Nhận định Phúc ông tự truyện aka Tự truyện của Yukichi Fukuzawa

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tulip4attoo, 29/1/16.

Moderators: Cát Cát
  1. tulip4attoo

    tulip4attoo Lớp 1

    Cuốn sách này hoàn toàn không nằm trong danh sách những cuốn tôi dự định đọc trong tháng 1. Tuy nhiên do 1 hôm tò mò đọc thử khuyến học, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ tầm nhìn xa của tác giả nên muốn tìm hiểu thêm cuộc đời ông và lịch sử nước Nhật giai đoạn này, vì vậy tôi lập tức tìm đọc "Phúc ông tự truyện". Hiện rõ qua tác phẩm là hình ảnh 1 Yukichi Fukuzawa ngang tàng, chính trực, biết định hướng, tự do trong tư tưởng và luôn tin vào bản thân mình.

    Yukichi Fukuzawa ngang tàng
    Nghịch như quỷ, phá làng phá xóm, chắc chắn những từ này không sai khi nói về giai đoạn học sinh ở Osaka của tác giả. Đọc những dòng tác giả viết về chuyện cả lũ kéo nhau đi rượu chè phá phách, ném đồ chảy máu đầu người lạ, bày trò đánh nhau, kéo nhau cãi lý khi cảm thấy bị coi thường, tôi thấy cuộc đời học sinh ngắn ngủi của tác giả (tầm 3, 4 năm) dài như cả thập kỷ vậy. Có lẽ giai đoạn tuổi trẻ ngang tàng đã tôi luyện nên 1 Yukichi Fukuzawa bản lĩnh để đương đầu với bao nhiêu bão táp cuộc đời về sau.

    Chuyện định hướng của Yukichi Fukuzawa
    Tác giả là người có định hướng rất tốt. Nói rõ hơn, tác giả là người biết định hướng và tin tưởng dứt khoát vào định hướng của mình. Năm 18 tuổi, ông định học về súng thuật, và đã có định hướng rằng: muốn học tới nơi tới chốn, phải đọc sách gốc mới bắt bắt được tinh hoa, tư tưởng của nó, vì vậy ông học tiếng Hà Lan. Rồi khi ông thấy nhiều người nước ngoài tới Nhật Bản là dân Anh, Mỹ, Pháp, ông quyết tâm bỏ Hà Lan học để tự học tiếng anh. Không thầy, chỉ 1 cuốn ngữ pháp, không từ điển, vậy mà ông vẫn xoay xở đến mức 1 năm sau có thể theo tàu sang Hoa Kỳ. Tác giả không hề nhấn mạnh chuyện định hướng của ông, nhưng nếu tinh ý, thì bạn sẽ thấy tác giả định hướng và chuyên tâm tốt như thế nào.

    Tự do trong tư tưởng
    Càng về cuối tác phẩm, tác giả càng thiên về việc thể hiện tư tưởng của mình hơn là kể chuyện. Tác giả là người có lối sống khá thú vị: không ra làm quan, sống cuộc đời vừa phải, không ham mê giàu sang hay quyền lực. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có lối suy nghĩ rất độc lập và tự do. Nghĩ tới ngày nay, truyền thông đang hàng ngày hàng giờ ra rả về "hình-mẫu-cho-thanh-niên" là những con người giàu có, hướng ngoại, giao thiệp rộng. Không, đéo phải, dĩ nhiên rồi. Thời kỳ lạc hậu thế kỷ 19 mà tác giả vẫn biết tự tìm và lựa chọn 1 lối đi riêng, đủ để thấy bản lĩnh và nét đẹp về sự tự do trong tư tưởng của ông.

    Về cuốn Khuyến học
    Một điểm mà tôi không ngờ tới là tác giả không hề nhắc tới cuốn Khuyến học trong tự truyện của mình. Tác giả có nhắc qua 1 tác phẩm khác là "Tây dương ký sự", vài tờ báo in, nhưng hoàn toàn không đả động gì tới cuốn Khuyến học. Có chút giật mình, check lại thời gian thì cuốn "Khuyến học" ra đời khá sớm, và sau hơn 20 năm cuốn "Phúc ông tự truyện" này mới ra đời. Như vậy, thật sự việc không nhắc tới cuốn khuyến học là dấu hỏi rất lớn. Tôi đồ rằng phần tác giả tự mua giấy, kiếm thợ để in sách chính là để in quyển khuyến học mà ra. Về số lượng in, tôi có check lại 1 số tài liệu thì họ cũng ghi bản đầu tiên in được 200,000 cuốn, và in tổng cộng khoảng 3,400,000 trong thời gian tác giả còn sống. Có lẽ tác giả tự cho rằng tư tưởng trong quyển sách cũng chỉ sàng sàng như tư tưởng trong các cuốn khác, nên không đặc biệt nhắc tới chăng?

    Lẽ tất nhiên, tác giả không phải là thánh nhân, bạn sẽ bất đồng ý kiến với ông trong rất nhiều chuyện. Thuở còn trẻ, ông cũng là con người không hề vẹn toàn, nếu tôi gặp hẳn có lẽ tôi sẽ xếp ông vào loại phá phách. Ngay cả như khuyến học, vẫn có rất nhiều điểm thiếu sót. Nhưng như lời 1 nhà văn từng nói, đại ý: Khi nói về một con người, nên nhắc đến tầm cao mà họ đã đạt được, chứ không phải hố sâu mà họ đã có lúc rơi vào; càng hiểu rõ về cuộc đời ông, tư tưởng của ông, chúng ta càng rút ra được những bài học cho bản thân mình.

    Tựu trung lại, đây là cuốn sách nói về tư tưởng của Yukichi Fukuzawa và những điều tạo nên tư tưởng ấy. Tuy cả đời ông chống lại Hán học, nhưng tinh thần cốt cách của ông chính là kiểu mẫu: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất".
     
  2. chelsky_ngoann

    chelsky_ngoann Lớp 4

    Đây là một trong những cuốn mà mình đọc đi đọc lại nhiều nhất. Mình chỉ tình cờ mua cuốn sách hồi nó mới xuất bản, thậm chí mình còn chưa đọc (và cũng không có ý định đọc) Khuyến Học. Cuốn sách giản dị với giọng văn tự sự, thong dong kể những mẩu chuyện nhỏ trong đời tác giả. Mình thích vẻ mộc mạc chân thành trong đó, mỗi lần đọc đều như được trò chuyện trực tiếp với ông vậy.

    Mình đã đọc như một người đồng hành với ông suốt những quãng đường mà ông đi qua, từ khi còn nhỏ đến về già. Với mình cuốn sách như một người bạn vong niên.
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này