Truyện ngắn Cỏ non - Hồ Phương

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi hungbc1010, 11/10/21.

Moderators: Bọ Cạp
  1. hungbc1010

    hungbc1010 Lớp 6

    CỎ NON
    Truyện ngắn HỒ PHƯƠNG


    Ngày hôm đó, mầm cỏ đã lấm tấm xanh khắp các ngọn đồi. Tuy chưa ăn được nhưng đàn bò cũng lộ rõ vẻ khoan khoái. Nhẫn đem sách đi nhưng chưa học được, anh vẫn còn phải chạy suốt ngày để tìm cỏ cho bò ăn. Ðêm ấy trời lại mưa phùn. Ðêm hôm sau nữa lại mưa tiếp. Sáng ngày thứ ba, Nhẫn lùa đàn bò ra đi.

    Cả đàn bò rống lên sung sướng. Nhẫn cũng phải đứng dừng lại một bước, hai mắt sáng rực lên. Qua có mấy đêm mưa phùn mà cả khu đồi Con Cuông đã thay đổi hẳn bộ mặt. Cỏ non đã mọc tua tủa. Một màu xanh non ngọt ngào, thơm ngát, trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi.

    "Ò... ò..." đàn bò reo hò. Chúng nhảy cỡn lên, xô nhau chạy. Con Tô cũng mừng lây rít lên ăng ẳng, sủa Đông sủa Tây, hai chân trước chồm lên, chồm xuống.

    - Dừng lại! Gặm cỏ... gặm!

    Nhẫn kẹp chiếc hèo vào nách bắc loa lên miệng, rướn cao người, hô vang động cả rừng núi.

    Con Nâu đứng lại. Cả đàn dừng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên nhưng một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm. Bọt mép nó trào ra, nom đến là ngon lành. Con Hoa ở gần đó cũng hùng hục ăn không kém, mặc dù ả có bộ mã tiểu thư rất yểu điệu "cái giá cắn làm đôi". Gã công tử bột vẫn sán ở bên cạnh ả, mồm vừa rau ráu gặm cỏ, mắt vừa liếc sang lem lém.

    Mẹ con chị Vàng ăn ở riêng một chỗ cùng con Cún. Cu Tũn dở hơi chốc chốc lại chạy tới ăn tranh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và đi kiếm một búi khác.

    Nhẫn đứng ngây người nhìn đàn bò. Những tiếng nhai cỏ rào rào ngon lành, liên tiếp dội vào lòng anh những tiếng reo náo nức. Anh tưởng như nom thấy đàn bò đang từ từ béo ra, lớn lên và đang sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ ở ngay trước mắt anh.

    Nhẫn đã quên bẵng mất quyển vở đang nằm ở trong túi quần. Anh cứ hớn hở bước theo đàn bò. Chúng đã tràn lên, phủ vàng rực các sườn đồi. Nom những cái mõm ngọn cỏ sao mà ngon thế! Ngon đến nỗi phải ứa nước miếng. Nhẫn cũng muốn cúi xuống gặm một đám cỏ lưỡi gà, đuôi rắn kia mà nhai ngấu nghiến. Và anh hình như cũng cảm thấy mùi rễ non phảng phất thơm mùi mạch đất, mùi lá non ngan ngát, cay cay xen lẫn vị ngọt ngào nồng nồng của nhựa mới, bốc lên ngây ngất.

    Nhẫn đã lên tới đỉnh đồi. Cây ruối dại, nơi trước đây anh vẫn thường tranh thủ ngồi học văn hóa. Một vệt đất nhẵn lỳ đập vào mắt anh làm cho Nhẫn bấy giờ mới sực nhớ tới quyển vở để trong túi quần. Anh vội lôi nó ra. Chú mình đây rồi! Ba tháng nay gặp gỡ chú mình thất thường quá!

    Nhẫn tháo mảnh ni lông giắt ở thắt lưng ra, trải phẳng phiu xuống gốc cây ruối dại.

    Đoạn, anh nằm xoài ra, khoan khoái mở từng trang sách.

    Nhưng mà quái lạ, sao đọc chẳng thấy tí nào thế này? Lòng dạ anh cứ bổi hổi bồi hồi đến hay! Nhẫn cố tập trung tư tưởng vào đọc lại từ đầu. Song chữ vẫn nhảy ra khỏi đầu anh lung tung.

    Ruột gan anh vẫn để tận đâu đâu. Anh đã nom thấy đàn bò mỗi lúc một tản rộng ra. Có cỏ non chúng ham ăn đến thế là cùng. Này, khéo khéo, phởn lên, lạc mất vài chú bây giờ.

    Nhẫn vội gấp quyển vở lại rồi cầm hèo chồm dậy. Anh chép miệng:

    - Thôi! Mai hẵng hay! Hôm nay hẵng trông cho chúng nó ăn cái đã! Buổi đầu có cỏ.

    Anh chạy băng băng sang ngọn đồi bên cạnh, hối hả le con Ba Bớp trở về. Nó đã tách ra khỏi đàn một quãng khá xa. Xem ý nó đang muốn “linh động”, “tranh thủ” chạy rông một lúc cho khoái chí.

    Rồi Nhẫn lại hớn hở đi theo đàn bò, lại thèm thuồng nhìn chúng đua nhau gặm cỏ và lại tưởng tượng như nom thấy chúng đang béo ra, đang lớn lên, đang sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ cho nông trường.

    * * *

    Ðàn bò, sau một ngày ăn no nê, đi rất thong thả phởn phơ. Nhẫn vẫn đi sau chúng, nhưng anh không cười như hồi sáng nữa. Anh vừa đi vừa lầm rầm nguyền rủa con Ba Bớp. Nó là con ôn vật! Nó là con beo vồ! Bảo nó trăm lần nghìn lần cũng vậy. Nó phụ công lao của anh. Nó không thương anh một tí nào gọi là có. Nó phá hại sản xuất của nông trường... Chuyến này bắt nó về, nhất định phải đả! Phải đả cho nó một trận nên thân thì bận sau nó mới chừa. Con khốn nạn!...

    Hộ Pháp vẫn khoác chiếc chăn trấn thủ lòe xòe, dứng đợi Nhẫn ở đầu nhà ngủ:

    - Bò no chửa! Thôi mau tắm rửa, thay quần áo đi! Cơm canh còn nóng nguyên, kẻo nguội tiệt cả bây giờ!

    Mặt Nhẫn vẫn tối sầm sầm; anh rút mạnh dóng chuồng:

    - Con Ba Bớp lại chạy mẹ nó đâu mất rồi!

    - Cái gì? Nó lại chạy rong rồi à? - Hộ Pháp trợn tròn hai con mắt.

    Lùa hết đàn bò vào chuồng, Nhẫn lại vớ lấy hèo.

    - Thế cậu không ăn lấy một miếng đã hử? - Hộ Pháp nắm lấy vạt áo Nhẫn.

    - Chẳng cơm, chẳng nước gì cả, dang điên tiết đây!

    Nói đoạn anh xăm xăm đi ra cổng. Con Tô chạy tế đuổi theo.

    Đêm cuối đông tù mù. Gió thổi lồng lộng rét buốt bên tai. Đường gồ lên, dốc xuống, lồi lõm vệt bánh xe. Nhẫn vấp ngã dúi dụi. Anh băng ra con đường cái đá đi về tỉnh. Theo kinh nghiệm, anh đoán là con Ba Bớp no bụng quẩng mỡ chạy đi, chắc chỉ đi theo con đường cái lớn. Bộ nó không đời nào dám rẽ vào rừng vì còn sợ cọp.

    Nhẫn đi như chạy. Con Tô dường cũng sốt ruột như chủ, chạy phóng lên phía trước. Khi đã khá xa, nó đứng lại đợi, theo thói quen, lại ghếch một chân lên đái tè sang vệ đường.

    Nhẫn đi tới một ngã ba. Mấy quán hàng cơm, hàng nước thắp dèn sáng trưng. Một dãy xe bò chở hàng đỗ ở dọc đường cái đá. Một gánh phở bốc khói nghi ngút, mùi nước dùng thơm ngào ngạt. Nước miếng ở đâu mà tứa ra nhiều thế? Nhẫn chép miệng rồi ngoái cổ vào hỏi thăm:

    - Ông phở ơi! Có thấy con bò lưng đen bụng vàng nào vừa chạy qua đây không?

    Bác phở vẫn đều tay băm hành trên thớt:

    - Không! Từ tối giờ chẳng thấy gì sốt!

    Nhẫn đã thất vọng thì một bà hàng nước đã nói vọng ra:

    - Có đấy anh ạ! Em vừa thấy một con bò chạy qua đây xong. Cứ ngỡ là bò của hợp tác trong xóm.

    - Nó chạy qua đây lâu chưa hả bà? – Nhẫn mừng quýnh.

    - Vừa xong! Anh nhảo mau lên thì kịp đấy!

    Hai chẫn Nhẫn như quàng lên cổ. Quên cả đói, quên cả rét. Con Tô cũng dài bụng ra chạy theo. Song, càng đuổi thì càng mất hút. Nhẫn lại tức điên lên. Con Tô sủa ủng oẳng. Tới một dãy phố xép khác, Nhẫn cố nén giận hỏi thăm một lần nữa. Lại người bảo có thấy và lại người bảo không thấy. Chán quá. Nhẫn đứng lại thở dốc. Gió táp vào mặt làm cho ngực anh rức lên, nước mũi đổ ra ròng ròng.

    Anh đứng tần ngần mấy giây rồi lại cắm đầu cắm cổ chạy. Và lại thở, lại lầm rầm nguyền rủa.

    Khoảng chín giờ đêm, tới phố Quảng, cách thị xã độ ba cây số, anh chợt nom thấy phía trước có một người xách một chiếc đèn chai đi tới. Ánh đèn đỏ đậm, hắt xuống mặt đường mấp mô những đá. Lại có người để hỏi thăm đây rồi! Người đó tới gần. Đó là một ông cụ đầu trùm khăn vuông kín mít, mình vận một chiếc áo bông đã sờn rách, quanh lưng buộc một sợi rơm. Ông cụ tuy đã cao tuổi nhưng hai mắt vẫn còn tinh tường và đáng đi nhanh nhẹn y như một người con trai.

    Ông cụ thấy Nhẫn chạy tới, bèn dừng lại, giơ chiếc đèn lên soi.

    - Anh đi dâu? Đi tìm bò phỏng?

    Nhẫn vừa ngạc nhiên vừa ngờ ngợ, mừng mừng:

    - Vâng! Sao cụ biết ạ?

    Ông cụ cười khà khà:

    - Thế lão có tinh không nhá! Thôi vào đây, vào đây! Bò đây rồi!

    Nhẫn thở trút ra một cái, nhẹ bỗng người. Thì ra lúc chập tối ông cụ định sang cái xóm ở bên này đường để thăm thằng cháu ngoại ấm đầu. Khi ra tới đường cái thấy một con bò cổ đeo số đang chạy rông một mình, đoán là bò của Chính phủ lạc, ông cụ “họ” nó lại. Song nó không nghe, cứ cong đuôi chay, “họ” một lần nữa chẳng được, “họ” hai lần cũng không xong. Nó cứ tế lên như muốn trêu tức ông lão. Song, chẳng may cho nó gặp phải tay không vừa. Ông cụ cởi phăng ngay áo bông rồi chạy theo. Thoáng cái ông đã bắt kịp nó, vỗ mông đánh đét một cái, nhảy phát lên lưng cu cậu và kẹp chặt hai đùi lại. Con Ba Bớp cũng chưa chịu, cứ lồng lên như hóa rồ. Ông cụ cáu tiết, một tay cầm đuôi nó kéo giật lại, một tay cứ nhè lưng nó mà đấm, đồng thời hai gót chân thúc thật mạnh vào lưng cu cậu. Cuối cùng con Ba Bớp đành phải chịu thua. Nó phải ngoan ngoãn đi theo ông cụ về nhà. Hiện nay nó đang ở gốc cây bưởi sau vườn. Ðoán biết là thế nào cũng có người đi tìm bò, nên ông cụ xách đèn đi đón.

    - Cám ơn cụ quá! May quá, không có cụ thì... Thôi cháu xin cụ, cháu về kẻo khuya rồi!

    - Hượm cái đã! Vào uống hớp nước cho ấm bụng đã! Mặt mũi anh xanh xám cả rồi này! - Ông cụ kéo Nhẫn vào trong nhà, vặn to đèn rồi sai cô con dâu đi đun nước.

    Một lúc sau, ông cụ đưa Nhẫn ra vườn sau. Con Ba Bớp đây rồi! Con ôn vật đây rồi! Cái mặt nó nhăng nháo sao mà ghét đến thế kia chứ! Con vật cũng nhận ra chủ nó, con mắt nó ánh lên xanh lẹt, vừa có vẻ mừng, vừa có vẻ sợ. Nó cúi gầm mặt xuống ra cái điều biết lỗi lắm rồi đấy. Nhẫn cười nhạt cầm mũi nó kéo lên:

    - Hừ! Ba Bớp đấy à? Giỏi! Giỏi lắm! Giỏi lắm con ạ!

    Con bò đứng im không dám ho he, động đậy, hai mắt nó chốc chốc lại liếc trộm Nhẫn một cái để dò xét thái độ. Nhẫn mượn một đoạn chạc buộc vào sừng nó, rồi cám ơn ông cụ, kéo ra cổng. Nó đi cung cúc. Ra tới đường cái đá, gió rít lên ào ào. Tuy lạnh cứng mũi, nhưng cơn giận của Nhẫn đã bốc lên nóng rực cả đầu rồi.

    - Ði, con beo vồ! Con khốn nạn này! Chuyến này mày về sẽ biết tay tao! Tao có phải người nhu nhược đâu cơ chứ! Mày phá kỉ luật lần này là lần thứ mấy? Hử? Mày phá cả kế hoạch của nông trường! Mày hỏng! Tao tưởng mày ăn no thì mày ngoan cơ chứ... Hừ, con beo vồ, con khốn nạn!

    Nhẫn vừa giong nó đi, vừa mắng sa sả. Anh mắng không còn tiếc lời, mắng với tất cả sự tức giận và cả bầu nhiệt tình của mình. Con Ba Bớp vẫn cứ cung cúc đi, không dám nói năng nữa tiếng. Nhưng bỗng "khục". Đi qua con suối cạn, nó vấp phải một tảng đá to: cả hai chân trước nó quỵ xuống. Nhẫn đang hùng hổ nói vội im bặt. Anh cuống quýt quỳ cả hai đầu gối xuống đống sỏi đá, ghé vai vào bụng con Ba Bớp để đỡ nó dậy.

    - Giời ơi, mắt với mũi! Mày đi với đứng thế thế hả? Giời ơi là giời!

    Nhẫn rên như chính mình vừa ngã một cái chết điếng. Con Ba Bớp đã đứng dậy được rồi, nhưng vẫn còn đau. Hình như nó bị trẹo một chân rồi thì phải. Cái chân phải của nó cứ giật giật rồi cào cào xuống đất. Nó bước đi tập tễnh. Ruột gan Nhẫn như xát muối. Anh vội "họ" nó lại rồi ngồi thụp xuống nắn bóp cái chân đau cho nó. Anh đã quên tất cả mọi tội lỗi của nó rồi. Cơn tức giận của anh đã bay biến đi đâu mất hết. Anh chỉ còn thấy thương nó vô hạn, tội nghiệp cho nó, mới được bữa no, lại ngã một cái đau quá. Thế này thì, "của thiên lại trả địa", nó lại gầy sút đi cho mà xem.

    - Khổ chưa con! Ai bảo quẩng mỡ chạy đi cho nó khổ thế này? Có đau lắm không?

    Hai bàn tay anh xoa xoa, nắn nắn mãi đã phát nóng rực lên. Con Ba Bớp cứ đứng lim dim cặp mắt rồi bỗng "ò" lên một tiếng. Và bước đi thủng thẳng. Nó cảm động trước thái độ của chủ nó đấy. Nó ve vẫy cái đuôi. Chân nó còn đau, nhưng hình nó cố đi mạnh bạo, khỏe khoắn.

    Con Tồ lại phóng lên trước, đứng đợi và lại ghếch chân đái tè.

    Nhẫn về đến doanh trại thì đồng hồ cũng vừa chỉ mười hai giờ. Một chiếc lồng bàn úp trên bàn ăn. Hộ Pháp vẫn còn khoác chân gồi xù xù ở đó, ngủ gà ngủ gật. Chốc chốc anh ta lại cúi đầu, đập cái mũi to và đỏ như quả cà chua xuống mép bàn. Khi nghe tiếng động, anh mới choàng dậy:

    - Ðã về đấy hử? Tìm thấy nó chưa? Cơm canh nguội hết cả rồi còn gì!

    Khi vừa đặt mình nằm, kéo chiếc chăn ấm hùm lên trùm kín đầu thì Nhẫn lại nghe thấy rì rầm ngoài trời. Lại cái tiếng êm êm, dìu dịu, rơi rơi. Và âm thanh ấy lại có tiếng cỏ non đang đua nhau nảy mình đâm lá.

    - Lại mưa rồi, Thịnh ạ.

    - Ừ, mai cỏ lại lên mạnh ra phết!

    Ngoài trời mưa mỗi lúc một mau hơn. Hơi lạnh thấm qua các vách nứa, thấm qua cả giấc ngủ. Hộ Pháp bất giác quay sang:

    - Này Nhẫn! Hôm nay có tranh thủ học được tí nào không thế?

    - Tương đối, tương đối. - Nhẫn khẽ trả lời trong giấc ngủ đang dịu dàng kéo đến.

    1-1960
    Hồ Phương
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/10/21
    amylee and chumeo_di_hia like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này