Kể chuyện Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 3/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng là người sành ăn. Với ông, Ăn là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một sự khám phá cái ngon mà tạo hóa đã ban cho. Tinh tế quá hóa ngây thơ

    [​IMG]


    Ông Nguyễn Tuân được người ta đồn là người sành ăn. Nhà văn Tô Hoài giải thích: ông Tuân rất mê lối sống ngông của ông Tản Đà. Mà Tản Đà là một ông ăn uống chúa cầu kỳ. Nguyễn Tuân học theo, dần dần lại nổi tiếng hơn cả thầy, có khi còn mang vạ.

    Ấy là cái dạo ông viết bài ca ngợi phở, ca ngợi giò chả. Lúc ấy xã hội đang thiếu gạo, cơm mọi nhà dân phải độn ngô khoai, sắn lát. Ăn phở là vi phạm chính sách lương thực. Thịt càng hiếm, giò chả là thứ xa xỉ, nhiều người dân như đã quên hẳn mùi vị các món ấy.
    Nguyễn Tuân có lẽ thấy nó sắp thành một thứ vang bóng nên mới viết thành văn. Văn ông Nguyễn Tuân mà gợi chuyện ăn uống, nói chữ là ẩm thực, thì tài lắm. Chỉ đọc mà thấy hương, thấy vị. Tai hại nhất là sinh thèm ăn. Mà đã thèm là sinh tiêu cực. Thèm gì cũng thế. Thèm ăn thì lại càng nguy.

    Tuyên huấn sáng suốt nhận ngay ra nguy cơ ấy. Thế là ông Nguyễn Tuân bị phê phán lên bờ xuống ruộng. Đến nỗi bà bán rong giò chả gần nhà ông phải ái ngại cho ông: Chúng nó ăn ngập răng thì không ai nói, ông thì ăn bao nhiêu, tôi bán cho ông tôi biết chứ. Khốn khổ, phở giấy, giò giấy mà hành người ta.

    Ăn, đối với Nguyễn Tuân là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một khám phá cái ngon lành của tạo hoá ban cho loài người. Nguyễn Tuân chê Xuân Diệu, người hay tính ăn uống bằng calo, bằng tỷ lệ prôtit, lipit...Ông bảo đấy là nạp năng lượng vào dạ dày, không phải là ăn. Ăn không chỉ là thao tác của bộ máy tiêu hoá mà nó còn thuộc về tâm, về trí, về tình, về cảm.

    Người đời kiếm được miếng ăn đã khó. Nhưng ăn sao cho ra ăn cái miếng đó lại còn khó hơn. Cho nên cách nấu nướng ăn uống trong thiên hạ nó mới phong phú không sao kể xiết. Những người ăn tinh như ông Nguyễn Tuân rất chịu khổ công sưu tầm các cách ăn cách uống của dân mình.

    Năm 1975, ngay sau giải phóng Sài Gòn ông Nguyễn Tuân đã có mặt ở Nam Bộ. Người lái xe đưa ông đi thăm các vùng đất Lục tỉnh là một anh luật sư mất việc đang làm phát hành báo cho tờ Văn Nghệ giải phóng, anh Nguyễn Hà. Anh Hà gốc Bắc nhưng gia đình vào Nam sinh sống đã lâu. Anh nhớ Hà Nội trong hoài niệm và yêu văn Nguyễn Tuân qua Vang bóng một thời.

    Được cùng Nguyễn Tuân rong ruổi dặm trường, anh thú lắm. Hai ông con nói với nhau đủ chuyện. Hà háo hức hỏi chuyện Hà Nội và càng thích chí khi thấy ông Nguyễn Tuân chăm chú nghe anh kể chuyện Nam Bộ, chuyện Sài Gòn. Chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện cưới xin ma chay...

    Thấy ông cụ mải mê nghe, tỉ mỉ hỏi, Hà hăng lên, cũng “sáng tác” ra nhiều chi tiết lạ. Chẳng hiểu ông Nguyễn Tuân có loại được những điều anh chàng Hà bịa tạc ra không. Hà nói: ông cụ hỏi tỉ mỉ lắm, lại ngẫm nghĩ, có vẻ rất tin. Thế là Hà đâm lo. Hà thú với tôi:

    - Hôm ấy nhân nói chuyện về phở Pasteur Sài Gòn, ông Nguyễn Tuân than: Ngay ngoài Bắc bây giờ phở cũng pha tạp lắm. Ông cho rằng đúng vị phở thì phải là phở chín, thịt thái dày, nước dùng trong. Bây giờ họ cho vào phở đủ thứ, giò sống, trứng gà, có nơi cả thịt chó. Ông buồn vì phở như buồn cho thế thái nhân tình. Hà đẩy thêm kịch tính, cu cậu cũng than:

    - Ôi bác ơi! ở đất Sài Gòn này họ ăn phở còn bi thương hơn. Không phải chỉ uống trà nó mới tương đá vào. Phở nó cũng cho đá.

    Thấy nhà văn lớn trợn mắt kinh ngạc nhưng đầy thích thú, Hà được thể khẳng định:
    - Vâng, nó cho ngay một cục đá vào bát phở nóng rồi xì xụp húp.

    Ông Nguyễn Tuân lắc đầu thán phục:

    - Kỳ lạ, kỳ lạ quá. Bây giờ tôi mới nghe. Thế anh ăn bao giờ chưa?

    - Cháu ăn mấy lần rồi. Cháu không thích, ăn để biết thôi. Hôm nào cháu đưa bác đi - Hà cứng cỏi hứa hẹn.

    Nhưng rồi cho đến khi ông Nguyễn Tuân ra Bắc, Hà cũng chưa đưa ông đi. Có đâu mà đưa. Anh chàng ân hận lắm. Lừa người già là trăm tội. Nhờ tôi lựa lời đính chính. Hà cũng hy vọng ông Nguyễn Tuân không tin vì không thấy ông nhắc lại chuyện đưa ông đi ăn phở đá.

    Tôi cũng cố tin như Hà để đỡ phải đính chính... Chả lẽ lại bảo thằng Hà nó cuội bác. Hoá ra nói xấu Hà mà lại thất lễ với ông. Tôi lờ đi. Chắc ông Nguyễn tự loại món phở bịa ấy rồi. Nhưng không.

    Dễ đến mười năm sau, trong một lần đi cùng ông tới trường Trung cấp Sư phạm Hưng Yên nói chuyện. Tôi nói chuyện thơ. Ông Nguyễn kể chuyện viết văn của ông. Trên xe, đột ngột ông hỏi tôi:

    - Cậu đã nghe ở Sài Gòn họ ăn phở với nước đá chưa?

    - Cháu có nghe. Họ thí điểm không thành công nên thôi ngay. Không ai nhắc đến nữa. Nam Bộ nóng, cứ nghĩ món gì cũng cho đá. Tôi nói ào cho qua. Nhưng ông Nguyễn vẫn phân vân:

    - Thế thì đổ mẹ nó gáo nước lã vào bát phở cho xong!

    Tôi đành kéo ông sang chuyện khác:

    - Cháu nghe nói món mần thắn thì chỉ các hiệu Tàu hàng Buồm nấu là ngon. Từ ngày họ về Tàu, món này kém hẳn.

    Ông Nguyễn Tuân ngồi lặng, rồi chậm rãi hồi ký:

    - Hồi trước (ý là trước cách mạng) tôi hay ăn món ấy ở hiệu Tàu đầu phố Hàng Giày. Cái hiệu có lòng nhà hẹp và lão chủ đi dép không bao giờ nhấc chân, cứ kéo lê. Mần thắn nó ngon nhưng mình ghét lão chủ. Nó chẳng trò chuyện với ai bao giờ.

    Mình gọi món bằng tiếng Ta thì nó gọi to cho đầu bếp bằng tiếng Tàu. Cũng chỉ gọi một câu rồi lại loẹt quẹt lê dép. Hôm ấy mình vừa đảo thìa vào bát thì thấy xác một con gián. Mình vẫy lão chủ lại. Phen này thì mày chết với ông. Mình chỉ vào tang chứng, đắc ý hỏi

    - Con gì đây ông chủ?
    - A a, con gián à, con gián đấy mà. Thằng cha trả lời thản nhiên như mình chưa thấy con gián bao giờ.

    - Con gián chết trong bát mần thắn đấy. Mình nói to cốt cho những khách ăn quanh đấy chú ý. Nhưng người ta vẫn mải ăn. Thằng kia vẫn bình thản như giảng bài cho mình.

    - Ô nước dùng nóng lắm, nóng thì nó phải chết, sống thế nào được lớ!

    Theo TP

    Posted by capthoivu
     
    Last edited by a moderator: 10/9/14
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Xin giới thiệu thêm một đoạn nói về nhà văn Nguyễn Tuân trích trong cuốn hồi kí của Vũ Thư Hiên:
    ...
    "Ăn cái bánh mì ngon tôi lại nhớ tới bữa rượu suông trên gác nhà Nguyễn Tuân ở đường Trần Hưng Ðạo. Ðó là bữa rượu tao ngộ. Nhà văn già túm được tôi lang thang gần Nhà hát Nhân dân bèn lôi tuột về nhà, chứ không có hẹn trước.
    Ông đang lên cơn phiền muộn vì sự xuất hiện mới đây trên báo chí một con chữ kỳ cục.
    - Anh xem đây, đọc đi rồi cho tôi biết ý kiến.
    Ông quăng cho tôi một tờ báo chi chít những dấu sửa lỗi. Bài báo được Nguyễn Tuân chú ý bị ông sửa như sửa mo-rát. Cách sửa mo-rát của Nguyễn Tuân rất đặc biệt, không giống ai - từ trong khối chữ chạy ra lề những đường thẳng, đường gẫy, đường ngòng ngoèo, để kết thúc bằng những chữ, những từ, có khi cả một câu. Ðộ lớn của những lỗi phải sửa phụ thuộc ở tâm trạng nhà văn già. Khi ông bực lên thì một dấu phẩy phải thêm vào sẽ to bằng móng chân gà.
    Tôi giả vờ chăm chú đọc.
    - Tiếng Việt mình không đến nỗi nghèo, phải không nào ? - Nguyễn Tuân giận dữ - Ít nhất thì nó cũng không nghèo đối với trình độ mấy thằng cha cầm bút kém chữ thời nay. Trong tiếng Việt có chữ y, có chữ thị. Y chỉ anh đàn ông, thị chỉ chị đàn bà, rành rành. Vậy mà mấy thằng phó tóm thất học lại dám nghĩ rằng tiếng Việt ta bần hàn. Mới thương tình đẻ rặn ra cho nó một cái từ kép y thị để chỉ mụ đàn bà phạm tội. Khốn nạn thay cho cái tiếng Việt của ông cha ! Bất cứ thằng bỏ mẹ nào cũng đè nó ra mà hiếp được.
    Mặt ông khổ sở như chính ông bị xúc phạm.
    Tôi cười xòa. Tôi thích ngắm tình yêu chữ nghĩa của Nguyễn Tuân. Tất nhiên, tôi đồng ý với ông. Nhưng cũng tất nhiên, tôi, và cả lớp trẻ tụi tôi, chẳng bao giờ bị dằn vặt, chẳng bao giờ khổ sở như ông chỉ vì một con chữ. Ư`thì người ta đẻ ra một con chữ quái dị, đã chết ai đâu !
    Ðể trêu chọc Nguyễn Tuân một chút cho vui, tôi rụt rè thưa với ông rằng ông không nên vội nổi nóng, biết đâu cái từ kép y thị mà các phó tóm nghĩ ra chửa biết chừng lại hay cũng nên. Nó có thể đắc dụng cho tiếng Việt để chỉ một ái nam ái nữ, hoặc một pédéraste chẳng hạn. Vấn đề là liệu nó có tồn tại được không, có được nhân dân chấp nhận không. Từ ngữ cũng như con người, trước hết nó phải được sinh ra đã, sau đó là chuyện khác : nếu nó không chết yểu thì sống lâu khắc lên lão làng. Nguyễn Tuân trợn mắt, gắt ầm lên. Rằng ông không cần đến mấy thằng phó tóm nhảy vào lãnh địa văn chương chữ nghĩa vốn chẳng phải của chúng, rằng chẳng ai khiến chúng sáng tạo thêm cho tiếng Việt, rằng cái từ để chỉ pédéraste trong tiếng Việt đã có sẵn rồi.
    Nói ra được nỗi bực bội rồi, vơi được nỗi phiền muộn rồi, Nguyễn Tuân trở lại tâm trạng vui vẻ thường nhật. Ông lục trong góc bàn lấy ra một chai rượu trong vắt, trịnh trọng rót hai ly. Tôi nhấp một ngụm. Ông chăm chú nhìn vào mặt tôi :
    - Ngon không ?
    - Thưa bác, tuyệt.
    Nguyễn Tuân cười khúc khích, ghé vào tai tôi :
    - Rượu bộ đấy !
    Tôi ngẩn người. Rượu bộ, nó là cái gì ?
    Tôi không phải con cháu Lưu Linh, nhờ các bậc đàn anh chỉ bảo cũng biết võ vẽ đôi chút về rượu. Nguyễn Tuân thích rượu làng Vân, nhưng phải do một lão nông người làng này cất kia, chứ người khác cất ông chê. Ông khen rượu Trương Xá, khen vừa phải, nói rượu Trương Xá ngon đấy, phải cái hơi gắt. Ông cũng thích rượu Kiên Lao mà cha tôi thường đặt mua để biếu ông. Ông nói rượu Kiên Lao ngọt giọng mà có hương thầm. Bây giờ ông lại khen một thứ rượu lạ hoắc, tôi chưa từng nghe nói.
    Nguyễn Tuân khoái trá nhìn tôi :
    - Anh không hiểu rượu bộ là gì hử ?
    - Không ạ.
    - Là rượu-do-Bộ-Công-an-nấu ! - Nguyễn Tuân nhấn mạnh từng tiếng - Tôi đặt cho nó cái tên rượu bộ để phân biệt với các thứ rượu quốc doanh với không phải quốc doanh khác. Việt Hùng vừa mới xách cho tôi hai chai. Thứ này đúng là hảo hạng, chỉ có loại rượu trên tiền, rượu không phải để bán mới ngon được như thế.
    Ông giảng cho tôi một bài về những ngón nghề nấu rượu dân dã, về các loại men với đủ các vị thuốc Bắc thuốc Nam. Nghe Nguyễn Tuân nói thì có thể nghĩ ông là một tay nấu rượu lậu chuyên nghiệp. Mỗi lần đến chơi với Nguyễn Tuân là một lần tôi học thêm được một chút kiến thức ít người biết. Chỉ cần gãi đúng chỗ ngứa của ông. Phải cố mà nhớ nằm lòng, chớ có giở giấy bút ra ghi chép. Thấy anh ghi chép thì thể nào ông cũng sừng sộ :"Ðịnh ghi để báo cáo tôi đấy hử ?"
    - Việt Hùng chầu này đến tôi luôn. Mình cứ sắp hết rượu là y như rằng nó xách rượu đến, tài thế ! - Nguyễn Tuân quay lại câu chuyện nói dở - Lần nào cũng một thứ này thôi. Cán bộ thường như mình tiền đâu mà lúc nào cũng rượu ngon ? Mình thì gặp chăng hay chớ, Văn Ðiển cũng ừ, Làng Vân càng tốt, miễn bạn đến nhà có rượu đãi ? Cái này không phải rượu bình thường, cái này gọi là "phương tiện công tác" đây, tôi nghĩ thế. Mới bảo nó :"Anh với tôi là bạn vong niên, mình gặp nhau nên nói chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện các thú chơi của các cụ ngày xưa, vui hơn. Ðừng nói chuyện chính trị, tôi nhức đầu". Nó tào lao một lát rồi về. Rượu thì để lại. Này, thằng ấy kiến thức rộng ra phết !
    Từ rượu bộ, do tính chất chật hẹp của nó, chỉ một số ít người biết, mà phải là những người đã từng được Nguyễn Tuân hoặc Văn Cao đãi rượu kia, bởi vì Việt Hùng, theo tôi biết, chỉ biếu có hai ông mà thôi."

    Posted by wanderer
     
    chumeo_di_hia thích bài này.
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Người: Xem ra, ông là một kẻ cực đoan, có nhà văn rất lớn nhưng chẳng viết một cuốn tiểu thuyết nào. Ví như A. Sêkhôp chẳng hạn. Còn ở ta là cụ Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cũng rất lớn, ông là bậc thầy của nhiều bậc thầy. Có thể tìm thấy trong tác phẩm của ông một cốt cách phương Đông, một tầm cao văn hoá, một thú ẩm thực. Một tư cách người. Một nhà luyện chữ...

    Ma: Ấy là người đời đánh giá thế. Có người chẳng đọc Nguyễn Tuân, chỉ hong hóng nghe nhau rồi viết vào giấy dán ngay lên cột. Thực chất, Nguyễn Tuân là người thích đùa. Đối với Nguyễn Tuân thì cuộc đời là một cuộc chơi. Ông ham chơi và chơi cú nào cũng thắng. Trước hết là chơi điện ảnh, ông chỉ chơi trong tích tắc và lập tức cái tích tắc ấy hoá thiên thu. Nghĩa là ông cụ trở thành diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, người khơi nguồn cho ngành nghệ thuật thứ bảy ở xứ sở này. Khi ở ta còn chưa có điện ảnh. Nguyễn Tuân đã là diễn viên rồi, và diễn viên tầm cỡ quốc tế. Cứ theo ông Tô Hoài trong cuốn hồi ức Cát bụi chân ai, thì Nguyễn Tuân chỉ mặc áo blu trắng, khiêng cái cáng thương, làm một chiếc bóng mờ, đi lướt qua ống kính trong khoảng... ba giây. Vậy mà để làm một cái bóng mờ điện ảnh ấy, Nguyễn Tuân đã phải lặn lội sang đến tận Hương Cảng. Sau này, ta mới được xem người khơi nguồn điện ảnh ấy đóng phim. Đó là phim Chị Dậu. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Nguyễn Tuân sắm vai chánh tổng. Hoá ra ông cụ đóng rất xoàng, Một chánh tổng không ra chánh tổng, rất gượng gạo, lập bập ngay ở những chi tiết ngoại hình là cưỡi ngựa và đi đứng. Hình như không phải Nguyễn Tuân đóng chánh tổng mà chính chánh tổng đã đóng... Nguyễn Tuân và đóng rất tồi. Nghĩa là nó không ra chánh tổng mà chỉ phảng phất Nguyễn Tuân. Đây là đoạn dở nhất trong bộ phim dựợc dàn dựng rất công phu, rất kĩ lưỡng, Nhưng tôi ngờ sau này, có khi cái phần hỏng này lại là đoạn có giá trị nhất của phim Chị Dậu. Vì nó cho ta thấy hình bóng thật của cụ Nguyễn Tuân. Các thế hệ sau, muốn ngắm cụ Nguyễn, lại phải đến gõ cửa Chị Dậu.

    Người: Đừng mất thì giờ về phần diễn viên điện ảnh, ông cụ là nhà văn.

    Ma: Thì ta bàn về văn của cụ vậy, ông vừa bảo cụ Nguyễn là nhà văn lớn, là người có văn hoá ẩm thực, đúng không? Quả ông cụ viết khá nhiều về các món ăn. Những phở, những giò, những chả. Nhưng đưa các món ăn lên thành những áng văn chương, thành văn hoá ẩm thực, trước tiên phải kể đến Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam. Đấy là những tập sách có thể được coi là những kiệt tác về ăn uống,
    ở đó những mớn ăn không còn thuần tuý là chuyện thực phẩm, nhằm đáp ứng cho việc co bóp của cái dạ dày, mà cao hơn, nó là hồn vía của cả một vùng đất. Văn chương ăn uống của cụ Nguyễn chưa đạt tới độ ấy. Đôi khi ngay trong chuyện ăn uống này, ông cụ cũng lại đùa.

    Người: Xin nêu một ví dụ?

    Ma: Truyện Những chiếc ấm đất. Thôi, khỏi bàn chuyện ông cụ viết về việc chọn ấm uống trà. Cái ấm da lươn phải là cái ấm nặn đều, không bị chỗ dày, chỗ mỏng, nghĩa là đặt xuống nước phải nồi đều, không bị triềng, lạng. Cái đó chẳng có gì tinh vi và cao siêu cả. Những cuốn sách phổ thông, viết về kỹ nghệ uống trà của Nhật Bản, của Trung Quốc ta có thể gặp nhan nhản những đoạn như thế. Ông cụ kể về việc uống trà, về người hành khất tinh đến nỗi có một hạt trấu lẫn trong trà cũng phát hiện được. Cụ Sáu nghiện trà, mê trà pha nước giếng chùa, đến nỗi không thể bỏ quê đi đâu được vì không thể mang cái giếng đi theo. Thực ra, người sành trà, uống trà tinh, thường chọn nước mưa, và phải là trận mưa thứ hai, nghĩa là trong nước mưa không có bụi. Nước mưa ấy lại phải hứng giữa trời, không hứng qua cây, và phải hứng bằng chậu sành, chum sành, chứ không phải nồi đồng hay chậu nhôm. Nước có hơi nhôm, hơi đồng thì cũng không thể gọi là nước tinh khiết. ở đây ông già Sáu lại uống nước múc ở cái giếng đất, dù là giếng ở cổng chùa. Đoạn đường gánh nước từ chùa về nhà, cứ như lời văn cụ Nguyễn tả, phải qua con đường lầm cát bụi. Gió cuốn bụi như mây. Bụi thốc vào tận cổng chùa. Thế thì còn gì là nước để pha trà nứa. Khi người nhà cụ Sáu quẩy gánh nước về làng, sư cụ chùa Đồi Mài còn gọi lại, bảo bẻ mấy cành đào, bẻ cả lá đào thả vào nồi nước để về ông cụ uống cho mát. Ơ hay, uống trà là uống nước sôi pha vào trà, chứ có uống nước lã đâu mà cần nước mát hay không mát. Vả lại, đào là thứ cây độc. Đào trồng ở đâu, đến cỏ cũng không mọc được. Nhựa đào rất độc, người ta vẫn dùng để tắm ghẻ. Cái nồi nước thả đầy cành đào, lá đào mà cụ Nguyễn xui đùa kia, uống vào là gay đấy. Cứ tưởng ông cụ tinh vi nghề ẩm thực, nghe theo ông cụ thì có phen mất mạng như bỡn. Còn truyện Chém treo ngành, còn có tên khác là Bữa rượu máu, thì đến ma cũng không thể chịu nổi, ông cụ tả một cách nhấm nháp với đầy vẻ khoái cảm một lão đồ tể có tên là Bát Lê, ông ta có tài chém người điệu nghệ đến nỗi, chỉ chém một nhát, cái đầu đứt phăng, nhưng vẫn còn dính một tí da, treo trên một tí da, gọi là Chém treo ngành. Đưa việc chém người lên thành nghệ thuật và tả đường đao, mũi đao với vẻ khoái cảm như một dạng thưởng thức nghệ thuật thì chỉ ở cõi người mới có nhà phê bình viết bài tán dương, chứ ma thì con xin vái cụ! Ngay cả kẻ bị chém là lũ tà đạo, lũ cướp đường, tả thế cũng không ổn, huống hồ đó lại là quân khởi nghĩa, những người xả thân vì nghĩa cả. Nhà văn lớn, ai lại viết thế.

    Người: Ông không hiểu Nguyễn Tuân rồi, ông đọc văn như thế thì không thể đọc Nguyễn Tuân được, Những năm 1960, 1970, có lần cụ, Nguyễn đã mắng một nhà phê nọ, rằng: Thằng ấy mà làm phê bình à? Thẩm văn kiểu gì mà thẩm ngu thế. Không biết cả một đoạn rất quan trọng người ta tả đằng sau, khi kết thúc truyện, ấy là một trận gió thổi rất mạnh. Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang ra về. Chiếc mũ trên đầu quan công sứ bị cơn gió lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn mấy vòng lông lốc. Đấy mới là tình cảm, là tư tưởng của tác giả.

    Ma: Nhưng đó vẫn chỉ là một đoạn tả cảnh, và là tả ngoại hình. Mấy câu văn gió máy, mang đầy chất thơ ấy, làm sao xoá được cái ấn tượng ghê rợn mà truyện đã mang đến cho độc giả.

    Người: Điều này, có lẽ phải tranh luận mới xong được?

    Ma: Thời gian sẽ định đoạt tất thảy!

    Người: Vậy Nguyễn Tuân còn lại những gì?

    Ma: Còn chứ! Muốn nói gì thì Nguyễn Tuân cũng vẫn cứ là Nguyễn Tuân. Và đóng góp lớn nhất của ông cụ là ở thể loại ký. Ông cụ viết gì cũng thành ký. Đấy là một thể loại văn học cao cường mà bấy lâu nay, chúng ta biến nó thành một dạng báo chí sống sít, và như thế thì báo cũng chẳng ra báo mà văn cũng chẳng thành văn. Nguyễn Tuân bằng chính tài năng trác việt của mình, đã đưa nó trở lại văn học. Chỉ riêng kì tích ấy cũng đủ để ta ngả mũ kính vái cụ, đúc tượng cụ.
    ........
    trích Chân Dung và Đối Thoại
    Trần Đăng Khoa

    Posted by Mặc
     
    vanle thích bài này.
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    ...Tôi (Vũ Bằng) còn nhớ hồi làm Trung Bắc tôi về Thanh Hóa thăm anh. Đi tàu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát rồi đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài còn tối như om mực, tôi không đi, nhưng không được. Tôi đành phải chiều anh bạn "lọ". Để đi đâu? anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh cuốn ở một căn nhà lá mà anh bảo ngon nhất Thang Mộc Ấp, riêng một cái việc ngồi chờ bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ. Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột thế không thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc áo quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết để phe phẩy; nói thì dấm dẳn, đang vui câu chuyện thì ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa - mà chỉ có ăn hai cái chân thôi - còn cả con chim thì ngoắt phổ kỵ lại (chớkhônng gọi) bảo đem "cất giùm" vào bếp. Cái nếp sống hàng ngày của Tuân đúng y như văn anh viết trong các bài báo và tác phẩm của anh: khó chịu lạ lùng, làm cho người mới quen bực muốn chết, nhưng các bạn đã biết thì mặc cho anh muốn giở trò trống gì ra, tùy ý. Thanh Châu, Thượng sỹ, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật cho anh là một "quái thai" và đả kích kịch liệt, nhưng muốn tẩy anh cách nào, Nguyễn Tuân vẫn lập dị nguyên như thế, không thay đổi và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách bắt chước như Tuân.

    P
    osted by Phan Thanh Huy
     
  5. linhpham2391

    linhpham2391 Mầm non

    Có bạn nào có ebook tùy bút, ký của Nguyễn Tuân cho tớ xin với
     
  6. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    +1 cho thread hay :D
     
  7. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    bác Tuân có sách nào nói về ẩm thức ko ạ, các bác?
     
  8. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Bác Nguyễn có mấy tùy bút: Phở, Cốm, Giò lụa... không biết in trong tập nào.
     
    chumeo_di_hia thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này