20 chương 19 -20 (halucky done)

10/11/15
20 chương 19 -20 (halucky done)
  • CHƯƠNG 19

    CUỘC ĐÁNH CƯỢC MỘT CHIỀU

    Sáng thứ ba, 15 tháng Chín, 1992

    John Major có kế hoạch đi Tây Ban Nha. Ông hủy chuyến đi để giải quyết cuộc khủng hoảng với ERM.

    Ngân hàng Anh quốc vẫn tin là có thể ngăn chặn những người đầu cơ như Soros. Tuy nhiên, ngay trước giờ ăn trưa, các thương nhân bắt đầu nhận thấy đồng lira sụt giá. Họ bắt đầu bán rất nhiều đồng bảng để mua đồng mark Đức.

    Chiều thứ ba

    Đồng bảng Anh rớt giá xuống còn một bảng ăn 2,80 deutsche mark. Cuối giờ chiều có tin là Ngân hàng Anh quốc mua đến 3 tỷ đồng bảng. Đồng bảng không nhúc nhích.

    Tối thứ ba

    Ở London, cuối giờ giao dịch đồng bảng cao hơn giá sàn ERM của nó là một phần năm pfennig Đức, tức là một bảng ăn 2,778 deutsche mark, giá thấp nhất của đồng bảng từ khi nước Anh tham gia vào ERM. Chính phủ Anh lo lắng là nếu không làm gì quyết liệt, đồng bảng Anh sẽ bị phá giá lần đầu tiên kể từ năm 1967.

    Khi đồng tiền của một quốc gia bị tấn công, các quan chức tài chính có nhiều cách lựa chọn để đối phó. Một là can thiệp sâu vào thị trường hối đoái để mua lại đồng tiền của quốc gia ấy. Nếu không thành công thì tuyến phòng thủ tiếp theo là nâng lãi suất, trên giả thuyết là lãi suất cao sẽ thu hút tiền trở lại vào đồng tiền quốc gia và ổn định nó. Tuy nhiên, chính phủ Anh ngần ngại không tăng lãi suất - một cách chắc chắn thành công để làm dịu bớt nền kinh tế.

    Với đồng bảng rớt xuống đáy và bọn đầu cơ cứ như đàn ong vò vẽ bay khắp trời, ông bộ trưởng tài chính có một động tác tuyệt vọng. ông đang ăn tối cùng đại sứ Mỹ, nhưng cứ 10 phút một lại ngừng bữa ăn để cố gắng gặp các quan chức của Bundesbank qua điện thoại, ông muốn xin họ một ân huệ rất lớn. Xin các vị giảm bớt mức lãi suất của các vị. Nếu Lamont thành công trong việc cầu xin người Đức thì có thể giảm bớt áp lực và biết đâu, chỉ là biết đâu, trong vài ngày tới nước Anh sẽ tai qua nạn khỏi mà hệ thống tài chính ít bị đổ vỡ. Tuy nhiên, các quan chức của Bundesbank từ chối không chịu nhúc nhích.

    Sau bữa ăn tối, các quan chức cao cấp của Ngân hàng Anh quốc hội ý với Norman Lamont tại trụ sở Ngân khố trong một trạng thái khủng hoảng. Ngồi dưới hai chùm đèn lộng lẫy chung quanh một cái bàn gỗ sồi lớn, họ xây dựng kế hoạch hành động của ngày hôm sau. Họ định bắt đầu bằng một can thiệp sâu và công khai của Ngân hàng Anh quốc. Giữ làm dự bị cho cuối ngày, nếu thấy cần thiết, sẽ là một đợt tăng lãi suất.

    Thấy rằng Ngân khố Anh quốc đang cãi vã với ngân hàng trung ương Đức, những người đầu cơ đoán rằng người Anh sẽ là những người đầu tiên phải nhượng bộ. Bước tiếp theo mà chính phủ chắc phải đi - dù cho nó có tai hại cho nền kinh tế về lâu về dài - sẽ là tăng lãi suất. Cuộc đánh cược là như thế.

    8 giờ tối thứ ba

    Cuộc họp ở Ngân khố kết thúc. Khi các quan chức bước chân ra khỏi cuộc gặp mặt ảm đạm ấy, điều mà họ lo nhất là không biết các biện pháp họ đề ra có đủ hay không. Tuy nhiên, mọi việc tiến triển rất nhanh, nhanh hơn kế hoạch của họ. Các quan chức Anh không hề biết là năm giờ trước đấy, Helmut Schlesinger đã có một bài phỏng vấn gây nhiều tranh cãi. về sau Schlesinger nói rằng ông không hề cho phép đăng lên báo những lời nhận xét của ông. Nhưng cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Các nhà buôn tiền tấn công vào đồng bảng Anh, đồng lira Ý và các đồng tiền yếu khác với một thái độ căm thù, bán đi hết để mua đồng deutsche mark.

    Norman Lamont, khi nghe nói đến các bình luận của Schlesinger, bị một cú sốc. Ngoài mặt, ông cố gắng giảm tác động của câu chuyện. Nhưng tác hại đã sờ sờ ra đấy.

    Tốì thứ ba, sáng thứ tư

    Trong một cuộc chiến đấu tuyệt vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York và Ngân hàng Nhật Bản đứng ra bảo vệ đồng bảng Anh.

    10 giờ 30 tối thứ ba

    Lúc ấy đã là 5 giờ 30 chiều ở New York. George Soros đang đứng trong văn phòng ở khu trung tâm Manhattan trên tầng lầu thứ 33 của cao ốc nhìn xuống Central Park.

    Ông càng lúc càng tin rằng người Anh phải rút đồng bảng ra khỏi ERM. Về sau, ông nói: “Đấy là một cuộc đánh cược hiển nhiên, một cuộc đánh cược một chiều. Cùng lắm là nếu tôi phải trả lại số tiền tôi đã vay ở cùng lãi suất khi tôi vay thì tôi cũng chỉ lỗ nhiều nhất là 4 phần trăm. Vậy là chỉ có rất ít rủi ro kèm theo mà thôi.”

    Ông đã thấy là nó sẽ đến, cảm nhận là không tránh khỏi, và bây giờ nó đang đến và ông không hề có chút nghi ngờ nào về chuyện ông sẽ lời rất to. Sau đấy, trong căn hộ trên đại lộ Fifth Avenue, Soros thưởng thức một bữa ăn tối giản dị do người đầu bếp của ông nấu. Sau khi ăn, ông lên giường đi ngủ. Dù cho ông vừa tung ra một cuộc cược 10 tỷ đôla - có lẽ cược lớn nhất trong lịch sử - nhưng ông vẫn đi ngủ.

    ông tự tin đến như thế đó.

    7 giờ 30 sáng thứ tư

    Trên đường Threadneedle ở London, tám nhà buôn bán ngoại hối họp nhau tại văn phòng phó Thống đốc Ngân hàng Anh quốc, Edie George. Ông phụ trách các hoạt động thị trường của ngân hàng. Cúi mình trên các màn hình máy tính, họ bắt đầu mua về đồng bảng Anh. Họ được lệnh phải tiêu 2 tỷ đô la trong ba đợt can thiệp riêng rẽ.

    Việc họ làm đã gặp thất bại thảm hại. Hàng trăm công ty có nhà máy và văn phòng trên khắp nước Anh và hàng nghìn quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, và những nhà đầu tư khác có cổ phiếu và trái phiếu có mệnh giá bảng Anh đều muốn bán hết những gì họ có bằng đồng bảng.

    Một không khí ảm đạm bao trùm lên cộng đồng tài chính Anh quốc.

    8 giờ 30 sáng thứ tư

    Nhóm Khủng hoảng Ngân khố họp lại trong phòng làm việc của Bộ trưởng Lament. Mặt ai cũng u sầu. Lamont vừa gọi điện cho lan Plenderleith, phó giám đốc phụ trách thị trường tại Ngân hàng Anh quốc và cả cho thủ tướng. Đặt ống nghe xuống, Lament còn ra lệnh can thiệp sâu hơn nữa, dừng dự trữ ngoại tệ của ngân hàng.

    Các phóng viên nhiếp ảnh bắt đầu xuất hiện tại cửa chính tòa nhà Ngân khố.

    9 sáng thứ tư

    Thủ tướng John Major trèo lên chiếc Jaguar bọc thép của ông và đi trên đoạn đường hai phút chạy xe từ Whitehall đến Old Admiralty Building, nơi ở tạm thời của ông trong khi nhà số 10 Downing Street đang được sửa chữa. Trong tòa nhà Admiralty, ông có cuộc họp đã lên kế hoạch trước với các quan chức chính phủ trên đề tài, trớ trêu thay, Hiệp định Maastricht.

    Khi tin về thảm họa tài chính đang ập đến lọt vào phòng họp, những người có mặt có cảm tưởng như họ đang có cuộc họp của một chính phủ thời chiến tranh.

    10 giờ 30 sáng thứ tư

    Norman Lamont tung ra cú điện thoại mà mọi người trong cộng đồng tài chính Anh quốc đang lo sợ đợi chờ. John Major xin ra khỏi cuộc họp về Maastricht để đến một máy điện thoại bảo mật nghe Lamont báo cáo là đồng bảng đang tụt dốc. Lãi suất của Đức vẫn không nhúc nhích khỏi giá trị của nó. Ngườỉ Đức không đến cứu đâu. Phải tránh việc phá giá đồng bảng bằng mọi cách. Chính lòng tin vào chính phủ đang bị tổn thương. Lamont xin phép thủ tướng cho tăng lãi suất hai điểm lên 12 phần trăm.

    Major đồng ý.

    11 giờ sáng thứ tư

    Thông báo được đưa ra. Lãi suất đã được tăng lên. Lamont tuyên bố là “khi các áp lực và các bấp bênh khác thường này dịu xuống," ông hy vọng là có thể giảm lãi suất. Ít ai tin là điều này sẽ đến sớm.

    Tồi tệ nhất là mặc dù có tuyên bố của Lamont, đồng bảng Anh vẫn không hề nhúc nhích. Các quan chức trong ngành tài chính biết là mọi việc đã cáo chung. Các thị trường tài chính, xem thủ đoạn của Lamont chỉ là một hành động hoảng sợ, cũng bắt đầu tin như thế.

    Trong khi ấy thì John Major đi ngược lại ý định ban đầu của ông là không triệu tập quốc hội lúc ấy đang nghỉ, ông muốn triệu tập lại quốc hội để thảo luận về ERM và về tình hình kinh tế nước Anh. Ngày 24 tháng Chín quốc hội họp lại. Đây là một bước đi không bình thường: Từ cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, quốc hội chỉ được triệu tập họp phiên đặc biệt 10 lần mà thôi.

    12 giờ trưa thứ tư

    Lại có thêm những can thiệp mới của Ngân hàng Anh quốc. Nhưng đã quá muộn. Trong ngày định mệnh ấy - về sau được gọi là ngày Thứ tư Đen tối - Ngân hàng Anh quốc đã tiêu một khoản tiền tương đương với 15 tỷ bảng (26,9 tỷ đôla) trong tổng số 44 tỷ bảng (78,8 tỷ đôla) dự trữ ngoại tệ của mình để mua đồng bảng trong một cố gắng vô hiệu quả cuối cùng để hỗ trợ đồng tiền của mình.

    Lúc ấy là 7 giờ sáng ở New York. Chuông điện thoại reo đã đánh thức Soros dậy.

    Ở đầu kia là Stan Druckenmiller, ông có tin vui.

    Từ các nguồn của mình, ông được biết là nước Anh sắp sửa xin hàng.

    “ George, anh vừa thắng cược 958 triệu đôla.”

    Druckenmiller nói hơi sớm, nhưng đó không phải là điều quan trọng, ông biết là người Anh đã thua cược, cả ông và Soros là những người thắng lớn. (về sau Soros biết là ông đã thắng nhiều hơn nữa vì đã sát cánh cùng các nhà cầm quyền Pháp chống lại những nhà đầu cơ đang tấn công đồng franc.)

    Tất tần tật, từ các sự kiện ngày Thứ tư Đen tối, Soros đã thắng gần 2 tỷ đôla, 1 tỷ đôla từ đồng bảng và 1 tỷ đôla khác từ các hỗn loạn trong tiền tệ nước Ý và Thụy Điển và trên thị trường chứng khoán Tokyo.

    Một con người kém bản lĩnh đã có thể muốn mở một chai sâm - banh, nhưng không phải Soros. (Dù sao thì cũng chỉ mới 7 giờ sáng và Soros không thích uống rượu.) "Chuyện xảy ra như vậy và tôi chỉ chơi canh bạc giỏi hơn và lớn hơn những người khác," ông nói.

    Đầu giờ chiều thứ tư

    Nhóm công tác chung quanh bộ trưởng tài chính Anh bắt đầu nói ra ý nghĩ khủng khiếp.

    1 giờ 30 chiều thứ tư

    Đây là lúc thị trường Mỹ mở cửa. Một thương nhân nói: “Bảng Anh được bán tới tấp cứ như nước trong vòi chảy ra.”

    2 giờ 15 phút chiều thứ tư

    Ngân hàng Anh quốc lại một lần nữa muốn cứu vãn tình thế. Một lần nữa nó tăng lãi suất, đây là lần thứ hai trong ngày. Lãi suất bây giờ là 15 phần trăm.

    Chưa bao giờ trong lịch sử nước Anh, lãi suất lại tăng liên tục hai lần trong một ngày. Lãi suất bây giờ ở mức mà gần hai năm trước đó, khi John Major, lúc ấy là bộ trưởng tài chính, đưa Vương quốc Anh gia nhập ERM.

    Các nhà đầu cơ không bị thuyết phục. Đồng bảng Anh vẫn ở dưới mức sàn là 2,0778 đồng mark Đức. Đang trở nên quá rõ ràng là chính sách tiền tệ của chính phủ không bền vững trên mặt chính trị.

    Các thị trường quan sát mức gia tăng lãi suất Anh trong một ngày từ 10 lên 12 rồi 15 phần trăm và biết rằng nước này không thể sống lâu với mức lãi suất cao như thế. Vì vậy, đồng bảng Anh tiếp tục xuống dốc, và Ngân hàng Anh quốc tiếp tục mua nó lại.

    Tất cả đều nằm trong một nỗ lực không hiệu quả để cứu vãn tình thế. Và càng lúc càng rõ là nước Anh phải rút khỏi ERM. Và đồng bảng Anh bị phá giá.

    Thủ tướng John Major lại gọi điện thoại, lần này cho thủ tướng Pháp Pierre Beregovoy và thủ tướng Đức Helmut Kohl. Thông tin từ Major thật là u ám. Ông tuyên bố là ông phải rút nước Anh khỏi ERM. Ông không có cách nào khác.



    CHƯƠNG 20

    NGÀY THỨ TƯ ĐEN TỐI

    4 giờ chiều ngày thứ tư 18 tháng Chín 1992

    Buổi chiều ngày Thứ rư Đen tối càng lúc càng ảm đạm. Người Anh phải nhượng bộ và rút khỏi Cơ chế Tỷ suất Hối đoái Âu châu.

    Những người thắng cuộc, như George Soros, thì tươi cười, những người thua cuộc, như John Major, thì buồn rầu chấp nhận thất bại.

    Các quan chức của Ngân hàng Anh quốc tổ chức một cuộc họp qua điện thoại với các thành viên của những ngân hàng trung ương khác ở châu Âu để thông báo là đồng bảng Anh rời khỏi ERM.

    Đồng bảng đã rớt giá 2,7 phần trăm đối với đồng deutsche mark và đang được bán 2,703 mark trong buổi giao dịch cuối giờ chiều ở New York, rất thấp so với giá sàn EKM trước đây của nó.

    5 giờ chiều thứ tư

    John Major họp nội các và được sự đồng ý để rút nước Anh khỏi ERM. Nước Ý tuyên bố là họ cùng noi theo. Bây giờ hai đồng tiền Anh và Ý được mua bán tự do, và hai ngân hàng trung ương không còn phải mua trên thị trường tự do để bảo vệ đồng tiền của mình nữa.

    Các nhóm quay truyền hình và các phóng viên nhiếp ảnh tụ tập trước của tòa Ngân khố Anh quốc đợi thông báo chính thức.

    7 giờ chiều thứ

    Cuối cùng, thông báo được công bố. Norman Lament ra trước ống kính truyền hình để chấp nhận thất bại. Ông có vẻ hốc hác, ngơ ngác và mất hết tinh thần. Tờ Economist gọi ông là con người “xui xẻo”. Ông đứng đấy hai tay giữ sau lưng, cứ như một tù nhân hai tay bị trói. Lamont cố gắng mỉm cười; tuy nhiên đó chỉ là một nụ cười thoáng qua. Ông đưa tay phải hất ngược những sợi tóc rơi trên trán. Rồi ông nói.

    “Hôm nay,” ông bắt đầu, “là một ngày vô cùng khó khăn và náo động. Những luồng tài chính rất lớn cứ tiếp tục phá vỡ các hoạt động của ERM... Trong lúc ấy thì chính phủ đi đến kết luận là để bảo đảm lợi ích cho nước Anh, chúng ta phải rút khỏi Cơ chế Tỷ suất Hối đoái.”

    7 giờ 30 chiều thứ tư

    Nước Anh đã thả nổi đồng bảng. Cuối phiên giao dịch của ngày Thứ tư Đen tối, đồng bảng ăn 2,71 mark Đức, hạ 3 phần trăm. (Cuối tháng Chín, đồng bảng xuống còn 2,5 mark.)

    Thứ năm ngày 17 tháng Chín 1992

    Lãi suất của nước Anh trở lại 10 phần trăm. Nước Ý theo đuôi Anh và cũng rút khỏi ERM. Đồng bảng rớt ngay xuống còn 2,70 deutsche mark, và rồi ổn định ở 2,65 mark, tức là 5 phần trăm dưới mức sàn trước đây của nó. Sau cùng nó sẽ ổn định ở 16 phần trăm dưới mức của nó trong ngày Thứ tư Đen tốí.

    Nước Anh không phải là quốc gia duy nhất cho phá giá đồng tiền của mình, Tây Ban Nha cũng phá giá 28 phần trăm, Ý 22 phần trăm.

    Khi được tin là nước Anh đã rút khỏi ERM, đồng bảng xuống dưới 2,70 mark trên thị trường New York, tức là hơn 7 pfennig dưới giới hạn thấp của nó trong ERM là 2,7780. (Một chú thích buồn tủi cho trang khủng hoảng của đồng bảng được viết thêm mùa hè năm sau khi các dải được nới rộng thêm 15 phần trăm, nhưng chẳng có ý nghĩa gì nữa.)

    George Soros thật ra dáng một thiên tài.

    Nhiều người khác cũng thu lợi lớn trong việc đồng bảng Anh phá giá, nhưng các lãi thu được của họ không được công bố. Bruce Kovner thuộc Công ty Caxton và Paul Tudor Jcmes thuộc Jones Investment là những người thắng lớn. Quỹ của Kovner lãi khoảng 300 triệu đôla; quỹ của Jones lãi 250 triệu đôla. Các ngân hàng chính ở Mỹ có các hoạt động ngoại hối lớn - đặc biệt là Citicorp, J-P Morgan, và Chemical Banking - cũng thu lãi cao. Gộp chung lại, trong quỹ ba, các ngân hàng lãi trên 800 triệu đôla cao hơn lợi nhuận thu được trung bình trong mỗi quý từ việc buôn bán tiền tệ của họ.

    Cuộc đánh cược của Soros được công chúng biết đến ngày 24 tháng Mười khi, viết lại dựa trên một bài của tờ Forbes sắp đăng tải, tờ Daily Mail ở London đăng trên trang đầu một bài báo với dòng tít lớn chữ to, in đậm, màu đen:

    Tôi lãi Một Tỷ khi Đồng bảng Anh Sụp đổ

    Cùng với bài báo trên tờ Mail là bức ảnh của Soros tươi cười trong tay cầm một cốc rượu. Bài báo chính viết: "Một nhà tài chính quốc tế lãi gần một tỷ bảng trong cuộc khủng hoảng tiền tệ tháng trước, người ta mới được biết tối hôm qua.” Như thế có nghĩa là trong năm tuần lễ, công chúng Anh - và của cả thế giới - không biết đến thủ đoạn của Soros.

    Anatole Kaletsky, biên tập viên tài chính của tờ Times ở London đang dẫn con gái đi về nhà sáng thứ bảy hôm bài báo của tờ Mail ra mắt độc giả. Họ dừng lại vài phứt trong một cửa hàng kẹo để mua sô-cô-la, lúc ấy Kaletsky mới đọc thấy hàng tít trên báo. Bị choáng váng bởi câu chuyện, Kaletsky mua tờ báo và đọc ngay trong cửa hàng. Một giờ sau, Kaletsky đang ở nhà thì chuông điện thoại reo lên. George Soros ở đầu dây bên kia.

    Nhà báo của tờ Times hỏi: -Chuyện gì xảy ra đấy?” ông nghe những tiếng xôn xao trong máy.

    -Tôi đang ở đây, ở London,” Soros trả lời, giọng nói có vẻ lo lắng. “Không biết anh có đọc tờ Mail chưa?”

    “Tôi đọc rồi.” Kaletsky bắt đầu gỡ mối bòng bong.

    “Nhà tôi đang bị các phóng viên nhiếp ảnh và các nhà báo vây chặt. Tôi muốn đi ra ngoài chơi quần vợt. Tôi không biết làm thế nào. Tôi phải làm gì đây? Cho tôi một lời khuyên đi."

    Trước khi cho lời khuyên, Kaletsky muốn biết một chuyện: “Câu chuyện trên báo có thật không?"

    Soros trả lời nhanh chóng: “Thật, đại khái là như vậy."

    Kaletsky khuyên ông đừng nói gì với các phóng viên đứng ở cửa. “Nếu anh muốn ghi lại những gì anh làm và những gì anh không làm thì tự mình viết một bài báo đi. Hay là tôi đến chỗ anh và nói chuyện với anh."

    “Để tôi nghĩ xem sao đã.”

    Một tiếng đồng hồ sau, Soros gọi lại cho Kaletsky và nói ông thấy việc nhà báo của tờ Times đến gặp ông chiều hôm ấy cũng là một ý hay. Kaletsky đến và Soros cho ông một cuộc phỏng vấn đầy đủ đầu tiên về cách ông đã thực hiện cú đánh vào đồng bảng Anh như thế nào. Theo Kaletsky, bài phỏng vấn của Soros đăng trên tờ Times ngày 26 tháng Mười là bước ngoặt của sự hình thành một George Soros, người của công chúng. “Ông trở thành một người nổi tiếng ở nước Anh sau bài phỏng vấn này. Trước đấy, chưa ai nghe nói về George Soros.”

    Nói là chưa ai nghe nói về Soros thì không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, rất chính xác là hàng triệu người trước đây chưa bao giờ nghe nói về Soros, thì nay biết đến ông, kể cả những người không thuộc giới kinh doanh.

    Thật vậy, Kaletsky bắt đầu câu chuyện bằng cách giới thiệu Sorors với độc giả. “George Soros là một nhà trí thức sâu sắc bỏ rất nhiều thì giờ ở Đông Âu để làm việc từ thiện trong các lĩnh vực chính trị và giáo dục. Ông cũng là một nhà đầu cơ tiền tệ lớn nhất thế giới. Trong hai tuần dẫn đến ngày Thứ tư Đen tối, ông Soros đã cùng chính phủ Anh quốc chơi một ván bài poker với số tiền đặt cao nhất trong lịch sử.”

    Kaletsky viết: Soros công nhận là ông ta đã lãi một tỷ đôla trong việc đồng bảng Anh sụp đổ “với một sự nép mình vì bối rối nhưng cũng không hoàn toàn che giấu được một sự hài lòng tinh quái.”

    Giải thích về những gì mình đã làm trước ngày Thứ tư Đen tối, Soros nói với Kaletsky: “Chúng tôi bán khống rất nhiều bảng Anh và chúng tôi kiếm được rất nhiều tiền, vì các quỹ của chúng tôi rất lớn. Có lẽ chúng tôi là nhà môi giới mạnh nhất trên thị trường trong những ngày trước khi ERM tan rã. Vị thế tổng cộng của chúng tôi trong ngày Thứ tư Đen tối có giá gần 10 tỷ đôla. Chúng tôi có ý định bán nhiều hơn thế. Khi Norman Lamont nói ngay trước khi phá giá đồng bảng là ông ta muốn vay 15 tỷ đôla để bảo vệ đồng bảng, thì chúng tôi buồn cười vì chúng tôi đang muốn bán đi cũng chừng ấy:

    “Nhưng mọi việc tiến triển nhanh hơn chúng tôi tưởng, và chúng tôi không tìm cách lập toàn bộ vị thế. Vậy thì, một tỷ là cũng tính đúng cho số tiền lãi, một tỷ đôla chứ không phải tỷ bảng.”

    Soros kiểm tra lại với văn phòng của ông và thấy rằng tiền lãi hiện tại trên các vị thế bảng Anh của ông gần 950 triệu đôla, nhưng lợi nhuận của ông tiếp tục tăng vì ông còn giữ các ngoại tệ khác ngoài đồng bảng Anh. Trên khoản 950 triệu đôla ấy, phần của riêng Soros là một phần ba. Các vị thế đầu cơ lên giá trên các hợp đồng tương lai futures trên lãi suất của Anh, Pháp và Đức và đầu cơ bán khống đồng lira Ý làm cho lợi nhuận của ông lên đến 2 tỷ đôla.

    Được hỏi là nếu thủ tướng Anh tăng lãi suất trước ngày Thứ tư Đen tối thì có hơn không, Soros trả lời: “Hoàn toàn vô lý, đó là chuyện vớ vẩn. Nếu tăng lãi suất thì điều này chỉ khuyến khích chúng tôi bán nhanh hơn, bởi vì quá trình đang đến nhanh. Thật ra chúng tôi không chờ đợi đồng bảng phá giá trước cuối tuần. Nhưng khi lãi suất tăng lên trong ngày Thứ tư Đen tối, chúng tôi mới phát hiện ra là không chờ được nữa. Chúng tôi phải bán nhanh để xây dựng vị thế của chúng tôi. Không còn đủ thời gian nữa."

    Trong một bài phỏng vấn với tôi, Kaletsky nhắc lại buổi nói chuyện với Soros chiều thứ bảy tháng Mười ấy, nói là ông rất ngạc nhiên khi thấy nhà đầu tư có vẻ như khá vô cảm: “Ông ấy luôn luôn có vẻ xa vời và rất lý thuyết khi nói đến chuyện làm ăn. Lúc ấy tôi rõ ràng là không biết... chuyện ấy có gây cảm xúc gì cho ông không... Có lẽ như trong trường hợp của ông nó chỉ là một cách để tranh tài... Ông ấy thật sự rất hãnh diện vì đã làm được cú ấy. Đó là lý do vì sao ông ấy quyết định nói với tôi về chuyện này trong bài phỏng vấn.

    “Ông ấy hài lòng về sự nhạy bén của mình đã hoàn thành việc ấy, đã đương đầu với các nhà chức trách, với Ngân hàng Anh quốc và đã thắng. Ông ấy cũng thích thú vì nhận được mọi quảng cáo trên các hoạt động từ thiện của mình ở Đông Âu.”

    Soros vui sướng vì canh bạc của ông chống lại đồng bảng Anh lại đi theo đúng các lý thuyết tài chính của mình. Con người đã say mê với lý thuyết về hỗn loạn đã tìm thấy trong cuộc khủng hoảng ERM một giai đoạn khá hỗn loạn trong tài chính của những năm 1990.

    Dựa theo lý thuyết rằng các nhận thức là quan trọng trên hết và những nhận thức sai lầm có thể tạo ra các cách hành xử phản hồi trên các thị trường, Soros đã có thể phát hiện ra một nhận thức sai lầm quan trọng trước ngày xảy ra cuộc khủng hoảng ERM: đó là hy vọng hão huyền rằng ngân hàng Đức Bundesbank sẽ hỗ trợ đồng bảng Anh trong bất kỳ trường hợp nào. Khi Bundesbank cho thấy rõ là nó không chịu chiều theo ý muốn của Ngân hàng Anh quốc và hạ lãi suất, thì Soros nhảy vào đánh cược.

    Lý thuyết của ông cũng làm cho ông tin tưởng rằng các nhà đầu cơ khác sẽ hành động theo cách chạy theo khuynh hướng, do đó tạo điều kiện cho một cách hành xử phản hồi trên thị trường. Ông nhận xét: “Trong một hệ thống tỷ suất hối đoái thả nổi tự do thì các giao dịch đầu cơ sẽ dần dần có trọng lượng lớn, và nếu như vậy, đầu cơ sẽ ngày càng mang tính cách chạy theo khuynh hướng, dần dần dẫn đến việc các tỷ suất hối đoái quay ngoặt lại cho đến khi hệ thống bị sụp đổ.”

    Đấy chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của Soros.

    Bây giờ ai ai cũng muốn biết con người đã thắng một cú lớn chống lại đồng bảng như thế nào. Từ khi tin tức về cú đánh của ông được lan truyền rộng rãi, George Soros được gọi là “Người làm phá sản Ngân hàng Anh quốc.” Soros không làm cho Ngân hàng bị phá sản, nhưng chắc chắn là đã hút đi nhiều bạc tiền quý giá của nó.

    Đối với phần lớn người Anh, Soros được xem như một người hùng dân gian. Kaletsky nhớ lại: “Không hề có những đối kháng có tính bài ngoại như người ta có thể chờ đợi. Trái lại, công chúng Anh, với thái độ rất Ăng-lê, nói: Tốt cho ông ấy. Nếu ông ấy kiếm được hàng tỷ đôla chỉ vì sự ngu xuẩn của chính phủ ta thì ông ấy chắc pbải rất sắc sảo."

    George Magnus, nhà kinh tế trưởng trong bộ phận quốc tế của công ty chứng khoán S.G. Warburg ở London, nói rằng “những gì đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy rằng đây là một nhà tài chính có tầm nhìn, nói là làm... trong khi Ngân hàng Anh quốc và Chính phủ Anh thì phải trả giá vì vẫn còn sống trong thời tăm tối, không hề biết đến những gì xảy ra chung quanh mình... Trong một phần của các bài báo, Soros cũng được đưa ra như một thí dụ về việc những nhà đầu cơ thiếu đạo đức lợi dụng được các chính phủ, vì vậy đây cũng là con dao hai lưỡi.”

    Soros tỏ vẻ thích thú với những quảng cáo mới về ông. Có lẽ bây giờ ông có thể biến uy tín mới của mình thành một bó đuốc để thắp sáng cho những góc của đời mình mà ông cần quảng cáo: các ý tưởng trên mặt trí tuệ và lòng bác ái của ông.

    • • •

    Một cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp, Roland Dumas, có nói là các nhà đầu cơ Anglo-Saxon - ám chỉ những người Anh và Mỹ làm nghề buôn bán tiền tệ như Soros - đã phá hoại các ước vọng của người châu Âu. Ông nói: “Cứ nhìn xem tội ác mang lợi đến cho ai.”

    Nhưng nếu báo chí nước Anh muốn đổ tội lên đầu Soros vì ông đã thắng lớn thì họ không thành công. Khi mọi người ở Anh gọi ngày 16 tháng Mười là ngày Thứ tư Đen tối, thì Soros gọi đấy là ngày Thứ tư Sáng sủa của ông. Và ông bác bỏ những chỉ trích nhắm vào ông. “Tôi chắc chắn là có những hậu quả xấu, nhưng tôi không hề nghĩ đến. Phải như vậy. Nếu tôi không thực hiện một số hành động vì sợ vi phạm đạo đức thì tôi không còn là một nhà đầu cơ có hiệu quả nữa.

    Tôi không hề có một chút hối hận vì đã làm giàu khi đồng bảng Anh bị phá giá. Có thể là việc phá giá đồng tiền cũng có cái hay của nó. Nhưng vấn đề là: Tôi không đầu cơ chống lại đồng bảng để giúp nước Anh. Tôi cũng không đầu cơ để làm hại nước Anh. Tôi chỉ làm để kiếm tiền mà thôi.”

    Giới truyền thông nước Anh không chịu bỏ qua. Soros được lợi thì có phải nước Anh bị thiệt hay không? Có phải là Soros đã bắt mỗi người dân đóng thuế Anh phải trả cho ông 25 bảng hay không? Có phải mỗi người dân Anh, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị thiệt 12 bảng rưỡi hay không?

    Ông nói rằng đúng thế, nước Anh bị thiệt. “Trong trường hợp này, không hề có vấn đề vì tôi biết đối đầu với tôi là ai. Trong mọi giao dịch, phải có người được, phải có người thua. Nhưng bình thường thì anh không biết đối thủ của mình là ai. Và anh cũng không biết họ thắng hay thua. Trong trường hợp này, rõ ràng đối thủ của tôi là Ngân hàng Anh quốc, và tôi không hề có chút cảm giác tội lỗi nào cả, tôi có thể cam đoan với anh như thế vì nếu tôi không lấy vị thế ấy thì một người khác cũng lấy vị thế ấy."

    Hơn nữa, Soros tin rằng mình đã làm một việc bổ ích vì đã lấy phần lớn số tiền ấy đem cho đi, nhất là vì không có ai ở phương Tây lại muốn giúp phương Đông.

    Nhờ có cú đánh vào đồng bảng Anh, năm 1992 là một năm rất tốt cho George Soros và cho Quỹ Quantum.

    Thêm vào danh tiếng cho ông, Soros lại được bầu làm người được trả công cao nhất ở Wall Street. Năm 1992, ông kiếm được 650 triệu đôla, trên năm lần thu nhập của ông năm 1991. Michael Milken nhà buôn chứng khoán về sau bị tù, không còn có thể phô trương kỷ lục 550 triệu đôla kiếm được năm 1987.

    Tờ Financial Times đã đăng danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất ở Wall Street và cho thấy Soros có được 400 triệu đôla thu nhập từ lợi nhuận của quỹ đầu tư thực hiện được, 250 triệu đôla là tiền công quản lý quỹ. Đứng bốn bậc sau Soros trên danh sách ấy là Stanley Druckenmiller, nhà giao dịch chính của ông mới 39 tuổi, với thu nhập 110 triệu đôla năm 1992.

    Cuối năm ấy Quỹ Quantum đứng đầu các quỹ đặt ở nước ngoài với tài sản 3,7 tỷ đôla, tăng 68,6 phần trăm. Nếu ai đầu tư vào Quantum 10.000 đôla năm 1969 khi quỹ mới mở và tiếp tục tái đầu tư các cổ tức thì đến cuối năm 1992 sẽ có khoản tiền 12.982.827,62 đôla.

    Đáng chú ý là bốn trong số sáu quỹ có thành tích cao nhất đều là của Soros; Quỹ Quantum Emerging đứng thứ ba, tăng 57 phần trăm, Quasar International đứng thứ tư, tầng 56 phần trăm và Quota đứng thứ sáu, tăng 37 phần trăm. Soros đang quản lý trên 6 tỷ đôla trong bốn quỹ đặt tại nước ngoài của ông.

    Soros đã làm thế nào mà được như thế?

    Ngoài số tiền thu được trong cuộc khủng hoàng ERM tháng Chín, ông cũng kiếm được rất nhiều tiền nhờ chứng khoán quốc tế, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán Nhật vào đầu năm. Ông cũng kiếm lãi trên các chỉ số vốn sở hữu ở Mỹ.

    Năm 1992 là một năm rực rỡ đối với Soros. Không những là ông đang quản tý một tài sản lớn mà ông còn được xem là một nguời làm ra những điều kỳ diệu. Vào một buổi tối cuối năm, trong một bữa tiệc dành cho các nhà trí thức ở thành phố Praha, câu chuyên cứ xoay quanh về những khoản tiền mà Soros mới kiếm được. Ngồi cùng bàn với những người ông ưa thích nhất, Soros nói là ông sẽ rất vui sướng nếu tiếng tăm của ông có thể giúp ông ở phương Đông dù cho nó gây hại ông ở phương Tây. Bây giờ đã là một người nổi tiếng, Soros đang bận rộn tặng chữ ký cho đám đông, ông ký tên vào các đồng năm bảng của Anh.

    Nhưng Soros vẫn tìm kiếm một thứ gì vẫn còn lảng tránh ông: sự kính nể.

    Ông bất ngờ trở thành một gương mặt của công chúng. Người ta muốn xin chữ ký của ông. Giới truyền thông muốn đào sâu vào cuộc đời và sự nghiệp của ông để mô tả những gì làm ông hành động như thế. Cũng tốt thôi. Nhưng chưa đủ đối với Soros. Ngay cả đưa tiền ra cho cũng chưa đủ làm ông hài lòng.

    Ông muốn nhiều hơn nữa. Ông luôn luôn muốn người ta kính nể trí óc của mình. Bây giờ, ông lại muốn nhiều hơn bao giờ hết.

    Mục tiêu của ông, tuy chưa bao giờ được nói rõ trước công chúng, nhưng thỉnh thoảng được nhắc đến trong chốn riêng tư, là có được quyền lực ở Washington, không phải có những chức vụ dân cử hay cả được bổ nhiệm một vị trí quan trọng trong chính phủ. Ông chỉ cần được tổng thống hay những nhà chính trị hàng đầu khác ở thủ đô tín nhiệm mà thôi.

    Soros thường tỏ ra mình thuộc đảng Dân chủ và vào tháng Mười Một 1992, Bill Clinton, một người của đảng Dân chủ, được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Soros thấy khó có thể được vị Tổng thống mới chú ý đến. Nhiều người khác có nhiều tiền bạc tin rằng mình có quyền được tín nhiệm ở Washington. Điều gì làm cho Soros tin rằng mình có nhiều quyền hơn người khác? Ông sẽ làm gì để vượt lên đám đông và được người ta lắng nghe ông? “Tôi phải tìm cách làm thay đổi cách người ta nhìn tôi,” ông nói với các cộng sự, “bởi vì tôi không chỉ là một người giàu có như những người khác. Tôi có những điều cần nói và tôi muốn được người ta nghe tôi."