Hồi ký - Tiểu sử NC-17 Những chiến dịch đặc biệt - Pavel Xudoplatov.

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 19/10/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Chương VI

    TÌNH BÁO TRONG NHỮNG NĂM CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI

    *

    1. Khả năng điệp viên - tác chiến của tình báo Xô viết trước sự tấn công của Hitler

    Tình báo Xô viết đóng góp thiết thực vào chiến thắng, nhưng nó cũng chia sẻ với lãnh đạo chính trị - quân sự đất nước cả trách nhiệm vì những tính toán sai lầm đã có trong những năm chiến tranh. Tôi quay lại các sự kiện ngay trước chiến tranh.

    Vào giai đoạn này các cơ quan đặc biệt Xô viết có những khả năng tác chiến như thế nào? Vẫn có quan niệm rằng các nhóm điệp viên của mạng lưới Tổng cục tình báo Bộ tổng tham mưu (lúc ấy được gọi là Tổng cục tình báo - GRU) và Tổng cục tình báo đối ngoại (INO) thuộc NKVD có hệ thống điệp viên tin cậy đủ sức tiếp cận đến cấp cao nhất của bộ chỉ huy quân sự Đức quốc xã và giới lãnh đạo chính trị Đức, và việc giới lãnh đạo Xô viết coi thường các tài liệu đến từ các nguồn tin cậy đó về kế hoạch gây chiến của Hitler chống Liên Xô. Sự thể ra sao?

    GRƯ và INO - NKVD có các nguồn thông tin quan trọng tiếp xúc với các giới lãnh đạo quân sự và chính trị, nhưng không tiếp cận được các tài liệu. Thêm nữa thông tin nhận từ các giới thân cận của Hitler, đã thể hiện sự chao đảo trong lãnh đạo Đức về vấn đề phê chuẩn quyết định tối hậu việc tấn công Liên Xô.

    Vào đầu và giữa những năm 30 Berzin, Uritsky, Artuzov, Borovich (theo tuyến Tổng cục tình báo Hồng quân), Xlutsky, Spigelglaz, Xerebrianxky, Kaminxky, Parparov, Eitingon (theo tuyến OGPU- NKVD) đã thiết lập được ở Tây Âu và Viễn Đông (Trung Quốc - Nhật Bản) một bộ máy điệp viên - phá hoại hùng hậu bao thâu hơn 300 nguồn thông tin. Những điệp viên ngầm đóng vai trò đặc biệt trong sự thiết lập bộ máy này: Arnold Deits (Lang), người Phổ, lôi kéo được bộ năm nổi tiếng của Kim Filby và những người khác ở Anh cùng hợp tác; Theodor Maly, người Hungari, cựu giám mục đạo Cơ đốc, làm việc ở Anh và Pháp; Boguxlavxky, người Ba Lan, cựu nhân viên tình báo Bộ tổng tham mưu Ba Lan; Sandor Rado, Leopold, Richard Sorge, Ernst Bolleveber. Năm 1942 phục hồi liên lạc với một điệp viên đáng giá dưới biệt danh Người bạn được lôi kéo về hợp tác từ mười năm trước, là phó của chỉ huy của SA - lực lượng xung kích Roehm. Ông ta được xem là một nhân vật có uy tín trong giới cận thần của Hitler đang khát khao hướng đến quyền lực. Sau việc thanh toán Roehm Người bạn bị chính quyền Đức giam giữ. Được tha năm 1936, ông ta làm cố vấn chính trị cho cố vấn quân sự chủ chốt của nước Đức phát xít cạnh bộ tham mưu Tưởng Giới Thạch, ở đây ông ta thường xuyên gặp gỡ với Sorge, không đồng tình với một số tài liệu Sorge chuyển cho. Phó cục trưởng tình báo đối ngoại phụ trách Viễn Đông Melnikov và V. Zarubin làm việc trực tiếp với Người bạn.

    Số phận những người này là khác nhau. Deits mất năm 1942 trên tàu chở hàng Xô viết đi từ Anh về bị trúng ngư lôi tàu ngầm Đức. Maly và Boguxlavxky bị bắn theo lệnh Ejov vào những năm thanh trừng. Rado và Trepper, làm bọn Đức nát thần kinh vì “Dàn đồng ca Đỏ”, nằm trong trại giam của NKVD- MGB. Sorge bị Nhật treo cổ. Voileveber lãnh đạo cơ quan tình báo sau đó là MGB Đông Đức, nhưng trở thành nạn nhân mưu mô của Ulbrikht.

    Những vụ thanh trừng hàng loạt những năm 1937 - 1938 giáng một đòn nghiêm trọng nhất cho các cơ quan tình báo chúng ta, thế nhưng hoạt động tình báo vẫn tiếp tục. Dù là chúng tôi tạm thời mất đi liên lạc với một loạt những điệp viên sáng giá, thì mạng lưới điệp viên ở Scandinavia, Đức và các nước Tây Âu đã gặp may. Các nguồn tin ở Đức (các nhóm của Sults- Boizen - bộ tham mưu không quân, Harnak - bộ kinh tế, Kukhoff và Stebe - Bộ ngoại giao, Leman - Gestapo) được lôi kéo bởi vợ chồng Zarubin, tổ trưởng tình báo Belkin, điệp viên Parparov, điệp viên Girsfeld tránh khỏi sự thanh trừng. Mối liên lạc với họ được giữ thường xuyên. Ngoài những nguồn này, năm 1940 thêm vào với họ còn có nghệ sĩ danh tiếng Olga Tsekhova và công tước Ianus Radzivill có đường tiếp cận trực tiếp với Goering. Nhóm trưởng điệp viên NKVD Gudimovich cùng vợ Mordzinxka ở Varsava đã tạo được một nhóm mạnh thực hiện theo dõi việc chuyển quân và kỹ thuật Đức sang Ba Lan trong những năm 1940 - 1941. Chúng ta có các vị trí điệp viên nghiêm túc cả ở Italia. Nhóm trưởng Ragatnev, “Tit” đã lôi kéo được cháu của bá tước Tiano - bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Mussolini.

    Trong số các huyền thoại bền vững về công việc của tình báo Xô viết vào những năm chiến tranh, đặc biệt sau loạt phim gây ầm ĩ Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, đã lan truyền giả thuyết về sự cộng tác của Bormann viên phó bí thư đảng của Hitler với tình báo Xô viết. Không phải một lần đã bị phủ nhận những tin đồn việc Borman được bí mật đưa về Moskva và chôn cất tại một trong những nghĩa trang Moskva.

    Như đã rõ, không có lửa làm sao có khói. Dù Bormann chưa bao giờ cộng tác với chúng ta, y, cũng như sếp Gestapo Muller, luôn luôn nằm trong tầm chú ý của ta.

    Khi Bormann còn là một thành viên đảng quốc xã chưa ai biết tới và năm 1930 sống tại một nhà nghỉ khiêm nhường gần Vienne, Boris Afanaxiev, điệp viên ngầm của tình báo chúng ta đã giữ “sự làm quen có lợi” với y.

    Trong các tin tức của Afanaxiev gửi Trung tâm đã cho những nhận xét chi tiết và đánh giá nhân cách của Bormann, đưa ra các đề nghị tuyển mộ y một cách tích cực. Nhưng tiếc rằng Afanaxiev bị lộ trong hàng loạt các chiến dịch của ta vào nửa sau những năm 30, và những ý đồ của ông ngay trước chiến tranh phục hồi lại các quan hệ có lợi và các liên lạc cũ ở Đức và Thuỵ Sĩ đã không thu được thành công.

    Dù sao thì những tin đồn về việc Bormann đến Liên Xô vào tháng 5 - 1945 cũng là tin bịa đặt.

    Sau chiến tranh nữ nghệ sĩ nổi tiếng Olga Tsekhova chỉ sống một thời gian tương đối ngắn ở Moskva tại một căn hộ bí mật. Từ Beria bà được chuyển cho Abakumov mà năm 1946 trở thành bộ trưởng An ninh quốc gia để liên lạc trực tiếp. Với Abakumov bà giữ mối liên hệ thư tín riêng khi ở Đức, cho đến tận vụ bắt giữ ông ta tháng 7 năm 1951.

    Từ năm 1937 tình báo ta dưới sự lãnh đạo của phó cục trưởng INO NKVD Spigelglaz đã thu được những tin tức quan trọng về các trò chơi chiến lược do bộ chỉ huy Đức tiến hành. Những tài liệu này đã đóng một vai trò khá lớn trong sự phát triển các sự kiện và sự thay đổi hoạt động của lãnh đạo chúng ta trước cuộc chiến tranh Xô - Đức. Sau các diễn tập tác chiến tiến hành bởi von Beck, sau đó bởi Blomberg, đã xuất hiện “di chúc của Beck”, trong đó nói rằng nước Đức không thể thắng trong cuộc chiến với nước Nga, nếu các hoạt động quân sự kéo dài quá hai tháng, và nếu trong vòng một tháng đầu chiến tranh không thể chiếm được Leningrad, Kiev, Moskva và đánh tan các lực lượng chủ yếu của Hồng quân, đồng thời chiếm đóng các trung tâm công nghiệp quân sự và khai thác nhiên liệu tại phần châu Âu của Liên Xô.

    Tôi nghĩ, rằng các kết quả những diễn tập tác chiến chiến lược được nhắc tới cũng là một nguyên do kích thích Hitler năm 1939 có sáng kiến ký kết hiệp ước không tấn công. Thế nhưng, đáng nhớ rằng những cách tiếp cận thăm dò đối với lãnh đạo Liên Xô về việc thực hiện ý định này người Đức thích tiến hành không theo hướng tình báo mà theo các kênh ngoại giao qua đại sứ của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ von Papen từ tháng 4 - 1939.

    Trong những nghĩa vụ của tôi có việc phụ trách tình báo ở nước Đức do thiếu tá an ninh quốc gia (sau này là thiếu tướng) Juravlev trực tiếp chỉ huy trong những năm 1938 - 1942. Giới lãnh đạo luôn luôn cho hướng nước Đức một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những năm 1940 - 1941 nhóm tình báo ở Berlin dù được lãnh đạo bởi Amaiak Kobulov, một cán bộ thiếu kinh nghiệm, thế nhưng đã hoạt động một cách tích cực.

    Các tài liệu tình báo từ Berlin, Roma, Tokyo, thường xuyên được báo cáo với chính phủ. Thế nhưng lãnh đạo tình báo đã không nắm rõ rằng sau cuộc viếng thăm Berlin của Molotov tháng 11- 1940 đã bắt đầu các thương thuyết bí mật với nước Đức. Như thế, tính tất yếu hiển nhiên của đụng độ quân sự đồng thời lại hoà vào với sự xem xét hoàn toàn nghiêm túc các đề nghị của Hitler về sự phân chia các quyền lợi địa- chính trị của Đức, Nhật, Italia và Liên Xô.

    Chỉ bây giờ tôi mới rõ rằng các cuộc trò chuyện thăm dò của Molotov và Sullenburg, đại sứ Đức ở Liên Xô vào tháng 2 và 3 - 1941 thể hiện không chỉ mưu đồ của Hitler dẫn Stalin đi lạc lối và buộc ông luống cuống bởi cuộc xâm lăng bất ngờ, cộng cả sự do dự trong giới chóp bu Đức về vấn đề chiến tranh với Liên Xô trước khi chiến thắng được Anh. Thông tin chúng tôi nhận được và thông tin giả từ một tên người Latvia hợp tác với Gestapo, thể hiện sự do dự này. Chính vì thế thậm chí những nguồn tin cậy khi báo về quyết định của Hitler tấn công Liên Xô (tin của Harhak, Sults- Boizen, vợ một nhà ngoại giao Đức nổi tiếng (mật danh “Iuna”, thân cận với Ribbentrop) tháng 9 - 1940 - tháng 5 - 1941, không hứa chắc tính chân thực và viện dẫn Goering vẫn liên kết ở chừng mực nào đó trước sự xâm lược Hitler đang chuẩn bị chống Liên Xô với thoả thuận có thể hoà hoãn với người Anh.

    Tiếc rằng, kết luận đúng về sự chuẩn bị chiến tranh đã kết nối với kết quả các thương thuyết Xô - Đức sắp tới ở cấp cao nhất về các vấn đề lãnh thổ, mà phù hợp với các tin báo từ Anh (Filby, Kernkross và những người khác) và sự dàn xếp có thể chấm dứt cuộc chiến tranh Anh - Đức. Tôi khó xét đoán đến mức nào trong thực tế Hitler nghiêm túc thoả thuận với Stalin. Nhớ rằng, cũng có các tin về việc Ribbentrop đã nhất quán, mãi tận quyết định cuối cùng của Hitler, chống lại cuộc chiến với Liên Xô, ít nhất cho đến khi chưa điều chỉnh xong sự đối kháng quân sự Anh - Đức.

    Dù Stalin có thái độ bực tức với các tài liệu tình báo, nhưng ông cũng cố sử dụng chúng nhằm ngăn chặn chiến tranh bằng con đường thương thuyết ngoại giao bí mật về các vấn đề lãnh thổ, cũng như - điều được giao trực tiếp cho chúng tôi - cảnh báo giới quân sự Đức, khi nhấn mạnh vào chỗ là chúng ta đã xây dựng ở Ural một cơ sở công nghiệp quân sự bất khả xâm phạm.

    Quyết định tối hậu về tấn công Liên Xô được Hitler phê chuẩn ngày 14 - 6 - 1941, hôm sau khi người Đức rõ tuyên bố của TASS về tính vô căn cứ những tin đồn về cuộc chiến tranh Xô - Đức. Cũng thú vị là tuyên bố của TASS trước tiên lan truyền ở Đức và chỉ ngày hôm sau mới đăng lên báo Sự thật.

    Đáng tiếc, tình báo của chúng tôi cũng như tình báo quân đội, lẫn tình báo chính trị khi bắt được các tài liệu về thời hạn tấn công và xác định một cách đúng đắn tính tất yếu của cuộc chiến tranh gần tới, đã không dự báo con bài giới lãnh đạo Đức dùng là chiến thuật chớp nhoáng. Đó là sai lầm định mệnh, bởi sự đặt cược cho đòn chớp nhoáng chỉ ra rằng, người Đức đã có kế hoạch tấn công mà không cần kết cục cuộc chiến với Anh. Một khiếm khuyết lớn của công tác tình báo là cách xử lý yếu kém các thông tin nhận được bởi đường điệp viên. Một chứng cứ đầy thuyết phục trong cuộc chiến tranh, Tổng cục tình báo quân đội và trong NKVD mới thành lập những phòng đánh giá và nghiên cứu tin tức tình báo đến từ các nguồn ở ngoài nước.



    [...]
     
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    2. Bắt đầu chiến tranh, triển khai công tác phá hoại trong hậu phương kẻ thù

    Ngay ngày đầu tiên cuộc chiến tranh tôi được giao lãnh đạo toàn bộ công tác tình báo - phá hoại trong hậu phương quân dội Đức của các cơ quan an ninh quốc gia. Để làm điều đó ở NKVD được tổ chức một phân đội đặc biệt - Nhóm đặc biệt trực thuộc bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sắc lệnh bổ nhiệm tôi chỉ huy nhóm ký ngày 5- 7- 1941. Các phó của tôi là Eitingon, Melnikov, Kakutsaia. Trở thành chỉ huy các hướng chủ đạo đấu tranh với các lực lượng vũ trang Đức xâm nhập vào vùng Baltic, Beloruxia và Ucraina là Xerebrianxky, Makliarxky, Drozdov, Gudimovich, Orlov, Kixelev, Maxxia, Lebedev, Timaskov, Mordvinov. Các cơ quan và phân đội của NKVD có nghĩa vụ cùng hợp đồng bằng người, kỹ thuật, vũ khí cho Nhóm đặc biệt để triển khai công tác tình báo- phá hoại trong hậu phương của các đạo quân Đức.

    Nhiệm vụ chủ yếu của Nhóm đặc biệt là: tiến hành các chiến dịch tình báo chống nước Đức và các nước đồng minh của Đức, tổ chức chiến tranh du kích, xây dựng mạng lưới điệp viên trên các lãnh thổ do Đức kiểm soát, lãnh dạo các trò chơi điện đài đặc biệt tình báo Đức nhằm làm sai lạc tin của địch.

    Chúng tôi lập tức thành lập - một binh đoàn mô tô chiến đấu có chức năng đặc biệt mà vào những thời gian khác nhau do Gridnev và Orlov chỉ huy. Theo quyết định của BCHTƯ đảng và Quốc tế cộng sản, tất cả những người tị nạn chính trị đang ở Liên Xô được đề nghị gia nhập binh đoàn này. Binh đoàn được hình thành vào những ngày đầu cuộc chiến tranh trên sân vận động Dinamo. Chúng tôi có hơn 25 nghìn chiến sĩ và sĩ quan, trong số đó có hai nghìn người nước ngoài - Đức, Áo, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Tiệp, Bungari và Rumani. Trong tay chúng tôi có những vận động viên Xô viết ưu tú nhất, trong đó có các nhà vô địch quyền Anh và các lực sĩ - họ trở thành cơ sở của các phân đội phá hoại được phái ra mặt trận và ném vào hậu phương địch. Tháng 10 - 1941 Nhóm đặc biệt do sự mở rộng khối lượng công việc đã được tổ chức lại thành Cục 2 độc lập của NKVD và trực thuộc Beria như cũ. Tôi vẫn tiếp tục đồng thời là Phó chỉ huy tình báo nước ngoài của NKVD. Chiến tranh thay đổi đột biến thái độ của lãnh đạo Xô viết đối với công việc tình báo và thông tin của nó. Năm 1942 đã tiến hành tổ chức lại cấp tốc các cơ quan tình báo. Trong Bộ Tổng tham mưu người ta thành lập hai cục tình báo: một (đứng đầu là Kuznetsov) – để phục vụ trực tiếp các nhu cầu của các mặt trận và Bộ tổng chỉ huy, và cục khác để phối hợp tình báo nước ngoài ở các nước không bị Đức chiếm đóng, trong đó có cả Mỹ.

    Tổng cục 1 (tình báo) NKVD được chia ra Tổng cục 4 (Nhóm đặc biệt cũ), sau đó là Cục 2 do tôi đứng đầu - cho công tác tình báo- phá hoại chống Đức và Nhật, cả trên lãnh thổ nước ta lẫn tại các nước bị chiếm đóng của châu Âu và Cận Đông, và Tổng cục 1 (Fitin) mà môi trường hoạt động phổ biến ở Mỹ, Anh, Mỹ Latinh, Ấn Độ, Úc. Hạm đội hải quân đã để nguyên cục tình báo của mình không có sự thay đổi cơ cấu.

    Cục độc lập (Xelivanovxky) phụ trách ném điệp viên và các tổ phá hoại vào hậu phương các lực lượng vũ trang Đức được lập năm 1943 trong cơ quan phản gián quân đội XMERS. Cục tình báo cũng hoạt động cả trong bộ tham mưu Trung tâm của phong trào du kích.

    Thế nhưng chủ yếu nó chỉ thực hiện các chức năng phối hợp, khi không đưa điệp viên vào hậu phương quân đội Đức thiếu sự phối hợp với tình báo và phản gián quân đội. Chỉ các thành viên tích cực của đảng và đoàn mà phần lớn là tiến hành công tác tuyên truyền trong hậu phương địch là thể hiện phần nào tính độc lập. Và dẫu sao thì họ vẫn dựa vào, theo nguyên tắc, sự bảo đảm bí mật hoạt động của mình theo hướng tình báo quân đội và NKVD.

    Thông tin quan trọng nhận được sẽ báo cáo với Stalin, sự điều phối trực tiếp công tác tình báo thoạt đầu do Molotov, sau đó Golikov, vào cuối chiến tranh là Beria thực hiện. Ngoài ra trong mỗi Tổng cục tình báo được thành lập các phòng xử lý và phân tích các tin quan trọng, điều này giảm nhẹ rất nhiều nhiệm vụ của Bộ tổng chỉ huy trong tiếp nhận quyết định.

    Giai đoạn đầu chúng tôi khủng hoảng các cán bộ lành nghề. Tôi và Eitingon đề nghị trả tự do cho các cán bộ tình báo và an ninh cũ đang ở trong tù. Tính trơ tráo của Beria và sự đơn giản trong quyết định số phận con người thể hiện rõ trong phản ứng của ông trước đề nghị của chúng tôi. Beria hoàn toàn không quan tâm những người mà chúng tôi giới thiệu có lỗi hay không có lỗi. Ông hỏi độc mỗi câu duy nhất:

    - Các anh tin chắc họ cần cho chúng ta?

    - Tuyệt đối tin chắc, - tôi đáp.

    - Vậy hãy nối với Kobulov, để anh ta thả ra. Và hãy sử dụng họ ngay.

    Tôi nhận được các hồ sơ những người tôi hỏi xin để xem xét. Từ chúng thấy rằng tất cả bị bắt giữ theo sáng kiến và sắc lệnh của lãnh đạo cao nhất - Stalin và Molotov. Đáng tiếc, Spigelglaz, Karin, Maly và những nhà tình báo khác đến lúc ấy đã bị bắn.

    Sau khi được giải thoát một số bạn thân của tôi không có nhà ở tại Moskva: gia đình họ đã bị trục xuất khỏi thủ đô. Tất cả họ đến ở trong căn hộ của tôi, trên phố Gorki, trong toà nhà có cửa hàng thể thao Dinamo. Trên tôi một tầng là căn hộ của Merkulov thứ trưởng thứ nhất của Beria, người đôi khi xuống nhà tôi nếu cần bàn bạc gì đó khẩn cấp. Cả hai căn hộ chúng tôi cũng được dùng như điểm gặp các nhà ngoại giao nước ngoài. Từng xảy ra chuyện, Merkulov bấm chuông nhà tôi đúng lúc nhũng người sống nhờ đang ngồi ở phòng khách, và vì ông ta sắp bước vào để nói về những việc không thể trì hoãn, đành phải giấu họ trong buồng ngủ để tránh cuộc gặp của thứ trưởng với những “tội phạm” vừa được tha chưa lâu.

    Bốn người sống trong nhà tôi, có một cán bộ rất giàu kinh nghiệm - Kaminxky - anh ở lại nhà tôi cho đến tận khi người ta phái anh đi Jưtomir, vào hậu phương địch. Đeo kính một tròng và mặc áo vét đồng bộ Kaminxky giống một thương gia Pháp điển hình. Khi tiễn anh, vợ tôi đã không thể kìm nước mắt. Chính Kaminxky rạng rỡ niềm lạc quan. Theo lời anh, anh hạnh phúc thật sự rằng anh lại được làm việc. Chen trong những chuyện hài Pháp để phần nào trấn tĩnh vợ tôi, Kaminxky nói rằng đối với anh đó là may mắn lớn, thậm chí nếu anh phải chết. Anh lập tức bị phản bội ngay khi vừa đặt chân tới Jưtomir. Làm điều đó là một cha cố, chỉ điểm của NKVD địa phương, kẻ đến lúc ấy đã cộng tác với Gestapo. Kaminxky cảm thấy ngay có bẫy gài tại điểm hẹn, và đã tự sát. Chúng tôi biết về số phận của anh sau ba hay bốn tháng. Tất cả những người ở cạnh với anh bị bao vây và bị giết trong cuộc đọ súng. Các nhân viên Treka được tha từ nhà tù hoặc bị sa thải trước kia, đều làm việc lại, nhưng bị hạ cấp. Phần lớn họ được cử đứng đầu các tổ đặc biệt vào hậu phương Đức. Một phần họ đã hy sinh, số khác - Medvedev và Prokopiuk - nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến dịch du kích thắng lợi trong lòng địch.

    Những vụ thanh trừng năm 1938 - 1939 đã dạy tôi nhiều điều: giờ đây tôi không đến nỗi ngây thơ để ký các tài liệu xin ân xá các bạn mình năm 1941. Thanh danh của tôi đã “nhuốm đẫm mối liên hệ với những người này”, bị giam giữ như kẻ thù của nhân dân. Để cho sự ân xá của họ trông vẻ được khách quan, tôi đề nghị Fitin ký các văn bản. Đó là một bước nhìn xa: năm 1946 và 1953 khi người ta buộc tội tôi trong việc tôi thúc đẩy giải thoát các bạn bè của mình vốn là kẻ thù của nhân dân, tôi có khả năng viện ra chữ ký của Fitin. Trong số phận Xerebrianxky sự trợ giúp của tôi về việc phục hồi đảng năm 1941 đã đóng vai trò định mệnh: năm 1953 ông bị khép tội đã thoát khỏi sự trừng phạt cao nhất chỉ nhờ sự bênh vực của một tên phản bội như tôi. Ông mất trong tù trong cuộc hỏi cung của điều tra viên Tsaregradxky năm 1956.

    Ngày 26 - 6 - 1941 tôi nhận thêm một chức trách: đấu tranh với lính nhảy dù Đức. Năm 1942 một phân đội lính dù chọn lọc được trao cho tôi lãnh đạo. Họ được nhận một phi đội máy bay vận tải và máy bay ném bom tầm xa. Trong suốt chiến tranh chúng tôi đã giữ cộng tác chặt chẽ với tư lệnh không quân tầm xa nguyên soái Golovanov, bạn thân của Eitingon trong Học viên quân sự.

    Tình hình trên mặt trận, trở nên bi kịch. Sức mạnh các đạo quân xe tăng Đức vượt trội tất cả mọi cứ liệu sơ bộ của chúng ta. Quy mô thất bại của Hồng quân tại vùng Baltic, Beloruxia và Ucraina làm sững sờ. Đến tháng 8 chúng tôi đã tiến hành một số chiến dịch phá hoại để cứu các toán Hồng quân lọt vào vòng vây, thế nhưng các kế hoạch của chúng tôi đã không thành: những đơn vị này bị tản mát và không còn có thể trở thành căn cứ để triển khai chiến tranh du kích.

    Sau đó, trong phối hợp hành động với các tổ chức đảng địa phương, chúng tôi bắt đầu phái các đội du kích vào hậu phương Đức, đưa thêm những sĩ quan tình báo kinh nghiệm và điện báo viên. Trong những năm chiến tranh, Nhóm đặc biệt - Tổng cục 4 NKVD và các đạo quân của nó, như các tài liệu chính thức cho thấy, đã thực thi những nhiệm vụ đầy trách nhiệm của Bộ tổng chỉ huy Tối cao (1941 - 1945), Bộ tham mưu phòng thủ Moskva (tháng 10 và 11 - 1941), Tư lệnh Mặt trận phía Tây (1941 - 1943), Tư lệnh phòng thủ vòng đai Kavkaz (1942 - 1943), Tư lệnh Mặt trận Bắc Kavkaz (1942 - 1943), Tư lệnh Mặt trận Ngoại Kavkaz (1942 - 1943) Tư lệnh Mặt trận Trung tâm (1943), Tư lệnh Mặt trận số 1 Beloruxia (1943 - 1944).

    Trong những năm chiến tranh binh đoàn của chúng tôi là trung tâm chủ yếu của hoạt động tình báo- phá hoại của các cơ quan an ninh quốc gia trong hậu phương địch. Nó có vai trò quan trọng kích thích và triển khai phong trào du kích rộng rãi trong hậu phương quân đội Đức. Để thực hiện nghị định BCHTƯ ĐCS và chính phủ “về việc tổ chức đấu tranh trong hậu phương quân đội Đức và vào thời kỳ đầu chiến tranh chính trên nền tảng các Cục 4 NKVD”, nảy sinh những toán du kích, và các tổ tiêm kích đầu tiên. Với sự ra đời năm 1942 Bộ tham mưu Trung tâm họ đã chuyển cho phong trào vô số các toán và tổ chiến đấu. Bộ máy của chúng tôi đóng vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo bí mật của phong trào du kích rộng khắp ở Beloruxia, vùng Baltic, Ucraina.

    Đồng thời, như theo chỉ lệnh NKVD ngày 13 - 7 - 1942 các bộ tham mưu du kích không được nhận chuyển giao các tổ tình báo- phá hoại đặc nhiệm hoạt động trong lòng địch, mạng điệp viên, những người đưa tin và liên lạc, nhóm trưởng tình báo trong hậu phương Đức, cũng như ghi chép về các đơn vị du kích (bản tin, mật báo, báo cáo, điện báo v.v...). Những kẻ bôi nhọ cuộc đấu tranh anh hùng của các nhà tình báo chúng ta với chủ nghĩa phát xít vẫn khát khao đưa ra dưới dạng bóp méo chính cái công tác chiến đấu khổng lồ này, dựa trên những điều bịa đặt và giả dối hoàn toàn.

    Hơn hai nghìn tổ tác chiến với tổng số là mười lăm nghìn người được chuyển vào hậu phương kẻ thù. Hai mươi ba sĩ quan của chúng tôi nhận phần thưởng cao quý nhất của chính phủ - danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Hơn tám nghìn người được tặng thưởng huân, huy chương. Các nguyên soái Jukov và Rokoxovxky đề nghị đặc biệt với NKVD giao cho họ các toán từ thành phần Tổng cục 4 NKVD để tiêu huỷ các đầu mối liên lạc của kẻ thù và yểm trợ các chiến dịch tấn công của Hồng quân tại Beloruxia, Ba Lan và Kavkaz. Các phân đội của Tổng cục 4 và binh đoàn đặc nhiệm mô tô chiến đấu đã tiêu diệt 157 nghìn lính và sĩ quan Đức, thủ tiêu 87 quan chức cap cấp Đức, phát giác và vô hiệu hoá 2045 nhóm gián điệp địch. Lãnh đạo tất cả các chiến dịch đó được giao cho tôi và Eitingon. Trong lịch sử NKVD đó có lẽ là chương duy nhất mà những người thừa kế của nó vẫn tiếp tục tự hào. Trong các hoạt động chính thức kỷ niệm trận chiến gần Moskva hay Stalingrad, cũng như ngày giải phóng Beloruxia hàng năm, người ta luôn luôn nhắc đến tên tuổi những du kích và người hoạt động bí mật dưới sự chỉ huy của chúng tôi. Kuznetsov, Medvedev, Vaupsaxov, Karaxev, Mirkovxky, Prudnikov, Sikhov, Kudria, Liagindlia - những người của chúng tôi, những anh hùng kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít trong các lãnh thổ bị chiếm đóng.

    Từ năm 1942 đến 1993 đã xuất bản khoảng 5 nghìn cuốn sách và bài báo về các chiến dịch chiến đấu của Nhóm đặc biệt và Tổng cục 4 trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Những năm ấy tôi đang tại nhiệm, sau đó bị bắt, bị giam, cuối cùng, được thả và được minh oan. Và không có cuốn sách nào tên tôi. Nơi nào trên tài liệu có chữ ký của tôi, xuất hiện những dấu chấm lửng. Thoạt đầu người ta không nhắc đến tên tôi vì lý do bí mật, còn muộn hơn tên tôi bị xoá đi bởi tôi là tội phạm bị phán xử và là chứng nhân không mong muốn.

    Tôi sẽ không dừng lại một cách tỉ mỉ ở những chiến công nổi tiếng của chiến sĩ và sĩ quan đã chiến đấu cùng tôi trong những năm chiến tranh. Trong các tuyển tập do tôi biên tập in những năm 1970 - 1992, hơn ba nghìn anh hùng trong binh đoàn đặc nhiệm mô tô chiến đấu đã được nêu tên. Còn ở đây tôi muốn dừng lại ở những chiến dịch quan trọng nhất của tình báo Xô viết, kể về những anh hùng của cuộc chiến bí mật mà mọi người ít biết đến, nhưng đóng vai trò đáng kể trong các sự kiện chính trị - quân sự thời ấy.


    [...]
     
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    3. Kuznetsov huyền thoại

    Lực lượng du kích dưới sự chỉ huy của đại tá Medvedev đã có đóng góp đáng kể vào những chiến dịch tình báo- phá hoại trong lòng địch. Anh là người đầu tiên lần ra liên lạc của Otto Skorzeny, lãnh đạo các chiến dịch đặc biệt của cơ quan an ninh của Hitler. Medvedev và Kuznetsov xác định được rằng các nhóm phá hoại của Đức tiến hành huấn luyện người của chúng ở mạn núi Karpat với mục đích chuẩn bị tấn công các sứ quán của Liên Xô và Mỹ ở Teheran, nơi năm 1943 sẽ tổ chức hội nghị đầu tiên “Bộ ba lớn”. Nhóm vũ trang của Skorzeny qua huấn luyện gần Vilnius, nơi đội du kích của Medvedev hoạt động. Chính ở đây, trên lãnh thổ bị bọn quốc xã chiếm đóng, Hitler đặt một phân hiệu Tổng hành dinh của mình. Nhân viên trẻ của chúng ta Nikolai Kuznetsov trong vai một thượng uý Đức quốc xã thiết lập quan hệ thân tình với viên sĩ quan cơ quan đặc biệt đức Ostor đúng lúc đang tìm người có kinh nghiệm đấu tranh với du kích Nga. Hắn cần những người này cho chiến dịch chống lại Bộ chỉ huy tối cao Xô viết. Mắc nợ Kuznetsov, Oster đề nghị thanh toán với anh bằng những tấm thảm Iran mà hắn sẽ chở về Vilnius từ chuyến công cán đến Teheran. Tin này được báo ngay về Moskva, trùng với thông tin từ các nguồn khác và giúp ta ngăn được hành động ở Teheran chống lại “Bộ ba lớn”.

    Kuznetsov (mật danh “Pukh”) tự mình thủ tiêu mấy tỉnh trưởng của chính quyền Đức tại Galitsưn. Đó là các hành động trả thù khủng bố chống người Xô viết được anh hoàn thành với lòng can trường hết mực giữa thanh thiên bạch nhật trên các đường phố Rovno và Lơvov. Mặc quân phục Đức, anh can đảm đến gần kẻ thù, tuyên án tử hình và bắn áp sát. Mỗi một hành động loại này được chuẩn bị kỹ càng, được bảo đảm bởi một tổ chiến đấu yểm trợ. Có lần anh được trợ lý của Hitler thống đốc Erich Kokh, kẻ đứng đầu chính quyền Ba Lan và Galitsa tiếp. Kuznetsov phải giết y. Nhưng khi Kokh nói với Kuznetsov để anh quay về đơn vị sao cho nhanh nhất, bởi gần Kurxk trong mười ngày tới sẽ bắt đầu một cuộc tấn công lớn, Kuznetsov đã quyết định chưa giết Kokh để có khả năng trở về chỗ Medvedev và truyền điện tín khẩn về Moskva.

    Thông tin của Kuznetsov về sự chuẩn bị chiến dịch tấn công chiến lược của Đức được kiểm tra và được khẳng định bởi các tình báo viên Alekxakhin và Vorobiev do chúng tôi phái đến vùng Oriol bị tạm chiếm.

    Xung quanh Kuznetsov có những tin đồn đủ loại khác nhau đặt sự nghi ngờ làm sao anh có thể đóng vai một sĩ quan Đức lâu và thành công đến thế. Người ta nói anh được phái sang Đức trước khi bắt đầu chiến tranh. Những ké sùng bái, tổ chức liên kết tù nhân Trại giam của NKVD, cố gắn tên anh với những vụ thanh trừng chống người Đức bị dẫn độ tới Kazakhxtan từ Xibir và vùng Volga. Kuznetsov chẳng có liên quan gì tới điều đó. Như tôi đã nói trước đây, anh là người Nga xuất thân từ Xibir, nói trôi chảy tiếng Đức, bởi đã sống giữa những người Đức sống ở Xibir. Anh được tuyển vào làm việc ở cơ quan NKVD địa phương năm 1939 và được cử về Moskva đi học. Một chàng trai tóc vàng đẹp, anh có thể giống một người Đức, một công dân Xô viết gốc Đức. Anh có một mạng lưới cung cấp tin trong giới nghệ sĩ Moskva. Trong vai nghệ sĩ, anh được giới thiệu với một số nhà ngoại giao nước ngoài. Dần dần các cán bộ sứ quán Đức chú ý đến con người trẻ tuổi thú vị có ngoại hình Aryan tiêu biểu với thanh danh vững chắc là tay sành sỏi ba lê. Chỉ đạo anh là Raikhman, phó phụ trách Cục phản gián, và Ilin, chính uỷ an ninh về công tác với trí thức. Kuznetsov thực hiện các nhiệm vụ của họ, luôn luôn nhận được tối đa thông tin không chỉ từ các cán bộ ngoại giao mà còn từ bạn bè mà anh làm quen trong giới nhà văn và nghệ sĩ. Hồ sơ của điệp viên Kuznetsov chứa các thông tin như về một tình nhân của số đông các ngôi sao ba lê Moskva mà một số trong đó vì lợi ích công việc anh đã chia sẻ với các nhà ngoại giao Đức.

    Kuznetsov tham gia vào các chiến dịch chiếm các bưu phẩm ngoại giao của Đức, bởi thỉnh thoảng các nhân viên đưa tin ngoại giao dừng lại ở các khách sạn Metropol và National chứ không phải trong sứ quán Đức. Lợi dụng các quan hệ của mình, Kuznetsov báo trước cho chúng tôi, bao giờ những người đưa tin ngoại giao chuẩn bị đến và bao giờ các điệp viên của ta, được bố trí trong các khách sạn này và được trang bị những thiết bị chụp ảnh cần thiết, có thể nhanh chóng chụp các tài liệu.

    Năm 1942 Kuznetsov được ném đến vùng Rovno. Anh xuất hiện ở đấy trong quân phục sĩ quan quân quản Đức. Theo huyền thoại chúng ta soạn ra, Kuznetsov như đang nghỉ phép vì bị thương, và anh được giao tổ chức tìm thực phẩm và quần áo cho sư đoàn anh đang đóng gần Leningrad. Anh tự nhận mình là người Đức sống mấy năm ở vùng Baltic nơi anh được động viên. Theo lời anh, mãi năm 1940 anh mới trở về Đức với tư cách kẻ hồi hương. Đang chiến tranh, sự di chuyển người khá tấp nập, Abwehr và Gestapo hẳn cần nhiều thì giờ để kiểm tra nhân thân của anh. Kuznetsov được Ilin chuyển cho tôi. Giấy tờ cho công việc của anh trong hậu phương Đức được làm bởi người Áo Miller và học trò của ông, Gromuskin. Cán bộ tác chiến của chúng tôi Okun đã tham gia tích cực chuẩn bị Kuznetsov cho các chiến dịch trong hậu phương Đức. Tôi cùng Kuznetsov trải qua nhiều giờ khi chuẩn bị tới các nhiệm vụ tương lai. Tôi nhớ về anh như về một người tài năng hiếm có giữ sự bình thản khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, thực tế và khôn ngoan trong các hành động. Nhưng dần dần anh bắt đầu rất tin vào vận may của mình và đã làm một sai lầm định mệnh khi cố vượt qua tiền duyên để gặp các đơn vị Hồng quân. Bọn Bandera hợp tác với Đức đã tóm được anh và những người của anh. Điều đó xảy ra năm 1944 ở một làng gần Lơvov. Sự điều tra của chúng tôi cho thấy rằng Kuznetsov đã tự sát bằng lựu đạn: trong lưu trữ của Đức chúng tôi tìm ra một bức điện báo trong đó bọn Bandera báo với Gestapo về việc bắt được một nhóm sĩ quan Hồng quân, một trong số đó mặc quân phục Đức. Bọn Bandera cho rằng cái người bị giết trong vụ đọ súng chính là người mà suốt thời gian đó cơ quan đặc biệt Đức đã tìm kiếm vô hiệu. Bọn Đức bắt được một số giấy tờ giả mạo do chúng tôi làm cho thượng uý Paul Zibert (bí danh của Kuznetsov) và một phần báo cáo của Kuznetsov cho Trung tâm với những tin tức chi tiết đáng kinh ngạc việc thủ tiêu các đại diện cao cấp của Đức tại Ucraina. Sau khi chết Kuznetsov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bởi Kuznetsov chưa có vợ, em trai của anh đã nhận phần thưởng. Năm 1991 nếu sống, Kuznetsov tròn 80 tuổi.

    Những chiến dịch được tiến hành bởi các tổ chiến đấu, đôi khi có ý nghĩa chiến lược và đóng vai trò quan trọng xáo trộn hậu phương địch, khi năm 1944 mở rộng sự tấn công của ta ở Beloruxia. Những chiến dịch này nổi tiếng như “Chiến tranh đường ray”, hay “Buổi hoà nhạc”. Trước ngày tấn công ở Beloruxia chúng ta đã phá hỏng các tuyến đường sắt cơ bản tiếp tế cho quân đội Đức.


    [...]
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    4. Phòng thủ Moskva

    Du kích của binh đoàn đặc nhiệm đã trợ lực một cách thiết thực cho các đơn vị Hồng quân trong chiến trận gần Moskva. Mùa thu năm 1941 khi bọn Đức đến gần thủ đô, binh đoàn độc lập chúng tôi nhận được nhiệm vụ bảo vệ trung tâm Moskva và điện Kremli bằng bất cứ giá nào. Người của chúng tôi giữ vị trí trong Nhà Liên bang sát ngay Kremli. Trong thời điểm nguy nan đối với số phận thủ đô ấy, có lẽ binh đoàn chúng tôi là đơn vị chiến đấu duy nhất có đủ số lượng mìn và người có khả năng bố trí chúng. Theo lệnh trực tiếp của Bộ tổng tham mưu và cá nhân Jukov, chúng tôi rải mìn ở những lôi tiếp cận xa và gần tới Moskva, còn bộ phận mô tô đã giúp tiêu diệt lính mô tô Đức và các xe bọc thép đã xông đến cầu qua sông Moskva ở vùng sân bay Seremetievo. Bọn Đức đã không thể tiến gần hơn về Moskva. Ngày nay ở đấy người ta xây những cọc chống tăng khổng lồ - biểu tượng lòng dũng cảm của những người bảo vệ thủ đô.

    Phòng trường hợp nếu bọn Đức chiếm được thành phố, binh đoàn chúng tôi đã gài mìn một loạt những toà nhà nơi có thể tiến hành các hội họp của bộ chỉ huy cao cấp Đức, cũng như các công trình quan trọng ở thủ đô và xung quanh nó. Chúng tôi gài mìn mấy biệt thự chính phủ ở ngoại ô Moskva (trong số chúng thật ra không có biệt thự của Stalin). Với nhân viên trẻ Igor Sors gia nhập NKVD năm 1940, Makliarxky và tôi đã tiến hành chỉ dẫn cấp cho anh các giấy tờ và bố trí phụ trách nước ở ngoại ô Moskva, không xa biệt thự Stalin. Trong trường hợp vùng này bị Đức chiếm, anh phải sử dụng hệ thống ống dẫn cấp thoát nước để phá hoại và che giấu các điệp viên. Kết quả các vụ ném bom một phần các ống nước bị hư hại, và điều đó cản trở việc cấp nước bình thường cho biệt thự Stalin. Sors và các nhân viên bảo vệ sửa chữa sự cố được khắc phục nhanh chóng trong vòng ba giờ. Anh được tặng huy chương “Danh dự”, nhưng anh không thể nhận phần thưởng này, bởi nó được trao cho người mà Sort sử dụng giấy tờ, mà vào thời gian đó thì không thể khai ra tên thật của anh. Năm 1945 Sort được phái sang Bungari, nơi anh phải đảm bảo việc tìm ra uran và chuyển về Liên Xô cho ngành công nghiệp nguyên tử.

    Khi tôi bị bắt năm 1953, tôi còn bị buộc tội đã lập kế hoạch dùng mìn gài ở những biệt thự chính phủ để tiêu diệt các nhà lãnh đạo Xô viết. Các điều tra viên tuyên bố rằng mìn có thể đưa vào hoạt động bằng điều khiển từ xa theo lệnh Beria để diệt những người thừa kế Stalin. Tất cả đó là sự bịa đặt trắng trợn.

    Tháng 10 - 1941 Moskva bị đe dọa nghiêm trọng, Beria ra lệnh chúng tôi tổ chức mạng lưới tình báo trong thành phố nếu nó bị Đức chiếm. Các gia đình chúng tôi đã tản cư, cũng như phần lớn bộ máy NKVD. Chúng tôi đã chuyển từ Lubianka đến trường trung cấp cứu hỏa ở phía bắc Moskva, gần bộ tham mưu của Quốc tê cộng sản. Tôi ngồi trong phòng với Xerov, Tsernưsev và Bogdan Kobulov, các phó của Beria, dùng địa điểm dự bị này chỉ huy các lực lượng NKVD phòng trường hợp chiến sự ở thành phố, nếu bọn Đức phá vỡ được phòng thủ của ta.

    Ở Moskva chúng tôi tổ chức ba mạng lưới tình báo độc lập. Ông bạn cũ của tôi từ thời Ucraina, thiếu tá Drozdov (sau này nhận hàm tướng) lãnh đạo một mạng. Để giữ bí mật ông được cử làm phó Cục dược phẩm Moskva. Trong trường hợp Moskva bị chiếm ông phải cung cấp thuốc men cho bộ chỉ huy Đức và chiếm được lòng tin của nó. Ở Moskva người ta không biết ông, bởi ông được đề bạt là phó chỉ huy công an Moskva mới mấy tháng trước khi bắt đầu chiến tranh. Fedoxeev - cục trưởng tình báo Tổng cục NKVD Moskva tiến hành một khối lượng công việc lớn, chuẩn bị hoạt động bí mật và tổng động viên mạng điệp viên chống trả những vụ phá hoại của bọn Đức tại Moskva. Theo tuyến của chúng tôi, Makliarxky và Maxxia chịu trách nhiệm về công việc này. Một trong số người hoạt động bí mật mà Beria lựa chọn là Mesik - năm 1953 ông bị xử bắn cùng với Beria. Ngoài hai mạng lưới điệp viên này, chúng tôi còn lập một nhóm cảm tử có nhiệm vụ tiêu diệt Hitler và giới thân cận của y, nếu chúng xuất hiện ở Moskva sau khi bị chiếm. Chiến dịch này được giao cho nhạc sĩ Knipper, anh trai của Olga Tsekhova, và vợ ông, Mariana Garikovna. Lãnh đạo hoạt động bí mật là Fedotov - Tổng cục trưởng Tổng cục phản gián NKVD.

    Trong các sách khác nhau, nói riêng, trong những hồi ký của Khrusev, nói về nỗi hoảng hốt bao trùm Stalin vào những ngày đầu tiên của chiến tranh. Từ phía mình, tôi có thể nói rằng tôi không quan sát thấy gì. Stalin không trốn tại biệt thự của mình. Các ghi chép của sổ trực điện Kremli được công bố cho khách thăm thấy rằng ông đều đặn tiếp mọi người và trực tiếp theo dõi tình hình xấu đi từng ngày. Ngay từ bắt đầu chiến tranh Stalin tiếp Beria và Merkulov trong phòng mình ở Kremli hai hay ba lần mỗi ngày. Thường thường họ quay về NKVD buổi tôi rất muộn, còn đôi khi ra chỉ thị trực tiếp từ Kremli. Tôi có cảm giác rằng cơ chế điều hành và kiểm soát việc thực thi các mệnh lệnh đã hoạt động không chút trục trặc nào. Cả Etingon, cả tôi sống bằng niềm tin sâu sắc vào thắng lợi cuối cùng.

    Cần nói rằng đôi khi cực kỳ khó thi hành những mệnh lệnh nhận được. Khi vào tháng 10 - 1941 tôi bị gọi vào phòng Beria nơi có mặt Malenkov, và người ta hạ lệnh gài mìn các công trình quan trọng nhất của Moskva và các lối vào gần Moskva như các nhà ga xe lửa chính, các cơ sở công nghiệp quốc phòng, một số chung cư, một số bến tàu điện ngầm và sân vận động Dinamo, kíp nổ đã cần phải có sau hai mươi bốn giờ. Chúng tôi lao động cả ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Còn Malenkov và Beria trong khi đó không nghỉ ngơi, bình tĩnh, hoạt bát làm việc tại NKVD ở Lubianka.

    Ngày 6 - 11 - 1941 tôi nhận được giấy mời đến cuộc họp trọng thể kỷ niệm cách mạng tháng Mười. Theo truyền thống cuộc họp được tiến hành tại Nhà hát Lớn, nhưng lần này do tính toán về an toàn - tổ chức ở bến tàu điện ngầm Maiakovxky. Chúng tôi theo băng chuyền đi xuống và bước lên bệ đường tàu. Từ một phía có một đoàn tàu điện mở cửa nơi có các dãy bàn với bánh cặp thịt và nước uống ướp lạnh. Cuối bệ đường tàu có bục dành cho các uỷ viên Bộ Chính trị. Chính phủ đến trên một đoàn tàu từ phía khác. Stalin bước ra có Beria và Malenkov tháp tùng. Chủ tịch Xô viết Moskva Pronin khai mạc cuộc họp. Stalin phát biểu gần nửa tiếng đồng hồ. Diễn văn của ông gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc: sự cứng rắn và tự tin của lãnh tụ khẳng định khả năng của chúng ta đối chọi với kẻ thù. Ngày hôm sau tiến hành cuộc duyệt binh truyền thống trên Hồng trường, diễn ra với tinh thần lạc quan cao độ, bất chấp tuyết rơi dày. Trên giấy phép của tôi có dấu “Được đi khắp nơi”, có nghĩa là tôi có thể lên lễ đài chính của Lăng, nơi các nhà lãnh đạo Xô viết đứng duyệt binh.

    Beria và Malenkov cảnh báo tôi rằng trong trường hợp các sự cố đặc biệt tôi phải báo cáo với họ không chậm trễ, lên thẳng Lăng. Tình huống đúng là kịch tính: các đơn vị tiền quân của Đức đang ở rất gần thành phố. Trong số các cán bộ tác chiến phục vụ lễ duyệt binh có Fiser trẻ tuổi, phụ trách ban thông tin của cơ quan chúng tôi, và nhân viên điện báo với trang bị cần thiết. Chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với bộ tham mưu binh đoàn bảo vệ Moskva. Tuyết rơi đậm đặc đến nỗi bọn Đức không thể phái máy bay để thả bom Hồng trường. Mệnh lệnh cho các đơn vị tham gia duyệt binh là rành mạch: gì xảy ra đi nữa, giữ nguyên bình tĩnh và tuân thủ kỷ luật. Cuộc duyệt binh này càng củng cố hơn niềm tin vào khả năng bảo vệ Moskva và, cuối cùng, giành chiến thắng trước kẻ địch.


    [...]
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    5. Sorge. “Dàn đồng ca Đỏ "trong hậu phương Hitler

    Thậm chí trong những giờ lo âu ấy, chúng tôi vẫn tìm những điểm yếu của kẻ thù, để xoay trở tình hình có lợi cho ta. Chúng tôi nhận được thông tin giá trị của hầu tước Nelidov, cựu sĩ quan quân đội Sa hoàng và bạch vệ, điệp viên hai mang tầm cỡ của Abwehr và tình báo Anh. Theo nhiệm vụ của Canaris hầu tước Nelidov tham gia “trò chơi” chiến lược quân sự của bộ tổng tham mưu Đức vào những năm 1936 - 1937. Trước ngưỡng cuộc xâm lăng của Đức vào Ba Lan (ông ta ở Varsava với nhiệm vụ tình báo), phản gián Ba Lan đã bắt giữ ông ta. Chiếm được Tây Ucraina năm 1939, chúng tôi phát hiện được ông trong nhà tù Lơvov và đưa về Moskva. Chiêu mộ Nelidov là Vaxli Zarubin, Zoia Rưbkina và Pavel Juravlev, phụ trách tình báo NKVD hướng Đức. Vào những năm 1941 - 1942 được lập kế hoạch sử dụng Nelidov để đối chọi với các điệp viên tình báo Anh trụ lại ở Moskva. Lúc ấy các lời khai của Nelidov cho biết định hướng cơ bản của Abwehr trong công tác tình báo phá hoại trong điều kiện chiến tranh chớp nhoáng, Jurablev, Rưbkina và tôi đã không đánh giá đủ ý nghĩa. Thế nhưng hoàn cảnh thay đổi đột ngột sau những thất bại của chúng ta vào những ngày tháng đầu tiên của chiến tranh. Lúc này thì chúng tôi mới quay lại với những cuộc hỏi cung đầu tiên của Nelidov. Đối chiếu những lời khai của ông với những tài liệu nhận được năm 1937 từ Spigelglaz về các “trò chơi” quân sự - chiến lược trong bộ tham mưu Đức quốc xã, và sự đặt cược của người Đức vào tính chớp nhoáng trở nên hiển hiện đối với tất cả mọi người. Phản ứng của Stalin đối với thông báo của chúng tôi là không chậm trễ. Phụ trách Tổng cục tình báo Hồng quân Golikov và phụ trách Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu thiếu tướng Vaxilevxky đã đến NKVD để hỏi cung mở rộng Nelidov và làm quen với tất cả các tài liệu tác chiến những năm 30. Họ có ấn tượng mạnh về sự thông tỏ, các mối liên hệ, và sự đánh giá của ông về giới chỉ huy cao cấp Đức.

    Nelidov kể rằng bọn Đức có thể giáng thất bại cho ta chỉ trong trường hợp chiến tranh kéo dài hai hoặc ba tháng. Nhưng nếu trong vòng thời gian đó chúng không chiếm được Leningrad, Moskva, Kiev, vùng Donbaxx, bắc Kavkaz và tất nhiên, Baku với khả năng dầu lửa của nó, cuộc xâm lược hiển nhiên thất bại. Số lượng khổng lồ các xe tăng và các binh đoàn mô tô cần thiết cho chiến tranh chớp nhoáng, chỉ có thế hoạt động có hiệu quả trên lãnh thổ có mạng lưới giao thông phát triển khá tốt, còn để tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài thì người Đức thiếu nguồn nhiên liệu dự trữ, nhất là các hạm đội Đức, và các tàu ngầm.

    Tháng 10 và 11 - 1941 chúng tôi nhận được thông tin tin cậy từ Berlin về việc quân đội Đức hầu như đã cạn kiệt nguồn dự trữ súng đạn, dầu lửa để tiếp tục các chiến dịch tấn công tích cực. Tất cả đã chỉ ra sự tạm ngừng tất yếu trong cuộc tấn công của Đức. Chuyển những cứ liệu này là Arvid Harnak (mật danh Korxikanets), chiến sĩ chống phát xít, cố vấn bộ trưởng kinh tế Đức. Thành viên một gia đình nổi tiếng của những nhà văn và triết gia, ông được lôi cuốn cộng tác trong thời gian đi thăm Liên Xô năm 1932 và từ bấy đến giờ suốt chục năm trời cung cấp thông tin cho tình báo Xô viết cho đến khi ông bị phát giác. Tháng 12 - 1942 ông bị xử án và bị treo cổ. Vợ ông, người Mỹ Mildred Fis Harnak mà ông làm quen trong thời gian học tại trường đại học Tổng hợp bang Wisconsin, cũng bị bắt và bị xử tử năm 1945 vì hoạt động chống phát xít.

    Tháng 3 - 1939, khi tôi trở thành phó phụ trách tình báo NKVD, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tôi là cấy điệp viên ngầm vào Tây Âu và lập mạng lưới điệp viên có liên hệ với những người Đức có vỏ bọc ngoại giao. Liên quan với nước Đức là trung tâm chú ý của toàn bộ công tác của chúng tôi. Sau những vụ thanh trừng 1937- 1938 trong tình báo những người mới chuyên trách các vụ việc Đức, và các tiếp xúc của chúng tôi với điệp viên bị cắt đứt tạm thời. Việc bỏ trốn của Alexandr Orlov năm 1938 ném ngờ vực lên các cán bộ lãnh đạo Cục đối ngoại. Người ta bắt giam Spigelglaz, Maly, Belkin, Xerebrianxky và những cán bộ khác kiểm soát các mạng lưới điệp viên tại Tây Âu, gây khó khăn đáng kể cho thu nhận tin tức tình báo. Khi tôi đứng đầu lĩnh vực này, tôi buộc phải phái ra nước ngoài những người mới mà thường là thiếu kinh nghiệm. Kết quả là từ tháng 11- 1938 đến tháng 3- 1939 tin tức tình báo đến từ Tây Âu giảm đi đột ngột. Quyết định được Stalin và Beria phê chuẩn về việc mở trường tình báo để chuẩn bị cán bộ có nghĩa rằng không sớm hơn sau hai năm chúng tôi mới nhận được những chuyên gia đầu tiên. Trong khi đó nhu cầu cán bộ ngày càng khẩn thiết hơn. Chúng tôi vô cùng cần những người mới. Bối cảnh ngày càng nóng hơn: Hitler chuẩn bị chiếm Ba Lan. Các triển vọng triển khai chiến tranh ở châu Âu đã rõ nét thêm. Stalin đòi hỏi từ Beria những chi tiết về các đạo quân chiến đấu Đức và những kế hoạch chiến lược của Berlin.

    Bởi nhẽ những người trước đây chịu trách nhiệm về mạng lưới điệp viên tại Tây Âu (Orlov ở Tây Ban Nha, Krivitsky ở Hà Lan, Reix và Xteinberg ở Thuỵ Sĩ), hoặc trở thành kẻ vượt tuyến, hoặc bị thanh trừng, cực kỳ khó thuyết phục Beria và Merkulov phiêu lưu và thúc đẩy những cơ cấu mà họ đã lãnh đạo vào thời của mình. Rất may, không phải tất cả đều bị thanh trừng. Một số ví dụ như Lang, Parparov, Fiser- Abel và Girsfeld, tạm thời bị xếp vào quân dự bị trong khi bên trên đang quyết định số phận của họ. Tại Berlin và Paris vẫn có những người của ta. Nhóm Cambrige phục hồi lại hoạt động của mình bất chấp hiểm nguy rằng Orlov chạy sang phương Tây có thể làm lộ. Rốt cuộc đã thuyết phục được Fitin, rằng dù sao chúng ta cũng nên liều mạng và phục hồi lại các điệp viên cũ, dù điều đó có nguy hiểm đến đâu đi nữa. Tôi với ông báo cáo với Beria và ông ta ủng hộ chúng tôi. Quyết định không đơn giản là phục hồi các mối tiếp xúc bị ngắt quãng nửa năm, dù chúng tôi e sợ rằng qua thời gian ấy có thể một số đã bị bắt và bị chiêu mộ lại. Nhưng đã cuối tháng 4 1940, và bóng ma chiến tranh đã hiện rõ hơn ở phía chân trời.

    Tôi nhớ rằng chính lúc ấy ở Trung tâm đã định đoạt số phận của Kim Filby. Khi từ London người ta yêu cầu cho phép chuyển ông vào bộ tham mưu tình báo Anh, tôi đồng ý với điều kiện là ông tự nguyện tiếp nhận quyết định về “trò chơi nước đôi” có tính đến sự mạo hiểm đặc biệt.

    Chuyển Filby sang công tác tác chiến, tình báo Xô viết không chỉ đặt ông vào tình huống phức tạp. Một cách mới hoàn toàn nổi lên vấn đề về sự tin cậy ông như nguồn thông tin quan trọng nhất về các ý đồ của kẻ thù.

    Trong tình báo có thể lệ kiểm tra lại một cách bắt buộc tất cả các nguồn được tuyển mộ trong bộ máy cơ quan đặc biệt của đối phương. Filby nói riêng, khi báo các cứ liệu có ở tình báo Anh về các cuộc trò chuyện của đại sứ Anh ở Moskva Krips với thứ trưởng bộ Ngoại giao Vưsinxky về định hướng của sứ quán Anh cho Bộ Ngoại giao Anh ngày 15 và 28 3 1941 đã chưa truyền đạt đầy đủ nội dung các tài liệu này. Trong bức điện không đưa ra các cứ liệu về các bước ủng hộ lãnh đạo Xô viết của Anh và Mỹ như đã thoả thuận. Trong khi đó thông tin mở rộng hơn về các vấn đề này đã đến từ Maklin cán bộ Bộ Ngoại giao Anh. Nhà phân tích của NKVD trung tá Mordjinxkaia, vào những năm 1960 - 1970 là một triết gia sáng giá, giáo sư Viện triết Viện hàn lâm khoa học, trong kết luận của mình đã ngờ Filby thiếu chân thật và tham gia vào chiến dịch tung tin giả của tình báo Anh. Filby sống và làm việc dưới bóng những ngờ vực này nhiều năm dài. Như tôi nghe kể ở Trung tâm, tại Moskva thậm chí vào những năm 60 ông phải trải qua thủ tục nhục nhã kiểm tra lòng trung thành.

    Tại Pháp Vaxilevxky, người phải hồi phục lại mạng lưới, được phái tới làm lãnh đạo mới của tổ điệp viên. Ở Đức, Phần Lan, Ba Lan và Tiệp Khắc một nhóm sĩ quan đã nhận được sự đề cử. Họ mất chừng nửa năm để kiểm tra trạng thái và độ tin cậy của hệ thống điệp viên đã bị mất liên hệ vào thời gian cuối.

    Những năm 1939 - 1940 chúng tôi lập lại các mối liên hệ và tích cực bắt tay vào công việc. Mạng lưới bí mật được lập bởi tình báo quân đội và NKVD nổi tiếng với tên gọi “Dàn đồng ca Đỏ” đã hoạt động gần như suốt thời gian thế chiến II. Các điệp viên “Dàn đồng ca Đỏ” đã chuyển qua điện đài các tin tức mã hoá về Trung tâm.

    Xin có mấy lời về công việc đó. Tình báo quân đội có mạng lưới điệp viên ở Đức, Pháp, Bỉ và Thuỵ Sĩ và hoạt động độc lập với NKVD. Những năm 1938 1939, trước khi bắt đầu chiến tranh, các nhà binh khá nhìn xa trông rộng và đã gửi sang Pháp và Bỉ hai cán bộ Trepper và Gurevich cùng với các điện báo viên để làm việc trong thời gian có chiến sự. Các nhà quân sự cùng có tổ điệp viên ngầm ở Thuỵ Sĩ được lãnh đạo bởi cựu cán bộ ban Hungari của Quốc tế cộng sản Sandor Rado Urxula và Kutsinxca (mật danh Xonia), muộn hơn, vào 1941 trở thành người liên lạc giữa chúng ta với nhà vật lý Đức Klaus Fuchs làm việc tại Anh.

    Việc chuẩn bị cho hoạt động tốc chiến tại Tây Âu và việc chuyển sang tình trạng bất hợp pháp đã có những sai lầm nghiêm trọng. Mạng điệp viên của Trepper, Gurevich và Rado liên quan quá mạnh với nguồn cấp tin của tộc người Do Thái, khiến nó dễ bị lộ từ phía cơ quan đặc biệt Đức. Lãnh đạo Tổng cục tình báo, cũng như INO NKVD đã coi thường việc huấn luyện điện báo viên để hoạt động trong điều kiện chiến tranh. Trước ngưỡng cửa chiến tranh NKVD đã thành lập được một mạng lưới điệp viên hùng hậu ở Đức, lãnh đạo nó là Amaiak Kobulov, Korotkov và Juravlev. Bên tình báo quân đội cũng có những điệp viên quan trọng ở Đức Ilza Stebe trong phòng báo chí Bộ Ngoại giao và Rudolf Selia, một nhà ngoại giao cao cấp của Đức.

    Cuối năm 1941 khi Đức tấn công Liên Xô, tình báo ta không có sự kiểm soát tập trung đối với tất cả các mạng lưới điệp viên chuyển cho chúng tôi các tin tức độc lập với nhau. Tổng cục tình báo Hồng quân được huấn luyện tốt hơn để chuyển từ những người đưa tin và bưu phẩm ngoại giao sang liên lạc điện đài bí mật: các điệp viên có thiết bị cần thiết. Còn chúng tôi mãi đến tháng 41941 mới gửi đến các tổ tình báo Tây Âu chỉ thị về huấn luyện cho công việc trong điều kiện chiến tranh tới gần. Người ta giao trách nhiệm cho Amaiak Kobulov và Korotkov đang ở châu Âu tăng tốc huấn luyện các điện báo viên và bảo đảm cho họ máy móc đáng tin cậy, cũng như lập những cơ sở phụ cho điện đài.

    SultseBoizen (Xtarsina), Harnak (Korxikanets) và Kuhhof (Ông già) được Kobulov và Korotkov huấn luyện tồi, đã vi phạm nguyên tắc giữ bí mật sơ đẳng: liên lạc hữu tuyến. Ngoài ra ba điệp viên này có chung một điện báo viên.

    Tháng 101941, mất liên lạc với các điệp viên ở Berlin vì máy móc kém và sự làm việc kém chuyên môn của điện báo viên, Tổng cục tình báo quân đội và NKVD đã có một sai lầm không thể tha thứ. Nhóm trưởng ở Brussels Gurevich (Kent) nhận qua điện đài một bức mật mã mà theo đó ông cần đi về Berlin cùng với điện báo viên. Ông chuyển anh này cho Korxikannets và Xtarsina. Khi trở về Brussels khẳng định thực hiện thành công nhiệm vụ và báo cho Moskva thông tin nhận được tại Berlin, về những khó khăn mà bọn Đức đang trải qua trong cung cấp và tăng dự trữ, đánh giá thực tế của bộ chỉ huy Đức về thất bại của chiến tranh chớp nhoáng, về vụ tấn công có thể của đối phương xuân hè 1942 với mục đích chiếm các cơ sở công nghiệp dầu khí của ta.

    Những tin tức giá trị nhường ấy chuyến từ tháng 11 1941 và được khẳng định sau ba tháng, đã được báo cáo với chính phủ, nhưng tiếc thay, đã không đóng vai trò gì đáng kể, bởi ngày 1312 - 1941 điện báo viên và người giữ khoá mã của “Kent” đã bị phản gián Đức tóm được và Gestapo không mấy khó khăn năm 1942 đã bắt giữ các lãnh đạo của “Dàn đồng ca Đỏ” ở Berlin và tại những thành phố Tây Âu khác.

    Ngày 581942 chúng tôi ném hai điệp viên nhảy dù sang Đức Artur Hexxeler và Albert Bart. Nhưng bọn Đức đã giữ trong tầm theo dõi nhóm mà họ được phái đến nối liên lạc, và đã bắt giữ họ. Hexxeler hy sinh, còn bọn Đức đã chiêu mộ Bart, và hắn đã bắt đầu tiến hành trò chơi điện đài với chúng tôi mà, tiện thể, chúng tôi đã đoán ra ngay. Bart đã khai ra điệp viên ta Villi Leman (Braitenbakh), người cộng tác với chúng ta từ năm 1935. Leman là nhân viên Gestapo và cung cấp cho chúng ta thông tin cực kỳ quan trọng. Những năm 1935 1941 ông chuyển cho chúng ta những tài liệu quan trọng nhất về kế hoạch của Gestapo cài điệp viên vào số người Nga lưu vong và trong hoạt động bí mật của ĐCS. Từ Leman chúng ta cũng biết những nguồn nào của phản gián Ba Lan bị Đức chiêu mộ và sử dụng sau khi phát giác ra phụ trách tình báo Ba Lan Xoxnovxky ở Berlin.

    Leman bị bắt bí mật trên đường phố, bị Gestapo báo cho vợ ông rằng chồng bà biến mất và người ta đang tăng cường tìm kiếm ông. Sau chiến tranh chúng tôi chỉ tìm được phiếu đăng ký của ông trong lưu trữ của nhà tù Pletsenzeia những dấu vết khác về ông không còn. Trong những năm chiến tranh Leman là sĩ quan Gestapo duy nhất cộng tác với chúng ta.

    Trong lưu trữ của Gestapo chúng tôi phát hiện được các tin về “Dàn đồng ca Đỏ’’, dù tên Bart không có ở đó, thậm chí Leman cũng không được nhắc tới. Có thể, điều đó được gợi nên bởi sự không mong muốn ném bóng đen lên Gestapo mà trong hàng ngũ có điệp viên Xô viết. Tôi không loại trừ rằng Gestapo sợ Hitler biết. Bart bị người Anh bắt làm tù binh và chuyển cho chúng ta năm 1946. Hắn được đưa về Moskva, bị xử bắn vì tội phản bội.

    Mấy lời về công việc của nhóm Sorge (Ramzai) ở Tokyo. Người ta có thái độ không tin phần nào với những thông tin đến từ tuyến này từ giới gần gũi của thủ tướng Konoye, và những phát biểu của đại sứ Đức Otto ở Moskva. Và sự thể không chỉ ở chỗ là lôi kéo Sorge vào làm việc là Berzin và Borovich, các lãnh đạo Tổng cục tình báo quân đội những năm 20 - 30 về sau bị thanh trừng. Còn trước sự bắt giữ Borovich, phụ trách trực tiếp của Sorge, người sau này đã nhận được từ cấp lãnh đạo cao nhất chỉ thị cộng tác với tình báo quân đội Đức tại Nhật Bản. Nhận được sự cho phép, nhưng đồng thời rơi vào sự nghi ngờ, bởi các điệp viên chuyên nghiệp tầm cỡ này theo truyền thống không được tin cậy và định kỳ bị kiểm tra trong tất cả các cơ quan đặc biệt. Năm 1937 quyền tổng cục trưởng tình báo Gendin trong báo cáo của mình với Stalin, nhấn mạnh trò chơi hai mặt của điệp viên giá trị Sorge, lấy được thông tin cho cả Otto, nhóm trưởng tình báo Abwehr của Đức tại Nhật Bản, đã kết luận rằng điệp viên được chỉ ra không thể được sử dụng như một nguồn thông tin tin cậy trọn vẹn.

    Bi kịch của Sorge là ở chỗ công việc anh hùng của ông và những tin tức đến từ ông không được bộ chỉ huy chúng ta dùng. Những số liệu quan trọng đặc biệt về cuộc tấn công sắp tới của Nhật đối với Mỹ, về sự không liên kết của Nhật tới sự xâm lược của Đức chống Liên Xô vào tháng 9101941 cứ thế nằm yên trong lưu trữ chúng ta. Còn các sư đoàn được ném từ Viễn Đông về gần Moskva tháng 10 - 1941 chỉ là vì Stalin không còn những đơn vị chiến đấu dự bị khác. Nếu trong khi đó lưu ý đến thông tin của Sorge, quyết định được tiếp nhận là không có vai trò đáng kể. Thông tin về việc người Nhật không có ý định chiến đấu chống chúng ta đều đặn đến từ 1941 - 1945 từ các điệp viên được kiểm tra đang giữ chức vụ cố vấn sứ quán Nhật tại Moskva và chỉ huy trưởng cơ quan mật vụ quân đội Quan Đông, người chuyển cho chúng ta các tài liệu về chuyển quân của các binh đoàn Nhật tại Mãn Châu Lý. Ngoài tất cả những điều đó, chúng ta đã giải mã được thư của sứ quán Nhật ở Moskva với Tokyo mà từ đó hiểu rằng Nhật không có kế hoạch xâm phạm Liên Xô vào tháng 10 - 1941.

    Hành vi của Sorge tại cuộc điều tra sau khi bị chính quyền Nhật bắt, gây nên sự giận dữ nghiêm trọng ở Moskva. Òng đã vi phạm điều luật chính của tình báo Xô viết: không bao giờ thú nhận làm gián điệp cho Liên Xô dưới bất cứ hình thức nào. Dù việc trao đổi các điệp viên và tình báo viên bị bắt vào những năm 30 là rất hạn chế, dẫu vậy đôi khi người ta vẫn chịu làm. Thí dụ, người Ba Lan đã thả điệp viên Feditskin năm 1930. Người Mỹ - nhóm trưởng NKVD ở New York Ovakimian tháng 9- 1941. Ban lãnh đạo Tổng cục tình báo do những lời thú nhận của Sorge đã không đặt trước bất kỳ ai về sự trao đối có thể cho ông.

    Đến tháng 8- 1942 “Dàn đồng ca Đỏ” ở Berlin gồm các điệp viên của quân đội và NKVD, đã bị tiêu diệt. Nhưng ở Đức vẫn còn một loạt những nguồn thông tin quan trọng và các điệp viên ảnh hưởng. Một số điệp viên nhóm Hamburg được lập bởi Xerebrianxky và Etingon, không liên hệ với nhóm Harnak - Sultse- Boizen và cắm rễ trong các tổ hợp “Công nghiệp Farben” và “Tissen” tại cảng Hamburg, đã thoát khỏi và lui vào hoạt động bí mật. Thoát khỏi sự bắt bớ còn điệp viên “Iuna”, cô trụ ở cơ quan của Ribbentrop - Bộ Ngoại giao Đức; Olga Tsekhova và công tước Ba Lan Radzivill cũng không bị lộ. Thế nhưng thiếu những người liên lạc tin cậy với họ. Hai điệp viên - nhà doanh nghiệp người Thuỵ Điển Strinberg (Gustav) và diễn viên nổi tiếng Karl Gerkhard (Saxonie) may ra chỉ đáng vai làm người đưa tin. Các chuyến đi của Strinberg sang Đức ít hiệu quả, còn Gerkhard bị bọn Đức phát hiện vì ông ta không che giấu ý đồ chống phát xít. Mạng lưới điệp viên ở Pháp và Thuỵ Sĩ vẫn tiếp tục hoạt động.


    [...]
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    6. Trò chơi hai mặt của tình báo Anh với việc sử dụng "Dàn đồng ca Đỏ" trong hậu phương Đức

    Đầu năm 1941 Vaxilevxky tạo được một mạng điệp viên ở Pháp. Nối liên lạc chính với họ là đại tá Smidt, cán bộ quan trọng của cơ quan mật mã Abwehr. Vaxilevxky biết được rằng đầu những năm 1930 Smidt bị tình báo Pháp chiêu mộ. Những người cộng sản Pháp giúp đỡ người của Vaxilevxky đã xác lập được là Smidt cùng làm việc cho cơ quan đặc biệt Anh. Ngay từ năm 1938 Maklin đã báo cho chúng tôi tên của điệp viên Anh mà Smidt giữ mối tiếp xúc tại Pháp. Theo tính chất các tài liệu được Smidt chuyển cho Vaxilevxky, chúng tôi hiểu rằng người Anh vẫn đều đặn bắt được và giải mã các điện báo của Đức. Người Đức lần ra những liên hệ đáng ngờ của Smidt, và ông ta biến đi không còn dấu vết.

    Hàng trăm bức điện báo về Moskva của “Dàn đồng ca Đỏ” từ Thuỵ Sĩ trong thời gian từ tháng 7- 1941 đến tháng 10- 1943 chứa thông tin vô cùng giá trị: mệnh lệnh của bộ chỉ huy tối cao Đức, tin tức di chuyển quân và hàng loạt chi tiết tác chiến của các hoạt động chiến sự. Thông tin này được chuyển bởi Rudolf Ressler (Lutsi), nhưng ông từ chối nêu ra nguồn của nó với nhóm trưởng Xô viết Sandor Rado.

    Ressler, kiều dân Đức, gặp Rado khi Hitler tấn công Liên Xô. Ông ngỏ ý cho biết rằng ông xem Rado là người có liên hệ với tình báo Xô viết, và đề nghị ông chuyển tin tức từ giới nhà binh Đức. Biết điều đó chúng tôi cho rằng “Lutsi” đơn giản cố giữ bí mật nguồn của mình - điệp viên trong bộ tổng tham mưu Đức.

    Trong thực tế Ressler chuyển cho chúng tôi thông tin mà ông nhận được từ một người Anh. Tình báo Anh biết về công việc của nhóm Rado, bởi trước chiến tranh họ đã cài điệp viên của mình vào “Dàn đồng ca Đỏ” tại Thuỵ Sĩ. Theo các kênh ngoại giao ở London qua phái đoàn liên lạc Anh ở Moskva họ không chuyển thông tin này, ngại chúng ta sẽ không tin và đòi nêu tên nguồn. Lúc ấy chúng tôi không biết là người Anh có máy đồng dạng với máy mật mã Đức “Enigma”, cho họ khả năng mã hoá các điện báo của Đức. Tin tức về nó đến với chúng tôi vào năm 1945 từ Filby và Kernkross.

    Stalin không tin người Anh, và có cơ sở cho điều đó. Khi chúng tôi đối chiếu các tin tình báo từ điệp viên ta ở Thuỵ Sĩ và London, thì thấy sự trùng hợp đáng kinh ngạc của chúng. Thế nhưng tin từ London của nhóm Cambirge là đầy đủ hơn, còn từ nhóm Lutsi đã được chỉnh lý lại. Rõ ràng thông tin của Lutsi được nhào nặn và biên tập lại bởi các cơ quan đặc biệt Anh.

    John Kernkross làm việc tại trung tâm mật mã Anh “Blechli park”, đều đặn cung cấp các điện báo đã giải mã cho điệp viên London của ta. Muộn hơn, khi trò chuyện với bạn tôi Kukin - anh là nhóm trưởng ở London từ 1943 đến 1947 và lãnh đạo nhóm Cambrige, chúng tôi thừa nhận rằng sự đóng góp của Kernkross vào sự nghiệp chung của chúng ta và các tài liệu nhận từ ông là một giá trị lớn để phát giác các kế hoạch tác chiến của Đức. Các tài liệu được giải mã đến từ Kernkross, không chỉ có giá trị quân sự, mà còn cho phép chúng tôi lần theo sự thâm nhập của cơ quan tình báo Anh vào nhóm của Rado.

    Mùa xuân 1943, mấy tuần trước khi bắt đầu trận chiến Kurxk, điệp viên ta ở London nhận từ nhóm Cambrige thông tin về mục đích cụ thể của cuộc tấn công được Đức lập kế hoạch dưới mật danh chiến dịch “Tsitadel”. Thông báo này chỉ ra số lượng các sư đoàn Đức dự trù sử dụng, và nhấn mạnh rằng chiến dịch “Tsitadel” nhằm vào Kurxk, chứ không vào các Vòng cung Lớn, tức không về phía Tây, mà về Tây Nam so với Moskva - ở đấy chúng ta không ngờ sự tấn công của Đức. NKVD chuyển thông tin này cho Tổng hành dinh Liên Xô ngày 7- 5- 1943. Tin từ London chứa những kế hoạch chính xác và đầy đủ hơn về cuộc tấn công của Đức, so với những gì nhận được theo tuyến tình báo quân đội của “Lutsi” từ Thuỵ Sĩ. Các lãnh đạo tình báo quân đội và NKVD liền thấy rõ hoàn toàn rằng, người Anh chuyển cho chúng ta thông tin có chỉnh lý, nhưng đồng thời vẫn muốn chúng ta làm đổ vỡ cuộc tấn công của Đức. Từ đó chúng tôi kết luận: họ quan tâm không chỉ vào chiến thắng của ta, mà cả việc kéo dài chiến sự mà chắc sẽ làm suy kiệt sức lực của cả hai bên.

    Đầu năm 1943 Tổng cục trưởng tình báo quân đội tướng Ilichev gửi thư đến NKVD và cho tướng Xelivanovxky, phó cục trưởng phản gián quân đội XMERS, thông báo rằng các cơ quan đặc biệt Đức đã thâm nhập vào “Dàn đồng ca Đỏ”. Từ điệp viên ở Brussels Gurevich (Kent) đã nhận được cảnh báo mã hoá: ông ta đang làm việc dưới sự kiểm soát của Đức. Trung tâm chấp nhận tiếp tục trò chơi điện đài này với bọn Đức. Mùa thu 1943 ở Geneve và Lozanna các điện báo viên của “Dàn đồng ca Đỏ” bị bắt, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nhận được thông tin từ London của nhóm trưởng Kukin, người thay thế Gorxky.

    Tình báo Anh cho đến giờ vẫn không thừa nhận đã chuyển cho mạng lưới điệp viên ta ở Thuỵ Sĩ các tin tức đã được chỉnh lý lại. Thế nhưng ở Moskva bao giờ cũng có thái độ ngờ vực đối với “Dàn đồng ca Đỏ”. Hoạt động anh hùng của họ ở Đức, Pháp và Thuỵ Sĩ không đem lại vinh quang trong mắt giới lãnh đạo tình báo Xô viết. Không ai xem công việc của họ là đáng tin cậy, bởi vì những mệnh lệnh của Đức được giải mã do người Anh chuyển, không chứa các cứ liệu khẳng định, dựa trên các tài liệu đích thực, mà dựa trên thông tin miệng.

    “Dàn đồng ca Đỏ” đến giờ ở phương Tây vẫn được xem là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu nhưng trên thực tế, thông tin này đối với chúng ta không mang tính chất hàng đầu. Mặc dù vậy, cần thừa nhận là các điệp viên đã hoạt động với lòng dũng cảm và tay nghề cao và nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng. Những người lãnh đạo “Dàn đồng ca Đỏ” Trepper (Seeps lớn), Gurevich (Seeps nhỏ, hay Kent) và Rado (Dor) bị coi là những tên phản bội. Trepper và Rado cố trốn khỏi chính quyền Xô viết; người Anh đã thực hiện truy lùng và dẫn độ họ về Moskva. Tại Moskva họ bị bắt và giam vào nhà tù ở Lubianka.

    Trepper và Rado ở trong tù mười năm cho đến trước khi họ được tha và minh oan vào cuối những năm 50. Trong các hồi ký của mình họ giới thiệu Gurevich như kẻ phản bội, nhưng chính ông đã tóm được, chiêu mộ và đưa về cho chúng tôi ở Moskva năm 1945 tên điều tra viên chính của Gestapo đã chuyên trách vụ “Dàn đồng ca Đỏ”. Tháng 11- 1942 khi Gurevich bị bắt bởi Gestapo, ông đã chuyển được điện báo cảnh báo rằng từ nay ông bị nằm dưới sự kiểm soát của người Đức, còn chỉ dẫn tiếp tục trò chơi điện đài, ông đã làm. Chiến tranh vừa kết thúc, Gurevich đã biết cách thuyết phục viên sĩ quan Gestapo Haints Pannvits, kẻ phụ trách vụ “Dàn đồng ca Đỏ” tiếp xúc với chúng ta. Theo lời Gurevich, đối với tình báo Xô viết, y là một thứ đầy giá trị, bởi đang nắm thông tin cho phép chúng ta phân loại những ai là người có cảm tình và ai là kẻ thù của chúng ta. Điều đó, ông nói, sẽ bảo đảm cho Pannvits sự ân xá và công việc trong các cơ quan an ninh Xô viết. Đang bị sốc vì sự thất bại của nước Đức, Pannvits chấp nhận đề nghị của Gurevich gặp gỡ bí mật với đại diện Nga. Ông ta cùng với Gurevich bị bắt giữ và đưa nhanh về Moskva.

    Thế nhưng những phát giác của Pannvits chỉ được quan tâm hạn chế trong mắt ban lãnh đạo tình báo. Sự nổi tiếng của Pannvits ở phương Tây loại trừ khả năng sử dụng ông ta cho các chiến dịch tích cực. Bởi ông ta có thể báo về những tên chỉ điểm của Gestapo mà chúng ta cùng tình báo Anh vẫn tiếp tục lùng kiếm, đã có quyết định không thủ tiêu ông ta, mà giữ tiếp tục trong tù. Trepper, Rado và Gurevich chia xẻ với số phận ông ta; họ đều sống sót chỉ vì những lời khai của họ có thể trong tương lai vẫn còn cần đến. Sau mười năm ở trong tù Pannvits hồi hương về Đức.

    Từ năm 1946 Rado và Trepper tuyên bố rằng sự đổ vỡ của “Dàn đồng ca Đỏ” xảy ra là do sự phản bội của Gurevich. Sau cái chết của Stalin năm 1953, như người ta nói với tôi, các cựu binh Quốc tế cộng sản đã chạy vạy minh oan cho Rado và Trepper. Vụ việc của họ được xét lại, và năm 1955 họ được cởi bỏ tội phản bội Tổ quốc, dù Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu có phản đối, đưa ra những cáo buộc chống lại họ - sự vi phạm nguyên tắc bí mật và chi phí tiền không được phép. Gurevich được tha năm 1955 theo lệnh ân xá cho những người bị buộc tội cộng tác với Đức, nhưng không được minh oan.

    Gurevich yêu cầu thẳng với Khrusev xem xét việc của ông, nhưng KGB và tình báo quân đội khăng khăng giữ ý mình, dự định biến ông thành vật hy sinh vì sự thất bại của “Dàn đồng ca Đỏ”. Theo bản tìm hiểu đặc biệt được chuẩn bị bởi các lãnh đạo tình báo KGB Xakharovxky và Korotkov, năm 1958 Gurevich lại bị bắt. Lệnh bắt được ký bởi Xerov đến lúc ấy đã trở thành người đứng đầu KGB và Viện trưởng công tố Rudenko. Gurevich bị kết án 20 năm tù giam, nhưng tương ứng với bộ luật hình sự mới thời hạn này được rút xuống 15 năm. Bởi ông đã ngồi gần mười năm, sau 5 năm người ta đã thả ông.

    Sau đủ hạn tù Gurevich đã định cư tại Leningrad nơi ông làm phiên dịch. Hằng năm ông đâm đơn đòi xem xét lại vụ án của mình, nhưng KGB và tình báo quân đội cứ khăng khăng phản đối. Trong lịch sử chính thống ngành tình báo quân sự Xô viết, soạn những năm 60- 70. Gurevich được coi như một kẻ phản bội mà những hành động đã dẫn tới sự đổ vỡ Dàn đồng ca Đỏ tại Đức và Pháp, ở phương Tây trong cuốn sách của Jil Perro Dàn đồng ca Đỏ cũng thể hiện chính quan niệm đó.

    Năm 1990 Viện kiểm soát quân sự hỏi tôi về vụ Gurevich, người vẫn tiếp tục đòi minh oan cho mình. Viện kiểm soát đã tìm được một tài liệu có tầm quan trọng vô cùng - ghi chép công vụ của Bộ Tổng tham mưu gửi NKVD khuyến khích trò chơi điện đài của Gurevich (Kent) với người Đức. Khi vụ Gurevich được bắt đầu xem xét lại, thì hóa ra: lỗi duy nhất của ông là đã lập gia đình ở phương Tây không được sự ủng hộ của Trung tâm. Thế nhưng lãnh đạo tình báo quân đội tiếp tục ngoan cố cản trở phục hồi các quyền của ông. Sau năm 1991 khi cuối cùng Gurevich được giải oan. Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu kiên quyết từ chối trả tiền bồi thường cho ông, không trả lương hưu và quyền cựu chiến binh chiến tranh.

    Con người này vẫn sống. Vợ ông mất ở châu Âu, còn con trai đã cùng vợ và mấy đứa trẻ thường đến Saint- Peterburg gặp gỡ với cha. Câu chuyện Gurevich được viết trên nhiều báo chí Nga, nhưng không ai đặt câu hỏi: ý đồ ác độc của ai trong cơ quan tình báo Liên Xô suốt những năm này vẫn tiếp tục đổ tội lên con người này?


    [...]
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    7. Ý đồ thăm dò ngoại giao bí mật và tung tin giả cho người Đức qua đại sứ Bungari ở Liên Xô Xtamenov

    Đối với chúng tôi, những người biết các vấn đề về cung ứng của quân đội Đức, sắc lệnh của Stalin trụ vững đến cùng trong những năm 1941 và 1942 và bằng bất cứ giá nào chặn kẻ thù lại là tự nhiên và sáng suốt. Nhìn lại, ta thấy rằng những thất bại bi thương của Hồng quân ở Beloruxxia, hàng triệu người bị giết và bị bắt làm tù binh gần Kiev đối với Đức quốc xã, đó chỉ là thành công chiến thuật. Trước bọn Đức là viễn cảnh một cuộc chiến kéo dài mà để chiến thắng thì chúng thiếu nguồn dự trữ cần thiết.

    Đến giữa tháng 7 - 1941 chúng tôi nhận được hai tin quan trọng. Một - qua điện đài từ Berlin, một- từ các nhà ngoại giao và tình báo ta bị Đức cách ly ở Italia và Berlin vào đầu chiến tranh. Sau khi trao đổi với các nhà ngoại giao Đức bị cách ly ở Moskva, bí thư thứ nhất sứ quán Liên Xô ở Berlin Berejkov, nhóm trưởng NKVD Amaiak Kobulov, em trai của Bogdan Kobulov phó của Beria, đã báo rằng bá tước Bomann, người tiễn đoàn tàu các nhà ngoại giao Xô viết rời khỏi nước Đức, đã ngầm nói với họ: có thể tới một ngày khi nước Đức và Liên Xô sẽ thích điều chỉnh các quan hệ của mình trên cơ sở nhường nhịn lẫn nhau.

    Trong những trận chiến suy kiệt gần Xmolenxk quân đoàn tăng của tướng Guderian bị kìm lại. Sự thất vọng tăng lên trong bộ chỉ huy tối cao Đức, bị dấy lên bởi tốc độ di chuyển chậm của các đơn vị Đức vào tháng 7- 1941, được Arvid Harnak báo về từ Berlin. Ngày 25- 7 Beria ra lệnh cho tôi liên lạc với điệp viên Xtamenov, đại sứ Bungari ở Moskva và thông tin cho ông ta kiểu như trong các giới ngoại giao loan tin đồn đại là có khả năng kết thúc hoà bình cuộc chiến tranh Xô - Đức trên cơ sở nhường nhịn lãnh thổ. Beria cảnh báo rằng nhiệm vụ của tôi là bí mật hoàn toàn. Tức có ý là Xtamenov theo sáng kiến riêng sẽ đưa thông tin đó tới tai vua Boris.

    Beria với Molotov kiên quyết cấm tôi giao cho vị đại sứ - điệp viên báo những tin tương tự cho lãnh đạo Bungari, bởi vì ông ta có thể đoán ra là đang tham gia vào một chiến dịch thông tin giả do chúng ta bịa ra tính để giành thời gian và tăng cường lập trường của các giới quân sự và ngoại giao Đức vốn không còn hi vọng có kết thúc chiến tranh bằng thoả hiệp.

    Như Beria chỉ ra trong lời khai vào tháng 8 - 1953 nội dung cuộc trò chuyện với Xtamenov đã được phê chuẩn bởi Stalin và Molotov.

    Xtamenov được chiêu mộ bởi nhà tình báo giàu kinh nghiệm của ta Juravlev năm 1934 tại Roma. Ông ta làm bí thư thứ ba sứ quán Bungari, có cảm tình với Liên Xô và cộng tác với chúng ta hoàn toàn bởi cảm tình. Ông tin chắc vào sự cần thiết của liên minh bền vững giữa Bungari và Liên Xô và coi nó như sự đảm bảo duy nhất bảo vệ các quyền lợi vùng Balkan và trong đường lối châu Âu nói chung.

    Khi Beria lệnh cho tôi gặp Xtamenov, ông lập tức nối điện thoại với Molotov, và tôi nghe thấy Molotov không những ủng hộ cuộc gặp này, mà thậm chí còn hứa thu xếp cho vợ Xtamenov làm việc tại Viện sinh hoá Viện hàn lâm khoa học. Đồng thời Molotov cấm Beria tự mình liên lạc với Xtamenov, tuyên bố rằng Stalin ra lệnh giao cuộc gặp cho người cán bộ NKVD mà ông ta giữ liên lạc để không cho cuộc trò chuyện sắp tới một ý nghĩa quá lớn trong mắt Xtamenov. Bởi tôi chính là người cán bộ đó, nên đã gặp vị đại sứ ở căn hộ của Eitingon, sau đó thêm một lần ở khách sạn Aragvi, nơi văn phòng riêng của chúng tôi được trang bị máy nghe trộm: toàn bộ cuộc nói chuyện được ghi vào băng. Tôi chuyển cho ông ta những tin đồn đang làm người Anh lo sợ. Đến thời gian ấy đã rõ rằng những trận đánh gần Xmolenxk đã có tính chất kéo dài và các tập đoàn tăng của Đức bị tổn thất nặng. Xtamenov không biểu hiện ngạc nhiên đặc biệt nhân các lời đồn này. Ông cảm thấy chúng hoàn toàn đúng đắn. Theo lời ông, tất cả biết cuộc tấn công của Đức phát triển không thuận theo các kế hoạch của Hitler và chiến tranh rõ ràng sẽ kéo dài. Ông tuyên bố rằng ông tin chắc vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta đối với Đức. Đáp lại lời ông, tôi nhận xét:

    - Chiến tranh là chiến tranh. Và có thể, sẽ có ý nghĩa thăm dò khả năng để thương thuyết.

    - Tôi nghi ngờ từ đấy nó thành được cái gì, - Xtamenov phản đối.

    Một lời, chúng tôi xử sự y như là phía Đức chắc cũng làm vậy. Cuộc trò chuyện chỉ là khởi xướng cuộc thăm dò. Tôi đã nhắc đến, rằng Botmann quan chức Bộ Ngoại giao đã có cuộc trò chuyện tương tự như thế với Berejkov.

    Xtamenov không báo các tin đồn được tôi trình bày về Xophia, như chúng tôi tính đến. Chúng tôi tin chắc rằng, vì đã kiểm soát chắc thư từ mã hoá của sứ quán Bungari ở Moskva với Xophia, có sự tiếp cận đến các mật mã của họ mà chúng tôi gọi với nhau là “thơ Bungari”. Sura Kotsergina, vợ Etingon, một cán bộ tác chiến giàu kinh nghiệm của chúng tôi, liên lạc với các điệp viên trong giới ngoại giao và dân lưu vong Bungari ở Moskva và xác định rằng Xtamenov không hề làm gì để kiểm tra và phổ biến những tin đồn chúng tôi tung ra. Nhưng nếu tôi trao cho Xtamenov một mệnh lệnh như thế, ông ta, là điệp viên bị chúng ta kiểm soát trọn vẹn, hẳn sẽ thực thi nó. Và câu chuyện đã kết thúc như thế vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8 - 1941.

    Vậy mà năm 1953, Beria bị buộc tội chuẩn bị kế hoạch lật đổ Stalin và chính phủ Xô viết. Kế hoạch này tiên liệu những thương thuyết mật với các điệp viên của Hitler, đề nghị một sự hoà bình phản bội đơn lẻ trên những điều kiện nhường nhịn về lãnh thổ. Trong cuộc hỏi cung tháng 8 - 1953 Beria chỉ ra rằng ông hành động theo lệnh của Stalin và bộ trưởng Bộ Ngoại giao Molotov.

    Hai tuần trước cuộc hỏi cung Beria, tôi bị gọi vào Kremli nhân vụ điệp viên Xtamenov, nơi tôi đã báo những chi tiết cuộc nói chuyện của chúng tôi với Khrusev, Bulganin, Molotov và Malenkov. Họ chăm chú nghe tôi, không một nhận xét, nhưng muộn hơn tôi bị buộc tội làm liên lạc cho Beria trong âm mưu sử dụng Xtamenov để ký kết hoà bình với Hitler. Mong muốn dựng Beria làm gián điệp Đức và bôi nhọ ông, Malenkov bố trí phái Pegov, thư ký Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao, cùng với các điều tra viên Viện Công tố sang Xôphia. Thế nhưng Xtamenov khước từ cho bất cứ lời khai nào bằng văn bản.

    Thật ra ông khẳng định miệng rằng ông là điệp viên NKVD và cộng tác với tình báo Xô viết vì lợi ích cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít cả ở chính nước Đức cũng như ở các nước liên minh. Những ý đồ tống tiền ông cũng không dẫn tới gì, ví dụ như đe dọa cắt tiền hưu mà ông nhận từ chính phủ Liên Xô vì hoạt động của mình trong thời gian chiến tranh. Theo nhân chứng của Xukhanov, trợ lý của Malenkov, và thông tin của em trai tôi (vợ chú ấy làm việc trong ban thư ký của Malenkov), Pegov từ Xophia trở về với hai bàn tay trắng - không chứng cứ, không lời thú nhận. Tất cả mọi thứ đó được giữ bí mật, nhưng lại có trong bản án của Beria và của tôi.

    Thế nhưng trong hồi ký của mình Khrusev, kẻ biết tất cả các chi tiết ấy, vẫn thích giữ giả thuyết cũ, rằng Beria tiến hành thương lượng đơn phương với Hitler do sự hoảng loạn của Stalin. Theo tôi, Stalin và toàn bộ ban lãnh đạo cảm thấy ý đồ ký kết hoà bình riêng rẽ trong cuộc chiến tranh vô cùng nặng nề này hẳn sẽ tước đi quyền lực của họ. Chưa nói về những tình cảm ái quốc chân chính của họ, điều mà tôi tin chắc; bất cứ hình thức hiệp định hoà bình nào đối với họ cũng không thể chấp nhận. Như những nhà lãnh đạo và chính khách dày dạn của một đế chế vĩ đại, không hiếm khi họ dùng vào mục đích của mình các tin tình báo cho các hành động thăm dò, cũng như để tống tiền các đối thủ cạnh tranh thậm chí là cả với đồng minh.

    Và thế, mạng điệp viên chúng ta tiếp cận với giới thân cận của nhà vua Rumani trẻ tuổi Mikhai, thăm dò mối quan tâm hai chiều của triều đình ông ta và lãnh đạo Xô viết trong việc Rumani thoát khỏi cuộc chiến chống Liên Xô, Anh và Mỹ và tham gia vào chiến tranh chống lại Đức. Còn một sự kiện quan trọng nữa đi trước điều này: nhóm phần tử vũ trang ĐCS Rumani được các cán bộ tác chiến của chúng ta chỉ đạo đã bắt giữ thủ lĩnh phát xít, thủ tướng Antonescu khi y đến thăm nhà vua.

    Trong số những sự kiện hậu trường ít được rõ của Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nên ghi nhận công việc cực kỳ lớn của phó cục trưởng Cục 4 NKVD Melnikov và các điệp viên ngầm Parparov và Iarikov những năm 1930 đã phân hoá các đơn vị địch. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Melnikov để cộng tác với chính quyền Xô viết và để thành lập uỷ ban chống phát xít của tù binh, các tướng Kurt Zeitzler và F.Paulus rơi vào tay chúng ta sau trận chiến Stalingrad được lôi kéo vào. Những tướng lĩnh danh tiếng ấy được xem với tư cách ứng cử viên có khả năng vào thành phần chính phủ Đức chống phát xít lưu vong mà Beria đề nghị tổ chức ở Moskva năm 1944.

    Nhà sử học Leonid Retin viết rất thú vị trong các ấn phẩm của mình về đoạn này. Nói riêng, ông ghi nhận rằng những đề nghị của NKVD về việc thành lập chính phủ Đức lưu vong bị phá hỏng bởi những người cộng sản Đức đang ở Moskva, và ban lãnh đạo Quốc tế cộng sản.

    Trong khi đó sự khước từ đề nghị của NKVD về vấn đề này được gợi nên bởi phía Mỹ, cũng như những phản đối của các chính phủ lưu vong Tiệp Khắc và Ba Lan ở London. Mạng điệp viên của ta ở London và Washington đã đặc biệt cho Liên Xô rõ thái độ của người Tiệp và người Mỹ về dự định vào tháng 8 - 1944 của Stalin và Molotov định mở rộng hoạt động của uỷ ban chống phát xít. Thế nhưng vẫn là điều bí ẩn, sao các đồng minh chúng ta lại biết về những kế hoạch này. Các đề nghị thành lập chính phủ Đức lưu vong chống phát xít vẫn nằm im trong hồ sơ của Cục 4 và trong soạn thảo của Tổng cục quản lý tù binh và những con tin của NKVD.


    [...]
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    8. Những toán và nhóm phá hoại của NKVD trong trận chiến Kavkaz

    Những năm chiến tranh tôi đã tham gia soạn thảo các quyết định về các vấn đề quân sự. Đặc biệt quan trọng là tiếp xúc của tôi với Tham mưu trưởng Hải quân, đô đốc Ixakov và các sĩ quan Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

    Tháng 8- 1942 Beria và Merkulov (cuộc trò chuyện này có Malenkov tham dự) giao cho tôi 150 nhà leo núi để tiến hành những hoạt động chiến đấu tại Kavkaz thời hạn chỉ trong 24 giờ. Khi các nhà leo núi được chuẩn bị xong để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thì lập tức Beria ra lệnh cho tôi cùng với ông và Merkulov bay từ Moskva đến Kavkaz trên máy bay vận tải. Chuyến bay dài dằng dặc. Chúng tôi bay đến Tbilixi qua Trung Á trên chiếc X- 47, những máy bay nhận được từ Mỹ theo lend-liza. Các chiến dịch của chúng tôi - chặn sự triển khai của các đơn vị quân Đức đến Kavkaz trước trận chiến quyết định gần Stalingrad. Chúng tôi dừng ở Kraxnovodxk, sau đó ở Baku, nơi đại tá Stemenko chỉ huy hướng Kavkaz của Cục tác chiến bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình. Đã quyết rằng phân đội đặc nhiệm của chúng tôi cố gắng phong tỏa các đường núi và chặn bước tiến của các đơn vị tinh nhuệ của đối phương.

    Lập tức sau chúng tôi, một nhóm các chỉ huy du kích dày kinh nghiệm và lính dù do một trong những phó của tôi, đại tá Mikhail Orlov chỉ huy đã đến Tbilixi. Họ không để bọn Đức tràn vào Kabardino- Balkaria và gây cho chúng những thất bại nặng nề trước khi bắt đầu cuộc tấn công. Cùng lúc ấy các nhà leo núi đã giật nổ các téc dầu lửa và tiêu diệt các đơn vị mô tô Đức đang ở trong núi.

    Những tổn thất của chính chúng ta cũng to lớn, vì các nhà leo núi phần lớn chưa được huấn luyện chiến đấu. Họ là những nhà leo núi chuyên nghiệp, giỏi về vùng núi, được sự ủng hộ tích cực của những người miền núi. Chỉ dân địa phương ở Tresnia là không giúp họ.

    Tại các cuộc họp tham mưu ở Tbilixi tiến hành dưới sự chủ toạ của Beria, đại diện chính của Tổng hành dinh, tôi thường cảm thấy khó khăn và bối rối, khi sự thể đề cập đến các vấn đề đơn thuần quân sự. Có lần tôi thử chuyển chúng sang Stemenko và nói rằng tôi không thạo chiến lược và chiến thuật quân sự. Beria cắt ngang tôi. “Cần phải nghiên cứu các vấn đề quân sự, đồng chí Xudoplatov ạ. Không nên nói là anh không thạo nghề. Anh sẽ được cử đi học ở Học viện quân sự sau chiến tranh”. Sau chiến tranh thực sự tôi đã vào Học viện và năm 1953, trước khi bị bắt, đã tốt nghiệp.

    Những trận đánh rất nặng nề diễn ra tại Bắc Kavkaz vào tháng 8 và 9 - 1942, khi tôi có mặt ở đó. Phân đội đặc nhiệm của chúng ta đã gài mìn các giếng dầu và tháp khoan ở vùng Mozdok và cho nổ tung đúng khi lính mô tô Đức đến gần. Merkulov và tôi theo dõi vụ nổ, và nhập vào với nhóm phá hoại lùi vào núi sau cùng. Muộn hơn chúng tôi nhận được từ nhóm giải mật mã tin tức từ Thuỵ Điển: bọn Đức đã không thể sử dụng các dự trữ dầu lửa và giếng khoan của Bắc Kavkaz, điều mà chúng rất hi vọng.

    Thế nhưng tôi vẫn nhớ sự chỉ trích mà chúng tôi phải chịu vì hoạt động thành công. Khi chúng tôi quay về Tbilixi, Beria báo là Stalin tuyên bố cảnh cáo Merkulov, phó của Beria, vì sự mạo hiểm khó biện minh khi thực hiện chiến dịch gài mìn: ông ta tự đẩy mình vào nguy hiểm và có thể bị bắt bởi các phân đội tiền tiêu Đức. Beria mắng tôi vì đã cho phép điều đó. Trong trận oanh tạc của bọn Đức một số sĩ quan Tổng hành dinh đang ở Kavkaz đã bị giết, uỷ viên Bộ Chính trị Kaganovich trong đợt ném bom bị thương nặng vào đầu. Thuỷ sư đô đốc Ixakov cũng bị thương, còn một cán bộ Treka Gruzia của chúng tôi, Xadjaia, đã hy sinh.

    Mối lo ngại rằng Tbilixi, mà kể cả toàn Kavkaz, có thể bị kẻ thù chiếm là hiện thực. Trong nhiệm vụ của tôi có việc thành lập hệ thống điệp viên ngầm phòng trường hợp Tbilixi rơi vào tay bọn Đức. Giáo sư Konxtantin Gamxakhurdia (bố của Zviada Gamxakhurdia) là một trong những ứng cử viên vào vị trí nhóm trưởng mạng lưới điệp viên Gruzia. Ông là người cung cấp tin kỳ cựu của NKVD. Lôi kéo ông hợp tác là Beria sau mấy lần bị bắt liên can với những tuyên bố bị buộc tội chống Xô viết và với chủ nghĩa dân tộc. Số phận trớ trêu, trước chiến tranh ông nổi tiếng là kẻ thân Đức: ông cho tất cả mọi người hiểu rằng sự thịnh vượng của Gruzia sẽ phụ thuộc vào việc hợp tác với nước Đức. Tôi rất muốn kiểm tra những lời đồn đại này, và khi nhận được sự đồng ý của Beria, tôi cùng với Xadjaia trò chuyện trong khách sạn Inturist với giáo sư Gamxakhurdia. Tôi có cảm giác ông ta là người thích chơi trội. Thêm nữa, toàn bộ kinh nghiệm trước đó của một người chỉ điểm quy lại là để bán đứng mọi người, chứ không phải gây ảnh hưởng đến họ. Và thêm nữa: ông ta quá bận rộn với sáng tác của mình (ông ta viết tiểu sử Stalin bằng tiếng Gruzia.) Nói chung đó là một người có thiên hướng thích những mưu mô và bằng mọi cách cố lợi dụng sự ưu ái của Beria cho lợi ích bản thân: cả hai là người dân tộc Megrel.

    Tham khảo các cán bộ địa phương, chúng tôi đi tới kết luận là tốt nhất nên dùng Gamxakhurdia vào vai trò khác. Vai trò chính được chuyển cho Matsivariani, kịch gia ở Tbilixi có tiếng là người đứng đắn. Ông nổi tiếng là người trung thực, và chúng tôi yên tâm giao cho ông số tiền lớn, cũng như chế tác vàng bạc mà khi cần có thể dùng cho hoạt động bí mật.

    Viện sĩ Saria, trợ lý của Beria, chịu trách nhiệm về tuyên truyền của đảng ở Gruzia, đã kể với tôi rằng về sau Beria không còn quan tâm gì đến Gamxakhurdia nữa. Thế nhưng ở Gruzia ông ta vẫn là một nhân vật có uy thế - một vị thánh trong giới văn hoá. Đã rõ rằng chính Stalin cấm bắt ông ta. Năm 1954 khi Beria đã bị bắn, chính quyền Gruzia muốn xử Gamxakhurdia và KGB địa phương xin Moskva cho phép bắt ông ta như đồng lõa của Beria, kẻ đã đầu cơ chính trị trên những mối liên hệ với kẻ thù của nhân dân. Như nhà văn Kirill Xtoliarov, người nghiên cứu các sự kiện những năm 1953 - 1954, kể với tôi, người ta muốn buộc Gamxakhurdia vào tội là theo chỉ thị của Beria, tống tiền các đại diện trí thức Gruzia, buộc họ liên lạc với cơ quan đặc biệt Đức. Chính vì điều đó, những khoản buộc tội ông ta khẳng định, trong những năm chiến tranh ông ta nhận từ Beria và Mikoian những số tiền lớn.

    Theo lời Saria, rốt cuộc người ta để Gamxakhurdia yên, như tôi rõ, ông ta chết ở Tbilixi vào những năm 70. Con trai ông ta trở thành tổng thống đầu tiên của Gruzia độc lập, năm 1992 bị lật đổ và cuối năm 1993, như thông báo, đã tự tử.

    Năm 1953 người ta cũng buộc tội Beria gây tổn thất cho quốc phòng trong thời gian trận chiến tại Kavkaz. Lúc ấy vì sự liên hệ với Beria, Stemenko bị đuổi khỏi quân đội. Nhưng người ta đã không xoáy mạnh tội của Stemenko vì lợi ích của giới lãnh đạo chóp bu. Nguyên soái Gretsko lúc ấy là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian chiến tranh đã chiến đấu tại Kavkaz dưới sự chỉ huy của Beria. Dễ hiểu rằng những cáo buộc dành cho Beria hẳn sẽ là bumerang (con quay) đánh vào giới lãnh đạo quân sự cao nhất. Vậy nên trong thông báo cho báo chí tuyên án đối với Beria không đưa vào những buộc tội phản bội trong giai đoạn trận chiến tại Kavkaz.

    Xadjaia hy sinh trong trận ném bom, còn Stemenko không nhắc đến các quan hệ với tôi, vậy nên tôi không bị hỏi cung liên quan đến phòng thủ Kavkaz theo vụ Beria. Muộn hơn các điều tra viên nói chung đã mất đi sự quan tâm đến điều đó, dù tôi có lúc đã nghe từ họ những nhận xét, rằng tôi đã nhận không xứng đáng huy chương “Vì sự phòng thủ Kavkaz”, bởi đã cùng với Beria lừa đảo chính phủ Xô viết.


    [...]
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    9. Các trò chơi điện đài chiến lược "Tu viện" và “Berezino” với tình báo Đức

    Sau chiến bại của Đức ở Stalingrad, đầu năm 1943 Moskva sôi động trở lại. Hết nhà hát này đến nhà hát khác bắt đầu mở cửa. Điều đó nói rằng ngoài mặt trận đã diễn ra bước ngoặt. Vợ tôi với các con nhỏ, Andrei và Anatoli, quay về từ Ufa và làm giảng viên tại Học viện cao cấp NKVD. Tạm thời chúng tôi sống trong khách sạn Moskva, vì hệ thống sưởi trong ngôi nhà không làm việc, sau mấy tháng chúng tôi chuyển về một ngôi nhà không lớn, tất thẩy chỉ chín căn hộ tại ngõ cạnh Lubianka.

    Vào thời đó, Moskva theo dõi sát sao câu chuyện của nhà thơ nổi tiếng Konxtantin Ximonov và Valentina Xerova, nữ nghệ sĩ cũng nổi tiếng không kém. Cuộc hôn nhân của họ không hạnh phúc, và sau chiến tranh Ximonov ly dị Xerova. Tôi và vợ mấy lần gặp cặp này tại nhà ăn đặc biệt. Ilin, chính uỷ an ninh phụ trách “mặt trận văn hoá”, than vãn: ít gì việc, lại còn phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Ximonov nữa! Ximonov là một tay lái xe liều mạng hiếm có. Lợi dụng vị thế ưu đãi của mình, ông ta làm tất cả những gì ông muốn. Thêm nữa ông lại có quan hệ tốt với Vaxili Stalin nổi tiếng máu mê với rượu và ăn chơi bạt mạng.

    Ilin kể với tôi phản ứng của Stalin (bây giờ nó đã công khai rộng rãi) với tập thơ của Ximonov xuất bản năm 1942 và đúng nghĩa là làm rung chuyển giới bạn đọc “Với em và thiếu em”, dành tặng Valentina Xerova. Sự nổi danh lớn đến mức không thể tìm mua nó.

    Vào thời điểm ấy Stalin lo lắng thật sự vì con gái ông, Xvetlana, si mê nhà viết kịch bản phim Kapler. Các phim của ông ta - Lenin Tháng Mười và Lenin năm 1918 thời ấy có thành công lớn. Xvetlana mới mười sáu, còn ông ta đã ngoài ba mươi. Muộn hơn Beria bị buộc tội là tổ chức đánh Kapler ngoài đường phố. Nếu điều đó là thực sự, thì ông có thể làm theo lệnh của Stalin. Trước khi bị bắt tôi không hề biết gì về chuyện này. Còn chính Kapler thì cuối cùng người ta bắt và đày vào trại tập trung, theo các tài liệu tác chiến, khi lập án một cách hình thức với ông ta “như gián điệp Anh”, vì tội quyến rũ trẻ vị thành niên và truyền bá tiếu lâm chống Xô viết.

    Những trò chơi điện đài lớn hơn cả về mặt ý nghĩa là Berzino và Tu viện. Thoạt đầu chiến dịch Tu viện được soạn thảo bởi nhóm chúng tôi và Cục chính trị mật NKVD, còn sau đó từ tháng 7 - 1941 kết hợp chặt chẽ với GRU. Mục đích chiến dịch Tu viện là thâm nhập vào mạng lưới điệp viên của Abwehr đang hoạt động trên lãnh thổ Liên Xô. Để làm điều đó chúng tôi thành lập nhanh một tổ chức chống Liên Xô thân Đức, đang tìm tiếp xúc với bộ chỉ huy tối cao Đức. Bất chấp những đợt thanh trừng kỹ lưỡng vào những năm 20 và 30, nhiều đại diện của giới thượng lưu Nga vẫn còn sống sót; thật ra, tất cả họ bị giám sát, còn một số trở thành người cung cấp tin và điệp viên quan trọng của ta.

    Phân tích tài liệu và thành phần mạng điệp viên mà phản gián NKVD chuyển cho chúng tôi, chúng tôi quyết định sử dụng một Glebov nào đó, cựu chủ tịch hội đồng qúy tộc Nijny Novgorod, với tư cách mồi nhử. Đến thời gian này Glebov đã ngoài bảy mươi. Người này nổi tiếng trong các giới thượng lưu cũ: chính ông ta năm 1915 ở Koxtroma đã chào đón gia đình sa hoàng nhân dịp lễ trọng 300 năm triều đại Romanov. Vợ Glebov là người trong hoàng tộc nữ hoàng Nga cuối cùng Alexandra Fedorovna. Tóm lại, từ tất cả những đại diện giới thượng lưu Nga còn sống, theo chúng tôi Glebov là ứng cử viên tốt nhất. Tháng 7- 1941, ông ta, gần như là kẻ ăn xin, nương nhờ trong tu viện Novodevitsi.

    Tất nhiên, ông ta chẳng biết công tác điệp viên. Kế hoạch của chúng tôi là để Glebov và người thứ hai, cũng dòng họ danh giá (đó là điệp viên ta), chiếm được sự tín nhiệm của bọn Đức. Điệp viên Alexandr Demianov (Geine) và vợ anh, cũng là điệp viên NKVD, đi thăm tu viện Novodevitsi nhận ban phước trước việc Alexandr chuyển ra mặt trận vào đơn vị kỵ binh. Số đông những người phục vụ tu viện là những người báo tin ngầm của NKVD. Trong thời gian thăm tu viện người ta giới thiệu Demianov với Glebov. Giữa họ nảy sinh tình cảm thân thiện. Demianov thể hiện mối quan tâm đến lịch sử nước Nga, còn Glebov hoài niệm về thời quân chủ. Glebov quý sự gần gũi với người bạn mới, còn anh thường dẫn những người bạn mới, có cảm tình với Glebov đến gặp và muốn làm quen với ông ta. Đó hoặc là những nhân vật được NKVD tin cẩn, hoặc các cán bộ tác chiến. Tổ chức mỗi cuộc gặp gỡ này là Makliarxky, người trực tiếp lãnh đạo điệp viên Demianov.

    Alexandr Demianov đích thực thuộc dòng họ danh giá: cố anh ta Golovatưi là thủ lĩnh (ataman) đầu tiên của giới kozac Kuban, còn bố, sĩ quan sa hoàng, đã hy sinh anh dũng năm 1915. Chú của Demianov, là chỉ huy phản gián của Bạch vệ tại Bắc Kavkaz. Bị các chiến sĩ Treka bắt, ông ta chết trên đường giải về Moskva. Mẹ của Alexandr là một phụ nữ đẹp của thành Peterburg, rất nổi tiếng trong giới thượng lưu của Thủ đô cũ. Bà mấy lần từ chối những lời mời di tản sang Pháp. Tướng Ugalai, một trong những thủ lĩnh Bạch vệ lưu vong cộng tác tích cực với bọn Đức từ năm 1941 đến năm 1945 quen biết bà. Tuổi thơ Alexandr ảm đạm bởi những cảnh khủng bố - cả của quân Đỏ lẫn quân Trắng - mà anh đã chứng kiến trong cuộc Nội chiến, khi chú anh chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ugalai.

    Mẹ anh khước từ cuộc sống lưu vong, họ trở về Peterburg, anh làm thợ điện: anh bị đuổi khỏi trường đại học Bách khoa nơi anh thi vào và giấu giếm quá khứ (thời ấy anh không thể được nhận bằng cấp kỹ thuật vì dòng dõi không vô sản). Năm 1929 anh bị bạn là Ternovxky chỉ điểm là cất giấu vũ khí và tuyên truyền chống Xô viết nên bị GPU bắt. Thực chất thì súng lục được ngầm bỏ vào. Kết quả là Alexandr bị buộc phải cộng tác cho GPU. Nhờ gia thế, anh được nhằm dùng cho việc móc nối với bạch vệ lưu vong ở nước ngoài và giới thượng lưu còn lại ở Liên Xô. Năm 1927, Alexandr là nhân chứng vụ bọn khủng bố Bạch vệ gây nổ Toà nhà Giáo dục chính trị ở Leningrad. Alexandr làm việc cho chúng ta, sử dụng các mối quan hệ gia đình.

    Chả bao lâu anh được chuyển về Moskva, nơi anh nhận được chân kỹ sư điện tại xưởng Mosfilm. Thời ấy đời sống văn hoá tập trung quanh xưởng phim. Nhờ bề ngoài dễ yêu và phong cách hào hoa anh dễ gia nhập vào hội các diễn viên, nhà văn, nhà viết kịch và nhà thơ. Anh chia sẻ căn phòng của mình trong chung cư ở giữa Moskva với một diễn viên Nhà hát nghệ thuật Moskva. Chúng tôi kiếm cho anh cả một con ngựa - thứ hiếm đối với thời ấy. Hoàn toàn tự nhiên, điều đó giúp anh mở rộng tiếp xúc với các nhà ngoại giao. Alexandr kết bạn với nhà đạo diễn Xô viết nổi tiếng Mikhail Romm và các nhà hoạt động văn hoá khác. NKVD cho phép nhóm tinh hoa này của giới nghệ sĩ và các đại diện của giới thượng lưu cũ sống lối sống thượng lưu, không hạn chế họ điều gì, nhưng một phần bọn họ đã được tuyển mộ, phần còn lại bị theo dõi sát sao để sử dụng khi cần đến.

    Ilin và Makliarxky “dẫn dắt” Demianov. Anh không được dùng như một kẻ cung cấp tin nhỏ nhoi, nhiệm vụ của anh là mở rộng phạm vi quen biết trong số các nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài - những khách thường xuyên của trường đua ngựa và các buổi công diễn của nhà hát. Sự xuất hiện của Demianov trong giới nghệ sĩ là hoàn toàn tự nhiên, điều giúp anh dễ dàng thiết lập các mối kết giao cần thiết. Anh không bao giờ che giấu dòng dõi của mình, và điều đó dễ kiểm tra trong các giới lưu vong ở Paris, Berlin và Belgrad. Cuối cùng các nhân viên sứ quán Đức và Abwehr đã nghiêm túc quan tâm đến Demianov.

    Ngay trước ngưỡng cửa chiến tranh, Demianov báo rằng nhân viên đại diện thương mại Đức ở Moskva như tình cờ nhắc đến họ tên mấy người gần gũi với gia đình Demianov trước cách mạng. Được Ilin chỉ dẫn, Demianov không thể hiện chút quan tâm nào tới những lời của tên Đức: tên này lộ rõ ý đồ chiêu mộ anh. Có thể từ thời điểm ấy tên anh đã có trong hồ sơ tác chiến của tình báo Đức dưới một mật danh nào đó rồi. Muộn hơn, theo hồi ức của Helen, sếp tình báo bộ tham mưu bộ binh, anh được dành cho tên gọi “Maks”.

    Tiếp xúc đầu tiên với tình báo Đức ở Moskva đã thay đổi tận gốc số phận của anh: từ đây trong hồ sơ điệp viên của anh xuất hiện một cái dấu riêng do Makliarxky vạch. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp chiến tranh với người Đức, Demianov có thể trở thành một trong những nhân vật chủ chốt mà các cơ quan đặc biệt Đức quan tâm đến. Tới lúc bắt đầu chiến tranh, thâm niên điệp viên của Demianov đã gần mười năm. Đó những chiến dịch phản gián nghiêm túc khi anh phải tiếp xúc với những kẻ không nghĩ chuyện che giấu tín niệm chống Xô viết. Đúng lúc bắt đầu chiến tranh Demianov tình nguyện gia nhập kỵ binh, nhưng số phận đã định sẵn cho anh: anh trở thành một trong số điệp viên quý giá nhất được chuyển sang cho tôi để thực thi những chiến dịch đặc biệt. Tháng 7- 1941, Gorlinxky, Cục trưởng Cục chính trị mật của NKVD, và tôi xin phép Beria dùng Demianov cùng với Glebov để tiến hành trong lòng địch chiến dịch Tu viện. Để cho chiến dịch Tu viện được khách quan, chúng tôi điều động cả nhà thơ Xadovxkv, nhà điêu khắc Xidorov có thời đã học ở Đức và không xa lạ gì với các cơ quan đặc biệt Đức, nhà họ ở Moskva được dùng cho các liên lạc bí mật.

    Như tôi đã nhắc đến, ý đồ của chúng tôi chung quy là để thành lập một tổ chức bí mật chống Liên Xô, Ngai vàng, mà hẳn có thể đề nghị với bộ chỉ huy tối cao Đức sự giúp đỡ với điều kiện các thủ lĩnh của nó sẽ nhận những địa vị tương ứng trong cơ quan hành chính mới chống bolsevich tại các lãnh thổ chiếm đóng. Chúng tôi hi vọng bằng cách ấy làm rõ được các điệp viên Đức và thâm nhập vào mạng lưới tình báo Đức ở Liên Xô. Hồ sơ điệp viên Ngai vàng và Tu viện nhanh chóng căng phồng biến thành nhiều tập. Bất chấp việc những chiến dịch này được khơi gợi và ủng hộ bởi Beria, Merkulov, Bogdan Kobulov và nhiều cán bộ cao cấp khác của cơ quan an ninh quốc gia về sau bị thanh trừng, chúng vẫn là mẫu mực của sự làm việc lão luyện trở thành kinh điển trong các sách giáo khoa và được giảng dạy trong các trường chuyên môn, dĩ nhiên thiếu viện dẫn chính danh các điệp viên và cán bộ tác chiến cùng hành động trong chiến dịch này.

    Trò chơi điện đài thoạt đầu là phương tiện làm rõ những kẻ cộng tác với bọn Đức, thực tế đã phát triển thành sự đối chọi giữa NKVD và Abwehr.

    Sau sự chuẩn bị kỹ càng Demianov (Geine) tháng 11 - 1941 vượt chiến tuyến với tư cách phái viên tổ chức Ngai vàng chống Xô viết và thân Đức. Nhóm Abwehr mặt trận của Đức có thái độ ngờ vực rõ rệt đối với kẻ vượt tuyến. Bọn Đức quan tâm nhất là bằng cách nào anh trượt tuyết qua nổi bãi mìn. Demianov nói không ngờ về nỗi nguy hiểm và chỉ điều kỳ diệu mới giúp anh nguyên vẹn. Anh bị hỏi cung lâu, chúng bắt khai về sự bố trí các đơn vị trên chiến tuyến, sau đó chúng dựng màn xử bắn, để buộc anh thú nhận sự cộng tác với tình báo Xô viết. Không đạt được gì, chúng đưa Demianov về Xmolenxk. Ở đấy các sĩ quan Abwehr bộ tham mưu Valli đã hỏi cung anh. Sự ngờ vực dần dần tan đi. Chúng tin Demianov sau khi đã kiểm tra về anh trong giới lưu vong Nga, và tin chắc rằng trước chiến tranh anh không bị kéo vào các chiến dịch tình báo do OGPU- NKVD tiến hành thông qua kiều dân Nga. Bọn Đức rất rõ rằng trong đám lưu vong Nga đầy điệp viên NKVD vốn hoạt động khá hiệu quả: nhiều người tản cư vui lòng cộng tác với chúng ta tự ý thức yêu nước và cảm giác có tội đối với Tổ quốc. Ngoài ra trước chiến tranh, điệp viên Abwehr đã tiếp xúc với anh, chúng đã chuẩn bị anh với tư cách nguồn và trong hồ sơ Berlin anh hiện diện dưới mật danh “Maks”. Abwehr đã đặt cọc vào anh.

    Demianov qua một khoá huấn luyện trong trường Abwehr. Khó khăn duy nhất đối với anh là phải giấu rằng anh biết làm việc với điện đài và biết xử lý mật mã. Bọn Đức rất hân hoan đã chiêu mộ được một điệp viên tài năng đến thế. Điều đó giảm bớt công việc của chúng ta bởi anh có thể được ném đến hậu phương chúng ta không cần điện đài viên.

    Giờ đây bọn Đức đặt trước Demianov (Maks) những nhiệm vụ cụ thể: anh cần nằm ổ tại Moskva và lợi dụng tổ chức và các quan hệ của mình thành lập một mạng điệp viên với mục đích lọt vào bộ tham mưu Hồng quân. Anh còn có nhiệm vụ tổ chức các vụ phá hoại đường sắt nữa.

    Tháng 2- 1942 quân Đức ném “Maks” nhảy dù xuống lãnh thổ ta cùng với hai trợ thủ. Chúng chọn thời gian không đúng: trong bão tuyết cả ba đã lạc nhau và từng tên một lần mò từ Iaroxlabl về Moskva. Demianov liên lạc với chúng tôi và nhanh chóng nắm vững trách nhiệm nhóm trưởng điệp viên Đức. Cả hai trợ thủ chả bao lâu sau đã bị bắt. Bọn Đức bắt đầu phái người đưa tin nối liên lạc với “Maks”. Số đông kẻ đưa tin này chúng tôi đã biến thành điệp viên hai mang, còn một số thì bị bắt. Chúng ta đã bắt giữ được hơn 50 điệp viên Abwehr phái đi liên lạc.

    Demianov là điệp viên được sự ủng hộ của cả gia đình. Đó là may mắn cho chúng tôi. Các chi tiết hoạt động tình báo của anh được vợ và bố vợ biết rõ. Vi phạm nguyên tắc, chúng tôi làm điều đó theo một lý do đơn giản mà chúng tôi thấy là sáng suốt. Lý do đó như sau.

    Vợ anh là Tachiana Berezansova làm trợ lý đạo diễn tại Mosfilm và có uy tín lớn trong các nhà hoạt động điện ảnh và sân khấu. Bố vợ, giáo sư Berezansov trong giới hàn lâm Moskva được xem là thần y và là nhà tư vấn chủ chốt của các phòng khám của Kremli. Ông, một trong số hiếm hoi các chuyên gia tầm cỡ được phép hành nghề tư. Giới ngoại giao cũng biết rõ Berezansev, điều rất quan trọng đối với chúng tôi. Thời ấy ông ngoài năm mươi, học vấn cao, ông nói tuyệt vời tiếng Đức (ông học ở Đức), tiếng Pháp và tiếng Anh. Căn hộ của ông được dùng là điểm gặp cho tổ chức Ngai vàng, còn muộn hơn để liên lạc với bọn Đức. NKVD hiểu rằng bọn Đức sẽ dễ dàng kiểm tra ai là người sống trong nhà này, và có vẻ là tự nhiên rằng toàn bộ gia đình mà gốc rễ bắt sâu vào quá khứ nước Nga Sa hoàng, rất có thể bị lôi kéo vào âm mưu chống Liên Xô.

    Theo đề nghị của tôi. nhóm điệp viên Đức đầu tiên cần được tự do 10 ngày để chúng ta có thể kiểm tra các điểm hẹn của chúng và biết chúng còn liên lạc với ai nữa không, ngoài Demianov (Maks). Beria và Kobulov cảnh báo tôi rằng nếu ở Moskva nhóm này gây nên vụ phá hoại hay ám sát thì tôi không giữ nổi đầu.

    Vợ của Demianov hoà thuốc viên đặc dụng vào trà và vodka, mời các điệp viên Đức trong nhà mình, và khi chúng ngủ vì tác động của thuốc mê, các chuyên gia chúng ta vô hiệu hoá lựu đạn, vũ khí và chất độc của chúng. Thực ra, một phần vũ khí có điều khiển từ xa, nhưng các chuyên gia cho rằng nói chung các điệp viên ấy đã bị tước vũ khí. Những thao tác như thế tại nhà Demianov là khá mạo hiểm: “những vị khách” có thể lực tuyệt vời và mấy lần, bất chấp thuốc mê, đã bất ngờ tỉnh lại sớm hơn thời hạn.

    Một số tên đưa tin, đặc biệt người vùng Baltic, chúng tôi cho phép quay về ban tham mưu Abwehr với điều kiện là họ báo cáo về hoạt động thành công của mạng lưới điệp viên ở Moskva. Phù hợp với huyền thoại chúng tôi tạo nên, Demianov được bố trí chức vụ sĩ quan liên lạc của Bộ tổng tham mưu Hồng quân. Theo mức độ chúng tôi soạn thảo các nguồn tin giả dành cho quân Đức trong số cựu sĩ quan quân đội Sa hoàng phục vụ dưới trướng nguyên soái Saposnikov, toàn bộ chiến dịch biến thành kênh tung tin giả quan trọng. Trò chơi điện đài với Abwehr càng ráo riết hơn. Giữa năm 1942 việc đảm bảo kỹ thuật điện đài của trò chơi được giao cho Fiser- Abel.

    Demianov tạo được ấn tượng là nhóm của anh đã tiến hành phá hoại trên tuyến đường sắt gần Gorki. Để khẳng định hành động phá hoại và củng cố thanh danh của Demianov, chúng tôi tổ chức mấy thông tin trên báo chí về hoạt động phá hoại trên tuyến đường sắt.

    Trong lưu trữ của Đức chiến dịch Tu viện nổi danh dưới tên Hồ sơ điệp viên Maks. Trong hồi ký Phụng sự của mình Helen đánh giá cao vai trò của điệp viên “Maks” - nguồn chủ yếu của thông tin chiến lược quân sự về các kế hoạch của Tổng hành dinh Liên Xô trong suốt những năm khó khăn nhất của chiến tranh, ông ta thậm chí chỉ trích giới lãnh đạo quốc xã vì họ đã coi thường những thông báo kịp thời được “Maks” chuyến về từ Moskva bằng điện đài, về sự phản công của các đạo quân Xô viết, cần phải khen các cơ quan đặc biệt Mỹ: họ không tin Helen và trong một loạt ấn phẩm đã chỉ thẳng rằng tình báo Đức bị mắc câu của NKVD. Thế nhưng Helen tiếp tục giữ quan điểm của mình: sự làm việc của “Maks” là một trong những thí dụ ấn tượng nhất của Abwehr trong những năm chiến tranh.

    Phụ trách tình báo cơ quan an ninh Đức Walter Schellenberg trong hồi ký của mình khẳng định rằng, thông tin quý giá đến từ nguồn ở gần gũi với Rokoxxovxky. Thời ấy “Maks” là sĩ quan liên lạc phục vụ trong ban tham mưu của Rokoxxovxky - nguyên soái tư lệnh cánh quân Mặt trận Beloruxia. Theo lời Schellenberg, viên sĩ quan có tinh thần chống Liên Xô và căm thù Stalin vì đã chịu sự thanh trừng vào những năm 30 và ngồi tù hai năm.

    Uy tín của “Maks” trong mắt lãnh đạo Abwehr đúng là cao - anh nhận từ bọn Đức “Huân chương chữ thập sắt với lưỡi kiếm”. Về phần mình, chúng ta đã tặng thưởng anh Huân chương Sao đỏ.

    Vợ của Demianov và bố của cô vì sự mạo hiểm trong khi thực hiện những nhiệm vụ quan trong được thưởng huy chương Vì chiến công.

    Từ lưu trữ của Đức thấy rõ bộ chỉ huy quốc xã đã có một số sai lầm nguy hại một phần vì dựa trọn vẹn vào thông tin của Abwehr nhận từ nguồn của Tổng hành dinh Liên Xô. Tin giả được chuyển bởi “Geine”- ”Maks”, được chuẩn bị tại Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu với sự tham gia của một trong những nhà lãnh đạo nó, Stemenko sau đó được phê duyệt ở Tổng cục tình báo Bộ tổng tham mưu và được chuyển về NKVD để bảo đảm việc nhận nó bằng các tình huống đáng tin. Theo suy nghĩ của Stemenko những chiến dịch của Hồng quân đích thực được tiến hành vào những năm 1942- 1943 ở nơi chúng được “Geine”- “Maks” “tiên đoán” cho bọn Đức, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa đánh lạc hướng, bổ sung thôi.

    Tin giả đôi khi có ý nghĩa chiến lược. Như thế, 4- 11- 1942 “Geine”- “Maks” báo rằng Hồng quân sẽ ra đòn ngày 15- 11 không phải ở Stalingrad, mà ở Bắc Kavkaz và gần Rơjev. Bọn Đức đón cú đánh gần Rơjev và đánh bật nó. Thế nhưng sự bao vây tập đoàn quân của Paulus ở Stalingrad đối với chúng là sự bất ngờ trọn vẹn.

    Không ngờ về trò chơi này, Jukov đã trả một giá đắt - trong cuộc tấn công gần Rơjev hàng nghìn và hàng nghìn chiến sĩ dưới sự chỉ huy của ông đã ngã xuống. Trong hồi ký ông thừa nhận rằng kết cục của chiến dịch tấn công này là không thoả mãn. Thế nhưng không bao giờ ông biết rằng quân Đức đã được báo trước về cuộc tấn công của ta trên hướng Rơjev, vì thế chúng đã ném về đấy một số lượng quân đội nhiều như vậy.

    Tin giả của “Geine”- ”Maks”, như thấy từ hồi ký của Helen cũng tác động làm bọn Đức hoãn mấy lần cuộc tấn công vòng cung Kurxk, điều đã làm lợi cho Hồng quân.

    Một phần thông tin được gửi về Berlin đã quay lại với chúng ta từ người Đức. Nó là thế này. Vào những năm 1942- 1943, một thời gian không dài, đến trước khi bị phát giác, cộng tác với chúng ta là đại tá Smith, một trong những người lãnh đạo mã hoá của cơ quan Abwehr. Ông chuyển cho người chúng ta ở Pháp những tin tức tình báo Abwehr nhận được từ Moskva. Chúng tôi phân tích và làm rõ, đó chính là thông tin giả của chúng ta được “Geine”- “Maks” truyền đi.

    Một trong những mã hoá chúng tôi nhận được ba lần. Lần đầu - từ Pháp thông qua Smith vào tháng 2- 1943. Lần thứ hai vào tháng 3- 1943 từ Etonni Blant (nhóm Cambrige) phục vụ trong tình báo Anh: ông ta báo với Gorxky, nhóm trưởng của ta ở London, rằng bọn Đức ở Moskva có một nguồn thông tin quan trọng trong giới quân sự. Lần thứ ba - người Anh qua tổ chức liên lạc của ta ở London, vào tháng 4- 1943 cũng chuyển chính thông báo đó, kiểu như tình báo Anh bắt được ở Đức. Trong thực tế người Anh nhận được thông tin này nhờ máy giải mật mã “Enigma” và đưa ra cho chúng ta dưới dạng đã cắt tỉa, như họ còn thực hiện tiếp trong tương lai. Bộ chỉ huy tối cao Đức sử dụng thông tin được “Geine”- ”Maks” chuyển đến để định hướng các những đơn vị chiến đấu tại Balkan. Tình báo Anh bắt được tin này gửi từ Berlin đi Balkan, vậy nên cuối cùng chúng tôi đã nhận được chính các tin tức của mình từ Blant, Kernkross và Filby. Điều đó chứng tỏ rằng thông tin giả của ta đang hoạt động. Tại Thụy Sĩ cơ quan đặc biệt Anh, như tôi đã nhắc đến, đưa tin bắt được bằng “Enigma” đã điều chỉnh cho điệp viên của mình vốn giữ tiếp xúc với Rexxler, người đến lượt mình lại chuyển cho “Dàn đồng ca Đỏ”, mà từ đấy nó đi về Trung tâm. Và thế, chúng tôi có hai giả thuyết được nảy sinh thoạt đầu bởi tin giả của chúng ta được “Maks” truyền đi.

    Tháng 2- 1943 chúng tôi nhận được từ London giả thuyết biến dạng thông báo của Demianov về Berlin cùng sự chỉ ra rằng tình báo Đức có người cung cấp tin trong giới quân sự. Muộn hơn qua nhóm trưởng của ta ở London Tsitsaev cơ quan đặc biệt Anh cảnh báo với chúng ta: có cơ sở cho rằng ở Moskva bọn Đức có nguồn quan trọng của mình, mà qua đó thất thoát tin tức quân sự. Chúng tôi hiểu đó chính là Demianov.

    Nên lưu ý, chiến dịch Tu viện với sự tham gia của “Geine”- ”Maks” được nghĩ ra hoàn toàn là có tính chất phản gián. Thế nhưng muộn hơn chiến dịch có tính chất của trò chơi tung tin giả chiến lược.

    Trong những năm 1942- 1943 chúng ta đã trọn vẹn chiếm được sáng kiến trong trò chơi điện đài với tình báo Đức. Đó là nhờ chúng tôi cài những điệp viên tin cậy vào trường gián điệp phá hoại của Abwehr, những kẻ được tung vào hậu phương chúng ta ở Xmolenxk, tại Ucraina và ở Beloruxia. Chiến dịch thành công về việc tóm bắt bọn phá hoại được ghi nhận trong hồ sơ có tên “Trường học”. Chiêu mộ trưởng phòng hộ chiếu của trung tâm huấn luyện ở Katưn, chúng tôi biết được sự bố trí của hơn 200 điệp viên Đức vào hậu phương ta. Tất cả chúng đều hoặc bị vô hiệu hoá hoặc bị ép buộc cộng tác. Theo các tài liệu này đã dựng một loạt phim nhiều tập theo truyện của V.Ardamatxky “Xaturn” hầu như không rõ.

    Năm 1943 Người thừa kế của trung tâm dân tộc chủ nghĩa huyền thoại ở Uzbekixtan, được sự tín nhiệm trọn vẹn của Gestapo, theo nhiệm vụ của chúng tôi đã làm đổ vỡ những vụ phá hoại lớn của bọn phát xít tại Trung Á.

    Trong việc tiến hành công tác quan trọng này cán bộ tác chiến của Cục 4 Makliar và Garbuz đóng vai trò to lớn. Garbuz đã ném điệp viên lớn này,vốn từ một gia đình lãnh đạo Uzbekixtan bị thanh trừng năm 1937, qua chiến tuyến để làm tan rã “đạo quân Turkextan” của Đức.


    [...]
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    10. Mưu mô giữa lãnh đạo XMERS và NKVD, số phận bi thảm của llin, Cục trưởng Cục chính trị mật NKVD

    Sau đó bắt đầu những mưu mô quan liêu giữa phản gián quân đội (XMERS), NKVD và lãnh đạo tình báo quân đội. Abakumov đứng đầu XMERS bất ngờ xuất hiện trong văn phòng tôi và tuyên bố rằng, theo sắc lệnh của Tổng hành dinh tôi phải chuyển cho ông ta toàn bộ sự lãnh đạo về các trò chơi điện đài: phản gián quân đội chịu sự điều hành của bộ trưởng Quốc phòng, chứ không phải NKVD làm công việc này. Tôi đồng ý nhưng với điều kiện nếu có mệnh lệnh của cấp trên. Sau một ngày một lệnh như thế xuất hiện, chúng tôi được giữ lại hai: chiến dịch Tu viện và Những trợ tế. Abakumov rất không hài lòng, bởi biết rằng các kết quả của những chiến dịch này được báo cáo trực tiếp cho Stalin.

    Chiến dịch Những trợ tế được tiến hành dưới vỏ bọc của một tổ chức tôn giáo bí mật chống Xô viết tồn tại ở Quybưsev được sự ủng hộ của nhà thờ chính thống Nga ở Moskva. Theo huyền thoại, lãnh đạo tổ chức bí mật này là giám mục Ratmirov. Ông ta làm việc dưới sự kiểm soát của Zoia Rưbkina ở Kalinin khi thành phố ở trong tay bọn Đức. Với sự cộng tác của giám mục Ratmirov và tổng giám mục Xergi chúng tôi đã cài được hai sĩ quan trẻ NKVD vào giới nhà thờ hợp tác với Đức tại các vùng bị chiếm. Sau khi giải phóng thành phố, giám mục chuyển đến Quybưsev. Nhân danh ông chúng tôi cử họ từ Quybưsev đi tu viện Pxkov với tư cách trợ tế với thông tin cho tu viện trưởng, kẻ hợp tác với bọn chiếm đóng Đức. Bọn Đức biết rõ cả hai viên trợ tế.

    Quân Đức phái đến Quybưsev các điện báo viên từ số tù binh mà chúng tôi nhanh chóng chiêu mộ được. Trong khi đó hai trợ tế- sĩ quan chúng ta đã triển khai hoạt động sôi nổi ở tu viện.

    Trong số những người phụng sự nhà thờ có không ít điệp viên NKVD. Bọn Đức tin chắc ở Quybưsev có cơ sở gián điệp. Giữ liên lạc điện đài thường xuyên với phòng tình báo của mình ở Pxkov, chúng luôn luôn nhận được từ chúng tôi tin giả về sự vận chuyển nhiên liệu và trang bị quân sự từ Xibir ra mặt trận. Có thông tin đáng tin cậy từ các điệp viên của mình, chúng tôi đã đối chọi thành công với các mưu toan của các tu sĩ Pxkov hợp tác với Đức, giành quyền lãnh đạo nhà thờ chính thống tại lãnh thổ bị chiếm đóng.

    Những tài liệu chúng tôi chuẩn bị về lòng yêu nước của nhà thờ chính thống Nga và vai trò liên kết của nó trong phong trào đấu tranh đang tăng ở vùng Balkan và những đề nghị thăm dò của Roosevelt cải thiện tình hình chính trị và pháp quyền của nhà thờ chính thống được chuyển qua Harriman tới Stalin, rõ ràng đã thuyết phục được ông theo chiều đồng minh, và có đường lối đỡ cứng rắn hơn đối với nhà thờ chính thống. Stalin đã làm một bước bất ngờ: cho phép tiến hành bầu giáo chủ nhà thờ chính thống Nga.

    Chức giáo chủ đã bị bãi bỏ từ thời Pie Đại đế ngay khi những người đứng đầu nhà thờ chống lại các cải cách của Sa hoàng. Tình trạng này kéo dài đến tận năm 1917. Sau khi nền quân chủ bị lật đổ chính phủ lâm thời cho phép nhà thờ bầu giáo chủ. Và ngài Tikhon được bầu. Sau khi ngài mất, chính phủ không cho phép bầu giáo chủ mới, và chỉ trong thời gian chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khi Stalin nhận thức được ý nghĩa của nhà thờ để đoàn kết lòng dân, năm 1943 giáo chủ toàn Nga mới được bầu. Tôi và vợ cùng có mặt trong lễ nghi nhậm chức.

    Theo lệnh Stalin, giám mục Ratmirov sau chiến tranh được tặng đồng hồ bằng vàng và huy chương. Hai sĩ quan Ivanov và Mikheev trực tiếp lãnh đạo công việc và cùng ở hậu phương địch với ông dưới dạng những kẻ phụng sự nhà thờ được nhận các huân chương chiến công.

    Sau khi Abakumov không được giao chỉ đạo chiến dịch Tu viện và Những trợ tế, ông ta cảnh cáo tôi vẻ đe dọa:

    - Hãy lưu ý, tôi sẽ không quên chuyện này đâu. Tôi sẽ có quyết định không có việc gì với các anh nữa!

    Thời gian ấy sự đối đầu của Abakumov với Beria là phức tạp. Trong suốt chiến tranh bộ trưởng Quốc phòng là Stalin. NKVD chuyển phản gián quân đội cho Bộ Quốc phòng điều hành, và theo giới thiệu của Beria, Abakumov trở thành nhà lãnh đạo XMERS. Như thế, khi giữ chức này Abakumov trở thành phó của Stalin như bộ trưởng quốc phòng, điều nâng cao địa vị ông ta lên nhiều và cho ông ta tiếp xúc trực tiếp với Ông chủ. Giờ đây thực tế ông ta không phụ thuộc Beria và biến từ kẻ thuộc cấp thành đối thủ cạnh tranh. Năm 1943 - thiếu sự phê chuẩn của Beria, Abakumov bắt chính uỷ an ninh quốc gia Ilin, nhà lãnh đạo đầy kinh nghiệm của Cục 3 Tổng cục chính trị mật NKVD phụ trách các vấn đề trí thức. Phù hợp với nguyên tắc mà chỉ đến thời Gorbachov mới thay đổi, không ai có quyền bắt giữ nhân vật đương chức cao cấp thiếu sự đồng ý của thủ trưởng. Thật ra cũng có ngoại lệ, nhưng lần nào chúng cũng được xem như trường hợp khẩn cấp đặc biệt. Lệnh bắt giữ được công tố viên ký, nhưng trên đó ở góc trái nhất thiết có phê chuẩn của thủ trưởng trực tiếp của người bị bắt: “Đã thống nhất” - và chữ ký. Như tôi đã nói, trong trường hợp này không có sự phê chuẩn của Beria.

    Ilin nhẹ nhàng với phong thái trí thức rất được quý mến trong NKVD. Suốt 5 năm, trước khi bắt đầu chiến dịch Tu viện, ông dẫn dắt Demianov cũng như tham gia vào trò chơi này với bọn Đức vào giai đoạn đầu. Những năm 1937- 1938 ông thoát được sự bắt bớ, dù là một cán bộ tác chiến, bởi nhẽ hồi đó ông chịu trách nhiệm về công tác với bọn mensevich, vốn không còn làm Stalin quan tâm. Cuối năm 1938 Beria phái ông đi Roxtov và Oriol để điều tra vụ phá hoại của bọn mensevich trên đường tàu hoả. Người ta cho là những kẻ âm mưu đã chui vào hàng ngũ lãnh đạo địa phương của các cơ quan đảng và chính quyền. Ông quay về Moskva, kinh ngạc bởi sự ấu trĩ của những lời buộc tội dối trá mà ông đã va phải, và báo với lãnh đạo: Sở công an Roxtov và Oriol đơn giản là sắp đặt vụ việc nhằm củng cố địa vị và tăng uy danh của mình. Sau đó vụ việc của ông được xem xét, Ilin được cất nhắc giữ chức trưởng Cục 3 Tổng cục chính trị mật của NKVD, vị trí cho phép ông bắt giữ hai kẻ chỉ điểm quan trọng vẫn cung cấp cho chúng tôi thông tin giả về cái được gọi là tinh thần chống Xô viết trong số những cán bộ có trách nhiệm.

    Ilin gọi bọn chỉ điểm về Moskva và ra lệnh cho chúng đưa ra cứ liệu cụ thể về vụ hai kẻ bị tình nghi. Nhận được thông tin của chúng, ông tin chắc rằng qua những năm thanh trừng chúng đã học được nghệ thuật vu khống đối với những ai đã bị chỉ định. Bọn chỉ điểm vu khống bị bắt và kết án 10 năm tù giam, còn Ilin nhận phần thưởng - huy hiệu “Chiến sĩ Treka danh dự”. Tính đến các tiếp xúc cá nhân của Ilin với những nhà văn như A. Tolstoi, các nhạc sĩ và nghệ sĩ lừng danh, Beria thường tiếp ông ở nhà. Ilin cũng có quan hệ thân hữu với Merkulov.

    Và thế là công tác của Ilin trong an ninh kết thúc vào năm 1943 vì mâu thuẫn với Abakumov. Từ thời nội chiến Ilin đã kết thân với Teplinxky cũng phục vụ trong đơn vị kỵ binh. Muộn hơn Ilin làm việc tại OGPU, còn Teplinxky chuyển sang không quân và thăng tiến không tồi: năm 1943 ông là thiếu tướng và được đề cử chức vụ thanh tra trưởng lực lượng không quân.

    Sự thăng tiến của Teplinxkv bất ngờ bị phanh lại: hoá ra, cơ quan an ninh phản đối sự thăng chức của ông. Lúc ấy ông nhờ Ilin cố gắng làm rõ sự thể. Ilin nhanh chóng biết được: lý do duy nhất buộc cơ quan an ninh không tin tưởng Teplinxky chỉ là sự có mặt của ông ta trong buổi dạ hội tại học viện quân sự năm 1936, trước khi Tukhatrevxky bị bắt, nơi ông ta tự cho phép khen ngợi các sĩ quan và tướng lĩnh sau đó trở thành vật hy sinh của các vụ thanh trừng. Bất hạnh cho Teplinxky là ông lại quen với tướng Trukhin bỏ chạy sang với Vlaxov. Ilin cảnh báo Teplinxky giữ lời ăn tiếng nói và trong quan hệ, nhưng sự cảnh báo ông lại nói qua điện thoại.

    Abakumov lập tức biết về cuộc trò chuyện của họ và, giận dữ, đòi hỏi Beria để ông loại Ilin khỏi công việc. Thay vào đó Beria giao cho Merkulov chỉ hạn chế bằng một sự phê bình đơn giản, mà lại theo kiểu thân tình. Đến thời gian này quan hệ giữa Abakumov và Beria đã tồi tệ. Abakumov quyết định lợi .dụng câu chuyện này để bôi xấu Beria và Merkulov. Ông ta báo cáo với Stalin, rằng chính uỷ an ninh quốc gia Ilin làm đổ vỡ chiến dịch của XMERS kiểm tra thành phần chỉ huy không quân của Hồng quân nhân việc thăng cấp mới. Tất cả điều đó có tính quan trọng đặc biệt, vì một trong những nguyên nhân khiến cho Stalin chuyển XMERS vào dưới sự kiểm soát riêng là ở chỗ ông ta muốn loại trừ bất cứ sự can thiệp nào của NKVD và Beria trong các vấn đề chuyển dịch công vụ trong quân đội. Stalin lệnh cho Abakumov bắt giữ ngay Teplinxky. Thậm chí trong những năm chiến tranh Stalin vẫn tìm mọi cách tự kiểm soát công việc tại các cơ quan mà ông ta đứng đầu. Đặc biệt là cơ quan Bộ Quốc phòng.

    Tại cuộc hỏi cung được tiến hành với sự thù hằn (ngay đêm đầu Abakumov đã đánh gãy hai răng cửa của ông ta), Teplinxky thừa nhận rằng Ilin khuyên ông xử sự sao cho tốt hơn để không bị buộc tội có cảm tình đối với kẻ thù của nhân dân. Ngoài ra, cũng thừa nhận là đã chia sẻ với Ilin cảm tình của mình đối với một loạt sĩ quan cao cấp bị bắt năm 1938. Một tuần sau Abakumov báo cáo về các thú nhận của kẻ bị bắt trực tiếp với Stalin và nhận được phê chuẩn bắt giữ Ilin.

    Xuất hiện ở Lubianka, gặp Merkulov, Abakumov đòi gọi Ilin đến: tôi nhắc lại, đây là một cán bộ lãnh đạo Bộ, chính uỷ an ninh quốc gia. Và thế là con người này bị tước vũ khí và bị giam vào nhà tù của Lubianka. Dù là nhà tù của NKVD, các cán bộ Treka bị tước quyền hỏi cung Ilin, bởi ông đang nằm trong sự xử lý của XMERS. Sang ngày hôm sau Abakumov bố trí Teplinxky và Ilin đối chất. Teplinxky, bị đánh tả tơi đêm trước, nhắc lại “những thú nhận” của mình, Ilin nổi giận, cho ông ta một cái tát và gọi ông ta là đồ đàn bà.

    Không tìm ra nhân chứng để khẳng định lời khai của Teplinxky, Abakumov rơi vào tình trạng rắc rối: vì cần thiết có hai nhân chứng đảm bảo cho lời khai. Bởi không ai trong giới gần gũi Teplinxky ở chóp bu quân đội biết về sự tồn tại của Ilin và không thể khai chống lại ông, tìm được nhân chứng thứ hai để buộc tội là một vấn để, mà thiếu điều đó thì không thể chuyển vụ án sang công tố quân sự được. Ilin bị đánh đập, người ta không cho ngủ, thế nhưng ông không chỉ từ chối thú nhận mình có tội mà còn không ký các biên bản hỏi cung. Để cấu thành vụ án chúng nhất thiết phải được trình lên Stalin, để ông quyết định số phận của kẻ bị điều tra, và Abakumov sợ xuất hiện trước Stalin thiếu kết luận buộc tội đủ thuyết phục. Dù Abakumov không thể chứng minh tội lỗi của Ilin, ông vẫn phải ở trong tù như cũ.

    Suốt bốn năm từ năm 1943 đến 1947 người ta kéo Ilin đi hỏi cung. Ông bị giam trong xà lim và đánh đập nhằm lấy được sự thú nhận. Sau bốn năm người ta phẩy tay bỏ qua Ilin, nhưng ông còn ngồi tù thêm 5 năm nữa và vào những thời gian khác nhau người chung xà lim với ông là bộ trưởng Hàng không Sakhurin, nguyên soái Không quân Novikov và bộ trưởng Ngoại giao Rumani. Ilin không nói với ai rằng ông là sĩ quan Treka. Theo lời của ông, ông làm việc ở phòng kỹ thuật xưởng phim tài liệu. Hiểu rằng ông là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực, Ilin đã tự hứa không thú nhận điều gì và chết còn tốt hơn là vấy bẩn danh dự của mình. Thậm chí ông vẫn giữ được tính hài hước. Có lần ông hỏi điều tra viên đang hỏi cung ông:

    - Cái huân chương trên ngực anh có nghĩa là gì vậy? Viên sĩ quan đáp đó là huân chương Lenin. Ilin nhận xét:

    - Tôi có vinh dự thế nào cơ chứ - vụ án được giao cho người được tặng huân chương Lenin. Nghĩa là vụ án của tôi rất quan trọng!

    Tháng 7- 1951 Ilin được chuyển sang Matroxkaia Tisyna và bị giam vào một hầm, đặc biệt của nhà tù BCHTƯ Đảng. Chuyên trách những người bị điều tra ở đây là uỷ ban kiểm tra Đảng vẫn điều tra các vụ án những uỷ viên BCHTƯ và sĩ quan an ninh quốc gia. Phụ trách nhà tù cảnh báo ông về những hậu quả nghiêm trọng nếu ông không thừa nhận tội của mình trước đảng. Điều tra viên mới, xuất hiện tại buổi hỏi cung tiếp theo trong quân phục thiếu tướng tư pháp là Kitaev, phó công tố quân sự Liên Xô. Thực kinh ngạc vô hạn đối với Ilin, Kitaev đòi hỏi từ ông những lời khai về hoạt động phản bội của Abakumov, đáp lại Ilin hỏi chứng cứ, chứng minh đó không phải là sự khiêu khích, cảnh vệ dẫn ông ra hành lang và đẩy đến lỗ nhìn của hầm giam nơi Abakumov kẻ thù không đội trời chung của Ilin đang ngồi.

    Thế nhưng Ilin từ chối chứng nhận chống lại Abakumov, suy xét một cách xa rộng rằng vào thời của mình Abakumov đã báo cáo tất cả với Stalin và nếu ông, Ilin, bây giờ kể về những vụ việc Abakumov ngụy tạo, thì ông có thể bị buộc tội đồng lõa với những tội ác đó. Ilin khai rằng trong công tác sau 1933 ông không tiếp xúc với Abakumov, chỉ hiếm hoi mới gặp ông ta ở Lubianka, và cả trong thời gian chuyên đi thanh tra về Roxtov năm 1938. Kitaev không thoả mãn với lời khai của ông và chuyển Ilin ngược lại Lubianka, nơi các buổi hỏi cung được lặp lại tức khắc. Thế nhưng giọng điệu họ đã hoàn toàn khác hẳn. Giờ đây người ta buộc tội ông đã không hiểu đúng trách nhiệm công tác của mình, khi giữ các tiếp xúc và quan hệ thân mật với những kẻ khả nghi. Sau nửa năm Phụ trách ban quản trị Bộ an ninh quốc gia (MGB) thiếu tướng Blokhin tuyên báo với Ilin: vì những thiếu sót trong công tác Toà án đặc biệt kết án Ilin 9 năm tù giam.

    Thời hạn giam giữ đã hết - Ilin đã ngồi tù 9 năm. Trước khi thả, người ta đề nghị ông đi vào văn phòng để làm những giấy tờ cần thiết. Ilin kể với tôi rằng Blokhin không chỉ là quản trị trưởng, mà còn chịu trách nhiệm hành quyết các án tử hình (trong hàng loạt trường hợp ông ta tự mình thi hành), vì thế khi ông bị gọi đến chỗ Blokhin, cả cuộc đời thoáng qua trước ông trong một, hai giây. Ông tin chắc rằng bây giờ, ngay phút này, người ta dẫn ông đi xử bắn. Thế nhưng ông được dẫn vào một căn phòng bình thường, nơi ông ký cam kết không hé lộ tình hình vụ án và điều kiện giam giữ. Ông lấy giấy chứng nhận được trả tự do, hộ chiếu tạm thời và trang phục cũ chính uỷ an ninh quốc gia, giờ là thiếu tướng, không cầu vai, qua những năm này đã sờn mòn hết.

    Được tha vào lúc đêm tối, không tiền, Ilin quyết định tìm chỗ trú tại phòng tiếp khách của MGB trên cầu Kuznetski. ông biết chiến tranh đã qua, nhưng không biết nó đã làm thay đổi cuộc sống con người như thế nào: ông không rõ là trong nước đã có cải cách tiền tệ và người ta đã dùng đồng tiền khác. Ông cũng không biết gia đình ông ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với thân quyến. Sáng hôm sau ông biết vợ ông đã ly dị với ông bởi không có tin tức gì và nghĩ ông đã chết. Bà đã lấy chồng và con gái sống với bà.

    Ilin cố liên lạc với Merkulov giờ đã là bộ trưởng Uỷ ban kiểm tra quốc gia. Ông đến Bộ, thư ký báo cáo với Merkulov, và sau đó nói rằng thủ trưởng không biết gì về Ilin cả. Ông chẳng biết đi đâu. Ông lại quay về phòng tiếp khách của MGB và cố gọi cho Subniakov, phó cũ của ông.

    Ông không biết số điện thoại của ông kia và ông không có tiền xu để gọi từ điện thoại tự động, vì thế ông gọi số điện thoại cũ của mình, lợi dụng điện thoại nội bộ trong phòng tiếp khách của MGB. Trả lời là sĩ quan trực ban, người đã nhận ra ông và trò chuyện với ông đầy vẻ cảm tình: danh tiếng của Ilin vẫn còn cao trong các cựu binh NKVD. Hoá ra, Subniakov bị bắt năm 1951 ngay sau Abakumov. Viên sĩ quan ở phòng tiếp khách MGB cho Ilin vay 500 rúp (lúc ấy đó là một món tiền khá lớn) và khuyên ông rời nhanh khỏi Moskva.

    Ilin đi về Riazan nơi có anh họ của ông đang sống. Ở đấy làm phu khuân vác trên ga tàu hoả. Ông báo với phòng an ninh đường sắt địa phương việc ông đến thành phố, và sau hai tháng họ đã giúp ông nhận được chức đội trướng đội khuân vác. Thực ra. người ta đòi hỏi ông nói với các đồng chí cùng làm việc là ông bị xử không phải theo điều luật về chính trị, mà vì sự phung phí tiền và những tội phạm khác theo chức vụ, và họ hứa ghi vào sổ lao động. Nhưng Ilin từ chối, sợ rằng người ta có thể buộc ông vào tội che giấu quá khứ. Vậy là vào tuổi 48 ông bắt đầu cuộc đời mới.

    Sau khi Stalin chết ông đệ đơn xin minh oan. Đơn đầu tiên bị từ chối, nhưng người ta cho phép ông quay về Moskva. Ilin xin vào làm ở phòng giao thông Xô viết Moskva. Năm 1954 ông được minh oan sau khi Beria bị xử bắn và tôi bị bắt giữ. Trong một năm ông bị từ chối trả lương hưu dành cho các cán bộ an ninh. Xerov chống lại điều đó, tuyên bố rằng thanh danh Ilin bị bôi nhọ bởi quan hệ với Teplinxky vẫn đang trong tù như một kẻ thù của nhân dân.

    Ba ngày sau khi tôi được tha khỏi nhà tù, năm 1968 Ilin đã đến thăm tôi. Tôi được biết số phận lại mỉm cười với ông. Năm 1956 người phụ trách cũ của ông trở thành phó ban văn hóa TƯ đảng. Ông ta cần một nhà quản trị có kinh nghiệm và trung thực giữ chức thư ký tổ chức hội nhà văn Moskva. Kinh nghiệm làm việc đã qua của Ilin trong quá khứ là chính uỷ an ninh quốc gia về các vấn đề văn hóa đã làm cho ông hoàn toàn thích hợp. Thêm nữa ông được ủng hộ bởi các nhà văn như Fedin và Ximonov. Lãnh đạo đảng cần một người của mình trong Hội nhà văn, người biết tất cả, kể cả những người cung cấp tin. Ilin phù hợp một cách lý tưởng cho chức vụ mới và đã làm việc tại Hội nhà văn đến năm 1977. Ông mất năm 1990, bị xe nghiến.

    Các bước ngoặt trong cuộc đời Ilin, những chuyện bịa do A.Vakberg truyền bá về việc dường như ông, một cụ già 86 tuổi bị KGB “dọn” khi sợ những sự phanh phui nào đó, buộc tôi bình phẩm cả một chuyện khác với những lời đồn đại về số phận Leonid, con trai X.Khrusev, - thượng uý phi công mất tích mùa xuân 1943. Từ lời khai của hàng loạt nhà báo và một số" cựu binh cơ quan an ninh quốc gia tôi được gán cho chiến dịch huyễn hoặc về việc bắt Leonid Khrusev trong hậu phương Đức và thủ tiêu anh ta “vì phản bội Tổ quốc”. Trong thực tế hoàn toàn không có chuyện đó. NKVD và XMERS định tìm kiếm anh ta. Thực sự việc tìm kiếm con trai Khrusev nằm dưới sự kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng mọi cuộc tìm kiếm đã không có kết quả gì. Tự Stalin tiếp nhận quyết định xem Leonid Khrusev đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ chiến đấu, chứ không phải bị mất tích. Trong những điều kiện ấy điều này là vô cùng quan trọng cho sự thăng tiến chính trị của Khrusev, loại bỏ khả năng bôi nhọ thanh danh của một trong những thành viên ban lãnh đạo Liên Xô. Con trai của Khrusev khác với những người mất tích khác, sau khi chết nhanh chóng được tặng huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.

    Sau chiến tranh Khrusev chú trọng đặc biệt việc làm sáng tỏ số phận của con trai. Không ai trông thấy con ông ta chết như thế nào, kể cả các phi công bay cùng anh ta đi làm nhiệm vụ chiến đấu. Các cơ quan an ninh đã hỏi tất cả những tù binh Liên Xô từng ở trong trại giam biệt lập. Thế nhưng, không phải không thú vị, như người ta kể với tôi, các. biên bản hỏi cung này không được giữ trong lưu trữ. Từ hồ sơ truy tìm sau “thanh lọc” các tài liệu những năm 1953 - 1954 bị lấy đi hơn 100 trang. Không rõ ai lấy mất những trang này. Dù không khó đoán, từ đâu có những chỉ thị về việc thanh lọc hồ sơ lưu trữ và tài liệu về những người mất tích năm 1943 trong cơ quan xử lý hồ sơ của Bộ Quốc phòng. KGB và MVD Liên Xô.


    [...]
     
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    11. Tình báo Xô viết vào cuối cuộc chiến tranh

    Năm 1944 chiến dịch Tu viện bắt đầu phát triển theo chiều hướng mới. Ngay trước cuộc tấn công mùa hè của Hồng quân ở Beloruxia, Stalin cho gọi Tổng cục trưởng tình báo Kuznetsov, Cục trưởng phản gián quân đội XMERS Abakumov, bộ trưởng an ninh quốc gia Merkulov và tôi. Tâm trạng tôi hưng phấn: công việc của chúng tôi tiến triển tốt, tháng trước tôi và Etingon được tặng huân chương Xuvorov vì những chiến dịch chiến đấu trong hậu phương Đức. Về nguyên tắc, huân chương cao quý này chỉ tặng cho các chỉ huy chiến trường vì những trận đánh chiến thắng, và sự kiện người ta trao cho các sĩ quan an ninh nói lên nhiều điều. Vì thế tôi đến cuộc gặp với cảm giác tự tin, và cả Merkulov cũng trong tinh thần hưng phấn như một trong những người phụ trách chiến dịch Tu viện.

    Thế nhưng Stalin tiếp chúng tôi khá lạnh lùng. Ông khiển trách vì sự không hiểu biết thực tiễn chiến tranh và hỏi, theo chúng tôi, có thể sử dụng thế nào Tu viện và các trò chơi điện đài khác để giúp quân đội ta trong các chiến dịch tấn công, và yêu cầu mở rộng phạm vi các trò chơi điện đài, nhận xét rằng các thủ pháp cũ đã không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Kuznetsov đề nghị ném thông tin mới qua “Geine”- ”Maks” về kiểu như đang có sự chuẩn bị tấn công tại Ucraina. Tôi chưa chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện như thế và tuyệt đối không biết gì về các kế hoạch của tổng hành dinh Xô viết. Thêm nữa tôi nhớ lời khuyên của nguyên soái Saposnikov đừng bao giờ dây vào việc gì ngoài phạm vi quyền hạn mình. Vì thế tôi im lặng khi Abakumov lặp lại ý đồ nhập chiến dịch Tu viện vào XMERS, tuyên bố rằng bộ máy của ông ta có thể liên hệ chặt chẽ hơn với Bộ tổng tham mưu so với NKVD.

    Stalin gọi tướng Stemenko, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu, và ông kia đọc mệnh lệnh được chuẩn bị trước. Theo đó chúng tôi phải đưa bộ chỉ huy Đức tới sai lầm, khi tạo nên ấn tượng những hành động tích cực của những tàn quân của Đức lọt vào vòng vây trong tiến trình tấn công của ta trong hậu phương Hồng quân. Ý đồ của Stalin là bằng cách lừa dối buộc bọn Đức sử dụng các dự trữ của mình để giữ gìn các đơn vị này và “giúp” chúng làm một nỗ lực lớn thoát khỏi vòng vây. Quy mô và sự mạnh bạo của chiến dịch dự tính gây cho chúng tôi ấn tượng mạnh. Tôi vừa hưng phấn vừa lo lắng: nhiệm vụ mới vượt qua giới hạn các trò chơi điện đài trước đây với mục đích cung cấp thông tin giả.

    Ngày 19- 8- 1944 Bộ tổng tham mưu bộ binh Đức nhận được tin báo của “Maks” do Abwehr gửi về một đơn vị 2500 người dưới sự chỉ huy của trung tá Serhorn bị bao vây bởi Hồng quân ở vùng sống Berezina. Chiến dịch Berezino bắt đầu như thế - là sự tiếp tục của chiến dịch Tu viện.

    Soạn thảo chiến dịch “Berezino” là cục trưởng Cục 3 của Tổng cục 4, đại tá Makliarxky. Tôi ủng hộ ý tưởng của chiến dịch. Một trò chơi điện đài hấp dẫn được lập với bộ chỉ huy tối cao Đức. Về ý đồ của nó để thực hiện chỉ thị của Tổng hành dinh được báo cáo trực tiếp với Stalin, Molotov, Beria. Đã nhận được sự phê chuẩn việc tiến hành chiến dịch.

    Để lãnh đạo trực tiếp chiến dịch này, phó của tôi Etingon, Makliarxky, Fiser, Xerebrianxky và Mordvinov đã đi Beloruxia đến thực địa của sự kiện.

    Trong thực tế không tồn tại nhóm Serhorn trong hậu phương Hồng quân. Đơn vị dưới sự chỉ huy của tên sĩ quan này gồm 1500 lính bảo vệ phà vượt sông Berezina đã bị chúng ta đánh tan và bắt làm tù binh. Etingon, Makliarxky, Fiser, Mordvinov, Gudimovich, T. Ivanova, Garbuz với sự tham gia tích cực của “Geine”- ”Maks” đã chiêu mộ Serhorn và các nhân viên điện đài của ông ta. Được phái đến Beloruxia các chiến sĩ và sĩ quan binh đoàn đặc nhiệm, cùng với họ có cả những người Đức chống phát xít các chiến sĩ quốc tế cộng sản. Tham gia trò chơi bao gồm cả những tù binh Đức được tình báo Liên Xô chiêu mộ. Bằng cách đó, đã tạo nên ấn tượng về sự hiện diện của một nhóm quân Đức trong hậu phương Hồng quân. Và thế, từ 19- 8- 1944 đến 5- 5- 1945 chúng ta đã tiến hành có lẽ là một trò chơi điện đài thành công nhất với bộ chỉ huy tối cao Đức. Thế nhưng các cán bộ tác chiến tham gia vào chiến dịch Berezino không được khen thưởng kể cả những năm tiếp theo hay nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng, dù đã được đề nghị.

    Cơ quan an ninh Đức và Bộ tổng tham mưu bộ binh Đức có ý đồ nghiêm túc phá huỷ giao thông hậu phương của Hồng quân khi sử dụng đơn vị Serhorn. Với mục đích ấy, đáp lại lời yêu cầu của ông ta về sự giúp đỡ, các chuyên gia phá hoại và phương tiện kỹ thuật được gửi cho Serhorn. Đồng thời chúng ta cũng tóm được một nhóm tay súng S.S được phái đi liên lạc với Serhorn.

    Serhorn gửi về Berlin báo cáo về các vụ phá hoại trong hậu phương Hồng quân do Etingon, Makliarxky và Mordvinov viết. “Maks” nhận được mệnh lệnh từ Berlin kiểm tra độ tin cậy các báo cáo của Serhorn về những hoạt động trong hậu phương Hồng quân - anh đã khẳng định chúng. Hitler phong Serhorn hàm đại tá và tặng “Chữ thập Hiệp sĩ”, còn Guderian đã gửi chúc mừng riêng. Serhorn được lệnh vượt qua chiến tuyến hướng về Ba Lan, còn sau đó vào Đông Phổ. Serhorn đòi nhằm bảo đảm chiến dịch này phải gửi cho ông ta những người dẫn đường Ba Lan cộng tác với Đức bằng cách thả dù. Berlin đồng ý, và kết quả chúng ta tóm được các điệp viên Ba Lan của tình báo Đức. Từ phía mình, Hitler lập kế hoạch cử đến tên chỉ huy cơ quan những chiến dịch đặc biệt và phá hoại Skorzeny và nhóm của hắn, nhưng bọn Đức buộc phải từ bỏ kế hoạch đó do vào tháng 4- 1945 tình hình chiến sự trên mặt trận Xô - Đức đã thay đổi.

    Ngày 5- 5- 1945 Bộ chỉ huy Đức quốc xã và Abwehr trong bức điện báo cuối cùng của mình khuyên Serhorn hành động theo hoàn cảnh. “Maks” được lệnh phong toả các nguồn thông tin và cắt đứt tiếp xúc với binh lính và sĩ quan Đức bị bao vây đang bị đe dọa trở thành tù binh, trở về Moskva, ẩn kín và cố gắng giữ liên lạc. Serhorn và nhóm của ông ta bị chúng ta cách ly ở gần Moskva, nơi họ ở cho đến lúc được tha vào đầu những năm 1950.

    Khá hay rằng Gehlen, đứng đầu tình báo quân sự Đức sau Canaris, cố chiếm lòng tin của người Mỹ, đã đề xuất “Maks” như một nguồn tin cậy sau chiến tranh. Thế nhưng tình báo Mỹ đã có thái độ không tin tưởng với đề nghị của Gehlen.

    Công lớn trong việc tiến hành các chiến dịch Tu viện và Berezino thuộc về trưởng ban Maxxia, người vào những năm 1945- 1950 cùng vợ tham gia tích cực trong do thám về vấn đề nguyên tử ở Mỹ.

    Đặc biệt xuất sắc là V.Fiser- Abel đội lốt một sĩ quan Đức trực tiếp đón bọn phá hoại của Skorzeny tại sân bay.

    Không thể không ghi nhận tác động lớn cho thành công các chiến dịch Tu viện và Berezino từ phía các cán bộ giàu kinh nghiệm và hiệu quả của phản gián quân đội (XMERS) Barưsnikov và Utekhin.

    Ở tôi đã chín muồi kế hoạch sử dụng Serhorn để chiêu mộ thuỷ sư đô đốc Đức Reader, Tư lệnh hải quân bị Hitler cách chức năm 1943. Vốn là tù binh Reader đang ở Moskva. Muộn hơn theo cầu xin của ông ta, bà vợ đã đến. Có vẻ ông ta có tinh thần cộng tác với ta - để đổi lấy lời hứa không đưa ông ta ra toà án Nurenberg với cáo buộc như một tội phạm chiến tranh, dù phía Anh khăng khăng khép tội ông ta vì những chiến dịch của tàu ngầm Đức chống lại hạm đội Anh và những tàu hàng khác. Tôi bố trí ông ta với vợ ở tại nhà nghỉ ngoại ô nhưng nhanh chóng tôi tin chắc rằng kế hoạch tác động viên thuỷ sư đô đốc thông qua Serhorn là không hiện thực, bởi họ không chịu đựng được nhau. Hơn nữa Xerebrianxky ở nhà nghỉ của tôi dưới sự giám sát như “tù binh” (ông đóng vai một nhà doanh nghiệp Đức), đã có tác động tốt đến viên thuỷ sư đô đốc. Xerebrianxky thuyết phục được thuỷ sư đô đốc để ông ta thiết lập lại các liên lạc và mối quen biết của mình ở Đức. Vẫn nhớ, Reder rất thích đi dạo dọc sông Moskva trên chiếc ô tô Limuzin “Horkh” chiến lợi phẩm - chính ông ta có một chiếc như thế ở Đức.

    Cuối năm 1945 chúng ta đưa Reader về Đức. Phía Anh vẫn khăng khăng đòi đưa ông ta ra toà như một tội phạm chiến tranh. Theo tôi nhớ, chúng ta đã đạt được thoả thuận với người Anh và người Mỹ về vấn đề này. Reader, một số sĩ quan cao cấp của Hải quân Đức và thêm một nhóm sĩ quan được trao cho đồng minh để đổi lấy viên tướng Sa hoàng Kraxnov, tư lệnh quân đội Kozak trong nội chiến, còn trong thế chiến II đã phục vụ ở bộ tham mưu Đức quốc xã, và các sĩ quan Xô viết đã chiến đấu trong hàng ngũ của Vlaxov. Serhorn cũng được chuyển về Đức, và các liên hệ của tôi với những người này bị cắt đứt.

    Sau chiến tranh chúng tôi cố thử dùng Demianov (“Geine”- ”Maks”), lần này ở Paris, nhưng nhanh chóng hiểu rằng ở đấy các giới lưu vong đã không còn quan tâm đến anh, và anh cùng vợ quay về Moskva. Họ không còn tham gia vào bất cứ chiến dịch tình báo nào nữa. Demianov về sau làm kỹ sư điện tại một viện nghiên cứu khoa học. Anh mất năm 1975 do vỡ tim khi đang bơi thuyền trên sông Moskva. Lúc ấy anh 64 tuổi.


    [...]
     
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    12. Vai trò của NKVD trong các hội nghị Teheran, Potsdam và Yalta

    Cả tình báo quân sự lẫn tình báo chính trị đóng vai trò lớn trong việc nước ta chuẩn bị và tiến hành các hội nghị Teheran, Potsdam và Yalta, những hội đàm và gặp gỡ của ngoại trưởng các quốc gia liên minh chống Hitler những năm 1943 - 1945. Để thực thi mệnh lệnh NKVD Liên Xô, ngày 8- 8- 1945 trước hội nghị Yalta tôi được giao việc giải quyết nhanh nhất các vấn đề của các cơ quan trung ương NKVD- NKGB Liên Xô trong việc tiến hành những hoạt động cần thiết về hội nghị ở Moskva. Để dẫn tới cuộc gặp gỡ của Stalin, Roosevelt và Churchill ở Yalta đã có trù bị những cuộc gặp không chính thức mà trong đó Fitin và tôi tham dự - với người dẫn đầu phái đoàn quân sự Mỹ ở Moskva tướng Din, phó thuỷ sư đô đốc Olsen, đại sứ Mỹ Harriman, cố vấn sứ quán Anh Robert. Chúng tôi bàn kín kẽ về những cách tiếp cận có thể để giải quyết các vấn đề tranh cãi, trao đổi cho nhau mạng điệp viên bị đổ vỡ và các chuyên gia quân sự Đức bị bắt, các vấn đề tế nhị về việc phân chia có thể sau chiến tranh ở các nước Đông Âu. Harriman nói riêng, không phản đối ý tưởng thành lập một chính phủ liên hợp tại Ba Lan sau chiến tranh do Stalin và Molotov đề đạt.

    Những cuộc gặp gỡ cuối này với các đại diện tình báo Mỹ và Anh kiểu như tổng kết sự hợp tác của các cơ quan đặc biệt của các nước đồng minh trong những năm chiến tranh. Nó có kết quả nhất là ở Afganistan, nhân nhóm trưởng tình báo ta Alakhverdov đã vô hiệu hoá được các hành động của mạng điệp viên Đức ở các khu vực biên giới. Cùng với người Anh đã đập tan mạng lưới gián điệp phá hoại của tình báo Đức và Nhật ở Ấn Độ và Myanmar. Đánh giá cao sự ủng hộ của chúng ta đối với các hoạt động của tình báo Anh ở Ấn Độ và Myanmar, về phía mình, người Anh đã trao cho ta nhiều điệp viên thân Đức ở Afganistan và Trung Á, bị người Đức chiêu mộ cho các hoạt động trong hậu phương chúng ta.

    Những thảo luận chung về các chiến dịch phá hoại hợp tác chống bọn Đức ở Tây Âu với các cơ quan đặc biệt Anh và Mỹ không tiến triển. Thế nhưng chúng tôi đã dàn xếp các tiếp xúc với những nhân viên tình báo Anh đang hoạt động trong bộ tham mưu của nguyên soái Tito tại Nam Tư, trung tá Kvasnin thiết lập các quan hệ cá nhân tốt với Rendolf, con trai của Churchill và đã giúp nhiều cho các sĩ quan Anh trong việc thoát khỏi vòng vây bọn Đức. Thông tin nhận được từ Kvasnin có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá các ý đồ của giới cầm quyền Anh và trong đường lối hậu chiến ở Nam Tư.

    Các giới làm ăn Mỹ thể hiện mối quan tâm đến những hình thức có thể của vấn đề Do Thái, đưa ra trợ giúp tài chính cho sự khôi phục Gomel cho giới hạn được gọi là “độ định cư Do Thái” và Krưm, nơi dự trù thành lập một nước cộng hoà Do Thái. Trong các cuộc trò chuyện không chính thức với Harriman diễn ra tại nhà hàng Aragvi và được ghi băng lại, điệp viên ảnh hưởng, công tước Ianus Radzivill, bạn làm ăn của gia đình Harriman về các phi vụ tài chính ở Ba Lan và các nước Đông Âu, tham gia với tư cách thông ngôn của tôi. Ông ta lại bị NKVD bắt ở Ba Lan tháng 1- 1945.

    Ngay trước hội nghị Yalta dưới sự chủ toạ của Golikov, sau là Beria, có một cuộc họp dài nhất trong suốt thời kỳ chiến tranh của các lãnh đạo tình báo Bộ Quốc phòng, Hạm đội hải quân và NKVD- NKGB. Vấn đề chủ yếu - đánh giá các khả năng tiềm tàng của các lực lượng quân sự Đức để chống chọi tiếp theo đối với đồng minh - được xem xét ròng rã trong hai ngày. Các dự đoán của chúng tôi về việc chiến tranh ở châu Âu kéo dài không quá ba tháng do bọn Đức thiếu nhiên liệu và vũ khí, đã hoá ra đúng. Ngày thứ ba, ngày làm việc cuối cùng của hội nghị được dành để so sánh các tài liệu có được về các mục đích chính trị và dự định người Anh và người Mỹ tại hội nghị Yalta. Chúng tôi đồng tình với việc là cả Roosevelt, cả Churchill sẽ không thể chống đối đường lối của phái đoàn ta về củng cố địa vị của Liên Xô tại Đông Âu.

    Chúng tôi xuất phát từ thông tin xác thực về việc người Mỹ và người Anh sẽ có quan niệm linh hoạt và chịu nhún nhường do quan tâm đến việc Liên Xô tham gia nhanh chóng vào chiến tranh với Nhật Bản. Dự báo của NKVD và tình báo quân đội về khả năng thấp của người Nhật đối chọi với những đòn giáng mạnh của các tập đoàn quân cơ động của ta đánh tạt sườn vào khu vực tăng cường do người Nhật xây dựng dọc biên giới Liên Xô, được khẳng định vào tháng 8 - 1945. Thế nhưng chúng tôi không lường trước, bất kể những cứ liệu chi tiết về sự hoàn tất công việc về bom nguyên tử, rằng người Mỹ sẽ ứng dụng bom nguyên tử để chống lại Nhật Bản.

    Ngay trước hội nghị Potsdam các đánh giá của chúng ta lại càng lạc quan hơn. Beria và Golikov nói chung không nhắc tới tiền đồ phát triển xã hội chủ nghĩa Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani. Sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội như một hiện thực đối với chúng tôi ở các nước châu Âu chỉ rõ nhiều hoặc ít đối với Nam Tư. Chúng tôi xuất phát từ chỗ Tito như một nhà lãnh đạo quốc gia và ĐCS dựa vào sức mạnh quân sự hiện thực. Trong những nước khác thì tình hình không thế. Thế nhưng chúng tôi đã thống nhất ở chỗ là sự hiện diện của quân đội ta và cảm tình đối với Liên Xô của đông đảo nhân dân sẽ đảm bảo sự cầm quyền ổn định ở Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungari cho những chính phủ sẽ định hướng đến liên minh và hợp tác chặt chẽ với chúng ta.

    Các tư vấn quân sự- chính trị của chúng tôi về nước Đức cũng còn xa vời với sự thiết lập chủ nghĩa xã hội tại vùng chúng ta chiếm đóng. Vấn đề đặt ra là một nước Đức trung lập vĩnh viễn bị giải giáp vũ khí với một nhóm lãnh đạo tiến bộ, ổn định, có định hướng về nước Nga.

    Kết quả các quyết định của hội nghị của chúng tôi trong biên bản mật được ký tại hội nghị Yalta ngày 11- 2- 1945 bởi Molotov, Hell, Iden, còn là sự giao phó cho phó tổng cục trưởng tình báo (Tổng cục 1) Kuznetsov thoả thuận với các đại diện cơ quan tình báo Anh, Mỹ về sự trao đổi ban chỉ huy của quân đội Vlaxov, nói riêng là Jilenkov, để đổi cho người Anh và người Mỹ các tướng và đô đốc Đức mà họ quan tâm: đô đốc Reder đang bị tù ở Moskva.

    Tôi chỉ dừng lại ở một số chiến dịch tình báo cơ bản trong cuộc chiến tranh Xô - Đức, những đánh giá tài liệu tình báo của ban lãnh đạo quân sự- chính trị Liên Xô. Không thể không thừa nhận rằng sự chú ý có hệ thống tới công tác tình báo được tăng cường dưới ảnh hưởng của những thất bại nặng nề của ta vào đầu chiến tranh.

    Tất nhiên, đưa ra chỉ toàn những thành công là không đúng. Abwehr và Gestapo đã gây tổn thất nghiêm trọng cho các cơ quan tình báo của NKVD và Bộ Quốc phòng. Ngoài việc hy sinh những điệp viên và cán bộ tác chiến quý giá ở Tây Âu những năm 1941- 1943, kết quả hoạt động của phản gián Đức làm chúng ta mất đi lãnh đạo các nhóm điệp viên ở Xmolenxk, Kiev, Odexxa, Kherxon, Nikolaev, ở những thành phố chủ yếu bị lọt vào vùng chiếm đóng.

    Năm 1942 ở Afganistan, Fridgud, nhà tuyển mộ danh tiếng của Grigulevich, đã hy sinh. Ông cùng với Alakhverdov tiến hành chiến dịch vô hiệu hoá các điệp viên Đức. Viktor Liagin được ném vào hậu phương địch đã bị bọn Đức bắt và xử bắn: không khai báo ai, ông từ chối chạy trốn vì không muốn bỏ mặc điện đài viên đang bị thương. Ivan Kudria chui vào mạng lưới điệp viên Abwehr và chuyển những tin tức quan trọng về Moskva đến trước khi anh bị phản bội. Vladimir Molodsov bị bọn Rumani bắt và cũng bị xử bắn. Theo đề cử của tôi, Liagin, Molodsov, Kuznetsov sau chiến tranh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Đến trước lúc bị bắt tôi đã quan tâm để gia đình họ thường xuyên nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ từ phía cơ quan an ninh.

    Được giới thiệu tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô có các sĩ quan du kích Morozov, Kolexnikov (IU. Kolexnikov) sau 50 năm đã nhận danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức), các nhà hoạt động bí mật Geft, Gordienko và nhiều người khác.

    Sự kết thúc chiến tranh đến giờ vẫn sống động trong trí tôi như một sự kiện kỳ vĩ, rửa sạch tất cả mọi ngờ vực của tôi liên quan đến sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước. Các sự kiện hào hùng và bi thương đã qua, sự mất mát con người và thậm chí sự thanh trừng hàng loạt - tất cả những thứ đó có vẻ được biện minh bởi Chiến thắng Vĩ đại trước Hitler. Tôi nhớ bữa tiệc lớn tại phòng Georgiev điện Kremli nơi tôi vinh dự được ngồi cùng bàn với phó tổng tham mưu trưởng tướng Stemenko, tổng cục trưởng tình báo NKVD Fitin, tổng cục trưởng tình báo Bộ tổng tham mưu tướng Ilitsev, tổng cục trưởng tình báo quân đội đại tướng Kuznetsov. Tôi nhớ Stalin đã đến bàn chúng tôi, chào Ixakov bị mất một chân trong trận ném bom của Đức năm 1942 ở Kavkaz, và nâng cốc chúc ông. Ixakov không thể bước ra trước lớp khán giả như thế trên nạng, và chúng tôi cảm động tận đáy lòng trước cử chỉ của Stalin. Chúng tôi cảm thấy mình là học trò và người thừa kế của ông. Sự chú ý được nhấn mạnh của Stalin đối với lớp tướng tá và đô đốc trẻ chỉ ra rằng ông gắn tương lai đất nước với thế hệ chúng tôi.


    (Hết Chương VI)​


    [...]
     
    viettran_ru thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Chương VII

    TÌNH BÁO XÔ VIẾT VÀ VẤN ĐỀ NGUYÊN TỬ


    Năm 1943 nhà vật lý nổi tiếng toàn thế giới Nils Bor chạy trốn khỏi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng sang Thuỵ Điển và đề nghị các nhà bác học nổi tiếng có mặt ở đây, Elizavets Meitner và Alfven, thông tin cho các đại diện và bác học Xô viết, với Kapitsa, rằng nhà vật lý Đức Geizenberg đến thăm ông và báo tin: ở Đức đang bàn vấn đề chế tạo bom nguyên tử. Geizenberg đề nghị cộng đồng khoa học quốc tế từ chối việc chế tạo thứ vũ khí này, bất chấp sự ép buộc của các chính phủ. Tôi không nhớ, Meitner hay Alfven đã gặp gỡ tại Geterborg phóng viên TASS và cán bộ tình báo ta Koxưi và báo với họ rằng Bor lo lắng bởi việc chế tạo bom nguyên tử có khả năng ở nước Đức Hitler. Thông tin tương tự từ Bor ngay khi ông chưa chạy khỏi Đan Mạch, tình báo Anh đã nhận được. Các bác học phương Tây đánh giá cao tiềm năng khoa học của các nhà vật lý Liên Xô, họ biết rất rõ các nhà bác học như Ioffe, Kapitsa và họ chân thành cho rằng khi cấp thông tin về các bí mật nguyên tử cho Liên Xô, và thống nhất sự nỗ lực, có thể vượt người Đức trong việc chế tạo bom nguyên tử.


    [...]
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    1. Tin đồn về các nghiên cứu khoa học “siêu vũ khí” được khẳng định

    Ngay từ năm 1940 các bác học Xô viết khi biết về những lời đồn lan truyền ở Tây Âu về việc sản xuất một thứ vũ khí siêu mạnh, đã có những bước đầu tiên để sáng tỏ khả năng chế tạo bom nguyên tử. Thế nhưng họ cho rằng chỉ chế tạo được thứ vũ khí này về mặt lý thuyết chứ chắc gì thực hiện nổi trong tương lai gần. Viện Hàn lâm khoa học về nghiên cứu các vấn đề năng lượng nguyên tử dưới sự chủ tọa của viện sĩ Khlopin, chuyên gia về hoá sóng hạt, mặc dù vậy vẫn đề nghị chính phủ và các cơ sở khoa học theo dõi các ấn phẩm khoa học của các chuyên gia phương Tây về vấn đề này. Dù chính phủ không trích phương tiện cho các nghiên cứu nguyên tử, trưởng phòng khoa học kỹ thuật của tình báo NKVD Kvaxnikov đã định hướng các mạng điệp viên vùng Scandinavia, Đức, Anh và Mỹ, giao trách nhiệm thu thập toàn bộ thông tin về soạn thảo “siêu vũ khí” - bom uran.

    Sáng kiến này của Kvaxnikov gắn với những sự kiện kịch tính khác khi từ lâu ở Đức, Anh, Mỹ các nhà vật lý đã bắt tay vào nghiên cứu khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, trước cả khi chính phủ Mỹ tổ chức trung tâm đặc biệt về chế tạo bom nguyên tử ở Los Alamos.

    Mùa thu 1939 các bác học hàng đầu của Đức dưới sự lãnh đạo của Suman đã liên kết vào “Hội uran” thuộc Cục vũ trang quân đội nơi, cùng tham gia là Verner Geizenberg, Karl- Fridrik von Vaitszeker, Paul Gratek, Otto Hann, Wilhem Grot và những người khác. Viện vật lý Berlin của Hội thủ tướng Wilhem trở thành trung tâm nghiên cứu nguyên tử, còn giáo sư Geizenberg được cử làm giám đốc. Được lôi kéo vào nghiên cứu khoa học là các viện Hoá Lý của các trường đại học Tổng hợp Hamburg Laixich, Greifsvald, Geidelberg và Rostoksk.

    Trong vòng 2 năm nhóm Geizenberg đã tiến hành các nghiên cứu lý thuyết khởi điểm và các thử nghiệm cần thiết để xây dựng lò phản ứng hạt nhân với việc sử dụng uran và nước nặng. Xác định được chất gây nổ là hạt của uran- 238 - uran- 235 thường có trong quặng uran.

    Những nghiên cứu đã định đòi hỏi một lượng uran khá nhiều và nước nặng hoặc than chì sạch (grafit). Người Đức đã lấy quặng ở mỏ Iakhimov, Tiệp Khắc. Sau khi chiếm Bỉ mùa xuân 1940, bọn Đức đã chiếm được tại nhà máy “Union miner” gần 1200 tấn uran tinh chất, gần một nửa dự trữ uran thế giới (nửa khác trong năm đó được bí mật chuyển từ Côngô sang Mỹ). Chiếm Nauy, trong tay người Đức có nhà máy của hãng “Norsk- gidro” ở Rukan lúc ấy là nhà máy duy nhất sản xuất và cung cấp nước nặng (trước đó 185 kg nước nặng theo đơn đặt của Jolio-Quyri được chuyển đến Paris, và chính nó đã lọt sang Mỹ).

    Tháng 12- 1940 dưới sự lãnh đạo của Geizenberg người Đức đã xây lò phản ứng thử nghiệm đầu tiên, còn hãng Auergezelsaft nắm được cách sản xuất uran kim loại. Đồng thời các phòng thí nghiệm bí mật của Simens đã bắt đầu tìm cách xử lý sạch than chì để dùng nó với tư cách chất hãm các nơtron trong lò phản ứng khi thiếu nước nặng, cũng như triển khai kế hoạch đảm bảo điện năng cho phương án.

    Đáng kể là gần như cùng lúc đó bằng quyết định của Hội nghị đặc biệt NKVD vào tháng 4- 1940 đã trục xuất khỏi Liên Xô nhà vật lý Đức nổi tiếng F. Houtermans. Ông ta làm việc lâu tại trường đại học vật lý- kỹ thuật ở Kharkov với nhà vật lý danh tiếng Landao, nghiên cứu các vấn đề vật lý hạt nhân. Tháng 12- 1937 Houtermans bị bắt “như một kẻ nước ngoài di tản giả vờ là người chống phát xít”. Houtermans đồng ý cộng tác với cơ quan NKVD sau khi trở về Đức. Nhưng ông ta bị Gestapo bắt như một người có cảm tình với cộng sản. Các nhà khoa học Đức đã xin thả ông và đưa vào công việc khoa học ở Đức.

    Bước ngoặt trong số phận của Houtermans dẫn tới sự tích cực hóa các nghiên cứu về khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử ở Mỹ và Anh năm 1941. Houtermans uỷ nhiệm cho người thân tín, nhà vật lý Đức F. Raikhe, người trốn khỏi Đức năm 1941, thông báo cho các nhà vật lý về sự bắt đầu các công việc ở nước Đức phát xít về chế tạo vũ khí nguyên tử.

    Nhóm trưởng tình báo ta ở New York Ovakimian thông tin cho chúng tôi vào tháng 4- 1941 về cuộc gặp gỡ của người chạy khỏi nước Đức với các nhà vật lý danh tiếng nhất của thế giới phương Tây đang có mặt tại Mỹ mà trong tiến trình đó đã bàn bạc về tiềm năng khổng lồ của uran.

    Thành công lớn trong hướng hoạt động tình báo hàng đầu này đã đạt được sau khi chúng ta cử sang Washington với tư cách trưởng nhóm Zarubin (“Kuper”, “Makxim”) dưới vỏ bí thư sứ quán cùng với vợ là Liza, cựu binh tình báo.

    Stalin tiếp Zarubin ngày 12- 10- 1941 trước lúc ông sang Washington. Lúc đó quân Đức ở gần Moskva. Stalin nói với Zarubin rằng nhiệm vụ chính của ông trong năm tới là tác động chính trị của chúng ta đến Mỹ thông qua mạng lưới điệp viên ảnh hưởng.

    Trước đấy thông tin chính trị ở Mỹ là tối thiểu, vì chúng ta không có những đụng độ các quyền lợi với Mỹ. Nhưng trước chiến tranh Kremli lo lắng bởi các tin tức đến từ Mỹ, rằng trong trường hợp Liên Xô thất bại trong chiến tranh với Đức, chính phủ Mỹ sẽ xem xét khả năng công nhận chính phủ Kerenxky là chính phủ hợp pháp ở Nga, và lãnh đạo Xô viết nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của thông tin về các ý đồ của chính phủ Mỹ, bởi sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến tranh với Hitler có một ý nghĩa lớn.

    Các tin tức về chương trình nghiên cứu vũ khí nguyên tử đến từ Anh, Mỹ, Scandinavia và Đức đã thay đổi hướng các nỗ lực của tình báo chúng ta.

    Ngày 16- 9- 1941 văn phòng quân sự Anh - xem xét một báo cáo chuyên môn về việc chế tạo bom uran trong vòng 2 năm. Phương án về bom uran có tên “Hợp kim ống” được đầu tư rất nhiều tiền. Điệp viên Maklin ở Bộ Ngoại giao Anh chuyển cho chúng ta báo cáo 60 trang của văn phòng quân sự Anh với sự thảo luận đề án này.

    Nguồn khác của chúng ta - điệp viên từ tổ hợp công nghiệp Imperial chemical industry báo rằng tổ hợp đang xem xét vấn đề bom nguyên tử chỉ ở mặt lý thuyết. Đồng thời chúng tôi cũng rõ uỷ ban tướng lĩnh Bộ tham mưu Anh cũng phê chuẩn quyết định xây dựng nhà máy bom nguyên tử. Nhóm trưởng ta ở London Gorxky cấp tốc đề nghị Trung tâm tiến hành thẩm định các tài liệu được chuyển về.

    Hoạt động tình báo ở Mỹ định hướng tới sự đối kháng của Đức và Nhật Bản. Nhóm trưởng ở San Francisco Kheifets cố tuyển dụng hệ thống điệp viên ở Mỹ rồi sau sử dụng ở Đức, nhưng kết quả không đáng kể. Trong nhiệm vụ của Kheifets và Zarubin là vô hiệu hoá hoạt động chống Liên Xô của bạch vệ lưu vong ở Mỹ như cựu thủ tướng chính phủ lâm thời Kerenxky, thủ lĩnh đảng Eser Trernov bị Lenin trục xuất khỏi Nga năm 1922.

    Nhưng mọi điều đó trở thành thứ yếu, khi Kheifets và cán bộ tác chiến Xemenov báo về, rằng chính quyền Mỹ dự định kéo các nhà bác học vĩ đại, trong đó kể cả những người được giải Nobel, để soạn thảo một vấn đề đặc biệt bí mật và chính phủ dành 20% tổng chi phí nghiên cứu kỹ thuật- quân sự cho mục đích này.

    Đến tháng 2- 1942 tôi giữ chức phó cục trưởng Cục tình báo đối ngoại và nhớ thông báo này. Nó chứa nội dung vô cùng quan trọng làm thay đổi quan niệm bảo thủ của chúng ta đối với vấn đề nguyên tử.

    Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Kheifets và Oppengeimer diễn ra vào tháng 12- 1941 ở San Francisco tại hội nghị quyên góp giúp đỡ những người tị nạn và cựu binh cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Kheifets tham dự cuộc họp này với tư cách phó lãnh sự quán Liên Xô. Ông nói tốt tiếng Anh, Đức và Pháp và là một nhân cách xuất chúng. Từ những năm 30, vốn là phó nhóm trưởng tại Italia, ông đã nhận ra và bắt đầu việc tuyển dụng bước đầu Fermi và học trò của ông ta là Pontekorvo là những người có các quan điểm chống phát xít và có thể trở thành nguồn của thông tin khoa học- kỹ thuật.

    Tôi gặp Kheifets vào những năm 30 và lập tức sức quyến rũ và tính chuyên nghiệp của một nhà tình báo đã chinh phục tôi. Một thời gian Kheifets làm thư ký của Krupxkaia.

    Kheifets quay vòng trong các giới khác nhau ở San Francisco, được sự kính trọng của những người cộng sản và phái tả (họ gọi ông là “ngài Braun”). Kheifets kể với tôi là đã hai lần gặp Oppengeimer và vợ ông ta. Đến thời gian ấy Kheifets đã nghe thấy tin đồn về công việc chế tạo một loại siêu vũ khí, nhưng Moskva vẫn đang ngờ vực ở tầm quan trọng và không thể trì hoãn của vấn đề nguyên tử.

    Chính lúc ấy Kheifets đã báo rằng Oppengeimer có nhắc đến bức thư mật của Albert Einstein gửi tống thống Roosevelt năm 1939 trong đó lưu ý ông ta tới sự cấp thiết nghiên cứu để chế tạo loại vũ khí mới chống chủ nghĩa phát xít.

    Nhà chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm Kheifets biết rất tốt cách làm thân với Oppengeimer. Không phải là trả tiền, đe dọa hoặc tống tiền bằng cách bôi nhọ thanh danh. Nhờ vẻ quyến rũ riêng ông thiết lập quan hệ tin cậy với Oppengeimer thông qua em trai của ông ta là Frank khi nói chuyện nhân sự tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản và hiểm hoạ chủ nghĩa phát xít đang treo trên đầu thế giới.

    Trong nghĩa chính xác Oppengeimer, Fermi và Stsilard chưa bao giờ là điệp viên của ta. Cả Kvaxnikov lãnh đạo tình báo khoa học- kỹ thuật Liên Xô những năm 1947 - 1960 cũng khẳng định điều đó: “Các bác học làm việc với tình báo ta, không thể gọi là điệp viên”.

    Thông tin của Kheifets có tính chất cực kỳ quan trọng. Trung tâm giao cho Xemenov (mật danh Tven) kiểm tra tin tức nhận được từ Kheifets. Xemenov phải làm rõ các nhà bác học- chuyên gia chủ chốt được lôi kéo làm việc với đề án siêu bí mật, và xác định vai trò cụ thể của từng người.

    Xemenov vào cơ quan an ninh năm 1937. Anh là một trong số ít người có học vấn đại học kỹ thuật, và anh được phái đi học ở Mỹ, tại trường đại học công nghệ Massachusetts, để trong tương lai sử dụng theo hướng tình báo khoa học- kỹ thuật. Chính Xemenov và trợ lý của anh đã thiết lập được các tiếp xúc vững chắc với những nhà vật lý gần gũi với Oppengeimer ở Los Alamos những năm 20 - 30 đã làm việc tại Liên Xô và có liên hệ với kiều dân Nga chống phát xít ở Mỹ. Kênh thông tin chính về bom nguyên tử đã bắt đầu hoạt động đều đặn như thế. Đó là Xemenov lôi cuốn vợ chồng Koen cộng tác, thực hiện vai trò người đưa tin; năm 1945 Lona Koen chuyển cho chúng ta những tài liệu khoa học quan trọng bậc nhất về cấu trúc bom nguyên tử.

    Xemenov xác định ai trong số bác học nổi tiếng tham gia vào cái gọi là đề án Manhattan về chế tạo bom nguyên tử, và mùa xuân 1942, độc lập với Kheifets, báo rằng không chỉ các bác học, mà chính phủ Mỹ quan tâm nghiêm túc đến vấn đề này. Xemenov cũng báo rằng tham gia đề án có chuyên gia nổi tiếng về chất nổ Kixtiakovxky, người Ucraina.

    Chúng tôi cho ngay chỉ thị sử dụng mạng điệp viên để tiếp xúc với Kixtiakovxky, nhưng các điệp viên quan trọng của ta ở Mỹ - Iakhontov tướng quân đội Sa hoàng, di tản sang Mỹ sau nội chiến, lấy chị gái của vợ bộ trưởng an ninh quốc gia Liên Xô Merkulov; và Xergei Kurnakov, cựu binh của các chiến dịch GPU về di tản ở Mỹ, đã không thể lôi kéo được Kixtiakovxky.

    Một thời gian Xemenov có liên hệ với vợ chồng Ulius và Etel Rozenberg được Ovakimian lôi kéo hợp tác với tình báo ta từ những năm 30. Thông tin khoa học- kỹ thuật của Rozenberg không có ý nghĩa - họ và những người họ hàng là bảo hiểm từ xa với các chiến dịch chủ yếu. Sau đó vụ bắt giữ và xét xử đối với họ đã gây sự chú ý của toàn thế giới.

    Có lẽ Xemenov có vai trò chủ chốt trong sự thành lập kênh thông tin tình báo về bom nguyên tử mà qua đó những năm 1941- 1945 chúng ta nhận được, như Terletsky viết trong hồi ký, các tổng kết bí mật, cũng như tài liệu Anh với sự mô tả các cuộc thử nghiệm chính về xác định thông số các phản ứng hạt nhân, lò phản ứng, các loại lò uran, các ghi chép việc thử bom uran và v.v...

    Tháng 3- 1942 Maklin trao cho chúng ta các tài liệu về sự tăng cường đối với vấn đề nguyên tử ở Anh. Cùng năm này tình báo quân đội lôi kéo được Fuchs cộng tác.

    Có sự cảnh báo của Flerov về các công việc liên quan đến bom nguyên tử, các tín hiệu cho thấy mối quan tâm của người Đức đối với vấn đề nguyên tử từ nhóm bí mật của NKVD ở Kharkov bị chiếm đóng.

    Nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở nước ta. Ngày 5- 1- 1942 Stalin nhận được thư của nhà vật lý trẻ, chuyên gia về các phản ứng hạt nhân, viện sĩ tương lai Flerov, người đã chú ý đến sự vắng mặt đáng ngờ trên báo chí nước ngoài từ năm 1940 các công bố khoa học mở về vấn đề uran, mà theo anh, điều đó chứng tỏ sự bắt đầu công việc chế tạo vũ khí nguyên tử ở Đức và các nước khác. Flerov cảnh báo rằng người Đức có thể là những người đầu tiên chế tạo được bom nguyên tử.

    Bức thư đến trùng với thông tin của điệp viên từ Kharkov. Chúng tôi được báo Houtermans từng cư trú chính trị ở Liên Xô vào thời Kharkov bị chiếm đóng thực tế đã trở thành một trong những lãnh đạo trường đại học vật lý kỹ thuật Ucraina. Trong các báo cáo của điệp viên, Houtermans đến Kharkov trong “quân phục SS”.

    Được phép của lãnh đạo tôi báo ngay với Kapitsa về sự xuất hiện của Houtermans ở Kharkov và Kiev trong phái đoàn quân sự Đức để tổ chức lại thiết bị khoa học. Kapitsa cho thông báo đó có một ý nghĩa quan trọng, chỉ ra rằng điều đó khẳng định sự phát triển công việc chế tạo bom nguyên tử ở Đức.

    Và tôi (lúc đó tôi chuyên trách tổ chức phong trào du kích và thu thập thông tin tình báo về Đức và Nhật Bản) được giao làm sáng tỏ tất cả về các nghiên cứu nguyên tử ớ Đức.

    Thông tin từ mạng tình báo nhận được trong giới công nghiệp Thuỵ Điển là mâu thuẫn. Thông tin về bom nguyên tử đến từ Mỹ và Anh là trùng hợp. Nó được khẳng định khi chúng tôi nhận được thông báo về khả năng chế tạo bom nguyên tử từ lời nhà bác học nguyên tử nổi tiếng Elizabeth Meither. Meither ở trong tầm ngắm của tình báo ta kể từ năm 1938 khi bà có khả năng đến Liên Xô để làm việc. Sau bà phải chạy khỏi nước Đức phát xít sang Thuỵ Điển nơi Nils Bor đã giúp bà thu xếp công việc tại Viện vật lý. Các điệp viên nữ nối kết với Meither chỉ dẫn Zoia Rưbkina, nhóm trưởng tình báo NKVD tại Stokholm, chỉ dẫn theo chỉ thị của Beria.

    Tháng 3- 1942 Beria gửi cho Stalin toàn bộ thông tin đến từ Mỹ, Anh, Scandinavia và Kharkov bị chiếm đóng. Trong thư ông chỉ ra rằng ở Mỹ và Anh đang tiến hành các công việc khoa học về chế tạo vũ khí nguyên tử.

    Đến đầu năm 1943 ở ta chưa tiến hành những công việc thực tế trong lĩnh vực chế tạo bom nguyên tử. Còn trước sự tấn công của Đức uỷ ban quốc gia về các nghiên cứu công nghiệp quân sự đã từ chối đề nghị của các nhà vật lý nguyên tử của Viện nghiên cứu vật lý- kỹ thuật ở Kharkov và nhà bác học Đức di tản Lange chế tạo thiết bị nổ siêu mạnh. Đề nghị được gửi tới phòng sáng chế Bộ Quốc phòng nhưng người ta cho là nó là quá sớm và đã không ủng hộ.

    Tháng 3- 1942 Beria đề nghị Stalin thành lập nhóm cố vấn khoa học gồm những bác học tên tuổi và các cán bộ có trách nhiệm để điều phối công việc về nghiên cứu năng lượng nguyên tử trực thuộc uỷ ban quốc phòng. Ông cũng đề nghị Stalin cho phép giới thiệu thông tin về vấn đề nguyên tử nhận được qua mạng tình báo với các bác học nổi tiếng để có sự đánh giá. Stalin đồng ý và yêu cầu để một số nhà bác học nổi tiếng đưa ra kết luận về vấn đề này.

    Phát biểu về vấn đề chế tạo bom nguyên tử trong tương lại gần, là viện sĩ Ioffe và học trò của ông là Kurtratov những người được làm quen với các tài liệu tình báo, và viện sĩ Kapitsa (ông được thông báo miệng về việc chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ, Anh và Đức).

    Người ta mời Ioffe tham gia nghiên cứu năng lượng nguyên tử theo lời khuyên của viện sĩ Vernadxky. Tiếp theo Ioffe đã đóng vai trò đáng kể trong sự xoa dịu các mâu thuẫn giữa các bác học trường đại học Tổng hợp Moskva và Viện hàn lâm, và ông là một trong những người có sáng kiến thành lập ngay sau chiến tranh ba trung tâm nghiên cứu nguyên tử chủ yếu.

    Kapitsa cho rằng chế tạo bom nguyên tử là thách thức cho vật lý hiện đại, và sự giải quyết nó chỉ có thể bằng nỗ lực chung của các nhà bác học chúng ta và các nhà bác học Mỹ và Anh, nơi đang tiến hành các nghiên cứu nền tảng về năng lượng nguyên tử.

    Tôi nghe kể rằng tháng 10- 1942 tại biệt thự của mình Stalin chỉ tiếp Vernadxky và Ioffe. Vernadxky khi viện dẫn thoả thuận không chính thức của các nhà vật lý lớn nhất thế giới về công việc hợp tác, đã đề nghị Stalin nhờ Nils Bor và các nhà bác học khác đã di tản sang Mỹ, cũng như các chính phủ Mỹ và Anh chia xẻ với chúng ta thông tin và cùng nhau tiến hành công việc về năng lượng nguyên tử. Đáp lại Stalin nói rằng thật là ngây thơ về chính trị nếu họ nghĩ rằng các chính phủ phương Tây cho chúng ta thông tin về thứ vũ khí mà trong tương lai sẽ cho khả năng thống trị thế giới. Thế nhưng Stalin đồng ý rằng cách tiếp cận thăm dò không chính thức tới các chuyên gia phương Tây nhân danh các bác học chúng ta có thể là có lợi.

    Sau cuộc gặp gỡ đó, nhưng muộn hơn, Vannikov, bộ trưởng quân khí, một trong những nhà lãnh đạo chương trình nguyên tử, kể với tôi, lần đầu tiên giới lãnh đạo đất nước hoàn toàn tin chắc vào khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử, và Stalin bị quyến rũ bởi tiềm năng công phá mãnh liệt của bom nguyên tử đến nỗi vào cuối tháng 10- 1942 đã đề nghị đặt mật danh cho kế hoạch tấn công của chúng ta ở Stalingrad là chiến dịch “Uran”. Stalin lệnh cho Pervukhin bộ trưởng công nghiệp hoá chất giúp đỡ tích cực nhất các bác học trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.


    [...]
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    2. Kapitsa và Kurtratov: có khả năng giải quyết vấn đề bom nguyên tử

    Qua đi một năm. Kapitsa được NKVD thông báo vào những năm 1942- 1943 về sứ mệnh của Houtermans tại Kharkov bị chiếm đóng và sự bắt đầu chế tạo vũ khí nguyên tử ở Mỹ và Đức, mấy lần đề nghị Stalin và Beria mời Bor để ông ấy đứng đầu chương trình nguyên tử của chúng ta. Theo thoả thuận với Molotov, ông viết cho Bor một bức thư trong đó đề nghị Bor đến Liên Xô nơi ông được đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho công việc. Khi Bor ở Anh, ông được mời đến sứ quán Liên Xô nơi ông gặp nhóm trưởng tình báo NKVD Gorxky đang hoạt động dưới vỏ bọc cố vấn của sứ quán, nhưng khi trò chuyện Bor né tránh bàn về những vấn đề nghiên cứu nguyên tử.

    Cuối tháng 1- 1943 nhận được thông tin từ Xemenov (Tven), rằng tháng 12- 1942 ở Chicago, Fermi đã thực hiện thành công phản ứng hạt nhân đầu tiên. Nguồn của ta, như tôi nhớ, Pontekorvo trẻ tuổi báo về thành công đặc biệt của Fermi bằng một câu quy ước: “Nhà hàng hải Italia đã đến Tân thế giới”. Thế nhưng tin tức này có tính chất chung chung, và sau mấy tháng Kurtratov yêu cầu xin thêm tài liệu bổ sung về phản ứng hạt nhân đầu tiên.

    Cùng lúc đó Barkovxky chuyển về từ Anh những công trình khoa học bí mật của các bác học phương Tây về năng lượng nguyên tử những năm 1940- 1942. Các công trình này khẳng định rằng phương Tây đã đạt được tiên bộ lớn trong chế tạo bom nguyên tử.

    Như thế, chúng ta có không chỉ những thông báo truyền miệng mà cả các biên bản thảo luận tại các hội nghị của Hội đồng quân sự Anh về khả năng sử dụng năng lượng nguyên tử để chế tạo siêu vũ khí.

    Năm 1943 Vaxilevxky được cử làm trưởng nhóm ở Mexico. Ông hoàn toàn phù hợp cho công việc này: Ông có kinh nghiệm chiến tranh ở Tây Ban Nha nơi ông chỉ huy đội du kích phá hoại; ông thực hiện thành công các chiến dịch tình báo ở Paris những năm 1939- 1941; quen thuộc lối sống phương Tây, bao giờ cũng ăn mặc đẹp, nắm vững tiếng Pháp và Tây Ban Nha, có năng lực xuất sắc kết thân với mọi người và lôi kéo hợp tác. Vaxilevxky đã phục hồi được liên lạc với mạng điệp viên ở Mỹ và Mexico do Eitingon và Grigulievich tuyển dụng để tiến hành chiến dịch thủ tiêu Trotsky. Trước khi rời đi Mexico ông nhận được phép đặc biệt về sử dụng những người này. Qua các kênh bị phong toả một thời gian này, Vaxilevxky móc nối liên lạc với Pontekorvo ở Canada và một số chuyên gia phòng thí nghiệm Chicago của Fermi, không qua phụ trách của ta ở New York. Pontekorvo báo với Vaxilevxky rằng Fermi có thái độ tích cực với ý tưởng chia xẻ thông tin về năng lượng nguyên tử với các nhà bác học các nước liên minh chống Hitler.

    Ngày 11- 2- 1943 Stalin ký sắc lệnh của chính phủ tổ chức công tác sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích quân sự. Đứng đầu việc này là Molotov. Cùng lúc có các phê chuẩn khiến nó trở thành nhiệm vụ hàng đầu của NKVD. Beria thoạt đầu là phó của Molotov và chịu trách nhiệm bảo đảm thông tin tình báo khoa học và quân sự. Tôi vẫn nhớ ông đã lệnh cho tôi giới thiệu các tài liệu khoa học nhận được bằng đường tình báo mà không làm lộ nguồn thông tin với Ioffe, Kurtratov, Kikoin và Alikhanov.

    Kikoin đọc xong báo cáo về phản ứng dây chuyền hạt nhân, đã kích động khác thường và dù tôi không nói ai thực hiện nó, lập tức ông phản ứng: “Là Fermi. Ông là người duy nhất trên thế giới có khả năng tạo ra điều kỳ điệu đó”. Tôi buộc cho họ xem một số tài liệu bằng tiếng Anh, nhưng lấy tay che phần có chữ ký và liệt kê nguồn. Các nhà bác học nói vẻ xúc động: “Này Pavel Anatolievich, anh quá ấu trĩ. Chúng tôi biết ai trong thế giới vật lý và có khả năng gì. Anh hãy đưa các tài liệu của anh cho chúng tôi, còn chúng tôi sẽ nói ai là tác giả của chúng”. Ioffe lập tức qua một tài liệu khác nêu tên tác giả - Fris. Tôi lập tức báo điều đó với Beria và nhận được sự cho phép hé lộ các nguồn thông tin với Ioffe, Kurtratov, Kikoin và Alikhanov.

    Tháng 4 - 11943 Viện hàn lâm khoa học Liên Xô xây dựng Phòng thí nghiệm đặc biệt số 2 về vấn đề nguyên tử mà Kurtratov được cử là người lãnh đạo. Ông chưa đầy 40 tuổi. Đó là một quyết định mạnh dạn. Nhưng chúng ta biết người đứng đầu đề án nguyên tử Mỹ là Oppengeimer 44 tuổi là người không được giải Nobel. Các nhà vật lý thế hệ già của chúng ta không thể tin rằng Bor và Fermi làm việc phụ thuộc vào Oppengeimer. Tháng 12 - 1943 theo chỉ thị trực tiếp của Stalin, Kurtratov được bầu là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học.


    [...]
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    3. Nhóm X

    Nhận từ NKVD báo cáo về phản ứng dây chuyền hạt nhân do Fermi thực hiện, Kurtratov đề nghị Pervukhin giao cho các cơ quan tình báo làm rõ một loạt vấn đề quan trọng về tình trạng các nghiên cứu nguyên tử ở Mỹ. Liên quan đến điều đó đã tiến hành tổ chức lại hoạt động của các cơ quan tình báo Bộ quốc phòng và NKVD. Trong vòng 5 năm, 1940 - 1945 tình báo khoa học- kỹ thuật được tiến hành bởi các phân đội chuyên môn và các ban của Tổng cục tình báo Hồng quân và Tổng cục 1 NKVD- NKGB mà phó tổng cục là tôi cho đến năm 1942. Năm 1944 phê chuẩn quyết định: NKVD sẽ điều phối hoạt động tình báo về vấn đề nguyên tử. Dưới sự chỉ đạo của tôi được thành lập nhóm “X” (Nhóm của Xudoplatov) được thành lập mà muộn hơn, năm 1945 trở thành Cục “X” độc lập. Ngoài nhiệm vụ điều phối hoạt động của Tổng cục tình báo quân đội và NKVD trong thu thập thông tin về nguyên tử, nhóm còn được giao chức năng hiện thực hoá tin tức nhận được trong nước. Tiến hành khối công việc lớn nghiên cứu và thu nhận thông tin khoa học- kỹ thuật là các cán bộ của nhóm, Zoia Zarubina, Zemxkov, Maxxia, Groznov, Pokrovxky. Zarubina và Zemxkov, như tôi còn nhớ, dưới sự chỉ đạo của Tepletsky, họ đã dịch những tài liệu quan trọng nhất về cấu trúc các lò phản ứng hạt nhân và của bom nguyên tử. Theo quyết định của chính phủ Cục “X” trở thành bộ máy, văn phòng số 2 của Uỷ ban đặc biệt của chính phủ Liên Xô về “vấn đề số 1”. Các chuyên gia và bác học lão luyện làm việc trong Cục thường kỳ báo cáo về các tài liệu tình báo thu được tại các cuộc họp của Uỷ ban và hội đồng khoa học- kỹ thuật do bộ trưởng quân khí Vannikov đứng đầu.

    Kurtratov và các bác học trong nhóm của ông thường đến chỗ Beria bàn các vấn đề tổ chức công việc phù hợp với thông tin NKVD nhận được, về thực tế Kurtratov và Ioffe đã đặt trước Stalin vấn đề để Beria với tư cách nhà lãnh đạo tất cả công việc về vấn đề nguyên tử thay Molotov.

    Thông thường sau khi thăm văn phòng Beria ở Lubianka xong, Kurtratov, Kikoin, Alikhanov và Ioffe lên chỗ tôi nơi chúng tôi ăn trưa ở phòng nghỉ, sau đó họ làm việc với các tài liệu nhận được từ nước ngoài.

    Để thúc đẩy nhanh công việc, các nhà bác học đã rất quan tâm làm quen với tiến trình các công việc này ở Mỹ. Các tài liệu tình báo thu được, Kurtratov nhấn mạnh, chỉ ra khả năng giải quyết kỹ thuật toàn bộ vấn đề trong thời hạn ngắn hơn nhiều, so với cách nghĩ.

    Các nguồn thông tin và mạng điệp viên của chúng ta ở Anh và Mỹ lấy được 286 tài liệu khoa học mật và ấn phẩm nội bộ về năng lượng nguyên tử. Trong ghi chép của mình vào tháng 3 tháng 4- 1943 Kurtratov nêu tên 7 trung tâm khoa học và 26 chuyên gia quan trọng nhất ở Mỹ mà thông tin nhận được từ họ có ý nghĩa lớn lao. Từ quan điểm hoạt động tình báo, đó có nghĩa là nghiên cứu tác chiến cần biến các bác học Mỹ thành nguồn thông tin quan trọng.

    Tháng 2- 1944 có cuộc họp đầu tiên các các nhà lãnh đạo tình báo quần đội và NKVD về vấn đề nguyên tử tại văn phòng Beria ở Lubianka. Phía quân đội có Ilitsev và Milstein, phía NKVD có Fitin và Ovakimian. Tôi được giới thiệu chính thức là lãnh đạo nhóm “X” điều phối các nỗ lực trong lĩnh vực này. Từ đấy tình báo quân đội thường xuyên chuyển cho chúng tôi các thông tin nhận được về vấn đề nguyên tử.

    Cần phải nói, tôi không vui mừng bởi sự giao phó của Beria. Đứng đầu nhóm “X”, tôi thấy khó khăn, bởi tôi không có học vấn kỹ thuật, chưa nói đến tri thức trong lĩnh vực vật lý. Đồng thời trách nhiệm chủ yếu của tôi là lãnh đạo hoạt động của các đội du kích phá hoại trong hậu phương quân đội Đức.

    Mùa thu 1944 Beria với tư cách phó chủ tịch chính phủ phụ trách trang bị và vũ khí, đã chính thức đứng đầu công tác chế tạo vũ khí nguyên tử.

    Năm 1944 Kheifets trở về Moskva và báo cáo với tôi và Beriạ ấn tượng về những cuộc gặp với Oppengeimer và các bác học nổi tiếng khác đang chuyên trách đề án nguyên tử. Ông nói rằng Oppengeimer và những người gần gũi của ông rất lo rằng người Đức có thể vượt trước Mỹ trong lĩnh vực này.

    Nghe báo cáo của Kheifets, Beria nói đã đến lúc các cơ quan an ninh cần cộng tác chặt chẽ hơn với các bác học. Để cải thiện quan hệ, cởi bỏ sự ngờ vực và thái độ phê phán của các chuyên gia đối với cơ quan NKVD, Beria đề nghị thiết lập các quan hệ cá nhân tin cậy hơn với Kurtratov, Kikoin và Alikhanov. Tôi mời các nhà bác học về nhà ăn trưa. Thế nhưng đó không chỉ là một cử chỉ hiếu khách: theo lệnh Beria tôi và các phó của tôi - các tướng Etingon và Xazưkin - như những cán bộ tác chiến, phải đánh giá Kurtratov, Alikhanov và Kikoin. Chúng tôi xử sự với họ như bạn bè, những người được tin cậy mà họ có thể gọi đến trong cuộc sống thường ngày.

    Một buổi tối sau khi làm việc với các tài liệu thường kỳ chúng tôi ăn tôi trong phòng nghỉ. Trên bàn có một chai cônhắc Armeni hảo hạng. Tôi vốn không chịu được rượu, thậm chí một liều nhỏ cũng gây đau đầu dữ dội, và tôi có cảm giác rằng những nhà bác học chủ chốt của chúng ta chắc cũng không dùng rượu. Vì thế tôi mời họ mỗi người một thìa cà phê cho vào trà. Họ nhìn tôi với vẻ sửng sốt, rồi cười to và rót cho mình cả ly đầy, uống chúc thành công của sự nghiệp chung của chúng ta.

    Đầu năm 1944 Beria ra lệnh chuyển cho tôi tất cả các tài liệu, soạn thảo kế hoạch tình báo động chạm đến tất cả những người nghiên cứu vấn đề nguyên tử, và họ hàng của họ. Chẳng bao lâu tôi nhận được thông báo đặc biệt rằng em trai của Kikoin vì ngây thơ đã chia sẻ nghi ngờ mình về sự sáng suốt của lãnh đạo với đồng nghiệp, và người này nhanh chóng báo điều đó với cán bộ tác chiến mà anh ta có liên hệ.

    Khi tôi báo điều này với Beria, ông ra lệnh cho tôi gọi Kikoin đến và nói với ông ta để ông tác động đến em mình. Sự giải thích của họ được ghi lại bằng cách nghe trộm nhà của các bác học nguyên tử chủ chốt.

    Tôi đã kinh ngạc là ngày hôm sau Beria xuất hiện tại phòng thí nghiệm của Kikoin để đánh tan hoàn toàn sự sợ hãi của ông ta liên quan đến chú em. Ông tập trung cả nhóm ba người - Kurtratov, Alikhanov, Kikoin - và nói lúc có mặt tôi, rằng tướng Xudoplatov được trao cho họ để có sự giúp đỡ trọn vẹn trong công việc; rằng họ được sự tín nhiệm hoàn toàn của đồng chí Stalin và của chính ông. Thông tin được trao cho họ là để thực hiện nhiệm vụ của chính phủ Xô viết. Beria nhắc lại: không có lý do để lo lắng về số phận những người thân hay những người mà họ tin cậy, - họ được bảo đảm sự an toàn tuyệt đối. Sẽ tạo cho các nhà bác học điều kiện sống tốt để họ tập trung vào giải quyết những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với quốc gia.

    Theo chỉ thị của Beria, tất cả các bác học được cuốn hút vào đề án nguyên tử được cấp nhà ở khá tốt, nhà nghỉ, được sử dụng các cửa hàng đặc biệt nơi họ có thể ngang bằng các nhà lãnh đạo chính phủ mua hàng hoá theo phiếu đặc biệt; toàn bộ biên chế của đề án nguyên tử được đảm bảo chế độ ăn uống đặc biệt và sự trợ giúp y tế cao nhất. Đồng thời mọi vấn đề của các bác học, chuyên gia và cán bộ tác chiến tham gia trực tiếp vào đề án hay nhận thông tin tình báo về vấn đề nguyên tử, được chuyển từ Cục tổ chức sang ban thư ký của Beria. Từ phòng phụ trách hướng Mỹ những tài liệu tác chiến quan trọng nhất về năng lượng nguyên tử mà tình báo thu nhận cũng được chuyển sang. Từ việc nghiên cứu tác chiến “Enommoz” về bom nguyên tử từ bấy đến giờ vẫn cất trong lưu trữ của cơ quan tình báo nước ngoài, bị lấy mất khoảng 200 trang. Với mục đích tăng cường chế độ an toàn, nếu Beria không cho phép, không ai được tiếp xúc với các tài liệu ấy. Tôi nhớ đụng độ với Zaveniagin phó của Beria, người hỏi giới thiệu các tài liệu với ông ta. Tôi từ chối, và chúng tôi cãi nhau; nhưng rồi ông ta chỉ tiếp cận được các tài liệu tình báo sau sự cho phép của Beria.

    Những khả năng hành chính của Beria trong giải quyết vấn đề nguyên tử được thừa nhận bởi cả những người tham gia chương trình, ví dụ, viện sĩ Khariton trong phỏng vấn của mình về chế tạo bom nguyên tử trong tạp chí Tia lửa (năm 1993).


    [...]
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    4. Nhắm vào các giới gần gũi với Oppengeimer, ĐCS, dân lưu vong Nga và Do Thái ở Mỹ

    Những năm 1943 - 1944 chúng tôi sử dụng các kênh khác nhau để tiếp cận bí mật nguyên tử Mỹ. Các mục tiêu chủ yếu của chúng ta là những phòng thí nghiệm ở Los Alamos, các nhà máy Ok- Ridge và các phòng thí nghiệm nguyên tử ở Berkley. Chúng tôi cũng cố thâm nhập vào các hãng công nghiệp thực hiện đơn đặt hàng gắn với việc chế tạo vũ khí nguyên tử.

    Năm 1943 nghệ sĩ danh tiếng, phụ trách nhà hát Do Thái Moskva Mikhoels cùng với nhà thơ Do Thái, điệp viên đã được kiểm tra của chúng tôi, Fefer thực hiện một chuyến đi dài sang Mỹ với tư cách nhà lãnh đạo Uỷ ban Do Thái chống phát xít. Sự bảo đảm chuyến đi thăm của Mikhoels và soạn thảo các liên lạc của ông ta trong các cộng đồng Do Thái do Kheifets thực hiện.

    Beria tiếp Mikhoels và Fefer trước lúc đi và chỉ thị cho họ tuyên truyền rộng rãi đóng góp của dân tộc Do Thái vào sự phát triển khoa học và văn hoá Liên Xô, thuyết phục dư luận Mỹ rằng chủ nghĩa chống Do Thái ở Liên Xô hoàn toàn bị thủ tiêu nhờ chính sách dân tộc của Stalin.

    Zarubin và Kheifets qua những người tin cậy thông tin cho Oppengeimer và Einstein về tình hình người Do Thái ở Liên Xô. Theo thông báo của họ, Oppengeimer và Einstein cảm động sâu sắc rằng ở Liên Xô người Do Thái được bảo đảm một cuộc sống an toàn và hạnh phúc. Đồng thời đến thời gian ấy Oppengeimer và Einstein cũng nghe tin đồn về kế hoạch của Stalin thành lập một nước cộng hoà tự trị Do Thái ở Krưm sau chiến thắng với chủ nghĩa phát xít.

    Oppengeimer và Fermi không biết rằng thời ấy các ông đã có mật danh trong tài liệu tác chiến của chúng tôi như nguồn thông tin là “Giám đốc trù bị”, “Tín phiếu”, “Ernest”. Biệt danh “Tín phiếu” được dùng đôi khi cho cả nguồn những tin tổng hợp đến từ các bác học vật lý tham gia đề án nguyên tử Mỹ. Như tôi nhớ, dưới biệt danh “Star” đôi khi dùng để chỉ Oppengeimer và Fermi. Tôi nhắc lại một lần nữa - chưa bao giờ có ai trong số họ là điệp viên được tình báo tuyển mộ cả.

    Vợ của nhà điêu khắc danh tiếng Konenkov, điệp viên được tin cậy của chúng ta hoạt động dưới sự chỉ đạo của Liza Zarubina, làm quen với Oppengeimer và Einstein ở Prinston. Cô biết cách lôi kéo giới thân cận của Oppengeimer.

    Liza Zarubina, vợ của Vaxili Zarubin, nhóm trưởng tình báo ở Mỹ, là một nhân cách vĩ đại. Quyến rũ và dễ giao tiếp, bà dễ dàng thiết lập những quan hệ thân tình trong những nhóm rộng rãi nhất. Một phụ nữ trang nhã với nét đẹp cổ điển, tâm hồn tinh tế, bà như nam châm hút mọi người lại gần. Liza là một trong những người chiêu mộ điệp viên lành nghề nhất. Bà tiếp cận Stsilard thông qua một người họ hàng của ông ta ở Moskva đang làm việc tại một phòng thí nghiệm đặc biệt của NKVD về kỹ thuật hàng không. Liza rất giỏi tiếng Anh, Đức, Pháp và Rumani. Trông bà như một đại diện tiêu biểu của Trung Âu, nhưng bà có thể thay đổi ngoại hình và phong thái đến không nhận ra nổi. Liza có họ hàng với Anna Pauker, nhà hoạt động nổi tiếng của ĐCS Rumani. Anh trai Liza lãnh đạo tổ chức chiến đấu cộng sản Rumani và khi bị toà án binh xử, ông đã hai lần chạy khỏi phòng xử án. Năm 1922 ông hy sinh trong một vụ đụng độ.

    Năm 1941 Liza Zarubina được phong đại uý an ninh quốc gia. Ở Mỹ bà thường đến California nơi Kheifets đưa bà vào nhóm người gần gũi với gia đình Oppengeimer. Nhờ các mối liên hệ của Kheifets, Liza có tất cả các cứ liệu về những thành viên gia đình và họ hàng Oppengeimer có quan điểm cánh tả. Kheifets tổ chức cuộc gặp gỡ của Liza với vợ của Oppengeimer vốn có cảm tình với Liên Xô và lý tưởng cộng sản.

    Liza Zarubina và Kheifets qua vợ Oppengeimer là Katrin thuyết phục được Oppengeimer không phát biểu công khai các quan điểm ủng hộ cộng sản để tránh sự chú ý của cơ quan đặc biệt Mỹ.

    Và thế, Oppengeimer, Fermi và Stsilard đã giúp chúng ta gài những nguồn thông tin đáng tin cậy ở Ok-Ridge, Los Alamos và phòng thí nghiệm Chicago. Theo tôi còn nhớ, ở Mỹ có 4 nguồn thông tin quan trọng đã chuyển thông tin cho mạng điệp viên của ta ở New York và Washington. Họ cũng giữ liên lạc với mạng điệp viên ngầm sử dụng vỏ bọc ở hiệu thuốc ở Santa Fé. Các tài liệu của Fuchs và của một điệp viên bí mật cắm sâu mà Xemenov, muộn hơn là Iatsov, nhận được ở New York thông qua những người đưa tin. Một trong số người đưa tin là Lona Koen. Chồng của bà là Moris Koen do Xemenov lôi kéo cộng tác. Năm 1939 Moris cưới Lona và cũng đưa bà vào công việc tình báo. Tháng 7- 1942 Moris bị gọi vào quân đội, nên đã dùng bà làm người đưa tin.

    Sau khi Iulius và Etel Roenberg bị bắt năm 1950, vợ chồng Koen kịp trốn khỏi Mỹ, ở Moskva họ qua đợt huấn luyện đặc biệt như các điệp viên mật. Nhận hộ chiếu New Zealand với tên Piter và Holen Kroger, vợ chồng Koen cắm sâu ở London. Họ có một cửa hàng bán sách cũ và trong ngôi nhà nhỏ của mình ở ngoại ô London họ đã giúp đỡ đáng kể liên lạc điện đài cho nhóm trưởng tình báo KGB Konon Molodoi hoạt động dưới tên Gordon Lonsdeil. Vợ chồng Koen bị bắt cùng ông ta năm 1961 và bị toà án Anh tuyên án 20 năm tù giam, họ trải qua 6 năm tù, sau đó được trao đổi. Sau khi được tự do họ sống ở Moskva. Lona mất năm 1992, Moris sống lâu hơn bà 3 năm.

    Trong số các bác học danh tiếng nhất mà chúng tôi tích cực tìm cách lôi kéo, có Georgi Gamov - nhà vật lý Nga bỏ chạy sang Mỹ năm 1933 từ Brussels nơi diễn ra đại hội quốc tế của các nhà vật lý. Khả năng sử dụng Gamov và tiếp cận ông ta qua họ hàng ở Liên Xô mà thực tế là con tin của chúng tôi, do viện sĩ Ioffe mách nước. Gamov có liên hệ rộng với các nhà vật lý Mỹ và giữ quan hệ thân tình với Nils Bor. Chúng tôi giao cho Liza Zarubina đạt được sự cộng tác của ông với chúng ta. Liza tiếp xúc với ông ta qua vợ ông, cũng là nhà vật lý. Gamov dạy ở trường đại học Tổng hợp Georgia town ở Washington và, điều đặc biệt quan trọng, lãnh đạo các cuộc xemina thường niên về vật lý lý thuyết ở Washington. Như thế ông ta có thể bàn bạc với các nhà vật lý hàng đầu thế giới những nghiên cứu triển vọng nhất.

    Chúng ta đã sử dụng được mối quen biết rộng của Gamov. Liza Zarubina buộc vợ Gamov cộng tác để đổi lấy bảo đảm họ hàng ở Liên Xô sẽ được giúp đỡ trong những năm chiến tranh gian khổ.

    Tôi vẫn nhớ, trong một số trường hợp các chuyên gia Mỹ đã vi phạm nguyên tắc làm việc với các tài liệu mật và cho Gamov xem các tổng kết về những thí nghiệm khi cần ông tư vấn. Sự vi phạm chế độ làm việc với các tài liệu theo sự đồng tình chung của các nhà bác học. Kiểm tra của FBI năm 1948 xác định hơn 1500 trang trong tài liệu tổng kết về chế tạo bom nguyên tử ở Los Alamos bị biến mất. Từ vợ chồng Gamov, chúng ta nhận được những nhận xét chung về các bác học, tâm trạng và các đánh giá của họ về khả năng chế tạo bom nguyên tử. Tôi có cảm giác rằng giữa Bor, Fermi, Oppengeimer và Stsilard có sự thoả thuận bất thành văn việc chia sẻ các nghiên cứu mật về vũ khí nguyên tử với nhóm các bác học chống phát xít ủng hộ phái tả.

    Nguồn thông tin khác ở Tennessi nhóm điệp viên ngầm cũng sử dụng vỏ bọc là hiệu thuốc ở Santa Fé thu được từ Fermi và Pontekorvo. Các tài liệu này được chuyển với người đưa tin sang Mexico. Theo tôi nhớ, có ba người - cán bộ khoa học và người chào hàng - đã chép lại những tài liệu quan trọng nhất khi tiếp xúc được với chúng nhờ Oppengeimer, Fermi và Veiskopf.


    [...]
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    5. Hiệp ước ngấm ngầm giữa các nhà vật lý hàng đầu thế giới. Các bác học trong thời đại hạt nhân

    Oppengeimer đề nghị giám đốc đề án, tướng Grovs, mời các bác học nổi tiếng nhất của châu Âu sang Mỹ để làm việc. Trong số họ có Nils Bor. Bor không hề là điệp viên của ta, nhưng ông đã cho chúng ta những sự giúp đỡ vô giá. Sau cuộc trò chuyện với Meither năm 1943 ở Thuỵ Điển ông tích cực hoạt động nhằm chia xẻ các bí mật nguyên tử với cộng đồng thế giới chống phát xít. Nữ văn sĩ Phần Lan Vuoliyoki, điệp viên nổi tiếng của tình báo ta, đã có vai trò to lớn trong sự hình thành quan điểm của Bor và Meither. Vuoliyoki ở Phần Lan bị tuyên án tử hình vì làm gián điệp cho Liên Xô, nhưng bà được tha bởi sức ép của dư luận (một con rể của bà là thứ trưởng ngoại giao Thuỵ Điển, người khác - một trong những nhà lãnh đạo ĐCS Anh - Palm Datt), và bà đã sang Thuỵ Điển.

    Về sau qua Vuoliyoki và Meither chúng tôi tiếp cận Bor và bố trí cuộc gặp của cán bộ ta là Vaxilevxky và Terletsky với ông vào tháng 11- 1945 ở Copenhagen.

    Năm 1943, như Feklixov một trong số người tham gia chiến dịch của tình báo ta về vấn đề nguyên tử, viết, Oppengeimer đề nghị đưa Klaus Fuchs vào nhóm chuyên gia Anh đến Los Alamos để tham gia vào công việc chế tạo bom nguyên tử.

    Năm 1933 đảng viên cộng sản Đức Fuchs buộc phải tìm chôn ẩn thân ở Anh. Nhận được học vấn tại trường đại học Tổng hợp Bristol, ông tiếp tục làm việc ở đó như một nhà vật lý. Năm 1941 Fuchs thông báo về sự tham gia của mình vào các nghiên cứu nguyên tử với nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào công nhân và cộng sản Iurgen Kutsinsky. Kutsinxky thông tin cho đại sứ Liên Xô ở Anh Maixky. Maixky có quan hệ căng thẳng với nhóm trưởng tình báo NKVD ở London Gorxky và vì thế đã giao tuỳ viên quân sự Kremer tiếp xúc với Fuchs. Lúc đầu Fuchs gặp Urxula Kutsinxky (Xonia), điệp viên tình báo quân đội, một trong số người tổ chức mạng “Dàn đồng ca Đỏ”.

    Trước chuyến đi Mỹ Fuchs được chỉ dẫn về các điều kiện thiết lập lại liên lạc. Trong quan hệ với đồng nghiệp ở Mỹ Fuchs cần thể hiện rằng ông là người duy nhất trong nhóm chuyên gia Anh bị trại tập trung Đức đe dọa. Với lý do đó Fuchs đã được Oppengeimer tin tuyệt đối và tiếp cận được các tài liệu mà Fuchs không có liên quan tới. Oppengeimer thường có đụng độ gay gắt với tướng Grovs, người kiên quyết phản đối để các chuyên gia Anh chỉ được biết thông tin cuối cùng của các nghiên cứu và thử nghiệm (Fuchs thông tin cho chúng tôi về điều đó).

    Chính quyền và tình báo Anh cũng đặt trước các chuyên gia của mình nhiệm vụ thu thập thông tin về bom nguyên tử bởi nhẽ người Mỹ không định chia xẻ các bí mật nguyên tử với họ.

    Có thể, còn nguyên nhân nữa mà vì thế Oppengeimer mời Fuchs đến Los Alamos, muộn hơn - đến Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Prinston. Có thể, Oppengeimer biết, sau chiến tranh Fuchs sẽ không ở lại Mỹ. Tôi còn nhớ, trong các tài liệu tình báo có ghi lại lời của ông: thông tin phải được chuyển cho những người sẽ rời Mỹ sau khi kết thúc công việc. Ngoài ra Oppengeimer có cơ sở ước đoán rằng Fuchs liên quan với những người cộng sản và điều đó có thể cũng đóng vai trò của nó.

    Liza Zarubina lập lại liên lạc với hai điệp viên người Do Thái ở duyên hải miên Tây mà Eitingon tuyển dụng từ những năm 30. Thoạt đầu có kế hoạch là hai điệp viên nằm ổ ở California với mục đích tổ chức phá hoại trên các tàu chở nhiên liệu chiến lược sang Nhật Bản trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự với Nhật Bản.

    Một trong hai người là bác sĩ nha khoa (mật danh Người đánh cờ) có bằng Y khoa Pháp từ những năm 20. Vợ bác sĩ thiết lập được quan hệ thân tình với gia đình Oppengeimer. FBI không hề biết về các tiếp xúc mật của Zarubina. Mãi năm 1946 nhân những sự phát giác khác FBI mới xác định chắc chắn Zarubina là tình báo Xô viết, nhưng lúc ấy bà đã ở Moskva.

    Bằng cách đó Xemenov và Liza Zarubina tạo dựng một hệ thống các liên hệ tin cậy, còn Kvaxnikov và Iatskov dưới sự lãnh đạo của Ovakimian bảo đảm sự truyền tin thông suốt giai đoạn kết thúc công việc ở Los Alamos năm 1945.


    [...]
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    6. Những báo cáo một tại hội nghị uỷ ban đặc biệt của chính phủ Liên Xô về vấn đề nguyên tử

    Cần nhấn mạnh rằng việc làm quen của các bác học ta với những công trình khoa học của - Oppengeimer, Fermi, Stsilard có ý nghĩa quan trọng để triển khai rộng công việc về bom nguyên tử. Tôi muôn lưu ý là thông tin này đến với chúng ta bằng con đường bí mật mà họ có biết. Tôi nhớ, qua “Robert” và “Giám đốc trù bị”, như cách gọi Los Alamos trong danh sách, chúng ta đã nhận được 5 báo cáo tổng hợp bí mật về tiến trình chế tạo bom nguyên tử.

    Tài liệu tương tự được chuyển không chỉ cho chúng ta mà còn cho các bác học Thuỵ Điển. Theo tin tình báo của ta, chính phủ Thuỵ Điển có thông tin chi tiết về bom nguyên tử vào năm 1945- 1946. Người Thuỵ Điển khước từ chế tạo vũ khí riêng cho mình vì quá tốn kém. Nhưng có khá đủ cứ liệu cho thấy người Thuỵ Điển cũng như chúng ta nhận được thông tin về bom nguyên tử, nói riêng, cả từ Bor sau khi ông từ giã Los Alamos.

    Chúng ta được thông tin không chỉ về các soạn thảo kỹ thuật của chương trình nguyên tử mà còn biết về các mâu thuẫn và cạnh tranh giữa các nhà bác học và chuyên gia làm việc ở Los Alamos, về quan hệ căng thẳng của các bác học với Grovs - giám đốc đề án. Đặc biệt chúng ta lưu ý thông tin về sự bất đồng ý kiến nghiêm trọng của tướng Grovs và Stsilard. Grovs nổi điên vì phong cách làm việc của Stsilard và việc ông từ chối tuân thủ chế độ bảo mật và kỷ luật quân sự. Mâu thuẫn với viên tướng trở thành trò tiêu khiển của Stsilard. Grovs không tin ông và cho sự tham gia của ông vào đề án là mạo hiểm. Thậm chí ông ta còn định gạt bỏ ông khỏi công việc bất chấp Stsilard có đóng góp khổng lồ vào thực hiện phản ứng dây chuyền hạt nhân uran đầu tiên trên thế giới.

    Oppengeimer, theo lời Kheifets, là người có tầm tư duy xa rộng, lường trước những khả năng cũng như hiểm hoạ khổng lồ của việc sử dụng năng lượng nguyên tử. Chúng ta biết ông vẫn là nhân vật đầy quyền uy ở Mỹ sau chiến tranh, vì thế chúng ta nhất thiết che giấu cẩn thận các tiếp xúc với ông và giới thân cận của ông. Chúng ta hiểu rằng sự tiếp cận Oppengeimer và những bác học danh tiếng khác phải dựa trên sự thiết lập các liên hệ bằng hữu chứ không phải trên sự cộng tác tình báo, và nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng cái tình huống, rằng Oppengeimer, Bor và Fermi là những kẻ đầy tín niệm chống lại bạo lực. Họ cho rằng chỉ có thể ngăn chặn chiến tranh hạt nhân bằng cách tạo ra sự cân bằng lực lượng trên thế giới, theo ý họ, nó có thể ảnh hưởng tận gốc tới tình hình thế giới và thay đổi tiến trình lịch sử.

    Tôi thực kinh ngạc là quan điểm của nhiều nhà vật lý danh tiếng nhất của phương Tây và của các nhà bác học Xô viết lại trùng hợp. Như tôi đã viết, năm 1943 Vernadxky hoàn toàn chân thành đề nghị Stalin xin chính phủ Anh và Mỹ chia xẻ với chúng ta thông tin về các nghiên cứu nguyên tử và phối hợp để chế tạo bom nguyên tử. Ioffe, Kapitsa, Nils Bor cũng có những quan điểm như thế.

    Sau cuộc trò chuyện với Oppengeimer, hẳn Bor biết về sự rò rỉ thông tin đến các nhà bác học Xô viết và Thuỵ Điển, đã gặp tổng thống Roosevelt và cố thuyết phục ông ta về tính cấp thiết chia xẻ với người Nga các bí mật của đề án Manhattan để đẩy nhanh công việc chế tạo bom. Các nguồn của ta ở Anh báo rằng Bor không chỉ đề nghị với tổng thống Roosevelt, mà theo uỷ thác của ông ta, trở về Anh và cố thuyết phục chính phủ Anh về tính cấp thiết của bước làm đó. Churchill bị kinh hoàng vì đề nghị này và ra lệnh có các biện pháp ngăn chặn tiếp xúc của Bor với người Nga.

    Vợ chồng Zarubin, bất kể những kết quả đạt được trong công tác, đã không sống lâu ở Washington. Điều đó xảy ra không vì lỗi của họ và không do sự tích cực của FBI. Một trong những thuộc cấp của Zarubin, cán bộ mạng điệp viên NKVD ở sứ quán, trung tá Mironov gửi thư cho Stalin buộc tội Zarubin cộng tác với các cơ quan đặc biệt Mỹ. Trong thư Mironov chỉ ra - ông ta theo dõi Zarubin - những ngày và giờ các cuộc gặp gỡ của Zarubin với điệp viên và các nguồn thông tin, gọi đó là tiếp xúc với những đại diện của FBI. Để kiểm tra lời cáo buộc vợ chồng Zarubin bị gọi về Moskva. Mất gần nửa năm. Người ta xác định rằng các cuộc gặp gỡ đều được phép của Trung tâm và thông tin quý giá Zarubin nhận được, không ném lên ông chút nghi ngờ nào. Mironov bị triệu về từ Washington và bị bắt giữ theo cáo tội vu khống. Thế nhưng khi ông ta ra trước toà, ông ta có chứng nhận bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Ông ta bị sa thải và được chuyển vào bệnh viện tâm thần.

    Năm 1943 Trung tâm phê chuẩn quyết định sử dụng các kênh bí mật lập mối tiếp xúc với các bác học nguyên tử. Nhóm trưởng tình báo của ta Vaxilevxky ở Mexico được giao lãnh đạo trực tiếp các hoạt động. Sau khi vợ chồng Zarubin về nước, Vaxilevxky đôi khi đi thăm Washington, nhưng không dừng lại lâu ở đó để khỏi gây sự chú ý của phản gián Mỹ.

    Tôi nhớ, Vaxilevxky kể với tôi cái lần ông đến Washington năm 1944, một phần là cần gửi về Trung tâm các tài liệu nhận được từ Fermi, nhưng thật khủng khiếp khi ông biết rằng nhân viên mật mã vắng mặt. Ngày hôm sau cảnh sát Mỹ đưa nhân viên mật mã về sứ quán, sau khi nhặt được anh ta trong một quán bar nơi anh ta đã uống say đến bất tỉnh. Vaxilevxky ngay lập tức quyết định không dùng sứ quán ở Washington để chuyển những tin tức đặc biệt quan trọng. Năm 1945 vì thành công trong tiếp xúc với Fermi ở Mỹ, Vaxilevxky được cử làm phó của tôi tại Cục “X”. Gần hai năm ông lãnh đạo Cục khoa học- kỹ thuật của NKVD, còn sau đó ở Uỷ ban thông tấn - cơ quan tình báo trung tâm tồn tại từ 1947 đến 1951. Vaxilevxky bị sa thải năm 1947 - trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chiến dịch chống Do Thái mới bắt đầu. Tháng 4 đến tháng 6- 1953 ông lại bắt đầu làm việc trong bộ máy, nhưng lại bị sa thải - giờ đây bị giảm biên chế như một người “bị nghi ngờ”. Vaxilevxky mất năm 1979.

    Chúng tôi nắm được mô tả thiết kế quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 1- 1945. Mạng điệp viên ta ở Mỹ báo rằng người Mỹ cần tối thiểu 3 năm và tối đa 5 năm để chế tạo một kho vũ khí nguyên tử đáng kể. Trong thông báo này cũng nói rằng vụ nổ hai quả bom đầu có thể sẽ thực hiện sau 2- 3 tháng.

    Trong khi đó tình báo ta hoạt động tích cực hơn và chúng tôi nhận được lượng thông tin khá lớn về đề án Manhattan và về các kế hoạch sử dụng các vỉa quặng uran ở Bỉ, Côngô, Tiệp Khắc, Úc và trên đảo Madagascar. Tình báo quân đội đã lọt được vào hãng Canada thành lập một tổ hợp đặc biệt về chế biến quặng uran. Nhóm trưởng tình báo quân đội “Molier”, chính là phó lãnh sự ở New York Mikhailov, thông báo về công việc của phòng thí nghiệm ở Berkeley, gần San Francisco phân tích quặng uran. Khoảng thời gian ấy Moravets, phụ trách tình báo của chính phủ Tiệp Khắc ở London cộng tác với chúng ta, thông tin rằng các cơ quan đặc biệt của Mỹ và Anh quan tâm đến sự nghiên cứu các mỏ quặng uran trong vùng núi Sudet. Ông ta tiếp cận được các tài liệu thương thuyết Anh - Tiệp về khai thác mỏ uran vào thời hậu chiến.

    Với khả năng kết thúc chiến tranh đang đến gần, ở Liên Xô bắt đầu tiến hành kiếm tìm các mỏ uran.

    Tháng 2 - 1945 chúng tôi nhận được thông tin và chiếm được các tài liệu của Đức về nguồn dự trữ uran chất lượng cao ở vùng Bukhovo - trong núi Rodovxk. Chúng ta đề nghị Dimitrov lúc đó đứng đầu chính phủ Bungari, và chính quyền Bungari đã cho chúng ta sự hiệp đồng trong việc tìm mỏ uran.

    Sắc lệnh của GKOVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link số 7408 ngày 27- 1- 1945 với chữ ký của Stalin chỉ gửi cho Molotov và Beria. Tôi dẫn ra trọn vẹn:

    “Tuyệt mật, quan trọng đặc biệt”

    “1. Tổ chức ở Bungari việc tìm kiếm, trinh sát và khai thác quặng uran tại mỏ Goten và trong khu vực của nó, cũng như nghiên cứu địa chất các mỏ uran và khoáng chất đã rõ hoặc có thể có khác.

    2. Giao cho Bộ Ngoại giao Liên Xô (đ/c Molotov) tiến hành thương lượng với chính phủ Bungari về thành lập hiệp hội Bun- Nga với ưu thế tài chính Liên Xô để tiến hành tìm kiếm, khảo sát và khai thác quặng uran tại mỏ uran Goten và ở khu vực của nó, cũng như tiến hành nghiên cứu địa chất các mỏ uran và khoáng chất khác đã rõ hoặc có thể phát hiện.

    Các cuộc đàm phán với chính quyền Bungari và toàn bộ tài liệu về thành lập và tổ chức hiệp hội tiến hành, đặt tên mỏ là radi”.

    Đứng đầu Hiệp hội địa chất Bun- Xô được thành lập là Sors - cán bộ tình báo, kỹ sư địa chất.

    Quặng uran từ Bukhovo được sử dụng khi lò phản ứng nguyên tử đầu tiên hoạt động. Tại núi Sudet ở Tiệp Khắc quặng uran chất lượng thấp hơn nhiều, nhưng cũng được khai thác. Để điều phối các hoạt động tình báo và phản gián, Rogatnev, cán bộ tình báo giàu kinh nghiệm, cựu nhóm trưởng ở Italia được phái sang Tiệp Khắc.

    Việc chuyên chở uran Bungari được chú trọng đặc biệt. Trực tiếp Dimitrov theo dõi việc thăm dò uran.

    Chúng ta phái sang Bungari hơn 300 kỹ sư địa chất được triệu hồi cấp tốc từ quân đội: khu vực Bukhovo được canh giữ bởi các đơn vị nội vụ của NKVD. Thế nhưng nhanh chóng điệp viên của ta được rõ rằng các cơ quan đặc biệt Mỹ chuẩn bị hành động phá hoại với mục đích phá vỡ việc cung cấp uran cho Liên Xô và đồng thời nhằm xác định thời hạn chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Người Mỹ thậm chí có ý đồ tổ chức bắt cóc Sors. Chúng tôi tiếp nhận biện pháp phản kích: Etingon chuyên trách việc tuyển lại các gián điệp Mỹ và vợ của họ bị bắt giữ nhờ mạng điệp viên là những người Thổ địa phương gần các mỏ uran, nhưng đã không thành công.

    Từ Bukhovo mỗi tuần chuyển được khoảng một tấn rưỡi quặng uran. Những người làm việc tại các mỏ uran được đảm bảo các hướng dẫn và phương pháp của Mỹ về kỹ thuật khai thác và tính toán nó. Năm 1946 những mỏ uran lớn chất lượng cao hơn nhiều được phát hiện ở Liên Xô và lập tức bắt đầu khai thác. Thế nhưng việc khai thác khẩn trương ở Bukhovo vẫn tiếp tục: chúng ta muốn tạo cho ở người Mỹ ấn tượng rằng uran Bungari là cực kỳ cần thiết cho ta. Hiệp định được ký kết bởi Zaveniagin, phó của Beria, với chính phủ Bungari về khai thác và cung cấp uran, các hoạt động thông tin giả do Eitingon và một nhóm sĩ quan tổ chức, đã khẳng định tầm quan trọng việc khai thác uran này đối với chúng ta.

    Tháng 3- 1945 chúng tôi gửi cho Beria báo cáo tổng quát về tiến triển thuận lợi công việc ở Mỹ về. Báo cáo mô tả chi tiết các trung tâm của Mỹ, là phòng thí nghiệm ở Los Alamos, các nhà máy ở Ok- Ridge, đưa ra một đánh giá tỉ mỉ hoạt động của hãng Keleks, công ty con của Kellok tại New York, nhấn mạnh công việc về bom nguyên tử được tiến hành bởi các hãng khổng lồ của Mỹ Jouns Construction, Dupon, Union karbet, Kemikl company và v.v. Thông tin cho biết chính phủ Mỹ chi 2 tỷ đôla để nghiên cứu và sản xuất vũ khí nguyên tử và tổng số chung có hơn 130.000 người tham gia đề án.

    Ngoài ra, mạng điệp viên báo về nhóm người hạn chế công việc đang tiến hành; tiếp xúc với loại tài liệu theo lệnh của tổng thống Mỹ; về sự thành lập cơ quan phản gián, cảnh sát và các cơ quan khác trong giới hạn đề án; về việc rút khỏi các thư viện Mỹ tất cả những ấn phẩm công khai trước kia về nghiên cứu năng lượng nguyên tử; về sự thay đổi họ tên thật bằng các bí danh của các bác học và chuyên gia có quan hệ trực tiếp đến công việc tại các trung tâm nguyên tử; về sự bảo vệ những nhân vật có trách nhiệm, cũng như về các hoạt động tương tự khác.

    Tháng 4- 1945 Kurtratov nhận được từ chúng tôi một tài liệu rất giá trị về các tính chất của thiết bị gây nổ hạt nhân, phương pháp kích hoạt bom nguyên tử và phương pháp từ trường tách hạt uran. Tài liệu này quan trọng đến mức ngay ngày hôm sau các cơ quan tình báo đã nhận được sự đánh giá của nó.

    Kurtratov gửi báo cáo lên Stalin dựa trên cơ sở các tin tình báo.

    12 ngày sau khi lắp ráp quả bom nguyên tử đầu tiên ở Los Alamos chúng tôi nhận được mô tả cấu trúc của nó từ Washington và New York. Bức điện đầu tiên đến Trung tâm ngày 13- 6, bức thứ hai ngày 4- 7- 1945. Có thể sau 5 năm người Mỹ đã giải mã được các bức điện này và chúng là cơ sở để gây áp lực với Fuchs để ông nhận tội gián điệp. Thế nhưng tôi không dám tin chắc, dù tôi khẳng định rằng các nguồn được chỉ ra trong bức điện, “Charles” và “Mlad” - chính là Fuchs và Pontekorvo.

    Chúng tôi báo cáo với Beria rằng hai nguồn không liên quan đến nhau đã báo về vụ thử thiết bị hạt nhân sắp tới.

    Sau trận ném bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki công việc của chúng ta về chế tạo bom nguyên tử đã có một quy mô rộng. Vào thời gian ấy chúng ta nhận được từ Mỹ những tài liệu đặc biệt quý giá.

    Một báo cáo chi tiết của Fuchs (Charles) được chuyển bằng đường ngoại giao sau khi ông gặp Garri Goldon người đưa tin của mình ngày 19- 9. Báo cáo gồm 33 trang văn bản với sự mô tả cấu trúc quả bom nguyên tử. Muộn hơn chúng tôi nhận được thông báo bổ sung về cấu tạo bom nguyên tử thông qua kênh liên lạc từ Kholla (Mlad) do Lona Koen chuyển. Đó là trình bày chi tiết một chương của báo cáo với chính phủ và thượng viện Mỹ về cấu tạo bom nguyên tử mà theo ý thức bảo mật đã bỏ qua trong công bố chính thức, - báo cáo của uỷ ban Smith đăng ngày 1- 8- 1945, chúng tôi biết rằng Oppengeimer và tướng Grovs đã chỉnh lý. Fuchs thông báo rằng Oppengeimer từ chối ký báo cáo do uỷ ban công bố bởi ông cho rằng đó là tin giả nhằm kìm giữ việc nghiên cứu nguyên tử ở những nước khác.

    Trong số tài liệu chúng tôi nhận vào tháng 9- 10- 1945, có một số phần của báo cáo đã không có trong tổng kết của uỷ ban Smith và những tấm ảnh về bố trí các nhà máy ở Ok- Ridge. Chúng có giá trị đặc biệt vì chúng ta cũng bắt tay vào xây dựng công xưởng và đẩy nhanh công việc chế tạo lò phản ứng nguyên tử đầu tiên. Tôi nhớ lại báo cáo 12 trang của Xemenov về cấu tạo bom nguyên tử được Vaxilevxky ký và chuyển cho Beria và Stalin. Tài liệu này thực tế là cơ sở cho chương trình của 3- 4 năm tiếp theo.

    Chất lượng và khối lượng thông tin nhận được từ các nguồn ở Mỹ và Anh là khá quan trọng để tổ chức và phát triển chương trình nguyên tử của ta. Những báo cáo chi tiết chứa số liệu về sử dụng các lò phản ứng nguyên tử đầu tiên, đặc thù về sản xuất bom nguyên tử và bom plutôn đóng vai trò trong sự tăng tốc công việc. Những số liệu quý giá về cấu trúc hệ thống các thiết bị điện từ kích hoạt và kích cỡ lượng uran và plutôn để phát nổ thiết bị hạt nhân; về nguyên lý tiếp xúc do Fuchs hình thành - kích hoạt nổ từ bên trong; số liệu về plutôn - 240, thiết bị ngòi nổ, thời gian và tính tuần tự các thao tác về sản xuất và lắp ráp bom và biện pháp đưa ngòi nổ có trong nó vào hoạt động. Nhận được các số liệu về xây dựng các nhà máy thanh lọc và tách hạt uran, điều rút ngắn khá nhiều thời gian để chế biến quặng uran, cũng như ghi chép thường nhật về vụ nổ thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên ở Mỹ vào tháng 7 - 1945.

    Sau vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản Bộ chính trị và GKO phê chuẩn quyết định về tổ chức lại một cách thực sự công việc về năng lượng nguyên tử - vấn đề số 1. Để làm điều đó đã thành lập Uỷ ban đặc biệt của chính phủ với đặc quyển tối cao. Beria như Uỷ viên Bộ Chính trị và phó chủ tịch GKO được cử làm chủ tịch uỷ ban, Pervukhin - phó, tướng Makhnev - thư ký.

    Tham gia uỷ ban có các uỷ viên Bộ Chính trị - Malenkov (Bí thư BCHTƯ Đảng, Trưởng ban tổ chức), Voznexenxky (Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước), các viện sĩ Kurtratov và Kapitsa; Bộ trưởng Bộ quân khí Vannikov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Zaveniagin. Bộ máy công vụ của uỷ ban là Tổng cục 1 đặc biệt được thành lập trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Vannikov được cử làm Tổng cục trưởng, Zaveniagin được cử làm phó thứ nhất.

    Thuộc uỷ ban đặc biệt có hội đồng khoa học- kỹ thuật,, chủ tịch của nó là Vannikov, phó chủ tịch - Ioffe. Cục “X” của tôi là bộ máy hoạt động được gọi là văn phòng 2 của uỷ ban.

    Stalin đề nghị Ioffe và Kapitsa làm thành viên của Uỷ ban đặc biệt về vấn đề số 1. Thế nhưng Ioffe từ chối viện dẫn tuổi tác cao. Ông nói rằng sẽ có lợi hơn trong hội đồng khoa học- kỹ thuật. Chính Ioffe giới thiệu cử giáo sư Kurtratov giữ chức lãnh đạo khoa học của chương trình nguyên tử.

    Tham gia vào các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt, lần đầu tiên tôi ý thức được rằng quan hệ cá nhân của các thành viên chính phủ, tính tự thị của họ trong tiếp nhận các quyết định quốc gia quan trọng là có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Các bộ trưởng, thành viên của uỷ ban này, tìm mọi cách khẳng định địa vị của mình. Thường nảy ra những tranh luận nóng bỏng và những lý giải không hề đẹp mặt. Beria thành ra trọng tài và đòi hỏi sự thực hiện một cách vô điều kiện các chỉ thị của ban lãnh đạo.

    Tôi đã từng quan sát sự cạnh tranh đang tăng giữa Kapitsa và Kurtratov trên các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt. Kapitsa là một nhân cách vĩ đại, một nhà chiến lược tuyệt vời, một nhà tổ chức lớn của khoa học. Kapitsa có vai trò quan trọng trong tổ chức các công việc về vấn đề nguyên tử và thiết lập những tiếp xúc với các bác học phương Tây, nói riêng là giữa Terletsky với Bor, dĩ nhiên ông muốn cạnh tranh một vị trí lãnh đạo độc lập trong việc hiện thực hoá đề án nguyên tử.

    Nhưng nhanh chóng quan hệ giữa Kapitsa, Beria và Voznexenxky bị xấu đi. Kapitsa đề nghị để Kurtratov tư vấn chỗ ông về đánh giá các kết quả công việc và các kết luận trước khi báo cáo tại các cuộc họp của Uỷ ban đặc biệt. Pervukhin ủng hộ Kapitsa, nhưng Beria và Voznexenxky không đồng ý. Beria đề nghị Kapitsa và Kurtratov đưa ra các đề xuất có khả năng chọn lựa với chính phủ. Hơn thế, Beria đề nghị Kapitsa trên cơ sở viện của mình phụ làm thử một loạt thử nghiệm của Kurtratov.

    Kapitsa bực tức có nghĩa là rối loạn thực tế về vật lý lý thuyết ở Liên Xô.

    Kapitsa viết cho Stalin rằng Beria và Voznexenxky không nghe ý kiến của các bác học, rằng chỉ có thể trao sự lãnh đạo cho các bác học về đề án nguyên tử. Sau một loạt cố gắng không thành nhằm đạt được sự ủng hộ của Stalin trong đụng độ này, Kapitsa nhanh chóng bị đưa ra khỏi thành phần Uỷ ban đặc biệt. Người ta để ông yên, nhưng không cho tiếp cận đến các nghiên cứu nguyên tử.

    Thế nhưng trong một loạt công bố ở Anh và Mỹ những năm 1950 - 1960, Kapitsa tự giới thiệu như “người điều phối các công việc và thám sát về vũ khí nguyên tử”. Năm 1946, ông mời Einstein sang Liên Xô làm việc trong lĩnh vực vật lý “trong một đất nước tự do nhất cho sự sáng tạo”.

    Điều đó gây nên một sự náo động trong các cơ quan đặc biệt Mỹ và sứ quán Mỹ ở Liên Xô. FBI đã tăng cường thăm dò Einstein, cho rằng ông dính với Kapitsa bởi những thoả thuận ngầm nào đó, mà vai trò Kapitsa trong đề án nguyên tử Xô viết năm 1946 người Mỹ chưa biết rõ.

    Vào năm đầu tiên sau chiến tranh các chiến dịch tình báo về vấn đề nguyên tử có một đặc quyền đặc biệt. Tháng 12 - 1945 - Beria thôi giữ chức bộ trưởng nội vụ và chuyển từ Lubianka vào điện Kremli, vào văn phòng Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Các cuộc họp của uỷ ban đặc biệt về vấn đề nguyên tử cũng diễn ra trong Kremli, chứ không ở NKVD. Là phụ trách văn phòng 2 của uỷ ban, cán bộ bộ máy chính phủ, tôi nhận được thẻ vào Kremli bất cứ lúc nào.

    27 – 12 - 1945 chúng tôi gửi cho Beria để xem xét tại cuộc họp của Uỷ ban đặc biệt chính phủ các tài liệu được dịch từ tiếng Anh về cấu tạo bom nguyên tử, các mẫu vỏ bom nhận từ mạng điệp viên an ninh và tình báo quân đội Các cuộc họp thường diễn ra trong phòng của Beria. Đó là những cuộc tranh luận nóng bỏng. Ngoài cãi nhau gay gắt về phân phối điện năng, Pervukhin tiếp tục những đòi hỏi đối với Voznexenxky về việc tăng cường quỹ kim loại màu cho nhu cầu của các xí nghiệp công nghiệp hoá chất sản xuất nhiên liệu nguyên tử. Tôi ngạc nhiên vì những phê phán lẫn nhau của các thành viên chính phủ. Beria can thiệp vào những vụ tranh cãi đó, kêu gọi Pervukhin và Voznexenxky giữ trật tự. Và lần đầu tiên tôi thấy trong cái cơ quan chính phủ đặc biệt này tất cả đều xem mình ngang hàng không phụ thuộc vào việc ai trong số họ là uỷ viên BCHTƯ hay uỷ viên Bộ Chính trị.

    Cho đến khi bị bắt tôi đã giữ được quan hệ tốt với Vannilov và thư ký uỷ ban, tướng Makhnev. Họ là những người am hiểu ngành công nghiệp, có thể chỉ ra không nhầm lẫn, có thể giao cho nhà máy nào các đơn đặt hàng về để án nguyên tử.

    Tôi thường ghé vào văn phòng của Makhnev. Không hiểu sao người ta cho rằng ông là tướng của NKVD, nhưng không phải thế. Một nhà tổ chức tuyệt vời sản xuất quân khí và bom nguyên tử, ông chưa bao giờ phục vụ trong cơ quan an ninh. Makhnev rất quan tâm thông tin về công việc các xí nghiệp, các hãng công nghiệp Mỹ tham gia vào chương trình nguyên tử. Chúng tôi thường nhận được thông tin này từ các nguồn công khai, theo tuyến TASS và đểu đặn lập các bản tổng quan về những chỉ số kinh tế và tiềm năng công nghệ rút ra từ các tạp chí khoa học- kỹ thuật về các hãng Mỹ chuyên trách những đơn đặt hàng riêng biệt của chính phủ liên quan với việc chế tạo bom nguyên tử.

    Chỉ lúc ấy tôi mới hiểu, Beria thể hiện mối quan tâm như thế nào đến các vấn đề kinh tế và sự phát triển công nghiệp. Tôi biết rằng Beria như phó chủ tịch GKO trong những năm chiến tranh chịu trách nhiệm không những về hoạt động của các cơ quan đặc biệt, mà còn cả về sản xuất vũ khí đạn dược, công việc của liên hợp nhiên liệu- năng lượng. Đặc biệt ông quan tâm các vấn đề khai thác và chế biến dầu lửa. Theo sáng kiến của ông, Vannikov, Uxtinov và Baibakov (họ chưa đến tuổi 40) được cất nhắc vào những chức vụ cao - các bộ trưởng sản xuất quân khí, trang bị và công nghiệp dầu khí.

    Beria vốn thô lỗ và hà khắc trong giao tiếp với thuộc cấp, nhưng có thể là người chú ý, lịch sự và giúp đỡ hàng ngày những người bận công việc quan trọng, bảo vệ những người này khỏi đủ loại mưu mô của cơ quan NKVD hay các cấp lãnh đạo Đảng. Ông thường xuyên cảnh báo các lãnh đạo xí nghiệp về trách nhiệm và ở ông có khả năng hiếm có cả gây nỗi sợ lẫn khích lệ mọi người làm việc. Tự nhiên thôi, đối với các giám đốc cơ sở công nghiệp ông phần nhiều được đồng nhất với sự hùng hậu của cơ quan an ninh. Tôi có cảm giác rằng Beria lấy được những phẩm chất ở Stalin - sự kiểm soát cứng rắn, sự đòi hỏi vô cùng cao và đồng thời là tạo ra không khí tự tin ở nhà lãnh đạo, rằng trong trường hợp thực hiện thành công nhiệm vụ được đề ra, anh sẽ đảm bảo có sự ủng hộ.


    [...]
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    7. Sự giúp đỡ của Nils Bor

    Mùa thu 1945 chương trình làm việc về bom nguyên tử đã đến điểm kịch tính, cần phải tiến hành xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. Thế nhưng các bác học không thống nhất trong đánh giá các tài liệu tình báo, bởi vì thông tin là mâu thuẫn. Người Mỹ dùng hai kiểu lò phản ứng: lò than chì và lò hoạt động bằng nước nặng. Nảy sinh mạo hiểm lớn trong việc sử dụng các mẫu uran- 235 tình báo quân đội thu được, cần phải có quyết định đi theo hướng nào trong xây dựng lò phản ứng đầu tiên.

    Kurtratov và Kikoin đề nghị để một chuyên gia bậc cao, giáo sư Zeldovich làm việc chỗ Kurtratov, đi cùng các sĩ quan tình báo sang Đan Mạch để gặp Bor. Nhưng Zeldovich không hợp với vai này vì không phải là cộng tác viên của tình báo và chúng ta không thể hé lộ với ông các điệp viên ở nước ngoài trường hợp cần thiết. Hoàn cảnh này buộc chúng tôi dựa vào những bác học làm việc trong bộ máy cơ quan tình báo. Sự lựa chọn là không lớn. Trong ban tham mưu Cục “X” có hai sĩ quan - cán bộ khoa học, nhà vật lý về học vấn nắm được tiếng Anh ở mức độ nào đó. Sau khi được nhận vào làm việc ở NKVD họ đã dự xemina của Kapitsa và Landao. Một là Rưlov, tương lai là một bác học, thể hiện thiên hướng lớn về công việc phân tích tình báo. Người khác là Terletsky vừa bảo vệ luận án phó tiến sĩ, về sau là người được giải thưởng nhà nước, không gắn với nhóm Kurtratov, Ioffe, Alikhanov và Kikoin bởi các mối quan tâm khoa học của mình và có thể cho sự đánh giá riêng về các tài liệu khoa học. Terletsky và Rưlov dịch và biên tập các tài liệu về công việc nguyên tử đến với chúng tôi, báo cáo tại các cuộc họp của hội đồng khoa học- kỹ thuật Uỷ ban đặc biệt.

    Làm việc trong tình báo, Terletsky vẫn là một người sáng tạo. Cùng với sự đánh giá và xử lý thông tin về bom nguyên tử Mỹ, anh thường đề đạt các kết luận cá nhân tại hội đồng khoa học- kỹ thuật, điều đó tạo nên những vấn đề, vì chúng tôi phải hai lần mỗi ngày trình ban lãnh đạo cao nhất toàn bộ thông tin nhận được, mà Terletsky đôi khi chậm trễ với sự đánh giá, và tôi bị nghe những nhận xét không đẹp mặt. Thế nhưng chúng tôi đã dừng sự lựa chọn ở Terletsky - anh có thể bằng sự uyên bác của mình gây được ấn tượng cần thiết tối Niels Bor.

    Beria phê chuẩn đề nghị của tôi phái Terletsky đi Copenhagen. Không thể có chuyện cử một mình Terletsky đến cuộc gặp để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng dường ấy. Anh không có chút khái niệm nào về công việc tác chiến, vì thế tiếp nhận quyết định là đại tá Vaxilevxky, người trực tiếp phụ trách Fermi, phải đi cùng với anh. Tiên liệu rằng Vaxilevxky sẽ bắt đầu câu chuyện với Bor, còn Terletsky chuyển sang thảo luận các vấn đề kỹ thuật. Còn một người phiên dịch nhưng tiếc là tôi quên mất tên. Vaxilevxky sang Đan Mạch dưới tên Grebetsky, Terletsky giữ nguyên họ tên mình.

    Trong hồi ký Terletsky viết rằng trước lúc đi sang Copenhagen, Kapitsa tiếp anh và khuyên đừng đặt nhiều câu hỏi với Bor, “mà đơn giản tự giới thiệu, chuyển bức thư và quà của ông, kể về các nhà bác học Xô viết, và Bor sẽ thông báo về nhiều điều mà chúng ta quan tâm”.

    Sự thoả thuận sơ bộ về cuộc gặp gỡ đạt được là nhờ nữ văn sĩ Phần Lan Vuoliyoki và nhà văn Đan Mạch Martin Andersen Nekse. Nekse không phải là điệp viên của ta, nhưng vào những năm 40 đã giúp rất nhiều cho Rưbkina trong thiết lập quan hệ với những nhân vật có uy tín vùng Scandinavia.

    Tháng 7- 1993 khi trò chuyện với Terletsky, chúng tôi nhớ lại một số chi tiết của câu chuyện này. Trước cuộc gặp Bor báo tin vào sứ quán Liên Xô là sẽ tiếp phái đoàn của ta. Vào lúc đầu buổi gặp Bor bị kích động, Terletsky nhớ lại, và hai tay ông run. Chắc hẳn Bor hiểu rằng lần đầu tiên ông có việc trực tiếp với các đại diện của chính phủ Xô viết và đã đến lúc thực hiện quyết định được ông và các nhà vật lý khác tiếp nhận là chia xẻ các bí mật bom nguyên tử với cộng đồng các bác học thế giới và các nhà vật lý Xô viết.

    Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Vaxilevxky tại buổi tiếp tại sứ quán ngày 6- 11- 1945, Bor thích nói chuyện hơn về các vấn đề khoa học với Terletsky, và đành phải cho phép cuộc gặp của Terletsky và Bor mặt đối mặt với sự tham gia của phiên dịch. Các vấn đề để trò chuyện với Bor được chuẩn bị trước bởi Kurtratov và Kikoin.

    Terletsky nói với Bor rằng ở trường đại học Tổng hợp Moskva mọi người luôn nhớ về ông, chuyển thư giới thiệu và quà tặng của Kapitsa, lời thăm hỏi của Ioffe và các bác học Xô viết khác, cảm ơn ông sẵn sàng tư vấn cho các chuyên gia Liên Xô về chương trình nguyên tử.

    Bor trả lời các câu hỏi về các phương pháp nhận được uran ở Mỹ, phương pháp thẩm thấu và ghi nhận dao động phân tử, về liên kết các phương pháp này, bằng cách nào đạt được tính sản sinh lớn với phương pháp. Ông thông báo rằng ở Mỹ trong các các lò làm việc với vách ngăn than chì, bởi sản xuất nước nặng đòi hỏi khối lượng điện năng khổng lồ. Terletsky nhận được những thông tin quan trọng về nguyên lý, trong đó về plutôn- 240, điều mà không có trong báo cáo chính thức của Smith mà nhận được từ Bor và từ Mỹ. Theo ý kiến của Kurtratov, cuộc gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng để các bác học ta kiểm chứng lý thuyết mấy trăm bản tổng kết và công trình của Fermi, Stsilard, Bete, Oppengeimer và các bác học nước ngoài khác tình báo thu được. Như Kvaxnikov nhớ lại, 690 tài liệu khoa học. Theo ý kiến John Harad, một chuyên gia Anh nổi tiếng về vật lý nguyên tử từ London's Imperial College, Bor truyền lại cho người Nga thông tin thiết thực về cấu trúc bom nguyên tử Mỹ. Jack Sarfatti, nhà vật lý lý thuyết, học trò của một trong những người sáng lập bom nguyên tử H. Bete, cũng cho các lời đáp của Bor chứa đựng thông tin chiến lược quan trọng về chế tạo vũ khí hạt nhân.

    Đáng nhớ là Bor đã cho cơ quan đặc biệt Anh rõ một cách chính thức về cuộc gặp gỡ và buổi trò chuyện với các chuyên gia Xô viết về chương trình nguyên tử, việc chuyển cho người Nga báo cáo của Smith, nhưng đồng thời ông im lặng về tính chất những câu hỏi được đặt ra với ông. Bằng cách đó, các cơ quan đặc biệt phương Tây trước khi bắt Fuchs đã không biết những vấn đề quan trọng về nguyên tắc chế tạo vũ khí nguyên tử đã đến chỗ chúng ta.

    Vả lại, Stsilard ngay sau các vụ nổ nguyên tử ở Nhật Bản đã tiên đoán rằng Liên Xô sau 2- 3 năm sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân của mình. Còn Bor lúc ấy phát biểu ủng hộ việc thiết lập sự kiểm soát quốc tế về sử dụng năng lượng nguyên tử.

    Sau chuyến đi thành công của Terletsky tôi đã thiết lập quan hệ thân mật với Kurtratov, Alikhanov và Kikoin.

    Những cao thủ của tình báo Xô viết như Parparov, nhà tình báo rất có hiệu quả trong hậu phương Đức, đại tá Mikheev đã làm việc với những nhà vật lý Đức nổi tiếng nhất trong suốt mấy năm.

    Gần Moskva, ở Maloiaroxlavets - 10 - nay là Obninxk - dưới sự kiểm soát của chúng tôi đã xây dựng trung tâm bí mật được tăng cường bằng các chuyên gia Đức về xử lý, khai thác và giàu hoá quặng uran và luyện kim uran.

    Các cán bộ tác chiến của chúng tôi chuyển lên phía Bắc tỉnh Tseliabinxk các nhà vật lý hạt nhân Đức có tên tuổi thế giới: G. Born, P. Rompe, K. Tsimmer và v.v.

    Người được giải Nobel G. Gers và nhóm của ông thực hiện tại Xukhumi công việc quan trọng về tách phân hạt uran- 235 và uran- 238.

    Cán bộ Cục “X” đã giúp nhóm tìm kiếm của Iu. Khariton ở Đức phát hiện và chuyển về Liên Xô 100 tấn oxit uran ngay trước mũi chính quyền Mỹ chiếm đóng.

    Theo đề nghị của văn phòng số 2 Uỷ ban đặc biệt về vấn đề nguyên tử do tôi đứng đầu, tất cả các nhà vật lý Đức được chuyển về Liên Xô được chia ra từng nhóm để làm việc cho khắp ba phương án công nghệ giàu hoá uran mà người Mỹ đã nghiên cứu ra: thẩm thấu gas, điện từ và tách phân hướng tâm. Giáo sư Đức Steinbek trở thành người lãnh đạo các nghiên cứu về công nghệ hướng tâm tách phân hạt uran. Tất nhiên có sự đóng góp cực kỳ lớn vào việc này của viện sĩ Kikoin kiểm soát người Đức.

    Có ý nghĩa quan trọng đối với Kurtratov là những cuộc tư vấn chuyên môn do chúng tôi tổ chức với người được giải Nobel Nikols Ril được tình báo chúng ta đưa ra khỏi nước Đức. Ở Đức ông nghiên cứu sự thu nhận toria, còn trong những năm chiến tranh đã nắm vững công nghệ thu uran kim loại sạch.

    Vì những công lao trong chế tạo vũ khí nguyên tử Xô viết N. Ril được phong danh hiệu tối cao - Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa.

    Cục “X” cũng thực hiện sự hoạt động phối hợp với các cơ quan tình báo đặc biệt của lãnh đạo Xô viết vốn không thuộc hệ thống an ninh quân đội. Đó là nhóm đặc biệt trực thuộc chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô I.v. Stalin, tồn tại từ 1945 - 1953. Các tiếp xúc này của Cục “X” được ghi nhận trong các mục của sắc lệnh của GKO Liên Xô số 1887 ngày 20- 8- 1945: “giao cho đ/c Beria tiếp nhận các biện pháp tổ chức công tác tình báo được tiến hành bởi các cơ quan tình báo NKVD, Hồng quân và các công sở khác”.

    Nắm được sự phối hợp lẫn nhau này của Cục “X” với cơ quan đặc biệt của người đứng đầu chính phủ là phó của tôi và đồng thời là trương tình báo khoa học- kỹ thuật của NKVD, đại tá Vaxilevxky.

    Cùng với Vaxilevxky tôi phải lựa chọn các nhà vật lý hạt nhân để cho chuyến đi sang Mỹ, Anh và Canada để lôi kéo các chuyên gia phương Tây từ các trung tâm hạt nhân về làm việc tại Liên Xô.

    Vào giai đoạn này Vaxilevxky mấy lần đi sang Thuỵ Sĩ và Italia để gặp Bruno Pontekorvo. Để che giấu các chuyến đi này ông sử dụng giấy mời của phái đoàn các nhà hoạt động văn hoá Liên Xô đứng đầu là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Grigori Alexandrov và ngôi sao màn bạc Liubov Orlova. Sự bảo đảm tác chiến những cuộc gặp gỡ của ông với Pontekorvo do Gorskov và Iatskov, vốn vào những thời gian khác nhau đã ở Italia và Mỹ, thực hiện.

    Vaxilevxky cũng đã gặp Julio- Quyri. Thế nhưng Beria và Stalin quyết định không lôi kéo Jolio- Quyri vào các nghiên cứu nguyên tử của Liên Xô, dù ông muốn sang nước ta. Ở lại phương Tây, Jolio- Quyri là có lợi hơn, bởi sẽ có ảnh hưởng tới sự hình thành quan niệm chống chiến tranh của các nhà bác học nguyên tử nổi tiếng, có lợi cho chúng ta.

    Vì những hoạt động thành công ở Đan Mạch, Thuỵ Sĩ và Italia, Vaxilevxky được thưởng một giải thưởng bằng tiền khá lớn đối với thời ấy là 1000 đôla và một căn hộ riêng ở trung tâm Moskva, chuyện lúc ấy là hiếm có.

    Các chiến dịch tích cực của chúng ta ở Tây Âu trùng với bắt đầu “chiến tranh lạnh”. Chúng tôi hiểu rằng phản gián Mỹ đã lần đến rất gần các nguồn thông tin và hệ thống điệp viên của chúng ta phục vụ cho họ. Hoàn cảnh tác chiến bị phức tạp đi một cách đột ngột. Khi mở lò phản ứng đầu tiên năm 1946, Beria ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc với các nguồn Mỹ. Tại buổi gặp gỡ với tôi ông đề nghị suy nghĩ kỹ việc lợi dụng uy tín Oppengeimer, Fermi, Stsilard và các bác học khác gần gũi với họ trong phong trào chống chiến tranh. Chúng tôi cho rằng chiến dịch và cuộc đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân có thể ngăn cản người Mỹ tống tiền chúng ta bằng bom nguyên tử, và bắt đầu một chiến dịch chính trị rộng lớn chống lại ưu thế nguyên tử của Mỹ. Chúng tôi muốn trói buộc các giới cầm quyền Mỹ bằng các hạn chế chính trị trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân - khi ta vẫn chưa có bom nguyên tử. Beria ra lệnh một cách kiên quyết không để có sự bôi nhọ thanh danh các nhà bác học phương Tây bởi các liên hệ với tình báo ta: đối với chúng ta quan trọng là để các bác học phương Tây đại diện cho một lực lượng chính trị độc lập có uy tín và ảnh hưởng, thân thiện với Liên Xô.

    Qua Fuchs ý tưởng về vai trò chính trị của các bác học trong thời đại hạt nhân được truyền đến Fermi, Oppengeimer và Stsilard, những người kiên quyết đấu tranh chống ý đồ chế tạo bom khinh khí. Trong các lập luận của mình họ hoàn toàn chân tình và không nghi ngờ rằng Fuchs dưới ảnh hưởng của chúng ta đã dẫn họ tới quyết định như thế. Hành động như những người chống phát xít, một cách khách quan họ biến thành đồng minh chính trị của Liên Xô.

    Chỉ thị của Beria dựa trên thông tin nhận từ Fuchs năm 1946 về những bất đồng ý kiến giữa các nhà vật lý Mỹ về vấn đề hoàn thiện vũ khí hạt nhân và chế tạo bom khinh khí. Tại hội nghị tổ chức cuối năm 1945 đầu năm 1946 các bác học cùng với Fuchs phát biểu chống nghiên cứu “siêu bom” và bị sự phản đối gay gắt của Teller.

    Klaus Fuchs từ chối đề nghị của Oppengeimer tiếp tục làm việc với ông tại Prinston, trở về Anh và tiếp tục cung cấp cho ta thông tin vô cùng quan trọng. Từ mùa thu 1947 đến tháng 5- 1947 Fuchs chuyển cho cán bộ tác chiến chúng ta Felikxov ở London những nghiên cứu lý thuyết cơ bản về chế tạo bom khinh khí và các kế hoạch khởi công mà Anh và Mỹ bắt đầu thực hiện vào năm 1948.

    Đặc biệt giá trị là thông tin nhận từ Fuchs về kết quả các vụ thử bom nguyên tử plutôn và uran trên đảo san hô Enivetok. 3 - 4 tháng một lần Fuchs gặp Feklixov ở London. Mỗi cuộc gặp được chuẩn bị chu đáo và không kéo dài quá 40 phút. Có ba cán bộ tác chiến đi cùng Feklixov để loại trừ khả năng ghi hình lại cuộc gặp gỡ bởi cơ quan phản gián Anh. Fuchs và Feklixov đã không bị phản gián Anh theo dõi. Fuchs tự mình vô tình tạo khả năng cho sự đổ vỡ của bản thân khi báo cho cơ quan an ninh phụ trách các công trình nguyên tử rằng bố ông nhận được chỗ giảng dạy môn thần học tại trường đại học Tổng hợp Laixich ở Đông Đức. Lúc ấy cơ quan đặc biệt Mỹ đã khám phá ra điệp viên của ta, người đưa tin của Fuchs, Golda, anh ta nhận ra Fuchs trên ảnh, và người Mỹ thông báo điều này cho phản gián Anh. Năm 1950 Fuchs bị bắt. Sau những cuộc hỏi cung căng thẳng Fuchs thú nhận rằng đã chuyển những tin tức quan trọng cho Liên Xô. Ông bị xét xử, và trong bản luận tội của ông chỉ nhắc đến một cuộc gặp gỡ với tình báo Xô viết năm 1947, mà đó cũng dựa hoàn toàn vào sự thú nhận riêng của ông. Về sự cộng tác của Fuchs với tình báo ta và về hoàn cảnh bắt giữ ông được Feklixov kể lại trong truyện ký Chiến công anh hùng của Klaus Fuchs trong cuốn sách Bên kia đại dương và trên đảo.

    Các tin tức về sự phát triển của các nghiên cứu nguyên tử ở Anh và dự trữ vũ khí hạt nhân hiện thực ở Mỹ được Fuchs chuyển năm 1948 trùng hợp với thông tin vô cùng quan trọng từ Washington của Maklin mà từ năm 1944 giữ chức bí thư sứ quán Anh tại Mỹ và kiểm soát toàn bộ văn phòng này. Ông thông báo rằng tiềm năng vũ trang hạt nhân của Mỹ chưa đủ để tiến hành chiến tranh với Liên Xô.

    Trong các giới khoa học Mỹ và Liên Xô, các bác học với tín niệm chính trị độc lập đóng vai trò to lớn nhất.

    Thí dụ, Oppengeimer làm tôi gợi nhớ đến các bác học của ta - Vernadxky, Kapitsa, Xakharov. Họ luôn, khao khát một nền hoà bình được họ xây dựng bằng trí tưởng, với ảo tưởng độc lập.

    Còn đối với Kurtratov trong công tác khoa học chủ yếu là những quyền lợi của tổ quốc. Ông ít ương ngạnh hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào chính quyền so với Kapitsa và Ioffe. Beria, Pervukhin, Stalin lập tức nắm bắt được rằng, ông đại diện cho thế hệ mới của giới trí thức khoa học Xô viết, ít gắn bó hơn với những truyền thống bác học Nga. Họ đã hiểu đúng rằng ông tự thị và tràn đầy quyết tâm bắt toàn bộ công tác khoa học phục vụ các quyền lợi của nhà nước. Chính phủ quyết tâm bằng mọi giá đẩy nhanh việc thử quả bom nguyên tử đầu tiên, và Kurtratov đã sao chép thiết bị nguyên tử của Mỹ. Đồng thời không ngừng công việc song song về chế tạo bom cấu trúc Xô viết. Nó được nổ thử năm 1951. Người Mỹ giữ quan điểm tương tự là Teller, cố khẳng định độc quyền Mỹ về vũ khí hạt nhân.

    Vốn là những bác học chân chính, Kurtratov và Oppengeimer đồng thời cũng là những nhà quản lý của những đề án quan trọng nhất có ý nghĩa đối với số phận thế giới. Đụng độ giữa các tín niệm cá nhân các quan tâm khoa học và trách nhiệm quản lý trong trường hợp này là tất yếu. Chúng ta không thể phán xét họ, công việc của những người này với bom nguyên tử đã mở ra một kỷ nguyên mới trong khoa học. Thế nhưng vấn đề không chỉ ở sự phát minh, bản chất vấn đề là ở chỗ lần đầu tiên những bác học lớn nhất của thế giới hoạt động không chỉ như đại diện của các ý tưởng khoa học mà còn như các nhà hoạt động nhà nước.

    Vào những năm 40 không một chính phủ nào trên thế giới có thể đủ sức trọn vẹn kiểm soát tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Trớ trêu là ở chỗ cả chính phủ Mỹ lẫn chính phủ Liên Xô vì quyền lợi giải quyết vấn đề nguyên tử buộc phải dựa vào công việc hợp tác với các nhà bác học có thế giới quan khác nhau, có thể là thù địch với chính quyền, và quen với những đòi hỏi, cách xử sự lập dị của họ. Những nhà bác học nổi danh nhất của thế giới khi chia sẻ các quan niệm chống phát xít và chống chiến tranh, đầy ảo tưởng về vai trò chủ đạo của họ trong chính phủ thế giới sau khi năng lượng hạt nhân được phát hiện, có thiên hướng chia sẻ các thành tựu trong lĩnh vực này với những bác học cùng chính kiến của các nước hữu hảo.

    Giữ các lý tưởng của mình Bor, Oppengeimer đã đóng vai trò là các bác học ly khai của thế giới tư bản, cũng như viện sĩ Xakharov vào những năm 1960 công khai phát biểu chống việc chế tạo vũ khí nhiệt hạch mới và như đối thủ chính trị của chế độ Xô viết.

    Với sự bắt đầu chiến tranh lạnh tâm trạng của các bác học thay đổi đột ngột. Chính vì thế các nhà vật lý Mỹ đã khước từ ý định của Fiser (Abel), điệp yên ngầm của ta năm 1948 nối lại sự hợp tác với họ. Họ hiểu rằng đó không phải là sự hợp tác mà là làm gián điệp.


    [...]
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này