Trà phiếm Mỗi ngày một truyện ngắn

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Song Ngư, 6/11/13.

Moderators: amylee
  1. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    [​IMG]
    Truyện, không nhất thiết phải dài mới hay;
    chỉ cần xuất phát từ trái tim và chuyên chở những điều ý nghĩa.

    [​IMG] Truyện hay dù ngắn nhưng vẫn đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn [​IMG]
    cũng như để lại cho đời những điều đáng để suy tư, chiêm nghiệm.
    Truyện ngắn dễ đọc, dễ sẻ chia, và ít nhiều dễ đồng cảm.
    Mỗi ngày một truyện ngắn, mỗi ngày một niềm vui
    [​IMG]


    Hy vọng đây sẽ là không gian thư thái nơi chúng ta thưởng thức, đóng góp những mẩu truyện ngắn hấp dẫn từ khắp mọi nơi; Nơi chúng ta cùng trao đổi, thảo luận những điều thú vị ẩn sau từng câu chuyện đủ sắc màu; Nơi giao lưu, kết bạn giữa những tâm hồn đồng cảm.
    More
    The more you read,

    The more you know.

    The more you know,
    The smarter you grow.

    The smarter you grow,
    The stronger your voice,

    When speaking your mind
    or making your choice.
    ps: Mọi người có thể thoải mái bàn luận, trao đổi trong chủ đề này nhé. Mình đã làm Mục Lục ở ngay post 2 để chúng ta dễ tìm kiếm, thống kê những câu chuyện có trong thread. Tuy nhiên xin lưu ý chỉ nên đăng bài thảo luận xung quanh những câu chuyện (vd như bạn cảm thấy câu chuyện có ý nghĩa không, ý nghĩa như thế nào? Bạn có gì thắc mắc chưa hiểu ở câu chuyện.....) Tranh đăng những bài có nội dung quá ngắn như " cảm ơn bạn truyện hay lắm!". Để cảm ơn, chỉ cần nhấn nút "Thanks" là được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/3/17
  2. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Mục Lục
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link- Nguyễn Thiên Ngân
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link - Trang Hạ
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link - Cà phê muối
    [HR][/HR]
    Thống nhất mẫu chung khi đăng truyện ngắn: (cỡ chữ 3 và không dùng màu Đỏ)


     
    Chỉnh sửa cuối: 27/3/17
  3. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Sách cát (The book of Sand)

    Sách cát
    (The book of Sand)

    [​IMG]

    Tác giả: Jorge Luis Borges
    Dịch giả: Phạm Văn dịch
    Hiệu đính và chú thích: eVăn
    Nguồn: VNExpress


    Borges, Jorge Luis -


    Lời giới thiệu của người dịch:



    ... dây cát của ngươi ...
    George Herbert (1593-1623)


    Đường thẳng bao gồm vô số điểm; mặt phẳng gồm vô số đường thẳng; không gian gồm vô số mặt phẳng; đa không gian gồm vô số không gian... Không, geometrico dứt khoát không phải là cách hay nhất để bắt đầu câu chuyện của tôi. Ngày nay ai lại chẳng cam đoan rằng mọi chuyện hoang đường là chuyện thật; nhưng chuyện của tôi đúng là thật.

    Tôi sống một mình trong căn chung cư lầu năm ở đường Belgrano. Một tối mấy tháng trước, tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi mở ra, một người lạ bước vào. Ông cao lớn, vóc dáng mơ hồ không rõ, hay có lẽ vì cận thị mà tôi thấy ông như thế. Ông nghèo thấy rõ: ông mặc bộ đồ xám, xách va li xám. Tôi đoán ngay ông là người ngoại quốc. Thoạt đầu tôi nghĩ đó là một ông già, nhưng nhận ra mình lầm vì mớ tóc thưa của ông, vàng, gần trắng, như tóc người Scandinavia. Lúc nói chuyện, chắc chả lâu hơn một tiếng, tôi biết ông từ Orkneys tới.

    Tôi chỉ cái ghế cho ông. Ông đợi một lát rồi mới nói. Ông toát lên một vẻ u sầu, như tôi lúc này. Cuối cùng ông nói:

    - Tôi bán Thánh Kinh.

    Tôi đáp, chẳng phải không có phần lên mặt:

    - Nhà này có mấy bộ Thánh Kinh tiếng Anh, kể cả bản đầu tiên của John Wyclif. Tôi cũng có bản Cipriano de Valera, bản Luther - về mặt văn học là bản tệ nhất -, và một bản La Tinh của Vulgate. Ông thấy đấy, Thánh Kinh thì tôi không thiếu.

    Sau một thoáng im lặng, ông đáp:

    - Tôi không chỉ bán Thánh Kinh. Tôi có thể cho ông xem một cuốn sách thiêng mà ông sẽ thích. Tôi gặp nó ở bắc Ấn Độ, ở Bikaner.

    Ông mở va li đem ra cuốn sách đặt lên bàn. Bộ khổ tám bìa vải, rõ ràng đã qua tay nhiều người. Tôi xem xét, sách nặng lạ thường làm tôi ngạc nhiên. Trên gáy in chữ Holy Writ, rồi Bombay. Tôi bình phẩm:

    - Chắc là thế kỷ mười chín.

    - Tôi không biết, chưa bao giờ biết.

    Tôi mở hú họa một trang. Chữ viết lạ. Trang giấy có vẻ sờn, chữ xấu, in hai cột, kiểu Thánh Kinh. Chữ chi chít, trình bày dưới dạng câu xướng. Góc trên mỗi trang đánh số Ả Rập. Tôi ngạc nhiên về cách đánh số trang: trang số chẵn mang số 40.512, trong khi trang lẻ sau đó mang số 999. Tôi lật trang; trang kế mang tám số, có hình vẽ nhỏ như thường thấy trong tự điển: cái mỏ neo bằng bút mực vụng về như do bàn tay trẻ con vẽ.

    Đến lúc này khách lạ lại nói:

    - Xem cho kỹ. Ông sẽ không bao giờ gặp lại nữa đâu.

    Lời nói có vẻ đe dọa, nhưng giọng nói thì không.

    Tôi ghi chú trang giấy, rồi đóng sách lại. Ngay lập tức tôi mở ra. Tôi tìm hình mỏ neo từ trang này sang trang khác, nhưng vô ích. Để giấu sự lúng túng, tôi thử cách khác.

    - Đây chắc là bản Kinh Thánh bằng một thứ tiếng Ấn?

    Ông ta đáp:

    - Không.

    Rồi ông hạ giọng, như thổ lộ một bí mật cho tôi.

    - Tôi vớ được cuốn này trong một làng ở đồng bằng, tôi đổi vài xu cộng với cuốn Thánh Kinh. Chủ nó không biết đọc. Tôi ngờ ông ta xem cuốn Sách của Sách như một thứ bùa hộ mạng. Ông ta thuộc đẳng cấp thấp nhất; người nào giẫm lên bóng ông ta sẽ bị ô uế. Ông ta bảo sách của ông tên Sách Cát vì cuốn sách này cũng như cát, không có khởi đầu hay kết thúc.

    Ông đề nghị tôi thử tìm trang đầu.

    Tay trái tôi cầm bìa sách và mở sách, ngón cái và ngón trỏ gần đụng nhau. Không thể được: giữa bìa sách và tay tôi luôn luôn có vài trang, như thể chúng sinh ra từ chính cuốn sách.

    - Bây giờ thử tìm trang cuối.

    Lại thất bại, tôi lắp bắp, không còn nhận ra giọng mình:

    - Không thể được.

    Người bán Kinh Thánh rong nói, giọng thì thầm:

    - Vâng, không thể được, nhưng đúng thế. Số trang trong sách này quả là vô tận. Không trang nào là trang đầu, không trang nào cuối. Tôi không biết vì sao lại đánh số trang tùy tiện kiểu này, nhưng có lẽ để ta hiểu rằng các phần tử của một chuỗi vô hạn có thể đánh số thế nào cũng được.

    Rồi như thể nghĩ thành lời, ông nói tiếp:

    - Nếu không gian vô tận, chúng ta ở bất cứ nơi nào, bất cứ điểm nào trong không gian. Nếu thời gian vô tận, chúng ta ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian.

    Ông trầm ngâm làm tôi phát cáu. Tôi hỏi:

    - Ông là người có đạo?

    - Phải, tôi theo giáo phái Trưởng lão[1]. Lương tâm tôi trong sạch. Chắc chắn tôi không lừa gạt gã thổ dân bằng quyển Lời Chúa để đổi lấy cuốn sách quỉ quái của hắn.

    Tôi trấn an rằng ông không có gì đáng trách, và hỏi liệu ông chỉ ghé ngang xứ này. Ông đáp ông định trong vài hôm nữa sẽ về nước. Lúc đó tôi mới biết ông người Tô Cách Lan, nhà ông ở Orkneys. Tôi bảo ông rằng tôi rất mến Tô Cách Lan vì yêu thích Stevenson và Hume. Ông chữa lại:

    - Stevenson và Robbie Burns.

    Trong khi nói chuyện, tôi tiếp tục khảo sát cuốn sách vô hạn. Tôi giả vờ lãnh đạm hỏi:

    - Ông có định bán cái món lạ kỳ này cho Viện bảo tàng Anh không?

    - Không. Tôi bán cho ông.

    Và ông ra giá một món tiền lớn. Hoàn toàn thành thật, tôi nói tôi không có khả năng trả số tiền đó. Nhưng đầu tôi tính toán, trong khoảnh khắc tôi nảy ra một kế. Tôi nói:

    - Tôi đề nghị đổi. Ông đã mua bộ sách với vài rupee và một cuốn Thánh Kinh. Tôi đưa ông toàn bộ số tiền hưu mới lãnh và bộ Thánh Kinh in chữ gô-tích của Wyclif. Bộ đó do cha mẹ tôi để lại.

    Ông thì thầm:

    - Bản Wyclif chữ đen[2]!

    Tôi vào phòng ngủ mang số tiền và quyển sách ra. Ông lật các trang và xem xét bìa sách với lòng nhiệt thành của người yêu sách. Ông nói:

    - Được.

    Tôi ngạc nhiên thấy ông không mặc cả. Mãi sau tôi mới nhận ra rằng khi vào nhà tôi ông đã quyết định bán cuốn sách. Ông không đếm tiền mà chỉ nhét vào túi.

    Chúng tôi trò chuyện về Ấn Độ, Orkneys và các quí tộc Na Uy một thời cai trị quần đảo đó. Khi ông về, đêm đã khuya. Tôi không gặp lại ông và cũng không biết tên ông.

    Tôi định cất Sách Cát vào chỗ trống trên kệ của cuốn Wyclif, nhưng rốt cuộc tôi giấu nó sau mấy cuốn Ngàn Lẻ Một Đêm không đủ bộ.

    Tôi lên giường nhưng trằn trọc. Ba bốn giờ sáng tôi mở đèn, mang cuốn sách vô lý đó ra lật trang. Một lần, tôi thấy bản khắc mặt nạ. Con số ở góc trang - bây giờ tôi không nhớ số mấy - lên tới lũy thừa chín.

    Tôi không cho ai xem báu vật của mình. Niềm vui sở hữu cuốn sách khiến sinh ra nỗi sợ bị mất cắp, và mối hoài nghi rằng cuốn sách không hẳn là vô tận. Hai nỗi lo đó làm nặng thêm tính yếm thế cố hữu của tôi. Tôi vẫn còn dăm người bạn, nhưng tôi thôi không gặp họ nữa. Là tù nhân của Sách, tôi ít khi rời nhà. Tôi xem xét gáy sách sờn cũ và hai bìa bằng kính lúp, và loại bỏ khả năng giả mạo. Tôi thấy các hình vẽ nhỏ cách nhau hai ngàn trang. Tôi ghi chúng vào sổ xếp theo thứ tự abc, chẳng bao lâu thì đầy sổ. Không bao giờ chúng lặp lại. Ban đêm, trong những lúc hiếm hoi ngủ được, tôi mơ thấy cuốn sách.

    Tôi định dùng lửa, nhưng sợ rằng cuốn sách vô tận có thể cháy mãi mãi, và làm trái đất ngạt khói.

    Tôi nhớ có lần đọc: rừng là nơi tốt nhất để giấu một cái lá. Trước khi về hưu tôi làm việc ở Thư viện Quốc gia, nơi chứa chín trăm ngàn cuốn sách. Tôi biết bên phải tiền sảnh có cầu thang cong đi xuống tầng hầm tối, nơi cất bản đồ và tạp chí định kỳ. Lợi dụng lúc nhân viên thư viện xao lãng, tôi giấu Sách Cát trên một trong mấy kệ sách ẩm ướt của thư viện, và cố không ghi nhớ bao cao và cách cửa bao xa.

    Giờ đây đã thấy hơi đỡ hơn, nhưng tôi cự tuyệt ngay cả bước đến con đường dẫn tới thư viện.
    [HR][/HR]

    [1] tiếng Anh: Presbyterian.
    [2] Tiếng Anh trong nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: A black letter Wyclif!
     
    winterwinterlight thích bài này.
  4. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Giọng nói

    Giọng nói

    Sưu Tầm

    View attachment 11209

    Trần Tiễn Cao Đăng


    - Rabindranath Tagore


    - Anh có nhận ra người con gái dong dỏng cao, nước da mai mái, má lúm đồng tiền kia không?


    - Sao lại không? Đêm nọ tiếng hát của cô ấy không bao giờ dứt trong lòng tôi.


    - Nói tôi nghe đi!


    - Anh có thể hình dung nàng là một cô gái miền Nam, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang không?


    - Thật sao!


    - Khi nghe nàng hát, thật sự bạn không thể và cũng không cần phân biệt người con gái sông Hồng, cô gái miệt vườn Đông Nam bộ hay thiếu nữ lớn lên bên những cồn cát miền Trung; bạn chỉ nghe một tâm hồn Việt nam. Thế rồi khi trò chuyện với nàng, bạn sửng sốt nghe một giọng miền Nam ngọt ngào như cây trái và êm dịu như nắng ấm quê nàng, chứ không phải giọng đầy âm điệu và luôn luôn xao xuyến của gió bấc và mưa phùn miền Bắc; nhưng kỳ thực giọng nào trong hai giọng đó lại không mang tâm hồn Việt Nam?


    - Tại sao bây giờ anh mới cho tôi biết ? Sao không nói ngay từ hôm nọ, khi trước mọi câu hỏi của tôi cô ấy chỉ mỉm cười lặng lẽ cho đến khi khuất sau cánh cổng trong bóng đêm? Quay xe lại đi ! Tôi muốn gặp cô ấy; tôi phải nói một lời với cô ấy...


    - Vậy đó: nếu nàng là một cô gái Kinh Bắc như mọi người khác, anh đã chẳng buộc tôi quay lại thế, ngược lại anh sẽ luôn miệng giục tôi tăng tốc lên, quàng lên, phải không? Nàng là cô gái miền Nam, thế là anh sẵn sàng quay lại, quên khuấy rằng máy bay sẽ không đợi thêm dù chỉ năm phút. Sự khác nhau lớn đến thế sao? Nhưng quả thật, có nhiều điều đáng nói về nàng; nàng xứng đáng hơn một phút từ biệt vội vã. Tôi sẽ kể anh nghe, tôi đã nói thế.


    ...Vậy anh đã thấy, đối với tôi sự phân biệt nào Bắc, nào Nam, trong hầu hết trường hợp là một sự ấu trĩ to lớn của nhiều người Việt chúng ta. Sự phân biệt đó, được tô đậm và đào sâu bằng địa lý, tập quán, lịch sử, định kiến, khiến cho nhiều lúc nhiều nơi chúng ta nhìn nhau như những nền văn hóa lạ lẫm, những thế giới tâm hồn khác biệt khiến cho lắm khi chúng ta hiểu (hoặc tưởng rằng hiểu) những dân tộc, tính cách và nền văn hóa ở phương trời xa xôi nào khác nhiều hơn của chính chúng ta. Có cái gì đó gãy vỡ, đứt đoạn, hụt hẫng trong tâm hồn phần lớn chúng ta, và chúng ta phải chung sức chung lòng hàn gắn, vun bồi nhanh hơn, trước khi có thể quá muộn. Chừng nào nhìn vào gương mặt tổ tiên mà không nhận ra chính mình thì chúng ta còn lại gì ? Ở nơi nào đó trên đất nước này, đây đó trong dân tộc này, những sức mạnh mới đang lớn lên và triển khai, nối liền mạch thời gian từ trước đến sau chúng ta đến những cao trình trí tuệ và tâm linh thực sự mới. Tôi biết sức mạnh đó trong những người bình thường nhất giữa chúng ta, những người hiện nay vô danh và ngày mai vẫn vô danh, nhưng những đỉnh cao văn hóa tinh thần tương lai của dân tộc này sẽ tựa chắc trên họ cũng như sẽ tựa trên những đỉnh cao của toàn thế giới. Anh đã biết một người con gái Hà Nội, ngưỡng mộ những vai diễn tuyệt vời Bà Trưng Trắc, Nàng Xêđa, Kiều Nguyệt Nga, lại hoàn toàn không hài lòng với những gì chỉ được nghe và thấy từ đất Bắc, ngay từ ngày đầu theo gia đình vào Nam đã ghi danh vào khoa Cải lương dù với cái giá phải học nói giọng miền Nam thuần khiết để bước ra sân khấu, và trong những ngày này khi nghệ thuật đó đang kỳ thoái hóa thì, như một nghệ sĩ chân chính, nàng rút vào im lặng, chờ cơ hội giúp cho nó phục sinh. Và anh bảo tôi: một khi là tiếng nói chân xác và sâu xa nhất của tâm hồn Việt Nam thì bất luận là quan họ, ca Huế, những bài ru con hay gì khác đi nữa, nó sẽ làm tim anh đau nhói dù anh có sống nhiều năm ở xứ người hay không. Tôi không thật hiểu ở nước ngoài họ muốn nói gì khi gọi ai đó là công dân thế giới. Nhưng anh có nhớ các bà cụ cùng với Ea Sola không ? Người tỉnh tôi cả đấy. Đây đó trên đất nước này đang tồn tại những tâm hồn tuyệt đẹp và lớn lao mà thế giới chưa hề biết tới, bởi đó là những con người quá giản dị và khiêm nhường đúng như chân tánh của dân tộc chúng ta. Anh có thể không đồng ý, nhưng với tôi, mỗi người, nếu là đại diện đích thực cho phần tinh túy và thuần khiết nhất của dân tộc mình, người đó hiển nhiên là công dân thế giới.


    Năm nàng hai mươi hai tuổi, đang học dở năm thứ tư trường Y thì mẹ mất để lại cho nàng ba đứa em, đứa nhỏ nhất mười hai tuổi. Từ đó, cho đến khi ngoài ba mươi tuổi, nàng một mình nuôi nấng chúng như người mẹ trong khi chính nàng vẫn không bỏ học, trở thành một bác sĩ giỏi, ba đứa em thảy đều học hành tới nơi tới chốn và đều nên người; anh thấy có phải cả một kỳ công không? Nàng không thích kể về chuyện đó đâu; nhưng chẳng phải vì vậy mà tôi không biết nhiều hơn thế, đơn giản vì tôi luôn luôn muốn biết tất cả về nàng, cả những trò nghịch ngợm, những lần ngã đau nhớ đời thuở thơ ấu của nàng nữa...


    Sau khi ra trường cả ba đứa em đều rời xa nàng; mỗi đứa sống và làm viêc môt nơi; căn nhà bố mẹ để lại từ lâu không còn nữa; ở một mình hẳn nàng thấy rất trống vắng ố mặc dù nàng đã chuyển đến gian nhà thuê nhỏ hơn. Theo cách nàng kể với chúng tôi, nàng bỏ Sài Gòn ra Bắc chỉ là để vượt qua cảm giác cô đơn đó; hơn nữa, lần đầu tiên trong đời nàng tự cho phép làm theo ý thích có lẽ là kỳ quặc và bốc đồng của riêng mình, nàng chỉ muốn tự thưởng mình như thế; vì điều quan trọng là các em nàng đã vững bước đi theo con đường riêng, hãy để chúng tự chứng tỏ và hoàn thiện mình như những người tự do, có lẽ nàng không cần cầm chịch chúng như xưa nay nữa, đã đến lúc nàng phải theo con đường của riêng mình, bởi nàng còn trẻ - điều đó hiển nhiên không có nghĩa nàng tự cởi bỏ trách nhiệm trước cuộc đời các em; ngược lại. Vốn kiêu hãnh, hơn nữa là hết sức kín đáo, hơn nữa là rất mực khiêm nhường sau vẻ ngoài nhẹ nhõm vô lo, nàng không nói gì về chủ định thầm kín của nàng trong chuyến ra đi này, lại dùng mọi lời nói đùa để biến nó thành một cuộc phiêu lưu không hạn kỳ, không đích đến và có phần phù phiếm, bất cứ lúc nào nàng cũng có thể nổi hứng lại xách túi ra đi và không một ai, không điều gì, không nỗi quyến luyến nào có thể giữ nàng cả. Nhưng tôi, tôi hiểu lắm: đàng sau mọi điều đó còn một cái gì nữa - một thôi thúc nội tâm, một linh cảm huyền bí, mặc khải về sứ mạng dấn thân, một cuộc gặp bất ngờ mà như người ta nói trở thành bước ngoặt của số phận, một tình yêu đơn phương chẳng mong được đền đáp, cái gì đó đại loại thế, một cái gì lớn lao, sâu sắc, mạnh mẽ và thiêng liêng đã mách bảo nàng thẳng bước về đất Bắc, chọn chính vùng Kinh Bắc này làm nơi tiếp tục phần còn lại của đời nàng.


    Dù sao, mảnh đất này đã đón nhận nàng một cách trân trọng và thân quý - dẫu cho nàng ít mong đợi điều đó: ở đâu trên Trái đất này không cần một bác sĩ như nàng, đầy tình yêu, chí nguyện và vị tha ? Nhưng, rất nhanh chóng, người ta nhận ra ở người con gái đó không chỉ một thầy thuốc -dẫu cho là thầy thuốc hoàn hảo và tuyệt vời nhất; mỗi khi nàng cất tiếng, mọi người lắng nghe không chỉ ý nghĩa lời nàng nói mà cả giọng miền Nam là lạ, giản dị mà duyên dáng của nàng; không những thế, giọng nói đó còn ẩn chứa một cái gì rất khó tả hoàn toàn của riêng nàng: nếu giọng những cô gái miền Nam khác có thể làm ta liên tưởng - một cách khá khuôn sáo - đến những tàu lá dừa xanh mướt loang loáng nắng bên dòng kênh thì giọng nàng là ngọn gió nâng bổng những tàu dừa ấy lên rồi lại buông lơi làm chúng rập rình như trên những ngọn sóng vô hình; hoặc giả, giọng nói nàng như bầu không khí sâu thẳm màu ngọc thạch đưa nắng trời đến nuôi cây đồng thời ngăn cản mọi bức xạ nào có thể khiến cây phải chết. Phần nàng, đơn giản nàng sung sướng thấy mình được sống ở đây, tự do như hơi mát từ dòng sông nhưng cũng đầy chú tâm, tự tại và kiên định như đất. Hơn một năm trời nàng âm thầm làm việc giữa mọi người, giúp họ giữ gìn sức sống và niềm vui, chẳng nói một lời về khát khao cháy bỏng là được hát trong những canh quan họ thâu đêm kia - chứ không chỉ nhìn và nghe. Cho đến hôm kia, một bọn trẻ “tố giác” với các cụ trong làng rằng đêm đêm, tìm một góc khuất trong vườn, khi đã tin chắc rằng không ai nhìn thấy và nghe trộm mình, nàng tập hát. Thế là các cụ hỏi thẳng nàng: Cháu có muốn học hát không ? - Có ạ, - nàng ngượng ngùng cúi đầu đáp. - Thế sao không nói ? - Con sợ người ta cười con. - Làng quan họ ta không cười con. Cứ học đi ! Đến khi hồn quan họ đã thấm vào trong máu con, chừng đó người ta sẽ khóc khi nghe con. Thế là nàng không e thẹn gì nữa, nước mắt rơi lã chã vì hạnh phúc, niềm hạnh phúc của đứa con trở về với gia đình, không vơi đi mà chỉ dày dặn thêm và lớn lao thêm qua những năm tháng khổ luyện để dần dần làm chủ từng câu từng chữ, từng tiếng đưa đẩy, từng khoảnh khắc dừng lấy hơi, từng rung động nhỏ nhất từ trong tim, khơi mở và khai thông trong mình một sức mạnh mới mà trước đây chính nàng không thể ngờ tới. Và như anh thấy đó: giờ đây nghe nàng hát, anh có thể hình dung nàng đến được tiếng hát ấy bằng cái giá như thế nào không?


    ... Ban đầu nàng cứ mãi day dứt với cảm giác muốn loại trừ chất giọng miền Nam của mình; tự đáy lòng nàng cảm thấy nó quá đơn sắc và quân bình không thích hợp với quan họ. Nhưng, dần dần nàng nhận ra trong chính sự tương phản như giữa lạnh và nóng, giữa nắng và mưa này một sức mạnh riêng, một vận động tiềm tàng bí ẩn và mênh mông hướng đến sự thống hợp; tự đáy lòng, nàng không còn thấy có mâu thuẫn nào giữa tình yêu đối với quan họ chỉ dần lớn lên khi nàng đã qua tuổi niên thiếu và nỗi gắn bó với cải lương Nam bộ mà nàng đã nghe từ trong nôi. Những lúc cao hứng nàng có thể hát thuộc lòng từng đoạn dài trong những vở cải lương nàng từng xem và nghe hàng chục lần từ thời thơ ấu, nhưng chỉ để góp vui, không hơn; nàng nói nửa đùa nửa thật: ai khác thì không biết, riêng nàng, không thể dùng cải lương hay bất cứ điệu hát nào khác thay quan họ để thổ lộ những lời say đắm nhất với người mình yêu. Anh có thể hình dung nàng mỉm cười dịu dàng: Không gì hơn quan họ để nói về Tình yêu. Thế nhưng, đấy chỉ là nàng nói vậy, chứ chúng tôi hiểu rằng ngoài quan họ của chúng tôi nàng có một kho báu của riêng nàng nữa. Đó chính là những bài Lý của miền Nam rất đỗi ngọt ngào mà thỉnh thoảng nàng ngâm nga đôi câu lại như để đùa cho vui; mặc dù những khi như thế chúng tôi đều bỗng im lặng nghe, nhưng nàng không hề tỏ ý muốn hát những bài ấy một cách “nghiêm chỉnh” trước mặt chúng tôi; dường như nàng không biết chắc liệu chúng tôi có chân thành muốn nghe chúng với tấm lòng rộng mở, hay chỉ do chút tò mò thoáng qua. Nhưng chẳng bao lâu, với sự kiên trì của chúng tôi, nàng hiểu rằng chúng tôi thật sự muốn cảm nhận nàng trọn vẹn qua chính những bài Lý này; cũng như nàng, chúng có vẻ đẹp của riêng mình; và mặc cho một số người lắng nghe chúng với nụ cười bao dung, bởi xét về sự phong phú, phức tạp và tinh tế, chúng không thể nào sánh được với quan họ - có thể họ có lý -, nhưng dù sao, đó là một cách khác - của riêng nàng - để nói về Tình yêu, và tôi chỉ có thể đáp lại chúng bằng nỗi cảm kích sâu xa và dịu dàng nhất.


    Thật ra, nàng không tài nào học được cách nói như những người quan họ sinh ra trên chính mảnh đất Kinh Bắc này: Thôi thì các liền anh, liền chị đã không chê đồng đất nhà chúng em quê mùa sang chơi. Trước là thăm thầy, thăn mẹ chúng em, sau là ca một canh cho vui dân, vui xóm, sau nữa là để cho chúng em được học đòi đôi lối, đôi câu. Nàng không thể nào nói được như thế; trước vì bố mẹ đã không cho nàng giọng thích hợp để nói những lời đó, sau nữa, nàng tự thấy lòng mình chưa đủ tinh tế để dệt những lời đó. Trong những canh hát quan họ, đặc biệt là khi có khách lạ, nàng hầu như không hé môi ngoại trừ những lúc cất tiếng hát, phần bởi nàng không muốn người nghe chú ý vào giọng nói của nàng hơn những gì được nói qua lời hát, qua vẻ đẹp của giai điệu, nụ cười và ánh nhìn. Bây giờ có lẽ anh hiểu vì sao nàng chỉ lặng lẽ đáp bằng nụ cười trong khi anh chỉ đợi nghe một giọng Hà Bắc ngọt ngào như bao nhiêu liền chị khác và có thể còn thanh tao, uyển chuyển, nồng ấm hơn thế... Nhưng với những ai đã biết nàng và không chờ đợi điều đó nữa, nàng sẽ nhẹ nhàng trả lời từng câu hỏi, giản dị, đằm thắm và chẳng kém phần hóm hỉnh, rất cởi mở tuy rằng tránh nói nhiều về mình; giọng nàng vang lên một cách là lạ và khó quên giữa đất trời miền Bắc đặc biệt là những tháng cuối năm hay đầu xuân khi gió bấc tràn về, như thể giữa ban mai cây cối khô quắn lại và như phủ một lớp băng bỗng nhiên bạn bước vào một vừng nắng rực rỡ như buổi chiều cuối hè vậy.


    Tôi đã thấy, khi các cô gái của chúng tôi lặp lại điệp khúc "Người rằng người ơi..." lần thứ ba, một giọt nước mắt ứa ra trong mắt anh mà anh đã vội vã và âm thầm gạt đi. Tôi muốn thay mặt tất cả người quan họ cám ơn anh về giọt nước mắt đó, nhưng xin khuyên anh dành nó trước hết cho nàng: nàng xứng đáng với những giọt lệ như thế, với tất cả những gì nàng trải qua. Anh có biết rằng những người bà con nội ngoại của nàng, hầu như đã chẳng giúp gì nàng trong việc thay mẹ dưỡng dục ba đứa em đến khi trưởng thành, giờ nhao nhao lên rằng không sao hiểu nổi cơn cớ từ đâu, bùa mê thuốc lú nào đã khiến nàng chết mê chết mệt đến thế với làng quan họ xa lắc xa lơ kia; họ tự cho mình có nghĩa vụ bứt nàng ra khỏi đó - như bẻ cành khỏi thân - bằng cách tìm cho nàng một tấm chồng danh giá - như họ nói - từ nước ngoài mới về. Đột nhiên nàng được tin em gái út của nàng ốm nặng; quả là có ốm thật, song không thập tử nhất sinh đến mức nàng phải tức tốc bay vào Nam cho kịp gặp mặt lần cuối. Nàng không kể thêm với chúng tôi những gì xảy ra sau đó, càng không đả động đến vị hôn phu danh giá kia, có điều từ khi trong Nam ra, nàng không hát một câu suốt ba tháng trời; đôi khi cứ thẫn thờ nhìn đâu đâu, nhiều lúc đi ngang trước mặt tôi mà như không thấy tôi. Thật đau lòng khi thấy nàng như thế; từ lâu nàng đã nghiễm nhiên trở thành thước đo sự tận tâm, lòng kiên nhẫn và vị tha trong làng chúng tôi; người làng nói: có nàng, bỗng ta thấy yêu mọi người xung quanh hơn. Cung cách không bình thường chút nào của nàng càng khiến tôi đau nhói khi nghe một tin đồn chẳng hiểu từ đâu lại rộ lên trong làng rằng ngày trước, ở trong Nam, vào một đêm rất khuya, nàng từ trạm xá về nhà băng qua đồng vắng thì gặp một lũ vô lại chồm ra chắn đường... chính vì thế nàng mới phải bỏ cửa bỏ nhà lặn lội ra thấu ngoài Bắc này. Tôi đã thề nếu đó là chuyện bịa đặt thì tôi sẽ đập chết kẻ bịa ra nó. Thế rồi bỗng nhiên - ngày đầu tiên của tháng thứ tư kể từ lúc nàng vào Nam trở về, tôi nhớ rõ lắm -, đã quá nửa đêm, nàng khẽ gọi ngoài cửa sổ buồng tôi nằm... Và sự thực là, anh biết không...


    - Rồi sao nữa? Sao anh im lặng?


    ... Ba tháng sau nàng làm đám cưới với anh họ tôi. Anh là thương binh chiến trường Tây Nam, làm thợ mộc, người rất tốt. Anh không biết hát quan họ, nhưng anh rất yêu nàng, mua cho nàng từng cuộn chỉ, từng đôi dép, lại cố tập bài Lý chuồn chuồn để hát cho nàng nghe vào lúc bất ngờ nhất khiến nàng cười mà mắt dân dấn ướt; anh làm tất cả để nàng được hạnh phúc.


    - Còn anh?


    - Còn tôi, có hạnh phúc biết nàng, hát với nàng, kể về nàng cho anh nghe. Cảm ơn sự ngẫu nhiên đã làm chuyến bay muộn một tiếng đồng hồ đủ cho tôi làm việc đó. Chúc anh thượng lộ bình an. Hãy luôn luôn giữ giọt lệ như con ngươi trong mắt anh, nụ cười như niềm vui trong trái tim anh. Nhớ kể cho đồng bào ta bên đó rằng có người con gái miền Nam sống và hát ở làng quan họ, không phải bằng giọng Bắc hay Nam, mà bằng tâm hồn Việt Nam.


    Sài Gòn, 1998
     
  5. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    Truyện ngắn: Sống trong chờ đợi

    SỐNG TRONG CHỜ ĐỢI

    Tác giả: Nguyễn Bích Lan
    Nguồn: tuoitre.vn

    View attachment 11224

    1. Lâm Anh, bạn thân của tôi, làm việc tại bộ phận quảng cáo của một nhà cung cấp dịch vụ Internet. Cậu ấy nói nhiệm vụ của cậu ấy là hằng ngày bằng mọi cách rót vào tai các khách hàng tiềm tàng của công ty thông điệp ngắn gọn và súc tích rằng Internet mang cả thế giới vào căn phòng của bạn.

    “Mang cả thế giới vào căn phòng của bạn, ừ cứ cho là vậy đi, nhưng mang được cả thế giới vào căn phòng của bạn rồi thì bạn làm gì với cả thế giới đó” - tôi hỏi. Lâm Anh bảo: “Thì cứ việc bơi trong đó, cứ bơi đi”.

    Lâm Anh tặng tôi chiếc máy tính xách tay mua được từ một cửa hàng bán đồ cũ ở Singapore. Cậu ấy tự kéo dài một kỳ nghỉ cuối tuần của mình ra thành ba ngày để dạy tôi những bài học tin học đầu tiên. Sau đó với cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy vi tính Lâm Anh tặng kèm, tôi tự bổ sung kiến thức và bắt đầu tập “bơi” trên Internet.

    Ngày nào tôi cũng bơi trong cái biển thông tin hỗn độn, đa ngôn, đa nguồn ấy vài tiếng. Tôi nhìn mọi thứ, đọc mọi thứ tôi tìm thấy trên đó. Tôi đọc trang web của những nhà thơ, trang web của những thần đồng, trang web của những người bị ung thư, bị AIDS. Tôi bơi sâu trong các trang tin, bơi cho quên đi một sự thật rằng ngày có bao nhiêu tiếng thì tôi phải sống từng ấy tiếng trong chờ đợi.

    Tôi bắt đầu chờ đợi từ khi tôi 16 tuổi. Người phát động cuộc chờ đợi của tôi là một vị thạc sĩ của một bệnh viện nổi tiếng. Tôi nhớ ông ấy đã nói: “Loạn dưỡng cơ tiến triển. Hàng triệu người mới có một người mắc căn bệnh này. Hiện nay trên thế giới chưa có phương pháp điều trị. Phải chờ đợi”. Lúc nghe ông ấy nói thế tôi chưa hình dung ra được cuộc chờ đợi của tôi thế nào. Tôi tin rằng tôi sẽ chờ đợi một cách bình tâm và kiên cường. Nhưng tôi đã nhầm. Chờ đợi là một nghệ thuật phức tạp, trong đó sự tự tin quá mức đôi khi cũng cần phải được điều chỉnh.

    Tôi đã không khóc trong lúc người ta chọc kim vào cột sống của tôi để lấy tủy làm xét nghiệm. Tôi đã không khóc khi người ta cắt một miếng cơ ở bắp chân tôi để đem đi làm sinh thiết. Tôi đã không khóc khi phải uống triền miên một thứ thuốc nam đắng đến thắt cả ruột gan. Tôi không khóc vì đau. Tôi không khóc vì tuyệt vọng. Tôi chỉ khóc vì ngày của tôi dài quá, thế thôi.

    Bố mẹ tôi cố tình lờ sinh nhật của tôi đi trong ngậm ngùi, còn Lâm Anh thì bắt đầu có thói quen tổ chức sinh nhật cho cuộc chờ đợi của tôi một cách ý tứ và khéo léo. Hễ cứ vào ngày 24-6, ngày ông thạc sĩ nọ nói với tôi cái từ chờ đợi như thể kê một đơn thuốc là Lâm Anh lại không tiếc thì giờ ôn lại vô số những chuyện vui của tôi. Những chuyện vui của tôi đều thuộc về những ngày tôi còn khỏe mạnh. Những ngày ấy tôi vừa chạm đến đoạn đời gương lược nên cũng đã biết là mình xinh xắn và đáng yêu, nhưng tôi không biết là tôi lại đáng yêu như trong cách nhìn của Lâm Anh.

    Lâm Anh nói rằng hồi đó má tôi lúc nào cũng hồng, tóc tôi mượt và mắt tôi vui long lanh. Lâm Anh nhớ như in cái ngày Lâm Anh thật sự coi tôi là bạn thân của cậu ấy, cái ngày Lâm Anh cố ý vẩy mực lên áo trắng của tôi và tôi đã dọa sẽ thưa cô giáo nhưng rồi tôi đã không làm thế. Lâm Anh nhớ tất cả những lần tôi được tuyên dương dưới cờ, những lần tôi được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi, những lần cô giáo đọc những bài văn của tôi cho cả lớp nghe. Lâm Anh nhớ tỉ mỉ những chuyện ấy đến nỗi cha tôi đâm ra nghi Lâm có vấn đề. Bạn thử nghĩ xem khi một người nhớ tất cả những chuyện lớn chuyện nhỏ xảy ra với một người khác còn hơn cả nhớ chuyện của mình thì người đó có vấn đề gì.

    Vào cái ngày cuộc chờ đợi của tôi đạt đến mốc năm năm thì chiếc vòng đeo tay của tôi tự nhiên tuột ra, rơi xuống đất. Tôi đẩy xe lăn đến trước gương và ngồi nhìn mình trong đó. Tôi biết mỗi năm tôi sút đến bốn năm cân. Tôi biết năm sau trông tôi sẽ như thế nào. Tôi sẽ chỉ còn da bọc xương thôi. Căn bệnh cứ tiếp tục gặm mòn tôi và không ai có thể làm gì để ngăn nó lại. Tôi vừa khóc vừa lăn xe đến với chiếc máy tính. Tôi gửi cho Lâm Anh một tin nhắn chỉ có vỏn vẹn hai chữ cái “TV”. Đó là lần đầu tiên Lâm Anh không tổ chức sinh nhật cho cuộc chờ đợi của tôi theo cái cách khéo léo và ý tứ của cậu ấy.

    2. Một hôm Lâm Anh gửi tin nhắn cho tôi khoe rằng cậu ấy vừa phát hiện ra một trang web cực kỳ thú vị và ra sức thuyết phục tôi truy cập. Tôi lập tức vào mạng tìm trang web đó ngay. Tôi đọc vài lời giới thiệu đầy vẻ hài hước trên trang chủ và tìm đến trang kế tiếp nơi tôi thấy một bảng xếp hạng lạ lùng, bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi nhất.i không hiểu người ta xếp hạng kiểu gì mà một người đàn bà chờ chồng mất tích 28 năm lại được xếp thứ nhất trong khi có những người phải chờ đợi cái điều họ chờ đợi tới 30, thậm chí 40 năm lại xếp tận thứ năm mươi, sáu mươi.

    Tôi không thể luận ra tại sao một ông già 73 tuổi chờ đợi đứa con trai duy nhất bị kết án tù chung thân từ khi ông ta 55 tuổi lại nằm trong số những người bị xếp ở cuối bảng xếp hạng, càng không thể lý giải nổi tại sao một anh chàng đồng tính chờ đợi cuộc phẫu thuật liên quan đến thay đổi giới tính trong 12 năm lại được xếp ở vị trí thứ 18 trong số 94 người chờ đợi. Tôi càng không hiểu tại sao người ta cố tình in đậm con số năm chờ đợi sau mỗi cái tên.

    Những con số biểu thị thời gian chờ đợi đập vào mắt tôi khiến tôi đâm cáu. Tôi không biết kẻ dở hơi nào lại lập ra một trang web kỳ cục như thế để làm gì. Để người ta cười nhạo sự bất lực, sự chờ đợi ngu ngốc, hay để những người chờ đợi ganh đua nhau tiếp tục chờ đợi những điều không biết bao giờ sẽ đến?
    Với tư cách là một người đang phải chờ đợi và có nhiều khả năng trở thành một người chờ đợi có thâm niên, tôi gửi thư yêu cầu chủ trang web đóng trang web ngay lập tức để tách những người chờ đợi ra khỏi nhau, và không tiếp tục lôi kéo người khác vào những cuộc chờ đợi đằng đẵng. Tôi phân tích, tôi lập luận, tôi khẳng định và tôi cảnh báo. Tôi nhận được hồi âm ngay. Chủ trang web không dùng tên thật viết cho tôi như sau: “Trong bức thư của bạn chúng tôi đếm được 17 từ “chờ đợi” và chỉ có sáu cụm từ “không chờ đợi” và “đừng chờ đợi”. Thay vì tẩy chay và đòi xóa bỏ trang web này, bạn hãy đến với chúng tôi, bởi vì đơn giản bạn vẫn đang tiếp tục chờ đợi”.

    Không thể nào chối bỏ được sự thật đó, tôi trút hết bực tức sang Lâm Anh. Tôi bảo rằng Lâm Anh đã tìm nhầm thuốc cho tôi. Tôi chê cậu ấy thiếu nhạy cảm. Lâm Anh phản ứng rất điềm tĩnh, lại còn khuyên tôi nên đăng ký làm thành viên của trang web. Lâm Anh bảo rằng nếu tôi làm việc đó rồi mà vẫn bực thì cậu ấy sẽ thừa nhận mình là một người thiếu nhạy cảm.

    Tôi ấm ức đăng ký luôn chỉ để mau chóng được kể tội Lâm Anh. Sau khi đăng ký tôi được cung cấp một danh sách gồm nickname của tất cả những người chờ đợi giỏi nhất. Tất cả những nickname ấy đều bắt đầu bằng hai từ “Chờ đợi”: “Chờ đợi 15” “Chờ đợi 785”, “Chờ đợi 367”... Tôi ngán ngẩm nhìn những chữ chờ đợi được nhân bản thành một chuỗi dài. Mới nhìn qua tôi đã thấy ghét chúng.

    Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau khi trở thành thành viên của trang web ấy tôi bị một người chờ đợi có mã số là 32 quấy rầy. Người ấy hỏi tôi: “Bạn chờ đợi điều gì?”. Tôi tỏ vẻ khó chịu bằng cách gửi đi chính câu hỏi ấy. Chờ đợi 32 trả lời: “Chờ được tha thứ”. “Có khi nào bạn nghĩ sự chờ đợi của mình là vô ích không?”. “Khi nào nghĩ như vậy tôi sẽ cho bạn biết”. Tôi hỏi tiếp: “Bạn không có cách nào khác ngoài chờ đợi sao?”. “Trước đây có, bây giờ thì không”. “Tại sao?”. “Vì người sẽ tha thứ cho tôi không còn nữa”. “Đồ hâm”. Tôi nhấn lệnh gửi rồi bấm nút thoát.

    Lần lên mạng sau tôi đang tìm Lâm Anh thì lại bị Chờ đợi 32 mời mọc. Lời đầu của Chờ đợi 32 có vẻ rất thiện ý. “Tôi không giận bạn đâu. Đã có cả trăm người gọi tôi là đồ hâm rồi”. Tôi không bắt chuyện. Vài phút sau tôi nhận được dòng thứ hai: “Mỗi lần tôi đưa một người điên về nhà, số người bảo tôi hâm lại tăng lên”. Tôi chẳng hiểu Chờ đợi 32 muốn nói gì. Tôi hỏi: “Có ai lại đi đưa người điên về nhà cơ chứ?”. Chờ đợi 32 trả lời: “Có tôi”. Vẫn nghĩ Chờ đợi 32 trêu mình, tôi mỉa mai: “Bạn chịu đựng được mấy người điên một lúc?”. “Nhiều nhất là 9 người”. “Tôi không tin!”. Lại chính là tôi chấm dứt cuộc trò chuyện.

    Tôi quay sang tìm một Chờ đợi khác, một Chờ đợi có mã số là 937. Tôi chủ động hỏi 937: “Bạn là nam hay nữ?”. “Nam”. “Bạn chờ đợi điều gì?”. “Đứng bằng hai chân”. “Bạn ngồi xe lăn?”. “Tôi nằm nghiêng”. “Bao nhiêu năm?”. “38 năm”. “Bạn làm gì trong lúc đợi?”. “Tôi làm việc”. “Làm việc ư? Bằng cách nào?”. “Bằng ba ngón tay.” “Bạn làm việc gì bằng ba ngón tay?”. “Tôi viết báo.” “Bao lâu bạn viết được một bài báo?”. “25 bài/tháng. Xin lỗi, tôi có điện thoại”.

    Tôi không ngồi chờ 937 liên lạc lại mà “bơi” đi tìm Lâm Anh. Tôi hỏi Lâm Anh rằng trước khi quảng cáo cái trang web kia với tôi cậu ấy có biết trên đó có những người điên, những người hâm và những người giỏi bốc khoác hay không. Lâm Anh như thể đã chuẩn bị tinh thần cho kiểu phản ứng nóng nảy ấy của tôi liền gửi cho tôi một bài báo viết về một người dùng nhà của mình làm nơi tạm trú cho những người điên anh ta tìm thấy trên đường phố và địa chỉ của một loạt trang báo điện tử mà tôi có thể truy cập để đọc những bài báo do một người chỉ cử động được ba ngón tay viết.

    Sau khi đọc tất cả những gì cần đọc, tôi ngồi ngây ra.

    Chắc là Chờ đợi 32 và Chờ đợi 937 đã đem nickname của tôi rắc ra khắp thế giới ảo như người ta gieo hạt vào tiết xuân, thế nên những ngày sau đó hễ cứ vào mạng là tôi lại gặp một người chờ đợi. Một người chờ đợi kể với tôi rằng nó đã từng là một đứa trẻ nhí nhảnh và vui vẻ cho đến cái ngày nó phải đứng mãi dưới một mái hiên để chờ mẹ nó đi mua ô che nắng. Và rồi mẹ nó không bao giờ quay trở lại nữa, thế là nó trở thành một người chờ đợi trường kỳ, nó chờ đợi suốt mười ba năm. Tôi cứ nghĩ rằng trong lúc chờ đợi nó đã nuôi niềm nghi kỵ đối với tất cả những ai ca ngợi tình mẫu tử.

    Tôi cứ nghĩ tâm hồn nó phải gai góc, phải lạnh lùng lắm, thế mà nó lại là một nhà thơ. Những bài thơ đoạt giải cao trong các cuộc thi thơ của nó đều là những bài về mẹ: mẹ yêu thương, mẹ dịu hiền, mẹ hi sinh hết thảy cho con, mẹ nâng bước con trên đường đời. Nó đáng làm người đấy, tôi phục nó bởi vì tôi biết khi đời thờ ơ với tôi, tôi lạnh nhạt với đời gấp đôi.

    Chờ đợi 133 là người chờ đợi thứ 27 tôi quen trên Internet. Chị ấy có hoàn cảnh giống hệt tôi, cũng mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển như tôi. Chị ấy hỏi tôi câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho những người chờ đợi khác: “Bạn làm gì trong lúc đợi?”. Hiểu biết về 26 người chờ đợi trước mách bảo tôi rằng chị ấy hỏi như vậy không phải để tìm lời khuyên. Tôi trả lời thành thật:

    - Tôi ăn, tôi ngủ, tôi đọc sách và lên mạng.

    - Bạn đọc sách và lên mạng với mục đích gì?

    - Để giết thời gian thôi.

    - Tôi có một cuốn hay lắm. Tôi gửi qua mạng cho bạn đọc nhé.

    - Tôi đồng ý.

    Chờ đợi 133 gửi sách cho tôi qua email. Phải mất gần hai tiếng chị ấy mới đính hết cuốn sách điện tử vào email. Nghĩ đến cái công ấy tôi ngồi đọc. Thế rồi câu chuyện về tuổi thơ khốn cùng của một đứa trẻ người Ai Len thuộc một gia đình theo Công giáo được viết bằng giọng văn phóng khoáng, dí dỏm và vô cùng cảm động đã cuốn hút tôi đến không ngờ. Tôi đọc trong hai tuần hết cả cuốn sách và vẫn khát đọc đến nỗi vừa đọc xong trang cuối tôi liền liên lạc với Chờ đợi 133 hỏi xem chị ấy có phần hai của cuốn sách hay không.
    Chờ đợi 133 trả lời: “Sau khi dịch xong cuốn này tôi đã tìm phần hai của nó nhưng có lẽ tác giả chưa cho xuất bản”. Chờ đợi 133 là một dịch giả! Chao ôi! Tôi rên lên như một kẻ vừa bị đo ván trên sàn đấu quyền anh.

    Tôi viết cho Chờ đợi 133: “Làm thế nào chị có thể quên đi cảm giác lẻ loi, quên đi những cơn đau, quên đi cái ý nghĩ rằng căn bệnh đang gặm nhấm mình từng giây, từng phút? Làm thế nào chị có thể quên đi tất cả để ngồi dịch từng trang sách?”. Chờ đợi 133 trả lời: “937 có thể làm việc khi chỉ cử động được ba ngón tay. Tôi còn cử động được cả mười ngón. Và tất cả chúng ta đều còn cái đầu nguyên vẹn, nếu không chẳng ai có thể chờ đợi cho đến ngày nay”.

    Tôi tiết lộ với chị ấy: “Tôi cũng biết tiếng Anh. Cha tôi dạy tôi từ khi còn bé”. “Vậy là bạn may mắn hơn tôi nhiều. Tôi chẳng có một người thầy nào ngoài những cuốn sách”. “Lâu rồi tôi không nghĩ đến tiếng Anh nữa. Thực lòng tôi không chắc mình còn cần đến nó không”. “Một ngôn ngữ là một kho báu. Bạn là người giàu có đấy”. Chờ đợi 133 quả quyết.

    3. Một buổi trưa cha tôi đi họp đồng môn về say khướt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cha tôi đi họp đồng môn, cũng là lần đầu tiên tôi thấy cha tôi say. Những người đưa cha tôi về nói rằng cha tôi bắt đầu say sau khi uống cạn chén rượu thứ tư. Họ nói cha tôi say lành lắm, chỉ khóc thôi. Họ dỗ cha tôi như dỗ một đứa trẻ, không dỗ được họ đành phải đưa cha tôi về.

    Có lẽ cha tôi bị ép uống rượu, cũng có thể cha tôi chủ động uống quá chén.

    Buổi trưa ngột ngạt và buồn thắt ruột ở nhà tôi trở nên thảm hại khi con gái của bà hàng xóm dắt thằng con nhếch nhác của chị ta sang góp buồn. Chị ta kéo thằng bé ngồi bệt xuống sàn, tồng tộc kể lại 26 năm khai hoang trên vùng cao của mình. Chị ta nói ra rả như một con ve kêu không biết mệt. Tôi không có tâm trạng để nắm bắt tất cả những thăng trầm của chị ta nhưng rốt cuộc tôi cũng buộc phải biết chồng chị ta chết khi chị ta còn đang mang thai thằng con, nhà chị ta bị lũ cuốn hai lần, chị ta trở về quê gây dựng lại cuộc sống với vẻn vẹn 400.000 đồng.

    Chị ta nói với mẹ tôi: “Cháu nhờ bà nói khó với ông hộ cháu. Chỉ có ông mới giúp được thằng cu nhà cháu. Nó ở trên rừng, đến tiếng Việt còn học buổi được buổi mất nói gì đến tiếng Anh”.

    Cha đúng là cái thân khổ. Cha dạy tiếng Anh cho tất cả bảy lớp của trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện, cho tất cả những ai lỡ hụt chương trình tiếng Anh phổ thông và tất cả những ai phải học tiếng Anh cấp tốc biết đến cha. Cha dạy suốt, những lúc không dạy cha im lặng vì hết hơi. Gần sáu mươi tuổi cha mới say một lần, vậy mà người ta còn định làm phiền cha.

    Tôi gọi với ra nhà ngoài:

    - Nhóc con, vào đây.

    Tôi vốn chỉ buột miệng gọi thế để ngăn không cho người đàn bà vừa ở rừng về đánh thức cha tôi khỏi cơn say và nhử cha làm theo tiếng gọi của lương tâm. Tôi chỉ nói có vậy thôi mà mẹ tôi sáng ý làm sao lại thủ thỉ với người đàn bà kia rằng tôi thạo tiếng Anh lắm, và rằng tôi có thể giúp.

    Việc được thu xếp chóng vánh như thể có bàn tay của Thượng đế.

    Mẹ tôi vội vã đi lấy ghế cho thằng bé ngồi. Lấy được một chiếc bê vào phòng rồi, mẹ tôi lại hối hả chạy ra bê một chiếc khác vừa tầm với thằng bé hơn. Chuẩn bị cho chúng tôi xong xuôi mẹ tôi rút ra ngoài. Tôi nghĩ mẹ tôi không thể làm gì được trong cái buổi chiều ấy khi hai cha con tôi mỗi người một sự lạ làm xáo động lòng mẹ.

    Tôi bảo thằng bé mở sách ra. Thằng bé vừa mở sách vừa nhìn xuống đôi chân teo tóp của tôi trên xe đẩy. Tôi hỏi nó bằng giọng se sắt: “Nhóc, muốn ở quê hay lên rừng?”. Nó đáp vẻ sợ sệt: “Cháu thích ở quê”. Tôi xiết giọng thêm nữa: “Muốn ở quê thì ngẩng lên nhìn vào sách, nếu không ngày mai lên rừng luôn”. Tôi dọa thế có tác dụng ngay. Thằng bé không nhìn chân tôi nữa. Tôi bắt đầu dạy nó chào bằng tiếng Anh. Tôi dạy nó hỏi tên người khác, dạy nó nói và viết câu giới thiệu tên bằng tiếng Anh. Nó vướng chỗ nào tôi lại lấy rừng ra dọa.

    Dạy chừng một tiếng tôi cho nó giải lao. Tôi vừa nói đến từ “giải lao” là nó lập tức đứng dậy. Không phải vì chịu đựng tôi và cái thứ tiếng Anh khó học là một cực hình đối với nó nên nó đứng dậy theo cách đó. Nó đứng dậy để dẹp chiếc ghế của nó lại lấy chỗ cho tôi di chuyển xe lăn. Sự gấp gáp trong động tác của nó in vào não tôi.

    Tôi đợi cha tôi tỉnh dậy tiếp nhận công việc dạy kèm thằng bé nhưng cha tôi nằm miết cho đến tối. Hôm sau khi tôi đề cập đến chuyện đó, cha tôi thản nhiên nói: “Con nhận thì đi mà dạy”. Tôi cho rằng cha tôi thách thức tôi và thế là tôi biến cơn tự ái thành sức mạnh giúp thằng bé đánh vật với tiếng Anh suốt những buổi chiều nóng nực. Trong khi tật nói ngọng của nó làm tôi bị ức chế, những cử chỉ nho nhỏ rất người của nó lại xoa dịu tôi.

    Dần dần tôi không lấy rừng ra dọa nó nữa. Tôi cho nó nhiều cơ hội tự sửa sai và kiên nhẫn đợi nó vượt qua từng khó khăn. Dạy nó được bảy buổi tôi phát hiện ra nó sắp viết hết giấy của tập vở đầu tiên. Tôi cau mày bảo nó: “Bỏ trang hả?”. Nó có vẻ sợ sệt như thể sắp phải nghe đến chuyện lên rừng. Tôi bắt nó lật qua lật lại từng trang vở để tôi kiểm tra. Nó không bỏ một trang nào hết. Sở dĩ vở viết của nó mau hết là vì tất cả những từ, những câu tôi bắt nó ghi trong một buổi học đều được nó về nhà viết lại mười lần. Tôi kinh ngạc nhìn nó như nhìn một người anh hùng.

    Tôi nói với cha tôi: “Con đố cha tìm được đứa nào trong đám học trò của cha tự giác như thằng Sơn”. Cha tôi bảo nếu cha tôi tìm được đứa nào như thế thì tôi phải nhận dạy tiếng Anh cho đứa ấy. “Cha cứ tìm đi” - tôi thách thức.

    Hiệu trưởng trường tiểu học của thị trấn nói rằng đích thân ông ấy sẽ dự một tiết học tiếng Anh của thằng bé Sơn ở trường và nếu nó thể hiện rằng nó có khả năng theo được các bạn thì ông ấy sẽ đồng ý nhận nó vào học. Sau 2 tháng 18 ngày dạy nó tôi hồi hộp chờ đợi buổi sát hạch này. Hôm ấy nó ở trường ba tiếng mà tôi cảm thấy mình như thể phải đợi cả ba năm. Tôi không nghĩ được gì cả, chỉ bồn chồn đợi tiếng trống tan trường. Tôi tin rằng thằng bé Sơn đã chạy một mạch từ trường về chỉ để đu người lên cửa sổ phòng tôi báo cái tin nó không phải lên rừng nữa. “Cháu không phải lên rừng, không phải lên”. Thế là đủ cho tôi, cho nó và cho cả người mẹ kém may mắn của nó nữa.

    4. Chuyện tôi giúp thằng Sơn hoàn thành chương trình học tiếng Anh hai năm trong vòng chưa đầy ba tháng được truyền miệng khắp trường tiểu học. Một số phụ huynh đến gặp tôi đề nghị dựng lớp để tôi dạy cho con họ. Tôi chưa sẵn sàng coi việc dạy tiếng Anh là một công việc thật sự cho đến cái hôm cha tôi dẫn về nhà năm đứa học sinh lớn ngỗng nghềnh. Cha tôi chỉ vào tôi và nói: “Con gái thầy sẽ giúp các em tống cổ nỗi sợ tiếng Anh”.

    Tôi kêu lên: “Cha, cha buồn cười thật...”. Cha tôi thản nhiên nói: “Tất cả đều tự giác không kém gì thằng cu Sơn. Cha bắt các cậu ấy chép phạt có hai trang mà mỗi cậu nộp cho cha những năm trang đấy”. Tôi cố nhìn qua vai những đứa học trò chỉ để thấy cái đầu bạc của cha tôi lắc lắc ra điều không muốn thương lượng gì cả. Tôi quay sang hỏi những đứa học trò của cha:

    - Mỗi trang bao nhiêu từ?

    - Hơn 300 từ ạ.

    - Hơn 300 từ! - tôi thốt lên kinh ngạc.

    Tôi đem chút kinh nghiệm xóa mù tiếng Anh cho một đứa trẻ miền núi áp dụng vào công việc tống cổ nỗi sợ tiếng Anh cho những học sinh trung học chỉ còn chưa đầy một năm nữa đã phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp. Khi cả năm đứa học trò của cha con tôi đều thi đỗ, tôi mừng quá liền báo tin cho tất cả những người bạn chờ đợi của tôi. Họ chia vui với tôi và thi nhau thuyết phục tôi đăng ký tên vào bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi.

    Họ nói rằng đã đến lúc tôi nên làm gì đó cho những người đã và sẽ đăng ký làm thành viên của trang web. Tôi có thể chối trước bất cứ lý lẽ nào, trừ lý lẽ đó. Những người bạn chờ đợi của tôi nói trước khi tên tôi xuất hiện trong bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi, đích thân chủ trang web sẽ gửi email chúc mừng tôi. Tôi chờ đợi cái email đến. Và một buổi trưa tôi mở nó ra đọc từ hộp thư điện tử của mình.

    “Chào mừng bạn có mặt trong bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi. Tôi, chủ trang web, xin thông báo rằng bạn được xếp thứ 62. Vị trí đó không hề khiêm tốn. Không phải số năm chờ đợi làm nên một người chờ đợi giỏi, sống như thế nào trong lúc chờ đợi mới là điều cốt yếu. Khi bạn bắt đầu cuộc chờ đợi của mình từ ngày 5 tháng 4 năm 1994 bạn đã khóc rất nhiều, bạn nói rằng nếu số phận bắt bạn phải ở mãi trong bốn bức tường thì bạn mong được làm người mất trí để không phải nghĩ ngợi gì cả. Qua ngày chờ đợi thứ 600 bạn không tự đi được nữa.

    Bạn đã ném chiếc đài cá nhân vào cửa kính khi lần đầu tiên nhìn thấy bố bạn mang một chiếc xe lăn về nhà. Vào ngày cuộc chờ đợi của bạn đạt đến mốc mười năm, bạn viết cho người bạn thân nhất của mình một bức thư có hai chữ “TV”. Người bạn ấy không bao giờ nhắc đến bức thư đó và cũng chưa bao giờ hỏi bạn về nó nhưng anh ta tin rằng hai chữ cái kia là viết tắt của hai chữ “Tuyệt vọng”. Người bạn ấy đã làm tất cả những gì có thể để ngăn không cho sự tuyệt vọng can dự vào cuộc chờ đợi của bạn, nhưng chỉ bản thân bạn mới có thể làm cho sự tuyệt vọng tránh xa bạn mãi mãi...”.

    Tôi bật khóc. Tôi biết chủ trang web chính là Lâm Anh, người bạn đã chờ đợi cùng tôi suốt chừng ấy năm.

    HẾT
     
    hãy làm khác and romrom like this.
  6. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    Hay quá ss ơi, em đọc mãi không chán luôn. còn truyện nào ss post tiếp nhé ss yêu.
    Em chỉ có một thắc mắc, không biết trang web đó có thật không? Hay là sản phẩm của Lâm Anh và tất cả những "Người chờ đợi" đều là bạn thân của nữ chính? Anh đọc về họ trên Internet và xây dựng tất cả để "giúp bạn mình làm tất cả những gì có thể để ngăn không cho sự tuyệt vọng can dự vào cuộc chờ đợi của bạn, nhưng chỉ bản thân bạn mới có thể làm cho sự tuyệt vọng tránh xa bạn mãi mãi." như những lời cuối truyện?

    Dù sao thì cũng thật là thích hihi
     
  7. Song Ngư

    Song Ngư Sinh viên năm I

    ÁI TÌNH THEO KHẨU PHẦN (Nguyên tác: Cupid à la carte) O' HENRY

    ÁI TÌNH THEO KHẨU PHẦN

    (Nguyên tác: Cupid à la carte)
    O' HENRY
    Nguyễn Việt Long dịch

    View attachment 11242

    X
    u hướng của đàn bà, - Jeff Peters nói, sau khi đã có một vài ý kiến bàn về vấn đề này, - thường hướng về phía mâu thuẫn. Đàn bà muốn cái mà các cậu không có. Cái gì càng có ít, đàn bà càng muốn nhiều. Họ thích lưu trữ các loại xuvơnia về những sự kiện thực ra chẳng có trong đời họ. Cái nhìn một phía đối với sự vật không đội trời chung với bản tính đàn bà.


    Tớ có một điểm dở bẩm sinh và được những chuyến du lịch phát triển lên, - Jeff nói tiếp, mặt đăm chiêu nhìn cái bếp lò nằm lọt giữa đôi chân ghếch cao. - Tớ nhìn một số sự vật sâu hơn đa số mọi người. Tớ đã hít no hơi xăng, đã diễn thuyết trước đám đông hầu như tại tất cả các thành phố của Hoa Kỳ. Tớ mê hoặc người đời bằng âm nhạc, tài hùng biện, sự khéo léo của đôi tay và những thủ thuật ranh mãnh, đồng thời bán cho họ hàng kim hoàn thuốc men, xà phòng, thuốc mọc tóc và đủ thứ tạp nham khác. Trong lúc đi chu du, phần để giải trí, phần để chuộc tội, tớ đã nghiên cứu đàn bà. Muốn hiểu được một ả đàn bà, con người ta cần cả một đời, nhưng những mầm mồng kiến thức về nữ giới có thể đạt được, nếu ta dành cho nó mười năm nghiên cứu cần cù, kĩ lưỡng. Trong lĩnh vực này, tớ đã biết được rất nhiều điều bổ ích khi rao bán ở miền tây kim cương Brazil và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh, - đó là sau chuyến đi Savannah của tớ qua vành đai bông. Dạo ấy là thời kì phát đạt đầu tiên của bang Oklahoma. Thị xã Guthrie mọc lên ở giữa bang này, vùn vụt như thổi. Đó là một thị xã điển hình ra đời trong cao trào bùng nổ kinh tế: muốn tắm rửa phải xếp hàng, nếu bạn ngồi ăn trong tiệm lâu quá chục phút thì phải trả thêm tiền chỗ ngồi; còn nếu ngủ đất trong khách sạn, sáng ra xin cứ việc chi tiền như nghỉ biệt thự.

    Về quan điểm lẫn tư chất thì ở đâu tớ cũng thích tìm những chỗ đánh chén ngon lành nhất. Tớ tìm được một nơi hết sức vừa ý. Đó là một tiệm ăn căng bạt của một gia đình vừa mới mở. Gia đình ấy đến thị xã này theo vết chân sự bùng nổ kinh tế. Họ đã dựng gấp một ngôi nhà nhỏ vừa để ở vừa để nấu nướng và chăng thêm lều bạt áp vào ngôi nhà làm tiệm ăn. Lều này chăng đầy những tờ quảng cáo nhằm giành giật từ vòng tay tội lỗi của các biệt thự và khách sạn kẻ lữ hành mệt mỏi. “Hãy nếm bánh quy nhà chúng tôi”, “Bánh rán nóng với xirô phong, những món bạn vẫn ăn từ thuở bé”, “Gà rán của chúng tôi lúc sống chưa đến tuổi cục tác” đấy là những dòng chữ có nhiệm vụ kích thích sự tiêu hoá của khách ăn. Tớ mới bụng bảo dạ rằng cái thân xác tớ cần tọng một chút gì đó chiều nay tại chính tiệm ăn này. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Chính tại đây tớ đã làm quen được với Mame Dugan.

    Ông già Dugan - kiểu dân ăn không ngồi ở xứ Indiana, cao tới sáu bộ - nằm trên ghế xích đu hồi tưởng lại vụ thất bát năm một tám linh sáu. Bà lão Dugan nấu bếp, còn Mame thì phục vụ khách.

    Chỉ vừa trông thấy Mame, tớ đã hiểu ngay là cuộc thổng kê dân số đã phạm một sự nhầm lẫn. Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đúng ra chỉ có một cô gái mà thôi! Mô tả nàng chi tiết thật là khó. Vóc nàng xấp xỉ một thiên thần, nàng có đôi mắt, lại còn điệu bộ nữa chứ. Nếu các cậu muốn biết nàng là người như thế nào, thì có thể tìm thấy cả một chuỗi xích, trải dài từ cầu Brooklyn về phía tây đến tận trụ sở toà án ở Council Bluffs, bang Indiana. Những người như nàng kiếm sống bằng cách làm việc ở các cửa hàng tiệm ăn, trong các nhà máy và văn phòng. Họ có gốc gác theo đường thẳng từ bà Eva, chả là họ đã giành được quyền làm đàn bà, còn nếu như các cậu dám đặt dấu hỏi về cái quyền ấy thì có khả năng ăn một cái tát ra trò. Họ là những người bạn tốt, họ trung thực và tự do, dịu dàng và táo tợn, và họ biết nhìn thẳng vào cuộc đời. Họ gặp gỡ mặt đối mặt với đàn ông và đã đi đến kết luận rằng đàn ông là giống sinh vật thảm hại. Họ đã đinh ninh rằng sự mô tả của đàn ông trong các tiểu thuyết đọc trên tàu hỏa tựa như chàng hoàng tử trong cổ tích, chẳng hề được thực tế xác nhận.

    Đấy, Mame cũng là một cô gái như vậy. Toàn bộ con người nàng toát lên sức sống, sự vui vẻ và tính linh lợi, với khách thì mau mồm mau miệng: thật chết cười mỗi lần nghe nàng đáp. Tớ không ưa khai quật tận lòng sâu các cảm xúc cá nhân. Tớ vẫn theo cái thuyết cho rằng những mâu thuẫn và những mối tơ vò của cái bệnh có tên gọi là bệnh tương tư là những thứ cũng riêng tư giống như cái bàn chải đánh răng. Theo tớ, các bản tiểu sử những trái tim chỉ nên tìm vị trí cho mình bên cạnh các tiểu thuyết lịch sử về đời sống buồng gan trên các tạp chí dành cho việc rao tin. Vì thế xin các cậu thứ lỗi, nếu tớ không liệt kê ra đây danh sách đầy đủ của những tình cảm của tớ đối với Mame.

    Chẳng bao lâu tớ đã nhiễm thói quen thường xuyên có mặt ở quán vào những lúc ít người. Mame tiến lại phía tớ, trong bộ áo dài đen và tạp dề trắng, miệng mỉm cười và nói: “Chào anh Jeff, sao anh không đến đúng giờ đã định? Anh cố ý muộn để mọi người phải lo lắng hay sao? Gà rán - bít-tết - thịt lợn - dầu - trứng tráng - với - giăm-bông - … Nàng gọi tớ là Jeff, nhưng điều ấy tuyệt nhiên không có nghĩa gì cả. Chẳng qua nàng cũng phải phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Gọi thế thì vừa nhanh, vừa tiện. Tớ thường ăn hai bữa trưa và cố kéo dài chúng như ăn tiệc trong xã hội thượng lưu, nơi người ta đổi đĩa, đổi vợ và trao qua đổi lại những câu đùa giữa các lần nuốt. Mame chịu đựng tất. Có lẽ nào nàng lại làm ầm ĩ lên và bỏ mất một đôla chỉ vì người ăn không đến theo thời gian biểu đã định.

    Ít lâu sau lại thêm một cậu chàng nữa tên là Ed Collier nảy ra cái thói tọng đồ ăn vào giờ trái khoáy. Vì có tớ và cậu ta mà giữa bữa ăn sáng với bữa ăn trưa và bữa ăn trưa với bữa ăn chiều đã bắc những cây cầu nối thường xuyên. Quán ăn biến thành rạp xiếc với ba vũ đài, thành thử Mame hoàn toàn không còn thời gian nghỉ ở hậu trường nữa. Thằng cha Collier đầy những thủ đoạn ma lanh. Hắn làm việc đâu như ở đội khoan giếng hoặc bảo hiểm, có quỷ mới biết được - tớ cũng chả nhớ ở đội nào. Hắn cũng khá về khoa ăn nói và dễ gây được thiện cảm. Tớ với hắn đã tạo ra trong quán một bầu không khí tình tự và thi đua. Mame giữ mình trên tầm cao vô tư và phân phối đều sự lịch thiệp đối với cả hai người chúng tớ, giống như chia bài ở câu lạc bộ ấy: một quân bài cho tớ, một quân bài cho Collier, và một quân bài đặt cái. Trong ống tay áo không còn một quân bài nào cả.

    Tất nhiên tớ với Collier đã làm quen với nhau và thỉnh thoảng còn thù tạc với nhau trong bốn bức tường của lều quán. Không kể những trò khôn ranh, cậu ta gây được ấn tượng tốt và sự đối địch của cậu ta cũng rất ngộ.
    - Tao thấy mày thích ngồi lì trong phòng tiệc sau khi khách đã tản về hết đấy nhé. - Có một lần tớ nói với Collier để xem hắn đối đáp như thế nào.
    - Ừ, - Collier nói, vẻ tư lự. - Sự ồn ào cảnh chen vai thích cánh làm thần kinh nhạy cảm của tao khó chịu.
    - Thần kinh tao cũng thế, - tớ nói - À, cô bé cũng kháu đấy chứ nhỉ?
    - À, thì ra thế, - Collier bật cười. - Nếu mày đã nhắc đến điều đó, thì tao xin báo để mày rõ là cô bé gây được ấn tượng không phải là khó chịu đối với thần kinh thị giác của tao.
    - Cô ấy làm tao thích mắt lắm, - tớ nói. - Tao đang tán nó đây. Nói để mày biết. - Tao sẽ rất trung thực, - Collier nói. - Nếu như ở các hiệu thuốc có bán đủ dịch vị, tao sẽ cho mày một chầu cho mày tha hồ bị bội thực để đạt được cái đích mới thôi.

    Thế là bắt đầu cuộc đua nước rút của chúng tớ. Quán ăn cung ứng liên tục. Mame phục vụ chúng tớ, vui vẻ, dễ thương và lịch sự. Thần ái tình và người nấu bếp ở quán Dugan làm việc cật lực.

    Một ngày tháng chín tớ đã rủ Mame đi chơi với tớ sau bữa ăn tối, khi cô ấy dọn dẹp xong. Chúng tớ đi dạo một tí rồi ngồi lên những khúc gỗ ở khu vực cuối thành phố. Dịp may như thế chắc còn lâu mới có, nên tớ đã thổ lộ hết những gì mình muốn nói. Rằng kim cương Brazil và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh là nguồn thu nhập của tớ, đủ để đảm bảo ấm no cho cả hai, rằng cả hai thứ ấy dù sao cũng không thể cạnh tranh được với ánh mắt của một nàng, rằng họ Dugan cần phải đổi sang họ Peters, nếu không đổi thì xin giải thích lí do.

    Thoạt đầu Mame chẳng nói gì cả. Sau đó bỗng nàng rùng rùng toàn thân. Thế là tớ nghe được những điều bổ ích. Nàng nói:
    - Anh Jeff ạ, em rất tiếc là anh đã nói ra. Em cũng mến anh, em mến anh nhiều mặt, nhưng trên đời này sẽ chẳng có người đàn ông nào em lấy làm chồng đâu và sẽ chẳng bao giờ có cả. Anh có biết trong con mắt em, đàn ông là cái thứ gì không? Đó là nấm mồ, là nấm mồ để chôn bít-tết, thịt lợn kho, gan xào, trứng tráng với giăm-bông. Trong tâm khảm em đã in đậm hình ảnh của họ như thế. Em đã thử chống lại cảm giác ấy, những không tài nào chống được. Nghe nói các cô gái khen hết lời chồng chưa cưới của mình, em không hiểu nổi. Đàn ông, cái cối xay thịt và chạn đựng thức ăn đều gây ra ở em những cảm giác giống nhau. Có lần em đi xem kịch, nhìn thấy một diễn viên mà các cô gái đều chết mê chết mệt. Em ngồi xem mà nghĩ bụng, không hiểu anh ta thích loại bít-tết nào - còn tái, chín vừa hay đã rán già và loại trứng nào - còn lòng đỏ nhùng nhùng hay đã luộc nhừ, chỉ có bấy nhiêu thôi. Không, anh Jeff ạ. Em sẽ không bao giờ lấy chồng. Để mà toàn trông thấy anh ta sáng đến ngồi ăn, đến trưa lại quay về ăn, rồi cuối cùng lại vác mặt về ăn tối, chỉ ăn, ăn, ăn ấy à…

    - Nhưng mà, Mame này, - tớ bảo, - cái đó rồi sẽ qua. Tại em đã làm công việc này nhiều quá đấy thôi. Nhất định rồi em sẽ lấy chồng. Đàn ông không phải bao giờ cũng chỉ ăn.

    - Còn em thì lúc nào cũng quan sát thấy họ ăn. Không, em sẽ nói cho anh biết em sẽ làm gì. - Mame bỗng tràn đầy cảm hứng, đôi mắt nàng sáng lên. - Ở Terre Haute có một cô gái tên là Susie Foster, bạn gái em. Cô bạn ấy làm ở quán điểm tâm ngay nhà ga. Em cũng đã làm hai năm ở tiệm ăn chỗ ấy. Susie còn kinh tởm đàn ông hơn, bởi vì những người đàn ông ra ga ăn bao giờ cũng vội cuống vội cuồng. Họ vừa tán tỉnh vừa nhồm nhoàm nhai cùng một lúc. Khiếp! Em với Susie đã quyết rồi. Chúng em sẽ dành dụm tiền, khi nào đủ sẽ tậu một ngôi nhà nhỏ và năm mẫu đất. Chúng em đã để ý đến một khoảnh đất. Chúng em sẽ sống với nhau và sẽ trồng hoa viôla. Em khuyên người đàn ông nào phàm ăn tục uống đừng nên đến gần trang trại của chúng em dưới một dặm.

    - Ồ, thế chả lẽ các cô gái không bao giờ… - tớ cất tiếng. Nhưng Mame đã dứt khoát cắt ngang.

    - Không, không bao giờ. Họ chỉ nhấm nháp gọi là đôi chút thôi.

    - Anh thì cho rằng kẹo…

    - Lạy trời, anh hãy nói sang chuyện khác đi, - Mame đáp. Như tớ đã nói, kinh nghiệm này đã chứng minh cho tớ rằng bản tính đàn bà đời đời hướng tới những ảo ảnh và ảo tưởng. Hãy lấy nước Anh mà xem - bít-tết đã tạo nên nó, nước Đức thì do xúc-xích đẻ ra, còn chú Sam hùng mạnh như ngày nay là nhờ bánh rán và gà rán. Nhưng các cô thiếu nữ có tin điều ấy đâu. Họ cho rằng tất cả là do Shakespeare, Rubinstein và đội khinh kị binh của Theodore Roosevelt làm nên. Tình thế của tớ thì ai mà chẳng nản lòng. Không thể có chuyện cắt đứt Mame được. Thế nhưng cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ thói quen ăn uống xưa nay thì tớ lại buồn nẫu ruột. Tớ đã nhiễm phải cái tật ấy từ sớm quá. Hai mươi bảy tuổi đời mà tớ đã mù quáng lao đầu vào thảm hoạ và ngả theo tiếng gọi mê hoặc của con quái vật khủng khiếp là thực phẩm. Thay đổi muộn quá rồi. Tớ đã trở thành loại nhai lại hai chân hết phương cứu vãn. Có thể đánh cuộc bằng món tôm hùm với món bánh rán, cuộc đời tớ thế là đi đứt vì cái thói ấy.

    [COLOR=#000000]Tớ tiếp tục ăn ở quán Dugan, hi vọng Mame rủ lòng thương. Tớ tin vào tình yêu chân chính và nghĩ rằng nếu nó thường đã phải chống chọi lại với sự vắng mặt của một bữa ăn thịnh soạn thì biết đâu, nó sẽ biết chống chọi lại với sự có mặt của chính bữa ăn ấy. Tớ vẫn tiếp tục chịu sự điều khiển của tật xấu tai hại, nhưng mỗi lần tớ bỏ một miếng khoai tây vào mồm trước mặt Mame là tớ cảm thấy có lẽ mình đang chôn vùi những hi vọng ngọt ngào nhất của bản thân.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Collier hình như cũng ngỏ lời với Mame và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Ít ra thì có một hôm hắn chỉ gọi một tách cà phê và một mẩu bánh lương khô rồi ngồi nhấm nháp miếng bánh hệt như một tiểu thư khuê các trước đó đã nếm thịt bò xào bắp cải dưới bếp. Tớ liền bắt chước và cũng chỉ gọi cà phê và bánh lương khô. Kể cũng láu cá đấy chứ hả? Ngày hôm sau, hai đứa lại lặp lại như thế. Ông già Dugan từ bếp lên bưng cái món đài các của chúng tớ.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Các cậu mắc chứng ăn không ngon hả? - Bác ấy hỏi với giọng của người cha, tuy không phải không có sự châm biếm. - Tôi đã đổi con Mame xuống bếp rồi, cho nó nghỉ ít lâu. Phục vụ bàn này cũng không vất vả, không ảnh hưởng lắm đến bệnh thấp khớp của tôi.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ với Collier đành phải quay trở lại với những thứ thực phẩm nặng dạ dày. Lúc ấy tớ bỗng phát hiện ra mình ăn ngon miệng kinh khủng, đúng là “ngồi ăn núi lở”. Tớ ăn đến nỗi nếu có bước qua ngưỡng cửa vào gặp Mame lúc ấy thì nàng sẽ căm ghét tớ lắm. Sau đó tớ phát hiện ra mình đã trở thành nạn nhân của một mánh khoé đầy báng bổ và đê tiện mà Ed Collier đã rắp ranh bẫy tớ. Tớ với hắn ngày nào cũng đi uống lai rai trong thành phố để làm dịu bớt cơn đói. Cái thằng xỏ lá ấy đã mua chuộc gần chục gã phục vụ, thế là những gã này đã rót vào từng cốc rượu whisky của tớ một lượng đáng kể thứ chất cay làm từ táo kích thích sự ngon miệng do hãng Anaconda sản xuất. Nhưng còn trò bịp cuối cùng mà hắn định chơi tớ, còn khó quên hơn nhiều. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Một hôm không thấy Collier ló mặt đến quán nữa. Một người quen chung có nói rằng buổi sáng hắn đã rời bỏ thành phố. Như vậy là kẻ thù duy nhất của tớ chỉ là tấm bảng món ăn. Vài ngày trước khi đi biệt tăm, Collier đã tặng tớ hai chai whisky hảo hạng, tuồng như là của người anh họ ở Kentucky gửi cho hắn. Bây giờ tớ có cơ sở để nghĩ rằng thứ whisky ấy hầu như chứa toàn món chất cay Anaconda là từ táo kích thích sự ngon miệng. Tớ vẫn tiếp tục ngốn hàng tấn thực phẩm. Trong con mắt Mame, hơn bao giờ hết, tớ vẫn là loài hai chân chuyên nhai lại.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Khoảng một tuần sau khi Collier mất hút, có một đoàn triển lãm trưng bày của lạ đến thành phố và ở trong một lều bạt gần đường sắt. Một buổi chiều tớ ghé vào chỗ Mame, thì bà mẹ nàng bảo với tớ rằng Mame cùng đứa em trai là Thomas đã đi xem triển lãm rồi. Việc này lặp đi lặp lại tuần ba lần. Chiều thứ bảy tớ lại bắt gặp Mame đi xem triển lãm về. Tớ bèn rủ nàng ngồi lại một lát. Nàng đã thay đổi hẳn. Đôi mắt dịu dàng hơn và long lanh sáng. Thay vì một Mame Dugan chỉ chực trốn chạy khỏi tính tham ăn của giới đàn ông, đi chăm sóc hoa viôla, trước mặt tớ là một Mame đáp ứng được với dự liệu của Chúa trời và cực kì thích hợp với việc sưởi lòng trong ánh kim cương Brazil và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Chắc là em đang bị lôi cuốn rất nhiều vì cái triển lãm chưa từng có về các sinh vật kì diệu và lạ mắt? - Tớ hỏi.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Dù sao cũng giải trí được ạ. - Mame đáp.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Rồi em sẽ phải đi tìm sự giải trí để thoát khỏi sự giải trí ấy, nếu ngày nào em cũng đi xem.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Đừng nổi nóng lên thế, anh Jeff! Chẳng qua em chỉ muốn bứt khỏi những ý nghĩ về bếp núc. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Những sinh vật kì diệu ấy không ăn à?[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Không phải tất cả. Một số bằng sáp. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Đừng có dính vào đấy là được. - Tớ nói nặng tuy không có ẩn ý gì, chẳng qua quen mồm mà thôi.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Mame đỏ mặt. Tớ chẳng hiểu ra làm sao nữa. Trong lòng tớ bừng lên một hi vọng là bằng sự chung thủy của mình tớ sẽ làm nhẹ bớt tội ác khủng khiếp của cánh đàn ông là công nhiên nhồi nhét thực phẩm vào cơ thể. Mame loáng thoáng nói đến các vì sao, trong những ngôn từ lịch sự nhất. Tớ cũng hứng chí tán về sự kết giao của những con tim, về tổ ấm gia đình sưởi bằng tình yêu chân chính và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh. Mame lắng nghe không nhăn mặt, thế là tớ đã bụng bảo dạ “Chú mày đã làm nhẹ được sự căm ghét trùm lên những kẻ phàm ăn tục uống rồi đấy! Chú mày đã giẫm được lên đầu con rắn ẩn trong lọ nước chấm rồi đấy!”. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Chiều thứ hai tớ lại mò đến Mame. Nàng với cậu em trai lại đi xem triển lãm các vật kì diệu mất rồi.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]“Lạy trời cho bốn mươi lăm hà bá quơ cái triển lãm ấy đi cho rồi! - Tớ rủa. – Trời đánh thánh vật đời đời cái triển lãm ấy! Amen! Ngày mai ta phải đích thân đến đấy xem có cái chết tiệt gì mà hấp dẫn thế. Chả lẽ một con người được tạo hoá sinh ra để thừa kế đất đai, lại có thể bị mất người yêu thoạt đầu vì thìa dĩa, rồi sau đó vì một cái triển lãm mà vé vào cửa chỉ có mười xu?”[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Chiều hôm sau, trước khi đi xem triển lãm, tớ tạt vào nhà Mame và được biết nàng không có nhà. Lần này nàng không đi với Thomas, vì cậu này đã đón tớ ngay trên bãi cỏ trước lều quán để gạ tớ.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Anh Jeff, anh sẽ cho em gì nào, nếu em nói chuyện này cho anh nghe?[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Cái gì đáng giá thì anh sẽ cho.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Chị Mame phải lòng kì quan ở triển lãm rồi. Em chẳng thấy thích. Nhưng chị ấy lại thích. Em đã nghe lỏm được họ nói chuyện với nhau. Em nghĩ chắc anh thích nghe. Anh Jeff này, hai đôla đối với anh có nhiều quá không? Ở trong thành phố có bán một khẩu súng, em muốn… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ lục túi và đổ vào mũ cho Thomas một đồng xu bạc. Tin Thomas báo như dao đâm vào tớ, khiến ý nghĩ của tớ chao đảo mất một lúc. Rót tiền lẻ cho Thomas, tớ mỉm cười một cách ngớ ngẩn, mà trong lòng tan nát. Tớ nói giọng nửa ngố nửa pha trò. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Cảm ơn Thomas… cảm ơn… em nói cái kì quan… ấy à? Nó có gì đặc biệt, cái của quái dị ấy, hả Thomas?[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Đây này, - Thomas vừa nói vừa lôi từ trong túi ra tờ chương trình bằng giấy vàng khè và dúi vào mũi tớ. - Anh ta là vô địch thế giới về nhịn đói. Chắc là vì thế mà chị Mame cứ bám lấy anh ta. Anh ta không ăn gì cả. Anh ta sẽ nhịn đói bốn mươi chín ngày. Hôm nay là ngày thứ sáu… Anh ta đây này.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ nhìn dòng chữ mà ngón tay Thomas chỉ vào: “Giáo sư Eduardo Collierri”.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- À! - Tớ thốt lên thán phục. - Giỏi thật, Ed Collier. Xin chịu ông cái khoản nhanh trí. Nhưng tôi không nhường cô gái cho ông đâu, hiện tại nàng chưa phải là kì quan phu nhân. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ rảo bước đến ngay triển lãm. Khi tớ tiến vào lối cửa sau thì có một người nào đó thò đầu ra như con rắn, đứng thẳng chân lên và lao thẳng đến tớ như chú ngựa muxtang. Tớ tóm ngay cổ người đó và quan sát kĩ dưới ánh sao. Đó là giáo sư Eduardo Collierri mặc quần áo của giống người, với nỗi tức giận trong một con mắt và sự sốt ruột trong con mắt kia.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Hello, kì vậy! - Tớ nói. - Đợi một chút nhé, để tao ngắm mày cái nào. Chà chà, làm kì quan của thế kỉ chúng ta, hoặc là của lạ từ đảo Borneo thích thật! Thế trong chương trình người ta tôn xưng cho mày cái tên gì?[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Jeff Peters này, - Collier nói khe khẽ. - Thả tao ra, không thì tao nện mày bây giờ. Tao đang vội chết đi được đấy. Bỏ tay ra![/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Nhẹ nhàng nào, nhẹ nhàng nào, Eddie, - tớ nói, tay vẫn giữ chặt cổ áo anh chàng.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Cho phép một người bạn cũ chiêm ngưỡng mày cho thỏa đã. Mày bày ra trò này phải nói là đại bợm đấy, con ạ, nhưng chớ có to mồm về chuyện đấm nhau: mày không thích hợp với việc ấy đâu. Cái tối đa mà mày có bây giờ - đó là sự táo tợn kha khá với cái dạ dày rỗng.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ đoán không nhầm, hắn yếu như sên. Hắn lên tiếng:[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Jeff ơi, tao sẵn sàng tranh cãi với mày về chủ đề này bao nhiêu hiệp cũng được, chỉ cần tao có nửa tiếng luyện tập và một thỏi bít-tết diện tích hai bộ vuông để luyện. Tổ sư đứa nào sáng tạo ra nghệ thuật nhịn ăn! Hãy xích nó lại đời đời cách cái giếng không đáy chứa toàn bít-tết nóng sốt chỉ hai bước chân! Tao bỏ cuộc đấu đây, Jeff ạ. Tao đào ngũ đây. Mày sẽ tìm thấy nàng Dugan trong lều: nàng đang ngắm một xác ướp sống và một con lợn bác học ở đấy. Nàng thật là một cô gái kì diệu, Jeff ạ. Lẽ ra tao đã thắng trong cái trò này, nếu như chịu được trạng thái không ăn uống thêm một thời gian nữa. Mày phải thừa nhận rằng đường đi nước bước của tao trong trò tuyệt thực này đã được suy tính để hoàn toàn có khả năng thành công. Tao đã tưởng như thế. Người ta bảo tình yêu lay chuyển cả núi non. Cứ tin tao đi, đấy chỉ là lời đồn sai lệch… Không phải tình yêu, mà là hồi chuông gọi đi ăn buộc núi non phải rung chuyển. Tao yêu Mame Dugan. Tao đã trải qua sáu ngày nhịn ăn để chiếm được tình cảm của nàng. Suốt thời gian này tao chỉ có một lần xơi một miếng, đó là lúc tao đẩy cái thằng xăm đầy mình và giật của nó miếng bánh xanđuych để ăn. Ông chủ cúp sạch lương của tao. Nhưng tao đến đây không phải vì mấy đồng lương, mà là vì cô gái ấy. Vì nàng tao có thể hiến dâng cuộc đời, còn vì miếng thịt lợn rán tao sẽ hiến dâng tâm hồn bất tử của mình. Đó là một cực hình, Jeff ạ. Cả tình yêu, cả sự nghiệp, cả gia đình, cả tôn giáo, cả nghệ thuật, cả tinh thần yêu nước đều chỉ là những lời nói suông trống rỗng, khi con người ta đói.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [/COLOR][FONT=verdana][COLOR=#000000]Ed Collier tâm sự với tớ bằng giọng lâm li. Chẩn đoán bệnh rất dễ: những đòi hỏi của trái tim cậu ta và những đòi hỏi của dạ dày đang xung đột với nhau, và phái hậu cần đã thắng. Quả thực, tớ luôn thấy mến Collier. Tớ lục tìm một câu an ủi nào đó, nhưng chẳng tìm thấy câu nào thích hợp cả. Collier nói tiếp:
    - Bây giờ mày hãy thương tao mà để cho tao đi. Số phận đã giáng cho tao một đòn nên thân, nhưng bây giờ tao sẽ giáng cho đồ ăn thức uống một đòn mạnh hơn. Tao sẽ khua sạch tất cả các tiệm ăn trong thành phố. Tao sẽ ngâm mình ngập đến thắt lưng trong món thịt philê và sẽ tắm trong trứng tráng với giăm-bông. Thật kinh khủng khi một người đàn ông phải đến nước từ bỏ một cô gái chỉ vì cái ăn. Thật còn tệ hơn cái anh chàng tên gì nhỉ? Ixav, kẻ đã bỏ cả bản quyền tác giả vì một con lôi. Đói là một điều khủng khiếp. Xin lỗi mày nhé, tao đang ngửi thấy mùi giăm-bông rán ở phía xa xa, nên đôi chân tao đang thúc giục tao băng về hướng đó.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Chúc mày ăn ngon miệng, Collier ạ. - Tớ nói - Nhưng đừng có giận tao nhé. Trời sinh ra tao cũng là một đứa phàm ăn nên tao thông cảm với nỗi đau khổ của mày.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Đúng vào phút ấy mùi giăm-bông rán đã bay đến trên đôi cánh của gió trời. Nhà quán quân nhịn ăn chép miệng rồi phi nước đại về phía có mồi ăn. Tiếc rằng các vị văn hoá xưa nay vẫn quảng cáo về ảnh hưởng thần diệu của tình yêu và lãng mạn không nhìn thấy cảnh này! Thì đây, Ed Collier, một con người tinh tế, đầy khôn ngoan mưu mẹo. Vậy mà cậu ta đã bỏ một cô gái, đang làm chúa tể trái tim cậu ta và nhảy sang địa hạt của dạ dày trong cuộc truy tìm cái ăn hèn kém. Đó là cái tát đối với các thi sĩ, là sự nhạo báng chủ đề câu khách nhất của văn chương. Cái dạ dày rỗng là đối trọng tốt nhất đối với một con tim tràn trề tình cảm. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tất nhiên tớ hết sức quan tâm đến việc Mame mù quáng tin vào mánh khoé của Collier đến mức nào. Tớ bước vào trong lều, nơi tổ chức cái triển lãm có một không hai đó, thấy Mame ở đó. Dường như nàng ngạc nhiên, nhưng không để lộ sự lúng túng.[/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Hôm nay ngoài phố thật là một buổi tối tuyệt vời. - Tớ lên tiếng. - Mát mẻ dễ chịu làm sao, còn tất cả các vì sao thì đứng sóng hàng theo một trật tự tuyệt vời. Em có muốn nhổ toẹt vào những sản phẩm phụ của cái vương quốc loài vật này để đi dạo với một con người bình thường chưa có tên trong chương trình được không? [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Mame e dè né sáng một bên, và tớ hiểu điều đó có nghĩa là gì. Tớ bèn nói: [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Ôi, anh nói điều này ra với em quả là không dễ chịu, nhưng cái vật kì diệu chỉ nuốt không khí mà sống của em đã chuồn rồi. Hắn vừa mới bò ra khỏi lều bằng lối cửa sau. Bây giờ hắn đã hoà nhập làm một với cái phần háu ăn của nhân loại ở trong thành phố. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Anh muốn chỉ anh Ed Collier phải không? - Mame hỏi. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Đúng thế. Nhưng điều đáng buồn nhất là hắn lại bước lên con đường tội lỗi. Anh đã gặp hắn ngoài lều, và hắn đã tuyên bố với anh về ý định tiêu diệt số thực phẩm dự trữ của thế giới. Buồn không thể tả được, khi thần tượng của em đã bước khỏi bục danh dự để biến thành một con châu chấu đi tìm cái ăn. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Mame nhìn thẳng vào mắt tớ không rời cho đến khi làm tắc tị những ý nghĩ của tớ. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Anh Jeff, nói những điều ấy thật không giống với con người anh chút nào. Anh đừng có đem anh Ed Collier ra làm trò cười. Một con người có thể làm những điều buồn cười, nhưng không vì thế mà anh ta trở nên buồn cười trong đôi mắt của cô gái bởi lẽ vì cô, anh ta làm những điều buồn cười ấy. Những người như Ed ít khi gặp được lắm. Anh ấy từ bỏ ăn uống chỉ cốt làm vừa lòng em. Em thật tàn nhẫn và bội bạc, nếu như sau việc này lại đối xử không tốt đối với anh ấy. Còn anh, anh có gan làm những việc hi sinh như thế không? [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Anh biết, - tớ nói, sau khi hiểu nàng ngả về hướng nào. - Anh đã có phốt rồi. Anh chẳng thế làm gì được nữa. Vết chàm của kẻ phàm ăn đã đóng lên trán anh. Bà Eva đã định trước điều này khi nghe lời con rắn. Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hiển nhiên anh là nhà vô địch thế giới về ăn. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ nói với giọng cam phận, nên Mame cũng mềm lòng chút ít. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Quan hệ của em với anh Ed Collier rất tốt, - nàng nói, - cũng như với anh thôi. Em cũng đã trả lời anh ấy như trả lời anh: đối với em, không có chuyện hôn nhân đâu. Em chỉ thích gặp gỡ, chuyện phiếm với anh ấy. Em cảm thấy dễ chịu vô cùng mỗi khi nghĩ rằng có một người không bao giờ sờ đến dao và dĩa chỉ vì em. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Thế em không yêu anh ta à? - Tớ hỏi hết sức không đúng chỗ. - Em không có tí ý định nào muốn trở thành kì quan phu nhân à? [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Điều này với ai chả có thể xảy ra. Tất cả chúng ta đôi khi đều vượt quá phạm vi những lời nói có suy nghĩ thấu đáo. Mame khoác lên mặt một nụ cười mát mẻ, trong đó có bao nhiêu đường thì cũng có bấy nhiêu băng và nói bằng giọng hết sức lịch sự. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Anh Peters, anh không có quyền đặt cho em những câu hỏi như vậy. Trước tiên anh hãy nhịn ăn bốn mươi chín ngày để giành được cái quyền ấy đã, rồi sau có thể em mới trả lời anh. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Vậy là, ngay cả khi Collier, bằng sự thèm ăn của mình, không còn ngáng trở tớ nữa, thì triển vọng quan hệ riêng của tớ với Mame cũng không khá lên. Rồi công việc ở Guthrie cũng chẳng ra làm sao cả. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ đã ở đó quá lâu. Kim cương Brazil mà tớ bán đã dần dần kém đi, còn đồ nhóm lửa thì dứt khoát không chịu cháy những khi trời ẩm. Trong công việc của tớ bao giờ cũng có cái giây phút mà ngôi sao may mắn bảo tớ: “Hãy chuyển sang thành phố lân cận”. Hồi đó tớ du ngoạn trên chiếc xe ngựa có mui để khỏi bỏ sót các thị trấn nhỏ, thế là sau đó mấy hôm tớ thắng ngựa và đánh xe đến chào Mame. Tớ chưa bỏ cuộc đâu. Tớ chỉ định đến Oklahoma City có công chuyện độ một hai tuần, sau đó sẽ trở về và tiếp tục mở các cuộc tấn công Mame. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Các bạn có thể hình dung được không, - tớ đến nhà Dugan thì thấy Mame ở đó, kiều diễm trong bộ áo dài xanh, và ở cửa có cái hòm của nàng. Hoá ra là cô bạn của nàng tên là Lottie Bell làm nghề đánh máy ở Terre Haute, thứ năm tới sẽ đi lấy chồng và Mame sẽ đi một tuần để tham dự lễ cưới ấy. Mame đang mong một xe hàng chở nàng đến Oklahoma. Tớ khinh bỉ nhìn chiếc xe rồi xung phong nhận chở hàng. Bà mẹ Dugan thấy chẳng tội gì phải từ chối cả, - vì chở hàng xưa nay vẫn phải mất tiền mà lại, - nên nửa tiếng sau tớ đã cùng Mame ngồi trên chiếc xe có bộ díp nhẹ và nhắm hướng phía nam lên đường. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Buổi sáng hôm ấy thật đáng khen hết chỗ nói. Làn gió nhẹ thổi hây hây, cây cỏ hoa lá tỏa hương, những chú thỏ con vểnh đuôi chạy qua đường cho thêm phần vui nhộn. Cặp ngựa hồng Kentucky của tớ hướng thẳng về phía đường chân trời; đến nỗi chói hoa cả mắt, khiến lắm lúc tớ phải quay mặt. Không nhìn đường chân trời căng tựa dây phơi quần áo, Mame phấn khởi ra mặt, nàng bô lô ba la như trẻ con, nào chuyện về ngôi nhà cũ, nào những trò nghịch ngợm thời đi học, nào những thứ nàng yêu thích, nào những cô ả đáng ghét nhà Johnson ở ngay phía đối diện, nơi quê hương nàng, bang Indiana. Nhưng tịnh không một lời nào về Ed Collier, về ăn uống và những đề tài khó chịu đại loại như vậy. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Khoảng gần trưa thì Mame mới phát hiện ra giỏ đồ ăn mà nàng định mang theo, đã nằm lại ở nhà. Tớ không phản đối chuyện lót dạ tí ti, nhưng Mame không tỏ ra một chút khó chịu nào về chuyện nàng chẳng có cái ăn, nên tớ cũng nín lặng. Đây chính là điểm chốt của vấn đề, nên tớ tránh nói động đến bất cứ đồ ăn dưới bất cứ dạng gì. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ xin rọi chút ánh sáng vào sự việc tớ bị lạc đường trong hoàn cảnh nào. Đường không rõ ràng, bị cỏ che lấp nhiều, mà bên cạnh tớ là Mame, người đã thâu tóm hết tâm trí và sự khôn ngoan của tớ. Điều này có thể biện hộ được hay không thì tùy các bạn xem xét. Chỉ có điều là tớ bị lạc đường, và trong cảnh chạng vạng, đáng lẽ phải ở Oklahoma rồi, thì chúng tớ lại luẩn quẩn trên địa giới nào đó, trong lòng khô của một con sông còn chưa khai thông, mà mưa đang quất vào người. Ở một bên, giữa đầm, chúng tớ nhìn thấy một căn nhà gỗ trên gò khô. Xung quanh cỏ mọc cùng những loài cây hiếm. Ngôi nhà nhuốm vẻ buồn bã gợi thương cảm. Theo sự đồ chừng của tớ thì hai đứa chúng tớ phải náu mình qua đêm ở đó. Tớ giảng giải cho Mame nghe, và nàng dành quyền quyết định cho tớ. Nàng không tỏ ra nôn nao lo lắng, và không làm mình làm mẩy ra dáng khổ ải như đa số những người phụ nữ khác nếu ở vào địa vị ấy, mà chỉ nói: “Thôi được”. Nàng biết rằng nào ai muốn cơ sự này. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Ngôi nhà không có người ở. Trong đó có hai phòng trống. Ngoài sân có một nhà kho nhỏ ngảy xưa vẫn nhốt súc vật. Trên gác xép còn ít cỏ khô từ năm ngoái. Tớ dẫn ngựa vào gian nhà kho cho chúng ăn một ít cỏ khô. Lũ ngựa nhìn tớ bằng cặp mắt buồn bã, dường như chờ đợi sự xin lỗi. Chỗ cỏ khô còn lại thì tớ ôm thành từng bó vào nhà làm nơi ngả lưng. Tớ cũng mang kim cương Brazil và đồ nhóm lửa, vì cả hai thứ ấy không thể chống chọi được tác dụng phá hoại của nước. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ với Mame ngự tọa trên sàn, trên nệm gối lấy từ trên xe xuống. Tớ dùng cả đống đồ nhóm lửa, vì đêm ấy trời lạnh. Nếu tớ phán đoán đúng thì toàn bộ sự việc trên khiến Mame lấy làm thích thú. Đối với nàng, đó là một cái gì đó mới lạ, một vị trí mới từ đó mà nhìn cuộc đời. Nàng cười nói huyên thuyên, và đồ nhóm lửa của tớ cháy không sáng rực bằng đôi mắt nàng. Tớ có mang theo bên người bao thuốc lá, nên về phần mình, tớ cảm thấy tớ như chàng Adam trước khi mắc tội. Cả hai chúng tớ đúng là đang ở trong vườn Địa Đàng xưa tốt đẹp. Đâu đó trong đêm tối là con sông Zion chảy dưới mưa, và vị thiên thần cầm thanh kiếm lửa còn chưa treo tấm biển “Cấm đi trên cỏ”. Tớ mở hộp ra lấy cho Mame đeo lên người nào nhẫn, nào vòng, nào dây chuyền, hoa tai, thắt lưng và khánh hình trái tim. Nàng lấp la lấp lánh như một nàng công chúa triệu phú cho mãi đến khi má rực hồng và nàng đòi có gương đến suýt phát khóc. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Đêm đến, tớ sửa soạn cho Mame một chiếc giường tuyệt vời trên sàn bằng cỏ khô, áo khoác của tớ và chăn từ xe đem xuống, rồi khuyên nàng ngả lưng. Còn tớ thì ngồi ở căn phòng khác hút thuốc, lắng nghe mưa rơi và nghĩ đến chuyện biết bao sự khó nhọc đổ xuống đầu con người ta khoảng bảy chục năm trước khi anh ta được mai táng. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Gần sáng có lẽ tớ hơi thiếp đi, bởi vì mắt tớ đã nhắm tít lại, mà khi mở ra thì trời đã sáng và trước mặt tớ là Mame, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ, quần áo tươm tất, với đôi mắt sáng lên niềm vui cuộc đời. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Hello Jeff, - nàng thốt lên. - Em thấy đói rồi đấy! Giá em được ăn… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ chăm chú nhìn nàng. Nụ cười biến khỏi khuôn mặt nàng và nàng ném vào tớ cái nhìn đầy khinh thị lạnh lùng. Thế là tớ bật cười và lại nằm lăn ra đất cho dễ chịu hơn. Tớ thấy vui nhộn kinh khủng. Về bản tính và gien di truyền thì xưa nay tớ là thằng hay cười thượng hạng, nhưng lúc này tớ cười ngất, vượt xa mức thường. Khi tớ đã cười chán chê, Mame ngồi quay lưng lại phía tớ và toàn thân chứa đầy cảm giác tự tôn. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Đừng giận, Mame, - tớ lên tiếng. - Anh không thể nào nhịn cười được. Em chải đầu buồn cười quá. Giá như em được trông thấy… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Đừng có kể chuyện cổ tích ở đây, - Mame nói giọng lạnh lùng và quyền uy. - Tóc em đâu vào đấy chỉnh tề cả. Em biết anh cười cái gì rồi. Nhìn này, anh Jeff, - nàng vừa nói vừa ghé nhìn qua kẽ hở giữa các súc gỗ căn nhà ra ngoài trời. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [/COLOR][FONT=verdana][COLOR=#000000]Tớ mở ô cửa sổ nhỏ bằng gỗ và nhìn ra. Toàn bộ con sông đã chìm cả dưới nước và cái gò mà trên đó có ngôi nhà chúng tớ đang ở, đã biến thành hòn đảo, vây quanh là dòng nước lũ vàng điên cuồng rộng tới một trăm yat. Mưa vẫn trút xuống. Chúng tớ chỉ còn cách ngồi đây đợi một chú chim bồ câu đem cành ôliu tới.
    Phải công nhận rằng trò chuyện và giải trí ngày hôm đó mang rặt một vẻ ảm đạm. Tớ ý thức được rằng Mame lại chuốc cho mình cái nhìn hết sức một chiều đối với sự vật, nhưng tớ không đủ sức thay đổi cái nhìn ấy. Bản thân tớ thì rạo rực một mong muốn được ăn. Những ảo ảnh thịt băm và những giấc mộng giăm-bông không buông tha tớ và lúc nào tớ cũng nghĩ thầm: “Nào, bây giờ mi sẽ đánh chén cái gì đây, hả Jeff? Mi sẽ gọi món gì đây khi người phục vụ đi đến?”. Tớ chọn cho mình những món ăn ưa thích nhất trong thực đơn và hình dung ra cái giây phút chúng được đặt lên bàn trước mặt tớ. Có lẽ điều này xảy đến với tất cả những ai đói cồn đói cào. Họ không thể tập trung ý nghĩ vào cái gì khác ngoài cái ăn. Hoá ra, cái chủ yếu nhất không phải là sự bất tử của tâm hồn, cũng không phải là hoà bình thế giới, mà là một cái bàn ăn xinh xắn với cái bát ăn, nước chấm giả kiểu Worcester và chiếc khăn ăn để lau những vết cà phê trên khăn trải bàn. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tớ ngồi bần thần nhai đi nhai lại, than ôi, chỉ những ý nghĩ của mình và tranh luận kịch liệt với chính bản thân mình về việc tớ sẽ ăn loại bít-tết nào - với nấm hương hay là theo kiểu con cháu những người Âu sang châu Mỹ vẫn ăn. Mame ngồi đối diện vẻ trầm ngâm, đầu tì xuống cánh tay. “Khoai tây thì cứ rán theo kiểu quê, - tớ nhủ thầm, - còn bánh cuốn thì cứ tráng lên chảo. Cũng trên cái chảo ấy sẽ rán chín quả trứng”. Tớ lục kĩ các túi xem vô tình có còn sót lại củ lạc hay vài hạt ngô nào không? [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Sang đến buổi chiều thứ hai, dòng sông càng dâng cao, mưa vẫn đổ xuống. Tớ nhìn sang Mame và bắt gặp trên mặt nàng nỗi buồn vẫn thường hiện lên trên mặt các cô gái khi đi ngang qua quầy bán kem. Tớ biết rằng cô nàng tội nghiệp của tớ đang đói, có lẽ lần đầu tiên trong đời. Nàng có cái nhìn ưu tư thường gặp ở phụ nữ khi đi ăn trưa hơi muộn hoặc khi cảm thấy đằng sau váy bị tuột cúc. Có lẽ đã đến mười một giờ rồi. Chúng tớ ngồi trong gian nhà xơ xác, mặt lầm lì và lặng im thin thít. Tớ cố xua đuổi khỏi đầu những hình ảnh ăn uống, nhưng chúng cứ trôi dạt về đúng chỗ cũ trước khi tớ kịp xích chúng vào chỗ khác. Tớ nghĩ đến tất cả những món cao lương mĩ vị đã từng được nghe kể. Tớ chìm đắm trong suy nghĩ về những năm tháng niên thiếu và với sự hồ hởi, sùng bái, tớ hồi tưởng bánh bích-quy tẩm mật và xúc-xích chấm nước mắm. Sau đó tớ đi dọc những năm tháng cuộc đời, dừng lại ở những quả táo tươi và táo ướp, ở bánh rán và xirô phong, ở cháo ngô, ở gà con quay kiểu Virginia, ở ngô luộc, thịt lợn băm viên và ở bánh khoai lang, và kết thúc bằng món ragu Brunswick là đỉnh cao của tất cả những thứ ngon lành, vì nó chứa tất cả những thứ ngon lành. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Người ta thường bảo trước mắt người sắp chết đuối hiện ra toàn bộ cuộc đời. Cũng có thể. Vậy thì khi con người ta đói, trước mặt người đói hiện lên bóng ma của tất cả các món ăn anh ta đã nếm trong đời. Và anh ta sáng tạo ra những món ăn mới có thể đem lại vinh quang danh giá cho người đầu bếp. Giá có ai cất công thu thập những lời trăn trối của những kẻ chết đói thì hẳn sẽ phát hiện thấy trong những lời ấy có ít tình cảm, nhưng được cái dồi dào tư liệu cho một cuốn sách dạy nấu ăn in đến triệu bản bán cũng hết. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Nhiều phần chắc là những tư duy bếp núc đã hoàn toàn ru ngủ trí óc tớ. Bất giác tớ thốt lên thành lời với một người hầu bàn tưởng tượng: [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Hãy cắt cho dày dày một chút và rán tai tái thôi, sau đó đổ trứng vào - sáu quả nhé. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Mame quay đầu lại ngay. Đôi mắt nàng sáng lên và nàng mỉm cười rồi nói líu tíu: [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Còn tôi thì ba quả trứng rán vừa chín với khoai tây. Ái chà, được thế thì còn gì bằng, anh Jeff nhỉ. Em sẽ gọi thêm món cơm gà rán, món kem… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Nhẹ thôi! - Tớ cắt ngang. - Thế còn bánh gan gà, thận xô-tê, lại cả cừu non rán… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]- Ôi, - Mame ngắt lời tớ, toàn thân run lên, - với nước chấm cay… Cả xalát với thịt gà tây, cả quả ôliu, cả dâu nữa… [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Cứ như vậy trong suốt mười phút chúng tớ duy trì cuộc đối thoại cao lâu này. Chúng tớ vòng đi vòng lại trên con đường huyết mạch rồi rẽ vào tất cả các nhánh đường con của đề tài ăn uống, do Mame dẫn đường, vì nàng rất có tri thức về các loại danh mục đồ ăn, và những món ăn mà nàng gọi tên càng làm tăng sự thèm khát của tớ. Có cảm tưởng Mame đã hoà nhập được với thực phẩm ăn uống và nàng nhìn cái thói háu ăn tội nghiệp ít khinh bỉ hơn so với trước đây. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Sáng ra, chúng tớ thấy nước đã rút. Tớ thắng ngựa và cả hai lên đường, lần theo bùn lầy cho tới khi gặp được con đường khi trước. Chúng tớ chỉ đi lạc mất vài dặm và hai tiếng sau đã ở Oklahoma. Vật đầu tiên chúng tớ dõi mắt thấy trong thành phố là tấm biển lớn của một tiệm ăn, thế là chúng tớ phóng ngay tới. Tớ ngồi vào bàn với Mame, giữa chúng tớ là dao, dĩa, đĩa ăn, còn trên gương mặt nàng không phải là sự khinh bỉ, mà là nụ cười, một nụ cười đói và đáng yêu. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Tiệm ăn mới bày biện rất khá. Tớ trích đọc cho người phục vụ rất nhiều dòng trong tờ thực đơn, khiến anh ta ngó ra ngoài xe ngựa của tớ, băn khoăn không rõ còn bao nhiêu người nữa sẽ chui ra từ xe vào đây. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]Chúng tớ ngồi như vậy và người ta bắt đầu bưng các món ra. Đó quả là một bữa tiệc cho mười hai quan khách, vả lại chúng tớ cảm thấy mình cũng đúng là bằng mười hai quan khách. Tớ nhìn qua bàn sang Mame và nở nụ cười vì sực nhớ ra một điều. Mame nhìn bàn ăn như một cậu bé nhìn chiếc đồng hồ có khoá vặn đầu tiên của mình. Sau đó nàng nhìn thẳng vào mặt tớ, và hai giọt lệ to ứa lên trong mắt nàng. Người phục vụ đi xuống bếp lấy thêm món ăn bổ sung. [/COLOR]
    [COLOR=#000000]
    [COLOR=#000000]- Anh Jeff ơi, - Mame dịu dàng cất tiếng, - em thực là một con ngốc. Em đã nhìn mọi thứ không đúng. Trước kia em chưa bao giờ phải chịu cảnh này. Đàn ông ngày nào cũng phải chịu cảnh đói, phải không anh? Họ to khoẻ là thế, họ làm công việc nặng nhọc là thế, cho nên họ ăn không phải để trêu tức những cô ả phục vụ ngốc nghếch, phải không anh? Đã có lần anh nói… nghĩa là… anh đã hỏi em… anh muốn… Vậy thì, anh Jeff ơi, nếu anh còn muốn… thì em sẽ rất sung sướng… em muốn có anh luôn ngồi đối diện với em bên bàn. Giờ thì hãy cho em ăn thêm một chút gì nữa, mau lên, anh nhé. [/COLOR]
    [/COLOR][COLOR=#000000][FONT=times new roman]
    [/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR]
    [COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][FONT=verdana][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][FONT=verdana][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000066][FONT=verdana]* * *[/FONT]
    [/COLOR][COLOR=#000000]
    [I][COLOR=#a52a2a][COLOR=#660000]- Như tớ đã bảo các cậu, -[/COLOR] [COLOR=#000000]Jeff Peters kết thúc câu chuyện,[/COLOR] [/COLOR][COLOR=#660000]- đàn bà thỉnh thoảng cần phải thay đổi quan điểm của họ. Một cảnh mãi cũng làm họ phát chán - nếu vẫn cảnh cái bàn ăn, cái bồn rửa mặt hoặc cái máy khâu. Hãy cho họ sự đa dạng một chút: một chút du lịch, một chút nghỉ ngơi, một chút hờn dỗi nũng nịu xen với những bi kịch nội trợ, một chút vuốt ve âu yếm sau cảnh om sòm trong gia đình, một chút xao xuyến và lẵng nhẵng nói dai, và xin cam đoan với các cậu là hai bên cùng có lợi.[/COLOR][/I][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR]
    [COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][FONT=verdana][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][FONT=verdana][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][COLOR=#000000][I][COLOR=#660000]

    [/COLOR][/I][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/FONT][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR][/COLOR]
     
  8. lichan

    lichan Lớp 12

    Hạt Giống Sức Mạnh

    Người viết: Việt Hà
    Nguồn: Báo Phụ Nữ

    View attachment 11254


    PN - Hai cha con chọn góc vắng của quán ngồi ăn trưa, vừa ăn vừa nói chuyện về bạn bè của con. Hôm nay là ngày anh đưa con trai đi chơi nên không cần phải vội vàng. Gần chỗ cha con anh ngồi là bàn của đôi vợ chồng người nước ngoài. Họ có một bé gái khoảng năm tuổi và một đứa trẻ còn nằm xe nôi. Cạnh đó, người đàn ông ngồi một mình mơ màng với điếu thuốc trên tay và ly cà phê người phục vụ vừa mang đến.


    Anh nhận ra sự khó chịu trên gương mặt đứa con trai tám tuổi khi cố tránh né khói thuốc. Phía bàn kia, đôi vợ chồng người nước ngoài thỉnh thoảng cứ lén nhìn người đàn ông đang vô tư hút. Anh đề nghị: “Con đến nói với chú ấy là phòng có nhiều trẻ em và nhờ chú tắt thuốc đi con”. “Thôi, con không dám. Ba nói đi”. “Con thử một lần đi. Được mà”. Anh thuyết phục mãi đứa con mới rón rén đến bên người đàn ông, tay trỏ về phía em bé nằm nôi và nói lí nhí gì đó. Lập tức, người đàn ông kia bối rối xin lỗi và giụi ngay điếu thuốc vào chiếc gạt tàn.


    Cu cậu nhanh nhảu chạy về phía cha, vẻ mặt rất tự hào. Cậu đã làm được một việc mà bản thân luôn nghĩ chẳng bao giờ dám, chẳng bao giờ có thể. Ngày mai vào trường, thế nào cậu cũng kể cho bạn về “thành tích đáng nể” này. Anh xoa đầu con trai, bảo rằng sức mạnh luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Chúng là những hạt giống. Nếu không “thử” cho nảy mầm, hạt sẽ mãi ngủ yên. Lâu dần, ta sẽ quên chúng đi, sẽ nghĩ bản thân không có khả năng làm được điều gì cả.
    “Vậy là con vừa làm cho một "hạt giống sức mạnh" của con nảy mầm!”, cậu bé thích thú. Anh tiếp tục khuyến khích con: “Khi mình khơi được một nguồn năng lượng của bản thân, tự dưng sẽ có thể khơi thêm được nhiều nguồn năng lượng tiềm ẩn khác. Chúng sẽ hòa quyện, làm nên một con người không biết sợ khó khăn, thậm chí là một con người thích chinh phục khó khăn. “Con thấy ba ra sao?”, anh dang rộng tay, ưỡn ngực hỏi. Cậu bé nói ngay: “Ba là người đầy sức mạnh”. Anh kể để con tìm được sự đồng cảm, rằng trước khi là một người “không biết sợ gì cả”, anh từng là cậu bé rất nhát gan, sợ bóng tối, ngại phát biểu trong lớp, không dám khiếu nại khi cô giáo ghi nhầm điểm 8 thành điểm 3 vào sổ… Đứa con trai chống hai tay vào má, nghếch mặt nhìn cha. Cậu tự kết thúc câu chuyện bằng sự liên tưởng: “Con biết rồi, con sẽ xin cô chuyển qua đội tuyển học sinh giỏi toán. Cả toán và văn con đều đủ điểm vào đội tuyển. Cô cho con vào đội văn, con thích toán hơn nhưng hổng dám nói”.


    Hai cha con đứng dậy, chuẩn bị ra về. Lúc đi ngang bàn của đôi vợ chồng người nước ngoài, người chồng chỉ vào em bé nằm nôi và giơ ngón tay cái lên tán thưởng cậu bé. “Từ nay, nếu cần đề nghị ai tắt thuốc thì con sẽ tự làm nhé?”. “Dạ. Nhưng lỡ gặp người trông dữ tợn quá thì ba làm thôi”. Anh mỉm cười, véo yêu vào tai con: “Đồng ý”.
     
  9. lichan

    lichan Lớp 12

    ​Tiệc Độc Thân Cho Hai Người
    ( Trích " Độc Thân Cần Yêu " - Trần Thu Trang )

    View attachment 11274

    Xe của đối tác đưa Yên về đến Hà Nội khi trời đã tối mịt. Trên điện thoại, bảng lịch trình cho ngày thứ Bảy bận rộn này chỉ còn đúng một mục ghi cụt ngủn hai chữ“single party”. Nhà Yên ở một khu đô thị mới ngoài rìa Tây thành phố, nếu bây giờ trở về tắm gội, thay quần áo, cô hoặc sẽ đến muộn ít nhất nửa tiếng, hoặc sẽ thấy cơn lười nổi lên rồi quyết định chẳng đi đâu nữa.

    Vậy là, mang nguyên vẻ uể oải pha lẫn cáu kỉnh sau cả một ngày di chuyển qua hết nhà máy này đến khu công nghiệp khác, Yên bước vào một nhà hàng sang trọng nằm trong một biệt thự Pháp cổ chỉ cách hồ Hoàn Kiếm vài trăm mét, để dự bữa tiệc dành cho người độc thân, sự kiện mà đáng lẽ cô phải tham gia từ lâu.

    Nhân viên đơn vị tổ chức đón vị khách đầu tiên bằng vẻ ngạc nhiên pha chút ái ngại.Nhìn ánh mắt họ, Yên biết rằng mình đến quá sớm, và trông quá kỳ quặc. Một cô gái có vẻ ngoài sắc sảo, hình như là trưởng nhóm, vừa đưa Yên tờ giấy để điền thông tin cá nhân vừa nghiêng người hỏi nhỏ:

    - Chị có cần vào trong kia nghỉ một lúc không ạ?

    Yên lắc đầu, cố nở nụ cười đáp lại rồi ngồi xuống một góc nghiên cứu tờ giấy cô gái vừa đưa. Về cơ bản, đó là một dạng sơ yếu lý lịch in sẵn được trình bày vui mắt, với dăm ba câu hỏi bổ sung. Yên điền nhanh, cố gắng tránh cảm giác vừa ghét bỏ vừa thương hại bản thân khi lướt mắt qua phần ghi ngày tháng năm sinh cũng như sở thích. Cô đã 29 tuổi, và thực sự không có thú vui nào đáng kể.

    Gần đến bắt đầu, những khách dự tiệc khác lục tục xuất hiện. Những anh chàng khó đoán tuổi, mặc quần bò và áo khoác nhẹ, trông thoải mái, sáng sủa. Những cô gái trẻ măng, chắc mới ra trường được một hoặc cùng lắm là hai năm, mặc những bộ váy tương đối điệu đà và đi giày cao gót, nom e lệ nhưng vẫn háo hức một cách đáng yêu. Yên cúi xuống nhìn đôi giày đế bệt cùng bộ âu phục tối màu quá mức nghiêm trang, thậm chí là già cay già đắng, của bản thân, tự nhiên thấy mình lạc lõng đến độ buồn cười.

    Dù biết chẳng cứu vãn được bao nhiêu Yên vẫn quyết định vào toilette trang điểm lại một chút. Và khi trở ra với mái tóc có thêm chút gel và gương mặt có thêm một chút sắc hồng, cô bắt gặp một người cực kỳ quen thuộc: Chương, sếp của cô. Anh cũng mặc quần bò và áo khoác nhẹ như những khách nam khác, và đang đứng bên bàn thông tin của ban tổ chức với tờ “sơ yếu lý lịch” vừa điền xong. Yên còn đứng im tự hỏi tại sao một người luôn được đánh giá là đào hoa, là “gái theo hàng đàn, đuổi đi không hết” như anh lại có mặt ở đây, trong bữa tiệc dành cho những người cô đơn, thì tiếng MC đã vang lên, đề nghị tất cả các vị khách độc thân dự tiệc bước vào màn giới thiệu, làm quen.

    * * *​

    Chương mỉm cười, mân mê mấy mảnh bìa sặc sỡ cắt theo kích cỡ danh thiếp trong tay. Màn giới thiệu ban đầu thì ra sáng tạo và tế nhị hơn anh nghĩ. Không ai phải đứng trước đám đông để ngượng nghịu và sượng sùng nói về bản thân như khi đi học hay đi họp, mọi người chỉ việc cầm bút, ghi lên mỗi mảnh bìa một thông tin cá nhân bất kỳ như tên hay biệt danh, địa chi email hoặc blog, rồi chạy đi chạy lại trao đổi với nhau xem ai gom đủ số “danh thiếp” trong thời gian nhanh nhất. Dĩ nhiên, người giành chiến thắng trong trò chơi nhỏ này không phải là Chương, số“danh thiếp” anh gom được vẫn thiếu mất một chiếc, chủ nhân của nó đã lẩn như chạch mỗi khi anh đến gần.

    Nhưng đến màn tiếp theo thì không ai có thể làm chạch được nữa. Với thái độ nhã nhặn nhưng không kém phần dứt khoát của MC và những nhân viên khác, nhóm khách nữ được sắp xếp đứng quay lưng vào nhau ở giữa phòng, nhóm khách nam bao vòng xung quanh. Khi tiếng nhạc nổi lên, nhóm khách nam lần lượt di chuyển theo chiều kim đồng hồ và dừng lại ở mỗi khách nữ vài mươi giây để hỏi nhanh đáp gọn những thông tin cơ bản.

    “Bạn sinh năm bao nhiêu?” “Bạn học trường nào ra?” “Bạn công tác ở đâu?” Chương máy móc đặt những câu hỏi trên cho từng cô gái một, vừa lơ đãng nghe những câu trả lời vô vị vừa ngóng đợi cho vòng tròn xoay tiếp. Rồi cũng đến lúc anh được đối diện với người mà anh thực sự muốn hỏi. Cô đang cố gắng nhìn anh và mỉm cười với vẻ bình thản như thể hai người không hề quen nhau.

    -Hôm nay em đi tỉnh B. với bên E.? - Anh đặt một câu hỏi đánh tan cái cảm giác giả tạo rằng hai người không quen kia.

    -Vâng.Họ nói dự án X. ở khu công nghiệp Z. cần phải thẩm tra thêm...

    -Mấy giờ về? - Anh cắt ngang đoạn trình bày công việc quen thuộc của cô bằng một câu hỏi hơi xẵng.

    -Khoảng gần bảy giờ. - Cô hơi sững lại nhưng vẫn trả lời.

    -Rồi em đến đây luôn?

    -Vâng.

    -Chưa ăn uống gì?

    -Vâng, tiệc có ăn nhẹ mà.

    -Sao tự nhiên lại thích trò này?

    -Trò gì ạ?

    -Singleparty.

    Yên còn chưa biết phải trả lời Chương thế nào cho xuôi tai thì MC đã lại bắt vòng xoay chuyển động. Sau đôi lần chuyển nữa thì thời gian hỏi đáp làm quen kết thúc, tất cả nhanh chóng tản ra. Yên lại lẩn đi, hòa ngay vào một đám khách nữ,đến bên chiếc bàn để đồ uống. Chương lui vào một góc phòng, nhìn theo từng cử động của Yên. Giữa đám khách nữ trẻ trung rực rỡ, vẻ ngoài trầm tĩnh và có phần u buồn của cô khiến anh đột nhiên thấy... đau lòng. Lần đầu anh nhìn thấy cô là bảy năm trước. Khi ấy, cô giống hệt như những cô gái đứng quanh cô lúc này, tươi tắn,đầy mộng ước.

    Một nhân viên ban tổ chức đến trước mặt Chương, khéo léo nhắc nhở rằng anh nên trò chuyện cởi mở để tranh thủ làm quen vói nhiều người hơn. Chương gật đầu nhưng vẫn đứng yên. Vẻ lễ phép cùng ngữ điệu hơi líu ríu, nũng nịu kiểu trẻ con của cô bé nhân viên không hiểu sao lại làm anh khó chịu. Có lẽ vì anh nhớ đến những mối quan hệ vẫn được gọi là tình yêu trong quá khứ, những mối quan hệ luôn chấm dứt trước khi anh cảm thấy có gì gắn bó. Cũng có thể vì anh đã quá quen với cách nói từ tốn, bình thản của Yên. Thái độ không nóng không lạnh mà cô luôn duy trì nhất quán có lẽ chính là liều thuốc an thần hữu hiệu cho anh trong những thời điểm công ty lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
    * * *​

    Tiếng MC lại vang lên cuốn mọi người vào một màn giao lưu sôi động nữa. Lần này là mấy trò chơi ghép đôi vui nhộn giúp hai bên nam nữ gần gũi nhau hơn, theo đúng nghĩa đen. Lá thăm ngẫu nhiên ghép Yên thành đôi với một anh chàng trông trẻ hơn cô chút ít nhưng cao hơn cô hẳn một cái đầu. Theo quy tắc, Yên bị bịt mắt và phải lần tay nhặt hết những chiếc kẹp nhỏ được gắn lên khắp những chỗ oái ăm trên người bạn chơi.

    Trong tiếng nhạc rộn rã và tiếng cổ vũ của MC, trò chơi diễn ra thật sự hào hứng. Anh chàng bạn chơi của Yên cũng nhanh trí nên hai người phối hợp khá ăn ý. Tuy không thể giành phần thưởng cho cặp đôi nhanh tay nhất nhưng cả hai vẫn rất vui. Thậm chí, khi MC hỏi cảm nghĩ, Yên còn mạnh dạn nói đùa vài câu khiến mọi người cười ồ lên. Chỉ đến khi đám đông dần tản đi, cô mới nhận ra có một người đang nhìn cô bằng cặp mắt dường như tóe lửa. Anh bước nhanh đến chỗ cô. Yên quyết định giành một chút quyền chủ động bằng cách đặt câu hỏi trước:

    - Anh không chơi trò chơi ạ?

    - Có,ở ngay sau lưng em. - Anh hơi cau mày, nghĩ ngợi thêm một chút rồi hạ giọng. - Phi công trông cũng được, nhưng em không hợp làm máy bay bà già đâu!

    Yên hơi lùi lại nhìn anh, mãi mới buông ra một câu nhẹ hều:

    - Em cũng không định làm mà.

    - Vậy tại sao em lại dự cái này?

    Yên thở dài, khẽ lắc đầu. Cô có rất nhiều lý do để góp mặt ở một bữa tiệc dành cho người độc thân. Nhưng cô biết phải nói với anh lý do nào trước bây giờ? Ngồi xuống một chiếc ghế kê sát tường, cô ngẩng lên nhìn anh, hỏi ngược:

    -Thế còn anh, sao anh lại đến đây?

    Chương đưa mắt nhìn ra xung quanh. Đám khách độc thân dường như đều đã tìm được đối tượng hợp ý. Vài cặp đôi vừa hình thành chớp nhoáng đang chúi đầu trò chuyện rủ rỉ, một số người khác thì túm tụm lại thành một nhóm đông, tán gẫu say sưa. Anh ngồi xuống bên cạnh cô, mỉm cười, hỏi mà như than thở:

    -Nói ra liệu em có tin không?

    -Có gì đâu mà không tin!

    Yên vẫn nói bằng giọng từ tốn bình thản quen thuộc nhưng không hiểu sao Chương lại cảm nhận được một chút chua chát trong đó. Anh nói nhỏ:

    - Bởi vì chính anh cũng thấy khó tin.

    Yên quay sang nhìn anh, thoáng băn khoăn. Hôm nay Chương cư xử chẳng giống anh bình thường gì cả.

    Một nhân viên phục vụ bưng khay thức ăn nhẹ đi tới trước mặt hai người. Chương nhón tay bốc một miếng nhưng chưa kịp bỏ vào miệng thì đã thấy Yên làm một cử chỉ can ngăn. Cô nói nhỏ nhẹ:

    - Món đấy có lạc, anh đừng ăn kẻo dị ứng.

    Chương thả lại món ăn vào khay, quay sang nhìn vẻ mặt tĩnh lặng đến không thể tĩnh lặng hơn của Yên. Câu cảm ơn anh định nói cứ tắc lại trong họng. Chương tự hỏi tại sao mãi đến tận hôm nay, anh mới nhận ra, bao năm qua ở cương vị trợ lý, cô đã chăm sóc lo lắng cho anh nhiều đến nhường nào. Anh vụt đứng dậy, bỏ ra ngoài hành lang.

    * * *​

    Vì đa số khách tham dự đều không phải người sành khiêu vũ nên ban tổ chức tiệc độc thân linh động thay bằng màn hát karaoke. Yên không cầm mic lần nào, chỉ đứng yên lặng, lắng nghe những bài hát, phần lớn là song ca, vang lên lãng mạn, tình tứ, để mặc đầu óc nghĩ ngợi lan man về bản thân, về những ngày tháng đã qua, về khoảng thời gian sắp tới, và về một người đã từng có mặt trong phòng nhưng đã đi đâu mất từ nãy.

    Việc anh xuất hiện ở đây tối nay thực sự vượt ra ngoài sức tưởng tượng của cô. Suốt bảy năm làm trong công ty và năm năm làm trợ lý cho anh, cô chưa bao giờ thấy anh thực sự độc thân. Chương không phải là người lăng nhăng. Anh không bắt cá hai tay mà chỉ luôn ở trong những cuộc tình nối tiếp nhau không dứt. Đôi khi Yên nghĩ, anh chẳng thực sự yêu ai trong số những cô người yêu luôn luôn xinh đẹp và ngọt ngào kia. Đôi khi cô nghĩ, anh cần một đối tượng khác, một người không quá lộng lẫy nhưng biết đem lại cảm giác ấm áp và an lành. Yên cười buồn, hình như cô lại đang rơi vào trạng thái hoang tưởng mất rồi…

    Rồi bữa tiệc cũng tàn. Yên từ chối lời đề nghị đưa về của cậu bạn chơi khi nãy, lấy điện thoại gọi taxi. Cô vừa mới đọc địa chỉ cho tổng đài xong thì một chiếc xe quen thuộc đã dừng ngay trước mặt, xe của Chương.

    Hai người im lặng suốt nửa quãng đường dài dằng dặc dẫn về khu đô thị mới. Ra đến ngoại ô, Chương quay kính lên để tránh bụi. Không còn gió thu khô se se mang theo hương hoa man mát và tiếng lao xao của đường phố bên ngoài, không khí trong xe vốn đã ngột ngạt lại càng ngột ngạt hơn. Yên chần chừ thêm một lát rồi quyết định chọn một chủ đề an toàn là công việc để mở lời:

    - Hôm nay em đi B., bên E. nói dự án đó có lẽ cần...

    - Sao em không để cậu ta đưa về? - Lần thứ hai trong buổi tối hôm nay, Chương cắt ngang chuỗi báo cáo công việc của cô bằng một câu hỏi hơi xẵng.

    - Nhà em xa thế này, để bạn ấy đưa không tiện.

    - Thế sao còn để anh đưa?

    - Anh đưa em về nhiều lần rồi mà, với lại, nhà anh cũng gần đây.

    Câu trả lời đơn giản và thản nhiên lại khiến Chương lặng đi mất vài giây. Anh bỗng nhớ ra, căn hộ chung cư Yên đã phải vay ngân hàng một khoản kha khá để mua chỉ cách nhà anh chừng vài phút đi xe máy. Và từ hồi cô chuyển về đây, thỉnh thoảng anh lại mượn cớ rằng bà giúp việc thiếu tinh tế và hay quên để nhờ cô đi chợ mua hộ cái này cái kia. Có lần, anh bị chảy máu dạ dày, thay vì gọi 115, anh đã gọi cho Yên. Và giữa đêm đông rét mướt, cô đã hớt hải chạy ngay sang đưa anh đi cấp cứu, chân cô thậm chí vẫn còn xỏ trong đôi dép bông ở nhà.

    Những kỷ niệm nhỏ bé vụn vặt cứ đột ngột xô lại khiến Chương không thể tập trung lái xe. Anh tìm một chỗ cho phép dừng, tấp vào, quay sang nhìn Yên. Cô đang thiu thiu ngủ, đầu ngoẹo qua một bên, gần như chúi vào cửa kính. Sau cả tuần quay cuồng với đối tác nước ngoài khó tính, lẽ ra cô không nên cố tham dự bữa tiệc độc thân tối nay. Nó quá trẻ trung, quá sôi nổi với một người con gái chín chắn luôn ưa sự tĩnh lặng như cô. Nhưng Yên đã đến, và anh cũng vậy. Chương bấm nút ngả ghế để cô ngủ thoải mái hơn rồi ra khỏi xe. Nhìn về phía những khối nhà chung cư càng lúc càng thưa ánh đèn đằng xa, anh tự nhiên bật cười.
    * * *​

    Suốt cả tuần sau đó, Yên thường xuyên ở trong tâm trạng không giống với tên cô chút nào. Việc Chương xuất hiện trong bữa tiệc độc thân và thái độ kỳ lạ của anh khi đưa cô về tối hôm ấy vốn đã khiến cô băn khoăn không dứt. Tuy nhiên, chính những quyết định dứt khoát và bất ngờ mà anh đưa ra trong những ngày tiếp theo mới thực sự là một dấu hỏi lớn trở đi trở lại liên tục trong đầu óc cô. Chương yêu cầu Yên bàn giao một vài dự án nhỏ mà lâu nay cô vẫn gánh thay anh. Anh đích thân đi tỉnh với các đối tác nước ngoài và điều thêm một nhân viên có năng lực ở bộ phận khác sang làm phụ tá cho cô. Cô đoán, bữa tiệc độc thân hẳn đã tác động phần nào đến suy nghĩ của anh...

    Thêm hai tuần nữa trôi qua, trời càng lúc càng lạnh. Dự án X mà đối tác yêu cầu dừng để thẩm tra thêm cuối cùng cũng được triển khai tiếp. Có nhân viên phụ tá, Yên bắt đầu quen dần với nhịp công việc mới. Cô dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Cô nghĩ về tương lai và quyết định đăng ký tham dự một bữa tiệc độc thân nữa. Cô biết mình không thật phù hợp với phong cách tiệc tùng, nhưng nếu không thay đổi bản thân, cô sẽ chẳng phù hợp với cái gì, ngoài công việc, nói đúng hơn là ngoài công việc lặng lẽ đứng sau Chương, làm trợ lý tận tụy của anh.

    Lại một tối thứ Bảy, Yên bước vào nhà hàng mà cách đây một tháng cô đã tới. Cả ngôi biệt thự và cô đều không giống như lần trước. Về phía cô, bộ quần áo công sở trông như đưa đám đã được thay bằng một bộ váy len màu tím nhạt nhã nhặn, về phía ngôi biệt thự, hệ thống đèn sáng trưng cùng đội ngũ nhân viên tổ chức tiệc đông đảo đã biến mất, dọc lối đi chỉ có những lồng thủy tinh đựng nến tỏa ánh sáng dìu dịu và những khóm hoa hồng mới nở he hé. Cô gái trưởng nhóm đón cô bằng nụ cười gợi nhớ bức tranh Monalisa:

    - Hôm nay tiệc tổ chức ở tầng trên, chị lên đi ạ.

    Yên bước lên cầu thang, thoáng rùng mình vì không gian quá ấm áp và tĩnh lặng. Những người dự tiệc hôm nay không có chuyện gì để nói với nhau ư? Cả những chiếc loa nhỏ ở các góc trần nhà nữa, chẳng lẽ người ta không tìm được đĩa nhạc hòa tấu nào để giúp chúng hoạt động? Những thắc mắc của cô nhanh chóng được căn phòng gần như trống trơn ở tầng trên trả lời. Nói gần như trống trơn, bởi bên chiếc bàn duy nhất kê cạnh cửa sổ, có một người đang ngồi trầm ngâm, dáng vẻ mà năm năm nay cô đã quá quen.

    - Sao anh lại ở đây? - Yên không thể ngăn mình thốt ra một câu nghe thật ngốc.

    - Anh chờ em. - Anh đứng dậy, kéo ghế cho cô.

    Yên ngồi xuống đối diện với anh. Trong mắt cô, bóng nước long lanh lay động theo ánh nến. Mãi đến lúc này, những nốt nhạc du dương của một bản tình ca xưa cũ mới vang lên từ chiếc loa nhỏ ở góc trần. “It had to be you, it had to be you. I wandered around, and finally found...” Bữa tiệc độc thân dành riêng cho hai người sắp bắt đầu.
     
  10. lathanhvien

    lathanhvien Lớp 8

    Điểm số


    [​IMG]

    Tác giả: Varda One
    Dịch giả: Hoàng Sơn
    Nguồn: “Hãy can đảm và tốt bụng” – NXB Trẻ​


    Năm 1951, tôi 18 tuổi và làm 1 chuyến đi với vỏn vẹn có 50 đô la. Tôi nhảy lên chiếc xe đò từ LosAngeles tới Berkeley. Giấc mơ của tôi được ngồi vào giảng đường của Berkeley đả thành hiện thực. Học phí cho 1 học kì tôi đả trả. Tiền trọ 1 tháng ở kí túc xá cũng đả trả. Mọi thứ còn lại tôi phải tự lo tiếp. Bố mẹ nghèo túng không thể “cứu trợ” cho tôi.

    Tôi đã tự lập ngay từ lúc 15 tuổi. Hồi đó mỗi trưa đả phải rời lớp về trông trẻ cho đến tận nửa đêm. Suốt những năm trung học và năm đầu ở đại học tôi luôn ước mong mình được tham dự những hoạt động ngoại khóa, nhưng công việc làm thêm không cho phép. Bây giờ, khi được chuyển về Berkeley, tôi hy vọng mình sẽ kiềm được học bổng, để giải thoát khỏi những việc làm thêm này.

    Tuần đầu tiên, tôi tìm được chân chạy bàn, trông trẻ và rửa chén. Như vậy đở được phần nào tiền trọ của tôi. Cuối học kì, tôi đạt điểm B cần thiết để tiến hành xin học bổng. Lúc này tôi chỉ cần đạt thêm một điểm B vào kì thì tới nữa là đủ.

    Tôi không muốn đến Berkeley để học những lớp vớ vẩn. Tôi đến đây là để học được những môn gì đó đáng giá. Tôi tin là mình có thể hơn người trong những môn học khó. Và tôi chọn cho mình một môn học thật hóc búa. Đó là nghiên cứu về văn học.

    Bộ môn này do giáo sư Sears Jayne phụ trách. Ông thường đi đi lại lại trên bục giảng của giảng đường mênh mông, tay vung vẩy cái micro trong lúc giảng bài cho một rừng sinh viên ngồi chật ních các hàng ghế. Không có chép bài ở đây. Thay vào đó, chúng tôi dùng sách, loại bìa mỏng ít tốn và dễ mua.

    Tôi rất hâm mộ những quan điểm mà giáo sư trình bày. Với nhiều sinh viên môn học này chỉ là một môn học bắt buộc, nhưng với tôi, mỗi bữa học quả thực là một bữa tiệc với đầy những món ăn là những ý tưởng kì thú. Các bạn ở trong ký túc xá cũng tham dự lớp học và đề nghị tôi giúp đỡ. Chúng tôi lập thành 1 nhóm học tập mà tôi làm trưởng nhóm.

    Khi tôi làm bài thi đầu tiên của môn này – một bài thi với rất nhiều câu hỏi – tôi nghĩ rằng mình đả làm bài rất tốt. Vậy mà khi nhận lại tập bài thi của mình tôi thật không thể tin nổi: chỉ có 77 điểm và C “cộng”. Tôi thật sự bị sốc, vì văn chương là môn học giỏi nhất của tôi. Đã buồn khổ tôi còn cảm thấy nhục nhã hơn, khi các bạn trong nhóm học tập của tôi – các “đệ tử” của tôi đều nhận được điểm B. Họ đến và cảm ơn tôi vì đả hướng dẫn họ !

    Tôi gặp người trợ giảng. Người này dẫn tôi đến gặp giáo sư Jayne. Ông lắng nghe những lời tranh cãi hăng hái của tôi nhưng quyết định của ông vẫn không chuyển.

    Trước kia, tôi chưa bao giờ hỏi một giáo viên về điểm số của mình. Chưa bao giờ. Lúc này tôi có hỏi thì cũng không phải là để xin xỏ cho học bổng. Mà đơn giản, tôi chỉ muốn công bằng, chứ không phải là lòng thương hại. Trong lòng, tôi luôn tin rằng những câu trả lời trong bài làm của mình xứng đáng được điểm cao hơn.

    Tôi quyết tâm làm nhiều hơn, mặc dầu tôi không biết như thế có ý nghĩa gì vì bài vở ở trường bao lâu này đối với tôi đã quá dễ, không có gì phải cố gắng. Tôi vẫn kiên trì tìm kiếm các việc làm thêm hoặc chùi rửa sàn. Tôi đọc sách kỉ càng hơn. Nhưng mọi nỗ lực của tôi một lần nữa lại chỉ được đền đáp bằng con số 77. Một lần nữa lại C “cộng” cho tôi và B và A cho các bạn cùng nhóm. Và họ lại cảm ơn tôi. Một lần nữa tôi trở lại gặp giáo sư Jayne và chất vấn về tính công bằng của ông khi chấm bài. Một lần nữa giáo sư lắng nghe kiên nhẫn, thảo luận các đề tài với tôi nhưng sau đó vẫn không đổi, tôi vẫn bị điểm C. Giáo sư dường như thích thú những nhận xét của tôi về ý tưởng của ông trong bài giảng, nhưng giấc mơ của tôi về học bổng và những hoạt động ngoại khóa tiêu tan dần.

    Rồi một bài kiểm tra nữa trước khi bước vào kì thi cuối – một cơ hội nữa cho tôi “rửa hận”. Nhưng đó cũng có thể là 1 rào cản mơ hồ không biết chừng. Lần này, chúng tôi sẽ làm bài trên tác phẩm vừa học của tiến sĩ Eliot, The Wasteland. Quyển sách chỉ có ở dạng bìa cứng với ngân sách nhỏ bé của tôi thì quá là đắt.

    Tôi mượn sách từ thư viện. Tuy nhiên, tôi biết mình cũng cần phải có một cuốn riêng để chú giải, ghi chép vào. Năm 1951 chưa có máy photocoppy, cho nên tôi chọn giải pháp hợp lý nhất là lôi cái máy đánh chữ Royal cỗ lỗ trung thành của mình ra và bắt đầu đánh máy hết 420 trang. Vừa chạy bàn, rửa chén vừa dự lớp, vừa trông trẻ, vừa hướng dẫn nhóm học tập, tôi vừa xoay sở để ngốn hết chừng đó trang sách.

    Tôi đã nỗ lực gấp đôi cho bài kiểm tra thứ ba này. Lần đầu tiên, tôi được học nghĩa của từ “hoàn hảo”. Nhưng nỗ lực của tôi dù cao đến mấy vẫn đem lại kết quả hoàn toàn không tốt. Mọi thứ vẫn như cũ, vẫn là 77 điểm và C “cộng”. Tôi đi thẳng tới phòng giáo sư Jayne, lôi tất cả bài làm trước nay của mình ra, và chất vấn về điểm số. Nhìn thấy xấp đánh máy của cuốn The Wosterland giáo sư hỏi “Cái gì kia ?”

    “Em không có tiền để mua sách nên em phải đánh máy lại”. Tôi không nghĩ chuyện đó có gì bất thường. Bởi vì tính tôi là thế, không bao giờ để cái khó bó cái khôn.

    Nhưng trên nét mặt vui vẻ của giáo sư Jayne có cái gì đó thay đổi. Ông im lặng một lúc lâu. Rồi chúng tôi quay lại đề tài tranh cãi muôn thưở đầy hào hứng là các nhà văn thực sự nói gì trong các tác phẩm. Khi rời văn phòng của giáo sư, tôi vẩn chỉ có điểm số 77 – có lẽ đó là con số “xui” của tôi, và nổi nhục rằng một trưởng nhóm thảo luận, người hướng dẫn nhóm học tập như mình mà cuối cùng lại lẹt đẹt thua xa những sinh viên đang chịu ơn mình.

    Cuối cùng, kì thi lớn. Tôi biết, bây giờ dù tôi có nỗ lực đến mấy thì 3 điểm C “cộng” kia vẩn không thể nào xóa đi được. Tôi nghĩ chắc mình hôn tạm biệt vụ xin học bổng đi là vừa. Và có ích gì đâu, tôi đã nhồi toét cả mắt, mà cuối cùng đành quy hàng con số 77.

    Tôi không học bài nữa. Tôi cảm thấy mình thuộc các tác phẩm như chưa bao giờ thuộc vậy. Chẳng phải là tôi đả đọc đi đọc lại những quyển sách đó và cắt nghĩa cho các bạn của tôi sao ? Chẳng phải là những câu chữ của The Wasterland vẫn còn ong ong trong đầu tôi à ? Cho nên đêm trước ngày thi tôi tự thưởng cho mình một vé xem phim.

    Tôi thong thả bước vào giảng đường và quyết định rằng đây chính là dịp để mình biến cuộc thi thành một trò giải trí. Tôi giam các nhà văn mà chúng tôi đả được học lên trên 1 hòn đảo và viết lên giấy một cuộc tranh cãi tưởng tượng giữa họ với nhau về vị trí của mình. Việc làm có vẻ điên khùng này thật thích hợp với tâm trạng “không có gì để mất” của tôi lúc đó. Những dòng chữ tuôn chảy, và chính những gì tôi đã tranh luận với giáo sư Jayne đã khiến cho bài viết được viết ra dễ dàng.

    Một tuần sau, tôi đi chơi ngang văn phòng, tiện tay vào lục trong xấp bài thi tìm bài của mình. Và thật không tin nỗi vào mắt nữa: trên quyển bài thi bìa xanh của tôi là màu mực chấm thi đỏ chói – tôi đã đạt điểm A !

    Tôi vội vã chạy tới phòng giáo sư Jayne. Ông dường như đang đợi tôi mặc dù không có hẹn trước đó. Tôi ngay lập tức công kích ông với 1 sự phẫn nộ thẳng thắn. Tại sao tôi lại chỉ nhận C “cộng” mỗi lần học bài đầu tắt mặt tối, và bây giờ, khi viết 1 bài thi đùa bỡn thì lại được điểm A ?

    “Tôi biết nếu tôi cho em những điểm A mà em hoàn toàn xứng đáng đó, em sẽ không làm việc cật lực nữa”

    Tôi nhìn giáo sư không chớp mắt, nhận ra rằng sự phân tích và chiến lược của ông hoàn toàn đúng. Quả thực tôi đã làm việc đến nổ tung cái đầu – một việc trước nay tôi chưa bao giờ làm.

    Giáo sư đứng dậy và lấy ra từ trên giá sách chật cứng một cuốn sách.

    “Của em”

    Đó là một cuốn The Wasterland, bản bìa cứng. Ở trang lót là dòng chữ đề tặng tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời “lắm mồm” của tôi, tôi không thốt nên lời.

    Tôi lại không thốt nên lời 1 lần nữa khi điếm số của toàn khóa học của tôi được công bố: đó là A “cộng”. Tôi tin rằng đó mới chính là con A “cộng” trời cho.

    Một năm sau, khi đã nhận được học bổng tôi mới có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa:
    Tôi tham gia viết rồi diễn, hát, nhảy múa trong vở nhạc kịch vui nhộn độc đáo do Hội sinh viên dàn dựng. Vở kịch được diễn nhiều lần có khi trong 1 nhà hát thuộc loại lớn nhất; có lúc trong những căn nhà mà khán giả chỉ có thể đứng coi.

    Tôi viết phê bình sân khấu cho tờ Daily Cat – 1 tờ báo ngày của sinh viên.

    Tôi viết kịch một màn – một trong những vở kịch đầu tiên của nhà hát thuộc trường đại học.

    Tôi diễn trong những vở kịch của khoa kịch nghệ dàn dựng.

    Những tia lửa sáng tạo được hun đúc từ những chồng đĩa tôi rửa, từ những đống tả tôi giặt, từ những công việc cực nhọc… đã bừng cháy lên. Tôi không còn nhớ nhiều những gì mình đã học ở trường vào những năm xa xưa ấy nhưng tôi không bao giờ quên niềm vui khi viết và khi diễn kịch.

    Và tôi luôn nhớ đến bài học của giáo sư Jayne: Hãy biết rằng bạn vẫn còn chưa khui hết năng lực ở trong bạn. Rằng bạn phải dùng chúng, ngay cả khi bạn có được chúng mà không cần phải nỗ lực. Rằng chính bạn và chỉ có bạn mới định được một tiêu chuẩn thế nào là xuất sắc cho mình.
     
  11. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    The lady or the tiger

    THE LADY OR THE TIGER


    51NCH1Tc4qL._SY344_BO1,204,203,200_.jpg



    Tác giả: Frank Richard Stockton.
    Người dịch: Ngân Xuyên
    Nguồn: tuoitre.vn




    Truyện ngắn này của nhà văn Mỹ F. Stockton (1834 - 1902) in lần đầu năm 1882 và đã được đưa vào nhiều tuyển tập truyện tiếng Anh. Nó được coi như một kiệt tác về nghệ thuật viết truyện ngắn, xây dựng cốt truyện và phân tích tâm lý. Thể loại truyện này được gọi là fantasy. Tên truyện The lady or the tiger đã đi vào tiếng Anh như một thành ngữ chỉ một vấn đề nan giải.

    Mời các bạn cùng thưởng thức




    Ngày xửa ngày xưa có một ông vua bán khai, đầu óc ông ta tuy đã có phần trở nên tinh tế và sắc bén nhờ sự tiến bộ của những lân bang Latin xa xôi dội đến, nhưng đó vẫn là một đầu óc phóng túng, bóng bẩy vì nửa con người ông là nguyên chất bán khai. Nhà vua có một trí tưởng tượng mãnh liệt, thêm vào đó là một quyền lực kiên trì đến mức nếu muốn ông có thể biến trò chơi thay đổi khôn lường của trí tưởng tượng vốn rất dồi dào nơi ông thành hiện thực. Nhưng ông lại có thiên hướng phân tích các hành động của mình, và một khi đã thuyết phục được bản thân thì không có gì ngăn cản được ông đẩy sự việc đến cùng. Nếu mọi thành viên trong các hệ thống gia đình và chính trị của ông vận hành theo đúng quỹ đạo đã vạch thì ông là người ôn tồn và tốt bụng; nhưng hễ có một trục trặc nhỏ và một vài hành tinh của ông đi lạc quỹ đạo thì ông lại càng ôn tồn và tốt bụng hơn. Bởi vì không có gì làm ông vui sướng bằng được thể hiện khả năng uốn thẳng những chỗ cong, san phẳng những chỗ gồ ghề.

    Trong số các ý niệm vay mượn làm tính man rợ của ông bớt đi một nửa, có ý niệm dựng lên một vũ đài công cộng cho người và thú quyết đấu, qua đó nhằm thuần thục và cải tạo tâm hồn của các thần dân.

    Nhưng chính tại đó trí tưởng tượng sôi sục, man rợ lại bộc lộ mạnh nhất. Vũ đài của nhà vua được dựng lên không phải để cho nhân dân có cơ hội nghe thấy những sự thống khoái của các đấu sĩ đang hấp hối, cũng không phải để họ tận mắt thấy cái kết thúc tất yếu của sự xung đột giữa đức tin tôn giáo và cái bụng đói, mà nhằm mục đích tạo ra một nơi thật thích hợp cho việc đề cao năng lượng trí tuệ của nhân dân. Đấu trường rộng lớn với những hành lang bao quanh, những hầm ngầm bí ẩn, những lối đi không ai nhìn thấy, là nơi thưởng phạt công minh, ở đó tội ác bị trừng phạt hoặc đức hạnh được ban thưởng theo sự phán quyết của một cơ may vô tư và liêm khiết.

    Khi một thần dân nào đấy bị kết án phạm vào một tội đủ khiến đức vua tò mò thì một thông báo sẽ được phát ra rằng vào ngày đã định số phận của kẻ có tội sẽ được giải quyết tại đấu trường của nhà vua, một tòa công trình rất xứng với tên gọi này, bởi vì dù cho hình thức và thiết kế của nó là vay mượn từ phương xa, nhưng mục đích của nó hoàn toàn là từ đầu óc của con người này mà ra. Ông ta không coi trọng một truyền thống nào lớn hơn trí tưởng tượng của mình và đã đem cấy ghép vào mọi dạng tư duy và hành động thông thường của con người vô vàn những lý tưởng bán khai của mình.

    Khi mọi người đã tụ tập trong các hành lang và đức vua được các triều thần hộ tống đã ngồi vào ngai vị, ông bèn ra hiệu, một cánh cửa phía dưới chỗ ông ngồi mở ra, kẻ bị kết tội bước ra vũ đài. Đối diện thẳng với hắn, ở phía bên kia của khoảng không gian khép kín, có hai cánh cửa giống hệt nhau nằm sát cạnh nhau. Kẻ tử tội có bổn phận và đặc ân là phải đi đến chỗ hai cánh cửa đó và mở ra một cánh. Hắn muốn mở cửa nào cũng được; hắn không phải chịu sự chỉ đạo hay tác động nào, ngoài sự phán quyết vô tư và liêm khiết đã nói trên. Nếu hắn mở một cửa, từ đấy một con hổ đói hung dữ và độc ác nhất trần đời sẽ lập tức nhào ra, nhảy bổ vào hắn, xé xác hắn ra làm trăm mảnh để trừng phạt tội lỗi của hắn. Khi số phận của kẻ tội phạm đã được kết liễu như vậy xong, những quả chuông sắt sẽ kêu rền rĩ, các bức tường vọng lại âm u tiếng kêu la của lũ người khóc mướn ngồi ở rìa phía ngoài vũ đài, còn đám đông người xem thì cúi đầu buồn bã chậm chạp lê bước về nhà, lòng đầy xót thương cho một người trai trẻ hay một bậc tôn kính đã chẳng may phải chịu một số phận thảm khốc đến thế.

    Nhưng nếu kẻ tử tội mở cánh cửa khác thì từ đó sẽ bước ra một cô nương mà xét về tuổi tác và địa vị xã hội thì là người xứng đôi vừa lứa với hắn nhất so với tất cả phụ nữ mà quốc vương có thể lựa chọn, và với cô gái như một phần thưởng cho sự vô tội đó, người ta lập tức làm lễ cưới cho hắn. Dù hắn đã có vợ con hay đã đem lòng thương nhớ ai cũng mặc: đức vua không cho phép những chuyện lặt vặt như thế xen ngang vào kế hoạch thưởng phạt uy nghiêm của ông ta đã vạch ra. Cũng như trong trường hợp kia, mọi chuyện lúc này tức khắc được thực hiện trên vũ đài. Dưới ngai vị của đức vua lại có một cánh cửa nữa được mở ra, thầy tư tế bước ra cùng dàn đồng ca và đoàn nhảy múa do một vũ sư dẫn đầu trong tiếng nhạc vang lừng của đội kèn vàng; tất cả những người này cùng bước đến chỗ cặp vợ chồng mới đang kề vai sát cánh bên nhau và nghi lễ đám cưới diễn ra nhanh chóng và tưng bừng. Khi đó những tiếng chuông vui vẻ thong thả ngân vang, dân chúng hân hoan hô to lời chào mừng, kẻ vô tội dẫn cô dâu về nhà mình, đi trước là một đám trẻ rắc hoa đầy đường.

    Phương thức bán khai để thực thi công lý của ông vua này là như vậy. Sự công bằng hoàn hảo ở đây là hiển nhiên. Kẻ tử tội không thể biết cô dâu ở bên cửa nào và tùy ý mở một cửa mà không mảy may hình dung được là trong giây lát mình sẽ bị xé xác hay được làm lễ cưới. Đôi khi con hổ bước ra từ cửa này, đôi khi từ cửa khác. Cách giải quyết của pháp đình này không những công bằng mà còn dứt khoát: nếu kẻ bị buộc tội xác định là mình có tội thì tức khắc sẽ bị trừng phạt; còn nếu chứng tỏ mình vô tội thì vẫn nguyên tại chỗ hắn được ban thưởng, dù hắn có thích phần thưởng đó hay không. Không có cách gì tránh được phán quyết của vũ đài nhà vua.

    Thiết định này hết sức được ưa chuộng. Khi dân chúng tụ về ngày xử án, không một ai biết sẽ được chứng kiến một cảnh tượng đổ máu rùng rợn hay một đám cưới vui vẻ. Yếu tố bất định làm cho nghi lễ thêm phần hấp dẫn, điều không có được trong trường hợp ngược lại. Như vậy, dân chúng thì được vui thích và dễ chịu, còn bộ phận có học của xã hội thì không thể buộc tội thiết định đó là bất công được, bởi vì chẳng phải là kẻ tội phạm nắm toàn bộ vận mệnh mình trong tay đó sao?

    Ông vua bán khai có một cô con gái với vẻ đẹp mãn khai rực rỡ như đầu óc tưởng tượng muôn màu của ông, với một tâm hồn nồng nàn và quyền uy như chính ông. Giống như trong mọi trường hợp thế này, nhà vua say đắm con mình hơn mọi thứ trên đời. Trong số các triều thần của ông có một chàng trai mà dòng máu thanh cao và địa vị thấp hèn đã đặt chàng vào cùng hàng với các nhân vật lãng mạn truyền thống đem lòng yêu con gái nhà vua. Nàng công chúa hoàn toàn bằng lòng với ý trung nhân của mình, bởi sắc đẹp và lòng dũng cảm của chàng vượt hơn tất cả những người khác trong vương quốc, nàng yêu chàng hừng hực, với tất cả sự nóng bỏng và mạnh mẽ nàng có được nhờ dòng máu bán khai mang trong mình. Mối tình hạnh phúc của họ kéo dài nhiều tháng cho đến khi bị nhà vua phát giác. Ông không chần chừ, do dự trước việc phải làm. Chàng trai bị tống ngay vào ngục; ngày thử thách chàng trên đấu trường được ấn định. Tất nhiên đây là một trường hợp quan trọng, đặc biệt nên cả đức vua và toàn thể dân chúng đều náo nức quan tâm theo dõi vụ này. Chưa từng bao giờ có chuyện như vậy xảy ra cả; hàng bao đời nay chưa hề có một thần dân nào lại dám cả gan yêu con gái vua. Về sau này những chuyện như thế trở thành bình thường, nhưng thời đó nó là chuyện mới mẻ, đáng kinh ngạc.

    Người ta lục soát khắp các chuồng thú của cả vương quốc để tìm kiếm những con thú man dại, độc ác nhất, từ đó chọn ra một con thích hợp nhất cho cảnh tượng rùng rợn sắp xảy ra; người ta kiểm tra, thử thách tài trí nhiều cô gái đẹp để chàng trai được nhận cô dâu xứng đáng nếu như số phận mỉm cười với chàng. Cố nhiên tất cả đều biết rằng chàng trai bị buộc tội là không oan. Chàng đã yêu công chúa, và cả chàng cả nàng hay một ai đó khác cũng không có ý chối bỏ sự thật đó, nhưng nhà vua cũng không có ý định can thiệp vào tiến trình xử phạt vốn làm ông thỏa mãn và thích thú cao độ. Dù kết cục là thế nào chăng nữa, chàng trai vẫn phải lên vũ đài, còn nhà vua thì được hưởng sự thỏa mãn thẩm mỹ khi ngồi theo dõi diễn biến quá trình xác định xem liệu chàng trai có phạm tội hay không trong việc tự ý yêu công chúa.

    Ngày xét xử đã đến. Mọi người xa gần nô nức kéo đến, ngồi chật các hành lang vũ đài, còn đám đông không chen vào được thì tụ tập quanh các bức tường phía ngoài. Đức vua và các triều thần ngồi vào các chỗ của mình, đối diện với hai cánh cửa kép, hai cánh cổng định mệnh, giống hệt nhau khủng khiếp.

    Tất cả đã sẵn sàng. Hiệu lệnh được ban ra. Cánh cửa phía dưới chỗ nhà vua ngồi mở rộng, chàng trai ý trung nhân của công chúa bước ra vũ đài. Chàng trai cao lớn, đẹp đẽ, tóc sáng được chào đón bằng những tiếng hò la đầy thán phục và lo âu. Một nửa số khán giả không biết sống giữa họ lại có một chàng trai hào hoa đến vậy. Công chúa yêu chàng là phải. Thật khủng khiếp là chàng phải đứng ở đây!

    Khi tiến vào vũ đài chàng trai quay người lại cúi chào nhà vua, theo đúng tục lệ, nhưng chàng không hề nghĩ đến bậc chí tôn đó. Cặp mắt chàng nhìn xoáy vào nàng công chúa đang ngồi bên phải vua cha. Nếu như không phải bản tính còn mang nửa phần hoang dại thì có lẽ nàng đã không đến đây; nhưng tâm hồn đam mê, cháy bỏng không cho phép nàng bỏ qua sự kiện khiến nàng rất đỗi quan tâm này. Sau khi biết sắc lệnh của vua cha tuyên phạt người yêu của nàng trên đấu trường, suốt đêm ngày nàng không nghĩ gì khác ngoài sự kiện trọng đại đó và nhiều chuyện liên quan đến nó. Vốn có một quyền lực to lớn, một uy tín rộng rãi, một tính cách mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, nàng đã làm được một việc không ai làm được: biết bí mật các cánh cửa. Nàng biết phía sau cửa nào là chuồng hổ, còn phía sau cửa nào là cô dâu. Hai tấm cửa dày, bên trong lại phủ kín bằng những bộ da lông thú, không để cho một âm thanh, tín hiệu nào lọt được ra ngoài, vang được đến tai người đang bước tới gần nâng chốt cửa lên. Nhưng vàng bạc và sức mạnh của ý chí phụ nữ đã tiết lộ cho công chúa điều bí mật.

    Và nàng không chỉ biết cánh cửa nào che giấu cô dâu ửng hồng tươi tắn sẵn sàng bước ra ngoài khi cửa được mở mà nàng còn biết cô gái đó là ai. Để ban thưởng cho kẻ tử tội, nếu chàng chứng tỏ được mình vô tội, người ta đã chọn một trong những cô gái xinh đẹp và quyến rũ nhất trong triều, và nàng căm ghét cô ta. Nàng thường nhận thấy, hay là nghĩ rằng nhận thấy, cô gái xinh xắn đó nhìn người tình của nàng bằng ánh mắt thán phục, đôi khi nàng phải cam chịu thừa nhận là dường như những cái nhìn đó không phải không được đáp lại. Thi thoảng nàng thấy họ có trò chuyện với nhau dù chỉ là thoáng chốc, nhưng một khoảng thời gian ngắn ngủi cũng có thể nói được nhiều điều; có thể họ chỉ nói chuyện vặt thôi, nhưng làm sao nàng biết được? Cô gái trông hấp dẫn, nhưng cô ta đã dám ngước mắt nhìn người tình của công chúa; và với toàn bộ dòng máu hoang dại thừa hưởng từ vô số các tổ tiên thời còn mông muội, công chúa căm tức người con gái giờ đây đang run rẩy và ửng hồng ở phía sau cánh cửa đóng chặt im lìm.

    Khi chàng trai quay lại nhìn nàng công chúa đang ngồi nhợt nhạt tái xanh hơn ai hết giữa cả biển người hồi hộp căng thẳng, hai luồng mắt của họ gặp nhau, và chàng thấy - nhờ một chớp lóe trong đầu óc mà chỉ những ai hòa quyện tâm hồn với nhau mới có được - nàng biết con hổ ở cửa nào, cô dâu ở cửa nào. Chàng nghĩ là nàng biết điều đó. Chàng hiểu tính cách của nàng, tâm hồn chàng tin chắc rằng công chúa sẽ không yên chừng nào chưa biết rõ điều này, cái điều mà tất thảy mọi người ngồi trên vũ đài, thậm chí nhà vua, đều không biết. Điều duy nhất chàng trai có thể hi vọng là công chúa biết được điều bí mật đó; và khi đưa mắt nhìn nàng, chàng hiểu là nàng đã biết được nó, y như trong tâm hồn mình chàng từng biết là nàng đã biết được nó.

    Và khi đó cái nhìn tinh nhanh, khắc khoải của chàng đặt ra câu hỏi: “Cửa nào?”. Nó vọng đến chỗ nàng như thể chàng hét to lên từ chỗ chàng đang đứng. Không thể bỏ lỡ khoảnh khắc. Câu hỏi được hỏi bằng tia mắt; nó phải được đáp lại bằng cách khác.

    Cánh tay phải của nàng đang đặt lên hàng lan can phủ nệm trước mặt. Nàng giơ tay, làm một cử động nhẹ rất nhanh về phía phải. Không ai ngoài chàng nhìn về nàng. Mọi người đều đang đổ dồn mắt vào con người trên vũ đài.

    Chàng quay lại và bằng những bước đi rắn chắc, nhanh nhẹn chàng băng qua khoảng không gian trống trải. Từng trái tim thắt lại, từng hơi thở phập phồng, từng ánh mắt hút vào chàng. Không hề do dự, chàng bước lại cánh cửa bên phải và mở nó ra.

    Bây giờ, mấu chốt câu truyện là đây: ai sẽ bước ra ngoài - con hổ hay cô dâu?

    Bạn càng suy nghĩ về câu hỏi này càng thấy khó trả lời. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu trái tim con người là cái luôn cuốn chúng ta vào những mê cung rắc rối của những đam mê mà không dễ tìm lối ra. Hãy suy nghĩ chuyện này đi, bạn đọc thân mến, chỉ có điều là giải pháp ở đây không tùy thuộc vào bạn, mà vào nàng công chúa bán khai hừng hực lửa tình, tâm hồn nàng đã bị nung đến cháy đỏ bởi ngọn lửa tuyệt vọng và ngọn lửa ghen tuông. Nàng đã mất chàng, nhưng ai sẽ được chàng đây?
    Thường thường, lúc mơ cũng như lúc tỉnh, nàng run lên vì khủng khiếp và lấy tay che mặt mỗi khi nghĩ đến việc người tình của nàng mở cánh cửa nhốt con hổ đói dữ tợn ở trong.

    Nhưng thường nàng thấy chàng ở bên cánh cửa khác nhiều hơn! Nàng nghiến răng giật tóc trong những cơn mơ cay đắng thấy chàng run lên mừng rỡ khi mở cánh cửa có cô dâu. Tâm hồn nàng xiết bao đau khổ khi thấy chàng lao đến gặp cô gái có đôi má ửng hồng, cặp mắt long lanh vui sướng vì số phận may mắn của mình; khi nàng thấy chàng dẫn cô gái bước ra, thân thể chàng tràn đầy niềm vui được sống lại; khi nàng nghe những tiếng hò reo hân hoan của đám đông, những tiếng chuông mừng rung vang cuồng nhiệt; khi nàng thấy thầy tư tế cùng đoàn hộ giá tưng bừng bước lại gần đôi trai gái tuyên bố họ là chồng là vợ ngay trước mặt nàng; và khi nàng thấy hai người sánh bước bên nhau trên con đường rải đầy hoa, trong tiếng reo hò vang dội của đám đông nhấn chìm nỗi tuyệt vọng cô đơn của nàng!

    Giá như chàng chết ngay đi và đợi nàng ở những miền cực lạc của cuộc sống bán khai ở thế giới bên kia có phải tốt hơn không?

    Nhưng con hổ dữ tợn, những tiếng gào rú, máu chảy xương rơi!

    Để trả lời người tình nàng chỉ cần một giây, nhưng quyết định của nàng đã được đưa ra sau nhiều ngày đêm suy tính trong đau khổ. Nàng biết là nàng sẽ được hỏi, nàng đã quyết định câu trả lời cần thiết, và không mảy may do dự nàng đã khẽ cử động tay phải.

    Câu hỏi về quyết định của nàng công chúa là câu hỏi không thể xem xét qua loa được, và tôi không có quyền tự nhận mình là người duy nhất có khả năng trả lời được nó. Vì thế tôi xin dành cho các bạn quyền trả lời: ai sẽ bước ra vũ đài - cô dâu hay con hổ?


    HẾT
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/12/13
  12. lichan

    lichan Lớp 12

    Anh Có Yêu Em Không?
    ( Trích " Xoá Hết Dấu Vết Trước Khi Về Nhà " Tác Giả Đức Long )

    View attachment 11314

    Kể từ khi biết yêu , bạn đã hỏi chàng trai của bạn bao nhiêu lần câu hỏi này?
    Bạn nhớ không xuể, xin chuyển sang câu chuyện tiếp theo
    Anh ấy trả lời :Có / Anh mãi yêu em / Em là người em yêu duy nhất trên đời / Em là tình yêu duy nhất của anh / Sao em lại hỏi thế? / Anh yêu em mà, lần sau đừng hỏi anh như vậy nữa /.....
    Nếu câu trả lời nào ở trên cũng khiến bạn thoả mãn ,bạn sẽ hỏi tiếp câu này : Anh yêu em như thế nào?
    Ngược lại ,bạn dỗi : Anh chẳng nghĩ ra câu trả lời nào đỡ nhạt hơn thế ư?vHay anh hết yêu em rồi?
    Thôi, tôi sẽ dừng hoạt cảnh này ở đây. Vì chúng ta sẽ chẳng thể nào đủ thời gian đi tiếp chuỗi câu hỏi dạng follow-up mà phụ nữ các bạn là bậc thầy , và báo thì không đủ giấy mực.
    Hơn nữa,nói thêm có thể sẽ khiến các bạn đọc nam ( đọc ké vợ/bồ/người yêu) phát bực.Họ đã nghĩ rằng sẽ thoát thân khỏi cuộc tra tấn khủng khiếp này ngoài đời bằng cách giải trí với một cuốn sách vui vẻ.hy vọng sẽ thấy toàn hoa hồng thơm ngát ở đây . Ai dè lại phải hồi tưởng lại những cuộc hỏi cung liên tu bất tận thế này ,quá là bi kịch,quá là "no country for ...any men".

    Nhưng,"Anh có yêu em không?",vì sao bạn thích hỏi anh ấy câu này thế?
    Theo tôi thấy ,phần nhiều là do phụ nữ tò mò.
    Tò mò đương nhiên không phải là chuyện tốt. Nhưng phụ nữ thường bao biện cho việc này bằng nhiều lý do hết sức ...phụ nữ. Đàn ông nghe xong vẫn còn tức giận thì xứng đáng mặc váy,còn phụ nữ hơn cả phụ nữ.

    Anh có yêu em không?
    Tôi nghe câu này 18 lần trong tuần này. Đến lần thứ 18,tôi bắt đầu bực thật sự.
    Tôi bắn tin lên facebook của cô ấy: "Chiều xong việc anh qua đón. Anh có chuyện muốn nói."
    Trong vòng 3 phút ,có 112 người vào thích điều này,8 người vào comment kiểu :"Sao vậy?" ,"Take care nha","Bình tĩnh,bình tĩnh", riêng cô ấy nhấn phím gõ hai chữ nặng như chì:"OK".

    OK cái khỉ mốc! Có bao giờ phụ nữ chịu được cả một buổi chiều thê thảm chờ đến hết giờ để nghe cái "chuyện muốn nói " (có vẻ rất rất nghiêm trọng) không?. Nếu bạn gặp được nàng nào như vậy , làm ơn giới thiệu cho tôi gấp!
    Cùng lắm là 10 phút,tôi nhận được tin nhắn đầu tiên của cô ấy:" Anh có chuyện gì đấy? Nói luôn cho em đi!"
    Không đời nào! Tôi nhắn lại:"Cứ để chiều đi,giờ anh đang bận lắm,nói không tiện."
    Cô ấy:"OK"
    Lại cô ấy:"Thật ra là có chuyện gì vậy anh?"
    Tôi:"Không có gì nghiêm trọng đâu."
    Cô ấy:"OK"
    Lại cô ấy:"Anh à,nói em nghe luôn đi"
    Tôi:"Cứ để chiều đi"
    Cô ấy :"OK"
    Lại cô ấy :Em cần biết anh định nói gì với em chuyện gì?"
    ....,,
    Tôi nhân nhượng,Dãu sao tôi cũng là đàn ông, và tôi chẳng hứng thú gì với việc mặc váy như mấy ông Scotland, nhìn đã thấy cong veo.
    Vì thế ,tôi đón cô ấy đi ăn trưa. Tôi không nói gì. Cô ấy cũng im lặng suốt quãng đường,đương nhiên là hồi hộp.
    Vừa ngồi xuống bàn ăn, cô ấy đã hoàn toàn mất kiên nhẫn."Anh muốn nói gì với em?"
    "Anh chỉ muốn biết tại sao em cứ hỏi anh: Anh có yêu em không?"
    "Trời! Làm em cứ tưởng...Em thích hỏi thế. Mỗi lần em hỏi ,anh trả lời em. Yêu thì bảo yêu, không thì bảo không,hết rồi thì khỏi nhắn trả lời nữa..."
    "Em đã hỏi anh đến 18 lần ,anh cũng đã trả lời 17 lần là có. Thế mà vẫn có câu hỏi thứ 18"
    "Anh không trả lời, ý anh là gì?
    "Không có ý gì, chỉ là anh chán chẳng muốn trả lời nữa. Em biết thừa câu trả lời là có rồi thì anh nhắn làm gì?"
    "Em chẳng biết gì sất. 17 lần có, 1 lần không vẫn là không. Lần sau anh đừng tiếc cái tin nhắn. Em không thích một đống người vào like cái anh post lên facebook của em như vậy. Cộng hết các thứ vào, lúc ấy em hơi hoảng."
    "Chung quy anh vẫn không hiểu. Em truy vấn anh như thể anh không yêu em, không đáng tin, đang dối trá vậy."
    "Anh cứ trả lời em không được sao? Anh cần gì phải hiểu."
    "Anh cũng không có ý đồ tìm hiểu đâu. Anh chỉ là cảm thấy tò mò"
    "Em cũng là tò mò, muốn biết anh nghĩ gì lúc ấy. Tò mò là đậc quyền của phụ nữ . Anh thì không nên thế, trừ khi..."

    Trừ khi anh cũng có ít nhiều nữ tính . Trừ khi anh bị đàn bà hoá. Trừ khi anh đang trên đường đi vào cái thế giới bảy sắc cầy vồng lung la lung linh. Tôi biết mình dại rồi ,nên không nói gì thêm. Không nên dại thêm.


     
  13. lichan

    lichan Lớp 12

    Cạo Gió Mùa Xuân

    Tác Giả : Dương Thuỵ
    ( Trích Cáo Già, Gái Già và Tiểu Thuyết Diễm Tình )


    View attachment 11345

    Mùa đông, trời Paris xám xịt, mưa rào rơi rét mướt, những cơn gió từ phương Bắc thi thoảng lại thốc về làm Lệ run lẩy bẩy. Cô cố gắng tự động viên mình sắp đến nhà rồi bám chặt gót xuống nền vỉa hè trơn trợt. Chưa bao giờ Lệ thấy nhớ Việt Nam như thế này. Đã đến nơi, Lệ vui mừng lên cầu thang chạy gấp về phòng mình. Cô lục túi áo khoát tìm chìa khóa và sửng sốt nhận ra nó đã biến mất. Lệ thấy cuộc đời thật tồi tệ, cô ngồi bệch xuống sàn nhà rồi ôm mặt khóc như điên. “Này! Có chuyện gì à? - Một giọng nói vang lên – Cô có ổn không?”.
    Lệ ngẩng mặt lên nhìn, một anh chàng da trắng cao lớn đến phải hơn một mét chín có bộ râu quai nón đang ái ngại nhìn cô. Lệ không biết anh ta, chắc là hàng xóm chung tầng lầu nhưng ở đây không ai chào hỏi nhau, không ai bắt chuyện làm quen và càng không có chút quan tâm nào.
    Lệ nức nở:
    - Tôi làm mất chìa khóa rồi! Giờ này làm sao gọi được thợ sửa khóa?
    - Thôi! Vào phòng tôi nghỉ tạm đi, nếu cô không ngại - người hàng xóm rụt rè đề nghị - Tôi tên Jean Marc.
    - Cảm ơn anh, tôi mệt muốn chết rồi đây! - Lệ vui mừng đứng dậy theo người lạ vào phòng riêng.
    Cô nhanh chóng cởi bỏ chiếc áo khoác ướt sũng rồi lúng túng không biết phải thay đồ gì. Lúc này cô chỉ muốn lăn ra giường rồi thì mặc kệ sự đời ra sao thì ra nên khi người hàng xóm đưa bộ pyjama của anh ra, cô không ngần ngại vào phòng tắm thay vào rồi trở ra cười méo xệch vì bộ đồ quá khổ dài lệt phệt. Có lẽ nhìn Lệ tái mét muốn xỉu đến nơi nên Jean Marc bảo cô lên giường anh ta nằm. Không quan tâm đến chủ nhà sẽ nằm đâu và bản thân mình có an toàn không khi dám lên giường người lạ, Lệ ngoan ngoãn chui vào chăn rồi nhắm nghiền mắt lại. Trong cơn mê đầy mệt mỏi cô thấy mình đang về Sài Gòn, nắng vàng rực rỡ nhưng sao vẫn rét run như mùa đông Paris. “Cô gái! Cô gái! - Giọng Jean Marc vang lên. Cô ngồi dậy uống chút sữa nóng cho ấm. Có lẽ cô bị cảm lạnh rồi.”
    Lệ tỉnh dậy, cô thấy quả thật mình đã ốm và người đàn ông có râu quai nón cùng ánh mắt dịu dàng lẫn lo âu ngồi nhìn cô với ly sữa bốc khói trên tay. Sau khi uống cạn ly sữa và nuốt những viên thuốc anh ta đưa, Lệ vẫn thấy lạnh run không thể nào kềm chế được hai hàm răng va vào nhau lộp cộp. Jean Marc lại cho cô uống rượu mạnh với hy vọng cơ thể ấm dần lên.
    - Cô bệnh nặng quá rồi, tôi gọi bác sĩ nhé!
    - Thôi thôi, tôi không sao! - Lệ thấy đã tỉnh người hơn, cô ngại cho chi phí bác sĩ đến tận nhà sẽ ngốn hết cả tháng lương làm thêm vất vả của mình – Lúc này nếu có ai biết “cạo gió” tôi sẽ hết ớn lạnh.
    - Cái gì?
    Lệ bảo Jean Marc lục trong túi lấy chai dầu gió kim nhỏ tẹo rồi lấy cán muỗng miết vào da lưng cho đến khi nào thấy những lằn đỏ xuất hiện thì cô sẽ ấm dần lên.

    - o O o -


    Lệ thức dậy sau một giấc ngủ dài mệt mỏi. Cô nhìn đồng hồ rồi hốt hoảng nhận ra mình đã ngủ trọn mười hai tiếng đồng hồ. Chủ nhà chắc đã đi làm. Lệ tự động nấu nước, pha trà rồi mở tủ tìm mứt phết vào bánh mì để trên bàn. Cô nghĩ hẳn Jean Marc đã đi mua bánh mì nóng vào sáng nay. Căn bếp nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp cho thấy chủ nhà là người nghiêm túc và giản dị. Lệ giờ mới có thời gian nhìn khắp căn hộ vị ân nhân của mình. Anh ta có một dàn máy vi tính hiện đại với đầy đủ các thiết bị chuyên nghiệp. Căn phòng được bài trí hài hòa, đơn giản nhưng ấm cúng. Cô cảm thấy ngán ngẩm khi nghĩ đến căn phòng của mình thật bầy hầy, mất trật tự và lạnh lẽo làm sao.
    Chuông điện thoại vang lên làm Lệ giật bắn mình. Cô không dám bắt điện thoại và vì thế chuông cứ đổ từng hồi rồi tắt và cứ thế lại tiếp tục reo đến ba lần. Khi chuông điện thoại không làm thần kinh Lệ căng thẳng nữa, cô leo lên giường tiếp tục ngủ thì cửa phòng đột ngột mở ra và Jean Marc lao vào như một tia chớp làm cô giật mình kinh hãi hét toáng lên.
    - Tôi đây! Cô không sao chứ? Sao cô không bắt điện thoại? Tôi lo cho cô quá nên gọi về xem cô thế nào rồi.
    - Anh lo cho tôi sao? - Lệ rưng rưng – Sao anh tốt với tôi quá!
    - Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng thế thôi – Jean Marc cười gãi đầu.
    Lệ thút thít:
    - Không đâu! Một năm nay ở Paris, tôi chẳng được ai quan tâm cả. nếu biết có hàng xóm tốt bụng như vậy tôi đã làm quen lâu rồi. Anh là người tử tế nhất Paris. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm!
    Jean Marc cười hiền lành, mặt anh ta hồng lên vì thẹn. Lệ không để ý đến và kịp đề nghị tiếp: “Anh cho tôi ở lại đến chiều nhé! Giờ này mà ra đường tìm thợ sửa khóa chắc tôi ốm mất.”

    - o O o -


    Sau này cả hai gọi đùa sự kiện “mất chìa khóa” của Lệ là “trò bịp” của cô để tiếp cận đối phương. Thật ra chìa khóa không mất mà lọt vào lớp vải lót bên trong vì áo khoát của cô quá cũ kỹ. Khi ra về Lệ mới phát hiện chìa khóa kêu leng keng và nhận ra tối hôm trước do quá mất bình tĩnh cô đã không chịu tìm cho kỹ. Từ hôm đó, Lệ thường xuyên dọn dẹp phòng mình ngăn nắp và bài trí sinh động hơn. Cô cũng chịu khó đi chợ nấu những món Việt Nam rồi mới Jean Marc sang cùng thưởng thức. Anh rất thích món ăn Việt Nam và bảo cô dạy cho nấu. Hai người thường rủ nhau vào quận Mười Ba đi chợ tàu rồi cùng bày ra nấu nướng rất xôm tụ. Lệ thấy mình khỏe hơn, xinh ra và rất yêu đời. Cô cũng muốn “yêu người” nhưng dường nhưng người còn hơi e dè.
    Jean Marc ba mươi ba tuổi, là kỹ sư vi tính, người vùng Bretagne lên Paris làm việc. Dù có bộ râu quai nón nhưng trông anh hiền lành, rụt rè và hay che giấu cảm xúc. Jean Marc rất gắn bó với gia đình nên cuối tuần hay quay về Bretagne thăm cha mẹ. Những ngày đó Lệ thấy dài lê thê và rất ghét cảm giác cô đơn. Chiều chủ nhật nào anh quay lại Paris cô cũng vui mừng làm một buổi tiệc nhỏ rồi hai người cùng đi dạo công viên gần nhà. Có lần cô rụt rè đề nghị cùng về Bretagne với Jean Marc bởi cô chưa được đến vùng này, nhưng anh ngần ngại từ chối. Anh nói do khá lớn tuổi nên mọi người trong gia đình rất quan tâm đến việc có bạn gái và lập gia đình của mình. Nếu dẫn Lệ về mọi người có thể sẽ hiểu lầm. Cô buồn rầu nhận ra có thể sống độc thân là con đường anh chọn lựa như phần lớn giới trẻ ngày nay ở Pháp, cũng có thể Lệ chưa phải là một nửa của anh. Cô quyết định học hết bằng thạc sĩ sẽ về Việt Nam, cô không còn sức leo lên tiến sĩ làm gì. Như thế, chỉ còn sáu tháng nữa cô sẽ rời Paris, nơi cô luôn chán ghét dù nhiều người ao ước được một lần đến”kinh thành ánh sáng”.
    Khi Lệ thông báo với Jean Marc cô đã bỏ ý định học lên tiến sĩ và sẽ sớm về Việt Nam khi kết thúc khóa Cao học, anh có vẻ buồn. Lệ cay đắng nghĩ anh cũng chỉ xem cô là một người bạn giữa chốn Paris lạnh lùng tình người này. Đôi lần cô bắt gặp anh nhìn trộm mình với ánh mắt yêu thương và chỉ có thế. Lệ thường tự chế giễu mình trước kia cứ nghĩ Tây rất bạo dạn trong quan hệ yêu đương, họ sẽ lao vào nhau ngay trong những phút đầu mới quen rồi cùng nhau sống thử. Thế nhưng Jean Marc lại là người rất nghiêm túc dù biết rằng cô đang trông chờ. Đôi khi thảo luận về vấn đề sống thử trước hôn nhân, Jean Marc cho biết gia đình anh theo đạo Công giáo, bản thân anh cũng rất ngoan đạo và tin vào sự bền vững của hôn nhân nên không thích những cuộc phiêu lưu tình cảm như phần đông giới trẻ phương Tây ngày nay. Sau mỗi buổi tối cùng ăn chung, họ hôn má chào nhau, chúc “ngủ ngon” rồi ai về phòng nấy.
    Ngày về Việt Nam của Lệ đã rất gần, cô chuẩn bị thủ tục mua vé máy bay, sắp xếp hành lý. Paris đã vào hè, những ngày đông rét mướt dạo mới quen Jean Marc đã lùi xa. Nắng rực rỡ làm cây cỏ và hoa lá đua nở nhưng thật kỳ lạ, Lệ không thấy yêu mùa hè. Cô ước gì được sống trong cảnh giá buốt mùa đông để một lần nữa cảm lạnh nằm trên chiếc giường ấm cúng của Jean Marc. Cô như thấy lại cảnh anh rụt rè cạo gió cho cô trong mùi dầu bạc hà thơm dễ chịu. Buổi ăn tối cuối cùng của hai người, khi Lệ thú nhận điều này, Jean Marc nhìn cô thật lạ:
    - Cho đến bây giờ tôi vẫn rất thắc mắc. Em có thể giải thích rõ hơn về phương pháp làm ấm người của em không?
    - “Cạo gió” đó hả? - Lệ cười – Đó là cách cổ truyền của người Việt Nam. Khi cảm lạnh người ta cho rằng gió đã nhập vào người nên phải tìm cách trục xuất giớ ra. Dùng một đồ vật kim loại miết vào lưng cùng với dầu gió sẽ làm nóng người lên. Những lằn đỏ càng đậm, gió càng được trục ra ngoài. Và thế là hết cảm lạnh.
    - Thật sao?
    - Thật ra em cũng không tin gió nằm trong người nhưng đó là cách em được mẹ làm từ khi còn rất nhỏ mỗi khi bị cảm lạnh.
    - Lúc đó tôi thấy em rên lên, tôi sợ em đau nhưng em lại có vẻ rất thích thú.
    - Thì càng đau càng thấy ấm người và cũng là một cách massage cơ bắp với dầu bạc hà.
    - Thật sao? – Jean Marc lại nhìn Lệ ngỡ ngàng.
    Lệ cười nắc nẻ vì vẻ mặt kỳ lạ của anh. Đúng là trò “cạo gió” rất quái dị với dân phương Tây. Jean Marc đột ngột nắm tay Lệ, mặt anh đỏ hồng lên rất xấu hổ:
    - Vậy mà bấy lâu nay tôi cứ nghĩ em bị chứng “bạo dâm”.
    - Cái gì?
    - “Bạo dâm”, tức là thích tình dục bạo lực. Có người như vậy đó, càng bị đau, bị chảy máu thì càng có khoái cảm. Họ bị cho là bệnh hoạn và có lối sống đáng lên án. Tôi thấy em bắt tôi làm cho em bị trầy lưng, em cứ bảo “Mạnh lên! Mạnh lên Lưng đầy vệt đỏ mà còn bôi dầu nóng vào. Càng đau thì em càng rên lên như sung sướng lắm. Sau đó thỏa mãn rồi thì ngủ say như chết!
    - Cái gì? - Lệ quá bất ngờ - Anh...anh...
    - Tôi xin lỗi – Jean Marc rất khổ sở - Tôi đã hiểu lầm…
    Cuối cùng Lệ cười phá lên và nói “chúng ta hãy nghĩ chuyện này theo hướng tích cực. Jean Marc có dịp hiểu thế nào là “cạo gió” của người Việt Nam, còn cô biết rằng trên đời này có người thích khuynh hướng tình dục bạo lực. Như vậy cả hai đều được mở mắt” Tuy nhiên Lệ càng cười, jean Marc càng tỏ vẻ đau khổ. Anh tự trách mình thiển cận, lại quá rụt rè, nghi mà không chịu hỏi. Lệ xua tay đuổi Jean Marc ra khỏi phòng: “Thôi đừng nghĩ ngợi nữa. Anh về ngủ sớm đi. Sáng mai chở em ra chợ rồi chiều tối em ra sân bay.”

    - o O o -


    Hai người lại vào quận Mười Ba để đi chợ Tàu. Lệ mua sẵn thật nhiều nguyên liệu để Jean Marc nấu món Việt Nam. Anh không ngăn lại nhưng buồn rầu thú nhận cô đi rồi anh cũng không hứng thú nấu nướng gì nữa. Lệ cười: “Thì anh cũng phải ăn để sống chứ.” Anh chép miệng: “Tôi sẽ trở lại với bánh mì và thịt nguội như trước kia. Càng nấu món Việt tôi càng nhớ em thêm!”. Lệ cười nắc nẻ: “Đừng sến nữa ông ơi! Thôi anh cứ nấu đi, rồi lên mạng chat và qua webcam em sẽ thấy món anh làm, chúng ta sẽ cùng ăn qua mạng. Chỉ có điều không nghe được mùi nước mắm thôi. Kỹ sư vi tính như anh phải chế ra dụng cụ gì đó để truyền mùi hương qua mạng mới được”. Lệ càng đùa Jean Marc càng thảm não. Buổi tối trước khi chào nhau lần cuối ra sân bay, Jean Marc òa khóc như trẻ con: “Nước mắt ơi! Em bỏ tôi đi thật sao?”. Lệ không khóc, cô thấy vui vì anh còn nhớ có lần cô giải thích ý nghĩa tên của cô là “nước mắt” nhưng cô chỉ cười. Không hiểu sao lần đầu tiên gặp anh cô lại đang khóc nức nở, nhờ thế mới được anh cho vào nhà và từ đó quen nhau.
    Lệ đã về Sài Gòn với nắng và sức nóng. Cô và Jean Marc thỉnh thoảng mới chat với nhau do múi giờ hai vùng Âu – Á quá chênh lệch, vì thế việc ăn chung qua mạng chưa bao giờ được thực hiên. Có lần Jean Marc báo tin anh bị cảm lạnh rất nặng. Lúc này Lệ mới nhận ra ở Paris đã cuối mùa đông mà Sài Gòn vẫn luôn là nắng. Những ngày cận tết trời vẫn nóng nên cô không thể hình dùng “đang 0 độ” như Jean Marc báo tin. Thế rồi đột ngột Lệ nhận được điện thoại, Jean Marc bảo hãy ra phi trường rước anh, anh từ Paris bay sang Sài Gòn chỉ để được cô cạo gió. Lệ cười nắc nẻ trong điện thoại: “Sài Gòn đang chuẩn bị đón xuân, sang đây anh tự động hết bệnh mà chẳng cần em cạo gió đâu.”
    Lúc Jean Marc xuất hiện, ôm ghì lấy Lệ và cọ bộ râu quai nón vào má cô, cô biết rằng từ đây không một hiểu lầm văn hoá nào có thể chia cách hai người.
     
  14. lichan

    lichan Lớp 12

    I wish you enough - Ba chúc con đủ

    Ba Chúc Con Đủ​.
    Nguồn: 4PHƯƠNG- VIETNAMTHUQUAN.
    ( Trích Những mẩu truyện sưu tầm của Latdat )

    5395636332_7044c6379c_b.jpg

    Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mất nhiều thời gian của cuộc đời mình ở các sân bay đến thế .Tôi vừa thích lại vừa ghét việc đó!?!! Tôi thích được ngắm nhiều người. Nhưng đó cũng là lý do tôi ghét phải nhìn mọi người " chào " và " tạm biệt " .Nó làm tôi xúc đông đến phát mệt.

    Cho nên, mỗi khi gặp 1 thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn thường ra sân bay thành phố nhìn mọi người "tạm biệt " .Để tôi thấy rằng mình vẫn hạnh phúc khi không phải nói lời chia tay với những người thân yêu của mình. Nhìn mọi người cố níu kéo nhau, khóc... tôi cảm thấy mình còn rất nhiều điều quý giá khác. Những gia đình, những người yêu nhau cuối cùng cũng phải xa cách, nhìn họ sải rộng cánh tay để nắm tay nhau, cho đến khi chỉ còn 2 đầu ngón tay của 2 người chạm vào nhau ... đó là những hình ảnh mãi mãi nằm trong tâm trí tôi.

    Và tôi cũng học được nhiều điều từ những giây phút "tạm biệt " đấy.

    Có 1 lần, tôi nghe loáng thoáng tiếng 2 cha con đang bên nhau trong những phút giây cuối cùng .Họ ôm nhau và người cha nói: " Ba yêu con, ba chúc con đủ ". Rồi cô gái đáp lại:" Con cũng yêu ba rất nhiều và chúc ba đủ ".

    Và cô gái quay đi, tôi thấy người cha cứ đứng nhìn theo, thấy ông ấy muốn và cần khóc. Tôi lại gần, nhưng lại không muốn xen vào giây phút riêng tư của ông ấy nên không nói gì. Bỗng ông quay lại chào tôi và:

    - Đã bao giờ anh nói lời tạm biệt với 1 người, và biết rằng mãi mãi không gặp nữa?

    +Xin ông cho tôi hỏi, có phải ông vừa vĩnh biệt với con gái ông? Tại sao vây?

    -Tôi già rồi, mà con tôi sống cách tôi đến nửa vòng trái đất -Người cha nói -Thực tế, tôi biết lần sau con tôi quay về đây nhưng lúc đó có thể tôi đã mất.

    +Khi tạm biệt con gái ông, tôi nghe ông nói:" Ba chúc con đủ " .Tôi có thể biết điều đó có ý nghĩa gì không?

    Người cha già mỉm cười:

    - Đó là lời chúc gia truyền của gia đình tôi, đã qua nhiều thế hệ rồi - Nói đoạn ông dừng lại, ngước nhìn lên cao như thể cố nhớ lại từng chi tiết, và ông cười tươi hơn - Khi tôi nói:" Ba chúc con đủ “, tôi muốn chúc con gái tôi có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó.

    Rồi ông lẩm nhẩm đọc:

    " Ba chúc con đủ ánh sáng mặt trời để giữ cho tâm hồn con trong sáng .Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần con luôn sống .Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất .Ba chúc con đủ những gì con muốn để con hài lòng. Ba chúc con đủ mất mát để con yêu quý những gì con có. Và ba chúc con đủ lời chào để có thể vược qua được lời "tạm biệt " cuối cùng.

    Ông khóc và quay lưng bưóc đi.

    Tôi nói với theo " Thưa ông, tôi chúc ông đủ "

    Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.
     
    Last edited by a moderator: 3/12/13
    vuthanhhoa89 thích bài này.
  15. lichan

    lichan Lớp 12

    ĐIỀU ĐÓ RỒI CŨNG QUA - And This Too Shall Pass

    ĐIỀU ĐÓ RỒI CŨNG QUA
    Trích Những mẩu truyện sưu tầm của Latdat



    1110i1EC1u-1110oacute-r1ED3i-c1690ng-qua_zps263dfa36.jpg

    Một ngày nọ, vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cần thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: "Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng đó".
    Benaiah trả lời: "Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?".
    Nhà vua đáp: "Nó có những sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui". Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

    Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.
    Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: "Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?". Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười.

    Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mùa lễ hội. "Nào, ông bạn của ta - vua Salomon hỏi - ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?". Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

    Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: "Nó đây, thưa đức vua". Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt đức vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua".
    Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi...

    =*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*=*
    bản tiếng Anh:
    [​IMG] And This Too Shall Pass

    One day Solomon decided to humble Benaiah ben Yehoyada, his most trusted minister. He said to him, "Benaiah, there is a certain ring that I want you to bring to me. I wish to wear it for Sukkot which gives you six months to find it."



    "If it exists anywhere on earth, your majesty," replied Benaiah, "I will find it and bring it to you, but what makes the ring so special?"


    "It has magic powers," answered the king. "If a happy man looks at it, he becomes sad, and if a sad man looks at it, he becomes happy." Solomon knew that no such ring existed in the world, but he wished to give his minister a little taste of humility.


    Spring passed and then summer, and still Benaiah had no idea where he could find the ring. On the night before Sukkot, he decided to take a walk in one of he poorest quarters of Jerusalem. He passed by a merchant who had begun to set out the day's wares on a shabby carpet. "Have you by any chance heard of a magic ring that makes the happy wearer forget his joy and the broken-hearted wearer forget his sorrows?" asked Benaiah.


    He watched the grandfather take a plain gold ring from his carpet and engrave something on it. When Benaiah read the words on the ring, his face broke out in a wide smile.


    That night the entire city welcomed in the holiday of Sukkot with great festivity. "Well, my friend," said Solomon, "have you found what I sent you after?" All the ministers laughed and Solomon himself smiled.


    To everyone's surprise, Benaiah held up a small gold ring and declared, "Here it is, your majesty!" As soon as Solomon read the inscription, the smile vanished from his face. The jeweler had written three Hebrew letters on the gold band: _gimel, zayin, yud_, which began the words "_Gam zeh ya'avor_" -- "This too shall pass."


    At that moment Solomon realized that all his wisdom and fabulous wealth and tremendous power were but fleeting things, for one day he would be nothing but dust.
     
    Last edited by a moderator: 4/12/13
  16. lichan

    lichan Lớp 12

    Góp phần chúc mừng ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20/11

    Bài học ngoài giáo án
    Tác Giả Uất Kim Hương.
    Vào giờ ra chơi, Thục gặp tôi nơi phòng Ban giám hiệu, nét mắt vẫn nghiêm nghị như tự bao giờ. Nhận lấy ly trà nóng tôi rót mời, Thục hớp một ngụm, đặt ly xuống cái cạch, nói:- Thằng Hưng em ông khá đó chớ?
    Tôi nhíu mày, hơi chột dạ, vì cứ sợ thằng em cà chớn của mình, đang học lớp 11A2 mà Thục là giáo viên chủ nhiệm, gây ra chuyện phiền phức bực bội gì đó đối với thầy giáo. Tôi nhìn người bạn đồng nghiệp, ái ngại và lo lắng, hỏi:
    - Sao rồi? Có chuyện gì xảy ra chăng?
    - Đâu có gì! - Thục nhướng mắt - Nó học khá thông minh, lanh lợi và mạnh dạn phát biểu, lại ngoan ngoãn, lễ phép, nên tôi khen ngợi một tiếng thật lòng cho ông vui.
    - Thật vậy à? - Tôi không giấu được kinh ngạc.
    - Ô kìa, sao ông lại lộ vẻ ngạc nhiên vậy? Bộ tôi đùa trêu ông à? Nó đang và sẽ là đứa học trò được tôi quan tâm, cưng nhất đó!
    Tôi sững sờ thoáng chốc, rồi phì cười. Thục lại tự rót trà ra ly, mắt đăm đăm nhìn tôi, nước tràn ra bàn mà không hay, tôi chồm tới chặn tay Thục lại, nói:
    - Khen quá té hen ra ngoài. Đầy quá thì đổ, ông ơi!
    Thục cười khoái trá, gục gặc hỏi:
    - Tôi khen không đúng hay sao? Không lẽ tôi khen thằng em của ông để được lòng thằng anh của nó? Lợi gì mà khen?
    Tôi biết tính Thục ưa đùa cho vui, nên thản nhiên nói:
    - Ông chẳng lợi gì mà có khi còn bị hại. Ông khen thằng em tôi khá giỏi, ngoan hiền... đó là theo cái nhìn hạn hẹp của ông. Tôi nghe ông khen, tôi không mừng, lại lo, và buồn nữa!
    - Tại sao?
    - Tôi lo có thể ông đang bị thằng em tôi nó gạt. Nó gạt bằng sự giả dối của nó. Nếu quả thật nó ngoan giỏi như ông khen thì... quá tốt. Nhưng, tôi buồn vì tôi không được diễm phúc có được một đứa em như vậy khi ở nhà. ở nhà, nó là một đứa em cà chớn, bướng bỉnh, hỗn láo với anh mình. Thật nực cười, tôi cũng là một người thầy như ông, nhưng tôi không dạy bảo nó được, cũng không được nể trọng như nó nể trọng ông...- à à à... ra vậy!Thục ngả người ra ghế, đăm chiêu. Tôi thở dài:
    - Bụt nhà không thiêng. Tôi dạy được biết bao đứa học trò qua nhiều năm theo nghề, có đứa từ dốt đặc hoá thành thông minh, có đứa hoang đàng chi địa trở nên siêng năng ngoan ngoãn, vậy mà... khi về nhà, chỉ mỗi một thằng em trai nhưng tôi đã không thể dạy, khuất phục được nó, và bao năm bất lực nhìn con ngựa chứng không cương chạy nhảy trong nhà, trước mắt mình. Tôi buồn là vì vậy!
    Thục trầm ngâm khi nghe được tâm sự kín đáo của tôi vừa bộc bạch. Anh ta hớp từng ngụm trà nóng với vẻ ưu tư, day dứt, một lúc lâu, khẽ hỏi:
    - Đại loại, ông có một đứa em ứng xử với ông thế nào?
    - Bảo học thì nó cứ đưa cái bản mặt khinh khỉnh lên, bỏ đi chơi. Nói gì cũng cãi. Bài vở làm sai, tôi chỉnh, tôi giảng, vậy mà nó vẫn cãi cối cãi chày, tỏ vẻ bất cần đến sự chỉ giáo của tôi. Do thói quen từ nhỏ, đến hôm nay nó vẫn gọi tôi bằng tên: "Thịnh ơi, Thịnh ơi!". Bảo nó sửa, nó đâu chịu. Lớn rồi, phải tập tánh tự lập cho quen, nhưng nó không hề biết giặt quần áo là gì, cứ bắt mẹ tôi lo, nhiều lần tôi dạy bảo nhưng nó ngoan cố. Ôi chao... còn cả trăm thứ đáng chê trách, kể sao cho hết. Thế nên, ông khen nó giỏi này ngoan nọ, tôi cứ tưởng mình nghe lầm, hoặc đang... chiêm bao!
    Thục cười méo xệch cả miệng, lắc đầu ngao ngán nói:
    - Tôi nghĩ, đây không phải là trường hợp "Bụt nhà không thiêng", mà là "Khôn nhà dại chợ". Đời phải có những nghịch lý tréo ngoe như vậy mới là cuộc đời, phải không, ông anh tội nghiệp của học trò tôi?
    Tôi nhún vai, nhướng mắt như để chấp nhận những nghịch lý phải tồn tại giữa cuộc đời mà mình phải đương đầu, chịu đựng.
    ***
    ... Qua năm ngày liên tục, tôi ngẩn ngơ đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, cứ như đi trong giấc mộng dài êm ả, có những tia nắng óng ả, những tiếng nhạc réo rắt, những cơn gió thoảng dịu dàng, và những kỳ hoa dị thảo hương đưa ngào ngạt... Tôi cứ lo sợ giật mình tỉnh giấc, để rồi đối diện với sự thật nhỡn tiền đầy xót xa bứt rứt mà mình đã bao năm phải kiên nhẫn đối diện. Nhưng tôi không phải đang đi vào mộng mơ huyền ảo. Tôi đang chứng kiến một sự thay đổi kỳ lạ có thật. Thằng Hưng gọi tôi bằng "Anh Thịnh". Nó mời tôi ăn cơm, nó tự giặt đồ, nó cầu cứu tôi giảng giải những bài tập, những thắc mắc mà nó chưa thông hiểu. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt khác lạ - đôi mắt chứa đầy sự nể nang, kính phục - với nhiều thiện cảm... Tôi tưởng nó đóng kịch, nên thoạt đầu rất nghi ngại và thận trọng dò xét. Nhưng tôi biết nó đang sống thật. Sự thay đổi nơi nó thật tự nhiên, không gượng gạo, gò ép. Tôi sướng lắm, vui lắm, cảm thấy cuộc đời sao mà dễ dàng, đơn giản đến thế! Tôi không hỏi nó một tiếng, chỉ âm thầm đón nhận những món quà tặng tình cảm từ đứa em trai bất trị. Tôi như vừa mới tìm lại được của quý báu bị đánh mất bao năm, trưa nằm trăn trở, đêm nằm thao thức nghĩ về sự thay đổi của Hưng. Có lẽ ai trong cuộc mới hiểu được niềm vui khoan khoái kỳ lạ trong tôi, khi mỗi sáng đến trường hai anh em tôi chở nhau, rủ nhau cùng đi, trò chuyện vui vẻ. Chuyện chưa từng xảy ra. Tôi vui lắm, và nghĩ đến Thục. Tôi dám chắc Thục đã nhúng tay vào chuyện này. Khi bị tôi tra hỏi, Thục ngơ ngác lắc đầu:
    - Tôi không hề nói năng gì với thằng em ông hết. Thầy trò tôi đâu có rảnh rang mà nói chuyện riêng. Vả lại, ông là anh của nó, ông không dạy nổi, thì tôi là người dưng sao đủ trình độ để làm một đứa cứng đầu bất trị giác ngộ mau mắn như vậy?
    Tôi vẫn nghi ngờ, nói:
    - Nhất định là ông đang chối. Không phải ông, thì chẳng còn ai dính dấp vào cái vụ tình cảm riêng tư của anh em nhà tôi!
    Thục cười trừ, nói lảng sang chuyện khác.
    ***
    Bất chợt, Hưng hỏi tôi khi hai anh em đang ngồi trong rạp chiếu bóng ế ẩm vào tối thứ bảy:
    - Thầy Thục có thằng em trai học lớp của anh à?
    Tôi trố mắt ngạc nhiên, nhưng hiểu ngay vấn đề, vội hỏi:
    - Ai nói với em như thế?
    - Thầy Thục nói. Tụi em nghe thầy kể về người em trai đang học lớp 11A5 do anh làm chủ nhiệm. Nghe nói thằng đó đến trường học giỏi lắm, lại ngoan ngoãn lễ phép, được thầy cô, bạn bè thương mến. Nhưng khi về nhà, nó lại hiện yêu hiện quỷ, cứng đầu lỳ cổ, hỗn láo xấc xược với anh chị em trong nhà, nhất là đối với chính thầy Thục, một người thầy giáo được bao học trò kính trọng...
    - Thầy Thục kể vậy à? - Tôi hứng thú hỏi tới - Rồi sao nữa?
    - Sở dĩ thầy kể về thằng em trai cà chớn đó, là vì đang giảng câu tục ngữ "Khôn nhà dại chợ", thầy cười đau khổ nói rằng em của thầy thực ra là "Dại nhà khôn chợ", ở nhà hỗn láo với người thân là dại, ra đường hay đến trường lễ phép ngoan ngoãn với người dưng là khôn...
    - Thầy Thục có tính ưa đùa, hay ăn nói như vậy.
    - Tụi em nghe thầy tâm sự mà tức anh ách, xót xa và buồn giùm thầy. Thầy đã thực lòng nói: "Tôi được hàng nghìn học trò kính nể, dạy cho hàng nghìn học sinh trở nên khôn ngoan, vậy mà không dạy được chỉ mỗi một đứa em trong nhà mình, đó là nỗi đau, một nỗi nhục trong nhà chưa tẩy xoá được!". Nghe mà tội nghiệp cho thầy quá. Em và mấy đứa bạn định hỏi thăm cho biết mặt thằng em của...
    - Để làm gì? - Tôi ngắt.
    - Hăm nó, nếu cần thì... dạy cho nó một bài học nên người.
    Tôi cố nén tiếng cười không bật ra, đồng thời nuốt cục nghẹn vì xúc động xuống, hỏi khẽ Hưng:
    - Em tin lời thầy Thục không?
    - Tin chớ. Nhưng... sao anh hỏi vậy?
    - Vì lớp 11A5 không hề có đứa học sinh nào là em trai của thầy Thục cả. Em gái cũng không. Bởi nếu có thì anh đã biết, như thầy Thục đã biết em là em trai của anh vậy!
    - Vậy ra... thầy Thục bịa đặt?
    Tôi tủm tỉm, gật đầu:
    - Nói xạo là một tính xấu. Nhưng đôi khi điều đó cũng đẹp, nếu dùng vào mục đích tốt, có lợi cho người bị nghe xạo. Thầy Thục làm điều đó với lớp 11A2, ấy là muốn dạy cho các em một bài học về đạo đức, cái xạo của thầy là một cái xạo rất thánh thiện, vượt lên trên khỏi những cái xạo của người đời phàm tục. Các em được nghe thầy nói vậy, đừng nên chê trách thầy, mà phải cám ơn, phải càng kính trọng thầy hơn, ngay cả anh cũng phải nghiêng mình ngả nón mà cảm ơn thầy Thục của em. Không chỉ các em học được bài học quý báu từ thầy Thục, mà thầy giáo Thịnh này, anh của em đây, cũng được một bài học ngoài sách vở, ngoài giáo án văn tự.
    Đèn tắt. Rạp chìm trong bóng tối. Nhưng tôi vẫn thấy rõ một gương mặt nghiêm nghị hiện ra, nhoẻn miệng cười, nheo mắt với tôi. Tôi nhắm mắt lại, vẫn thấy gương mặt ấy, thấy rõ hơn khi mở mắt, gương mặt sáng ngời trí tuệ, rất điềm tĩnh giữa bóng đêm mịt mù. Gương mặt người đồng nghiệp của tôi, Thục, có lẽ cũng đang chập chờn lảng vảng trước mắt, trong đầu óc, và trong trái tim của Hưng em tôi đang trong giờ phút màn bạc hiện lên những hình ảnh nửa hư nửa thực của cuộc đời. Tôi nhìn sang Hưng. Mắt nó long lanh. Tôi nắm lấy bàn tay em trai. Hưng siết chặt bàn tay tôi, nói:
    - Thầy Thục xạo ve kêu luôn!
    Tôi phì cười, hỏi:
    - Em có giận thầy Thục không?
    - Dạ không. Thầy làm thế rất hay, vui, lạ và ... bổ nữa!
    - ừ, em cứ xem như ở lớp 11A5 của anh có một học sinh là em của thầy Thục đang hiện hữu. Phải có một tấm gương tốt, và một tấm gương xấu để tự mình soi lấy mình, em trai ạ!Hưng gật gù, chân tình:
    - Đúng vậy. Em trai của thầy Thục là có thật, và vẫn còn đó. Nhưng, em trai thầy Thịnh thì đã biến mất rồi. Phải vậy không anh?
    Tôi cười, siết chặt tay Hưng nhìn lên màn bạc mà không hề thấy gì. Tôi ôm nỗi vui sướng ngồi cho đến khi đèn sáng hết phim, ra khỏi rạp, bước ra đường phố với một giáo án mới toanh mang theo..

    Nguồn Việt Nam Thư Quán.
     
  17. lichan

    lichan Lớp 12

    Tóc trên vai áo
    NGUYÊN HƯƠNG

    [​IMG]

    Cưới nhau về, vợ chồng cùng tay trắng nên tiết kiệm được đưa lên hàng đầu. Chiều hôm trước cô nấu thêm chén gạo, hôm sau dậy sớm chiên cơm nguội ăn sáng.
    Thức ăn còn lại chiều qua được tận dụng ăn kèm với cơm chiên nên món cơm chiên của cô mỗi ngày mỗi vị khác nhau. Anh thích ăn giòn nên cô hong chảo riu riu để lớp cơm bên dưới sem sém rồi mới đảo, lại đợi sem sém nữa rồi đảo, cho đến khi cả chảo cơm giòn giòn thơm phức. Anh thường khen cơm cô chiên ngon hơn cơm chiên Dương Châu ở quán.

    Khi cô ốm nghén, người dọn dẹp bữa chiều là anh, dậy sớm hơn cũng là anh. Lúc đó, anh mới biết, để có được những chảo cơm chiên ngon lành mỗi sáng là biết bao kiên nhẫn.

    Dành dụm từ khởi đầu như vậy đó.

    Rồi anh và cô mua được thêm cái xe máy, không còn cảnh chở nhau đến cơ quan người này trước rồi mới đến cơ quan của người kia sau, lúc nào cũng hấp tấp để khỏi bị trễ giờ làm. Rồi thì chuyển đến phòng trọ lớn hơn…

    Mua được căn nhà nhỏ. Và căn nhà lớn hơn…

    Những bữa sáng bên nhau quanh chảo cơm chiên với thức ăn thừa chiều qua giờ đã là quá khứ rất xa. Có người giúp việc nấu những bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa khuya theo kiểu Nhật, kiểu Tàu, kiểu Ý…; cô chỉ còn mỗi việc trang điểm, ngồi chờ chồng đi làm về.

    Đôi khi anh không về. Công việc liên miên, mà bàn công việc thì không gì bằng nói với nhau trên bàn tiệc.

    Vài lần anh về, vai áo dính vài sợi tóc lạ. Cô cố giấu nỗi buồn. Cô biết quán xá thì không tránh khỏi mà anh thì mệt mỏi vì công việc, gia đình phải là một điểm tựa bình yên thanh thản cho anh trở về. Chỉ cần anh trở về. Bạn bè cho cô kinh nghiệm thương đau là chồng giàu mà làm căng thì phần thiệt chắc chắn về mình.

    Vậy nên cô nín lặng, lặng lẽ gỡ những sợi tóc lạ khỏi vai áo anh, cất riêng vào một cái hộp, như cất riêng nỗi hoang mang của mình. Chẳng lẽ cứ tiếp tục thế này mãi sao? Một ngày, cô nhận ra người giúp việc dù vẫn rất lễ độ nhưng ánh mắt nhìn cô vẻ như thương hại. Nỗi tổn thương không giấu được nữa. Cô tự hỏi mình có sợ mất chồng không?

    Cô không trả lời được câu hỏi đó, chỉ chắc chắn một điều là cô sợ con mình mất cha.

    Cô lấy cái hộp đựng những sợi tóc lạ ra, định bụng hôm nay sẽ nói chuyện với anh về vật chứng này. Rồi sau đó… Thì tùy anh. Cô không kiên nhẫn được nữa.

    Cô săm soi từng sợi tóc, cô gái này hẳn rất thời trang, hết óng ánh nâu đến phơn phớt vàng, uốn loăn quăn rồi duỗi thẳng… Rồi cô soi mình trong gương. Cô là người kiểu cổ, chỉ mỗi kiểu tóc bới cao cho gọn, đã lấp ló sợi bạc trong đám tóc con trước trán. Bỗng cô muốn òa khóc.

    Anh về tới khi nước mắt cô đã đầm đìa trên mặt. Nghe cô buộc tội, anh cũng khóc. Anh không thể nhớ những sợi tóc đủ màu đủ kiểu đó nhưng anh thề là chỉ có mình cô, vai áo thì anh không biết không nhớ, nhưng duy nhất một người để lại tóc trên gối anh mà thôi.

    Thế tại sao anh không về nhà ăn cơm?

    Biết nói sao bây giờ. Cơm nhà giống hệt cơm quán, kiểu Nhật kiểu Tàu kiểu Ý… nhiều khi nhìn mâm cơm nhà mà không phân biệt được mình đang ngồi ở quán hay ở nhà.

    Là anh bày tỏ hay khôn khéo phân bua? Lại còn như trách móc cô là sao chứ?

    Và cô giật mình… Lẽ ra những bữa ăn cầu kỳ kiểu cọ bắt chước quán xá chỉ nên là tóc trên vai áo mà thôi thì cô lại cho nó trở thành tóc trên gối.

    Cô nhớ ra lâu rồi mình không vào bếp để làm những món từng khiến căn phòng nhỏ ấm sực lên, lâu rồi không có mùi thơm từ tay cô tỏa ra như ngày nào anh vừa tập thể dục vừa xuýt xoa “Em chiên cơm ngon hơn cơm Dương Châu ở quán”.

    Mà chiên cơm giòn thơm như vậy thì cần kiên nhẫn biết bao.


    Sưu tầm
     
    Last edited by a moderator: 6/12/13
  18. lichan

    lichan Lớp 12

    Bản giao hưởng số 9

    Nguyễn Thiên Ngân

    [video=youtube_share;kbJcQYVtZMo]http://youtu.be/kbJcQYVtZMo[/video]​

    Có lẽ anh không cần em nữa! Hắn nói với nàng như vậy, một sáng thức dậy ngồi bên cửa sổ. Từng vệt nắng ban mai đọng trên mặt hắn, tố cáo từng nét đớn đau sau khi hắn nói câu đó. Có lẽ anh không cần em nữa.

    Nàng đứng lặng ở bậu cửa nhà tắm. Chiếc khăn bông trên tay nàng rơi xuống, trắng hếu như một lá cờ đầu hàng. Mái tóc ướt bù xù rỏ những giọt nước lớn xuống sàn.
    Nàng vừa tắm xong, tinh khiết và tươi mới như một cơn gió tháng xuân. Nhưng giờ đây nàng đang đứng đó, với đôi mắt tối màu hụt hẫng.

    Gì vậy chứ?! Hắn vừa nói hắn không cần nàng nữa. Thật đấy. Hắn đã nói như vậy. Tiếng “không cần” thốt lên như chực chờ ở cửa miệng hắn lâu lắm rồi. Nó bật ra thản nhiên, và sau đó, thì mặt hắn tràn vẻ đau đớn như vừa bị tát. Hắn là kẻ kịp nghe và kịp hiểu cái từ ấy trước nàng.
    Bóng tối hụt hẫng vẫn lan rộng trong đôi mắt nàng. Nàng từ từ cúi xuống nhặt chiếc khăn lên, lúng túng che giấu cử chỉ nuốt nước bọt. Nàng thấy cổ họng mình khô khốc. Rồi, với chiếc khăn run run trên tay, nàng nhìn thẳng vào mắt hắn, nói chậm.
    - Có lẽ?
    Hắn ngồi đông cứng, cúi đầu để tránh ánh mắt nàng. Hắn gật đầu. Ừ, có lẽ.
    - Vì sao vậy?
    - Có em đây mà sao anh vẫn thấy cô độc quá!

    Hắn trả lời với nàng như thế.

    Giờ thì hắn ngồi đó, trong căn phòng không có nàng, vào một sáng chủ nhật. Những vệt nắng lan rộng trên khuôn mặt hắn, vẻ đớn đau đã bão hòa. Chỉ còn một sự tiếc nuối đến tê dại như đứa trẻ lỡ buông tay và bong bóng đã lên trời.
    Hắn chậm chạp với tay bật nhạc. Trí nhớ lơ mơ bảo rằng ngày hôm qua, cái CD cuối cùng hắn nghe là CD Bản giao hưởng số 9 - Ode to Joy của Beethoven. Nó vẫn đang còn nằm trong máy. Hắn với tay toan vặn to để âm nhạc có thể tung tẩy khắp căn phòng, nhưng rồi bàn tay khựng lại, chuyển hướng, cầm lấy cái headphone bên cạnh. Hắn chụp headphone vào tai, dấy lên một cảm giác thỏa mãn khi được chạm vào thói quen cũ. Hắn chỉ nghe nhạc bằng headphone, cho đến khi có thêm nàng. Nhạc được vặn to lên, vì nó cần được chia sẻ cho cả hai. Nàng khó chịu khi thấy hắn nghe nhạc một mình, và càng không thích khi hắn chụp headphone lên tai nàng. Em sợ cái cảm giác cô độc trong một thế giới âm thanh xa lạ. Nhưng lúc đấy em sẽ được yên tĩnh tuyệt đối, chỉ có một điều cần phải để tâm thôi, đó là âm nhạc. Hắn trấn an nàng. Nhưng em sợ không nghe được tiếng anh. Nàng nói nhỏ, rút dây headphone ra.

    Hắn giật mình mở mắt. Ký ức tua lại xoèn xoẹt như đoạn băng quay nhanh. Bản giao hưởng số 9 đã bay khắp căn phòng từ lúc nào. Hắn gỡ headphone ra khỏi đầu, trầm ngâm nhìn cái chấu cắm headphone bọc nhựa màu cam nằm trêu ngươi trên sàn. Nàng đã rút nó ra, như lôi hắn ra khỏi thế giới ích kỷ biệt lập của mình, hòa vào một thế giới cởi mở hơn, ít ra là có thêm nàng.

    Người ta nói rằng để hiểu hết thế giới này trong vòng một giờ, hãy nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Nó được xem như một bản thánh ca về cuộc sống của con người. Chỉ khoảng một phút của chương một trôi qua, khi Beethoven đang bắt đầu kể về thoạt kỳ thủy, hắn đã nhận ra mình nhớ nàng. Nhớ nàng, im lặng, tình cờ trong không gian cô độc nửa vời của chiếc headphone không cắm.

    Hắn bước vào nhà tắm. Khứu giác của hắn chạm phải những mùi hương. Mùi dầu gội của nàng. Cái mùi thân thuộc này, hắn đã mê thích biết bao khi được dụi mặt vào tóc nàng. Tóc nàng mỏng manh, lúc nào cũng hơi âm ẩm. Trên gương, làn hơi nước tỏa ra khi nàng tắm nước nóng vẫn chưa tan hết, giờ đây đọng lại trên mặt gương thành những hạt nước lớn to bằng những hạt ngô. Hắn giật mình, phát hiện trong bồn rửa mặt vài sợi tóc mỏng manh màu nâu nhạt. Quên hẳn mình vào phòng tắm để vốc nước lạnh lên mặt, hòng lấy lại sự quân bình, hắn như sực phát kiến ra điều gì, lao ra phòng ngoài, tìm kiếm.

    Giờ thì hắn ngồi bên bàn trong phòng bếp, mắt nhìn đăm đăm vào cái túi nhựa đựng những sợi tóc của nàng. Như một cảnh sát ngồi đăm đăm nghiên cứu vật chứng, đôi mắt hắn giờ đây cùng một niềm khao khát. Khao khát tìm ra sự thật đằng sau những sợi tóc mong manh kia. Có điều gì làm hắn nhớ nàng nhiều đến vậy, qua những sợi tóc không lấy gì làm nhiều biểu cảm? Bản giao hưởng số 9 đã sang giữa chương hai.

    Hắn quyết định bỏ túi nhựa đựng những sợi tóc nàng vào ngăn kéo, đứng dậy tìm chút gì đó ăn. Nếu có nàng, chắc chắn bữa sáng hôm nay lại là bánh mì ốp la. Không quá vụng về, nhưng nàng lười cho hắn ăn thứ khác hoặc cùng hắn ra ngoài. Và hắn thì luôn tỏ ra chẳng có gì để phàn nàn với những buổi sáng như thế. Có một số cô gái không cho rằng việc nấu những món ngon cho người yêu là việc làm phản ánh rõ ràng nhất tình yêu của họ. Cũng đúng. Hắn thích thay vì nàng chúi đầu cả buổi sáng trong bếp để trêu ngươi cái bao tử đang sôi réo của mình một cách vụng về, hai người ăn gì đó gọn nhẹ, rồi nằm trên ghế sô pha và cùng nhau đọc sách. Mỗi người một quyển. Nàng gối đầu lên ngực hắn, khẽ lấy ngón út khều khều mũi hắn mỗi khi đọc được một điều gì thú vị và muốn đọc lại cho hắn cùng nghe. Đôi lúc nàng thả sách xuống, áp đầu vào vai hắn như một chú mèo con, đôi mắt lơ mơ và khóe môi vẽ một nụ cười thơ dại... Hắn nhớ lại tất cả những điều đó khi đang chiên trứng, tự làm buổi sáng cho mình. Và hắn nhận ra chưa bao giờ nàng vụng về. Hắn không thể làm cho quả trứng chín đều hai mặt ngoài nhưng lòng đỏ vẫn sông sống và nguyên vẹn như nàng đã làm được. Cái trứng vỡ choe choét khét lẹt để trơ vơ trong đĩa. Hắn ăn một miếng và nhận ra mình cay mũi. Có lẽ mình đổ tiêu quá tay. Chương ba, bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Tiếng violin da diết nhớ.

    Hắn quẳng đĩa bẩn vào bồn rửa đã định để đấy, nhưng rồi cũng tặc lưỡi vặn vòi cho nước tràn ra. Giọt nước rửa chén sánh vàng chảy xuống. Hắn lấy ngón tay cái quậy quậy để bọt tràn ra như nàng vẫn hay làm. Bỗng nhiên môi hắn huýt sáo bài Hãy buộc một dải băng vàng lên cây sồi già. Nàng thường hay hát bài này mỗi khi rửa bát hoặc ủi áo quần, cái giọng véo von tươi trẻ như một chú sẻ non nhảy lích rích bên thềm nắng. Và đến đoạn “do you still want me...” nàng luôn hất đầu lên đầy kiểu cách. “Cộp”, đầu hắn đập mạnh vào chạn bếp. Hắn rối rít đưa bàn tay đầy bọt xà phòng lên xoa trán, nghĩ miên man. Chẳng lẽ mình cao hơn nàng nhiều đến thế?!

    Hắn quyết định sẽ ra phố, với ý nghĩ vô vọng rằng nếu mình tan vào dòng người đông đúc ngoài kia thì bóng hình nàng cũng sẽ tan biến theo. Nhưng khi hắn mở tủ áo ra thì phát hiện tất cả đều nhăn nhúm. Theo kịch bản, sáng nay, nếu hắn không xua đuổi nàng, thì sau khi tắm nàng sẽ ủi áo quần cho hắn.
    Hắn chậm chạp cắm bàn ủi và nhận ra mình không biết điều chỉnh nhiệt độ thế nào cho phù hợp. Hắn không nhớ trước khi có nàng mình đã như thế nào? Mặc áo quần nhăn mãi chăng? Chương bốn, bản giao hưởng số 9. Giọng tenor vút lên, tự vấn.
    Hắn trải cái áo carô màu vàng lên đệm ủi, loay hoay không biết phải làm thế nào cho đúng đắn nhất. Đây là chiếc áo nàng thích nhất, và thường xếp nó vào list áo quần dành cho ngày chủ nhật. Nàng bảo đấy là màu của bao dung, tha thứ. Ủi cổ áo trước, rồi đến vạt áo. À không, tay áo trước chứ. Tại sao nó không thẳng thế này?
    Dấy lên trong hắn một nỗi xúc động, khi hắn nhận ra cái công việc nàng thường làm cho hắn này cần sự tỉ mẩn và chăm chút biết bao. Nàng đã cẩn trọng ve vuốt từng nếp gấp trên áo. Và hắn nhớ, mỗi khi ủi xong, treo áo lên mắc, nàng thường đặt một nụ hôn dịu dàng lên ngực áo, bên trái.
    Cái áo, hắn ủi mãi không thẳng.

    Chương bốn bản giao hưởng số 9 về cuối, dập dồn, réo gọi, ngợi ca hạnh phúc. Ode to joy.

    Hắn xuất hiện ở cửa nhà nàng với chiếc áo nhàu ở nếp gấp sau lưng. Nàng ngồi đấy đọc sách, thản nhiên sau điều mà hắn xem-là-biến-cố, chờ hắn. Cách đây bằng thời gian của Bản giao hưởng số 9, nàng đã nói với hắn rằng “Để xem, anh không cần em bao lâu?!”. Và nàng quay đi.
    Hắn bước đến cạnh nàng, run run nói:
    - Em ạ, đúng bằng thời gian của bản giao hưởng số 9 của Beethoven.
    Nàng vụt ôm lấy hắn, thì thầm, trong giọng nói có chút gì hoang mang.
    - Đồ ngốc kia, thế cũng có nghĩa là đã mất cả một đời rồi còn gì...
     
    Last edited by a moderator: 17/12/13
  19. lichan

    lichan Lớp 12

    U40 KÉN VỢ
    "

    Có người bạn cũ chưa vợ đánh tiếng nhờ mình giới thiệu mối nào xinh tươi hiền thục. Mình hỏi: Thế sao đến giờ cậu còn chưa vợ? Định chẵn bốn mươi cưới một thể cho nó tròn năm hay sao?

    ***
    Cậu bạn ngồi trong quán cà phê vẫn chụp cái mũ bóng chày NY lưỡi dài che nửa mặt lên sùm sụp. Chẳng phải thích vay tí teen cho nó trẻ ra vài tuổi, mà là muốn che lũ tóc mai bạc sớm. Đàn ông tóc đã bắt đầu bạc mà vẫn còn lo đi kiếm em nào ra dáng để còn tán, thật tình, chẳng mấy khi gặp.

    Bạn bảo: Thì cô đầu tiên chỉ vì sinh nhật nàng tặng mỗi hoa, không có quà nên nàng bỏ mình ngay. Khổ nỗi thời sinh viên nghèo quá, hoa còn phải đạp xe tận vườn mua sớm cho nó rẻ, nữa là...

    Cô thứ hai cùng quê, tốt nghiệp xong đi làm vài tháng, lúc đó mới nhận ra, nàng quê quá là quê. Lại lúc nào cũng giục cưới. Thế là mình lảng dần.

    Cô thứ ba cùng công ty điện, người vạm vỡ như vận động viên, bóng chuyền đánh hùng hục, kìm búa thì cầm nhoay nhoáy mà tính dát như thỏ đế, có con gián chết dưới sàn nhà mà nàng cũng nhảy tót lên người mình bắt bế. Thật nỡm chả bằng ai! Nhân tiện công ty nhận nhà máy điện trong Nam, tớ xung phong đi, thực ra là đánh bài chuồn. Thế mà cô ấy còn thư từ mãi, lá thư nào cũng rắc nước hoa, hồi ấy chỉ có nước hoa Tàu, mùi như dầu gió, vừa đọc vừa phải hắt hơi vài lượt.

    Cô thứ tư sinh ngoài Bắc mà sống trong Sài Gòn, giọng pha nửa Nam nửa Bắc, đã thế lại sính thói chèn vô số tiếng Anh vào mỗi câu nói. Lại còn hay khoe vốn tiếng lóng, thích chơi chữ. Mới mua xe máy chở nàng đi chơi, nàng bảo: Honey, đi với anh, em thật là ông hai mê! Hóa ra ý nàng là bảo: "Đi với anh, ê hai mông!". Xong đòi vào tiệm chụp hình chung, nàng bị nghiện ảnh viện kiểu da mặt trơn láng, mắt tài tử, môi mịn, khung cảnh bàng bạc, xa xa là tháp Ép-phen hoặc biệt thự. Thôi thì dẹp sớm cho nó đỡ rách việc.

    Cô thứ năm đến nhà lần đầu đã đòi vào buồng tắm. Chả ngại ngần bảo: "Anh sướng, trẻ thế này đã nhà riêng! Em chỉ thích tắm thật lâu, ngâm mình trong một bồn đầy bọt xà phòng, đọc tiểu thuyết Sydney Shendon, cho đến lúc ngủ thiếp đi thư giãn!". Rồi nàng bảo, em thấy thích anh rồi đấy, anh khỏi cua em làm gì cho mất thời gian! Hình như nàng này mê cái buồng tắm trong nhà tớ thôi, chứ đâu phải tớ. Con gái thời nay thật là...

    Cô thứ sáu là người quen ở quê mai mối cho, mới vào thành phố học đại học, ở quê bố mẹ tớ ưng lắm rồi, cứ giục là đồng ý đi. Nhưng có khổ không, tớ ngần này tuổi đầu rồi, bụng đã bắt đầu phệ, ngoài bia rượu ra thì cái gì cũng thấy nhạt miệng. Thế mà cô nàng mời tớ lên ký túc xá dự sinh nhật, ngồi giữa đám bạn sinh viên của nàng, trao cho tớ đĩa hạt dưa ngồi cắn. Tớ cắn hết nửa đĩa, nhìn quanh mỉm cười ngu ngốc độ năm chục lần, xong thấy mình đúng là chả có cái dại nào bằng cái dại nào.

    Cô thứ bảy du học về, sành điệu thì thôi rồi. Tay lăm lăm smartphone, nách luôn kẹp laptop, giầy phải ăn rơ với màu quần và kiểu áo, đi đổ rác đầu cũng phải thắt nơ kiểu bà nội trợ đi đổ rác, xong về thay váy hoa kiểu cô nàng Hàn quốc váy hoa liti đạp xe đi mua đồ ăn, thêm vài bông cẩm chướng cắm giỏ xe cho nó lãng mạn. Đi chợ về thì thay kiểu váy trắng thắt bím tóc hai bên buộc nơ trắng cho ra vẻ thiếu nữ nhà lành ngồi chát webcam mắt mở to môi chúm chím.

    Hỏi ra thì biết nàng mới du học ở thủ đô nước Lào về, đang muốn mở shop online để mua bán bỉm sữa tã ăn dỗ những bà mẹ trẻ tham rẻ trên mạng. Nàng bảo, nếu cưới mình, nàng sẽ dành tầng một của nhà mình làm vườn trẻ cao cấp, tầng 2 cho Tây thuê, vợ chồng ở tầng 3 là đủ. Thiệt tình...

    Cô thứ tám làm thư ký của mình nửa năm trước khi thành bồ. Trẻ, khôn, dễ coi, nhanh nhẹn, nấu ăn cực ngon. Mỗi tội, ghen đến phát rồ!

    Cô thứ chín, hiền, ngoan, gia đình cơ bản, tán độ vài buổi thì bố mẹ nàng thấy tớ có điều kiện kinh tế quá ổn, nhà riêng, xe riêng, công ty riêng, nên đã xông vào... tán giúp. Mỗi tội, khi phát hiện ra cô ấy không còn trinh, tớ giải tán luôn! Nàng cũng khóc lóc dọa tự tử, thề thốt đủ điều. Mà bỏ mấy năm rồi có thấy tự tử gì đâu!

    Cô sau đó, cũng lại bạn bè giới thiệu, hơi thấp, hơi xấu, đang làm giảng viên sau đại học của lớp bạn tớ. Tính rất là dễ thương và cởi mở. Mỗi tội, lúc nào mở mồm ra cũng chực tuyên ngôn nam nữ bình đẳng. Mới yêu đã đòi chia việc nhà sau này. Cho đi tàu suốt luôn. Chẳng lẽ mình ngần này tuổi, đi làm mười mấy năm, gây dựng cơ nghiệp triệu đô, rồi rước một bà về nhà hầu bà ấy sao? Để bà ấy chỉ huy sao? Đời thiếu gì gái tơ, ngoan ngoãn biết điều đúng không?

    Cô thứ mười một, thực ra cũng chẳng phải yêu đương gì. Chẳng qua là hay đi mát-xa quán cô này, sau rồi thành khách quen, vì mình cũng thích cô này! Cô nàng cũng có vẻ thích mình, vì tính mình vốn chiều phụ nữ, ưa trò chuyện, nàng hay nhận lời ra ngoài với mình. Đi khách sạn, xong việc mình buồn ngủ chết đi được thì cô này cứ rủ rỉ rủ rỉ tâm sự.

    Rồi một ngày tớ giật mình kinh hãi nhận ra, tại sao mình trả tiền cho cô này, để được phục vụ, mà mình lại đang phải hùng hục mang cả tiền lẫn thân thể ra để làm cho nàng vui, nàng sướng? Tại sao mình đường đường một đấng đàn ông thế này mà phải cố làm cho một con cave vui lòng? Thế là... một đi không trở lại, nghĩ lại thấy, rồi cũng phải vậy thôi!

    Mình sốt ruột ngắt lời: Thế tóm lại là bây giờ đang cô thứ mười mấy rồi?

    Bạn mình cười khà khà, bảo cứ từ từ, đây nói cho mà biết!

    Tớ muốn kiếm một cô tuổi dưới 25, đã yêu một hai lần rồi cũng được nhưng phải còn trinh, ngoan, có học thức, tốt nghiệp đại học chính quy, khoa gì cũng được, chẳng quan trọng. Cao độ 1m60-1m62 để đẹp đôi với tớ. Chân thon, thẳng, da trắng, mấy đứa da đen mặc gì cũng không thể đẹp được. Mà chân vòng kiềng cứ bon chen mặc váy nhìn mới kinh chứ! Ngực nhỏ chán lắm, chưa kể sau này sinh con đẻ cái, ngực nhỏ không có lợi!

    Nàng phải khéo léo, nhà tớ còn ba thằng em trai chưa vợ, nên nàng làm chị dâu, làm dâu cả, nàng phải chững chạc mới giữ được oai. Nhưng nàng cũng phải yêu văn hóa văn nghệ, tính lãng mạn tí thì sống với tớ mới thấy thú vị. Nhà cửa của tớ giờ sẵn đó rồi, nàng phải chăm quét dọn lau chùi chứ phụ nữ ở dơ thì hãi lắm. Có phải dễ mà có cả cái cơ ngơi thế này đâu!

    Nấu ăn cũng phải biết làm cho nó ngon một tí. Tình yêu của đàn ông đi qua cái dạ dày mà! Cho dù mình sau này thuê người giúp việc, thì bà chủ cũng phải biết việc, tháo vát đảm đang thì mới sai bảo Ô-sin được chứ. Chưa kể thu vén việc nội ngoại, trang trí nhà cửa cũng phải có thẩm mỹ, ăn mặc đừng đua đòi hàng hiệu tốn tiền, nhưng cũng phải vừa đẹp vừa sang, xứng với vị trí của tớ...

    Mình sốt ruột rồi, mình bảo: Tiêu chuẩn cụ thể như thế rồi, cậu cứ đăng báo, làm cái tin "triệu phú trẻ kén vợ" là khối cô lao vào. Cần gì phải giới thiệu! Ngày xưa cũng may, cậu chẳng yêu tớ. Chứ nhìn lại tớ chẳng đạt được một phần trăm nào tiêu chuẩn kén vợ của cậu cả.

    Bạn mình lột mũ ra gãi đầu, cười cười: Duyên số, đâu có dễ dàng. Mỗi lần công ty tớ có event gì, ối cô hotgirl cứ đon đả ấy chứ. Mỗi tội, chọn vợ đẹp nó cưỡi lên cổ mình, vợ xấu thì mình cũng không lấy được. Bạn bè lâu năm từ thưở hàn vi như cậu mới hiểu nỗi khổ của tớ. Chứ nhiều cô, gặp vài lần, mình nói ra mong ước của mình, các cô ấy chạy mất dép. Khổ thế đấy!

    Mình bảo, lỗi tại cậu.

    Cậu đi tìm vợ là sai rồi, bảo sao chẳng khó khăn. Cậu phải đi tìm một Ô-sin chuyên nghiệp, một đầu bếp thạo nghề, một người tình trẻ, một quản gia già, rồi lúc nào cần xài người nào, cậu kêu người đó tới trước mặt cậu!

    Trang Hạ
    ( Trích từ Truyện Ngắn )
     
  20. lichan

    lichan Lớp 12

    the salty coffee.JPG

    He met her at a party. She was so outstanding, with many boys around her, while he was so normal, with nobody paying attention to him.


    At the end of the party, he invited her to have coffee with him. She was surprised, but due to being polite, she agreed. They sat in a nice coffee shop. He was too nervous to say anything, and she felt uncomfortable, thinking, "Please let me go home."


    Suddenly he asked the waiter, "Would you please give me some salt? I’d like to put it in my coffee."


    Everybody stared at him—so strange! His face turned red, but, still, he put the salt in his coffee and drank it.


    She asked him curiously, "Why do you have this hobby?"


    He replied, "When I was a little boy, I was living near the sea. I liked playing in the sea, and I could feel the taste of the sea, just like the taste of the salty coffee. Now every time I have the salty coffee, I always think of my childhood. I miss my hometown so much. I miss my parents who are still living there." While saying that tears filled his eyes. She was deeply touched. That’s his true feeling, from the bottom of his heart. A man who can tell out his homesickness, he must be a man who loves home, cares about home, and has responsibility of home. Then she also started to speak, about her faraway hometown, her childhood, her family. That was a really nice talk, also a beautiful beginning of their story.


    They continued to date. She found that actually he was a man who meets all her demands; he was kind-hearted, warm and careful. He was such a good person but she almost missed him! Thanks to the salty coffee! Then the story was just like every beautiful love story, the princess married the prince, then they were living a happy life… And, every time she made coffee for him, she put some salt in the coffee.


    After 40 years, he passed away, leaving her a letter which said, "My dearest, please forgive my whole life lie. This was the only lie I said to you—the salty coffee."


    "Remember the first time we dated? I was so nervous at that time. Actually I wanted some sugar, but I said salt. It was hard for me to change so I just went ahead."


    "I tried to tell you the truth many times in my life, but I was too afraid to do that, as I have promised not to lie to you for anything."


    "Now I’m dying, I’m afraid of nothing so I tell you the truth: I don’t like the salty coffee. What a strange bad taste! But I have had the salty coffee for my whole life!"


    "Since I knew you, I never feel sorry for anything I do for you. Having you with me is my biggest happiness for my whole life. If I can live for a second time, I still want to know you and have you for my whole life, even though I have to drink the salty coffee again."


    Her tears made the letter totally wet.


    Someday, someone asked her, "What’s the taste of salty coffee?"


    "It’s sweet," she replied.


    Author unknown


    [​IMG]

    CÀ PHÊ MUỐI


    Chàng trai gặp cô gái ở một buổi tiệc. Cô rất xinh đẹp, quyến rũ và đến hơn nửa số người trong buổi tiệc đều để ý đến cô. Trong khi chàng trai chỉ là một người rất bình thường, không ai buồn nhìn tới. Cuối cùng, khi buổi tiệc gần kết thúc, chàng trai ngượng ngập mời cô gái uống cà phê với mình. Cô gái rất ngạc nhiên, nhưng vì lời mời quá lịch sự nên cô đồng ý.
    Họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc, nhưng chàng trai quá lo lắng, mãi không nói được lời nào, làm cho cô gái cũng cảm thấy bất tiện. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ:
    - Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê!
    Mọi người đứng xung quanh đều hết sức ngạc nhiên và nhìn chăm chăm vào chàng trai. Chàng trai đỏ mặt nhưng vẫn mức một thìa muối cho vào cốc cà phê và uống.
    Cô gái tò mò:
    - Sao anh có sở thích kỳ quặc thế?
    - Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển - Chàng trai giải thích - Khi chơi ở biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên bây giờ, mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình.
    Cô gái thực sự cảm động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Nên cô gái bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn, về nơi cô sinh ra, về gia đình... Trước khi ra về, họ hẹn nhau một buổi gặp tiếp theo...
    Qua những lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người lý tưởng: rất tốt bụng, biết quan tâm... Và cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ cốc cà phê muối.
    Câu chuyện đến đây vẫn là có hậu vì "công chúa" đã tìm được "hoàng tử", và họ cưới nhau, sống hạnh phúc.
    Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chàng trai - nay đã là chồng cô - một cốc cà phê với một thìa muối. Và cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống cốc cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình cốc cà phê ngon đến thế.
    Sau 50 năm, người chồng bị bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư:
    "Gửi vợ của anh,
    Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất - về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó, anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng nên không thể thay đổi được đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê và bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽkhông bao giờ mói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu.
    Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh sẽ nói sự thật với em. Anh không thích cà phê muối, nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có được em, và anh sẽ uống cà phê muối cả cuộc đời".
    Khi người vợ đọc xong lá thư cũng là khi lá thư trong tay bà ướt đẫm nước mắt.
    Nếu bạn hỏi người vợ rằng: "Cà phê muối có vị thế nào?", chắc chắn bà sẽ trả lời: "Ngọt lắm".

    Trích từ:
    Nguồn: Latdat- VNthuquan
     
    Last edited by a moderator: 26/3/14
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này