Kinh dị Chùa đàn - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi assam1719, 4/10/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. assam1719

    assam1719 Lớp 12

    Tựa sách: CHÙA ĐÀN
    Tên tác giả: Nguyễn Tuân
    Tên (các) dịch giả:
    Nhà xuất bản:
    Năm xuất bản:
    Mã số xuất bản (ISBN):
    Nguồn: vnthuquan.net
    Tóm tắt nội dung:

    Một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân

    Code:
    [Định dạng PRC [Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link]

    Người viết bài: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Nguồn: TVE
     
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Chùa đàn - Nguyễn Tuân.png
    Chùa đàn
    Tác giả: Nguyễn Tuân
    Nhà xuất bản Văn học
    Năm xuất bản: 1989
    Số trang: 74
    Định dạng file: azw3; epub; mibi; prc

    Nếu có điều kiện hãy mua sách để ủng hộ nhà xuất bản nhé!


    Chùa Đàn là truyện ma quỉ của Nguyễn Tuân viết vào năm 1945 đã được một số nhà phê bình coi như tác phẩm đặc sắc nhất của ông, có người nói đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật. Truyện đã được tái bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau này Nguyễn Tuân viết thêm một phần mở đầu gọi là Dựng và một phần kết gọi là Mưỡu Cuối và được Quốc Văn xuất bản tại Hà Nội 1946.

    Năm 1947 Chùa Đàn được nhà xuất bản Tân Việt in lại tại Sài Gòn.

    Sau khi Nguyễn Tuân viết thêm, Chùa Đàn viết năm 1945 đã trở thành phần thứ hai và được gọi là Tâm sự của nước độc.

    Chùa Đàn viết 1945 đã được quay thành phim Mê Thảo Thời Vang Bóng năm 2002, đạo diễn Việt Linh.

    Chùa Đàn nay đã được in lại trong tập III, bộ Nguyễn Tuân Toàn Tập, nhà xuất bản Văn Học năm 2000, bìa cứng rất đẹp và trang trọng. Truyện cũng đã được in lại trong cuốn Yêu Ngôn của Nguyễn Tuân, truyện ngắn do nhà xuất bản Hội Văn Hà Nội ấn hành năm 1999.

    Nói về truyện quái đản nổi tiếng trên thế giới phải kể đến những đoản thiên của Edgar Allan Poe, một thi sĩ, văn sĩ cổ điển Mỹ (1809-1849), truyện nổi tiếng nhất của ông là The Fall Of The House Of Usher (1839), có người dịch là Giọt Máu Cuối Cùng Dòng Họ Usher, chắc nhiều quí vị đã đọc qua. Nhà thi hào Pháp Charles Baudelaire (1821-1867) đã dịch các truyện của Edgar Poe trong cuốn Les Histoires extraordinaires d’Edgar Poe (Những truyện quái đản của Edgar Poe), đây là một trường hợp đặc biệt, bản dịch lại được người ta coi là hay hơn bản chính.

    Tại Á Đông phải kể Bồ Tùng Linh (1644-1715) với bộ truyện ma quỉ lừng danh Liễu Trai Chí Dị (1670-1707) đã làm say mê nhiều thế hệ đã qua với màu sắc, không khí quái đản của đông phương. Tác phẩm này đã được nhiều người hâm mộ từ thế kỷ 17 đến nay.

    Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng của truyện ma quỉ Liêu Trai, vào năm 1943 ông viết một số truyện ma theo lối Bồ Tùng Linh đăng trên các tờ Thanh Nghị và Trung Bắc chủ nhật, hết sức hoang đường, kỳ quái. Hồi ấy tác giả đã có ý định thu thập các truyện quái đản trên để in trong một tuyển tập lấy tên là Yêu Ngôn nhưng vì chiến tranh bùng nổ nên công việc đã phải bỏ dở. Năm 1999 nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã thu thập những đoản thiên ma quái ấy để in thành tập Yêu Ngôn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành gồm: Khoá thi cuối cùng, Trên đỉnh non Tản, Đới roi, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Loạn âm, Tâm sự của nước độc (tức Chùa Đàn), Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét như sau.

    “Nhưng Nguyễn Tuân tìm vào thế giới yêu ma có lẽ còn do một yêu cầu khác. Con người này luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt. . . . những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”

    Vào những năm 1943, 1944, 1945 Nguyễn Tuân đã chuyển hướng từ tùy bút sang viết những truyện ngắn ma quỉ như trên và Chùa Đàn viết năm 1945 là truyện quái đản cuối cùng của ông. Nó cũng là tác phẩm được xem là thuần túy văn chương cuối cùng của tác giả. Từ thập niên 80 về trước Chùa Đàn đã bị coi như loại văn nghệ duy tâm phản động, với tinh thần đổi mới tư duy, hiện nay các nhà phê bình đã đánh giá lại Chùa Đàn và đã đề cao giá trị của tác phẩm như sau.

    “Nhiều độc giả ái mộ và am hiểu văn chương Nguyễn Tuân đã đánh giá Chùa Đàn là tác phẩm đặc sắc nhất của nhà văn. Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân biểu lộ một tài năng sáng tạo đặc biệt. Mỗi công trình nghệ thuật đều in đậm dấu ấn đỏ chói của ông, không thể lẫn với một ai khác, không một người nào khác mô phỏng được. Với Chùa Đàn, tài năng sáng tạo của nhà văn đã vươn tới thượng đỉnh”. - Hoàng Như Mai – Tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân.

    Hoặc

    “. . . Tất nhiên Chùa Đàn là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Đọc Chùa Đàn phải thấy Lãnh Út,. . . Bá Nhỡ hay Cô Tơ, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ ấy, tất cả đều là Nguyễn Tuân”. - Nguyễn Đăng Mạnh – Đọc lại Chùa Đàn của Nguyễn Tuân.
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 22/10/15
    Storm, ducanhav37, DHR34 and 43 others like this.
  3. hoang.le

    hoang.le Lớp 5

    File prc và file epub lệch nhau về nội dung đó bạn ạh
     
    CanTay and tamchec like this.
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Dựng một duyên cớ
    Ba lượt viếng lều gianh
    Một trận lên đồng văn chương

    Về việc viết Chùa Đàn, Nguyễn Tuân kể: "Tôi (...) mải miết viết (...) sau một tuần là xong (...) cái phần chủ yếu (...) cuối năm 1945. Đến năm 1946, tôi thêm phần đầu và phần cuối để dễ xuất bản".

    Cũ thì không hợp thời chứ không phải kém giá trị. Về tính hợp thời, mãi đến năm 1981 vẫn chưa ổn: Tuyển tập Nguyễn Tuân ra đời vắng bóng Chùa Đàn. Về giá trị, chính tác giả vào dịp ấy tâm sự: "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".

    "Cái gan cắt" đã được đưa lại vào "bụng" từ lâu.

    Đọc Chùa Đàn hình như đa số độc giả đặc biệt thích thú những chi tiết quái lạ, trầm trồ óc tưởng tượng phong phú của người viết. Một số bắt bẻ: "Phét, Cậu Lãnh nào phải như em trai Đặng Thị Huệ mà...". "Tiếc quá"! Nguyễn Tuân "mải miết" làm văn chương chứ có phải hết sức nặn óc mình ra chi tiết hấp dẫn để giải trí cho ai đâu. Còn nhân vật trong truyện không giống ngoài đời thì chắc chắn cũng như khi sáng tác tất cả những "Yêu ngôn" khác, Nguyễn Tuân không hề chú ý đến tính hiện thực của bất cứ cái gì, kể cả nhân vật.

    "Yêu" dù quái đến đâu cũng chẳng qua cái cớ. "Ngôn" mới là thật. "Ngôn" thế nào cho có "yêu" trong "ngôn" mới là cái lý do khiến "tôi" say sưa viết và xót xa khi...

    *

    Chùa Đàn là truyện. Nhưng Nguyễn Tuân giỏi về tùy bút...

    Không có gì lạ cả. Câu chuyện ở đây chỉ có vai trò dựng lên một cái cảnh tượng để cho Nguyễn Tuân tha hồ tưởng tượng ra những cảm giác cảm xúc độc đáo mà say sưa tùy bút.

    Đọc Chùa Đàn, nhiều người nhớ những truyện quái dị của Edgar A. Poe. Hai đằng không giống nhau đâu. Tác phẩm của Poe câu chuyện đặc biệt ly kỳ nhưng cảm giác cảm xúc sơ sài xoàng xĩnh. "Yêu ngôn" của Nguyễn Tuân chuyện có lẽ ít ly kỳ hơn nhưng lại đầy những "cảm" vô cùng tinh tế. Lời kể chuyện mặc sức dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào. Lời gợi cảm không dịch được. Vẫn cái thất thế tự nhiên của thứ văn chương đích thực của dân tộc ta.

    *

    Tác phẩm này có thể chia làm ba phần.

    Dựng một duyên cớ

    Phần đầu của Chùa Đàn dựng cái duyên cớ khiến một người phải kỳ công đi rước cho được một tiếng hát về để cho một người nghe. Vì mới là "nền", nên chưa chứa bao nhiêu "lời (đẹp đến mức) yêu quái". Sau đây chỉ nên coi như chút tín hiệu để báo trước cơn "yêu ngôn" sẽ đến:

    "Giấy tranh bồi cọ loạt soạt vào tường phòng vắng rộng (...) Màu xanh tái của tranh gia thêm xa lạ vào khí buồng rộng quạnh và đổ thêm buồn lên vẻ nhớ vợ của người ngắm tranh (...) Cậu Lãnh khóc to dần mãi lên, gợi đến cái thống khổ của toàn thể một đám chuyển cữu (...) Rồi tiếng khóc vụt rống lên in hệt cái tiếng người rừng - mình mẩy mọc lông móng chân móng tay hoá ra vuốt - bỗng phẫn nhớ đến nhân loại bị xa cách lâu ngày. Cơn khóc rống đã đổi sang thành tiếng hú hồn. Gió hiu hiu trên nương dâu, kéo lê thê những tiếng thảm rợn ấy xuống những vùng phụ cận thấp xa (...) Cỏ gò chôn rượu bừng dậy chật xanh bóng thạch sương bồ (...) Những tiếng chìm chìm sương rừng gieo xuống những tiếng đục đục loài kim khảo ruột loài thổ (...) Ánh sáng thản nhiên của bạch lạp tỏa quanh áo tang khăn trắng người tửu đồ tình chủng đang vò võ đối mặt vào tranh lạnh".

    À, cái bài hò kéo cây gạo vặt hết "ta" với "dô ta" đi, cũng ngộ:

    "Một ngày đã ngả bóng dâu
    Trở về ấp Thảo tưới dâu chăn tằm...
    Rừng thiêng ngả cỗi sơn lâm
    Lần lừa ấp Thảo trông tằm thương dâu
    Con người rút ruột con sâu
    Đem tơ trả miếng lá dâu xót lòng
    ".

    Cái ông nhà văn ngồi đung đưa "trên chiếc võng đay trong ngôi nhà của bà Chu ở Bần Yên Nhân" hí hoáy viết Chùa Đàn. Ờ, thì cũng mới..., chẳng viết cho xong Chùa Đàn, sao gọi được là đoạn tuyệt có hậu với những cái "Vang (và) bóng (của) một thời".

    Ba lượt viếng lều gianh

    Phần thứ hai của Chùa Đàn kể cái "kỳ công". Bà Nhỡ đến cầu Cô Tơ tất cả ba lần, y như Lưu Bị "tam cố thảo lư" Khổng Minh. Trước lần gặp thứ nhất là công phu liều chết đi tìm; giữa lần thứ nhất và lần thứ hai là "tử công phu" luyện lại ngón đàn đáy; sau lần thứ hai là công phu tự chất vấn mình căng thẳng đến nỗi tóc hóa bạc không chừa một sợi!...

    "Ta có nên quyến luyến với cái thể xác ta nữa không? Ta thử nghĩ xem ta có còn để dành ta vào việc gì khác không? Hay những ngày mai ngày kia cũng chỉ là sự tái diễn của ngày này thôi! (...) Hình như ta sắp đọc thấy cái ý nghĩa của thời giờ ta đang tiêu đây. Ta học nghề đàn, ta phải đánh lên thành tiếng, dẫu rằng đời chơi đàn của ta chỉ vẳng được lên có một lần (...) cầm đến cây đàn Chánh Thú ấy mà đánh lên thì cái thác của đời tằm nào mà chẳng là say sưa. Nhả cái tơ lòng ấy ra, đánh lên cái tơ ấy cho dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh! (...) Đã nhìn thấy cây đàn cũ ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy - để rồi xem nó thành được ra tiếng gì".

    Hạ quyết tâm rồi, Bá Nhỡ ngồi đối ẩm với Cậu Lãnh, vừa rượu vừa đàn cho cậu nghe chơi ngón đàn mình vừa luyện xong sắp sửa đem đi thuyết phục Cô Tơ:

    "Hơi rượu ủ lấy hơi tơ. Tiếng gảy kẹp lấy tiếng rót. Thời gian thản nhiên lướt trên hai cái tâm sự. Một người uống để kéo dài đời mình ra bằng sự nhớ thương một cái bóng trắng. Một người đánh đàn để càng cảm thấy rằng đời mình rồi sắp là cuộc đời của một sợi tơ do tay mình cấu đứt".

    Ở nhà Cô Tơ, sau chuyến thăm thứ hai của Bá Nhỡ, tình hình cũng không yên ổn gì cả. Nhà vốn có một con ma là ông Chánh Thú chồng quá cố của cô và một cây đàn đáy ma là đàn của ông.

    "Đêm nọ gần về sáng, Cô Tơ nửa thức nửa ngủ chờn chợn nghe thấy tiếng người rón rén đi từ trong buồng thờ ra. Cô quay mặt lại phía cửa màn thì đã thấy ông Chánh Thú đứng sững đấy, áo xô gai rộng tay và hoen ố (...) Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập loè. Cô Tơ lại gần nhìn mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt. Chất ấy đọng thành giọt ở các đầu dây và loé tia xanh lạnh lên dưới cái sáng chờn vờn của lửa con đóm".

    Có một người còn sống đang quyết chết là Bá Nhỡ. Có một hồn ma đang quyết bắt Bá Nhỡ chết là hồn Chánh Thú.

    Công việc dàn dựng đích đáng cho một chầu hát phi thường coi như đã xong.

    Trong phần chót của Chùa Đàn ta sẽ nghe.

    Một trận lên đồng văn chương

    Đến nơi rồi!

    Chầu hát Cô Tơ Bá Nhỡ Cậu Lãnh, hay một trận lên đồng văn chương của Nguyễn Tuân thì cũng thế.

    Sao lại có thể có người tưởng tượng ra được bao nhiêu cảm giác cảm xúc ấy nhỉ. Nên nhớ tất cả là thuần tưởng tượng! Một cơn "mơ cảm" kỳ lạ hết sức.

    Nhưng nếu chỉ có mơ không thôi, ai biết. Đây mơ đến đâu mực đen giấy trắng lời xuống rành rành đến đấy. Mơ hóa thành lời. Và hẳn lời hiện ra lại khiến mơ tiếp tục...

    À, đây là cả một cuộc giao hoan với chữ nghĩa có đầy đủ giáo đầu và đạt khoái cảm tột độ, chứ còn gì nữa!

    Hình dung viết xong chữ cuối cùng của Chùa Đàn, Nguyễn Tuân vất ngay bút, nằm vật thiêm thiếp trên chiếc võng đay nhà bà Chu! Nhà văn như là chính nhân vật Bá Nhỡ của mình, chỉ không đến nỗi hồn lìa, xác đợi lên cáng về Mê Thảo! Nguyễn Tuân cho Bá Nhỡ đàn hết cả máu ra, tức là Nguyễn Tuân viết hết cả "cảm" của mình ra. Máu hết thì người chết, còn cảm hết thì tâm hồn chỉ khô đi mất một lúc, sau đó lại bắt đầu ứa cảm...

    Cái phần cuối của Chùa Đàn càng nhiều chi tiết dễ trầm trồ.

    Tưởng có nghĩa lý gì bất cứ cái chi tiết hay ho nào. Tưởng thành tựu đáng nói đây là việc một người đã diễn được toàn thể cái cơn mơ cảm phi thường của mình ra thành chữ nghĩa cực kỳ gợi cảm.
     
  5. Bọ Cạp

    Bọ Cạp Moderator Thành viên BQT

    Làm lại ebook và sửa lỗi chính tả
     

    Các file đính kèm:

Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này