Phật Giáo Ngọn đèn không tim tỏa sáng - Đại Sư Huệ Nhựt - TK Thích Minh Chuẩn

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi hhongxuan, 3/10/13.

Moderators: mopie
  1. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    Ngọn đèn không tim tỏa sáng-Đại Sư Huệ Nhựt_TK Thích Minh Chuẩn

    Từ lâu giáo nghĩa Đại thừa đã cuốn hút ngài mãnh liệt, soi sáng những vấn nạn mà ngài cưu mang, giải thoát nỗi đau khổ mà ngài đã chịu, đem đến cho ngài sự an bình nội tại. Hình ảnh con người bơ vơ đơn độc giữa cuộc đời tìm cầu hạnh phúc một cách tuyệt vọng càng nung nấu ý chí của ngài, ngài đăng sơn nhập thất, nhiếp tâm thanh tịnh một lòng cầu giác ngộ, noi gương đức Bổn Sư Thích Ca, phát đại thệ nguyện không ngộ không rời Phật thất. Sau nhiều ngày thiền định ngài ngộ nhập được diệu nghĩa của Như Lai, đại từ bi tâm hưng khởi, rời Phật thất du hóa trong màu áo cổ truyền của Đức Phật thể hiện hạnh đầu đà giới luật sắt đá nhưng tất cả vì chúng sanh, từ ba la mật, bi ba la mật, bố thí ba la mật, trì giới ba la mật… Lục độ ba la mật là phương châm hành đạo của ngài, ngoài hiện tướng Thanh Văn, nhưng trong hành Bồ Tát hạnh. “Ngọn đèn không tim tỏa sáng - Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn” không phải là một tuyên ngôn hùng hồn diệu nghĩa mà Đại Sư Huệ Nhựt đã ngộ nhập như là một thứ giáo thuyết nào khác ngoài Chánh pháp của Như Lai, nó là biểu hiện của hành động giác ngộ. Ngài nói: "Ta là cái gì? Cái gì ta thấy biết mà chẳng phải ta thấy biết, tức là ta, nếu ta thấy biết thì chẳng phải là ta. Nếu ta biết được ta, thì biết được lòng Phật, biết được lòng Phật thì ta đồng như Phật không khác. Ai biết được vậy tuy còn xác phàm mà đã vào địa vị Phật rồi vậy".
    Một chỗ khác ngài tuyên bố:
    “Từ đây về sau, người nào giữ trọn 5 giới cấm và chí tâm niệm Phật A Di Đà cùng là Quán Âm Bồ Tát ngày đêm, không ham danh lợi, không oán giận người, Bần Tăng thề độ ai đó khỏi tam đồ thoát về cõi Phật. Nếu ta nói gạt người đời khổ cực hoặc đọa lạc đường tà thì ta nguyện đầu thai thế tội khổ cho đó và mỗi lần ta đầu thai đều bị ác thú ăn hại thân ta"

    "Niệm Phật tức là niệm tâm, mà niệm tâm tức là Tịnh Độ; Tịnh Độ tức là Tịnh Tâm. Tịnh Tâm nghĩa là: Lòng sạch. Lòng sạch tức là lòng không nhơ bẩn; mà lòng không nhơ bẩn là lòng không thương không ghét, mà lòng không thương không ghét thì lòng không sanh không diệt, mà lòng không sanh không diệt tức là lòng trong sạch sáng suốt, trong ngoài như một, mà lòng sáng suốt trong ngoài như một thì đồng với hư không, trùm cả muôn loại vạn vật, sanh sanh hoá hoá đồng như Phật, thật là một công đức chẳng khá nghĩ được, bàn được".

    “Như một định tính đã được sắp xếp trong trào lưu chấn hưng Phật Giáo những năm đầu của thập niên 40, vận mệnh Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là tình hình Phật Giáo miền Nam đã có những bước chuyển động một cách nhanh chóng. Từ đây sứ mạng của Phật Giáo đồ đã được định vị với những khoảng thời gian phát triển một cách huy hoàng. Đi cùng tiến trình vận động đó do chịu ảnh hưởng sâu rộng tư tưởng canh tân từ ngọn núi thiêng của vùng đất cuối cùng của miền Đông Nam Bộ, nơi phát tích hầu như các bậc thạc đức là những thạch trụ Phật Pháp. Núi Bà Tây Ninh, ngọn núi linh dị đã cung đón bước chân hành đạo của Phật Giáo khu vực phía Nam - Đông Nam Bộ và gần hai thế kỷ sau nối truyền ý chí Tổ Sư, Đại Sư Huệ Nhựt đã lại chống cây tích trượng hạ sơn, khai mở Dòng Phái Khất Sĩ Đại Thừa.
    Khất Sĩ Bắc Tông một cách gọi thông thường của đông đảo Phật Tử khi lần đầu tiên tiếp cận với Tông Phái mới do Đại Sư sáng lập. Nhưng không vì thế chúng ta lại hiểu đây là xu hướng tự phát, loại bỏ giá trị truyền thừa như ở một vài Hệ Phái khác tại miền Nam lúc bây giờ. Thật ra sử dụng danh xưng Khất Sĩ, tôn ý Đại Sư muốn phổ hoá Phật Pháp đến cho khắp tất cả người dân đang trong tình trạng sống dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân phong kiến. Bên cạnh đó, tôn ý Đại Sư muốn làm sống lại hình ảnh Tăng Đoàn nhằm chấn chỉnh đời sống tu học của Tăng Nhân vốn đang đứng trong tiến trình suy thoái. Vì thế việc truyền thừa Phật Giáo từ Thầy đến Trò vô cùng quan trọng nhằm giúp người tu Phật dễ dàng thâm nhập vào quá trình giải thoát. Ở đây vấn đề truyền thừa được Đại Sư đưa ra hai phương diện : Hướng về cội nguồn Chư Tổ và mở rộng giá trị truyền bá thông qua quá trình lịch sử. Hướng về cội nguồn Chư Tổ thì Thầy Trò phải đồng nhất, còn triển khai truyền bá giáo lý thì tính cách biệt được thừa nhận. Ngài cổ suý tinh thần chánh truyền, Thích Ca Chánh Tông tựu trung vào mục đích kế thừa tư tưởng của Chư Tổ Sư nhưng đứng về mặt truyền bá thì vận dụng Y Bát Khất Thực và đời sống Tăng Đoàn cụ thể”
    (Đại Sư Huệ Nhựt và Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn – HT Viện Chủ TĐLQTX Q.4).

    “Ngày nay theo đà phát triển của Khoa học kỹ thuật hiện đại, của ngành Công nghệ thông tin trên thế giới nói chung và ở Việt Nam ta nói riêng, sự xuất hiện của mạng lưới Internet đã đưa con người chúng ta hoà nhập vào dòng phát triển của thế giới qua các phương diện: Kinh Tế - Thương Mại - Văn Hoá - Giáo Dục …… Điều này cho thấy khả năng siêu việt tiềm tàng ở mỗi con người chúng ta. Tín hiệu hay tần số của không gian và mạng vi tính nhập xuất hiển thị các dữ kiện theo ý muốn của người sử dụng, cũng giống như luồng TỪ TRƯỜNG NHÂN ĐIỆN LỰC của con người và vũ trụ luôn tương duyên và tương sinh để phát khởi tạo tác hoạt động hằng ngày. Tóm lại cùng hệ, cùng tần số tất cùng phát sinh giống nhau.
    Không gian vô hình là Tha lực, con người là Tự lực, khi Niệm Phật, đọc Kinh cầu nguyện là phát tín hiệu, rà tìm tần số để xuất hiện hình ảnh và âm thanh theo ý muốn, tạo cho Hệ tư tưởng của mình chỉ ghi nhớ duy nhất một việc là NIỆM PHẬT, đọc kinh chú nguyện và phát tâm hướng thiện mà thôi.
    Dụ như hai người cùng đâu lưng vào nhau, cùng bước đi tới thì không bao giờ gặp nhau. Nhưng dù một người ở tận phương Đông và một người ở tận phưong Tây, đồng nhớ nhau đồng bước tới, tất quyết định sẽ gặp nhau”.
    Tỳ Kheo Thích Minh Chuẩn

    Trân trọng giới thiệu “Ngọn đèn không tim tỏa sáng – Pháp môn đáo bỉ ngạn” của Đại Sư Huệ Nhựt.

    Nguồn TVE :tambao
     

    Các file đính kèm:

Moderators: mopie

Chia sẻ trang này