Thảo luận Bí ẩn Tam Quốc Diễn Nghĩa

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Heoconmtv, 5/9/15.

Moderators: amylee
  1. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Haha. Thế là còn thiếu Bạch Mã, Đường Tăng và Sa tăng nữa là đủ bộ.
     
  2. huyenthoaivk95

    huyenthoaivk95 Mầm non

    Thảo nào, thấy bác khicon hay đại náo các cung đình diễn đàn :D
     
  3. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Thơ cuối sách Tam Quốc diễn nghĩa

    Tam Quốc.jpg
    三國演義篇末詩

    白帝托孤堪痛楚!
    孔明六出祁山前,
    愿以只手將天補。
    何期歷數到此終,
    長星半夜落山塢!
    姜維獨憑氣力高,
    九伐中原空劬勞。
    鐘會鄧艾分兵進,
    漢室江山盡屬曹。
    丕睿芳髦才及奐,
    司馬又將天下交。
    受禪臺前雲霧起,
    石頭城下無波濤。
    陳留歸命與安樂,
    王侯公爵從根苗:
    紛紛世事無窮盡,
    天數茫茫不可逃。
    鼎足三分已成夢,
    後人憑吊空牢騷。

    Dịch nghĩa:

    Tam Quốc diễn nghĩa thiên mạt thi

    Cao Tổ đề kiếm nhập Hàm Dương,
    Viêm viêm hồng nhật thăng phù tang.
    Quang Vũ long hưng thành đại thống,
    Kim ô phi thượng thiên trung ương.
    Ai tai Hiến Đế thiệu hải vũ,
    Hồng luân tây truỵ hàm trì bàng!
    Hà Tiến vô mưu trung quý loạn,
    Lương Châu Đổng Trác ký triều đường.
    Vương Doãn định kế tru nghịch đảng,
    Lý Thôi Quách Dĩ hứng đao thương.
    Tứ phương đạo tặc như nghĩ tụ,
    Lục hợp gian hùng giai ưng dương.
    Tôn Kiên Tôn Sách khởi Giang Tả,
    Viên Thiệu Viên Thuật hưng Hà Lương.
    Lưu Yên phụ tử cư Ba Thục,
    Lưu Biểu quân lữ truân Kinh Tương.
    Trương Yên Trương Lỗ phách Nam Trịnh,
    Mã Đằng Hàn Toại thủ Tây Lương.
    Đào Khiêm Trương Tú Công Tôn Toản,
    Các sính hùng tài chiêm nhất phương.
    Tào Tháo chuyên quyền cư tướng phủ,
    Lao lung anh tuấn dụng văn vũ.
    Uy hiệp thiên tử lệnh chư hầu,
    Tổng lĩnh mạo hưu trấn trung thổ.
    Lâu Tang Huyền Đức bổn hoàng tôn,
    Nghĩa kết Quan Trương nguyện phù chủ.
    Đông tây bôn tẩu hận vô gia,
    Tương quả binh vi tác ki lữ.
    Nam Dương tam cố tình hà thâm,
    Ngoạ Long nhất kiến phân hoàn vũ.
    Tiên thủ Kinh Châu hậu thủ Xuyên,
    Bá nghiệp đồ vương tại thiên phủ.
    Ô hô tam tái thệ thăng hà,
    Bạch Đế thác cô kham thống sở!
    Khổng Minh lục xuất Kì Sơn tiền,
    Nguyện dĩ chỉ thủ tương thiên bổ.
    Hà kì lịch sổ đáo thử chung,
    Trường tinh bán dạ lạc san ổ!
    Khương Duy độc bằng khí lực cao,
    Cửu phạt Trung Nguyên không cù lao.
    Chung Hội Đặng Ngải phân binh tiến,
    Hán thất giang san tẫn chúc Tào.
    Phi Duệ Phương Mao tài cập Hoán,
    Tư Mã hựu tương thiên hạ giao.
    Thu Thiện đài tiền vân vụ khởi,
    Thạch đầu thành hạ vô ba đào.
    Trần Lưu quy mệnh dữ an nhạc,
    Vương hầu công tước tòng căn miêu.
    Phân phân thế sự vô cùng tẫn,
    Thiên sổ mang mang bất khả đào.
    Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng,
    Hậu nhân bằng điếu không lao tao.


    Dịch thơ

    Gươm Cao Tổ Hàm Dương thuở nọ,
    Vầng phù tang soi đỏ góc trời.
    Chân nhân Bạch thuỷ nối ngôi.
    Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh.
    Vận suy bĩ thương tình Hiến Đế,
    Mảnh kim ô đã xế non đoài,
    Tiếc thay Hà Tiến vô tài,
    Gian thần Đổng Trác giữ ngôi triều đường,
    Vương tư đồ mưu toan quật khởi,
    Đảng Dĩ, Thôi lại nổi đùng đùng,
    Bốn phương trộm giặc như ong,
    Ầm ầm sáu cõi anh hùng kéo ra:
    Chi Tôn Sách đánh qua Giang Tả,
    Cánh họ Viên giữ ngả Hà Lương
    Ba Tây có gã Lưu Chương;
    Cảnh Thăng chiếm giữ Kinh Tương xưng hùng;
    Yên với Lỗ đóng vùng Nam Trịnh,
    Toại cùng Đăng giữ tỉnh Lương Châu;
    Công Tôn Toản, Lã Ôn Hầu,
    Nọ thành Tương Tú, kia lầu Khổng Dung!
    Tào Tháo mới gian hùng quỷ quyệt,
    Khéo dùng người, thu hết anh hào.
    Đường đường tướng phủ ngôi cao,
    Uy quyền hống hách ai nào dám đương?
    Huyền Đức gặp Quan, Trương kết nghĩa,
    Thề cùng nhau đem lại sơn hà,
    Chỉ thương bốn bể không nhà,
    Nay đông, mai bắc, lân la cõi trần.
    Cầu Gia Cát ân cần quyến cố,
    Giãi tấm lòng gắn bó nhỏ to,
    Rồng bay, hổ nhảy, tranh đua,
    Tây Xuyên gây dựng cơ đồ một nơi.
    Thành Bạch Đế mấy lời thấm thót,
    Tình thác cô chua xót nhường bao!
    Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào,
    Một tay mong chống trời cao nghìn trùng!
    Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng,
    Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa!
    Khương Duy cậy sức làm già,
    Chín phen đánh Nguỵ kể đà uổng công!
    Đường vào Thục, Đặng, Chung kéo đến,
    Vận Viêm Lưu phút biến thành Tào!
    Tào kia cũng chẳng được bao,
    Lại đem thiên hạ mà trao tay người!
    Đền Thu Thiện ngất trời mây phủ,
    Sông Tam Giang sóng gió êm dòng,
    Hàng vương xiết nỗi thẹn thùng,
    Công hầu may cũng thong dong trọn đời.
    Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,
    Cuộc tang thương biến đổi khôn lường,
    Tam phân một giấc mơ màng,
    Viếng đời gọi có mấy hàng nôm nay...

    (Bản dịch của Phan Kế Bính)
     
    Ngọc Sơn thích bài này.
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Sư phụ Đường Tăng thì trên diễn đàn có rồi, chỉ thiếu có mỗi Bạch Mã và Sa Tăng thôi, chắc sợ mang hành lý nên chưa ai đăng ký :D.
     
    Ngọc Sơn thích bài này.
  5. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Bản dịch thơ này không hay.
     
    Ducko thích bài này.
  6. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Bác có bản nào hay thì up lên cho anh em học hỏi.
     
  7. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Sự thật bẽ bàng về đại chiến Xích Bích

    Có đúng đại chiến Xích Bích là chiến dịch "lấy ít địch nhiều" trứ danh trong lịch sử Trung Quốc hay chỉ là cuộc "tao ngộ chiến" bình thường như vô vàn trận đánh khác?

    [​IMG]

    Sau khi tác phẩm điện ảnh "Xích Bích" của đạo diễn kỳ cựu Hồng Kông Ngô Vũ Sâm lên màn ảnh rộng hồi năm 2008, dư luận luôn tranh cãi rằng liệu cuộc chiến năm 208 thúc đẩy sự hình thành cục diện "tam phân đỉnh lập" có thực sự hoành tráng như phim?

    Sử liệu Trung Quốc có khá nhiều ghi chép liên quan tới chiến dịch nổi tiếng gây nhiều thị phi này.

    Năm Kiến An 12 (207), Tào Tháo viết trong "Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh" - "Nay thần lĩnh binh 20 vạn... phụng quốc uy linh, xuất chinh thảo phạt (Lưu Bị - Tôn Quyền)... bình thiên hạ, không phụ chủ mệnh".

    "Tam Quốc Chí - Ngụy thư - Vũ Đế kỷ" thì chép - "Công (Tào Tháo) đến Xích Bích, giao tranh với (Lưu) Bị. Bất lợi, gặp đại dịch, binh sĩ chết nhiều, phải rút quân về".

    "Thục thư - Tiên chủ truyện" có đoạn - "Tháng 7 năm Kiến An 13, Tào Tháo phạt Lưu Biểu. Tháng 9 đến Tân Dã.

    Tiên chủ (Lưu Bị) phái Gia Cát Lượng kết minh với Tôn Quyền. Quyền sai Chu Du, Trình Phổ... đem hàng vạn thủy quân hợp lực cùng tiên chủ.

    Đối quyết với Tào công tại Xích Bích, đại phá Tào quân, thiêu rụi thuyền địch. Tiên chủ cùng Ngô quân thủy lục cùng tiến, đuổi (Tào Ngụy) tới Nam quận (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc).

    Khi ấy dịch bệnh bùng phát, quân Bắc chết nhiều, Tào công rút lui".

    Sử gia Trần Thọ ghi trong "Thục thư - Gia Cát Lượng truyện" - "Quan Vũ lĩnh thủy quân tinh nhuệ vạn người, hợp binh với chiến sĩ Giang Hạ của Lưu Kỳ (con Lưu Biểu) không dưới vạn người.

    (Tôn) Quyền vui mừng, lập tức phái Chu Du, Trình Phổ, Lỗ Túc đem 3 vạn thủy quân theo Lượng phục mệnh Tiên chủ, hợp lực kháng Tào".

    "Ngô thư - Ngô chủ truyện" thì viết - "Du, Phổ làm tả hữu Đô đốc, mỗi người lĩnh vạn quân, hợp sức cùng Bị.

    Đụng độ tại Xích Bích, đại phá Tào công. Công đốt thuyền rút lui, sĩ tốt đói mệt, chết quá nửa".

    "Chu Du truyện" cũng thuật lại trận Xích Bích - "Quân Tào công mắc bệnh nhiều. Lần đầu giao chiến, quân Công bại lui về Giang Bắc. Quân Du đóng ở bờ Nam.

    Bộ tướng Du là Hoàng Cái nói - 'Địch đông ta ít, khó đánh lâu dài. Nay quan sát thấy thuyền Tào nối liền đầu đuôi, có thể dùng hỏa công...

    Nên gửi thư cho Tào công trước, giả vờ đầu hàng. Đợi quân sĩ Tào công chủ quan, Cái phóng hỏa. Thuận gió mạnh, lửa ắt thiêu cháy doanh trại trên bờ'."

    "Hoàng Cái truyện" trong "Tam Quốc Chí" cũng ghi danh ông là nhân vật "theo Chu Du kháng Tào ở Xích Bích, hiến kế hỏa công".

    [​IMG]
    Đại chiến Xích Bích không phải là chiến dịch với những trận đánh "kinh thiên động địa" như mô tả?

    Liên quan tới lịch sử Trung Quốc thời đại Tam Quốc, bộ sử "Tam Quốc Chí" do sử gia Tây Tấn Trần Thọ viết và sử gia Nam Tống Bối Tùng Chi chú giải được xem là điển tịch tham khảo uy tín nhất.

    Các học giả hiện đại nhận định, đại chiến Xích Bích là chiến dịch quân sự "có tổ chức, có chuẩn bị, được hoạch định trong một thời gian dài", với sự tham chiến của Tào Ngụy do Tào Tháo lãnh đạo đối đầu với liên minh Tôn Quyền - Lưu Bị.

    Ngay từ năm Kiến An 12 (207), Tào Tháo đã huấn luyện thủy quân tại Hà Bắc, chuẩn bị cho kế hoạch xua quân Nam tiến "bình thiên hạ".

    Xuất phát từ nguyên nhân bảo toàn thế lực, bắt đầu từ tháng 9/208, Tôn Quyền và Lưu Bị đã lập liên minh quân sự để đối kháng Tào Tháo.

    Chiến trường lý tưởng để đối quyết với Tào Ngụy không đâu khác ngoài Trường Giang - địa điểm cho phép liên quân "dùng sở trường đánh sở đoản của Tào Tháo".

    Nói cách khác, việc chọn Trường Giang làm chiến trường "chủ" không phải ngẫu nhiên, mà hoàn toàn nằm trong hoạch định của liên quân Tôn - Lưu.

    Lực lượng tham chiến

    Lực lượng của cả 2 phe tham chiến cũng được nhìn nhận là có quy mô lớn.

    Tại Hứa Xương, Tào Tháo nói quân đội của ông "có gần 200.000". Sau khi Nam hạ Kinh Châu, ông thu nhận hàng vạn hàng binh từ Lưu Biểu, khiến quân số tăng lên "gần 300.000".

    Tuy vậy, "Tam Quốc Chí - Chu Du truyện" trích dẫn "Giang Biểu truyện" nhận định số lượng thực sự có năng lực chiến đấu của Tào Ngụy chỉ vào khoảng 150.000-160.000 quân.

    Điều này được lý giải rằng hàng binh Kinh Châu lên tới 70.000-80.000 người, song đội quân này được cho là "chỉ để hư trương thanh thế" chứ không có khả năng thực chiến.

    Vì vậy, viễn cảnh đối đầu với 150.000 quân Tào vẫn khiến liên minh Tôn - Lưu... khá dễ chịu. Tôn Quyền có 30.000 thủy quân, Lưu Bị có 10.000 thủy quân và "gần 10.000 bộ binh". Như vậy, liên minh này về cơ bản sở hữu khoảng 50.000 - 60.000 lính.

    Trong khi đó, theo "Gia Cát Lượng truyện", quân đội Đông Ngô thực tế có quân số "gần 100.000 lính". Nếu đánh giá này là thực tế, thì lực lượng của liên minh Tôn - Lưu lên tới khoảng 110.000 quân.

    Nhiều học giả hiện đại đã nhận xét, quân số song phương tuy có sự chênh lệch "cơ bản", nhưng qua đó nhận định chiến dịch Xích Bích là điển phạm "lấy ít thắng nhiều" thì quả thực có phần khiên cưỡng.

    [​IMG]
    Liên minh Tôn - Lưu "lấy ít thắng nhiều" trước Tào Tháo ở Xích Bích chỉ là sự thổi phồng quá đáng?

    Thất bại của Tào Tháo

    Theo những ghi chép của Trần Thọ, thất bại của Tào Tháo ở Xích Bích không nằm ở vấn đề "chiến" mà là ở "dịch (bệnh)". Chính dịch bệnh tràn lan đã quật ngã đội quân đông đảo của Tào Ngụy.

    Thực tế, trước khi song phương giao chiến, trong quân đội Tào Ngụy đã xuất hiện tình trạng bệnh dịch lây lan, khiến sức chiến đấu suy yếu và làm Tào Tháo thất bại trong lần đối đầu ở Giang Trung.

    Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, nếu đánh giá một cách nghiêm khắc thì đại chiến Xích Bích là một cuộc chiến tranh "chỉ có dịch bênh mà không có chiến đấu", và nếu có thì các cuộc giao tranh cũng không mang quy mô lớn.

    Có học giả nhận định, chiến dịch Xích Bích thực tế chỉ là một trận "tao ngộ chiến" và là trận đấu "giữa những cái đầu của 2 phe" hơn là một trận đại chiến thực thụ.

    Những ý kiến phản đối quan điểm trên nói rằng, một cuộc chiến tranh được gọi là "tao ngộ chiến" chỉ khi cuộc chiến diễn ra trong tình thế "không hẹn mà gặp".

    Trong khi đó, chiến dịch Xích Bích vốn được Tào Tháo trù bị từ hơn 1 năm trước khi nó diễn ra, còn liên minh Tôn - Lưu cũng có... vài tháng chuẩn bị trước khi "nhập cuộc".

    Quan điểm cho rằng Xích Bích "là một trận quyết chiến thực sự" nhận được nhiều sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu ngày nay.

    Đương nhiên, tính ác liệt của nó có thể không nằm ở những cuộc xung đột máu lửa, mà là cái chết âm thầm khi dịch bệnh bào mòn cả 2 phe, với phần thiệt hại nặng nề hơn thuộc về Tào Ngụy.

    [​IMG]
    Thất bại của Tào Tháo chủ yếu nằm ở vấn đề... y tế, khi quân đội ông bị dịch bệnh hành hạ mà không tìm ra biện pháp giải quyết.

    Hỏa thiêu Xích Bích

    Việc Hoàng Cái trá hàng để thực hiện hỏa công đối với hạm đội Tào Ngụy đã được sử liệu Trung Quốc thừa nhận.

    Tuy nhiên, cuộc trình diễn của Hoàng Cái được đánh giá chỉ là "thủ đoạn chiến thuật lâm thời" của phe liên minh, chứ không nằm trong quy hoạch chiến lược ban đầu của Tôn Quyền - Lưu Bị.

    Dù bị dịch bệnh ảnh hưởng dẫn đến thất bại ở Giang Trung, buộc Tào Tháo rút về thủ ở Giang Bắc, lão tướng Hoàng Cái vẫn nhận định rằng "thực lực Tào Ngụy vẫn mạnh", một khi Tào giải quyết vấn đề bệnh dịch, khôi phục khả năng chiến đấu, phe liên minh sẽ gặp khó khắn lớn.

    Vì vậy, Hoàng Cái mới hiến kế tốc chiến tốc thắng, "không để Tào Tháo kịp trở tay". Nói cách khác, "hỏa thiêu Xích Bích" chỉ là chủ ý nhất thời mà Hoàng Cái nêu ra sau khi đánh giá tình trạng thực tế của Tào Ngụy.

    Lưu Bị "thừa nước đục thả câu"

    Trên thực tế, trong cả "đại chiến Xích Bích", lực lượng của Lưu Bị hoàn toàn đóng "vai phụ", hỗ trợ Đông Ngô đối đấu với Tào quân.

    Vai trò của phe Lưu Bị chỉ "le lói" đôi chút vào giai đoạn hậu kỳ chiến sự, khi Tào Tháo thất bại triệt để phải đốt thuyền rút chạy về đường Hoa Dung và Lưu Bị ra quân "truy quét".

    Thế nhưng, trong tổng thể chiến dịch Xích Bích, Lưu Bị lại là nhân vật "hưởng lộc" lớn nhất. Kết thúc chiến sự, ông dùng Lưu Kỳ làm con bài chính trị để "mượn Kinh Châu" của Đông Ngô.

    Từ đó, Bị dùng Kinh Châu làm bàn đạp, phát triển mạnh mẽ thế lực về Tứ Xuyên, khiến quan hệ liên minh Tôn - Lưu rạn nứt và hình thành cục diện "tam phân thiên hạ".

    Phải mất tới 10 năm trời, Tôn Quyền mới "trả được cả vốn lẫn lời" cho Lưu Bị bằng chiến dịch đoạt lại Kinh Châu, "xóa sổ" Quan Vân Trường của Đại đô đốc Lữ Mông.

    [​IMG]
    Hậu Xích Bích, Lưu Bị là người được lợi lớn nhất, vì vậy mà chiến dịch này được mô tả trong "Tam Quốc diễn nghĩa" như một cuộc chiến kinh điển nhất mọi thời đại?

    Theo các học giả Trung Quốc hiện đại, xét từ góc độ quân sự, đại chiến Xích Bích là chiến dịch "không xứng đáng là đại chiến nhất trong hàng chục trận đại chiến của lịch sử Trung Quốc cổ đại".

    Có chăng, Xích Bích là chiến dịch "lớn" ở những chuyển biến chính trị "khổng lồ" mà nó đem lại.

    Hậu Xích Bích, Tào Tháo đại bại khiến quốc lực suy yếu đáng kể và bước vào giai đoạn phục hồi. Thậm chí có một thời gian ngắn Tào Ngụy "không dám ho he với Đông Ngô".

    Ở Giang Đông, Tôn Quyền và Đại đô đốc Chu Du "uy chấn thiên hạ", song lại bước vào thời kỳ "đổ vỡ quan hệ" với Lưu Bị với căng thẳng liên tục diễn ra ở khu vực Kinh Châu, đáng kể nhất là sự trở mặt hoàn toàn giữa Gia Cát Lượng và Chu Du.

    Do sức ảnh hưởng quá lớn của bộ tiểu thuyết triều Minh "Tam Quốc diễn nghĩa", cộng với những bước đột phá thực sự của phe Lưu Bị - lực lượng chính diện trong bộ sách này, cho nên chiến dịch Xích Bích nghiễm nhiên trở thành "một trong những trận chiến kinh điển nhất mọi thời đại".
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/9/15
    cfcbk, Ducko and deathshine like this.
  8. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Kể lại về một nhân vật lịch sử thường căn cứ vào mấy yếu tố: chính sử, văn học nghệ thuật và hình tượng trong dân gian. Ví dụ: kể lại về thời Tam quốc, chính sử là Tam quốc chí của Trần Thọ, văn học nghệ thuật là tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa còn hình tượng dân gian thì chắc là nhiều, điển hình Quan Vũ về sau đã thành Quan Thánh. Ba yếu tố này phát triển theo thời gian và tùy theo từng bối cảnh lịch sử mà mỗi nhân vật trong đó có những vai trò khác nhau nhằm những mục đích khác nhau.

    Là chính sử nên đương nhiên Tam quốc chí vẫn được coi là sử liệu chính thức và có căn cứ, còn Tam quốc diễn nghĩa vẫn chỉ là một tác phẩm văn học, không tránh khỏi những hư cấu hoặc mang tính áp đặt của người viết.

    Tam quốc chí ra đời chỉ sau khi kết thúc thời Tam quốc khoảng vài chục năm nên tư liệu chắc chắn hơn, mặc dù cũng không thể bỏ qua vai trò tác giả Trần Thọ là quan của triều Tấn (hậu duệ Tư Mã Ý, thống nhất 3 nhà) nên chắc cũng có những áp lực chính trị nhất định.

    Tam quốc diễn nghĩa ra đời khoảng thế kỷ 14 (căn cứ dựa trên Tam quốc chí và hình tượng dân gian), tác giả La Quán Trung là người sống cuối thời Nguyên Mông đầu thời Minh, ông xuất thân gia đình quý tộc, được mô tả là người "mộng bá đồ vương", có lẽ không gặp thời nên sự nghiệp không thành.

    Nhiều nhà nghiên cứu về sau cho rằng, khi viết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã hư cấu cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng giống như cuộc đời của ông, xuất thân tốt, mộng ước nhiều nhưng không thành. Cuối đời Minh, thế sự thối nát, trong nước thì khởi nghĩa nông dân, hội kín phát triển nhiều, bên ngoài thì sự phát triển của "Rợ Nữ Chân" (tức nhà Mãn Thanh sau này) ngày càng bành trướng.

    Để lấy lòng dân và binh lính, giai cấp cầm quyền ra sức nâng cao các hình tượng trung quân ái quốc, mà tiêu biểu là Quan Vũ, kết quả ông đã thành Thánh trong dân gian với danh xưng Quan Thánh.

    Mấy ý kiến lan man cũng chỉ là mạn đàm, có gì thiếu sót rất mong được chỉ giáo.
     
    Last edited by a moderator: 10/9/15
  9. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Sự "thống trị" của Quan Vân Trường trong tín ngưỡng dân gian

    [​IMG]

    Quan Vân Trường vừa là Võ Thánh, bồ tát và cả Thần Tài, cho thấy địa vị tuyệt đối của ông trong tổng thể tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc nói riêng và Á Đông nói chung.

    Quan Vũ (160 - 219), tự Vân Trường, người Giải Lương Hà Đông (nay là Vận Thành, Sơn Tây), là danh tướng cuối thời Đông Hán, được xếp vào nhóm "ngũ hổ thượng tướng" triều Thục Hán.

    Hình tượng Quan Công được văn hóa dân gian Trung Quốc mô tả "nghiêm nghị, vũ dũng tuyệt luân".

    Những điển tích gắn liền với tên tuổi Quan Vũ qua tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" thời Minh như đào viên kết nghĩa, ôn tửu trảm Hoa Hùng... đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người hâm mộ Tam Quốc.

    Tại miếu Quan đế ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một câu đối về ông -"Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Thanh phong Đại đế. Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên tôn".

    Bên cạnh việc được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, Quan Vân Trường là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.

    Nho gia: Võ Thánh

    [​IMG]
    Võ Thánh

    Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".

    Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Công được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".

    Sự sùng bái của người dân Trung Quốc đối với Quan Công được đẩy lên cực điểm vào triều Thanh, khi Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo.

    Nói cách khác, ông chính thức trở thành Võ Thánh của Nho gia, có địa vị ngang hàng với ông tổ của đạo này là Văn Thánh Khổng Tử.

    Thậm chí, những phường hội kinh doanh, buôn bán còn sùng bái Quan Công hơn nhiều so với Khổng Tử.

    Phật giáo: Già Lam bồ tát

    [​IMG]
    Già Lam bồ tát

    Trong Phật giáo Trung Quốc, Quan Công được xưng là Già Lam thần.

    Truyền thuyết Trung Quốc kể lại, người sáng lập ra thiền phái Thiên Đài là Trí Giả đại sư, triều Tùy.

    Tương truyền ông từng "nhập định" tại núi Ngọc Tuyền, Kinh Châu và nghe được "tiếng gọi của Quan Vân Trường" - "Trả đầu cho ta!".

    Trí Giả đại sư hỏi lại - "Ngài qua năm cửa trảm sáu tướng, giết người vô số, vậy ai trả đầu cho bọn họ?".

    Vị đại sư này sau đó đã giảng giải Phật pháp cho Quan Vũ, khiến Quan Công hổ thẹn mà xin được truyền thụ "tam quy ngũ giới", trở thành đệ tử Phật môn và thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo.

    Về sau, nhân vật anh hùng được người dân Trung Quốc kính ngưỡng Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.

    Trong các chùa miếu thờ Phật, Già Lam là Hữu hộ pháp, Vi Đà là Tả hộ pháp.

    Đạo giáo: Quan thánh Đế quân

    [​IMG]
    Quan thánh Đế quân

    "Quan thánh Đế quân", hay còn gọi là "Quan đế", vốn là một trong "Hộ pháp tứ soái" của Đạo giáo. Tín ngưỡng Đạo giáo ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như một Thần Tài.

    Theo tín ngưỡng của đạo này, Quan đế là vị thần "trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ".

    Việc Quan đế được xưng là Thần Tài xuất phát từ hình tượng trung nghĩa của ông trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc.

    Thương nhân Trung Quốc nhiều thế hệ cho rằng, Quan Công sinh thời rất giỏi về quản lý tài chính, phát minh ra "nhật thanh bạ" ghi lại nguồn, thu, chi, tồn hàng ngày rất rõ ràng. Hậu thế công nhận ông là "kỳ tài kế toán", nên phong làm "thần thương nghiệp".

    Một nguyên nhân khác là thương nhân kinh doanh coi trọng "nghĩa khí và tín dụng", được cho là những phẩm chất của Quan Công.

    Nguyên nhân thứ ba là truyền thuyết về "chiến thần" Quan Vân Trường, nói rằng sau khi Quan Công mất đã trở thành thần linh, quân đội bên nào được ông "trợ chiến" ắt sẽ giành được thắng lợi.

    Các thương gia cũng hy vọng việc kinh doanh được Quan đế "trợ lực", làm ăn phát đạt.

    Tại Đài Loan, Quan Công còn được các tín đồ xưng là "ân chủ", tức là "Chúa cứu thế".

    Ở Nhật, Singapore, Malaysia, Philippines và thậm chí tại các khu người Hoa ở Anh Mỹ, tín ngưỡng thờ phụng Quan Vân Trường đều rất thịnh hành.

    Do thương nhân Hoa kiều ở hại ngoại rất đông, nên tín ngưỡng thờ Thần Tài Võ Quan Công trở nên nổi bật.

    Có học giả Trung Quốc đúc kết, nguyên nhân Quan Vũ được sùng bái đến vậy, chính là do sự tôn sùng của quan niệm dân gian đối với "nhân cách hoàn mỹ" trung - nghĩa - vũ - dũng.
     
    cfcbk and metalheart5410 like this.
  10. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Hình này vẽ bậy. Quan Vũ không đội mũ giáp trụ, chỉ chít khăn.:D
     
    cfcbk and deathshine like this.
  11. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Hành trình từ cừu nhân Tôn gia tới "nhất đại danh tướng" Đông Ngô

    [​IMG]

    Ông từng là kẻ thù của Tôn Sách, về sau lại trở thành con rể của Tôn Sách. Ông cũng chính là người kế thừa Chu Du, Lữ Mông trở thành Đại đô đốc xuất sắc của Đông Ngô.

    Cừu nhân của Tôn Sách

    Cha Lục Tốn mất sớm, từ nhỏ Tốn đã đi theo "đường tổ" (anh em với ông nội) là Thái thú quận Lư Giang Lục Khang.

    Đương thời, quân đội Viên Thuật thiếu thốn lương thảo, Thuật bèn phái sứ giả sang yêu sách với Lục Khang và bị cự tuyệt thẳng thừng. Viên Thuật nổi giận cử tướng Tôn Sách lĩnh binh đánh Lục Khang.

    Tôn Sách vây thành 2 năm, kết cục khiến Lục Khang bi phẫn mà chết. Lục Tốn phải chạy trốn về quê mới thoát được kiếp nạn này. Song cũng từ đó, gia tộc họ Lục đã coi Tôn Sách là "cừu nhân diệt môn".

    Khi Tôn Quyền kế vị huynh trưởng Tôn Sách, trở thành chủ nhân Giang Đông năm 19 tuổi, Lục Tốn mới 18 tuổi.

    Phải mất 3 năm, Tôn Quyền hao tâm tốn sức dùng nhiều cách thu phục nhân tâm, đặc biệt là đem con gái Tôn Sách gả cho Lục Tốn thì mới khiến Tốn cảm động, dần dần "dĩ hòa vi quý", chuyển sang tận trung với Quyền.

    [​IMG]
    Lục Tốn được biết đến là "tay trắng làm nên". Ông không xuất thân trong các gia tộc quyền thế ở Đông Ngô.

    Tháng 7 năm Chương Vũ thứ nhất triều Thục Hán (221), tức 3 tháng sau khi Lưu Bị xưng đế, ông huy động đại quân tiến về Tam Hiệp tấn công Đông Ngô với lý do là "báo thù cho Quan Vũ - danh tướng đã thiệt mạng trong chiến dịch đoạt Kinh Châu của Lữ Mông".

    Trước đó 2 năm, Tôn Quyền - dưới sự tiến cử của Lữ Mông - đã bổ nhiệm Lục Tốn "tạm quyền" vị trí phụ trách cao nhất tại Kinh Châu, thay thế Lữ Mông.

    Lúc này, đứng trước tình thế đại quân Thục Hán áp biên, Tôn Quyền một lần nữa lựa chọn Lục Tốn - năm đó 39 tuổi - làm chủ soái Đông Ngô.

    Tuy nhiên, khi Lục Tốn thăng làm "tổng tư lệnh" thì các tướng lĩnh "có thế lực" trong quân đội Đông Ngô thường tỏ ra bất mãn với ông.

    Xét về phương diện "quan hệ, họ hàng và thân thế", quả thực Lục Tốn kém xa nhóm này. Nhưng ông khôn khéo "lấy nhu chế cương", dùng lý lẽ để ổn định quân đội.

    Lục Tốn nhắc nhở các tướng rằng Thục Hán mới là kẻ địch của họ, phê bình những người chống đối bất tuân thượng lệnh và chỉ rõ "Ta tuy chỉ là một thư sinh, nhưng đã được Chủ thượng thụ mệnh". Dần dần, ông mới khiến cho quân đội Đông Ngô thống nhất trở lại.

    [​IMG]
    "Hỏa thiêu liên doanh" - chiến dịch đả bại Lưu Bị khiến tiếng tăm Lục Tốn trở nên lừng lẫy.

    Chiến công thành danh của Lục Tốn

    Trong chiến dịch kháng Thục của Đông Ngô, Lưu Bị đã cho quân đến khêu chiến nhằm dụ quân Ngô vào bẫy mai phục, nhưng Lục Tốn đã "bắt bài" Bị và ra nghiêm lệnh cho chúng tướng không được manh động.

    Khi biết tin quân Thục đã có dấu hiệu bị bệnh dịch, sau nhiều tháng kiên thủ, Lục Tốn quyết định đây chính là thời cơ phản công.

    Đầu tiên, ông cho quân giả vời tấn công vào 1 trong số các doanh trại của quân Thục nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục.

    Kế đến ông lệnh cho quân sỹ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng, Lục Tốn ra lệnh 3 mặt giáp công doanh trại Thục Hán, "hỏa thiêu liên doanh", khiến cho Thục quân đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt.

    Lưu Bị buộc phải rút chạy về thành Bạch Đế và qua đời 1 năm sau đó, còn Lục Tốn thì danh tiếng lẫy lừng.

    Sau chiến dịch đại phá Thục Hán ở Di Lăng, quân Ngô thừa thắng và chuẩn bị mở chiến dịch quân sự tấn công vào biên giới Thục.

    Tuy nhiên, Lục Tốn nhận định, khi Ngô - Thục giao chiến thì Tào Ngụy nhất định sẽ thừa cơ tấn công Đông Ngô. Dự đoán này của Tốn là hoàn toàn chính xác.

    Tháng 10 năm Hoàng Vũ thứ nhất (222) thời Tôn Quyền, sau khi giải trừ uy hiếp từ phía Thục Hán, Đông Ngô công khai "đoạn tuyệt" với Tào Ngụy. Tôn Quyền tự xưng là Ngô Vương.

    Động thái "trở mặt" của Giang Đông khiến Ngụy Văn Đế Tào Phi "nóng mặt" và thân chinh thảo phạt Đông Ngô.

    Xung đột quân sự Ngô - Ngụy dai dẳng trong vòng 4 năm thì Tào Phi bệnh mất, con trai Tào Duệ đăng cơ và tiếp tục duy trì áp lực quân sự lên Giang Đông.

    Bước ngoặt trong cán cân Ngô - Ngụy xuất hiện mùa xuân năm 228, khi Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng cất binh "Bắc phạt Trung Nguyên". Động thái quân sự của Thục "lớn chưa từng thấy" kể từ thời Lưu Bị đã khiến Tào Ngụy chấn động.

    Việc Thục Hán bất ngờ trở lại tham chiến buộc Ngụy phải "xoay trục" trọng điểm quân sự về Quan Trung, trong khi Tôn Quyền nhân cơ hội này "ăn miếng trả miếng" bằng một kế trá hàng.

    [​IMG]
    Lục Tốn là danh tướng nổi tiếng với các trận đánh tập kích.

    Khi ấy, lãnh thổ Đông Ngô có quận Bà Dương, Bắc giáp Trường Giang, đối diện với Dương Châu thuộc địa phận Tào Ngụy.

    Tháng 5/228, Thái thú Bà Dương Vương Tĩnh bình loạn kém cỏi, nhiều lần bị chính quyền Đông Ngô khiển trách, cho nên chuẩn bị "nhảy bè" sang Tào Ngụy.

    Sự việc bại lộ khiến cả nhà Vương Tĩnh bị thanh trừng, vị trí Thái thú được Tôn Quyền giao cho Chu Phường. Phường "thế vai" Vương Tĩnh, thực hiện mưu kế trá hàng của Tôn Quyền đối với Tào Ngụy.

    Không lâu sau, Tôn Quyền bèn liên tiếp cử đặc sứ tới Bà Dương công khai chỉ trích Chu Phường, khiến Phường phải chạy về kinh thành Kiến Nghiệp để... nhận tội trước chính quyền.

    Vở kịch "Chu Phường tạ tội" diễn ra trước bàn dân thiên hạ, đương nhiên không thiếu những gián điệp Tào Ngụy. Tin tức về Chu Phường nhanh chóng được mật báo tới Tư lệnh Ngụy tại chiến khu Hoài Nam là Tào Tu.

    Tiếp đó, Tào Tu "bất ngờ" nhận được mật hàm của Chu Phường, tỏ ý quyết tâm bỏ Ngô theo Tào và hy vọng Tào Tu "dẫn đại quân tới huyện Hoàn ở mạn Bắc Trường Giang tiếp ứng, thừa cơ đột kích Đông Ngô".

    Tháng 7/228, Tào Tu quả nhiên đổ quân về huyện Hoàn. Lúc này, Tôn Quyền chính thức phong Lục Tốn làm Đại đô đốc, phát binh "bắt con cá lớn này".

    Lục Tốn: "Chuyên gia" đột kích

    Nhận được ủy thác của Tôn Quyền, Lục Tốn bắt tay bố trí lực lượng và nhanh chóng phát hiện yếu điểm của Tào Tu.

    Nếu Ngụy quân muốn đánh từ đại doanh Hợp Phì tới huyện Hoàn, họ buộc phải vượt qua một mạch núi lớn. Con đường núi này vô cùng hiểm trở và được Lục Tốn xác định là "điểm mấu chốt để chiến thắng".

    Tào Tu là quan Đại tư mã của Ngụy, đã theo Tào Tháo từ thời khởi binh đánh Đổng Trác và được Tào khen ngợi là "Thiên lý câu" (ngựa khỏe).

    Xét vai vế, Tào Tu có thể xem là tiền bối của Ngụy Minh Đế Tào Duệ. Ông có năng lực quân sự cũng như thế lực "chống lưng" trong triều đình rất vững.

    Thời điểm thống lĩnh đại quân tiến vào địa bàn Đông Ngô, thậm chí Tu đã nhận được tình báo nói rằng Chu Phường có khả năng trá hàng. Song ông vẫn tự tin vào binh lực hùng hậu và... tiếp tục tiến lên!.

    Đại quân Tào Tu hạ trại tại phía Nam đường núi nói trên. Binh sĩ Ngụy quân sau nhiều ngày hành quân, đến thời điểm này đã mệt mỏi.

    Trong khi đó, Lục Tốn triệt để áp dụng chiến thuật "ôm cây đợi thỏ", lấy sức nhàn đánh quân địch mệt mỏi, đã sẵn sàng "đón tiếp" Tào Tu. Ông quyết định tấn công trong đêm, không cho đối thủ cơ hội trở tay.

    [​IMG]
    Đại tư mã Ngụy quốc Tào Tu thua thảm dưới tay Lục Tốn.

    Ngay đêm đó, tam quân của Lục Tốn thần tốc đột kích trại Tào quân. Tào Tu thấy tình thế vượt ngoài tầm kiểm soát, bèn rút chạy về hậu phương.

    Đại tướng Tào Tu rút chạy, Ngụy quân như "quần long vô thủ" rút chạy theo Tu. Đội quân này chỉ kịp thoát khi viện binh từ Ngụy quốc xuất hiện.

    Chiến dịch "đánh lén" Đông Ngô của Tào Tu đã thất bại mà không chiếm nổi một tấc đất nào. Quân đội của Lục Tốn tiêu diệt hơn 10.000 lính Ngụy. Bản thân Tào Tu về sau ôm hận mà chết.

    Sau những thắng lợi chiến lược trước Thục Hán và Tào Ngụy, bước sang năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Lục Tốn được phong làm Thượng đại tướng quân trấn thủ Vũ Xương và nắm đại quyền tại 3 quận Giang Đông.

    Năm 244 , thừa tướng Cố Ung qua đời. Tôn Quyền lập tức bổ nhiệm Lục Tốn - năm đó đã 62 tuổi - lên thay.

    Tuy nhiên, sang tháng 2/245, Lục Tốn đã qua đời sau khi phẫn uất do mâu thuẫn nội chính với Tôn Quyền về vấn đề truyền nhân Tôn gia, thọ 63 tuổi.

    Con trai ông Lục Kháng về sau cũng trở thành một danh tướng của Đông Ngô, còn cháu nội là tác gia hàng đầu trên văn đàn thời Tây Tấn. Ba đời nhà Lục Tốn được lưu danh sử sách.
     
  12. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Thiệt tình, tôi không thích những bức ảnh trên, chủ yếu phục vụ game online thì hợp hơn. Mà cũng tâm sự thật bài từ soha.vn mang tính chủ quan nhiều quá, đôi khi họ vẽ với một vài chi tiết khiến lịch sử...trở nên mơ hồ hơn nữa.

    xin lượng thứ!
     
    Ducko thích bài này.
  13. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Ảnh từ game đấy.
    Mình không chơi game nên không rõ nhưng nó là hình của bản 7 hay 8 gì đó.:D
     
  14. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Có bài nào phân tích Chu Du không? Share mình đọc với.

    Coi phim Tam Quốc từ hồi còn nhỏ xíu, mình cũng chưa đọc lại Tam Quốc bao giờ chỉ có điều nhìn thoáng qua thì mình thích Chu Du, nhà chiến lược tài ba.

    Không thích Khổng Minh, Khổng Minh trong mắt mình sao mà không đẹp. :D :D.
     
    superlazy and Heoconmtv like this.
  15. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Sẽ có một bài cực hay về Chu Du, Nắng cố gắng chờ chút nhé.
     
    deathshine thích bài này.
  16. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Chu Du đúng nghĩa văn võ toàn tài, cầm kỳ thi họa, vợ đẹp ngon lành. Xứng danh Mỹ Chu Lang.
    Tiếc là ông La buff cho anh Lượng nên anh Du chết tức tưởi...:rolleyes:
     
    cfcbk and deathshine like this.
  17. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Ông ấy chết một phần do bệnh, một phần do Ngô Quyền mắc mưu ông Lượng lõi đời, xử dụng kế tiểu nhân nên ông ấy phát bệnh thêm.

    Nói chung coi khúc này mình cảm thấy tiếc cho ông ấy vô cùng.

    Cơ mà dù có chết ông ấy cũng nhìn xa và đi trước ông Lượng 1 đoạn mờ hehe :D :D.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  18. tiendungtmv

    tiendungtmv Lớp 5

    Có một nhân vật thời Tam Quốc có liên quan đến lịch sử Việt Nam mà ít người biết đến, đó là Lục Dận, cháu Lục Tốn đã đem quân đàn áp cuộc khởi nghĩa bà Triệu (năm 248).
     
    sannyas60 and Heoconmtv like this.
  19. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Nhân vật tuyệt vời nhất của Tam quốc diễn nghĩa có lẽ là chính tác giả La Quán Trung. Thời đại Tam quốc cũng na ná như bao thời kỳ loạn lạc của Trung Quốc, bắt đầu từ triều đình hủ bại, thối nát, nông dân lầm than dẫn đến xung đột rồi khởi nghĩa. Rồi hình thành các thế lực quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau.

    Nếu đọc Tam quốc chí, chỉ thấy những dòng khô khan, ngắn ngủn mô tả về những nhân vật hay trận chiến. Thế nhưng bằng văn phong, ngòi bút của mình, La Quán Trung đã viết nên một tiểu thuyết hay tuyệt. Ông xây dựng những trường đoạn mô tả một nhân vật hay một trận chiến phải nói rất quyến rũ, hấp dẫn. Có thể liệt kê một số trường đoạn tiêu biểu:

    - Quan Vân Trường qua năm ải chém sáu tướng với câu nói thể hiện hết sự kiêu dũng của mình: "Mi đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa?".

    - Trận Tương Dương - Trường Bản, Triệu Tử Long một ngựa một thương liều mình cứu ấu chúa, với cái kết "mị dân" của Lưu Bị.

    - Trận Xích Bích, bắt đầu từ cuộc du thuyết mắng các văn sĩ Đông Ngô của Khổng Minh, đến câu nói "Mọi việc đủ cả chỉ thiếu gió đông" khiến Chu Du khỏi ngay tâm bệnh, rồi hẻm Hoa Dung Quan Công tha Tào Tháo.

    - Giang Tả cầu hôn, với câu thơ của Gia Cát khiến Chu Du hộc máu "Chu Du kế giỏi yên thiên hạ. Đã mất phu nhân lại thiệt quân".

    Có thể nói thời Tam quốc nổi danh là nhờ La Quán Trung, khiến bao thế hệ mê say và cũng khởi nguồn nhiều tranh cãi.

    Về cá nhân, tôi thích nhất đoạn Giang tả cầu hôn hay Khổng Minh cưới vợ cho Lưu Bị. La Quán Trung đã mô tả Khổng Minh đúng là một người mưu sâu kế hiểm chứ không mang màu sắc huyền bí như nhiều đoạn khác. Đến bây giờ những mưu kế đó vẫn còn được áp dụng: phao tin đồn nhảm, thọc gậy bánh xe, lộng giả thành chân. Nếu ngày nay Gia Cát còn sống chắc phải dùng câu "chém gió được phu nhân" để phong tặng cho ông.

    La Quán Trung còn thể hiện tài năng của mình trong tác phẩm "Hậu Thủy hử". Nếu Thi Nại Am (là thầy của La Quán Trung) vì viết Thủy Hử bị đi tù thì nhờ La phối hợp viết Hậu Thủy hử mà ông Thi lại được tha bổng.

    Ai đã từng đọc tác phẩm trên sẽ gặp lại văn phong của Tam quốc diễn nghĩa. Đoạn Song thương tướng Đổng Bình nghe tin bạn thân Một vũ tiễn Trương Thanh bị chết, đang nằm dưỡng thương trong trại chỉ cầm giáo được một tay mà vẫn xông lên thành đánh báo thù cho tới lúc hi sinh, rất xúc động.

    Chỉ có thể là La Quán Trung mới xây dựng được những nhân vật theo mô típ "chủ nghĩa anh hùng cá nhân" hay đến thế. Ngày nay đạo diễn mấy bộ phim hành động theo mô típ trên của Hollywood chắc chỉ đáng học trò của La tiên sinh.
     
    Last edited by a moderator: 12/9/15
    gadoi, cfcbk, toidangki and 2 others like this.
  20. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Bí ẩn lăng mộ của các đại nhân vật Tam Quốc

    Không chỉ riêng Tào Tháo, mà với hầu hết các nhân vật thời Tam Quốc, mộ phần đích thực của họ đến nay vẫn là một câu hỏi lớn cho đời sau.

    1. Mộ Lưu Bị

    Năm 223, Lưu Bị mất ở cung Vĩnh An, Phụng Tiết, Tứ Xuyên. Về nơi an táng của ông, đến nay có 3 giả thuyết:

    Thuyết thứ nhất nói mộ ông nằm ở ngay phía Tây chính điện trong đền thờ Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) ở Thành Đô, lịch sử vẫn gọi là Huệ Lăng.

    Hậu Chủ (Lưu Thiện, con trai Lưu Bị) sau này theo chủ ý của Gia Cát Lượng đưa hai vị phu nhân họ Cam và họ Ngô về hợp táng tại đây.

    Thuyết thứ hai do nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nổi tiếng Quách Mạt Nhược đưa ra năm 1961, khi khảo sát tại Phụng Tiết. Ông cho rằng, Lưu Bị mất vào mùa hè, thời tiết nóng nực, từ Phụng Tiết đến Thành Đô lại ngược dòng, ít nhất cũng phải mất đến 30 ngày đường, không phải là phương án hợp lí, nên khả năng Lưu Bị được an táng ngay tại Phụng Tiết là rất cao.

    Thuyết thứ 3 nói rằng mộ Lưu Bị nằm ở Bành Sơn, Tứ Xuyên.

    2. Mộ Gia Cát Lượng

    Vào năm Kiến Hưng thứ 12 (234), Gia Cát Lượng (Khổng Minh) lâm bệnh nặng và mất ở ngoài mặt trận khi đang đánh nhau với quân Ngụy. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Khổng Minh được an táng một cách rất sơ sài (huyệt mộ nhỏ vừa đủ đặt quan tài, mặc quần áo thường ngày) ở chân núi Định Quân, thuộc huyện Miễn, tỉnh Thiểm Tây.

    Tuy nhiên, dân gian lại truyền nhau câu chuyện rằng Khổng Minh đã ra lệnh cho 4 binh sĩ khiêng quan tài của ông đi về phía Nam, đến khi nào đòn gãy, thừng đứt thì chôn ngay tại nơi đó.

    [​IMG]
    Đền thờ Gia Cát Lượng ở Thành Đô

    Ngày nay, ở Trung Quốc có rất nhiều nơi lập đền thờ Gia Cát Lượng trong đó nổi tiếng nhất vẫn là đền thờ ở chân núi Định Quân, sau đó đến miếu Võ Hầu ở Thành Đô, ở thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh… nhưng mộ phần thực của ông ở đâu thì đến nay vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

    3. Mộ Quan Công

    Sau khi rời khỏi Mạch Thành, Quan Vũ bị các bộ tướng của Tôn Quyền là Phan Chương, Lữ Cung sát hại. Tôn Quyền đưa đầu Quan Vũ tặng cho Tào Tháo bấy giờ đang ở Lạc Dương. Tào Tháo kính trọng Quan Công là người trung nghĩa, sai chạm gỗ trầm hương làm thân mình, ghép vào, rồi cho an táng ở Lạc Dương theo nghi thức dành cho vương hầu.

    Khu chôn đầu Quan Vũ ở Lạc Dương được gọi là Vũ Lâm, rộng hơn 130ha, nằm cách thành phố Lạc Dương 7km về phía Nam, là quần thể kiến trúc cổ đại duy nhất ở Trung Quốc bao gồm cả mộ, miếu và rừng.

    Ở Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc, có mộ chôn phần thân của Quan Vũ, gọi là lăng như mộ của các đế vương. Trong khi đó, ở huyện Giải, tỉnh Sơn Tây cũng xây mộ táng phần hồn cho ông (do Quan Công chết không toàn thây), còn ở Thành Đô, Tứ Xuyên có mộ táng áo mũ của ông. Đầu, thân, hồn, áo mũ của Quan Công đều có mộ riêng...

    4. Mộ Trương Phi

    Sử sách Trung Hoa ghi lại rằng, vào năm Chương Vũ thứ nhất, Trương Phi bị bộ tướng của mình ám sát ở Lãng Trung và mang đầu đến nộp cho Đông Ngô. Các bộ tướng này khi đi đến Vân Dương thì nghe tin Ngô - Thục đã giảng hòa nên đã vứt đầu Trương Phi xuống sông. Sau đó, một ngư dân vớt được chiếc đầu và mang lên bờ chôn. Từ đó mới có thuyết “Trương Phi đầu ở Vân Dương, mình ở Lãng Trung".

    Miếu Trương Phi ở Lãng Trung nằm ở phía tây khu cổ thành, thành phố Lãng Trung, tỉnh Tứ Xuyên, nơi Dực Đức từng đóng quân trong 7 năm.

    Cũng có thuyết khác cho rằng khi hai bộ tướng của Trương Phi là Trương Đạt, Phạm Cương vứt đầu ông xuống sông, có người dân chài đang đêm mơ thấy Trương Phi báo mộng nê đến đoạn sông đó thả lưới vớt thủ cấp của ông. Người này cũng vớt được một hũ vàng và dùng số vàng đó xây miếu thờ Trương Phi ở Vân Dương. Sử sách ghi nhận miếu này đã có 1.700 năm lịch sử.

    5. Mộ của thần y Hoa Đà

    Mộ phần của thần y Hoa Đà cho đến nay cũng có nhiều bí ấn. Sau khi bị Tào Tháo giết, Hoa Đà được chôn ở Hà Nam, bên bờ Tây sông Thạch Hà, thôn Tô Kiều, cách thành Hứa Xương 15km.

    Mộ cao 4m, rộng 360m2, hình oval. Năm Càn Long thứ 17 (1752), vua đã cho lập bia đá khắc dòng chữ: “Hán thần y Hoa công mộ” (phần mộ thần y họ Hoa đời Hán).

    [​IMG]
    Mộ Hoa Đà ở Hà Nam

    Năm 1993, mộ Hoa Đà được chính quyền Hứa Xương công nhận là di tích văn hóa.
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này