Thơ Việt Hoàng Hôn Nhớ - Nguyễn Đình Chiến

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi rockyou, 1/4/17.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. rockyou

    rockyou Lớp 7

    LẠI HOÀNG HÔN NHỚ

    "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"
    (Kiều)

    Thời gian càng lùi xa, những chi tiết vụn vặt rơi vãi dần, Nguyễn Đình Chiến càng hiện ra rõ nét hơn khi anh không còn ở bên cạnh chúng tôi. Những lời nói hùng hồn. Những cái khoát tay như dao chém đá. Động tác vuốt ngược mái tóc, khi anh cao đàm, khoát luận. Và những giọt nước mắt rơi vì xúc động trong những đêm thơ nay không còn nữa. Anh đi rồi. Nguyễn Đình Chiến không giữ lời hứa. Anh không nói một lời, đột ngột rời bỏ chúng tôi để đi đến nơi "trăng sao tối tối rủ nhau về"...
    Hoàng hôn nhớ mỏng manh nằm ngay ngắn trên tay đã lâu, tôi chưa lật giở trang nào. Tôi không đọc thơ mà đầu óc đang vẩn vơ nhớ về bạn. Hoàng hôn nhớ vẫn đây, anh ở đâu?!
    "Đọc Nguyễn Đình Chiến" của Trần Đăng Khoa nằm ngay đầu tập thơ. Nó dầy dặn, ngổn ngang vài dài quá mức cần có cho một tập thơ lần đầu ra mắt (tôi cũng đã nói với Khoa về suy nghĩ của mình ngay từ lúc tập thơ chưa xuất bản). Tôi đã đọc bài của Khoa hai lần. Lần đầu trước khi đưa xuống nhà in, và lần này khi chuẩn bị tái bản "Hoàng hôn nhớ". Tôi cứ có cảm giác Khoa viết cho "Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Chiến" mà mãi hơn hai mươi năm, sau "Hoàng hôn nhớ", mới ra mắt nhân dịp giỗ đầu nhà thơ. Mọi thứ về Nguyễn Đình Chiến, Khoa đã viết, đã phân tích khá kỹ, tưởng chừng như không còn gì để viết thêm nữa....
    Có người từng nói Nguyễn Đình Chiến là nhà thơ của quê hương quả không sai. Cảnh trước mắt chỉ là cái cớ để anh rưng rưng nhớ về rừng cọ đồi chè quê anh, cũng đúng. Nhưng tôi không thích cách tiếp cận này. Tôi cứ có cảm giác người ta đang liệt kê, bình phẩm những con chữ trên giấy hơn là tìm cách để hiểu một tâm hồn. Nhất lại là tâm hồn rất "quê", rất "thiên nhiên" của một nhà thơ. Đọc bài phê bình "Hoàng hôn nhớ" của Châu Hồng Thuỷ thì tôi cứ có cảm giác Thuỷ đang nói về mình chứ không phải về Chiến. Có chăng là đang mượn những câu thơ của Chiến để minh họa cho những suy tư của mình... Những gì còn lại của Nguyễn Đình Chiến là những trang in, tôi cho là còn vội vàng của những người làm sách. Mọi cái trong "Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Chiến" đều có, chỉ thiếu mỗi người hiểu Chiến...
    Lượng bài viết về thơ và Nguyễn Đình Chiến khá nhiều. Tôi không định liệt kê và đi tìm lời giải về Nguyễn Đình Chiến thông qua những bài viết đó. Với tôi, Nguyễn Đình Chiến gần gũi, thân thương, sống động hơn nhiều chứ không xa lạ như thế...
    Dù không phải "chuyên môn" của mình, dù vốn mỹ từ không có gì, tôi cũng muốn góp vài dòng về một góc nhìn, một cách tiếp cận khác, nhằm khắc họa được phần nào chân dung cái người "vô tình", "mềm yếu", cái người "không giữ lời hứa". Nói đến lời hứa "Mình thế nào thì sẽ vẫn như thế ấy, hết mình cho thơ, cho quê hương, hết mình cho tình bạn và sống thật lâu, lâu nhất có thể". Anh đã không làm được. Nỗi buồn, "không biết ngỏ cùng ai", dù anh sống giữa một biển mênh mông người, đã gặm nhấm, mỗi ngày một tý làm anh gục ngã, người mà tôi nghĩ với tư chất không thể bị đốn hạ.
    Tôi đã đọc vô vàn trang sách, đã xem vô vàn bức tranh, nhưng những thứ đọng lại trong tôi không nhiều. Có những trang viết trơn bóng đến độ tôi không thể tìm đâu ra hình ảnh để minh họa. Nó không có hình ảnh. Hay nói một cách khác là vắng chất tạo hình. Bản chất của những trang viết này là mộng du, thiếu vốn sống thực tế. Lười quan sát, thiếu nhạy cảm của tâm hồn.
    Những trang viết, những vần thơ, những câu, những chữ Nguyễn Đình Chiến dùng đều thấm đẫm sự hiểu, hiểu đến tận cùng "thiên nhiên", bằng "nỗi nhớ", bằng sự mẫn cảm, tinh tế trong tâm hồn. Chúng chinh phục người đọc bằng cách nhìn thiên nhiên, cuộc sống đầy ắp chất tạo hình. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ Nguyễn Đình Chiến chính là họa sĩ. Chỉ có điều anh vẽ tranh bằng chữ. Tôi không trích dẫn, minh họa, vì bạn đọc có thể tìm thấy điều này ở bất cứ bài thơ nào, câu thơ nào trong thơ Nguyễn Đình Chiến. Với tư cách họa sĩ, tôi không nghĩ như Trần Đăng Khoa là những cái Chiến vẽ ra mượt mà, êm dịu như lụa. Với Chiến, ánh sáng là thứ không thể thiếu. Dù là ánh hoàng hôn hay ánh trăng cũng vậy, chúng được anh vung vẩy, sơn phết một cách táo bạo chứ không rụt rè, mềm yếu. Cá tính của Chiến là vậy. "Người lính, quen đi nhanh, bước mạnh" ngay cả trong thơ, trong trang viết của anh. Ngay cả trong giấc ngủ cũng mạnh bạo, không kiểu cách. Anh không chọn kê đầu lên cỏ non mà "gối đầu lên đá xám"...
    Thay vì đánh vần để thuộc lòng một câu thơ của ai đó, với thơ Nguyễn Đình Chiến bạn đỡ vất vả hơn nhiều vì không phải làm điều này. Nó đi vào bạn theo ngả hình ảnh. Hình ảnh sẽ được lưu giữ trong tâm trí người đọc bền lâu hơn rất nhiều so với chữ nghĩa thuần tuý. Tôi nghĩ như thế. Từ trong vô thức Nguyễn Đình Chiến cũng đã cho ra đời những vần thơ như thế. Đến hôm nay. Những "bức tranh" Chiến vẽ bằng chữ vẫn tươi mới. Chúng không già đi theo năm tháng, như thơ của nhiều người khác.
    Với riêng tôi, Nguyễn Đình Chiến là một họa sĩ đích thực. Anh vẽ vào tâm hồn người đọc bằng ngôn từ, bằng con chữ. Đánh thức người đọc bằng sự mạnh bạo, thô ráp của những nét vẽ chấm phá. Quê hương trong "tranh" của anh thăm thẳm một màu nỗi nhớ....

    Hà Nội 29/3/2017


    Screen Shot 2017-03-31 at 23.25.16 copy.jpg
     

    Các file đính kèm:

Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này