LS-Việt Nam Bên lề chính sử (Đinh Công Vĩ)

Thảo luận trong 'Tủ sách Lịch sử - Địa lý' bắt đầu bởi conguyen, 1/10/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    “Bên lề chính sử” - Cuốn sách đáng tin cậy

    “Bên lề chính sử” là sự bổ sung cho những thiếu sót, chưa đúng, những sự không công bằng của chính sử với những sử nô viết dưới quyền uy của các vương triều quá khứ. Những ai chưa thỏa mãn với chính sử cũ, muốn tìm để hiểu lại những bí ẩn, những sự mờ ảo, không rõ ràng trong sử sách xưa kia, chủ yếu là từ thời Nguyễn về trước có thể tìm đọc “Bên lề chính sử”. Để hoàn thành cuốn sách, Đinh Công Vĩ đã phải đọc kỹ lại, đối chiếu mấy chục bộ chính sử (chủ yếu từ thời Lê đến Nguyễn), tìm lại cả những sử sách đã tham sao thất bản trước thời Lê, những tài liệu khảo cổ về thời Hùng Vương, An Dương Vương... Không chỉ có vậy Đinh Công Vĩ còn đọc kỹ cả những tác phẩm mang tính bách khoa của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ, Đặng Xuân Bảng... đọc cả truyền thuyết, văn thơ dân gian. Đặc biệt Đinh Công Vĩ đi sâu vào gia phả, dùng gia phả “bổ sung làm minh xác cho chính sử” như nhà sử học đã nói trong bài viết mở đầu. Ngoài ra ông còn chú ý nguồn tài liệu Hán Nôm khác như: thần phả, ngọc phả, hoành phi câu đối và nhất là văn bia, thấm nhuần “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn”, ở một số bài viết, Đinh Công Vĩ đã dùng văn bia để minh định cho sử học. Là chuyên gia khoa học công tác lâu năm ở Viện Hán Nôm lại say nghề, ham tìm tòi, luôn bứt dứt trước những vấn đề chưa sáng rõ nên “Bên lề chính sử” xét về mặt Hán học và sử học là có thể tin cậy được.

    Cũng như các tác phẩm khác của bản thân, Đinh Công Vĩ không đi theo lối mòn là khen chê theo định kiến, một mực sùng bái viết theo chính thống hay theo đơn đặt hàng. Dù khi viết, Đinh Công Vĩ có cảm xúc văn học nhưng ông đứng vững trên tư liệu, công minh nhìn vào cả hai mặt phải trái của lịch sử.

    Thời Hùng Vương, An Dương Vương, Bắc thuộc là những thời kỳ cho đến nay, giới sử học vẫn thấy khó xác định, chưa thể viết đầy đủ, lại bị sử sách phương Bắc xuyên tạc để có lợi cho họ, Đinh Công Vĩ đã dũng cảm đi vào thời kỳ này để góp phần xác định vấn đề thiết yếu sống còn: Vấn đề ăn uống (hay văn hóa ẩm thực trong sử học). Đã có thời tuồng, kịch nói, điện ảnh, tiểu thuyết và cả một vài nhà sử học ngày nay đã nhìn nhận không công bằng khi ca ngợi thái quá về Lê Hoàn, Dương thái hậu (trong tuồng hay kịch gọi là Dương Vân Nga) và Ỷ Lan, nói xấu thậm chí xuyên tạc về những danh nhân có công với đất nước như Đinh Điền, Nguyễn Bặc hoặc Lê Văn Thịnh. Dư luận trong nhân dân đã nhiều lần bày tỏ quan điểm này và “Bên lề chính sử” đã công minh làm sáng tỏ vấn đề, chiêu tuyết cho các danh nhân rất đáng trân trọng ấy. Cũng cần phải chiêu tuyết còn có vụ thảm án Lệ Chi viên “tru di tam tộc” cả nhà Nguyễn Trãi, hơn 600 năm nay còn làm nhức nhối tâm can nhiều thế hệ. Vậy mà giới sử học còn chưa làm sáng tỏ đầy đủ nhiều khi còn kiêng kỵ né tránh thì Đinh Công Vĩ đã “xé toạc bức màn dối trá” như nhan đề một bài ông viết, mạnh dạn chỉ ra thủ phạm chính bằng tư liệu và lý luận có sức thuyết phục. Cuốn sách cũng đề cập đến nhiều con người, các vấn đề khác như truyền thống ngoại giao tâm công, truyền thống “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay “hoa quốc văn chương”...

    Trước khi “Bên lề chính sử” ra đời, Đinh Công Vĩ đã cho xuất bản nhiều cuốn có giá trị như: “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn”, “Thảm án các công thần khai quốc thời Lê”, “Những nhân vật lịch sử thời Lê”... có kiến thức rộng, lại khách quan nên “Bên lề chính sử” là cuốn sách có giá trị và rất đáng trân trọng trong nền sử học nước nhà và văn học hiện thời.

    (Theo Hà Nội Mới)

    A - LẦN THEO LỊCH ĐẠI : MỘT SỐ VẤN ĐỀ MỞ RA
    1. GIA PHẢ BỔ SUNG LÀM MINH XÁC CHÍNH SỬ
    2. CÁI CẦN BỔ SUNG LÀM SÁNG TỎ BAN ĐẦU : ĂN UỐNG VIỆT Ở NHỮNG THỜI LỊCH SỬ KHÓ XÁC ĐỊNH
    3. PHẢI LÀM SÁNG TỎ HÌNH ẢNH ĐINH ĐIỀN, NGUYỄN BẶC, LÊ HOÀN. AI NGAY? AI GIAN?
    4. LÊ VĂN THỊNH " HOÁ HỔ ", MỘT NGHI ÁN ĐẶC BIỆT CẦN XÁC MINH
    5. NGUYỄN TRUNG NGẠN, TỪ MỘT THẦN ĐỒNG TỚI VỊ THẦN THÀNH HOÀNG LỪNG LẪY
    6. MƯU GIAN LẬT ĐỔ QUỐC VƯƠNG TƯ TỀ
    7. CUNG VƯƠNG KHẮC XƯƠNG SAU LOẠN CUNG ĐÌNH
    8. XÉ BỨC MÀN DỐI TRÁ TRONG VỤ THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN
    9. THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN VỚI HÌNH ẢNH NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ TỪ QUỐC SỬ ĐẾN KÝ, TRUYỆN VÀ TIỂU THUYẾT
    10. MIẾU THỜ LỄ NGHI HỌC SỸ NGUYỄN THỊ LỘ DUY NHẤT CÒN Ở THĂNG LONG
    11. NGUYỄN THỊ LỘ TỪ QUÊ GỐC ĐẾN CÁC NẺO ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC
    12. LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC TỪ CỘI NGUỒN TỚI NGÔI SAO RỰC SÁNG TRÊN VĂN ĐÀN THĂNG LONG
    13. CHÚA CHỔM LÀ AI ?
    14. XÃ QUỲNH XUÂN, VÙNG ĐẤT NGỌC MÀU XUÂN VÀ HẬU DUỆ CÁC ĐẾ VƯƠNG
    15. DANH THẮNG PHÚ KHÊ VÀ MỘT DÒNG ĐẾ VƯƠNG
    16. TỪ VÙNG ĐẤT NAM GIANG PHÁT HIỆN...
    17. LÊ QUÝ ĐÔN, NIỀM KHÁT VỌNG ĐỔI MỚI BỘ MÁY QUAN CHỨC
    18. ĐẠI VƯƠNG THƯỢNG TƯỚNG LÊ TRUNG GIANG VÀ VÙNG QUÊ NGỌC
    19. THÀNH CỔ SƠN TÂY
    20. DÒNG HỌ CỦA NHÀ CANH TÂN ĐỜI NGUYỄN : ĐẶNG HUY TRỨ
    21. TẦM MẮT THẢI BÌNH DƯƠNG, XÉT TỪ BÙI VIỆN TỚI PHAN BỘI CHÂU
    B - CÁC VẤN ĐỀ ĐÁNG QUAN KHÁC
    22. TRUYỀN THỐNG ĐỐI NGOẠI CỦA NƯỚC VIỆT THỜI XƯA
    23. VẤN ĐỀ LÊ TUNG : VÀI NÉT TÌM HIỂU BƯỚC ĐẦU VỀ VIỆT GIÁM THÔNG KHẢO TỔNG LUẬN
    24. BIÊN SOẠN VIỆT SỬ BẰNG CHỮ HÁN Ở THẾ KỶ XX
    25. NGƯỜI KHAI SÁNG THĂNG LONG, VỞ KỊCH LỊCH SỬ THÀNH CÔNG
    26. VỀ TIỂU THUYẾT HỒ QUÝ LY CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
    27. BỘ TIỂU THUYẾT TRIỀU TRẦN CỦA HOÀNG QUỐC HẢI, MỘT SỰ TÁI TẠO LỊCH SỬ ĐÁNG TIN CẬY

    Thông tin về ebook:
    BÊN LỀ CHÍNH SỬ

    Tác giả : TS Đinh Công Vĩ
    NXB Văn hóa Thông tin 2005
    Khổ 14.5 x 20.5. Số trang : 438
    Thực hiện ebook : hoi_ls
    _______________________________________________
    Link trên diễn đàn: View attachment Benlechinhsu.rar
    ________________________________________________
    Link mf: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nguồn e-thuvien.com
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/10/13
    ai0ia, thaitrongle, lehoa and 6 others like this.
  2. Uillean

    Uillean Banned

    NAM-CHIẾU XÂM-LƯỢC AN-NAM
    Cuộc hưng-khởi cuối-cùng của Đại-Lễ quốc

    Nam Chiếu xâm lược An Nam (南詔侵掠安南之事件) hoặc đôi khi Chiến kiện Nam Chiếu - An Nam (南詔安南之戰役) là những nhan đề học giới đặt cho chuỗi diễn biến từ năm 858 tới năm 866 tại khu vực tương ứng Quảng Tây (Trung Quốc) và Bắc Bộ (Việt Nam) ngày nay. Thường được coi là mốc kết thúc chuỗi tham vọng kiểm soát con đường tơ lụa và tuyến hải thương sang Ấn Độ của quân chủ Nam Chiếu, đồng thời mở ra tiến trình suy vong của cường quốc này.

    ✓ Quân Đường đắc thắng, Nam Chiếu bắt đầu suy vi.
    ✓ Lĩnh Ngoại tách khỏi Lĩnh Nam và đổi thành Tĩnh Hải quân.


    [​IMG]
    Tượng ngựa chiến Nam Chiếu tương ứng thế kỷ IX quàn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

    LỊCH SỬ

    Cuối thế kỷ VIII, Đại Lễ quốc hưng khởi nên bắt đầu phản nhà Đường với kì vọng vươn tới con đường tơ lụa. Năm 832, Nam Chiếu tiến đánh chiếm được châu Kim Long, ít lâu bị quân Đường đánh bại phải rút lui. Năm 846, quân Nam Chiếu lại vào, bị tướng Bùi Nguyên Dụ trục xuất. Thời này, thế lực nhà Đường nhìn chung còn rất mạnh, có những lúc cất quân tiến thẳng tới đốt phá kinh đô Nam Chiếu, buộc người Nam Chiếu phải lui sâu về trung lưu Lan Thương giang.

    Tuy nhiên, sang đầu thế kỷ IX, nhà Đường suy vi, Trung Nguyên rối loạn rồi dần phân liệt thành Ngũ đại Thập quốc. Nam Chiếu bèn huy động toàn lực thốc sườn Trung Hoa ở Tứ Xuyên, vô hình trung trở thành thế lực đáng gờm nhất miền tương ứng Hoa Nam và Trung Ấn ngày nay. Miền Lâm Tây thuộc An Nam đô hộ phủ, nhà Đường đặt quân phòng đông để ứng phó Nam Chiếu, có 7000 người quanh 7 động thuộc vùng do tù trưởng địa phương là Lý Đo Độc quản để tương trợ nhau. Tướng nhà Đường ở Tống Bình là Lý Trác bớt quân phòng đông, giao hết việc phòng bị cho Lý Đo Độc. Đo Độc cô thế không đảm đương nổi, tiết độ sứ Nam Chiếu ở Giả Đông (Côn Minh) tìm cách mua chuộc và gả cháu gái cho ông này, từ đó Đo Độc thần phục Nam Chiếu.

    Thừa cơ triều đình nhà Đường ứng phó chậm chạp trước việc mất Tứ Xuyên và một phần Quý Châu, Nam Chiếu quyết định tước đoạt nốt Lĩnh Nam và Lĩnh Ngoại - đều là những thương cảng sầm uất nhất Trung Hoa bấy giờ - tham vọng tiến ra làm cường quốc biển. Đồng thời, thâu tóm chuỗi mỏ khoáng sản trù phú ở Nam Cương.

    Giai đoạn đầu : 858 - 859

    Địa bàn Nam Chiếu là khởi nguồn ba dòng nước lớn Dương Tử, Châu Giang và Hồng Hà, rất tiện dùng thủy quân. Tuy nhiên, vì Lĩnh Nam xa xôi cách trở hơn, lại có hệ thống kênh ao chằng chịt phía hạ nguồn, trong khi Lĩnh Ngoại (phần dôi ra của đất Lĩnh Nam, tương ứng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Quảng Tây hiện đại) gần hơn mà không hề có núi cao che đỡ, sông hồ dễ đi lại. Vì thế, Đại Lễ huy động quân dân Di Lạo mở đường sửa soạn tiến công.

    Mùa xuân năm 858, viện cớ An Nam tiết độ sứ Lý Trác ép giá trâu bò mạn ngược, giết tù trưởng man, người man bèn dẫn quân Nam Chiếu tràn xuống Giao Châu. Nhưng quân Nam Chiếu và các thổ man đều ô hợp, nên đến tháng 05 thì quan đô hộ Vương Thức đẩy lui được.

    Mậu Dần 858, (Đường Đại Trung năm thứ 12). Mùa xuân, người Nam Chiếu kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền. Vương Thức khi đó là Giao Châu kinh lược đô hộ sứ, sai người đến dụ, chỉ một đêm người Nam Chiếu lại kéo đi. Nguyên nhân do đô hộ Lý Trác tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới. Tháng 5 năm ấy, người Nam Chiếu đến cướp, Thức đánh lui được.

    Giai đoạn sau : 859 - 864

    Năm 859, cả Đường Tuyên Tông đế và vua Nam Chiếu Mông Khuyến Phong Hữu cùng băng, tình trạng hòa hoãn bị bãi. Khi Lý Hộ mới đến, giết viên tù trưởng dân Man là Đỗ Thủ Trừng, cho nên họ hàng nó mới quyến dỗ các dân Man đánh hãm châu thành.

    Tháng 12, mùa đông năm 860, Nam Chiếu phát động 3 vạn quân tiến đánh An Nam, chiếm châu trị Đại La, quan Lý Hộ phải chạy sang Ung Châu. Nhà Đường bèn phái các võ tướng Vương Khoan và Sái Tập đem 3 vạn quân đi công phạt, tạm yên. Nhưng toàn miền Hoa Nam từ lúc này chấn động.

    Tuy nhiên, suốt từ năm 860 tới tận 864, hàng ngũ võ quan và tì tướng được cử đi dẹp loạn Nam Chiếu đều thảm bại, quân Nam Chiếu cướp phá các châu thành, có lúc chém "hàng vạn đầu". Vùng Lĩnh Ngoại trù phú tấp nập trong mấy thế kỷ bỗng trở nên hoang hóa tiêu điều. Cũng từ vị thế độc tôn hải thương Trung Hoa, An Nam phải nhượng quyền cho lưu vực Quảng Châu.

    Nam Chiếu đại thắng, bèn cất đặt quan cai trị, coi là đất của mình. Nhà Đường cùng thế phải dồn lực gia cố Lĩnh Nam.

    Canh Thìn 860, (Đường Ý Tông, Thôi Hàm Thông năm thứ 1). Mùa đông, tháng 12 ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn 30.000 người, đánh chiếm phủ trị.
    Tân Tị 861, (Đường Hàm Thông năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường phát quân Ung, Quản và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam Chiếu. Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương Giao Châu đánh bọn Nam Chiếu, lấy lại được phủ thành.
    Nhâm Ngọ 862, (Đường Hàm Thông năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại 30.000, giao cho Tập để chống cự. Yếu thế, quân Nam Chiếu rút lui.
    Mùa đông, tháng 10, Nam Chiếu đem 50.000 người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam 2.000 người và nghĩa chinh ở Quế Quản 3.000 người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu Sái Tập. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem 1.000 quân cung nỏ sang cứu.
    Quý Mùi 863, (Đường Hàm Thông năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người. Khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu. Người Di Lão ở các khe động đều hàng phục cả. Vua Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu.


    Giai đoạn chót : 864 - 866

    Cuối năm 864, nhà Đường vạn bất đắc dĩ phái một văn thần là Cao Biền lĩnh ấn đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ vì không còn tin tưởng giới võ biền nữa, cấp cho ông khoảng 5 ngàn tinh binh theo thuyền vào cửa bể Thần Đầu. Chủ trương nhà Đường chỉ là họa may thì đuổi bớt Nam Chiếu, nhược bằng không xong thì bỏ hẳn Lĩnh Ngoại.

    Tuy nhiên, quan Cao Biền sai quân tập kích lương thảo và quấy nhiễu các đồn canh. Từ tháng 07 tới tháng 10 năm 864, ông huy động toàn lực đánh lên Phong Châu, vây thành tới hơn 10 ngày. Quân man tan rã, bị chém 3 vạn thủ cấp, cùng 17 ngàn người quy phụ.

    Thời gian sau, Nam Chiếu không dám xách động thêm cuộc tiến công nào nữa, khởi đầu tiến trình suy vong. Tiết độ sứ Cao Biền bèn chiêu dân về cày cấy ruộng hoang, An Nam lại bình ổn.

    Niên hiệu Hàm Thông thứ 7 (866), hoàng đế Đường Ý Tông thuận thỉnh tấu của quan kinh lược Cao Biền mà nâng An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân. Nhờ công dẹp loạn Nam Chiếu, đại thần Cao Biền được trọng nhậm tiết độ sứ, tùy nghi hành sự tại đất Lĩnh Nam.

    Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.
    Ất Dậu, 865, (Đường Hàm Thông, năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn. Biền đem hơn 5.000 quân vượt biển đi trước. Tháng 9, Biền đến Nam Định, Phong Châu, quân Man gần 50.000 đương gặt lúa, Biền ập đến đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt để nuôi quân.
    Bính Tuất, 866, (Đường Hàm Thông, năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống Giao Châu. Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người.


    [​IMG]
    Cương vực Nam Chiếu và Lĩnh Ngoại thời nhà Đường. Thất bại trong cuộc xâm nhập Lĩnh Ngoại tuy không làm biến đổi nhiều lĩnh thổ nhưng mở ra quá trình suy vong của Đại Lễ quốc.

    ẢNH HƯỞNG

    Trong loạt bài khảo cứu của tác giả Li Tana thập niên 1990, bà chỉ ra rằng, loạn Nam Chiếu là nguyên nhân trọng yếu làm sụt giảm dân số An Nam cuối thời Bắc thuộc, kéo theo rất nhiều hệ lụy mà các triều đại buổi đầu tự chủ phải giải quyết. Cũng vì thiếu hụt cư dân trầm trọng, các triều đại từ nhà Tiền Lê tới nhà Lê sơ đều tiến hành các cuộc chinh phục dài ngày tại Champa và Ai Lao, đôi khi cả Trung Hoa, nhưng không phải chiếm đất mà chỉ để đoạt người về làm nô lệ xây đền đài.

    Còn theo nghiên cứu gia Liam C. Kelley, cuộc xâm lăng tàn khốc của người Nam Chiếu có nguyên nhân trực tiếp là các mỏ kim loại quý có trữ lượng khổng lồ ở nơi ngày nay là biên giới Việt Nam-Trung Hoa (đương thời gọi Nam Cương), tiêu biểu như mỏ đồng Tụ Long, rất ích lợi cho một liệt cường đang mưu cầu bành trướng như Đại Lễ quốc. Cho tới hai thế kỷ sau đó, khoáng sản còn là cơ hội để các tù trưởng Nam Cương trỗi dậy, mà tiêu biểu là cuộc bạo động của chúa Nùng Trí Cao. Liam C. Kelley và Trần Trọng Dương bước đầu đề xuất rằng, vấn đề khai thác quá lạm các mỏ khoáng sản này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự suy vong của cái gọi "văn minh Lý-Trần" : "Khe động Ung Châu cho tới đất An Nam đều có mỏ vàng, vàng ở những nơi này nhiều hơn các quận khác. Châu Vĩnh An ở Ung Quản chỉ cách Giao Chỉ một con sông thôi, vịt ngan bơi đến bến nước Giao Chỉ tìm ăn rồi quay về, trong phân có lẫn vàng, ở bến nước trong địa phận nước ta thì không có. Vàng không ở trong mỏ mà ở ngoài tự nhiên, lẫn trong đất cát, nhỏ thì bằng hạt mạch, lớn thì như hạt đậu, lớn hơn to cỡ ngón tay, đều gọi là vàng sống [...] Cũng có hạt to bằng quả trứng gà, gọi là kim mẫu. Có được vàng này, giàu có hẳn phải biết. Giao Chỉ có mối lợi là các mỏ vàng, mua dân ta về làm nô lệ" (邕州溪峒及安南境 內皆有金坑,其所產多於諸郡。邕管安州與交趾一水之隔爾,鵝鴨之屬至交趾水濱遊食而歸者,遺 糞類得金,在吾境水濱則無矣。凡金不自礦出,自然融結於沙土之中,小者如麥麩,大者如豆,更 大者如指面,皆謂之生金[...]亦有大如雞子者,謂之金母。得是者,富固可知。交趾金坑之利,遂 買吾民為奴 / Chu Khứ Phi, Lĩnh Ngoại đại đáp).

    Về dân số, trái với ngày nay, khi vùng lưu vực sông Hồng là nơi dân cư đông đúc, cao hơn vùng Tây Bắc và cả nước Lào rất nhiều, thì 600 năm về trước, dân số toàn An Nam chỉ ngang hoặc ít hơn dân số các tiểu quốc nói tiếng Thái ở phía Tây (Ngưu Hống, Ải Lao, Bồn Man).
    Một thống kê từ sử liệu Trung Hoa cũng cho thấy rằng, vào cuối thời Bắc thuộc và những buổi đầu tự chủ, cư dân Bắc Bộ ngày nay vô cùng thưa thớt, lại cũng trái với giai đoạn đầu Bắc thuộc, dưới triều Hán, khi Giao Chỉ là trung tâm văn hóa và thương mại miền Nam Trung Châu, thì mật độ dân số cũng cao nhất toàn miền Nam Trung Châu.
    Sự sụt giảm dân số đáng kể ở cuối thời Bắc thuộc có thể một phần do Giao Chỉ mất đi vị trí quan trọng trong lĩnh vực hải thương (từ thế kỉ VIII trở đi, Quảng Đông vươn dậy thành thương cảng quan trọng nhất miền Nam Trung Châu) và một phần do cuộc xâm lăng tàn khốc của người Nam Chiếu đã khiến rất nhiều cư dân lưu vực sông Hồng hoặc bị sát hại hoặc phải rời đi. Sử Trung Hoa có ghi lại việc này. Cuộc tiến công của quân Nam Chiếu trong thời Đường mạt là cú đấm mạnh nhất vào trạng thái ổn định của xứ An Nam suốt mấy thế kỉ, nhiều lớp cư dân đã tháo chạy khỏi đây hoặc vào sống trong hang động, bao nhiêu tướng lĩnh võ biền của nhà Đường đánh chống không nổi, rốt cuộc triều đình phải sai một văn thần là Cao Biền xuống, may lắm mới dẹp được loạn Nam Chiếu.
    Cũng chính vì cư dân thưa thớt, dẫn đến việc thiếu nhân lực mà sau này nhà Lý phải thường xuyên mua nô lệ từ Quảng Tây (có được nhắc đến trong sách Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) và luôn luôn phái quân chinh phạt Chiêm Thành, không phải lấn đất mà chỉ để đoạt người (vả chăng, dân số ít ỏi thì khó bề quản lĩnh được). Những thời điểm nhà Lý tiến công Chiêm Thành hăng hái nhất cũng là lúc cung tẩm đình chùa được thi công nhiều nhất, cho thấy hai việc này ắt có liên hệ.

    Quỳnh Sương, FLSVN, 21 tháng 12 năm 2015

    Hai nghiên cứu gia người Nhật Yumio Sakurai và Mimoki Shiro cho rằng, nhà Lý chưa làm chủ được mạn Đông và Nam lưu vực sông Hồng, và rằng, quyền lực của nhà Lý hạn chế ở phía dưới mạn Tây lưu vực sông Hồng. Li Tana qua tìm hiểu thơ văn Lý Trần nhận xét rằng, trong số 26 thi nhân được chép là sống thời Lý, chỉ có 2 người (đều là thiền sư) đến từ mạn Đông lưu vực sông Hồng. Keith Weller Taylor cho rằng, cư dân mạn Đông lưu vực sông Hồng dưới thời Lý vẫn "bán tự trị" (semi-autonomous) và một phần lớn trong số họ vẫn còn nói Hán âm An Nam trung đại (vốn là ngôn ngữ Hán được nói tại lưu vực sông Hồng suốt thời Bắc thuộc và là cội nguồn của thứ hiện nay gọi là Hán Việt).

    Sang đến thời Trần, mạn Đông lưu vực sông Hồng mới nằm vững trong sự quản lĩnh của triều đình. Nhờ vào sự biến đổi thuận hòa của khí hậu, dân số An Nam đã tăng gấp đôi từ năm 1200 đến năm 1340, theo Sakurai. Bằng chứng cho khí hậu thuận lợi có thể thấy qua độ rộng của các vòng cây đã chết trong khu vực (các nhà khí hậu học có thể đọc vòng cây và biết khí hậu của địa cầu trong quá khứ thế nào).

    Đến thời Minh thuộc, số hộ tại An Nam được chép là 162.559, trong khi đó số hộ ở Bồn Man được ước tính là 90.000. Như vậy, chỉ một vương quốc Bồn Man nhỏ (tương ứng địa phận tỉnh Xiêng Khoảng và mạn Tây tỉnh Nghệ An ngày nay) đã có dân số hơn nửa An Nam và nếu gộp thêm dân số Ải Lao (lãnh thổ lớn hơn Bồn Man rất nhiều, tương ứng với vùng Đông Bắc Thái Lan và hầu hết nước Lào) thì có thể vượt mức của An Nam.

    Không phải ngẫu nhiên mà Ải Lao luôn là mối đe dọa của nhà Trần. Các vua Trần không ít lần phải thân chinh phạt Ải Lao. Khi ấy có thể biết tiềm lực của Ải Lao và An Nam là tương đương nhau. Và cũng không phải ngẫu nhiên, các vua Lý thường xuyên phải gả ái nữ cho các tù trưởng miền thượng du để giữ hòa khí và củng cố tiềm lực. Vì bấy giờ, dân số An Nam còn thưa thớt và quyền thế của triều đình còn rất hạn chế.

    Nhưng sang đến thời Lê là một truyện khác. Nhà Lê không còn phải gả hoàng nữ cho các lĩnh tụ sơn cước hay ngoại chúa nữa. Lê Thánh Tông đế đem 30 vạn quân phạt Chiêm Thành, 18 vạn quân phạt Ải Lao, Bồn Man và mấy tiểu quốc nói tiếng Thái ở bờ Tây lưu vực sông Mékông, đuổi họ đến tận lưu vực sông Kim Sa thuộc Miến Điện. Từ đấy, Ải Lao suy tàn, vĩnh viễn phải quy phụ triều đình An Nam, không còn là mối lo như trước. Rồi đến lượt Bồn Man và Bắc phần nước Chiêm Thành cũng phải nội thuộc vào địa đồ An Nam. Dân số An Nam dưới triều Lê cũng tăng khá nhanh, đến thế kỷ XVI thì số hương ấp ở hai vùng lưu vực sông Hồng và sông Mã đã tăng hơn gấp đôi so với thế kỷ XV. Dân số đông đã tạo cơ sở cho Lê Thánh Tông đế toại tâm lập nên một quân lực lớn, có thể huy động đến 30 vạn quân một lúc chỉ cho một chiến dịch - con số mà khó nước nào tại Á Đông bấy giờ có thể đọ nổi.

    Như thế, An Nam trở thành liệt cường phải kể từ thế kỷ XV trở đi, một điều được duy trì đến tận thời Nguyễn mạt. Nhưng trước đó chỉ là một tiểu quốc, với dân số rất thấp, thường xuyên phải gả bán hoàng nữ cho các lĩnh tụ bên ngoài và thường xuyên phải cảnh giác các láng giềng Tây hoặc Nam.

    Năm 984, vua Lê Hoàn cho dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế có cột dát vàng bạc tại núi Hỏa Vân để làm nơi coi chầu, lại cho dựng điện Long Lộc lợp mái bằng ngói bạc. Các vật phẩm vua Lê Hoàn và vua Lê Long Đĩnh cống sang nhà Tống phần lớn là đồ khảm vàng bạc châu báu; như trong ba đợt triều cống năm 990 - 997 - 998 là những chiếc ghế rồng phượng khảm vàng bạc cùng bảy loại đá quý; năm 1001, lại cống thêm chiếc bình khảm vàng bạc thất bảo. Với tính cách xa xỉ này, vua Lê Hoàn chuộng mặc áo màu đỏ có hoa văn sặc sỡ, mũ trang sức bằng ngọc châu.
    Bước sang thời Lý, phong khí vương giả của triều đình An Nam lại được mô tả gián tiếp qua những cống vật "rất thịnh" đem biếu nhà Tống. Như năm 1156, "các chữ viết trong tấu biểu đưa lên đều bằng vàng, cống phẩm quá bán là đồ trang sức bằng châu báu; cống trân châu thì có 3 viên to như quả cà, 6 viên to cỡ hạt mít, 24 viên như hạt đào, 17 viên như hạt mận, 50 viên như hạt táo, cả thảy 100 viên, đều đựng trong bình vàng". Năm 1173, tiến dâng một tráp biểu chương mừng hoàng đế Tống đăng cơ tương đương 330 lạng vàng, một cỗ bành voi tương đương 40 lạng vàng, một chiếc vỏ trang sức cho ngà voi tương đương 50 lạng vàng, một chiếc trang sức trán voi tương đương 120 lạng vàng, hai mặt sa la, năm chiếc móc voi nối với dải đồng tâm bọc vàng bạc, một chiếc trang sức trán voi bằng vàng bạc đan xen, một dây mây dắt voi trang sức bằng vàng bạc tương đương 402 lạng bạc.
    Ngoài ra, Chu Khứ Phi còn cho biết: "[...]". Cũng chính tình hình buôn bán nô lệ diễn ra hết sức sôi động trong thời kỳ đầu tự chủ này đã gián tiếp minh chứng cho trữ lượng vàng dồi dào và cuộc sống cung đình xa hoa của An Nam quốc. Tuyên dụ Quảng Nam là Minh Thác cũng tâu hoàng đế Tống về tình trạng này: "Vùng Ung Châu, phía Nam giáp Giao Chỉ, năm trấn trại, châu động quanh vùng Tả Giang, Hữu Giang có nhiều mỏ vàng, lắm kẻ vô lại đã cướp bóc, buôn bán dân chúng vào Giao Chỉ". Triều Tán đại phu nhà Tống là Trịnh Tủng cho biết cụ thể: "Bọn du khách miền Nam thường dụ dỗ người ta làm tôi ở, phu cáng. Đưa đến châu động liền trói đem bán, cứ một người lấy hai lạng vàng, châu động lại chuyển bán vào Giao Chỉ lấy ba lạng vàng. Một năm không dưới hàng trăm ngàn người. Ai có tài nghệ thì trả vàng gấp đôi, ai biết văn chương chữ nghĩa lại trả gấp đôi nữa".
    Bấy giờ, trong quan lại vùng Ung Châu có nhiều kẻ nhận của đút, để tình trạng bắt cóc người Tống bán sang An Nam thực sự trở thành một vấn nạn đối với triều đình phương Bắc. Quần thần nhà Tống chỉ rõ: "Quan lại Ung Châu ăn hối lộ, lưu giữ những kẻ buôn bán nô lệ, dụ dỗ lừa bịp lương dân, bán vào nơi khe động. Vùng Tả Giang và các châu Thất Nguyên gần Giao Chỉ có những thứ như vàng, tạp hương, chu sa xuất ở nước man di rất nhiều, dễ buôn bán. Dân thường một khi vào động mọi, đâu chỉ bị dùng làm nô lệ, mà còn bị giết để cúng ma. Trong việc buôn bán giao dịch ấy, mỗi nô lệ cũng phải được năm bảy lạng vàng, vì vậy mà lương dân phải chết, thật đáng xót thương".
    Được hưởng nhiều nguồn lợi từ mỏ vàng sẵn có, tâm lý chuộng sự xa hoa, khôi vĩ được khuếch trương, khiến văn vật thời Lý hầu hết toát lên vẻ uy vũ, bề thế, song cũng hết sức tinh xảo, khác biệt với vẻ nhỏ gọn của văn vật triều Nguyễn sau này. Trang phục cung đình và dân gian thời Lý cũng có những tính chất tương tự như vậy.
    Năm 1156, sứ bộ nhà Lý do Lý Bang Chính làm chánh sứ sang triều cống nhà Tống không ít vàng bạc châu báu và gấm vóc. Cùng năm, người Nam tìm mua các tấm đoạn xe sợi vàng của nước Tống với số lượng lớn, việc trước đó đã tái diễn nhiều lần, khiến hoàng đế Tống phải ra lệnh cấm bán thứ đoạn xa xỉ này cho dân An Nam. "Tống hội yếu tập cảo" cho biết: "Năm Thiệu Hưng thứ 26 [1156], bọn Thẩm Cai tâu: Người An Nam muốn mua đoạn xe sợi vàng. Loại trang phục này xa hoa, không phải thứ đem trưng cho bốn phương được. Thánh thượng nói: Trang phục xa hoa như loại xe vàng không thể không cấm. Gần đây, vàng cực khan hiếm, bọn tiểu nhân hám lợi nấu ra thành bùn, không thể dùng lại được, thật là tiếc [...] Tuy đã nhiều lần chỉ bảo, nhưng cái thói xa xỉ ấy vẫn không dứt hẳn được, cần phải nhắc lại lệnh nghiêm cấm". Thói xa hoa này không chỉ phổ biến trong tầng lớp trung thượng lưu thời Lý, mà ngay dân thường cũng chuộng dùng chỉ vàng may lẫn vào quần áo, khiến vua Lý Cao Tông phải ra lệnh cấm hồi năm 1182.
    Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, trang phục dân gian thời Lý phần lớn tối màu tương tự trang phục dân gian thời Nguyễn, như mô tả của Chu Khứ Phi "người nước ấy áo thâm răng đen". Những loại trang phục sặc sỡ, xe sợi vàng hẳn là những loại trang phục trong cung, trang phục của quan lại và tầng lớp trung thượng lưu. Riêng trang phục của bá quan, "Văn hiến thông khảo" cho biết: Mũ Phốc Đầu, ủng, hốt, hài đỏ, đai vàng, đai sừng tê của sứ bộ nhà Lý, thứ nào cũng được dát vàng; phục sức Ngư đại được xử dụng ở các nước đồng văn đương thời, riêng Ngư đại vàng của An Nam được mô tả là "rất dài và lớn". Bên cạnh vẻ hào hoa, diện mạo trang phục của bá quan triều Lý cũng trang nghiêm, nhã nhặn. Vậy nên, năm 1163, các quan nhà Lý khi đem văn thư sang Tống "mặc áo bào tía, cầm hốt ngà, đi lại lễ bái ung dung", hoàng đế Tống Hiếu Tông "thấy người nước Việt ôn hòa, áo mũ nhã nhặn, đã rất vui mừng ngợi khen".

    Vân Trai Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ - Vàng và nô, Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2013

    Các nghiên cứu gia ngoại quốc như Li Tana, Keith Weller Taylor, Liam C. Kelley, Shiraishi Masaya... có cái nhìn khá trung lập về lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Họ không bị ám ảnh bởi những "tư tưởng" về "chủ nghĩa dân tộc" hay "lòng yêu nước", ngược lại, họ "giải ảo" và trình bày lịch sử Việt Nam theo hướng khác chứ không lặp theo mô thức quen thuộc của các sử gia Việt Nam. Mà tôi thấy, những nhà nghiên cứu đó rất giỏi sinh ngữ, đặc biệt là họ phải giỏi Hán văn nên mới có thể đọc được các tài liệu gốc thời trung đại, thứ mà ngay nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng không muốn hoặc không biết đọc.
    Trần Nguyễn Tuấn, khoa Lịch Sử trường ĐH KHXHNV QG thành phố Hồ Chí Minh


    [​IMG]
     
    ai0ia thích bài này.
  3. Uillean

    Uillean Banned

    THỦY-CHIẾN TONLÉ SAP
    Bataille de Tonlé Sap

    Đây là một biến cố ngắn diễn ra trong năm 1177, được ký ức hóa ở di tích Angkor Wat và nhiều văn bi Champa. Sự kiện này tuy chỉ gây tác động xấu nhất thời cho nền văn hóa Angkor nhưng khơi mào cho giai đoạn lụi tàn của nó.

    ✓ Panduranga đắc thắng, Kampuchea bị đô hộ.
    ✓ Các tiểu quốc Champa tái thống nhất.
    ✓ Po Klaung Yăgrai đăng cơ lĩnh tụ Champa.


    [​IMG]

    NGUYÊN CỚ

    Trong thời kỳ đỉnh thịnh suốt thế kỷ X đến XII, chủ trương của triều đình Kampuchea là vun bồi nền văn hóa của mình, đồng thời tận lực mở rộng cương vực ra toàn khu vực Trung-Ấn. Vì thế, các thành quốc trù phú ở duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những đích đến của người Kampuchea.

    Kể từ năm 967, quốc gia Champa đã hoàn toàn phân rã ; dải đất nay là Nam Trung Bộ trở thành chế độ phong kiến với 5 tiểu quốc tự trị, trong đó, Vijaya có vai trò như lãnh tụ của không gian Champa, các tiểu quốc còn lại phải phụng cống xưng thần. Tuy khối Champa chỉ gồm những lãnh địa nhỏ yếu, nhưng cuộc sống rất phát đạt nhờ quảng đại giao thương. Theo ký sự của nhiều khách trú Trung Hoa hoặc Ấn Độ, người Champa luôn ưa thích phục sức bằng vàng ròng, thậm chí thường may lẫn vàng vào áo quần. Vì lẽ đó, dường như người Champa phải trả giá đắt cho chính sự thịnh vượng của mình.

    Kampuchea dưới sự cai trị của Suryavarman II đạt tới tột đỉnh huy hoàng. Ngôi đền đồ sộ nhất của kinh đô Angkor được xây dựng trong 37 năm : Angkor Wat, là nơi thờ thần Vishnu. Ông đã xâm chiếm đến nơi hiện nay là cực Bắc Lào, phía Tây thôn tính được vương quốc Haripunjaya (nay là Trung phần Thái Lan) và một khu vực phía viễn Tây vốn thuộc vương quốc Pagan, phía Nam lấn đến vương quốc Grahi (nay là tỉnh Nakhon Si Thammarat của Thái Lan), phía Đông lấn dần rồi đô hộ tất cả các tiểu quốc Champa.

    [​IMG]
    Hình ảnh thủy quân Champa ở di tích Bayon.

    DIỄN BIẾN

    Không còn nhiều ký ức được lưu lại về quãng thời gian đô hộ của Kampuchea, nhưng việc bị tước đoạt quyền tự trị đã khiến người Champa tức giận. Từ cực Nam, vị lãnh chúa có tước hiệu Po Klong Garai (lên ngôi vào năm 1167) đã triệu tập những tì tướng đáng tin cẩn nhất của mình, kín đáo chuẩn bị cho một cuộc phản kháng. Điều mà ông trù liệu ban sơ chỉ là thừa cơ hội Vijaya suy yếu để cắt đứt mối quan hệ bất bình đẳng với thành quốc này; nhưng thành công quá chóng vánh trước những ứng phó kém cỏi của Vijaya và cả đạo quân chiếm đóng Kampuchea đã khiến Po Klong Garai cho rằng, đây là thời cơ hi hữu để Panduranga vươn lên thống trị khối Champa. Muốn vậy, Po Klong Garai phải gây dựng uy tín thông qua việc đương đầu với địch thủ truyền kiếp của người Champa - tức là triều đình Kampuchea - dù thực tế là chế độ bảo hộ không lấy gì làm khắc nghiệt.

    Sự may mắn đạt được của Po Klong Garai là khi người Kampuchea mải miết hoàn tất đại công trình Angkor Wat cùng hàng loạt đền đài trong khu vực Angkor, triều đình đắm chìm trong hoan tiệc hoặc những cuộc tranh vị đẫm máu. Các toán quân của Po Klong Garai bí mật men theo con nước triền sông Mekong để tiến vào các khu vực cư trú của người Kampuchea, khoảng cách ngắn từ Panduranga sang tới Angkor cũng là một thuận lợi tiếp theo cho Po Klong Garai.

    Trong một thời điểm chưa rõ vào năm 1177, lần đầu tiên người Champa đụng độ đế quốc Kampuchea ngay trên lãnh thổ Kampuchea. Lực lượng thủy quân tinh nhuệ từ Panduranga gặp phải một đạo quân mỏi mệt ít thao luyện của Kampuchea, đã gây ra một cuộc chiến kinh hoàng ở lưu vực hồ Tonlé Sap. Bản thân vua Tribhuvanadityavarman bị giết nơi trận tiền khiến đội ngũ rối loạn, nhiều thuyền bè tự húc vào nhau rồi chìm, số còn sống sót thì tháo chạy ngược về Yaśodharapura. Po Klong Garai thừa thắng đã hạ lệnh toàn quân ruổi thuyền lên tận Siem Reap, quan trấn thủ tại đây cũng vứt thành mà chạy. Sự kiện này được mô tả rõ rệt trên những bức tường Bayon và Banteay Chhmar.

    Quân đoàn Panduranga dễ dàng tiến vào được kinh đô Yaśodharapura. Po Klong Garai bỏ mặc cho binh sĩ thỏa thuê cướp bóc, chém giết và hiếp dâm với lý do trả đũa cho thời kỳ bị Kampuchea áp bức ; cá biệt có trường hợp các vương hậu, phi tần và công chúa của vua Tribhuvanadityavarman được sử kí ghi nhận bị hỗn quân hiếp dâm đến chết chỉ vì chạy không kịp. Hầu hết khu vực Yaśodharapura, cùng với Angkor Wat bị quân Panduranga đốt phá tan hoang, mãi đến khi Jayavarman VII cởi được ách đô hộ của người Champa thì đại công trình này mới dần được phục hồi. Trong mấy năm sau sự biến hồ Tonlé Sap, Kampuchea mất phần lớn quyền tự trị, trở thành đối tượng bị chiếm đóng và áp bức tàn tệ. Từ địa vị kẻ chống ách đô hộ, Panduranga đã trở thành bọn xâm lược.

    [​IMG]
    Hình ảnh vua Klaung Yăgrai ở Bayon.

    KẾT CUỘC

    Mặc dù sự kiện thủy chiến Tonlé Sap cùng với cuộc tàn phá kinh đô Yaśodharapura không trực tiếp hoặc ngay lập tức làm sút giảm nền văn hóa Kampuchea, nhưng nó khiến Kampuchea đánh mất uy thế trước chư hầu và tạm thời đánh dấu kết cho những cuộc tranh vị nơi vương đình. Đối với Champa, đây là điều kiện thuận lợi cho sự tái thống nhất sau hai thế kỷ phân rã, tuy rằng hình thái phong kiến vẫn được bảo trì. Từ lúc này, nền văn hóa Champa dời hẳn trọng tâm tới lãnh địa Panduranga, đồng thời đưa Po Klong Garai lên địa vị lĩnh tụ của toàn khối.

    Nhưng để giành được phần thắng, cũng như duy trì sự đô hộ Kampuchea, Panduranga phải gánh quá nhiều hao tổn. Bởi vậy, vào năm 1190, Jayavarman VII (lên ngôi năm 1181) nhờ sự trợ lực của Vidyanandana (vương tử Vijaya, vốn bất mãn với uy thế của Panduranga) đã quật khởi phản kháng được đạo quân chiếm đóng Panduranga, vốn đã trở nên suy nhược trong thời gian quá dài lưu trú ở Kampuchea. Chẳng những thế, Jayavarman VII đuổi được tới tận lãnh thổ Champa, qua đó khối Champa lại thành phiên thuộc của Kampuchea, nhưng chỉ qua hình thức cống nạp chứ không có đóng quân như trước. Từ thời điểm này, Kampuchea không còn khả năng gây ảnh hưởng đến các tiểu quốc Champa nữa.

    Về phần Po Klong Garai, ông vẫn được các đấu thủ kiêng dè và nể trọng, đối với các tiểu quốc Po Klong Garai còn lại thì Panduranga tồn tại tương đối độc lập suốt gần một thế kỷ. Trong giai đoạn trị vì sau, Po Klong Garai lo củng cố ưu thế của Panduranga bằng việc thi hành nhiều chính sách an dân, nhất là dựng các công trình thủy lợi lớn để cải tạo nông nghiệp, trình độ của quân lực cũng liên tục được tăng cường để giữ vững lãnh địa. Nhờ thế, cả Kampuchea và Vijaya không tìm được bất cứ kẽ hở nào để trả đũa.

    Đại thủy chiến kinh hoàng trên sóng nước Tonlé Sap là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm điêu khắc ở Angkor Wat và Angkor Thom. Nhiều văn bi Champa tụng ca chiến tích hiển hách của Po Klong Garai được khai quật rải rác ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên cho biết, người Panduranga rõ ràng suy tôn ông như một á thần từ sự kiện này.

    [​IMG]
     
    ai0ia thích bài này.
  4. Uillean

    Uillean Banned

    QUÝ-KIỆT HOÀN DÂN
    THÌ-TRUNG PHÁT PHỐI

    貴傑還民、時中發配

    Đây là nhan đề do học giới đặt cho một văn tự án chấn động Bắc Hà năm 1775.

    Theo Tứ bình thực lục, từ giữa thế kỷ XVIII, cụ thể là giai đoạn Uy Nam vương trở đi, do tình hình nội trị Bắc Hà rối loạn vì ít nhất 4 cuộc bạo động đều do sĩ lâm chủ trương, triều đình mất dần tin tưởng giới văn thần nên việc khoa cử bắt đầu từ bê trễ tới thoái hóa. Sau khi dẹp xong loạn quận He, nền khoa cử Bắc Hà trở nên giản lược hơn trước nhiều phần, dẫn tới tình trạng đút lót để được đi thi và trúng cách, thậm chí có hiện tượng nhiều người không biết nhận mặt chữ cũng đỗ đầu.

    Tuy nhiên, tại khoa thi Hội tháng 10 âm lịch năm 1775 (Ất Mùi) xảy ra một sự kiện chấn động giới cầm quyền, buộc chúa Tĩnh Đô phải xem xét lại việc chấn hưng nền quốc học vốn đã mục ruỗng quá lâu.

    [​IMG]

    DIỄN BIẾN

    Đúng ngày yết bảng tháng 10 năm Ất Mùi, khi khảo quan đệ trình danh sách thí sinh trúng cách khoa thi Hội, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đọc văn bài Chấn hưng uy vũ thu lại đất xưa (nhà chúa vừa dẹp xong nội loạn và lần đầu đẩy được quân Nguyễn lui sâu về Nam nên mới ra đề thế) của thủ khoa Lê Quý Kiệt, phát hiện bút pháp lạ. Vì nguyên thí sinh Lê Quý Kiệt (năm sinh chưa rõ) là cậu ấm quan đại thần Lê Quý Đôn và phu nhân Lê Thị Trang, chúa đã có giao thiệp từ trước và biết rõ tính tình. Khi tra tới bài của thí sinh đỗ đệ tam hạng là Đinh Thì Trung (sinh năm 1757) thì hóa ra đúng lối chữ của thí sinh Lê Quý Kiệt.

    Nhà chúa bèn sai người kín đáo gọi Đinh Thì Trung vào đàn hặc. Do bị khảo gắt quá, Thì Trung phải khai tuột rằng có đổi quyển với Lê Quý Kiệt ở kì đệ tứ trường. Tuy thế, hình lại vẫn vờ không tin, Đinh Thì Trung cả sợ phải nộp bức thư tay do đại thần Lê Quý Đôn soạn, nội dung là mướn Thì Trung gá bài cho con ông, như vậy quan đại thần Lê Quý Đôn bị khép tội chủ mưu.

    Tuy nhiên, phần nhiều do nhà chúa nể vì Lê Quý Đôn là bậc quốc lão trọng thần nên chỉ phạt sơ sơ là giáng 1 cấp cùng 3 năm bổng lộc (tạm cho đi tiền quân hiệu lực một thì gian ngắn), nhưng buộc thêm tội cho ấm sinh Lê Quý Kiệt, tạm giam ở ngục thất phía Đông môn kinh sư. Theo kết quả nghị án, phạm nhân Lê Quý Kiệt bị tước tập ấm và cách tuột làm thứ dân, tức là suốt đời không được đi thi, còn phạm nhân Đinh Thì Trung xét ra nặng tội hơn nên bị đóng gông đày ra Yên Quảng làm lính thú.

    Điều đáng nói, cả Lê Quý Kiệt và Đinh Thì Trung đều là giám sinh, từ lâu nức tiếng về văn tài, vì là đồng môn nên có lẽ hai người trạc tuổi nhau. Riêng Đinh Thì Trung tuy còn trẻ tuổi nhưng đã được người đương thời liệt hạng nhất trong Tràng An tứ hổ (gồm Đinh Thì Trung, Lê Quý Đôn, Hà Tông Huân và Lê Như Quyền), cũng là con nhà quan, lừng tiếng thần đồng tự tấm bé và sức học hơn Lê Quý Kiệt bội phần. Mà cũng chính vì thế càng khiến nhà chúa nghi hoặc về thứ hạng hai người này trong kì thi.

    Lời chua : Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau thì sao có thể gọi là công bằng được ? Xét hành trạng của Quý Đôn không có một điều gì đáng khen cả.
    Khâm định Việt sử Thông giám cương mục


    Gian lận thi cử thì thời nào cũng có, song khoa cử ba năm mới tổ chức một lần, tỉ lệ số người đỗ mỗi khoa lại rất ít, người đỗ danh vọng cao, quyền uy nhiều cho nên người học trò đi thi rất dễ bị cám dỗ, miễn sao chóng được thi đỗ để ra làm quan. Song vì một số người gian lận mà chê khoa cử tổ chức thiếu nghiêm mật e không đúng. Quả thật cha ông ta đã nghĩ hết cách để phòng ngừa, thiết tưởng đời nay chưa chắc đã bằng.
    — Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam


    [​IMG]

    HỆ QUẢ

    Cũng cứ sách Lê quý dật sử, sự kiện chấn động khoa cử Bắc Hà có liên đới trực tiếp tới quan đại thần Lê Quý Đôn, người được ca tụng là "thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn" (cái gì không biết cứ hỏi ông bảng Đôn), khiến dân gian đặt vè đàm tiếu : "Quý Kiệt hoàn dân, tăng Diên Hà chi dân số ; Thì Trung phát phối, chấn Đông Hải chi văn ba" (貴傑還民增延河之民數、時中發配震東海之文波 ; Quý Kiệt về làm dân thường cũng chỉ để tăng dân số ở Diên Hà, còn Thì Trung bị đi đày thì phong hóa Đông Hải chấn động). Hàm nghĩa : Huyện Diên Hà là chốn hẻo lánh không ai hay chữ bao giờ, cho nên Lê Quý Kiệt bị an trí ở đấy cũng không làm phong hóa nơi này rực rỡ thêm, ám chỉ Lê Quý Kiệt dốt ; miền Yên Quảng là nơi cửa bể, chẳng mấy ai thành đạt trong hoạn trường, nên Đinh Thì Trung về đấy khiến nơi này được chút danh thơm, ý chỉ Đinh Thì Trung là kẻ tài hoa nhưng thất thế.

    Ít lâu sau (1776), Đinh Thì Trung bất ngờ được xét ân xá, nhưng trong một chuyến đi tiễu cường khấu bị chết đuối ở sông Bạch Đằng. Còn phần Lê Quý Kiệt, sau khi cả nhà Lê trung hưng rồi đến nhà Tây Sơn đều đổi vạc, vào những năm đầu triều Gia Long ông cải danh là Lê Duy Thanh và lại đi thi Hương rồi đỗ Hương cống trường Sơn Tây (1808), sau đó khăn gói quả mướp vào tân kinh Huế làm quan đến Thị trung trực học sĩ, trật Chánh tam phẩm, tước Lãng Phái hầu (vì năm Mậu Tuất (1778), đại thần Lê Quý Đôn xin chuyển sang võ ban, được nhà chúa ưng cho và phong tước Nghĩa Phái hầu ; triều Nguyễn phong đại thần Lê Quý Kiệt tước Lãng Phái hầu là ngầm nhắc ông nối nghiệp cha một cách thuần cẩn hơn). Thời Gia Long, ông có công tìm được thế đất xây Thiên Thọ lăng ở Định Môn thôn gần Thiên Thọ sơn. Năm 1813, khi vua có ý cho làm giám khảo kì thi Hương, Lê Quý Kiệt từ khước, bởi nhẽ "cho rằng mình có lỗi, hoàng thượng khen ông là người không che giấu khuyết điểm của mình". Nhưng sang triều Minh Mệnh, Lê Quý Kiệt thuộc số ít người tâm phúc của hoàng đế từ lúc chưa đăng cơ, vì thế bị phe Lê Văn Duyệt - Lê Chất ganh ghét, nhiều lần đòi đổi ông ra biên viễn, thậm chí tố giác hành vi nhũng lạm.

    Riêng với Trịnh chính phủ, từ những năm sau chúa Trịnh Sâm bắt đầu tiến hành sửa sang quốc học, mà trước hết ở hạng khoa cử. Tuy nhiên, thời kì này nhà chúa đã già yếu nên việc chấn hưng lề lối khoa cử rất chậm, vả lại chính trị Bắc Hà thời này đã mạt tới mức không khắc phục được nữa. Năm 1882, chúa Trịnh Sâm băng, cung đình rối loạn rồi sa lầy vào cuộc chiến tranh Tây Sơn khiến toàn thể nền quốc học Bắc Hà đi tới suy vi và phải nhường chỗ cho sự thăng hoa của quốc học Nam Hà khi triều Nguyễn hưng thịnh về sau.

    Tính chất tông giáo của Nho giáo rất mờ nhạt. Nó chỉ giống như một trạng thái tín ngưỡng nếu so với ảnh hưởng của một học thuyết lớn đến thế. Thậm chí có thể nói, tính chất tông giáo của Nho giáo gần như là không có. Bởi vì, ngay trong điện thờ chính thức của Nho giáo không có một vị thần linh nào. Một tông giáo chỉ được coi là tông giáo khi đủ ba điều kiện tối thiểu : Hệ thống thần điện và giáo chủ, hệ thống tăng lữ, hệ thống giáo luật. Mặc dù có phương diện tông giáo đấy, nhưng người ta chưa bao giờ coi Nho giáo là tông giáo.
    Thứ đến, phát xuất điểm Nho giáo là hệ thống học thuật có tính chất đạo đức hành vi, tức là phải có tính thực tế. Nên ngay từ đầu, nó đã quy phạm hóa cách ứng xử cho mọi lớp người. Vì thế, tôi ủng hộ cách nhìn của các nhà nghiên cứu Đài Loan : Mục tiêu của Nho giáo nếu phải nói gọn lại trong một cụm từ, thì là "tu kỉ trị nhân".
    Nhưng cũng chính vì phát xuất điểm là học thuyết đạo đức của sĩ quân tử, nên nó đòi hỏi những phẩm chất cực kì cao. Cũng có nghĩa, bản thể Nho giáo không phải học thuyết triết học. Nên mãi về sau này nó mới phải bổ sung những yếu tố triết học, thế nhưng yếu tố triết học Nho giáo lại rất khó hoàn thiện. Nên mới có hiện tượng, nhà nho hễ đụng vào triết học là mặt cứ ngây ra, còn cuốn được coi hàng đầu về triết học là Dịch Kinh lại bị biến thành sách bói toán, nhìn chung không thể triết học hóa quyết liệt được và cũng chẳng áp dụng được. Nhân vật bác học được coi là kiệt xuất nhất Việt Nam trung đại Lê Quý Đôn, "thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn", trong những sách của ông chỉ có một cuốn về Dịch Kinh, nhưng lại là tác phẩm dở nhất và cũng được soạn với thái độ run rẩy nhất. Không ông nào giải thích được triệt để những mệnh đề triết học Nho giáo, chứ chưa nói những học thuyết khác.
    Vì không được xây dựng trên nền tảng triết học, lại thù ghét những biện pháp hình chính, chỉ chủ trương trị quốc bằng giáo hóa, nên chính cái đức trị ấy đã kiềm hãm sự phát triển của trung quốc. Về sau, nhà cầm quyền không bằng cách nào khác được nên đành đưa Pháp gia vào Nho giáo dưới biện pháp cưỡng bách. Tức là, không có Pháp gia thì không trị quốc được.
    — Giáo sư Trần Ngọc Vương giải nghĩa thế nào là Nho giáo, 2020

    [​IMG]
     
    metalheart5410, DgHien and ai0ia like this.
  5. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Nhiều khả năng file đính kèm của chủ thớt đang bị DRM, tôi xin phép post lại file đã được convert
     

    Các file đính kèm:

    dangky0101, Archives, machine and 2 others like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này