Biên khảo Luyện văn – Luyện tư cách (Lê Ký Thương)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 30/9/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    LUYỆN VĂN – LUYỆN TƯ CÁCH


    Năm tôi học đệ Lục (lớp 7 bây giờ) không biết ma xui quỷ khiến thế nào, bỗng dưng tôi muốn trở thành… nhà văn.

    Nhưng trớ trêu thay, tôi là một học sinh dốt văn trong lớp! Bài luận cô giáo ra đề tả một đám cháy nhà, tôi nhớ mình đã viết câu: Sau đám đám cháy, chỉ còn lại một đống tro tàn vô giá của khu nhà ổ chuột. Cô giáo đã sửa câu này thành: Sau đám cháy, khu nhà ổ chuột chỉ còn lại một đống tro tàn… và gạch đỏ hai chữ vô giá rồi ghi bên lề bài luận của tôi: Em định bán đống tro này bao nhiêu? Còn ô ghi “Lời phê của giáo sư”, thì hiện lên câu: Ý được, nhưng văn lủng củng… Thực sự thì lúc đó tôi chưa hề chứng kiến một đám cháy nào, chỉ viết một cách khó khăn theo trí tưởng tượng non kém của mình.

    Sau bài luận này, cô giáo khuyên tôi nên tìm đọc quyển Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê.

    Về sách đọc thêm, đối với một học sinh nhà quê nghèo như tôi quả thực là khó có. Hồi đó, cả tỉnh tôi chưa có thư viện công, tôi chỉ biết có phòng đọc báo của Ty Thông tin, nơi tôi thường vô đọc báo ngày và dẫu thèm đọc những quyển tạp chí Văn hóa nguyệt san, Quê hương chưng trong tủ kính cũng không đọc được, vì chúng chỉ để làm cảnh.

    Ước muốn trở thành nhà văn thôi thúc tôi tìm mượn quyển Luyện văn. Một người bạn cùng lớp mách cho tôi biết ngoài phòng đọc báo của Ty Thông tin còn có phòng đọc sách báo của đoàn thể Thanh Sinh Công (Thanh niên, Sinh viên Công giáo) nằm trên đường Lê Quí Đôn (Nha Trang), do một thầy dòng Phan-xi-cô (2) phụ trách. Nơi này có cả báo ngày, tạp chí, và sách cho mượn đọc tại chỗ.

    Duyên may, Luyện văn là quyển sách đầu tiên trong số nhiều tác phẩm của bác Lê mà tôi được đọc.

    Tôi phấn chấn khi cầm cuốn sách trong tay, nhưng khi đọc tiêu đề đầu tiên ở Chương I thì bỗng nhiên tôi… vỡ mộng nhà văn. “Nghề cầm bút bạc bẽo, nhưng cũng rất say mê” (3). Bác dẫn giải: “Ở nước ta, mười nhà văn (thi sĩ và văn sĩ) thì năm, sáu người oán nghề của mình và cho nó là một nghề nghiệp chướng. Tản Đà phàn nàn “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Một trăm nhà văn chỉ sống về nghề cầm bút mà lại trọng cây viết của mình thì 99 người lâm cảnh khốn cùng”. Câu này như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi giúp tôi tỉnh người và tự nghĩ: Rõ đúng mình là con nhái mà muốn trở thành con bò! Hết ảo tưởng. Vả lại, cha mẹ cố công cố sức cho mình ăn học để có chút chữ nghĩa, kiếm cái nghề đàng hoàng nuôi thân sau này chớ mẹ cha nào muốn con lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng khi tôi đọc đến những đoạn tiếp theo, bằng lời lẽ động viên ôn tồn của bác Lê, tôi an tâm hơn. Bác Lê không khuyên hết thảy mọi người nên lựa nghề cầm bút, nhưng bác nghĩ “ai cũng nên tập viết văn để biết một cách tiêu khiển thanh nhã…”. Theo lời bác, “luyện văn tức luyện tư cách, nâng cao nhân phẩm lên”, như vậy là đáng cho mình phải gắng công học tập và rèn luyện chứ. “Chịu học tập thì dù không có thiên tư, ta viết văn cũng kha khá được, còn như không chịu mất công thì dù có khiếu, cũng vị tất đã thành công”.

    Trong quyển Luyên văn có tất cả 16 chương thì 6 chương bác viết về “đức”: Đức sáng sủa, Đức tinh xác, Đức gọn, Đức thành thật và phép miêu tả, Đức đặc sắc, Đức biến hóa. Đó là những chương gây ấn tượng sâu đậm cho tôi nhất. Bác chẳng sợ mích lòng ai, kể cả những bậc thiên tài như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, khi phân tích cho chúng ta thấy những chỗ không hay, không hợp lý trong thơ văn của họ bằng lời lẽ nhu hòa và chân xác. Những điều này tôi không được học trong lớp, không có trong những quyển sách giáo khoa. Chính nhờ nó, trí óc non nớt của tôi mới vỡ ra: dù thiên tài (ở bất cứ lãnh vực nào) cũng không tuyệt đối hoàn hảo, nếu bây giờ người ta chưa phát hiện chỗ không ổn của họ thì tương lai, không sớm thì muộn, cũng có người thẳng thắn chỉ cho chúng ta thấy những chỗ đó. Từ đó tôi bắt đầu theo lời khuyên của bác Lê tập tính nhận xét và suy nghĩ độc lập.

    Cách nay đúng nửa thế kỷ, từ khi quyển Luyện văn được xuất bản lần đầu, bác Lê đã viết: “Đã đành, khi mới tập viết, ai cũng phải bắt chước những nhà văn có tài năng, kinh nghiệm; nhưng điều quan trọng vẫn là phải tập cho trẻ nhận xét lấy đã; nếu thấy chúng nhận xét sai thì ta sửa đổi rồi chỉ, trong trường hợp đó, các đại bút nhận xét ra sao. Vậy nếu ra đầu đề: “Tả một bến tàu” thì ta phải dắt trẻ tới bến tàu, hướng dẫn qua loa rồi để mặc chúng nhận xét lấy. Đừng nên cho một bài ám tả hoặc một bài tập đọc về một bến tàu rồi biểu các em phỏng theo đó mà viết. Ta cũng không được giảng hết bài, để chúng chỉ nhớ lời ta mà chép lại. Lối cho chép những bài luận kiểu mẫu cũng rất tai hại. Nó chỉ tập cho trẻ cái thói mà hầu hết chúng ta bây giò đều mắc phải, là nhìn bằng cặp mắt người khác, và “tả ở trong phòng”, nghĩa là tả theo tưởng tượng mà không thèm quan sát”. Thiết nghĩ, những ý kiến này hiện giờ vẫn còn giá trị không những trong nhà trường mà cả ngoài xã hội.

    Theo bác Lê: “Lỗi viết sai sự thực còn một nguyên nhân nữa là tác giả sơ ý, không biết nhận xét, hoặc nhận xét không kỹ, không kiểm soát tài liệu”.

    Khi đọc lại câu này, bỗng nhiên tôi nhớ một số chi tiết sai mà mình đã đọc và ghi chép từ các bài viết và các sách nghiên cứu về văn học, lịch sử nước nhà để tránh lầm lẫn. Xin dẫn chứng vài điều:

    Trong quyển Lịch sử Việt Nam, tập II, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1989, ở chương viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Trung Kỳ, có nhắc đến ông Ba Su ở Phú Yên. Tôi nghi ngờ cái tên Ba Su là không có thật trong lịch sử chống Pháp của tỉnh này, bèn hỏi một nhà văn lão thành, nổi tiếng, quê ở Phú Yên, thì được trả lời: “Ở Phú Yên của qua chỉ có ông Bá Sự, một trong những người tập hợp phong trào nông dân nổi lên chống Pháp trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chớ ông Ba Su thì qua không biết. Bá là chức danh bá hộ, còn Sự là tên riêng. Qua nghĩ người ta viết Ba Su là dựa theo tài liệu của Tây mà hổng chịu kiểm chứng…”.

    Cũng dựa theo tài liệu Tây mà “không kiểm soát tài liệu”, một giáo sư đại học có tiếng ở Sài Gòn trước 1975, cách nay không lâu đã viết bài: Cao Đài: Đạo ở vùng đất mới đăng trên một tạp chí ở nước ngoài, nhắc đến nhân vật Tu Mat (theo tài liệu nghiên cứu đánh máy của La Laurette và Vilmont, hai viên chức cao cấp Pháp thời đó – như lời ông giới thiệu), ông gọi nhân vật này là Tư Mật. Thật ra, nếu chúng ta đọc Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển thì sẽ biết nhân vật này là Tư Mắt, tên thật Nguyễn Văn Trước.

    Trong sáng tác văn học và phim ảnh của ta đương thời cũng có nhiều chi tiết sai không thể chấp nhận được mà thỉnh thoảng báo chí khui ra. Nhờ thấy cái sai của người khác mà tôi luôn luôn sờ vào gáy mình mỗi khi viết bất cứ điều gì.

    Theo bác Lê: “Ở nước ta chắc chắn chưa có văn sĩ nào chịu khó kiếm tài liệu như Gustave Flaubert. Trước khi viết tiểu thuyết L’Education sentimental, ông lại thư viện đọc những sách về cuộc cách mạng Pháp, rồi viết thư hỏi han bạn bè về phong trào Tân Cơ Đốc (néo-catholique) vào năm 1840, về đời sống của thợ thuyền ở Lyon thời đó. (…) Ông định tả đường xe lửa từ Paris đến Fontainebleau trong năm 1848, nhưng sau khi ông biết năm 1849 mới bắt đầu có đường ấy, ông phải bỏ đi hai đoạn dài trong bản thảo rồi tra cứu xem khi chưa có xe lửa thì người ta đi bằng cách nào, lên xe ở đâu, xuống xe ở đâu. (…)”. Tuy không phải là nhà văn hay nhà nghiên cứu, nhưng tôi đã học tập gương của Gustave Flaubert để luyện tính cẩn trọng cho mình.

    Bác Lê nhắc nhở: “Muốn cho dụng ngữ được phong phú, ta phải đọc nhiều, nghe nhiều, từng trải nhiều, du lịch nhiều và thường dùng tự điển”, và phê bình: “Nhiều khi ta dùng tiếng không đúng vì ta biến nhác, cứ hễ tiếng nào hiện ra trong óc ta là ta vội ghi liền, không chịu cân nhắc kỹ lưỡng”.

    Về cách dụng ngữ, lâu nay, tôi thường thấy và nghe báo đài từ trung ương đến địa phương dùng cặp từ “di dời” và “in ấn”. Tôi nghĩ, từ di nguyên gốc tiếng Hán, được Việt hóa, cùng nghĩa với dời, còn in là tiếng Việt cùng nghĩa với ấn trong tiếng Hán, như vậy các nhà báo, nhà đài chỉ cần nói hay viết gọn: dời hoặc in là đủ nghĩa và ai cũng hiểu được ý nghĩa của câu, tại sao lại phải “di dời” và “in ấn”? Liệu có “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được không?

    Mộng trở thành nhà văn của tôi đến nay vẫn chưa thành, nhưng nhờ quyển Luyện văn của bác Nguyễn Hiến Lê tôi đã học và áp dụng được rất nhiều điều bổ ích, nên cảm thấy tự tin khi viết một câu tiếng Việt. Và mỗi lần tôi cầm cây viết hay ngồi trước máy vi tính, hình ảnh đống tro tàn “vô giá” ngày xưa lại hiện lên trong trí tôi như để nhắc nhở: hãy viết câu văn sạch.

    LÊ KÝ THƯƠNG

    Phú Nhuận, tháng 6-2003

    (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2003)
     
    DHR34 and Thanhang72 like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này