Self-help Bạn Thật 'Bá Đạo'!

Thảo luận trong 'Tủ sách Tâm lý - Giáo dục' bắt đầu bởi Missfly82, 15/4/20.

Moderators: dragonking91, mopie
  1. Missfly82

    Missfly82 Mầm Non

    [​IMG]

    Bạn có thể bắt đầu từ khi chẳng có gì, và từ chỗ chẳng có gì, từ nơi không có đường lối nào, một đường lối sẽ được vạch ra.

    — Mục sư Michael Bernard Beckwith người từng nghiện ma túy, rồi chuyển sang nghiện thế giới tâm linh, rồi trở thành người truyền cảm hứng.

    Tôi đã từng cho rằng những câu nói như vậy chỉ là một mớ nhảm nhí. Tôi chẳng hiểu họ đang nói về cái quái gì cả. Mà tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Vì khi đó, tôi đã quá “ngầu”. Tôi chỉ biết một chút xíu về thế giới của những chuyện tâm linh và tự cải thiện bản thân, tôi thấy nó sến súa vô cùng: nó sặc mùi giáo điều sáo rỗng, như thể những kẻ xa lạ, xấu xí cứ muốn ôm ấp, vỗ về chúng ta vậy. Và đừng bảo tôi kể chuyện khi ấy tôi thường hay càu nhàu về Thượng đế như thế nào.

    Cùng lúc đó vẫn còn tồn tại những vấn đề trong cuộc sống mà tôi rất muốn thay đổi, và nếu tôi gạt đi được cái thói kiêu căng tự phụ của mình thì có khi tôi đã nhận được sự giúp đỡ nào đó để cải thiện tình hình. Về tổng thể thì cuộc sống của tôi vẫn tương đối khá khẩm – tôi đã xuất bản được vài cuốn sách, có nhiều người bạn tuyệt vời, có gia đình khăng khít, có căn hộ riêng, xe hơi riêng, có đồ ăn và đủ răng lợi để ăn uống, có quần áo mặc, có nước sạch để uống – nên nếu so với đại đa số dân cư trên hành tinh này thì cuộc đời của tôi có thể coi là “ngon lành cành đào”. Nhưng nếu so với năng lực bản thân vốn có, tôi thấy chẳng có gì đáng ấn tượng cả.

    Khi ấy, tôi luôn cảm thấy rằng, Thôi nào, chẳng nhẽ cố gắng hết cỡ cũng chỉ được nhường này sao? Thật vậy ư? Tôi sẽ chỉ kiếm được đủ để trả tiền thuê nhà hằng tháng thôi sao? Tiếp tục như vậy mãi sao? Tôi sẽ lại dành cả năm trời để hẹn hò yêu đương với những gã trai lập dị, để chìm đắm trong những mối quan hệ hời hợt, để tạo ra thêm phiền não ư? Thật vậy sao? Và tôi sẽ lại tự vấn bản thân về mục đích tồn tại của mình, để rồi lại tự nuốt lấy khổ đau của vũng lầy ấy vào lòng và chấp nhận chúng như đã từng làm hàng triệu lần trước đây?

    Sống. Cứ. Như. Đang. Ngái. Ngủ.

    Tôi có cảm giác cuộc đời của mình cứ nhờ nhợ trôi qua, chỉ thi thoảng có một hai sự kiện hay ho đâu đó mà thôi. Và cái phần đau đớn nhất chính là trong sâu thẳm thì tôi luôn BIẾT rằng mình là một ngôi sao, rằng tôi có khả năng yêu thương, cho đi và nhận lại tuyệt vời, rằng tôi có thể nhảy một bước vọt qua cả tòa nhà cao tầng, rằng tôi có thể kiến tạo ra bất cứ thứ gì nếu đã quyết tâm… Cái gì kia? Tôi lại lãnh thêm một vé phạt đỗ xe ư? Đùa nhau chắc, đưa đây xem nào. Tôi không còn đủ tiền đóng phạt nữa, tháng này đã bị phạt tới ba lần rồi! Tôi phải xuống kiến nghị với họ ngay bây giờ… và thế là, tèn tén ten, tôi lại cắm đầu cắm cổ vào những chuyện vụn vặt không đâu, để rồi vài tuần sau đó lại chẳng thể hiểu nổi mấy tuần vừa rồi đã trôi đi đâu, và tại sao tôi vẫn còn sống ở cái căn hộ tồi tàn này, hằng ngày ăn những bữa ăn rẻ tiền trong đơn độc.

    Tôi đoán rằng nếu bạn đang đọc cuốn sách này thì cuộc đời của bạn cũng có những chuyện chẳng thuận lợi cho lắm. Và bạn cũng biết rằng chúng có thể được cải thiện hơn rất nhiều. Có thể bạn đang chung sống vui vẻ cùng với người bạn đời, nhưng bạn nghèo tới nỗi con chó của bạn cũng phải tự kiếm ăn. Có thể bạn dư dả về tài chính và đang thuận lợi trên con đường theo đuổi nhiều mục tiêu, nhưng lại chẳng nhớ nổi lần cuối cùng bạn cảm thấy thực sự vui sướng và hạnh phúc là khi nào. Hoặc có thể bạn kém cỏi trong tất cả các lĩnh vực trên, và lúc rảnh rỗi thì bạn dành thời gian để khóc lóc. Hoặc uống rượu. Hoặc hậm hực thù hằn người ghi vé phạt đỗ xe, mà theo bạn là luôn tới đúng lúc nhưng chẳng hề có khiếu hài hước và chính là một phần nguyên nhân khiến bạn gặp phải khủng hoảng tài chính. Hoặc có thể bạn đã có được tất cả mọi thứ bạn từng mong muốn trên đời, nhưng vì một lý do nào đó, bạn vẫn cảm thấy thiếu thốn và chưa hoàn thiện.

    Bạn không nhất thiết phải hướng tới mục tiêu kiếm hàng triệu đô-la, giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới hay tìm kiếm một chương trình truyền hình cho riêng bạn, trừ khi chúng thực sự là những điều mà bạn muốn. Bạn có thể đặt ra những mục đích đơn giản hơn, như chăm sóc gia đình hoặc trồng được một bông hoa tu-lip hoàn hảo.

    Bạn cần xác định rõ ràng xem điều gì khiến bạn hạnh phúc, khiến bạn cảm thấy thực sự đang tồn tại và tạo ra chính điều đó, chứ không phải giả vờ rằng bạn không thể đạt được hay không xứng đáng có nó. Hoặc lo sợ bị coi là một kẻ tham lam nếu cứ ham muốn thêm dù bản thân đã có những thứ khác rồi. Hoặc nghe lời bố, mẹ hay dì nói về những điều họ nghĩ bạn nên làm.

    Tôi sẽ biến bạn trở thành một phiên bản hạnh phúc nhất, tươi sáng nhất, bá đạo nhất của bản thân bạn, dù bạn quan niệm phiên bản đó như thế nào đi nữa.

    Tin vui là để đạt được điều đó, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là thay đổi một thứ cực kỳ đơn giản:

    Bạn phải chuyển từ mong muốn thay đổi cuộc đời sang quyết định thay đổi cuộc đời.

    Việc mong muốn có thể được thực hiện khi chúng ta ngồi vắt chân trên ghế với điếu thuốc trong tay và quyển tạp chí du lịch trên đùi.

    Còn việc quyết định thì có nghĩa là nhảy vào cuộc chơi hết mình, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết, theo đuổi giấc mơ với quyết tâm của một kiều nữ chân dài đã xác định rằng “không tiền cạp đất mà ăn”.

    Có thể bạn sẽ làm những chuyện chưa bao giờ bạn tưởng tượng rằng mình sẽ làm, bởi nếu có người quen trông thấy bạn làm hay tiêu tiền vào chuyện đó, họ sẽ trêu chọc bạn mãi không thôi. Họ sẽ lo lắng cho bạn. Hoặc họ sẽ không còn giao du với bạn vì giờ đây bạn có vẻ kỳ cục và khác thường. Có thể bạn sẽ phải đặt niềm tin vào những điều mà bạn chưa thể thấy được ngay, và thậm chí cả những điều mà bạn vẫn luôn cho là hoàn toàn bất khả thi. Bạn sẽ phải vượt qua những nỗi sợ hãi, phải biết cách chấp nhận thất bại nhiều lần, và phải tập thói quen làm những việc mà bạn vẫn ngại làm. Bạn sẽ phải bỏ đi những niềm tin cố hữu, lạc hậu và bị giới hạn, để vững vàng bám lấy quyết định tạo ra cuộc đời mà bạn mong muốn, như thể mạng sống của bạn phụ thuộc vào nó vậy.

    Bạn biết vì sao không? Vì đúng là mạng sống của bạn phụ thuộc vào nó.

    Nghe thì có vẻ vô cùng khó khăn, nhưng thực ra nó không thể khốn khó bằng việc tỉnh dậy nửa đêm và cảm thấy bị đè nén như thể có ai đó đang đỗ xe trên ngực bạn, và bạn bẹp dí dưới sức ép của việc nhận ra rằng cuộc đời đang trôi vụt qua và bạn chưa hề bắt đầu sống một cách thực sự có ý nghĩa.

    Có thể bạn đã nghe câu chuyện về những người bất chợt đạt được bước tiến lớn vào thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời của họ – như là khi họ phát hiện khối u ác tính, hay khi nghèo tới nỗi bị cắt điện vì không thể trả tiền điện, hay khi sắp phải bán thân cho người lạ để kiếm tiền mua thuốc, thì bất chợt họ tỉnh ra và hoàn toàn thay đổi. Nhưng thực ra, bạn chẳng cần phải chờ tới khi bị rơi xuống đáy thì mới bắt đầu trèo lên. Tất cả những gì bạn cần làm là đưa ra quyết định. Và bạn có thể làm điều đó ngay bây giờ.

    Có một câu thơ rất hay của nhà thơ Anaïs Nin, tôi xin tạm dịch như sau: “Rồi sẽ tới một ngày mà những mối nguy hại của việc bó mình trong nụ hoa sẽ lớn hơn và đau đớn hơn các mối nguy hại của việc nở bung thành bông hoa.” Trường hợp của tôi hoàn toàn đúng như vậy, và tôi nghĩ rằng nó cũng đúng với đa số các trường hợp khác. Sự thay đổi của tôi là cả một quá trình (và đến giờ vẫn đang là một quá trình) vốn được bắt đầu bằng quyết định của tôi rằng phải thực sự cải thiện tình hình, dù có phải làm gì đi chăng nữa. Tôi đưa ra quyết định ấy vào thời điểm mà những điều tôi thường làm đều không giúp cải thiện được gì cả: than vãn với bác sĩ tâm lý và những người bạn cũng kém cỏi và tệ hại như mình, làm việc hùng hục, la cà nhậu nhẹt và hy vọng các vấn đề sẽ tự được giải quyết… Khi ấy, tôi tuyệt vọng tới nỗi sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để chấn chỉnh cuộc đời mình, và ôi trời, tình cảnh lúc đó cứ như thể cả thế gian đang thử thách xem sự quyết tâm của tôi lớn tới mức nào.

    Tôi ghi danh học các khóa tạo động lực, nơi mà họ bắt tôi gắn bảng tên trước ngực và đập tay với người bên cạnh rồi hét lên rằng: “Bạn tuyệt vời và tôi cũng vậy!” Tôi còn phải cầm gậy bóng chày để vừa vụt túi bụi vào một cái gối vừa gào thét như đang lên cơn, phải kết thân với người chỉ dẫn tinh thần cho mình, phải tham gia một nghi lễ nhóm mà trong đó tôi kết hôn với bản thân, viết thư tình cho cái âm đạo của mình, vừa sưởi nắng vừa đọc các loại sách động lực, và vay mượn cả một đống tiền để thuê huấn luyện viên riêng.

    Có thể coi là tôi đã hy sinh vì các bạn.

    Nếu bạn còn bỡ ngỡ với thế giới của việc tự cải thiện bản thân thì tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ nhẹ nhàng giới thiệu cho bạn một vài khái niệm – tuy là khái niệm cơ bản nhưng đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của tôi, để bạn có thể nắm bắt và đạt được những bước đột phá trước khi vừa bỏ chạy vừa la hét. Còn nếu bạn đã quen với việc tự cải thiện và phát triển bản thân rồi thì hy vọng cuốn sách sẽ trình bày được điều gì đó theo một cách mới mẻ, mở ra những tia sáng giúp bạn nhận thấy rằng có thể chuyển hướng và đạt được các thành quả cụ thể, để rồi một ngày nào đó, bạn sẽ tỉnh dậy và bật khóc trong vui sướng vì không thể tin nổi mình lại thành công như vậy.

    Và nếu tôi có thể giúp cho dù chỉ một người bỏ được cái thói trẻ con ở bên trong họ thì coi như cuốn sách này đã hoàn thành nhiệm vụ.

    Khi bắt đầu cải thiện bản thân, tôi chỉ quan tâm đến mục đích kiếm tiền. Khi ấy tôi không hề biết làm thế nào để kiếm ra tiền một cách bền vững và lâu dài, và thậm chí ban đầu còn thấy khá kỳ cục khi phải thừa nhận mình muốn kiếm tiền. Lúc đó, tôi là nhà văn và nhạc sĩ; tôi cảm thấy rằng cứ mặc kệ chuyện tiền bạc và chỉ cần tập trung vào nghệ thuật là đủ (như vậy còn cao quý nữa chứ). Tư tưởng đó đã làm tôi khốn đốn! Nhưng tôi lại thấy rất nhiều người làm những công việc trơ trẽn và kinh khủng để kiếm tiền, còn chưa kể tới những nghề nghiệp nhàm chán, tới nỗi tôi hoàn toàn không muốn dây dưa gì tới chúng. Đã vậy, tôi còn cho rằng đồng tiền là dơ bẩn, rằng các thứ vật chất chỉ là phù du, hèn hạ và thấp kém, nên thật không thể hiểu nổi tại sao khi đó tôi chưa phải “cạp đất mà ăn”.

    Thế rồi tôi cũng nhận ra mình không chỉ cần tập trung vào việc kiếm tiền, mà còn phải vượt qua được nỗi sợ hãi và ghê tởm đồng tiền thì mới có thể thực sự kiếm được tiền. Đây chính là lúc mà những cuốn sách hướng dẫn cải thiện bản thân bắt đầu thâm nhập vào nơi tôi sống và bảng tên hiện diện trên ngực tôi. Cuối cùng, tôi đẩy khoản nợ ngân hàng của mình lên cao tới mức kỷ lục vì đã bỏ ra khoản tiền còn lớn hơn số tiền đã mua chiếc xe cà tàng, để thuê huấn luyện viên đầu tiên. Trong vòng sáu tháng sau đó, tôi đã tăng được thu nhập lên gấp ba lần bằng cách mở một dịch vụ hướng dẫn trực tuyến cho các nhà văn. Giờ đây, tôi đã biến nó thành một nơi kiếm ra lợi nhuận đủ để cho bản thân có điều kiện đi khắp thế giới, viết lách, diễn thuyết, chơi nhạc và hướng dẫn người khác cách cải thiện cuộc đời của họ, thông qua những phương thức – những khái niệm mà xưa kia tôi từng khinh bỉ và coi thường, còn giờ thì lại hoàn toàn mê mẩn.

    Để giúp bạn cũng tới được những nơi mà bạn muốn tới, trong cuốn sách này, tôi sẽ yêu cầu bạn tập cách chấp nhận những thứ có vẻ như xa lạ ở ngoài kia, khuyến khích bạn trở nên cởi mở và suy nghĩ thoáng. Không, thực ra tôi thấy cần phải quát vào mặt bạn rằng: HÃY CỞI MỞ VÀ BIẾT CHẤP NHẬN CÁI MỚI, NẾU KHÔNG THÌ SẼ TIÊU ĐỜI! Tôi nói thật đấy. Chuyện này thực sự rất quan trọng. Bạn đang ở vị trí hiện tại do bạn chỉ làm những thứ mà bạn đang làm, vậy nên nếu không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại thì rõ ràng bạn phải biết cách thay đổi.

    Nếu bạn muốn được sống một cuộc đời mà bạn chưa từng sống thì bạn phải làm những việc mà bạn chưa từng làm.

    Tôi chẳng quan tâm tới chuyện hiện tại bạn có coi bản thân mình thất bại và bết bát hay không, chỉ cần thấy rằng bạn biết đọc, biết viết, có tiền để mua cuốn sách này và còn có cả thời gian để đọc nó, vậy thì coi như bạn đã có được những lợi thế rất lớn trên thế giới này rồi.

    Bạn đừng nghĩ cải thiện bản thân là một chuyện đáng xấu hổ, đáng để than vãn hay là đáng để tinh tướng. Đó là một chuyện nên được trân trọng, và nếu bạn đã quyết định theo đuổi chuyện này thì hãy tin rằng bạn hoàn toàn có khả năng đạt được những thành công mỹ mãn, có khả năng thể hiện sự bá đạo của bạn với toàn thế giới. Bởi đó mới chính là mục đích sau cùng.

    Chỉ những con người thông minh với trái tim rộng mở và tâm hồn sáng tạo mới có thể tận dụng được hết tiền bạc của cải, các nguồn lực, những sự ủng hộ mà họ có, để tạo nên dấu ấn của bản thân trên cuộc đời.

    Chúng ta đều muốn cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn và được yêu thương, để không ai phải trút nỗi bực dọc lên bản thân, lên người khác, lên môi trường xung quanh, lên động vật hay lên hành tinh này.

    Chúng ta cần phải sống giữa những con người dư dả và biết quý trọng bản thân, để tránh việc tiêm nhiễm vào các thế hệ tương lai những tư tưởng như tiền bạc là bẩn thỉu, mình không giỏi, hay mình không thể có được cuộc đời mà mình ao ước.

    Chúng ta cần những con người bá đạo, khả năng thoát khỏi cuộc sống chật vật, chuyển sang sống cởi mở và có mục đích, để họ có thể trở thành nguồn cảm hứng giúp những người khác cùng vươn lên.

    Điều đầu tiên mà tôi sẽ yêu cầu bạn làm là hãy tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không hề có giới hạn cho các khả năng và cơ hội. Tôi không quan tâm cho dù bạn có bao nhiêu chứng cứ rằng bạn không thể ngừng ăn nên bị béo, hoặc bản chất của người khác toàn là xấu xa, hoặc bạn không thể giữ nổi người yêu cho dù đã gông cùm anh ta đủ đường. Hãy tin rằng mọi chuyện đều hoàn toàn có thể xảy ra.

    Hãy thử xem nếu bạn tin tưởng – thì bạn có gì để mất? Nếu bạn đọc cuốn sách này rồi cho rằng nó chỉ là một mớ nhảm nhí thì bạn vẫn quay lại được với cuộc đời đáng thất vọng của mình. Nhưng nếu gạt những ngờ vực sang một bên, xắn tay áo lên sẵn sàng mạo hiểm, và hết mình theo đuổi mục đích, thì một ngày nào đó khi ngủ dậy, bạn sẽ chợt nhận ra mình đang sống một cuộc đời mà trước đây mình từng ghen tị.
    ***
    Bạn chính là nạn nhân của những luật lệ mà bạn tuân thủ.

    –Jenny Holzer nghệ sĩ, nhà tư duy, người hay thông minh đột xuất

    Nhiều năm trước, tôi gặp phải một tai nạn khủng khiếp khi chơi bowling. Tôi và mấy người bạn đang bất phân thắng bại, khi ấy tôi đã quá tập trung vào việc thể hiện và tinh tướng ở lượt ném bóng cuối cùng – tôi dõng dạc tuyên bố rằng mình thắng chắc, và vừa lấy đà ném bóng vừa nhảy múa quay cuồng – do đó tôi đã không để ý vị trí của chân mình ở đâu khi ném bóng.

    Đó chính là thời điểm mà tôi nhận ra môn bowling này nghiêm khắc như thế nào trong việc trừng phạt những người ném bóng mà dẫm quá vạch. Người ta đã bôi một loại dầu, nhớt hay sáp gì đó trơn kinh khủng lên khắp đường ném bóng, và khi có ai đó nhỡ chân bước vào đường bóng khi chơi, thì người đó sẽ thấy chân mình trượt tung lên trời và mông dập mạnh xuống sàn, cái thứ sàn cũng cứng một cách khủng khiếp.

    Vài tuần sau đó, khi đang nằm ườn trên giường ở cửa hàng Macy’s với một anh chàng, tôi phải giải thích với anh ta là từ khi bị tai nạn, tôi thường tỉnh dậy giữa đêm vì chân đau nhức nhối. Theo lời chẩn đoán của bác sĩ châm cứu thì đó là do một số dây thần kinh ở lưng đã bị dập khi tôi ngã, và để ngủ được qua đêm thì tôi phải tìm mua một cái đệm mới, cứng hơn đệm tôi đang dùng.

    “Tôi cũng bị đau ở chân khi đi ngủ này!” Anh chàng kia nói và nhổm dậy, chìa tay ra như muốn đập tay với tôi, nhưng tôi đã không hưởng ứng theo.

    Tôi làm vậy không chỉ vì tôi chẳng ưa trò đập tay, mà còn vì tôi khó chịu với anh ta. Riêng chuyện phải đi sắm đệm đã khiến tôi thấy kỳ quặc và bối rối – nằm thử đệm giữa nơi công cộng, kẹp gối ở giữa đùi để mọi người xung quanh cùng nhìn thấy, cứ như thể đấy là việc của họ – đã thế tôi lại phải làm vậy khi có người bán hàng nằm ngay bên cạnh, còn đòi tôi cùng đập tay high-five, và từng ấy chuyện thì tôi không thể chịu nổi.

    Những người bán hàng khác thường chỉ đứng ở cuối giường, lải nhải các thông tin về sản phẩm trong khi khách hàng đang thử nằm đủ các tư thế trên đệm, nhưng người bán hàng của tôi thì lại không như vậy. Anh ta ngả lưng xuống nằm cạnh tôi, khoanh tay trước ngực và tận tình tâm sự, vừa nói vừa nhìn lên trần nhà như thể chúng tôi đang cùng nằm chơi ở trại hè nào đó. Rõ ràng anh ta rất chu đáo và cực kỳ hiểu biết về các loại đệm lò xo, đệm cao su và đệm mút, nhưng tôi thì vẫn không dám nằm thử tư thế khác vì sợ rằng anh ta sẽ ôm lấy tôi.

    Có phải tôi quá thân thiện? Có phải tôi không nên hỏi thăm quê anh ta ở đâu? Có phải anh ta đã hiểu nhầm khi thấy tôi vỗ vỗ tay vào cái gối bên cạnh (để thử độ đàn hồi của gối)?

    Rõ ràng là tôi nên mời anh chàng Bob kỳ cục này rời khỏi cái giường, hoặc tìm cho mình một nhân viên bán hàng khác, thay vì lẻn ra khỏi cửa và bỏ lỡ cơ hội duy nhất để sắm đệm trong tuần đó, bởi tôi không muốn làm anh ta phải bối rối.

    Tôi đã không muốn làm anh ta phải bối rối!

    Xem ra đây chính là cách mà cả gia đình tôi quen dùng để ứng xử trước mọi tình huống khó xử trong giao tiếp. Ngoài biện pháp an toàn là bỏ chạy thẳng cẳng, chúng tôi còn có những cách phản ứng khác như: khựng người lại, chuyển sang nói chuyện về thời tiết, đứng đờ ra, rồi thì òa lên khóc sau khi đối phương đã đi khuất.

    Việc chúng tôi yếu kém trong kỹ năng ứng xử chẳng có gì lạ, bởi mẹ tôi vốn thuộc dòng dõi Anglo-Saxon da trắng Tin lành. Ông bà ngoại tôi thì luôn cho rằng trẻ con chỉ được hiện diện chứ không có quyền cất tiếng nói, và dù người khác có thể hiện cảm xúc gì thì ông bà đều phản ứng bằng thái độ khinh bỉ thường được dùng khi phải uống rượu scotch rẻ tiền hoặc những học sinh không được học trường điểm.

    Và dù mẹ tôi đã cố gắng gây dựng một mái nhà ấm cúng tràn đầy yêu thương và tràn ngập tiếng cười, thì cũng phải mất nhiều năm tôi mới tập được cách thốt ra một câu trả lời khi gặp phải yêu cầu lạnh gáy “Chúng ta cần nói chuyện.”

    Tất cả chuyện này là để nói lên rằng: việc bạn kém cỏi không phải là do lỗi của bạn. Bạn sẽ có lỗi nếu tiếp tục để cho bản thân kém cỏi mãi, dù cho nguồn gốc của sự kém cỏi ấy có được truyền qua nhiều thế hệ trong nhà bạn, giống như một chiếc gia huy hay một công thức nấu ăn gia truyền, và trong trường hợp của tôi là coi việc giao tiếp căng thẳng chẳng khác gì lên cơn đau tim.

    Khi cất tiếng khóc chào đời trên thế gian này thì bạn là niềm vui của mọi người xung quanh, bạn là một sinh vật mở to mắt tò mò và không quan tâm tới điều gì ngoài những chuyện xảy ra ngay trước mặt. Bạn không hề biết mình có một cơ thể và cũng không thấy xấu hổ khi đang trần truồng. Khi nhìn ngắm xung quanh thì bạn thấy mọi thứ, mọi điều đều rất đơn giản. Bạn không hề thấy có thứ gì trên đời là quá đáng sợ, quá đắt đỏ, quá lạc hậu hay lỗi mốt cả. Nếu có thứ gì đó tới gần miệng thì bạn sẽ mút nó, nếu có thứ gì tới gần tay thì bạn sẽ nắm lấy nó. Bạn khi đó là một con người đơn giản nhất.

    Khi đã nhận thức được nhiều hơn và bắt đầu khám phá thế giới này, bạn cũng nhận được nhiều bài học từ mọi người xung quanh về cách thế giới vận hành. Kể từ lúc bạn có khả năng học hỏi, người ta sẽ nhồi vào đầu bạn đủ loại tư tưởng và niềm tin khác nhau, trong đó có nhiều thứ không thực sự liên quan tới con người bạn và không thực sự đúng đắn (ví dụ như thế giới này rất nguy hiểm, bạn quá béo, đồng tính là một căn bệnh, kích cỡ rất quan trọng, không mọc được lông ở chỗ đó, vào được đại học là rất quan trọng, nghệ sĩ không phải là một nghề nghiệp thực sự, v.v...).

    Cái nguồn chủ yếu nhất của những thông tin như vậy đương nhiên là phụ huynh của bạn, cùng với sự giúp đỡ của toàn xã hội. Trong quá trình nuôi nấng bạn thì phụ huynh của bạn – với hy vọng bảo vệ, giáo dục và thương yêu bạn hết mình – đã truyền cho bạn những tư tưởng mà họ học được từ phụ huynh của họ, những người cũng đã học chúng từ phụ huynh của họ…

    Vấn đề là rất nhiều tư tưởng trong số đó không hề liên quan tới con người họ, hoặc không hề đúng.

    Tôi biết rằng tôi đang nói như thể tất cả chúng ta đều điên rồ, nhưng đó là bởi gần như đúng là vậy.
    ***
    Các khóa học và hội thảo

    1. PAX—Allison Armstrong

    Tôi đã tham dự một trong những hội thảo hay ho của họ, có tên là “Thấu hiểu nam giới, ăn mừng nữ giới”, nói về những khác biệt giữa hai giới tính đã khiến tôi phải ngẩn ra vì ngạc nhiên – sao tôi sống được tới giờ này mà chẳng biết gì hết về những thứ này vậy? Tôi thấy nó được tổ chức rất tốt và không hề sến súa. Tôi chỉ tới mỗi buổi hội thảo đó, nhưng rất thích những gì họ thể hiện ở đó, và cũng đã nghe nói những điều tốt đẹp về các hội thảo khác của họ.

    2. Viện Hoffman

    Thôi được, đây là một khóa học vô cùng quái đản theo kiểu Đùa-tôi-chắc? Nó bao gồm những việc như cầm gậy bóng chày vụt lên những cái gối và gào thét hết cỡ, tự kết hôn với bản thân, hát những điệu ru ngủ đứa trẻ bên trong– căn bản là những chuyện khiến người thường phải bỏ chạy thoát thân. Nó rất quá đáng, tới mức tôi phải chấp nhận làm theo vì không thể làm được điều gì khác. May là nó được tổ chức bởi những người rất giỏi giang, ngọt ngào và có khiếu hài hước. Khi tham gia khóa học, bạn sẽ phải dành cả một tuần cho những hội thảo liên tục và đào sâu vào quá khứ cùng với các tư tưởng giới hạn của bạn để bỏ chúng đi. Tôi vừa thích, vừa ghét, lại vừa muốn khuyên bạn thử nó.

    Những diễn giả tuyệt vời khác mà bạn nên quan tâm: Martha Beck, Esther Hicks, Marianne Williamson, Byron Katie, Wayne Dyer, David Neagle, Deepak Chopra, Gabrielle Bernstien
     

    Các file đính kèm:

Moderators: dragonking91, mopie

Chia sẻ trang này