Nguyễn Hiến Lê với y giới và y học (Dương Hoài Ninh)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 3/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Nguyễn Hiến Lê với y giới và y học

    Tác giả: Dương Hoài Ninh
    Tựa do Goldfish tạm đặt
    Trích trong loạt bài viết “Một học giả với y giới và y học”


    Ông Nguyễn Hiến Lê là một học giả nối tiếng viết nhiều và xuất bản các tác phẩm của mình không chút mệt mỏi! Ông "viết để học và học để viết" theo quyển Hồi Ký ông biên soạn. Chủ trương đó về sau tiên sinh trình bày trong một quyển sách nhan đề "Tự học, một nhu cầu của thời đại". Chính ông là một tấm gương tự học chữ Hán để nghiên cứu Hán học và tiếng Anh để dịch sách. Bất cứ vấn đề gì học giả cũng đọc, cũng tìm tòi nghiên cứu rồi viết thành sách nhằm truyền kiến thức đó cho người đọc. Mục đích sự chia sẻ kiến thức của ông là giáo dục, luôn luôn giáo dục, vì thế chúng ta không lạ gì khi thấy ông đề cập đủ mọi thứ, từ môn khó nhai như triết học đến vấn đề tầm thường như thi đậu. Có thời ông tìm hiểu và học hỏi y học đông phương ngay từ lúc mới bước chân vào đời, mặc dù lúc đó tiên sinh vừa tốt nghiệp cán sự Công Chánh. Mãi về sau, ông lại có duyên với y giới, những người cùng thời với ông hoăc chỉ là sinh viên y khoa đã ngưỡng mộ ông như một một thần tượng. Nói chung, mối giao tình giữa ông và các thầy thuốc thật tốt đẹp, không thay đổi ngay sau 1975…Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin ghi lại một vài nét chung quanh mối liên hệ của tiên sinh đối với y giới và y học xuyên suốt cuộc đời trước tác phong phú của ông

    Như một kẻ sĩ "chính danh" tin vào mệnh trời, ông cho rằng sở dĩ ông thành công nơi việc viết sách là nhờ vào thời,vào sự may mắn đã đẩy đưa ông đến.
    Thật ra, đó chỉ là lời nói khiêm nhường do tư cách cao qúy và giản dị của ông, một người chịu ảnh hưởng của triết học Trung Hoa rất mạnh. Nếu đúng chăng nữa có lẽ ta nên hiểu ngược lại là trong y học, ông đã không được may mắn trở thành một thầy thuốc! Ấy là khoảng năm 1945-1947, thời kỳ lịch sử nhiễu nhương, tiên sinh phải về tá túc ở Tân Thạnh để tránh bom đạn. Song chẳng biết làm gì cho qua ngày, ông chúi đầu vào học Đông Y qua bộ "Y Học toát yếu" gồm 6 quyển của Lưu Thanh Tuyền và bộ sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Tiên sinh học trong vòng một năm rưỡi với một ông bác làm nghề Đông y sĩ. Phương pháp học tập của ông là đọc các sách trên rồi chổ nào không hiểu, tiên sinh được ông bác giải thích, cắt nghĩa. Đồng thời, ông học thực hành xem bệnh, bắt mạch một số bệnh nhân là những thân chủ của ông bác. Tuy nhiên, ông thú nhận rằng mình chưa đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm chẩn trị bệnh và chỉ có thể chữa vài chứng bệnh thông thường. Sự thành thật này làm chúng ta quý mến dù ông vừa học lý thuyết vừa thực hành và có thầy tận tình chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Dĩ nhiên, phải một người có tư cách như ông mới thấy học như vậy là chưa đầy đủ để cứu người giúp đời. Do học thuật Tây y và Đông y khác nhau mà học giả NHL.chỉ học về Đông y nên nhận định của ông có sai lầm cũng là bắt nguồn từ Đông y mà ra. Ông cho rằng Tây y trị bệnh "Ho" không bằng Đông y. Theo lý thuyết Đông y, "Ho" do nhiệt sinh ra trong khi Tây y cho nhiệt là hâu qủa chứ không phải nguyên nhân. Ngay tên bệnh và triệu chứng, Tây y phân biệt rõ ràng và khoa học hơn Đông y. "Ho" là bệnh đối với Đông y còn Tây y cho là triệu chứng. Do mơ hồ giữa nguyên nhân và hậu qủa, Đông y khẳng định nhiệt sinh ra ho nên dùng thuốc mát phổi thì khỏi bệnh ! Thật ra, ho do nhiều nguyên nhân. Nếu tìm ra được nguyên nhân chủ yếu thì vấn đề trị bệnh trở nên dễ dàng. Một nguyên nhân bao trùm mà Đông y thường đề cập là tà khí. Danh từ này có một nghĩa rất rộng, thậm chí bao trùm cả vi trùng, siêu vi trong Tây y. Chính vì qúa rộng nên rất mơ hồ khó lòng biết nguyên nhân nào chủ yếu và cũng chính vì vậy mà cách chữa bệnh của Đông y phải phối hợp nhiều loại thuốc cùng một lần kiểu "hợp đồng tác chiến". Nhiều loại thuốc đó được gọi là quân, thần, tá sứ tùy bệnh mà gia tăng thuốc này và giảm bớt thuốc kia. Đông y quan niệm thuốc chữa bệnh cũng như các thành phần của một triều đình có quân (vua) thần (quan lớn) tá (quan nhỏ) sứ (quan liên lạc) v.v... Nói cho dễ hiểu, thuốc "quân thần" là thuốc chính đánh vào trung tâm của bệnh còn thuốc "tá sứ" chỉ làm nhiệm vụ "chạy cờ" phụ thuộc ở vòng ngoài.

    Ngoài một chút sai lầm không đáng kể nói trên về Tây y, nói chung những nhận định của học giả đều đạt mức độ khả tín cao vì dựa vào thực tế và kinh nghiệm sống của ông. Điều mà ông biết rõ là một số dược liệu trị bệnh được đưa vào sử dụng trong Y học đông phương sớm hơn Tây y.(Y học đông phương không phải chỉ ở Trung Hoa,V.N.).Chẳng hạn tử hà sa (nhau), cam thảo, đồng tiện (nước tiểu trẻ em) v.v...Tuy nhiên, tử hà sa chỉ là thuốc bồi dưỡng, tăng lực và cam thảo không thể chữa lành bệnh loét bao tử (ulcer) mà chỉ giảm đau. Còn đồng tiện ngày xưa dân quê nước ta thường dùng trị đau mắt và cho đàn bà sau khi sinh đẻ uống! Nếu có tác dụng chăng nữa là do tính sát trùng của muối mà nay chẳng ai dùng thứ thuốc mất vệ sinh như thế nữa. Do tình trạng thiếu trầm trọng thuốc Tây sau 1975, học giả cũng phải đồng ý nên tìm hiểu thêm về Đông Y và thuốc Nam. Tuy thế, ông khẳng định Đông y không thể tiến bộ bằng Tây y về mọi phương diện điều trị, dược liệu cũng như phương pháp nghiên cứu. Sở dĩ học giả quan tâm đến y học cũng dễ hiểu là vì bản thân ông mang nhiều bệnh kinh niên như tôi sẽ nói sau.

    Mối giao tình của tiên sinh đối với y giới chắc hẳn thú vị lắm đến nỗi ông cho là mình có duyên "văn nghệ" với thầy thuốc! Thuở sinh thời, ông có người bạn thân là bác sĩ Trần Văn Bảng. Tình bạn này xuất phát từ tác phẩm ông dịch nhan đề "Sống đẹp" từ quyển "The importance of living" của Lâm Ngữ Đường. Học giả được bác sĩ Bảng khen ngợi hết lời rồi thân tình giữa 2 người phát triển bền chặt đến cuối đời của ông. Tình bạn với thầy thuốc Trần Ngọc Ninh có lẽ bắt nguồn từ việc bs.Ninh cho ra đời tác phẩm "Cơ cấu Việt ngữ". Ngôn ngữ vốn là lãnh vực mà ông từng quan tâm để cùng Trương Văn Chình viết chung cuốn "Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam". Dù sau năm 75, bác sĩ Ninh vượt biên, tiên sinh cũng không ngần ngại bày tỏ lòng mến phục vị giáo sư giải phẩu trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Riêng đối với thầy thuốc Nguyễn Hữu Phiếm, ông còn chịu ơn bác sĩ là người đầu tiên chữa bệnh về da cho ông. Học giả lại giới thiệu và viết lời tựa cho 2 quyển sách "Giữ gìn sức khỏe" và "Nghê làm cha mẹ" của bác sĩ Phiếm. Hai tác phẩm này có tính cách giáo dục, một địa hạt mà tiên sinh hằng quan tâm và chủ trương trong sự nghiệp trước tác của ông. Người được ông ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là bác sĩ Đ.H.N.Chính nhờ những quyển sách "Học làm người" của tiên sinh mà học sinh ĐHN. từ một đứa bé nhà quê nghèo khổ trở thành một người có địa vị trong xã hội. Sự biết ơn sâu xa đã khiến thầy thuốc trẻ N.viết cả một bài ca tụng học giả trong tạp chí Bách Khoa với đầu đề "Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi" (1). Điều đó đủ nói lên ảnh hưởng của tiên sinh không phải nhỏ. Ngay kẻ viết bài này cũng đã từng đọc say mê "Gương kiên nhẫn", Luyện lý trí v.v." của ông xuất bản vào thập niên 60.

    Là một người từng làm thầy giáo, học giả thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của tuổi trẻ. Lớp sinh viên những năm 60 không ai không nhớ ông đã tích cực hỗ trợ việc đòi giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học cho tất cả mọi phân khoa chuyên môn như Y, dược, nha v.v… đến nỗi ĐHN. cho rằng sự ủng hộ hăng say của học giả qúa mức độ điềm đạm, bình tĩnh thường ngày (2). Những bài báo nẩy lửa được trình bày trong tap chí Bách Khoa và Mai bằng một giọng văn hùng hồn, quyết liệt (3). Thành công chuyển ngữ ấy có lẽ cũng nhờ tiên sinh nhiệt liệt hưởng ứng.

    Không những học giả N.H.Lê có cảm tình với y giới trong nước mà còn quan tâm đến những hoạt động y tế của các chuyên viên nước ngoài. Tiên sinh đã dịch tác phẩm "33 câu chuyện với các bà mẹ" của bác sĩ Nhi khoa B.Spock nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ. Còn đối với nữ y tá F.Nightingale giàu lòng từ thiện bậc nhất nước Anh được ông ca tụng trong hai số báo Bách Khoa (4). Bác sĩ A.Fleming, vị đại ân nhân của nhân loại cũng được ngòi bút của tiên sinh trân trọng dành cho những lời thán phục vì vị bác sĩ này có công tìm ra thuốc trụ sinh có thể giết chết những vi trùng, vi khuẩn gây bệnh nơi người.(5)

    Mục đích ưu tiên mà học giả thường không quên là giáo dục. Giáo dục bà mẹ qua những lời khuyên hữu ích của bác sĩ Nhi khoa nói trên. Giáo dục tình thương bằng cách đề cao lòng bác ái vị tha quên mình. Giáo dục lao động bằng cách ca tụng sự tận tâm tranh đấu không ngừng chống lại mọi bệnh tật. Chẳng ai ngờ một người nghiêm trang đạo mạo như thế cũng chẳng quên việc giáo dục sinh lý cho giới trẻ. Vấn đề này được ông trình bày trong tạp chí Mai (6).

    Từ thiện cảm với giới săn sóc sức khoẻ con người, học giả còn thích tìm đọc để dịch những tác phẩm văn học của họ nữa.Một trong những nhà văn tài danh được ông ưa thích là S.Maugham với "Of human bondage" (Kiếp người). Tiểu thuyết gia này vốn là một bác sĩ từ bỏ nghề cầm ống nghe mà chuyển qua cầm bút. Lý do khiến ông dịch tiểu thuyết ấy là vì "không có một tác phẩm nào diễn tả được nhiều đau khổ của kiếp người như thế...". Nào là đau khổ về tinh thần lẫn vật chất, nào là sự đau khổ trộn lẫn với nhục nhã, nào là khủng hoảng niềm tin cùng những chán chường và tuyệt vọng. Nhân vật chính là một sinh viên y khoa bất hạnh, về sau thành thầy thuốc, mãi mãi đi kiếm tìm một hạnh phúc mà không thể nào đạt được như mong ước. Hình ảnh ấy có khác gì kiếp nhân sinh! Cuốn tiểu thuyết gây cho ông niềm xúc động sâu xa đến nỗi ông thường đọc đi đọc lại, lúc nào cũng để lại dư âm nỗi niềm vui buồn miên man lẫn bồi hồi day dứt trong lòng. Nhân vật phụ lại là một ông bác sĩ nhưng già. Điều trùng hợp kỳ lạ là khoảng mấy chục năm sau khi cuốn truyện ra đời, S.Maugham cũng phải sống cô độc một mình, phải sống xa cách gia đình con gái, người con duy nhất của nhà văn. Tác phẩm ấy đã vận vào số phận ông ở nhân vật phụ và nhân vật chính có lẽ là hình ảnh của tiểu thuyết gia S.Maugham thời trẻ!

    DHN
    (Viết năm 1991 và sửa lại năm 2006).
    ------------
    (1) Bách Khoa (B.K.) số 426 ngày 20/4/75.
    (2) B.K. đã dẫn.
    (3) B.K số 73,74-1960 và báo Mai số 7-1960
    (4) B.K.số 95,96-1960
    (5) B.K.số 193/194-1960.
    (6) Mai số 8-1960
    -----------
    Ghi chú của Goldfish:
    Trong tài liệu nguồn, tác phẩm thứ hai của bs Phiếm được ghi là "Nghê làm cha mẹ" (nguyên văn), không biết là "nghề" hay "nghệ thuật" làm cha mẹ nên không dám sửa. Còn Đ.H.N. thì chắc chắn là Đỗ Hồng Ngọc rồi, tôi vẫn giữ nguyên văn.
     
    nth thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này