Thảo luận Bí ẩn Tam Quốc Diễn Nghĩa

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Heoconmtv, 5/9/15.

Moderators: amylee
  1. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Thứ nhất, Tôi xin lỗi bác vì mấy hôm nay bác có hỏi về Tống Giang trong Thủy Hử mà tôi lại để sót mất, nên không trả lời bác.

    Thứ hai, “Diễn Nghĩa” Tôi xin được giải thích như sau:

    Về mặt ngữ nghĩa: 演義, như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tùy Đường Diễn Nghĩa. Vậy Diễn Nghĩa là gì? Nếu ta bám vào chữ, tự mà giải thích, thì sẽ hiểu là “diễn giải, là nói về việc nghĩa khí,…vv

    Tuy nhiên, Diễn nghĩa có thể hiểu là một thể loại tác phẩm văn học của người Trung Quốc, một loại tác phẩm văn học mang tính tự sự, bản chất tiểu thuyết lịch sử có âm hưởng của anh hùng ca, thuật ngữ này được từ điển tiếng anh dịch lại đơn giản là “historical novel, historical romance”. Tuy nhiên, xin lưu ý nếu xếp Diễn nghĩa vào thể loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi như hiện tại thì thiển nghĩ vẫn chưa đánh bật được ý của hai từ diễn nghĩa này. Tôi muốn nói như vậy là vì Diễn nghĩa là tiểu thuyết lịch sử nhưng lại nhấn ở điểm “anh hùng” nhưng nếu xếp vào sử thi, hay anh hùng ca có vẻ vẫn chưa ổn.

    Về bản chất, Tam Quốc cũng chỉ là một hợp thể, vừa có tính lịch sử, vừa có yếu tố dân gian truyền miệng, vừa có tính lãng mạng, …điều đó khiến Tam quốc được xem là bảy phần thực ba phần hư. Chúng ta không nên đòi hỏi “tính lịch sử cao” cho một tác phẩm được văn học - sử. Và sẽ là khiên cưỡng nếu xây dựng những luận đề chính yếu bằng tác phẩm này. Một kiểu mà các nhà sử học Việt chúng ta đang sử dụng thường xuyên, kiểu như Nam triều công nghiệp diễn chí, hay Trịnh nguyễn diễn chí, hay tác phẩm của Ngô gia văn phái để làm cứ liệu lịch sử. Về cơ bản đây là một tác phẩm văn học cao cấp được xây dựng trên nền tảng của những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật được tác giả lồng ghép tính kịch vào để làm nên vẻ đẹp bi tráng. Vẫn tuân theo sự thật lịch sử nhưng phần nào đó tác giả đã lồng ghép những quan điểm, một vài triết lý sống của mình vào trong đó, như cả sự yêu ghét, “biết đâu trong đó có cả phảng phất hình bóng của các nhân vật lịch sử đương thời” theo kiểu mượn cũ chỉ mới.

    Bác San có giải thích về “con cừu” đó là một ý khá thú vị. Tôi rất thích ý tưởng này.

    Cũng chỉ là ngu kiến của kẻ tiểu nhân, xin quý vị lượng thứ và chỉ giáo.
     
  2. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Chưa nghe, nhưng nó có thật đấy bác ơi. Chử Nhân Hoạch là tác giả.
     
    sannyas60 thích bài này.
  3. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Tôi hơi nghi ngại về việc bác xếp thủy hử là diễn nghĩa? Có đúng ý tác giả không?
     
    Heoconmtv thích bài này.
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Vâng, theo em được hiểu thì Thủy Hử không có diễn nghĩa mà chỉ là Thủy Hử hoặc Thủy Hử truyện thôi, bên Trung Quốc cũng gọi là Thủy Hử truyện thôi.

    Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự. Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).
     
  5. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Tống Giang

    Gần đây cũng thấy có nhiều bài viết bình luận khá nhiều về nhân vật Tống Giang (xin lưu ý) Tống Giang của Thủy Hử chứ không phải Tống Giang của Lịch sử nhé.

    Thế thì, bật chức năng bình luận tôi xin đưa vài ngu ý để phiếm đàm với các vị huynh đệ.

    Tống Giang có hiệu là Hô Bảo Nghĩa-Cập thời vũ Tống Giang – Tống Công Minh. Tống là kẻ chuyên đi lo việc thiên hạ, lấy việc nghĩa để chiêu hiền đãi sĩ, nên rất được lòng của từ nghĩa sĩ giang hồ cho đến giang hồ du thủ, bằng chứng là kẻ nào nghe đến tên Tống cũng chắp tay bái phục, mong được có lần diện kiến. Một áp ty “đệ nhất” mà có vàng bạc để chiêu đãi hiền sĩ bốn phương kể cũng hơi lấy làm lạ? Tống chiêu hiền đãi sĩ để làm gì, để được gì? Đã từng ai nghĩ đến chưa? Danh tiếng? Hay vì một lý do gì khác.

    Hậu Thủy hử, xây dựng hình tượng của một Tống Giang tận trung báo quốc? Khiến có đôi điều mâu thuẫn. Một người quy tập hào kiệt bốn phương chỉ để được danh tiếng, xem ra quá khiên cưỡng. Bởi vậy nếu Hậu thủy hử mà ghép thêm vào thì xem ra bố cục truyện này xem ra chưa có ổn, lắm điều mâu thuẫn quá. Giang khác Cái ở chỗ, Cái xưng vương rất lộ rõ ý đồ, Cái muốn xây dựng lực lượng để lật đổ Đại Tống, còn Giang thì rất khó hiểu, phân tích từng chi tiết, khiến ta không biết Giang thật sự muốn gì cả.

    Tuy nhiên, kết lại vẫn phải điểm ra vài vấn đề như sau:

    Thứ nhất, Giang ngồi vào ghế đầu của Lương Sơn, e rằng mộng không nhỏ?

    Thứ hai, Giang và Ngô Học Cứu xếp hạng 108 anh em cũng có phần thiên ý?

    Thứ ba, nói nghĩa thì Giang không nghĩa, không giúp Lâm Xung báo thù thì nghĩa ở đâu? Lãnh đạo kiểu gì mà để mấy chục anh em chết oan uổng, anh hùng cái nỗi gì khi đi đánh dẹp một cuộc khởi nghĩa nông dân?

    Thứ tư, Giang là người tối trí, thiển cận, rõ ràng làm áp ty thì còn chấp nhận được chứ làm quan to lãnh đạo chắc dân chúng chẳng nhờ gì? Giang tận trung, đem anh em ra làm bàn đạp để leo lên được cái chức An Phủ Sứ. Còn Giang thần Cao Cầu, Sái Kinh, Đồng Quán ở đó? Mầm mống hủ bại triều đình ở đó, Giang nào đã làm được gì? Giang đã làm gì để giúp dân đen tứ phương chưa? Xin thưa là chưa có gì.

    Giang giết tiều Cái hay không? Cái này không nên kết luận, bởi chưa đủ chứng cớ.

    Giang ngồi vào ghế đầu lĩnh là bất tín với Cái. Cái là người thô lỗ nhưng lại là người rất biết lo lắng cho huynh đệ, ước hẹn như vậy cũng là mong cầu giao trại Lương Sơn vào tay một người có chí khác Giang, bởi lẽ Cái biết hàng triều đình kết cục cũng chẳng sáng sủa gì., khi mà quân thì hôn mà thần thì gian.

    Chỉ biết rằng Giang là kẻ thâm sâu, khó đoán, rất nghĩa nhưng lại không nghĩa, Giang và Dụng tính ra như một cặp bài trùng hại người hơn là cứu người, Dụng tha hồ sử dụng độc kế hại người, còn Giang thì đóng vai người quảng nghĩa, bên tung bên hứng quả là đại tài, đại tài.

    Đôi lời ngoa ngôn, xin chỉ giáo.
     
    tauvequehuonghp and Heoconmtv like this.
  6. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Thời đại phong kiến phương Đông, đúng ra phải gọi quân chủ chuyên chế, trung ương tập quyền, chứ phong kiến thì anh Tần Thủy Hoàng lên ngôi anh ý xóa bỏ rồi. Chính sách cai trị của chế độ "vua độc tài, độc quyền" thì bao giờ cũng là ngu dân, càng ngu, càng thiếu hiểu biết thì càng dễ cai trị, người dân thường không được học hành thì làm sao có điều kiện đọc sách thánh hiền với cả chính sử.

    Thế nên mới có những người làm nghề kể chuyện xưa, tích cũ trong dân gian. Rồi có những tác giả như La Quán Trung, Thi Nại Am,....tổng hợp viết lại những truyện diễn nghĩa, cốt để gần gũi nhất với tầm hiểu biết của người dân. Qua đó cũng giúp người dân hiểu được một phần nào lịch sử.

    Bộ kể về thời kỳ xa xưa nhất chắc phải là Phong Thần diễn nghĩa.
     
    sannyas60 thích bài này.
  7. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Thật ra, những tác phẩm nói trên đều là văn học viết, viết ra cũng để phục vụ cho tầng lớp trên, chứ người dân đen chưa hề đọc, mà chỉ được nghe người biết chữ, kể lại cho nghe. Nếu nói là diễn nghĩa trên gần gũi với dân đen chắc là chưa phải, bởi lẽ trong văn học trung quốc nó thuộc tứ danh tác, là văn học bác học đấy.
     
    sannyas60 thích bài này.
  8. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Ai hiểu nỗi oan dậy đất của Chu Du

    Bách tri tam bách dư niên hậu,
    Thiên hạ hà nhân khấp Chu Du.

    Gia Cát Lượng chưa bao giờ chọc tức Chu Du

    Nhắc tới Chu Du, người ta liền nghĩ tới Tam khí Chu Du, chết vì tính đố kỵ; Nhớ câu Chu Du than thở: “Đã sinh Du sao còn sinh Lượng”. Nhưng đó là trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, nó hoàn toàn không giống Chu Du trong lịch sử.

    Trong lịch sử, Gia Cát Lượng chưa bao giờ chọc tức Chu Du, và Chu Du cũng chưa bao giờ tức thổ huyết mà chết. Vì sao? Vì Chu Du là một con người rất có bản lĩnh. Tam Quốc chí của Trần Thọ đánh giá rất cao về ông: “Cởi mở, khí phách hơn người”. Người cùng thời cũng rất trân trọng ông.

    Lưu Bị nhận xét về Chu Du là “rất độ lượng”. Tưởng Cán - danh sĩ Hoài Hải, nói ông “là con người thanh lịch”. Nhân đây xin minh oan cho Tưởng Cán. Tưởng Cán sang Giang Đông sau khi trận Xích Bích đã xảy ra 2 năm, không làm gì có chuyện Tưởng Cán trộm thư của Sái Mạo gửi Chu Du. Bộ mặt Tưởng Cán cũng không gớm ghiếc, mũi trắng lốp như trong hí kịch. Trái lại, Tưởng Cán khá đẹp trai. Sách Giang biểu truyện chép: “Cán dung mạo đẹp, có tài hùng biện, khắp Giang - Hoài không có đối thủ”.

    Chu Du: Thiên hạ đệ nhất nam tử Giang Đông

    Chu Du tuổi trẻ tài cao, nổi tiếng đẹp trai ở Giang Đông. Tam Quốc chí chép ông “khôi ngô hùng vĩ, dung mạo tuyệt đẹp” và còn nói thêm “người Giang Đông gọi ông là Chu Lang". Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, kêu bằng Lang là để tán dương vẻ đẹp của người được gọi. Giang Đông có hai người được gọi là Lang: Chu Du và Tôn Sách.

    Chu Du.jpg

    Đương nhiên, một con người được kêu bằng Lang không chỉ ở dung mạo đẹp, mà còn ở khí chất, ở tâm hồn. Chu Du có đầy đủ khí chất cao thượng, tài hoa. Ông rất chú ý trau dồi nhân phẩm, giỏi trận mạc, am hiểu nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Ngay cả khi rượu đã 3 tuần, tức đã ngà ngà say, ông vẫn chỉ ra nốt nhạc đánh sai trong dàn nhạc cung đình. Vậy nên mới có chuyện người đương thời lưu truyền câu “khúc hữu ngộ, Chu Lang cố” (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó). Một con người tài hoa như vậy, với âm nhạc mà còn thế, chắc chắn biết điều binh khiển tướng, nắm vững nghệ thuật tiến hành chiến tranh.

    Chu Du quả rất giỏi trận mạc. Trong trận Xích Bích, ông là Tổng chỉ huy liên quân Tôn - Lưu. Về phong độ Chu Du, Tô Đông Pha đã miêu tả trong Xích Bích hoài cổ: “Nhớ Công Cẩn năm xưa, khi Tiểu Kiều mới sánh duyên cùng, hào hoa phong nhã, quạt lông khăn lượt, nói cười đấy mà kẻ cường địch tan thành tro bụi”.

    Tướng chiến trường vẫn quạt lông, khăn lụa

    Quạt lông là quạt làm bằng lông vũ, khăn lượt là khăn đội đầu bằng lụa xanh. Ung dung biết mấy! Hào hoa biết mấy! Dưới triều đại phong kiến, giới quí tộc và quan lại thường đội mũ. Mũ cao ngất ngưởng, áo rộng thùng thình. Nhưng đến cuối đời Đông Hán, khăn lượt quạt lông là cái mốt của danh sĩ. Làm tướng mà khăn lượt quạt lông, thì tính cách nho nhã càng nổi bật.

    Ta có thể hình dung một cảnh tượng như sau: Tào Tháo bày thủy trận trên Trường Giang, chiến thuyền san sát, cờ xí rợp trời, người yếu bóng vía trông thấy mà hồn bay phách lạc. Vậy mà Chu Du vẫn quạt lông khăn lượt, ung dung tự tại, tính toán không sót một kẽ hở, cuối cùng đại phá quân Tào bằng chiến thuật lấy yếu đánh mạnh, để lại một chiến thắng lừng danh kim cổ, là niềm cảm hứng bất tận cho thơ ca ngàn đời sau đó.

    Tuy nhiên, chiến tranh không phải là nghệ thuật, không chỉ cười cợt mà cường địch tan thành tro bụi. Khi chỉ huy trận Xích Bích, Chu Du lấy Tiểu Kiều đã 10 năm, chứ không phải mới thành hôn như Tô Đông Pha viết trong Xích Bích hoài cổ.

    Tô Đông Pha viết vậy để khắc họa càng đậm tính cách Chu Du, người hùng trong trận Xích Bích. Tuy rằng không thể coi văn học là lịch sử, nhưng vẻ hào hoa phong nhã của Chu Du trong đời thường đúng như Tô Đông Pha miêu tả.

    Quan trường, tình trường, chiến trường đều mỹ mãn

    Chu Du năm 24 tuổi đã được Tôn Sách phong chức Kiến Uy Trung Lang Tướng, cai quản toàn bộ lực lượng quân sự Giang Đông. Cũng vào năm này, Chu Du lấy Tiểu Kiều, Tôn Sách lấy Đại Kiều, hai hoa khôi Giang Đông, ái nữ của Kiều Công. Có thể thấy Chu Du là con người mà về quan trường, tình trường, chiến trường đều mỹ mãn, không có lý do gì để ganh tị với người khác, lại càng không thể nhỏ nhen, ghen ghét người tài đến mức tức hộc máu mà chết.

    [​IMG]
    Hình ảnh minh họa Chu Du thời nhà Thanh

    Đúng là Chu Du và Lưu Bị khi công khai, khi ngấm ngầm có sự tranh chấp quyết liệt. Ông đã từng đề nghị Tôn Quyền giam lỏng Lưu Bị, chia rẽ Quan Công - Trương Phi. Nhưng đó là vì quyền lợi chính trị của Đông Ngô mà ông là một thành viên quan trọng. Đây là nhiệm vụ chính trị, không liên quan gì đến bản tính của ông.

    Và còn chuyện này nữa. Khi ấy Chu Du ngại là ngại Lưu Bị, chứ không ngại Gia Cát Lượng. Đơn giản là khi ấy Gia Cát Lượng mới ra khỏi lều tranh, chưa có tiếng tăm gì, chưa phải là đối thủ của Chu Du. Chỉ vài nét phác họa như thế, đủ để ta thấy Chu Du mắc tiếng oan dậy đất với những chuyện đối đầu với Gia Cát Lượng.

    Ba bộ mặt của nhân vật và sự kiện lịch sử

    Thực ra, rất nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử đều có ba bộ mặt, ba hình tượng lịch sử. Một là, bộ mặt ghi lại trong chính sử, gọi là hình tượng lịch sử, là bộ mặt do các nhà sử học chủ trương. Cũng cần nói thêm rằng, hình tượng lịch sử có khi cũng không đúng với bộ mặt thật trong lịch sử. Vì sao vậy? Vì rằng trong tay ta không còn những tài liệu nguyên thủy, cũng không thể dựng người xưa ngồi dậy để hỏi han, mà dù có hỏi thì chưa chắc đẫ nói thực. Vậy là ta phải dựa vào những gì ghi chép về lịch sử, chủ yếu là trong chính sử.

    Nhưng chính sử đôi khi cũng có chỗ không tin cậy. Chính vì vậy mà nhà sử học nổi tiếng Lã Tư Dật từng cảnh báo: “Một số ghi chép trong “Tam Quốc chí” và “Hậu Hán thư” chưa chắc đã đủ độ tin cậy”. Thí dụ, nhà Thục - Hán không đặt chức quan chép sử, vậy nên những ghi chép về Thục - Hán đều dựa vào chuyện kể, hoặc tin tức vỉa hè, khiến chúng ta chỉ còn hy vọng vào những khảo chứng của các nhà sử học. Rồi thì, quan điểm của các nhà sử học cũng không thống nhất. Tất cả những cái đó, khiến lịch sử càng xa thì tam sao thất bản càng lớn,“Tam Quốc diễn nghĩa” đã chứng minh điều đó.

    Hai là, hình tượng lịch sử của các nhân vật lịch sử trong tác phẩm văn nghệ (thơ ca, tiểu thuyết, hí kịch...) ta gọi là hình tượng văn học do các văn nghệ sĩ dựng nên trong tác phẩm văn học, mà Chu Du, Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền... trong Tam Quốc diễn nghĩa là những trường hợp điển hình. Những nhân vật lịch sử này đã được La Quán Trung gán cho một bộ mặt hoàn toàn khác trong chính sử và cả trong đời thường.

    [​IMG]
    Tượng Chu Du oai phong lẫm liệt

    Ba là, hình tượng các nhân vật lịch sử do dân chúng dựng nên, ta gọi là hình tượng dân gian. Vì rằng, trong con mắt mỗi chúng ta hầu như đều có một nhân vật lịch sử mà ta thích hoặc không ưa. Hợp với mình thì thích, không hợp với mình thì không ưa. Hoặc ai tô vẽ gì cũng mặc, nhân vật lịch sử có thế nào thì nói thế ấy, không thêm không bớt. Hình tượng dân gian này nhiều khi khác xa hình tượng văn học.

    Thí dụ: Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu Bị được giới thiệu là dòng dõi hoàng tộc, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương, Hoàng đế đất Ba Thục, nhưng trong dân gian thì được coi là ông tổ của nghề đan lát, vì ông này xuất thân từ nghề dệt chiếu, đan giày cỏ; Quan Công xuất thân từ nghề buôn (ông này có cửa hiệu tạp hóa trước khi kết nghĩa vườn đào) nên dân gian thờ là Thần Tài; Trương Phi là võ tướng, dũng mãnh là thế, nhưng lại được coi là ông tổ của nghề đồ tể, vì Trương Phi xuất thân làm nghề mổ lợn.

    Cũng vậy, trong Thủy Hử, Tống Công Minh (Tống Giang) được coi là ông tổ của nghề cướp đường, Thời Thiên được coi là ông tổ của nghề trộm cắp. Và còn nhiều thí dụ khác nữa, ở đây không kể hết.
     
    cfcbk, tauvequehuonghp and deathshine like this.
  9. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Chỉ có chừng này thôi hả Heo? Ít vậy? Hehhe.
     
  10. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Cái này phải có thời gian để giải bày hết nỗi oan của Chu Du. Cần có thời gian sẽ lần lượt giải bày hết.
     
    deathshine thích bài này.
  11. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Bất ngờ với câu "phán" của Tào Tháo sau chiến bại Xích Bích

    [​IMG]

    "Hỏa thiêu Xích Bích" được đánh giá là chiến thắng kinh điển của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, nhưng sử liệu Trung Quốc cho thấy chiến công này "không thực sự hoàn hảo" như mô tả.

    Đại chiến Xích Bích: Chiến công Chu Du là hư danh?

    Địa điểm kết thúc trận thủy chiến Xích Bích nổi tiếng không phải ở Ô Lâm (mạn Bắc Trường Giang), mà là tại hồ Ba Khâu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

    "Tam Quốc Chí - Chu Du truyện" dẫn "Giang Biểu truyện" chép rằng -"Tào công (Tào Tháo) viết thư gửi Tôn Quyền nói - 'Trận Xích Bích, trong quân có dịch bệnh. Ta đốt thuyền tự lui, nào ngờ Chu Du lại hưởng hư danh'."

    "Tam Quốc Chí - Quách Gia truyện" có đoạn - "Thái Tổ (Tào Tháo) chinh phạt Kinh Châu, gặp dịch bệnh tại Ba Khâu, đốt thuyền tự than - 'Giá Quách Phụng Hiếu còn, ta đâu đến nỗi này'."

    "Tam Quốc Chí - Ngụy Vũ kỷ" cũng ghi lại - "Tháng 12 năm Kiến An thứ 13, Công (Tào Tháo) thảo phạt (Lưu) Bị từ Giang Lăng cho tới Ba Khâu".

    Qua nhiều sử liệu, có thể xác định được trong chiến dịch Xích Bích, đích thực đã có sự kiện lớn phát sinh tại khu vực hồ Ba Khâu.

    Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu tại Xích Bích dẫn đến sự rút lui của quân Tào về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang; giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định; giai đoạn tháo chạy của Tào Tháo về hướng Hoa Dung.

    Trong giai đoạn đầu, thủy quân Tôn-Lưu ngược dòng Trường Giang từ Hán Khẩu - Phàn Khẩu tới Xích Bích và giao chiến với tiền quân của Tào Tháo.

    [​IMG]
    Tào Tháo khẳng định ông tự đốt thuyền và lui binh chứ không có chuyện bị Chu Du "tiêu diệt toàn quân".

    Vốn bị hành hạ bởi bệnh dịch và sự suy giảm về tinh thần cũng như sức chiến đấu do cuộc hành quân "Nam hạ" kéo dài, Tào Ngụy thất thế trong giai đoạn chiến sự ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm (phía Bắc Trường Giang).

    Ô Lâm chính là địa điểm diễn ra trận đại thủy chiến với chiến dịch "hỏa công liên hoàn" của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du, tiêu diệt lượng lớn chiến thuyền của Tào Tháo.

    Sau thất bại trên, tại Ba Khâu, Tào Tháo đã hỏa thiêu toàn bộ chiến thuyền đóng tại đây ban đầu cùng số thuyền rút về từ Ô Lâm, sau đó rút lui theo đường bộ.

    Không có chuyện liên quân Tôn - Lưu "hỏa thiêu Xích Bích"

    Nhận định và ghi chép của sử gia Trần Thọ trong "Tam Quốc Chí" được các học giả hiện đại cho là phù hợp với thực tế lịch sử rằng trong trận Ô Lâm, quân đội của Chu Du không đủ khả năng đốt cháy toàn bộ chiến thuyền của Tào Ngụy.

    Thứ nhất, đội thuyền của Tào Tháo quá đông. Đại tướng Đông Ngô Hoàng Cái cũng thừa nhận "địch đông ta ít".

    Số lượng chiến thuyền của Tào Tháo được cho là lên tới hàng ngàn chiếc, trong khi lối đánh hỏa công của liên quân Tôn - Lưu khá đơn điệu.

    Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ hơn 10 thuyền "cảm tử" của Ngô không thể khiến hàng ngàn thuyền khác bắt lửa, mặc dù phe Tôn Quyền - Lưu Bị có được lợi thế "gió Đông".

    Thứ hai, với thế trận của đội thuyền Tào Ngụy, việc hỏa công tiêu diệt toàn bộ "là không thể xảy ra".

    Hoàng Cái nói - "Thuyền đội của Tào quân 'tiếp nối đầu đuôi'", chỉ hạm đội Tào Ngụy bố trí theo hình "trường xà trận", kéo dài từ Đông sang Tây dọc theo sông Trường Giang.

    Các nhà nghiên cứu đương đại cho rằng, với trận hình "chữ Nhất" như vậy, cộng thêm số lượng thuyền chiến khổng lồ khiến cho 2 điểm đầu - cuối của hạm đội này cách nhau rất xa.

    Hỏa công của Đông Ngô tấn công vào điểm đầu hay cuối của thế trận này đều không ảnh hưởng tới phía đối diện, trong khi tấn công vào giữa sẽ khiến 2 đầu tách rời, không thu được hiệu quả thực chiến.

    [​IMG]
    Các nhà phân tích cho rằng, việc toàn bộ hạm đội Tào Tháo bị hỏa thiêu là điều không thể xảy ra.

    Đương thời, quân đội Tào Ngụy sử dụng thuyền cũ của Lưu Biểu.

    Theo "Tam Quốc Chí - Đổng Tập truyện", những chiếc thuyền này vẫn sử dụng neo bằng đá và dây thừng bằng cọ, chứ không có neo và dây bằng kim loại. Do đó, chi tiết Tào Tháo cho quân dùng xích sắt liên kết hạm đội thành "liên hoàn trận" là điều không hợp lý.

    Theo phân tích của các nhà nghiên cứu hiện đại, tướng Hoàng Cái lợi dụng gió Đông thực hiện hỏa công theo hướng từ Nam lên Bắc và "thiêu rụi tới doanh trại của Tào quân trên bờ sông". Như vậy, nhiều khả năng trận đánh của Hoàng Cái chỉ có thể... tách đội thuyền của Tào Tháo thành hai phần.

    Trên thực tế, Hoàng Cái chỉ huy hơn 10 thuyền phóng hỏa, sử dụng kế trá hàng để lọt vào giữa trận địa thuyền của Tào Tháo. Song, ngay khi hỏa công bắt đầu, ông đã bị trúng tên rơi xuống nước.

    "Tam Quốc Chí - Hoàng Cái truyện" dẫn "Ngô thư" viết - "Chiến dịch Xích Bích, Hoàng Cái bị trúng tên, rơi xuống nước, được Ngô quân cứu lên, nhưng không nhận ra Cái".

    Việc hạm đội của Chu Du mất tướng tiên phong ngay từ đầu trận đánh giúp cơ hội triệt thoái của Tào Ngụy lớn hơn rất nhiều.

    Hạm đội của Tào Tháo bị trúng kế ở Ô Lâm là sự thực, song việc hạm đội này bị "tận diệt" là điều bất khả thi.

    Thời điểm đó, quân Ngô lợi dụng gió Đông để tấn công, nhưng chính hạm đội Tào Ngụy cũng thuận gió rút lui về căn cứ thủy quân ở Ba Khâu.

    Trước sự truy kích của liên quân Chu Du - Lưu Bị, cùng nhiều nguyên nhân nội tại khiến Tào quân tan rã, buộc Tào Tháo phải hỏa thiêu hạm đội, rút chạy về đường Hoa Dung và "suýt" bị Quan Vân Trường đoạt mạng.

    "Tam Quốc Chí - Tôn Quyền truyện" viết - "Tào công đốt thuyền rút lui", thừa nhận việc Tào Tháo tự đốt thuyền ở Xích Bích, nhưng cũng chỉ là tàn dư từ trận Ô Lâm mà thôi.
     
    deathshine thích bài này.
  12. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Sách cổ...:D
    Image 001.jpg
     
  13. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Là sách do Tàu xuất bản chứ nói cổ thì chưa phải là cổ lắm.
     
  14. tauvequehuonghp

    tauvequehuonghp Lớp 2

    Mình không thích "con cừu", cách bẻ chữ ra để giải nghĩa của chữ Hán sang tiếng Việt chỉ là cách của trẻ mới học, cách đó giúp dễ nhớ và suy luận chữ, nhưng càng học nhiều về chữ thì sẽ thấy cách đó dở ẹc.

    Vụ này rất mong được biết ý kiến của bác @goldfish: Mong bác cho ý kiến giải thích cum từ Tam Quốc diễn nghĩa? Xin cảm ơn.
     
  15. tauvequehuonghp

    tauvequehuonghp Lớp 2

    Nhân nói về kế và người, chắc nhiều bạn đã đọc câu chuyện kinh điển giữa Quỷ Cốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên. Để tôi kể nhí nhố chút và có câu đố mời các bạn giải xem sao.

    Ngày xưa, xưa lắm rồi, nhân ngày đẹp trời thầy Cốc ngồi trong cốc gọi hai ông trò là Tẫn và Quyên lại để thử tài cũng la xem đạo đức hai đứa ra sao.

    Ngài Cốc đố: Ta ngồi đây, giờ các con phải làm sao để ta ra khỏi cốc với điều kiện là không được dùng tay hay vật chạm vào ta.

    Tẫn nhanh chân quỳ sụp xuống: Thưa thầy, thầy đố khó quá đi, nếu thầy ở ngoài cốc mà đố vào cốc thì con làm được, hay là thầy đổi đề cho con với.

    Thầy Cốc: Ok, để thầy ra ngoài cốc, đố con đưa thầy vô cốc.

    Thầy Cốc vừa ra khỏi cốc, Tẫn reo lên: Thầy bị lừa rồi, hê hê hê...

    Thầy Cốc nghĩ bụng, thằng này siêu LỪA thầy (lừa Cốc tiên sinh) DỐI bạn (sau này dối Quyên giả điên) đây.

    Thầy Cốc: Được, cho xuống núi.

    Đến lượt Quyên. Quyên thấy bạn nhọc công lừa thầy, trong bụng cười thầm, coi thường kế của Tẫn. Không nói câu nào, Quyên cho mồi lửa, cây cối cháy khói bay mù mịt cốc. Thầy Cốc ngạt quá như chuột bị hun khói, dò dẫm ra khỏi cốc. Mắt cay nghĩ bụng, thằng này giờ hại thầy sau ắt phản bạn. Vái Quyên một vái: Thầy sợ con rồi. Mời con xuống núi cho kịp quan lộ.

    Quyên thấy thầy vậy cho rằng trình cao hơn Tẫn (Tẫn không được thầy vái).

    Đọc xong truyện này tôi đã thử nghĩ xem có cách nào ngoài hai cách trên của Tẫn và Quyên không, nhưng nghĩ mãi không ra. Xin hỏi có bạn nào có cách chi đưa Cốc tiên sinh ra khỏi cốc mà thỏa mãn đề bài ngài ấy đã đưa ra? (trừ mỹ nhân kế ra nhé, vì Cốc tiên sinh đã già, cứ coi vậy đi).
     
    Last edited by a moderator: 16/9/15
    cfcbk and Heoconmtv like this.
  16. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Không cần kế sách ghì hết.
    Cứ để ổng ngồi đó chừng 30 ngày, xem ông đói có mò ra hang kiếm ăn không...
    cute_smiley26cute_smiley60cute_smiley81cute_smiley82cute_smiley81yoyo23

    không thành kế, các bác nhỉ?
     
    Ngọc Sơn thích bài này.
  17. tauvequehuonghp

    tauvequehuonghp Lớp 2

    Hơ hơ thế này thầy Cốc cho bạn ở trên núi tới già. Còn phải học, trong khi Tẫn và Quyên đang "chém gió" khắp thiên hạ rồi. :D :D
     
  18. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Quỷ Cốc Tôn sư có hai học trò xuất sắc là Tôn Tẩn và Bàng Quyên. Một hôm Quỷ Cốc muốn thử tài học trò bèn kêu họ lại, bảo:

    – Ta ngồi trong động, trò nào có thể mời ta ra ngoài được?

    Bàng Quyên vội vàng giành mời trước, nói:

    Bạch Tô sư, ngoài cửa động có rồng chầu phượng múa rất đẹp!

    Quỷ Cốc nói:

    Hôm nay hung nhật, làm gì có việc đó?

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Bàng Quyên lại nói:

    Có Bạch Hạc Đồng Tử mời thầy đi đánh cờ.

    Quỷ Cốc lắc đầu, nói:

    Hôm qua ta đã chơi cờ với họ rồi.

    Bàng Quyên trâng tráo:

    Nếu thầy không ra thì con nổi lửa đốt động!

    Quỷ Cốc mỉm cười.

    Đến lượt Tôn Tẫn mời. Tôn Tẩn thành kính thưa:

    Đệ tử không thể mời thầy từ trong ra ngoài được. Nhưng nếu thầy ở ngoài động đệ tử có cách mời thầy vào trong được.

    Quỷ Cốc lấy làm lạ bèn truyền đem ghế ra ngoài ngồi, cốt xem Tôn Tẫn sẽ mời bằng cách nào.

    Khi Tôn Sư an tọa, Tôn Tử vội quỳ xuống:

    Vậy đệ tử mời thầy ra ngoài được rồi!

    Quỷ Cốc phục cái trí của Tôn Tẫn.

    Lời Bàn:

    Hai lần Bàng Quyên mời Quỷ Cốc là hai lần lừa gạt một cách lộ liễu thấp kém. Giả sử có rồng chầu phượng múa, hoặc có Bạch Hạc Đồng Tử ở ngoài động, Quỷ Cốc vẫn không ra thì sao? Đến lần thứ ba, Bàng Quyên không cần mời nữa, bèn dùng cái kế “đốt động”, Quyên bộc lộ hết cái ác tâm của mình. Quả thật, ngày sau do ghét Tôn Tẫn, Quyên đã đục lấy bánh xương chè của Tôn Tẫn. Quyên đã lừa thầy hại bạn.

    Tôn Tẫn không nghĩ đến đến chuyện xa vời, chỉ lấy sự thật làm kế (vì không kế nào hay bằng sự thật, không có bí mật nào kín bằng công khai). Bậc Tôn sư như Quỷ Cốc cũng phải mắc mẹo này.

    Tôn Tẫn ngày sau làm quân sư cho Tề hai lần đánh bại quân Ngụy do Bàng Quyên chỉ huỵ Cuối cùng Bàng Quyên tự sát ở Mã Lăng. Qua cuộc thử trí trên đây, ta có thể đoán được tâm hồn của mỗi người.


    Tại hạ bái phục tài chế truyện về cổ nhân của các hạ.
     
    SimaYi, cfcbk, sannyas60 and 3 others like this.
  19. tauvequehuonghp

    tauvequehuonghp Lớp 2

    Hi hi mình đã nói là nhí nhố mà : ) ) ) ) ) )

    Truyện đó rất nhiều vấn đề hay.
    Bạn có cách nào mời Quỷ Cốc tiên sinh ra khỏi cốc không?
     
  20. tauvequehuonghp

    tauvequehuonghp Lớp 2

    Ơ ơ mod nào sửa bài của mình thế?
    Mình sai nội quy ở chỗ nào thì cứ theo luật phạt và chỉ mình chỗ sai để mình tự sửa.
     
    sannyas60 thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này