Đông phương Giáo dục Đại học - Nguyễn Đăng Thục <1000QSV1TVB #0440>

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi Thu VO, 11/10/19.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0440.Đại học.PNG

    Tên sách : ĐẠI HỌC
    Tác giả : NGUYỄN ĐĂNG THỤC
    Nhà xuất bản : TỨ-HẢI
    Năm xuất bản : 1949
    ------------------------
    Nguồn sách : Thư viện Quốc gia Việt Nam Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Đánh máy : Đỗ Trung Thực

    Kiểm tra chính tả : Phạm Thu Phương,
    Tô Thuý Nga, Ngô Thanh Tùng

    Biên tập chữ Hán – Nôm : Ngô Thị Huyền
    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 08/07/2019

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn tác giả NGUYỄN ĐĂNG THỤC và nhà xuất bản TỨ-HẢI
    đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.


    MỤC LỤC : ĐẠI-HỌC, HAY LÀ SỰ THỰC-HIỆN CON NGƯỜI LÝ-TƯỞNG Ở XÃ-HỘI XƯA : CON NGƯỜI DUY-NHẤT
     
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    ĐỌC TRỰC TUYẾN


    EBOOK
     

    Các file đính kèm:

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    TỰA

    Sách Đại-Học gồm trên một trăm chữ rút ở một thiên Lễ Ký ra cùng với sách Trung-Dung, Luận-Ngữ và Mạnh Tử, là bốn sách cổ-điển căn-bản của Khổng-học. Thời Hán-học còn thịnh hành ở Việt-Nam, những người theo đòi cửa Khổng sân Trình đều bắt đầu bằng sách này cả.

    Đại-Học cũng như sách Phương-pháp luận của Descartes bên Thái-Tây, là một bộ sách luận về phương pháp của họ Khổng-ở Cực-Đông.

    Phương-pháp luận của Descartes là phương-pháp duy lý, dạy người ta cách dùng lý-trí để suy xét cho xác đáng, còn Đại-Học thì dạy người ta phương-pháp luyện tập cho con người xã-hội trở nên sáng suốt và hoàn toàn. Nghĩa là cả tâm lẫn trí phải điều hòa, không thiên lệch, không làm cho tâm thắng trí mà cũng không làm trí thắng tâm.TâmTrí quân bình tức là con người Duy-Nhất, con người lý-tưởng trong quan-niệm xã-hội của Nho-giáo. Và nếu xét rằng Nho-giáo đã phổ thông ở Nhật-Bản, Trung-Hoa và Việt-Nam là dường nao, thì người ta có thể nói đấy là quan niệm con người lý-tưởng ở xã-hội Cực-Đông trong bao nhiêu thế hệ vậy.

    Phương-pháp luận của Descartes nhằm mục-địch đấu trí với Tạo-hóa, giúp cho con người thắng đoạt những thế-lực của tự-nhiên. Phương-pháp luận của họ Khổng nhằm mục-đích tu thân, muốn cho người ta tự thắng lấy mình, tự mình làm chủ được mình, điều khiển được những thế-lực trong nội giới, không để cho ý-thức trôi theo dòng vật-dục. Một đằng thì theo đuổi cái tri-thức khách quan. Một đằng thì tìm thực-hiện cái ý-thức khách quan, cái ý-thức của một tâm-hồn hoàn toàn vô tư, đã thực hiện được lý-tưởng khắc kỷ của Cam-Địa ngày nay, là trừ bỏ cái tư-dục đến chỗ không, « Je me réduis à zéro ».

    Cái tri-thức khách quan của Tây-phương đem đến cho xã-hội kết quả tất nhiên là chủ-nghĩa cá-nhân tuyệt đối, còn ý-thức khách quan của Khổng giáo quan niệm người ta là một phần-tử của đoàn-thể, lấy cá-tính của đoàn-thể làm cá-tính của mình, cùng với đoàn-thể mà tiến-hóa, tiến từ đoàn-thể gia-đình qua quốc-gia, xã hội nhân-loại cho tới tuyệt-đích là cùng với trời đất làm một : « Dữ thiên địa tham hỹ ».

    Đứng trước cảnh-tượng tân Xuân Thu, ngày nay, đang tái diễn trên phạm-vi thế-giới, cuộc cách-mệnh kỹ-nghệ ở Tây-phương đã xô đẩy cả nhân-loại vào con đường bá-đạo, thượng mưu-trí mà khi thị tâm-tình ; trong sự giao-tế chỉ biết có « bán mua sòng phẳng, dìm bao tính-tình quân-tử, nghĩa-vụ thủy-chung vào trong nước đá ». Đứng trước cái họa mạnh được yếu thua, cốt nhục tương tàn, muôn dân như đàn con đỏ kề miệng hùm beo, kêu trời còn xa, kêu người thì người đã hóa ra quỷ, chúng tôi, thiển nghĩ các nhà ưu thời mẫn thế sốt sắng cho tuần nước vận dân, cho sự kiến-thiết hòa-bình trong nhân loại, trước hết hãy lo kiến thiết lại con người, xây đắp lại nền-tảng từ bên trong nội-giới, họa may mới phải là chữa bệnh từ nơi gốc vậy.

    Sách Đại-Học, ý-nghĩa hàm súc, chính là « phương-pháp » để xây dựng lại thế quân-bình trong con người, điều hòa cả « Tâm » lẫn « Trí», tức là con người Duy Nhất mà thế-giới đang mong đợi. Phê bình về hạng người kiểu mẫu này mà Khổng-học muốn đào tạo, nhà văn-sĩ Doeblin vừa đây mới viết rằng :

    « Học-thuyết của Khổng-tử lập nên giữa chính-phủ và nhân-dân một giai cấp có thể nói là nó tranh đấu về tinh-thần chống hai mặt, một bên là chính phủ mà nó muốn hướng dẫn và nếu cần thì nó phụ chính và một bên là nhân-dân mà nó có nhiệm-vụ giáo hóa để đưa đến một trình-độ khôn ngoan hơn… Khổng-tử đã có thể gây nên một giai-cấp đặc biệt, có ảnh-hưởng lớn vào chính-phủ, ấy là giai-cấp công-chức vừa là bác-học, vừa là triết-nhân ». (Confucius của Alfred Doeblin trang 9).

    Thực vậy, con người Duy Nhất này không phải là con người đặt trong trừu-tượng, biệt lập với nhân-quần, xã-hội, như bức họa người tiên để làm cảnh mà là con người hành động, con người nhập thế, có nhiệm-vụ lịch-sử phải ý-thức và phải làm.

    Trước khi hành động phải tìm phương-pháp. Hành động có phương-pháp, có đường-lối trước sau, có trình-tự tiến triển thì mới mong có kết-quả. Cho nên Tây-phương khoa-học hay Đông-phương Đạo-học, đứng trước vấn-đề nhân-sinh và nhận-thức là vấn-đề căn bản cả nhân-loại phải giải quyết, đều bắt đầu bằng phương-pháp luận. Phương pháp luận của Khổng-học, dung hòa cả nhận-thức luận lẫn nhân-sinh quan, là phương-pháp đang cần cho tinh-thần khủng hoảng của nhân-loại hiện thời, ở phạm-vi quốc-gia cũng như ở phạm vi quốc-tế, cho nên chúng tôi muốn nhắc lại với anh-em thanh-niên quốc-gia cái phương-pháp luận của Đông-phương « tri hành hợp nhất » đã lâu ngày quên bỏ.

    Văn-chương Đại-Học là một thứ văn-chương cổ kính, phản-ảnh của một xã-hội quá khứ, một hoàn-cảnh thực tế từ mấy ngàn năm về trước có thể khác hẳn với hoàn-cảnh ngày nay. Tuy nhiên, về khoa-hoc nội-giới tâm-linh thì nhân-loại còn chậm tiến và những bài học kinh-nghiệm của cổ nhân còn đầy ý-nghĩa có thể giúp ta nhiều về phương-pháp để làm chủ lấy mình, thắng tri bản-tính tự nhiên nội-tại.

    Để nguyên-văn thì khó hiểu, cho nên tác-giả phải làm sống lại bằng tinh-thần khoa-học ngày nay với tất cả cách-thức diễn giải có hệ-thống của nó, để độc-giả khỏi phải tốn công suy nghĩ.

    Riêng về chữ « thân dân », tác-giả xét nên để là « Thân » như Vương-dương-Minh đã chủ trương chứ đọc là « Tân » như Chu Hy thì không có nghĩa.

    Hanoi, ngày 10 tháng 5 năm 1949
    N.Đ.T
     
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
: 1000qsv1tvb

Chia sẻ trang này