Học gần, học xa - GS Bùi Trọng Liễu

Thảo luận trong 'Tủ sách Tâm lý - Giáo dục' bắt đầu bởi conguyen, 1/10/13.

Moderators: dragonking91, mopie
  1. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Tên sách: HỌC GẦN, HỌC XA (Tạp đàm)
    Tác giả: Bùi Trọng Liễu Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp)

    Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005
    Mục lục
    0. Lời nói đầu
    Chương 1: Tạp đàm với Y, nhưng Y là ai ?
    Chương 2: Từ ngữ, chơi chữ, và « biết hay không biết »
    Chương 3: Thương nhân và ảnh hưởng
    Chương 4: Về một bài báo mang tên « Giảm khinh »
    Chương 5: Về sắc đẹp phụ nữ và chuyện tình
    Chương 6: Đọc sách và điểm sách
    Chương 7: Lại chuyện Giáo dục Đào tạo

    Về tác giả::
    Sinh năm 1934,
    du học ở Pháp (1950), rồi định cư ở Pháp.
    Tiến sĩ nhà nước về khoa học, ngành Toán. (Docteur d’Etat ès sciences mathématiques), Paris 1962.
    Nghiên cứu viên tại Direction des Etudes et Recherches de l'EDF (1959-1963).
    Giáo sư đại học (Lille 1963-1969, Paris 1969-2003).
    Nghỉ hưu 2003.

    Bùi Trọng Liễu là tác giả của 4 cuốn sách đã xuât bản ở Việt Nam:
    - "Tự sự của người xa quê hương” (tên cũ là “Chuyện gia đình và ngoài đời”) , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004.
    - "Chung quanh việc Học", nxb Thanh niên 2004.
    - “Học gần, Học xa” , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005.
    Hai cuốn sách sau do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Tổng hợp tp HCM tái bản dưới đầu đề “Học gần, Học xa” 2006.
    - "Học Một Sàng Khôn", nxb Tri thức Hà Nội 2007.
    Một cuốn sách thứ 5, chưa xuất bản, là một "tạp ký bỏ ngỏ: "Hướng về quê cũ lúc chiều tà" gồm các bài báo gần đây của tác giả đã đăng trên báo.

    Lời nói đầu
    Tôi vốn là một nhà giáo. Thuở trẻ thì đi học ; lúc vào đời thì dạy học. Nhưng dạy học thì cũng vẫn luôn luôn phải học, học để trau dồi nghề nghiệp, nhưng cũng học để hiểu biết thêm thế giới chung quanh mình, vì mọi sự hiểu biết đều có liên quan. Trong bốn mươi năm hành nghề giáo sư đại học ở Pháp trong khuôn khổ chuyên môn của mình, tôi chăm chú chắt lọc, thu gọn những hiểu biết tích lũy của thiên hạ và những tìm tòi suy ngẫm của chính mình, tìm những cái mà mình cho là tinh túy để ghi thành những bài giảng, để chuyển giao cho những sinh viên của mình. Tôi vẫn nghĩ rằng đó là cách tiết kiệm thời giờ nhất, có hiệu quả nhất, để chuyển giao kiến thức cho những người theo học, dù ở bất cứ cấp bậc nào, dù là ở năm đầu đại học hay ở cấp nghiên cứu sinh ; thu gọn thì giờ cho họ, để họ có thời gian suy ngẫm tự tìm hiểu thêm những điều cần biết và muốn biết. Đó là trong khung cảnh nghề nghiệp của tôi.
    Như đã nói trên, ngoài đời, tôi cũng có nhiều điều phải học hỏi, về lịch sử, về văn hóa, về học thuật, về cách ứng xử, vv. Học hỏi đây, không chỉ qua việc đọc sách, đọc báo, đọc tin, tìm tài liệu, mà còn qua những trao đổi với những người khác, điều gì biết được thì nhớ lấy, điều chưa tỏ thì hỏi những người đã biết. Những sự tích lũy đó, mà tôi đã « học gần, học xa », tôi không muốn bỏ phí. Từ hơn một năm nay nghỉ hưu, tôi chẳng còn bổn phận phải chuyển giao hiểu biết cho ai nữa ; nhưng cái ý tiết kiệm thời giờ cho người khác vẫn còn đó ; vì thế nên tôi muốn ghi chép lại một số điều đã tích lũy, để « tặng » những ai muốn đọc, muốn biết, hoặc muốn giải trí trong lúc thư nhàn..
    Sự hiểu biết là vô tận, ai mà biết hết được những điều muốn biết ! Mục tiêu cuốn sách này rất là khiêm tốn : ghi chép lại một số điều đã thu thập được về những chuyện đông, tây, kim, cổ, dưới dạng trao đổi không « hàn lâm », với cách viết bình dị nhất.
    Tự tôi không thể biết xếp cuốn sách này vào thể loại nào, tạp sử trá hình ? tạp luận ? tùy bút ?… Hình như từ « tạp » trong tiếng Việt Nam ta là một từ không biểu hiện sự « sang trọng », thuần túy, « phải đạo ». Nhưng lấy gì để chỉ một tập hợp của nhiều đề tài, nhiều vấn đề khác nhau, tuy có một dây liên lạc, dù mỏng manh, nối chúng với nhau ? Từ chuyện thương nhân buôn vua như Lã Bất Vi, tới Tần Thủy hoàng, dứt nền phong kiến phương đông, qua Lữ hậu giết Hàn Tín, sang đến truyền thuyết hậu duệ là họ Vi, tàn dư phong kiến ở nước ta và đức độ của cụ Hồ, cũng có chút mối liên quan. Thương nhân phương Tây với dòng họ Medici, và dây mơ rễ má tới các giáo hoàng của giáo hội La-mã, tới vua chúa, tới mấy nhà văn Pháp, cũng thế. Chơi chữ, đọc sách và điểm sách, ông Hồ Tông Thốc và giấc mơ ở đền Hạng vương, cô đào Nicole Kidman và cuốn phim ma tưởng mình là người, Trang Sinh mơ mình là bướm hay bướm mơ mình là Trang Sinh, mê lộ, vv.và vv., việc học hành, lẽ ra thế này sao lại thế kia, đáng lẽ phải vậy mà hóa ra không phải vậy. Linh tinh như thế, không dùng chữ « tạp » thì dùng chữ gì ? Hay nó cũng như thương nhân, hạng chót của bậc thang xã hội ta thuở xưa, sao lại thịnh như vậy trong xã hội khác ? Nhưng tôi là người « bất cơ », nếu dùng theo nghĩa của Tư Mã Thiên , nghĩa là không biết buộc mình theo tập tục, mà vượt ra ngoài lề thói.
    Viết sách, tôi mới nhận thấy những khó khăn khi ghi tên người, hoặc địa danh nước ngoài, nhất là tiếng ta hình như chưa định chuẩn thống nhất. Ghi bằng tự dạng nước gốc, thì tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể làm được (như chữ Hán, chữ A-rập, …) , phiên âm từ cách phát âm bản xứ cũng thế ; rồi viết có gạch nối hay không, vv. Có lẽ tên ta hoặc tên Tàu, vì do ngôn ngữ đơn tiết, tôi sẽ viết không gạch nối. Còn tên thuộc ngôn ngữ khác, khi phiên âm, tôi đành để gạch nối, với chữ hoa khởi đầu, chứ không dùng chữ hoa sau gạch nối. Nhưng tên người Mông Cổ, lúc chưa Hán hóa thì viết thế nào, lúc đã Hán hóa và vào Trung quốc rồi thì viết thế nào ? Lại còn khó khăn khác. Xin đơn cử vài thí dụ : tên gọi các giáo hoàng, ghi theo âm quốc tịch gốc của các vị, hay theo tên ghi bằng tiếng La-tinh ? Lại như cái tên của nhà thám hiểm Kha-luân-bố (sinh năm 1450 hay 1451 không rõ, mất năm 1506). Ông ta vốn sinh ra ở Genova (nay thuộc Ý), tên lúc sinh ra là Cristoforo Colombo, rồi tiếng Bồ-đào-nha (nơi mà ông ta sinh sống nhiều năm và cố thuyết phục nhưng không thành công vua nước này giúp cho ông ta thực hiện đề án thám hiểm) gọi ông ta là Cristóvão Colombo ; tiếng Tây-ban-nha (nơi mà ông ta thuyết phục được vua Fernando II và hoàng hậu Isabel la Catolica đỡ đầu và trao sứ mạng thám hiểm cho ông ta) thì gọi ông ta là Cristóval Colón (xứ Castillan) hay là Cristofor Colom (xứ Catalan) ; người Pháp gọi là Christophe Colomb ; tiếng La-tinh viết là Christophorus Colombus ; tiếng Anh là Christopher Columbus ; tiếng Đức là Christoph **lumbus ; tiếng Hà-lan là Christoffel Columbus, tiếng Thụy-điển là Kristoffer **lumbus ; những người thủy thủ xứ Breton (Pháp) thì gọi ông ta là Kristol Goulm, vv. Còn ta thuở xưa, theo tự dạng chữ Hán của người Tàu phiên âm theo cách đọc của họ, rồi đọc theo kiểu đọc chữ Nho của ta thành Kha-luân-bố. Biết viết thế nào cho hợp ? Rốt cục, tôi đánh cố gắng tùy trường hợp, ghi bằng cách nào mà tự mình cho là phù hợp hơn cả, mặc dù tôi sống ở Pháp, quen với cách phát âm của người Pháp, nên có phần thiên vị ngả về tiếng Pháp hơn. Mong người đọc thông cảm và khoan dung.
    Tôi có lời cám ơn các anh chị ĐT, NT, KV, QV, ĐVN nói riêng và DĐF nói chung, đã trực tiếp hay gián tiếp cho tôi một số thông tin về những sự việc, điển tích hay cách dùng từ ngữ.
    Viết sách mà có được người đọc, là một sự may mắn ; còn khen hay chê là điều mà tác giả, như tôi, phải biết sẵn sàng đón nhận .
    Paris, tháng 3, 2005
    Bùi Trọng Liễu
    __________________________________________________________
    Link trên diễn đàn: View attachment Hoc-gan-hoc-xa.rar
    __________________________________________________________
    Link mf: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nguồn e-thuvien.com
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/10/13
Moderators: dragonking91, mopie

Chia sẻ trang này