“Bản sắc nước mắm, cá kho không bao giờ phai” (Dương Thanh)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    “Bản sắc nước mắm, cá kho không bao giờ phai”


    Tác giả: Dương Thanh


    Khi “Mùa len trâu” đang ngao du trời Tây, đón nhận sự trân trọng và ủng hộ của khán giả nước ngoài, thì nhà văn Sơn Nam, người khơi nguồn ý tưởng cho bộ phim, vẫn lặng lẽ với nếp sống giản dị. VnExpress đã có cuộc trò chuyện với ông.

    [​IMG]
    Nhà văn Sơn Nam (Ảnh: T.V.)​


    - Hãng phim Sài Gòn từng dựng phim “Cây Huê Xà” dựa theo truyện ngắn cùng tên trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau”. “Mùa len trâu”, cũng lấy ý tưởng từ hai truyện ngắn trong tập truyện này của ông, đang liên tiếp thành công ở nước ngoài. Theo ông, điều gì đã mang đến sức hấp dẫn lớn như vậy cho tập truyện?

    - Hương rừng Cà Mau thành công ở chỗ nó phần nào dựng lại được phong tục, lối sống, suy nghĩ và tình cảm của người dân miền Nam ở buổi đầu đi khẩn hoang. Một giai đoạn đầy gian truân, khổ ải của cha ông, nhưng cũng rất vinh quang, rất đẹp và dạt dào tình cảm.

    Câu chuyện về những người đi khẩn hoang gợi lên cái tình người dân dã, keo sơn cái tình quê hương đồng bào khắc khoải. Là truyện thì tất nhiên phải hư cấu chút đỉnh, nhưng cái cốt lõi là chất sử liệu chân thực mà tôi cố gắng thể hiện trong truyện đã mang lại sức sống dai bền cho nó.

    - Ông có thể nói thêm về hoàn cảnh ra đời của tập truyện này?

    - Tôi viết tập truyện này vào khoảng năm 1954, khi vừa từ chiến khu ra và về Sài Gòn sống. Lúc đó, tôi ở một căn nhà thuê trên đường Ngô Gia Tự. Tự dưng thấy một thôi thúc mãnh liệt là phải viết những chuyện về vùng đất mà mình đã sinh ra, lớn lên và trải qua một phần trai trẻ. Viết để người Sài Gòn, người xứ khác hiểu về miền Tây Nam Bộ và viết cũng vì để kiếm tiền sống.

    - Theo ông, trong “Hương rừng Cà Mau” còn những truyện nào có thể dựng thành phim?

    - Tôi rất thích mấy truyện: Cô Út về rừng, Hát bội giữa rừng, Hương rừng... Đọc mấy truyện này thấy thấm thía cái tình người khẩn hoang, thấu suốt cái công mở cõi của họ. Bây giờ tụi trẻ dường như ít chịu nghe kể chuyện xưa, vậy thì dựng phim cho hay, thêm thắt cho hấp dẫn, cho đạt nghệ thuật để tụi nó hiểu thêm về quê hương đất nước kể cũng đáng.

    - Tại sao lại có cái tên “Mùa len trâu”?

    - Đất nước mình có nhiều cái hay, cái đẹp lạ lùng. Nhà văn phải chịu khó học hỏi, trải nghiệm, chứng kiến để kể cho người ta biết. Tôi mong chờ Mùa len trâu chiếu cho dân mình xem, nhất là tụi nhỏ ở thành thị, để chúng thấy cảnh “len” hàng trăm con trâu là thế nào, cảnh mùa nước nổi ra sao.

    “Len” ở đây có gốc tiếng Khơ-me, là tháo ra, cởi ra. “Len Krabey” nghĩa là tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều, mà người thương trâu như bạn, giăng mùng cho trâu ngủ để khỏi bị muỗi chích, mùa nước nổi phải dắt trâu lên núi tránh nước.

    - Gầy đây, ông hay đọc tác phẩm của những ai?

    - Hồi trước thì có đọc truyện của Lý Lan, gần đây là Nguyễn Ngọc Tư, cô này viết tài, nhưng muốn sâu và bền hơn thì phải đi nhiều, học nhiều hơn nữa.Văn chương không chỉ là chuyện tình yêu nam nữ đơn thuần, văn chương phải giúp người ta gợi nhớ, khắc sâu về con người, cuộc sống. Muốn viết văn hay không chỉ có cảm xúc mà còn phải có kiến thức, nhất là sử địa, phải chịu khó học...

    - Nhiều người cho rằng trước sức tấn công của các luồng văn hóa nước ngoài, giới trẻ Việt Nam sẽ xa dần bản sắc dân tộc. Ông nghĩ sao?

    - Bản sắc canh chua, nước mắm, cá kho... thì có bao giờ phai. Nhưng quan trọng là phải giúp tuổi trẻ hiểu và yêu bản sắc dân tộc mình. Tôi có mấy ông bạn ở Tây, ở Tàu rốt cuộc rồi cũng về Việt Nam sống cho bằng được đó thôi.

    (Nguồn: website VnExpress)

    Posted by goldfish
     
    tqt and Fish like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này