[Giới thiệu sách] Học từ Thất Bại - John C. Maxwell

Thảo luận trong 'Tủ sách Kinh tế - Quản trị' bắt đầu bởi LoverBooks, 10/1/15.

Moderators: thanhbt, TĐT
  1. LoverBooks

    LoverBooks Mầm non

    [​IMG]

    Thất bại là là vấn đề ai cũng gặp trong cuộc sống. Nhưng sự nhận thức và phản ứng của mỗi con người đối với Thất bại là rất khác nhau. Tùy theo mỗi cách phản ứng với Thất bại mà con người có tìm được chỗ đứng trong cuộc sống hay không, có đạt được những điều mình mong muốn hay là không.

    Trong cuốn sách của mình tác giả John C. Maxwell đã bàn luận những sự khác biệt lớn giữa người biết học hỏi từ thất bại của bản thân với những không làm được điều đó. Bạn muốn tinh thần của mình nằm kẹt cứng trong bệnh viện, quá mệt mỏi đến mức chẳng còn sức lực gì nữa? Hay bạn muốn nắm lấy cơ hội được học tập, đánh giá và cân nhắc vấn đề vừa xảy ra và sử dụng tri thức đó để trang bị cho bản thân có thể ứng phó với cuộc đời?

    Những nguyên tắc cần thiết cho việc học hỏi mà John nêu trong cuốn sách sẽ đem lại cho độc giả một vũ khí lợi hại vừa giúp ta tránh né, phòng thủ lẫn phản công những thách thức của hiện tại và trong tương lai.

    Nếu bạn làm theo lời khuyên của John và học cách xem những thất bại như cơ hội để phát triển thông qua học hỏi thì ta sẽ trở nên bất bại. Cuộc đời chứa đầy những thất bại nhưng nếu được trang bị phù hợp, ta sẽ vượt qua được những thất bại đó. Bởi khi một người rút ra được điều gì đó quý giá từ những giây phút khó khăn, họ sẽ tự giải thoát mình khỏi sự kiểm soát của hoàn cảnh đó đối với tâm trí, thân thể, trái tim và tâm hồn mình.

    Những trang sách này không chỉ là cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách thức vượt qua những giai đoạn khó khăn, nó còn trao cho ta món quà giá trị nhất: Hy vọng. Thông qua cuốn sách bạn đọc sẽ được trải nghiệm các góc độ của việc học hỏi như sau:

    + Tinh thần của học hỏi đó là sự Khiêm tốn: Sự Khiêm tốn giúp con người nhìn nhận bản thân một cách chính xác và cởi mở, rút kinh nghiệm được một cách triệt để từ những sai lầm để bản thân được hoàn thiện hơn

    + Nền tảng của học hỏi là Thực tế: Thực tế là trong cuộc sống ai cũng gặp khó khăn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải bạn gặp khó khăn gì mà là bạn học được gì từ những khó khăn đã trải qua. Nếu bạn học hỏi được càng nhiều bạn sẽ trưởng thành và những khó khăn bạn đã vượt qua không thể làm khó bạn được nữa.

    + Bước đầu tiên của học hỏi là Trách nhiệm: Con người cần có trách nhiệm với bản thân mình. Trách nhiệm ở đây được hiểu trong mỗi thất bại đã gặp phải nhận thức được rõ nguyên nhân nào do bản thân mình và nguyên nhân nào do môi trường bên ngoài. Hiểu rõ bản thân mình và hiểu được những yếu tố của ngoại giới tác động đến mình là cơ sở để bắt đầu thực hiện việc học hỏi.

    + Liên tục trau dồi để cải thiện bản thân là tâm điểm của việc học hỏi: Học hỏi là một quá trình liên tục không có điểm dừng, một trận chiến không có hồi kết. Để quá trinh học hỏi hiệu quả bạn phải bước ra khỏi "vùng thoải mái" của bản thân và cam kết thực hiện sự cải thiện bản thân mỗi ngày

    + Hi vọng là động lực của học hỏi: Hy vọng là ánh sáng trong đêm tối, là ngọn hải đăng trong cơn bão biển. Hy vọng là công cụ đầy quyền năng và uy lực đem lại cho con người sức mạnh để đối mặt, tự học hỏi và vượt qua thất bại

    + Xây dựng lộ trình học hỏi bằng Tinh thần cầu thị: Muốn quá trình học hỏi được hiệu quả phải nuôi dưỡng và mở rộng tâm hồn. Người sẵn sàng học hỏi luôn sở hữu suy nghĩ của người mới bắt đầu, đồng thời họ luôn nhìn sâu và lâu vào chính bản thân mình để tìm ra nguyên nhân của vấn đề trước khi tìm kiếm nguyên nhân ở bên ngoài.

    + Chất xúc tác cho việc học hỏi chính là Nghịch cảnh: Nghịch cảnh chính là cơ hội để khám phá bản thân nếu chúng ta muốn hiểu thêm về chính mình. Nghịch cảnh mang lại nhiều lợi ích và là cơ sở để thiết lập những chuyển đổi tích cực nếu bạn phản ứng đúng đắn với nó. Nghịch cảnh giúp ta sáng tạo cuộc đời. Cuộc đời bạn tươi đẹp hay đen tối tùy thuộc cách bạn phản ứng với nghịch cảnh.

    + Các vấn đề gặp trong cuộc sống chính là cơ hội để học hỏi: Để sử dụng tốt các cơ hội này bạn đừng nên đánh giá quá thấp hay cao vấn đề, đừng đợi vấn đề tự giải quyết hoặc làm trầm trọng thêm. Bạn hãy lường trước vấn đề để có sự chủ động. Truyền tải vấn đề để được nhiều người giúp đỡ và đánh giá cẩn thận từng vấn đề có thể học hỏi được nhiều nhất từ việc giải quyết vấn đề đó.

    + Để việc học hỏi được từ thất bại bạn phải Thay đổi: Phần đông mọi người thường sợ sự thay đổi vì sự thay đổi mang lại cảm giác mất mát và không an toàn, mất điểm tựa trong nhận thức. Nhưng để có được một sự thay đổi có dáng hình vật chất bên ngoài, nó phải được xây dựng trên nền tảng nhận thức từ bên trong. Thay đổi hiếm khi xảy ra ngay lập tức. Nó là một quá trình đi từ tư duy, cảm xúc đến hành động.

    Giá trị của việc học hỏi là bạn có sự trưởng thành:
    - Trưởng thành là kết quả của việc tìm kiếm lợi ích từ thất bại
    - Trưởng thành là kết quả của học hỏi để bồi dưỡng cảm xúc đúng đắn và các thói quen tốt.
    - Trưởng thành là kết quả của việc học cách hy sinh ngày hôm nay cho thành công của ngày mai.
    - Trưởng thành là kết quả của việc học hỏi để có được sự tôn trọng chính bản thân mình và người khác


    Thông tin tác giả:
    John C. Maxwell là nhà sáng lập của Tập đoàn INJOY, một tổ chức giúp mọi người phát huy tối đa tố chất cá nhân và tiềm năng lãnh đạo. Ông là tác giả của một loạt cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, cũng là sách bán chạy trên bảng xếp hạng của Business Week.
     
    gameaccBook, kingatherno1 and Fish like this.
  2. LoverBooks

    LoverBooks Mầm non

    Một số trích đoạn từ sách:

    1. Thất bại khiến ta mắc kẹt về mặt cảm xúc

    Tác giả kiêm diễn giả Les Brown từng nói: “Thời gian vui vẻ ta cất vào túi, thời gian đau buồn ta khắc trong tim”. Tôi thấy điều đó là hoàn toàn chính xác. Trái tim tôi vẫn mang theo một vài khoảng khắc buồn. Cá là bạn cũng vậy. Những trải nghiệm tiêu cực tác động tới chúng ta sâu sắc hơn trải nghiệm tích cực, và nếu bạn giống tôi thì có thể bạn cũng bị mắc kẹt về mặt cảm xúc.

    Mới đây tôi vừa bị mắc kẹt về mặt cảm xúc sau khi gây ra một sai lầm ngớ ngẩn. Ron Puryear, người bạn tuyệt vời của tôi đã mời tôi tới nghỉ vài ngày tại ngôi nhà xinh đẹp bên bờ sông của anh ấy ở Idaho, để tôi có thể nghỉ dưỡng và bắt đầu viết sách. Khung cảnh tràn đầy cảm hứng và hoàn hảo để viết sách và tư duy. Căn nhà nhìn ra một hồ nước đẹp tuyệt vời với những ngọn đồi phủ kín cây cỏ phía đằng sau. Phong cảnh hữu tình. Bởi tôi sẽ có một số buổi nói chuyện ở các thành phố Spokane, Edmonton, Los Angeles và tất cả các thành phố ở phía Tây nước Mỹ nên tôi quyết định chấp nhận lời mời của anh

    Con rể tôi tên là Steve và anh bạn Mark của chúng tôi cũng ở đó bởi hai người sẽ cùng tôi đến thành phố Edmonton tại Canada. Khi chúng tôi ngồi trong ô tô ở thành phố Spokane, Washington để đến sân bay, Steve hỏi: “Mọi người mang theo hộ chiếu chưa?”. Tim tôi chùng hẳn xuống! Tôi quên mất rồi!

    Giờ thì không thể đơn giản chỉ là quay xe lại và trở về nhà mà lấy. Tôi đang ở tít phía Tây, còn hộ chiếu của tôi ở mãi tận Florida, cách đấy hơn hai ngàn dặm. Sáu tiếng nữa tôi sẽ phải thuyết trình tại Edmonton. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi phải làm sao bây giờ?

    Steve, Mark, tôi và Linda – trợ lý của tôi cố giải quyết vấn đề đó trong hai giờ kế tiếp. Cứ mỗi phút trôi qua lại cho thấy tôi đang vấp phải vấn đề lớn. Tôi biết là mình sẽ chẳng được phép đặt chân lên máy bay để sang Canada mà không có hộ chiếu. (Tin tôi đi, tôi đã hỏi rồi!) Chúng tôi cũng biết rằng không thể lấy hộ chiếu qua đường chuyển phát nhanh được. Người nhà ở Florida cũng chẳng thể bắt một chuyến bay thương mại mà mang sang cho tôi kịp giờ. Tôi sẽ không thể thuyết trình tối nay. Khả năng giải quyết vấn đề đó là bất khả thi.

    Cuối cùng thì sau một hồi tích cực làm việc và tư duy sáng tạo, chúng tôi đã tìm ra giải pháp. Ban tổ chức ở Edmonton đồng ý rời buổi nói chuyện tối hôm đó vào buổi tối hôm sau. Cùng lúc, chúng tôi thuê một chiếc máy bay phản lực tư nhân bay từ Florida tới Spokane mang theo hộ chiếu của tôi. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh biếm họa rằng ai đó đặt hộ chiếu của mình vào một trong những chiếc ghế, như thể nó là một hành khách vậy. Ôi trời, tôi thấy mình thật ngu ngốc.

    Lúc nửa đêm, khi máy bay tới nơi, chúng tôi lên máy bay và hướng tới Edmonton. Chúng tôi đến thành phố vào sáng hôm sau, tôi đã có mặt vào buổi họp ngày hôm đó và tham gia thuyết trình vào buổi tối. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

    Tin tốt là chúng tôi đã giải quyết được vấn đề. Tin xấu là cái giá để sửa lỗi đó là 20.000 đô-la!

    Ngày kế tiếp tôi bị mắc kẹt trong cảm xúc. Tôi liên tục tự hỏi mình:

    Vì sao một người đi lại kì cựu như tôi mà lại mắc lỗi sơ đẳng đến vậy?

    Tôi đã gây ra sự bất tiện như thế nào cho những người phải rời buổi thuyết trình vào buổi tối hôm sau?

    Sao tôi không nghĩ tới hộ chiếu sớm hơn 24 giờ, như vậy tôi chỉ mất có vài trăm đô-la thay vì hàng nghìn đô-la như thế?

    Tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi không tìm ra giải pháp?

    Những ý nghĩ và câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi mãi. Để có thể hồi phục lại, tôi đã uống milkshake(thứ đồ uống giúp giải khuây), đi bơi và cố gắng nghỉ ngơi. Tôi có cảm giác mình như nô lệ cho chính những cảm xúc của mình.

    Tôi thường xử lý các tình huống thất bại và sai lầm khá nhanh nhưng lần này thì tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Tôi đã phải vật lộn để vượt ra khỏi nhà ngục do chính mình dựng lên với những câu hỏi giả định nếu-thì. Hôm nay tôi có thể cười vào việc đó nhưng ngay cả bây giờ tôi vẫn cảm thấy thật ngu ngốc khi bỏ quên một thứ cơ bản như vậy.

    Người ta nói rằng nếu con tàu đại dương mà biết tư duy và có cảm xúc thì nó đã chẳng bao giờ rời bến. Nó có thể sẽ sợ hàng nghìn con sóng lớn mà nó sẽ gặp trong hành trình vượt đại dương của mình. Lo lắng và sợ hãi là những cảm xúc khiến trái tim con người yếu mềm. Thất bại cũng vậy. Chúng cũng khiến chúng ta yếu đuối, giam cầm ta, khiến ta tê liệt, nản lòng và mệt mỏi. Để thành công, ta cần phải tìm ra những cách để không bị mắc kẹt về mặt cảm xúc.

    2. Thất bại đánh bại ta về mặt tinh thần

    Cuộc đời là một chuỗi những mất mát liên tiếp, bắt đầu từ việc mất đi sự ấm áp và dễ chịu trong bụng mẹ, nơi nuôi dưỡng ta trong suốt chín tháng đầu khi ta chuẩn bị chào đời. Thời ấu thơ ta lại mất đi sự xa hoa khi được lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Ta mất những món đồ chơi ưa thích. Ta mất những tháng ngày chỉ dành cho việc vui đùa và khám phá. Ta mất đi cái đặc quyền được theo đuổi những vui thú của tuổi trẻ mà bỏ qua hết mọi trách nhiệm. Ta bị chia tách khỏi sự bảo bọc của gia đình khi ta rời tổ ấm đó và nhận lấy những trách nhiệm của một người trưởng thành. Trong suốt quãng thời gian làm người trưởng thành, ta mất việc, mất vị trí. Lòng tự trọng của ta có thể bị tổn thương. Ta mất tiền. Ta lỡ mất các cơ hội. Bạn bè, gia đình cũng qua đời. Và tôi thậm chí còn chẳng muốn nói đến một số mất mát về thể chất mà ta phải gánh chịu khi tuổi ngày một cao! Ta mất tất cả những thứ đó và còn nhiều hơn thế, cho đến một ngày ta đối diện với sự mất mát cuối cùng – cuộc sống của ta. Không thể phủ nhận cuộc sống của chúng ta đầy những mất mát. Một số mất mát khá lớn, nhưng số khác lại nhỏ. Và những mất mát mà ta phải đối mặt tác động đến sức khỏe tâm thần của ta. Một số người biết cách xử lý khá tốt nhưng nhiều người lại không.

    Tính cách giúp phân biệt một người thành công với một người không thành công đó là khả năng xử lý những thất vọng và thất bại. Việc này khá thách thức bởi những thất bại thường có thể đánh bại ta về mặt tinh thần. Tôi biết trong trận chiến đó, tôi phải đấu tranh. Khi chuyện đó xảy ra, suy nghĩ của chúng ta thường như những gì mà Harry Neale, huấn luyện viên đội Vancouver Canucks những năm 1980 đã nói: “Năm ngoái chúng tôi không giành thắng lợi ở sân bạn và năm nay chúng tôi không thể thắng ở sân nhà. Tôi không biết còn chỗ nào để chơi nữa không!

    Việc bị thất bại quá nhiều sẽ tác động tới đầu óc chúng ta. Nó đánh bại ta, và ta gặp rắc rối trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức của mình. Khi những thất bại ngày một nhiều hơn, chúng sẽ dần dần giống với một gánh nặng. Ta hối tiếc những thất bại của ngày hôm qua. Ta sợ hãi những thất bại của ngày mai. Sự hối tiếc làm cạn kiệt nguồn năng lượng của ta. Chúng ta không thể phát triển trên nền hối tiếc. Lo sợ cho tương lai sẽ khiến ta sao nhãng và bị lấp đầy bởi sự e dè.

    Chúng ta đều muốn thành công nhưng đồng thời ta cũng nên được đào tạo về những thất bại. Tác giả J. Wallace Hamilton cũng nhắc đến điều đó trong một bài của cuốn tạp chí Leadership: “Sự gia tăng tỷ lệ tự tử, nghiện rượu và thậm chí một số hình thức suy nhược thần kinh là bằng chứng cho thấy hiện nay rất nhiều người đang được đào tạo để thành công trong khi lẽ ra họ nên được đào tạo về sự thất bại. Thất bại phổ biến hơn thành công rất nhiều; nghèo đói thường gặp hơn giàu sang; và sự hối tiếc thường thấy nhiều hơn là niềm kỳ vọng cái mới.”

    Ta cần phải chuẩn bị cho những sai lầm, thất bại và mất mát trong cuộc sống bởi mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với chúng. Tuy nhiên khi chúng tới ta phải kiểm soát chứ không để chúng phát triển thêm. Tác giả William A. Ward đã nói: “Con người, cũng như cây cầu, được thiết kế để có thể chịu được tải trọng trong một khoảng thời gian chứ không phải tất cả khối lượng một năm cộng lại liền một lúc.”
     
    kingatherno1 and Fish like this.
  3. hut_mit

    hut_mit Lớp 3

    hai huynh cho hỏi, không có ebook à
     
Moderators: thanhbt, TĐT

Chia sẻ trang này