Đã không tránh được thì nhận đi (Nguyễn Hướng Dương)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi 4DHN, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Đã không tránh được thì nhận đi (Nguyễn Hướng Dương)

    ĐÃ KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC THÌ NHẬN ĐI

    Đó là đầu đề chương IX trong cuốn sách gối đầu giường của tôi: Quẳng gánh lo đi và vui sống của Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách này không biết bao nhiêu lần mà kỳ lạ thay, mỗi lần đọc lại, tôi đều cảm thấy thấm thía những điều tưởng chừng như rất giản đơn: “Đắc nhất nhật quá nhất nhật”, “Đời người ngắn lắm ai ơi!”, “Ta là ai”, v.v. nhưng khi đem ra ứng dụng vào cuộc sống thì hiệu nghiệm vô cùng.

    Hai mươi lăm tuổi, một tai nạn giao thông đã khiến tôi rơi đúng vào cái tình huống: “Đã không tránh được thì nhận đi”. Cụt mất hai chân dưới gối, tôi như chàng Trương Vô Kỵ rơi từ vách núi xuống vực sâu thăm thẳm mịt mù và dường như đã chạm được tới điểm tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng. Khóc lóc chán chê, than thân trách phận cũng chẳng ích gì, tôi hiểu, mình chỉ còn cách luyện công như Vô Kỵ thì mới có thể vọt ra khỏi vực thẳm. Thế rồi một hôm, giữa những quyển kinh sách Phật học chất đầy quanh gường, tay tôi chạm phải cuốn sách tuy đã cũ nhưng thân quen vô cùng. “Dale Carnegie viết cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống này chính là để chỉ cho ta cách diệt những kẻ thù vô hình ấy. Ta thiệt khó thắng vì chúng ngự trị ngay trong thâm tâm ta, nhưng ta phải thắng, vì thắng mới có thể SỐNG được.” A, những dòng chữ quen thuộc nhưng bỗng nhiên lại có sức mạnh lạ lùng. Tôi như được vỗ về, chia sẻ và được tiếp thêm sứ mạnh. “Nếu đời người quả là bể thảm thì cuốn sách này chính là là ngọn gió thần đưa thuyền ta tới cõi nát bàn, một cõi nát bàn ở ngay trần thế.

    “(…) Chúng tôi trân trọng tặng nó cho hết thảy những bạn đương bị con sâu ưu tư làm cho khổ sở trằn trọc canh khuya, tan nát cõi lòng.” Phải, cõi lòng tôi thì tan nát, mà tâm trí tôi thì quay cuồng, bất định với câu hỏi: Làm gì bây giờ? Ngày mai rồi sẽ ra sao đây? Lật đến trang 14, tôi lặng người đi vì ngỡ như tác giả đang nói riêng với mình: “Nhận một nút đi rồi nghe, trong mỗi đoạn đời, chiếc cửa sắt sập lại, ngăn hiện tại với quá khứ. Quá khứ đã chết, đừng cho nó sống lại nữa. Nhận một cái nút khác và đóng kín cửa sắt của tương lai lại, cái tương lai nó chưa sinh. Như vậy các anh được yên ổn - yên ổn trong ngày hôm nay!... Đóng quá khứ lại! Để cho quá khứ đã chết rồi tự chôn nó... Đóng những hôm qua lại, chúng đã bước mau về cõi chết. Để cho gánh nặng của ngày mai đè thêm vào gánh nặng hôm qua và hôm nay thì kẻ mạnh nhất cũng phải quỵ. Đóng chặt tương lai cũng như đóng chặt dĩ vãng lại. Tương lai là hôm nay… Không có ngày mai. Không có ngày mai. Ngày vinh quang của ta là ngày hôm nay. Sự phung phí năng lực, nỗi ưu tư sẽ làm cho ta lảo đảo, nếu ta cứ lo lắng về tương lai... Vậy đóng kỹ những bức vách trước và sau đi, và luyện lấy tập quán ‘Đắc nhất nhật quá nhật nhất’.” Một tia sáng đã loé lên, dẫn dắt tôi thoát khỏi màn đêm tăm tối của đau đớn tuyệt vọng. Ồ lối thoát đây rồi, còn chờ gì nữa mà không bước ra! “Khéo suy là nghĩ kỹ về nhân quả rồi hành động một cách hợp lý, hữu ích; còn vụng suy chỉ làm cho thần kinh ta căng thẳng và suy nhược thôi.” Tôi hiểu ra, thật là ngu ngốc nếu như mình lại làm cho đầu óc căng thẳng khiến hoàn cảnh đã bi đát lại càng thêm tồi tệ. Lau khô nước mắt, tôi cảm thấy như có một bàn tay nhẹ nhàng, nhưng cương quyết đỡ tôi ngồi dậy. “Bạn và tôi, ngay trong lúc này đây, chúng ta đứng tại chỗ hai cái vô tận gặp nhau: cái dĩ vãng mênh mông có từ thời khai thiên lập địa và cái tương lai nó bắt đầu từ tiếng cuối cùng mà tôi mới thốt. Chúng ta không thể sống trong cả hai cái vô tận đó được, dù chỉ là trong một phần giây. Mà hễ rán sống trong hai thời gian thì ta sẽ làm hai cho tinh thần và thể chất của ta liền. Vậy chúng ta hãy an phận chịu sống trong hiện tại vì ta chỉ có thể sống được trong hiện tại thôi.” Và rồi, không biết tự lúc nào, môi tôi mấp máy câu quen thuộc trong bài thơ mà hồi mười tám tuổi, tôi đã làm theo lời tác giả, chép vào tờ giấy dán trên đầu gường của mình:

    CHÀO BÌNH MINH

    Hãy chăm chú vào ngày hôm nay
    Vì nó là đời sống, chính là sự sống của đời sống...
    Nó tuy ngắn ngủi
    Nhưng chứa tất cả chân lý về đời ta…

    Nhưng phải đến lúc này, tôi mới thấm thía được điều mà ở cái tuổi mười tám đôi mươi, cho dù có học thuộc lòng, tôi cũng không làm sao hiểu nổi: “Triết gia Trung Quốc có nói: Nhận chân sự chẳng may nhất đã xảy ra là tìm được sự bình tĩnh chân thiệt trong tâm hồn rồi... Mà chính vậy! Khi ta đã chịu nhận sự chẳng may nhất thì ta có còn để mất nữa đâu, và như vậy tức là tự đặt mình vào một tình thế chỉ có lợi mà vô hại. Ông H.Carrier nói: Khi tôi ngó thẳng vào sự chẳng may nhất, tức thì tôi tìm lại được sự bình tĩnh đã mất trong những ngày trước; từ đó tôi suy nghĩ được”. Mấy ông này nói có lý quá, thế là tôi bắt tay vào thực hành ngay! Nhưng phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Tôi lại lật bửu bối ra và… đây rồi:

    “Định thức thần hiệu này của H. Carrier:

    1. Bạn tự hỏi: ‘Cái tai hại nhất có thể xảy ra được’ là gì?
    2. Nếu không tài nào thoát được thì sẵn sàng nhận đi.
    3. Rồi bình tĩnh tìm cách cải thiện nó.”

    Tôi nhận thấy, điều đầu tiên là phải tìm cho mình một mục đích vì: “Chính sự không có lấy một mục đích nhất định, sự chạy loanh quanh hoài, như điên khùng nó sinh ra bệnh thần kinh suy nhược và biến đổi đời sống của ta thành một cảnh địa ngục.” Sáu tháng sau cái tai nạn khủng khiếp ấy, khi đã có thể bước đi bằng đôi chân gỗ, tôi đã tìm thấy mục đích của đời mình. Đó là công việc mà tôi say sưa theo đuổi cho đến ngày hôm nay với tất cả sức lực và tâm huyết của mình: làm sách nói cho người mù.* Bây giờ, tôi có thể sung sướng mà thốt lên rằng” “Tôi bận quá, không có thì giờ đẩ buồn rầu, lo nghĩ nữa!” Thật đúng như những dòng ở trang 83: “Phương thuốc trị bệnh lo buồn là luôn luôn kiếm một việc gì ích lợi để làm.” Không những thế, khi phải chịu những cú tát như trời giáng của số phận, với nỗi đau đớn khổ sở vày vò cả tinh thần lẫn thể xác, tôi mới thấm thía với những câu nói được trích dẫn của Schopenhauer: “Trên đường đời, hành lý quan trọng nhất phải mang theo là lòng nhẫn nhục”; hay Épitète: “Chỉ có một cách tìm được hạnh phúc là đừng lo nghĩ về những điều ngoài ý lực của ta!”; và Marc Aurele: “Tư tưởng của ta ra sao thì đời của ta như vậy.” Cũng những câu nói đó, mười năm về trước, tôi đã thầm nghĩ: “Mấy ông triết gia này đúng là… người cõi trên! Nói cái gì mà khó hiểu quá.” Vậy mà bây giờ, đem ứng dụng vào thực tế, tôi thấy mình quả là gặp được thuốc tiên. Nhờ phải vật lộn với những khó khăn, trở ngại trong những ngày đầu thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù, với hàng núi công việc phải làm: gõ cửa các nơi xin tài trợ, lắp đặt thiết bị, máy móc thu âm, biên tập nội dung các tác phẩm văn học để đọc, mệt suốt ngày bên chiếc máy ghi âm với công việc “hai trong một”: vừa điều khiển các nút thu, xoá, lồng nhạc như một kỹ thuật viên, vừa đọc, diễn xuất văn bản như một phát thanh viên, tôi đã đẩy lùi được những suy nghĩ tiêu cực buồn phiền ra khỏi đầu óc của mình hồi nào không hay. Sau một ngày làm việc cật lực như thế, vừa đặt lưng xuống giường là tôi chìm vào giấc ngủ say sưa, chẳng còn hơi sức đâu mà trằn trọc, thao thức suốt đêm khuya. Đúng là “…nếu cần, chúng ta có thể chịu nổi và thắng được tất cả những tai hoạ và thảm kịch vì chúng ta có những năng lực tiềm tàng mạnh lạ thường mà biết dùng tới, ta sẽ thắng được mọi nghịch cảnh. Chúng ta mạnh hơn chúng ta tưởng.” Phải, tôi phải cảm nhận ơn số phận đã đẩy tôi vào cái thế “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông” thì tôi mới có dịp khám phá ra cái năng lực tìm tàng đó; chứ không tôi sẽ mãi là một “cô bé dỗi hờn”, lúc nào cũng chỉ muốn rúc mình vào chiếc gối bông êm ái. Thú thật, trước đây tôi không thể nào tin nổi câu nói của ông Tarkington: “Tôi thấy rằng tôi chịu được cảnh mù như những người khác chịu được những tai nạn của họ. Tôi tin chắc nếu cả ngũ quan của tôi mang tật, hoá ra vô dụng nữa thì tôi vẫn có thể sống với tinh thần, vì chúng ta trông bằng tinh thần, sống bằng tinh thần”. Trước đây, chỉ cần tưởng tượng mình mất một ngón tay thôi là tôi rùng mình kinh hãi rồi. Vậy mà bây giờ, cụt mất hai chân, tôi mới thấy tâm đắc với câu “Tàn tật chưa phải là khổ mà không chịu được cảnh tàn tật mới là khổ.” Mà muốn chịu được thì trước hết phải chấp nhận cái chân lý: “Đã không tránh được thì nhận đi.” Nhận chịu không có nghĩa là buông xuôi mọi thứ mà… “nếu ta chịu nhận một tình thế không tránh được thì năng lực của ta được thông thả và giúp ta tạo được một đời sống phong phú hơn.”

    --------------------
    * Có người nghĩ rằng nên tránh dùng chữ “mù” để người mất đi ánh sáng đôi mắt khỏi bị tổn thương. Theo kinh nghiệm làm việc nhiều năm của cô Hướng Dương, thực ra người mù rất vui lòng được gọi là người mù. Nói “khiếm thị” làm cho họ cảm thấy như kiểu cách, như né tránh thực trạng. Còn nói “đui” thì sẽ khiến họ phiền lòng thật sự. Do đó khi biên tập và ghi âm vào băng cat-xet làm sách nói cho người mù, cô Hướng Dương đã thận trọng chuyển tất cả những chữ “khiếm thị” hay “đui” trong nguyên bản sách in thành chữ “mù”. [BT]


    Thế nhưng, “cuộc chiến” diễn ra trong nột tâm mình không đơn giản chút nào, đúng như Đức Phật Thích Ca đã nói:
    “Chiến thắng mười vạn quân không khó bằng chiến thắng bản thân mình.” Có những lúc, nỗi buồn bất chợt ập đến xâm chiếm tâm hồn tôi mà tôi không có cách gì chống cự nổi. Phải rồi, dù sao tôi cũng chỉ là một cô gái hai mươi mấy tuổi thôi mà, làm sao đạt tới cái cảnh giới “buồn vui đều phẳng lặng” như các vị thiền sư được! Cứ để cho những giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi đến trước bàn thờ Phật, chấp tay cầu nguyện. Và những câu trong trang 238 văng vẳng bên tai: “Tôn giáo lại giúp tôi nhiều hơn nữa vì cho tôi nhiều giá trị về tinh thần… Nhờ tôn giáo mà tôi tin tưởng, hy vọng và can đảm. Tôi diệt được lo lắng, sợ sệt, ưu tư là nhờ nó vậy. Đời tôi có mục đích, có định hướng cũng nhờ nó, mà hạnh phúc của tôi tăng lên được nhiều, sức khoẻ dồi dào cũng nhờ nó nữa. Nó đã giúp tôi tạo ra ‘một cảnh xanh tươi, mát mẻ, bình tĩnh giữa kiếp trần gió bụi quay cuồng này’.” Đúng vậy, Đức Phật từ bi đã đưa vai ra hứng lấy tất cả những ưu tư phiền muộn trần thế của tôi, ban cho tôi cái sức mạnh vô song của “Sắc tức thị không, không tức thị sắc…”
    *
    Thế đó, Quẳng gánh lo đi và vui sống đã trở thành cuốn “bí kiếp” để tôi luyện công và thoát hiểm, đâu có thua gì “Cửu dương chân kinh” mà Vô Kỵ đã luyện thành! Tôi quyết định tuyển “bí kiếp” này cho các độc giả người mù của Thư viện sách nói với niềm mong muốn giúp họ vững tin vào cuộc đời, vào con người; tin rằng bất cứ ai nếu kiên trì thực hành theo thì đều có thể quẳng gánh lo đi và vui sống.

    Thế là, sau hai tháng ròng rã thay phiên nhau đọc thu âm, tôi và anh Bá Trung đã “chuyển thể” 354 trang sách chữ thành sách nói để đem đến cho người mù khắp 40 tỉnh thành trong cả nước từ Bắc chí Nam cái “tuyệt chiêu” của Quẳng gánh lo đi và vui sống. Mấy tháng sau, tôi liên tiếp nhận được thư từ, điện thoại của người mù từ khắp nơi gọi về: Hà Nộ, Huế, Đà Nẳng, Cần Thơ, Bến Tre, v.v… Họ bày tỏ sự tâm đắc và nổi vui mừng được nghe tác phẩm này qua băng cattsette. Họ nói: “Cuốn sách này như một luồng ánh sáng gọi vào tâm hồn chúng tôi, xua tan những suy nghĩ tiêu cực bi quan mà bấy lâu nay cứ bám theo chúng tôi như hình với bóng.” Một niềm hạnh phúc chợt trào dâng trong lòng tôi. “Thừa thắng xông lên”, tôi cùng anh Bá Trung lại miệt mài trước máy ghi âm với Đắc nhân tâm, và lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của độc giả người mù.

    Vậy đó, những ngày tháng đau buồn của năm 1996, tôi chẳng thể nào nở nụ cười trên gương mặt u sầu đầy nước mắt, mà giờ đây, nụ cười luôn hiện diện trên cái miệng đã từng bị chấn thương dây thần kinh ngoại biên số 7 và tâm hồn tôi thì luôn tràn ngập niềm hoan hỉ. Có gì khó hiểu đâu, diều đó đã được tác giả Quẳng gánh lo đi… nói đến ở trang 229: “Chú ý tới người khác để quên ta. Mỗi ngày làm một việc thiện để làm nở một nụ cười trên môi người quanh ta.” Và trang 218: “Vì khi nghĩ cách làm vui người khác, ta không nghĩ tới ta nữa; mà chính cái tật chỉ nghĩ tới mình đã làm cho ta ưu tư, sợ sệt và lo lắng.”

    *
    Có một mẫu chuyện trong cuốn sách này làm tôi nhớ mãi: “(…) Tôi đang đi thẫn thờ như người không hồn, bỗng thấy tiến tới một ông già cụt cả hai chân. Ông ngồi trên miếng gỗ có bốn bánh xe, còn tay thì chống hai khúc cây nhỏ để đẩy. Ông đẩy qua một ngã tư và ngả thân ra đằng sau hầu ghếch miếng ván lên vỉa hè, thì vừa lúc ông bắt gặp mắt tôi đang nhìn. Lập tức, ông già đáng thương này nhoẻn cười và bảo tôi: ‘Trời hôm nay đẹp quá nhỉ?’.

    …Tôi trố mắt ngạc nhiên và đột nhiên tôi nhận thấy tôi còn hạnh phúc hơn biết bao người.” Còn tôi tuy đã mất đi đôi chân nhưng vẫn còn đôi mắt sáng để chia sẻ với người mù những điều mà họ không thể nhìn thấy. Và một khi họ và tôi – những người tàn tật - có thể Quẳng gánh lo đi và vui sống thì hạnh phúc vẫn hiện hữu trong tâm hồn cho dù thân thể không còn lành lặn.

    Khi tôi viết những dòng này thì anh Trung Nghị đang ngồi trước micro đọc những trang cuối của Ý chí sắt đá, còn chị Đỗ Thuỵ thì đang lật những trang đầu của Gương kiên nhẫn. Và như vậy, những trang sách Nguyễn Hiến Lê đang bắt đầu cuộc hành trình mới – cuộc hành trình tiếp thêm sức sống cho người mù. Xin thắp lên một nén tâm hương trước anh linh cụ Nguyễn – người đã đem đến cho người tàn tật chúng tôi liều thuốc diệu kỳ để chữa lành những vết thương tâm hồn.

    NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG
    Thành phố Hồ Chí Minh, 09-07-2003

    (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê – Con người và tác phẩm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2003)
     
    Last edited by a moderator: 14/9/21
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này