Đọc Những Ngày Tươi Đẹp, gặp được từ này “ảnh nước” - chắc là do các bạn gõ bị nhầm, nó là ảng nước các bạn ạ! Ở làng quê tôi ngày xưa, nhà nào cũng có một ảng nước. Ảng dùng để chứa nước sinh hoạt, được đúc bằng xi măng. Ảng có ba chân, cao chừng một mét, phần miệng ảng to hơn phần đáy, thường được đặt sau nhà hoặc cạnh bếp. Tôi vẫn còn nhớ cứ mỗi sáng hoặc mỗi chiều, các chị tôi thay nhau gánh nước từ giếng làng về nhà. Giếng làng cách nhà chừng nửa cây số, mùa mưa phải lội sình mà các chị vẫn quảy đôi thùng đầy nước. Không chỉ gánh đầy ảng, mà còn dự trữ một đôi nước đặt bên cạnh ảng. Nhà đông người nên ảng nước tuy đầy nhưng chẳng mấy chốc lại vơi. Nước trong ảng chỉ dùng để nấu nướng, rửa chùi các vật dụng trong nhà, không bao giờ dùng tắm, kể cả tắm cho trẻ nhỏ. Nhớ nhất mùa hè, đi đâu về giữa lúc trời nắng gắt, liền chạy ra ảng tu một ca nước, cảm thấy thật sảng khoái. Những khi nắng nóng, ra ngồi cạnh ảng nước để cảm nhận không khí mát mẻ, dễ chịu. Lại nhớ mấy trái khổ qua, mấy quả chanh chị tôi thả vào ảng nước để giữ tươi, mà thèm. Vì ảng thường đặt gần bếp, sợ khói bụi nên người ta dùng một cái nia che ảng, mỗi khi dùng xong thì đậy nia lại, giữ vệ sinh không cho bụi tro hoặc lá cây bay vào. Không gian quanh ảng rộng, nhộn nhịp nhất là những ngày tết nhứt, chạp mã, giỗ quảy, tiệc tùng. Những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa cho tới chuyện hiện tại cứ râm ran quanh ảng nước. Khi nước trong ảng vơi dần, các chị tôi lại phải đi gánh nước châm vào ảng, sẵn sàng cho việc bếp núc. Vài ba ngày ảng đóng rong rêu, nên phải súc rửa một lần. Nhớ những khi lũ lụt tràn về, ba tôi cho nước vào đầy ảng, dùng dây thừng cột ngang lưng ảng, rồi quấn dây vào gốc cột nhà, để giữ ảng không trôi theo dòng nước. Dưới chân ảng ẩm ướt, chỉ cần đặt vài viên gạch bể, thỉnh thoảng lật viên gạch lên là có thể bắt được mấy con giun làm mồi câu cá, nên chẳng cần phải ra hè đào xới tìm giun. Đám con nít nhà quê, đứa nào cũng biết đến trò này. Có dịp tụ tập là nhắc, là kể về tuổi thơ bên ảng nước gia đình. Nhà tôi đã xài giếng bơm và dùng vòi nước thay cho dùng ảng như trước kia, nên không còn cảnh gánh nước từ giếng làng. Cái ảng được mang ra ngoài vườn chứa nước tưới mấy khóm hoa. Mỗi lần ra vườn, đến bên cái ảng, bao kỷ niệm ngày xưa ùa về. Nhớ nhất lúc nhỏ ốm đau, được ba mẹ ưu ái cho tắm nước trong ảng. Nhớ những khi cùng anh trai khiêng nước từ giếng về nhà, có đoạn xuống dốc hai anh em té lăn quay... Ở quê bây giờ hiếm còn gia đình nào sử dụng ảng đựng nước, giống như cối xay hay cối giã gạo. Tất cả chỉ còn trong ký ức, để rồi chợt ùa về theo kỷ niệm tuổi thơ với bao xúc cảm… Nguồn: Song Nguyên (Báo Quảng Nam)
Nhà ngoại vẫn còn cái ảng này. Nhiều nhà vẫn còn nhưng không dùng để chứa nước nữa thì trồng cây... như hình minh họa sưu tầm ở trên. Thật là hoài niệm!
À, đúng rồi. Thời điểm xong cuối học kỳ 1. Mình nhớ, thầy Toán - thầy chủ nhiệm năm lớp 8 của mình, nhà bán tạp hóa, gần Tết thầy bận lắm, nên kiu mấy bạn trong lớp, lên nhà thầy nhập điểm dùm. xong thầy tặng mỗi đứa một cuốn lịch mới Lúc nhận được sổ liên lạc mình nhìn là nhận ra nét chữ của bạn nào trong lớp vô điểm cho mình ngay! Tuy không đẹp lắm nhưng được cái bạn nhập điểm cho mình là bạn trai đẹp trong lớp, nên cũng vui!
Ngoài Bắc thì dùng cái chum hoặc vại để hứng nước mưa từ cây cau, dẫn nước bằng cái bẹ cau buộc vào thân cau. Nhà nào có điều kiện thì xây bể nước dùng máng vầu để dẫn nước mưa từ mái nhà. Xưa nắp bể nước xây bằng gạch cuốn, dùng vôi mật để xây. Sau này nhà nào "có điều kiện" thì xây bằng vữa (hồ) có trộn xi măng, nắp bể không xây cuốn mà đúc bằng bê tông (xi măng) cốt thép. Vậy nên nhà nào giàu lắm mới có điều kiện để dùng xi măng để đúc/xây dụng cụ chứa nước, nghèo nghèo mới dùng chum/vại bằng sành. Nghe trời trở gió heo may Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau (Thơ Trần Đăng Khoa) Trong hình minh họa là cái chum. Cái vại nó cũng bằng sành nhưng có hình trụ.
Vâng! @Utron Cái tương tự cái ảng là cái ghè đựng lúa. ... Cái ghè đựng lúa cũng thế, làm bằng xi-măng, to và nặng ơi là nặng, đựng được đến 10 ang lúa. Ngày còn học tiểu học, mấy chị em chúng tôi nối vòng tay mà vẫn chưa ôm hết ghè. Ngoại bảo, đúc ghè rất khó, phải có tay nghề cao, thợ trong làng ít người làm được. Trước hết phải đắp cái “cốt” bằng đất to bằng cái ghè định đúc, sau đó đắp vữa xi-măng lên. Khó ở chỗ ghè phải tròn, miệng khum lại và có nắp đậy. Ghè thường dùng để đựng lúa, đến mùa lại kiêm luôn việc giú (rấm) các loại trái cây như chuối, mít, mãng cầu... Hiên sau nhà để nguyên một dãy ghè, là nơi chúng tôi hay chơi trốn tìm. Có lần, em tôi nhảy tọt vô ghè, chúng tôi tìm mãi không ra. Lát sau nghe có tiếng thút thít khóc, mới biết nó tìm hết cách mà leo ra không được. Ngày tản cư tránh chiến tranh, ngoại bỏ đồ sứ, đồ đồng và những thứ quý giá của thôn quê ngày ấy vào ghè, bảo mấy cậu đem chôn. Lụt năm Thìn, mọi thứ trôi tuột, nhưng cái ghè đựng lúa thì “bà thủy” chê. Ngoại cười, nói bây thấy chưa, đừng chê hắn nặng. Nhẹ như mấy cái bồ, cái bầu thì chừ ra ngoài biển mà tìm… Nhà ngoại xưa có nhiều vật dụng mà đến chừ tôi vẫn không nhớ hết, trừ những thứ hay dùng như mâm đồng, nồi đồng, thau men... Từ khi hiện đại hóa nông thôn, nhiều thứ đã biến mất sau lũy tre làng, nếu còn thì cũng đã trở thành đồ cổ, chỉ giữ làm kỷ niệm thôi chứ cũng chẳng dùng đến bao giờ. Mấy năm trước có người đi lùng mua, cậu tôi đã bán chiếc cối đá gắn với những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi ở nhà ngoại. Cái ghè thì vẫn còn nằm dưới đất, sau khu vườn của ngoại. Nó nặng quá, không ai nghĩ đến chuyện trục nó lên, bởi cũng chẳng dùng làm gì giữa thời buổi bây chừ. ... Nguồn: Như Hạnh (Báo Đà Nẵng)
Ở Hải Phòng gọi là cái ang, hay dùng để muối cá, đựng nước mắm... Nhiều nơi miền bắc thì gọi là cái chum, còn chum kiệu là chum to. Ang là từ Hán Việt, ảng thì chắc là đọc chệch từ ang. Tiếng Mường cũng là ảng, sàn ảng là sàn để rửa rau vo gạo, có ảng nước. Ghè hình như là tiếng của đồng bào Tây nguyên, thường nghe nói ghè rượu, nhưng nhỏ hơn ang.
Tôi thấy vẫn có người gọi đấy, vd như ông làm từ điển này đã gộp cả ang, chum, vại với nhau. Còn cái này người ta cũng gọi là chum Quê tôi thì cái này gọi là chum Còn cái này gọi là vò hay hũ để đựng rượu...
Hình dạng như thế cái nhỏ cứ cho là 10l đổ lại gọi là vò hay hũ đều được. Nhưng cỡ 50, 100 lít (tôi đoán bừa nhé) trở lên gọi là chum, các cụ hay quẩy bằng dây song/mây, to hơn nữa cứ cho là 200l trở lên gọi là chum kiệu (chắc vì cần 4 (hay hơn) người khiêng như khiêng kiệu). Chum có lẽ là thứ mà miệng nhỏ hơn đáy và đủ lớn. Nhà tôi hồi xưa cũng có mấy cái chum để đựng thóc. Còn hứng nước bằng bể xây bằng vôi mật. Đến năm 1978 làm lại nhà ngói 5 gian thì đúc cái nắp bằng bê tông. Rồi đến cuối 199X thì phá cái bể đó xây bể chìm để trữ nước máy. Vẫn nhớ cảnh đội mưa bắc máng nước để lấy nước mưa do phải chờ mưa một lúc cho sạch bụi.
Vùng của mình chỉ nghe thường (chỉ dùng) Kiệu [lớn hơn] và Lu. Giờ thì nước máy theo đường ống tới tận giường, chứ không hứng nước mưa nữa nên Kiệu với Lu cũng tuyệt chủng luôn. Nước mắm thì ra siêu thị mua chứ không tự ủ nữa thì cũng không có dịp dùng Lu với Kiệu. Mà dùng nước máy thì có thêm vật dụng mới, hay kêu là Phuy, chắc là từ phiên âm chứ không phải từ thuần Việt. Với lại cái phuy nhiều người cũng gọi là bồn hai ngàn lít, những dụng cụ lâu đời hơn gắn liền với văn hóa thì còn đa dạng cách gọi hơn nữa tùy theo vùng miền.
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Có thứ miệng rộng vẫn gọi là chum, vò theo thói quen. Trước tôi nghe nói mộ vò Sa huỳnh, cứ nghĩ làm sao cho xác vào vò được. Sau nhìn hình thì là cái miền bắc gọi là thạp. Ở quê tôi hay đựng gạo, gọi là thạp gạo. Còn có loại vò lớn gọi là tĩn hay tĩnh.
Nước mưa sạch (sau khi mưa độ chục phút) dùng để pha trà hay đồ uống gì đó rất ngon nhé. Nước máy hay có nhiều khoáng chất và chlor nên pha đồ uống đặc biệt là trà không ngon. Tôi vẫn dùng 2 cái thùng 120 l để hứng nước mưa trên sân thượng đây. Chủ yếu để tưới cây cảnh, chạy dàn phun sương bằng nước mưa sạch thì đầu béc lâu tắc hơn nước máy rất nhiều do có ít khoáng chất. Thùng hứng nước: Thùng chứa cho dàn phun sương:
Phiên âm từ chữ "fût" tiếng Pháp. Chúc cô giáo và gia đình năm mới an khang thịnh vượng. Cô giáo có nhiều bài viết hướng dẫn về IT quá hay mà kẻ học trò này vốn ngu lâu dốt bền không lĩnh hội được bao nhiêu. Thật là tiếc.