Chính trị TH-Khác Một lương tâm nổi loạn - Henry David Thoreau

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi teacher.anh, 7/2/16.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    cover.jpg

    Tên sách: Một lương tâm nổi loạn
    Tác giả: Henry David Thoreau
    Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
    Thể loại: Triết học - Chính trị
    Nhà xuất bản: Cảo Thơm
    Năm xuất bản: 1970
    GP số: 3718 BTT/PHNT – ngày 3.9.1970
    Số trang: 187 trang
    Những người tham gia:
    Nguồn sách: @teacher.anh
    Scan: @teacher.anh
    Đánh máy và soát lỗi lần 1: @4DHN, @dangtuanpr, @Mot_sach09, @oceanoc, @Rafa , @teacher.anh
    Soát lần cuối: @lichan
    Review: @Ban Tang Du Tử
    Tạo Ebook: @tamchec
    Hoàn thành ngày: 07.02.2016
    E-book này được thực hiện nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng, góp phần nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa Đọc cho các bạn không có điều kiện mua sách giấy.

    Khi bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả, dịch giả và Nhà xuất bản!

    Do chúng tôi chưa thể liên hệ được với tác giả, dịch giả để xin phép nên rất mong tác giả, dịch giả và bạn đọc thông cảm.

    Xin cảm ơn tất cả những thành viên đã tham gia thực hiện dự án!

    Lời đề từ

    "Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc là khi ta biết ĐỦ."

    Yêu thương quá sinh gò bó, quan tâm quá khiến mất tự do, ghen tuông quá mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ ĐỦ sẽ chạm được hạnh phúc tròn vị.

    Ebook “Một lương tâm nổi loạn” là món quà từ những người bạn @4DHN, @Ban Tang Du Tử, @dangtuanpr, @lichan, @Mot_sach09, @oceanoc, @tamchec, @Rafa@teacher.anh gửi tới @hanhdb (Bi) với lời nhắn gửi:

    Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng chớ ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo. Yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.

    @Những người bạn.


    Hãy dám sống cuộc đời chân chính với lương tri

    HENRY DAVID THOREAU đã chứng minh một cá nhân, nếu sống như một con người đích thực, sẽ có sức mạnh và sự tự do to lớn, bằng cả cuộc đời của ông.

    Walden cùng Bất tuân chính quyền - hai tác phẩm được dẫn trong cuốn sách Một lương tâm nổi loạn - chính là bằng chứng cho điều ông tin tưởng và hành động: Sống một cuộc đời tự do và của chính mình toàn vẹn nhất. Đó chính là cuộc đời dám sống chân chính với lương tri.

    “Tôi sinh ra không phải để chịu sự cưỡng bức. Tôi muốn sống theo ý tôi.” (Henry)

    Walden giải quyết cho con người khỏi cái ách về vật chất.

    Đó là câu chuyện của chính ông sống bằng phương thức tự cung tự cấp suốt hai năm trời ở trong rừng. Ông tự xây nhà, làm vườn, làm thuê lặt vặt… để có tiền vừa đủ trang trải nhu cầu sống của cá nhân. Ông chỉ mất chừng sáu tuần trong một năm để làm lụng lo cho nhu cầu ăn, ở. Thời gian còn lại ông dành cho suy tư, chiêm ngưỡng cuộc sống. Và bởi vậy ông đạt được những viên mãn trong tâm hồn mình, và cũng không cảm thấy sự thiếu thốn vật chất.

    Walden là những lời tự sự, những tính toán chi li sáng suốt của chính Henry, để biết được một cách chân xác rằng con người ta không nhất thiết phải khốn đốn để kiếm cái ăn trong cuộc đời. Mà họ có thể như con chim vừa kiếm ăn vừa hát ca được.

    Bất tuân chính quyền lại giải quyết cái ách về phẩm hạnh của một con người xã hội chân chínhTác phẩm nói cho mỗi cá nhân phải sử dụng chính quyền như thế nào cho phải lẽ, cho đúng thực là con người có lương tâm và dám hành động cho những điều tốt đẹp nhất.

    Một chính quyền tốt đẹp nhất theo ông chính là một chính quyền không can thiệp vào cuộc sống của mỗi cá nhân, miễn là cá nhân đó không tổn hại gì cho ai. Còn nếu chính quyền đó sai trái thì bổn phận của mỗi cá nhân phải là bày tỏ sự không tuân theo con đường sai trái đó. Cách bày tỏ đơn giản chính là không ủng hộ cả về vật chất và con người. Và chỉ bằng cách như vậy, con người ta có thể làm thay đổi cả một chính quyền bất công, tàn bạo, bất hợp lý với những lẽ phải trong đời.

    Tuy nhiên, cái ý của Henry không chỉ dừng lại ở đó. Trong Bất tuân chính quyền ông vạch ra được:

    Thứ nhất: Điều gì làm cản trở một công dân hành động theo lẽ phải? Điều mà đáng lẽ ra họ phải hành động khi cần thiết để phản đối một chính quyền không nhân đạo?

    Câu trả lời chính là: sự sở hữu vật chất và cả lòng sợ mất mát một cuộc đời không có lương tri – tức là sinh mạng. Và cả những hiểu lầm tai hại về sự phục tùng chính quyền cùng với lòng ái quốc.

    Vật chất hay của cải chính là cái trói buộc sự tự do và cả sự cao thượng của con người nữa.

    Về tính mạng, Henry không chủ trương con người ta phải hy sinh tính mạng để tranh đấu cho một lẽ phải trong đời, bởi cuộc sống nào cũng đáng quý. Nhưng ông vạch ra, không phải cuộc tranh đấu nào cũng dẫn đến mất mạng. Và sự tranh đấu không tổn hại đến tính mạng mà vẫn đạt được hiệu quả to lớn vẫn có. Đó chính là: đấu tranh bất bạo động. Và mỗi người phải hiểu rằng: “khi lương tâm bị thương tổn thì có khác gì máu đã đổ rồi”.

    Cuối cùng, sự nhầm lẫn giữa phục tòng chính quyền và lòng ái quốc cũng là cái bẫy khiến cho mỗi người không dám hành động chống đối lại một chính quyền đã hư hỏng.

    Thứ hai: Những biểu hiện giả dối của lương tri nửa vời.

    Để theo đuổi được con đường của lương tri thì phải tuyệt đối rời bỏ con đường lương tri nửa vời. Con đường nửa vời đó còn nguy hiểm hơn là việc không theo đuổi, bởi vì nó làm cho con người ta nghĩ rằng mình đã đủ tốt trong khi chẳng làm nên tích sự gì cả.

    Hai tác phẩm của Henry chính là gươm báu sắc bén để chặt đứt những gông xiềng mà con người tự mang cho mình và tưởng rằng sẽ chẳng có cách nào thoát được. Nó là chìa khóa để mỗi người có thể tự tin vào chính mình để đi con đường đồng hành cùng lương tri, miễn là anh chịu đồng hành. Chỉ cần lắng nghe lương tri, hành động trong sự không lo sợ, và như vậy mỗi người sẽ đạt đến việc sống một cuộc sống thực sự với đầy đủ những tinh túy và ban tặng của nó.

    Henry không phải là một triết gia đương thời, không phải một nhà cải cách xã hội đương thời, không cả một nhà văn tên tuổi đương thời. Henry có vẻ như là một kẻ nổi loạn lập dị, thích sự một mình và chống đối lại cả thế giới không dám nhận lấy tiếng nói của lương tâm xung quanh ông. Henry là một kẻ vô danh khi còn sống, nhưng là một lương tâm bất tử mà mọi con người nên soi vào đó để cố gắng tranh đấu giữ lấy phần người của mình và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc tranh đấu tưởng như “ngu dại, điên rồ” nhưng thực sự là cuộc đời chân chính đó.

    @Ban Tang Du Tử

    Nhắn gửi:


    Trong quá trình thực hiện ebook chúng tôi đã cố gắng hết sức để không còn lỗi chính tả song cũng không thể tránh khỏi sơ sót, nếu bạn đọc có phát hiện còn sót lỗi vui lòng note và gửi lại tại đây hoặc nhắn tin cho @teacher.anh để chúng tôi thực hiện hiệu chỉnh cho ebook hoàn thiện hơn. Xin cảm ơn.

    @teacher.anh
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 28/7/16
  2. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Năm nay ai không đi chơi nhiều, ở nhà đọc sách nào :lmao:

    Buồn quá mọi người ạ cute_smiley23
     
    chuyennho and teacher.anh like this.
  3. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Cảm ơn mọi người. Bi yêu các bạn rất nhiều cute_smiley26

    Phần 1
    Trở về với tự do

    Nói đến cái tên Henry David Thoreau làm người ta liên tưởng đến một nhà quan sát tạo vật sâu sắc, một kẻ mê thích sự cô tịch và cảnh thiên nhiên, một tiêu biểu về đời sống giản dị, một nhà thơ, nhà huyền học, bậc thầy về văn xuôi Anh.
    [​IMG]
    Rất ít người nhớ đến Thoreau với tư cách tác giả của một bản tuyên ngôn cực đoan nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, theo một lời những nhà viết tiểu sử mô tả: Thoreau còn là phát ngôn viên “về những lý thuyết đề kháng được trình bày một cách rõ ràng và thẳng thắn nhất ở châu Mỹ”. Jefferson đã viết: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất”, nhưng Thoreau đã bỏ xa Jefferson, khi ông viết:

    Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả”.

    Câu này mở đầu tập tiểu luận nổi tiếng của Thoreau có nhan đề: “Dân sự bất phục tùng” lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 5 năm 1849 trên tờ Aesthetic Papers ở Elibeth Peabody, một tờ tạp chí không tiếng tăm và chết yểu. Khởi thủy tập tiểu luận được đề là “chống đối lại chính phủ dân sự”, sau được đổi lại “Luận về bổn phận dân sự bất phục tùng” hay giản dị hơn “Dân sự bất phục tùng”.

    Khi xuất bản lần đầu, tác phẩm của Thoreau không được chú ý và có rất ít người đọc. Nhưng qua thế kỷ sau, sách của ông có hàng ngàn người đọc và đã ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người.
    [​IMG]

    Phải chăng Thoreau trong tâm tư là một triết gia vô chính phủ? Phải phân tích tập “Dân sự bất phục tùng” cùng bối cảnh lịch sử của tập tiểu luận, phần nào mới có thể tìm được giải đáp cho câu hỏi phức tạp này.

    Riêng cá nhân của Thoreau, trong thuở thiếu thời, gần như không có biểu hiện gì báo trước ông sẽ trở nên một kẻ phản loạn bất phục tùng. Gốc Pháp và Scotland, Thoreau sinh năm 1817 ở Concord thuộc tiểu bang Massachusetts và lớn lên trong khung cảnh thanh bần bảo thủ. Bốn năm theo học ở trường Harvard, Thoreau không tỏ ra xuất sắc, ngoại trừ việc diện độc áo màu xanh đi nhà thờ “vì luật lệ bắt buộc phải mặc áo màu đen”; tiểu tiết hé lộ cho thấy con người không trọng lề lối sau này. Ông dành rất nhiều thì giờ đọc sách ở thư viện nhà trường.

    Thoreau rất vui sướng được trở về với những cánh đồng xanh và cảnh núi rừng ở Concord, nơi ông ở cho đến khi qua đời, chỉ thỉnh thoảng mới đi thăm viếng bạn bè, người nhà trong thời gian ngắn. Ông làm rất nhiều nghề khác nhau. Sau khoảng thời gian ngắn dạy học ở trường công lập, ông cùng với người anh là John điều khiển một ngôi trường tư trong ba năm. Kế đó, ông thường phụ giúp thân phụ trong xưởng làm bút chì của gia đình, tham dự việc công ở Concord, như làm kiểm tra viên, đôi khi lại diễn thuyết, và cố gắng trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.

    Hai lần Thoreau đến ở với văn hào Ralph Waldo Emerson trong thời gian ngắn. Nhân dịp này ông làm quen với các hội viên của Câu lạc bộ Hướng thượng, và tích cực tham dự vào những cuộc thảo luận của các nhà tư tưởng và nhà văn Anh trong nhóm này. Emerson đã ảnh hưởng rất lớn đến sự mở mang trí thức của Thoreau kể cả việc giúp thêm vài ý kiến cho Thoreau sau này viết nên tập “Dân sự bất phục tùng”.

    Thoreau không có tham vọng làm giàu, mà chỉ làm để có vừa đủ những cái tối thiểu cho cuộc sống. Tham vọng độc nhất của ông là có nhiều thì giờ rảnh để dồn vào những việc tối quan trọng - theo quan niệm của ông - như thơ thẩn ở đồng nội miền Conncord, quan sát tận nguồn gốc tạo vật, suy tư, đọc, viết... làm những điều mình thích. Những nhu cầu đơn giản ấy không buộc ông phải sống một cuộc đời cần cù vất vả như những người chung quanh. Thay vì làm sáu ngày nghỉ một ngày (theo thời khóa biểu trong Kinh thánh), Thoreau đảo ngược lại và chỉ dành độc ngày thứ Bảy cho công việc. Tóm lại, chủ trương của ông hoàn toàn trái ngược với những điều dạy dỗ của Adam Smith, với những phương châm của Franklin qua nhân vật điển hình “Anh chàng Richard nghèo kiết”, và lý tưởng truyền thống của người Mỹ là "cày" nhiều chóng giàu.

    Để thực hiện quan niệm sống giản dị đó, Thoreau sống hai năm ở hồ Walden gần vùng Concord. Ông cất một mái lều đơn sơ, tự trồng đậu, khoai, sống với những thức ăn đạm bạc như gạo, bột mì, khoai, mật mía và cô lập hoàn toàn xã hội bên ngoài. Đây là thời gian suy tư và sáng tạo mà kết quả là một trong những tác phẩm lớn của nền văn học Mỹ, đó là tập "Walden, hay là cuộc sống ở rừng xanh (1854)”.

    Đúng ra, tác phẩm Walden kể lại cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã của Thoreau, trong đó có đầy rẫy những đoạn miêu tả cảnh ngoạn mục về thời tiết, cảnh sông nước đồng quê và sự sinh hoạt của động vật. Nhưng Walden đâu hẳn chỉ là những điều quan sát của một nhà tự nhiên học, cũng như tập “Compleat Angler” của Izaak Walton không phải là tập sách bàn về thuật câu cá. Những nhận định của Thoreau về sự phù phiếm và câu thúc của xã hội và nhà nước, đều có ý nghĩa quảng đại. Rồi với thời gian, phần chỉ trích xã hội trong tập Walden lôi cuốn độc giả cũng ngang với phần diễn tả thiên thiên. Có thể nói, với một đường lối riêng, cuốn Walden cũng có cùng chung một tinh thần cực đoan với tập "Dân sự bất phục tùng” in trên báo vào năm 1849.

    Ít lâu sau trong thời gian sống ẩn dật ở Walden, Thoreau có trở lại thăm Concord vào năm 1843. Tại đây ông bị bắt giam vì tội không đóng thuế thân, ông đã noi gương nhà văn Bronson Alcott, tác giả cuốn “Little Women” bị bắt giam hai năm trước cũng vì không đóng thuế này. Cả Thoreau và Alcott đều dùng biện pháp từ chối đóng thuế để phản đối nhà nước ủng hộ chế độ nô lệ. Thoreau chỉ ở một đêm trong nhà giam, vì một bà cô họ đã xuất tiền đóng thuế giúp ông, khiến ông rất bất mãn.

    Mãi nhiều năm sau Thoreau mới kể lại chuyện này trong tập "Dân sự bất phục tùng”, khi mô tả về va chạm của ông với luật pháp về việc không đóng thuế thân. Khởi thủy được viết thành bài diễn văn vào năm 1848, đến năm tiếp theo tác phẩm của Thoreau được đem ra in. Cuộc chiến tranh Mêhicô 1846-1847 vừa mới chấm dứt, chế độ nô lệ đang là vấn đề nóng bỏng. Việc ban hành đạo luật về nô lệ đào tẩu đã khiến cho Thoreau đặc biệt công phẫn. Tất cả những sự kiện đó cộng thêm cuộc đụng độ giữa ông với sở Thuế, đều là khở nguồn cảm hứng của tác phẩm “Dân dự bất phục tùng”.

    Cuộc chiến tranh nào cũng đều ghê tởm đối với lý tưởng của Thoreau, nhất là cuộc chiến tranh Mêhicô, vì ông tin rằng cuộc chiến tranh này chỉ có mỗi mục đích là mở rộng chế độ nô lệ bỉ ổi đến lãnh vực mới. Ông tự hỏi tại sao ông lại phải đóng góp tiền bạc cho một chính phủ làm những chuyện bất công và ngu muội? Đây là khởi điểm chủ thuyết dân sự bất phục tùng của Thoreau. Tuy không hề có máu chính trị gia trong người, Thoreau cũng nhất định chuyến này cứu xét đến bản chất quốc gia và nhà nước. Giữa cá nhân và nhà nước có những mối tương quan nào và ngược lại. Từ sự nghiền ngẫm những vấn đề đó, triết lý của Thoreau về cá thể trọn vẹn của con người và vị trí con người trong xã hội đã xuất hiện.

    Thoreau viết: “Dù hay đến đâu chính phủ cũng chỉ là phương tiện, và thường là thất sách. Những lý luận phong phú vững chắc và rất hiệu lực dùng để phản đối việc duy trì một đạo quân thường trực cũng có thể đem dùng rất hiệu quả để phản đối một chính phủ thường trực.

    Thoreau nhìn nhận chính phủ Mỹ là một chính phủ tương đối tốt. Nhưng ông viết:
    Thế là chính phủ Mỹ cũng chưa bao giờ tự làm được công chuyện gì cả, chỉ đi sai lạc đường lối của mình vì quá nồng nhiệt không giữ cho xứ sở được tự do. Không giải quyết vấn đề miền Tây... Chính cá tính đặc biệt của nhân dân Mỹ đã thực hiện được những điều ta trông thấy, và có thể thực hiện được nhiều điều hơn nữa, nếu thỉnh thoảng, không vấp phải sự cản trở của chính phủ. Theo như trên đã nói, chính phủ chỉ là một phương tiện, mà công dụng lớn nhất là để cho dân chúng được tự do, càng rộng rãi càng tốt.

    Ngay sau khi trình bày trường hợp không cần đến chính phủ, Thoreau nhìn nhận rằng con người chưa đạt đến trình độ toàn thiện để có thể thực hiện chủ trương này, ông liền sửa đổi như sau:
    Nói một cách thực tế với tư cách một công dân, không giống như những kẻ tự xưng mình theo chủ trương vô chính phủ, tôi đòi hỏi không phải đừng có chính phủ ngay, nhưng đòi hỏi phải có ngay một chính phủ tốt hơn. Mọi người hãy cho biết: thế nào là chính phủ đáng được tôn trọng và đó là một bước để tiến tới có một chính phủ tốt”.

    Quyền hạn của thiểu số và sự dối trá của đa số được Thoreau đặc biệt nhấn mạnh. Ông viết: khối đa số cai trị “không phải vì có lẽ phải, hay vì thiểu số thấy đa số có lẽ phải mà chỉ vì đa số mạnh nhất. Một chính phủ đa số không thể bao giờ cũng là một chính phủ công bằng, dù là thứ công bằng theo quan điểm hiểu biết thông thường”. Ông tin tưởng người công dân “không thể nào trao lương tâm của mình cho nhà lập pháp...”. Trước hết chúng ta phải là người đã, sau đó mới là công dân. Nên tôn trọng lẽ phải hơn là tôn trọng luật pháp.

    Chính giới bị Thoreau đánh giá rất thấp. Ông viết: “Đa số các nhà lập pháp, chính khách, luật sư, bộ trưởng và viên chức chỉ phục vụ nhà nước bằng đầu óc chuyên môn của họ. Thường không bận tâm phân biệt về các vấn đề đức lý, họ cũng giống như vừa vô tình phụng sự ma quỷ vừa phụng sự Thượng đế. Cũng như chỉ có một số rất ít các vị anh hùng, các nhà ái quốc, nhà tuần giáo, các nhà cải cách xã hội, theo nghĩa chung và những người phục vụ xứ sở bằng cả đầu óc lẫn lương tâm. Vì vậy họ lắm phen bắt buộc phải chống lại các chính khách và thường bị những người này coi như kẻ thù”.

    Sau đó Thoreau đả kích chính phủ Mỹ thời ấy “không lúc nào, tôi có thể thừa nhận cái tổ chức chính trị ấy như là chính phủ của tôi và của cả những người nô lệ. Bổn phận của công dân là phải chống lại cái ác trong nước ngay cả việc dùng cách công khai và ngang nhiên bất tuân luật pháp nhà nước. Ông viết:
    Khi một phần sáu nhân dân trong một quốc gia tự nhận là thành trì của tự do, lại là nô lệ... Tôi nghĩ rằng nay không phải là quá sớm để những người có lương tâm nổi dậy làm cách mạng... Nhân dân Mỹ phải chấm dứt chế độ nô lệ, phải chấm dứt chiến tranh với Mêhicô dù vì thế mà phải trả giá bằng cả dân tộc”.
    Những công dân tưởng rằng mình chỉ đi bỏ phiếu là đã làm tròn bổn phận, Thoreau thương hại họ như sau:
    Cuộc đầu phiếu nào cũng chỉ là một trò chơi như chơi cờ hay chơi gieo xúc xắc có pha chút ít màu sắc luân lý; đó là một trò chơi có phải trái, có vấn đề luân lý, và đương nhiên là có tính cách đánh cuộc trong đó. Lương tâm của cử tri không thành vấn đề gì cả... Cho dù bỏ phiếu cho cái phải cũng không có nghĩa là làm điều phải, mà chỉ mong muốn một cách yếu ớt cái phải được thắng thế... Hoạt động của quần chúng ít có giá trị đức lý”.

    Thoreau đặt thành vấn đề, thái độ thích đáng của công dân đối với những luật lệ bất công. Nên chờ đợi khối đa số sửa đổi luật lệ, hay thấy luật lệ bất công, là không tuân theo ngay tức khắc ? Ông trả lời dứt khoát là nếu một chính phủ “dùng bạn làm phương tiện để làm điều bất công đối với người khác, thì bạn hãy chống lại, chống lại luật lệ... Với bất kỳ giá nào, tôi nhất định không thể bán mình cho cái sai lầm mà tôi lên án”.

    Thoreau cho rằng bản chất thực của chính quyền là chống sự thay đổi và cải cách, và hay đàn áp những kẻ chỉ trích. Ông hỏi: “Tại sao Đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên cây thánh giá, Copernicus và Luther bị trục xuất ra khỏi Giáo hội, Washington và Franklin bị lên án là những tên phiến loạn?”...

    Với những người chống đối lại chế độ nô lệ, ông hô hào “ngay từ bây giờ phải triệt bỏ sự ủng hộ bằng nhân lực và vật lực cho chính quyền Massachusetts, và đừng chờ đợi có đa số rồi mới hành động. Tôi nghĩ rằng đứng về phía Thượng đế là đủ rồi, và một người phải tự mình đã là một đa số”.

    Để tỏ thái độ dân sự bất phục tùng, Thoreau chủ trương biện pháp mà công dân nào cũng có thể làm được là không đóng thuế. Ông cho rằng nếu có một ngàn người hay hơn nữa, thi hành biện pháp này để biểu lộ sự phản đối, thì chính phủ sẽ phải thi hành ngay những sự sửa đổi. Cho dù chống đối lại luật nước đưa đến những hình phạt thì: “Dưới một chính phủ bắt giam người một cách bất công, chỗ đứng của một người công bằng là ở nhà giam... Hoặc bắt giam tất cả những người công bằng, hoặc chấm dứt chiến tranh và chế độ nô lệ, nhà nước sẽ không do dự về sự lựa chọn”. Đóng thuế cho một chính phủ bất công, tức là đồng lõa, là dung túng cho sự bất công.

    Tuy nhiên, Thoreau nhận thấy rằng giai cấp tư sản vì tài sản của mình nên thường không dám nổi loạn, và người giàu đây không phải là những so sánh cá nhân - bao giờ cũng bán mình cho chế độ đã giúp y gây dựng nên tài sản. Nói một cách tuyệt đối “càng nhiều tiền, càng ít đức hạnh vì tiền là phương tiện đem vật đến cho người”. Không bị tiền bạc làm trở ngại nên Thoreau dám nổi loạn. “Đối với tôi, về mọi mặt, bị phạt vì không phục tùng nhà nước vẫn còn có lợi hơn là phục tùng nhà nước. Hơn nữa tôi cảm thấy hình như mình còn kém giá trị khi tôi phục tùng nhà nước”.

    Thoreau còn có những nhận xét rất thực tế. Ông hiểu rằng chính quyền lợi kinh tế đã ngăn cản tiểu bang Massachusetts hủy bỏ chế độ nô lệ. Ông viết:
    Nói cho đúng, lực lượng chống đối lại cải cách ở Massachusetts không phải là các chính khách ở miền Nam mà là các nhà buôn, trại chủ ở chính Massachusetts. Những người này thích chuyện thương mại, canh nông hơn là chuyện nhân đạo. Họ đâu có nghĩ đến công bằng đối với giới nô lệ, đối với Mêhicô. Thái độ của họ, là không cần biết hậu quả sẽ ra sao”.
    Sống với lý thuyết của mình trong sáu năm liền Thoreau không hề đóng thuế thân. Một đêm trong nhà giam càng khiến ông thêm tự tin, thêm coi thường nhà nước. Ông viết:
    Tôi thấy nhà nước là một cái gì ngu ngốc, nhút nhát như một phụ nữ cô đơn trong giàu sang, không biết phân biệt bạn và thù. Ở tôi, chút kính trọng cuối cùng đối với nhà nước đã tiêu tan, và chỉ còn lại lòng thương hại. Nhà nước không bao giờ dám đương đầu với phần cao cả của con người là phần tinh thần và đạo đức, mà chỉ dám đương đầu với phần vật chất của con người. Nhà nước làm gì có tri thức, làm gì có lương thiện, mà chỉ hơn vì có sức mạnh thô bạo. Tôi sinh ra đời không phải chỉ để cho người ta cưỡng bách. Tôi muốn sống theo ý muốn của tôi”.

    Thoreau phân biệt hai thứ thuế. Ông xác định “không bao giờ từ chối đóng thuế công lộ, đóng thuế trường học”. “Vì tôi muốn làm người láng giềng tốt, chứ không muốn làm người dân tốt”. Về các thứ thuế nuôi dưỡng chế độ nô lệ và chiến tranh ông viết “Tôi không phục tùng nhà nước, tôi muốn đứng cách biệt và tách rời ra khỏi nhà nước” trong những vấn đề đó.

    Tuy nhiên Thoreau không hề muốn đóng vai vị thánh tử vì đạo. Ông viết:
    Tôi không thích gây chuyện với bất kỳ người nào hay quốc gia nào. Tôi không thích bới móc, phân tích tỉ mỉ, hay tự đề cao mình hơn hàng xóm láng giềng. Tôi chỉ muốn tìm cách biện giải cho sự phục tùng nhà nước vì tôi có lý do để đặt việc này thành vấn đề. Tôi luôn sẵn sàng tuân theo luật lệ. Thật vậy, tôi không có lý do nào để nghi ngờ tôi về điểm đó. Mỗi năm đến kỳ đóng thuế tôi lại sẵn sàng duyệt lại những hành động của chính phủ liên bang và của chính quyền tiểu bang, duyệt lại tinh thần của nhân dân, để tìm lý lẽ tuân theo luật lệ của nhà nước”.

    Thoreau nhìn nhận rằng, tuy chưa đúng mức lý tưởng, “Hiến pháp Hoa Kỳ vẫn là một hiến pháp hay mặc dù còn rất nhiều khiếm khuyết; luật pháp và tòa án rất đáng kính trọng, về nhiều phương diện chính phủ tiểu bang, chính phủ liên bang, đáng khâm phục, và điều hiếm có, còn đáng cho người ta biết ơn”.

    Thoreau đả kích chính quyền dựa vào đa số, tuy nhiên ông vẫn còn chút tin tưởng ở quần chúng. Ông cho rằng các nhà lập pháp không đủ khả năng để đề cập một cách có hiệu quả đến “các vấn đề tương đối tầm thường như thuế khóa, tài chính, thương mại, công nghệ và canh nông. Nếu chúng ta chỉ chờ đợi ở sự hùng biện của các nhà lập pháp ở Quốc hội để hướng dẫn chúng ra, mà không có sự sửa sai, sự than phiền của quần chúng, thì nước Mỹ sẽ không duy trì được bao lâu địa vị của mình giữa các quốc gia”.
    Kết luận tập “Dân sự bất phục tùng” Thoreau trình bày quan niệm của ông về một chính phủ toàn mỹ, và long trọng nêu cao sự tin tưởng của ông ở phẩm giá của cá nhân, ông viết:
    Muốn được thật công bình, chính quyền... phải được sự phê chuẩn và chấp thuận của những người bị trị. Chính quyền chỉ có quyền đối với cá nhân và tài sản của tôi trong phạm vi tôi chấp thuận. Sự tiến bộ từ chế độ quân chủ độc đoán qua chế độ quân chủ lập hiến, đến chế độ dân chủ, là một tiến bộ đến sự thực sự tôn trọng cá nhân... Chế độ dân chủ như chúng ta được biết, phải chăng đã là chế độ hoàn toàn? Liệu chúng ta còn có thể tiến xa hơn nữa trong công cuộc thừa nhận và tổ chức dân quyền? Một quốc gia sẽ chưa thực sự tự do và văn minh nếu chưa thừa nhận và đối xử với cá nhân như là một quyền lực độc lập và cao hơn, do đó nhà nước mới có quyền uy. Tôi thường hay mơ tưởng một chính quyền công bình với mọi người, tôn trọng cá nhân như một người láng giềng, một chính quyền biết thản nhiên đối với mọi việc nêu có một số công dân tuy sống xa cách với chính trị, không tham dự vào chính trị, không bị chính trị chi phối nhưng vẫn làm tròn bổn phận con người láng giềng và con người trong xã hội. Một quốc gia mang thứ trái đó, và biết để cho trái rụng, khi đủ chín mùi, sẽ mở đường cho một quốc gia hoàn hảo hơn nữa mà tôi vẫn hằng mơ tưởng tuy chưa hề được thấy”.
    Nói tóm lại, chủ trương căn bản của Thoreau trong tập “Dân sự bất phục tùng” là: Nhà nước sở dĩ có là để phục vụ cho cá nhân, chứ không phải cá nhân phục vụ cho nhà nước. Thiểu số sẽ không nhượng bộ đa số, nếu vi phạm đến những nguyên tắc đức lý. Nhà nước không có quyền xâm phạm đến tự do tinh thần của công dân bằng cái lối cưỡng bức họ phải ủng hộ những bất công. Lương tâm của con người bao giờ cũng phải là ánh sáng dẫn đường tối thượng.
    Đương thời tập “Dân sự bất phục tùng” của Thoreau không gây được tiếng vang đáng kể. Dư luận đương thời gần như không hề nhắc tới tác phẩm của ông. Hơn mười năm sau, với cuộc nội chiến Mỹ, trái với điều người ta dự liệu tác phẩm này lại bị vùi lấp dưới mớ sách báo đề xướng thủ tiêu chế độ nô lệ. Phải đợi đến thế kỷ sau, sách của Thoreau mới được lôi ra ngoài ánh sáng.
    Nhân loại đã và sẽ còn được chứng kiến những cuộc tranh đấu bằng phương pháp “bất phục tùng” do Thoreau đề xướng và Gandhi làm cho hoàn hảo thêm. Ở khắp mọi nơi, ngay cả dưới chế độ độc tài hà khắc, giai tầng bị trị cũng vẫn có thể nêu cao sức mạnh của mình bằng phương pháp đó. Cuộc tranh đấu của dân da đen ở Nam Phi chống lại chính phủ Strijdom là một thí dụ về sự phục hồi cuộc thánh chiến của Gandhi. Gandhi đã từng viết:
    Chế độ chuyên chế bậc nhất cũng chỉ có thể đứng vững được với sự thỏa thuận miễn cưỡng của giai tầng bị trị, sự thỏa thuận này thường do nhà cầm quyền chuyên chế tạo ra. Ngày mà giai tầng bị trị không còn sợ sức mạnh chuyên chế nữa thì uy quyền của chế độ liền bị sụp đổ”.

    Thoreau bác bỏ mọi hình thức của chế độ độc tài. Chủ nghĩa của ông tuyệt đối đi ngược với mọi ý thức hệ đặt nhà nước lên trên những quyền lợi của cá nhân. Trong thực tế, khuynh hướng các chính phủ ở giữa thế kỷ XX này chứng tỏ rằng tư tưởng của Thoreau đang mất dần ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở khắp thế giới, chưa bao giờ khẩn cấp bằng lúc này, vấn đề được đặt ra là sự tương quan giữa công dân với chính quyền, hay là vấn đề phục tùng nhà nước.

    Parrington đã viết như sau: “Với Thoreau, triết lý cá nhân và chủ nghĩa tự do mạnh mẽ do Jean Jacques Rousseau đề xướng vào thế kỷ XVIII, được du nhập trọn vẹn vào New England. Tư tưởng của Thoreau là hiện thân hoàn hảo nhất của chủ nghĩa tự do chống lại cái trật tự của “xã hội trại lính”, là sự đả kích nghiêm khắc nhất những chính sách kinh tế lạc hậu đã vô hiệu hóa giấc mộng tự do của con người. Ông đã may mắn khỏi phải chứng kiến thời đại làm tắc nghẽn dòng sông tràn ngập đồng nội ở quê hương ông. Và cũng phải tiên tri rằng còn lâu lắm con người mới được tự do như ông hằng mong muốn”.

    (Trích: "Những tác phẩm biến đổi thế giới")

    Hà Nội 7/2/2016
    Phần 2 Tìm về cô tịch
     
  4. Rorschach DC

    Rorschach DC Lớp 2

    Cuốn này tìm mãi không có chỗ nào bán, nên mình mua luôn bản gốc. :)
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/3/16
  5. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Biết đủ thì không cần so sánh. Khi so sánh lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu và cần thêm...
     
    Last edited by a moderator: 21/10/16
    teacher.anh thích bài này.
  6. tulip4attoo

    tulip4attoo Lớp 1

    Cám ơn các bạn đã type và giới thiệu quyển này. Mình cảm thấy khá ấn tượng về lời mở đầu của NHL. Mình đã down về và dự định đọc vào khoảng tháng 4, khi nào đọc xong sẽ viết review lên 4rum luôn :D

    Nói lan man, có phần không liên quan 1 chút thì mấy hôm rồi mình có đọc lại đôi mắt của Nam Cao, và bản thân cảm thấy hiểu rõ hơn và cùng suy nghĩ với nv Hoàng (nhà văn tiểu tư sản mang mác gần-như-phản-động). Khi tranh luận với bạn, mình chỉ rõ ra những căn bệnh rất rõ ràng từ đầu thuở chính quyền mới thành lập như bệnh hình thức, quan liêu, và sử dụng người ko có năng lực,... qua lời của Hoàng mà đến nv Độ cũng phải công nhận. Thằng bạn mình chỉ phản ứng yếu ớt về việc Hoàng nên "hòa nhập" với mọi người.
    Nhưng thực chất là bạn không cần, và không nên phải chấp thuận, khuất mắt trông coi với những cái xấu, cái bất công phải không nào? Tôi vốn định viết 1 bài về những nhận định này của mình về tác phẩm đôi mắt (kỳ thực mấy hôm về quê mình không mang máy tính nên việc type bằng dt sẽ không phù hợp lắm), nhưng sau khi đọc lời giới thiệu về cuộc sống và lý tưởng của tác giả, tôi nghĩ sẽ thích hợp hơn khi thu nhặt thêm những luận điểm từ cuốn sách vào bài nhận định của mình.
     
  7. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Bản tiếng Anh - "Walden and on the Duty of Civil Disobedience"
     

    Các file đính kèm:

    chis, CanTay, cam_tn and 5 others like this.
  8. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    PHẦN 2 WALDEN TÌM VỀ CÔ TỊCH

    Walden kể về những trải nghiệm thực tế của Thoreau bên hồ Walden. Sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, ông quyết định rời xa thế giới con người và chọn cách sống tĩnh mịch trong rừng xanh suốt hai năm ròng. Điều này không xa lạ lắm với các nhà sư, đạo sĩ khổ hạnh ở Á Đông nhưng ở Hoa Kỳ, Thoreau chính xác là người đầu tiên, đặc biệt ông ghi chép và miêu tả lại rất tỉ mỉ, từng việc hàng ngày trong cuốn hồi ký Walden – hay Cuộc sống ở rừng xanh.
    [​IMG]

    Hơn hết cuốn sách thể hiện triết lý sống mà Thoreau đã thấu ngộ khi trầm tư bên hồ Walden. Chủ điểm chính ông khuyên mỗi chúng ta hãy sống thật giản tiện. Trên thực tế, con người ngày càng trở nên “tham lam”, mua sắm như điên. Thời đó người Mỹ luôn cố gắng xây ngôi nhà to hơn, kiếm tiền nhiều hơn, sắm thật nhiều đồ nội thất hào nhoáng… Ông cho rằng chính khao khát ham muốn sở hữu càng nhiều vật chất họ càng kém hạnh phúc. Con người chỉ đạt tới trạng thái hạnh phúc thật sự khi họ sở hữu những thứ thật cần thiết và tập trung vào những trải nghiệm tinh thần giản đơn. Vứt bỏ mọi thứ phù phiếm giúp bạn có thêm thời gian chiêm nghiệm về bản thân, cuộc sống. Làm việc ít hơn để tận hưởng một cuộc sống tự do đích thực.
    [​IMG]
    Tôi học được từ chính trải nghiệm của bản thân: Nếu bạn đủ tự tin hướng tới ước mơ, mạnh mẽ lựa chọn cuộc sống mình hằng mong muốn, bạn sẽ chạm tay vào thành công sớm hơn nhiều. Khi vượt qua được lằn ranh vô hình; cả vũ trụ mới sẽ mở ra, hào quang của Chúa trời sẽ bao bọc bảo vệ bạn. Người đứng đó chờ đợi tới khi trong bạn có đủ niềm tin, tới khi bạn có đủ dũng khí sống với ước mơ hoành tráng trong đời. Bạn hãy nỗ lực không ngừng và vững tin Chúa sẽ giúp bạn.
    Nếu bạn không phải là một con chiên ngoan đạo và không tin ở Chúa trời, có thể những thế lực siêu nhiên hay chính tiềm thức trong bạn sẽ đem đến sự cứu trợ.
    Mỗi thứ bạn vứt bỏ sẽ làm cuộc sống giản đơn hơn. Thành công đến dễ dàng, mọi thứ rộng mở, ưu phiền biến mất. Ngay cả bạn muốn xây tòa lâu đài giữa không trung cũng sẽ thành công. Nhưng hãy đưa tay đỡ dưới lâu đài đó.

    Thoreau cho rằng đừng chỉ mơ ước viển vông, quan trọng chúng ta cần hành động. Bạn có ước mơ lớn, mới chỉ là bước đi đầu tiên. Nhưng bước thứ hai, bạn cần hành động, thực sự làm việc chăm chỉ và khát khao hàng ngày.
    Rất tiếc trong Một Lương tâm nổi loạn, cụ Nguyễn Hiến Lê mới trích dịch vài chương, bạn có thể tìm đọc bản Tiếng Anh để tận hưởng “Walden thật sự” nhé! Tuy văn phong có lẽ hơi rối rắm, nhiều từ cổ khó nhằn với cả “Mỹ xịn”.
    Hà Nội 10/2/2016
    Bi ký đóng dấu


    {:bi:}
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/2/16
  9. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    "Thời đó người Mỹ luôn cố gắng xây ngôi nhà to hơn, kiếm tiền nhiều hơn, sắm thật nhiều đồ nội thất hào nhoáng… Ông cho rằng chính khao khát ham muốn sở hữu càng nhiều vật chất họ càng kém hạnh phúc. Con người chỉ đạt tới trạng thái hạnh phúc thật sự khi họ sở hữu những thứ thật cần thiết và tập trung vào những trải nghiệm tinh thần giản đơn. Vứt bỏ mọi thứ phù phiếm giúp bạn có thêm thời gian chiêm nghiệm về bản thân, cuộc sống. Làm việc ít hơn để tận hưởng một cuộc sống tự do đích thực."....

    Bây giờ bên Mỹ cũng vẫn thế thôi - vẫn xây nhà thật to, mua xe thật lớn, nợ nần chồng chất, đường xá xe cộ chật cứng, môi sinh ô nhiễm, thời tiết đổi thay. Người chết vì súng đạn bắn giết, tự sát rất nhiều..Nên lại bắt đầu có phong trào đơn giản hóa cuộc sống - Simplicity movement - lấy ý từ quyển WALDEN
     
    tulip4attoo, teacher.anh and hanhdb like this.
  10. tulip4attoo

    tulip4attoo Lớp 1

    Bạn hanhdb viết hay ghê.

    Mình vừa đọc xong phần viết của NHL về tác giả cũng như phần dịch bất tuân chính quyền. Rất tiếc là NHL lại không dịch toàn bộ walden, vì mình hứng thú và tò mò về walden hơn là bất tuân chính quyền.

    Về bài bất tuân chính quyền, không lạ khi nó không gây được tiếng vang khi mới ra mắt. Kỳ thực dù đã được NHL nhắc qua khi đọc giới thiệu, nhưng mình chắc chắn đây là tư tưởng cực đoan bậc nhất về cơ cấu chính trị mà mình biết. Một điểm nữa mình thấy là tác giả không hề đưa ra được giải pháp gì về mặt kết cấu chính quyền (cái này ko chắc, bạn @hanhdb thấy có phải ko?).

    Tuy vậy, đây vẫn là bài luận có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, một tư tưởng lớn của bài luận là: nhà nước tốt nhất là nhà nước không quản lý. Dù ý kiến này rất đỗi cực đoan, và tôi rất không đồng tình, thì tôi cảm thấy hàm ý: chính quyền nên (hay là phải?) tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Là người theo chủ nghĩa tự nhiên và tự do, tôi lại hoàn toàn đồng ý tư tưởng này. Ngoài ra, ông còn có các ý kiến xoay quanh như: khi đa số không phải là chân lý, khi mà thiểu số có ý kiến riêng, cá nhân lựa chọn tách biệt chính quyền,... Tuy vậy, tôi cảm thấy tác giả mới dừng lại oqr bước nêu ra vấn đề, chứ không đóng góp được gì cho việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tác giả cũng có viết rằng ông không thích và không quan tâm mấy tới chinha trị thì đây cũng là điều dễ hiểu. Cá nhân tôi cho rằng đây là nan đề ( mà có vẻ với tầm hiểu biết hạn hẹp của tôi) chưa có lời giải.

    Tiếp nữa, việc nêu ra tư tưởng bất tuân chính quyền của ông là 1 ý tưởng tôi cho rằng vô cùng sáng suốt và minh triết. Tôi cho rằng, thông qua vấn đề không nộp thuế thân để phản đối việc nhà nước Hoa Kỳ chấp thuận nô lệ và xâm lăng quốc gia khác, tác giả đã gợi mở về các biện pháp đấu tranh phi bạo lực. Thực tế cho thấy rằng, có một số chính quyền rất phù hợp để dùng biện pháp này (lẽ tất nhiên, trong đó không có phong kiến hay cơm sườn rồi :)) ), và chính quyền Hoa Kỳ có lẽ là 1 trong số những chính quyền đó. Ở phần đầu cuốn sách, NHL đã lấy ví dụ về Galhi, về Đan Mạch, những sự này e rằng xa xôi quá. Hãy nhìn sang quốc gia ngay bên cạnh chúng ta, Myanmar. Vài hôm trước, 1 người bạn hỏi tôi rằng:Lsao mà để có 1 ng như "đóa hồng dân chủ" của Myanmar đc ấy nhỉ :3. Dù hiểu biết chưa nhiều, tôi vẫn nhận ra rằng, để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, cần phải dựa trên nền tảng vững chắc về các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, triết học, luật,... Một chút liên hệ, thì trong cuốn Khuyên học cũng nêu rất rõ hàm ý này. Ngay ở Việt Nam, cũng có Phan Châu Trinh có đường lối đấu tranh tương tự (tiếc rằng chính quyền thực dân không thật phù hợp để áp dụng biện pháp này, chưa kể trí thức nước ta phân hóa theo lối bạo động rất mạnh).

    Tựu trung lại, đây là 1 bài luận mang tư tưởng rất cưc đoan, nhưng nếu chắt lọc ý kiến, thì chúng ta vẫn thu được lượng giá tríj khổng lồ. Khi mà càng ngày diễn biến thế giới càng phức tạp, thì chúng ta cần những tư tưởng như này dẫn lối, tránh tình trạng con người ngày càng mất tự do, chính quyền rơi vào tay những kẻ cầm quyền không vì mục tiêu tốt đẹp chung. Tuy không đưa ra giải pháp về mặt kết cấu nhà nước lẫn chính quyền, nhưng tác giả đã đưa ra biện pháp đấu tranh phi bạo động, điều này cũng đủ tạo dấu ấn về tầm voca của tác phẩm rồi.

    Mình viết hơi lan man vì bấm trên điện thoại. Mình cũng quan tâm tới phần walden hơn rất nhiều, vì mình đang muốn tìm hiểu xây dựng lối sống cho cá nhân, mà lối sống của ông lại là 1 lối sống rất độc đáo. Mình tin rằng sẽ tìm được nhiều tư tưởng mới về tự do khi đọc walden. Bao giờ đọc xong sẽ lại review tiếp heehe. Chỉ e là vào năm học không có thời gian đọc nữa.

    Lan man chút, đọc quyển này lại muốn đọc cả Mạnh Tử nữa. Có vẻ như Mạnh Tử có các tư tưởng về dân chủ rất mạnh mẽ và quyết liệt, đến mức mình không ngờ tới.
     
    Last edited by a moderator: 14/8/16
  11. Rorschach DC

    Rorschach DC Lớp 2

    Bài của bạn hanhdb thú vị đây, thông tin thêm là cuốn Walden (1854) viết trước khi nội chiến hoa kỳ diễn ra (1861 - 1865). Bạn nào đọc cuốn Walden sẽ biết là cabin của Thoreau chỉ cách làng vài dặm và cách nhà bạn thân Emerson 1,5 dặm. Có một thông tin là mình bất ngờ là việc giặt giũ ông nhờ mẹ mình làm giúp.

    Không dẫn link ngoài bạn nhé!
     
    Last edited by a moderator: 30/3/16
  12. Rorschach DC

    Rorschach DC Lớp 2

    Đã có bản dịch tiếng Việt.

    [​IMG]
     
  13. tulip4attoo

    tulip4attoo Lớp 1

    ^ thật tuyệt, mình đã rất muốn đọc walden, nhưng lại hơi ngại chuyện tiếng anh (vì Nguyễn Hiến Lê có viết rắng đây là 1 cuốn rất khó dịch - ngay cả với ông, khi sử dụng lối hành văn bay bướm, câu chữ phức tạp và dài). Nay có bản tiếng Việt (giá cả sách bây giờ cũng cao phết nhỉ @@) thì mình sẽ đón đọc :D. Tuy nhiên sách này chưa có order trên tiki :<
     
  14. Rorschach DC

    Rorschach DC Lớp 2

    Mình xem trên web của NXB Tri Thức thì phát hành ngày 22/04/2016. Sách về Sài Gòn ít nhất cũng hai tuần mới có.
     
    teacher.anh and tulip4attoo like this.
  15. thanhdatdonguyen

    thanhdatdonguyen Mầm non

    Cuốn sách này quá hay, nó thay đổi cách nhìn của ta về cuộc sống, và nếu bạn vừa đọc vừa chiêm nghiệm vừa ứng dụng vào cách sống hàng ngày, chắc chắn một lúc nào đó bạn sẽ "vỡ" ra thứ được gọi là "hạnh phúc".

    À nhớ ngồi thiền nữa nhé. ;)
     
    Last edited by a moderator: 21/10/16
    teacher.anh thích bài này.
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408

Chia sẻ trang này