Kinh điển Bồ câu cô đơn - Larry McMurtry

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi nguyenthanh-cuibap, 20/4/19.

  1. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    BỒ CÂU CÔ ĐƠN
    —★—
    Nguyên tác: Lonesome Dove
    Thể loại: Viễn Tây
    Tác giả: Larry McMurtry
    Dịch giả: Trần Đĩnh
    Nhà phát hành: Khang Việt
    Nhà xuất bản: Văn Học
    Năm xuất bản: 9/2012
    —★—

    DỰ ÁN EBOLIC #51
    Chụp sách: Maidorim
    Đánh máy: Tornad, Tường Minh, Vân Anh, Smiley Su, Thanh Thanh, Yêu Thảo
    Soát lỗi: Tornad
    Soát lỗi lần hai (15/12/2017): Vân Anh
    Soát lỗi lần ba (26/12/2017): Mr. Dean
    Thiết kế bìa: Tornad
    Điều hành xuất bản: Tornad
    Ngày hoàn thành: 6/12/2017
    [​IMG]
    Có một mảng văn học Mỹ chúng ta ít biết đến nhưng ở Mỹ và trên thế giới nó chiếm một vị trí khá độc đáo với cái tên ngắn gọn: Western – Miền Tây, mà không một kẻ lạ hơi nào có thể hy vọng trà trộn vào đó.
    Ta hãy tạm chia lịch sử Mỹ ra làm ba thời kỳ khám phá và khai phá. Đầu tiên là những đợt di dân ào ạt của châu Âu cùng khốn và chật hẹp sang bờ biển miền Đông nước Mỹ. Thời kỳ thứ hai có lẽ mạo hiểm, gian truân hơn, là cuộc phiêu lưu tiếp sang bờ biển miền Tây, mở rộng bờ cõi hay đúng hơn, mở ra tính đa dạng Mỹ. Và thời kỳ thứ ba, khám phá hiện đại, đưa nước Mỹ vào ngôi vị hàng đầu thế giới. Con cháu của những thủy thủ từng tìm ra các châu lục, kể cả chính châu Mỹ, họ cứ tiếp mãi bước chân giang hồ. Khác một điều, bây giờ là vượt cạn…
    Larry McMurtry, tác giả Bồ Câu Cô Đơn (nguyên bản tiếng Anh: Lonesome Dove) đã trích dẫn T. K. Whipple cho chúng ta hiểu người Mỹ luôn thèm khát một chân trời tâm linh để họ tìm thấy sức mạnh tinh thần ở quá khứ – và đó chính là lý do tồn tại sâu bền của văn học Miền Tây:
    “Toàn bộ nước Mỹ nằm ở tận cùng của nẻo đường đại hoang vu và quá khứ chúng ta không là một quá khứ chết, nó sống trong chúng ta. Ông cha chúng ta có ở trong mình nền văn minh và ở ngoài mình miền hoang dại. Chúng ta sống trong văn minh do tổ tiên tạo ra nhưng hoang dại vẫn ngự trị bên trong chúng ta. Chúng ta sống những gì tổ tiên ước mơ và chúng ta ước mơ những gì tổ tiên từng sống.”
    Văn học Miền Tây không thể thiếu được với người Mỹ vì lẽ đó.
    Món ăn tinh thần này nhiều tố chất dinh dưỡng cho đạo làm người mà có lẽ trước hết là lòng dũng cảm, trí thông minh, tinh thần xả thân vì tình bạn, tình yêu, vì tiết nghĩa – nhiều chính nghĩa cảm. Văn học Miền Tây nêu lên những nét đó và cố nhiên cũng chẳng giấu đi mặt trái của nó – những thói tham lam, độc ác, nham hiểm, lừa lọc… Trong khi ca ngợi con đường tìm hạnh phúc, văn học Miền Tây cũng đã vạch ra tội lỗi của cuộc “viễn chinh” giật cướp lãnh thổ đất đai của đủ loại bộ tộc da đỏ, những người sinh sống hàng nghìn năm trên châu Mỹ. Đọc văn học Miền Tây, người Mỹ không chỉ tìm niềm tự hào mà còn tìm cả nỗi hối hận. Có bản ngã nào tốt đẹp mà không biết đến hối hận bởi những tội lỗi mình đã gây ra?
    Văn học Miền Tây đã cho ra nhiều tác phẩm hay nhưng có lẽ, với đặc thù vô cùng náo hoạt của nó, điện ảnh được hưởng đầy đủ hơn cả ở mảng văn học này. Nhiều đạo diễn trứ danh nổi lên với những bộ phim về Miền Tây như Ford, Wyler, Walsh… Năm 1991, cả thế giới xem Khiêu vũ với bầy sói của Kevin Costner – một bộ phim Miền Tây lĩnh bảy Oscar. Tiếp đó, thế giới lại đón một Miền Tây khác của Micheal Mann, Người Mohican cuối cùng. Những bộ phim ra đời muộn hơn mang một sắc thái hối lỗi sâu sắc hơn đối với “đồng bào” da đỏ. Điện ảnh tàng viện (cinémathèque) trong cung Thiên hoàng Nhật lưu trữ chín mươi tư bộ phim Miền Tây Mỹ. Có lẽ đất nước của samurai tìm thấy một cái gì đó gần gũi với vùng đất của cao bồi vốn đề cao cái nết “giữa đường thấy việc bất bình nào tha”.
    Larry McMurtry sinh ngày 3/6/1936 ở Texas và hiện vẫn sống tại đó, là một nhà văn nổi tiếng. Giới văn học Mỹ đánh giá ông ngang hàng với William Faulkner, nhà văn Mỹ tiêu biểu viết về Miền Nam với những bóng da đen nô lệ rì rầm. McMurtry thì viết về Miền Tây với những tâm hồn da đỏ sáng trong vẫn ngày ngày đối thoại với lương tâm Mỹ bị cắn rứt.
    Tiểu thuyết Bồ Câu Cô Đơn của ông ra đời năm 1985 đoạt giải văn học Pulitzer cao nhất nước Mỹ. Không bỏ lỡ cơ hội, các nhà làm phim đã lập tức mang Bồ Câu Cô Đơn lên màn ảnh nhỏ làm náo loạn đầu óc bao khán giả vẫn ngày đêm mong ngóng cái mới cái lạ cái hay về Miền Tây nước Mỹ sau không ít phim điện ảnh cùng đề tài này mà họ đã xem trước đó. Có nên nói thêm rằng, mừng năm mới 1991, các thủ đô lớn ở châu Âu xem một tháng liền trên màn hình ti vi bộ phim nhiều tập dựng theo truyện ông viết: Texasville – vẫn là chuyện Miền Tây thôi.
    Ít thì giờ nhòm ngó đến văn học, tờ báo trang nghiêm lạnh lùng của giới tài chính Mỹ Wall Street Journal cũng đã phải đưa Bồ Câu Cô Đơn ra điểm: “Trong tay nhà văn McMurtry, chuyến lùa bò đi lên miền Bắc đã thành một kiểu xem xét vài ba vấn đề cơ bản. Có phải cách chúng ta sống là quan trọng hay cái chúng ta hoàn thành mới thật sự là cần thiết?” Những nhà làm rung chuyển thị trường chứng khoán hiểu rõ “đồng bạc đâm toạc tờ giấy” mà nhìn cuốn truyện này ở góc độ triết lý sống thì cũng thật hay.
    Bồ Câu Cô Đơn là câu chuyện về một chuyến lùa bò đường trường, một khát vọng trong đó tình yêu và tình bạn là hai tuyến luôn làm chúng ta xúc động vì những biến diễn gập ghềnh không ai lường trước nhưng rút cục vẫn chỉ xoay quanh cái trục thủy chung hay bội bạc… và nữa, anh hùng không trông ở thành hay bại mà trông ở tính cách người. Cho nên, một nhân vật chính chết, một nhân vật chính nữa vì giữ lời hứa đem xác bạn về mà vứt bỏ sự nghiệp lại sau lưng… Rất nhiều đường đất, rất nhiều gian nan, rất nhiều số phận, rất nhiều mừng tủi và chẳng ai giống ai… đó là những điều báo chí danh tiếng ở Mỹ nhất tề khen ngợi. Chúng ta đọc và sẽ thấy cả đến con vật trong truyện cũng rất Miền Tây: kiên cường, quật khởi, chuộng tự do đến lạ lùng.
    Cháu con của những người nuôi và chăn lùa bò, nhà văn Larry McMurtry viết: “Suốt cả đời tôi đã nghe những chuyện về một Texas xưa hơn, thuần khiết hơn, vàng son hơn và dã sử hơn mà sinh sau đẻ muộn tôi không được chứng kiến.”
    Năm nay, bước vào tuổi bảy mươi sáu, người cháu con này vẫn sống khỏe, làm việc còn khỏe hơn. Hãy xem vài kết quả gần đây nhất của L. McMurtry. Năm 2006 ông giành Oscar kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (từ truyện ngắn cùng tên của Annie Proulx) với phim Brokeback Mountain (Đạo diễn Lý An). Năm 2009 ông cho xuất bản cuốn Literary: A Second Memoir. Năm ngoái ông cho ra mắt cuốn Hollywood: A Third Memoir. Còn năm nay, có lẽ ông sẽ “ném ra” những gì đang được coi là “sửa chữa để vừa ý hơn”…
    Lịch sử mỏng, nước Mỹ mượn dã sử thay vào. Mà nước Mỹ thì đầy dã sử, song có lẽ Miền Tây với những chặng đường chất ngất máu xương thì mang nhiều dã sử hơn bất kỳ nơi nào khác.
    TRẦN ĐĨNH
    Có thay đổi đôi chút trong trình bày lại ebook so với bản gốc của Ebolic

    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

    Last edited by a moderator: 25/2/20
    Phongphiu, hermerry, victra and 47 others like this.
  2. lecanhcuong

    lecanhcuong Lớp 4

    Bản tiếng Anh
     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này