Thảo luận Ai là người đọc sách?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Đông Ri Thong Dong, 30/5/15.

Moderators: amylee
  1. Một bài viết hay. Tớ share nhé.
    >>>>>>>>>>>>>>>>

    Bàn về đọc sách

    - Francis Bacon -
    Nhà bác học Anh, 1561 – 1626

    Đọc sách có thể giải trí, có thể trang sức, có thể làm tăng thêm năng lực. Khi cô đơn đọc sách để giải trí, khi tán chuyện kiến thức có thể dùng để trang sức. Khi xử thế, làm việc, biết vận dụng kiến thức một cách chính xác thì đó là tài năng. Kẻ hiểu được nhân quả của sự việc là người may mắn. Người có kinh nghiệm thực tế biết xử lý các việc cụ thể, nhưng nếu muốn khái quát toàn thể, tính toán toàn cục thì chỉ có người đọc sách mới làm được.

    Đọc sách mà chậm quá thì sinh lười, đọc sách để trang sức là lừa dối, kẻ chỉ biết làm theo sách là mọt sách.

    Biết học hỏi kiến thức có thể làm thay đổi tính người, nhưng kinh nghiệm có thể phát huy, thay đổi kiến thức. Bản tính con người giống như hoa cỏ mọc dại, đọc sách, học tập giống như tưới nước, cắt tỉa cho đẹp. Học vấn tuy có thể chỉ dẫn phương hướng, nhưng vẫn thường rơi vào nông cạn, phải dựa vào kinh nghiệm thì mới có thể bám được rễ sâu.

    Kẻ giảo hoạt thường khinh bỉ học vấn, kẻ dốt nát lại hâm mộ học vấn, kẻ thông minh thì biết sử dụng học vấn. Bản thân kiến thức không cho ta biết phải sử dụng nó như thế nào. Cái trí tuệ biết vận dụng kiến thức nằm ở ngoài trang sách. Đó là vấn đề tài nghệ, không thể nghiệm thì không thể học được.

    Mục đích đọc sách là để nhận thức nguyên lý sự vật. Đọc sách chỉ để bắt bẻ, bới lông tìm vết là việc vớ vẩn. Nhưng cũng không nên quá mê tín vào sách. Mục đích học hỏi không phải để khoe khoang, mà để tìm lẽ phải, soi sáng trí tuệ.

    Sách giống như thức ăn. Có thứ chỉ nếm, có thứ có thể ăn nhiều. Chỉ có một ít thứ là cần nhai kĩ, ăn chậm để thấy vị ngon. Cho nên, có sách chỉ đọc một phần, có sách chỉ cần biết sơ lược, còn có một ít sách thì phải đọc hết, đọc kĩ, đọc đi đọc lại.

    Có sách có thể nhờ người khác đọc hộ, sau chỉ xem lại phần ghi chép là đủ. Nhưng đó chỉ là sách không quan trọng, tầm thường. Nếu không thế thì cuốn sách giống như thứ nước cất, đọc xong không còn mùi vị gì nữa. Đọc sách làm con người chắc nịch, tranh luận làm con người sắc bén, viết lách làm con người biết diễn đạt chính xác.

    Do đó nếu kẻ không đọc sách mà muốn mạo xưng là người uyên bác thì ắt hắn phải rất giảo hoạt mới che đậy được sự dốt nát của mình. Nếu một người lười cầm bút viết thì trí nhớ anh ta chắc phải bền và đáng tin cậy lắm lắm. Nếu một người muốn một mình tự suy nghĩ lấy thì ắt trí óc anh ta phải sắc sảo khác người thường.

    Đọc sử làm cho ta sáng suốt, đọc thơ làm cho ta thông minh, học toán làm cho ta chặt chẽ, triết lí làm cho ta sâu sắc, đạo đức khiến ta cao thượng; lôgich, tu từ giúp ta giỏi biện luận. Tóm lại, kiến thức có thể nhào nặn tính cách con người.

    Không chỉ thế, các khiếm khuyết về tinh thần có thể nhờ đọc sách mà được cải thiện, cũng như các khiếm khuyết về thân thể có thể nhờ hoạt động thích hợp mà cải thiện. Chơi bóng có lợi cho vùng thắt lưng, bắn cung làm nở ngực, đi bộ giúp tiêu hóa, cưỡi ngựa làm cho phản ứng linh hoạt,… Cũng như vậy, một kẻ tư duy không tập trung thì có thể học toán, bởi học toán mà không tập trung là sai ngay. Kẻ thiếu sức phán đoán, phân tích thì học triết lí tự biện, vì môn này đòi hỏi suy lí phức tạp, chi li. Không giỏi suy luận thì cần đọc các điều của luật pháp… Mọi khiếm khuyết về tinh thần đều có thể nhờ đọc sách, học hỏi mà được chữa trị.

    (GS.TS. Trần Đình Sử dịch từ sách "Học văn hóa theo các bậc đại sư", Quang minh nhật báo xuất bản, B, 2005).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  2. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Hà Văn Thịnh

    Báo Quốc tế

    Câu hỏi mà chúng tôi, những người làm nghề dạy học, thường nghe là sách nào cần đọc; mượn ở đâu hoặc giá cả như thế nào? Tuyệt nhiên không có bất kỳ sinh viên nào hỏi thầy cô cách thức đọc cuốn sách đó. Hình như việc đọc là chuyện đương nhiên của những người biết chữ. Nhưng nếu như biết chữ rồi mà không biết đọc thì học chữ để làm gì?

    Thực ra, chỉ nói riêng chuyện "vui chơi", ngay cả Nguyễn Du cũng phải lắc đầu vì nó "lắm công phu". Vậy thì sự học dĩ nhiên phải khó gấp vạn lần.

    Từ khi biết đọc, bàn tay tôi đã tập cách để giở khá nhiều trang sách. Nhưng để giở đúng và hiểu đủ là việc không dễ dàng.

    Có những cuốn sách làm ta thất vọng, nặng trĩu cảm giác hao hụt mà không hề có một chút thỏa mãn nào. Ngược lại, có rất nhiều cuốn cho ta hạnh phúc dù phải thao thức suốt đêm vì nó. Vậy thì vì sao con người lại lãng phí nhiều thời gian đến thế cho những điều vô bổ?

    Câu trả lời chỉ đến sau khi đi hết cuộc đời. Có lẽ bởi vậy nên tôi mạo muội viết ra đây những lời tâm huyết với mong muốn duy nhất là những người đến sau không phải đi qua những khúc quanh không đáng có. Tất nhiên sẽ có rất nhiều điều tôi viết không còn là những chuyện mới.

    1. Công việc đầu tiên nhất định phải biết là việc chọn sách. Chúng ta không thể đọc tất cả những điều cần biết, nhưng có thể có đủ thời gian để đọc những điều cần thiết.

    Sự mênh mông và đa dạng của tri thức nhân loại là người dẫn đường tồi cho những người ham hiểu biết. Hãy nhớ rằng phải ưu tiên cho những cuốn sách mà thầy giáo buộc phải đọc. Chưa hẳn thầy giáo đã đúng nhưng kinh nghiệm của thầy là cơ sở đáng để tin cậy.

    Còn những người đã rời ghế nhà trường rồi thì sao? Hãy đọc những gì mình thích. Một nguyên lý của muôn đời là chúng ta không chỉ thích những gì mình thiếu.

    2. Những cuốn sách hay hoặc một bài báo hay trước hết phải có một cái tên hay. Tôi ít thấy điều ngược lại. Những tên sách như Cuốn theo chiều gió, Đứng trước biển tự nó đã thông báo nhiều vấn đề dù chúng ta chưa đọc.

    Trong báo chí cũng vậy. Những cái tít tương tự như Mua danh ba vạn bán danh... ba hào, Ông Mê Man cuốn hút người đọc nhiều gấp bội lượng con chữ mà bài báo đem đến.

    Phần lớn các tên sách hoặc tên một bài báo đã là điểm trọng tâm - điều cơ bản mà người viết muốn chuyển tải đến người đọc.

    3. Nguyên tắc đầu tiên của việc đọc là nhất thiết phải gắn liền với việc ghi chép. Nằm dài trên giường để đọc một cuốn sách hay là một trong những điều thú vị tuyệt vời. Nhất là khi ngoài trời có tí tách hạt mưa, có một nỗi niềm cần phải quên.

    Tuy nhiên đó là cách tốt nhất để làm cho việc đọc trở thành sự lãng phí tuyệt vời. Cảm giác thích rồi... quên. Thói quen ghi chép buộc chúng ta, từ vô thức, có trách nhiệm với điều mình đọc. Nói cách khác, buộc tư duy không thể lười biếng.

    Hơn nữa, việc ghi chép sẽ làm cho quá trình mã hóa tri thức để chuyển vào bộ nhớ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Việc thường xuyên ghi chép còn tạo nên lợi thế không gì so sánh nổi: luyện tập khả năng hệ thống hóa và phân loại tư liệu.

    Việc ghi chép còn có ý nghĩa rất lớn trong tương lai - những mảnh rời rạc của tri thức luôn luôn rất có thể cần thiết cho một ý tưởng mới mà sự mù mờ của hiểu biết chưa thể xác định được. Câu hỏi đặt ra là ghi như thế nào? Điều cần ghi nằm trong những tiêu chuẩn sau:

    - Đó là những điều tạo nên sự hứng thú mà ta chưa gặp bao giờ.

    - Kiến thức đó có vấn đề (hoặc nhiều vấn đề) liên hệ đến chuyên môn mà chúng ta quan tâm.

    - Một ý tưởng khác lạ - thậm chí sai trầm trọng so với các quan niệm truyền thống. Cần nhớ là trong khoa học, một nhận xét càng gai góc bao nhiêu thì càng đáng để ghi chép bấy nhiêu.

    - Một chân lý hiển nhiên (châm ngôn, cách ngôn...)

    - Một nguyên tắc của lý thuyết nào đó.

    4. Sau khi đọc xong một chương, một phần hay cả cuốn sách cần phải hệ thống sơ bộ kiến thức thu nhận được. Từ đó cho phép người đọc hiểu rõ những luận điểm cơ bản nhất. F. Anghen luôn nhấn mạnh rằng "Khoa học bắt đầu từ việc so sánh".

    5. Nếu có thể, hãy trao đổi ngay vấn đề mình vừa đọc với người khác. Thật là tuyệt vời khi người ấy đã hoặc đang đọc cuốn sách, bài báo ấy.

    Còn ngược lại thì hãy tìm một đồng nghiệp, bạn học để trao đổi. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta sẽ khó có khả năng quên điều đã trải qua, thử thách thật sự là tính nghiêm túc của tranh cãi.

    6. Đến đây sẽ có câu hỏi đặt ra: khi gặp phải một cuốn sách ta nghĩ là cần thiết nhưng khó đọc vì khó hiểu thì làm thế nào? Một câu hỏi nan giải.

    Những tác phẩm loại này thường là sách triết học hoặc chính trị. Trước hết phải tập cách để "bóc" lớp vỏ ngôn từ - mà các triết gia và các nhà chính trị thì ngày càng viết và nói một cách đầy khó hiểu. Chẳng hạn, để mỉa mai việc Pháp quên quá nhanh công lao Mỹ giải phóng nước Pháp, viện trợ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Mỹ G. Bush nói rằng "Người Pháp có thói quen chỉ thích nghĩ đến hiện tại"!

    Bước thứ hai là sau mỗi chương, nhất thiết phải tóm tắt nội dung mà mình lĩnh hội. Đấy là cách hiểu ngắn để từ đó chúng ta đạt đến khả năng hiểu nhiều.

    7. Cho đến "công đoạn" này, quá trình tri thức hóa của chúng ta vẫn chỉ giới hạn ở mức độ "bắt chước" (immitation). Cái đọc được chỉ thành cái có được khi ta biết cách "tiêu hóa" nó (Indigennization). Từ indigennization có tài liệu dịch là "bản địa hóa"; nhưng theo tôi, diễn đạt như thế là kém chính xác.

    Cách dịch một đoạn văn, cũng như cách hiểu đối với một cuốn sách, đôi khi giống với cách hiểu về phụ nữ: chung thuỷ thì thường là ít đẹp; ngược lại, những người đàn bà đẹp thường là không chung thủy - hơn 100 năm trước, một người Pháp đã nói như thế.

    Việc "tiêu hóa" tri thức sẽ chấm dứt khi mỗi người bước sang giai đoạn 3: sáng tạo (innovation). Chắc chắn sẽ có người hỏi: "Làm sao có thể sáng tạo được?" Xin trả lời rằng chỉ trừ một số kẻ ngu dốt bẩm sinh còn thì bất kể ai, bất kể trình độ nào cũng có thể tìm ra một cái gì đó mới mẻ. Hãy tự tin và đừng cúi đầu trước bất kỳ tượng đài nào.

    8. Để cho việc đọc không bị gián đoạn, cần phải có kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, hãy đọc thật tập trung trong một giờ - vừa đọc vừa ghi chép, 30 hay 40 trang sách sau đó buộc mình trong một buổi phải đọc 120 trang hoặc 150. Chưa xong chưa rời khỏi bàn.

    Đây là cách mà nhờ nó, suốt bốn năm rưỡi thử thách độ chai bền của những chiếc ghế, tôi đã đọc được khá nhiều những cuốn sách khó...

    9. Đừng nên đọc mãi một loại sách. Đây là cách nghỉ ngơi bằng công việc. Tất nhiên cách này sẽ làm gián đoạn quá trình tư duy nhưng cần thiết.

    10. Lớp trẻ ngày nay khó đọc hơn. Đây là một tất yếu vì chúng ta đang sống trong thời đại của máy tính, truyền hình. Nhưng chắc chắn là không có một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế việc đọc.

    Người Nga hoàn toàn có quyền tự hào họ là dân tộc đọc nhiều nhất trên thế giới: chỉ riêng thành phố Mátxcơva đã có đến 1.500 thư viện. Rõ ràng tri thức và tình yêu là hai điều không thể mua được, nhưng mỗi chúng ta phải liên tục trả giá cho nó, từng ngày. Sự hiểu biết - văn hóa là "công việc" di truyền khó khăn nhất của con người.

    Hãy tập cách giữ gìn mỗi cuốn sách mà ta có và, hơn nữa nhất thiết phải cố để hiểu cho bằng được cách thức sử dụng chúng một cách tốt nhất. Sách không phải để trưng bày, càng không phải sinh ra cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện của cuộc đời giăng kín.

    Muốn thế, phải rèn cho được thói quen đọc mỗi ngày. Tôi biết chắc những người ngày nào cũng đọc hầu hết đều là những người có thể đứng ngang hàng với sự hiểu biết.

    Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng bao giờ tôi cũng có cảm giác khó tả khi đọc câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: "Cảo thơm lần giở trước đèn..." Một người như Nguyễn mà phải lần để giở những trang sách hay đủ chứng tỏ việc đọc sách khó đến mức nào!

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Chưa bao giờ người ta bàn nhiều về văn hóa đọc như hôm nay. Đọc đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ, được quyền lựa chọn. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc trong thời đại thông tin?

    Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn

    Đấy là câu nói cửa miệng của nhà tỉ phú người Mỹ Bill Gates - Chủ tịch tập đoàn Microsoft nổi tiếng - vừa có chuyến đi thăm Việt Nam (22-4-2006) vừa rồi. Bill Gates là biểu tượng rực rỡ nhất của cuộc cách mạng thông tin “làm đảo lộn thế giới” trong 20 năm qua. Quả thật, chính bản thân Bill Gates cũng không thể ngờ rằng, vai trò của công nghệ thông tin lại lan tỏa và có sức mạnh kỳ lạ như vậy. Đến Thượng đế bây giờ cũng phải đứng sau Internet. Chỉ riêng hệ điều hành Windows, hiện tại đã có hơn 1 tỉ máy vi tính với hơn 2 tỉ người sử dụng trên hành tinh này. Qua mạng, người ta có thể gửi thư, đọc báo, nhận tài liệu, xem phim, nghe nhạc, mua bán mọi hàng hóa, giao dịch thương mại, giao lưu trực tuyến… Internet đã làm cho thế giới này bé nhỏ đi nhiều. Một vụ nổ bom ở Iraq, một trận đấu tranh Cup C1, một ca phẫu thuật thay mặt ở tít phương trời xa có thể hiển hiện, đan xen ngay “trong bữa cơm chiều nhân loại”.

    Vậy là các thú vui đọc (tìm hiểu tri thức ghi trên giấy qua kênh thị giác) đang bị các thú vui khác lấn lướt và làm cho mất dần vai trò độc tôn của nó. Nếu ngày xưa trẻ em chỉ biết Lục Vân Tiên, Tây Du Ký hayChiến tranh và hòa bình… qua sách vở thì bây giờ, phim truyện, phim hoạt hình, tranh ảnh đã làm thay việc đó. Trẻ em, mà chẳng cứ trẻ em, thanh thiếu niên mọi lứa tuổi cũng chúi đầu, chúi mũi vào xem truyện tranh, vào mạng lấy thông tin và nhất là ngồi lì trên máy chơi games. Các “Games thủ” mê mải với các trò chơi trực tuyến vô cùng hấp dẫn. Tật ghiền chơi games giờ đây như một bệnh dịch. Và hiếm thấy ai đó chong đèn đọc sách thâu đêm, chúi đầu vào việc “dùi mài kinh sử” với hết chồng sách này đến tập sách khác. Nếu có, những người như vậy dễ bị thiên hạ cho là “lạc hậu”, là “lập dị”, là “lũ mọt sách hâm đơ giữa thời hiện đại”.

    Đọc: Một nghệ thuật, một khoa học

    “Đọc cũng là một nghệ thuật”. Đó là câu nói của vị lãnh tụ nổi tiếng của giai cấp vô sản: V. I. Lênin. Điều khá lý thú là ngày sinh của một trong những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác này lại trùng đúng ngày Bill Gates tới Việt Nam (22 - 4). Hai con người, hai thời đại, hai tuyên ngôn, nhưng ý tưởng và quan niệm của họ về sự tiếp cận tri thức và lĩnh hội các giá trị mà tri thức đem lại là hoàn toàn giống nhau.

    Chữ “nghệ thuật” của Lênin dùng trong châm ngôn trên có ý nghĩa gì? Nghệ thuật đọc ở đây chính là biết đọc sao cho hợp lý, khoa học và tích cực nhất (về thời gian, dung lượng và nội dung). Chả có ai trên thế gian này lại có đủ hơi đủ sức mà đọc cho hết tất cả, dù chỉ một số lượng sách trong một lĩnh vực hẹp. Theo thống kê từ Cục Xuất bản - Bộ Văn hóa - Thông tin, trong năm 2005, các nhà xuất bản ở nước ta đã công bố hơn 20 ngàn đầu sách với khoảng 250 triệu bản in. Con số đó chưa nhiều, nhưng là một kỉ lục so với 10 năm trước đây. Và trước một núi sách, một biển tri thức như vậy, ta sẽ đọc thế nào đây? Mỗi ngày một cuốn sách. 360 ngày, vị chi 360 cuốn. Ngay số lượng này thôi chắc gì chúng ta đã đọc nổi? Đó cũng chỉ là con số quá “khiêm tốn” so với 20 ngàn đầu sách một năm.

    Muốn biết đọc trước hết phải ham đọc. Bởi đọc là một sở thích nhưng cũng là công việc đầy nặng nhọc. Nhiều người đọc để giải trí, một thú vui. Song, đọc không phải là một trò chơi nếu ta muốn phấn đấu thành tài. Chỉ khi chúng ta coi việc đọc như một say mê tự thân, ta mới dám vượt khó, mới ham đọc và mới hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở. Có nhiều tri thức phải qua bao nhiêu “cửa” ta mới có cơ hội hiểu hết, “thẩm thấu” và biến thành tri thức của riêng mình. Đọc, xét cho cùng là một công việc gian nan, đầy lao lực, phải có kinh nghiệm và phải được trang bị một tri thức nền cần có. Vào các thư viện lớn ở Hà Nội hay các thành phố khác ở nước ta bây giờ (Thư viện Quốc gia VN, Thư viện Thông tin KHKT, Thông tin KHXH, Thư viện Hà Nội, Thư viện TP. Hồ Chí Minh… ) chúng ta cũng thấy có một số lượng người đọc không nhỏ. Nhưng thử làm một cuộc điều tra xã hội học nhỏ, ta cũng thấy số người đọc vì ham thích hoặc vì say mê khoa học không nhiều. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ một số gương mặt. Trong khi đó, số độc giả “đọc gạo” (đọc để thi, đọc để hoàn tất một chứng chỉ, đọc để làm xong một việc nhất thời nào đó rồi bỏ… ) lại chiếm số đông. Không tạo cho mình một thói quen máu thịt với việc đọc thì chẳng chóng thì chầy, ta cũng sẽ mải mê với những ham thích khác mà bỏ qua việc đọc. Có chăng, chỉ là một sự “đọc xổi” mà thôi.

    Trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội 23-4 vừa rồi, Bill Gates đã khuyên các bạn sinh viên là “phải biết đầu tư thực sự cho học vấn của mình. Phải biết học để bắt kịp thời đại”. Chính ông nói rằng hồi còn nhỏ, bố mẹ ông đã không tiếc tiền mua sách và ông đã say sưa đọc quên ăn, quên ngủ (điều mà ngay cả học trò Mỹ cùng lứa Bill cũng ngạc nhiên). Bí quyết mà ông tiết lộ là phải có óc tò mò, ham tìm tòi, học hỏi. Chính nhà bác học A. Einstein cũng từng khuyên lớp trẻ là “ ...phải biết ngạc nhiên từ những điều mà tưởng chừng không đáng ngạc nhiên”. Muốn vậy, ta phải bình tĩnh tìm trong sách vở. Chỉ có sách vở và những câu chữ nằm trên giấy mới giúp chúng ta thu nhận kiến thức hệ thống nhất, sâu sắc nhất để từ đó, chúng ta nâng cao trí tưởng tượng của mình. Chính óc tưởng tượng sẽ chắp cánh cho chúng ta có cơ hội bay cao, bay xa.

    Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” đâu, nhưng “đèn vàng” đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc chểnh mảng và thiếu nhiệt huyết trong việc đọc. Thanh niên ta bắt đầu lười đọc và đọc thiếu nghiêm túc. Ngày 23-4 vừa rồi cũng là ngày mà UNESCO chọn là Ngày đọc sách thế giới. Hãy tự tìm và trau dồi cho mình thói quen đọc đi bạn. Vào mạng đọc “ảo” và ngồi bàn đọc sách đều tốt cả. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vậy công nghệ hiện đại giúp chúng ta nối dài cánh tay mình. Chúng sẽ hỗ trợ cho nhau nếu chúng ta biết kết hợp hài hòa nhu cầu đọc đang có trong cuộc sống. Cái gì cũng cần có chừng mực bạn ơi. Thái quá như bất cập mà!

    ---------------------------------------------------

    Tác giả: TS. Phạm Văn Tình

    Nguồn: Tạp chí Thư viện số 3/2006
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này