Cuộc tao phùng tháng sáu - BS Nguyễn Chấn Hùng

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 3/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    CUỘC TAO PHÙNG THÁNG SÁU

    Tác giả: BS Nguyễn Chấn Hùng

    Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online (Ngày 30.06.2010)



    Vài tháng trước, một nhà báo thân quen chuyển cho tôi một tấm hình nhà thơ Quách Tấn lưu giữ. Dưới ảnh có hàng chữ đánh máy: “Ảnh chụp tháng 6 năm 1981 tại nhà Vương Hồng Sển. Từ trái qua: Quách Tấn, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê, BS Nguyễn Chấn Hùng” (ảnh dưới). Cuộc tao phùng còn mãi trong lòng tôi.


    [​IMG]

    Ảnh cuộc gặp tháng 6.1981 tại nhà Vương Hồng Sển

    Sáng hôm ấy tôi đến thăm học giả Nguyễn Hiến Lê. Sân nhà có hai cây ngọc lan toả mùi thơm ngát. Có khách đến: nhà thơ Quách Tấn, người nho nhã, dáng bình dị. Tôi vui lắm, dễ gì gặp được cả hai bậc tiền bối. Tôi kính cẩn chào. Ông đáp: “Anh Lê hay nhắc đến bác sĩ và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”. Chuyện trò một lát, bác Lê phấn khởi: “Mời anh và cháu Hùng đến thăm anh Vương Hồng Sển, tôi hứa là xem và cho ý kiến về bản thảo từ điển của ảnh”.

    Từ nhà đường Kỳ Đồng, mỗi người trên một chiếc xích lô đến nhà ông Sển ở Gia Định (nay là quận Bình Thạnh). Tôi nức lòng. Sẽ được gặp tay tổ mình yêu thích qua Hơn nửa đời hư, Thú xem truyện Tàu, Thú chơi cổ ngoạn… Giọng văn Nam bộ ngang tàng bứt phá mà thành thật. Cổng đơn sơ, vườn nhỏ. Nhà xưa kiểu Tàu ở số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật. Gặp bác Lê, chủ nhà rạng rỡ. Tám mươi khoẻ mạnh, râu tóc trắng dài, giọng sang sảng. Nhà đầy sách vở, đầy lọ bình… cổ ngoạn. Bác Lê trao lại bản thảo Từ điển Việt – Khmer, cho biết có chú thích và nhận định. Chồng bà Năm Sa Đéc, gốc Hoa, người Sóc Trăng rành tiếng Miên. “Anh xem cho thì tôi yên tâm lắm”. Lớn hơn bác Lê mười tuổi nhưng trong thân tình có kính cẩn. Bác Quách Tấn góp vài chuyện về sách này sách nọ, ôn hoà nhã nhặn rồi lặng yên mỉm cười. Tôi được giới thiệu là bác sĩ và có viết sách y học. “Nè bác sĩ, cái ông Nguyễn Tấn Trung là thằng cha nào vậy, có gởi cho tôi mấy xấp rônêô, có xỏ tôi hôn?” Tôi biết rồi, anh bạn tôi lúc đó bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tình dục, chưa có bút danh bác sĩ Trần Bồng Sơn. “Không đâu, anh ấy là bạn cháu tôn bác làm sư phụ mấy chuyện ấy mà”. “Vậy hả, vậy thì được”. Tôi hứng lên kể vài chuyện y học có một chút giang hồ với tổ sư Hơn nửa đời hư. Bác Sển hào hứng. Nhà thơ Quách Tấn lắng nghe. Học giả Nguyễn Hiến Lê chân chất không mặn “mấy chuyện gì đâu”.

    Tấm hình ghi lại cuộc tao phùng 29 năm rồi. Ba lão tiền bối đã thành “những người muôn năm cũ”. Bao nhiêu là đóng góp cho đời. Bác Lê gầy gò đau yếu mất sớm nhất.

    Lúc còn là sinh viên, tôi thường ra nhà sách Khai Trí đường Lê Lợi xem sách, nào là Xứ trầm hương, Bước lãng du của Quách Tấn, nào Hơn nửa đời hư, Thú chơi cổ ngoạn của Vương Hồng Sển, sách Nguyễn Hiến Lê nhiều lắm. Sau này tôi ghiền nhà sách Nguyễn Huệ. Nguyến Hiến Lê có riêng một khoảng lớn trên quầy. Đắc nhân tâmQuẳng gánh lo đi là sách gối đầu giường của tôi. Gương danh nhân, Tương lai trong tay ta làm nức lòng tuổi trẻ. Ước gì bác Lê được thấy Kinh Dịch – đạo của người quân tử. Bản thảo viết tay tôi nhờ người đánh máy làm mấy bản, tác giả giữ hai bản, tự tay điền chữ nho vào bản dành cho tôi. Tác giả không được thấy thêm nhiều đầu sách của mình, mà một số bản thảo viết tay tôi được đọc và tập tễnh học viết. Một lời dặn cho tôi phải viết cho mọi người, cần nhất dễ hiểu. Hồi ký Nguyễn Hiến Lê thực sự là một tác phẩm văn học toàn diện. Kể chuyện đời mình lồng ghép khít khao vào sự nghiệp biên khảo, phê bình dịch thuật, thể hiện rõ nhân sinh quan và ước mơ chuyển tải khối lượng kiến thức đồ sộ của nhân loại cho lớp trẻ. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đàn anh lớn của tôi tha thiết: “Dịp nào em xin cho anh được chào cụ Lê, cụ là bậc thầy”. Ông Lê rất vui, rất quý trọng nhà kiến trúc tài danh, hẹn sau chuyến về Long Xuyên lên sẽ gặp gỡ. Nhưng bác Lê mất đột ngột ngày 24.12.1984. Anh Thụ ngậm ngùi.

    Quyển Ý chí sắt đá kể chuyện về Marco Polo, Magellan, T.E. Lawrence, nung nấu người đọc. Ông Nguyễn Hiến Lê dành chương đầu cho sư Huyền Trang và công việc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu. Hơn ngàn năm trước, đại sư Huyền Trang là chim nhạn lớn bay đi thật cao thật xa rồi quay về mang não tuỷ của đạo Phật gieo hạt trên toàn cõi phương Đông.

    Học giả Nguyễn Hiến Lê chỉ quanh quẩn vùng sông nước Cửu Long rồi như ẩn dật ở căn nhà giản dị 12/1 Kỳ Đồng, quận 3. Cống hiến vô vàn. Một trăm đầu sách trước 1975 và hai mươi bản thảo chưa in khi ông qua đời. Nay thì có 120 đầu sách. Tâm sự nhẹ tênh: “120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang, chia 30 năm; mỗi năm chỉ được 900 trang; mỗi ngày chỉ được ba trang mà”. Một lòng vì thế hệ trẻ: “Tôi muốn dùng thì giờ vào việc viết có lợi cho thanh niên hơn là dùng vào việc dạy học”. Không phải là chim nhạn lớn, Nguyễn Hiến Lê là con chim hồng trong quẻ Tiệm. Chim hồng đến bến nước, lại đậu ở hòn đá lớn, tiến đến đất bằng rồi lên đậu trên cây cao… cuối cùng bay bổng vào đường mây. Phan Bội Châu trong Chu dịch và Nguyễn Hiến Lê trong Kinh Dịch đều mê hào thượng quẻ Phong Sơn Tiệm. “Hồng tiệm vu quỳ, kỳ vũ khả dụng vi nghi”, chim hồng bay vào đường mây, lông rớt xuống dùng làm đồ trang sức, nghi lễ. Khác nào: hạng người xuất thế khí tiết thanh cao, không trực tiếp giúp đời nhưng đủ làm gương cho đời.

    Từ buổi tao ngộ với ba tiền bối, tôi không có dịp gặp lại bác Sển và bác Quách Tấn. Vẫn còn duyên tri ngộ. Năm ngoái, nhà văn trẻ Thiên Ngân tặng tôi Hồi ký Quách Tấn (NXB Hội Nhà Văn, 2003) “có kể lại bác Hùng gặp các tiền bối”. Tác phẩm súc tích về Sào Nam Phan Bội Châu, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tương phố, Đông Hồ... Văn nhẹ nhàng tình cảm. Tác giả để Nguyễn Hiến Lê ở cuối sách với tình cảm đậm đà thân kính với bác Lê, bác Sển. Những người muôn năm cũ như vẫn còn đâu đây.

    Nguyễn Chấn Hùng

    (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Posted by goldfish
     
    bdsg thích bài này.
  2. Thật hay tôi thích những bài viết đầy chân thành trân trọng các nhà văn,nhà nghiên cứu đã dẫn dắt và mở mang sự hiểu biết cho bao nhiêu lớp người Việt có niềm đam mê với văn hóa,văn học
     
    amylee thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này