Văn học trong nước Mùa hè khắc nghiệt - Đoàn Thạch Biền

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi Trúc Quỳnh Đặng, 2/2/22.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Bước vào hội trường của Công ty, Thạch thấy không khí có vẻ khác lạ so với những lần hội họp trước. Khoảng ba mươi người đều ngồi im lặng, không cười đùa hay trò chuyện riêng tư trong khi chờ giám đốc đến. Thạch hỏi người bạn ngồi bên cạnh:
    - Họp chuyện gì vậy anh?
    Người bạn lắc đầu:
    - Nghe đâu có chuyện rất nghiêm trọng.
    Rồi giám đốc bước vào phòng họp. Có lẽ trời quá nóng nên ông không mặc veston như thường ngày nhưng vẫn đeo cà-vạt chỉnh tề.
    Giám đốc đứng nhìn mọi người rồi ông nói thẳng vào vấn đề:
    - Hôm nay tôi rất buồn khi phải thông báo với các anh chị một tin không vui. Công ty liên doanh với chúng ta ở Hàn Quốc bị phá sản, do đó Công ty trách nhiệm hữu hạn của chúng ta buộc phải giải thể. Trước khi chia tay, chúng tôi cố gắng trả lương cho các anh chị hết tháng này. Tất cả những gì các anh chị mượn ở Công ty xin trả lại cho Công ty, để chúng tôi tổ chức thanh lý. Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một Công ty liên doanh khác.
    Nói xong giám đốc vội vã bước ra ngoài phòng họp. Ông sợ phải nhìn những đôi mắt đỏ hoe của các nhân viên nữ.
    Thạch bần thần đứng dậy. Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế, Thạch phải mất một năm đi tìm việc làm ở nhiều nơi, cuối cùng mới được nhận vào làm ở Công ty này. Tưởng công việc sẽ ổn định lâu dài, không ngờ chỉ mới hai năm Công ty đã phải giải thể. Hai mươi bảy tuổi lại bị thất nghiệp.
    Thạch uể oải bước đến phòng tài vụ lãnh tháng lương cuối cùng và gởi trả lại chiếc điện thoại di động của Công ty. Không muốn trò chuyện với ai, anh lấy xe và chạy len lỏi giữa đường phố đông đúc xe cộ…
    Quán cà phê Trúc Đào, phía trước có cây trúc đào lớn với những chùm hoa đỏ hồng. Thạch thường đến đây uống cà phê vì anh thích nhìn hoa và nghe ca khúc Trúc Đào phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
    Anh cũng muốn gặp cô thu ngân có chiếc răng khểnh của quán. Quế Lan vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học. Chưa tìm được việc làm thích hợp, cô ra ngồi quầy thu ngân cho chị là chủ quán cà phê Trúc Đào. Quế Lan quen Thạch hơn một năm, biết sở thích của anh nên khi thấy Thạch dẫn xe vào quán, cô cho máy chạy đĩa nhạc mà anh thích: “Chiều xưa có ngọn trúc đào. Mùa thu lá rụng bay vào sân em…”.
    Mười giờ sáng, quán vắng khách. Thạch kéo ghế ngồi ở bàn có cái gạt tàn thuốc bằng gốm hình con cua. Anh đốt một điếu thuốc và thả những hơi khói dài. Quế Lan đến đứng trước bàn:
    - Sáng nay anh nghỉ việc?
    Thạch buồn bã nói:
    - Anh nghỉ việc luôn rồi.
    Tưởng Thạch nói đùa, Quế Lan cười.
    - Mới ngủ dậy hả? Vậy anh uống cà phê đá cho tỉnh người.
    - Không. Cho anh ly cà phê đen không đường.
    - Anh bị đau bụng?
    - Không. Anh đang tập làm quen với chất đắng!
    Quế Lan đi vào quầy lấy một tách cà phê đem ra để trên bàn. Thạch cầm lấy chiếc muỗng, khuấy tách cà phê. Quế Lan cười:
    - Cà phê không đường mà.
    Thạch thảy chiếc muỗng xuống bàn:
    - Người ta khó mà bỏ được một thói quen.
    Anh bưng tách cà phê, uống một ngụm và nhăn mặt.
    - Bây giờ anh nói chuyện nghiêm túc. Công ty của anh vừa bị giải thể và anh đang bị thất nghiệp. Mọi dự tính của chúng ta đành phải huỷ bỏ.
    Quế Lan xoay xoay chiếc muỗng trên mặt bàn:
    - Em yêu anh, chứ đâu phải yêu công việc của anh?
    Thạch lắc đầu:
    - Em không hiểu tình trạng của một thanh niên mất việc. Hắn cảm thấy hụt hẫng và đứng không vững. Anh không muốn níu em cùng ngã với anh.
    Quế Lan cắn môi rồi nói:
    - Vậy anh muốn chuyện tình của chúng ta chấm dứt từ đây?
    Anh muốn nói với em lời của giám đốc anh mới nói sáng nay. Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một chuyện tình khác. Em cũng đừng gọi điện thoại di động của anh vì anh đã trả lại máy cho Công ty.
    Thạch uống cạn ly cà phê đen rồi đứng dậy, dắt xe ra khỏi quán.
    Quán Trống Đồng buổi chiều đông nghẹt khách. Thạch ngồi với Tuấn - một người bạn thân - ở chiếc bàn ngoài sân để hóng những ngọn gió hiếm hoi. Trên mặt bàn, những đĩa thức ăn còn đầy, dưới chân bàn xếp đầy những vỏ chai bia. Thạch uống cạn một ly bia rồi thở dài. Tuấn vỗ vai Thạch:
    - Mày đừng nản. Với khả năng của mày, rồi cũng sẽ tìm được một việc làm khác.
    Thạch lắc đầu:
    - Nửa tháng nay tao đã chạy khắp nơi để tìm việc làm nhưng nơi đâu người ta cũng trả lời đã đủ người. Tao không thể chịu đựng được tình trạng thất nghiệp. Tao đã có thói quen làm việc rồi, ngồi không thấy tay chân mình thừa thãi không chịu được. Bây giờ tao muốn làm bất cứ việc gì, lương ít cũng được. Mày có thể giới thiệu cho tao một việc làm không?
    Tuấn suy nghĩ rồi nói:
    - Lương ít nhưng mày có chịu đi xa không?
    Thạch gật đầu.
    - Có việc làm ở các huyện ngoại thành, tao cũng sẵn sàng đi làm.
    - Không phải ở các huyện ngoại thành Sài Gòn mà ở tuốt Phan Rí.
    Thạch ngạc nhiên, hỏi lại:
    - Phan Rí nằm ở nơi đâu?
    - Một cửa biển ở tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng bảy mươi cây số.
    - Tao sẽ làm gì ở đó?
    - Bác tao làm giám đốc một hãng nước mắm ở ngoài đó. Ông đang cần một thư ký lo việc tiếp thị và xuất khẩu hàng.
    - Nhưng tao đâu có rành về nước mắm.
    Tuấn bật cười:
    - Nước mắm mày ăn hàng ngày mà không rành à?
     
  2. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Khoảng bốn giờ chiều. Một chiếc xe đò chạy trên quốc lộ 1, đến một ngã ba, xe dừng lại. Một cơn trốt ùa đến thổi cát bụi và khói xe bay mù trời khiến không còn nhìn thấy chiếc xe. Người lơ xe kêu lớn: “Đến Phan Rí rồi, xuống đi anh Hai!”. Tiếng cửa xe đóng lại rồi xe chạy vụt đi. Cơn trốt lắng xuống. Thạch tay cầm túi xách, tay cầm khăn lau bụi bám đầy mặt.
    Trời nắng gắt. Thạch đi vào một con đường nhỏ, hai bên đường là những hàng cây keo lá bám đầy bụi. Thạch đưa mắt tìm người hỏi thăm đường. Những người lái xe Honda phóng vụt qua. Một cô gái mặc áo tím than từ trong hẻm bước ra. Thạch vội chạy đến hỏi thăm:
    - Em có thể chỉ cho tôi biết đường đến hãng sản xuất nước mắm Hương Biển.
    Cô gái mở đôi mắt tròn xoe nhìn Thạch từ đầu đến chân rồi hỏi lại:
    - Ông đến đó mua nước mắm à?
    - Không. Tôi đến đó xin việc làm.
    - Em cũng về cùng đường đó. Vậy, ông cứ đi theo em.
    Thạch nói cám ơn và bước đi song song cùng cô gái. Em dừng lại và lắc đầu.
    - Ông hãy đi sau em vài bước. Đi bên em người ta sẽ đồn um lên ngay.
    - Đồn chuyện gì?
    - Đồn em có …bồ!
    - Trời đất! Bộ ở đây người ta thích bàn chuyện của người khác lắm sao?
    - Vâng, chỗ nhỏ bé mà. Mong ông cảm phiền.
    Thạch lắc đầu, đứng lại đợi cô bé đi trước vài bước rồi anh lủi thủi bước theo sau.
    Đến một con hẻm vắng, hai bên là những dãy tường trét xi măng mà không quét vôi, Thạch vội bước lên đi song đôi cùng cô gái và nói:
    - Đi một mình lủi thủi phía sau, tôi thấy tủi thân quá!
    Cô gái trợn mắt hỏi:
    - Sao vậy?
    - Tôi có cảm tưởng người ở đây đã hắt hủi tôi.
    - Vậy ông còn đến đây làm gì?
    - Tại tôi đang thất nghiệp và hãng nước mắm Hương Biển đã nhận tôi làm thư ký.
    Cô gái lắc đầu, cười:
    - Sợ ông không chịu nổi đâu.
    - Làm thư ký có gì nặng nhọc mà không chịu nổi?
    - Không. Em muốn nói mùi nước mắm kìa.
    - Đó là mùi đặc biệt của quê hương. Người Việt Nam ở nước ngoài còn nhớ đến nó. Sao em nói tôi không chịu nổi?
    - Rồi ông sẽ biết mà.
    Hai người đi đến bờ sông đậu đầy ghe chài. Cô gái chỉ một ngôi nhà lớn có tường bao quanh, trước cổng có tấm bảng: “Hãng nước mắm Hương Biển”.
    - Đây là nơi ông muốn đến. Em chúc ông may mắn.
    Từ khi thất nghiệp, lần đầu tiên Thạch nghe có người chúc mình may mắn nên anh cảm động nói:
    - Cảm ơn em. Em có thể cho tôi biết tên?
    - Nếu ông làm việc ở hãng nước mắm này ông sẽ biết tên em. Vì em cũng thường đến đây giao cá. Thôi, chào ông!
    Thạch đứng nhìn cô gái đi khuất vào đám đông trên bờ sông rồi anh đẩy cổng hãng nước mắm, bước vào. Một phụ nữ mặc áo hoa màu vàng nhạt đang ngồi xem sổ sách. Thạch hỏi thăm văn phòng ông giám đốc. Chị chỉ cánh cửa gỗ màu nâu sậm đóng kín. Thạch đến gõ cửa.
    - Vào đi.
    Thạch mở cửa bước vào. Một người đàn ông tóc bạc khoảng sáu mươi tuổi, đeo kính trắng đang ngồi ở bàn làm việc.
    - Thưa bác, cháu là Thạch. Anh Tuấn đã giới thiệu cháu ra đây!
    Thạch để đơn xin việc cùng văn bằng lên bàn. Ông giám đốc đọc qua giấy tờ rồi nói:
    - Tôi cũng đã nhận được điện thoại của cháu Tuấn giới thiệu cậu. Làm thư ký ở đây không phải chỉ ngồi ở văn phòng mà cậu còn phải đi các nơi giao nhận hàng. Cậu đồng ý làm công việc nặng nhọc như vậy không?
    - Dạ, cháu đồng ý.
    - Vậy cậu bắt đầu làm việc từ sáng mai. Cậu đã có chỗ trọ chưa?
    - Dạ chưa. Cháu mới đến đây chiều nay.
    - Được rồi, tôi sẽ nói chú Sáu lo cho cậu một chỗ ở tạm ngay trong nhà lều. Nếu sau đó cậu thấy bất tiện thì có thể thuê chỗ ở khác.
    - Dạ cảm ơn bác.
    Ông giám đốc bấm nút chiếc chuông điện đặt trên bàn. Lúc sau, một người đàn ông tóc hoa râm, mặc quần áo bà ba đen, bước vào. Ông giám đốc nói:
    - Chú Sáu thu xếp chỗ ở cho cậu Thạch ở nhà lều. Có thể lấy chỗ của anh thư ký đã ở trước.
    - Dạ ông để tôi thu xếp. Mời cậu đi theo tôi.
    Thạch cúi chào ông giám đốc rồi xách túi đi theo chú Sáu. Phía sau toà nhà của ông giám đốc là khu nhà lều, rộng mênh mông. Những thùng gỗ làm nước mắm được xếp thành hàng dài, có lối đi ở giữa. Đến một góc nhà lều, chú Sáu chỉ một chiếc giường nhỏ và một cái tủ gỗ.
    - Cậu ở tạm chỗ này. Đây là chỗ ở của người thư ký trước, cậu ta làm được ba tháng thì xin nghỉ việc.
    Thạch để túi xách lên giường, móc túi lấy gói thuốc mời chú Sáu một điếu và hỏi:
    - Sao anh ta nghỉ việc vậy chú?
    Chú Sáu hút một hơi thuốc rồi nói:
    - Cậu ta chịu không nổi mùi nước mắm.
    Thạch cười:
    - Tưởng gì khó khăn chứ mùi nước mắm cháu dư sức chịu được mà. Cháu sẽ dễ dàng vượt qua ba tháng ở đây của anh ấy.
    - Cậu đừng nói trước. Đến ngày lấy ”xác mắm” cậu mới hiểu mùi nước mắm như thế nào. Cậu định ăn cơm ở đây hay ngoài quán?
    - Chú cho cháu ăn cơm luôn ở đây cho tiện. Cháu sẽ đóng góp tiền nhờ chú nấu cơm.
    - Vậy sẵn bữa, mời cậu ăn cơm luôn.
    Chú Sáu dọn cơm lên một chiếc bàn gỗ. Một tô canh cá, một đĩa mực xào và một đĩa rau lang luộc.
    - Mời cậu. Tôi ăn sơ sài, sợ cậu ăn không được.
    Thạch ngồi vào bàn, bới cơm vào chén cho chú Sáu và cho anh.
    - Cháu đang thất nghiệp mà. Có miếng ăn là quý rồi, còn đòi hỏi chi nữa. Chú cũng ở nơi xa đến đây làm việc sao?
    Chú Sáu vừa ăn cơm vừa trò chuyện:
    - Nhà tôi ở xóm chài gần biển. Thỉnh thoảng, tôi mới ghé về nhà. Tôi thường trực ở nơi đây để coi mấy thùng nước mắm. Cậu bao nhiêu tuổi rồi?
    - Da, cháu hăm bảy.
    - Vậy bằng tuổi thằng con trai đầu của tôi. Nó đã có vợ và hai con. Còn cậu được mấy đứa rồi?
    Thạch bật cười:
    - Cháu còn độc thân. Cháu sống với mẹ và cô em gái còn đi học ở Sài Gòn.
    - Sài Gòn to lớn, đông vui lắm. Ở đây nhỏ xíu, buồn hiu nên lớp trẻ đều bỏ đi, đến thành phố lớn tìm việc làm. Rồi cậu cũng buồn chán xứ này mà bỏ đi ngay.
    Thạch đứng dậy, đến bên tờ lịch năm có in hình những cao ốc ở Sài Gòn, dán bên hông tủ gỗ. Anh lấy viết vòng mấy con số.
    - Cháu đến đây ngày ba tháng tư, đến ngày ba tháng bảy là tròn ba tháng. Chú sẽ thấy cháu sống qua mùa hè ở đây và sẽ còn sống dài dài ở đây…
     
  3. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Buổi sáng, Thạch lên văn phòng. Ông giám đốc giới thiệu anh với các nhân viên:
    - Đây là cậu Thạch, thư ký mới của tôi. Đây là anh Đông lo khâu kỹ thuật. Đây là cô Loan, kế toán. Đây là chị Yến, thủ quĩ. Sáng nay, anh Đông hãy dẫn cậu Thạch đi thăm các phân xưởng để cậu ấy hiểu quy trình sản xuất nước mắm.
    Đông chở Thạch bằng xe Honda đến bến cá. Các ghe sơn màu xanh, đỏ đậu san sát ở bến sông. Đông giải thích:
    - Các ghe đánh cá ở biển về đậu nơi đây. Họ lựa loại cá lớn đem bán riêng, còn loại cá cơm, cá nục họ đem bán cho các nhà lều làm nước mắm. Nhà lều thì anh biết rồi, bây giờ tôi chở anh đi xem các phân xưởng pha chế nước mắm rồi vào chai.
    Qua sự chỉ dẫn của Đông, Thạch mới hiểu: nước mắm nguyên chất từ nhà lều chở đến các phân xưởng được pha chế với công thức riêng, cho hợp với khẩu vị của người dân ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Nước mắm được vào chai một lít hay vào các can nhựa từ năm đến mười lít. Sau đó, xe tải sẽ chuyên chở nước mắm đi giao cho các đại lý ở các tỉnh.
    Buổi chiều. Thạch ở nhà lều, phụ với chú Sáu nhận cá. Những người gánh cá từ bến vào bán. Họ đổ cá vào chiếc sọt lớn để trên cân bàn. Thạch ghi số lượng cá, viết hóa đơn cho họ lên tính tiền ở văn phòng. Sau đó những sọt cá được người vận chuyển đổ vào các thùng làm nước mắm theo chú Sáu hướng dẫn.
    - Chào ông!
    Thạch ngạc nhiên nhận ra cô gái anh đã gặp hôm mới đến đây.
    - Ủa, em đến nhà lều làm gì?
    - Em đi giao cá. Ghe anh Hai em mới đánh cá về, em thuê người gánh cá đến đây bán. Ông nhớ cân nới tay nghe!
    Chú Sáu từ trong đi ra hỏi:
    - Chị Hai đâu mà con đi giao cá vậy?.
    Cô gái nói:
    - Chị Hai bận ở nhà làm đám giỗ má. Chiều nay mời ba về.
    - Chà, lu bu quá, ba cũng quên ngày giỗ của bả.
    Thạch trố mắt nhìn hai người. Chú Sáu giới thiệu:
    - Đây là Trân, con gái tôi. Còn đây là cậu Thạch…
    Trân xua tay:
    - Ba khỏi phải giới thiệu. Con biết ông ấy từ khi mới đặt chân đến xứ này.
    - Con gọi cậu Thạch bằng anh được rồi. Cậu ấy cùng tuổi với anh Hai con.
    - Nhưng ông ấy là người xa lạ, đâu có thân thiết mà con gọi bằng anh.
    Thạch cười:
    - Được rồi chú Sáu. Cô ấy muốn gọi cháu là gì cũng được.
    Rồi anh quay qua nói với Trân:
    - Cần phải có thời gian người ta mới thân thiết với nhau. Và cũng cần phải có thời gian người ta mới ”trẻ hóa” từ ông xuống anh, phải không?
    Chú Sáu lắc đầu:
    - Chẳng hiểu tụi trẻ ngày nay xưng hô với nhau như thế nào nữa?
    Trân lấy tay bịt miệng cười khục khục. Thạch nhìn lên bàn cân cá: “38 kg 900”. Anh nới tay ghi tròn 39 kg vì nụ cười ”khục khục” của cô gái nặng 100 gram.
    Xóm chài ở sát biển. Những ngôi nhà lợp tôn đã bị xỉn màu vì hơi muối. Chung quanh nhà là những cây dương tàng lá luôn luôn xanh và cho bóng mát. Một vài chiếc ghe đánh cá neo ngoài biển và người ta đi ghe thúng vào bờ.
    Ngồi trong nhà chú Sáu, Thạch vẫn nghe được tiếng sóng biển ầm ì. Chú Sáu đang đứng trước tấm ảnh vợ. Tấm ảnh thờ đen trắng, hình một người đàn bà búi tóc, có đôi mắt giống hệt Trân.
    Mâm cơm giỗ được bày ra bàn. Có chú Sáu, Hải - con trai của chú Sáu và Thạch.
    Hải rót rượu vào ba chiếc ly nhỏ. Thạch nói:
    - Anh mời chị và bé Trân lên ăn cơm luôn.
    Hải mặc chiếc áo thun đỏ làm nổi bật nước da đen sạm. Anh nói:
    - Bà xã tui bận coi một con nhỏ đang nằm nôi và một thằng nhỏ ba tuổi, nó “quậy” lắm. Còn con Trân nó ”quậy” còn hơn thằng nhỏ nữa.
    Chú Sáu cười:
    - Vợ con bận thì thôi. Con gọi con Trân lên ăn cho vui.
    Hải đứng dậy đi xuống nhà dưới, lúc sau anh cùng Trân đi lên. Trân liếc nhìn Thạch nói:
    - Nhà có khách, em ngại lắm!
    Hải kéo Trân ngồi xuống ghế:
    - Mày không ngại chắc mâm cơm này sẽ mất giá trị trong năm phút.
    - Anh nói em tham ăn lắm hả?
    - Mày không tham ăn, mày chỉ chọn đồ ăn ngon thôi. Vậy chỉ cần năm phút mày làm mất giá trị mâm cơm rồi.
    Trân quay qua nhéo Hải:
    - May cho anh là nhà có khách.
    Chú Sáu cười, cầm ly rượu lên.
    - Mời cậu Thạch một ly.
    Thạch cụng ly với chú Sáu và cụng ly với Hải. Ba người uống cạn ly. Hải gắp một miếng thịt gà ăn rồi hỏi Thạch:
    - Anh thứ mấy để dễ gọi?
    - Tôi cũng là con đầu như anh.
    - Cha! Vậy cũng là anh Hai nữa. Anh sinh ngày mấy, tháng mấy, năm mấy để dễ tính?
    - Tôi sanh ngày 10, tháng 5, năm 1975.
    - Cha! Tôi sanh cùng năm, cùng tháng với anh, còn ngày thì là 12. Vậy tôi thua anh đúng hai ngày.
    Trân gắp miếng gan gà, chấm muối tiêu chanh, bỏ vào miệng rồi nói với chú Sáu:
    - Sanh trước một giờ cũng đủ làm anh rồi phải không ba?
    Chú Sáu gật đầu:
    - Ừa!
    Hải cú đầu Trân:
    - Chưa chi mày đã ”đá phản” vô lưới nhà.
    Trân vừa xoa đầu vừa hỏi chú Sáu:
    - Vậy con gọi ông đây (chỉ Thạch) là anh Hai, còn anh Hai (chỉ Hải) là anh Ba, phải không ba?
    Chú Sáu cười:
    - Ừa!
    Trân cầm ly cụng ly rượu của Thạch:
    - Em út xin ra mắt anh Hai.
    Hai người uống cạn ly. Hải trợn mắt nhìn Trân:
    - Trời! Ly trà đá mà nó dám uống cạn hết trăm phần trăm.
    Chú Sáu bật cười rồi hối thúc:
    - Thôi, ăn cơm đi. Ba và cậu Thạch còn phải về nhà lều nhận đợt giao cá buổi tối.
    Thạch và chú Sáu đi dọc bờ biển về phía nhà lều. Đêm trăng mờ mờ. Biển đen thẫm lấp lánh những ngọn sóng bạc. Những chú còng bỏ chạy tán loạn khi bước chân của hai người đến gần chúng. Gió thổi mạnh khiến tóc của Thạch thổi ngược về phía sau. Anh đi gần chú Sáu, hỏi:
    - Thím mất lâu chưa chú?
    Chú Sáu quăng điếu thuốc xuống cát, gió thổi tàn lửa bay lả tả rồi tắt ngóm.
    - Mười tám năm rồi, bả mất khi vừa sanh con Trân. Bác sĩ phải mổ bà mới cứu được con bé. Bả bị bệnh tim và con Trân cũng bị bệnh đó. Năm rồi nó đang học lớp mười hai, phải vào bệnh viện chữa bệnh tim nửa tháng rồi về nhà nằm dưỡng bệnh hai tháng nên phải bỏ dở năm học. Tôi không muốn nó đi học nữa, suy nghĩ nhiều chỉ làm mệt tim. Nhưng con nhỏ đó tánh “chướng” lắm. Nó nhất quyết đòi đi học lại vào tháng tám tới.
    - Trân không thể làm việc nặng nhọc. Vậy em phải học thêm có bằng cấp, mai sau mới tìm được việc làm nhẹ nhàng.
    Chú Sáu lắc đầu:
    - Tôi nói nó ở nhà giúp vợ thằng Hải bán cá cũng đủ sống. Bán cá đâu có cần học cho cao. Nó nói: Vậy ba thấy không cần cái đầu thì con để cái đầu làm chi cho nặng cổ. Rồi nó đập đầu vào tường, máu chảy tùm lum. Tôi phải chở nó vô bệnh viện khâu mấy mũi trên đầu… Con nhỏ tánh “chướng” ghê lắm! Nó không chịu thua bạn bè. Nghỉ học một năm rồi, đi học lại không biết nó có theo kịp người ta?
    Thạch khum tay che gió châm một điếu thuốc rồi nói:
    - Nếu chú đồng ý, cháu sẽ dạy kèm cho Trân. Cháu sẽ ôn luyện bài vở để em có thể theo kịp các bạn.
    Chú Sáu nắm tay Thạch lắc lắc:
    - Vậy thì hay quá! Cám ơn cậu nhiều. Nó đã đau buồn vì thiếu mẹ nên tôi muốn làm mọi chuyện cho nó được vui.
     
  4. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 4


    Chiếc quạt trần ở văn phòng đã chạy hết tốc độ, những cửa sổ đã được mở toang, Thạch vẫn thấy nóng nực. Anh cố đánh cho nhanh một hợp đồng giao hàng ở chiếc máy vi tính đã quá cũ để có thể đi xuống phân xưởng đón các ngọn gió biển thổi vào. Chị Yến ngồi ở bàn thủ quỹ đối diện gọi:
    - Thạch qua đây ký sổ lãnh lương.
    Thạch ngẩng đầu ngạc nhiên:
    - Hết một tháng rồi sao chị?
    Chị Yến cười:
    - Hết một tháng rồi. Bộ Thạch thấy thời gian ở đây qua mau lắm sao?
    Thạch gật đầu:
    - Có lẽ tại công việc ở đây mới lạ đã cuốn hút em, khiến em quên đi ngày tháng.
    - Vậy em có thể “mọc rễ” ở đây được rồi. Ngay tháng đầu, giám đốc đã trả lương cho em tám trăm ngàn đồng, chứng tỏ ổng biết em thích hợp với công việc của hãng.
    Thạch bước đến bàn chị Yến, ký vào sổ lương, lãnh tiền.
    - Cảm ơn chị. Công việc ở đây, em có thể thích hợp được nhưng thời tiết quá nóng, không biết em có chịu nổi không.
    - Thời tiết nóng thì tắm biển cho mát, còn vẫn nóng thì nhờ con nhỏ Trân quạt cho mát.
    - Nhỏ Trân nào chị?
    Chị Yến bật cười:
    - Đừng giấu chị. Xứ này nhỏ lắm, có chuyện gì người ta biết ngay. Con gái xứ biển trưởng thành sớm. Con nhỏ Trân đã mười tám tuổi, em cưới nó rồi “mọc rễ” luôn ở đây cũng được. Có điều con nhỏ đó “lanh” lắm, không biết em trị nổi nó không. Thôi, chị xuống phân xưởng phát lương cho công nhân.
    Buổi sáng chủ nhật, trời đứng gió. Mặt biển phẳng lặng và những cây dương ở xóm chài cũng đứng im, không phát ra những tiếng kêu vi vu. Trong nhà chú Sáu, Thạch và Trân ngồi ở chiếc bàn kê sát của sổ. Trên bàn có mấy cuốn sách, vở. Trân nhìn Thạch hỏi:
    - Bây giờ ông muốn em gọi là ông, là anh Hai hay là thầy?
    Thạch bật cười:
    - Em thích gọi tôi là gì cũng được.
    - Ông không thể tự quyết định được à?
    - Tôi tự quyết định được chứ. Bây giờ tôi quyết định làm theo quyết định của em.
    Trân cười:
    - Ông khôn ghê! Vậy em quyết định: Khi ông dạy học, em gọi ông là thầy. Ở ngoài đường, em gọi ông là anh Hai. Ở nhà lều, em gọi ông là ông vì ở đó chúng ta giao dịch với nhau qua việc mua bán cá như những người xa lạ. Ông đồng ý không?
    Thạch lắc đầu:
    - Rắc rối quá! Thôi chúng ta bắt đầu học. Em thấy em học yếu nhất môn nào để tôi dạy kèm cho em?
    Trân nhíu mày suy nghĩ rồi trả lời:
    - Môn văn.
    - Trời đất, đấy là môn tôi yếu nhất. Tôi chỉ có thể dạy kèm cho em các môn toán, lý, hoá và Anh văn.
    - Vậy thầy dạy Anh văn cho em.
    - Sao em chọn học Anh văn trước?
    - Vì tiếng Anh nói I, You không ”rắc rối” như khi nói tiếng Việt.
    Thạch mở cuốn sách Tiếng Anh lớp 11, chỉ bài học đầu tiên cho Trân tập đọc. Nghe em phát âm sai những chữ This, That… Thạch lắc đầu. Anh để đầu lưỡi giữa hai hàm răng phát âm This, That. Trân bắt chước, lè lưỡi ra và cắn vào lưỡi khiến em bịt miệng xuýt xoa. Thạch bật cười, rót cho em một ly nước và nói:
    - Thôi hôm nay tạm ngưng học Anh văn, để cho cái lưỡi của em lành lặn. Tôi sẽ dạy em môn toán.
    Hai người đang cắm cúi giải một bài toán. Đồng hồ treo tường gõ mười hai tiếng. Trân reo lên:
    - Hết giờ học rồi. Thầy đợi em dọn cơm mời thầy ăn luôn.
    Thạch xua tay:
    - Thôi khỏi. Tôi mới lãnh lương hôm qua. Tôi sẽ đãi em đi ăn bánh xèo, bánh căng.
    Trân vỗ tay:
    - Hoan hô thầy!
    Hai người bước ra khỏi nhà. Nắng lỗ chỗ trên mặt cát vì vướng những tàng dương xanh trên cao. Buổi trưa, xóm chài im vắng vì những người đi đánh cá chưa về bến. Một vài ông già, bà già mắc võng giữa hai gốc dương tìm giấc ngủ trưa.
    Trân dẫn Thạch đi ra đầu xóm rồi ghé vào một quán lợp lá dừa sơ sài. Một người đàn bà đang ngồi khuấy nồi bột trắng, bên cạnh là hai lò lửa có đặt hai khuôn đổ bánh căng. Trân nói:
    - Dì Bảy cho con một đĩa bánh căng.
    Người đàn bà múc bột đổ vào hai khuôn rồi đậy nắp khuôn lại chờ bánh chín. Bánh căng là món ăn bình dân ở nơi đây, người ta có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày. Dì Bảy múc hai chén nước chấm đưa Trân. Em lấy đũa giằm nát những con cá nhỏ trong chén, gắp xương cá quăng đi rồi đưa chén nước chấm cho Thạch. Dì Bảy đặt đĩa bánh căng nóng hổi xuống chiếc bàn thấp. Trân gắp một cặp bánh căng bỏ vào chén nước chấm của Thạch.
    - Anh Hai ăn đi.
    Thạch thích thú ăn luôn một hơi ba cặp bánh căng rồi buông đũa.
    - Anh Hai ăn thêm đi.
    Thạch xoa bụng:
    - Tôi no căng bụng rồi.
    Trân gắp thêm một cặp bánh căng vào chén của Thạch:
    - Anh Hai ăn bánh căng mà căng bụng thì đúng là bánh căng thật. Không phải bánh dỏm như mấy nơi khác bán. Anh Hai ăn nữa đi!
    Thạch cầm chén lên, cố ăn. Dì bảy chăm chú nhìn Thạch rồi quay qua hỏi Trân:
    - Nè con, dì biết anh Hai của con mà. Đâu phải là cậu này.
    Trân vừa ăn vừa trả lời:
    - Anh đó thành anh Ba rồi vì ảnh sanh sau anh này hai ngày.
    - Con nói chi lạ, dì không hiểu?
    - Con cũng đâu có hiểu tại sao anh Hai này lại sanh trước anh Ba con hai ngày?
    Thạch ôm bụng cười và Trân cũng cười theo. Dì Bảy ngơ ngác nhìn họ…
    Bên trong một ngôi nhà thờ cổ, cha Tâm đang đàn cây đàn Organ cũ kỹ, tập cho ca đoàn của nhà thờ hát một bản thánh ca, chuẩn bị cho ngày lễ thánh. Trân mặc áo dài trắng, cổ đeo sợi dây chuyền có cây thánh giá. Em đứng ở hàng đầu của ca đoàn, cùng các bạn cất cao giọng hát theo tiếng đàn của cha Tâm.
    - Nào chúng ta hát lại một lần nữa trước khi ra về.
    Cha Tâm dạo đàn. Tiếng hát bay cao lên vòm nhà thờ rồi lan ra ngòai những khung cửa mở.
    Thạch đang đi dạo bên ngoài nhà thờ. Tiếng đàn, tiếng hát đã lôi cuốn anh bước vào nhà thờ. Anh ngồi xuống một chiếc ghế trống, lắng nghe bài thánh ca một cách say mê rồi anh cúi đầu xuống thành ghế trước. Thạch nhớ lại đêm Noel ở một làng chài miền Trung mà anh đã dự. Nơi đó người dân còn nghèo khổ. Nhà thờ được lợp tôn, gác chuông dựng trên những thân tre cao. Các con chiên phải quỳ gối đọc kinh ngoài sân trên cát ướt. Tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng và sương lạnh, đã khiến Thạch thầm hiểu tại sao người ta cần phải có đức tin để sống và vươn lên. Vậy mà anh…
    Một cái vỗ vai làm Thạch giật mình, ngẩng đầu lên. Cha Tâm đứng trước anh mỉm cười:
    - Con đang cầu nguyện?
    Thạch lúng túng:
    - Dạ không. Con xin lỗi cha.
    - Con không phải là người dân ở đây?
    - Dạ phải. Con mới ở Sài Gòn ra đây làm việc.
    - Con cũng không phải là tín đồ Thiên chúa giáo?
    - Dạ phải.
    - Vậy con vào đây có ý nguyện gì?
    - Con đi ngang qua nhà thờ. Chính bài thánh ca đã lôi cuốn con vào đây. Âm nhạc rất thanh thoát khiến con muốn tin tưởng vào một điều gì đó.
    - Con đang thiếu đức tin?
    - Dạ phải.
    - Vậy con muốn bắt đầu bằng âm nhạc?
    - Thời sinh viên con cũng chơi đàn Organ cho ban nhạc trường Đại học Kinh tế.
    - Con hãy bắt đầu bằng âm nhạc ca ngợi Thiên chúa rồi con sẽ được gần Chúa. Cha cũng bận nhiều việc. Nếu có thể, mỗi chiều chủ nhật, con đến đây phụ cha đàn Organ cho các em trong ca đoàn tập hát.
    - Con chưa đàn thánh ca bao giờ.
    - Con cứ đàn thử đi. Có lòng tin sẽ làm được mọi chuyện.
    - Con xin cảm ơn cha.
    Thạch bước đến cây đàn Organ. Anh bắt đầu đàn bản ”Đêm thánh vô cùng”. Cha Tâm lắng nghe rồi mỉm cười…
    Bước ra khỏi nhà thờ, Thạch đi thẳng xuống bãi biển. Vượt qua hàng cây xương rồng đang nở những bông hoa đỏ ối, Thạch thấy biển xanh thẳm đến tận chân trời. Anh ngồi xuống bãi cát, suy nghĩ lời cha Tâm nói: “Có lòng tin thì sẽ làm được mọi chuyện”. Nhưng anh biết tin vào cái gì bây giờ?
    Trân đã về nhà thay áo dài, mặc áo bà ba màu tím than để đi xuống bến cá. Tình cờ thấy Thạch ngồi một mình trên bãi biển, em đến đứng sau lưng Thạch:
    - Hù!
    Thạch giật mình đứng dậy.
    - Em làm tôi sợ mất hồn!
    - Anh Hai nhát gan quá vậy?
    Thạch cười bào chữa:
    - Tại tôi bị đau gan.
    - Hồi nãy anh Hai đàn ở trong nhà thờ phải không?
    - Sao em biết?
    - Tiếng đàn của cha Tâm em nghe đã quá quen vì em ở trong ca đoàn mà. Còn tiếng đàn của anh Hai nghe lạ lắm!
    - Lạ ở chỗ nào?
    Trân nhíu mày suy nghĩ rồi nói:
    - Tiếng đàn của anh Hai không thanh thoát, trôi chảy như tiếng đàn của cha Tâm. Nó cứ ngập ngừng sao sao ấy.
    - Em nhận xét đúng. Tiếng đàn của tôi còn ngập ngừng vì thiếu đức tin.
    - Anh Hai không tin vào Chúa?
    Thạch cúi xuống lượm một vỏ ốc trên cát rồi ném mạnh vào một con sóng lớn đang ùa vào bờ. Ào, con sóng rút đi mất hút…
    Thạch nói:
    - Em thấy con sóng to lớn đó chứ? Nó gầm gào dữ dội ùa vào bờ rồi im lặng mất hút. Tôi nhớ đến câu “Sinh tử thị ba”. Sống chết như một đợt sóng. Nó khiến tôi không tin điều gì có thật trên đời này. Tất cả chỉ là ảo!
    - Vậy anh Hai cũng không có thật ở đời này?
    - Đúng vậy.
    - Vậy ai đang đứng bên em?
    - Một người tạm là tôi.
    - Vậy ai đứng bên anh Hai?
    - Một người tạm là Trân.
    - Cái gì cũng tạm, vậy cái ”tạm là” phải có thật chứ?
    - Đúng vậy. Nó có thật một cách ”tạm là”.
    Trân lắc đầu, gió thổi mái tóc em bay phủ kín khuôn mặt. Em vuốt mái tóc ra sau và nói:
    - Anh Hai nói khó hiểu quá.
    Thạch cười:
    - Chính em đã làm cho những câu trả lời của tôi trở thành khó hiểu.
    Trân trợn mắt:
    - Lỗi tại em?
    - Tại tôi nữa, vì tôi đã cố gắng giải thích một cách vô ích những điều không có thật.
    - Dù sao, em vẫn tin phải có một điều gì đó có thật trên đời này.
    - Theo em, điều đó là gì?
    Trân cúi đầu, di di đôi dép quai vàng rực trên cát.
    - Điều đó là điều… sau này anh Hai sẽ hiểu.
    Nhìn đôi dép quai vàng rực của Trâm ánh lên trong buổi chiều tà, tự nhiên Thạch thấy bụng đau nhói và miệng ứa ra chất nước đắng. Bệnh đau gan của Thạch vẫn thường xảy ra bất chợt như vậy. Mặc dù anh đã đi bệnh viện chữa trị nhưng vì không bỏ được rượu bia, cà phê, thuốc lá nên cơn bệnh vẫn âm ỉ. Về đây anh lại ăn toàn đồ biển nên cơn bệnh dễ bộc phát.
    Thạch cúi xuống giật đôi dép ở chân Trân ném ra biển rồi anh ngã gục xuống cát. Trân hốt hoảng lay vai Thạch và la lên:
    - Anh Hai, anh Hai sao vậy?
    Cơn đau chợt đến rồi chợt đi khiến Thạch tỉnh dần. Anh nghe loáng thoáng tiếng khóc thút thít của Trân nên cố chống tay ngồi dậy trên cát.
    - Anh Hai có mệt không, để em nhờ người ta dìu anh Hai về?
    Thạch xua tay rồi lấy một điếu thuốc châm lửa hút.
    - Tôi khoẻ rồi.
    - Anh Hai bị trúng gió hả?
    - Không, tôi bị bệnh đau gan hành.
    - Vậy “đồng bệnh tương lân” rồi!
    - Đừng nói xạo. Trái tim tôi rất tốt, nó đâu bị trục trặc như trái tim em.
    - Nhưng anh Hai có lá gan bị trục trặc. Tất cả những người có bệnh đều “tương lân”, bất kể bệnh gì.
    Thạch phì cười vì lý luận của Trân. Anh đứng dậy nói:
    - Trời sắp tối rồi, chúng ta đi về chợ, tôi sẽ mua đôi dép khác đền cho em.
    - Tại sao anh Hai quăng đôi dép của em xuống biển vậy?
    - Khi cơn đau nổi lên, tôi rất dị ứng với màu vàng. Càng nhìn màu đó tôi càng thấy đau thêm.
    Về đến chợ, Thạch ghé vào một quán bán hàng tạp hóa. Có một đống dép ở góc nhà và anh dễ dàng tìm thấy một đôi dép có quai màu vàng rực giống như đôi dép trước của Trân. Thạch đưa đôi dép cho Trân đi thử có vừa không, em nói:
    - Sao anh Hai chọn đôi dép quai màu vàng?
    - Đấy không phải là màu em ưa thích sao?
    - Trước kia cơ, còn bây giờ em thích đôi dép quai màu nâu giống anh Hai.
    - Đừng bắt trước người khác, xấu lắm.
    Mặc cho Thạch chê, Trân vẫn lựa đôi dép quai màu nâu rồi mang vào chân, bước đi…
     
  5. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 5


    Một chiếc xe tải từ Đà Lạt xuống, đậu trước nhà lều. Người chủ vườn rau xuống đây mua xác mắm về chăm bón cho rau xanh. Rau được bón bằng phân xác mắm sẽ tươi tốt hơn bón phân hóa học và đất trồng rau cũng không bị hư hại.
    Trong nhà lều, những thùng lớn muối cá đã rút hết nước mắm, chỉ còn lại những xác cá mủn ra như bùn, người ta gọi đấy là ”xác mắm”. Một người thợ nhảy vào thùng gỗ lớn, dùng xẻng xúc xác mắm vào những chiếc giỏ, cho người đứng bên trên thùng kéo lên. Sau khi xúc hết xác mắm, thùng sẽ được rửa sạch và người ta đổ vào lớp cá mới để tiếp tục sản xuất nước mắm.
    Thạch đứng cân những giỏ xác mắm rồi thợ vác giỏ xác mắm đổ lên xe tải. Mặc dù Thạch đã được chú Sáu dặn bôi thật nhiều dầu Nhị thiên đường vào mũi và đeo khẩu trang, nhưng anh vẫn phải ngưng cân xác mắm để vào nhà vệ sinh ói mửa. Mùi xác mắm hôi kinh khủng! Thạch không hiểu tại sao từ cái mùi thum thủm muốn ói đó, lại cho ra những giọt nước mắm thơm ngon?
    Thạch hoa mắt khi bước ra khỏi nhà vệ sinh. Chú Sáu đến đỡ Thạch.
    - Cậu nghỉ đi, để tôi cân xác mắm thay cậu.
    Thạch châm thuốc hút những hơi dài để đánh bạt mùi hôi xác mắm. Anh nói:
    - Chú cứ để cháu làm cho quen. Cháu không muốn mùi xác mắm làm cháu phải nghỉ việc như anh thư ký trước đây.
    Thạch dập tàn thuốc lá, bôi dầu Nhị thiên đường cay xè lỗ mũi, đeo khẩu trang và tiếp tục cân các giỏ xác mắm.
    Buổi chiều khi xe tải chở đầy xác mắm chạy về Đà Lạt, Thạch mệt mỏi nằm vật xuống giường. Công việc không nặng nhọc nhưng anh đã ói ba lần khiến chân tay bủn rủn và ngủ thiếp đi.
    Khi Thạch tỉnh dậy, những ngọn đèn điện trong nhà lều đã bật sáng. Anh ngạc nhiên thấy Trân ngồi ở bàn ăn.
    - Anh Hai ngủ dậy rồi. Anh đi rửa mặt rồi ra ăn cháo cho khoẻ.
    Rửa mặt xong Thạch đến ngồi ở bàn ăn.
    - Chú Sáu đâu rồi em?
    Trân đang múc cháo trong nồi ra tô, trả lời:
    - Ba em về nhà có chút việc. Ba nói em nấu cháo cho anh Hai. Em phải đi chợ tìm mua cá rựa nấu tô cháo đặc biệt cho anh Hai.
    Trân đặt tô cháo bốc khói trước măt Thạch, em rắc thật nhiều tiêu vào tô cháo.
    - Anh Hai ăn cháo nóng để người đổ mồ hôi cho khoẻ.
    - Em cũng ăn với tôi cho vui.
    Trân cười:
    - Em đâu có bệnh mà ăn cháo!
    - Vậy em không muốn “tương lân” với tôi à?
    - Được rồi, em sẽ “tương lân”.
    Trân múc cháo vào một chén nhỏ và ngồi ăn đối diện với Thạch. Anh húp một muỗng cháo, tiêu cay sè làm anh xuýt xoa. Cháo cá rựa thật ngon, anh nhanh chóng ăn hết tô cháo đầy và cảm thấy khoẻ người. Uống một ngụm trà nóng, anh nói:
    - Cảm ơn em rất nhiều.
    - Vì chuyện gì vậy anh Hai?
    - Vì hai lần tôi bị bệnh đều nhờ em chăm sóc.
    - Em cũng cảm ơn anh Hai rất nhiều.
    - Vì chuyện gì?
    - Vì nhờ có anh Hai bệnh, em mới thấy mình còn khoẻ hơn đàn ông con trai.
    Thạch bật cười. Trân hỏi:
    - Anh Hai sợ mùi xác mắm chưa?
    - Cũng hơi sợ, mùi xác mắm đã quật ngã tôi chiều nay.
    - Anh Hai sẽ không bỏ đi như ông thư ký trước chứ?
    - Tôi đâu chịu thua dễ dàng như vậy? Nếu mùi xác mắm có quật ngã tôi lần nữa thì tôi lại đuợc ăn cháo cá rựa và tiếp tục chiến đấu.
    - Hoan hô tinh thần dũng cảm của anh Hai!
    - Để trả công nấu cháo, em muốn tôi làm điều gì cho em?
    - Em muốn anh dạy em chơi đàn Organ.
    - Để làm gì?
    - Âm nhạc sẽ cứu chữa trái tim đau yếu của em.
    Ở góc nhà lều, Thạch loay hoay cắt dán những thùng carton dùng để đựng các chai nước mắm. Rồi anh dán giấy màu và sơn vẽ để tạo thành một cây đàn Organ. Chú Sáu tò mò nhìn Thạch làm việc rồi hỏi:
    - Cậu làm cái gì vậy?
    - Dạ, một cây đàn.
    Chú Sáu trợn mắt:
    - Một cây đàn bằng giấy! Cậu làm đàn để cúng cô hồn à?
    - Dạ không. Cháu làm để tặng một người.
    - Nó có kêu thành tiếng không?
    - Dạ có chứ. Nhưng người ta phải chơi đàn bằng cái đầu và nghe nó bằng trái tim.
    Chú Sáu nhíu mày:
    - Cái đầu, trái tim? Cậu nói sao nghe giống con Trân quá.
    Thạch cười:
    - Thì cháu làm cây đàn này tặng cho em Trân mà.
    - Sao cậu lại tặng nó một cây đàn bằng giấy?
    - Trân muốn học chơi đàn Organ. Cháu chưa có tiền mua một cây đàn thật, cháu dạy Trân chơi trên đàn giấy cho quen tay. Khi nào có đàn Organ thật, Trân sẽ chơi dễ dàng hơn.
    Chú Sáu lắc đầu:
    - Cậu nuông chiều nó quá rồi nó sẽ khổ.
    Thạch ngạc nhiên:
    Sao vậy chú?
    Khi cậu rời khỏi đây, tôi và anh nó không thể nuông chiều nó như cậu và nó sẽ cảm thấy đau khổ.
    Thạch cười, chỉ tấm lịch treo ở tủ.
    - Chú đừng lo. Cháu đã sống ở đây hơn hai tháng rồi. Cháu sẽ vượt qua thời hạn ba tháng hè của anh thư ký trước. Vượt qua thời hạn đó cháu sẽ sống ở đây luôn.
    Phía trước xóm chài là biển. Phía sau xóm chài là những đồi cát trắng xoá chạy dài đến rặng núi ở phía xa. Thạch vác một túi vải trên vai cùng với Trân leo lên những đồi cát. Nghe tiếng động, những con dông đang đi tìm mồi vội bỏ chạy và chui vào miệng hang, mất hút. Những bông cỏ lông chông hình cầu gai bị gió thổi lăn đi như những người đi cà khêu. Leo đến đỉnh một đồi cát, Thạch để túi vải xuống. Trân hỏi:
    - Hôm hay là sinh nhật của em, anh Hai định đi bắt con dông đãi em món dông nướng hả?
    Thạch lắc đầu:
    - Không phải đâu.
    - Vậy anh Hai vác bao củi theo làm chi?
    - Rồi em sẽ biết. Bây giờ em đi xuống triền đồi, hái đúng mười tám bông cỏ lông chông đem lên đây cho tôi làm phép. Một món quà đặc biệt cho em sẽ hiện ra.
    - Anh Hai không được nói xạo nghe.
    - Bảo đảm thật mà.
    Đợi Trân đi xuống triền đồi khuất bóng, Thạch mở túi vải lấy cây đàn Organ bằng giấy ra lắp ráp rồi đặt lên trên bốn cây gỗ bắt chéo giả làm chân đàn. Thạch lấy một tấm vải xanh thẫm phủ kín cây đàn. Một lúc sau, Trân ôm bó bông cỏ lông chông đi lên. Thạch cắm mười tám bông cỏ lông chông chung quanh cây đàn.
    - Bây giờ em hãy nhắm mắt lại và nói to ước muốn của em. Nhớ, khi nào tôi nói mở mắt ra em mới được mở mắt, nếu em không làm đúng như vậy, phép lạ sẽ mất linh.
    Trân nhắm mắt và nói to:
    - Em ước muốn có một cây đàn.
    Thạch đọc thần chú:
    - Úm ba la, úm ba la, úm ba la…
    Anh cuốn tấm vải xanh che cây đàn và nói:
    - Em mở mắt ra.
    Trân mở mắt và hét lên:
    - Ôi! Cây đàn đẹp quá!
    Em chạy đến vuốt ve cây đàn.
    - Nó có “kêu” được không, anh Hai?
    - Được chứ. Em đừng nghe nó bằng đôi tai mà hãy nghe nó bằng trái tim. Nào em hãy bịt đôi tai lại.
    Trân bịt tai. Thạch đưa tay dạo trên phím đàn rồi hát:
    - Happy birthday to you, Happy birthday to you...…
    Trân vẫn bịt đôi tai và hát theo:
    - Happy birthday to you, Happy birthday to you...
    Trân vỗ tay:
    - Tuyệt vời! Anh Hai dạy em đàn nghe.
    - Dễ thôi (Thạch cầm tay Trân, ấn lên những phím đàn). Đây là nốt Đô, đây là nốt Mi…
    Khuôn mặt Trân rạng rỡ niềm vui. Mỗi khi em bấm tay vào phím đàn nào, Thạch lại xướng âm nốt nhạc đó…
    Chợt, một cơn trốt ùa đến, xoáy cát ở triền đồi cuộn lên rồi di chuyển lên đỉnh đồi. Thạch hốt hoảng lấy tấm vải xanh trùm lên đầu anh và Trân để tránh cát bay vào mắt. Cơn trốt cuốn những bông cỏ lông chông và cây đàn giấy bay lên cao rồi xé rách cây đàn thành nhiều mảnh bay tơi tả…
    Cơn trốt qua đi, Thạch gỡ tấm vải xanh trùm đầu hai người. Anh phủi những hạt cát dính vào quần áo. Trân đứng sững nhìn cây đàn vỡ tung thành nhiều mảnh nằm ở triền đồi, nước mắt em ứa ra.
    Thạch quay lại, nhìn vào mắt Trân.
    - Cát bay vào mắt em à?
    Trân vẫn nhìn chăm chăm những mảnh vỡ của cây đàn, khiến Thạch cũng nhìn theo. Trân nói:
    - Sao những cái gì đẹp đều mong manh và dễ mất vậy anh Hai?
    Thạch vỗ vai Trân, an ủi:
    - Thôi đừng khóc nữa. Tôi sẽ làm tặng em một cây đàn khác bằng sắt phế thải. Nó xấu xí, nặng nề nên chắc sẽ không… dễ mất.
     
  6. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 6


    Quán Trúc Đào buổi tối. Những chùm hoa đỏ hồng của cây trúc đào ở cửa quán đã tàn, chỉ còn lại những tán lá xanh thẫm. Từ ngày Thạch bỏ đi, quán không bao giờ mở lại ca khúc Trúc Đào do Duy Quang hát, bởi đĩa nhạc đó Quế Lan đã ném vào thùng rác. Cô muốn dứt khoát chuyện tình cảm với Thạch. Cô đã cắt mái tóc dài đen mượt mà Thạch thường khen ngợi thành mái tóc tém và nhuộm thêm những lọn tóc vàng. Cô cũng muốn nhổ luôn chiếc răng khểnh mà Thạch thường say mê nhìn, may mà chị cô đã hết lời ngăn cản. Để quên đi một người, cách dễ nhất là tìm một nguời khác và Quế Lan đã gặp Hiệp, một bác sĩ đang đi thực tập. Anh thường đến quán uống nước tăng lực sau những buổi thực tập ở Viện Tim.
    Đêm nay, họ ngồi ở chiếc bàn cũng có chiếc gạt tàn bằng gốm hình con cua. Nhưng không có tàn thuốc nào ở bụng con cua vì bác sĩ Hiệp hiểu quá rõ thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Hiệp rót lon “bò húc” vào ly đá. Quế Lan khuấy đường trong ly cam vắt, chiếc muỗng va chạm thành ly kêu lanh canh. Trời quá nóng dù từ chiếc loa đang phát ra một ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn em mang em mang...”.
    Hiệp đẩy gọng kính cận lên sát mắt hỏi:
    - Em thích nhạc Trịnh chứ?
    Quế Lan lắc đầu.
    - Không. Vì một người em ghét, hắn rất thích nhạc Trịnh.
    Hiệp cười.
    - Đâu phải ghét người là ghét cả đường đi lối về.
    - Em vậy đó. Thậm chí em ghét tất cả những gã thanh niên hút thuốc chỉ vì hắn nghiện hút thuốc.
    - Cũng may anh không hút thuốc. Nhưng hắn có ăn cơm không? Nếu có, anh sẽ đổi qua ăn bánh mì.
    Quế Lan đấm vào vai Hiệp:
    - Hắn thích ăn cơm với tép rang, nên em ghét những người ăn tép rang. Anh có thích ăn tép rang không?
    - Không. Anh thích ăn tôm lăn bột chiên bơ.
    Hiệp bật cười rồi lấy một ngón tay gõ gõ vào trán:
    - Trời nóng quá, dễ làm người ta bị stress. Em hãy xin phép ba má cho em về quê anh chơi vài ngày. Coi như đi picnic thư giãn.
    - Quê anh ở đâu?
    - Ở một vùng biển. Biển nơi đó còn đẹp hơn Vũng Tàu, nước trong xanh vì rất ít người tắm. Chúng ta sẽ theo ghe đi câu mực. Mực tươi mới câu lên, luộc ăn rất ngọt.
    Quế Lan cười:
    - Cũng may hắn rất ghét ăn mực luộc.
    Hiệp nhăn mặt:
    - Hắn là ai mà em nhắc hoài vậy?
    - Em đã “quên” hắn rồi nên đâu còn biết hắn là ai? Được rồi em sẽ xin phép ba má đi picnic. Nhưng em nói trước, ra đến quê anh mà em thấy chán, ngay hôm sau em sẽ đón xe đò về Sài Gòn một mình, không đợi anh đâu.
    - Đồng ý. Rồi em sẽ thấy biển rất quyến rũ và người ta khó mà bỏ đi ngay.
    Trên bàn làm việc của Thạch có một cây san hô màu hồng. Anh mới mua nó nhân chuyến đi giao hàng ngang qua bãi biển Cà Ná. Người ta bày bán san hô dọc hai bên quốc lộ I. Trong văn phòng làm việc không khí nóng hầm hập, hoa tươi cắm trong bình chỉ một ngày là héo rũ. Cành “hoa đá” đã giúp Thạch đỡ mỏi mắt mỗi khi đánh máy vi tính cả chồng hợp đồng giao hàng.
    Chuông điện thoại reo. Chị Yến thủ quỹ bốc máy lên nghe rồi để máy xuống bàn, gọi:
    - Thạch! Em có điện thoại từ Sài Gòn.
    Thạch rời máy vì tính, đến cầm điện thoại:
    - Alô, Thạch đây. A! Tuấn hả. Ông khoẻ không? Tôi rất khoẻ. Có lẽ nhờ gió biển và hương nước mắm.
    Tiếng Tuấn:
    - Nghe giọng ông, chắc ông đang có chuyện gì vui lắm.
    - À, tại công việc ở đây rất vui.
    - Vậy tôi báo cho ông một công việc còn vui hơn nữa.
    - Việc gì vậy?
    - Công ty tôi đang cần một nhân viên makerting có tay nghề. Tôi đã giới thiệu ông với sếp. Sếp OK với mức lương khởi đầu một trăm đô một tháng.
    - Một trăm đô một tháng, gấp đôi lương tôi ở đây rồi!
    - Nếu đồng ý thì về Sài Gòn nhận việc gấp. Chậm trễ sẽ mất chỗ, bởi người có khả năng như ông ở Sài Gòn đâu có thiếu.
    - Ông nói sếp cho tôi ba ngày được không, để tôi suy nghĩ kỹ trước khi quyết định?
    - Còn suy nghĩ gì nữa. Bộ ông chê công việc nhiều tiền à?
    - Không phải vậy. Tại tôi đang cảm thấy hạnh phúc ở đây.
    - Hạnh phúc vì đang yêu một người nào đó hay đang yêu… nước mắm?
    - Có lẽ cả hai.
    - Thôi tùy ông. Hạn cuối là chiều mai, ông điện thoại cho tôi biết quyết định. Chúc đầu óc ông vẫn còn tỉnh táo trong hạnh phúc. Bye!
    - Cảm ơn.
    Thạch thẫn thờ bỏ ống nghe xuống máy điện thoại. Chị Yến ngồi ở bàn đã nghe và hiểu loáng thoáng câu chuyện. Chị hỏi:
    - Em sẽ trở về Sài Gòn làm việc?
    Thạch vò đầu:
    - Em chưa quyết định được chị ạ.
    - Vì lý do gì?
    Thạch cười:
    - Có thể tại mùi hương nước mắm đã quyến rũ em.
    Chị Yến thở dài:
    - Chị chỉ muốn có dịp để quên đi mùi hương đó.
    - Sao vậy chị?
    - Còn phải hỏi nữa. Đi làm ai chẳng muốn có cơ hội để tiến thân. Còn ở đây chị cứ ngồi mãi một chỗ đến già rồi về hưu!
    Hai người mải nói chuyện không chú ý một thanh niên đeo kính cận, tay xách hành lý bước vào. Cùng đi với anh có cô gái đội nón vải màu xanh lá cây, đeo kính đen, lưng mang ba lô màu xám tro.
    Chị Yến vội vã chào:
    - Ồ, cậu Hiệp! Cậu mới về.
    Hiệp cười:
    - Chào chị Yến. Ba tôi có ở nhà hay xuống phân xưởng?
    - Ba cậu đang nghỉ ở trên lầu.
    Hiệp nhìn Thạch, hỏi chị Yến:
    - Đây là ai vậy chị?
    - Đây là Thạch, ba cậu mới nhận vào làm thư ký cho hãng.
    Hiệp bắt tay Thạch:
    - Chào anh. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp nhau.
    Thạch mỉm cười:
    - Chào anh.
    Hiệp nắm tay cô gái, giới thiệu với chị Yến:
    - Đây là Quế Lan, bạn gái tôi ở Sài Gòn ra nghỉ hè.
    Rồi Hiệp dẫn Quế Lan lên lầu. Bước chân lên cầu thang hình trôn ốc bằng gỗ, Quế Lan quay lại nhìn Thạch. Anh bối rối nhìn đi nơi khác. Thạch chợt nhớ ca khúc “Trúc Đào” với hai câu cuối: “Nhưng mà không hiểu vì sao. Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?”. Anh cũng không hiểu vì sao mình lại… không thể mỉm cười với Quế Lan?
    Chị Yến hỏi:
    - Em thấy cậu Hiệp như thế nào?
    - Cũng dễ thân thiện.
    - Con trai duy nhất của ông giám đốc đó. Cậu Hiệp học làm bác sĩ, chứ không thích nối nghiệp cha sản xuất nước mắm như bà chị tên Hồng.
    - Hèn gì, những hoá đơn gởi nước mắm cho đại lý ở Sài Gòn, em đều thấy ghi tên Nguyễn Thị Bích Hồng.
    Hiệp mặc quần cụt đến đầu gối, áo thun màu kem, dẫn Quế Lan mặc áo thun trắng, quần jean xanh lửng, đi vào nhà lều. Anh chỉ cho Quế Lan biết sơ qua qui trình sản xuất nước mắm.
    Chú Sáu đang hướng dẫn những người gánh cá, đổ cá vào các thùng gỗ muối cá. Trông thấy Hiệp, chú vội vã chạy đến.
    - Chào cậu Hiệp, cậu mới về.
    Hiệp cười bắt tay chú Sáu:
    - Chào chú Sáu, chú khoẻ không?
    - Cám ơn cậu, tôi vẫn khoẻ. Cậu về chơi bao lâu?
    - Khoảng một tuần. Đây là Quế Lan, bạn cháu ở Sài Gòn ra chơi. Chú có thể nói cho cô ấy biết công việc sản xuất nước mắm. Chú rành việc này hơn cháu mà. À, chú lựa cho cháu một mớ cá nục tươi, hấp sẵn để đó. Tối nay cháu đãi Quế Lan ăn món cá nục hấp cuốn bánh tráng.
    - Đang mùa cá nục, tôi sẽ hấp cho cậu những con cá nục béo nhất.
    Hiệp quay qua nói với Quế Lan:
    - Em đợi anh ở đây mười phút. Anh về nhà lấy xe Dream của ba, chở em đi coi hồ nuôi tôm của nhà anh.
    Hiệp đi ra cửa trước ăn thông với vườn nhà ông giám đốc. Chú Sáu dẫn Quế Lan đi vòng quanh nhà lều, giảng giải:
    - Người ta đổ cá và muối ở những thùng gỗ kia, muối cá một thời gian nước mắm sẽ nhỉ ra, theo những vòi nylon chảy vào các thùng chứa ở phía dưới. Nước mắm đợt đầu là nước mắm cốt, còn gọi là nước mắm nhĩ. Sau đó người ta pha nước mắm cốt với các đợt nước mắm lần hai, lần ba gọi là “nước giảo” để thành các loại nước mắm bán ngoài thị trường.
    Chú Sáu chấm đầu ngón trỏ vào một thùng chứa nước mắm rồi đưa lên miệng nếm:
    - Nước mắm nhĩ bổ lắm, ngon lắm! Cô nếm thử đi.
    Quế Lan cười, lắc đầu:
    - Cám ơn chú. Tối nay cháu sẽ nếm nước mắm nhĩ khi ăn cá nục hấp cuốn bánh tráng.
    Đi đến cuối nhà lều, Quế Lan thấy Thạch đang đứng cân cá và ghi hóa đơn cho những người gánh cá đến bán. Cô nói với chú Sáu:
    - Cháu biết vậy đủ rồi. Cháu muốn đến đằng kia xem những người gánh cá.
    - Cô cứ tự nhiên.
    Chú Sáu dẫn một người gánh cá đến đổ cá vào thùng gỗ ở phía xa. Quế Lan đi đến đứng phía sau lưng Thạch.
    - Trái đất tròn phải không?
    Thạch quay lại nhìn Quế Lan rồi vừa cân những giỏ cá nục, vừa trả lời:
    - Đúng rồi. Tròn vo!
    Quế Lan cười.
    - Anh là nhà tiên tri xuất sắc! Anh còn nhớ hôm chia tay, anh đã nói: ”Hẹn trong một tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau”? Không ngờ chúng ta lại gặp nhau ở nhà lều nước mắm này.
    - Đấy không phải là câu nói của tôi mà là câu nói của ông giám đốc cũ.
    - Bây giờ anh đã hết là người thất nghiệp. Anh còn cảm thấy hụt hẫng?
    - Tôi đã đứng được bằng đôi chân của mình.
    - Và anh đã bắt đầu một cuộc tình khác?
    - Đến bây giờ thì chưa. Còn em đã bỏ bán cà phê và bắt đầu bán nước mắm?
    Quế Lan bật cười:
    - Đến bây giờ thì chưa. Nhưng trong tương lai thì… có thể.
    Trân dẫn những người dân gánh mớ cá nục của em đến chỗ Thạch đang cân cá.
    - Em đến giao cá cho ông.
    Thạch hỏi Trân:
    - Chị Hải bận việc à?
    - Đứa con gái nhỏ của chị ấy bị sốt.
    Quế Lan hỏi Thạch:
    - Con nhỏ nào vậy?
    Thạch nháy mắt với Trân:
    - Một người xa lạ đến bán cá.
    Vừa lúc đó, Hiệp lái xe Dream đậu ngoài cửa bên hông nhà lều, bóp còi và gọi Quế Lan. Cô rút chiếc kính đen gài ở cổ áo đeo lên mắt và đội chiếc nón vải màu xanh lá cây. Cô nói với Thạch:
    - Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.
    - Đúng vậy. Quả đất tròn mà.
    Quế Lan bước ra cửa, ngồi phía sau xe Dream. Hiệp rú ga, phóng xe đi. Trân nhìn theo rồi quay lại hỏi Thạch:
    - Chị nào vậy ông?
    - Con dâu tương lai của ông giám đốc.
    - Hình như ông có quen chị ấy?
    - Phải, khi ở Sài Gòn, tôi thường đến uống cà phê ở quán của cô ấy.
    - Cà phê ở đó ngon không ông?
    Thạch nhăn mặt lè lưỡi:
    - Đắng lắm!
    Hiệp chạy xe vào con đường hai bên mới trồng những hàng dương để giữ cát. Những hàng dương chỉ cao hơn đầu người nên mỗi khi gió thổi nghe rất rõ tiếng “u …u…”. Nhìn qua những gốc dương thấy biển ngoài kia xa thẳm trong ánh nắng chiều.
    Hiệp dừng xe trước dãy hồ nuôi tôm ở trên một đồi cát cao, nằm cách bờ biển hơn trăm mét. Tiếng máy phát điện nổ bạch bạch. Người ta đang bơm nước biển vào hồ. Những giàn quạt ở mặt hồ đang quạt nước để tạo oxy cho tôm thở. Hiệp chỉ tay cho Quế Lan thấy:
    - Bốn hồ nuôi tôm ở khu vực này là của gia đình anh. Mỗi hồ rộng ba sào. Vì không có người trông coi nên ba anh đã hùn với cậu Tám, em má anh. Người bỏ của, người bỏ công, lời chia đôi. Cậu Tám phải ăn ngủ luôn ở đây để đốc thúc nhân công làm việc. Lơ đễnh để tôm thiếu oxy, thiếu độ mặn trong nước là chúng chết ngay.
    Quế Lan hỏi:
    - Cơ ngơi của ba anh nhiều vậy, sao anh không về đây giúp ba mà làm việc ở Sài Gòn?
    - Sau thời gian thực tập ở Viện Tim Sài Gòn, anh sẽ về đây làm việc ở bệnh viện thị trấn. Lúc đó, anh mới có thời gian giúp ba. Nhưng công việc bề bộn quá, anh cần phải có một người phụ tá. Em có thể làm phụ tá cho anh?
    Quế Lan cười:
    - Bỏ Sài Gòn ra đây làm việc, em đòi lương cao lắm nha!
    - Anh trả lương cho em bằng cả cuộc đời của anh được không?
    Một người đàn ông đội nón lá, từ ngôi nhà ván ở bên bờ hồ, bước lại phía hai người. Hiệp vội nói:
    - Chào cậu Tám.
    - Con mới về hả?
    - Dạ. Đây là bạn gái của con ở Sài Gòn mới ra, con dẫn đi coi hồ tôm.
    Quế Lan cúi chào người đàn ông. Ông dẫn hai người đến đứng trên bờ một hồ nuôi tôm. Ông cầm cái rớ nhỏ khoảng một mét vuông nhấn xuống hồ tôm rồi kéo lên. Khoảng chục con tôm sú bằng ngón tay trỏ đang nhảy trên mặt rớ.
    - Khoảng hai mươi ngày nữa là xả hồ bán tôm được rồi.
    Hiệp hỏi:
    - Mùa rồi bán tôm khá không cậu?
    - Lời được hơn trăm triệu tại vì giá tôm bị xuống. Con có lấy tôm về hấp cuốn bánh tráng ăn, để cậu xúc cho một mớ?
    - Dạ thôi, để bữa khác. Tối nay con có ăn món cá nục hấp rồi.
    Quế Lan đẩy cửa phía sau vườn nhà ông giám đốc, bước vào nhà lều. Đi giữa hai dãy thùng gỗ cao to, dưới ánh sáng đèn điện trắng nhợt nhạt, không một bóng người, không một tiếng động khiến cô hơi rợn người. Có ánh lửa đỏ rực ở một góc nhà lều. Chú Sáu đang cho thêm củi vào bếp lửa nấu một nồi nhôm to. Quế Lan bước đến.
    - Chào chú. Anh Hiệp nói cháu xuống lấy mớ cá hấp anh ấy đã dặn chú để dành hồi chiều.
    Chú Sáu chỉ nồi nhôm trên bếp lửa:
    - Cô ngồi đợi một chút. Cá hấp sắp chín rồi. Tôi lựa toàn cá nục tươi, cuốn bánh tráng rau sống chấm với nước mắm nhĩ, ăn ngon hết ý. Ở Sài Gòn không có cá nục tươi như vậy đâu.
    Quế Lan ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn quanh.
    - Anh Thạch đi đâu rồi chú?
    Chú Sáu ngạc nhiên hỏi:
    - Cô biết cậu Thạch à?
    - Dạ, cháu có biết anh ấy khi ở Sài Gòn. Ra đây anh ấy làm việc được không chú?
    - Cậu Thạch làm việc siêng lắm. Ông giám đốc rất ưng ý. Cậu ấy mới theo xe tải đi giao hàng ở Đà Lạt, chắc một hai bữa mới về.
    - Ở đây mỗi tối để đỡ buồn, anh Thạch thường đi uống cà phê hay đi nhậu vậy chú?
    - Không có đâu. Buổi tối cậu ấy đi dạy kèm.
    Quế Lan tròn mắt, hỏi:
    - Anh Thạch mở lớp dạy kèm để kiếm thêm tiền?
    Chú Sáu cười.
    - Tiền bạc chi. Cậu ấy dạy kèm cho con gái tôi học lớp mười hai.
    - Mỗi tối con gái chú tới đây học?
    - Nó đến đây giao cá thì có, còn học thì ở nhà tôi.
    Quế Lan ngẫm nghĩ rồi nói:
    - Hình như cháu đã gặp con gái chú hồi chiều, có phải cô gái có cái sẹo nhỏ ở trán?
    - Đúng, con Trân đó. Hồi chiều nay nó có đến đây giao cá.
    Chú Sáu mở nồi nhôm. Hơi nước bốc lên trắng xóa. Chú lấy ra hai chiếc rổ tre có xếp đầy cá nục béo tròn. Chú cột dây hai rổ cá đưa cho Quế Lan, kèm theo một chai nước mắm nhỏ.
    - Cô mang cá lên cho cậu Hiệp ăn nóng mới ngon. Nhớ chấm với nước mắm nhĩ đặc biệt này.
    - Cám ơn chú!
     
  7. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 7


    Sau khi vượt qua đèo Ngoạn Mục, chiếc xe tải của hãng nước mắm Hương Biển chạy vào địa phận huyện Đơn Dương. Nơi đây, người ta trồng nhiều cây ăn trái và những vườn rau lá xanh ngắt làm cho ánh nắng gay gắt của mùa hè dịu đi. Chiếc xe tải dừng lại trước một đại lý bán nước mắm Hương Biển. Thạch nhảy xuống xe, đi vào gặp bà chủ đang ngồi sau quầy hàng tạp hóa.
    - Chào bác, cháu đến giao nước mắm.
    - Cậu cho tôi lấy một trăm chai loại một lít và năm mươi can nhựa loại năm lít.
    Thạch chạy ra phía sau xe tải. Anh tài xế đã nhảy lên khoang xe chuyển những thùng, những can nước mắm cho Thạch bưng vào đại lý. Khi đã đủ số lượng, Thạch lấy sổ ra viết hoá đơn đưa cho bà chủ ký. Rồi anh lấy hoá đơn tháng trước, đưa cho bà chủ thanh toán tiền.
    Khi bước ra sau nhà rửa tay, Thạch ngạc nhiên thấy một vườn hoa như hoa huệ nhưng cánh hoa màu vàng dịu như hoa mai mùa xuân. Thạch hỏi bà chủ nhà tên loại hoa. Bà nói:
    - Đó là cây hoa kim châm. Người ta luộc hoa rồi phơi khô bán cho những người nấu miến gà, miến lươn. Người Tàu gọi nó là cây “Vong ưu thảo”, dùng để chữa bệnh đau tim, giúp an thần.
    - Có thật nó chữa được bệnh đau tim không bác?
    - Thật mà. Chồng tôi nhờ ăn hoa kim châm và sắc rễ của nó uống mà đỡ đau tim.
    - Cháu có người nhà bị bệnh đau tim, bác có thể cho cháu một bụi hoa đem về trồng?
    - Được thôi, trồng nó cũng dễ như trồng cây sả vậy.
    Bà chủ lấy xẻng, xúc một bụi hoa kim châm còn cả rễ và đất, cho vào một chậu nhỏ bằng nhựa. Thạch cầm chậu hoa, cám ơn bà chủ nhà rồi bước ra xe tải.
    Tài xế cho xe chạy được một đoạn, một đứa nhỏ chạy băng qua đường khiến anh phải thắng gấp. Thạch chúi người về phía trước, cây hoa bị kẹp giữa ngực anh và cốp xe. Anh la lên:
    - Chết rồi!
    Anh tài xế hỏi:
    - Anh bị tức ngực hả?
    Thạch lắc đầu, nhìn bụi hoa.
    - May quá! Nó chưa bị rụng hoa.
    - Hoa gì mà anh quý dữ vậy?
    - Hoa kim châm.
    - Nó ăn được không?
    Rất ngon và đại bổ. Anh ăn miến gà và miến lươn mà thiếu hoa kim châm là mất đi hương vị.
    - Hoa nào “ăn” được thì phải “quý” là đúng rồi!
    Anh tài xế cười, sang số cho xe chạy nhanh. Thạch vội lấy tờ báo quấn quanh chậu hoa, sợ gió làm gẫy thân cây.
    Xe chạy đến Đức Trọng. Chợt nhớ lời hẹn với Tuấn, Thạch nói tài xế dừng xe trước một trạm bưu điện. Anh chạy vào gọi điện thoại về Sài Gòn.
    - Alô, Tuấn hả? Thạch đây.
    Tiếng Tuấn:
    - Sao, ông quyết định bao giờ về?
    - Cám ơn ông đã tìm cho tôi một công việc tốt hơn, nhưng tôi quyết định ở lại đây làm việc.
    - Suy nghĩ kỹ chưa?
    - Kỹ rồi. Tôi vừa tìm thấy một loài hoa “Vong ưu thảo”. Nó sẽ giúp cho một người thân của tôi quên đi ưu phiền.
    - Biết đâu nó sẽ lại làm ông ưu phiền.
    - Tôi chấp nhận miễn sao người đó được vui.
    - Có lãng mạn qua không đấy?
    - Không. Rất thực tế. Giúp cho một người được vui, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.
    - Ông đang làm tôi buồn.
    - Vì sao?
    - Thiếu một bạn nhậu!
    - Ha! Ha! Hẹn sẽ gặp lại sau.
    Hải lái ghe đánh cá chở Hiệp và Quế Lan đi thăm hòn Lao Câu. Hòn đảo này rộng khoảng mười ngàn mét vuông, nằm cách bờ biển Tuy Phong 7 km. Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất kỳ lạ nằm xen kẽ với những cây cổ thụ và những thảm cỏ xanh mướt. Đảo đã được qui hoạch làm khu du lịch sinh thái biển vì có những rạn san hô nhiều màu sắc. Ngày thường ở đảo chỉ có một ít khách du lịch nhưng vào dịp lễ hội, người dân địa phương đi ghe ra đảo vui chơi rất đông.
    Hải neo ghe lớn ngoài khơi, thả thuyền thúng xuống rồi chèo đưa Hiệp và Quế Lan vào đảo. Hải kéo thuyền thúng lên bãi, lấy kính lặn đưa cho hai người bạn rồi hướng dẫn họ cách sử dụng. Hải lặn một hơi xuống biển, bơi tìm một rạn san hô ở gần đảo rồi trồi lên đưa tay vẫy Hiệp và Quế Lan.
    Hiệp hỏi:
    - Em bơi khá không?
    Quế Lan cười:
    - Ở Sài Gòn, em vẫn thường đi bơi ở hồ bơi Yết Kiêu với bà chị.
    - Nhưng bơi ở biển này em phải thận trọng vì thường có sóng ngầm.
    - Em không sợ sóng ngầm mà chỉ sợ “sóng lòng”.
    Hiệp cười:
    - Cả hai đều khiến người ta dễ chết!
    Hiệp và Quế Lan cùng bơi ra chỗ Hải. Ba người kéo kính lặn che kín mắt rồi cùng lặn xuống biển. Hải bơi trước dẫn đường, Quế Lan bơi theo và Hiệp bơi phía sau. Những cành san hô muôn màu dập dờn trước mắt họ. Những chú cá màu sắc sặc sỡ ẩn mình trong rạn san hô, nghe tiếng động sợ hãi bơi túa ra đụng chạm vào người họ. Khung cảnh thật thần tiên! Quế Lan định ngợi khen nhưng nước biển mặn chát làm cô vội mím chặt môi…
    Buổi trưa, họ bơi về đảo nghỉ ngơi dưới tàn một cây cổ thụ. Hải lấy bếp ga nấu ốc hương, chem chép và ghẹ đãi hai bạn. Những hải sản này Quế Lan đều đã ăn tại nhà hàng máy lạnh Ngọc Sương ở Sài Gòn. Nhưng ăn hải sản ở một nơi bốn bề lộng gió biển, cô cảm thấy hương vị của chúng ngon hơn rất nhiều.
    Buổi chiều, Hải lấy ghe trở về bến. Những đám mây đen từ đâu kéo đến như báo hiệu một cơn mưa. Nhưng trời không mưa mà nổi gió lớn. Biển động. Những con sóng dâng cao đập vào ghe, bọt nước bắn lên trắng xoá. Hiệp hỏi Quế Lan đang đứng dựa lưng vào buồng lái.
    - Em có bị say sóng không?
    Quế Lan lắc đầu:
    - Em có cảm tưởng đang ngồi trên xe đò chạy vào con đường nhiều ổ gà.
    - Giỏi! vậy em làm dâu xứ biển được rồi. Đồng ý không?
    Quế Lan cười
    - Đợi khi em lên đất liền có bị “say” không, mới quyết định được.
    Ghe chạy vào cửa sông, con nước đã êm. Hải tìm một chỗ trống ở bến, lái ghe vào rồi tắt máy. Hiệp nhảy lên bờ, đưa tay kéo Quế Lan lên theo. Trân đã đứng đợi ở trên bờ gọi vọng xuống.
    - Anh Hải, bữa nay có cá không?
    Từ buồng lái, Hải nhô đầu ra, trả lời:
    - Không có. Sáng nay anh chở anh Hiệp đi chơi. Tối mới đi đánh cá.
    Hiệp đi đến vỗ vai Trân.
    - Chà, em mau lớn dữ!
    Trân tươi cười
    - Chào anh Hiệp. Em tưởng đến Tết anh mới về thăm nhà.
    - Hè này ở Sài Gòn nóng quá, anh đưa bạn gái về đây tắm biển. Đây là Quế Lan bạn anh. Còn đây là Trân, con chú Sáu.
    Trân nhìn Quế Lan.
    - Chào chị.
    - Chào em, chị đã nghe chú Sáu nói về em.
    Vừa lúc đó, Đông - trưởng phòng kỹ thuật của hãng nước mắm lái xe Honda chạy đến.
    - Này Hiệp, có Long và Thuận ở Nha Trang mới vào. Nhóm bạn học cũ của tụi mình đang tụ họp ở nhà tôi. Mời ông đến chơi cho vui.
    Hiệp vui vẻ nói.
    - Lâu quá bạn bè mới có dịp gặp nhau. Tôi sẽ đi với ông.
    Quay qua Trân, Hiệp nói:
    - Em dẫn chị Lan về nhà giùm anh.
    Rồi Hiêp nhảy lên xe cho Đông chở đi. Trân dẫn Quế Lan đi dọc theo bờ sông để về hãng nước mắm Hương Biển. Trên đường tấp nập những người gánh cá từ bến đem bán cho các hãng nước mắm. Mùi cá tanh nồng bay trong không khí.
    Quế Lan bước đi chậm rãi, hỏi:
    - Anh Thạch dạy em học có dễ hiểu không?
    Trân lém lỉnh trả lời:
    - Thầy Thạch dạy vui lắm chị ơi! Nhiều lúc em tức cười muốn chết!
    - Anh ấy hết cau có rồi à?
    - Em có thấy thầy cau có hồi nào đâu!
    - Vậy mà ở Sài Gòn, anh ấy luôn cau có khó chịu.
    - Chị quen thầy Thạch lâu chưa?
    - Hơn một năm rồi.
    - Hai người vẫn còn thân với nhau?
    Quế Lan thở dài.
    - Đã chia tay.
    Trân ngạc nhiên hỏi:
    - Có phải vì anh Hiệp?
    - Không. Vì anh Thạch. Mấy tháng trước đây, anh ấy bị mất việc làm nên đâm ra cau có khó chịu. Chị cố gắng an ủi nhưng anh ấy vẫn cảm thấy hụt hẫng và bỏ đi. Không ngờ chị lại gặp anh Thạch ở đây. Thấy anh ấy làm việc cực nhọc, chị cảm thấy xót xa.
    - Chị có thương anh Hiệp không?
    Quế Lan gật đầu.
    - Một ngày nào đó em sẽ hiểu. Người ta thương một người nhưng vẫn còn nhớ đến mối tình đầu của mình.
    Hai người dừng lại trước cổng hãng nước mắm Hương Biển. Quế Lan nói:
    - Em lên phòng chị nói chuyện chơi.
    - Cảm ơn chị. Em phải về nhà nấu cơm. Em sẽ ghé thăm chị bữa khác.
    Xe tải chạy vào gara ở phân xưởng cho nước mắm vào chai. Thạch ôm chậu hoa kim châm đi nhanh về xóm chài ở ven biển. Mặc dù chậu hoa đã bọc giấy báo, Thạch vẫn lấy lưng che gió cho cây hoa, khi anh đi trên bãi biển thường có những cơn lốc cuốn cát bay mù trời.
    Thạch đứng ngoài hàng rào nhà chú Sáu, gọi lớn:
    - Trân ơi! Trân!
    Trân đang nấu cơm sau bếp vội chạy ra mở cổng và la lên:
    - Anh Hai đi Đà Lạt về! Anh mua trái dâu cho em hả?
    Thạch đi vào, ngồi xuống hiên nhà và đặt túi giấy báo ở kế bên.
    - Cái này còn quý hơn trái dâu nhiều. Em múc cho tôi một ca nước, nhanh lên.
    Trân chạy vào nhà rồi cầm ra một ca nước bằng nhựa đỏ, đưa cho Thạch.
    - Nước mưa để dành đó. Anh Hai uống đi cho đỡ khát.
    - Không phải cho tôi mà cho cây hoa này.
    Thạch gỡ lớp giấy báo bao quanh chậu hoa, tưới ca nước lên cây hoa rồi cười mãn nguyện.
    - Bây giờ em cho tôi một ca nước. Tôi khát quá!
    Trân cầm cái ca chạy vào nhà rồi mang ra một ca nước đầy. Thạch cầm ca nước uống một hớp dài cho đã khát.
    - Cây hoa gì vậy anh Hai?
    - Hoa kim châm.
    Trân ngắm nhìn bông hoa màu vàng đơn sơ, lắc đầu.
    - Sao anh Hai không mua cây hồng nhung về trồng. Hoa hồng nhung đẹp hơn hoa này nhiều.
    - Nhưng hoa hồng nhung không ăn được.
    - Còn hoa này ăn được hả?
    - Hoa kim châm luộc sơ qua rồi phơi khô nấu với miến ăn rất ngon. Nhưng quan trọng hơn, nó còn là một cây thuốc. Tên chữ Hán của nó là “Vong ưu thảo” có nghĩa là cây giúp người ta quên đi ưu phiền. Rễ và hoa của nó phơi khô rồi nấu nước uống có thể chữa được bệnh tim. Nó dễ trồng như cây sả nên tôi xin một cây đem về cho em trồng.
    Trân lắc đầu.
    - Em không cần nó. Em có thuốc uống rồi.
    Thạch giảng giải.
    - Thuốc uống là để chữa cơn đau cấp kỳ. Còn cây kim châm em nấu uống đều đặn mỗi ngày sẽ chữa dứt hẳn bệnh đau tim.
    - Vậy người mà anh Hai cần tặng cây hoa này không phải là em mà là chị Quế Lan.
    Thạch sửng sốt:
    - Quế Lan?
    - Em vừa nói chuyện với chị Quế Lan. Chị ấy nói vẫn còn thương anh Hai, vì vậy chị ấy rất cần cây “Vong ưu thảo”.
    - Giữa tôi và Quế Lan mọi chuyện coi như đã xong. Cây hoa này rất cần cho bệnh tim của em.
    - Không, em hết bệnh rồi!
    Trân hất chậu hoa ở hiên xi măng rơi xuống sân cát rồi em bỏ chạy vào nhà, đóng cửa lại.
    Thạch cúi xuống, ấn cây hoa vào chậu và hốt đất bỏ vào. Anh đặt chậu hoa lên hiên nhà, nhìn đóa hoa vàng lẻ loi, anh lẩm bẩm:
    - Không biết mày là “Vong ưu thảo” hay là “Đa ưu thảo”?
     
  8. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 8


    Trong ánh sáng đèn điện nhợt nhạt của nhà lều, Thạch nằm đọc báo ở giường. Chú Sáu mở cửa đi vào, tay cầm chai rượu.
    - Cậu uống với tôi vài ly.
    Thạch nhổm dậy:
    - Đợi cháu nướng một con khô mực.
    Thạch xách ấm nước đang nấu ở trên bếp than đặt xuống nền nhà. Anh bỏ con khô mực một nắng lên trên những cục than đỏ hồng. Con mực còn hơi tươi, nước tiết ra trên bếp than kêu xèo xèo. Thạch cầm râu con mực nướng kéo lên, bỏ vào chiếc đĩa ở trên bàn.
    Chú Sáu rót rượu vào hai chiếc ly nhỏ:
    - Mời cậu!
    - Mời chú!
    Uống xong ly rượu, Thạch xé một miếng mực nướng bỏ vào miệng nhai.
    - Có chuyện gì mà chú nhậu đột xuất vậy?
    Chú Sáu uống xong ly rượu, khà một tiếng:
    - Tôi có chuyện này khó nói với cậu quá…
    - Chú cứ nói đi. Coi cháu như người trong nhà vậy mà.
    Chú Sáu nhăn trán suy nghĩ, rồi nói:
    - Tôi cám ơn cậu đã giúp đỡ con Trân rất nhiều. Nhưng tôi xin cậu đừng… gặp nó nữa.
    Thạch ngạc nhiên, hỏi:
    - Sao vậy chú?
    Chú Sáu thở dài.
    - Bà vợ tôi chết vì bệnh tim nhưng một phần cũng vì hờn ghen. Ngày trước, tôi đi đánh cá xa bờ, nhiều khi phải đem cá vào bán tận Phan Thiết, Hàm Tân. Mỗi lần tôi về nhà là bả mè nheo đủ thứ chuyện, nghi tôi có bồ bịch ở mấy nơi đó. Khi bả mất, tôi nản quá đi đánh cá kiếm sống cầm chừng. Dạy thằng Hải học rành nghề, tôi giao ghe cho nó rồi lên bờ sống bằng nghề làm nước mắm để được gần gũi, chăm sóc cho con Trân. Tánh con nhỏ cũng y hệt má nó, hay hờn ghen. Tôi không muốn vì cậu, bệnh tim của nó bị nặng hơn.
    Thạch phân bua:
    - Nhưng cháu có làm gì sai quấy đâu?
    - Tôi mới về thăm nhà, thấy con Trân nằm vật vã trên giường, hỏi mãi nó mới nói: Cậu vừa tặng nó một cây hoa chữa bệnh tim. Ý cậu muốn nói nó không khỏe mạnh bằng cô Quế Lan!
    - Trời đất! cháu đâu có ý đó. Cháu chỉ muốn Trân mau hết bệnh nhờ cây hoa kim châm.
    Chú Sáu lắc đầu.
    - Phụ nữ rắc rối lắm. Hiểu được họ không phải dễ!
    Thạch đứng dậy.
    - Để cháu đi nói chuyện với Trân, cháu không muốn Trân hiểu lầm.
    Chú Sáu nắm tay Thạch, kéo tay lại:
    - Cậu ngồi xuống đi. Cậu càng giải thích nó càng hiểu sai ý cậu và mọi chuyện sẽ rắc rối hơn. Tôi nghĩ tốt hơn hết, cậu cứ để nó một mình rồi nó sẽ tự hiểu.
    Thạch ngồi xuống ghế, rót một ly rượu đầy rồi uống cạn một hơi.
    Chú Sáu cũng rót một ly rượu, uống cạn.
    - Cậu đừng buồn. Tôi hiểu ý tốt của cậu. Cậu hãy tạm ngưng gặp nó ít bữa, nó sẽ nguôi ngoai và quên đi chuyện vừa qua.
    Chiều chủ nhật Thạch lững thững đi đến nhà thờ. Mấy tuần nay anh đều đến phụ cha Tâm đàn Organ cho ca đoàn tập hát. Anh hy vọng sẽ gặp Trân ở đây. Không muốn chú Sáu buồn, nên anh không đến nhà chú để gặp Trân.
    Cha Tâm đang ngồi dạo đàn, thấy Thạch bước vào nhà thờ ông vẫy tay gọi anh. Thạch đi đến bên cha, ông chỉ bản nhạc đặt trên đàn Organ.
    - Con đàn thay cha bản thánh ca này cho ca đoàn hát. Cha bận công việc một lúc sẽ quay lại.
    Thạch liếc nhìn ca đoàn, không thấy Trân đứng ở hàng đầu. Có lẽ em tới trễ. Thạch ngồi xuống ghế dạo đàn, ca đoàn cất tiếng hát theo:
    “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
    Bản nhạc vừa chấm dứt, cha Tâm đã quay lại. Ông đặt tay lên vai Thạch:
    - Hôm nay con không được khoẻ hả? Con đã đàn sai nhịp nhiều chỗ.
    Thạch đứng dậy, gãi đầu:
    - Xin lỗi cha. Đầu óc con đang bị rối!
    - Con đừng đàn thánh ca nếu đầu óc không thanh thản.
    Cha Tâm ngồi vào ghế đàn, Thạch liếc nhìn ca đoàn rồi lặng lẽ đi ra khỏi nhà thờ.
    Một con cá voi chết, trôi dạt vào xóm chài. Cả thị trấn bàn tán về chuyện này. Đối với ngư dân, đây là một điềm lành vì lâu lắm rồi “ông” mới xuất hiện. Họ tin “ông” đã chọn làng họ làm nơi an nghỉ, nên “ông” sẽ che chở cho con cháu đi biển được bình an và giúp đỡ họ bắt được nhiều cá.
    Ngư dân dựng rạp ở bãi biển để lo tang lễ cho “ông”. Thạch cũng tò mò đến xem. Anh hy vọng sẽ gặp Trân trong dịp này vì nhà chú Sáu cũng gần ở nơi cúng “ông”.
    Ngư dân địa phương và ngư dân ở vùng lân cận kéo đến rạp xem đông nghẹt. Tiếng kèn, tiếng trống vang lên như đám tang một ông nhà giàu. Không nghe có tiếng khóc, chỉ nghe có tiếng cười và tiếng trò chuyện của nguời dân. Thạch cố chen vào xem. Con cá voi dài chừng ba mét, nằm trong lồng tre giả làm quan tài. Một tấm vải đỏ phủ lên mình cá, chỉ để lộ cái đầu cá đen bóng. Một người đàn ông mặc áo tang trắng, đầu quấn khăn tang đang quì lạy “ông”. Người ta nói chính người đàn ông đó đã thấy “ông” nằm trên bờ đầu tiên, nên được nhận làm “con trưởng”.
    Thạch chen ra ngoài, đi lòng vòng tìm Trân. Tình cờ anh lại gặp Hiệp và Quế Lan cũng xem cá voi. Hiệp bắt tay anh:
    - Tôi rất vui khi biết anh đã làm việc đắc lực cho cha tôi. Tôi cũng muốn về đây giúp ba điều hành công việc của hãng nước nắm, nhưng tôi còn phải thực tập cho xong hai năm ở Viện Tim Sài Gòn.
    Thạch mừng rỡ hỏi:
    - Anh học chuyên ngành tim?
    - Phải.
    - Thật là may. Trân đang bị bệnh tim nằm ở nhà. Anh có thể đến khám bệnh cho Trân?
    - Sao tôi không nghe chú Sáu nói chuyện này? Được rồi, để tôi phóng xe về nhà lấy đồ nghề. Quế Lan đứng đây đợi anh trở lại. Nhà chú Sáu cũng ở gần đây.
    Hiệp đi đến bãi giữ xe, lấy xe Dream phóng đi dọc theo bờ biển. Thạch và Quế Lan đi ra sát mé biển, thoát khỏi đám đông ồn ào. Những con còng bỏ chạy khi họ tiến đến gần. Tiếng sóng biển rầm rì ở trước mặt họ.
    - Chốc nữa em hãy đến thăm Trân
    - Sao anh lại muốn em đến đó?
    Thạch kể lại câu chuyện tặng Trân cây hoa kim châm và sự hiểu lầm đã xảy ra. Rồi anh nói:
    - Trân nghĩ anh và em vẫn còn tình cảm nên đã hờn ghen.
    - Nghĩa là anh muốn giữa anh và em mọi việc phải chấm dứt hẳn?
    - Điều đó không tốt đẹp cho em sao?
    - Em sẽ không đến thăm cô bé đó.
    - Anh năn nỉ mà. Em hãy giúp anh một lần.
    - Anh đã yêu cô bé đó?
    - Anh chỉ muốn giúp Trân vượt qua khỏi căn bệnh đau tim.
    - Anh cũng biết tình yêu không phải là lòng thương hại.
    - Nhưng tình yêu là phải biết giúp nhau vượt qua khổ đau.
    - Em hay cô bé đó đang khổ đau?
    - Anh.
    Trân nằm trên giường, ngó qua cửa sổ. Ánh nắng buổi chạng vạng như đọng lại trên những tàng lá dương đang đứng im phăng phắc ngoài sân. Em nghe có tiếng kèn, tiếng trống từ rạp cúng “ông” vẳng lại. Em muốn chạy ra xem nhưng ba đã ngăn cấm. Ba không muốn em nhìn thấy cái chết của “ông”, dù là một đám tang vui. Ba sợ em xúc động sẽ ảnh hưởng đến trái tim đau yếu. Phải kìm nén những xúc động. Không được vui quá, không được buồn quá. Như vậy suốt đời em chỉ được buồn vui chút chút?
    Hải dẫn Hiệp và Quế Lan vào nhà. Hiệp tươi cười đến bên giường Trân.
    - Em bị mệt hả? Uống thuốc gì rồi?
    Hải lấy ở trên bàn một bịch nylon đựng thuốc, phim chụp tim và toa thuốc của bác sĩ, đưa cho Hiệp:
    - Tôi đã cho nó uống mấy thứ thuốc này theo toa của bác sĩ ở bệnh viện tỉnh.
    Hiệp xem phim chụp tim, đọc toa thuốc rồi trả lại Hải. Anh mở hộp đồ nghề, lấy dụng cụ ra đo nhịp tim cho Trân.
    - Nhịp tim hơi bị yếu. Em phải vui lên, con tim em mới vui vẻ đập mạnh hơn. Em cứ u sầu, con tim em cũng buồn theo và đập yếu xìu. Để anh chích cho em mấy mũi thuốc bổ. Ngày mai em có thể đi chơi được rồi. Nhưng đi từ từ thôi nha, đừng đi vội vã dễ bị ngã. Ngã lần này không bị đau tim mà bị u đầu!
    Mọi người bật cười. Quế Lan nói:
    - Em đi từ từ cũng bị ngã vậy.
    Hiệp cười:
    - Tại em có trái tim đặc biệt nên “ngã” cũng phải đặc biệt, khác với mọi người!
    Quế Lan nguýt Hiệp:
    - Bác sĩ gì mà đoán bệnh như thầy bói!
    Hiệp chích thuốc cho Trân xong, anh dẫn Hải ra ngoài nói chuyện riêng.
    Quế Lan ngồi xuống giường hỏi Trân:
    - Chị thấy ở hiên nhà em có chậu hoa màu vàng là hoa gì vậy?
    - Thầy Thạch nói đó là hoa kim châm, tên chữ hán là “Vong ưu thảo”. Nó giúp người ta quên đi ưu phiền.
    Nhìn khuôn mặt tái xanh và lo âu của Trân, Quế Lan thấy xao lòng. Cô giả bộ cười lớn:
    - Anh Thạch xạo hết biết. Hồi ở Sài Gòn, anh ấy cũng tặng chị một cành hoa trúc đào và nói hoa đó sẽ giúp người ta quên đi ưu phiền. Sau đó chị đọc sách mới biết nhựa hoa trúc đào rất độc, ăn vào là chết ngay. Thì ra anh ấy muốn nói “quên đi ưu phiền” là theo nghĩa đó. Chỉ vì anh Thạch tánh ba xạo mà chị chia tay anh ấy. Chị mến anh Hiệp tánh thật thà, không nói “lời có cánh” như anh Thạch vì anh Thạch làm nghề tiếp thị mà. Nếu anh Thạch tặng chị chậu hoa kim châm, chị sẽ quăng ra đường ngay và nó sẽ thành hoa “Vong mạng thảo”. Trời sắp tối rồi, chị về. Hôm nào em rảnh đến nhà anh Hiệp, tụi mình cùng hát karaoke.
    Quế Lan đứng dậy, nén tiếng thở dài bước vội ra ngoài hiên. Trân nằm nghe tiếng xe gắn máy nổ giòn rồi mất hút. Em gượng ngồi dậy, đi từ từ ra ngoài hiên, ôm chậu hoa kim châm vào nhà để ở đầu giường. Vuốt ve những cánh hoa màu vàng, Trân lẩm bẩm:
    - Người ta hắt hủi mày, tao sẽ chăm sóc mày!
     
  9. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 9


    Buổi sáng, Thạch vừa bước vào văn phòng làm việc, chị Yến nói:
    - Cậu Hiệp nhắn em lên sân thượng gặp cậu.
    - Có chuyện gì vậy chị?
    - Chị cũng không biết nữa.
    Thạch bước lên cầu thang trôn ốc bằng gỗ. Từ ngày về đây làm việc, lần đầu tiên Thạch bước lên lầu. Trên đây là nơi sống riêng tư của gia đình ông giám đốc. Khi cần chỉ bảo Thạch việc gì, ông giám đốc thường gọi anh vào phòng làm việc của ông ở tầng trệt chứ không bao giờ gọi anh lên lầu. Bước lên lầu một, Thạch leo tiếp cầu thang lên sân thượng.
    Có một căn phòng nhỏ và một hiên mái cuốn bằng nhựa sọc trắng xanh. Ngoài khoảng sân trống là những chậu kiểng lớn trồng cây sứ Thái Lan với những bộ rễ uốn lượn như con rắn, còn những chậu kiểng nhỏ trồng những cây xương rồng nở hoa đỏ và trắng. Tất cả các loại cây này đều thích hợp với thời tiết nắng nóng ở nơi đây.
    Dưới mái cuốn, Hiệp đang ngồi đọc báo ở bộ bàn ghế bằng mây. Trước mặt anh là một ly trà Lipton nóng. Thạch nói:
    - Chào anh!
    Hiệp bỏ tờ báo xuống.
    - Mời anh ngồi. Anh uống trà Lipton nha.
    Hiệp bỏ túi trà vào một cái ly rồi rót nước sôi. Anh đẩy chiếc ly về phía Thạch rồi dựa lưng vào ghế.
    - Tôi được biết anh có cảm tình rất sâu đậm với Trân nên tôi muốn nói thẳng với anh một việc. Chiều qua, khi khám bệnh cho Trân, tôi biết em bị bệnh tim rất nặng. Chính cái đầu của em sẽ quyết định bệnh tim của mình thuyên giảm hay bột phát. Chữa trị bằng tâm lý là chủ yếu, còn thuốc thang chỉ phụ trợ. Bệnh tim của Trân tăng hay giảm, bây giờ tùy thuộc vào thái độ đối xử của anh. Chiều qua, tôi cũng đã nói cho Hải biết để gia đình Hải tùy nghi quyết định. Và anh cũng vậy.
    Thạch uống một ngụm trà Lipton không đường rồi đốt một điếu thuốc hút:
    - Theo anh, tôi nên xử trí như thế nào?
    Hiệp gõ gõ ngón tay lên thành ghế mây:
    - Tôi cũng cỡ tuổi anh, kinh nghiệm sống chưa nhiều nên không thể khuyên bảo. Tôi chỉ đưa ra hai phương án để anh lựa chọn. Một là anh gọi chú Sáu là cha và lập nghiệp ở nơi đây. Hai là anh trở về Sài Gòn ngay trước khi quá muộn. Mặc dù anh ra đi tôi rất tiếc, vì anh được ba tôi tín nhiệm trong công việc.
    - Tôi có thể ra đi ngay sáng nay nếu việc đó giúp cho Trân được khoẻ mạnh.
    Hiệp uống một ngụm trà, suy nghĩ:
    - Điều này không có gì chắc chắn. Anh ra đi sẽ tạo một cú sốc cho Trân. Có thể Trân sẽ vượt qua cú sốc đó và khoẻ mạnh, cũng có thể em không vượt qua được và ngã quỵ. Sao anh không chọn phương án một?
    - Tôi không muốn bị mang tiếng lợi dụng.
    - Lợi dụng gì? Chú Sáu đâu phải là người giàu có hay có địa vị trong xã hội.
    - Không phải chuyện lợi dụng tiền bạc hay địa vị mà là lợi dụng tình cảm. Chú Sáu đã đối xử với tôi rất tốt ngay từ ngày tôi mới bước chân tới đây. Tôi đã hứa với chú, dạy dỗ và chăm sóc Trân như lo cho một đứa em gái. Vì vậy tôi không thể…
    - Tôi có một đề nghị: Anh hãy cứ đối xử tốt với Trân. Tuần sau tôi về Sài Gòn, tôi sẽ mang theo hồ sơ bệnh tim của em cho thầy tôi xem. Nếu có thể phẫu thuật chữa được bệnh tim của Trân, tôi sẽ nhắn chú Sáu đưa em vào Sài Gòn phẫu thuật. Sau khi Trân chữa khỏi bệnh tim thì việc anh ở lại đây hay ra đi sẽ không còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của em nữa. Anh nghĩ sao?
    - Tôi sẽ cố gắng giúp Trân sống vui vẻ trong thời gian chờ phẫu thuật trái tim.
    Hiệp đứng dậy bắt tay Thạch:
    - Vậy là được rồi. Tôi sẽ nói chuyện với chú Sáu. Còn anh muốn chở Trân đi đâu chơi, cứ lấy xe Dream của tôi mà đi.
    Thạch dừng xe Dream trước cổng nhà chú Sáu và bóp còi inh ỏi. Từ trong nhà Trân vội vã chạy ra.
    - Anh Hai đến có chuyện gì vậy?
    Thạch tươi cười:
    - Chiều nay rảnh, tôi mượn xe của anh Hiệp đến chở em đi chơi. Tôi ra đây làm việc đã lâu nhưng chưa có dịp đi tham quan các thắng cảnh. Vậy em có thể giới thiệu tôi một nơi để đến thăm?
    - Được rồi em sẽ dẫn anh Hai đi thăm chùa Hang.
    - Em cũng rành về chùa à?
    - Tại sao không?
    Chùa Hang nằm ở huyện Tuy Phong, cách thị trấn Phan Rí khoảng hai mươi cây số. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ mười chín, nằm trên một gành đá nhô ra sát biển. Đường lên chùa quanh co, gập ghềnh, du khách phải bước đi trên những bậc tam cấp mới được xây dựng. Bước vào cổng chùa là chánh điện do hai tảng đá lớn tạo nên có hình mái vòm. Ở phía tây chùa có một cái hang tương truyền là đường xuống âm phủ. Thật ra, đấy là căn cứ quân sự của cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Vì Cổ Thạch Tự nằm gần một hang sâu nên được người dân gọi nôm na là chùa Hang.
    Xung quanh chùa là những tảng đá lớn và cây cối xanh rì. Những tượng Phật đứng, Phật nằm màu trắng được đặt rải rác trên các tảng đá. Thạch thích thú khi thấy trên một vách đá có đắp nổi bằng xi măng tượng ông Địa và một đầu Lân, được sơn màu xanh vàng đỏ sặc sỡ. Cả hai cùng tươi cười chào đón du khách đến viếng cảnh.
    Chùa Hang đã được nhà nước xếp hạng “Di tích Văn hoá - Lịch sử” nên các tour du lịch ở tỉnh Bình Thuận đều đưa du khách đến tham quan chùa. Nhiều đoàn đã thuê phòng trọ ở dưới chân núi đá gần bờ biển, cho du khách ngủ lại đêm. Họ đốt lửa trại ca hát hoặc ngắm nhìn những ghe câu mực thắp đèn sáng nhấp nháy ngoài khơi. Họ đợi ghe vào bờ để mua những con mực tươi rói luộc ăn.
    Cách chùa Hang năm trăm mét có bãi đá Cà Dược. Những tảng đá nằm sát biển bị sóng đánh vỡ vụn, rồi bào chúng thành những hòn đá cuội bóng láng, nhiều màu sắc. Có hòn bằng ngón tay, có hòn bằng nắm tay nhưng nhiều nhất là những hòn đá cuội to bằng trái cà dược - một loại cà mọc hoang ở vùng này.
    Trân dẫn Thạch đi trên bãi đá để tìm những hòn cuội có hình thù và màu sắc lạ mắt. Trân hỏi:
    - Anh Hai tên Thạch, vậy người anh cứng rắn như đá?
    Thạch cười:
    - Em hiểu lầm rồi. Tôi tên Thạch là tên một loại chè nấu bằng rong biển nên rất mềm yếu chứ không cứng rắn như đá.
    - Vậy anh Hai bị ngã là vỡ vụn luôn!
    Bắt chước Trân, Thạch hỏi:
    - Tại sao không vỡ vụn?
    Giữa những hòn đá cuội hình thù khác nhau, Thạch thấy một hòn đá dẹp có màu hồng nhạt tựa trái tim, anh vội cúi xuống lượm:
    - Ui da!
    Bước lên một tảng đá có rêu, Trân bị trượt chân ngã xuống bãi đá cuội. Thạch hốt hoảng chạy đến đỡ em ngồi xuống một tảng đá lớn, mắt cá chân phải của Trân bị trầy sướt, rỉ máu. Thạch rút một điếu thuốc, bẻ đôi, lấy những sợi thuốc lá vàng đắp lên vết thương của Trân.
    - Ui da!
    Trân hét lên vì vết thương đau rát. Em nhắm mắt, bậm môi một lát rồi từ từ mở đôi mắt ráo hoảnh. Thạch nói:
    - Em lì ghê! Đau vậy mà không khóc.
    - Tại sao phải khóc vì một vết thương ở chân?
    Thạch cười.
    - Tôi hiểu rồi. Mùa hè ở đây quá khắc nghiệt. Trời không mưa nên người ta cũng khó mà khóc được.
    Thạch móc túi lấy ra hòn đá cuội có hình trái tim đưa cho Trân.
    - Tôi tặng em một hòn cuội rất đẹp.
    Trân nhìn hòn cuội màu hồng trong lòng bàn tay:
    - Sao anh Hai nói trái tim anh bằng thạch chè nên dễ vỡ vụn?
    - Trái tim của tôi có bằng đá thì nó cũng dễ vỡ vụn.
    - Trân nắm chặt hòn cuội trong tay.
    - Em sẽ giữ gìn không để nó vỡ vụn,
    Trân nhờ Thạch chở đi thăm một người bạn học chung lớp mười hai. Cô bạn gái người Chăm tên Thiềm Thị Lộc. Khi Trân phải nghỉ học để chữa bệnh tim thì Lộc cũng nghỉ học để… cưới chồng. Chồng của Lộc làm việc ở Ủy ban nhân dân xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình - nơi có nhiều người Chăm cư ngụ.
    Ngày còn đi học, Trân và Lộc ngồi chung bàn, Trân thích đôi mắt của người bạn Chăm. Đôi mắt đen tròn, hàng mi cong vút có vẻ đẹp huyền bí. Trân thường chỉ bảo bài vở cho Lộc. Bù lại, Lộc dạy cho em hát những bài dân ca Chăm có giai điệu rất lạ. Vào dịp lễ hội truyền thống của người Chăm, Lộc thường rủ Trân về tham dự và xem Lộc múa hát. Đáng tiếc, hôm đám cưới của Lộc, Trân không đến chúc mừng vì em đang nằm điều trị bệnh tim ở bệnh viện tỉnh.
    Thạch lái xe vào một con đường đất bạc trắng. Nhà của người Chăm xây dựng cũng không khác gì người Việt. Họ chỉ ít trồng cây lớn ở trước sân vì thường dùng sân để phơi nông sản, phơi vải nhuộm hay chăn nuôi dê. Thạch dừng xe trước ngôi nhà mà Trân chỉ, có mái ngói mới lợp đỏ au.
    Lộc đang ngồi dệt thổ cẩm ở trong nhà, nhìn thấy Trân vội chạy ra, tươi cười:
    - Lâu quá Trân mới đến thăm mình.
    Trân đưa cho Lộc một gói khô mực:
    - Tặng vợ chồng Lộc đó. Chồng Lộc có nhà không?
    - Anh ấy đi công tác chưa về. Mời hai bạn vào nhà chơi.
    Rồi nhìn Thạch, Lộc cười.
    - Mình xin lỗi. Mời anh và Trân vào nhà chơi!
    Thạch ngồi vào bộ bàn ghế đánh vẹc ni nâu bóng. Trân đi đến khung cửi, xem tấm thổ cẩm đang dệt có hoa văn đặc biệt của người Chăm.
    - Lộc dệt hàng bán có khá không?
    - Ở đây có hợp tác xã lấy hàng để xuất khẩu nên mình bán thổ cẩm cũng có giá.
    Lộc đi vào nhà trong lấy ra hai ly sữa to, để lên bàn.
    - Mời anh và Trân uống sữa dê. Nhà mình có nuôi năm con dê, một con dê đực và bốn con dê cái nên có dư sữa để bán.
    Trân nhìn ly sữa dê lắc đầu không dám uống. Lộc cười:
    - Uống đi. Sữa dê tốt lắm, giúp cho người ta khoẻ mạnh.
    Thạch uống cạn ly sữa dê rồi nói:
    - Nếu em sợ, tôi sẽ uống giúp em.
    Trân cười:
    - Anh Hai luôn luôn can đảm khi ăn uống. Nhưng em cũng đâu có sợ… sữa dê!
    Trân bưng ly sữa lên nhắm mắt uống cạn ly. Mùi sữa dê tanh nồng khiến em vội vàng lấy tay bịt chặt miệng để khỏi bị ói.
    Lộc đi đến khung cửi rút ra hai dây vải trắng có dệt hoa văn bằng chỉ đỏ, mỗi dải vải dài một gang tay, rộng một đốt gang tay.
    - Mình tặng Trân hai sợi dây này. Khi yêu ai, bạn cột một sợi vào cổ tay mình và một sợi vào cổ tay người mình yêu.
    Trân cầm hai sợi vải cột vào hai tay của em:
    - Con gái Chăm sướng thật, muốn yêu ai là cột tay người mình yêu. Con gái Việt không làm như vậy được.
    - Sao bạn lại cột hai sợi dây vào hai tay của bạn?
    - Tại mình nhiều “tự ái”!
    - Đừng làm vậy. Trân hãy cột một sợi dây vào tay anh này.
    - Anh ấy đã được một cô gái cột tay rồi.
    - Cô gái đó người… Chăm à?
    Trân bật cười:
    - Không. Cô gái đó người Sài Gòn.
     
  10. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 10


    Sáng sớm, Thạch phải theo xe tải đi giao nước mắm cho các đại lý ở Bảo Lộc. Đưa tiễn Hiệp và Quế Lan ra bến xe về Sài Gòn chỉ có Trân. Chuyến xe chạy lúc tám giờ chưa đủ khách để rời bến. Ba người vào quán nước để ngồi đợi. Hiệp uống nước tăng lực, Quế Lan uống cam vắt còn Trân uống đá chanh. Nắng buổi sáng đã gay gắt. Cả ba người cầm ly có nước đá, không muốn bỏ xuống bàn, để giữ chút cảm giác mát lạnh từ bàn tay lan truyền vào người. Hiệp nói:
    - Về Sài Gòn, anh sẽ tìm mọi cách giúp em chữa dứt điểm bệnh tim. Trong khi chờ đợi, em hãy vui vẻ sống. Hãy tin với nền y học hiện đại, bệnh của em không phải là bệnh nan y.
    Trân cười:
    - Thì em đang vui vẻ đây nè. Tiễn anh chị về Sài Gòn mà em đâu có khóc!
    Quế Lan nói:
    - Khi nào em vào Sài Gòn chữa bệnh, chị sẽ dẫn em đi chơi ở công viên nước. Em mặc sức bơi lội.
    Trân hỏi:
    - Bơi ở đó có khác bơi ở biển không chị?
    - Khác chứ. Rồi chị em mình sẽ bơi đua với nhau.
    Chắc chắn em bơi thua chị rồi vì em quen bơi ở biển nhờ nương theo con sóng. Còn ở hồ bơi đâu có sóng.
    - Có chứ. Nhưng sóng ở trong lòng người bơi nên cũng đễ bị “chết đuối” lắm.
    - Chị đã bị “chết đuối” lần nào chưa?
    Quế Lan bật cười chỉ Hiệp:
    - Có một lần, may nhờ anh Hiệp cứu, chứ không thì chị “chìm” luôn.
    Trân móc túi nylon lấy ra một vỏ ốc tai tượng màu nâu đỏ to bằng hai bàn tay. Em áp miệng ốc vào tai Quế Lan.
    - Chị nghe có tiếng sóng biển không?
    Quế Lan nhắm mắt lại, lắng nghe rồi gật đầu. Trân đưa vỏ ốc cho Quế Lan:
    - Em tặng chị. Khi nào nhớ nơi đây, chị chỉ cần đưa nó lên tai, nó sẽ kể cho chị nghe nhiều chuyện về nơi đây.
    - Cám ơn em!
    Quế Lan mở ba lô lấy cây viết màu xanh ngọc đưa cho Trân:
    - Chị tặng em cây viết để làm kỷ niệm và em nhớ viết thư cho chị.
    - Viết thư cho người khác bằng cây viết này được không chị?
    Quế Lan cười:
    - Đâu cần thiết vì người đó đang ở gần em mà.
    Tiếng còi xe đò kêu “tin tin”, mời khách lên xe. Hiệp đứng dậy trả tiền nước và nói với Trân:
    - Em hãy sống vui vẻ nha. Càng cười nhiều càng tốt! Cấm không được khóc!
    - Em cũng cấm anh chị không được làm cho nhau khóc!
    Năm giờ sáng ngày hôm sau.
    Chiếc xe tải của hãng nước mắm Hương Biển bắt đầu chạy từ Bảo Lộc trở về Phan Rí. Trên xe có đống rau quả anh tài xế mua về cho vợ đem ra chợ bán. Thạch mua ba ký bơ cho Trân và một hộp trà loại thượng hạng cho chú Sáu.
    Đến bãi biển Cà Ná, xe dừng lại trước một quán ăn. Buổi trưa nắng lóa mắt, tài xế muốn nghỉ ngơi một tiếng trước khi lái xe chạy tiếp về Phan Rí.
    Hai người bước vào quán ăn, gọi hai dĩa cơm sườn. Tài xế nói:
    - Anh Thạch uống một chai bia cho đã khát.
    Thạch lắc đầu:
    - Cám ơn. Uống bia buổi trưa, tôi buồn ngủ lắm.
    - Lên xe anh cứ ngủ, tôi lái xe mà!
    - Anh cũng đừng uống bia, lái xe nguy hiểm.
    Tài xế cười:
    - Nhằm nhò gì một chai bia, sức tôi uống cả két. Này ông chủ quán, cho hai chai Sài Gòn xanh.
    Không thể từ chối người bạn đồng hành, Thạch đành phải uống hết chai bia. Ăn uống xong, tài xế nằm ngả lưng ngủ ở ghế bố đặt dưới mái hiên sau quán, ngó ra biển. Thạch không ngủ được. Anh mượn một tờ báo, đem ra ghế bố ngồi đọc. Trang điện ảnh của báo có giới thiệu một bộ phim Hàn Quốc sắp chiếu ở Sài Gòn. Phim có nam diễn viên Park Shin Yang mà Thạch rất ưa thích, khi cùng Quế Lan đi xem phim Bức thư do Yang đóng vai chính. Yang không đẹp trai nhưng anh diễn xuất rất giỏi. Thạch mong sẽ có dịp dẫn Trân về Sài Gòn, đưa em đi xem một bộ phim nhựa tại rạp có màn ảnh rộng, âm thanh nổi. Chắc em sẽ thích thú hơn nhiều so với khi xem phim trên màn ảnh truyền hình.
    Hơn một giờ sau, Thạch đánh thức tài xế dậy để lái xe trở về hãng. Anh tài xế rửa mặt rồi cùng Thạch bước lên xe tải. Xe chạy, gió hiu hiu lùa vào khung cửa làm mắt Thạch ríu lại…
    ... Ngày khai giảng năm học mới, Thạch chở Trân đến trường bằng chiếc xe đạp xanh mới mua. Trên đường, học sinh mặc quần áo mới đi bộ từng nhóm trò chuyện vui vẻ. Những tà áo dài trắng của nữ sinh làm sáng lên một góc phố vốn âm u vì những dãy nhà cổ đã nhiều năm không được quét vôi lại. Thạch quay đầu về phía sau, nói:
    - Mấy bạn học sinh đang nhìn chúng ta cười kìa!
    - Chúng cười vì thấy anh Hai đã lớn mà còn đến trường trung học. Vậy, chắc anh Hai học dở ẹc!
    Gần đến trường, bất chợt một cơn mưa rào đổ xuống. Các học sinh chạy ùa vào núp dưới mái hiên những ngôi nhà hai bên đường. Thạch vẫn đạp xe đi, Trân cầm cặp với tay che đầu Thạch. Anh đưa một tay lên kéo chiếc cặp xuống che đầu Trân. Chiếc xe mất thăng bằng loạng choạng suýt ngã. Trước cổng trường có treo băng rôn đỏ, chữ trắng “Mừng năm học mới”. Trân xuống xe, nói:
    - Anh Hai về nghe! Nhớ mười hai giờ đến đón em.
    Trân bước vào cổng trường, Thạch đạp xe vào theo. Ông bảo vệ đẩy thật mạnh chiếc xe đạp ra ngoài cổng và đóng cửa sắt. Thạch và chiếc xe đạp ngã xuống mặt cát lấm tấm dấu vết những giọt mưa...
     
  11. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Chương 11


    Chị Yến đang ngồi tính sổ lương ở văn phòng. Chuông điện thoại reo, chị hờ hững cầm ống nghe rồi mặt tái xanh, miệng nói lắp bắp:
    - Dạ…xin…cảm… ơn!
    Chị vội chạy đến phòng ông giám đốc, quên cả gõ cửa, chị đẩy cửa bước vào. Ông Tư giật mình, ngẩng đầu lên:
    - Có chuyện gì gấp vậy?
    - Dạ thưa ông, cảnh sát báo cho biết chiếc xe tải của hãng ta bị một xe chở tôm đông lạnh đụng ở ngã ba Duồng. Họ đã đưa tài xế và cậu Thạch vào bệnh viện thị trấn.
    Ông Tư nhíu mày rồi mở một tập hồ sơ, ghi ra giấy một số điện thoại đưa cho chị Yến:
    - Chị gọi cậu Đông đến chỗ xảy ra tai nạn để coi xe. Đây là số điện thoại của gia đình cậu Thạch, chị báo cho họ biết tin. Bây giờ, tôi đi đến bệnh viện.
    Cùng lúc đó, một ngư phủ đi ngang qua nhà lều gọi lớn:
    - Ông Sáu ơi!
    Chú Sáu đang nằm nghỉ trên giường vội nhổm dậy, bước ra cửa, hỏi người đàn ông mặc áo bà ba đen:
    - Có chuyện gì vậy anh Bảy?
    - Tôi thấy người ta chở một người thân của ông vào bệnh viện cấp cứu
    Chú Sáu hốt hoảng:
    - Con Trân hả?
    - Tôi không biết tên. Người đó làm việc chung, ăn ở chung với ông tại nhà lều này nè.
    - Trời đất! Cậu Thạch. Cậu ấy bị sao vậy?
    - Đụng xe! Cả tài xế và cậu ấy đều được đưa vô bệnh viện. Thôi, tôi đi.
    Người đàn ông bước về phía bến cá. Chú Sáu khóa cửa nhà lều rồi bước vội đến bệnh viện thị trấn.
    Ông Tư chạy xe Dream vào sân bệnh viện. Ông bước thẳng vào văn phòng bác sĩ giám đốc bệnh viện. Hai người là bạn thân nên sau cái bắt tay, bác sĩ nói:
    - Có chuyện gì mà anh Tư phải đến đây? Sao anh không điện thoại cho tôi biết?
    - Ông Tư ngồi xuống chiếc ghế nệm màu đen.
    - Tôi có hai nhân viên bị đụng xe mới đưa vào đây cấp cứu. Nhờ anh Ba coi giùm hồ sơ nạn nhân.
    Bác sĩ lật hồ sơ ra xem rồi nói:
    - Cậu Lâm tài xế đã chết ngay tại chỗ khi hai xe đụng nhau. Tôi đã ký giấy cho thân nhân đem xác về nhà liệm. Còn cậu Thạch bị thương ở đầu và ngực, đang nằm ở phòng cấp cứu.
    - Anh Ba coi có thể cho xe cấp cứu chở cậu Thạch về bệnh viện Sài Gòn chữa trị? Mọi phí tổn tôi sẽ lo.
    Bác sĩ lắc đầu:
    - Tôi đã xem phim chụp đầu và ngực cậu ấy. Vết thương quá nặng, không thể cứu chữa được. Tôi tin bệnh viện lớn cũng không giúp gì được cho cậu ấy, trái lại di chuyển càng dễ làm cho cậu ấy mau chết. Tôi cho cậu ấy nằm lại đây để còn có thời gian gặp mặt thân nhân.
    Bác sĩ dẫn ông Tư đến phòng cấp cứu. Thạch nhắm mắt, nằm bất động trên giường. Vòng băng trắng ở đầu và ngực đều có vết máu đỏ. Một chai nước biển đang được truyền vào cánh tay phải của Thạch.
    Ông Tư nhìn Thạch, thở dài. Ông bắt tay bác sĩ:
    - Cám ơn anh Ba. Tôi đến nhà anh tài xế để chia buồn.
    Chú Sáu bước vào phòng cấp cứu. Cô y tá đã được lệnh của bác sĩ cho phép thân nhân gặp nạn nhân lần cuối nên cô lẳng lặng bước ra ngoài. Chú Sáu cầm tay Thạch. Nhìn khuôn mặt tái nhợt của anh, chú ứa nước mắt:
    - Cậu Thạch! Cậu Thạch!
    Thạch từ từ mở mắt. Những ngôi sao nhiều màu sắc đang bay lượn trước mắt anh.
    Chú Sáu lắc lắc bàn tay của Thạch:
    - Cậu tỉnh chưa?
    Thạch cố gắng gật đầu nhưng anh không làm được. Anh mấp máy đôi môi. Chú Sáu rót một ly nước, nghiêng vào miệng cho Thạch uống. Anh tỉnh dần và nhận ra khuôn mặt đầy nếp nhăn của chú Sáu. Anh khẽ nói:
    - Hôm nay ngày mấy rồi chú?
    Chú Sáu ghé sát tai Thạch, trả lời:
    - Ngày bốn tháng bảy.
    Thạch nở nụ cười méo xệch.
    - Cháu đã sống ở đây được ba tháng một ngày. Cháu đã vượt qua anh thư ký trước kia. Vậy cháu đã thắng, phải không chú?
    Chú Sáu cố nén tiếng nấc, gật gật đầu:
    - Cậu đã thắng!
    Có tiếng động bên ngoài cửa kính, chú Sáu ngó ra. Hải đang giữ chặt vai Trân đứng ở bên ngoài, không cho em bước vào phòng cấp cứu và em đang cố vùng vẫy thoát ra. Chú Sáu vội bước ra ngoài, nói với Trân:
    - Bình tĩnh đi con!
    Trân cúi đầu, cắn mạnh vào tay Hải đang giữ chặt vai em. Hải buông tay ra xuýt xoa. Hải định bạt tai Trân thì chú Sáu ôm em che chở. Trân nói:
    - Ba không cho con vào phòng, con sẽ đập đầu vô cửa kiếng này.
    Chú Sáu vuốt tóc Trân:
    - Bình tĩnh đi con. Ba sẽ để con vào phòng. Nhưng coi chừng xúc động quá con sẽ xỉu.
    Trân hét lên:
    - Con hết đau tim rồi! Con không thể nào đau tim được nữa, ba biết không?
    - Ba biết. Ba sẽ đưa con vào phòng.
    Chú Sáu mở cửa cho Trân đi vào rồi chú đóng cửa lại và đứng ở bên ngoài. Chú nói với Hải:
    - Con đừng làm nó căng thẳng, nó sẽ xỉu!
    Hải nhăn mặt:
    - Ba chiều nó quá, nó sẽ hư.
    Chú Sáu lắc đầu, thở dài.
    Trân bước đến bên giường Thạch nằm. Em hít một hơi dài để trấn tĩnh rồi khẽ lay vai Thạch:
    - Anh Hai nhận ra em không?
    Thạch mở mắt nhìn Trân, thấy khuôn mặt em lờ mờ phía trước đang từ từ rõ dần:
    - Trân hả?
    Trân reo lên:
    - Đúng em rồi! Vậy anh Hai còn nhớ hôm ở bãi biển anh Hai nói: Mọi điều ở đời đều không có thật?
    - Đúng rồi.
    - Bệnh đau tim của em cũng không có thật?
    - Đúng rồi.
    - Cái chết cũng không có thật?
    - Đúng rồi.
    - Tình yêu cũng không có thật?
    Thạch cố nhìn vào đôi mắt Trân. Đôi mắt mở lớn như tin tưởng, như chờ đợi một điều gì mầu nhiệm sẽ xảy ra. Và Thạch nói:
    - Không. Tình yêu có thật!
    Trân nở nụ cười rạng rỡ:
    - Vậy anh Hai thua em rồi. Hôm đó em đã nói: Phải có một điều gì có thật trên đời này. Em cũng tin tình yêu có thật.
    Trân tháo một dải vải trắng có hoa văn đỏ của người Chăm ra khỏi cổ tay em rồi cột dải vải vào cổ tay Thạch. Anh xiết chặt bàn tay Trân, mỉm cười và từ từ nhắm mắt lại.
    Trân hét lên:
    - Anh Thạch!
    Rồi em gục đầu vào vai Thạch, bật khóc. Chú Sáu và Hải vội chạy vào với những đôi mắt đỏ hoe…
     
    Nga Hoang and phieumien like this.
  12. Nga Hoang

    Nga Hoang Lớp 11

    Chương kết


    Bầu trời đang xanh ngắt, bỗng mây đen kéo đến che khuất mặt trời. Sấm chớp nổ ù tai rồi cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống. Hơi đất oi nồng từ ngoài sân bệnh viện ùa vào phòng các bệnh nhân đang nằm khiến nhiều người phải đóng cửa sổ. Mưa mỗi lúc một lớn, phủ trắng xóa cây phượng đã có trái xanh non trong sân bệnh viện. Nước mưa thoát xuống cống rãnh không kịp nên đọng thành vũng trên con đường trải đá trong sân. Trời mát mẻ dần, nhiều người đã mở cửa sổ để hóng những ngọn gió lấm tấm bụi mưa.

    Nếu Thạch còn sống thêm một giờ nữa, anh sẽ được nhìn thấy cơn mưa đầu mùa hè. Anh sẽ không còn có ý nghĩ sai lầm: "Mùa hè ở đây thật khắc nghiệt. Trời không mưa nên người ta cũng khó mà khóc được!".


    Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5-2002

    Đ.T.B​

    TB. Đà Nẵng mưa nhiều nên người ta khóc nhiều hơn.
     
  13. Nga Hoang

    Nga Hoang Lớp 11

    Nhưng lại khó biết là nước mắt hay nước mưa.
     
    Trúc Quỳnh Đặng thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này