Nhận định Điển cố - điển tích. Giai thoại... Văn Học. [abc...]

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 18/4/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... !?! ...

    (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) - Điển cố (từ Hán Việt) nghĩa là những tích truyện xưa (cũng gọi là điển tích); thường là kể về các tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, các tấm gương đạo đức, hoặc những truyện có tính triết lý nhân văn trong lịch sử (thường là của Trung Quốc).

    Trong văn hoá truyền thống, người ta cho rằng nhìn người chính là một cách để tự soi xét mình, rằng lấy những điển tích kinh điển trong lịch sử làm tham chiếu để luận giải là một cách rất tốt để làm sáng tỏ cái ý mà mình muốn biểu đạt. Do vậy, việc nhắc đến điển cố trong thơ và văn được sử dụng nhiều; cũng được xem như một chuẩn mực.
    Ví như trong câu thơ
    Một nền Đổng Tước khoá xuân hai Kiều, cụ Nguyễn Du đã nhắc đến điển cố hai chị em Kiều thời Tam Quốc.

    Thời hiện đại, cùng với hàng loạt cách mạng công nghiệp, thương nghiệp, hiện đại hoá, tin học hoá,... con người thay đổi tư tưởng, các giá trị nhân văn cũng thay đổi, dẫn đến việc sử dụng điển cố về điển tích cổ như trên đã trở nên ít đi rất nhiều. Ngày nay người ta bớt dần việc nhắc đến mẫu hình nhân vật cổ, ví như Nhạc Phi như là thể hiện của chữ Trung, Quan Vũ như là thể hiện của chữ Nghĩa, v.v. Mà thêm vào đó những mẫu hình hiện đại, như Chí Phèo, Ô-sin, v.v...

    Đương nhiên, vẫn còn nhiều các tích cổ, các mẫu hình nhân vật cổ mà văn và thơ ngày nay tham chiếu đến, ví như: Tế Công ăn thịt, Hàn Tín chui háng, Tào Tháo luận anh hùng, Nữ Oa vá trời, Hoạn Thư, Sở Khanh, v.v...

    Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những thành ngữ như:
    Giấc Nam Kha, Tây Thi, Nguyệt Lão, Liễu Chương Ðài... hoặc Prômêtê, Gót Asin, Hồng Thủy... hoặc Tú Bà, Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ... Ðó là những Ðiển tích, lấy trong văn hóa cổ, kim của Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam, thường là những tên người, tên đất, những hình tượng văn học trong thần thoại, truyền thuyết, văn học, lịch sử ..., đầy tính thơ ca và chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa…

    Các nhà văn, nhà thơ, những nhân vật có tên tuổi trong xã hội, trong văn chương bên cạnh những kiệt tác để đời còn có những giai thoại lý thú nói riêng về họ. Chính vì vậy, giai thoại văn học là một loại văn chương vừa có tính chất bác học, lại vừa có tính chất truyền miệng, mang trong cốt cách của nó nhiều nét dân tộc độc đáo đầy sức hấp dẫn…

    Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống, và góp phần nhỏ bé nâng cao trình độ hiểu biết chung về văn hóa … Trước đây, trên TVE, trong nhiều năm, chúng tôi đã thực hiện được nhiều loạt bài về các mục nầy đang trong PDTT, GTVC, … nhưng tiếc thay, do nhiều nguyên nhân (…), tới giờ thì… coi như không còn gì cả! :(! @tducchau xin được mở lại chuyên mục "Ðiển cố - điển tích, Giai thoại... Văn học. [abc...]" trên TVE-4U cũng với mục đích ấy. Hy vọng là sẽ bổ ích, thú vị đối với các bạn yêu thích văn chương (!), chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật nội dung (khi còn & trong khả năng có thể!) & mong ước được các thành viên chung tay, góp sức… :)!

    Mời các bạn đến với chuyên mục & cùng thưởng thức! :)! ...



    SAO HÔM, SAO MAI


    Nhân dân ta thường hát:

    Buồn trông chênh chếch sao Mai
    Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ...

    (Ca dao)​

    Chiều tối, nhìn bầu trời phía Tây có một ngôi sao Hôm lấp lánh. Sáng sớm, phía Ðông, xuất hiện ngôi sao Mai vời vợi nhớ thương.

    Sao Hôm, sao Mai ngóng trông nhau một trời Tây Ðông thương nhớ, đợi chờ nhau mà không bao giờ gặp. Giữa khoảng không nghìn trùng ấy còn một ngôi sao đêm đêm cứ băng trôi giữa bầu trời vô tận. Người ta gọi đó là ngôi sao Vượt. Ngôi sao ấy lao đi, lao lại, như tìm ai giữa không gian mờ mịt.

    Trong trí tưởng tượng của nhân dân, ba ngôi sao ấy chính là ba linh hồn oan khuất tìm nhau giữa vô tận, vô cùng. Người xưa kể sự tích Sao Hôm, sao Mai như sau:

    Hai anh em nhà kia mồ côi cha mẹ. Chúng quấn túm nuôi nhau. Ðến một ngày, người anh đã có vợ, bị bắt đi phu. Lúc ra đi, anh giấu giọt nước mắt, dặn em:

    – Anh đi chưa biết ngày về. Anh thương chị, nhớ em lắm. Em ở nhà nghe lời chị và trông nom chị nhé.

    Nghe lời anh, em đêm ngày lo lắng coi giữ chị. Em khoét một lỗ vách, đêm đêm luồn tay qua, đặt lên bụng chị để canh. Không ngờ, chị có thai. Em sợ trốn đi.

    Người em đi về phía mặt trời lặn. Một hôm, trời xẩm tối, chàng đến ngọn núi cao thì chết vì kiệt sức, biến thành sao Hôm trông về xuôi mong nhớ.

    Người anh trở về, thấy sự rắc rối, rất giận em. Người vợ ra sức kêu van chồng hiểu cho, nhưng vô ích. Rồi chị đẻ ra một bàn tay. Người anh hiểu em mình bị nghi oan, liền đi tìm.

    Chàng theo đường mòn về phía mặt trời mọc, gặp ai cũng hỏi:

    – Có thấy em tôi ở đâu không?

    Nhưng ai cũng trả lời:

    – Em anh, anh còn không thấy, làm sao chúng tôi thấy được.

    Chàng buồn bã lê bước đi mãi và gục xuống trên đỉnh núi lúc gà vừa gáy sáng. Vì đói khát, vì thương em, vì ân hận, chàng hoá thành ngôi sao Mai.

    Thấy chồng đi không về, người vợ đi tìm, gặp ai cũng hỏi:

    – Có thấy chồng tôi, em tôi ở đâu không?

    Nhưng ai cũng trả lời:

    – Chồng chị, chị không thấy. Em chị, chị không thấy. Chúng tôi thấy sao được.

    Nàng xót xa thương nhớ hai người đến rã rời, vừa chạy vừa khóc lóc, thét gào và tắt thở bên đầu núi. Nàng biến thành ngôi sao Vượt.

    Sao Hôm, sao Mai được nhân dân ta thường nhắc đến gợi nỗi nhớ da diết, niềm ly biệt, mất mát vô bờ. Nó là bi kịch của sự mất lòng tin. Con người mất lòng tin sẽ lạc nhau mãi mãi. Người ta bơ vơ tìm nhau giữa hư vô...
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/7/16
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    BẢNG, TRẠNG GANH NHAU


    Khoảng đời nhà Mạc, ở miền Hải Dương có hai người bạn ở gần làng nhau: Phạm Trấn ở làng Lâm Kiều và Ðỗ Uông ở làng Ðoàn Lâm.

    Vào năm Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên (1554- 1561), hai người cùng trạc ba mươi tuổi và cùng đỗ khoa thi hội. Ðến kỳ thi đình, Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên, còn Ðỗ Uông thì đỗ Bảng nhãn. Trấn, sức học vốn kém Uông, nên hí hửng lắm, bảo: "Giờ ta mới đè được thằng Uông đây!".

    Uông nghe nói tức lắm. Lúc vinh quy, Trạng Bảng cùng về một đường. Bảng không chịu nhường Trạng đi trước, cứ dóng ngựa đi ngang hàng.

    Ðến làng Hoạch Trạch, dân chúng kéo nhau ra xem và xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Ðó là chiếc cầu ngói hơn mười gian. Bảng, Trạng liền thách nhau qua bảy gian phải vịnh xong bài thơ; ai xong trước đi trước, không được tranh nhau.

    Lần ấy Trấn thắng, ai cũng chịu tài, chỉ Uông không phục, cho là thơ đã làm sẵn từ bao giờ. Rồi, lại dóng ngựa đi ngang hàng. Ðến làng Minh Luận, có người mới làm xong nhà, ra đón đường xin một bài thơ mừng nhà mới. Trấn đọc luôn:

    Năm năm thêm phú quý
    Ngày ngày hưởng vinh hoa
    Xưa có câu như thế
    Nay mừng mới làm nhà.

    Lần này, Uông đã có vẻ hơi chịu tài nhanh nhẹn của Trấn. Ðến cầu làng Ðoàn Lâm, tục gọi là Cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng là cô Loan; hai người lại thách nhau làm bài thơ Nôm lấy đề là "Cô Loan bán hàng cầu Cốc". Hạn mỗi câu phải có hai giống chim, qua cầu phải xong, ai xong trước đi trước, nhất thiết không được tranh nhau nữa. Trấn ngồi trên lưng ngựa, đọc ngay rằng:

    Quai vạc đôi bên cánh phượng phong
    Dở giang bán chác lựa đồ công
    Xanh le mở khép nem hồng mới
    Bạc ác phô phang rượu vịt nồng...


    Bảng bấy giờ mới thực sự chịu phục Trạng là nhanh trí và nhường cho Trạng đi trước, không tranh dành gì nữa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/16
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÍ HON & KHỔNG LỒ



    Ngày nay, trẻ em thế giới thường nói tới người Tí hon và người Khổng lồ, câu chuyện tưởng tượng do Xuypt, nhà văn Anh, kể trong tiểu thuyết phiêu lưu Gulivơ du ký (1726).


    Gulivơ là một thầy thuốc trẻ tuổi, ham thích phiêu lưu, mạo hiểm, nên thường làm việc dưới các tàu biển. Một lần, tàu đắm ở một biển phương Ðông, chàng giạt vào một xứ sở lạ lùng, xứ Lilipút, gồm toàn những người Tí hon bé tí tẹo. Sau một giấc ngủ trên bãi cát, Gulivơ tỉnh dậy thì thấy mình bị trói bằng ngàn, vạn dây "xích", nhỏ bằng sợi chỉ; chàng lạ lùng mở mắt nhìn thì thấy xung quanh hàng nghìn người bé tí xíu tíu tít đi lại. Chàng cựa mình, một tay rứt tung "xích" buộc chàng xuống đất. Tức thì hàng trăm mũi tên bắn tới tấp vào tay, vào mặt chàng; những mũi tên nhỏ bằng kim khâu. Chàng lấy bàn tay che mặt rồi ngoan ngoãn nằm im. Hàng trăm người bắc những chiếc thang bé xíu trèo lên người chàng. Gulivơ ra hiệu muốn ăn và uống nước. Một trăm người được huy động chở từng đoàn xe chất thịt cừu, thịt bò, bánh mì xúc vào miệng chàng; rồi chàng cầm mấy thùng tônô rượu uống vài ngụm. Mọi người thán phục không sao kể xiết. Vua xứ Lilipút ra lệnh chở chàng về kinh đô. Tức khắc năm trăm thợ đóng một cái xe, rồi chia trăm người dùng xích nhấc chàng lên xe. Dân kéo về kinh đô xem "con quái vật lạ lùng" xích bằng chín mươi mốt xích sắt, có ba mươi sáu khoá. Vua và Hoàng hậu đứng rõ xa ngắm chàng Gulivơ. Chàng được tặng danh hiệu Người Núi. Triều đình Lilipút thấy chàng hiền lành, chẳng hại ai, liền tháo xích, cho chàng được tự do và nói chuyện với chàng. Mỗi khi nói chuyện, chàng đặt vua hoặc một quan đại thần nào đó vào lòng bàn tay, đưa sát lên tai, chàng mới nghe rõ. Triều đình Lilipút lắm phe phái. Có những kẻ gièm pha Gulivơ và đòi xử tử Người Núi. Một hôm, cung điện Vua bị cháy; đám cháy đe doạ thiêu sạch các cung điện, không phương cứu chữa. Gulivơ đến cứu; chàng đái một bãi, dập tắt ngay đám cháy, chàng bị kết án làm ô uế cung điện. Cuối cùng, Gulivơ phải trốn sang một nước tí hon láng giềng rồi may mắn gặp một tàu Anh, chàng trở về quê hương.

    Ở nhà được hai tháng, Gulivơ lại xuống tàu biển sang phương Ðông. Lần này chàng lạc vào xứ sở Brônđinhăc của những người Khổng lồ. Thoạt tiên, chàng thấy một người to tướng cao bằng gác chuông nhà thờ đuổi bắt các bạn thuỷ thủ cùng chàng lên đất liền tìm nước ngọt; thủy thủ chạy thoát lên tàu, tàu lấy hết tốc độ ra khơi. Còn lại một mình, Gulivơ vô cùng khiếp sợ, tìm cách lẩn vào đám cỏ trong ruộng lúa mì. Ở đây cái gì cũng to, cao, tương ứng tầm vóc người khổng lồ. Cỏ cao sáu thước, lúa mì hơn mười thước, rào giậu cao ngút lên trời. Bỗng một đám thợ gặt tiến về phía chàng, mỗi bước đi phải tới hàng chục mét. Chàng lần xuống một mô đất. Một người thợ gặt cắt lúa, bước gần đến cái "hang" chàng ẩn nấp. Chỉ vài bước nữa của người khổng lồ là chàng sẽ bị giẫm bẹp dí. Chàng vội nhảy lên la hét inh ỏi. Người khổng lồ dừng tay gặt, cúi sát xuống tìm xem con vật gì ở dưới chân và phát hiện ra chàng. Người ấy lạ lùng ngắm một lúc rồi liền nhón hai tay nhắc bổng chàng lên, đặt trong lòng bàn tay. Người thợ gặt nộp chàng cho ông chủ trại. Và từ đây, chàng Gulivơ mạo hiểm bước vào một quãng đời mới.

    Về nhà ông chủ trại, chàng được giao cho cô gái út chín tuổi chăm sóc; cô rất thương "con vật nhỏ xíu mà tinh khôn"; cô làm một cái hộp đựng chàng, may áo quần bằng thứ vải mịn nhất cho chàng, cứng như cái mo cau. Cô che chở chàng suốt mấy năm trời; không có cô bé, to bằng mấy ông hộ pháp, thì chàng Gulivơ đã mấy lần bỏ xác vì trò tinh nghịch của trẻ con hay người lớn. Luôn luôn Gulivơ sống trong ngạc nhiên và khủng khiếp; chàng học tiếng nói của xứ khổng lồ, xứ có những con chó săn dữ tợn mỗi con to bằng bốn con voi. Mèo gừ gừ trong lòng cô bé, tưởng như hàng chục khung dệt vải chạy ầm ầm, ruồi to bằng chim sơn ca. Có lần chàng phải rút kiếm chiến đấu với hai con chuột nhắt to bằng hai con chó bécgiê. Ông chủ trại vốn tàn nhẫn và tham lam, nghĩ ra cách bắt chàng biểu diễn mọi tài năng cho khách xem để thu tiền. Rồi ông sắm một cái xe, đi mười tám thành phố, cho chàng ra mắt và làm trò trước hàng triệu, hàng triệu khán giả. Chàng Gulivơ chạy, nhào lộn, múa kiếm, được hoan hô nhiệt liệt. Có những ngày, ông chủ lòng tham không đáy, bắt chàng làm trò hai, ba buổi; chàng gầy xác ve, còn ông chủ thì giàu to, với khẩu hiệu "hãy làm giàu", chỉ có "cô bé Bảo mẫu" là xót thương chàng.

    Ðoàn trò đến kinh đô. Hoàng hậu, công chúa đi xem "con quái vật tí hon tinh khôn". Hoàng hậu thích quá liền mua ngay."Cô bé Bảo mẫu" được ở lại cung điện Hoàng hậu để trông nom chàng. Hoảng nhất là những bữa ăn; Hoàng hậu, vốn mảnh khảnh, liễu yếu, nhỏ nhẻ xóc một miếng thịt to bằng con cừu, cho vào miệng và uống một ngụm rượu đựng trong một cái cốc bằng vàng, to như một thùng tônô. Trong đĩa, một con cá to bằng con cá voi. Chàng Gulivơ có lẽ chỉ nhặt vụn bánh ăn cũng đủ no bụng. Thật lắm nỗi gian truân. Thằng lùn của Hoàng hậu có lần tinh nghịch, ném chàng vào cốc kem; chàng phải giở hết tài bơi lội mới thoát chết chìm; có lần chàng bị con chó con tha chàng từ vườn vào cung điện; có lần một con khỉ tưởng chàng là con khỉ con, bế xốc chàng lên ôm ấp, rồi nhảy lên mái nhà; có lần bị mưa đá suýt chết. Tuy sống sung sướng, chàng vẫn nhớ nhà, nhớ nước, nhớ những con người quen thuộc.

    Cuối cùng, một hôm đi chơi bờ biển cùng Hoàng hậu, người ta đặt "cái hộp" đựng chàng trên một đống đá. Thình lình, một con chim ưng, cánh xoè rợp trời, sà xuống quắp "hộp" bay lên trời. Hộp bỗng nhiên rơi xuống biển cả. May sao, ít lâu sau, một tàu Anh vớt được "cái hộp" và đưa chàng về quê hương.


    Gulivơ du ký là một tiểu thuyết "cổ điển" của nhân loại. "Tí hon" và "Khổng lồ" là hai truyện trong bốn truyện của bộ sách. Sách chứa đựng những tư tưởng triết lý sâu xa; đặc biệt, nó công kích chiến tranh xâm lược và bành trướng của "những anh hùng châu Âu" lúc bấy giờ và có ý nghĩa muôn thuở.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/16
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    Do trình độ chính trị và văn hóa không ngừng được nâng cao mà nhân dân ta ngày càng có ý thức đầy đủ hơn nề những giá trị tinh thần mà ông cha để lại, trong đó có kho tàng văn học dân tộc. và các tác phẩm văn học thời xưa ngày càng có một công chúng đông đảo hơn.

    Tác giả thời xưa, ngay cả khi viết bằng chữ Nôm, tức là sử dụng ngôn ngữ dân tộc, cũng đưa điển cố Hán học vào tác phẩm. Nói chung, việc sử dụng điển cố thường góp phần vào việc nâng cao khả năng biểu hiện và tính chất hàm súc của ngôn ngữ văn học cũng như của hình tượng văn học. Nhưng nếu điển cố Hán học không xa lạ với những người có học thời xưa thì lại khó hiểu với đa số bạn đọc ngày nay. Cho nên các tác phẩm văn học cổ, khi được giới thiệu với đông đảo bạn đọc, thường có kèm theo phần chú thích các điển cố. Phần chú thích nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu tác phẩm trong từng văn cảnh, cho nên thường sinh động và ngắn gọn. trong đa số trường hợp, phần chú thích ấy thường không đặt ra yêu cầu đi sâu giới thiệu nguồn gốc của điển cố và ý nghĩa chung của điển cố. Điển cố văn học (ĐCVH)được biên soạn để bổ cứu vào tình hình ấy.

    ĐCVH này giải thích những điển cố Hán học trong văn học bằng chữ Nôm, tức là văn học thời trước mà sử dụng ngôn ngữ dân tộc. tuy nhiên, một số không nhỏ những điển cố ấy lại được sử dụng cà ở những bộ phận khác của văn học Việt Nam, ở văn học truyền miệng dân gian, ở văn học viết bằng chữ Hán thời xưa cũng như ở văn học viết bằng chữ quốc ngữ ngày nay. Vì vậy, trong một phạm vi nhất định, ĐCVH cũng có thể phục vụ cho việc tìm hiểu văn học dân gian, văn học viết bằng chữ hán và văn học hiện đại.

    Những điển cố Hán học được chọn vào ĐCVH là những điển cố thông dụng đối với việc xây dựng hình tượng trong văn học. Đó là những sự tích (như Gối hàm Đan, Cây Hàn Bằng), những nhân vật (như Tây Thi, Ban Siêu), những thành ngữ (như Chuột xã, cáo thành, Sửa dép vườn dưa), v.v... Ngoài ra cũng lại có một số từ ngữ Hán học cần giải thích đối với đông đảo bạn đọc ngày nay như: kinh quyền, ba thân, ngũ giới, hoa đàm, lục cực, v.v... Tuy nhiên, vì ĐCVH chưa phải là một từ điển văn liệu cho nên không giải thích tất cả những loại từ ngữ được sử dụng trong kho văn liệu cổ.

    Trong lời giải thích, trước hết nêu nghĩa đen, nguồn gốc của điển cố, sau đó nêu ý nghĩa của điển cố trong tác phẩm văn học và dẫn câu thơ hoặc văn để minh họa.

    Dựa vào quan điểm duy vật lịch sử, lời giải thích đã đặt những sự tích, nhân vật, hình tượng và từ ngữ vào bối cảnh lịch sử, văn hóa và tư tưởng thời xưa để phân tích, đánh giá, nhưng mặt khác, khi cần thiết thì cũng bao hàm sự phê phán những nội dung lạc hậu so với yêu cầu văn hóa và tư tưởng của thờii đại ngày nay.

    Những câu văn thơ minh họa, nếu là biền ngẫu thì trích dẫn trọn vế, nếu là thơ thì trích dẫn hai câu nối tiếp mà có liên quan với nhau. Về xuất xứ của những câu văn thơ ấy thì ghi theo quy cách sau: nếu biết rõ tác giả thì ghi tên tác giả (thí dụ: Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu), nếu chưa rõ tác giả thì ghi tên tác phẩm (thí dụ: Lâm tuyền kỳ ngộ, Phan Trần) (*).

    Các điển cố được xếp theo trình tư chữ như sau : A, Ă, Á, B, C, CH, D, Đ, E, G, GI, H, I, K,L ,M, N, NG, NH, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, TH, TR, U, Ư, V,X,Y, và theo trình tự dấu giọng như sau: không dấu, dấu huyền, dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng.


    ĐCVH không có tham vọng thay thế phần chú thích ở trong các sách giới thiệu tác phẩm văn học Nôm, mà chỉ muốn bổ xung vào những chỗ mà phạm vi và yêu cầu của phần chú thích ấy không cho phép đi sâu.

    ĐCVH cũng chưa phải là một cuốn từ điển văn liệu hoàn chỉnh, vì chỉ giải thích những điển cố Hán học trong văn thơ Nôm. Nhưng trong một chừng mực nhất định, mong rằng ĐCVH là một bước để tiến tới xây dựng một cuốn từ điển văn liệu sau này.

    Mặc dầu có sự cố gắng của tập thể biên soạn, chắc chắn ĐCVH này còn nhiều thiếu sót trong việc chọn lựa và giải thích các điển cố cũng như trong cách trình bày lời giải thích. Chúng tôi mong được sự góp ý kiến phê bình của bạn đọc để có thể cải tiến chất lượng của ĐCVH.


    Hà Nội, ngày 20-9-1975
    THAY MẶT TẬP THỂ BIÊN SOẠN​
    Chủ biên

    ĐINH GIA KHÁNH​


    ----------

    (*) Chinh phụ ngâm khúc không rõ bản dịch là của Đoàn Thị Điểm hay của Phan Huy Ích thì cũng kể như chưa rõ tác giả.


    NHỮNG TÀI LIỆU CHÍNH DÙNG ĐỂ
    TRA CỨU VÀ THAM KHẢO



    1. Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức.
    2. Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh.
    3. Văn liệu từ điển của Long Điền.
    4. Từ điển Génibrel.
    5. Từ nguyên.
    6. Từ hải.
    7. Khang Hy từ điển.
    8. Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển.
    9. Trung Quốc nhân danh đại tử điển.
    10. Bội văn vận phủ.
    11. Uyên giám loại hàm.
    12. Đại Việt sử ký toàn thư.
    13. Việt sử thông giám cương mục.
    14. Thiên Nam dư hạ tập.
    15. Lịch triều hiến chương loại chí.
    16. Kiến văn tiểu lục.
    17. Vân đài loại ngữ.
    18. Lĩnh Nam chích quái.
    19. Truyền kỳ mạn lục.
    20. Cổ kim loại sử.
    21. Hán thư, Tấn thư.
    22. Thông điển, Tục thông điển.
    23. Thông chí, Tục Thông chí.
    24. Văn hiến thông khảo, Tục Văn hiến thông khảo.
    25. Từ điển Văn học (Bộ mới).
    v.v ...
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    Ả CHỨC

    Xem Chức Nữ. (Bổ sung sau).​

    Khác gì ả Chức, chị Hằng
    Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.

    (Nguyễn Gia Thiều)​


    Ả HÀN THAN

    Tức Đào Thị. (Bổ sung sau).​


    Ả HẰNG

    Tức Hằng Nga. Xem Hằng Nga. (Bổ sung sau).​

    Bây giờ e lệ chưa tường
    Lâu lâu lại lấp lánh gương ả Hằng

    (Phan Trần)​


    Ả LÝ

    Nàng Lý Ký sống vào thời Hán Vũ đế.

    Sưu thần ký: Quận Mãng Trung đất Đông Việt có cái hang núi có con rắn to. Hàng năm, nhân dân phải cúng cho nó một đồng nữ. Có một năm, viên quan lệnh lùng tìm đồng nữ mà chẳng được ai. Bấy giờ, ở huyện Tương Lạc có người con gái tên là Ký muốn nhân dịp này bán mình lấy ít tiền nuôi cha mẹ. Nàng bèn trốn đến cửa quan tự bán mình nộp thần rắn và xin một thanh gươm tốt, một con chó dữ. Đến ngày lễ thần rắn, Lý Ký cầm gươm dắt chó ngồi chờ sẵn trong miếu. Con rắn khổng lồ từ trong hang bò ra, Ký thả chó ra cắn còn nàng theo sau dùng gươm chém. Rắn bị thương đau đớn, lao vọt ra khỏi hang đến trước sân miếu thì chết. Việt Vương Hán Vũ đế (Tức Đông Việt Vương, Đông Việt là tên nước được lập ra từ năm Kiến nguyên, năm 140 trước công nguyên) nghe biết chuyện bèn đón vào cung lập làm hoàng hậu.​

    Dâng thư đã thẹn nàng Oanh
    Lại thua ả Lý bán mình hay sao?

    (Nguyễn Du)​


    Ả TẠ

    Nàng Tạ Đạo Uẩn đời Tấn.

    Thông chí: Tạ Đạo Uẩn là con gái An Tây tướng quân Tạ Dịch đời Tấn. Nàng nổi tiếng thông minh, học rộng, có tài biện luận, giỏi thơ văn. Tạ Dịch ngưòi đất Dương Hạ, chú Tạ Đạo Uẩn là Tạ An thường hỏi Kinh thi, nàng đều trả lời rành rọt. Một hôm, nhân họp mặt gia đình, gặp buổi tuyết xuống, Tạ An hỏi: "Cảnh tuyết rơi có thể ví với cái gì được ?" Người cháu tên Lãng thưa: "Tán diêm không trung sai khả nghĩ" (Có thể ví với muối tán nhỏ bay không đều nhau trong không trung). Đạo Uẩn lại nói : "Ví nhược liêu nhữ nhân phong khởi" (Không bằng ví với sợi bông liễu bay khi gió thổi). Tạ An phục tài.​

    Khen tài nhả ngọc phun châu,
    Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!

    (Nguyễn Du)​


    Ả TỐ NGA

    Xem Tố Nga. (Bổ sung sau).​

    Đầu lòng hai ả tố nga
    Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

    (Nguyễn Du)​


    ÁC

    Theo Ngũ kinh thông nghĩa, tục truyền trên mặt trời có con kim ô (tức ác vàng hay quạ vàng) ba chân.

    Do đó kim ô hoặc nói tắt là ô, ác đều chỉ mặt trời.​

    Trải bao thỏ lặn ác tà.
    Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm

    (Nguyễn Du)​


    ÁC VÀNG

    Xem Ác.​


    ẢI DU

    Cửa ải phía Tây Bắc Trung Quốc. Mông Điềm đời Tần từng dựng ải ở đây để chống Hung Nô.​


    ẢI LANG:

    Cửa ải có đốt khói bằng phân chó sói để báo hiệu khi có giặc đến. Xem Khói lang. (Bổ sung sau).​

    Một cơn gió bẻ chồi khô,
    Ải lang dứt dấu ngựa Hồ vào ra.

    (Lê Ngô cát, Phạm Đình Toái)​


    ẢI NHÀN

    Tức cửa ải Nhạn Môn Quan (thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), một trong những cửa ải hiểm trở, khi nào cũng có quân đóng giữ để phòng giặc ngoại xâm.

    Chỉ nơi xung yếu.​

    Rợ Hồ rông thói con kiêu,
    Ruổi mù bụi ngựa, trẩy theo ải nhàn.

    (Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)​


    AM HÁN CHÙA LƯƠNG

    Chữ gọi chung những am đạo thờ thần tiên thời Hán Vũ đế và những chùa thờ phật thời Lương Vũ Đế, từ này dùng chỉ những lề thói mê tín, những tà giáo nhờ thế mà dấy lên.

    Thông chí: Hán Vũ đế rất tin đạo thần tiên, chuộng việc xây dựng các đền đài. Còn Lương Vũ Đế ban đầu trọng Nho, về sau lại sùng Phật, cho xây dựng rất nhiều chùa ở kinh. Đương thời đã có nhiều người dân biểu can ngăn.

    Xem Phật biểu họ Hàn. (Bổ sung sau).​


    AN KỲ SINH

    Người nhà Tần, rất giỏi thuốc.

    Tần Thủy Hoàng mời, ông không ở lại mà trốn ra chốn Bồng Lai. Đời sau xếp ông vào loại thần tiên.​


    AN TÔN

    Tên một làng ở huyện Vĩnh Phúc, nay là Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Họ Hồ thiên đô từ Thăng Long vào đấy.​


    ÁN ANH

    Tức Yến Tử. (Bổ sung sau).​


    ÁN ĐỒ

    Từ chữ an đổ (yên vách). Xem Án đổ.

    Nói chính sách yên dân, theo lề thói cũ là làm cho dân được an cư lạc nghiệp.

    Hán thư: Bái công đóng quân ở Bái thượng, triệu tập hào kiệt lại nói: Ta cam kết với các vị phụ lão: Pháp luật rút gọn lại 3 điều: Ai giết người thì phải chết, làm người bị thương và ăn trộm thì phải tội. Bỏ tất cả luật pháp nhà Tần, quan dân sống yên ổn như cũ (Lại dân án đồ như cố)".​


    ÁN ĐỔ

    Theo thứ tự các bức tường vách.

    Hán thư: "Sử dân án đổ như cố" (Khiến dân cứ theo thứ tự tường vách như cũ). Ý nói cứ theo lệ cũ, không xáo trộn, làm cho dân được an cư lạc nghiệp.​

    Ngoài sáu tỉnh hãy ngợi câu án đổ
    Dân thờ vua đặng lẽ sống vui.

    (Nguyễn Đình Chiểu)​


    ÁN HỌ MẠNH

    Cái khay đựng thức ăn của nàng Mạnh Quang.

    Theo Hán sử, nàng Mạnh Quang rất kính trọng chồng, khi dọn cơm cho chồng là Lương Hồng nàng thường nâng khay lên ngang mày, không dám ngửa mặt trông lên. Lễ giáo phong kiến coi hành động đó là một biểu hiện tốt của tư cách người làm vợ.​

    Án họ Mạnh những ngang mày nẩy mực,
    Ấm êm đàng hương lửa phải duyện.

    (Nam hải tế văn)​


    ÁN NÂNG NGANG MÀY

    Xem Án họ Mạnh.​

    Án kia nângngang mày
    Sạch trong một tiết thảo ngay một bề.

    (Quan Âm Thị Kính)​

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/4/14
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ÁN TUYẾT

    Chiếc án có ánh tuyết soi vào. Chỉ chiếc án để đọc sách.

    Theo Thượng hữu lục, Tôn Khang, người đời Tấn chăm học, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua dầu phải nhờ ánh sáng của tuyết mà đọc sách.

    Củi quế, gạo châu, kham khổ nàm chung trường ốc;
    Song huỳnh, án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.

    (Hồng Đức quốc âm thi tập)​



    ANH QUAN

    Quấn ngược dải mũ.

    Mạnh Tử: "Bí phát quan anh nhi vãng cứu chi" (Búi tóc lên và quấn ngược dải mũ mà chạy đến cứu).

    Ý nói hết sức vội vã.

    Chung nhau sống há riêng nhau chết,
    Chữ anh quan thôi xếp sách thấy Kha.

    (Văn tế đồng bào Nghệ Tĩnh chết về nạn lụt)​


    AO HÁN

    Cái ao trong cung vua Hán.

    Theo Hán thư, Cung Toại, một danh tướng đời Hán Tuyên Đế có nói: “Xích tử đạo lộng bệ hạ chi binh ư hoàng trì chi trung nhĩ” (Trẻ con trộm phép khua múa binh khí của nhà vua ở trong ao của nhà vua).

    Chỉ cuộc nổi dậy nhỏ chống lại triều đình. Xem Con đỏ. (Bổ sung sau).

    Làn nước phẳng kình trầm ngạc lặn;
    Ao Hán nào mấy trẻ reo hò.

    (Nguyễn Huy Lượng)​


    ÁO GẤM MẶC VỀ

    Mặc áo gấm trở về làng. Xem Gấm ngày. (Bổ sung sau).

    Cũng đừng áy náy lòng quê,
    Bao giờ áo gấm mặc về mới cam.

    (Phan Trần)​


    ÁO GIỚI LÂN

    Giới là vỏ cứng, lân là vảy cá. Giới lân hay lân giới là vỏ rùa, vảy cá. Áo giới lân là thứ áo giáp che chở cho thân thể của chiến binh, ví như cái vỏ che thân của loài rùa, loài cá.

    Áo giới lân trùm dưới cơ phu,
    Mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.

    (Cao Bá Quát)​


    ÁO LAI

    Chiếc áo của Lão Lai Tử. Xem Sân Lai. (Bổ sung sau).

    Áo Lai chưa múa sân này,
    Thời đem kinh bố mà thay gọi là.

    (Quan Âm Thị Kính)​


    ÁO TRẮNG, MUÔNG ĐEN

    Cái áo màu trắng biến thành con muông (con thú) màu đen.

    Ý nói sự vật đổi dời nhanh chóng như đám mây trên trời khi thì có hình cca1i áo trắng, thoắt một cái lại biến thành hình con muông đen. Xem Thương cẩu; Vân cẩu. (Bổ sung sau).

    Phù vân một đóa bay đi,
    Khi thì áo trắng, khi thì muông đen.

    (Quan Âm Thị Kính)​


    ĂN CHẲNG CẦU NO

    Do tiếng Hán thực vô cầu bão.

    Luận ngữ: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (Người quân tử ăn không cần no, ở không cần yên).

    Ý nói mải lo đến đạo, không nghĩ đến thân.

    Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch,
    Người quân tử ăn chẳng cầu no.

    (Nguyễn Công Trứ)​


    ẨN CẢ

    Do tiếng Hán đại ẩn.

    Thơ Vương Khang Cự đời Tấn: “Tiểu ẩn ẩn lăng tẩu, đại ẩn ẩn triều thị” (Kẻ ẩn sĩ nhỏ thì ẩn ở nơi gò đầm, người ẩn sĩ lớn thì ẩn ở giữa triều đình, thành thị).

    Ta nếu ở đâu vui thú đấy,
    Người xưa ẩn cả, lọ lâm tuyền.

    (Nguyễn Trãi)​


    ÁP NHA

    Tức Cảo Áp Nha, người giúp Lưu Vô Song đoàn tụ cùng chồng.​


    ẤP CÂY

    1. Ôm chặt cây cột cầu chờ đợi.

    Theo Trang Tử, Vỹ Sinh người nước Lỗ thời Xuân Thu, cùng hẹn với một người con gái gặp nhau ở dưới chân một chiếc cầu. Người con gái không đến, Vỹ Sinh thủ tín cứ ngồi đợi mãi đến khi nước dâng lên cũng không chịu bỏ đi, cứ ngồi ôm trụ cầu mà chết.

    Ý nói quyết tâm chờ đợi đến cùng, liều thân mà thủ tiết.

    Tháng tròn như gửi cung mây
    Trần trần một phận ấp cây đã liều.

    (Nguyễn Du)​

    2. Ngồi mãi ở gốc cây chờ đợi.

    Theo Hàn Phi Tử, thời Xuân Thu có người nước Tống đang cày ruộng, bỗng thấy một con thỏ đâm đầu vào gốc cây mà chết. Anh ta bèn bỏ cày, đến đợi bên gốc cây, mong lại bắt được con thỏ khác. Nhưng đã không được thỏ, lại còn bị người chê cười là ngốc.
    Trông mong đã trót một giờ
    Ấp cây mãi thế mà chờ cũng quê.

    (Bích câu kỳ ngộ)​


    ẤU AN

    Tên tự của Quản Ninh. (Bổ sung sau).​

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/4/14
  7. dong

    dong Mầm non

    Cám ơn bạn rất nhiều bài viết rất hay và bổ ích. Mình thích lắm. Mong sẽ có nhiều bài viết như vầy nữa bạn ơi!!!!
     
    teacher.anh and tducchau like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Bài đọc thêm:


    ÁN BINH BẤT ĐỘNG
    按 兵 不 動
    (ĐÓNG QUÂN KHÔNG ĐỘNG)


    XUẤT XỨ: Phần “Chiêu loại” 昭 類 trong sách Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 có câu: “Triệu Giản Tử sắp đánh nước Vệ, bèn sai Sử Mặc đi trước thám sát tình hình kỳ hạn một tháng (phải trở về), nhưng tới 6 tháng mới quay trở về. Triệu Giản Tử hỏi: “Sao lâu đến thế?”. Sử Mặc đáp: “… họ được rất nhiều hiền thần phò tá”. Triệu Giản Tử bèn án binh không hành động nữa” (Triệu Giản Tử tương tập Vệ, Sử Sử Mặc vãng đổ chi. Kỳ dĩ nhất nguyệt, lục nguyệt nhi hậu phản. Triệu Giản Tử viết: “Hà kỳ cửu dã!” Sử Mặc viết: “…Kỳ tá đa hiền dã”. Triệu Giản Tử án binh nhi bất động. 趙簡子將襲衛 …)

    ["Triệu Giản Tử tương tập Vệ, Sử Sử Mặc vãng đổ chi. Kỳ dĩ nhất nguyệt, lục nguyệt nhi hậu phản. Triệu Giản Tử viết: “Hà kỳ cửu dã!” Sử Mặc viết: “…Kỳ tá đa hiền dã”. Triệu Giản Tử án binh nhi bất động. 趙簡子將襲衛 …),

    趙簡子將襲衛,使史黯往視之,期以一月六日而後反。
    趙簡子曰:“何其久也?” 趙黯曰:“… 其佐多賢矣。”趙簡子按兵而不動。]

    [xem www,bsm,org,cn/show_article.php?id=49]​


    GIẢNG NGHĨA: Ra lệnh cho quân đội tạm thời không hành động để chờ đợi thời cơ. Hiện nay câu này dùng để tỉ dụ thái độ sau khi đã nhận nhiệm vụ mà không chịu hành động.


    ĐIỂN TÍCH: Triệu GiảnTử là một trong “lục khanh” của nước Tấn vào cuối đời Xuân Thu. Ông là người cương nghị dũng cảm, tài lược rất cao, thường vâng lệnh đi sứ các nước hoặc chi huy quân đội đi thảo phạt các chư hầu phản loạn giữ vững địa vị bá chủ cho nước Tấn. Nhờ vậy, ông được vua Tấn tín nhiệm, tên tuổi danh vọng ông rất lớn trong số các đại thần. Đương thời ở phía đông nam nước Tấn có nước Vệ được coi là quốc gia nhỏ bé yếu nhược. Lúc Vệ Linh công trị vì, nước Vệ bị buộc phải kết minh với nước Tấn, trong thời gian dài phải nạp cống cho Tấn mà vẫn bị Tấn áp bức bóc lột.

    Vệ Linh công không có tài trí gì lớn, cũng chẳng biết dùng người hiền tài, nhưng được cái có cốt khí rất mạnh, không cam tâm bị sai khiến mãi, ông ta quyết tâm vượt qua.

    Năm 503 trước Công nguyên, Linh công kết minh ước với Tề Cảnh công rồi đoạn giao không quan hệ gì với tấn nữa. hành động bội phản Tấn về với Tề của Vệ làm vua tôi nước Tấn chấn động mạnh. Triệu Giản Tử nắm triều chính lập tức điều động quân đội, chuẩn bị đánh thủ đô Đế Khâu (nay thuộc Hà Nam) của Vệ với ý định dùng sức mạnh trị tội Vệ Linh công. Để đảm bảo thắng lợi. Trước khi xuất quân, Triệu Giản Tử phái đại phu thân tín Sử Mặc sang nước Vệ trinh thám tình hình. Giản Tử dặn: “ta nghe nói vua Vệ trong nước trừ khử hiền tài, tin dùng tiểu nhân, làm cho trên dưới chia rẽ, việc nước ngày càng xấu. Trong vòng một tháng ông cần điều tra nắm rõ tình hình. Tôi đợi ông quay về báo cáo rồi mới xuất quân”. Sử Mặc đi rồi, Giản Tử ra lệnh cho toàn quân khẩn trương tập luyện, tích cực chuẩn bị chiến đấu. Thế nhưng 1 tháng qua mau. Sử Mặc chưa thấy quay về. Tình hình bất ngờ ấy khiến Triệu Giản Tử thêm phần do dự. Lúc ấy có mưu sĩ nói với Triệu Giản Tử: “Qua thời hạn mà Sử Mặc chưa về, có thể ông ta đã bị Vệ giết chết. Sự thật Vệ là nước nhỏ không thể nào chống nổi nước Tấn, chúng ta chỉ cần vượt qua sông Hoàng hà, nước Vệ sẽ phải đầu hàng ngay. Xin Nguyên soái hãy sớm hạ lệnh xuất quân!” Triệu Giản Tử lắc đầu: “Vệ Linh công đã dám tuyệt giao với Tấn, nhất định là y sớm chuẩn bị rồi, chúng ta không nên khinh địch. Sử Mặc xưa nay là người cẩn thận, ông ta không quay về đúng hạn, có thể là đã phát hiện ra tình huống nào đó cần phải quan sát thêm. Việc xuất quân, cứ đợi Sử Mặc về cái đã!”. Thời gian một tháng qua đi, một hôm vào 6 tháng sau, Sử Mặc mới từ nước Vệ trở về. Triệu Giản Tử hỏi ông ta: “Tại sao ông đi quá lâu như vậy?” Tình hình nước Vệ ra sao? Có nên xuất quân ngay bây giờ không?” Sử Mặc báo cáo tình hình mới nhất đang diễn ra ở nước Vệ: Trước kia, Vệ Linh công trừ bỏ hiền thần Cừ Bá Ngọc, tin dùng tên tiểu nhân Di Tử Hà xu nịnh. Nay ông ta đã nghe lời can của trung thần Sử Thu, bãi bỏ Di Tử Hà, phong Cừ Bá Ngọc làm Tể tướng, Sử Thu làm phó tướng. Điều ấy rất được lòng dân nước Vệ. Để kích động lòng oán hận đối với kẻ thù, Linh công sai đại phu Vương Tôn Cổ tuyên bố công khai: “Tấn ra lệnh cho nước ta hễ nhà nào có hai chị em thì phải chọn một người gởi qua làm con tin ở Tấn”. Tin ấy loan truyền ra, dân nước Vệ khóc gào căm phẫn oán thù nước Tấn thấu xương. Sau đó, Linh công sai Vương Tôn Cổ điều động một số con gái nhà tông thất đại phu, chuẩn bị đưa sang nước Tấn. Hôm xuất phát, hàng vạn dân chúng chặn đường, không cho họ lên đường. Vương Tôn Cổ nói: “Không đưa con tin sang Tấn, Tấn sẽ đem quân đánh chúng ta thì sao?” Mọi người gầm thét dữ dội: “Cứ để chúng kéo quân đến đây, chúng tôi nhất định sẽ đánh lui chúng!”. Trước đây không lâu, Khổng Tử và đệ tử là Tử Cống từ nước Lỗ đến nước Vệ, được Linh công khoản đãi long trọng. Tử Cống còn được phong làm Tể tướng, phụ chính triều đình. Việc ấy đã trở thành chuyện hay ở thành Đế Khâu, có tác dụng rất lớn để Linh công chiêu nạp hiền tài, trấn định nhân tâm, củng cố sự thống trị nước Vệ.

    Sử Mặc báo cáo xong, nói thêm: ”Hiện nay ở nước Vệ hiền thần rất nhiều, dân khí phấn chấn, muốn dùng võ lực khuất phục họ chắc chắn phải trả giá cao. Xin nguyên soái hãy suy nghĩ cho kỹ!”. Triệu Giản tử nghe xong, lập tức hạ lệnh cho ba quân án binh bất động. Sau này, ông tâu xin với vua Tấn cho bãi bỏ kế hoạch đánh nước Vệ.


    (Theo Từ điển Thành ngữ, Điển tích Trung Quốc. NXBVHTT, 1999)​

    ______

    * NXBVHTT: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
    ** Để xem nguyên văn tại trang Web www,bsm,org,cn/show_article.php?id=49, các bạn thay các dấu phẩy ',' bằng dấu chấm '.' và thêm http:// ở trước. :)!
    Một số Bạn có cài phần mềm... huesoft/tracuu/viethan... có thể hữu ích khi xem. Xin cám ơn! (tdc).
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/16
    quocsan, tamchec, lichan and 4 others like this.
  9. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Chào mừng thầy đã trở lại.
     
    lichan, tducchau and teacher.anh like this.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BA CÂY

    Do tiếng Hán tam mộc.

    Theo Hán thư, tam mộc chỉ thứ hình cụ bằng gỗ thời xưa, tức là cái gông cổ, cái kẹp và cái cùm chân.

    Dạy rằng cứ phép gia hình,
    Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.

    (Nguyễn Du)​


    BA CÕI

    Do tiếng Hán tam giới.

    Sách nhà Phật cho rằng có ba cõi trời hay ba cõi thế giới là: dục giới tức cõi dục, sắc giới tức cõi sắc, vô sắc giới tức cõi vô sắc. Ở cõi dục thì người ta ai cũng có tình cảm dục vọng; ở cõi sắc thì người ta còn có hình sắc nhưng không còn tình dục nữa; ở cõi vô sắc thì đến cả hình sắc cũng không còn nữa, và đạt đến cảnh yên vui hơn hết.

    Tranh đồ thập cúng treo bày,
    Lòng đi ba cõi hương bay chín trời

    (Quan Âm Thị Kính)​


    BA DƯƠNG

    Do tiếng Hán tam dương.

    Người xưa cho rằng âm cực thì dương sinh. Mùa đông tháng mười là tháng lục âm (sáu âm), khí âm đã cực thịnh rồi, nên bắt đầu từ tháng mười một thì khí dương bắt đầu sinh dần. Tháng mười một là nhất dương (một dương) sinh, tháng chạp là nhị dương (hai dương) sinh, tháng giêng là tam dương (ba dương) sinh. Quẻ Thái trong Kinh Dịch có ba hào dương ở dưới, mà tháng giêng là tháng tam dương, nên thuộc quẻ Thái. Trước kia, vào ngày tết Nguyên đán, người ta thường viết bốn chữ "tam dương khai thái" (Ba dương mở đầu cho vận thái; tức vận tốt), dán trong nhà để cầu sự tốt lành trong năm mới.

    Ba dương đã gặp thuở thời vần,
    Bốn bề đều mừng một chúa xuân.

    (Hồng Đức quốc âm thi tập)​


    BA ĐIỀU SỢ

    Do tiếng Hán tam úy.

    Luận ngữ: "Quân tử hữu tam úy, úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn" (Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của bậc thánh nhân).

    Nho gia ngày trước thường lấy ba điều sợ kể trên để tự răn mình.

    Dương Quan Tây còn sợ bốn điều hay,
    Khổng Phu Tử những dạy ba điều sợ.

    (Nguyễn Cư Trinh)​


    BA MƯƠI SÁU CHƯỚC

    Theo Nam sử, Vương Kính Tắc có nói: "Trong ba mươi sáu chước của Đàn Công, chạy là kế cao hơn cả". Ý nói chẳng còn cách nào hơn là bỏ chạy, chạy trốn.

    Thừa cơ lẻn bước ra đi,
    Ba mươi sáu chước, chước gì hay hơn.

    (Nguyễn Du)

    Bàn thầm mọi lẽ thấp cao,
    Ba mươi sáu chước, chước đào là hơn.

    (Quan Âm Thị Kính)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/16
    lichan, Cải, teacher.anh and 2 others like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Bài đọc thêm:

    ẨU TÂM LỊCH HUYẾT
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 嚦 血
    (MỬA LÒNG CHẢY MÁU)


    XUẤT XỨ: Trong bài “Lý Trường Cát tiểu truyện” của Lý Thương Ẩn đời Đường có câu: “gặp điều tâm đắc, tức thì viết ra giấy bỏ vào túi vải. Đến chiều trở về, mẹ ông sai tì nữ lấy từ túi ra thấy nhiều giấy viết, bèn bảo: “là tâm huyết của con ta tuôn ra đấy!”” (Ngộ hữu sở đắc, tức đầu thư nang trung. Cập mộ quy, thái phu nhân sử tì thụ nang xuất chi, kiến sở thư đa, triếp viết: “Thị nhi yếu đương ẩu xuất tâm nãi dĩ nhĩ).


    GIẢNG NGHĨA: Câu “Ẩu tâm lịch huyết” này tỉ dụ sự dốc hết tâm huyết. Phần lớn dùng để hình dung công việc sáng tác rất gian khổ.


    ĐIỂN TÍCH: Thi nhân trứ danh đời Đường, Lý Hạ (sinh năm 790 – mất năm 816) là một kỳ tài chết yểu trong văn học sử Trung Quốc. Tuy ông chỉ sống 27 tuổi nhưng đã để lại khá nhiều bài thơ có phong cách nghệ thuật khác thường kỳ dị.

    Lý Hạ tên tự Trường Cát, người đất Xương Cốc, Phúc Xương (nay thuộc Hà Nam) xuất thân hoàng tộc nhưng không phải dòng chính. Cha ông, Lý Tấn Túc chỉ là 1 viên quan nhỏ ở biên cương, lại chết quá sớm. Vì vậy lúc nhỏ, gia cảnh nhà Lý Hạ có phần nghèo khổ. Tương truyền thi tài của Lý Hạ bộc lộ sớm, 7 tuổi ông đã giỏi từ chương, hơn 10 tuổi đã nổi tiếng văn đàn.

    Hàn Dũ và Hoàng Phủ Đề lúc ấy được gọi là bậc “Đông Kinh tài tử” và “Văn chương cự công” (tài tử ở Đông Kinh và ông lớn giỏi văn chương). Cả hai ông nghe thi tài Lý Hạ đều không tin, dự định tìm đến nhà Lý Hạ tìm hiểu. Hai ông đến nhà Lý Hạ, đưa ra đề thi tại chỗ yêu cầu Lý Hạ làm thơ ngay. Lý Hạ vung bút xong bài, họ lại thử vài lần nữa, không lần nào thơ Lý Hạ không xong tức khắc. Cả hai kinh ngạc mới tin thật là Lý Hạ có tài.

    Lý Hạ làm thơ không lập đề trước, mỗi lần ông đi ra ngoài đều cỡi một con ngựa nhỏ gầy, dẫn theo một tiểu đồng, lưng đeo túi vải, vừa đi vừa suy tư tìm ý. Tìm được câu hay, ông liền dùng bút nghiên mang theo ngồi trên lưng ngựa viết ngay rồi bỏ vào túi vải. Chiều tối quay về nhà, có lúc túi vải đầy ứ, có lúc túi vải rỗng không vì cả ngày vắt đầu nặn óc không ra một câu nào vừa ý. Mẹ ông đợi ông về nhà rồi sai nữ tì đón lấy túi kiểm tra. Nếu như thấy giấy viết quá nhiều, bà vừa thương vừa yêu, ai oán trách: “Con tuôn hết tâm huyết ra đây ư!”. Đúng là Lý Hạ đã tuôn toàn bộ tâm tình và huyết lệ vào thơ ca sáng tác của ông. Trong bài “Trường ca tục đoản ca” ông tự tả mình: “Trường ca phá y cấm, đoản ca đoạn bạch phát” (bài ca dài làm nát rách hết quần áo, bài ca ngắn làm rụng hết tóc trắng) rõ ràng thuyết minh ông sáng tác gian khổ.

    Hiện nay còn 4 quyển thơ Lý Hạ do thi nhân tự biên soạn hiệu đính là kết tinh nghệ thuật dốc hết tâm huyết của ông.


    (Theo Từ điển Thành ngữ, Điển tích Trung Quốc. NXBVHTT, 1999)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/16
    lichan, Cải, teacher.anh and 2 others like this.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BA NGÀN

    Tức ba ngàn thế giới.

    Theo đạo lý nhà Phật, hợp một ngàn thế giới lại thì thành tiểu thiên thế giới, hợp một ngàn tiểu thiên thế giới lại thì thành trung thiên thế giới, hợp một ngàn trung thiên thế giới lại thì thành đại thiên thế giới, gọi chung là tam thiên thế giới (ba ngàn thế giới). Ở trên tam thiên thế giới lại có hoa nghiêm thế giới…

    Ý nói thế giới là vô lượng, vô biên, không tưởng tượng được.

    Trong ba ngàn, Sãi vui để một bầu;
    Ngoài sáu đạo, Sãi vui không tam giới.

    (Nguyễn Cư Trinh)​


    BA QUÂN

    Theo binh chế nhà Chu ở Trung Quốc thì quân là tên một đơn vị gồm một vạn hai nghìn năm trăm binh sĩ. Vua nhà Chu có sáu quân, nước chư hầu lớn có ba quân.

    Về sau từ ba quân được dùng để chỉ quân đội nói chung.

    Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
    Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy.

    (Nguyễn Du)​


    BA SINH

    Theo giáo lý đạo Phật, người ta chết đi rồi lại sống kiếp khác, cứ như thế mãi, không thoát khỏi vòng sống chết. Ba sinh là ba kiếp sống liên tiếp: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau.

    Trong văn học cổ, ba sinh thường được dùng khi muốn nói đến mối duyên nợ ràng buộc hai người, mối duyên nợ từ kiếp trước truyền lại.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi.

    (Nguyễn Du)​


    BA TÀI

    Do tiếng Hám tam tài.

    Theo Kinh Dịch, tam tài là trời, đất và người.

    Ba tài chỉ vũ trụ và con người ở trong đó.

    Kiền khôn riêng quảy một bầu,
    Ngoài thâu tám cõi trong thâu ba tài.

    (Đào Duy Từ)​


    BA THÂN

    Các kinh sách của nhà Phật giải thích không giống nhau về ba thân. Đại để quan niệm về ba thân là pháp thân (chỉ bản chất của con người), báo thân (chỉ trí tuệ), hóa thân (chỉ sự biến hóa, ứng dụng, hành trạng).

    Ba thân chỉ toàn bộ con người. Ba thân lại còn có nghĩa là ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, như ba sinh.

    Xem Ba sinh.

    Ba thân phú quý nhờ ơn nước,
    Đôi chữ khanh tương dõi phúc trời.

    (Lâm tuyền kỳ ngộ)​


    BA THU

    1. Tháng chín, tháng thứ ba của mùa thu

    Bạch Đằng Giang phủ của Trương Hán Siêu có câu: “Thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu” (Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu) (tức cảnh tháng chín).


    2. Ba mùa.

    Kinh Thi: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không gặp người yêu, thấy dài như ba thu).

    Sách Thi sớ giải thích: mỗi mùa thu là ba tháng, ba thu là chín tháng.

    Sầu đong càng lắc càng đầy,
    Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

    (Nguyễn Du)​


    3. Theo phép hoán dụ, lấy một bộ phận để chỉ toàn thể, lấy mùa để chỉ năm, ba thu có nghĩa là ba năm.


    Thành sầu muôn dặm chồng xây ngất,
    Bể thảm ba thu chứa chất đầy.

    (Lâm tuyền kỳ ngộ)​
     
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Bài đọc thêm:


    ẨM THUẦN TỰ TÚY
    飮醇自醉
    (UỐNG RƯỢU NGON TỰ SAY)


    XUẤT XỨ: Phần "Chu Du truyện - Ngô chí" trong sách Tam Quốc chí do Bùi Tùng Chi chú dẫn có câu: "Giao thiệp quen biết với Chu Công Cẩn giống như uống rượu ngon, tự say lúc nào không biết" (Dữ Chu Công Cẩn giao, nhược ẩm thuần liêu, bất giác tự túy)


    GIẢNG NGHĨA: Thuần: loại rượu có nồng độ cao. Câu "Ẩm thuần tự túy" này nghĩa là uống loại rượu ngon nồng, không biết say từ bao giờ để tỉ dụ giao thiệp quen biết với bạn bè trung hậu khiến phẩm hạnh đức độ họ ảnh hưởng ngấm ngầm không tự giác.


    ĐIỂN TÍCH: Chu Du (sinh năm 175 - mất năm 210) tên tự Công Cẩn là danh tướng ở nước Ngô thời tam Quốc. Ông có dáng vẻ siêu phàm, tài hoa xuất chúng. Lúc 24 tuổi đã phụ tá Tôn Sách đánh nam dẹp bắc, kiến lập và củng cố khu vực Giang Đông cho chính quyền họ Tôn, cống hiến của ông rất lớn.

    Tôn Sách vô cùng tín nhiệm và kính trọng ông, phong ông làm Trung lang tướng, thường biểu dương công trạng ông với chư tướng. Tôn Sách thường nói với tôi thần: "Tình ta với Chu Công Cẩn như cốt nhục, cứ xét công lao và tài đức của ông ấy thì ta có thưởng phong bao nhiêu cũng chưa đủ!". Danh sĩ Kiều Công ở đất Cảo huyện (nay thuộc An Huy) có 2 cô nàng con gái diễm lệ là Đại Kiều và Tiểu Kiều, Tôn Sách cưới Đại Kiều, đồng thời nhường cho Chu Du cưới Tiểu Kiều. Tôn Sách vui vẻ nói với Chu Du: "Kiều công có 2 người con rể như chúng ta đáng gọi là xứng tâm mãn ý lắm rồi!". Do đó đủ biết lòng yêu quí của Tôn Sách đối với Chu Du.

    Năm 200, Tôn Sách chết, để báo đáp ơn tri ngộ của Sách, Chu Du tận tâm kiệt lực phò tá Tôn Quyền, em trai Tôn Sách, tăng cường thực lực, củng cố chính quyền. Ngoài tài năng quân sự và chính trị, Chu Du còn có ưu điểm đặc biệt là tấm lòng rất rộng rãi, khí lượng rất lớn, bất cứ ai xúc phạm tới ông, ông cũng không để tâm thù oán, nhờ vậy ông rất được lòng người.

    Văn võ bá quan trong triều cũng thích kết giao với ông, chỉ có một mình Trình Phổ tỏ ý bất mãn ông. Trình Phổ tên tự Đức Mưu cũng là một dũng tướng nổi tiếng của nước Ngô. Trong các tôi thần, Phổ lớn tuổi nhất và từng trải cũng nhiều nên được các bạn đồng liêu kính trọng gọi là Trình công. Trình Phổ thấy Chu Du trẻ tuổi đắc chí địa vị cao hơn cả mình nên trong bụng uất ức không phục, muốn rình cơ hội hạ thấp uy tín Chu Du và đề cao tên tuổi mình. Chu Du biết điều ấy, lúc nào cũng khiêm nhượng nhường nhịn Trình Phổ để tránh xảy ra xung đột. Một lần, Chu Du ngồi xe ra ngoài, đụng ngay Phổ cũng ngồi xe đi lại, Du lập tức ra lệnh cho người đánh xe tránh sang một bên, nhường xe của Phổ qua trước, Trình Phổ cảm thấy rất đắc ý. Trong trận đánh đại bại Tào Tháo ở Xích Bích, Chu Du và Trình Phổ chia nhau đảm nhiệm chức Tả Hữu Đô đốc của quân Ngô, nhưng sách lược chiến đấu chủ yếu vẫn do Chu Du hoạch định. Sau trận ấy, Trình Phổ thường khoe khoang bản thân, hạ thấp Chu Du. Chu Du nghe được chỉ nói: "Lúc ấy tuổi tôi còn trẻ lắm, không được Trình công giúp đỡ chắc tôi không thể thắng". Thái độ khiêm tốn nhường nhịn của Chu Du khiến Trình Phổ có chút ít xúc động. Để không còn hiềm khích, nhiều lần Chu Du chủ động đến phủ Trình Phổ thăm hỏi, biểu lộ ý thành khẩn muốn kết giao với Phổ. Cuối cùng Phổ đành quên oán hận, kết bạn với Chu Du.

    Sau này, Phổ thường xúc động nói: "Kết giao với Chu Công Cẩn đúng là như được uống rượu ngon, không biết say tự bao giờ". Câu thành ngữ "Ẩm thuần tự túy" (Uống rượu ngon tự say) xuất xứ từ đó.


    (Theo Từ điển Thành ngữ, Điển tích Trung Quốc. NXBVHTT, 1999)​
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BÀN KHÊ:

    Ngòi Bàn Khê chảy vào sông Vị. Khương Thượng tự Tử Nha, hiệu Thái Công Vọng hay Lữ Vọng, về ẩn và câu cá ở đấy. Vua Văn Vương nhà Chu đi săn, gặp ông và mời ông ra giúp việc, hki đó Lữ Vọng đã tám mươi tuổi.

    Xa xem thấy Thiên Thai vòi vọi,
    Bàn Khê đầu điểm tuyết là ai.

    (Đào Duy Từ)​


    BÁN HÙM BUÔN SÓI:

    Do tiếng Hán mại lang mãi hổ.

    Sách Kỳ quan: "Mại lang mãi hổ, tả quyển vô bằng" (Bán sói mua hùm, viết văn tự không có bằng cứ).

    Chỉ việc vu vơ, không đảm bảo.

    Nữa khi muôn một thế nào,
    Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu.

    (Nguyễn Du)​


    BÁN THỎ BUÔN HẦM (HÙM):

    Bán con thỏ đã có trong tay để mua con hùm còn ở trên rừng.

    Nói sự phiêu lưu; bỏ sự yên lành, chắc chắn, theo đuổi sự nguy hiểm bấp bênh.

    Xem loài bán thỏ buôn hầm,
    Thấy mồi như trĩ bởi tham mắc dò.

    (Trinh thử)​


    BẢN TRÚC:

    Xây tường.

    Phó Duyệt, trước khi ra giúp vua nhà Thương, làm nghề xây tường.

    Tiếc tài cả phạn ngưu, bản trúc;
    Dấu xưa ông Phó, ông Hề.

    (Nguyễn Công Trứ)​


    BÀNG QUYÊN:

    Danh tướng nước Ngụy đời Chiến Quốc. trước cùng học binh pháp với Tôn Tẫn. Biết mình không bằng Tôn Tẫn, Bàng Quyên âm mưu lừa Tẫn và dùng hình pháp chặt chân Tẫn. Tôn tẫn bỏ Ngụy sang Tề. Về sau, Bàng Quyên cầm quân nước Ngụy đi đánh nước Hàn. Nước hàn báo cho nước Tề biết. Tôn Tẫn làm quân sư nước tề, dẫn đại quân nước Tề đi đánh Bàng Quyên ở đường Mã Lăng. Tẫn sai người đẽo vỏ cây bên đường rồi viết vào chỗ đẽo mấy chữ: "Bàng Quyên chết dưới cây này". Đang đêm, Bàng Quyên đến, quân Tề phục sẵn bắn ra như mứ. Quyên tự đâm cổ chết.

    Nỏ trời phục cửa Kiếm Môn,
    Mã Lăng mất vía Bàng Quyên khác gì.

    (Đào Duy Từ)​


    BẢNG MAI:

    Bảng yết tên những người đỗ đầu trong kỳ thi hội. Vì hoa mai nở vào cuối tháng chạp đầu tháng giêng âm lịch, trước tất cả các loài hoa cho nên người xưa gọi bảng yết tên những người đỗ đầu là bảng mai.

    Hội xuân dù chiếm bảng mai,
    Cảm công đèn sách dùi mài bấy lâu.

    (Lưu nữ tướng)​


    BẢNG VÀNG BIA ĐÁ:

    Bảng vàng là bảng thời xưa yết tên những người thi đỗ; Bia đá là bia khắc công trạng những người có công lớn hay những người đỗ tiến sĩ.

    Ở nước ta, từ đời Hậu Lê, cứ mỗi khoa thi hội, nhà vua sai khắc tên những người đỗ tiến sĩ vào bia đá, dựng ở sân nhà Văn Miếu.

    Vì thế, bảng vàng bia đá thường dùng để chỉ sự đỗ đạt.

    Bảng vàng bia đá nghìn thu,
    Phan Trần hai họ cửa nho dõi truyền.

    (Phan Trần)​


    BẢNG XUÂN:

    Bảng yết tên những người thi đỗ trong kỳ thi hội (thi đỗ tiến sĩ). Thi hội mở về mùa xuân cho nên gọi bảng đó là bảng xuân.

    Chế khoa gặp hội tràng văn,
    Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.

    (Nguyễn Du)​


    [...]
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BẠCH DIỆN THƯ SINH

    Người học trò mặt trắng.

    Tống thư: “Dục phạt quốc nhi dữ bạch diên thư sinh mưu chi, sự hà do tế?” (Muốn lấy nước người mà lại mưu toan với hạng học trò mặt trắng thì việc làm sao thành công được?).

    Chỉ người thư sinh, ít kinh nghiệm.

    Chớ tin bạch diện thư sinh,
    Một văn luận thử mà tin già này.

    (Trinh thử)​


    BẠCH KHỞI

    Người thời Chiến Quốc, tướng giỏi của nước Tần, trước sau hạ hơn bảy mươi thành của quân địch. Sau trận Trường Bình, Bạch Khởi giết sạch bốn mươi vạn quân Triệu đã đầu hàng.

    Thây chan chan lấp nội Trường Bình,
    Giận Bạch Khởi ra oai rất dữ.

    (Nguyễn Cư Trinh)

    Dưới màn nhớ tơ tưởng Di Ngô,
    Trên ngựa những băn khoăn Bạch Khởi.

    (Đặng Trần Thường)​


    BẠCH MAO

    1. Cờ mao trắng.

    Theo Từ nguyên, cờ mao là thứ cờ ở cán có tết một mớ lông đuôi trâu trắng. Cờ mao tượng trưng cho mệnh lệnh của nhà vua. Sứ giả của vua thường mang cờ mao.

    Bạch mao chịu dưới đan trì,
    Tạ ơn tứ mệnh trở về sửa sang.

    (Lưu nữ tướng)​

    2. Một thứ cỏ thường dùng để lợp nhà.

    Lều bạch mao mảng học chàng Tôn,
    Miền lục dã biếng tìm người Tịch.

    (Nguyễn Hàng)​


    BẠCH SINH

    Tức Bạch Khởi. Xem Bạch Khởi.

    Lượng gã Bạch Sinh nào có mấy,
    Tài người quân tử há đâu nhiều,

    (Nguyễn Bỉnh Khiêm)​


    BẠCH TUYẾT

    Khúc hát cổ, do nhạc công nổi tiếng Sư Khoáng chế ra.

    Trong bài Đối Sở vương vấn (Trả lời câu hỏi của vua Sở) của Tống Ngọc đời Chiến Quốc có câu: “Kỳ vi dương xuân bạch tuyết, quốc trung nhi họa giả, bất quá sổ thập nhân” (Khi hát mừng những khúc dương xuân bạch tuyết thì người trong nước hòa theo được bất quá vài mươi người).

    Nói về các áng văn hay.

    Miễn là lầm lỗi theo lời,
    Chẳng ca Bạch Tuyết, chẳng tài Thanh Liên.

    (Nữ tú tài)​


    BẠCH VÂN

    Mây trắng. Xem Mây trắng. (Bổ sung sau).

    Bạch vân khuất nẻo xa xa,
    Song thân ta đấy là nhà phải không?

    (Quan Âm Thị Kính)​


    BÁI VIỆT

    Bái là một thứ cờ nhiều sắc, việt là một thứ búa lớn. Bái việt tượng trưng cho võ tướng.

    Nhớ phen bến Nhị thuận buồm,
    Hội bái việt chín châu lừng lẫy.

    (Văn tế vua Quang Trung)​


    [...]
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Bài đọc thêm:


    BAN MÔN LỘNG PHỦ
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 弄 斧
    (MÚA BÚA TRƯỚC CỬA LỖ BAN)


    XUẤT XỨ:

    Trong bài “Vương thị Bá trọng xướng họa thi tự” của Liễu Tông Nguyên đời Đường có câu: “Múa búa ở cửa Lỗ Ban và Sính Thực là bôi mặt vậy” (Thao phủ ư Ban, Sính chi môn, tư cưỡng nhan nhĩ).


    GIẢNG NGHĨA:

    Ban: Lỗ Ban, người thợ giỏi đời cổ. Sính: người thợ giỏi ở Sính đô, nước Sở.

    Trước cửa Lỗ Ban mà múa búa, hành động ấy tỉ dụ việc khoe bản lãnh tầm thường trước mặt bậc thầy.


    ĐIỂN TÍCH:

    Khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc, có một người thợ giỏi nổi tiếng, theo truyền thuyết ông họ là Công Thâu tên Ban, vì ông sinh ra ở nước Lỗ nên được gọi là Lỗ Ban.

    Sau này Lỗ Ban đến nước Sở, ở lại đây trong thời gian dài. Lúc ấy nước Sở và nước Việt thường xảy ra chiến tranh và nước Sở thường bị nước Việt đánh bại. Vì muốn thay đổi tình trạng bại trận ấy, Lỗ Ban phát minh cho nước Sở một loại võ khí tên gọi là “Câu cư”, nó có thể giúp chận đứng chiến thuyền của địch. Ngoài ra, ông còn chế tạo một loại “Vân thê” (thang mây, thang cao tới mây) dùng đề tấn công thành trì của địch. Chẳng những Lỗ Ban phát minh ra nhiều loại vũ khi, ông còn chế tạo ra nhiều công cụ bằng gỗ, tu sửa không ít cầu cống, cung điện, vì vậy sau này các thơ xây dựng đều tôn ông là “tổ sư” của nghề này. Tên tuổi thợ giỏi Lỗ Ban truyền từ đời này sang đời kia.

    Đến triều Minh, có một văn nhân tên Mai Chi Hoán đi du lãm miền Thái Thạch, đến thăm mộ thi nhân đời Đường Lý Bạch, nhìn thấy trước mộ bia Lý Bạch chép đầy thơ vịnh của các thi nhân đời sau nhưng không có bài nào hay. Mai Chi Hoán bèn cảm xúc viết một bài: “Thái Thạch giang biên nhất đôi thô. Lý Bạch chi danh cao thiên cổ. Lai lai vãng vãng nhất thú thi. Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ”

    “Mộ xưa Thái Thạch bên sông,
    Tuổi tên Lý Bạch cao cùng ngàn xưa.
    Ngày nay thơ chép sờ sờ,
    Khác nào múa búa trước nhà Lỗ Ban.”
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    MỘT HAI NGHIÊNG NƯỚC NGHIÊNG THÀNH


    Dùng lối ước lệ, tác giả “Truyện Kiều” (1), thi hào Nguyễn Du miêu tả sắc đẹp của Vương Thuý Kiều, có câu:

    “Làn thu thuỷ nét xuân sơn,
    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh,
    Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
    Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”.


    (Câu 25 đến 28)​

    Khi tả Kim Trọng mơ nhớ, tương tư Kiều:

    “Phòng văn hơi giá như đồng,
    Trúc se ngọn thỏ ta chùng phím loan.
    Mành tương phân phất gió đàn,
    Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi
    (2) đem thói khuynh thành trêu ngươi”

    (Câu 253 đến 258)​

    Và, khi tả Thúc Sinh say mê, dan díu Kiều:

    “Miệt mài trong cuộc truy hoan,
    Càng quen thuộc nết càng dan díu tình.
    Lạ cho cái sóng khuynh thành,
    Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.”


    (Câu 1299 đến 1302)​


    Đời nhà Hán, vua Võ Đế (140 – 86 trước D.L) vốn người háo sắc. Vua không than thở vì mình chưa làm gì cho dân được hạnh phúc cơm no áo ấm, mà ngược lại thường than thở trong đời mình chưa được người đẹp nào vừa lòng để âu yếm trong vòng tay. Nhà vua thường trách:

    – Trẫm xây đền Minh Quang kén hai ngàn gái đẹp ở vùng Yên, Triệu (3). Quá 30 tuổi sa thải, cho về quê. Thế mà trong dịch đình có trên mười ngàn gái đẹp nhưng chưa có một ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc!

    Bấy giờ có người phường chèo danh tiếng tên Lý Diên Niên hầu trong nội điện, có người em gái sắc đẹp tuyệt vời đương làm nàng hầu cho Công chúa Bình Dương. Nghe vua than như thế, nhân một hôm hát chầu nhà vua, Lý hát một bài:

    “Bắc phương hữu giai nhân,
    Tuyệt thế nhi độc lập.
    Nhứt cố khuynh nhân thành,
    Tái cố khuynh nhân quốc. (4)
    Khởi bất tri
    Khuynh thành dữ khuynh quốc,
    Giai nhân nan tái đắc”.​

    Nghĩa :

    “Phương Bắc có giai nhân,
    Tuyệt vời đứng riêng bực.
    Một nhìn người nghiêng thanh,
    Nhìn lại người nghiêng nước.
    Lẽ nào không biết được,
    Người đẹp thành nước nghiêng.
    Người đẹp khó tìm gặp.”

    (Bản dịch của Vô Danh)​

    Nghe hát, nhà vua thở dài:

    – Thế gian quả có người đẹp đến thế chăng?

    Công chúa Bình Dương nhân đứng hầu bên cạnh, tâu:

    – Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, còn hơn người trong bài hát ấy nữa.

    Nhà vua truyền đòi vào xem mặt. Quả là một giai nhân tuyệt sắc. Nàng lại giỏi nghề múa hát. Nhà vua đắm đuối say mê, liền phong làm phu nhân, từ ấy quyến luyến không lúc nào rời.

    Sau khi sinh một đứa con trai, một hôm nàng lâm bịnh nặng, nhà vua đến tận giường bịnh thăm hỏi. Nàng kéo mền che kín mặt, tâu:

    – Thiếp bịnh từ lâu, hình dung tiều tuỵ, không dám đem cái nhan sắc ủ dột tàn phai ra mắt đấng quân vương. Thiếp xin gởi lại nhà vua một đứa con bé nhỏ và mấy người anh em của thiếp.

    Võ đế ngậm ngùi, bảo:

    – Phu nhân bịnh nặng khó qua khỏi được, thì hãy dở mền cho ta nhìn mặt há chẳng làm cho ta được thoả lòng sao ?

    Nàng vẫn che kín mặt, từ chối:

    – Theo lễ vua tôi, chồng vợ, đàn bà mặt không sạch tất không được ra mắt vua hay chồng. Vậy thiếp mong nhà vua tha thứ.

    Nhà vua cố nài nỉ. Nàng vẫn thở dài úp mặt vào trong, không nói gì, vẫn giữ chặt lấy mền. Võ đế tức quá, đứng phắt dậy ra về. Nhiều người sợ nhà vua giận nên có ý trách nàng. Nàng trả lời:

    – Đàn bà thường lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình yêu dễ sinh phai lạt. Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc ta mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu xa. Bây giờ nhìn mặt ta, nhà vua sẽ chán thì khi nào người còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa.

    Thật đúng như lời than của Khổng Tử: “Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy” (Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã) (5)

    Sau đó nàng chết. Hán Võ đế chôn cất rất long trọng, lại truyền thợ hoạ vẽ hình nàng – tất nhiên tưởng nhớ lại hình dáng khi nàng chưa bịnh – để treo ở cung Cam Tuyền, và phong cho anh em nàng quan tước cao. Ngày tháng trôi qua, nhưng hình bóng người đẹp vẫn lởn vởn trước mắt.

    Đời nhà Đường (618 – 907), vua Đường Minh Hoàng dắt Dương Ngọc Hoàn (tức Dương quý Phi) thưởng hoa ở đình Cẩm Hương. Trong lúc cảm hứng, vua cho vời Lý Bạch đến bảo làm ngay 3 bài thơ “Thanh bình điệu”. Thi hào họ Lý còn say rượu, nhưng cầm bút viết luôn một mạch 3 bài thơ. Mỗi bài 4 câu. Bài thứ ba có câu:

    “Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
    Thường đắc quân vương đái tiếu khan”.​

    Ngô Tất Tố dịch:

    “Danh hoa nghiêng nước sánh đòi vai,
    Để xứng quân vương một nụ cười.”

    Nghiêng nước nghiêng thành” hay “khuynh quốc khuynh thành” xuất xứ ở điển tích trên, chỉ một gái có sắc đẹp tuyệt thế.

    Trong “Truyện Kiều”, tác giả mượn điển tích theo thiên nhiên (trời ban cho) thì “sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”. Khi chuyển sang đối với Kim trọng vì tương tư Kiều nên trách mình bằng một lời trống không (hay trách trời, hay trách Kiều cũng thế), nếu không duyên số thì đem thói “khuynh thành” trêu ngươi làm gì? Đặc biệt và khác hơn, khi chuyển sang Thúc Sinh – một tên đi buôn đã có vợ, sợ vợ mà còn muốn gái đẹp làng chơi, muốn lấy vợ lẽ – thì tác giả lại cực tả “Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi’. Nhứt là tác giả dùng tiếng “sóng” (sóng khuynh thành) để chỉ một sức mạnh dữ dội của sắc đẹp qua câu thành ngữ Việt Nam “Gái quốc sắc như con sóng lượn, trai anh hùng như chiếc thuyền nghiêng”, hay “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc đẹp không có sóng mà dễ nhận chìm người). Qua bút pháp của tác giả, chúng ta thấy:

    Sắc đẹp mà trời ban cho Kiều, đối với thiên nhiên hay đối với Kiều:

    “Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
    Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”.

    Thì thực là hồn nhiên, êm ả.

    Đối với Kim Trọng, ý trung nhân của Kiều, mơ nhớ tương tư Kiều:

    “Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.”

    Thì thực là ai oán, não nùng.

    Đối với Thúc Sinh, một thương buôn “trăm nghìn đổ một trận cười như không”:

    “Lạ chi cái sóng khuynh thành,
    Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.”

    Thì thực là mãnh liệt.

    Cũng một điển tích để chỉ một sắc đẹp tuyệt vời của một người con gái, nhưng tác giả sử dụng ba nơi tạo thành ba trạng thái chuyển biến của ba đối tượng chủ quan và khách quan, thực là một dụng ý sâu sắc với một bút pháp sáng tạo linh hoạt, phong phú, tài tình.

    Một hai nghiêng nước nghiêng thành”, có thể tác giả “Truyện Kiều” thấy chưa đủ. Vì sắc đẹp ấy chỉ có tính tổng quát qua hình dáng bên ngoài bằng một bút pháp ước lệ, trừu tượng. Cho nên tác giả không thể bỏ qua hay không thể quên mà cần thêm một lần nữa – có phần cụ thể hơn về vẻ đẹp toàn diện con người của Kiều bằng một bút pháp miêu tả tuyệt diệu, làm cân xứng hay làm tăng cho cái vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

    Khi Kiều đã phải sa vào lầu xanh ở Lâm tri (6) huyện, đời nhà Minh thuộc phủ Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, gặp Thúc Sinh. Nhân Kiều tắm, Thúc Sinh tò mò:

    “Buồng the phải buổi thong dong,
    Thang lang rủ bước trướng hồng tẩm hoa.
    Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
    Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
    Sinh càng tỏ nét càng khen,
    Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường.”


    (Câu 1309 đến 1414)​

    “Một toà thiên nhiên”, tác giả dùng chữ “toà” thật không quá đáng, mà còn rất tuyệt.

    Người ta, Thân thể ai cũng có chê hoặc về mặt này hay mặt khác. Riêng Kiều là hoàn toàn. Vì chỉ có “toà” tức là một hình tượng được đúc nên hoàn toàn khi được nghiên cứu, sửa chữa đến chỗ hoàn mỹ mới đúc. Sắc đẹp của Kiếu hay con người Kiều quả là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt kỹ: ngoại thân nội thể phù hợp và chung nhứt qua bút pháp miêu tả từ hư đến thực.


    (Theo Điển tích Truyện Kiều - Nguyễn Tử Quang, Nxb Đồng Tháp)​
    ______

    (1) Nguyên tác phẩm mà ta thường gọi là “Truyện Kiều”, Nguyễn Du (1765 – 1820) đặt nguyên đề là “Đoạn trường tân thanh”. Bạn thân của Nguyễn Du là Lập Trai Phạm Quý Thích, khi đem khắc bản để in, mới nhân nguyên truyện của Trung Hoa tên là “Kim Vân Kiều truyện” mà đổi lấy tên là “Kim Vân Kiều tân truyện”. Theo nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, thì “xét trong truyện chỉ có một Thuý Kiều là vai chính, cho nên lấy ba chữ “Vương Thuý Kiều” làm tên. Do đó, khi làm sách chú giải – theo lời Tản Đà – thì có mới và khác nên ông đặt lấy tên là “Vương Thuý Kiều chú giải tập truyện” (do Nhà xuất bản tân Dân Hà Nội xuất bản năm 1940). Như vậy, nguyên tên do Nguyễn Du đặt là “Đoạn trường tân thanh”, nhưng phổ thông hơn, thường gọi tắt là “Truyện Kiều”.

    Nguồn gốc truyện là “Kim Vân Kiều truyện” (Kim Trọng, Thuý Vân và Thuý Kiều), tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân (không biết tên thực) ở Trung Hoa, viết bằng văn xuôi (tản văn). Văn chương tầm thường. Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” (từ của Đào Duy Anh dùng) quyển “Kim Vân Kiều truyện” để tạo thành một tác phẩm hoàn toàn mới có giá trị cao bằng văn vần (vận văn). Tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” tức “Truyện Kiều” gồm có 3254 câu theo thể lục bát, được coi là một tác phẩm hoàn thiện của tinh thần Việt Nam và tinh thần Hán học.

    (2) Có bản chép: “Thì chi đem thói…

    (3) Vùng Yên, Triệu: Chỉ hai nước đời Chiến quốc. Yên ở vào địa phận tỉnh Phụng Thiên, tỉnh Trực Lệ và một phần bắc Triều Tiên. Triệu ở vào địa phận một phần phía nam tỉnh Trực Lệ và phía Bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Như vậy hẳn ở những nơi này có tiếng trổ sinh nhiều gái đẹp; mà những cô nào đẹp hơn cả đều bị nhà vua tóm thu hết vào cung!

    (4) Sau có người đổi chữ “cố” (nhìn) ra chữ “tiếu” (cười):

    “Nhứt tiếu khuynh nhân thành,
    Tái tiếu khuynh nhân quốc.”

    Xem bài “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.

    (5) Khổng Tử sang nước Vệ, yết kiến vua Vệ. Vợ vua Vệ là nàng Nam Tử nhan sắc lộng lẫy nhưng tính lẳng lơ. Nàng nghe danh tiếng Khổng Tử nên muốn tiếp kiến nhưng Khổng Tử từ chối.

    Nhưng sau vì theo tục nước Vệ hễ ai nhận chức gì thì phải vào ra mắt vợ nhà vua, nên bất đắc dĩ Khổng Tử phải vào cung yết kiến. (...).

    Vua nước Vệ lại quá sủng ái nàng Nam Tử, một hôm cả hai ngồi xe du ngoạn ngoài thành, lại mời Khổng tử đi xe theo sau. Khổng Tử không thể từ chối. Thấy thế có người cười rằng: “Kìa, đạo đức chạy theo sắc đẹp”. Khổng Tử mới có lời than như đã dẫn ở trên.

    (6) Lâm tri: tên.


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/6/16
    teacher.anh and Heoconmtv like this.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NGHỀ RIÊNG ĂN ĐỨT HỒ CẦM MỘT TRƯƠNG


    Đoạn diễn tả về sắc và tài của Kiều, ngoài sắc đẹp “một hai nghiêng nước nghiêng thành”, Kiều còn:

    “Thông minh vốn sẵn tư trời,
    Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
    Cung thương làu bục ngũ âm,
    Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
    Khúc nhà tay lựa nên chương,
    Một thiên Bạc mạng lại càng não nhân.”


    (Câu 29 đến 34)​

    “Hồ cầm” là một thứ đàn giống đàn nhị của ta, kéo bằng cung căng mã vĩ. Kiếu giống đàn Tỳ bà, gọi là Nguyệt cầm (đàn nguyệt). Đàn này do Tây vực du nhập Trung Hoa nên gọi là Hồ cầm.

    Sách “Uyên giám” cho rằng: người Hồ (1) lấy gỗ ngô đồng chế ra đàn Tỳ bà. Đàn có bốn dây. Đầu cung có khắc đầu chim Phượng hoặc đầu con rồng uốn vào nhau rất mỹ thuật. Cổ đàn dài, mặt phẳng, lưng tròn, thùng rộng và dẹt. Trong thùng có buộc một sợi dây đồng. Khi gảy sợi tơ bên ngoài phát âm, đàn rung thì sợi dây đồng bên trong cũng rung theo, phụ hoạ thành một âm thanh tuyệt diệu. Trên mặt đàn có bốn phím bằng ngà là phím thấp, chín phím bằng trúc là phím cao. Tất cả là 13 phím ở vào một vị trí nhứt định. Cung đàn có thước tấc quy định rõ rệt để làm tiết độ cho âm thanh khi trong khi đục, khi réo rắt, khi trầm buồn, khi hùng tráng, khi thánh thót, lửng lơ v.v…

    Năm 33 trước Dương lịch, triều Hán Nguyên đế, Vương Tường tức Vương Chiêu Quân lúc xa lìa tổ quốc sang cống chúa nước Hồ (2) đến ải Nhạn môn, nàng dùng đàn này gảy một khúc đàn có 24 câu rất ai oán (3). Ngày xưa, gảy đàn Tỳ bà – cũng gọi là đánh đàn – tức là dùng gỗ tròn để buông bắt tiếng rung trên phím đàn như cách đánh đàn Hạ-uy-di (guitare Harwaiene) ngày nay. Về sau, đến đời nhà Đường (618 – 904), triều Đường Thái tông (627 – 650) có người nhạc trưởng tên Bùi Ngọc tìm cách bỏ gỗ dùng tay mà vuốt, nắm lấy phím rung vừa nhẹ vừa thanh hơn.

    Trong bài “Vịnh Minh phi thôn” của thi hào Đỗ Phủ đời Nhà Đường, khi đi ngang thôn Minh phi, quê hương của Chiêu Quân, có câu (câu 7 và 8):

    “Thiên tải Tỳ bà tác Hồ ngữ,
    Phân minh oán hận khúc trung lôn.”​

    Bùi Khánh Đản dịch:

    “Muôn thuở tiếng Hồ trong khúc nhạc,
    Đàn Tỳ oán hận vẳng dư thanh.”

    Bạch Cư Dị (772 – 846), một thi hào danh tiếng thời Thịnh Đường làm Hàn lâm học sĩ bị vua nghe lời gièm pha biếm làm Tư mã đất Giang Châu. Một đêm khuya mùa thu vắng lạnh, trên bến Tầm dương, Bạch tiễn chân người bạn ra bến nước, bỗng nghe tiếng Tỳ bà văng vẳng trên sông. Vốn sẵn tâm hồn nghệ sĩ, ông liền tìm đến. Nghe tiếng động, tiếng Tỳ bà dứt. Người đánh đàn trên thuyền là một phụ nữ. Trước, nàng là một ca kỹ “nổi danh tài sắc một thời”, nhưng thời vàng son trôi qua nhanh chóng, ngày càng nhạt phấn tàn hương, kiếp hoa xuân sớm tàn, rồi khách du cũng dần thưa vắng. Gia đình nàng lại gặp nhiều biến cố: dì chết, em đi lính xa xôi…

    Bấy giờ, nàng phải gởi thân cho khách buôn trà. Nhưng cuộc sống quá ghẻ lạnh. Chồng mãi đeo đuổi lợi lộc, bỏ nàng chiếc bóng thui thủi với chiếc thuyền không giữa dòng sông nước mênh mông. Rồi đêm đêm, chạnh nghĩ đến thời quá khứ vàng son trẻ đẹp mà nhìn về tương lai lại mịt mù, nàng chỉ còn biết mượn tiếng tơ đồng của đàn Tỳ bà, để gởi mối sầu cô quạnh chan chứa ở lòng mình!

    Bạch Cư Dị nghe tâm sự của nàng ca kỹ mà bắt não lòng. Nghĩ tâm sự của nàng với tâm sự của mình có điểm tương đồng, vì:

    “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
    Tương phùng hà tất tằng tương thức.”​

    Phan Huy Vịnh dịch:

    “Cùng một lứa bên trời lận đận,
    Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.”

    Nhân đó, Bạch Cư Dị viết thành bài “Tỳ bà hành”:

    “Kim dạ văn quân Tỳ bà ngữ.
    Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh.
    Mạc từ cánh toạ đàn nhứt khúc,
    Vị quân phiên tác Tỳ bà hành.”​

    Vô Danh dịch:

    “Đêm nay nghe được Tỳ bà khúc,
    Như nghe tiên nhạc mở thông minh.
    Chớ từ gảy lại cho nghe nữa,
    Vì mình ta làm Tỳ bà hành.”
    (4)​


    Kiều có tài về âm nhạc, “Cung thương làu bực ngũ âm”. Ngũ âm tức là năm cung, năm bực trong âm giai: cung, thương, giốc, truỷ, vũ. Cung là tiếng to, nặng, rất thấp, rất đục, chậm. Thương là tiếng hơi đục, hơi thấy, mau lẹ. Giốc là tiếng lơ lửng, không cao, không thấp, không trong, không đục, tiếng tròn và kéo dài. Truỷ là tiếng hơi cao, hơi trong như tiếng chim hót. Vũ là tiếng rất cao, rất trong như tiếng chim vỗ cánh. “Làu bực ngũ âm” tức là sành (rành) âm nhạc. Và, Kiều chuyên sử dụng đàn Hồ rất tuyệt vời, không ai bằng được (nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương). Lại chính tay Kiều soạn lấy bản nhạc và lời (khúc nhà tay lực nên chương) đều sầu thảm, nhứt là bài “Bạc mạng” càng làm cho người nghe thêm não lòng.

    Mở đầu truyện, tác giả “Truyện Kiều” chú trọng giới thiệu Kiều – nhân vật chính – về sắc và tài với số phận của nàng.

    Sắc “một hai nghiêng nước nghiêng thành”, tài “thi hoạ ca ngâm”. Đặc biệt là âm nhạc. Bản nhạc buồn thảm, lời nhạc ảo não với “thiên Bạc mạng”. Hồ cầm, bắt người nhớ đến Chiêu Quân gảy đàn Tỳ bà khi phải sang cống Hồ (5), lại liên tưởng đến nàng ca kỹ bến Tầm dương (6)… qua bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị.

    Từ cách dùng điển cố, dùng vật, dùng từ… mới xem cho là những chi tiết bình thường, nhưng vốn có mối liên hệ chặt chẽ nhau có tính nhất quán, trở nên quan trọng để báo hiệu cho cuộc đời của một con người theo chủ thuyết “Tài mạng tương đồ”, “Tạo vật đố hồng nhan”, “Nhứt phiến tài tình thiên cổ luỵ" ! (7)


    ______

    (1) Người Hồ: tên chỉ chung các dân tộc ngoài phía Bắc Trung Hoa ngày xưa. Theo lời chú giải của Trịnh Tư Nông trong “Khảo công ký”: Hồ cũng gọi là Hung nô.

    (2) Chúa Hung nô (Hồ) là Thiên Vu.

    (3) Sẽ nói riêng ở bài “Quá quan nẩy khúc Chiêu Quân”.

    (4) “Tỳ bà hành”: trường ca của Bạch Cư Dị, gồm 88 câu, mỗi câu 7 chữ. Nhà thơ Việt Nam, Phan Huy Vịnh (1800 – 1870) dịch ra văn Nôm theo thể song thất lục bát. Bốn câu trên, ông dịch là :

    “Tỳ bà nghe dạo canh khuya,
    Gần như tiên nhạc gần kề bên tai.
    Hãy ngồi lại gảy chơi chút nữa,
    Sẽ vì nàng sửa soạn bài ca.”


    Lời thơ bản dịch của Phan Huy Vịnh rất uyển chuyển, lưu loát, nhưng vì dịch thoát quá nên nhiều chỗ thiếu sót nguyên văn. Như 4 câu thơ trên thiếu mất “Tỳ bà hành” mà dịch giả chỉ nói “sửa soạn bài ca”. Vì để đạt yêu cầu dẫn chứng thêm cho điển cố “Hồ cầm” hay đàn Tỳ bà, nên chúng tôi chỉ ghi ở phần chú thích.

    (5) Chiêu Quân cống Hồ: xem bài “Quá quan nầy khúc Chiêu Quân”.

    (6) Tên bến trên sông Bồn chảy qua trấn Cửu giang (Giang tây) rồi nhập vào Trường giang.

    (7) “Nhứt phiến tài tình thiên cổ luỵ": nguyên trong bài thơ “Tổng vịnh truyện Kiều” của Phạm Quý Thích (1760 – 1825), người làm quan triều Lê mạt sang triều Nguyễn Gia Long. Nguyên tác bằng Hán văn:

    “Giai nhân bất thị đáo Tiền đường,
    Bán thế yên hoa trái vị thường.
    Ngọc diện khởi ưng mai thuỷ quốc,
    Băng tâm tự khả đối Kim lang.

    Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
    Bạc mạng cầm chung oán hận trường.
    Nhứt phiến tài tình thiên cổ luỵ,
    Tân thanh đáo để vị thuỳ thương.”​

    Bản thoát dịch:

    “Giọt nước Tiền đường chẳng rửa oan,
    Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
    Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
    Gót ngọc khôn đành chốn Thuỷ quan.


    Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
    Một dây bạc mạng dứt cầm loan.
    Cho hay những kẻ tài tình lắm,
    Trời bắt làm gương để thế gian.”


    [...]
     
    Heoconmtv and teacher.anh like this.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :)! Do 'chạy đua' và 'hộ công' với Dự án Truyện Kiều, nên mình cũng sẽ ưu tiên tới các điển tích liên quan... :)!


    ÐẦM ÐẦM CHÂU SA - LÀM MA KHÔNG CHỒNG.

    Ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan đi du xuân nhân tiết Thanh minh, khi trở về giữa đường gặp một nấm mồ không nhang khói, không ai đắp điếm. Kiều cảm động, lấy làm lạ hỏi. Vương Quan cho biết: Có một ca nhi tên Ðạm Tiên đã từng "nổi danh tài sắc một thì", đến khi chết vì không có chồng, phải nhờ người khách phương xa nghe tiếng tìm chơi, lỡ cơ nên xuất tiền sắm sanh lễ vật chôn cất. Nay là mồ vô chủ, không ai viếng thăm. Nghe kể, Kiều xót xa thương cảm người bạc mệng:

    “Lòng đâu sẵn nỗi thương tâm,
    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
    Ðau đớn thay phận đàn bà,
    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung...”
    Phũ phàng chỉ bấy hoá công,
    Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
    Sống làm vợ khắp người ta,
    Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.”

    (Câu 81 – 88)​

    Châu sa là hột ngọc (châu) rơi xuống (sa), nghĩa bóng chỉ nước mắt rơi. Trong "Truyện Kiều" còn có những câu:

    “Lại cùng ủ dột nét hoa,
    Sầu tuôn dứt nối châu sa vắn dài.”

    (Câu 103 đến 104)

    “Ngại ngùng một bước một xa,
    Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.”

    (Câu 561 đến 562)

    “Giọt châu lã chã khôn cầm,
    Cúi đầu chàng những gạt thầm mạch Tương”
    .
    (Câu 1857 đến 1858)

    “Sụt sùi dở nỗi đoạn trường,
    Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh”
    .
    (Câu 1943 đến 1944)

    “Giọt châu thánh thót quẹn bào,
    Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình”
    .
    (Câu 3015 đến 3016)​

    Trong "Thần thoại ký" của Trung Hoa có chép: đời Thượng cổ có loài giao long hóa người gọi là giao nhân. Ðầu và mình giao nhân giống như người, nhưng đít giống đuôi cá. Giống này cũng có đực, cái từ dưới nước lên ở thế gian, buôn bán giao thiệp lẫn lộn với người thường. Giao nhân rất xinh đẹp và thông minh, lại giàu tình cảm luyến ái nên được người ở mặt đất thương mến.

    Giao nhân ở trên đất thời gian chỉ được một năm là phải về thủy cung chầu Long vương theo luật định. Khi trở về, vì quyến luyến cõi trần thế, nhứt là tình đối xử giữa người với giao nhân nên lúc từ giã, giao nhân khóc lóc thảm thiết. Những giọt nước mắt rơi xuống lại hóa thành hột ngọc (châu).

    Truyện thần thoại chép như vậy.

    Có điều cụ thể, giọt nước mắt hình giống hột châu nên mới gọi giọt châu hay giọt ngọc. Từ Hán Việt gọi là "lệ châu". Có câu:

    “Nàng càng giọt ngọc như chan,
    Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây”
    .
    (Câu 1759 đến 1760)

    ”Sợ quen dám hở ra lời,
    Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa”
    .
    (Câu 1827 đến 1828)

    “Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,
    Ngập ngừng mới gởi thấp cao sự lòng”
    .
    (Câu 2547 đến 2548)

    “Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
    Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai”
    .
    (Câu 2795 đến 2796)​

    “Ma không chồng”:

    “Sống làm vợ khắp người ta,
    Khéo thay chết xuống làm ma không chồng”
    .​

    Hai câu này thoát dịch rất tài do hai câu thơ cổ :

    “Sinh vi vạn nhân thê,
    Tử vi vô phu quỷ.​

    Nghĩa là:

    “Sống làm vợ muôn người,
    Khéo thay ma không chồng”
    .​

    "Khéo thay" có bản chép là "Hại thay".

    Bản dịch của Ðào Duy Anh và của Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu chép là "Khéo thay" dựa theo bản Liễu Văn Đường (chữ Nôm khắc năm 1871) và bản của Kiều Oánh Mậu (chữ Nôm năm 1902). Và, được ông Đào Duy Anh chú thích là “tình cờ như có bàn tay khéo léo xếp đặt, nói mỉa” và cho rằng “nhiều bản Nôm khác cho là "hại" là lầm chữ...” (1) Bản của Vân Hạc - Lê Văn Hoè chép "hại thay", chú thích là: "Thương hại thay cũng như ta nói "tội nghiệp thay". (2)

    Sống thì làm vợ mọi người nhưng đến khi chết - thực thảm thay, thương hại thay - làm ma không chồng. Sống thì làm vợ mọi người nhưng đến khi chết - ôi, khéo thay (do bàn tay nào xếp đặt) để phải - làm ma không chồng. Hai từ "khéo thay", "hại thay" đều diễn tả tình cảm. Tất cả đều có ý nghĩa sâu sắc.

    "Hại thay" chỉ tỏ tình cảm thương xót, thương hại.

    "Khéo thay" chỉ tỏ tình cảm thương sót nhưng hàm súc một ý nghĩa mỉa mai, trách móc số kiếp của một con người hồng nhan bạc mệnh, bị đời ruồng rẫy, phũ phàng... Tác giả "Truyện Kiều" còn dùng nhiều từ "khéo".

    “Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau”.

    “Khéo vô duyên bấy là mình với ta”
    .​

    v.v... để tỏ tình thương xót, mỉa mai cay đắng ấy. (3)

    ______

    (1) Đào Duy Anh – “Từ điển Truyện Kiều”. – Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội – 1974.

    (2) Vân Hạc – Văn Hoè. – “Truyện Kiều chú giải”. – Ziên Hồng xuất bản – Sài Gòn – 1952.

    (3) “Điển tích Truyện Kiều” chỉ giới hạn tìm hiểu điển tích về truyện tích và văn thơ, và được chú giải ý nghĩa có liên hệ đến lời thơ và cốt truyện do tác giả “Truyện Kiều” sử dụng. Do đó, chúng tôi không chú giải, hiệu đính, bình luận nhiều về những từ… vượt quá phạm vi trên. Nếu có một ít chỉ vì cần thiết, tuỳ trường hợp.


    [...]
     
    Heoconmtv, teacher.anh and lichan like this.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HỌA LÀ NGƯỜI DƯỚI SUỐI VÀNG BIẾT CHO


    Trước nấm mồ của Ðạm Tiên hoang vắng, Kiều cảm động than thở, có câu:

    “Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào ai tiếc lục tham hồng là ai?
    Ðã không kẻ đoái người hoài,
    Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
    Gọi là gặp gỡ giữa đường,
    Họa là người dưới suối vàng biết cho.”

    (Câu 89 đến 94)​

    Và, khi bán mình lo hối lộ quan lại để cứu cha mắc tội oan, Kiều làm thơ than thở với em là Thuý Vân nhờ thay mình để kết duyên với Kim Trọng, có câu:

    “Ngày xuân em hãy còn dài,
    Xót tình máu mủ thay lời nước non.
    Chị dù thịt nát xương mòn,
    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

    (Câu 731 đến 734)​

    "Suối vàng", nguyên từ Hán Việt là "Hoàng (huỳnh) tuyền"; "Chín suối" là "Cửu tuyền" hay "Cửu nguyên" đều chỉ cõi âm phủ. Theo mê tín, đây là một cái suối màu vàng ở dưới lòng đất, người ta lúc chết chôn xuống dưới đất nên dùng chữ "suối vàng" để chỉ chỗ ở của người chết. Sách Tả truyện có câu: "Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến giã", nghĩa là "Không đến suối vàng thì không găp nhau được".

    Nguyên đời Xuân Thu (722-749 trước D.L), Vũ Công nước Trịnh có vợ là Khương Thị sinh ra con trưởng là Ngộ Sinh và con thứ là Ðoạn. Vì sinh Ngộ Sinh do sự đẻ ngang làm Khương Thị khổ sở nên bà không ưa. Trái lại, Ðoạn mặt mũi khôi ngô, sức mạnh hơn người lại có tài thiện xạ nên Khương Thị rất yêu chiều. Muốn cho Ðoạn sau này nối ngôi, nên trước mặt Trịnh Vũ Công, bà thường khen Ðoạn là người hiền đức và tỏ ý muốn lập Ðoạn làm thế tử. Trịnh Vũ Công bảo:

    – Anh em có thứ bậc, không nên xáo trộn đạo lý. Hơn nữa, Ngộ Sinh không có tội lỗi gì thì sao bỏ trưởng lập thứ được?

    Thế là Trịnh Vũ Công lập Ngộ Sinh làm Thế tử. Còn Ðoạn thì thì được phong cho đất Cung, gọi là Cung thúc Ðoạn, Khương Thị lấy làm bất bình. Trịnh Vũ Công mất, Ngộ Sinh lên kế vị tức Trịnh Trang Công, lại tiếp tục kiêm chức Khanh sĩ nhà Châu thay cha. Dương Thị thấy Ðoạn không quyền hành, lấy làm buồn bã, bảo Trịnh Trang Công:

    – Con nối ngôi cha làm chủ nước Trịnh, đất rộng ngoài mấy trăm dặm, thế mà nỡ cho người em ruột thịt một chỗ đất nhỏ mọn không đủ để dung thân, sao yên lòng được?

    Trịnh Trang Công thưa:

    – Vậy xin mẫu thân cho biết ý muốn.

    – Sao không lấy đất Chế ấp mà phong cho em con.

    – Chế ấp là một nơi hiểm yếu, tiên vương ngày xưa có di mạng cấm phong cho ai. Trừ đất ấy, mẫu thân mẫu thân muốn chỗ nào con cũng sẽ vâng lời.

    – Nếu vậy thì phong cho nó đất Kinh thành.

    Trịnh Trang Công im lặng. Khương thị thấy thế nổi giận bảo:

    – Nếu con không nhận như vậy thì cứ đuổi Ðoạn đi nước khác, để nó tìm cách gì làm ăn được thì nó làm.

    – Con đâu thể làm thế được.

    Hôm sau, Trịnh Trang Công vời Ðoạn vào phong cho đất Kinh thành. Qua Ðại phu là Sái Túc can, cho rằng Kinh thành là một ấp lớn, đất rộng người đông, nếu đem phong cho Cung thúc Ðoạn thì mai hậu Ðoạn sẽ cậy thế chuyên quyền. Nhưng Trang Công bảo:

    – Mẫu thân ta đã muốn vậy thì ta phải làm theo vậy.

    Thế là Ðoạn ra ở đất Kinh thành. Trước khi đi, Ðoạn vào cáo biệt mẹ. Khương thị nói riêng với Ðoạn:

    – Anh con không nghĩ đến tình ruột thịt, đãi con lắm điều tệ bạc. Nhờ ta ba lần khẩn khoản nó mới phong đất Kinh thành cho con, ấy là vị nể chưa chắc thành thật. Con về Kinh thành nên lo luyện tập binh mã, chuẩn bị sẵn sàng, nếu có cơ hội thì đem quân lại đánh, ta sẽ nội ứng mà lấy nước Trịnh. Nếu con đoạt được ngôi của Ngộ Sinh thì ta có có chết cũng đành hả dạ.

    Cung thúc Ðoạn lãnh lịnh mẹ đóng ở đất Kinh thành, đổi hiệu Cung thúc ra Thái thúc. Từ đấy, Ðoạn ngày ngày đem quân vào rừng săn bắn nhưng kỳ thực là đi luyện tập, lại chiếm lấy hai ấp gần đó. Hai quan Ấp tể trốn về triều kêu cứu. Trịnh Trang Công không nói gì chỉ mỉm cười. Quan Thượng khanh công tử Lã kêu lên:

    – Tội Thái thúc Ðoạn thực đáng giết.

    Trang Công hỏi có ý kiến gì không, thì Lã nói:

    – Thái thúc Ðoạn ỷ lại trong có quốc mẫu yêu vì, ngoài cậy vào đất hiểm yếu của Kinh thành mà đêm ngày luyện tập binh mã, tất cố ý thoán đoạt. Xin chúa công cho tôi đem đem quân đi Kinh thành, bắt Ðoạn để trừ hậu hoạn.

    Trang Công bảo:

    – Tội của Thúc đoạn chưa có rệt, không nên vội.

    – Ðoạn đã chiếm lấy hai ấp. Không lẽ chúa công để đất của Tiên công hao mòn mãi sao?

    Trang Công cười nói:

    – Ðoạn là con cưng của mẫu thân ta, ta thà mất bờ cõi còn hơn mất tình anh em và để mẫu thân ta phải buồn.

    – Sợ mất bờ cõi thì không nói làm gì, e có ngày mất luôn cả nước. Nay Thúc Ðoạn ngày một cường thịnh, dân tình sợ uy mà sinh hai lòng. Bây giờ chúa công còn dung sau này Thúc Ðoạn không dung, chúa công hối thì làm sao kịp nữa?

    Trang Công nghiêm giọng:

    – Nhà ngươi không nên nói càn, để mặc ta lo nghĩ.

    Công tử Lã đi ra, và nói với quan đại phu Sái Túc:

    – Chúa công ta bịn rịn tình riêng mà quên việc nước. Tôi lấy làm lo lắm!

    Sái Túc cười bảo:

    – Chúa công là một người tài trí, há lại không biết điều ấy. Có lẽ vì chỗ đông người không tiện nói ra, vậy ông nên vào hầu riêng mà bàn chuyện, dò xem ý chúa công ra sao.

    Công tử Lã cho là phải, bèn vào yết kiến Trang Công, Trang Công nói:

    – Ta nghĩ kỹ lắm. Ðoạn dù vô đạo nhưng chưa rõ tội. Nếu ta đem quân đánh thì quốc mẫu ta ắt tìm cách ngăn cản. Người ngoài không biết lại bảo ta bất hữu và bất hiếu. Chi bằng cứ để thế, Ðoạn tất làm càn, không kiêng nể ai, lúc ấy ta sẽ kể tội trạng đem quân đi đánh thì người trong nước không ai giúp Ðoạn, mà đến mẫu thân ta cũng không oán trách gì được.

    – Nếu quả vậy, chúa công cao kiến lắm, chúng tôi chưa nghĩ đến kịp. Dù vậy, tôi sợ thế lực Ðoạn ngày một to, lan ra như cỏ mọc, cắt không hết được thì mới làm sao? Chúa công nên mưu nghĩ cách gì cho Ðoạn phản nghịch nổi loạn sớm thì đánh hắn mới chắc được.

    – Vậy thì ta phải làm cách nào?

    Thế là sáng hôm sau, Trang Công giao việc quốc chính cho quan Ðại phu Sái Túc để vào triều nhà Châu. Khương Thị nghe biết mừng lắm cho là dịp tốt đã đến, liền viết thư sai kẻ tâm phúc đem đến Kinh thành, hẹn với Thúc Ðoạn đem quân về đánh. Nhưng Công tử Lã đã cho người đón đường bắt được thư và giết ngay tên ấy, rồi đem thư dâng lên Trang Công. Trang Công xem thư, niêm lại rồi sai người giả làm người của Khương Thị đưa thư đến cho Ðoạn, và lấy thư trả lời đem về. Trang Công được thư mừng lắm nói:

    – Tờ cung chiêu của Ðoạn sẵn có đây rồi. Thế thì mẫu thân ta không bênh vực thế nào được nữa.

    Trang Công liền vào cáo từ Khương Thị, giả nói vào nhà Châu triều kiến, rồi đem quân theo đường tắt sang Kinh thành.

    Thái thúc Ðoạn từ khi tiếp được thư của mẹ, liền sai con là Hoạt sang nước Vệ mượn binh, rồi phao tin rằng phụng mạng về triều tạm thay coi việc quốc chính, đoạn mở cửa thành tiến quân.

    Công tử Lã mưu cho quân giả làm lái buôn trà trộn vào thành trước, đợi khi Ðoạn cất quân đi thì đốt lửa làm hiệu cho Lã biết đem quân đến, trong thành mở cửa ra đón. Lã vào thành rồi liền kể tội Ðoạn trước quân dân, và đem đức tính của Trang Công yết cho nhân dân biết. Người trong thành cho là phải.

    Thái thúc Ðoạn bắt được tin Kinh thành có biến, không dám trở lại, rút quân về Cung thành. Trịnh Trang Tông xua quân đánh, Thúc Ðoạn nghe tin thở dài, than: "Chính mẹ ta giết chết ta rồi. Ta còn mặt mũi nào nhìn thấy anh ta nữa!". Ðoạn tự tử chết.

    Trang Công vào thành, ôm thây Thúc Ðoạn khóc kể: "Ta đã giết chết em ta rồi. Em ta quá lo, chớ ta đâu nỡ giết em ta!". Bấy giờ Trang Công thu lấy đồ đạc, tìm thấy bức thư của mẹ gởi cho Ðoạn liền lấy gói lại cùng bức thư trả lời của Ðoạn, sai Sái Túc đem về Trịnh dâng cho Khương Thị xem, lại truyền đem Khương Thị an trí sang đất Dĩnh. Trang Công uất ức việc mẹ làm nên thề rằng: "Không đến suối vàng thì chẳng gặp nhau được". (Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến giã). Riêng Khương Thị thấy hai bức thư lấy làm thẹn, tự nghĩ không còn mặt mũi nào nhìn thấy Trịnh Trang Công nữa bèn dọn đồ đi ở ấp Dĩnh. Trang công trở về triều, vào cung không thấy mẹ lấy làm đau lòng: "Ta ép lòng để em ta chết, nay nỡ lòng nào để lìa mẹ nữa. Ta thật có tội!".

    Quan trấn ấp Dĩnh là Ðinh Khảo Thúc vốn người chí hiếu và trung trực, thấy Trang Công đem an trí mẹ thì không bằng lòng, nên có ý tìm cách khuyên can, nên một hôm bắt mấy con chim cú vào dâng cho Trang Công để làm thịt. Trang công hỏi chim gì? Thúc thưa:

    – Ðây là giống chim cú. Ban ngày, vật gì lớn bằng quả núi cũng không thấy, mà ban đêm vật gì nhỏ như sợi tóc dù ở xa cũng trông thấy rõ. Thật là một con vật trông được sự nhỏ mà không trông được sự lớn. Vả lại, chim nầy khi con nhỏ thì mẹ kiếm mồi cho ăn, nhưng khi lớn lên lại không biết mẹ, vậy nên bắt nó mà ăn thịt.

    Trang Công im lặng. Nhân lúc ấy có người dâng một con dê chín để vua nhắm rượu. Trang Công sai cắt một miếng cho Ðinh Khảo Thúc ăn. Thúc liền chọn chỗ thịt ngon, tự cắt lấy một miếng gói lại trong giấy, đút vào tay áo. Trang Công lấy làm lạ hỏi, thì Khảo Thúc thưa:

    – Mẹ tôi đã già, nhà lại bần bạc, ngày ngày chỉ cơm rau dưa muối, chưa hề được vật nầy. Nay chúa công ban cho mà mẹ già không được hưởng thì con không sao nuốt trôi được, nên trộm đem về cho mẹ.

    Trang Công nói:

    – Ngươi thật là một người con chí hiếu.

    Trang Công lại ngậm ngùi nghĩ đến việc mình, thở dài. Khảo Thúc hỏi tại sao thở dài? Trang Công đáp:

    – Nhà ngươi có mẹ già được phụng dưỡng để trọn đạo làm con. Còn ta làm vua mà không được bằng người.

    Khảo Thúc giả vẻ ngơ ngẩn, hỏi:

    – Quốc mẫu hiện đang mạnh giỏi, sao chúa công lại nói thế?

    Trang Công liền đem việc mưu loạn xảy ra đến việc đày mẹ và cả lời thề, nay hối lại thì đã muộn. Khảo Thúc thưa:

    – Thái thúc Ðoạn đã đành mất rồi, nay chỉ còn lại quốc mẫu. Nếu chúa công còn lo nổi lời thề nặng "suối vàng", thì tôi xin hiến một cách có thể giải được. Chúa công cho người đào đất đến tận mạch nước, đặt thang, làm một cái nhà dưới hầm, rồi rước quốc mẫu đến ở đó. Thế rồi chúa công xuống dưới, kể lại tình nhớ mong mẹ bấy lâu. Tôi tin rằng chúa công nhớ mẹ bao nhiêu thì quốc mẫu cũng nhớ chúa công như thế. Cả hai gặp nhau dưới nhà hầm ấy khỏi trái với lời thề suối vàng được.

    Trang Công rất mừng, liền thực hành ngay. Khương Thị bằng lòng. Trang Công theo bậc thang xuống hầm trông thấy mẹ, vội sụp lạy nói:

    – Ngộ Sinh nầy bất hiếu, lâu nay thiếu phụng thờ mẹ. Mẹ tha tội cho.

    Khương Thị ngậm ngùi, đỡ Trang Công dậy:

    – Ðó là lỗi của mẹ. Con đâu có tội gì.

    Thế rồi hai mẹ con cùng khóc nức nở.

    Trang Công dắt mẹ lên thang, cùng ngồi xe và tự cầm cương đưa mẹ về cung.

    "Suối vàng" là như vậy.
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này