Trà phiếm Khi máy làm thơ

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi chelsky_ngoann, 4/2/16.

Moderators: amylee
  1. chelsky_ngoann

    chelsky_ngoann Lớp 4

    Đọc được Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link khá thú vị khi máy làm thơ, share với cả nhà nhé


    Mấy hôm trước tôi có buổi nói chuyện với các bạn sinh viên FUNiX về chủ đề Thơ Máy (thomay.vn), ghi lại để mọi người tiện tham khảo.
    Thơ Máy hay Thơ Người?
    Liệu đến lúc nào đó máy tính có thể sáng tác thơ được như người? Câu hỏi chắc chắn liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intellegence) – một lĩnh vực quan trọng đang có nhiều tiến bộ đột phá của khoa học máy tính.
    Đầu tiên ta thử tìm hiểu cái gọi là “Phép thử Turing”. Đây là phép thử được nhà toán học Alan Turing đề xuất vào năm 1950 nhằm trả lời câu hỏi máy tính liệu có trí tuệ hay không. Alan Turing tin rằng nếu một máy tính có thể trò chuyện với con người bằng văn bản, mà người đó không thể xác định được mình đang trò chuyện với máy hay với một người khác, trong tối thiểu 30% thời gian, thì máy tính đó vượt qua được phép thử Turing và có thể được coi là có trí tuệ.
    Nhân tiện, Alan Turing (1912-1954) là nhà toán học thiên tài người Anh, ông được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Cuộc đời ông đã được tái hiện trong bộ phim tuyệt hay và cảm động “The Imitation Game” (2014).
    Phép thử Turing hoàn toàn có thể áp dụng cho Thơ Máy. Trộn các bài thơ người làm vào các bài thơ máy làm, sau đó cho một đám đông cùng đoán xem đâu là thơ máy, đâu là thơ người. Nếu có trên 30% số lần đoán sai thì có nghĩa thơ máy không kém gì thơ người, và có thể coi rằng máy thực sự sáng tác được thơ!
    Tôi chưa tiến hành làm phép thử Turing cho Thơ Máy, nhưng tin chắc rằng khả năng máy lừa được người với tỷ lệ trên 30% là hoàn toàn có thể.
    Xuất xứ Thơ Máy
    [​IMG]
    Thơ Máy trên chủ đề "Bùi Giáng" và thể loại "Lục Bát"
    Ý tưởng Thơ Máy đến với tôi từ khi còn đang du học ở Nga, cỡ đầu những năm 199x. Lũ sinh viên cuối tuần thường hay tụ tập ăn uống, trong lúc trà dư tửu hậu chúng tôi bàn bạc đủ mọi chuyện trên trời dưới biển, từ thời sự, khoa học cho đến triết học, nghệ thuật… Có một chủ đề gây nhiều tranh cãi, đó là “Sáng tạo nghệ thuật” là gì? Một định nghĩa mà giờ quờ tay vào Gúc là có thể lôi ra cả đống, nhưng hồi đó, khi còn chưa có Internet cũng như chưa được tiếp cận với “Mỹ học” Hegel cùng các loại kinh điển hại não khác, chúng tôi mông lung lắm.
    Quan điểm của cá nhân tôi rất đơn giản: “Sáng tạo nghệ thuật chẳng qua chỉ là một qui luật thẩm mỹ kết hợp với một yếu tố ngẫu nhiên”. Quy luật và Ngẫu nhiên, nếu được kết hợp hài hòa như sự hài hòa Âm Dương sẽ làm nẩy sinh kiệt tác. Mọi người phản bác kịch liệt. Tôi xác quyết - sẽ chứng minh bằng thực tế!
    Hôm sau tôi bắt tay vào viết thử phần mềm sáng tác nhạc. Với âm nhạc, quy luật thẩm mỹ chính là tiết tấu nhịp điệu (2/4 hay 3/4…), là thang âm (cung Đô trưởng hay La thứ…) và các quy luật hòa âm. Yếu tố ngẫu nhiên tôi đưa vào là trường độ và cao độ của các nốt. Kết quả ra dở ẹc. Tôi loay hoay điều chỉnh, kiểu như thay vì đưa ngẫu nhiên các nốt thì đưa vào các quãng hoặc 1 đoạn ngắn giai điệu… Cuối cùng phần mềm đã ngân nga lên được những giai điệu khá êm tai, nhưng chưa thể gọi là sáng tạo nghệ thuật.
    Tôi quay sang thử làm Thơ Máy. Các quy luật của thơ thì tôi nắm rõ hơn, niêm luật của từng thể loại thơ Việt, bằng trắc ở chỗ nào, cách gieo vần... Phần ngẫu nhiên là các từ trong cuốn từ điển tiếng Việt được ghép hỗn độn bằng hàm random. Kết quả ra khá hài hước, các bài thơ được sinh ra hỗn mang, đọc lên thì xuôi tai nhưng chưa có tính thơ.
    Bước tiến bộ tiếp theo là lập ra từ điển các mỹ từ, được tách từ những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng. Tôi chọn Nguyễn Bính đầu tiên. Kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, máy đã có thể cho ra những câu đại loại như “Em tôi bướm trắng đầu làng”.
    Bẵng đi, đến khi về nước tham gia Tinh Vân và bắt đầu học lập trình trên Windows tôi mới code lại Thơ Máy với nhiều tính năng được bổ sung, rồi cứ thế lâu lâu lúc rảnh lại lôi ra nâng cấp.
    [​IMG]
    Phong cách "Chinh Phụ Ngâm" với thể loại "Song thất lục bát" truyền thống
    “Trí ngu si nhân tạo”
    Do bận nhiều việc nên sau này tôi giao lại Thơ Máy cho Vườn Ươm Tinh Vân (TVi). Một bạn sinh viên tên là Hoàng Trọng Linh Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (hiện đang làm PhD tại Canada) hứng thú và code lại trên những nền tảng mới. Công nghệ được ứng dụng trong Thơ Máy phần nhiều là những công nghệ sở trường của Tinh Vân, được tích lũy khi xây dựng máy tìm kiếm, thư viện điện tử, phần mềm dịch tự động, bao gồm công nghệ tách từ, dán nhãn, phân tích cú pháp, xử lý ngữ nghĩa,… cũng như Thơ Máy đang sở hữu một tập những từ điển tiếng Việt rất đa dạng.
    Tuy nhiên, trái tim và linh hồn của Thơ Máy, theo tôi vẫn chỉ là “Trí ngu si nhân tạo” (Artificial Dumb :) – dùng để phân biệt với Trí tuệ nhân tạo, AI) – đó chính là các thuật toán ghép từ ngẫu nhiên theo đúng các niêm luật thơ. Nhờ tính ngẫu nhiên này mà máy có thể tổ hợp ra hằng hà sa số các bài thơ, nhiều tổ hợp rất buồn cười, cũng như giả sử chỉ ngồi mà nhấn chuột cả tỷ năm cũng không ra được 2 câu thơ lặp lại.
    [​IMG]
    Biến "Truyện Kiều" thành thơ "Thất ngôn tứ tuyệt"
    Lợi ích của Thơ Máy
    Nhiều người hỏi một phần mềm vô bổ như Thơ Máy liệu có ích lợi gì? Các bài thơ máy chưa đủ độ hay và cảm xúc để tạo thành một chỉnh thể nguyên tác. Sẽ có những câu thơ nổi bật, nhưng thành cả một bài thơ với nội dung nhất quán thì còn là cả chặng đường dài. Theo tôi hiện Thơ Máy chỉ có 2 ích lợi cơ bản.
    Lợi ích thứ nhất là gây cười. Đây là ích lợi quan trọng bởi lúc nào cũng cần những nụ cười hồn nhiên bật ra bất ngờ từ cuộc sống vốn đầy stress. Thơ Máy, bằng chính trí ngu si nhân tạo và ngây ngô ngẫu nhiên của mình đã thể hiện được tính dễ thương và hài hước, đôi khi hơn cả con người. Gs. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link có viết trong một stt là "L'humour, c'est la politesse du désespoir" – “Hài hước là tính lịch duyệt của tuyệt vọng”. Sự hài hước của Thơ Máy không hàm chứa sự tuyệt vọng nào, có chăng chỉ là chút thất vọng đối với nền thơ mới.
    Lợi ích thứ hai là nó có thể giúp hạn chế bớt việc sáng tác ra những bài thơ quá dở, khi nhà thơ nhận rằng ra chỉ cần nhấn chuột và chỉnh sửa đôi chút là có thể tạo ra những bài thơ không quá tệ. Ví dụ bài thơ lục bát xuôi ngược dưới đây, không phải hoàn toàn do máy sáng tác, nhưng một người bình thường sẽ tương đối khó làm nếu không có sự trợ giúp của máy:
    “Em yêu nắng cực chàng ơi Ai môi mềm đỏ thắm trời thu sang Vai tròn lót áo tơ vàng Chiều về khoai nóng bởi chàng yêu em…”
    Đọc ngược từ phải sang trái:
    “Ơi chàng cực nắng yêu em Sang thu trời thắm đỏ mềm môi ai Vàng tơ áo lót tròn vai Em yêu chàng bởi nóng khoai về chiều…”
    [​IMG]
    Thơ "Thất ngôn bát cú" đọc xuôi và ngược (từ dưới lên trên từ phải sang trái)
    Phát triển trong tương lai
    Các hướng phát triển tiếp cho Thơ Máy còn rất nhiều, ngay cả thế giới cũng mới đang đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực này. Lấy ví dụ, RKCP là một thuật toán với tính năng tương tự Thơ Máy, được thiết kế bởi Ray Kurzweil – Kỹ sư trưởng Google và là người có niềm tin vững chắc vào trí tuệ nhân tạo. Đưa vào RKCP các tác phẩm của một tác giả cụ thể, máy sẽ phân tích các văn bản gốc, từ đó học được cách thức sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Sau đó RKCP có thể tái hiện lại các nội dung khác bằng chính “bút pháp” của tác giả mà trước đó nó đã được học. Công nghệ học máy (Machine-Learning) cũng như Big Data sẽ tạo ra những phiên bản Thơ Máy vượt trội trong tương lai.
    Tuy nhiên cần hiểu đối với RKCP mới là sự phân tích ngữ nghĩa dựa trên ngôn ngữ cụ thể. Mà ngôn ngữ bản chất vẫn chỉ là các nguyên liệu thô. Thơ, hay văn học, nằm ở tầng cao hơn, và có thể truyền tải được những ý tưởng, thông điệp hay cảm xúc tương đương bất kể nó được viết bằng ngôn ngữ gốc hay đã được dịch sang các thứ tiếng khác.
    Một điều lo ngại nữa, là khi trí tuệ nhân tạo thay thế hoàn toàn cho trí ngu si nhân tạo hiện tại của Thơ Máy, thì liệu nó còn giữ được sự ngây ngô dễ thương và hài hước, hay cùng lắm cũng chỉ có thể sản xuất ra những bài thơ “khôn như người”?
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/2/16
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này