Một số bài viết trên tạp chí Hồn Việt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Nguyễn Tuân-
    người đồng hành không mỏi của tiếng Việt, hồn Việt (*)

    Cập nhật: 10:37:00 8/7/2010
    Mai Quốc Liên

    Trong những ngày Hà Nội đánh Mỹ, ta có thể nhìn thấy Nguyễn Tuân mặc một bộ đồ lụa nâu, thong thả giở tờ báo tiếng Pháp trên một chiếc nắp hầm trú ẩn cá nhân ở bãi bia Cổ Tân trước Nhà Hát Lớn. Rồi những ngày B52, Cụ đội lên đầu cái mũ sắt phòng không, ở lại Hà Nội làm “phóng viên chiến trường”. “Tôi thấy tôi đúng. Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi Thủ đô – trái tim của cả nước lâm nguy mà bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?”.
    Và những trang viết say nồng, phức điệu, giàu màu sắc, giàu ý tưởng… của Cụ trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi lại vang lên, tiếp nối những trang tùy bút đã viết trong kháng chiến chống Pháp: Đường vui, Tình chiến dịch, Tùy bút kháng chiến…
    Nguyễn Tuân có cốt cách của một nhà văn – một nhà báo chiến trường như E.Hemingway, Erengbourg. Ông coi trọng văn từ báo, từ những vật liệu hàng ngày, từ công việc viết sử hàng ngày của người làm báo.
    Và như vậy, Nguyễn Tuân đã đi, miệt mài suốt đời như một lữ khách không mỏi dâng hiến hết mình cho dân tộc và thế kỷ, với những kiệt tác văn chương còn mãi: Vang bóng một thời, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, các bài tùy bút, tiểu luận đặc sắc về Tú Xương, Sêkhov, Dostoievski, Nguyễn Du, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng… viết với nhãn lực, bút pháp một nhà văn bậc thầy và một nhà khảo cứu đam mê sự sống và tư liệu. Nguyễn Tuân là kiểu nhà văn vừa truyền thống dân tộc ở độ sâu sắc sung mãn nhất của một người Việt, người Hà Nội – Trường An có thể có, vừa là nhà văn hóa am tường, say mê văn hóa phương Đông, phương Tây… Nhiều nhà văn nước ngoài, như nhà thơ Nga nổi tiếng E. Evtushenko gọi ông là “nhà văn cổ điển Việt Nam”. Đúng như vậy, văn chương của ông đã thành một di sản cổ điển ngay từ lúc ông còn sống.
    Nhân vật chính trong các tác phẩm Nguyễn Tuân từ đầu đến cuối là Nguyễn. Là con một ông Tú tài Hán học cuối cùng, Nguyễn Tuân sống và hiểu rõ những tập tục “quí phái” của những nhà Nho phong kiến như uống trà, viết chữ, thả thơ, ả đào… Tiếng vọng của một quá khứ văn hóa đến từ những câu chuyện đó. Nó đem lại một niềm luyến tiếc khôn nguôi cho những tâm hồn còn nặng nợ với văn hóa ta, đối lập với cái nhố nhăng, bát nháo của văn hóa thực dân đang du nhập ồ ạt. Đó là sự níu kéo mỏng manh, một “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” như một nhận định của một nhà văn hóa Cách mạng về văn chương lãng mạn 30 - 45. Vang bóng một thời còn là một tình điệu, một phong cách văn chương, một chiều sâu nội tâm ít có, uẩn áo… của một chàng trai mới ngoài 30 tuổi.
    Day dứt vì “thiếu quê hương”, Nguyễn muốn làm một lãng tử lãng du, nhưng những chuyến đi sẽ đem lại gì ngoài sự chán nản sâu sắc hơn, sự bất mãn và bất lực trước cuộc đời và trước chính mình. Nguyễn chưa kịp trở thành một “con người phản kháng”, “con người vô luân”…, nhưng cái mầm của các thứ chủ nghĩa cá nhân hiện đại ấy của phương Tây đã thấp thoáng trên trang sách. Rồi Nguyễn đi vào “tàn đèn dầu lạc”, vào “hát ả đào”, một chút “Liêu Trai” ma quái mê sảng như trong “Chùa Đàn”. Cách mạng Tháng Tám đã đến cuốn bay tất cả những bế tắc đó, và Nguyễn đi kháng chiến.
    Cuộc đổi đời say mê tận tụy dâng hiến ấy, nhờ vào làn sóng của thời đại, nhờ vào lòng yêu nước yêu dân tộc đã ăn sâu bén rễ từ trước ở một con người thanh niên trí thức thuộc địa, đã đem đến cho Nguyễn một chân trời mênh mông, phong phú của sáng tạo văn học, từ chân trời Việt Bắc – Cà Mau đến chân trời Lêningrat, Bắc Âu, Trung Hoa…
    Người ta nói Nguyễn Tuân có phần “lập dị”, khinh bạc. Không, có lẽ Nguyễn Tuân là người muốn yêu, muốn tận hưởng tình yêu cuộc sống, tình yêu cái Đẹp, tình yêu tiếng Việt trong cái tận cùng của nó, và ông không thỏa mãn, coi thường những kẻ nửa vời… Cái Đẹp đối với ông là tất cả, cái Đẹp ngàn năm, cái Đẹp mới mẻ, cái Đẹp của ngày mới Cách mạng, cái Đẹp của cuộc chiến đấu kiên trì anh hùng vô song, cái Đẹp của những đời thường ở cả hai miền Nam Bắc. Trong văn của ông đã đạt tới đích của Tư tưởng, của Sự thật, của Nghệ thuật.
    Có điều là Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân.
    Ông không thấy cần thiết mình phải biến thành người khác, hòa giọng đồng ca “thổi sáo ở lẫn giữa ba trăm người” như người xưa nói. Ông bao giờ cũng trăn trở, tìm tòi, tỉ mỉ, nghĩ lớn đồng thời nghĩ tinh tế… trên từng dòng, từng chữ để diễn đạt mình cho hết. Ông đã vắt cạn tài này, tâm huyết cho từng trang văn, không bao giờ dám không gắng sức. Ông là một trong những người lao động văn chương cần mẫn nhất thế kỉ, một “chuyên viên tiếng Việt”, một bậc thầy, và có thể nói một vị “pháp sư” về tiếng Việt. Cái thứ tiếng in hồn dân tộc, hồn người, hồn thời đại mà ông là một kẻ tình chung - sáng tạo: “… Tôi lặng cúi xuống mặt trang giấy trắng tinh đang om sòm những tiếng mời chào kia mà nói bật lên lời biết ơn đối với đất nước, ông bà tổ tiên. Thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới chào đời. Trong hương hỏa âm thanh từ điệu ấy, thấy như hiển hiện lên không biết bao nhiêu mồ hôi và máu huyết của đời ông bà khai rừng, mở cõi, giữ nước chống giặc, tiến lên đến đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng đến cái di sản nhiệm mầu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi như vấn vương một cái gì thiệt là thiêng liêng vô giá mà tất cả thứ kim, thứ ngân của tất cả ngân hàng thế gian cũng không sao đánh đổi được”

    Nguyễn Tuân và tiếng Việt, Nguyễn Tuân và phong cách văn chương tiếng Việt của ông là một điểm nổi bật nhất khi ta đọc ông. Câu văn Nguyễn Tuân, trang văn Nguyễn Tuân trùng điệp, phức điệu và phức cú, diễn tả những quan hệ phức tạp của cuộc đời và tâm trạng cá nhân, điểm nhìn và cách nhìn của chính tác giả. Một nhà ngữ học, theo phương pháp thao tác, cho rằng văn chương Việt Nam có ba loại câu văn độc đáo: câu thơ Kiều, câu đối Nguyễn Khuyến và câu văn Nguyễn Tuân.

    Tuy thế, về bản chất văn Nguyễn Tuân vẫn là cách nói năng của người Việt, người Việt Hà Nội với tất cả cái đậm đà duyên dáng của nó trong giọng điệu, trong từ ngữ. Các lớp từ bình dân, thông tục chen lẫn giữa các từ “bác học”, “Hán học”, các từ hằng ngày báo chí nhặt lên từ cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân hòa vào những từ sách vở, trí thức, chọn lọc…Trang văn là một hòa điệu của âm thanh, trước hết là của tiếng nói, giọng nói. Nó không trôi đi bình lặng, êm ả mà như đối thoại với nhau, tranh luận nhau, đa thanh, phức điệu.

    Nguyễn Tuân rất thích tiểu thuyết của Dostoievski, nhất là “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em Karamazov” mà Dostoievski nổi bật ở phương điệu đa thanh, đối thoại… với thi pháp học hiện đại, với ngữ học và thi học cấu trúc của Jakobson ta biết đến không những cái đẹp, trong cái ý nghĩa nhỏ nhất của đơn vị ngôn ngữ (“hình vị”), với Jean Cocteau, ta còn biết đến “cái đẹp của ngữ pháp, cú pháp” câu văn.

    Câu văn Nguyễn Tuân đẹp là do cấu trúc tầng tầng lớp lớp mà bao giờ cũng sáng sủa, trong trẻo, cũng đúng và cũng đẹp, ở đó ông rất chú ý đến giọng, đến thẩm âm, đến cách sắp xếp các từ, cách thay đổi chức năng từ…, để làm nổi bật các mối quan hệ trong sự vật và trong cảm giác của chính ông: “Mùa đông năm 1967, da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh giác”, hay: “Vàng Nga vẫn còn như níu lại giữa khu vườn Bách Thảo có một cặp voi Việt Nam đang mài ngà vào nhau mà nhớ một bụi chuối bên quê cũ”.

    Những câu văn như thế, nhiều câu văn như thế được viết ra lần đầu tiên trong tiếng Việt văn chương, nó có cái đẹp phi tuyến tính của những câu thơ siêu thực hiện đại như những câu thơ hiện đại. Cái cách gặm nhấm, phân tích tinh tế cảm giác, cảm xúc, tâm lí, cái cách liên tưởng nhiều tầng, nhiều lớp… cái đó là của văn chương hiện đại thế giới, được phối hợp với cái nhìn mơ màng của một lãng tử phương Đông, nó bao quát thế giới trong một cái nhìn vừa “chủ toàn” - trực giác vừa “chủ biệt” - phân tích. Nguyễn Tuân đã có đóng góp cho văn chương tiếng Việt, được bắt đầu từ các bậc thầy văn hóa, văn chương thời Trần, Lê, Nguyễn và văn chương Quốc ngữ.

    Đi qua cả thế kỉ XX đầy biến động, giông bão và chiến thắng, đi trên “con đường qua thống khổ” của dân tộc để đến vinh quang, Nguyễn Tuân đã chia sẻ với tất cả thời đại, dân tộc, văn chương. Chân dung ông lừng lững ở chân trời thế kỉ. Ông đã đến, đã yêu, đã trăn trở, đã viết và để lại một di sản văn chương đồ sộ, hàng năm ngàn trang in khổ lớn. Nhìn vào di sản văn chương đó, nhớ đến ông, một cụ già hiền hậu, khi được bạn đọc Sài Gòn nhào đến xin chữ ký vào “Sông Đà”, vào “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”… ở Nhà Văn hóa Thanh Niên sau 1975 đã ứa nước mắt xúc động – những giọt lệ lăn trên đôi má một thời gian khó… Cụ đã ăn những bát cơm đạm bạc cùng chúng tôi ở Sài Gòn 1978, nhâm nhi chút khô mực với vài chén rượu Gò Đen, nói chuyện văn, chuyện đời… Thung dung như một đạo sĩ, Cụ là một bậc thiên sứ đã xuống vui chơi với những kẻ phàm trần chúng tôi, làm chúng tôi bao cảm kích. Nguyễn Tuân nổi tiếng là một ẩm thực gia, nhưng trong cuộc đời thực, ông có ăn uống được bao nhiều đâu, mà cũng đâu có tiền mà ăn! Cuộc đời thế hệ ông là hi sinh là gian khổ, nhường vinh quang cho người, nhường hưởng thụ cho người, làm cái rễ cây hút nhụy từ lòng đời để nuôi sống văn chương. Để đến hôm nay, hồn ông bát ngát bay lên trời Hà Nội – Thăng Long 1000 năm lịch sử.

    *

    Xin cho phép tôi nói vài câu về chuyện Nguyễn Tuân và giới phê bình.

    Khoảng năm 1959, Cụ Nguyễn Tuân in Sông Đà, đến tháng 1/1960, Tạp chí Văn Học in bài của ông Nam Mộc trên trang đầu về cuốn sách đó. Bài viết thật khắc bạc, có thể nói là quá quắt: một tập ký hay như thế, đẹp như thế mà chê tàn tệ, đến nỗi Cụ Nguyễn viết rằng, lên Tây Bắc có người nhầm Cụ với ông chủ tư sản gì đó về cái dáng của Cụ, mà bài phê bình cũng trích ra đay nghiến Cụ. Nay thì ông Nam Mộc cũng về “sinh hoạt chung” với Cụ Nguyễn rồi, nhưng qua bài ấy mà “hận” giới phê bình thì cũng đúng. Sau này, Cụ còn bị phê mấy đợt: Tình rừng, Tờ hoa, Chả giò… Nhớ có câu thơ “vịnh” báo Văn Nghệ nhân vụ Tình rừng: “Hết nạn nọ đến nạn kia. Chưa xong Cái gốc, đã lia Tình rừng”. Một con người son đỏ với Cách mạng và kháng chiến trên từng chữ từng ý nghĩ như Cụ Nguyễn mà bị nghi oan, hỏi sao không đau, không giận? Có lẽ Cụ trút cái giận đó lên giới phê bình quan phương, các người mà Cụ gọi “phụng bút cấp trên” mà viết! Cho nên có câu: “Khi chết hãy chôn theo tôi một nhà phê bình để còn tiếp tục cãi nhau”, câu nói hóm hỉnh và cũng phản ánh đúng tâm trạng Cụ.

    Có điều ta không nên quên là chính Nguyễn Tuân cũng là nhà phê bình. Như người ta định nghĩa, phê bình (critique) là tất cả những gì viết về văn chương. Mà Nguyễn Tuân thì viết về văn chương rất nhiều; Cụ viết theo cách của Nguyễn, nhưng dù là “tùy bút”, nó vẫn là phê bình. Trong văn khí Nguyễn Tuân, cái giọng luận bình, luận đàm luôn vang lên như một giọng chủ đạo. Cụ đích thực là một tiểu luận gia (essayiste). Không hẳn như chị Như Trang nói: “Phê bình là thứ công việc mà Cụ không ưa”, tôi nghĩ có phần trái lại. Về cuối đời, theo chỗ tôi biết, Cụ còn định viết về Liêu trai. Có điều là Cụ, cũng như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai… chỉ chọn viết về những đỉnh cao, và chỉ khen… Cụ chỉ không ưa những nhà phê bình nào “phê” Cụ, và “phê” không đúng, ác ý. Cụ viết “khi các nhà phê bình đã ngủ” (Câu này hình như Cụ lấy lại của một nhà văn cổ điển), nhưng nhà phê bình trong Cụ thì vẫn phải thức, và vì thế mới có được Nguyễn Tuân. Vả lại, trong đời, phải đâu Cụ chỉ “ghét mặt” mấy “thằng cha” phê bình. Cụ cũng không yêu tất cả giới sáng tác, bởi vậy không nên lấy sự yêu ghét nhiều khi cũng thất thường của một ai đó, dù người đó là nghệ sĩ, làm một thước đo tổng quát. Mỗi người có “kẻ thù” và bạn bè của riêng mình. Cho nên, ta chả nên khai thác các khía cạnh này nhiều, nên vừa đủ thôi. Rút lại, thì Cụ Nguyễn Tuân có vấn đề với phê bình qua một số vụ việc cụ thể, qua một vài khuynh hướng phê bình hồi đó, (không phải ai cũng viết như vậy và đừng “truy chụp” cho tất cả, và nên nhớ là phê bình hồi đó không chỉ có ông Nam Mộc mà còn có cả Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Lê Đình Kỵ… và nhiều người khác).

    Ở Pháp có luận điểm: “Sáng tác cao hơn cuộc sống, còn phê bình thì cao hơn sáng tác”. Chắc rằng luận điểm này không đúng lắm. Nhưng ta hãy nói như Biêlinxki: “Phê bình không phải tùy thuộc vào sáng tác, cả phê bình và sáng tác đều xuất phát từ thời đại, chỉ có điều phê bình là ý thức triết học của sáng tác”. Phê bình là nhu cầu khách quan của xã hội. Từ thời cổ đại, Lưu Hiệp đã từng luận rất hay về việc “theo sóng tìm nguồn” của phê bình trong thiên Tri âm, sách Văn tâm điêu long. Còn Cụ Khổng thì hàng ngàn năm trước đó đã phê bình Kinh thi rồi. Những vấn đề giữa phê bình và sáng tác luôn luôn có, nhưng chớ nên vì thế mà miệt thị giới phê bình. Phê bình không phải chỉ là chuyện khen chê, phê bình phải công tâm, thẳng thắn, vẫn biết rằng con người ai cũng thích được khen. Tôi biết rất nhiều nhà văn nổi tiếng có những người bạn chí thiết, “tri âm” trong giới phê bình. Chẳng việc gì mà đào hố chia rẽ giới này giới nọ cho mệt. Trước hết là con người, rồi sau đó mới đến giới, đến nghề, và người làm sang cho nghề, chứ nghề không làm sang cho người.

    *

    Cuối cùng, điều tôi muốn nói ở đây hôm nay, trên diễn đàn trang trọng này của lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cụ Nguyễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, là:

    Tôi trộm nghĩ, Nguyễn Tuân, một trí thức thuộc địa nửa phong kiến, kế thừa dòng máu yêu nước thơm ngát các sĩ phu, đã yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, nhưng đã biết bao hoang mang buồn đau trước cuộc đời. Thời đại Hồ Chí Minh đã đến, và cơn bão táp Cách mạng và Kháng chiến đã cuốn trôi tất cả những sống mòn nhục lụy, những hen rỉ của cuộc đời “một đêm đưa ma (Vũ Trọng) Phụng” tê tái buồn, để đưa Nguyễn đến với nhân dân, Tổ Quốc. Nguyễn Tuân đã lớn dậy, càng phát huy tài năng, tâm huyết, trở thành nhà văn – đại sư, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Lừng lững bóng dáng ông cuối chân trời thế kỷ XX và bóng dáng ông sẽ còn che mát cho chặng đường đi tới của chúng ta hôm nay. Chúng ta nguyện đi theo con đường ấy của Cụ, con đường văn chương nghệ thuật xả thân cho độc lập, tự do của Tổ Quốc, của chủ nghĩa xã hội, tin yêu ở tương lai Tổ Quốc và hạnh phúc con người, ở chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa. Nhất định chúng ta sẽ phải kiên trì con đường ấy hàng trăm năm, không dời chuyển, không đổi chí, không đổi tiết, không để các thế lực bên ngoài gây áp lực, không thoái hóa biến chất thực dụng vì lợi ích cá nhân – lợi ích cục bộ: “Chỉ vụ ích kỷ phì gia, thiên hạ lớn lao chẳng hề đoái tiếc” (Nguyễn Trãi); hi sinh cao cả như thế hệ đàn anh Cách mạng Kháng chiến, như Nguyễn Tuân và bao tiên liệt khác, thì sự nghiệp của chúng ta, dù phải trải qua thử thách đến mấy, cũng sẽ đến được bờ thắng lợi. Ba mươi năm chúng ta đã giành lại nước, hơn ba mươi năm chúng ta đã xây dựng cơ ngơi vật chất đầu tiên cho chủ nghĩa xã hội, nếu chúng ta tiếp tục vững vàng đi tiếp trên con đường lớn Hồ Chí Minh, “dĩ bất biến ứng vạn biến” tình hình. Xây dựng hạ tầng con người – văn hóa – giáo dục – khoa học – trí tuệ… một cách thích đáng, hợp lý trong điều kiện phát triển của Việt Nam… thì giấc mộng về đất nước đẹp vô cùng trên từng trang văn thao thức của Cụ Nguyễn và của bao sĩ phu Bắc Hà Nam Hà nhất định sẽ trở thành hiện thực.

    Xin đa tạ.

    (*) Bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân (1910-2010) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, ngày 5/7/2010.

    GS Mai Quốc Liên 
    Gặp con gái Cụ Nguyễn Tuân

    7/7/2010

    THU HIỀN (thực hiện)

    Tôi là lớp hậu sinh, chỉ biết cụ Nguyễn Tuân qua Vang bóng một thời, qua những tác phẩm văn chương và những giai thoại về một nhà văn nhiều cá tính. May mắn, tôi được gặp họa sĩ Thu Giang, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân và nghe bà kể chuyện cha mình:

    PV: Thưa bà, có nhiều người kể rằng, cụ Nguyễn Tuân rất khó tính. Bà có còn nhớ cha mình thường tiếp khách như thế nào không?

    Họa sĩ Thu Giang: Cha tôi khó thì rất khó nhưng dễ cũng không ai bằng. Cha có nhiều cách tiếp khách mà đúng là chỉ có cụ mới có thể nghĩ ra. Cha luôn để gần bàn làm việc một cái mâm trên đó luôn có sẵn một ít đồ ăn.

    Khi có khách đến nhà chơi, nếu là người cụ không ưa thì cụ giở mâm ra và nói: “Tôi đang ăn, không tiếp khách”. Còn với những người cụ thích thì cụ sẽ mời uống rượu cùng. Nhưng cha tôi không ghét ai mà không có lý do.

    Tôi thường là cầu nối giữa cha và những người bạn văn của ông, nên tôi biết đa phần những người cụ không ưa là người có tính tiểu nhân, trí trá, lừa thầy dối bạn... Ngược lại, cụ đã thương ai thì thương lắm.

    Cha tôi rất thương ông Nguyên Hồng, nhưng cứ gặp Nguyên Hồng, cụ lại trêu “cái thằng nhà quê kia…”, nhiều lúc làm ông Nguyên Hồng phát cáu mà gắt lại “tôi là thằng nhà quê đấy!...”. Tính ông Nguyên Hồng rất bộc trực, chân chất tuy đôi lúc hơi thô.

    Từ bé, tôi chưa từng thấy cha khóc bao giờ, vậy mà khi ông Nguyên Hồng chết, cha tôi đã khóc thành tiếng rồi lặn lội xuống tận Nhã Nam để viếng.

    Cha tôi cũng rất thương ông Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái). Ông Phái lành lắm, ít nói nữa.

    Tôi nhớ có lần, ai đó cho cha tôi mấy điếu thuốc ba số năm, cụ giữ lại 3 điếu để hút, còn lại cuộn vào một tờ giấy, viết vài dòng vào đấy rồi buổi sáng, khi tôi đi làm bảo tôi ghé vào đưa cho ông Phái. Đến buổi chiều khi đi làm về, ông Phái lại viết gì đó vào một mẩu giấy nhỏ bảo tôi mang về cho cha. Tình bạn của cha tôi với ông Phái cứ lặng lặng như vậy nhưng lâu bền và sâu sắc lắm.


    - Hình như ông cụ rất mê hát ả đào ở phố Khâm Thiên. Mỗi lần như vậy thì bà cụ có trách móc gì không?

    - Hình như ông trời đã sắp đặt cha tôi phải gặp mẹ tôi. Hai người họ yêu thương và chịu đựng nhau rất giỏi.

    Mẹ tôi kể: hồi đó nhà tôi còn ở làng Mọc (tôi chưa ra đời), con cái còn nhỏ, nhà cửa nheo nhóc nhưng cha tôi suốt ngày lên Khâm Thiên nghe hát cô đầu. Mẹ tôi nghe người ta mách nhiều quá, một lần bà nổi giận “xách” theo chị ba tôi gọi xe tay lên Khâm Thiên “để làm ầm lên cho bõ ghét”.

    Nhưng đi được nửa đường, nghĩ thế nào bà lại bảo xe quay về. Cha tôi thương mẹ tôi ở những điểm đó, ở sự tần tảo và cách cư xử tế nhị hiếm thấy. Mẹ tôi là con gái hàng Bạc, đảm đang, tháo vát, thương chồng, thương con.

    Ông cụ muốn đi đâu thì đi, cả đời lang thang, lông bông bên ngoài. Bà ở nhà tần tảo chắt bóp nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng, xoay đủ nghề để kiếm sống. Vất vả đủ đường nhưng bà không bao giờ để ông cụ phải thiếu thốn. Bữa nào cũng cố kiếm cho ông miếng thịt.

    Cha tôi mỗi lần ăn thịt đều biết rằng mẹ tôi không ăn mà để nhường phần cho ông. Nên ông luôn chỉ ăn có một nửa, (tất nhiên ông sẽ không bao giờ bảo “bà ăn đi” đâu) mà bảo là “tôi không muốn ăn nữa”. Tôi lại là liên lạc viên, mang phần thịt ấy xuống cho mẹ ăn. Cha mẹ tôi thương nhau từ những điều nhỏ nhặt như vậy đấy.

    - Có ai trong số các anh chị em cô theo nghề của cha không?

    - Cha mẹ tôi có 8 người con nhưng chỉ nuôi được bảy (tôi là út) nhưng không có ai theo nghiệp của cha tôi cả. Cha tôi không muốn con cái đi theo nghiệp văn vì nghiệp văn khổ ải, nhọc nhằn. Muốn theo đuổi văn chương thì phải “toàn tâm toàn ý” với nó. Cha tôi cho rằng, phải thật giỏi, phải vượt qua được “đỉnh” thì hãy theo nghiệp văn chương, chứ còn làng nhàng thì nên tìm nghề khác.

    - Và ông cụ định hướng cho cô theo hội họa?

    - Đúng vậy. Cha tôi bảo ở trên đời này có hai thứ nghề không cần đến ngôn ngữ mà mọi người vẫn có thể hiểu nhau đó là âm nhạc và hội họa.

    Khi tôi còn nhỏ, cha hay mua cho tôi những quyển sách, báo có nhiều tranh vẽ cho trẻ con. Cụ mua giấy và bút chì màu về bảo tôi thích cái tranh nào thì vẽ lại cái đó theo ý của mình. Mỗi lần vẽ như thế là tôi lại có thể lồng “cái tôi” của mình vào trong tranh.

    Ở với cha từ nhỏ đến lớn nên tôi học được rất nhiều thứ từ ông. Ví dụ như khiếu thẩm mỹ chẳng hạn.

    Hồi nhỏ, mỗi lần ăn cơm tối xong, cụ lại dắt tôi đi bộ ra phố Phan Bội Châu ăn chè ngô nếp non. Ở đó có trồng hai cây hoa giấy, một cây màu tím vàng và một cây màu đỏ. Cụ bảo tôi: “con tìm hai cuộn len hai màu này pha vào nhau xem mặc lên có được không?”. Đó cũng chính là bài học pha màu đầu tiên trong cuộc đời hội họa của tôi.

    Không chỉ hội họa, cha còn dạy tôi cách sống. Trong số các anh chị em, có lẽ tôi là người giống tính cha nhất, trông thì rất dịu dàng nhưng khi cần thì sẽ phản ứng rất dữ dội. Tôi thích sự thẳng thắn, rất không ưa sự lươn lẹo, dối trá. Tính cách này là ảnh hưởng lớn nhất của cha tôi từ khi tôi còn nhỏ.

    - Hình như cô vừa cho in lại một số tác phẩm của cụ Nguyễn Tuân?

    - Cách đây hai năm tôi cho in cuốn Cỏ độc lập. Bản thảo đó cha tôi viết từ lâu và bảo tôi khi nào muốn in thì in.

    Mới đây, tôi hoàn thiện lại và in 1000 quyển Vang bóng một thời bằng giấy dó, tôi cho in kèm cả bút tích viết tay của cha tôi nữa. (Tập này trước đây người ta in sai nhiều quá, ví dụ: “chén trà trong sương” thì họ sửa thành “chén trà sương”, hay “trời rét như cắt” thì thành “trời rét quá”...).

    Từ bây giờ, có thể mỗi năm tôi sẽ cho chỉnh sửa và in lại một cuốn sách của cụ. Tôi muốn giữ gìn thật cẩn thận “gia tài” của cha để truyền lại cho con cháu sau này.

    - Xin cảm ơn cô! 
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Một chút ký ức về Nguyễn Tuân

    7/5/2010
    MAI QUỐC LIÊN


    Hồi còn ở Hà Nội, những ngày hè cháy nắng và bom Mỹ, và tiếng hụ báo động phòng không, kể cả những ngày B52; Cụ Tuân vẫn ở Hà Nội. Cụ bảo: “Tôi thấy tôi đúng. Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi Thủ đô - trái tim của cả nước - lâm nguy mà bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?”.

    Cụ đội cái mũ sắt phòng không ở tại trụ sở Hội Văn Nghệ, cái Hội mà thời kháng chiến chống Pháp Cụ làm Hội trưởng. Ở đó có một cái hầm xây xi-măng để các văn nghệ sĩ nấp chung. Có gia đình ông Bảo Định Giang, gia đình Chế Lan Viên ở đó. Những năm bom Mỹ, họ đi sơ tán cả. Đi đi về về.

    Nhưng lúc B52 tháng 12/1972 thì có mặt cả ở Hà Nội. Nhà Cụ Tuân ở 90B2 Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ, trụ sở hội ở 51 gần phố Huế, cách nhau chả bao xa. Nhưng Cụ thích đến với anh em ở cơ quan. Xế chiều, Cụ ra quán bia hơi Cổ Tân trước Nhà Hát Lớn, ung dung ngồi xuống trước một cái hầm trú ẩn cá nhân, trải một tờ báo Tây lên, đọc và chờ các “đệ tử” đi xếp hàng lấy bia. Chao ôi là cái vại bia hơi giữa trời nóng nực, uống vào mát rượi cả người! Cũng phải công phu mới mua được mấy vại bia. Chỉ ưu tiên cho ai có thẻ thương binh. Chứ ngay Cụ Tuân cũng chẳng có tiêu chuẩn gì ưu tiên. Ấy, thời chiến là thế.

    Rồi sau đợt B52, Cụ được ưu tiên đi gặp, hỏi chuyện tù binh Mỹ giam ở Hỏa Lò, để viết báo, viết ký (x. Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, tập ký). Nguyễn Tuân là một nhà văn đặc sắc, một “cây” viết tùy bút, viết ký, làm báo… Cụ đem cái tài năng lão luyện một đời vào công việc này, bởi biết nó quan trọng không chỉ về phần nước mình, mà cả thế giới nữa.

    Tôi chỉ quen và được hầu chuyện Cụ Tuân khi sau khi miền Nam giải phóng, Cụ vào Thành phố Hồ Chí Minh và trọ tại Nhà xuất bản Văn Nghệ Giải Phóng, 83 Phan Kế Bính, Đa Kao, quận 1. Cụ ở lầu 2 cùng với họa sĩ Đào Thế, sáng sáng xuống tầng 1 uống trà, “sinh hoạt”, đàm đạo cùng các vị lãnh đạo, Cụ Thế và anh chị em. Tôi nhiều khi cũng ngồi chầu rìa. Có lúc người ta bận việc đi hết, thì chỉ còn Cụ và tôi, hai bác cháu ngồi với nhau.

    Cụ là con một Cụ Tú, dòng Nho, thấy tôi còn trẻ mà cũng theo đòi nghiên bút nghiệp Nho, nên có ý quý. Cũng như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… quý tôi ở chỗ ấy. Chứ còn phê bình, Cụ chắc chẳng ưa. Mà đã ai viết cái gì ra hồn, hiểu Cụ, tri âm tri kỷ với Cụ đâu!

    Thế thì hai bác cháu có nhiều buổi trò chuyện bên ấm trà cơ quan. Tôi để ý thấy Cụ thích hài hước, châm biếm, thích nhại giọng, thích chơi chữ. Như kể chuyện ông H.Q.V, thì vì chắc Cụ không được ưa, bằng bẻ tên thành, “quít vịt”, nói ông ta chỉ dám gọi là đồng chí Cố chứ không dám dùng Cố vấn! Chuyện một anh Chệch, mở quán, ruồi sa vào bát hủ tiếu, bị người ăn phát hiện, y liền phẩy tay: “Ấy à, không phải đâu, nó là cái tép hành rán cháy cạnh ấy mà, để tôi gắp ra cho; không có sao”.

    Cụ vào chơi Sài Gòn, sau ngày giải phóng, đáng lẽ giới trí thức, văn nghệ phải tổ chức đón đưa tiệc tùng. Nhưng năm ấy khó khăn, khốn khổ, ai còn bụng lo toan. Cả những người thân ngoài Bắc vô đây, cũng đành ngó lơ. Tiền nhuận bút in Vang bóng một thời trong này, chắc cũng chẳng có! Họ chạy cả rồi. Nhớ lúc qua Nga, lãnh 5000 rúp (rúp vàng; 1 rúp bằng 1 đô rưỡi), Cụ tiêu hoang, mua rượu Tây, chiêu đãi nhà văn Nga, mua hoa hồng mùa rét tặng các cô đối ngoại…, tiêu hết một cái gia tài! Mà nay, Cụ cũng phải gởi trước tiền mua vé máy bay cho bà Linh, Phó giám đốc vốn quen biết Cụ.

    Hồi đó, nhà vợ tôi vốn dân gốc Sài Gòn, có bà con làm đồn điền cà phê trên Ban Mê Thuột, gởi về cho mấy ký cà phê loại ngon. Mỗi sáng, Cụ lên cái gác của tôi ở, hai bác cháu pha cà phê phin (filtre) nhâm nhi. Có bữa uống xong, một lúc Cụ lại lên, làm dáng đóng kịch hài hước, khum khum người, nói: “Ông cho tôi thêm một “liều” nữa!”

    Cho nên, Cụ tặng cho tôi cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi với lời đề tặng:

    “Một buổi sớm Sài Gòn, một tách cà phê ở gác Mai Quốc Liên” (8/6/1978).




    Rồi tôi “phò” Cụ đi nói chuyện nhân cuốn Sông Đà của Cụ in lại ở trong đây, tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Hôm đó đông người nghe lắm. Người ta kéo đến xin chữ ký Cụ. Đó là lần đầu Cụ tiếp xúc với bạn đọc Sài Gòn. Cụ cảm động lắm. Tôi không nhớ rõ Cụ đã nói những gì, nhưng lúc nói xong, ra ngoài, Cụ hỏi nhỏ: “Hôm nay, tôi nói thế nào, ông?”. Và Cụ có vẻ rất xúc động. Tôi bèn thưa: “Tốt lắm, bác ạ, người ta nghe cứ như uống từng lời, bác thấy không?”. Quả là Cụ có giọng điệu sang trọng của một bậc đại gia văn chương, phong thái ung dung lịch lãm của Hà Nội nghìn năm.

    Từ độ ấy, Cụ về Hà Nội, rồi đất nước bao biến thiên, qua cuộc “đổi mới”, lại nhớ cái câu Cụ nói ngày nào: “Bao giờ có dân chủ thật thì sướng nhỉ!”. Từ đó, ít được tin tức Cụ. Cho đến một hôm, Chế Lan Viên chuẩn bị đi họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn ở Hà Nội. Trước khi đi, trong câu chuyện, anh có cười cười bảo tôi:

    - Kỳ này, ông Tuân có tuyên bố là nếu mình lại được bầu vào Chấp hành Hội, thì ông Tuân xin ra Hội.

    Hai người này không hợp nhau, vì lẽ gì không biết, có lẽ là do “Văn nhân tương khinh” (nhà văn coi thường nhau) như Tào Phi đời Tam Quốc nói.

    Lúc Chế Lan Viên về, tôi hỏi: “Thế nào anh, anh có gặp Cụ Tuân không?”.

    - Ồ, Cụ trông thấy mình từ xa, tiến lại bắt tay, vui vẻ lắm!

    Thật chả hiểu ra làm sao cả quan hệ của mấy “ông lớn làng văn” này. Nhưng mà như thế là phải. Đã là nhà văn lớn, thì cư xử với nhau cũng phải lớn.

    Tôi tin là bất chấp những biểu hiện khó tính bên ngoài nhất thời, Cụ Tuân là người Nho phong quân tử đúng điệu, trung hậu; một người yêu nước yêu dân tận đáy lòng với một tầm cao văn hóa ít có xưa nay. Cụ là một cá tính mạnh và lớn, một cá tính trong đời sống và một cá tính sáng tạo trong văn hóa văn nghệ. Cụ là một nhà văn hóa kiêm toàn Đông - Tây; một nhà văn hóa tầm cỡ châu Âu; nhưng lại được bồi bổ cả ngàn năm văn hóa Trung Hoa - Việt Nam cổ điển.

    Cái hình mẫu văn hóa ấy là rất giá trị, là “tối ưu toàn cục”, đáng cho hậu thế nghiền ngẫm, tôn vinh và học tập. Còn trong đời thường, Cụ là một người nhân hậu, dễ thương, hồn nhiên, hóm hỉnh nhưng nghèo và cũng có khi mau nước mắt - nước mắt tuổi già “hạt lệ như sương”. Về nết ăn uống, Cụ ăn uống kỹ tính, nhưng xem ra Cụ có ăn uống gì được bao nhiêu đâu, đạm bạc thế thôi, và rượu làm gì uống được đến “dăm ba chén”. Nhắc đến đây, ngó lại cái gia tài văn hóa khổng lồ mà Cụ để lại cho đời, ta càng cảm thương Cụ…


    Nguyễn Tuân độc đáo, tài hoa

    6/17/2010
    ANH CHI


    Nguyễn Tuân người làng Mọc Thượng Đình, một trong bảy làng Mọc của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho cuối mùa, người bố thi đỗ Tú tài khoa thi chữ Hán cuối cùng, thường được người ta gọi là “cụ Tú Lan”. Mẹ ông bán hàng tạp hoá. Cụ tú Lan chuyển từ bút lông sang bút sắt, làm ký lục Toà sứ các tỉnh và thường được điều đến làm việc ở nhiều địa phương. Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội, nhưng từ niên thiếu đã theo gia đình chuyển đến sống ở nhiều tỉnh, thành phố, từ Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Huế, đến Khánh Hoà, Hội An, Đà Nẵng, có thời gian sống khá lâu ở Nam Định. Vậy nên Nguyễn Tuân học trung học ở thành phố Nam Định.


    Năm 1929, đang học dở trung học, Nguyễn Tuân tham gia cuộc biểu tình chống lại một giáo viên nói xấu và khinh miệt người Việt Nam, nên đã bị đuổi học. Năm 1930, ông theo một người bạn thân sang Thái Lan chơi, vốn ghét người Tây, lại có tính ngông nghênh coi thường luật pháp, nên bị bắt tại Băng Cốc và bị đưa về giam ở nhà lao Thanh Hoá. Hết hạn tù, Nguyễn Tuân xin việc ở Nhà máy đèn Thanh Hoá, được vài năm, rồi trở về Hà Nội và bắt đầu lập thân bằng nghề báo với chân phóng viên báo Đông Tây. Sau đó, ông viết cả cho An Nam tạp chí, Trung Bắc tân văn, Hà thành ngọ báo, Tiểu thuyết thứ bảy… Ngoài tên thật Nguyễn Tuân còn ký nhiều bút danh khác, như Nhất Lang, Thanh Hà, Ngột Lôi Quất, Thanh Thuỷ, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc…

    Làm báo chí và văn chương, Nguyễn Tuân lại rất say mê kịch nói. Thời gian này, Lê Tràng Kiều, Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Vi Huyền Đắc lập nên Ban kịch Hà Nội rất được mến mộ, Nguyễn Tuân kết bạn với nhóm kịch sĩ, và đã tham gia đóng một vai trong vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc.


    Nhà văn Nguyễn Tuân.

    Khi Tổng thư ký Liên đoàn các nghệ sĩ Việt Nam là Đàm Quang Thiện đưa một nhóm nghệ sĩ sang Hồng Công làm phim Cánh đồng ma, Nguyễn Tuân cũng tham gia đóng một vai phụ. Là một người có tâm hồn phóng túng, thích ngông, Nguyễn Tuân đã kết bạn vong niên với thi nhân lừng danh Tản Đà. Có lần Nguyễn Tuân đến 71 phố Cầu Mới thăm Tản Đà, quà mang theo là một bó đóm. Khi tiễn khách về, Tản Đà đã sẻ đôi bao diêm, biếu Nguyễn Tuân một nửa cùng mấy câu thơ vừa ứng tác:
    Đóm kia tuy chẳng là bao
    Nhưng là tình nghĩa lẽ nào dám quên
    Sẵn đây còn có bao diêm
    Tặng ông một nửa còn riêng tôi dùng.


    Kỷ niệm ấy và bài thơ Tản Đà tặng, Nguyễn Tuân nhớ suốt đời, cho thấy ông trân trọng Tản Đà đến ngần nào. Nguyễn Tuân bắt đầu viết văn từ năm 1937, khi chơi thân với nhóm nhà văn trong Ban kịch Hà Nội, với Vũ Trọng Phụng, và nhất là khi kết thân với Tản Đà. Ông viết cho Tiểu thuyết thứ bảy những truyện ngắn đầu tiên.

    Sau chuyến đi đóng phim ở Hồng Công về, năm 1939, ông gửi đăng liên tục các truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy và tạp chí Tao Đàn. Những truyện ngắn đó được dư luận đánh giá cao, đến năm 1940, Nguyễn Tuân tập hợp lại trong Vang bóng một thời, do Tân Dân xuất bản. Tác phẩm này khiến Nguyễn Tuân trở thành nhà văn có tên tuổi trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn phát triển cuối cùng.

    Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn viết về cái “thời” vừa mới qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Là thời Tây vừa đặt xong ách đô hộ lên nước ta, phong trào Cần Vương thất bại, trong không khí loạn lạc và nhiều lo âu, những nhà Nho thui thủi đi dự khoa thi cuối cùng. Viết về thời phong kiến suy tàn ấy, hầu như nhà văn chỉ thấy còn lại những cung cách sống hào hoa, cầu kỳ của đám nho sĩ cuối mùa.

    Các nhân vật trong Vang bóng một thời thuộc loại tài hoa và sống tài tử. Như ông Huấn Cao có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp” (truyện Chữ người tử tù). Như cụ Sáu, ông Đốc học, sư cụ chùa Đồi Mai… những người thành kính đến mức thiêng liêng khi thưởng thức một ấm trà; pha trà với nước giếng gánh từ trên đồi cao hoặc nước đọng ở lá sen trên mặt hồ mỗi buổi sớm (truyện Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm).

    Như cụ nghè Móm, nghèo mà vẫn “thắp nến bạch lạp để đọc Đường thi sách thạch bản”, đánh bạc bằng thơ dưới trăng rằm trên mặt sông, tiếng ngâm thơ “âm hưởng trên làn nước lạnh… như tiếng vang của một hội tao đàn nào”(truyện Thả thơ). Như ông Cử Hai với những cuộc phiếm du bầu rượu túi thơ. Và như bọn cướp có miếng đòn “ném bút chì” lợi hại và nghệ thuật, là những nghệ sĩ trong nghề của họ (truyện Ném bút chì)…

    Các nhân vật đó được nhà văn mô tả tỉ mỉ, coi đó là những “tài hoa”, và coi kiểu sống “tài tử” đó như là “đạo sống” của họ! Đó là một cách nhà văn biểu hiện phần nào thái độ chán ghét cuộc đời tầm thường, xấu xa trước mắt. Đặc tính này vừa là cái mạnh làm hưng phấn khiến Nguyễn Tuân viết tác phẩm có sức hấp dẫn; nó cũng bộc lộ sự hạn chế của nhãn quan nhà văn, đó là cách nhìn nặng về hoài cổ.

    Tuy nhiên, trong Vang bóng một thời, còn có bóng dáng của những nhân vật có khí phách, đứng lên chống lại xã hội đen tối (truyện Chữ người tử tù). Và, còn có lòng thù hận bọn thực dân tàn ác cùng lũ tay sai (truyện Chém treo ngành). Lối kể chuyện có sức cuốn hút, và nhất là thứ ngôn ngữ thuần Việt đã làm cho Vang bóng một thời đạt tới thành công đỉnh cao của văn chương Nguyễn Tuân trước năm 1945 nói riêng, và cả đời văn Nguyễn Tuân nói chung.

    Vào lúc đang nổi danh trên văn đàn, cuối năm 1940, Nguyễn Tuân lại bị bắt ở Hà Nội, cũng do tính khí và thái độ đối với người Tây, và bị giam vào trại tập trung ở Vụ Bản, Nho Quan một năm. Ra khỏi trại tập trung, Nguyễn Tuân lại chuyên chú vào sáng tác văn chương, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm: Thiếu quê hương, Nhà bác Nguyễn, Chiếc lư đồng mắt cua, Tóc chị Hoài, Tuỳ bút…

    Trong con người Nguyễn Tuân chất chứa mối bất hoà sâu sắc đối với cái xã hội trưởng giả tầm thường, tù đọng, nhưng bản thân ông thì vẫn sống rất bế tắc. Những điều đó thể hiện cả trong văn của ông. “Càng về sau, Nguyễn Tuân càng chìm sâu vào bế tắc, khủng hoảng và cho in những sáng tác ma quái (Xác Ngọc Lan, Đói roi rượu bệnh…)”- Từ điển văn học, tập II, NXB Khoa học xã hội-1984. Thật sự may mắn cho Nguyễn Tuân là, đang chìm sâu vào bế tắc, thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã giải phóng cho tâm hồn cũng như nghệ thuật của ông. Nguyễn Tuân lập tức hoà mình vào cuộc sống mới.



    Bìa cuốn Vang bóng một thời

    Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia một Đoàn văn hoá kháng chiến, làm công tác tuyên truyền ở Thanh Hoá và Vinh. Bởi đã có kinh nghiệm về nghệ thuật sân khấu từ trước, năm 1947 Nguyễn Tuân phụ trách một đoàn kịch lưu động, phục vụ kháng chiến vùng khu V. Năm 1948, ông ra Việt Bắc dự Đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam, đ¬ược bầu làm Tổng thư ký Ban chấp hành Hội, và giữ chức vụ này đến năm 1958.

    Trong kháng chiến chống Pháp, công tác ở cơ quan Hội văn nghệ đóng tại Việt Bắc, Nguyễn Tuân đã tham gia nhiều chiến dịch, có những chuyến đi thực tế vùng hậu địch. Ông viết được nhiều tác phẩm phục vụ đắc lực đời sống kháng chiến như Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1953), Tuỳ bút kháng chiến (1955), Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình (1956)… Có thể thấy rõ, Nguyễn Tuân hầu như đã rũ bỏ được cái tôi khinh bạc cũ, hoà mình vào đời sống nhân dân, và đã viết văn vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Điều đó khiến văn chương của ông có sự thay đổi hẳn về chất.

    Nhận xét về Nguyễn Tuân trước năm 1945, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Nguyễn Tuân là nhà văn đứng riêng ra một phái. Những tập văn của ông không phải là tuỳ bút, cũng ngả về tuỳ bút không ít thì nhiều. Ông lại không thể nào bỏ được cái lối phiếm luận, cái giọng khinh bạc bất cứ về việc gì, nên có nhiều đoạn lê thê… Tuy vậy, đọc Nguyễn Tuân bao giờ người ta cũng thấy một hứng thú đặc biệt: đó là sự thâm trầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát, sự hành văn một cách hoàn toàn Việt Nam”.

    Trong văn chương kháng chiến của Nguyễn Tuân, ông đã khắc phục được cái sở đoản của mình trước đây, là rũ bỏ được cái tôi khinh bạc. Đồng thời thấy ông đã phát huy sở trường của mình là, quan sát đời sống rất lọc lõi tinh tế, suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc.

    Nền văn học nước ta sau năm 1945 khuyến khích nhà văn đi vào đời sống, theo xu hướng biểu dương, ca ngợi cái hay, cái tốt của con người và cuộc sống mới trong kháng chiến chống Pháp, cả trong thời gian hoà bình kiến thiết ở miền Bắc cũng như trong kháng chiến chống Mỹ. Với xu hướng như vậy, thể ký trở nên rất thịnh. Và thể ký chính là thế mạnh của Nguyễn Tuân, đặc biệt là tuỳ bút.

    Sau Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, ông viết Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, tập II (1957), rồi năm 1960 lại có tập tuỳ bút Sông Đà rất nổi tiếng. Những bài ký viết thời miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Nguyễn Tuân tập hợp trong tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), là một thành tựu mới nữa, ông đóng góp cho văn chương nước nhà.


    Thời gian sáng tác trước năm 1945 của nguyễn Tuân chừng không đến 10 năm, dù ông xuất bản hàng chục đầu sách, nhưng thành công đỉnh cao là tác phẩm Vang bóng một thời. Thời kỳ này, thành công về truyện của ông đã khiến ông trở thành một tên tuổi lớn, mặc dù Vũ Ngọc Phan có nhận xét truyện ông “ngả về tuỳ bút không ít thì nhiều”. Và, Trương Chính nhận xét còn độc đáo hơn: “Ông là nhà viết tiểu thuyết mà lại không sáng tạo được một nhân vật nào, ngoài nhân vật đại diện cho ông là chàng Nguyễn”.

    Văn chương Nguyễn Tuân không chú vào làm hay ở “truyện” và ở hư cấu, chúng tôi thấy ông chuyên sâu vào làm hay ở “lời văn” và ở sự thật đời sống. Đấy là phẩm chất lớn của văn chương Nguyễn Tuân, khiến cả đời văn ông đứng riêng ra một phái, xin gọi là “phái tuỳ bút”. Sau năm 1945, ông có liên tục hơn 40 năm sáng tác văn học, viết đều, viết nhiều, và chuyên chú thật sâu vào thể ký. Nghĩ cho cùng, là ông đã vứt bỏ sở đoản mà chỉ phát huy sở trường của mình. Phẩm chất tuỳ bút của Nguyễn Tuân đã hay ngay từ Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua… Đó là những trang viết về uống trà, chơi chữ, phóng bút chì, thả thơ… với sự hiểu biết thâm sâu về tục lệ, con người, văn hoá Việt Nam.

    Phẩm chất tuỳ bút của Nguyễn Tuân hay cho tới Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi…vẫn là sự hiểu biết thâm hậu về đời sống, văn hoá, con người Việt Nam, ông tích luỹ suốt cả đời văn, và viết ra bởi một ngôn ngữ “hoàn toàn Việt Nam” như nhận xét của Vũ Ngọc Phan.

    Chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng, với một ngôn ngữ riêng do Nguyễn Tuân tu luyện mà có, ông là một nhà văn thật độc đáo và cũng thật sự tài hoa. Nguyễn Tuân qua đời tại Hà nội năm 1989, để lại cho đời nhiều tác phẩm, từ truyện, ký, đến phê bình, dịch thuật, trong đó “ký Nguyễn Tuân” hay “tuỳ bút Nguyễn Tuân” như người đời ghi nhận, thực sự là một giá trị đóng góp cho nền Văn chương Việt Nam hiện đại!

    Posted by Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này