bị lôi cuốn đi, nó vẫn có thể chỉnh lại các điểm quá mức ấy một cách nhẹ nhàng, có trật tự.”
Không phải ai ai cũng đồng ý với ông. Giữa tháng Mười, Robert S. Prechter, một nhà dự báo thị trường nổi tiếng mà trong năm năm đã đoán đúng về một thị trường lên giá, thì nay cài số lùi, khuyên khách hàng của mình rút tiền ra. Soros, cũng như các nhà đầu tư khác đều ngạc nhiên bởi các bình luận của Prechter. Ngày 14 tháng Mười, Soros viết một bài báo trên tờ Financial Times ở London trong đó ông lại tiên đoán rằng thị trường Nhật Bản đang đi đến sụp đổ.
Rồi tuần lễ 19 tháng Mười đầy kịch tính đến.
Thị trường New York sụp đổ, chỉ ngày thứ hai ấy rớt điểm kỷ lục là 508,32 điểm. Soros đợi thị trường chứng khoán Nhật sụp đổ còn nặng hơn. Nhưng qua tối hôm ấy sang ngày thứ ba, nó vẫn đứng vững. Sự sụp đổ ở Wall Street đánh dấu chấm hết cho năm năm tăng giá liên tục.
Ngày thứ năm, 22 tháng Mười, thị trường lên lại 300 điểm, nhưng rồi lại hạ giá như cũ. Người ta được nghe nhiều báo cáo về các số dư ký quỹ lớn. Các cổ phiếu Mỹ mở hàng trong ngày bằng các giá rất hạ trên những thị trường chứng khoán nước ngoài. Soros quyết định bán rất nhiều trên các vị thế mua vào để đợi giá lên tức là các trường vị của mình.
Khi khối cổ phiếu của Soros vừa bán hết thì điều mỉa mai là chỉ số SP của thị trường các hợp đồng giao sau lên lại nhanh chóng, đóng cửa ở 244,50 điểm. Chỉ trong ngày hôm ấy, Soros bị thiệt 200 triệu đôla.
Hóa ra là Soros là một trong những người bị mất nhiều nhất trong vụ Wall Street sụp đổ.
Ông nhận là mình đã có một nhận định sai lầm. “Tôi chờ đợi sự tan vỡ đến trên các cổ phiếu, nhưng nhìn lại thì rõ ràng là nó đã bắt đầu trên thị trường trái phiếu, mà đặc biệt là thị trường trái phiếu Nhật Bản, vào khoảng đầu năm, chỉ trong vài tuần trên thị trường ấy, lợi suất đã tăng hơn gấp đôi.” Kết quả là thị trường trái phiếu Mỹ đã theo đà tụt dốc trong mùa xuân 1987. Không thấy được suy sụp đến với Wall Street, Soros vẫn còn trông mong vào một thị trường chứng khoán Mỹ lành mạnh.
Adam Smith, nhà bình luận kinh tế trên truyền hình, vẫn còn ngạc nhiên tại sao Soros thấy được là sụp đổ sắp đến mà vẫn bị lừa.
Soros trả lời một cách chân thành đáng khen: “Tôi đã sai lầm lớn, vì tôi cứ tưởng là Nhật Bản có sụp đổ trước và tôi cũng đã có chuẩn bị, như thế tôi có cơ hội để chuẩn bị cho sụp đổ ở nước ta, thế nhưng nó lại xảy ra ở Wall Street chứ không phải ở Nhật Bản. Tôi sai là như thế.”
• • •
Trong các bài báo được đăng tải ngay sau cuộc sụp đổ của năm 1987, người ta thường cho rằng Soros đã mất từ 650 triệu đến 800 triệu đôla.
Thí dụ, tờ New York Times ngày 28 tháng Mười 1987, nói rằng trị giá tài sản thuần của Quỹ Quantum tính theo mỗi cổ phiếu đã tăng từ 41,25 đôla năm 1969 lên 9793,36 đôla nong ngày trước cuộc sụp đổ. Tờ Times viết: “Đây có thể là năm thứ hai Quỹ Quantum bị thua lỗ... Từ khi thị trường bắt đầu hạ giá tháng Tám, Quỹ Quantum đã mất đến 30 phần trăm giá trị của nó, từ 2,6 tỷ đôla xuống còn dưới 1,8 tỷ đôla. Chỉ trong tuần trước, Soros đã bán hàng trăm triệu đôla cổ phiếu.”
Trên tờ Barron’s, trong mục “Người mua bán chứng khoán” ngày 2 tháng Mười Một, Floyd Norris viết rằng Quantum mất đi 32 phần trăm của giá trị tài sản thuần trong cuộc sụp đổ, giảm từ 2,6 tỷ đôla vào cuối quý ba - năm ấy tăng đến 60 phần trăm - xuống còn 1,8 tỷ đôla. Theo tờ Barron's, “Soros đã mất 840 triệu đôla chỉ trong vòng hai tuần." Trong một cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại với Barron’s, Soros nhận là ông có vài thua lỗ trong buôn bán, nhưng ông cũng ghi nhận là quỹ vẫn còn tăng 2,5 phần trăm nếu tính cả năm.
Câu hỏi là Soros thật sự mất đi bao nhiêu tiền trong cuộc sụp đổ năm 1987 từ bấy đến nay vẫn làm ông bực tức. Theo Allan
Raphael, Soros tìm cách để thuyết phục giới truyền thông là ông mất ít hơn nhiều so với con số 800 triệu đôla như tin đồn.
Raphael nhận xét: “Thật đáng buồn. Những người khác nhìn vào cảnh khốn khổ của mình xem là niềm vui của họ. Chúng tôi được tờ New York Times yêu cầu phỏng vấn. Bây giờ thì có nhiều thông tin về giá trị của quỹ, nhưng vào năm 1987, thông tin độc nhất mà thế giới bên ngoài có được về giá trị của quỹ... chỉ là... những con số trên tờ Financial Times dưới danh mục ‘những quỹ ủy thác đầu tư nước ngoài khác.’
“Nhưng đấy không phải là giá trị tài sản thuần của quỹ. Nếu anh muốn mua để vào quỹ, anh phải trả giá trị tài sản thuần cộng thêm một khoản tiền vượt mênh giá... Giá trị tài sản thuần phản ánh giá trị tài sản của quỹ, không phải là giá trị đăng trên tờ Financial Times, và người ta không nhận ra điều này. Và vì thế mà họ tính ra 800 triệu đôla.
“Họ nói là anh bắt đầu tháng Mười với giá 20.000 đôla một cổ phiếu, đến cuối tháng một cổ phiếu còn 16.000 đôla. Vậy là anh phải mất đi 4.000 đôla một cổ phiếu... Chứng tôi cãi lại là trong tính toán của họ có gồm cả số tiền vượt mệnh giá. Chúng tôi chỉ lỗ khoảng 350 đến 400 triệu đôla. Ai ai cũng tưởng khoản lỗ ấy là từ 650 đến 800 triệu đôla. Nhưng thế cũng đã quá tồi rồi. Gary Giadstein, thay mặt George, có giải thích cho tờ New York Times về khoản tiền vượt mệnh giá này, nhưng cơ bản là họ đã đi đến kết luận trước rồi. Điều này làm cho George chẳng vui tí nào.
“Soros nói: ‘Không đúng. Tại sao họ có thể in những tin như thế này? Họ làm việc này ra sao?’
“Tôi nói với ông: ‘George, đừng đi đái thi với mấy thằng mua cả thùng mực để viết. Chì có thế thôi.’
“Nhưng chuyện này thật sự làm cho ông bực mình. Sau đấy ông không muốn nói chuyện với báo chí nữa.”
Quả nhiên, cuộc sụp đổ đã xóa sạch lợi nhuận của Soros trong năm 1987. Một tuần sau cuộc sụp đổ, giá trị tài sản thuần của Quantum đã giảm 26,2% xuống còn 10.43275 đôla một cổ phiếu.
Nó còn cao hơn con số 17% suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là lần duy nhất mà Soros không giữ được mức giảm giá của quỹ trong giới hạn 20%. Báo chí cũng đăng rằng Quantum đã giảm 31,9 phần trăm kể từ ngày mùng 8 tháng Mười, như thế có nghĩa là Soros đã bị mất 100 triệu đôla tiền riêng của ông.
Một phóng viên của tờ tuần báo Time muốn biết phản ứng của Soros về thất bại này. “Tôi thấy buồn cười,” đó là tất cả mà ông muốn nói, hay có thể nói. Thấy rằng sự việc có thể còn tồi tệ hơn nhiều, ông nói thêm, “Tôi còn cười đây này.”
Dù cho cuộc sụp đổ tháng Mười là một trong những thất bại tồi tệ nhất của Soros - chưa bao giờ kể từ thảm bại trái phiếu năm 1981 ông lại bị mất nhiều như vậy - ông nhận cú đòn một cách rất bình thản. Một nhà đầu tư bạn của ông nói: “Trong suốt cuộc sụp đổ, ông ấy rất bình tĩnh. Ông ấy chịu mất mát giỏi hơn bất kỳ ai mà tôi được biết, ông có thể nghĩ rằng thị trường đã không phản ứng như đáng lẽ nó phải phản ứng, nghĩa là như ông đã dự đoán. Nhưng một khi đã phạm sai lầm, ông hiểu ra và tiếp tục tiến lên.”
Đối với Soros, tình trạng suy sụp vẫn chưa hết. Ông cho rằng một cuộc đại sụp đổ có thể đến (Kết cục là ông đã sai. Cuộc đại sụp đổ chưa bao giờ xảy ra). Rồi, ông ghi nhận một cách nghiêm khắc là nhiều nhà đầu tư sẽ thấy chơi trò chơi thị trường quả là phức tạp. Ông nói: “Rất nhiều người đã chơi chứng khoán từ lâu. Nhưng cũng như các cơn suy sụp của những năm 1960, 1970 đã làm tiêu tan nhiều tài sản xây dựng nên trong các thập niên 1950 và 1960, việc thử nghiệm sẽ đến khi người ta phải đối mặt với nghịch cảnh.
“Các quan hệ phản hồi không hoạt động mạnh như nhau trong tất cả các thị trường ở tất cả mọi thời điểm. Tuy nhiên, các tiến trình có những điểm giống nhau. Thí dụ như giữa các cuộc sụp đổ năm 1987 và 1929 có nhiều điểm tương đồng rất kỳ lạ. Xu hướng của đồng đôla lên quá cao hay xuống quá thấp cũng đáng được chú ý.
“Trong các thị trường tiền tệ, thường có những mối quan hệ tương hỗ giữa tầm quan trọng tương đối của các dịch chuyển vốn trên thế giới, các dịch chuyển này dần dần trở nên chạy theo khuynh hướng, và các giao động quá mức của các tỷ suất hối đoái...
“Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, sự lớn mạnh của các thiên vị chạy theo khuynh hướng ít được để ý đến... Khi ai được đánh giá mà có so sánh với các trung bình của thị trường thì khó lòng giữ cho sự suy xét của chính mình độc lập với khuynh hướng của thị trường.
“Cuối cùng, sự phụ thuộc vào các phương thức chạy theo khuynh hướng sẽ lớn hơn khả năng của thị trường để thích nghi chúng. Khi thị trường bắt đầu giảm, nó sẽ tiếp tục tăng tốc cho đến khi nó bị tan rã, và vài chương trình được xem là tự động sẽ không thực hiện được.
“Nhiều cuộc thảo luận về chuyện có hay không có tính thanh khoản thật không đúng chỗ, điều quan trọng là sự cân bằng giữa người mua và người bán. Đầu cơ chạy theo khuynh hướng (như tạo chỉ số, đo lường kết quả, và phân tích kỹ thuật) và những phương thức chạy theo khuynh hướng (như bảo hiểm danh mục đầu tư và viết các hợp đồng option có quyền chọn mua bán) sẽ phá vỡ sự cân bằng. Các thị trường tài chính cần một số lượng tiền mặt để thực hiện việc mua và bán theo lệnh mà không phải trả các chi phí giao dịch cao; nhưng quá một điểm nào đó, thanh khoản, hay ảo tưởng về thanh khoản, sẽ có hại vì nó khuyến khích cách hành xử chạy theo khuynh hướng.”
Điều khó tin là cuối năm 1987, Quỹ Quantum vẫn còn có giá cao hơn trước 14,1 phần trăm và đạt mức 1,8 tỷ đôla.
Thật vậy, cuộc sụp đổ chỉ ảnh hưởng rất ít đến vị trí của Soros ở Wall Street.
Khi tờ Financial World đăng bảng tổng quan hàng năm về những người có lương cao nhất ở Wall Street thì Soros vẫn ở vị trí thứ hai sau người dẫn đầu, Paul Tudor Jones II. Thu nhập của Tudor Jones được ước tính giữa 80 triệu đôla và 100 triệu đôla. Thu nhập của Soros năm 1987, mặc dù có cuộc sụp đổ, vẫn là 75 triệu đôla. Thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông chấp nhận một cách bình thản các mất mát trong cuộc sụp đổ.