"Học nhảy" và gặp ông Nguyễn Hiến Lê (BS Đỗ Hồng Ngọc)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 3/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    “Học nhảy” và gặp ông Nguyễn Hiến Lê



    Ra trường ba năm, tôi viết cuốn sách đầu tay: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972). Cuốn sách này do ông Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Ông viết rất trang trọng và có một câu mà tôi nhớ mãi: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Tôi mê văn chương, làm thơ, vẽ tranh... từ nhỏ. Khi còn là sinh viên đã in thơ, làm báo... Nói khác đi, không phải ra trường làm bác sĩ rồi mới cầm bút. Với tôi, bác sĩ là cái “nghề”, còn văn chương là cái “nghiệp”. Tôi mê cả hai.

    [​IMG]

    Lúc 5 tuổi, tôi cùng gia đình từ La Gi (Bình Tuy, nay là Bình Thuận) tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng... đủ thứ. Năm tôi 12 tuổi, cha mất trong rừng vì thiếu thầy, thiếu thuốc. Tôi theo mẹ về tá túc trong một ngôi chùa với người cô bị tật nguyền. Tôi nhớ lúc đó cân nặng được 25kg, da xanh mét, lá lách sưng to, mỗi ngày phải đi nhà thương thí để chích thuốc. Riết rồi ghiền cái mùi nhà thương. Và cũng từ lúc đó tôi có ý muốn học y.

    Cô và các chị tôi rất mê truyện Tàu. Tôi được sai đi mướn truyện nhưng cấm đọc. Tôi thường lén đọc trên đường đi, dưới gốc cây, nơi bệ đá cổng chùa... trước khi mang về. Đọc tuốt, không chừa thứ gì trong tiệm cho thuê sách đó. Không chỉ vậy, tôi còn viết nhật ký, viết nhận xét phê bình này nọ mỗi lúc đọc xong một cuốn sách.

    Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ dù ở quê tôi ông là người hay chữ nhất, được bà con rất quý trọng. Thấy tôi 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường tiểu học của một người bạn gửi cho học miễn phí. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Sài Gòn mang về. Tôi mê tít.

    Mới đầu, nhà trường cho tôi vào học thử lớp 3. Vài tháng sau nói tôi học được cho lên lớp nhì (lớp 4 bây giờ). Vài tháng sau nữa cho tôi vào thẳng lớp nhất (lớp 5). Trường tư, trong một ngôi chùa, nếu học giỏi thì được miễn phí. Tôi học giỏi. Cuối năm nhất lớp, chở phần thưởng về chùa bằng... xe xích lô! Cô tôi khen ngợi thưởng cho 10 đồng, đủ ăn năm chén chè sâm bổ lượng với năm người bạn thân!

    Tôi thi đậu cao vào đệ thất (lớp 6) Phan Bội Châu. Hằng ngày vừa đi học, vừa lo cơm nước cho mẹ tôi bán hàng ngoài chợ. Thế rồi, giữa chừng lại bỏ học vì cả gia đình dời về quê cũ La Gi. Tỉnh mới thành lập, chưa có trường trung học. Tôi thất học, phụ bán hàng xén với mẹ ở chợ La Gi. Ba năm sau mới có lớp đệ thất đầu tiên trong một ngôi nhà thờ. Nhớ lại hồi nhỏ học nhảy tưng bừng của mình, tôi tính chuyện học nhảy tiếp. Nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Sài Gòn bỏ hàng cho mẹ, tôi lang thang lề đường nơi bán sách cũ, vớ được cuốn Kim chỉ nam của học sinh của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc thấy trúng ý mình quá, bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông nói muốn học nhảy có nên không. Ông trả lời ngay: “Cháu có thể học nhảy được, vì đọc thư thấy sức cháu có thể học lớp đệ tứ (lớp 9) rồi đó”. Tôi bèn lập chương trình học nhảy.

    Thi đậu ngay trung học đệ nhất cấp, lại nhảy tiếp bỏ đệ tam, đậu tú tài I rồi tú tài II. Khi tôi băn khoăn trước ngã ba đường giữa học y, học sư phạm hay học văn khoa. Cái nào cũng thích. Ông Nguyễn Hiến Lê lần nữa khuyên nên học y để giúp gia đình, giúp đời, nếu học giỏi có thể dạy học và nếu có tâm hồn vẫn có thể viết lách được. Đã có nhiều nhà văn là bác sĩ như Tchekov, Cronin, Sommerset Maugham... Tôi đã làm đúng như thế.

    Tôi học y nhưng ghi danh học thêm văn khoa, xã hội học, những ngành tôi thích. Những năm này tôi đã vào Sài Gòn “du học”, ở nhà trọ, ăn cơm tháng trong khu ổ chuột Bàn Cờ (Q.3) và thường xuyên đến thăm ông Nguyễn Hiến Lê. Ông luôn động viên, khuyến khích việc học của tôi. Khi báo Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách của ông, tôi viết bài “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi”. Ông nói đây là “món quà” qúy nhất của ông. Ông đã coi tôi như một người học trò “chân truyền” rồi vậy.

    Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC
    HÀ THANH ghi…..

    (Trích trong bài Ghiền mùi nhà thương rồi thành bác sĩ, Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Posted by goldfish
     
    nth thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này