TG Khác Cao Đài Đại Đạo lược giải

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi lilypham, 5/10/13.

Moderators: mopie
  1. lilypham

    lilypham Lớp 12

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
    Tam Giáo quy nguyên - Ngũ Chi phục nhất

    SƠ ĐỒ TỔ CHỨC GIÁO HỘI CAO ĐÀI GIÁO

    I. CÁCH TỔ CHỨC

    Giáo hội Cao Đài được tổ chức theo qui luật cấu tạo vũ trụ và con người, gồm đủ TINH, KHÍ, THẦN . Theo đó, Pháp Đạo có 3 Đài

    Bát Quái Đài (THẦN)

    Hiệp Thiên Đài (KHÍ)

    Cửu Trùng Đài (TINH)


    1. Bát Quái Đài

    Gồm có 3 ngôi:

    - Thượng Đế: tâm linh vũ trụ Càn Khôn
    - Tòa Tam Giáo: chưởng quyền Luật pháp Thiên điều.
    - Các Đấng Thiêng Liêng nơi Ngọc Hư Cung: điều hành Thiên cơ

    2. Hiệp Thiên Đài

    Hiệp Thiên là cách gọi tắt của bốn chữ Hiệp Nhứt Thiên Nhơn. Đây là cơ quan giữ phần thông công và bảo thủ Luật pháp chơn truyền của Đạo. Hiệp Thiên Đài còn được xem là cơ quan Tư pháp. Có 3 quyền:

    - PHÁP: do Hộ Pháp đứng đầu, lo về luật pháp Thiên điều và bí pháp
    - ĐẠO: do Thượng Phẩm đứng đầu, lo về Đạo pháp, Tịnh thất.
    - THẾ: do Thượng Sanh đứng đầu, trông nom các phần liên hệ đến Đời như Ban Thế Đạo, các Thánh Thất.

    Hiệp Thiên Đài có hai cơ quan: Pháp Chánh và Phước Thiện.


    a- Pháp Chánh

    Là cơ quan gìn giữ luật pháp Đạo để bảo thủ đúng chơn truyền mà nhiệm vụ được nêu rõ trong câu liễn dành cho cơ quan.

    PHÁP LUẬT VÔ TƯ, ĐẠO GIÁO TỪ OAI TÙNG LÝ
    CHÁNH TÔNG BẤT DỊCH CHƠN TRUYỀN, THIỆN ÁC TÙY HÌNH.

    Ý nghĩa:

    Pháp luật không thiên vị ai nhưng hình phạt của tôn giáo thì hiền lành tùng theo lẽ phải.

    Đạo chánh không thay đổi chơn truyền nhưng việc thiện ác tùy theo hình phạt mà áp dụng.

    b- Phước Thiện

    Làm nhiệm vụ bảo sanh dưỡng thiện, trợ giúp chúng sanh để có điều kiện no ấm, đặc biệt đối với trẻ mồ côi, người già yếu và tàn tật không nơi nương tựa.

    Phước Thiện tạo nền kinh tế chính nghĩa, nền văn hoá xã hội hướng thiện. Lấy tình thương làm lẽ sống, lấy điều nghĩa phục vụ nhơn sanh nên cơ quan Phước Thiện được coi là cơ quan đem Đời về Đạo, giúp xã hội trở về thời Thánh đức. Phước Thiện lập cơ chế như những dòng tu, sống đem thân phụng sự cho đời, chết được an ngôi vị. Trong Phước Thiện có 12 cấp từ thấp lên cao.

    Nhiệm vụ của Phước Thiện được minh họa bởi hai câu liễn treo trước cơ quan:

    PHƯỚC ĐỨC THIÊN BAN VẠN VẬT CHÚNG SANH LY KHỔ KIẾP.

    THIỆN DUYÊN ĐỊA TRỮ THẬP PHƯƠNG CHƯ PHẬT HIỆP NGUYÊN NHÂN.

    Ý nghĩa:

    Trời ban phước đức cho vạn vật và chúng sanh khỏi kiếp sống khổ nhọc.

    Đất chứa duyên lành, chư Phật mười phương độ các Nguyên nhân hội hiệp trở về.

    3. Cửu Trùng Đài

    Giữ quyền Hành Pháp, trông coi về hành chánh Đạo, và điều hành cơ phổ truyền giáo hóa chúng sanh.


    GIÁO TÔNG: đứng đầu Cửu Trùng Đài.

    Dưới quyền Ngài, Hội Thánh, còn có:

    - Ba Chưởng Pháp
    - Ba Đầu Sư
    - 36 Phối Sư
    - 72 Giáo Sư
    - 3000 Giáo hữu

    Hội Thánh do Ba Đầu Sư lãnh đạo, nhưng quyền hành giao cho Ba Chánh Phối Sư. Ba Chánh Phối Sư đứng đầu Toà Nội Chánh, điều hành Chức sắc cả ba phái và hai cơ quan


    - Ba Phái: Tam Thanh
    o Phái Thái: mặc áo vàng (PHẬT ĐẠO)
    o Phái Thượng : mặc áo xanh (TIÊN ĐẠO)
    o Phái Ngọc : mặc áo đỏ (THÁNH ĐẠO)

    - Hai cơ quan: Hành chánh và Phổ tế

    a. Hành chánh

    Trong Toà Nội Chánh, văn phòng của Cửu Trùng Đài, có các cơ quan trực thuộc dưới quyền của ba Chánh Phối Sư.

    Phái Thái trông coi về Hộ viện (tài chánh), Lương viện (thực phẩm) và Công viện (xây cất, tu bổ)

    Phái Thượng trông coi về Học viện (giáo dục), Y viện (y tế) và Nông viện (sản xuất thực phẩm nuôi người hiến thân trọn đời hành Đạo)

    Phái Ngọc trông coi về Hòa viện (hòa giải xích mích), Lại viện (lo về văn thơ, hồ sơ) và Lễ viện (lo về các cuộc tế lễ)

    b. Phổ tế:

    Đây là cơ quan truyền giáo nên còn gọi là cơ quan đem Đạo vào Đời, dìu dẫn chúng sanh nương theo Đạo mà tiến hoá đến phẩm trọn lành. Người đi phổ tế phải có khả năng tâm linh vững chắc để giúp người giác ngộ, cải hoá.

    Muốn vậy, chức sắc Phổ tế phải biết tu tiến, tham khảo các giáo lý, triết thuyết Đông Tây Kim Cổ để tìm đường hướng giải thoát vừa trình độ của chúng sanh đồng thời vừa nhập thế vừa xuất thế. Do đó, Pháp buộc từ phẩm Giáo hữu trở lên phải chọn trong bậc Thượng Thừa tức là người đã trực nhập phần tâm ấn bí truyền mới được đi dạy Đạo

    Nhiệm vụ độ rỗi này được ghi rõ trong hai câu liễn:

    PHỔ HÓA CHÚNG SANH CẢI ÁC TÙNG LƯƠNG QUI ĐẠI ĐẠO

    TẾ NGUY VẠN LOẠI KHỬ TÀ TÔN CHÁNH HIỆP TAM KỲ.

    Ý nghĩa:

    Giáo hóa nhơn sanh khắp nơi, sửa đổi không làm ác mà làm theo điều lành trở về với Đại Đạo.

    Cứu giúp điều nguy khốn cho muôn loài, trừ bỏ điều tà vạy, giữ cho còn điều chánh đáng, hợp vào Đạo Cao Đài.

    II. HIẾN PHÁP VÀ LUẬT PHÁP CỦA ĐẠO

    Khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã lập ngay một Pháp Chánh Truyền và Tân luật để điều hành guồng máy Hành chánh Đạo và Luật pháp để giáo đồ lấy đó làm căn bản noi theo, tránh vi phạm Luật Đạo. Luật pháp do Thiên lý và công lý lập ra nên rất công bình. Từ cấp tín đồ đến các chức sắc lớn đều có quy luật công cử, quyền hạn. Tuy nhiên, quyền Đạo có khác hơn quyền đời vì do sự thương yêu mà có chứ không dùng sức mạnh để áp chế.


    A. PHÁP CHÁNH TRUYỀN

    Pháp Chánh Truyền được xem là Hiến pháp của Đạo, có giá trị vĩnh viễn và không được sửa đổi.


    Pháp Chánh Truyền nêu rõ vai trò của Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài cũng như những quy định về quyền hành và đạo phục của các chức sắc.

    B. LUẬT ĐẠO

    1. Tân luật: Các luật Đạo có trước Đạo Cao Đài được gọi là Cựu Luật. Tân Luật quy định ba phần: Đạo pháp, Thế luật và Tịnh Thất.

    2. Quyền lập pháp: Trong nền Đạo, cơ quan Lập Pháp chia ra làm ba Nghị Hội. Ba Hội ấy là: Hội Nhơn sanh, Hội Thánh, và Thượng Hội.

    a. Hội Nhơn Sanh - Giống như Thứ Dân Nghị Viện, gồm các Đại Biểu trực tiếp do Nhơn sanh bầu cử đặng thay mặt cho mình, đem lời thỉnh nguyện của mình ra trình bày giữa hội. Thượng Chánh Phối Sư giữ nhiệm vụ Nghị trưởng, có một nữ Chánh Phối Sư làm Phó Nghị trưởng.

    b. Hội Thánh - Giống Nguyên Lão Nghị Viện ở tánh cách bảo thủ đặng dung hòa những ý nguyện quá bồng bột của Nhơn sanh do Hội Nhơn Sanh dâng lên. Hội Thánh có quyền tán thành hay phản đối lời thỉnh cầu của Nhơn sanh chiếu theo Luật Pháp của Đạo, cũng như xem xét những luật lệ nào không phù hợp với sự tấn hóa về dân trí của nhơn sanh. Thái Chánh Phối Sư giữ nhiệm vụ Nghị trưởng và có một nữ Chánh Phối Sư làm Phó Nghị Trưởng.


    c. Thượng Hội - là Hội Tối Cao, xem xét đề nghị của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh rồi quyết định chấp thuận hay không.

    Thượng Hội gồm chư vị chức sắc Đại Thiên Phong như Giáo Tông, Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, các Chưởng Pháp, Đầu Sư .

    Ba Hội nầy hiệp lại tạo nên Quyền Vạn Linh. Nói đến Vạn Linh tức nhiên nói chung cả Bát Hồn. Thần, Thánh, Tiên, Phật thì đã có Hội Thánh và Thượng Hội tức là Thánh Thể của Đức CHÍ TÔN làm tượng trưng rồi, còn chúng sinh tức là vật chất, thảo mộc, thú cầm, nhân loại thì có Nhơn sanh là phẩm tối linh, là thượng đẳng chúng sanh thay thế bằng hình tướng của Hội Nhơn Sanh.

    Vậy thì chỉ Nhơn sanh không đủ kể là Vạn Linh, mà toàn Thánh Thể của Đức CHÍ TÔN cũng chưa kể là Vạn Linh được, phải có đủ cả hai thành phần.

    Quyền Vạn Linh được xem ngang bằng với Quyền Chí Linh. Đức Chí Tôn muốn ban quyền hành rộng rãi cho con cái để vạn linh tự lập luật kềm chế lấy mình trên đường tu hầu có thể hội hiệp cùng Đấng Cha Trời.

    NHẬN XÉT:

    Ưu điểm của sự phân quyền là tránh sự áp chế và tạo được sự tương quan chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau.

    Phần lãnh đạo tối cao, Quyền Hành pháp và Quyền Tư pháp được chia ra cho hai phẩm Giáo Tông và Hộ Pháp chớ không cho một Quyền Giáo chủ độc đoán.

    Ở cấp trực tiếp làm việc với tín đồ và nhơn sanh, hai quyền này được giao cho hai phẩm Phó Trị Sự và Thông Sự, thường được gọi là Giáo Tông em và Hộ Pháp em, còn Chánh Trị Sự được gọi là Đầu sư em.

    Giữ thế quân bình, không cho hai quyền chống đối, lấn áp nhau mà làm tốt đẹp cho nhau, đó là điều mới mẻ của nền Tân Pháp theo lời dạy:

    “Nếu dưới mắt các con còn thấy một điều mất lẽ công bằng thì Đạo chưa thành”

    Nếu Bát Quái Đài có Toà Tam Giáo Chưởng quản về Luật Thiên Điều (không cho phạm luật Trời — tức quyền trị thế) thì Cửu Trùng Đài có Tam Thanh thuộc về Pháp (nắm cơ siêu thoát — tức cơ cứu thế).

    Người tín đồ nhập môn giữ giới hạ thừa (ngũ giới cấm, ăn chay 10 ngày mỗi tháng), tuân y Thế luật mà lập công tu phước.

    Người luyện Đạo giữ giới thượng thừa (trường trai, tuyệt dục) nhập Tịnh thất thọ truyền bí pháp mà tham thiền nhập định.

    Hàng chức sắc được chia thành 3 phái đều nhau vì Tam Giáo bình đẳng trước Thượng Đế.
    [Trích "Tìm hiểu đạo Cao Đài qua kiến trúc Toà Thánh Tây Ninh"
    Tùng Thiên - Từ Bạch Hạc - 2005]

    Người post:lamdathoa
    Nguồn: TVE
     

    Các file đính kèm:

    haist and Kiep Lang Thang like this.
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này