Nhận định Các bài viết của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Sách triết học kinh điển, 5/9/18.

Moderators: Cát Cát
  1. 1-
    CỨ KIÊN TRÌ, RỒI MÙA HOA
    TRÁI SẼ TỚI


    Sau khi kinh tế xã hội rơi vào vòng khó khăn, chúng ta cần nhìn lại để biết đâu là “gót chân Achilles” của chính mình. Sự phát triển và trưởng thành của một dân tộc luôn từ những cuộc tự vấn. Qua câu chuyện với nhà báo Lê Ngọc Sơn, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn có những tâm sự đầu năm với các bạn sinh viên, theo ông, có nhìn lại bản thân mình thì mới sinh tồn được qua những khó khăn phía trước.

    CHUYỆN “HẠ TẦNG KIẾN THỨC”

    Lê Ngọc Sơn: Thưa ông, vì sao ông đi dịch những cuốn sách triết học đồ sộ và kinh điển của thế giới?!

    Bùi Văn Nam Sơn: Thực ra tôi già rồi, thời gian của tôi không còn nhiều nữa, tôi chỉ cố gắng làm cái gì trong khả năng của tôi thôi. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chính bây giờ là dịch một số các tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt. Vì lẽ, thứ nhất, những quyển sách dạng này khô khan chẳng ai thèm dịch; thứ hai, nếu không dịch những quyển này thì không biết bao giờ người ta mới dịch… trong khi đó là những nền tảng cho các anh em trong chuyên ngành. Nhìn vào thư viện của Việt Nam mình, chưa thấy có mấy sách kinh điển của nhân loại, tôi thấy buồn lắm. Thành thực mà nói, không thể đòi một bạn sinh viên đọc tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác vèo vèo như đọc tiếng Việt được. Vả lại, quả là không công bằng! Một người cùng trang lứa với các bạn sinh viên của ta, như những sinh viên ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… thì họ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ đỡ vất vả hơn nhiều lắm. Bây giờ đòi hỏi những bạn cử nhân mới 23 tuổi ngồi đọc một cuốn sách kinh điển dày cộp bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Đức… làm sao mà đọc nổi… Đâu phải sinh viên Mỹ nào cũng đọc được tiếng Đức, hay sinh viên Pháp nào cũng đọc được tiếng Anh thông thạo… Thế mà họ vẫn thành công, vì họ sử dụng các bản dịch có chất lượng, và các công trình nghiên cứu của họ vẫn đạt được trình độ quốc tế.

    Ở Việt Nam, ít ai làm việc dịch thuật, thế nên gánh nặng đè lên vai những anh em trẻ. Lứa tuổi 18-25 phải gánh cả một gánh nặng, vừa học kiến thức, vừa học ngoại ngữ. Do trở ngại về ngôn ngữ, mình khó có thể nắm vững vấn đề và tra cứu đến nơi đến chốn. Điều đó không phải lỗi của thế hệ trẻ, đó là lỗi của thế hệ đi trước, như chúng tôi, không kịp chuẩn bị tư liệu nền cho các bạn. Thật là quá cực, quá tội cho các bạn! Còn việc chúng ta phải nỗ lực học ngoại ngữ lại là chuyện khác! Khi tiếng Anh đã trở thành một lingua franca trong khoa học, việc đọc, viết, nói thành thạo tiếng Anh trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật là một yêu cầu hiển nhiên. Trong các ngành khoa học xã hội-nhân văn, còn cần thêm nhiều ngoại ngữ lẫn cổ ngữ khác nữa, nhưng vấn đề nói ở đây là không thể đòi hỏi những gì bất khả thi và quá sức…

    Lê Ngọc Sơn:Thời sinh viên của ông ắt hẳn thấm thía nỗi vất vả này lắm?

    Bùi Văn Nam Sơn: Đúng. Thời sinh viên, tôi cũng đã rất “đau khổ” vì thiếu sách tiếng Việt. Năm 21 tuổi, tôi sang Đức học, sau khi học xong cử nhân ngành Triết ở Sài Gòn, lúc đó tự thấy vốn liếng chữ nghĩa cũng kha khá rồi... Khi sang đó thì từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ, từ người mới vào trường đến người sắp ra trường đều có thể học chung một lớp. Lớp của tôi có mấy ông bạn người Nhật Bản, người Hàn Quốc… Lúc đó các bạn Hàn Quốc cũng khổ sở, vật vã như mình, vì nước họ có rất ít những bản dịch ra tiếng Hàn, và cũng như tôi, chưa thể đọc tiếng Đức thành thạo được. Trong khi đó mấy chàng Nhật Bản còn trẻ măng, mới 19 tuổi, vừa học xong tú tài, lại tỏ ra am hiểu và tự tin lắm! Tôi kinh ngạc, thì các bạn ấy mới mở túi cho xem một đống sách toàn tiếng Nhật: những bản dịch Hegel, Kant, Heidegger…, sách tham khảo, từ điển. Mình mất cả năm vật lộn với một cuốn sách, họ chỉ cần vài tháng là đọc xong. Thời gian mình đầu tư cho chuyện đọc đã quá mất sức rồi, làm sao có thể suy nghĩ hay tìm tòi thêm được cái gì mới nữa. Khoảng cách về điều kiện nghiên cứu giữa mình với người Nhật thật rõ rệt!

    Riêng trong lĩnh vực triết học, sách vở mênh mông, còn số dịch giả thì đếm trên đầu ngón tay… Lẽ ra cần cả một thế hệ chuẩn bị nền móng, cho các bạn trẻ sau này đỡ cực hơn. Tất nhiên, ý nghĩa của việc dịch thuật không phải chỉ có thế. Nó còn góp phần xây dựng ngôn ngữ khoa học cho một đất nước, đem ánh sáng khai minh đến cho số đông để cải hóa xã hội, như nhiều bài viết mới đây của quý Thầy Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Thọ… đã nhấn mạnh.

    Lê Ngọc Sơn: Vậy cho đến nay, so với các nước trong khu vực, chúng ta đang thế nào, thưa ông?

    Bùi Văn Nam Sơn: Cách đây chừng 5-7 năm, chính ông bạn người Hàn Quốc ngày xưa học chung với tôi, về dạy ở Đại học Seoul, viết thư kể cho tôi nghe: ông và thế hệ trước đó, từ những năm 1970 trở đi đã bắt tay vào dịch sách vở cho Hàn Quốc. Hầu hết những tác phẩm kinh điển quan trọng từ tiếng Đức đã được dịch sang tiếng Hàn, hết toàn tập này đến toàn tập khác, mà mỗi toàn tập của một tác giả thì có đến 40-50 tập. Tôi rất kinh ngạc về sức làm việc của họ. 40 năm thôi, nhưng với trách nhiệm với đất nước và đàn em, họ quyết tâm làm được việc lớn như thế. Vậy thì ngày hôm nay, làm sao sinh viên của ta có thể “đấu” lại được một sinh viên Hàn Quốc, trong khi cách đây 40 năm, anh sinh viên này cũng vất vả y như mình. Khoảng cách đó thật khủng khiếp!

    Việc học hành nghiêm chỉnh, tiếp thu có hệ thống đã là thách đố ghê gớm, và cái đó cần nhiều thế hệ mới vượt qua được, ít nhất cũng là 30-40 năm như Hàn Quốc. Chúng ta đừng vội nói gì cao xa, sách vở đàng hoàng là nền móng cơ bản nhất của nền học vấn và của nền đại học.

    Lê Ngọc Sơn:Vì sao chúng ta không làm được như những nước ở gần mình như Nhật, như Hàn? Và ông có thấy được cuộc đua tranh trên thế giới về mặt tri thức đang diễn ra rất quyết liệt?

    Bùi Văn Nam Sơn: Chúng ta thiếu tính tổ chức, thiếu khả năng làm việc tập thể và một kế hoạch trường kì của cả một tầng lớp, của cả một thế hệ. Mỗi thế hệ phải thấy trách nhiệm lịch sử của mình, thấy tình trạng khách quan đặt ra cho mình gánh nặng nào, và họ phải giải quyết một cách thông minh nhất, ít tốn sức nhất, với sự bền bỉ và quyết tâm. Thế hệ sau thừa hưởng và nối tiếp thành quả của những người đi trước, thì nền học thuật cứ thế đi lên thôi.

    Tôi được cho biết rằng ở Nhật, những tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới hầu như lập tức được dịch sang tiếng Nhật, vì họ có nhu cầu cạnh tranh. Nếu không theo kịp thông tin mới, làm sao có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, làm sao bắt kịp trình độ quốc tế để đi dự hội thảo khoa học?

    Trở lại tình cảnh của ta, cơ sở hạ tầng về kiến thức là phần rất chểnh mảng. Cái cơ bản nhất thì lại bị xem nhẹ… Bây giờ cứ hô hào sinh viên sáng tạo đi, có công trình đột phá đi, hãy phản biện đi… Nhưng phải biết người ta đã viết gì, nghĩ gì, ta mới phản biện và có ý kiến riêng được chứ!

    SỬA SOẠN TINH THẦN, CHUẨN BỊ YÊN CƯƠNG

    Lê Ngọc Sơn:Trong quan niệm của ông, một bạn sinh viên phải thế nào?

    Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi, thời gian được học đại học là quãng thời gian đẹp nhất, quý nhất của một đời người. Khi ta đang ở trong quãng thời gian đó, thường không thấy quý đâu, nhưng sau này nhìn lại mới thấy đây là thời gian quý nhất, “sướng” nhất. Được trở thành sinh viên là một bước ngoặt. Chữ “sinh viên” khác về chất với chữ “học sinh”. Ngay bản thân chữ “sinh viên” đã cho thấy sự khác biệt ấy: Sinh viên trong tiếng Anh và tiếng Đức là “student”, trong tiếng Pháp là “étudiant”, liên quan đến 3 động từ: to study, studieren, étudier ít nhiều đều mang hàm nghĩa là “nghiên cứu”. Sinh viên là phải nghiên cứu, chứ không chỉ thụ động tiếp thu kiến thức... Trong tiếng Việt, “sinh viên” có chữ “viên”, nghĩa là đã có một vị trí nào đó... Do vậy, cần ý thức được điều này để cả người dạy lẫn người học ở bậc đại học nhận thức được trách nhiệm của chính mình. Dạy và học ở đại học không chỉ là truyền thụ và tiếp thu kiến thức mà chủ yếu là gợi hứng cho nghiên cứu.

    Ngay cả ở trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có vấn đề. Những năm 1970 về trước, mang tấm bằng tú tài của Việt Nam sang Tây Âu là được chấp nhận hầu như tương đương, còn những bằng tú tài của Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thì buộc phải học lại một năm, tức chỉ bằng đầu lớp 12 bên đó. Bây giờ thì như thế nào? Chúng ta phải nghiêm túc tự vấn về mình...

    Lê Ngọc Sơn: Ở các nước phát triển, khoa học trú ngụ ở đại học, tại sao ở các đại học ở ta thì chưa thấy gì, thưa ông?

    Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi là do không phân biệt rạch ròi giữa đại học và trung học. Trường đại học dứt khoát không phải là trường phổ thông cấp 4. Nó khác về chất trong hệ thống giáo dục quốc gia. Đại học cũng không phải là trường dạy nghề, trường dạy nghề lẽ ra cần có một hệ thồng khác, cũng cao cấp và sáng giá không kém gì đại học. Ở Đức, sau khi đỗ tú tài, ta có hai con đường để lựa chọn, một là các trường kỹ thuật, trường dạy nghề chuyên nghiệp dành riêng cho những kỹ sư thực hành, rất hay và thiết thực, ra trường dễ kiếm việc làm và lương cao. Hoặc hướng thứ hai là nghiên cứu: cũng có thể là khoa học-kỹ thuật nhưng nặng về lý thuyết. Do có hai hướng rõ ràng như vậy, dựa vào việc phân định khách quan về nhiệm vụ, nên khi vào đâu, ta sẽ biết làm cái gì, biết rõ tính chất của trường mình. Việc “liên thông” giữa hai loại trường này lại là chuyện khác nữa!

    Do đó, đại học đương nhiên mang tính chất nghiên cứu, dù ở năm thứ nhất cũng là nghiên cứu, ở bậc tiến sĩ, hay sau tiến sĩ cũng là nghiên cứu. Từ sinh viên đến giáo sư đều làm nghiên cứu. Không khí của đại học là nghiên cứu. Thành ra, cái mà ta đang nhầm lẫn ở đây là nhẫm lẫn tính chất của đại học, dẫn đến hệ quả rất trầm trọng là biến đại học thành trường dạy nghề, và biến trường dạy nghề thành ra cái gì đó rất là yếu kém và yếu thế. Đã đi học để nghiên cứu thì phải toát ra tinh thần nghiên cứu, tức là toàn bộ giáo sư và sinh viên là một cộng đồng nghiên cứu, người đi trước hướng dẫn, dìu dắt người đi sau, không ngừng hình thành những chuyên ngành mới, những trường phái mới… Nghiên cứu có nhiều cấp độ, cấp thấp/ cấp cao, dễ/ khó… Cũng tránh hướng suy nghĩ rằng, nghiên cứu là cái gì đó cao xa lắm, thực ra đâu phải vậy: ngay năm thứ nhất, bạn cũng đã phải có tư duy nghiên cứu rồi, tự tìm tòi phương hướng và phương tiện nghiên cứu của mình với sự giúp đỡ của người đi trước.

    Vì thế, hình thức Sêmina ngày càng chiếm ưu thế. Sêmina là lao động tập thể của sinh viên lẫn giáo sư, của thầy và trò, cùng nhau tìm tòi tài liệu, tổng kết, nhận định, đánh giá những gì đã có, đó là những hình thức ban đầu của nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất.

    Lê Ngọc Sơn: Theo ông, sinh viên phải chuẩn bị những gì cho một tương lai đầy thử thách trước mặt?

    Bùi Văn Nam Sơn: Người Pháp có câu ngạn ngữ: “muốn đi xa phải chăm sóc yên cương” (“Qui veut aller loin, ménage sa monture”/Racine), nghĩa là, phải biết dưỡng sức và chuẩn bị phương tiện. Đi mười dặm thì đơn giản, nhưng đi trăm dặm, nghìn dặm, vạn dặm… thì lại khác. Công việc học cũng vậy thôi, nếu chỉ nghĩ lấy cái bằng ra để kiếm việc làm, nuôi sống bản thân thì khá đơn giản, nhưng nếu muốn tiến xa trong chuyên ngành của mình thì phải chuẩn bị cho 30, 40 năm sau về cả ý thức lẫn sức lực.

    Chắc bạn biết rằng trên 30 tuổi rất khó học ngoại ngữ, do nguyên nhân sinh lý thôi, trên 30 tuổi thì các nơ-ron thần kinh già đi, giảm thiểu khả năng tiếp thu. Vậy thì phải luyện rèn ngoại ngữ trước 30 tuổi. Người làm nghiên cứu cần trang bị cho mình nhiều ngoại ngữ. Đối với các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, cần phải có hai ngoại ngữ thông dụng. Đối với người làm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn, thì càng nhiều càng tốt, cả cổ ngữ nữa. Đó là vốn liếng tối thiểu để nghiên cứu.

    Lê Ngọc Sơn: Cần tạo cảm hứng ham hiểu biết của anh chị em sinh viên như thế nào, thưa ông?

    Bùi Văn Nam Sơn: Theo quan sát của tôi, hiện nay, anh chị em sinh viên đang chịu nhiều áp lực thi cử quá mức. Cần tạo một khoảng hở để anh chị em sinh viên vui chơi, và có… chơi nhiều thì mới thấy việc học là thú vị, không học thì tiếc, và thế là lao vào học. Học trong sự say mê. Hãy tạo không gian tự do để anh chị em cảm thấy hứng thú nghiên cứu, chứ suốt ngày bị áp lực thi cử, hay sợ tương lai của mình phụ thuộc vào thi cử…thì những việc đó làm hao tổn năng lượng của anh em trẻ một cách quá đáng! Thể lực và thể thao đại học cũng là hiện tượng rất đáng lo ngại, chưa nói đến những hình thức tiêu cực phản giáo dục…

    Lê Ngọc Sơn: Chúng ta nên bắt đầu lại thế nào để xây dựng lại tinh thần đại học một cách tử tế?

    Bùi Văn Nam Sơn: Hình như ta đang có cao vọng là phấn đấu đứng vào hàng ngũ những đại học tiên tiến trên thế giới. Tôi nghĩ là khó vô cùng! Với những gì hiện có, tôi e chuyện đó là ảo tưởng. Nhiều thập kỷ nữa chưa chắc mình đã vào được hàng ngũ những đại học trung bình ở khu vực, chứ đừng nói đại học đẳng cấp quốc tế. Và để có cơ may làm được điều đó thì việc trước tiên là phải thay đổi tính chất của đại học hiện nay.

    Điều đáng lo là chúng ta không lo những chuyện bình thường, coi nhẹ những chuyện bình thường. Chuyện lẽ ra ai cũng phải làm, nước nào cũng phải làm thì mình lại xem thường, mình chỉ muốn làm những gì khác thường, phi thường. Làm sao làm những chuyện khác thường, phi thường khi cái bình thường, ta chưa làm được? Hãy là cái gì bình thường trước đã. Những đại học, học viện trên thế giới người ta là cái gì thì mình là đúng cái đó đi đã: đầu tư cho sách vở đầy đủ, đầu tư cho con người, không gian học thuật, v.v...

    ĐI XA CẦN CÓ BẠN ĐƯỜNG VÀ TẬP HIỂU NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

    Lê Ngọc Sơn: Như vậy, sẽ phải bình tĩnh để nhìn lại năng lực tự thân và hướng đi của mình?

    Bùi Văn Nam Sơn: Vâng. Một nền giáo dục lạc hậu thì đuổi mãi chắc rồi cũng bắt kịp, nhưng lạc hướng thì chịu thua. Chúng ta thường mong làm những điều phi thường, nhưng đôi khi thực chất nó lại là nghịch thường. Những cách làm của mình hiện nay là trái với bình thường, không giống ai và không có ai làm như thế cả. Trên thế giới, nền giáo dục quốc gia được định hình tư lâu lắm rồi. Những định chế khoa học cũng đã định hình từ xa xưa với hơn 700 năm kinh nghiệm. Họ làm gì, ta làm nấy cho giống đại học cái đã, rồi phát triển dần lên.

    Lê Ngọc Sơn: Phía trước là cả chặng đường dài, theo ông, các bạn sinh viên nên làm gì?

    Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi các bạn trẻ cần hình thành ý thức tự học và xác định tinh thần đi xa phải có bạn đường. Thứ nhất,sinh viên cần có tinh thần tự học trọn đời, nghiên cứu trọn đời. Ngay cả khi đã “bỏ nghề”, nhưng nếu còn tha thiết với nó, ta vẫn tìm sách mà đọc, cố gắng hết sức trong thời gian eo hẹp để làm giàu tri thức cho mình, nâng chất lượng cuộc sống mình lên. Đó là tinh thần tự học. Thứ hai, đã có tinh thần tự học, thì hoàn cảnh nào đi nữa vẫn có thể tham gia làm việc từng nhóm với nhau. Bạn có thể sinh hoạt với nhau trong một nhóm bạn hữu tâm giao, có thể theo đuổi một công việc tình nguyện, không ăn lương, thậm chí không dính đến bộ máy hay tổ chức nào cả. Chúng ta cần những nhóm người nhiệt huyết, không lệ thuộc vào đồng lương nhà nước, cơ quan… Cái có sức sống nhất chính là những nhóm nghiên cứu độc lập, tự nguyện, vô vị lợi, chủ yếu là vì lòng say mê, tình tri kỉ… được hình thành ngay thời sinh viên. Cho nên tình bạn trong đại học không chỉ là vui chơi, chính tình bạn có tính tự nguyện này là mầm mống cho những hoạt động khoa học bền bỉ. Trong lịch sử khoa học, có những nhóm nghiên cứu kết bạn với nhau từ hồi sinh viên cực kì khăng khít, đã tạo ra những công trình phi thường.

    Lê Ngọc Sơn: Theo ông, làm sao để người trẻ kiên trì trên con đường nghiên cứu?

    Bùi Văn Nam Sơn: Đã là sinh viên đúng nghĩa thì ta phải ham chuyên môn của mình ngay từ khi bước chân vào trường đại học. Bước vào giảng đường, thư viện hay phòng thí nghiệm, ta cảm thấy linh thiêng, hào hứng, thì mới có hi vọng thành tựu. Ít ra là cũng ham đọc sách, chứ cầm cuốn sách mà đọc vài trang là lăn ra ngủ thì không thể nào đi xa được đâu. Phải mê sách vở, mê nghiên cứu, mê chữ nghĩa,... thì mới có triển vọng. Dần dần thành thói quen, trong đó có thói quen tập đọc, tập chịu đựng: cái khó nhất trong học tập, nghiên cứu là chịu đọc những cái mà mình không thích. Đọc một cách nghiêm chỉnh, không thành kiến những gì không giống mình. Nghiên cứu là để hiểu vấn đề và hiểu người khác một cách nghiêm chỉnh, trung thực. Đừng vì ghét quan điểm của tác giả nào đó, rồi chưa đọc kỹ về họ đã bác bỏ hay xuyên tạc họ. Cố tình hạ thấp họ để nghĩ mình thắng họ, thì thực chất họ cũng chẳng thấp hơn được. Phải hiểu một cách chân thực, phản bác họ bằng luận cứ. Và để làm được điều đó thì, như đã nói, phải chịu khó đọc những cái mình không thích, học những môn mình không ưa. Tập thói quen này khó lắm đó, nhưng hoàn toàn có thể làm được.

    Dù có nhiều khó khăn đón chờ phía trước, nhưng xin hãy cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới!

    Xin cảm ơn ông!

    Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)



    (Bài đăng trên báo SVVN số Xuân Quý Tỵ 2013)
     
  2. 2-Khai sáng và trưởng thành (phần 1)


    Vài lời: Thầy cô dạy các môn khoa học nhân văn có lẽ hiện nay đang gặp phải một vấn đề hóc búa gần như không thể giải quyết: biết dạy gì và dạy thế nào cho sinh viên, bắt đầu dạy từ đâu, và có dám dạy thực sự hay không? Việc sinh viên không hứng thú với các môn khoa học xã hội chưa chắc đã có nguyên nhân từ cách nhiều sinh viên nghĩ các môn học này là vô bổ và xa rời thực tế, mà có thể có căn nguyên ở chỗ chính nhiều thầy cô mới là những người thấy các môn học đó là vô ích. Nhiều thầy cô thực sự đã không còn nhiệt huyết để dạy các môn học này nữa!

    Bài nói chuyện của BVNS ngày 14/7/2011 tại Diễn đàn Talk & Think đã được tôi dùng làm tài liệu trong nhiều dịp.


    Dưới đây là phần 1 bài nói chuyện:

    TRƯỞNG THÀNH BẮT ĐẦU TỪ THỨC TỈNH.

    Thưa tất cả quý anh, quý chị, thưa các bạn. Chúng ta cũng có cái duyên nợ với nhau thế nào ấy, mà tôi lại… đây là lần thứ hai tôi lại được nói chuyện ở PACE, thế là triết học không đến nỗi là cái chuyện gì đó … khô khan, xa vời khiến người ta ngán ngại. Rồi thì cách đây chừng 200 năm, ông triết gia Hegel ở bên Đức, ông ấy đến khai giảng lớp giảng của ông ở Đại học Berlin, về triết học, thì ông ấy rất kinh ngạc vì sao sinh viên đông như thế. Ông tưởng rằng chắc chẳng có ai đến nghe ông ấy cả! Thế rồi ông ấy mừng quá, ông ấy về ông ấy viết một bài giới thiệu giáo trình của ông, bằng câu rất cảm động, ông ấy bảo rằng như vậy có lẽ là nước Đức đã trưởng thành, nước Đức đã bỏ sau lưng mình những đau khổ, tủi nhục của sự thất trận và của sự ê chề, nhục nhã, để bắt đầu có một sự bình an trong tâm hồn, để có thể dành một lỗ tai cho triết học, và như thế chứng tỏ nước Đức còn có tương lai.

    Hôm nay với sự có mặt đông đảo của các anh chị, thì thực sự mà nói tôi rất cảm động, không phải cho cá nhân tôi, mà nói cho to tát như ông Hegel, là cho “triết học” và cho khả năng đứng dậy của dân tộc. Tức là, các bạn “đã dành một lỗ tai” cho tư tưởng và cho sự đứng dậy, sống lại của tinh thần dân tộc. Và đề tài hôm nay, không biết có phải là ngẫu nhiên hay không mà nó rơi vào đúng thời điểm mà, hơn lúc nào hết, nó hết sức bức xúc. Cho nên, khai sáng hay trưởng thành, thực chất chỉ là một sự thức tỉnh, một sự đại thức tỉnh. Nếu mà xét về mặt lịch sử thì đó là những cơn “giật mình”, những cơn tỉnh ngộ lớn của nhân loại, và các bạn cũng nên thử tìm hiểu xem, và bản thân tôi cũng tự tìm hiểu, đó là đã mấy lần dân tộc ta và châu Á, đã có cuộc đại thức tỉnh?

    Câu hỏi này rất khó. Trong khi đó thì ở châu Âu và Bắc Mĩ người ta đã trải qua nhiều đợt đại thức tỉnh. Nếu không có những đợt đại thức tỉnh đó, thì không có Âu-Mĩ ngày hôm nay, và không có nền văn minh hiện đại. Đó là điều rất lạ. Tại sao hiện tượng đại thức tỉnh đó lại xảy ra ở Âu-Mĩ, mà chưa thấy nổi bật ở phương Đông?

    Hôm nay, chúng ta đi vào hai chủ đề, thực sự là một, cái này là hậu quả của cái kia, cái kia là nguyên nhân của cái này. Hai khái niệm “khai sáng” và “trưởng thành” không thể tách rời. Nhưng cái này là điều kiện của cái kia. Anh không trưởng thành thì cũng không thể và không có nhu cầu khai sáng. Ngược lại, không khai sáng thì không thể trưởng thành được. Hai khái niệm này quyện chặt với nhau, và có cái nghịch lý, gần như là “con gà với cái trứng”. Cái nào là “điều kiện” trước? Cần khai sáng cả với trưởng thành, hay trưởng thành đã rồi mới khai sáng? Không được, chỗ này khó lắm, rất là tế nhị. Chúng ta không tách biệt hai khái niệm này như thể là “nguyên nhân” và “hậu quả” một cách rành mạch.

    Ngày hôm nay có cả một môn học, môn học về lý luận về trưởng thành, môn học lý thuyết về sự trưởng thành, lý thuyết về sự trưởng thành chứ không chỉ là cái khái niệm, mà là một lý thuyết. Lý thuyết là vì sao? Là vì nó là một bộ phận của môn giáo dục, môn sư phạm. Học sư phạm hay học về giáo dục tức là học lý thuyết về sự trưởng thành. Thế nào là trưởng thành và mục tiêu giáo dục là đào tạo sự trưởng thành. Đó là một môn học, môn lý thuyết rất phức tạp. Rất nhiều trường phái, rất nhiều chủ trưởng, rất nhiều tranh luận ở đây. Tôi không biết ở Phương Đông có cái môn giáo dục sự trưởng thành hay không. Mặc dù, mặc nhiên, Phương Đông mình cũng có, nhưng không hình thành một cái lý thuyết về sự trưởng thành. Thực ra thì Nho học ngày xưa cũng có quan niệm như vậy, tức là phân đời người ra làm nhiều giai đoạn, mà nổi tiếng nhất là định nghĩa của Khổng Tử, mà ai chúng ta cũng biết. Không Tử bảo rằng, ông phân cuộc đời của mình, mà thực chất cũng là cuộc đời của mọi người, ra làm nhiều giai đoạn. Khổng Tử bảo thế này, cho tới 15 tuổi thì ta tập trung vào việc học, 30 tuổi thì lập chí vững, 40 tuổi thì không còn nghi ngờ gì nữa – 50 tuổi thì biết mệnh trời – 60 tuổi không còn cố chấp, lỗ tai này cũng như lỗ tai kia, anh nói “trái”, nói “phải”, tôi nghe đều OK hết, không cố chấp – 70 tuổi là làm theo ý thích của mình, muốn gì làm nấy, chơi “xả láng” luôn, nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý. 70 tuổi có thể vui chơi, làm theo ý thích của mình, nhưng không bao giờ xa lánh đạo lý. Suy ngẫm về những lý thuyết như vậy cũng thú vị lắm, đó là chưa nói đến Đức Phật, chưa nói đến Lão Tử, rồi bao nhiêu những trí tuệ thông minh khác về việc đào tạo con người …

    Thế nhưng nhìn lại lịch sử giáo dục Phương Đông ta thấy chưa nổi bật lên cái học thuyết, cái lý luận có đầu, có đuôi, có biện pháp, có công thức, có công cụ thực hiện cho cái gọi là lý luận về sự trưởng thành. Trong khi những cái đó lại là cái phần cốt lõi của lý thuyết sư phạm ở Phương Tây. Người ta cho rằng, trưởng thành không chỉ là về mặt sinh lý hay pháp lý, mà nó đòi hỏi bốn điều, (1), con người tự do; (2) con người tự trị; (3) con người có năng lực tham dự về chính trị, tham gia công việc quốc sự; (4) phản tư, tức là “phản tỉnh”, suy nghĩ được về chính mình và về môi trường của xung quanh mình, cũng như phản tư, phản tỉnh về cuộc đời, nói chung, về cuộc đời của mình, và từ cơ sở đó tự thiết kế nên cuộc đời của mình một cách tích cực. Như thế, trưởng thành chính là lý tưởng giáo dục kinh điển, ít ra là của Phương Tây, và phải xác định rõ như vậy.

    Xung quanh vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau, về trưởng thành. Ở Phương Tây, có lẽ các bạn, các anh, các chị nên lưu ý ba nhân vật sau đây: một là Jean-Jacques Rousseau, thứ hai là Immanuel Kant, ông thứ nhất là người Pháp, ông thứ hai là người Đức, và ông thứ ba rất quan trọng, rất hiện đại, đó là Adorno, có thể các bạn đã biết, ông này rất quan trọng, triết gia người Đức hiện đại. Ba ông này có ba quan niệm khác nhau về làm sao để trưởng thành, muốn trưởng thành thì không thể tự nhiên mà trưởng thành được, ta phải có những cơ chế nào? Cái gì giúp cho con người ta trưởng thành? Nói cách khác, có những “cơ quan” nào có thẩm quyền để giúp cho ta được trưởng thành? Có những lực lượng nhất định nó làm cho chúng ta trưởng thành, chứ không phải tự nhiên ta muốn trưởng thành mà được. Ta sinh ra, ta phải được sống, được nuôi dưỡng cho tới 18 tuổi ta mới trưởng thành. Có phải đứa bé nó muốn trưởng thành là trưởng thành ngay là được đâu. Như thế nó phải bị quy định bởi những điều kiện nhất định.

    Ông Rousseau quan niệm thế nào? Ông Rousseau bảo rằng, con người muốn trưởng thành cần ba yếu tố hay là ba “quyền lực” ảnh hưởng tới con người : thứ nhất, là giới tự nhiên, thứ hai là thế giới đồ vật, và thứ ba mới đến con người. Con người ở đây tức là cha mẹ, thầy giáo, bạn bè v.v. Phải có ba yếu tố này, con người mới trưởng thành. Ai cũng thế thôi, ta không thể nào trưởng thành mà thoát li khỏi tự nhiên được, lấy gì mà nuôi dưỡng ta, lấy gì mà sống, lấy chỗ nào để mà ở? Rồi không có đồ vật thì làm sao ta có thể sử dụng mà trưởng thành được. Đứa bé từ khi nó cầm một vật rất đơn giản mà nó không hiểu là cái gì, cho tới khi nó thành một ông kĩ sư thiện nghệ về mặt sử dụng các công cụ phức tạp. Rõ ràng nó qua quá trình đào luyện của các đồ vật, chứ còn gì nữa ? Thế nhưng Rousseau đưa ra một nhận xét rất hay, đó là giới tự nhiên và đồ vật thì bất động, gần như không thay đổi, trong khi con người là cái gì đó khả biến, có sự thay đổi. Cho nên, trưởng thành chủ yếu vẫn là vấn đề của con người. Con người có thể là bản thân mình, có thể là cha mẹ, có thể là người giáo dục mình, thầy hay là bạn mình, những người chung quanh mình…

    Immanuel Kant là triết gia sau ông Rousseau, thời gian ngắn thôi. Rousseau là tiền bối. Immanuel Kant là một nhà đại triết gia người Đức ở thế ký 19, hay có thể nói là một người, về một mặt nào đó, là người trực tiếp, là cha đẻ của khái niệm “khai sáng” mà chúng ta đang bàn đến. Immanuel Kant có viết một bài ngắn, chứ còn toàn bộ sự nghiệp tư tưởng của ông thì rất lớn, nhưng mà ông nổi tiếng đặc biệt với một bài luận văn rất là ngắn, chừng vài trăm tiếng thôi, ông đăng trên một tạp chí, một nguyệt san ở Berlin lúc bấy giờ, năm 1784, với nhan đề rất là dễ hiểu, “Thế nào là Khai sáng?”.“Khai sáng tức là đi ra khỏi trạng thái không trưởng thành do tự mình chuốc lấy”. Do tự mình chuốc lấy. Sự không trưởng thành này, sự vị thành niên này không phải do anh thiếu trí khôn, thiếu đầu óc, mà do anh thiếu dũng cảm để mà dùng chính cái đầu của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Vì Kant bảo rằng không có gì sung sướng, khỏe khoắn và thoải mái bằng cái gì cũng do người khác hướng dẫn, cho nên theo Kant trưởng thành chính là vượt ra khỏi hai cái sự đó, vượt ra khỏi sự “lười biếng” và sự “thiếu dũng cảm”. Để làm gì ? Để sử dụng chính cái đầu của mình. Vì nếu anh chỉ sử dụng cái đầu của anh cho chính anh thôi, thì cái nguy hiểm ở chỗ là tôi không kiểm tra được thực sự cái đầu của anh đó có cái gì ở trong đó không. Thứ hai nữa là, tôi một lúc mang hai đến ba vai trò. Khi tôi vào cơ quan thì tôi là nhân viên, khi tôi đi vào quân đội thì tôi là một người lính, có cấp bậc nhất định. Thế thì, bình thường lẽ đời này, anh là công chức, anh là quân nhân, anh là viên chức thì phải có kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chứ nếu mà anh nào cũng nói nói, “Không, anh cho tôi suy nghĩ bằng cái đầu của tôi cái đã”. Như vậy là một lúc có đến hai, ba vai trò, vừa là người phải chấp hành mệnh lệnh, mặt khác tôi lại vừa là người muốn “dùng cái đầu của tôi” để tôi trưởng thành, như ông Immanuel Kant nói. Biết làm sao đây?! Mâu thuẫn hoài ! Tóm lại, có hai sự thực, mà nó rất khó giải quyết. Một, là suy nghĩ bằng cái đầu của mình, trong đầu có cái gì?. Thứ hai, ta giữ nhiều vai trò xung đột với nhau. Vậy, làm sao chứng minh được sự trưởng thành? Thế thì Kant mới đưa ra một giải pháp, và cái giải pháp này có thể nói nó là một động lực cho phong trào Khai minh ở Phương Tây. Ông ấy nói rằng, chẳng có cách nào khác ngoài cái việc là anh phải “công khai hóa” nó ra [cái anh có trong đầu]. Chỉ có việc thể hiện công khai “cách sử dụng cái đầu”, thì tôi mới biết anh có cái gì trong đầu hay không, thì tôi mới biết được anh có trưởng thành hay không. Chứ còn anh giữ trong đầu của anh, một mình mình biết, một mình mình hay, thì cũng tốt thôi nhưng mà nó chả có ích lợi gì cho xã hội. Vì thế, tư tưởng, muốn độc lập, thì nó phải có khả năng thông báo cho người khác. Ông ấy gọi là “tính thông báo phổ quát”. Tư tưởng sẽ bị chết ngạt trong căn phòng kín, không có giao thương với người khác, và tư tưởng sẽ không thể hiện được sự trưởng thành nếu nó không được công khai hóa để cho mọi người bàn bạc, tranh luận, trao đổi.

    Tôi là một viên chức thì tôi phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Đồng thời, với tư cách học giả, tôi có quyền khẳng định rằng đường lối xây dựng như thế này, như thế kia, đường lối này, đường lối kia, là sai, bằng luận cứ đàng hoàng, công bố đàng hoàng. Tức là, con người của tôi có hai tư cách, tư cách một viên chức thì tôi phải tuân thủ cấp trên, nhưng với tư cách học giả thì tôi phải được công khai cái điều tôi suy nghĩ, tôi thể hiện cái sự trưởng thành của tôi, và tôi có trách nhiệm trước ý kiến của tôi.

    Nghe thì hay lắm, nhưng mà có xung đột, thì sao? Nếu mà anh viết ra công khai rồi anh mâu thuẫn với đường lối, chủ trương của cấp trên, thì sao? Kẹt lắm chứ, đâu có đơn giản! Một khi mà mình “có đầu óc” nhưng rồi nó xảy ra rồi, thì biết làm sao đây? Chả có con đường nào khác để thể hiện sự trưởng thành là, hãy từ chức đi. Nếu thấy rằng việc làm đó không còn phù hợp với lương tâm, và thấy rằng mình không thể cùng chịu trách nhiệm trước việc đó được, thì chỉ có con đường là từ chức công khai, để trở thành một học giả công khai. Không còn cách nào khác. Và tất cả đều là công khai. Không thể là âm thầm nghĩ kế gì đó rồi giận gì đó rồi bỏ về nhà, cái đó không đủ, mà phải thể hiện công khai trước dư luận.

    Cho nên Kant mới đưa ra một câu kết luận rằng ngòi bút chính là thần linh của pháp quyền. Muốn có nhà nước pháp quyền thì ngòi bút chính là thần linh. Ngòi bút tức là công khai. Vì thế, cần có khoa học công khai, cần có tự do học thuật, cần có tự do báo chí, cần có tự do công luận, tự do truyền thông. Nếu không, sự trưởng thành chỉ là một giấc mơ mà thôi!

    @ P.A.T chép lại bản rã băng
     
    fyafog, lvnam1989 and man in the moon like this.
  3. 3- Giáo dục Việt Nam - kỳ cùng vẫn là thiếu sách
    20/11/2010

    Năm năm gần đây, bằng nhiều bản dịch - chú giải, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã đưa hai tượng đài triết học của thế giới là Kant và Hegel đến gần người Việt hơn bao giờ hết. Ít người biết ở góc độ một người thầy, ông vẫn đang dành thời gian cho những học trò say mê triết mà ông gọi là thân hữu.
    [​IMG]
    Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn - Ảnh: Gia Tiến

    Học, đừng tự ái
    * Những người may mắn được là học trò của ông nói rằng họ ngạc nhiên nhất là ông có khả năng chia sẻ những triết lý cao siêu nhất của triết học một cách giản dị để họ dễ nhập tâm. Đó là khả năng sư phạm của người thầy, hay ông đã “ngộ” được triết đến độ có thể nói ra một cách đơn giản?
    - Triết học nghe thì mơ hồ vậy thôi nhưng thật ra đó là khoa học nên có tính chính xác, hệ thống và chặt chẽ. Khi mình tiếp cận một vấn đề hay một câu hỏi triết học thì phải hiểu nó như một vấn đề khoa học. Tất nhiên khi giảng triết tôi cũng tùy cơ ứng biến để làm sao người học có thể hiểu tùy theo trình độ của họ. Nhưng nên nhớ triết không phải là nghệ thuật hay kỹ thuật - nó có những đặc thù riêng, trừu tượng hơn, luôn luôn là giả định chứ chưa kết luận gì cả, cũng không có những công thức như khoa học. Và tính chính xác bất biến nội tại của nó khiến cho ai muốn nghiên cứu triết học cũng nên có một đầu óc tỉnh táo, sáng sủa. Tự do tư tưởng và sáng tạo là đương nhiên nhưng cần có kỷ luật, trật tự.
    * Nhưng phải thừa nhận rằng có cả trăm người mê triết đi nữa thì rất ít người có thể trở thành triết gia. Trong số những người tìm đến triết học bên ông, chắc hẳn không hiếm người đang tìm một chìa khóa giải quyết cho sự bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc sống?
    - Cũng đúng. Triết học có hai, ba phương diện. Có phương diện thuộc về kiến thức cơ bản phổ quát cho tất cả mọi người. Hằng ngày mình nói ra rất nhiều khái niệm triết học một cách vô tình mà không biết đó là những thành tựu của triết học. Ai cũng cần biết, ai cũng cần hiểu và càng học triết thì càng có công cụ tư duy để suy nghĩ và làm việc, ứng phó với mọi chuyện trên đời này. Triết học còn có tính chất cân bằng khi cho người ta thấy trong cuộc sống có mặt này cũng có thể thấy mặt kia, có thể suy nghĩ rộng hơn kích thước bình thường. Đó chính là nhu cầu tìm một sự cân đối, yên bình, một hướng khai phóng cho nội tâm. Nhưng ngoài triết học cũng có thể tìm sự yên bình ở tôn giáo hoặc văn chương. Phương diện thứ ba là phương diện chuyên môn rất cao, rất sâu dành cho những người chuyên sâu nghiên cứu, đó là triết học theo nghĩa đen, nghĩa hẹp, là môn khoa học triết học. Chọn phương diện nào là tùy ở sở nguyện và năng lực của mỗi người.
    * Ông từng nói muốn suốt đời “làm người học trò” như trong vế đầu câu nói “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người chẳng mỏi) của Khổng Tử. Phải chăng đó là mong muốn khiêm tốn trong tình hình mà ngay việc muốn theo kịp thông tin về triết học trên thế giới có người bảo rằng cần đến mười ông Bùi Văn Nam Sơn?
    - Tôi thành thật nghĩ rằng bản thân mình đang tụt hậu rất xa nên cần khiêm tốn học hỏi. Muốn vươn kịp trình độ của người ta thì phải hiểu người ta đã. Bấy giờ mới có hi vọng đối thoại bình đẳng với họ. Đừng vì sự tự ái muốn đi nhanh, đi tắt đón đầu mà bất chấp những quy luật rất khắt khe của khoa học. Chữ học đó không có nghĩa mãi mãi mình chịu kiếp đi sau, cũng không có nghĩa thụ động tiếp thu mà vẫn có thể từng bước trao đổi đối thoại. Nhưng sự thật là nhiều ngành trong nền khoa học nước ta còn thiếu nền tảng vững chắc. Ngô Bảo Châu là một trường hợp đặc biệt, trong một chuyên ngành đặc biệt. Không thể sốt ruột được.
    Bản thân giáo dục đại học đòi hỏi phải phản biện
    * Ở VN, đạo làm trò để ứng xử với thầy một cách lễ phép, kính trọng rất được đề cao. Nhưng điều đó phải chăng cũng là cản trở khiến học trò thiếu thói quen phản biện. Và sẽ không có nhiều sự bình đẳng để học trò dám tranh biện với thầy một cách tương đối ngang hàng vì có thể bị gán rằng trò đang “cãi” thầy?
    - Đây là vấn đề rất lớn và tế nhị liên quan đến tâm lý và kỹ năng sư phạm. Bản thân việc đặt ra câu hỏi này đã cho thấy một cái nhìn định kiến rằng đương nhiên học sinh phải chủ động, phải phản biện. Nước nào cũng vậy thôi, việc đầu tiên phải hiểu rằng có gì trong đầu không mà đòi phản biện? Bao giờ cũng phải có một kỷ luật nhất định. Cái quan trọng nhất là tự thân cả một nền giáo dục có khuyến khích, khơi gợi được tinh thần tự do tìm tòi, đưa ra nhiều giả thiết khác nhau và biết không cố chấp hay không. Chính môi trường đó mới làm học trò có tinh thần đối thoại, thậm chí là phản biện. Còn trong một xã hội chưa nghiêm ngắn thì việc đòi đưa vào tinh thần phản biện nhiều khi chỉ gây ra một sự mất trật tự và kỷ luật mà thôi. Riêng đại học thì khác, bản thân giáo dục đòi hỏi phải phản biện, nếu không coi như đã thất bại.
    * Nhưng việc người thầy với một chiếc micro để giảng bài cho trò chép cũng là một rào cản vô hình tước đi của sinh viên quyền được nói, được phản biện?
    - Hoàn toàn đúng. Thực tế đây là cả một quá trình thế giới đã tìm đủ cách cải cách giáo dục để đào tạo được nhiều hơn những chuyên gia, những nhà trí thức. Có một thời kỳ ngay cả phương Tây cũng vậy, thầy đọc trò chép. Bởi người ta quan niệm rằng giảng đường đại học là nơi tiếp thu kiến thức của những bậc thầy truyền đạt bằng hình thức cổ điển là giảng bài, giảng giáo trình. Cái uy của ông thầy lớn lắm và sinh viên thấy mình xa thầy quá vì trình độ quá kém so với thầy. Thế nên tự động sinh viên không dám nói gì cả vì hiểu thầy thôi cũng đủ chết rồi! Nhưng khi bình diện thông tin mở rộng thì bản thân người học cũng khá lên, họ thấy những điều thầy giảng họ không cần phải nghe vì có thể đọc sách hoặc tìm trên Internet. Họ sẽ ngãng ra! Và bây giờ chỉ có những đại giáo sư nào tự tin rằng mình giảng sinh viên sẽ lắng nghe bởi giảng đường là nơi trình bày những học thuyết, phát minh của mình thì mới có can đảm giảng bài giữa giảng đường. Và bài giảng đó thật sự có giá trị, sinh viên ùn ùn đi nghe không ai dám mở miệng.
    Ở trường đại học phương Tây, việc giảng bài chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là kiểu seminar để sinh viên trao đổi cùng làm việc chung, cùng đọc, cùng thảo luận, cùng tìm tòi với nhau cũng như với thầy. Nghe thì hấp dẫn nhưng muốn làm được phải có sách, có văn bản để thầy và trò cùng làm việc. Phải có đủ phòng thí nghiệm để thầy và trò cùng thí nghiệm. Còn không có gì hết thì thầy đọc trò chép là đúng rồi!
    * Đấy có phải lý do mà ông đã nhiều lần đau lòng thốt lên rằng môi trường tri thức cũng như giáo dục ở VN quá thiếu sách?
    - Đúng hơn phải nói là không có sách! Sách nghiên cứu, sách giáo dục toàn tiếng nước ngoài làm sao đòi sinh viên hiểu được? Nước ngoài cũng thế thôi, sinh viên Mỹ làm sao đọc được tiếng Pháp nếu cuốn sách đó không được dịch sang tiếng Anh? Làm sao làm seminar cho sinh viên khi thiếu sách? Điều kiện vật chất rất quan trọng cho giáo dục. Hình thức seminar thành công ở phương Tây bởi họ đã có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ. Học về tác giả nào cũng có sách để đọc, để nghiên cứu sâu hơn, cùng nhau đọc mới cùng nhau giải thích hoặc tranh cãi. Xu hướng chung của thế giới, mình không muốn bị lạc hậu phải chuẩn bị cơ sở vật chất chứ không phải chỉ nguyện vọng thấy phương Tây thực hiện 80% seminar trong giáo dục ta cũng bắt chước y như thế.
    * Ông có nói ở phương Tây học sinh lớp 6 đã được hướng dẫn để biết cách học từ sách. Vậy nguyên do gì ở VN không có thói quen đó? Chúng ta cứ đổ lỗi cho các phương tiện giải trí khác lôi kéo các em khỏi sự say mê học tập. Nhưng ở phương Tây, việc giải trí phong phú hơn chứ?
    - Đúng thế. Và học sinh VN bị nhồi nhét quá nhiều. Một nguyên tắc tối thiểu là các bài tập phải được giải quyết hết ở trường. Nếu các môn học ít lại, thời gian kết thúc bài học ở ngay trên lớp thì thầy cô mới có thể tập cho các em thói quen đọc sách. Điều này giúp các em có thói quen chủ động dù ngây ngô khi đọc rồi trình bày lại cho các bạn cùng nghe. Mà kỳ cùng vẫn là phải có sách. Vào một trường tiểu học hay trung học đi nữa thì điều đầu tiên phải được nhìn thấy là sách, là thư viện của trường. Đầu tư một lần như vậy đáng vô cùng mà không quá tầm tay, chỉ là đổi phương pháp sư phạm và có thể cải thiện được nhiều. Một sai lầm trong giáo dục có thể mất nhiều vô cùng mà không thấy, không như vụ Vinashin mất bao nhiêu tiền là thấy ngay... Thế nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước gần ta như Hàn Quốc hay Singapore sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.
    * Trân trọng cảm ơn ông.
     
    fyafog, vinhhoa, An05 and 2 others like this.
  4. 4) PHÁT BIỂU
    trong buổi lễ nhận giải « Tinh hoa Giáo dục Quốc tế » của Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh ngày 9.11.2007 tại Hà Nội

    Kính thưa Quý vị,

    Trước hết, xin cho phép tôi kính gửi đến tất cả Quý vị lời chào trân trọng và lòng cám ơn chân thành trước tình cảm và các lời đánh giá đầy ưu ái của Quý vị.

    Thú thật, có nhiều lý do khiến tôi hết sức ngại ngùng khi được báo tin, và hôm nay, trong không khí trang trọng của buổi Lễ ra mắt Quỹ Dịch thuật, được vinh dự nhận “giải thưởng lớn” đầu tiên của Quỹ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link dành cho việc dịch và chú giải quyển Phê phán lý tính thuần tuý của Immanuel Kant, một việc làm vốn âm thầm, riêng lẻ, tưởng đã rơi vào quên lãng của một người Việt lưu lạc lâu năm ở nước ngoài, chẳng biết làm gì để gọi là đóng góp chút ít cho quê hương. Nhưng, lại cũng có nhiều lý do buộc tôi phải “cung kính bất như tuân mệnh” khi hiểu rằng đây không chỉ là tấm lòng ưu ái của Quý vị trong Hội đồng giám định dành cho cá nhân tôi mà còn là cử chỉ tượng trưng nhằm khích lệ các nỗ lực theo tôn chỉ và mục đích của Quỹ, nhất là khi Quỹ Dịch thuật này do Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam chủ trương được mang tên nhà khai sáng Phan Châu Trinh. Ôi, Phan Châu Trinh của Chí thành thông thánh mà hình ảnh của Cụ như phảng phất đâu đây đang lặng nhìn chúng ta bằng ánh mắt nghiêm khắc lẫn tin cậy : “Chư quân vị tất vô tâm huyết?” (Các anh chị em hẳn không phải là không có tâm huyết?) Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link . Vì thế, khi được mang tên Cụ, thiết nghĩ Quỹ dịch thuật tự đặt cho mình trách nhiệm khá nặng nề, nếu không muốn nói to tát hơn, một “sứ mệnh văn hóa” trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Với tất cả sự xúc động khi nhận giải thưởng mang tên Cụ và được tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa hôm nay, xin cho phép tôi nhiệt liệt chào mừng sự ra đời của Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, và, nhân dịp quý báu này, tôi xin phát biểu vài suy nghĩ về việc tổ chức dịch sách kinh điển; và sau đó, trình bày đôi nét chung quanh chủ đề “Kant, nhà giáo dục”, khi được cho biết rằng Hội đồng giám định về giải thưởng đã đánh giá cao I. Kant ở tư cách này.

    Thưa Quý vị,

    Xây dựng “Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới” với sự tài trợ của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh là điều được nhiều người quan tâm đến nền học thuật nước nhà mong mỏi từ lâu, nay mới có cơ hội thực hiện. Theo chúng tôi, việc cung cấp những bản dịch, giới thiệu, chú thích (và cả chú giải, nếu có) của những tác phẩm kinh điển thuộc nhiều ngành khoa học cơ bản khác nhau là điều cần thiết hiển nhiên, ít nhất ở các khía cạnh sau đây:

    1. Đón trước yêu cầu cải cách việc dạy và học ở đại học, khi những tác phẩm đầu nguồn và đầu tay rồi sẽ trở lại giữ đúng vị trí của chúng như là tài liệu chính khóa chứ không chỉ là sách tham khảo, tương tự với thông lệ ở đại học các nước khác. Ở bất kỳ đại học hay thư viện nào ở nước ngoài, kể cả ở những nước có mức độ phát triển không hơn nước ta là bao, và đặc biệt trong các ngành khoa học cơ bản và khoa học nhân văn và xã hội, tuyệt đại bộ phận nguồn sách chính yếu vẫn là bằng ngôn ngữ bản địa và trong số đó phần không nhỏ là những bản dịch. Thực tế cho thấy không thể chờ đợi hay đòi hỏi sinh viên cấp cử nhân ở bất kỳ nước nào có khả năng đọc thẳng nguyên bản hay bản dịch viết bằng ngoại ngữ. Đối với nguyên bản viết bằng các ngôn ngữ khó như tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp-Latinh, tiếng Hán cổ, tiếng Đức v.v…, ngay cả giáo sư hay những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở các nước vẫn chủ yếu sử dụng bản dịch của tiếng nước họ. Như thế, không có lý do gì khiến ta mãi mãi phải đọc bản dịch bằng tiếng nước khác, mặc dù vẫn cần khuyến khích người học nỗ lực am tường nhiều ngoại ngữ để có thể tiếp thu sâu sắc hơn.

    2. Việc tổ chức dịch sách kinh điển một cách có hệ thống, phấn đấu hướng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tính chính xác, tính giáo khoa và tính khoa học phải là nỗ lực âm thầm, bền bỉ của nhiều thế hệ để góp phần xây dựng kho tàng thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ khoa học cho một đất nước. Kinh nghiệm các nước đã cho thấy sự rèn luyện và trưởng thành về ngôn ngữ khoa học đã tác động mạnh mẽ như thế nào đến phương pháp tư duy, đến đời sống tâm lý và cung cách ứng xử của một xã hội.

    3. Đối với nước ta, công cuộc “tu thư” này càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Để không bị tràn ngập và lạc lối trong làn sóng bùng nổ thông tin hiện nay, nhất là để tận dụng được phần hữu ích và tinh tuý của nó, việc dịch thuật có hệ thống là con đường ngắn nhất trong việc “tiếp phát” văn hóa (acculturation). Nền học thuật, hay nói rộng hơn, các giá trị văn hóa của một dân tộc sẽ càng phong phú và sáng rõ khi có dịp cọ xát, thử thách và giao hòa với kho tàng tinh hoa của thế giới, nhất là với một đất nước vốn có truyền thống “tịnh hành” rất quý báu, tức để cho nhiều trào lưu tư tưởng được cùng tồn tại và phát triển như nước ta trước đây. Lịch sử tư tưởng thế giới đã cho ta biết bao ví dụ về sự tiến bộ hay tụt hậu của một xứ sở hay thậm chí của một tác giả do được tiếp thu sớm hay muộn thành tựu nghiên cứu của nước ngoài thông qua các bản dịch.

    Ý thức tầm quan trọng như thế của việc dịch và chú giải sách kinh điển (thậm chí có thể nói không ngoa rằng nếu không có được điều ấy, các phân khoa nhân văn và xã hội ở các nước chắc phải “đóng cửa” hết!), nên ở các nước phát triển, nhất là ở châu Âu, nơi có khá nhiều ngôn ngữ bản địa, công việc dịch thuật luôn sôi động. Mặt khác, do tính đặc thù của loại sách này, người ta biết rằng không thể phó thác hoàn toàn cho cơ chế thị trường mà cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Tên tuổi của các Quỹ dịch thuật và tu thư như của Toyota, Volkswagen, Rockefeller v.v.. đã quá nổi tiếng.

    Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh cũng ra đời trong bối cảnh ấy và chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào nhiệt tâm và sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Riêng với đông đảo anh chị em Việt kiều ở nước ngoài – những người đã mong mỏi sự kiện này từ lâu và vui mừng đón nhận các dịch phẩm đầu tiên của Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới thông qua nhà xuất bản Tri thức ngay từ khi Quỹ dịch thuật đang trong quá trình được thành lập –, sự hân hoan và tán thưởng thể hiện ở việc ngày càng nhiều anh chị em giới thiệu sách mới, đề nghị danh sách nên dịch, hoặc trực tiếp tham gia vào việc dịch, chú giải, thẩm định, hiệu đính cũng như sẵn sàng tiếp tay, hỗ trợ cho việc xây dựng đội ngũ dịch giả đông đảo và vững mạnh trong tương lai. Anh chị em cũng đang nghĩ đến các hình thức hỗ trợ tài chính trong khả năng cho phép. Kết quả đầu tiên đáng phấn khởi mà hôm nay tôi rất hân hạnh được ủy nhiệm để thông báo đến Quý vị là sáng kiến đóng góp tài chính đầy nhiệt tình của một bạn trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Toronto, Canada: BS Trần Quang Khâm. BS Trần Quang Khâm sẽ đóng góp cho Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh 100.000 đô-la Canada (tương đương 1 tỷ 400 triệu đồng VN) vào đầu năm 2007 này và thêm 100.000 đô-la Canada vào hai năm sau đó để Quỹ dùng tiền lãi tiết kiệm của số vốn gần ba tỷ đồng Việt Nam này góp phần vào công việc tổ chức dịch thuật và hiệu đính. Mong rằng sáng kiến đóng góp tài chính rất có ý nghĩa này của BS Trần Quang Khâm sẽ được Quỹ Phan Châu Trinh sử dụng một cách hiệu quả và Quỹ sẽ thu hút ngày càng nhiều những hình thức ủng hộ và đóng góp tài chính từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tôi hân hoan thay mặt BS Khâm xin kính trao số tiền tượng trưng là 5.000 đô-la Canada đến Ban lãnh đạo Quỹ Phan Châu Trinh trong số tiền 100.000 đô la Canada đầu tiên sẽ được chuyển đến Quỹ trong những ngày tới đây.

    Thưa Quý vị,

    Trở lại với chủ đề thứ hai trong bài phát biểu này, như đã có thưa ở trên, tôi được cho biết một trong các lý do chính yếu khiến tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý nói riêng được hội đồng giám định đánh giá cao là ở tính chất đào luyện tâm hồn của nó và ở ý nghĩa, vai trò nói chung của tác giả Immanuel Kant như là một nhà giáo dục. Vâng, hai trăm năm kể từ ngày Kant qua đời, bao thế hệ độc giả có thể còn tiếp tục tranh cãi và không đồng tình với nhau về không ít vấn đề trong triết học của ông, nhưng hình ảnh nguyên vẹn đọng lại trong lòng người đọc về Kant chính là hình ảnh nói trên; và hình ảnh ấy, tự nó, là một lời khen tặng bất hủ dành cho một nhà tư tưởng. Karl Jaspers, trong công trình nổi tiếng Những đại triết gia, nhận định như sau: “Không ai nắm vững Kant mà không phản đối ông ở những chỗ căn bản. Không ai hiểu ông mà không đòi chỉnh sửa nhiều câu của ông. Hiểu Kant có nghĩa là một sự nhất trí vô song với ông ở bề sâu, đồng thời là một sự nghiên cứu có phê phán mạnh mẽ ở bề ngoài. Sở dĩ như thế vì chính Kant, nói chung, đã đi vào một con đường thật sự mới mẻ. Khi phê phán ông, ta đã trở thành một con người khác, nghĩa là đã tự mình lặp lại cuộc cách mạng về tư duy của chính ông, để tự hỏi: ta phải hiểu từng câu từng lời như thế nào từ cùng một nguồn cội mà ta đã đạt được nhờ một bước nhảy của lề lối tư duy qua bản thân Kant” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link .

    Ba hình ảnh quen thuộc được ta hình dung về một nhà giáo dục, đó hoặc là :

    1. Một vị tôn sư, một bậc giáo chủ chiếm trọn trí óc, con tim và lòng tin cậy của ta để ta tự nguyện làm người đệ tử và hoan hỉ “tín, thọ, phụng, hành”;

    2. Một nhà sư phạm chuyên nghiệp, đề ra cả một lý thuyết và một triết lý giáo dục, có ảnh hưởng quyết định đến quan niệm và tổ chức về giáo dục của một nước, một vùng văn hóa và kéo dài nhiều thế hệ;

    3. Một nhân cách điển hình, chỉ thỉnh thoảng mới đề cập trực tiếp đến vấn đề giáo dục, - có khi như nhân tiện nói qua hay ở những chỗ… “lạc đề” - nhưng cuộc đời và hành trình tư tưởng của họ bảo chứng cho những lời nói ấy và có sức mạnh gợi hứng lâu bền cho người đời sau. Theo cái nhìn hạn hẹp của tôi, có lẽ đức Khổng tử và I. Kant thuộc về loại thứ ba này. Đức Khổng được tôn xưng là “mẫu người Thầy của muôn đời” (Vạn thế sư biểu), nhưng các phát biểu trực tiếp của Ngài về giáo dục chỉ vỏn vẹn vài mươi câu, được ghi lại một cách khá mỏng mảnh trong Chương đầu quyển Luận ngữ (Chương “Học nhi”). Những lời ấy thật giản dị, chẳng hạn: “Quân tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố” (Người quân tử không tự trọng thì chẳng uy nghiêm, việc học ắt không kiên cố) hay “Học nhi bất tư tắc võng; tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ ắt sẽ sai lầm; suy nghĩ mà không học ắt sẽ mệt mỏi, rối trí, không mang lại kết quả gì). Những lời phát biểu trực tiếp về giáo dục của Kant cũng thế, nếu sưu tập lại, chắc không quá vài mươi trang giấy! Vì thế, sức nặng và sự hoằng đại của các câu nói ấy, - của Khổng, của Kant, - cần đặt trong toàn bộ tư tưởng cao thâm của các vị ấy. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng mất đi vẻ gần gũi, thân mật như là những lời nhắn nhủ của loại nhà giáo dục luôn tự xem là người đồng đẳng, người đồng học cùng với chúng ta. Nếu với hai loại trước, ta có loại hình nhà giáo dục tiên tri và loại hình nhà giáo dục chuyên nghiệp, thì ở đây, có thể nói, ta có loại hình nhà giáo dục dân chủ. Trong hàng ngũ các nhà giáo dục loại thứ ba này, có lẽ ta sẽ không chút ngần ngại để kể đến tên nhà khai sáng Phan Châu Trinh yêu quý của chúng ta.

    Trong khuôn khổ một bài phát biểu ngắn, tôi không dám dài lời, nên chỉ xin đề cập đến một khía cạnh trong tư duy giáo dục của Kant, đó là: giáo dục như là con đường của sự khai sáng với hai điểm nhấn mạnh: vai trò của triết học trong đời sống xã hội và của tính công khai.

    Kant xem sự tồn tại lịch sử của con người chúng ta như là một điểm nhỏ trên con đường dài mà ta không thể biết được điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Điểm khởi đầu thì ta chỉ có thể phỏng đoán, còn định hướng cho tương lai thì ta chỉ có thể dùng các “lòng tin” của lý trí – mà ông gọi là “các Ý niệm tất yếu” - để soi sáng. Còn bước đi trên con đường ấy là tiến trình của sự Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. “Khai sáng là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Không trưởng thành là sự bất lực, không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Còn tự mình chuốc lấy là do thiếu dũng khí, thiếu lòng kiên quyết và thói quen an nhàn, thoải mái. Vì thế, khẩu hiệu của sự khai sáng là: sapere aude! (Hãy dám biết!), hãy có gan dùng chính đầu óc của mình! Con người rất thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi “những xiềng xích êm ái” ấy, con người thấy bơ vơ và lúng túng vì không quen suy nghĩ và vận động tự do. Vì thế, Kant bảo: “Chỉ có ít người thành công trong việc vừa trưởng thành về tinh thần, vừa tự đi được một cách vững chắc”. Nhưng, tiến trình khai sáng vẫn cứ tiếp diễn, tuy chậm chạp. Một cuộc cách mạng có thể lật đổ kẻ độc tài nhưng không phải dễ dàng mang lại sự cải cách đích thực về lề lối tư duy. Các định kiến mới chỉ thay chỗ cho các định kiến cũ, vì lề lối tư duy khó mà được thay đổi một cách đột ngột.

    Chính tình hình đó mới cần đến tư duy lý tính, cần đến triết học, – được ông hiểu vừa như là sự phê phán, vừa như là “kỷ luật” tự nguyện của tư duy tự chế ước chính mình. Ông hiểu triết học phê phán của mình như là một đóng góp cho đời sống chính trị-xã hội, trong chừng mực bản thân nó có nhiệm vụ tham gia tích cực vào tiến trình khai sáng; đồng thời như là một triết học về chính trị-xã hội, trong chừng mực tư duy chính trị-xã hội cần được suy tưởng như con đường đi đến sự tự nhận thức tự do. “Chính trong tư duy như thế, ta thấy sự căng thẳng giữa một bên là ý thức về sự yếu đuối, bất lực nhất thời, và bên kia là lòng tin tưởng mạnh mẽ, lớn lao về diễn trình của trí tuệ nhân loại” (Sđd, tr. 563).

    Vai trò của triết học trong đời sống chính trị-xã hội xuất phát từ cách hiểu như thế về triết học. Theo Kant, việc thiết lập, lãnh đạo và quản lý đời sống chính trị-xã hội – được ông gọi là “hiến chương dân sự” – là công việc của những nhà chính trị. Điều cần có nơi họ là: “quan niệm đúng đắn về bản tính của một hiến chương khả hữu”, “một sự dày dạn từng trải” và sau cùng “một thiện chí để kết hợp được hai điều ấy lại”. Họ không phải là những nhà triết học chuyên nghiệp, vì Kant không chờ đợi và cũng không mong muốn mô hình của Platon: vua phải là triết gia và triết gia phải… làm vua, bởi ông biết rằng “việc nắm giữ quyền lực khó mà không làm hư hỏng phán đoán tự do của lý tính”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông, “bậc vương giả” hay “các dân tộc vương giả” (königliche Völker) - tức các dân tộc biết tự cai trị chính mình theo các quy tắc của sự bình đẳng – cần lắng nghe những nhà triết học. Trong khi phác họa các “điều khoản" cho một “nền hòa bình vĩnh cửu”, Kant đề nghị ghi thêm một “điều khoản bí mật”, đó là: “Các quốc gia vũ trang cần phải tham vấn các châm ngôn của các nhà triết học về các điều kiện để bảo đảm hòa bình”. Tại sao phải là điều khoản “bí mật”? Vì thật bất tiện khi yêu cầu kẻ cầm quyền phải công khai “hạ cố” tham vấn các triết gia! Cho nên, điều kiện để thực hiện “điều khoản bí mật” ấy chỉ là hãy để cho các triết gia được ăn nói tự do và công khai. Một mặt, ông biết rằng trong lịch sử (nói riêng ở châu Âu), vị trí của triết học vốn khiêm tốn và chông chênh. Nó không những đứng sau pháp gia [nhà cầm quyền] mà còn bị thần học [hệ tư tưởng chính thống] bắt làm “con sen” nữa. “Chỉ có điều không rõ là “con sen” này có nhiệm vụ cầm đèn đi trước soi đường hay lẽo đẽo đi sau nâng váy cho bà chủ”! Mặt khác, ông lại thấy các triết gia – do bản chất tự do của công việc suy tưởng của họ – không bao giờ hình thành nên một phe nhóm hay tầng lớp, nghĩa là không hề có quyền lực. “Trong nhân dân, họ không thỏa thuận riêng với nhau (như tầng lớp giáo sĩ) mà chỉ đề ra các dự phóng với tư cách là người công dân” và “họ chứng minh một cách hoàn toàn không khả nghi rằng họ chỉ quan tâm đến chân lý mà thôi”. Các ý tưởng rất nghiêm túc đằng sau cách nói hóm hỉnh ấy về vị trí và vai trò của triết học trong đời sống cộng đồng xuất phát từ quan niệm rất sâu sắc của ông về bản chất của triết học. Ông nêu mấy đặc điểm sau đây:

    1. “Ta không bao giờ có thể học triết học mà cùng lắm chỉ là học cách triết lý”
    Tất nhiên, ta vẫn có thể và cần học triết học với tư cách là một kiến thức vững chắc và chính xác về lịch sử tư tưởng. Nhưng, kiến thức lịch sử về triết học chưa chứng tỏ được năng lực phán đoán từ chính nhận định của mình. Ta chỉ được “đào tạo theo lý trí của người khác” như một “khuôn dấu sống” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link mà thôi. Do đó, ai muốn học cách triết lý thì phải xem “mọi hệ thống [tư tưởng] chỉ như là lịch sử về việc sử dụng lý tính” mà thôi và ta hãy dùng chúng như là đối tượng cho sự rèn luyện của chính mình. “Người học trò không học những tư tưởng mà học tư duy”, và vì thế, “thật là một sự lạm dụng chức trách sư phạm khi thay vì mở rộng năng lực suy nghĩ của học sinh và đào luyện họ để có được sự thức nhận trưởng thành trong tương lai thì lại làm cho họ tưởng rằng đã có sẵn một kho kiến thức đã hoàn tất khiến từ đó nảy sinh sự ngộ nhận về khoa học”.

    2. Kant phân biệt giữa triết học như là “quan niệm trường ốc” với triết học như là “quan niệm toàn hoàn vũ”
    Triết học trường ốc là chỉ đi tìm “một hệ thống kiến thức với mục đích duy nhất là tính hoàn chỉnh về lôgíc”, tức chỉ nhằm đưa ra các quy tắc sử dụng lý trí cho bất kỳ mục đích nào, hầu mang lại kỹ năng, tài khéo chứ không cần biết kiến thức ấy đóng góp gì vào cứu cánh tối hậu của lý tính con người và hạnh phúc của nhân loại. Ngược lại, triết học “toàn hoàn vũ” là khoa học về các cứu cánh tối hậu của con người, là quan niệm mang lại “phẩm giá, tức giá trị tuyệt đối” cho triết học. Mục đích của ta thì có nhiều, nhưng cứu cánh tối hậu thì chỉ có một, đó là toàn bộ vận mệnh của con người, và nền triết học về điều này chính là đạo đức học theo nghĩa rộng nhất. Vì thế, với tư cách là quan niệm “toàn hoàn vũ”, triết học “liên quan đến mọi con người". Nó cao xa nhưng giản dị, vì “không có một nền triết học cao siêu nào có thể hướng dẫn cho ta bằng sự hướng dẫn mà Tự nhiên đã phú bẩm cho lương năng bình thường nhất” (Sđd, B859).

    3. Triết học hợp nhất quan niệm trường ốc và quan niệm toàn hoàn vũ chính là học thuyết về sự hiền minh với tư cách là khoa học. Vì “khoa học là khung cửa hẹp dẫn đến học thuyết về sự hiền minh” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link . Không có sự hiền minh, khoa học là vô nghĩa; còn sự hiền minh sẽ không hiện thực nếu không có khoa học. Các ngành khoa học riêng lẻ tự chúng là đáng ngờ về mặt giá trị, bởi chúng không tự biện minh được giá trị của mình. Khoa học chỉ có thể có được một giá trị nội tại đích thực với tư cách là cơ quan của sự hiền minh, và giá trị nội tại ấy sẽ do triết học mang lại. Và cũng bởi lẽ thông qua triết học mà các ngành khoa học có được trật tự và sự liên kết, nên hầu như triết học sẽ khép lại vòng tròn tuần hoàn khoa học như là chiếc “vương miện của tinh thần con người”.

    4. Triết học phê phán của Kant thường được cảm nhận như là sự phá hủy triết học cổ truyền. Ông trả lời: sự phá hủy có tính tiêu cực và phủ định ấy chỉ gây tổn hại và mất mát đối với các trường phái giáo điều, chứ không phải cho bản thân triết học. Bằng sự minh định các ranh giới để buộc lý tính thuần túy phải tuân thủ “kỷ luật của tư duy”, sự phê phán mở ra không gian cho cái tích cực: mang lại bước đi vững chắc cho khoa học cũng như cho lòng tin vào lý trí con người. Nếu chủ nghĩa giáo điều bao giờ cũng kết thúc ở chủ nghĩa hoài nghi và sự mất lòng tin, thì sự phê phán sẽ dẫn đến khoa học và sự xác tín.

    5. Tác dụng tiêu cực, phủ định của triết học phê phán, do đó, chỉ là một phương diện của toàn bộ triết học. Những nhà khoa học riêng lẻ đều chỉ là những nhà chuyên môn, thiện nghệ trong việc sử dụng lý tính. Nhưng, “đứng lên trên tất cả còn có một Bậc Thầylý tưởng sử dụng họ như những công cụ phục vụ cho sự tăng tiến của các cứu cánh cơ bản của lý tính con người. Chỉ có bậc thầy lý tưởng này mới xứng danh là “Triết gia”, song lại không tồn tại thật sự ở đâu cả. Tuy nhiên, ý niệm về quyền năng ban bố luật lệ của Triết gia vẫn lắng đọng trong đáy sâu tâm hồn của mỗi người chúng ta… Trong ý tưởng cao cả này, thật quá tự cao nếu tự xưng mình là triết gia và dám cho rằng mình đã đứng ngang hàng với hình ảnh nguyên mẫu của bậc triết nhân chỉ có thể có trong Ý niệm” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link . Vậy, theo Kant, “Nhà hiền triết đích thực” – như là bậc thầy của sự hiền minh bằng chính hình ảnh mẫu mực của mình – là lý tưởng để được mãi mãi vươn tới của nền giáo dục nhân bản và khai phóng.

    Tôi xin bước sang điểm thứ hai: tính công khai của triết học và khoa học.

    Đối với “hiến chương của đời sống cộng đồng”, tính công khai là yếu tố quyết định, bởi vì bản chất của lý tính là tính có thể thông báo được một cách không bị hạn chế đối với chính mình và với người khác. Triết học hiểu tầm quan trọng ấy nên luôn tạo ra “ý chí thông báo”. Lý tính sẽ chết ngạt nếu không có bầu không khí của sự truyền thông. Đi vào chi tiết, Kant vạch rõ rằng mọi hình thức của lý tính đều cần đến tính thông báo công khai: những khái niệm (khoa học) là đều có thể thông báo được, khác với những cảm giác riêng tư của ta. Phán đoán về hành vi luân lý cũng “cần được thông báo một cách phổ biến bằng những khái niệm nhất định của lý tính thực hành, chẳng hạn: tốt, xấu, thiện, ác. Phán đoán thẩm mỹ tuy không cần đến “khái niệm của lý trí” nhưng vẫn được tiến hành nhờ vào Ý niệm về một “cảm quan chung”, hầu như là phán đoán nhân danh lý tính chung của con người.

    Chỉ bằng sự thông báo công khai thì việc mở rộng và kiểm tra đối với lý tính mới có thể thực hiện được. Do đó, tính công khai là điều kiện của tính người, của tính nhân văn (Humanität), hay nói cách khác, tính nhân văn chính là tính có thể truyền thông được cho nhau. Trong các châm ngôn của lý trí con người, bên cạnh sự “tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình” và “suy nghĩ nhất quán với chính mình”, Kant còn nhấn mạnh đến châm ngôn: “suy nghĩ từ vị trí hay quan điểm của người khác”. Đó là nguyên tắc của “lề lối suy tư được mở rộng”, vượt ra khỏi “các điều kiện riêng tư, chủ quan của phán đoán” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link .

    Vậy, tự do của sự thông báo là điều kiện của tự do tư duy. Không có sự thông báo thì tư duy bị dồn vào góc hẹp của cá nhân và trong sự nhầm lẫn chủ quan. Ông viết: “Quyền lực bên ngoài nào tước đoạt sự tự do thông báo công khai tư tưởng của con người thì cũng tước đoạt sự tự do suy nghĩ của họ”.

    Tiến trình khai sáng thoát thai từ sự tự do của lý tính và tạo nên sự tự do ấy trong toàn bộ đời sống chính trị-xã hội bằng hai bước: sự khai sáng cho quần chúng nhân dân và sự khai sáng đối với nhà cầm quyền.

    Với quần chúng nhân dân, sự khai sáng đòi hỏi nhân dân “phải sử dụng lý trí của mình một cách công khai trong mọi lĩnh vực”. Ông phân biệt: một viên chức, một binh sĩ, phải biết tuân lệnh trong công việc. Nhưng, với tư cách là “học giả”, họ lại có quyền tự do phát biểu công khai về những sai lầm của bộ máy quân sự, của bộ máy hành chính. Và nếu họ thấy chức trách không còn phù hợp với lương tâm nữa thì hãy từ chức. Nói cách khác, “trong “công việc” thì phải tuân lệnh, nhưng trong phát biểu công khai của lý trí thì mọi sự giới hạn là phản lý trí”. Đối với nhà cầm quyền, sự khai sáng thực chất là phải bắt đầu ở họ vì họ là những người có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với xã hội.

    Tính công khai trong đời sống chính trị là điều kiện của luật pháp và pháp quyền. Không có tính công khai, không thể thực hiện được sự công chính. Người công dân phải được phép tiền giả định rằng người cầm quyền không muốn vi phạm quyền hạn hợp pháp của mình. Với tiền giả định ấy, việc vi phạm quyền công dân được hiểu là do nhầm lẫn hay không am tường các hậu quả nào đó của luật pháp. Vì thế, người công dân phải có quyền phát biểu công khai về điều mà họ cho vi phạm pháp luật ấy. Như thế, “tự do của ngòi bút là vị thần linh duy nhất của dân quyền”. Các giới hạn của sự tự do này chỉ có thể là do chính lý tính tự đặt cho chính mình mà thôi: đó là sự tôn trọng hiến chương dân sự, tôn trọng lề lối tư duy tự do và sự làm chủ tinh thần phê phán của lý tính.

    Các luận điểm cơ bản trên đây của Kant dẫn đến các vận dụng cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục, xoay quanh các chủ đề còn rất thiết thực với chúng ta ngày nay: bảo vệ quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học, vun bồi tinh thần phê phán và khả năng tự đề kháng của người học, và hướng đến nền giáo dục toàn diện và khoan dung để “làm công dân thế giới”.

    - Từ nhận định: “thật là một điều hết sức phi lý khi muốn nhờ lý tính mang lại sự khai sáng, mà ngay từ đầu, các bạn lại bắt buộc nó phải nhất thiết đứng về một phía [chính đề hay phản đề do các bạn quyết định]”. Do đó, không có lựa chọn nào khác ngoài việc: “hãy để yên cho mỗi nhà tư tưởng tự đi riêng con đường của họ; hãy để cho họ thể hiện hết tài năng, để họ minh chứng các tư tưởng thâm trầm và mới mẻ, nói ngắn, hãy để họ chứng tỏ họ làm chủ sức mạnh của tư duy, và như vậy, rút cục, chỉ có lý tính bao giờ cũng là người thắng cuộc. Còn nếu các bạn dùng các phương tiện khác như ràng buộc dư luận, kềm hãm suy tư, lên án phản nghịch, kích động đám đông (…) rồi tập hợp lực lượng theo lối chữa lửa thì chỉ tự biến mình trở thành kỳ cục, làm trò cười cho thiên hạ mà thôi” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link . Vì ông tin rằng: “lý tính đủ sức dùng chính lý tính để tự thuần phục và tự kiềm chế nó trong các giới hạn hợp lý, khiến các bạn không cần phải huy động một lực lượng canh giữ nhằm đề kháng lại nó” (nt).

    - Đối với người học, ông đặt câu hỏi: “phải chăng đối với các bạn trẻ đang được phó thác cho việc giảng dạy ở nhà trường, ta cần khuyến cáo họ tránh xa các tác phẩm ấy [tức các tác phẩm của sự tự do nghiên cứu], ngăn cản không cho họ biết được lập trường nguy hiểm này chừng nào ta cho rằng phán đoán của họ chưa đủ vững vàng, và học thuyết mà ta muốn nhồi nhét cho họ chưa đủ bám rễ sâu trong trí não để tự họ đủ sức chống lại các quan điểm đối nghịch bất kể từ đâu đến?”. Rồi ông tự trả lời: “Tất nhiên, nếu bản thân ta tiếp tục đứng mãi trong phương pháp giáo điều (…) và chẳng biết cách nào để giải quyết cuộc tranh biện ngoài cách chọn hẳn một phía để chống lại phía kia, có lẽ trước mắt, chỉ có hạ sách ấy. Nhưng về lâu dài, không gì vô lý và kém hiệu quả bằng muốn giữ mãi tinh thần của thanh niên dưới sự giám hộ càng lâu càng tốt để tránh cho họ khỏi phạm sai lầm. Vì, sớm muộn họ cũng sẽ tiếp cận với các tác phẩm trên, và liệu họ có giữ vững niềm tin của thời trai trẻ? Những thanh niên không được trang bị gì khác ngoài những vũ khí giáo điều, không thể phát hiện được sự sai lầm tiềm tàng ngay trong những quan điểm của mình cũng như của đối phương, sẽ thấy các luận điểm của đối phương là hấp dẫn, mới mẻ hơn những gì họ đã được học, điều ấy tất sẽ gợi lên trong lòng họ sự nghi ngờ và bất mãn rằng trước đây những người lớn đã lợi dụng lòng ngây thơ, cả tin của họ. Họ nghĩ rằng không có cách nào tốt hơn để chứng minh sự trưởng thành là vứt bỏ mọi lời răn dạy, giáo huấn – có thể đầy thiện ý trước đây – rồi vì chỉ quen với lối suy tư giáo điều, họ hăng say nốc từng hơi dài ly thuốc độc cũng không kém giáo điều, để hủy diệt những tín điều trước đây của họ!” Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link . Ông đề nghị: “Do đó, trong giáo dục, người ta nên đi con đường hoàn toàn ngược lại, với điều kiện tiên quyết là hãy huấn luyện thuần thục cho thanh niên tinh thần và phương pháp của việc phê phán lý tính”… Tinh thần và phương pháp phê phán lý tính không gì khác hơn là làm mất hết khả năng gây ảo tưởng” (B784) của những lập luận giáo điều của chính mình và của đối phương, điều kiện căn bản cho sự tăng tiến về nhận thức lý thuyết. Rồi bằng khả năng phân tích, so sánh những hành vi một cách tỉnh táo, không định kiến, con người tự vun bồi năng lực hành động luân lý cho chính mình. Thêm vào đó, việc rèn luyện năng lực phán đoán vô vị lợi trong lãnh vực thẩm mỹ, con người “dọn mình” để cảm thụ cái đẹp, cái cao cả trong tự nhiên và nghệ thuật. Tất cả các điều ấy mở rộng chân trời của con người, chuẩn bị cho họ làm người “công dân thế giới” với đầy đủ sự tự trị và chủ quyền. Theo Kant, đó là viễn tượng của “lịch sử phổ quát” của nhân loại trong một “nền hòa bình vĩnh cửu” mà mục đích tối cao của nó là phát huy hết “mọi tiềm lực của con người”. Đó là một giấc mơ, tất nhiên. Nhưng, theo Kant, đó cũng là một vấn đề đặt ra như một nghĩa vụ.

    Thưa Quý vị,

    Tôi không dám lạm dụng hơn nữa thời gian và sự kiên nhẫn của Quý vị và cũng không có tham vọng trình bày nhiều hơn về di sản tinh thần đồ sộ của nhà đại giáo dục này. Đến với những khuôn mặt lớn trong quá khứ, ta không mong muốn gì hơn là có dịp để sọi rọi lại chính mình, để rút ra những bài học bổ ích cho hiện tại. Có lẽ đó cũng là tinh thần “ôn cũ biết mới” của Văn Thiên Tường khi ông kết thúc bài thơ trường thiên “Chính khí ca” của mình sau khi điểm lại những tấm gương trong lịch sử, bằng câu: “Cổ đạo chiếu nhan sắc”. Cụ Phan Bội Châu đã dịch sang thơ Việt:

    “Đạo xưa rạng tỏ muôn đời

    Như hình rọi lại lên nơi mặt mình”

    “Rọi lại” giúp ta biết giật mình để đi tới, biết hổ thẹn để phấn đấu.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkGiải “Tinh hoa giáo dục quốc tế” cho tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý của triết gia Đức Immanuel Kant do Bùi Văn Sơn Nam dịch (Nhà xuất bản Văn Học, 2004), giá trị giải thưởng 15 triệu đồng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkChí thành thông thánh :

    Thế sự hồi đầu dĩ nhất không

    Giang sơn hòa lệ khấp anh hùng

    Vạn dân nô lệ cường quyền hạ

    Bát cổ văn chương túy mộng trung

    Tùng thử bách niên cam thóa mạ

    Bất tri hà nhật thoát lao lung

    Chư quân vị tất vô tâm huyết

    Thí bả tư văn nhất khán thông

    (Phan Châu Trinh)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkKarl Jaspers, Die grossen Philosophen, Piper, München, 2004, tr. 584-585.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkImmanuel Kant: Khai sáng là gì ?

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkI. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B864.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkI. Kant: Phê phán lý tính thực hành, A292.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkI. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B867.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkI. Kant: Phê phán năng lực phán đoán, B158.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link I. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B774-775.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkI. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B783.
     
    fyafog, vinhhoa, An05 and 1 other person like this.
  5. 5) Tự đóng cửa là tự hại mình
    (Ngày 23/09/2007)

    - Sau giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế, ông tiếp tục dịch tác phẩm của I. Kant và Hegel cho liên mạch, hay dịch một tác giả nào khác? Ông nghĩ gì về tình hình dịch thuật chung hiện nay?

    Hiện nay dịch thuật có 3 mảng: văn học, thông tin giải trí và khoa học. Tuy chất lượng dịch không đều, nhưng phải nhìn nhận có những khởi sắc đáng mừng. Có lẽ, do nhu cầu thị trường mà mảng giải trí được dịch khá nhiều, trong khi sách khoa học còn ít; thậm chí quá ít, không tương xứng với một đất nước 80 triệu dân, với hàng chục triệu sinh viên học sinh. Ở nước ngoài, ngay học sinh lớp 6 đã không thụ động nghe thầy giảng, mà bắt đầu tự đọc các tác phẩm do thấy chỉ dẫn. Nếu ta cũng thay đổi theo cách đó thì số lượng sách sẽ không chỉ dừng ở 1.000 bản mà tăng gấp trăm lần, với giá rẻ. Tuy nhiên, ở ta vẫn chưa có thói quen tập cho sinh viên, nói gì đến học sinh, làm việc khoa học, trên cơ sở tiếp cận trực tiếp với văn bản như thế. Cách học gián tiếp khiến người học VN không tự tin. Đơn cử, một trong các cuốn sách quan trọng vào bậc nhất về chính trị học tại Mỹ hiện nay là “Một lý thuyết về sự công bằng” (A Theory of Justice) của John Rawls đã có hơn 3.000 bài nghiên cứu viết về nó. Làm sau đọc hết, mà có đọc hết cũng không biết đúng sai thế nào và nhất là không thể tham gia thảo luận nếu không trực tiếp biết ông Rawls nói gì. May mắn là tác phẩm ấy đang được Tủ sách Tinh hoa của NXB Tri thức tổ chức dịch và hy vọng sớm ra mắt.

    Tóm lại, người học cần tiếp xúc với tác phẩm đầu nguồn của khoa học thế giới. Đây là điểm yếu của nền học thuật VN, vì ta đang thiếu nhiều công cụ cơ sở cho người học. Phần tôi, vẫn tiếp tục cố gắng đóng góp một phần nhỏ vào tủ sách cùng với nhiều người khác.


    - Với tư cách là một trong các nhà giáo dục lớn của mọi thời đại, Kant còn đóng vai trò “khai sáng” như thế nào trong đời sống xã hội hiện nay, theo ông?

    Tôi xin phép đổi chữ “Khai sáng” quen thuộc thành chữ “Khai minh” theo đúng ngữ pháp Hán Việt. Kant viết: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy”. Không trưởng thành là sự bất lực không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Vì thế, ông bảo: khẩu hiệu của sự Khai minh là: “sapere aude!” (latinh: Hãy dám biết!), hãy có gan dùng đầu óc của mình. Con người rất thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi “xiềng xích êm ái” ấy, con người thấy bơ vơ, lúng túng, vì không quen suy nghĩ và vận động tự do. Một cuộc cách mạng có thể lật đổ kẻ độc tài nhưng không phải dễ dàng mang lại sự cải cách đích thực về lề lối tư duy. Theo nghĩa đó, Khai minh là một tiến trình tất yếu, bất tận. Vận dụng vào lĩnh vực giáo dục, nó mãi mãi có ý nghĩa thiết thực: khuyến khích, bảo vệ quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học, vun bồi tinh thần phê phán và khả năng tự đề kháng của người học.

    - Còn xét như một phong trào lịch sử?

    Phong trào Khai minh bắt đầu ở Châu Âu từ giữa thế kỷ 17 (nếu tính từ năm 1667 với “Luận văn về sự khoan dung” (Essay on Toleration của John Locke) cho đến đỉnh cao là Đại cách mạng Pháp 1789. Sau hai thế kỷ gian khổ, phương Tây đã tạo được những tiền đề cơ bản cho xã hội hiện đại: nền giáo dục phổ cập, nền khoa học và đại học tự trị, chế độ cộng hòa trên cơ sở tam quyền phân lập (Montesquieu) và sự tự do của các nhân quyền và dân quyền (Rousseau) cùng với cơ sở vật chất là nền kinh tế hàng hóa và đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa… Vì thế, người Tây phương ngày nay vẫn tự nhận mình là con đẻ của thời Khai minh, dù từ thế kỷ 19 đến nay, họ không ngừng tìm mọi cách để điều chỉnh và khắc phục các hạn chế và khuyết tật của nó. Các nước Đông Á tiếp nhận dư ba, hồi quang của phong trào này khá muộn màng. Nếu nước Nhật còn có ít nhiều thời gian để canh tân, thì Trung Quốc và nhất là Việt Nam gặp khó khăn hơn nhiều. Ta vừa mới làm quen sơ bộ với tư tưởng Khai minh (qua các “tân thư” với phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20), chưa làm được gì nhiều và cũng khó có thể làm được gì trong điều kiện đất nước mất chủ quyền thì đã kịp tiếp thu tư tưởng của Cách mạng Tháng mười Nga. Tất cả chỉ trong vòng 20 năm! Sau đó là cuộc đấu tranh giành độc lập kéo dài. Như thế, nước ta đi vào thời hiện đại với “lưng vốn” ít ỏi, lại có cảm tưởng mình đã vượt qua thời kỳ Khai minh, thậm chí còn “tiên tiến” hơn nó. Vết chàm của tình trạng “tiên thiên bất túc” ấy còn đè nặng lên số phận của dân tộc trên bước đường hiện đại hóa đất nước hiện nay.


    - Ông từng nói dịch sớm và dịch cái đáng dịch là cách nhanh nhất để bắt kịp thiên hạ. Phải chăng cũng là một cách “đi tắt đón đầu”?

    Đúng và không. Theo tôi, “đi tắt đón đầu” có thể đúng ở một lĩnh vực công nghệ cục bộ hay mánh lới làm ăn nào đó, hiểu như là sự nắm bắt thời cơ và có cách làm thông minh, tiết kiệm, còn học thuật và dân trí thì phải theo một tuần tự chứ không thể chờ có phép lạ. Muốn tiếp thu những giá trị vĩnh cửu và tiên tiến đích thực, phải có nền tảng, phải cần thời gian, chỉ đừng để mất thời gian vì đi đường vòng. Những giá trị ấy độc lập với dân tộc, chính trị. Tự mình đóng cửa thì hạn chế tầm nhìn, chỉ có hại cho mình thôi. Bởi lẽ, mình không đọc sách thì sách đâu có chết! Niềm tin được củng cố thực sự khi được so sánh và thử thách với các tư tưởng khác. Nói như Hegel, tin là phải hiểu cái mình tin.


    - Nước ta chưa có được một truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời. Việc tiếp thu từ bên ngoài cũng còn lỗ mỗ, thiếu hệ thống. Thêm vào đó, lối giảng dạy ở nhà trường, nhất là ngành triết và các ngành khoa học xã hội-nhân văn còn nhiều lỗ hổng và thiên lệch. Ông nghĩ sao về điều này?

    Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục. Đã lần lượt có các buổi hội thảo nhân dịp này ở Hà Nội, Hội An, và vào ngày 21.9. tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, kết hợp với lễ ra mắt ở phía Nam của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Theo tôi nhận xét, đó là các dịp rất tốt để anh chị em tri thức tâm huyết cùng nhau suy nghĩ và cố gắng làm những gì chưa làm được. Thật ra, là phải làm nốt những gì các cụ chưa thể làm do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt và hãy làm những gì lẽ ra chúng ta đã phải làm. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian và thời cơ!


    - Nhất là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế dồn dập với số lượng kiến thức khổng lồ như ngày nay?

    Vâng, trong thời hội nhập, vẫn không thể giao lưu nếu không hiểu nhau và không hiểu nhau ở cùng một trình độ. Việc hiểu quan trọng nhất phải thông qua học thuật. Trước đây loài người thấy thế giới tự nhiên rất khó hiểu. Sang thế kỷ 21, do sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, việc tìm hiểu tự nhiên có khi không khó khăn bằng hiểu cái thế giới tự nhiên thứ hai do con người tạo ra (tức khối lượng tri thức khổng lồ của nhân loại). Không biết chọn lọc tinh hoa, người học rất có thể lạc vào khu rừng rậm, không tiếp cận nỗi. Đây là việc làm rất quy mô và đòi hỏi sự kiên trì. Để làm được công việc to lớn là đưa tri thức thế giới vào Việt Nam một cách hệ thống, lẽ ra phải có một đội ngũ hùng hậu những dịch giả - học giả chuyên sâu về một ngành, một lĩnh vực, một tác giả, thậm chí một tác phẩm. Mình đụng đâu làm đó, chỉ dựa vào người biết ngoại ngữ chứ chưa phải những người chuẩn bị dày công cho việc dịch sách khoa học. Đó là chưa nói thù lao không đủ sống!

    - Đội ngũ dịch giả, như ông nói, đã thiếu lại yếu, giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

    Có lẽ chúng ta nên học kinh nghiệm của Nhật bản và Hàn quốc. Họ biết rằng công cuộc cải cách giáo dục phải bắt rễ từ nền móng khoa học. Do đó, bên cạnh việc đào tạo chuyên gia ở ngoài nước, họ chủ yếu dựa vào lực lượng hùng hậu tại chỗ là sinh viên, nếu không, chẳng biết lấy đâu ra. Giáo sư hướng dẫn sinh viên làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ, bằng cách cho họ dịch, chú giải, bình luận những tác phẩm kinh điển trên thế giới. Đây là nguồn lực vô tận, lại không tốn kém nhiều mà dễ tổ chức có hệ thống. Nhìn phương Tây mà xem. Trong thời gian tương đối ngắn, họ đã có trong tay hầu hết những bản dịch đáng tin cậy về văn hóa và văn minh phương Đông. Họ đã làm theo cách ấy, và còn có thuận lợi là dựa vào nguồn du học sinh Châu Á ở nước họ để dịch kinh điển phương Đông, có sự thẩm định của ban giám khảo. Hai bên cùng có lợi, và người tốt nghiệp thực sự có được kiến thức vững vàng.


    - Ông thường nói: “Học triết thì nên đến thẳng với “Phật” chứ không thông qua “các nhà sư”. Để học và dịch những tác phẩm đồ sộ, ông có phải đi đường vòng không?

    Đi đường vòng nhiều chứ. Mất thì giờ vô cùng. Mất sức nữa. Đơn giản vì tôi không có được các bản dịch giúp cho mình tham khảo khi còn trẻ. Ít được thụ hưởng công trình của đồng hương mình. Những sinh viên đi du học như tôi đều gặp những trở ngại lớn như thế. Tôi có bạn học là một sinh viên người Hàn cùng cặp tình nhân người Nhật. Lúc sang Tây Đức, tôi đã có bằng cử nhân, còn cặp tình nhân kia thì chưa, và còn rất trẻ. Thế nhưng, tôi và ông bạn người Hàn hết sức ngạc nhiên trước trình độ của họ. Hỏi ra mới hay, họ có trong tay cả hai bản dịch toàn tập bằng tiếng Nhật, cùng sách tham khảo, từ điển. Vào năm 1970, Hàn Quốc cũng như mình. Nhưng gần đây, ông bạn Hàn Quốc viết thư khoe với tôi, sau khi về nước, thế hệ của ông và trước ông một ít đã dịch những bộ toàn tập các tác giả lớn nhất qua tiếng Hàn. Ông còn nói đùa: “bảo đảm chất lượng Đức quốc!”. Từ chỗ tay trắng, sau 30 năm, Hàn Quốc đã có một kho tàng kinh điển. Tôi hết sức kinh ngạc vì điều này.

    - Nâng cấp đại học VN nên bắt đầu từ việc trùng tu nền học thuật. Liệu một thế hệ đã có thể lấp đầy những lỗ hổng này?

    Chúng ta đã có một nền học thuật bình thường như các nước khác hay chưa mới là vấn đề. Muốn cải cách giáo dục, xây dựng đại học có đẳng cấp khu vực thì trước hết phải làm những công việc bình thường như người ta đã. Nhìn vào thư viện sẽ thấy ngay nền học thuật, dịch thuật của một đất nước đến đâu. Vậy phải làm ngay kẻo không kịp. Không có phép lạ nào ngoài việc có biện pháp hợp lý, rồi làm việc kiên trì và lâu dài. Không ai dám chắc, nhưng nếu làm tận lực, một thế hệ vẫn có thể khắc phục được lỗ hổng ấy. Quan trọng là phải thấy việc tiếp cận tinh hoa thế giới một cách có hệ thống là cần thiết. Sau đó mới đến việc sử dụng chất xám của sinh viên cao học.


    - Xin cảm ơn ông.
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này