Kỹ thuật Đạo Phật Siêu Khoa Học

Thảo luận trong 'Tủ sách Khoa học' bắt đầu bởi hoangkiss, 8/5/22.

Moderators: Utron
  1. hoangkiss

    hoangkiss Lớp 2

    Đạo Phật Siêu Khoa Học
    Minh Giác Nguyễn Học Tài

    NGƯỜI PHẬT TỬ EINSTEIN (Anh Xtanh)
    Trong cuốn Nền Tảng Của Ðạo Phật (Fundamentals of Buddhism), Tiến sĩ Peter D. Santina, viết, “đã nhận xét Nhiều người có địa vị đáng kể trong xã hội Tây phương là Phật tử hoặc có những người không phải là Phật tử nhưng rất có cảm tình với Phật Giáo. Thí dụ cụ thể là nhà bác học Albert Einstein trong bài tự thuật rằng ông là người không tôn giáo, nhưng nếu ông là một nguời có tôn giáo thì ông phải là một Phật tử.”

    Sau đây là những lý do khiến ông ca tụng Phật Giáo mà tôi trích dẫn trong cuốn “Buddhism in the Eyes of Intellectuals” của Tiến sĩ Sri Dhammananda (Phật Giáo Dưới Mắt Các Nhà Trí Thức), bản dich của Ðại Ðức Thích Tâm Quang.

    a. “Tôn giáo Vũ trụ: Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt trên một đấng Thiêng liêng nào đó và tránh hết mọi giáo điều và thần học. Bao trùm cả thiên nhiên lẫn tinh thần tôn giáo, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đang phát sinh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Ðạo Phật đáp ứng được điều đó” – Albert Einstein (trang 54).

    b. Nhu cầu khoa học và tôn giáo: Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật Giáo.”- Albert Einstein (trang 115).

    Ngoài ra, những nhà trí thức nổi tiếng trên thế giới đã hết lời ca ngợi Phật Giáo nói chung và đức Phật nói riêng:

    1. Vận mệnh nhân loại: Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh của nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và được cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của đức Cồ Ðàm được phục hưng thuần khiết có thể chiếm một vị trí lớn trong chiều hướng của vận mệnh nhân loại.” – H. G. Well (trang 95).

    2. Khoa học chấm dứt chỗ Phật Giáo bắt đầu: Khoa học không thể đua ra sự đoan chắc. Nhưng Phật Giáo có thể đáp ứng sự thách đố của Nguyên tử nên kiến thức siêu phàm của Phật Giáo bắt đầu ở chỗ kết thúc của khoa học. Ðó là một điều rõ ràng cho những ai nghiên cứu Phật Giáo. Vì vậy, nhờ Thiền định Phật Giáo, những Phần tử cấu tạo Nguyên tủ đã được nhìn và cảm thấy…” – Egerton C. Baptist, “Supreme Science of the Buddha,” (trang 117).

    3. Phật Giáo và khoa học hiện đại: Tôi đã thường nói, và tôi sẽ nói mãi, nói nữa giữa Phật Giáo và Khoa học hiện đại có quan hệ tinh thần khắn khít” – Sir Edwin Arnold (trang 115).

    4. Văn hóa thế giới: Phật Giáo đã mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn là bất cứ ảnh hưởng nào khác trong lịch sử của nhân loại. – H.G. Well (trang 99).

    5. “Tôn giáo của con người: Phật Giáo sẽ trường tồn như mặt trời và mặt trăng và loài người hiện hữu trên mặt đất; do đó, Phật Giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại, cũng như của tất cả.” – Bandaranaike, Cựu Thủ Tướng Tích Lan (trang 65).

    6. “Dharma (Giáo pháp) là Quy luật: Tất cả lời dạy của đức Phật có thể tóm tắt trong một quy luật (Pháp). Quy luật này là lẽ thật, không những hiện hữu trong tâm con người mà còn tồn tại trong vũ trụ. Tất cả trong vũ trụ đều là sự hiển lộ của Pháp (Dharma). Quy luật của thiên nhiên mà các khoa học gia hiện đại đã khám phá đều là biểu hiệu của Pháp.

    Khi mặt trăng mọc và lặn là vì Pháp. Pháp là qui luật của vũ trụ khiến mọi vật tác động theo những đường lối đã được khoa Vật lý, Hóa học, Ðộng vật học, Thực vật học, và Thiên văn học nghiên cứu. Pháp hiện hữu trong vũ trụ cũng như trong tâm con người. Nếu con người sống đúng với Pháp, thì sẽ thoát khỏi khổ đau và đạt đến Niết bàn.” – Thượng tọa Mahinda (trang 81)

    7. “Sự ngược đãi: Trong những tôn giáo vĩ đại của lịch sử, tôi thích Phật Giáo, nhất là những dạng thức thưở ban đầu, vì tôn giáo này có ít yếu tố ngược đãi nhất.” – Bertrand Russell (trang 81).

    [​IMG]

    Tại sao Albert Einstein và những bậc khoa bảng nổi tiếng trên thế giới đã hết lời xưng tụng, tán thán Phật Giáo nói chung và Ðức Phật nói riêng? Xin mời quí vị đọc một đoạn trích dẫn trong cuốn, “Fundamentals of Buddhism” (Nền Tảng Của Ðạo Phật), của tiến sĩ Peter D. Santina, bản dịch của Ðại Ðức Thích Tâm Quang:

    “….Ở Tây Phương, Phật Giáo đang được chú ý và gây được thiện cảm rộng rãi khắp nơi. Nhiều người có địa vị đáng kể trong xã hội Tây Phương là Phật tử, hoặc có những người không phải là Phật tử nhưng rất có cảm tình với Phật Giáo.

    Nhìn vào xã hội Tây Phương hiện nay, chúng ta thấy một nhà vật lý thiên văn học là một Phật tử tại Pháp, một nhà tâm lý nổi tiếng là Phật tử tại Ðại Học La Mã, và mới đây một vị chánh án tại Anh Quốc cũng là Phật tử. Chúng ta hãy xét kỹ những lý do khiến Phật Giáo được chú ý hiện nay ở Tây Phương.

    Nói chung tại Âu Châu có thái độ chú ý đến Phật Giáo vì tôn giáo này rất tiến bộ, rất hợp lý, và rất tinh vi. Cho nên chúng tôi ngạc nhiên khi đến một quốc giao Á Châu lại thấy người dân ở đây coi Phật Giáo như một tôn giáo lỗi thời, không hợp lý và có nhiều liên hệ với mê tín dị đoan.

    Người Tây Phương thấy giá trị của Phật Giáo bởi vì Phật Giáo không kết chặt với văn hóa, Phật Giáo không ràng buộc vào một xã hội đặc biệt, vào một chủng tộc nào hay vào một nhóm thiểu sổ nào. Có những tôn giáo gắn liền với văn hóa, chẳng hạn như Do Thái Giáo gắn liền với văn hóa, nhưng Phật Giáo lại không. Cho nên trong lịch sử Phật Giáo ta thấy có Phật tử Ấn, Thái, Trung Hoa, Tích Lan, Miến Ðiện v.v… và chúng ta có Phật tử Anh, Phật tử Hoa Kỳ, Phật tử Pháp v.v… Ðó là lý do Phật Giáo không gắn bó với văn hóa.

    Phật Giáo nhập hội dễ dàng từ văn hóa này đến văn hós khác bởi vì Phật Giáo chú trọng đến việc chuyển hóa nội tâm hơn là ở bên ngoài. Nếu ta nhìn kỹ cách lý giải của Ðức Phật về vấn đề kiến thức, ta thấy phương cách của Ngài tương tự như cách lý giải của khoa học, và điều này đã khiến người Phương Tây hết sức chú ý đến.

    Việc chú trọng ngày càng tăng và những giáo lý hấp dẫn của Ðạo Phật cùng với khuynh hướng mới của khoa học, triết học, và tâm lý học lúc này lên cao đến tột đỉnh như khoa Vật Lý Nguyên Lượng đã được đề xuất. Ðó là những triển khai cuối cùng của những lý thuyết vật lý đã được thể nghiệm. Rồi chúng ta thấy không những Ðức Phật đã tiên đoán những phương pháp phân tích của khoa học mà còn dạy rõ về bản chất của con người và vũ trụ như đã nói trong phần triển khai gần đây của Vật Lý lượng Tử. Cách đây không lâu, một nhà Vật lý học nổi tiếng nhận xét vũ trụ giống như một tâm tưởng vĩ đại. Ðiều này đã được nói trong Kinh Dhammapada (Kinh Pháp Cú): “Tâm dẫn đầu mọi pháp, tâm chủ, tâm tạo tác. ‘Sự liên hệ giữa vật chất và năng lượng cũng đã được nói đến. Không có sự phân chia cơ bản nào giữa Tâm và Vật. Tất cả những lời dạy đó đã những tiến bộ mới nhất của khoa học tuần tự khám phá.

    Cho nên, điều cho thấy trong học quy (văn cảnh) của Tây Phương, các nhà tâm lý và khoa học tìm thấy một truyền thống Phật Giáo phù hợp với những nguyên tắc căn bản về tư tưởng khoa học của Tây Phương. Thêm vào đó, họ thấy Phật Giáo rất đặc sắc vì những phát minh của họ thường tương đồng với Phật Giáo. Họ cũng thấy rằng cho đến nay khoa học không mở con đường nào hay phương pháp nào có thể hoàn tất được việc chuyển hóa nội tâm. Họ có những phương thức xây dựng, cải tiến các thành phố, xa lộ; nhưng họ không có một hệ thống nào có thể xây dựng con người tốt hơn được.

    Cho nên người Tây Phương quay về với Phật Giáo. Là một truyền thống lâu đời, Phật Giáo có nhiều khía cạnh gần giống như việc thực hành trong truyền thống khoa học Tây Phương. Nhưng Phật Giáo vượt qua truyền thống duy vật của Tây Phưong và vượt qua giới hạn của truyền thống khoa hoc.” – Dr. Peter D. Santina, tác giả cuốn Fundamentals of Buddhism (Nền Tảng của Phật Giáo).

    ÐỨC PHẬT ÐÃ THẤY VI TRÙNG
    Trước khi uống nước, các vị tu sĩ thường chú nguyện như sau:

    “Phật quán nhất bất thuỷ
    Bát vạn tứ thiên trùng
    Nhược bất trì thử chú
    Như thực chúng sanh nhục”

    Xin lưu ý quý vị tám vạn bốn ngàn (84,000) đây chỉ là con số tượng trưng của nhà Phật chứ không phải con số đếm thật. Ví dụ 84,000 pháp môn.

    Nhân tiện, tôi xin phép nói qua về vi trùng.

    Vào thế kỷ thứ 17, một nhà Sinh vật học người Hòa Lan tên là Aton van Leeuwenhoek (1632-1723) đã khám phá ra nhiều loại Vi sinh vật (Micro-organism) như: Protozans, microbes (vi trùng), algae, fungi, bacteria, virus và rickettsiae …

    Ðến hậu bán thế kỷ 19, khoa Siêu sinh vật học ra đời. Nhà Sinh vật học kiêm Hóa học Louis Pasteur (1822-1895) đã xác định vai trò của những Vi khuẩn (Bacteria) trong việc Gây men (Fermentation) và gây bệnh. Rồi nhà Vật lý gia người Ðức tên là Robert Koch đã tìm những phương cách chứng minh rằng những loại vi khuẩn nào gây nên những bệnh tật nào. Trong các phòng thí nghiệm, với những dụng cụ đặc biệt, các nhà sưu tầm đã phát hiện những tác hại khác nhau và ghê gớm của các Siêu sinh vật.

    Ðến giữa thế kỷ thứ 20, khoa Siêu sinh vật học đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Một số Siêu sinh vật gây nên nhiều thứ bệnh đã được nhận diện, và những phương pháp tiêu diệt chúng cũng đã được áp dụng.

    Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn biết tách rời những loại vi khuẩn nào có ích lợi để dùng trong lãnh vực y tế, kỹ nghệ, canh nông. Ví dụ Mốc rêu (Mold) đã được dùng để chế men (Enzym), thuốc kháng sinh, và nhất là trụ sinh. Một số lớn Vi khuẩn (Bacteria) được dùng trong thương mại để sản xuất Nhũ toan (Lactic Acid), và chữa bệnh thiếu máu và thiếu chất vôi.

    Xin trở lại với việc Phật đã thấy vi trùng. Tại sao Ngài thấy được mà chúng ta muốn thấy phải dùng kính hiển vi?

    Vì Phật đắc tam minh, lục thông và ngũ nhãn. Tam minh tức là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

    “Với Túc mạng minh, Ngài thấy được cuộc sống của Ngài và của chúng sinh đã trải qua nhiều số kiếp, và thấy được cái gốc sanh tử từ trước đến giờ.

    Với Thiên nhãn minh, Ngài thấy rõ tại sao người ta sanh làm quỷ đói, và xuống địa ngục? Ngài thấy chúng sinh tùy nghiệp là nhân dẫn sanh các cõi là quả. Ngài thấy chúng sanh đi đầu thai ở trong sáu đường y như người đứng ở trên lầu cao nhìn thấy ở dưới đường những người đi nhiều ngả.

    Nhờ Thiên nhãn minh, Ngài thấy được những vật vô cùng nhỏ và những cái vô cùng lớn. Ví dụ Ngài thấy vi trùng trong bát nước, và thấy “Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng.”

    Vì chứng được Lậu tận minh nên Ngài dứt được nghiệp Sinh, Tử, Luân hồi. Ngài nhìn lại nghiệp nhân tạo ra khiến người ta phải trôi lăn trong vòng sanh tử, và suy nghĩ làm sao thoát ra khỏi sanh tử? Ngài đã thấy những lý do khiến chúng ta bị dẫn vào sanh tử, và những lý do gì giúp chúng ta thoát khỏi sanh tử.

    Từ ngàn xưa, chưa ai chống lại được sanh tử mà Ngài thấy được nguyên nhân của Sinh, Tử, Luân hồi. Khi thấy được nguyên nhân tạo sanh, tử, Ngài đã tìm những phương pháp để tiêu diệt những nguyên nhân này: Ðó là giải thoát sanh tử.” (Tríc trong băng giảng “Hoa Sen Trong Bùn”, mặt A, của Hòa Thượng Thích Thanh Từ).

    Thế nào là Ngũ nhãn?

    Nhục nhãn là mắt thịt như mắt của chúng ta. Thiên nhãn là mắt của chư thiên thấy được gần xa, trên dưới và ngày đêm. Huệ nhãn là mắt của Thanh Văn, Duyên Giác quán thấy các pháp và chúng sinh để tìm phương tiện giúp họ tu hành. Phật nhãn là mắt của Phật. Ta thấy xa, Phật thấy gần, ta thấy tối, Phật thấy sáng, chẳng có điều gì Phật không thấy, không nghe, không biết.

    Lục thông là gì?

    Là (1) Thiên nhãn thông, (2) Thần túc thông, (3) Thiên nhĩ thông, (4) Tha tâm thông, (5) Túc mệnh thông, và (6) Lậu tận thông.

    Thần túc thông là chân đi xa vạn dặm, Thiên nhĩ thông là tai nghe xa vạn dặm (giống như Six Million Dollar Man) và Tha tâm thông là đọc được tư tưởng của chúng sinh. Còn (1), (3) và (6) đã nói ở trên rồi.

    Trích: Đạo Phật Siêu Khoa Học – Minh Giác Nguyễn Học Tài

    EBOOK: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    AUDIO : Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    LinkGG Drive: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     

    Các file đính kèm:

    Ceslau thích bài này.
Moderators: Utron

Chia sẻ trang này