PG KẺ SỐNG SÓT - Stephen King

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi coughgerm, 16/5/17.

  1. coughgerm

    coughgerm Lớp 7

    KẺ SỐNG SÓT

    Nguyễn Xuân An dịch từ Survivor Type

    của Stephen King

    Trong cuộc đời sinh viên y khoa thế nào cũng có lúc câu hỏi được đặt ra. Người ta có thể chịu nổi bao nhiêu sốc chấn thương? Mỗi ông thầy trả lời một cách khác, nhưng nói cho cùng, phải trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi: Vấn đề là người bệnh muốn sống cỡ nào?

    Ngày 26 tháng Giêng

    Cơn bão đánh tôi trôi dạt vào bờ cách đây hai hôm. Sáng nay đi bộ có một vòng là hết mẹ nó hòn đảo. Đảo đếch gì mà bề ngang 190 bước và bề dài chưa tới 267 bước.
    Vẫn chưa tìm ra cái gì để ăn.
    Tên tôi là Richard Pine. Đây là cuốn nhật ký của tôi. Nếu được cứu thì chỉ cần một que diêm là xong. Ở đây cái gì thì thiếu chứ que diêm không thiếu. Que diêm và bạch phiến. Chẳng dùng làm cái gì. Chỉ còn biết viết để giết thì giờ.
    Đã lỡ nói thì cũng nói luôn, tên cúng cơm của tôi là Richard Pinzetti, nguyên quán phố Ý Nhỏ, New York. Bố dân Ý một trăm phần dầu. Tôi muốn thành bác sĩ giải phẫu. Ổng ôm bụng cười, mày điên hở, rót cho tao ly vang đi. Ổng chết bệnh ung thư năm bốn mươi sáu tuổi. Tôi được tin cười khoái chí.
    Thời trung học tôi chơi football. Quarterback số một của trường đấy. Trong hai năm cuối tôi được chọn vào hội tuyển thành phố. Tôi cóc thích chơi football. Nhưng dân Ý con nhà nghèo mà muốn lên đại học thì chỉ còn con đường thể thao. Thế là tôi chơi football, và được học bổng thể thao.
    Lên đại học tôi chơi banh cho tới khi đủ điểm học bổng học vấn. Dự bị y khoa. Sáu tuần trước khi tôi ra trường thì bố tôi chết. Càng tốt. Bộ tưởng tôi muốn đi ngang khán đài lãnh bằng nhìn xuống thấy thằng cha bụng bự mồ hôi dầu ngồi một đống đó hay sao? Tôi cũng gia nhập hội sinh viên. Không ngon lành gì cho lắm, nhưng tên là Pinzetti thì có còn hơn không.
    Tại sao nói chuyện này hả? Tại nó hơi bị tức cười. Không, cho tôi nói lại. Tức cười quá đi chớ. Ông Bác Sĩ Pine, mặc trần xì có cái quần pajama và cái áo thun, ngồi trên tảng đá của một hòn đảo mà, ngồi bên này phun nước bọt bay sang tới bên kia, để viết lại chuyện đời. Đói bụng không hả? Mặc mẹ tôi. Tôi muốn viết tiểu sử đời mình thì tôi cứ viết. Tối thiểu cho đỡ đói.
    Tôi đổi sang tên Pine khi bắt đầu vào trường y. Mẹ tôi nói, con ơi, nỡ lòng nào. Lòng với dồi cái chó gì? Ông già tôi mộ chưa xanh cỏ thì bả đã đi liếc mắt đưa tình với lão Do Thái chủ tiệm chạp phô đầu ngõ. Nếu quí giá cái tên thì đã không đổi sang họ Steinbrunner một cái rụp.
    Tôi chỉ mê có giải phẫu. Từ thời còn trung học. Hồi đó tôi đã băng chặt tay trước mỗi trận banh rồi ngâm tay vào trong nước sau đó. Nếu muốn làm bác sĩ giải phẫu thì phải o bế đôi bàn tay. Tụi nó hay chọc tôi, gọi tôi là thằng chết nhát. Hơi sức đâu gây lộn với chúng nó làm gì. Thiếu gì cách. Thằng ghẹo nhiều nhất là Howie Plotsky, một thằng đầu bò ngu dốt, mặt đầy trứng cá. Tôi đi bỏ báo, rồi còn bán số đề. Tôi có nhiều mánh lắm. Tất cả đều nhờ quen biết, liên hệ hết. Muốn làm ăn thì phải vậy. Muốn chết thì dễ lắm, thằng chó nào chẳng chết được. Cái khó là làm sao để sống. Hiểu không? Thế là tôi dúi cho thằng Ricky Brazzi, một thằng to con nhất trường, mười tít để nó nện cho thằng Howie Plotsky một trận. Cho nó không còn cái răng nào húp cháo . Mỗi cái răng tao cho mày thêm một đồng. Rico mang cho tôi ba cái răng gói trong khăn giấy. Nó bị trật khớp hai ngón tay. Cũng may là tôi đã không ra tay.
    Trong trường y khoa trong khi những thằng ngu khác phải đi làm bồi bàn hay lau nhà thì tôi tiếp tục những mánh mung ngày trước. Cá độ football, cá độ basketball. Tôi vẫn giữ mối quan hệ với xóm cũ. Và tôi ra trường một cách thoải mái.
    Năm thường trú tôi mới bắt đầu buôn thuốc. Lúc ấy tôi đang làm trong một nhà thương lớn nhất New York. Thoạt tiên chỉ là toa chưa viết. Tôi bán một xập trăm tờ cho thằng trong xóm. Nó giả mạo chữ ký của bốn năm chục bác sĩ, bắt chước những tuồng chữ viết tay mà tôi cũng là người bán cho nó. Mỗi toa nó bán từ mười cho đến hai chục đô la. Thế là mấy thằng nghiện tha hồ mà sướng.
    Sau một thời gian tôi phát giác là chẳng có ma nào kiểm soát kho thuốc nhà thương cả. Có đứa mang cả vốc thuốc ra mà không ai để ý. Tôi không làm như vậy. Cẩn tắc vô áy náy. Chỉ có bất cẩn hay không may thì mới bị bắt.
    Thôi không viết nữa. Tay thì đau mà bút chì thì mòn vẹt. Mà viết làm cái quái gì. Thế nào mà sẽ chẳng có người đến cứu.

    Ngày 27 tháng Giêng

    Tối qua chiếc thuyền trôi đi và chìm sâu ba mét ở phía bắc hòn đảo. Kệ mẹ nó. Sau khi chạm phải san hô thì đáy thuyền đã thủng lỗ như phó mát. Có gì đáng lấy thì đã lấy rồi. Bốn gallon nước. Một hộp kim chỉ. Và cuốn vở mà tôi đang viết, nguyên là cuốn nhật ký thuyền cấp cứu. Thật là khôi hài. Thuyền cấp cứu mà không có Thức Ăn. Ờ, còn hai con dao, một con cùn một con sắc, một cái vừa làm thìa vừa làm xiên. Để ăn món đá hầm tối nay. Ha-ha. Tối thiểu thì tôi đã vót nhọn cái bút chì.
    Khi tôi thoát khỏi cái đống đá dính đầy cứt chim này thì tôi sẽ kiện hãng tàu Paradise cho nó sạt nghiệp luôn. Nội đó không cũng đủ lý do để cố mà sống. Tôi phải sống. Sẽ thoát khỏi chốn này. Tin tôi đi. Tôi sẽ thoát khỏi chốn này.

    (Một lúc sau)
    Khi liệt kê hàng hóa, tôi quên không nhắc đến một món: hai kí-lô bạch phiến nguyên chất, trị giá độ 350.000$ ở New York. Ở đây thì không đáng một xu teng. Tức cười há? Ha-ha!

    Ngày 28 tháng Giêng

    Ăn rồi-- gọi là ăn cho nó sang. Sáng nay có một con hải âu đứng vênh váo trên một tảng đá giữa đảo. Ở đây đá tảng nằm lộn xộn một đống như đống núi, cái nào cũng nhoe nhoét cứt chim. Tôi tìm được một hòn đá vừa lòng bàn tay rồi bò lại gần. Nó vẫn đứng đó, nhìn tôi bằng đôi mắt đen lóng lánh. Cũng may là tiếng kêu rột rột trong bụng của tôi không làm nó sợ.
    Tôi lấy hết sức bình sinh ném trúng người nó. Nó kêu quang quác rồi cố bay đi, nhưng cánh bên phải của nó đã bị gẫy. Khi tôi bò theo thì nó nhẩy cà nhắc. Tôi thấy một giòng máu nhểu xuống bộ lông trắng của nó. Con khốn nạn bắt tôi phải đuổi theo. Có một lúc tôi giẵm chân thụt xuống cái khe giữa hai tảng đá và tí nữa thì đã gẫy mẹ nó mắt cá chân rồi.
    Cuối cùng thì nó cũng mệt, và tôi túm cổ nó ở phía đông hòn đảo. Nó định nhẩy xuống nước bơi đi. Khi tôi nắm được một túm lông đuôi thì nó quay lại mổ tôi. Rồi tôi nắm được hai cái chân nó và dùng tay kia túm cái cổ bẻ gẫy cái cụp. Voila ! bữa ăn trưa dọn sẵn ra rồi. Ha-ha!
    Tôi mang nó về “trại,” nhưng trước khi vặt lông làm lòng thì tôi dùng iodine để rửa sạch vết mổ. Chim chóc mang trên người đủ thứ bệnh tật, giờ mà bị nhiễm trùng thì chỉ có nước khốn.
    Không có gì để đốt lửa nướng chim. Hòn đảo hoàn toàn không cây cối hay gỗ trôi mà cái thuyền thì đã chìm rồi. Thế là tôi ăn sống. Bao tử tôi chỉ muốn oẹ ra nhưng tôi nhất định kềm lại. Tôi đếm ngược cho đến khi cơn buồn nôn lắng xuống. Lần nào cũng hiệu nghiệm.
    Con chim đó đã suýt nữa làm tôi gẫy mắt cá chân mà còn dám mổ tôi nữa. Ngày mai mà bắt được con khác thì thể nào cũng phải tra tấn. Con này đã chết quá dễ dàng. Trong lúc đang viết, tôi nhìn xuống cái đầu nằm trỏng trơ trên cát của nó. Cặp mắt đen, tuy đã mờ đục vì cái chết nhưng vẫn trông như đang diễu cợt tôi.
    Không biết óc hải âu có nhiều không nhỉ?
    Ăn được không?

    Ngày 29 tháng Giêng

    Hôm nay phải nhịn đói. Một con hải âu sà xuống đậu trên đỉnh đống đá, nhưng trước khi lại gần thì bay đi mất . Tôi bắt đầu để râu. Ngứa như quỉ. Nếu con hải âu trở lại mà tôi bắt được, thế nào tôi cũng móc mắt trước khi giết nó.
    Tôi là một bác sĩ giải phẫu thuộc loại cừ. Hình như tôi có nhắc đến điều này rồi thì phải. Chúng cúp bằng hành nghề của tôi. Thật là khôi hài. Có thằng nào mà không bẩn, thế mà đứa nào chẳng may bị bắt thì chúng ra vẻ ta đây thánh thiện lắm. Lũ chó đẻ. Lời thề Hippocrates cái chó gì. Hypocrites thì có. Đúng là một lũ đạo đức giả.
    Nội trong vài năm làm ăn trong giai đoạn nội trú và thường trú là tôi đã đủ tiền mở phòng mạch trên đường Park Avenue. Cũng may thôi, vì tôi đâu có đẻ bọc điều như mấy thằng “đồng nghiệp” của tôi. Khi mở văn phòng thì ông già tôi đã ngỏm củ tỏi được hơn chín năm rồi. Mẹ tôi chết một năm trước khi tôi bị cúp bằng.
    Tôi làm ăn với nửa tá dược sĩ miền Đông, hai lò cung cấp thuốc, và tối thiểu hai chục thằng bác sĩ khác. Người ta gởi bệnh nhân đến tôi và tôi gởi ngược trở lại. Tôi mổ và cho thuốc hậu giải phẫu theo đúng sách vở. Không phải ca mổ nào cũng cần thiết, nhưng chưa bao giờ tôi mổ mà không có sự ưng thuận của bệnh nhân. Và chưa có người bệnh nhân nào nhìn xuống cái toa thuốc mà nói, “Không, tôi không muốn thuốc này.” Này nhé, họ cắt buồng trứng hay cắt bỏ một phần tuyến giáp vào khoảng năm 1970, và năm mười năm sau vẫn còn uống thuốc đau, nếu mình vẫn cho. Và đôi khi tôi cứ tiếp tục viết toa đều chi. Đâu phải chỉ có mình tôi làm vậy đâu thôi. Tiền trao cháo múc. Lắm khi sau tiểu giải phẫu, người bệnh không ngủ được. Hay cần toa thuốc giảm cân. Hay Librium. Cái gì cũng có. Mà nếu tôi không cho thì cũng có khối thằng khác cho.
    Rồi sở thuế túm được thằng Lowenthal. Đồ gà chết. Chúng vừa hù dọa năm năm tù là nó phọt ra một lô tên. Trong đó có tên tôi. Chúng theo dõi tôi một thời gian, và khi chúng túm được thì không chỉ có năm năm đâu. Tôi dính vào một lô những thứ khác, trong đó có vụ bán toa thuốc mà tôi vẫn chưa bỏ. Kể cũng tức cười, tôi đâu có cần, nhưng tật cũ khó bỏ.
    Mà tôi quen biết thiếu cha gì. Tôi gọi người này, gọi người kia. Và tôi hy sinh vài mạng cho chó sói. Thằng nào mà tôi chỉ điểm cũng là loại khốn nạn thứ thiệt.
    Cha mẹ ơi, sao mà đói thế.

    Ngày 30 tháng Giêng

    Hôm nay không có hải âu. Bỗng dưng tôi nhớ đến tấm bảng thỉnh thoảng thấy trên cái xe đẩy trong xóm. HÔM NAY KHÔNG CÓ CÀ CHUA. Tôi lội ra chỗ nước sâu tới bụng, tay cầm con dao sắc. Tôi đứng im lặng một chỗ với ánh nắng mặt trời chói chang chiếu rọi suốt bốn giờ đồng hồ. Có dăm lần tưởng đã ngất xỉu, nhưng tôi đếm ngược lại cho đến khi tỉnh dần. Không thấy một con cá nào cả.

    Ngày 31 tháng Giêng

    Lại tóm được một chú hải âu nữa, in hệt như lần đầu. Đói quá nên không tra tấn nó như dự tính. Tôi mổ bụng nó rồi ăn. Cái ruột cũng bóp sạch rồi nhai luôn. Lạ cái mình có thể cảm thấy sức sống dâng trào lên trở lại. Đã có lúc bắt đầu hơi run. Trong lúc nằm dài dưới bóng những tảng đá, tôi tưởng mình bắt đầu mê sảng. Nghe thấy giọng ông già. Giọng bà già. Giọng mụ vợ cũ. Ghê nhất là giọng gã Tầu béo đã bán bạch phiến cho tôi ở Chợ Lớn. Thằng chả hơi nói đớt vì bị bệnh sứt môi.
    “Tự nhiên đi,” giọng gã từ đâu bỗng vọng về. “Hít một cái cho đã. Hít xong là hết biết đói khát là gì.” Nhưng tôi cả đời, thuốc ngủ còn chưa bao giờ động đến nữa là ma túy.

    Thằng Lowenthal tự tử, tôi có nói bạn chưa? Thằng hèn nhát. Nó treo cổ trong văn phòng của nó. Đáng đời.
    Tôi muốn lấy bằng hành nghề lại. Tôi có nói chuyện với vài người. Họ nói có thể làm được--chỉ có hơi khẳm địa. Tôi có 40.000$ cất trong hộp nhà băng. Tôi quyết định lấy đó làm vốn kiếm lời. Một gấp hai hay gấp ba.
    Thế là tôi đến gặp thằng Ronnie Hanelli. Tôi với nó cùng chơi football ở đai học, và khi thằng em nó muốn học nội khoa, tôi giúp nó được nhận vào thường trú. Thằng Ronnie đi học dự bị luật khoa. Cái đó mới buồn cười. Hồi còn nhỏ trong xóm tụi tôi gọi nó là Chấp Chính Quan vì nó chuyên làm trọng tài những cuộc chơi khăng chơi bóng. Thằng nào không đồng ý thì một là câm miệng, hai là ăn đấm. Vậy mà nó lên đại học, rồi đi học luật, thi bar một lần là đậu, rồi mở văn phòng ngay trong vùng, cạnh quán rượu Hồ Cá. Nhắm mắt lại là tôi thấy được chiếc Continental trắng tinh nó lái trên đường. Một thằng cho vay cắt cổ thuộc loại gộc nhất tỉnh.
    Tôi biết Ronnie thể nào cũng có mối làm ăn cho tôi. “Khá nguy hiểm,” nó nói. “Nhưng với mày thì dư sức. Nếu mày có thể mang hàng vào được thì tao sẽ giới thiệu cho mày vài người. Trong đó có một thằng dân biểu tiểu bang.”
    Nó cho tôi tên hai người bên kia. Một đứa là thằng Tầu béo Henry Lý Tư. Thằng kia là một thằng Việt Nam tên là Ngô Lâm. Hành nghề dược sĩ. Đưa tiền thì nó sẽ thử thuốc của thằng Tầu. Thằng Tầu thỉnh thoảng lại giở quẻ, thay vì bạch phiến thì nó cho bột mì trộn với bột phấn. Ronnie nói thế nào cũng có ngày nó bị giết.

    Ngày 1 tháng Hai

    Có chiếc máy bay. Bay qua hòn đảo. Tôi cố trèo lên tảng đá để vẫy tay gọi. Chân tôi thụt vào cái lỗ. Cũng cái lỗ mà tôi đã bị kẹt cái hôm bắt được con chim. Mắt cá chân tôi bị gẫy vụn. Đau không thể tả. Tôi rú lên rồi mất thăng bằng, ngã xuống đập đầu bất tỉnh nhân sự. Mãi đến xế chiều tôi mới tỉnh dậy. Tôi mất một ít máu nơi vết thương đầu. Mắt cá chân sưng tấy lên như cái lốp xe và da thì bị cháy nắng trầm trọng. Giá mà thêm một tiếng đồng hồ nữa thì chắc cả người tôi sẽ rộp lên hết.
    Tôi cố lết về đây rồi nằm vừa khóc vừa run lập cập cả đêm hôm qua. Tôi khử trùng vết thương bên thái dương rồi băng bó tạm lại. Vết thương đầu không đến nỗi, nhưng cái mắt cá chân lại là chuyện khác. Có lẽ nó đã gẫy làm ba mảnh.
    Rồi làm sao mà tôi có thể đuổi bắt chim được?
    Chắc phải là chiếc máy bay đi tìm xem có ai sống xót từ con tầu Callas. Cơn bão chắc đã xô đẩy chiếc thuyền cấp cứu không biết bao nhiêu cây số về đây.
    Cha mẹ ơi, mắt cá chân tôi đau quá.

    Ngày 2 tháng Hai

    Tôi xếp chữ trên bãi biển phía nam hòn đảo nơi chiếc thuyền cấp cứu bị chìm. Vậy mà cũng hết cả ngày, lâu lâu lại phải lê vào bóng mát để nghỉ. Thế mà vẫn ngất đi hai lần. Chắc mất ít nhất cũng 12 kí, phần lớn vì thiếu nước. Từ chỗ này tôi có thể nhìn thấy bốn chữ mà tôi mất cả ngày mới viết được. Những hòn đá đen nằm nổi trên bãi cát trắng, hàng chữ HELP cao hơn một mét. Máy bay mà bay qua thể nào cũng thấy.
    Nếu có máy bay.
    Chân tôi đau nhức nhối liên tục. Cổ chân vẫn sưng mọng và ngả xuống một mầu bất tường, mỗi lúc một lan rộng thêm. Lấy áo bó chặt đỡ đau một phần, nhưng tôi vẫn ngất đi thay vì ngủ.
    Chắc phải cưa chân quá.

    Ngày 3 tháng Hai

    Chân vẫn sưng và vẫn đổi mầu. Đợi đến ngày mai. Nếu phải cưa thì tôi nghĩ tôi có thể làm được. Đã có que diêm để khử trùng dao sắc, kim chỉ thì nằm sẵn trong hộp. Áo thung làm băng buộc.
    Tôi lại còn hai kí “thuốc giảm đau,” tuy không phải là loại thuốc ta thường hay cho toa nhưng bệnh nhân mà vớ được thì cũng xài liền. Khỏi phải nói. Nếu hít keo xịt tóc mà phê được thì mấy bả cũng hít. Nói thật đó.

    Ngày 4 tháng Hai

    Tôi quyết định cắt bỏ cái chân. Bốn ngày rồi mà vẫn chẳng có gì để ăn. Nếu chờ nữa thì có thể sẽ ngất xỉu vì sốc và đói trong lúc giải phẫu rồi xuất huyết đến chết. Và tuy đang khốn khổ vô cùng tận nhưng tôi vẫn muốn sống. Tôi còn nhớ lời thầy Mockridge hay nói trong lớp cơ thể học. Ông nói, trong đời người sinh viên y khoa thế nào cũng có lúc câu hỏi được đặt ra: Người ta chịu nổi bao nhiêu chấn thương sốc? Và ông cầm cái thước kẻ đập cái đét vào biểu đồ cơ thể, gan, thận, tim, ruột. Nhưng nói cho cùng, phải hỏi lại là người bệnh muốn sống cỡ nào?
    Tôi nghĩ mình làm được.
    Thật đó.
    Có lẽ tôi viết một phần để câu giờ, nhưng hình như tôi chưa nói hết lý do tại sao lại lưu lạc đến nơi chốn này. Có lẽ phải nói nhỡ cuộc giải phẫu không thành công. Cắt chân thì chỉ tốn có vài phút, thế nào cũng còn đủ ánh sáng.
    Tôi bay đến Sài Gòn như một du khách. Đừng lấy thế làm lạ, mỗi năm có cả hàng ngàn người đi du lịch nơi đó, mặc cho cuộc chiến của Nixon vẫn còn đang tiếp diễn. Có người còn thích đi xem xe đụng hay đá gà nữa thì sao.
    Ông bạn người Tầu của tôi đã có sẵn hàng. Tôi mang lại cho Ngô, hắn tuyên bố hàng thuộc loại hảo hạng. Hắn nói bốn tháng trước Lý Tư lại chơi cái trò diễu dở và vợ của chả bị nổ tung khi bật công tắc chiếc Opel. Từ đó không còn trò diễu dở.
    Tôi ở lại Sài Gòn ba tuần rồi mua vé về San Francisco trên con tầu Callas. Phòng hạng nhất. Mang hàng lên tầu không có gì khó. Ngô Lâm đã đút lót để nhân viên hải quan vẫy tay cho tôi lên. Hàng hóa để trong cái túi máy bay thì không ai thèm kiểm soát.
    “Hải quan Mỹ khó hơn nhiều,” Ngô nói tôi. “Nhưng đó là vấn đề của anh.”
    Tôi đâu tính đến chuyện mang hàng qua hải quan Hoa Kỳ. Ronnie Hanelli đã thuê một tay thơ lặn 3.000$ cho một sứ mạng khó khăn. Tôi có hẹn phải gặp hắn tại khách sạn St. Regis ở San Francisco. Kế hoạch là bỏ hàng trong một cái hộp không thấm nước. Nắp hộp gắn liền với một cái đồng hồ và gói phẩm đỏ. Trước khi cập bến thì sẽ có người đáp cái hộp xuống biển. Dĩ nhiên là người đó không phải là tôi.
    Khi tầu Callas chìm thì tôi vẫn đang đi tìm một thằng bếp hay bồi tầu túng tiền và đủ thông minh--hay đần độn--để không hé môi sau đó.
    Không biết làm sao mà cũng chẳng biết tại sao. Tuy là trời bão nhưng con tầu có vẻ vững vàng. Vào khoảng tám giờ tối ngày 23 bỗng có tiếng nổ lớn dưới boong tầu. Lúc ấy tôi đang ngồi trên bar rượu, và con tầu Callas bắt đầu nghiêng sang một bên.
    Người ta la thét nhốn nháo chạy tứ phương. Chai lọ trên quầy rượu rớt đổ xuống sàn kêu loảng xoảng. Một người từ tầng dưới trèo lết lên, áo cháy rụi, da nướng rộp. Tiếng loa phóng thanh kêu gọi người ta đi về phía khu thuyền cấp cứu đã chỉ định lúc bắt đầu cuộc hành trình. Người ta vẫn ngơ ngác chẳng biết chạy đâu. Không mấy người có mặt trong buổi tập dợt cấp cứu. Tôi không những có mặt mà còn đến sớm. Tôi muốn phải ngồi hàng đầu cơ. Cái gì liên hệ đến việc bảo toàn tánh mạng của mình là tôi để ý kỹ lắm.
    Tôi đi xuống phòng ngủ lấy những gói heroin bỏ vào túi đàng trước. Rồi tôi đến trạm cấp cứu số 8. Trong khi tôi trèo cầu thang lên boong chính thì có thêm hai tiếng nổ và con tầu đã nghiêng lại càng nghiêng thêm.
    Trên boong, tất cả đều hỗn loạn. Tôi thấy một bà mẹ ôm con vừa kêu rú vừa cắm đầu cắm cổ chạy như bay trên sàn tầu trơn trợt. Bà chạy sầm vào thành tầu rồi bay người ra ngoài. Có một người đàn ông trung niên ngồi giữa lối đi, vò đầu rứt tóc. Một người nữa trong bộ quần áo trắng đầu bếp, tay mặt phỏng trầm trọng, đang vừa đi loạng choạng đụng chỗ này chỗ kia và miệng thì la hét. “AI CỨU TÔI VỚI ! TÔI KHÔNG TH ́Y ĐƯỜNG! AI CỨU TÔI VỚI! “
    Tình trạng hỗn loạn gần như toàn diện: nó lây lan từ hành khách sang nhân viên như một bệnh dịch. Phải nhớ là từ lúc phát nổ cho đến lúc con tầu Vallas thật sự chìm chỉ có khoảng hai mươi phút. Có thuyền cấp cứu chất đầy nhóc người, trong khi có cái lại không có ai. Thuyền của tôi bên phía tầu nghiêng, gần như trống trơn. Bên đó chỉ có mình tôi với một thằng thủy thủ mặt mũi xanh xao đầy mụn.
    “Hãy nhanh nhanh hạ thủy cái thuyền thúng này kẻo không tầu chìm tới nơi rồi.” Nó nói.
    Cái cơ phận hạ thủy kể tương đối cũng giản dị thôi, nhưng không hiểu thằng nhỏ lính quýnh làm sao mà dây cáp mắc kẹt. Chiếc thuyền vừa hạ được nửa chừng thì mắc kẹt, treo lơ lửng giữa trời.
    Khi tôi định sang giúp thì nó bỗng kêu rú lên. Tay nó đã bị dây cáp quấn vào khi đang cố gỡ chỗ kẹt. Sợi dây được tháo, chạy vụt lên làm hai bàn tay nó bốc khói cháy khét lẹt. Rồi nó té lộn cổ nhào xuống biển.
    Tôi quẳng cái thang dây, trèo vội xuống, và gỡ thuyền ra khỏi sợi dây thừng. Rồi thế là tôi cắm đầu chèo thuyền đi càng xa càng tốt, trước khi con tầu Callas chìm xuống kéo tôi theo.
    Không tới năm phút sau là tầu chìm. Tôi phải chèo hùng hục để khỏi bị cuốn xoáy theo. Những người còn bám vào thành tầu la thét như một lũ khỉ.
    Con bão mỗi lúc một mạnh hơn. Tôi mất một cái mái chèo nhưng vẫn cố giữ được cái kia. Cả đêm ấy tôi như trong một cơn ác mộng, lúc thì múc nước đổ ra ngoài, lúc lại chèo như thằng điên để con thuyền khỏi bị ngọn sóng đánh lật ngược.
    Đâu khoảng bình minh ngày 24 thì sóng phía sau bắt đầu đẩy mạnh thêm. Cái thuyền trườn về phía trước. Tuy có sợ nhưng cũng thích. Bỗng dưng gỗ sàn thuyền như bị ai gỡ phăng ra, rồi tôi thấy những mỏm đá ở cái hòn đảo khốn nạn này.
    Tôi không biết mình đang ở đâu nhưng tôi biết mình phải làm gì. Đây có thể là lần viết cuối cùng, nhưng tôi sẽ vượt qua. Trước giờ tôi có bao giờ chịu thua đâu? Và thời này kỹ thuật làm chân giả tân tiến lắm rồi. Mất một chân chẳng ăn nhằm gì cả.
    Để xem xem tôi có giỏi như mình nghĩ không nhé.

    Ngày 5 tháng Hai

    Xong.
    Chỉ lo là đau thôi. Đau đớn tôi chịu được, nhưng chỉ sợ trong tình trạng yếu đuối và đói khát thì tôi có thể bị ngất xỉu trước khi mổ xong.
    Nhưng heroin đã giải quyết vấn đề một cách êm thắm.
    Tôi lấy trong một bịch một ít rải lên mặt một mỏm đá bằng phẳng rồi hít hai phát thật sâu --mũi phải trước, mũi trái sau. Cảm giác như một thứ hơi lạnh tuyệt vời chạy sộc lên tới tận óc. Hôm qua vừa viết nhật ký xong vào khoảng 9:45 là tôi hít heroin ngay. Nhìn lại đồng hồ thì thấy đã 12:41 và bóng rợp đã lùi lại làm tôi nằm một nửa dưới ánh nắng. Tôi không ngờ nó có thể tuyệt vời đến thế. Thế mà trước đây mình cứ khinh thường. Cái đau, nỗi sợ, niềm khốn khổ ...tất cả đều tan biến, chỉ còn lại sự bình yên sung sướng.
    Tôi đã giải phẫu trong trạng thái đê mê ấy.
    Cũng có đau chứ không phải là không, nhất là lúc đầu. Nhưng cái đau dường như cách biệt, như người khác đau chứ không phải là mình đau. Không biết bạn có thể hiểu được hay không? Nếu có dùng morphine rồi thì biết. Thuốc không chỉ làm cơn đau giảm bớt mà còn đưa đến một trạng thái tinh thần khác. Một sự thanh thản. Giờ thì tôi hiểu tại sao người ta bị nghiện. Nhưng dùng chữ “nghiện”hơi nặng, một chữ chỉ dùng bởi những người chưa thử.
    Đi được phân nửa đoạn đường thì cái đau bắt đầu trở nên hơi gần gũi. Những cơn bủn rủn chợt kéo về như những đợt sóng. Tôi nhìn bịch bột trắng một cách thèm thuồng nhưng cố quay đi chỗ khác. Nếu hít lại thì thế nào cũng xuất huyết đến chết. Tôi đếm ngược từ một trăm trở lại.
    Mất máu là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi là bác sĩ nên rành mấy cái vụ này. Mất một giọt không đáng mất cũng không được. Trong nhà thương, giải phẫu có mất mấy thì còn có thể truyền máu. Ở đây không vậy. Mất máu --và khi tôi mổ xong thì lớp cát dưới chân đã đổi thành một mầu đỏ sẫm-- là mất luôn cho đến khi cơ thể có thể từ từ tái tạo.
    Tôi bắt đầu giải phẫu lúc đúng 12:45. 1:50 là xong, và tôi cho mình ngay một liều heroin lớn hơn lúc nãy. Tôi rơi vào một thế giới xám xịt, không cảm giác cho mãi đến gần năm giờ chiều. Khi tỉnh dậy thì mặt trời đã lặn xuống gần chân trời hướng tây, để lại một vệt mầu vàng trên mặt biển Thái Bình Dương xanh biếc. Tôi chưa bao giờ thấy được một cảnh tượng nào đẹp như vậy … tất cả mọi đau đớn đều đã được đền bù xứng đáng trong một sát na ấy. Một tiếng sau tôi hít thêm một ít, để tận hưởng buổi chiều vàng.
    Khi trời chạng vạng tối tôi---
    Tôi---
    Khoan đã. Hình như tôi đã nói với bạn là bốn ngày qua tôi chưa có gì trong bụng, phải không? Và muốn bồi dưỡng để lấy lại năng lực thì chỉ còn trông vào chính thân xác của mình, đúng không? Hơn nữa, như tôi đã nói đi nói lại, muốn sống còn thì lòng phải vững. Tâm phải kiên. Tôi sẽ không tự biện minh là bạn cũng sẽ làm y như vậy. Vả lại bạn không phải là bác sĩ giải phẫu. Cho dù bạn có biết cách cắt chân đi nữa, thì bạn cũng sẽ làm không ra hồn để rồi xuất huyết đến chết. Và cho dù bạn có vượt qua được ca mổ cùng cái sốc vì chấn thương thì cái tâm chấp của bạn cũng không cho phép bạn nghĩ đến điều ấy. Thôi kệ. Sẽ chẳng ai biết. Trước khi xa rời hòn đảo, tôi sẽ thiêu hủy cuốn nhật ký này.
    Tôi cẩn thận lắm.
    Rửa thật là sạch sẽ rồi mới ăn.

    Ngày 7 tháng Hai

    Cái chân cụt đã đau--lắm lúc khá tàn bạo. Nhưng cái ngứa còn khủng khiếp hơn nhiều. Chiều nay tôi bỗng nhớ lại mấy bệnh nhân hay than là không chịu nổi cái ngứa của vết thương đang ăn da non. Tôi ngoài mặt mỉm cười nói họ vài bữa sẽ bớt nhưng trong bụng nghĩ thầm, người sao yếu đuối, chỉ có giỏi rên. Giờ thì tôi mới hiểu. Lắm lúc tôi chỉ muốn xé toạc giẻ băng để rồi dùng móng tay cào cấu xé nát da thịt, để bật tung những sợi chỉ, để máu phun ra xuống cát, để, để, để bớt cái ngứa hành hạ điên người.
    Trong những lúc như thế tôi đếm ngược từ một trăm trở lại. Và hít bạch phiến.
    Tôi không biết mình đã dùng bao nhiêu heroin, chỉ biết là kể từ sau khi cắt chân thì tôi “phê” gần như là liên tục. Khi phê thì không biết đói. Chỉ còn một cảm giác gặm nhấm lâm râm trong bụng, thế thôi. Nhưng bạch phiến thì không có giá trị calorie. Tôi đã bò để thử xem sức lực thế nào. Thê thảm lắm bạn ạ.
    Chúa ơi, mong là không, nhưng … có thể lại phải cắt nữa.
    (một lúc sau)
    Lại một chiếc máy bay bay qua. Cao quá nên chẳng làm gì được; tôi chỉ thấy một vệt trắng để lại trên bầu trời. Vậy mà tôi vẫn vẫy. Vừa vẫy vừa gào. Khi nó bay mất rồi thì tôi khóc.
    Tối quá chẳng thấy cái gì. Thức ăn. Tôi chỉ nghĩ đến thức ăn. Món lasagna của mẹ tôi. Bánh mì tỏi. Escargot. Tôm hùm. Prime ribs. Kem đào. Bíp tết kiểu Luân Đôn. Lát bánh bông lang to tổ bố với một gáo cà rem vanilla ăn tráng miệng ở tiệm Mother Crunch trên đường Số Một. Cá hồi nướng thịt giăm-bông nướng với lát dứa Potato chips chấm sốt hành nước trà đá khoai tây rán hành lát tẩm bột rán chẩy nước rãi nuốt nướt bọt.
    100, 99, 98, 97, 96, 95, 94
    Chúa ơi Chúa ơi

    Ngày 8 tháng Hai

    Một con chim khác đến đậu trên mỏm đá sáng nay. Một em hải âu béo tròn. Tôi đang ngồi dưới bóng tảng đá, nơi mà tôi gọi là trại của mình, cái chân cụt băng kín gác lên cao. Con chim vừa sà xuống là tôi nuốt nước bọt cái ực. Như một con chó của Pavlov. Chẩy nước rãi mà không kiềm chế được. Như một đứa bé. Như một đứa bé.
    Tôi nhặt một hòn đá to vừa bàn tay và bắt đầu bò về phía nó. Hiệp thứ tư. Phe ta thua ba điểm. Đã xuống ba lần mà vùng cấm địa còn xa quá xa. Pinzetti chạy lùi đễ ném banh. Không có hy vọng mấy. Thế nào nó cũng bay mất. Nhưng vẫn phải cố. Nếu bắt được con chim mũm mĩm như thế này thì có thể khỏi phải giải phẫu. Tôi bò về phía trước, thỉnh thoảng cái chân cụt lại chạm phải hòn đá làm đau thấu tới tim gan.
    Vậy mà nó vẫn không bay đi. Nó đi vênh vang, ngực ưỡn ra trước như một ông tướng đang đi duyệt binh. Thỉnh thoảng nó lại liếc nhìn tôi bằng con mắt đen mất dậy, và tôi đông cứng người lại như một hòn đá rồi bắt đầu đếm ngược từ một trăm cho đến khi nó lại đi khệnh khạng tiếp tục. Mỗi lần nó chớp cánh là một lần tim tôi đông cứng. Vậy mà tôi vẫn nhỏ nước rãi. Không kềm lại được.
    Tôi không biết tôi rình như vậy được bao lâu. Một tiếng? Hai tiếng? Và càng lại gần thì tim tôi càng đập mạnh và con chim trông càng hấp dẫn. Làm như nó đang trêu ngươi tôi, tôi tin là khi tôi đến vừa tầm thì thế nào nó cũng vụt bay đi. Chân tay tôi bắt đầu run rẩy và miệng tôi khô chát. Cái chân cụt đang đau nhức nhối. Chắc tôi đang bị đau vì thiếu thuốc nó vật cho. Nhưng sớm vậy sao? Tôi mới dùng thuốc không tới một tuần mà!
    Kệ mẹ nó. Tôi cần nó. Còn thiếu gì. Khi về Mỹ sẽ tính đến chuyện cai thuốc sau. Tôi sẽ mỉm cười đi nhập viện trong một dưỡng đường ngon lành nhất ở California. Không phải là chuyện phải lo lúc này, đúng không?
    Khi tới vừa tầm thì tôi lại không muốn ném hòn đá. Tôi tin chắc mình sẽ ném trật cả thước. Tôi phải lại gần hơn. Thế là tôi tiếp tục bò lên tảng đá, mồ hôi chẩy nhễ nhại trên cái thân xác hao mòn tiều tụy như một thằng bù nhìn của tôi. Răng tôi bắt đầu rụng, tôi có nói bạn nghe chưa? Nếu tin dị đoan thì tôi đã nói tại ăn-----
    Ha! Nhưng mình đâu phải là người tin dị đoan, đúng không?
    Tôi lại ngừng. Tôi đã đến gần hơn hai lần trước. Nhưng tôi vẫn không thể hành động. Tôi nắm chặt hòn đá cho đến khi ngón tay đau buốt mà vẫn không thể ném được. Bởi vì tôi biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tôi ném hụt.
    Cho dù có dùng hết thuốc tôi cũng cóc cần! Tôi sẽ kiện cho tụi nó sạt nghiệp ! tôi sẽ tiền bạc rủng rỉnh suốt đời ! một cuộc đời lâu dài.
    Nếu nó không vỗ cánh bay đi thì chắc tôi cũng bò đến tận bên cạnh nó. Sẽ bóp cổ nó chết. Nhưng nó dang cánh bay đi mất. Tôi gào thét và quì dậy rồi dùng hết sức bình sinh ném cục đá vào nó. Và tôi đã ném trúng!
    Con chim kêu quang quác và rớt xuống phía bên kia đống đá. Tôi miệng vừa cười vừa nói lảm nhảm bò lồm cồm lên mỏm đá, mặc cho cái chân cụt vết thương chưa lành. Tôi mất thăng bằng ngã dúi đập đầu, trán sưng một quả trứng mà vẫn không hề để ý. Trong đầu tôi chỉ nghĩ tới con chim và cái ném cầu âu mà cũng trúng.
    Nó nhẩy xuống bãi cát phía bên kia, một cánh gẫy, lông nhuộm đỏ mầu máu. Tôi cố bò thật nhanh, nhưng nó lết còn nhanh hơn. Một cuộc chạy đua của lũ què! Ha! Ha! Nếu không vì bàn tay thì tôi đã bắt được nó. Tôi đã đuổi gần tới nơi rồi. Tôi phải giữ gìn đôi bàn tay nhỡ phải cần đến thì sao. Thế mà bàn tay tôi cũng rách nát khi bò đến bãi cát. Còn mặt cái đồng hồ Pulsar thì đã bị bể nát khi đập lên một tảng đá nhám nhúa.
    Con hải âu nhẩy xuống nước, mỏ kêu quang quác, và tôi túm lấy nó. Nhưng tôi chỉ nắm được một tụm lông . Rồi tôi ngã xuống biển và uống một bụng nước sặc sụa.
    Tôi bò tới trước nhưng băng chân tuột ra và người tôi chìm lỉm. Mãi một hồi sau tôi mới bò được lên bờ. Phần thì mệt nhoài phần thì đau đớn, tôi la khóc, gào thét, và chửi rủa con chim khốn nạn. Nó thả nổi tại chỗ một hồi lâu, rồi trôi từ từ ra xa. Hình như đã có lúc tôi khóc lóc năn nỉ xin nó trở vào thì phải. Nhưng rồi nó trôi ra khỏi rạn san hô, tôi nghĩ chắc nó chết rồi.
    Không công bằng.
    Tôi lết hơn nửa tiếng mới về đến trại. Tôi hít một số lượng bạch phiến khá lớn nhưng trong bụng vẫn còn oán hận con chim hải âu. Tại sao nó phải chòng ghẹo tôi như thế? Tại sao không bay mẹ nó đi cho rồi?

    Ngày 9 tháng Hai

    Tôi cắt chân trái xong rồi dùng quần làm băng quấn. Kể cũng lạ. Trong suốt cuộc giải phẫu, miệng tôi không ngừng chẩy nước rãi. Nhỏ tong tong. Như khi thấy con chim hải âu. Chẩy không kềm lại được. Nhưng tôi cố đợi đến khi trời tối. Tôi chỉ việc đếm ngược từ một trăm … hai mươi hay ba mươi lần! Ha! Ha!
    Rồi thì …
    Tôi thầm nhủ: Thịt bò nướng để nguội. Thịt bò nướng để nguội. Thịt bò nướng để nguội.

    Ngày 11 tháng Hai (?)

    Mưa hai ngày liên tiếp. Và gió thổi mạnh. Tôi cố moi ra vài tảng đá làm thành lỗ để chui vào. Kiếm thấy một con nhện. Lấy hai ngón tay rón nhẹ để khỏi chạy mất rồi bỏ vào miệng nhai. Ngon. Không biết liệu tảng đá có đổ xuống đè chết chẹt không? Cóc cần.
    Tôi nằm phê suốt cơn bão. Có thể mưa ba ngày thay vì hai ngày. Hay chỉ mưa có một ngày. Nhưng tôi nghĩ trời tối hai lần. Tôi biết mình sẽ sống qua cơn bỉ cực này.
    Hồi tôi còn bé đi nhà thờ Thánh Gia, có một ông cha dáng người nhỏ con, ông ta khoái nói chuyện tội trọng và địa ngục. Ông ta quan niệm phạm tội trọng là coi như xong. Tối qua tôi nằm mơ thấy ổng, cha Hailley trong bộ áo chùng đen, với cái mũi whiskey, đưa tay chỉ mặt tôi nói, “Mày hư lắm, Richard Pinzetti ạ … tội trọng đó con … hỏa ngục đời đời ...đời đời con ạ …”
    Tôi cười vào mặt ổng. Nếu nơi đây không phải là địa ngục thì còn chỗ nào vào đây nữa? Và bỏ cuộc là tội trọng duy nhất.
    Trong suốt thời gian đó, nếu tôi không mê sảng thì vết mổ làm ngứa điên người. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Đã đến được nước này thì phải đi đến cùng.

    Ngày 12 tháng Hai

    Mặt trời bắt đầu ló dạng, một ngày đẹp. Tôi mong bên nhà trời lạnh cóng. Hôm nay là một ngày may mắn nhất trên đảo. Cơn sốt có vẻ đã thuyên giảm. Tuy tôi vẫn còn yếu và run lập cập khi chui ra khỏi cái hang của mình, nhưng sau khi nằm dưới lớp cát nóng dưới ánh nắng ấm khoảng hai ba tiếng đồng hồ thì tôi bắt đầu cảm thấy gần như con người.
    Tôi bò sang phía nam và thấy nhiều miếng gỗ trôi bị cơn bão đánh dạt lên bờ, trong đó có vài thanh ván của con thuyền cấp cứu của tôi. Có một ít rong biển còn dính trên gỗ. Tôi ăn ngấu nghiến. Nhai như nhai miếng rèm plastic phòng tắm. Nhưng chiều nay tôi cảm thấy khoẻ hẳn lại.
    Tôi vớt gỗ lên bãi để cho khô. Tôi vẫn còn một hộp que diêm không thấm nước. Nếu có người tới tôi sẽ đốt củi làm hiệu. Bằng không thì dùng củi để nướng. Tôi đi hít đây.

    Ngày 13 tháng Hai

    Bắt được một con cua. Giết nó xong rồi nướng. Đêm nay hơi tin có Chúa.

    Ngày 14 tháng Hai

    Tôi vừa để ý thấy cơn bão đã đánh dạt chồng đá dựng thành chữ HELP. Nhưng cơn bão đã tàn .. ba ngày trước? Chẳng lẽ tôi lại phê đến độ đó? Phải trông chừng, phải bớt liều lượng. Lỡ trong khi phê có con tầu đi ngang thì sao?
    Tôi làm lại chồng đá, nhưng gần hết một ngày và giờ thì tôi đã hết xíu quách. Đi kiếm cua nhưng không thấy. Tay cắt phải đá khi làm cái dấu hiệu. Tuy mệt nhưng tôi cũng vội vàng khử trùng bằng iodine. Phải giữ hai bàn tay. Bằng bất cứ giá nào.

    Ngày 15 tháng Hai

    Hôm nay có một con chim sà cuống chồng đá. Bay đi mất trước khi tôi có thể lại gần. Tôi trù cho nó xuống địa ngục, rồi nó có thể mổ mắt cha Hailley đời đời.
    Ha! Ha!
    Ha! Ha!

    Ngày 17 (?) tháng Hai

    Cưa chân phải ở đầu gối, nhưng mất nhiều máu. Dùng bạch phiến rồi mà vẫn còn đau. Thằng nào yếu thì đã không chịu nổi cơn sốc chấn thương. Phải trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi: Thế người bệnh muốn sống cỡ nào?

    Tay sao run lập cập thế này. Làm không được coi như rồi đời. Sao lại dở chứng trong lúc này? Tôi đã o bế đôi tay suốt cả đời rồi mà. Không thể được. Coi chừng ông đấy.
    Tối thiểu thì không phải chịu đói.
    Một thanh ván lót thuyền bị bổ dọc ở giữa. Tôi dùng miếng có đầu nhọn. Nước rãi chẩy ròng ròng nhưng tôi vẫn cố đợi. Và rồi tôi nghĩ đến … ôi, những buổi tiệc nướng ngoài trời. Căn nhà của Will Hammersmith ở Long Island với lò nướng đủ to để nướng nguyên một con heo. Chúng tôi ngồi ở hàng hiên tay cầm ly rượu, nói chuyện giải phẫu hay chơi gôn hay cái gì gì đó. Và một cơn gió thoảng đưa mùi heo quay thơm ngát về thơm nức mũi. Judas iscariot, cái mùi heo quay sao thơm nức mũi.

    Tháng Hai ?

    Cái chân kia cưa tới tận đầu gối. Ngủ cả ngày. “Bác sĩ ơi, giải phẫu có cần thiết không?” Haha. Tay run như một ông già. Ghét. Dưới móng tay có dính vết máu. Vảy. Còn nhớ cái thằng người bụng kiếng trường Y không? Tôi cảm thấy mình như nó. Có điều tôi không muốn nhìn. Không đời nào. Tôi nhớ thằng Dom hay nói thế. Tà tà nó tiến tới trong chiếc áo jacket Hiway Outlaws. Ta nói Dom mày làm con bé ấy chưa? Và Dom thế nào cũng nói không đời nào. Thiệt tình. Phải chi tôi vẫn cứ ở trong xóm.
    Nhưng có chân giả tốt và vật lý trị liệu đầy đủ thì tôi có thể như một người mới toanh. Tôi có thể trở lại chốn này và tuyên bố “Đây. Là nơi. Xảy ra.”
    Hahaha!

    Ngày 23 (?) tháng Hai

    Vớt được con cá chết. Thối rữa và tanh tưởi. Vẫn ăn. Muốn mửa nhưng cố không mửa. Ta phải sống. Quá phê, hoàng hôn.

    Tháng Hai

    Không dám nhưng phải làm. Nhưng làm sao cột được động mạch đùi tuốt trên ấy? Nó to như cái ống nước.
    Không cách nào khác. Tôi đánh dấu trên háng, phần đùi vẫn còn thịt. Đánh dấu bằng cái bút chì này.

    Phải chi đừng chảy nước rãi.

    Tháng

    Hôm … nay …phải ... ăn … mừng … đi tiệm ...McDonald … hai miếng hamburger ...sốt đặc biệt … rau sà lách ...đồ chua … hành tây …


    Thá Ha

    Nhìn thấy mặt mình dưới nước hôm nay. Một cái sọ người bọc da. Tôi có điên chưa? Chắc phải điên rồi. Tôi là một con quái vật dị hình dị dạng. Dưới bẹn chẳng còn gì. Một con quái vật. Một cái đầu gắn với thân người kéo lê trên cát bằng hai cái cùi chỏ. Một con cua. Một con cua phê. Lạy ông đi qua lạy bà đi lại, con chỉ là một con cua phê, xin ông xin bà cho con mười xu.
    Hahahaha
    Người ta nói ăn cái gì thành cái nấy, nếu quả như vậy thì TÔI V ̃N V ̣Y, KHÔNG THAY ĐỔI CHÚT NÀO! Chúa ơi sốc-chấn thương sốc-chấn thương. LÀM GÌ CÓ SỐC-CH ́N THƯƠNG
    HA

    Thán 40?

    Mơ thấy ông già. Khi say ổng quên nói tiếng Anh. Cũng đéo có gì đáng nói. Lão già cà chớn. Cũng may tôi thoát khỏi căn nhà Thằng Cha Già mồ hôi dầu Đ.M. không tần số. Tôi biết sẽ thành công. Tôi đã đi bằng hay tay.

    Nhưng chẳng còn gì để cắt nữa. Hôm qua tôi cắt hai cái tai.

    Tay trái rửa tay phải đừng để tay phải biết chuyện tay trái làm một ngón hai ngón ba ngón bốn ngón hahaha.

    Có cần biết, tay này tay kia. Ngon là đớp.

    Ngon như bánh quy dòn như bánh quy.


    Ghi chú: Nguyên tác tiếng Anh đính kèm dưới đây.
     

    Các file đính kèm:

    nnt, nomizuha, thanhtv29 and 2 others like this.

Chia sẻ trang này