Ký ức tàu không số

Thảo luận trong 'Tủ sách Hồi ký - Tiểu sử' bắt đầu bởi Song Ngư, 30/9/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Tựa sách: Ký ức tàu không số
    Tác giả: Mã Thiện Đồng
    Ngôn ngữ: Tiếng Việt
    Lĩnh vực: Văn học Việt Nam
    Đối tượng đọc: Mọi đối tượng
    Năm xuất bản: 2010
    Đơn vị xuất bản: NXB Tổng hợp TP.HCM
    Số trang: 240
    Giá sách: 35.000 VND
    Mua tại: Hệ thống các nhà sách trên toàn quốc
    “Ký ức tàu không số” là tập hồi ký của nhà văn Mã Thiện Đồng khắc họa lại hình ảnh những chiến sĩ kiên cường, gan dạ và mưu trí trên những chuyến “tàu không số” mở ra con đường “Hồ Chí Minh trên biển” vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Sách do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành tháng 3 năm 2010.


    Tác giả Mã Thiện Đồng đã tìm gặp những chiến sĩ trên những chuyến “tàu không số” năm xưa, ghi lại những trang viết tràn đầy cảm xúc và niềm tự hào về những chiến công cũng như hy sinh thầm lặng những chiến sĩ trên tuyến đường vận chuyển trên biển đầy gian khổ, hiểm nguy.


    Tác giả không quá đi sâu vào chi tiết lịch sử, số liệu, sự kiện mà tập trung khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ của đoàn “tàu không số” và những mất mát, hy sinh của họ. Do yêu cầu “tuyệt đối bí mật” nên những người làm nhiệm vụ này không được cho ai biết việc làm của mình, kể cả người thân. Chẳng hạn như người anh hùng Bông Văn Dĩa trong một lần đến thăm nhà máy sắt, tráng men Hải Phòng - nơi con trai ông đang công tác, cha con đã gần chục năm trời vắng bặt tin nhau nhưng đồng chí vẫn không dám nhận con mà chỉ “lén” nhìn: “Mặt ông Hai Dĩa đanh lại, hai hàm răng cắn chặt, mím môi như cố không để bật ra tiếng nói. Chắc ông đã mãn nguyện khi được ngắm nhìn đứa con trai yêu quý” (trang 25). Có chiến sĩ ra đi làm nhiệm vụ mà không thể tạm biệt người yêu khiến anh bị cho là kẻ bội bạc. Rồi anh hy sinh, nỗi oan tình ấy được anh mang theo vào lòng biển cả...


    Bằng những con tàu đơn sơ, máy móc cũ kỹ, hậu phương lớn đã đều đặn chi viện cho chiến trường miền Nam vượt qua sự săn lùng của hạm đội Mỹ và tàu tuần tra của Ngụy. Có những lúc phải hủy tàu, cả đoàn hy sinh khi tàu bị bắt, cán bộ chiến sĩ ta bị sát hại... Có lần, tàu vừa cập bến Vàm Lũng thì bị mắc cạn mà trời lại gần sáng. Nơi mắc cạn nằm gần đồn địch. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta huy động lực lượng “Xuồng con ghé lại đỡ vũ khí. Người lội, nước ngập tới ngực, mang vác tăng gấp hai ba lần sức người bình thường, bốc vác từng thùng vũ khí nặng hàng tạ băng băng lên đường” (trang 45). Có những con tàu phải tự hủy. Hay các cán bộ, chiến sĩ ta bị bắt, bị tra khảo. Thế nhưng “những đòn tra tấn dã man ấy chỉ cướp đi sức khỏe của các anh, còn lời khai thì dù ở chỗ nào, bị nhốt riêng hay chung, những người con trung kiên dũng cảm đã được rèn luyện trong nước sôi lửa bỏng đều thống nhất lời khai được chuẩn bị từ trước: chỉ biết phụ việc nấu cơm, dọn dẹp trên tàu hoặc đánh cá...” (trang 218). Những chuyến tàu đã cập bến, bà con miền Nam vui mừng không kể xiết. Đồng bào đã háo hức đến tận tàu để tận mắt xem những con người “mình đồng da sắt” và phụ giúp khuân vác vũ khí: “Khi lên tàu, các bà, các má, các chị đều khóc òa, níu tay từng người vì cảm động, vì thương anh em thủy thủ cực khổ quá, dũng cảm quá... và cũng vì sung sướng quá!” (trang 88).


    Quyển hồi ký được thể hiện bằng văn phong trong sáng, giản dị nhưng cuốn hút và lay động độc giả trong từng trang viết bởi những câu chuyện, con người và sự kiện như “huyền thoại”. Cuối tháng 3-2010, Hội sách TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giới thiệu sách và giao lưu trực tiếp với các chiến sĩ hải quân còn sống của những chuyến tàu không số ngày nào.


    Sách kết thúc bằng một câu hỏi: “Từ núi rừng đến biển khơi, các anh đang ôm lấy Tổ quốc, đang trải màu xanh cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với truyền thống anh hùng ấy?!” (trang 228).
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này